Thứ Sáu, 26 tháng 6, 2015

Con rùa nói lên lời



 Tấn Nghĩa



Chuyện tiền thân Kachapa (chuyện số 215, phẩmĐám cỏ thơm [biranatthambahaka]) nói về cái hại của việc nói nhiều.

Chuyện kể rằng:

Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba- la-nại, Bồ-tát sanh ra trong gia đình một đại thần; lớn lên, ngài trở thành vị cố vấn của vua về thánh sự và thế sự. Nhưng vua có tánh nói nhiều. Khi vua nói, không ai cơ hội xen vào. Và Bồ-tát muốn ngăn chặn vua nói nhiều, nên cố tìm một cơ hội.

“Nói” là hành vi cơ bản của con người. Hành vi này xuất phát từ việc phát âm những ngôn từ trong suy nghĩ và dùng để truyền đạt các ý nghĩ từ cá nhân này đến cá nhân khác. Nếu xét về mặt mục đích, khi bàn về việc“nói”, người ta không chỉ đề cập đến hành vi phát âm theo một ngôn ngữ nào đó mà có thể chỉ chung cho các cách truyền đạt bằng ngôn từ. Chẳng hạn, viết sách là một cách “nói”, chat trên mạng cũng là một cách “nói”. Ngày nay, việc thanh thiếu niên nghiện lướtweb, chơi facebook cũng ở dạng “nói nhiều” mặc dù họ chỉ bấm phím hay kéo chuột. Ngoài ra, mọi người còn có các cuộc “độc thoại”trong đầu mình, đó cũng là hành vi “nói”. Hành vi này có đặc điểm là chẳng cần có đối tượng để truyền đạt thông tin, chỉ cần “một mình mình biết, một mình mình hay”.

Lúc bấy giờ, trong khu vực Tuyết Sơn, một con rùa sống ở một hồ nước. Hai con ngỗng trời trẻ đi tìm mồi, đến kết thân với con rùa ấy. Dần dần, chúng trở thành rất thân thiết. Một hôm ngỗng trời con nói với rùa:

– Này bác rùa, chỗ chúng tôi ở tại Tuyết Sơn, trên cao nguyên núi Cittakùta, trong một cái hang bằng vàng, trú xứ rất đẹp. Hãy đi với chúng tôi nhé!

– Làm sao tôi đi được?

– Chúng tôi sẽ đưa bác đi, nếu bác có thể giữ gìn cái miệng của bác và đừng nói một điều gì hết.

– Ðược, tôi sẽ giữ gìn. Hãy đem tôi đi.

Chúng chấp thuận,bảo con rùa ngậm một cây gậy, còn chúng cắn vào hai đầu gậy, rồi bay lên hư không.

Yêu cầu của hai con ngỗng trời là con rùa phải ngậm miệng, nghĩa là không được nói bằng cách phát âm. Con rùa cảm thấy điều này cũng dễ nên đồng ý ngay. Thật ra, việc này rất khó. Nếu ai thực hành “tịnh khẩu”, im lặng trong một thời gian sẽ thấy việc này hoàn toàn không dễ dàng.

Bọn trẻ con trong làng thấy con rùa được các con ngỗng trời trẻ đưa đi như vậy, liền la lên:

– Hai con ngỗng trời mang con rùa lên cái gậy!

Con rùa muốn nói lên: Nếu bạn ta đưa ta đi thì có can hệ gì đến các ngươi, đồ vô loại kia?

Chắc là bọn trẻ con chỉ trỏ lên con rùa, có thể có đứa rắn mắt còn ném đá hay bắn sỏi… Các câu reo hò của bọn trẻ làm cho con rùa bực mình. Nó thầm nghĩ trong đầu: nếu bạn ta đưa ta đi thì có can hệ gì đến các ngươi, đồ vô loại kia. Các ý nghĩ này chính là “lời nói”, mặc dù nó chưa được phát âm ra. Lỗi của lời nói có bốn loại. Loại đầu tiên là nói dối. Loại thứ hai là nói ác. Loại thứ ba là nói lời gây chia rẽ. Loại thứ tư là nói chuyện phiếm hay nói lời vô ích. Con rùa khi nghĩ trong đầu “nếu bạn ta đưa ta đi thì có can hệ gì đến các ngươi” là đang phạm vào lỗi nói lời vô ích. Còn việc mắng thầm lũ trẻ “đồ vô loại kia” phạm vào lỗi nói ác. Một người vi phạm điều khoản không nói lời vô ích nếu có đủ hai phần:

– Có ý muốn nói lời vô ích.

– Đã nói những chuyện vô ích.

Lời nói vô ích là lời nói không đem lại lợi ích gì cho bản thân và cho người khác.

Đức Phật dạy: “Này các Tỷ-kheo, đối với các thầy, khi gặp mặt nhau có hai việc nên làm là: nói về việc tự điều chỉnh hay nên im lặng như các bậc thánh”. Nói lời vô ích gồm cả việc bàn tán những tin tức trên báo chí, tivi, radio, internet khi nó không dính dáng tới bản thân mình và mình cũng không có khả năng gây một tác động nào làm biến chuyển tình hình ấy. Một số lời nói vô ích cụ thể gồm các chuyện tầm phào về: Vua, Chủ tịch, Tổng thống, Quan chức, Chính phủ, Trộm cướp, Quân đội, Tai họa, Chiến tranh, Cơm gạo, Đồ uống, Vải vóc, quần áo, Loại hoa, vòng hoa, Chỗ ở, chỗ nằm, Mùi thơm, dầu thơm, Bà con, dòng họ, Xe cộ, Xóm làng, Quận huyện, Thành phố, Vùng quê, Đàn bà, Đàn ông, Chàng trai, Cô gái, Các cuộc đấu bóng đá, Thể thao, Sự can đảm, Đường sá, Bến nước, Bà con quá cố, Nhảm nhí, Sự tạo thiên lập địa, Số phận, luân hồi, Đại dương, Rừng, núi, Sông, biển…

Nói lời vô ích gồm cả việc không thực hiện những lời đã hứa hoặc việc đặt kế hoạch lớn lao rồi không tiến hành, không theo dõi để cho kế hoạch hoàn thành. Hiện tượng này xảy ra trong các hội nghị, khi mà người ta thảo luận các sự kiện và các giải pháp không có thực tế làm nền tảng: nhiều người đều biết như vậy nhưng vẫn tham gia phát biểu. Sự nói lời vô ích cũng bao gồm các cuộc tự thoại trong đầu vào mọi lúc, từ lúc thức dậy tới lúc đi ngủ và ngay cả trong giấc mơ. Cách điều chỉnh chính là giữ im lặng (với các câu chuyện bên ngoài) và thực tập một hình thức làm ổn định suy nghĩ (tự thoại bên trong).

Những người phạm lỗi nói lời vô ích cũng bao gồm cả những người làm nghề sáng tác văn học, kịch bản, những người diễn kịch, đóng phim… với các nội dung phục vụ sự tranh đoạt, bạo lực, tình dục, vì họ làm cho người khác tiêu khiển, say mê mà không đem lại ý thức tự điều chỉnh cho người khác.

Trong khi ấy, hai con ngỗng trời đã bay mau đến khoảng trên cung điện vua trong thành Ba-la-nại. Con rùa vừa nhả cây gậy định nói, liền rơi xuống trong sân trống và bị vỡ làm hai.

Con rùa đã nói thầm trong đầu từ trước. Theo quán tính, các câu nói thầm đó sẽ được phát âm ra để cho đối phương biết. Khi mở miệng, con rùa bị rơi xuống vỡ làm đôi. Đấy là hậu quả thấy ngay của việc không giữ gìn lời nói. Lỗi lời nói vô ích là lỗi nhẹ nhưng nó lại được tích lũy thường xuyên và có khuynh hướng phát triển thành một loại bệnh: nghiện nói. Do đó, lỗi nói lời vô ích cũng dẫn đến những hậu quả nặng. Nếu hậu quả nhẹ cũng là:

– Nhiều người không tin lời tâm huyết mà mình nói.

– Nhiều người không có cảm tình với mình.

– Không được kính trọng.

– Không thể nói cho người khác tin.

– Nghèo khổ.

– Không có quyền lực.

– Suy nghĩ không sâu.

Trở lại với câu chuyện, khi thấy con rùa rơi xuống sân thì tiếng ồn ào nổi lên. Chuyện kể tiếp:

Vua đem theo Bồ-tát cùng với các đại thần vây quanh, đi đến chỗ ấy, thấy con rùa, hỏi Bồ-tát:

– Này bậc Hiền trí, vì sao con rùa này rơi xuống?

Bồ-tát suy nghĩ: ‘Chờ đợi đã lâu, ta muốn giáo huấn vua và đang tìm một phương tiện. Nay thời cơ đã đến. Chắc con rùa này kết thân với những con thiên nga, được chúng đưa đi đến Tuyết Sơn. Chúng bảo rùa ngậm cây gậy và đưa nó đi giữa hư không, rồi có lẽ con rùa nghe lời ai đó nói, không thể giữ gìn cái miệng, nó muốn nói nên nhả cái gậy ra, liền rơi từ hư không xuống như vậy, và đi đến chỗ chết’. Và Bồ-tát thưa với vua:

– Thưa Ðại vương, những ai lắm mồm miệng, nói không dừng nghỉ, đều phải gặp tai họa như vậy. Rồi Bồ-tát đọc bài kệ này:

Con rùa nói lên lời, Lời nói tự hại mình,

Tuy khéo ngậm cái gậy, Mở miệng tự sát hại. Hãy thấy rõ điều này, Bậc Nhân chủ vĩ đại, Hãy nói lên vừa phải, Cẩn thận nói đúng thời. Kẻ nào nói nhiều lời, Như con rùa gặp nạn.

Lời nói thiện là lời nói lợi mình, lợi người, lợi cho môi trường. Nó có các đặc tính:

– Không phạm vào bốn lỗi của lời nói (dối, ác, chia rẽ, vô ích).

– Nói đúng thời điểm.

– Nói lời hòa dịu.

– Nói lời có lợi ích.

– Nói lời thông cảm thương xót (từ bi).

Trong kinh Vương tử Vô Úy (kinh số 58 thuộc Trung Bộ), Đức Phật phân tích rõ các trường hợp nên nói hoặc không nên nói; trong đó có bốn trường hợp không nên nói và hai trường hợp nên nói.

Bốn trường hợp không nên nói, theo Đức Phật dạy, có thể được diễn giải như sau:
Điều tự thân mình biết là không chân thật, không đem lại lợi ích, và khiến người nghe không ưa thích.
Điều tự thân mình biết là chân thật nhưng không đem lại lợi ích và khiến người nghe không ưa thích.
Điều tự thân mình biết là không chân thật cũng không đem lại lợi ích, mặc dù khiến người nghe ưa thích.
Điều tự thân mình biết là chân thật nhưng không đem lại lợi ích, mặc dù lời nói ấy khiến người nghe ưa thích.

Chỉ có hai trường hợp nên nói là:
Điều chân thật và đem lại lợi ích, mặc dù người nghe không hài lòng. Điều này cần phải nói đúng nơi, đúng lúc.
Điều chân thật, đem lại lợi ích, người nghe hài lòng. Vua biết Bồ-tát vì mình kể chuyện này, nói rằng: Thưa bậc Hiền trí, có phải vì tôi mà bậc Hiền trí nói? Bồ-tát trình bày rõ ràng và trả lời: Đại vương hay người khác nếu nói quá nhiều đều gặp nạn như vậy. Nhà vua từ đấy trở đi từ bỏ tánh nói nhiều và trở thành người ít nói. ■

Bài thơ gửi những người đồng bào ở hải ngoại




Hãy một lần về lại với quê hương
Vui cùng nhau trên khắp mọi nẻo đường
Oán thù xưa như bụi, gió, như sương
Ta chuyển hoá, mang tình thương hàn gắn,

Hãy để tay anh, lên trái tim tôi nóng chảy
Để anh hiểu nỗi, tình dân tộc cay cay
Dù ai đã lỡ, làm những điều sai quấy
Xin hãy về đây, nơi Tổ Quốc sum vầy,

Tôi vẫn thương anh, người đồng bào nơi ấy
Phút lạc lòng, đời ai chẳng từng sai ?
Nhưng thôi hãy, ôm chầm nhau, dừng lại
Để ta cùng nhau, bước tiếp giấc mộng dài ...

Chỉ có đồng bào mới mãi thương nhau
Chỉ có đồng bào mới dám chết vì nhau
Khi quê hương chẳng còn nơi nương náu !
Khi lũ ngoại bang, tắm máu đồng bào !

Chỉ có đồng bào mới nhường nhau mạng sống
Chỉ có đồng bào mới chung tiếng khóc ròng
Chỉ Tổ Quốc nơi cùng chung giọng nói !
Chung từng câu hò, điệu lý, ánh trăng trôi
Chung câu ca dao, tục ngữ, tấm thân còi
Chỉ nơi đó, tâm hồn ta vẫy gọi

Lá vàng kia, ngày mai sau, còn biết rơi về cội
Chẳng lý nào, ta để hồn mình, nghìn kiếp đơn côi …
Chẳng lý nào, ta để hồn mình, mãi lạc loài thổn thức !

“Dân tộc Việt Nam là một, đất nước Việt Nam là một.
Sông có thể cạn ! Núi có thể mòn !
Song chân lý ấy không bao giờ thay đổi! ” (Hồ Chí Minh)




Nguyễn Ái Dân

Hãy cho nhau tình yêu


Hãy cho nhau tình yêu, cho một lẩn mùa Xuân nào trở lại
Hãy cho nhau tình yêu, cho ước mơ nở trên ngàn tuổi dại
Cuộc đời này còn đó những vết thương đời phận người u tồi
Cuộc đời này còn đây những dấu hoang tàn, tủi hờn trên môi…


Hãy cho nhau tình yêu, cho cuộc đời còn xanh hương cỏ lạ
Hãy cho nhau tỉnh yêu, cho tóc xanh còn thơm mùi nắng hạ
Cuộc đời này còn đó những đóa môi hồng thở lởi ân ái
Cuộc đời này còn đây những trái tim đầy tình thương chứa chan


Xin cho nhau thiên đường còn xanh trong mắt ngây thơ
Tình mềm trong mắt hay trên những nụ cười
Đời người phiêu lãng như ngàn mây vẫn trôi
Xin cho nhau một đời, cho hạnh phúc sẽ khơi nguồn trong tôi


Hãy cho nhau tình yêu, cho lửa tình thiêu đốt thân phận buồn
Hãy cho nhau tình yêu, cho trái tim còn vang ngàn tiếng đời
Dù loài người đã vắng những tiếng yêu đầu thuở trời yên vui
Rồi một ngày người sẽ có lúc quay về dựng đời bão lên.

Trò Hề Dân Chủ Dưới Chiêu Bài Lật Đổ Chính Quyền



Cũng như mọi đề tài xã hội, đề tài lật đổ một chính phủ có rất nhiều ý kiến khác nhau. Trong bài viết này tôi chỉ trình bầy nhận định của cá nhân tôi, hy vọng quý độc giả tham khảo thêm những quan điểm khác.
Lật đổ một chính quyền cũng gần giống như thay đổi cầu thủ trong một trận đá banh, điều khác biệt duy nhất là trong bóng đá khi thay đổi cầu thủ chúng ta biết ngay cầu thủ vào sân sẽ là: Hậu vệ, trung phong hay tiền đạo, còn trong chính phủ thường chúng ta không biết được người được thay đổi sẽ giữ vị trí nào: Thân Mỹ, Nga … và ai là người “huấn luyện viên” chiụ trách nhiệm cho việc thay người này thì càng khó nhận biết hơn nữa, có khi chúng ta chỉ có thể dựa trên những sự kiện để kết luận mà hoàn toàn không có bằng chứng chắc chắn 100%.
Để hiểu rõ vấn đề tôi xin đơn cử vài ví dụ: Dễ thấy nhất với người Việt Nam là cuộc đảo chánh chính phủ Ngô Đình Diệm, ban đầu chúng ta chỉ biết cuộc đảo chánh này đứng đầu là một số tướng lãnh lúc bấy giờ vì bất bình những đường lối cũng như chính sách của gia đình họ Ngô. Nhưng về sau chúng ta được biết thêm ngườì chủ mưu thật sự đứng sau cuộc đảo chánh này là chính phủ USA và CIA (Sự kiện này tôi không cần đưa ra bằng chứng vì có qua nhiều sách báo đã viết.).

Mới đây nhất là cuộc đảo chánh tại Ukraina vào năm 2014. Chính quyền Wiktor Fedorowytsch được thay thế bằng chính quyền của Petro Oleksiyovych Poroshenko. Phần đông chúng ta sẽ cho rằng cuộc thay đổi chính quyền đó là do nhân dân Ukraina làm cách mạng vùng lên lật đổ một chế độ độc tài thối nát...( với đa số người Việt Nam sẽ hỏi thằng đó là thằng nào – Ukraina ở đâu – rỗi hơi chuyện Việt Nam không lo – lo chuyện Ukraina....).
Trước khi đi sâu vào đề tài Ukraina tôi muốn định nghiã thế nào là lật đổ chính quyền: Lật đổ chính quyền hay còn gọi là đảo chánh – không đơn thuần chỉ thay vị tổng thống này bằng vị tổng thống khác. Một yếu tố quan trọng mà phân đông các cuộc lật đổ chính quyên (đảo chánh) trong gian đoạn này (cận sử) đó là những thế lực “bên ngoài” đóng vai trò quyết định, với hy vọng qua việc đảo chánh sẽ thay đổi cục diện bàn cở chính trị tại nơi xẩy ra đảo chánh hòng có lợi cho chúng.
Tại Ukraina: Yanukovych được thay thế bằng Poroschenko, trong bóng đa thì đơn giản chúng ta co thể biết ngay vai trò của cầu thủ được thay vào trân. Nhưng trên bàn cờ chính trị thế giớ việc nhận định vai trò của cầu thủ mới sẽ phức tạp hơn nhiều. Và được các nhà bình luận chính trị tranh cãi không hoàn toàn thống nhất vị trí của người được thay, trong trường hợp Ukraina cũng vậy. Nhưng ít nhất họ thống nhất vơi nhau: Yanukovych là một người thân Nga, ông ta không muốn Ukraina gia nhập liên minh Châu Âu. Còn Poroschenko là một người “bạn” của USA, ông ta muốn Ukraina tham gia khối Nato. Chỉ cần phân tích một ít chúng ta cũng thấy sự thay đổi này đã làm cục diện ván bài thay đổi hoàn toàn.
Đi sâu hơn nữa tôi mượn lời tuyên bố của cưu nhân viên CIA Ray McGoven tại Berlin vào 09.2014: “ Không có gì để hoài nghi nữa: Đây là một cuộc đảo chánh được tài chợ bởi phưong Tây”. Ở đây phương Tây nghiã là những nước trong khôi Nato dưới sự lãnh đạo của USA. ( Ray McGoven làm việc nhiều năm cho CIA và là người phân tích tình hình soạn thảo tin tức hàng ngày cho tổng thống. Nói cách khác ông ta là người nắm khá rõ tình hình chính trị thế giới).
Chỉ ba ngày sau khi Poroschenko nhậm chức, ông ta lập tức tuyên bố trong cuộc họp báo khi phong viên hỏi: Ông có muốn gia nhập khối Nato không? - Poroschenko trả lời rằng:”Hiện tại trong nước chưa được đại đa sô đồng ý cho việc này. Nhưng chúng ta cần liên kết đồng minh với USA và khôi liên minh Châu Âu để bảo đảm an toàn cho Ukraina ngay cả trong lãnh vực quân sự. Tôi, với cương vị là tổng thống đồng ý và làm mọi cách để có được các mối liên minh này và sẽ bắt đầu làm việc này ngay lập tức.” ( 05.2014 trả lời phóng vấn với toà báo Bild của Đức).
Khi nói về nguyên nhân đảo chánh tại Ukraina chúng ta không thể không nhắc tới hiệp ước “Ukraine–European Union relations” được ký kết vào 09.09.2008. Nhưng vào 09.2013 Yanukovych và EU không đi tơi được thoả hiệp chung, nói tom lại: Hiêp ước giữa Eu và Ukraina đã diễn ra không thành công. Đây không chỉ đơn thuần là một thoả hiệp giữa Ukraina và liên minh Châu Âu về kinh tế mà còn cả về quân sự. Chúng ta thấy rõ hơn phần nào của sự việc, một mặt “phương tây” muốn Ukraina gia nhập khối Nato mặt khác qua thoả hiêp “Ukraine–European Union relations” khối EU muốn can thiệp quân sự trực tiếp vào Ukraina. Dĩ nhiên việc làm này sẽ không được sự đồng ý của Liên Xô. Như Gabriede Krone Schmalz, cựu đại diện đài truyền hình ARD (Đức) tại Liên xô có nói: “Vào thời điểm ban đầu của cuộc khủng hoản Ukraina thì ai cũng nhắc tơi hiệp định giữ Ukraina và Eu, ....nhưng không ai nhắc tới điều 7 nói về liên minh quân sự của hiệp định này....chúng ta những nhà báo đúng ra phải thông tin về điều này vì chính hiệp định này đã làm chia rẽ Ukraina”.



Ở đây tôi đồng ý với bà Gabriede một nửa, bà lên án phóng viên không làm hết trách nhiệm ( đạo đức ) nghề ghiệp của họ. Nhưng phần lớn phong viên của các phương tiện truyền thông chính quy ngày hôm nay đều như vậy, họ viết theo đơn đặt hàng hoặc viết vừa lòng toà soạn ...điều này chắc chắn không lạ lùng với bà, đúng ra câu hỏi ta nên đặt ra là cách tiếp nhận thông tin của chúng ta như thế nào? Phần lớn chúng ta tiếp nhận thông tin rất thụ động, chúng ta ngồi chờ sẵn để họ rót những tin tức vào chúng ta nhưng hầu hết mặc định những điều họ nói là đúng không hề chất vấn hay kiểm chứng. Nếu chúng ta kiểm chứng cách đón nhận thông tin của chúng ta bằng cách nghi lại những thông tin sau khi coi tin bản tin đầu giờ thì sẽ hiểu. Hầu hết sẽ chỉ nghi lại được: Ngày mai trời mưa, nắng... nhiều hơn nữa là đội FC Bayern München thắng. Muốn thấy rõ hơn nữa thì chúng ta thử viết lại hôm qua có những thông tin gì? Câu trả lời sẽ là: Hơi đâu mà nhớ! Chúng ta không thể mong mỏi những tên vô đạo đức tự thay đổi để chúng ta “hạnh phúc” hơn. Vì vậy trước tiên chúng ta phải thay đổi cách tiếp nhận thông tin, chúng ta phải chủ động tìm kiếm thông tin – với kỹ thuật điện toán ngày hôm nay cho phép mỗi chúng ta làm việc này một cách dễ dàng. Cũng là tiếp nhận thông tin nhưng nếu chúng ta chủ động tìm kiếm thông tin sẽ hoàn toàn khác với thụ động đón nhận thông tin người khác mớm cho chúng ta.

Câu hỏi được đặt ra: EU đã đóng vai trò như thê nào trong cuộc chiên tranh hiện nay tai Ukraina? Có phải chính EU là một trong những nguyên nhân chính gây ra cuộc chiến hiện nay tại Ukraina qua hiêp định “Ukraine–European Union relations”? Câu trả lời này chắc rằng không ai dám khẳng định, cá nhân tôi cũng không ngoại lệ. Ngoài ra tôi muốn bô xung thêm là thoả hiệp “Ukraine–European Union relations” được Poroschenko ký vào tháng 09.2014.
Tôi xin mượn lời nhận định của một nhà nghiên cứu chính trị Canada Ivan Katschnoski thay cho lời kết về Ukraine: “ Cuộc thảm sát vào ngày 20.01... là yếu tố quyết định cho việc lật đổ một chính quyền tham nhũng nhưng được nguời dân bầu lên...”
Tiếp tục tôi muốn nhắc tới cuộc đảo chánh chính được bầu dân chủ do Mossadegh lãnh đạo (08.1953). Cuộc đảo chánh này được lãnh đạo bởi CIA và cơ quan tình báo Anh M16. Chỉ vì ông ta muốn quốc hữu hoá các mỏ dầu, mà hầu như toàn bô các mỏ dầu lúc này nằm trong tay đại tâp đoàn BP (British Petroleum). Fazlollah Zahedi người lên thay thế cho Mossadegh đã làm gì sau khi năm chính quyển? Tất nhiên sẽ thu hồi luật quốc hữu hóa mỏ dầu lại.Và lẽ tất nhiên sau cuộc đảo chánh thì USA và Anh Quốc đã chia nhau “chiến lợi phẩm”(có thể là năm mươi năm mươi ) - đó là chuyện hiển nhiên chiến lợi phẩm được chia đều cho kẻ cướp- Nhưng dù sao 50 năm sau thì Mỹ cũng xin lỗi Iran ( dù hơi muộn nhưng có còn hơn không) qua lời phát biểu của cựu bộ trưởng bộ ngoại giao Mỹ Madeleine K. Albright: “ Thật dễ hiểu khi nhiều người Iran căm phẫn với hành động USA xâm nhập vào nội bộ của họ” (16.04.200). ( tham khảo thêm Operation Ajax -TPAJAX )
Ôn lại sự kiện: Yanukovych không muốn tham gia khối Nato và không đạt được tiếng nói chung trong hiệp định “Ukraine–European Union relations” Poroschenko lên muốn vào khối Nato – ký liền hiệp định “Ukraine–European Union relations”. Mossadegh quốc hữu hoa mỏ dầu – Fazlollah lên thu lại luật quốc hữu hoá mỏ dầu.
Tiếp tới là cuộc đảo tại Guatemala, một nước nhỏ nặm tại Trung Mỹ. Vào năm 1954 chính phủ của tổng thống Jacobo Arbenz bị lật đổ. Chỉ vì ông ta ra đạo luật: Mỗi người chỉ được làm chủ nhiều nhất 270 hetar đất những ai có hơn sẽ bị tịch thu và đền bù. Để chia đất cho những người nông dân không có đất, giải quyết nạn thất nghiệp tại đây. Vì qua đó ít nhất nông dân có thểít nhất tự lo cho mình. Việc làm này dĩ nhiên làm cho đại công ty United Fruit Company của USA ( ngày hôm nay tên la Chicita) không đồng ý vì họ làm chủ rất nhiều đồn điền chuôi tại đây. Thế là CIA đã lật đổ chính phủ Guatemala vào năm 1954, những kẻ chủ mưu trong cuộc đảo chánh này là cựu Bộ Trưởng Ngoại Giao John Foster Dulles và Tổng Thống Eisenhower. Thay vào đó là Castillo Armas và liền sau đó ông ta thu hồi đạo luật quy hoạch đất đai. (tham khảo thêm OPERATION PBSUCCESS the United States and Guatemala 1952-1954 )
Rồi năm 1962 Cuba, Mỹ muốn Fidelcastro phải bị lật đổ, kết quả là Cuba bị tân công qua sự kiện vịnh Con Heo dưới sự lãnh đạo của CIA, tuy kế hoạch đảo chánh này không thành công nhưng tôi muốn nhắc lại nó vì trong sự kiện Cuba chúng ta có bằng chứng trên văn bản việc chính phủ Mỹ âm mưu giết hại chính người dân mình để hợp thức hoá tấn công Cuba, lật đổ Fidelcastro đó là kế hoạch “Operation Northwoods” : “We coutld develop a Communist Cuban terro campaign in the Miami area....”.

Chilê năm 1971, tại đây chúng ta có chính phủ của tổng thống Savador Allende, ông là một bác sĩ, được bầu làm tổng thống theo phương thức dân chủ vào năm 1971. Chỉ vì ông ta “dám” thân với Fidelcastro, điều này làm phật ý Henry Kissinger cũng như Nixon, đã quyết định đảo chánh lật đổ Savador. Vào 11.09.1973 dinh tổng thống Chile bị đánh bom, Savador nhìn thấy tình hình vô phương cứu chữa, việc này đã đưa đến quyết định tự tử của ông ta trong cùng ngày. Thay thế cho Savador là Pinochet. Một tên độc tài gian ác, theo số liệu hôm nay của Chile công bố thì Pinochet đã giết khoảng trên dưới 3200 người cũng như có trên 38.000 vụ tra tân dã man người Chile. Nhưng Pinochet là người “bạn tốt” của USA và được USA giúp đỡ – ủng hộ trong việc lật đỏ một chính phủ được bâu dân bầu lên. Quá đó chúng ta thấy rõ hơn chính phủ đó như thế nào (dân chủ-độc tài ...) nếu không làm theo ý USA thì sẽ bị USA tìm mọi cách để lật đổ.
Có thể quy độc giả đang nói tôi “bới lông tìm vết” hoặc hỏi còn chuyện đảo chánh lật đổ chính quyền trong thơi gian gần đây không? Câu trả lời của tôi sẽ là: Bạn ở trên sao hoả trong thời gian qua? Dĩ nhiên là có, vi dụ như: Afganishtan, Cuộc đảo chánh ở đây liên quan trực tiếp tơi sự kiến 09.11 tại USA. Chính phủ USA nói Biladen là người chủ mưu trong sự kiện này ( mặc dù chính FBI không kết tội danh này cho Biladen, và ngoài ra sự kiện 09.11 còn là một đề tài tranh cãi, đặc biệt nhất là tại sao tòa nha WT 7 bị sập mặc dù không bị máy bay đâm vào – quý vị có thể tham khảo thêm về 09.11 trong trang nhà, trong khuôn khổ bài này tôi sẽ không đi sâu vào vấn đề 09.11). Chỉ cần USA nói Biladen đang lẩn trốn tại Afganishtan, thế là chúng kéo quân đến ném bom Afganishtan vào ngày 07.10 có nghiã là chưa đầy 3 tuần sau sự kiện 09.11 thì quân đội USA đã tấn công vào Afganishtan. Vào ngày 11.11.2001 Kabul Mohammed Omar bị lật đổ thay thế vào đó là Hamid Karzai, điều lý thú ở đây là Hamid Karzai được bầu lên tại Bonn một thành phố Đức trong một cuộc hội nghị. Chuyện gì xẩy ra khi tông thống USA được bầu tại Việt Nam? Chăc là vui lắm! Ngày hôm nay Aganishtan không chỉ chìm đắm trong nội chiến mà biến thành một căn cư quân sự của USA và EU. Viết bằng chữ thì quý vị thấy như đang đọc huyền sử – nhưng từ 2001 cho tới hôm nay đã có hơn 220.000 người Aganishtan chết. Nếu bạn có người thân trong số 220.000 người này bạn sẽ nghĩ gì, còn là huyền sử nữa không?


Rồi tới Irag 01.2003 Bush tuyên bố chúng ta phải đánh Irak vì Irag có vũ khí giết người hàng loạt (Chắc chắn trong số những nước có nhiều vũ khí giết người hàng loạt nhất thì USA đứng không nhất thì nhì và hơn thế nữa ngày hôm nay chúng ta biết là Saddam không có vũ khí giết người hàng loạt). Để rồi quân đội USA dội bom – đổ quân vào Irak giết chết Saddam. Thay vào đó là Nouri Al-Maliki, chúng thay một tên độc tài này bằng một thằng độc tài khác. Chỉ vì thằng trước không biết nghe lời của chúng. Kết quả của việc lật đổi chính phủ Sadam là gì? Tính đến nay hơn 1 triệu người chết, Nhiều thành phố của Irak bị nhiễm phóng xạ nặng nề.


Tôi không nhắc tơi những việc làm của Liên Bang Xô Viết trong thời gian Ba Lan, Tiệp Khắc .. còn trong khối liên minh Xô Viết. Vì Liên Xô giải quyết vấn đề rất đơn giản, họ chỉ việc kéo xe tăng của họ đến là xong mọi chuyện không cần nguỵ tạo bằng chứng chính đang hoá hành động của Liên Xô cho mất công.
Qua một loạt dẫn chứng, chúng ta thấy rõ cho dù chính phủ Tây hay Đông – Nam hay Bắc – Mỹ, Anh, Pháp, Đức hay Liên Xô, Trung Quốc, … đều bạo ngược như nhau, đểu lừa bịp người dân. Hệ thống thông tin chính quy chỉ còn là công cụ phục vụ – bao che cho bọn nhà nước. Để tranh giành quyền lực bọn chúng không từ một thủ đoạn nào vì “ Quyền lực có khuynh hương lũng đoạn và quyền lực tuyệt đối tức là lũng đoạn tuyệt đối” ("power tends to corrupt, and absolute power corrupts absolutely" Lord Action ). Như chúng ta thấy hiện tại USA là một nước mạnh nhất nhưng còn có một sức mạnh mạnh hơn cả sức mạnh của USA, đó là nhận thức của quần chúng. Khi nào quần chúng còn cần có một nhà nước cai trị bằng quyền lực chính trị – thì những thảm cảnh tôi nêu trên sẽ mãi còn tiếp diễn và rất có thể sự man rợ sẽ ngày càng tăng.
Chỉ tới khi phần đông con người nhận ra được giá trị thực sự của CON NGƯỜI không phải là sức mạnh, mà chính là NHÂN BẢN thì chúng ta sẽ không còn là công cụ giết nhau phục vụ âm mưu bành trướng quyền lực của một nhóm người nào đó.


Thiên Chương


Nguồn tham khảo:


http://derstandard.at/1376533770386/Operation-Ajax-US-Putsch-im-Iran
http://nsarchive.gwu.edu/NSAEBB/NSAEBB4/
https://www.youtube.com/watch?v=-ZH30_143Jw
https://www.youtube.com/watch?v=22mFeOo3G-s
http://de.euronews.com/2015/04/17/noam-chomsky-die-usa-sind-ein-schurkenstaat-europa-ist-extrem-rassistisch/
http://deu.anarchopedia.org/Noam_Chomsky

Thứ Năm, 25 tháng 6, 2015

Thơ Nguyễn Thị Hoàng Bắc





Cổ Tích


Đôi khi nhớ nhau
Cụm lau phơ phất
Quặn thắt
Bên đường tàu
Máy dầu xình xịch
Đôi khi nhớ thắt
Bỗng nhiên
Cành cây ven rừng
Thò xuống quẹt mặt
Gió thổi phù phù
Qua ô cửa sổ
Đưa hết mặt ra hứng gió
Vết bầm đau
Chuyến tàu xuôi bắc về nam lúc ấy
Rầm rầm
Có hàng lau lâm râm
Có bàn tay gãy khô rồi mọc lại
Ôi trời
Cổ tích
Xa Xăm




NGỌN CỎ



tiếng nước đái
nhỏ giọt
trong bồn cầu tí tách
thứ nước ấm sóng sánh vàng
hổ phách
trong người tôi tuôn ra
phải rồi
tôi là đàn bà
hạng đàn bà đái không qua ngọn cỏ
bây giờ
được ngồi rồi trên bồn cầu chễm chệ
tương lai không chừng tôi sẽ
to con mập phệ
tí tách như mưa
ngọn cỏ gió đùa





Bữa đó



Nỗi bí mật giữa hai hòn đá ù lì
chạm nhau
bất thần xẹt lửa
bí mật giản dị giữ em và anh xa lạ
cầu kỳ
đột nhiên
một bữa

Bữa đó
đất trời ánh sáng
tiếng động lặng im
ngày đêm
xao xuyến
ngân vang nhạc ngựa tất tả đường trường

Bữa đó
lên đường
tóc lòng bay gió mới

Không thệ hải
không dây lòi tói
buộc đời nhau
bằng một chiếc phao

Hỡi phao
hãy đừng trôi
nơi nao.





Ánh chớp


có trái dừa tươi cây rựa cán dài giơ lên
chặt chặt
nước dừa trong suốt vọt
mạch thanh xuân
nhựa con gái
tuôn tràn

chén chè mật đường
vàng hạ óng
hột đậu ván tròn căng nứt mộng chảo đồng

đám núi xanh lơ gần
chiều giông kéo tới
biến ảo lùi xa

thành quách tường hoa
nhatrang dựng đứng dốc ngược vượt lên
mái chùa biến hiện
mây đổ xuôi hình ngoằn ngoèo trôi xa ra biển

khối than hồng treo cao ngụt lửa
hừng hực
bão cát xoáy tròn
mẩu bánh tráng nướng dòn phồng môi thổi

thịt da nhà ga
những chuyến đi xa
chuyến trở về
lần nào nheo mắt nhìn nhatrang cũng mới
bàng hoàng
thành
phơi phới hương càn khôn

mùi phân bò phân ngựa ướp hương
Trần Quí Cáp vàng son
cặn nước mía sủi tăm
ép những cơn khùng thời mới lớn
ruổi xe rông hét lên con đường trống

mộng ước
vói tay
vẽ vời tưởng tượng
đôi cánh chớp lập lòe bay lên
bay lên
nhatrang
ánh chớp lập lòe u ẩn sáng trong đền thờ ngày đêm

trái tim
ôi những ngày chuyển giông
làm sao mưa được.

hãy buông tay em


SÂU LẮNG VÀ MỀM MẠI NHỮNG TRANG THƠ CỦA NỮ THI NHÂN VIỆT NAM



Cầm trên tay hai cuốn sách nặng trĩu “Phái đẹp cuộc đời và cây bút” in tuyển tập thơ, văn của các nhà văn nữ Việt Nam, vì thời gian chỉ có mấy ngày, nên tôi thấy chỉ có thể viết được về phần thơ thôi. Đơn giản là vì thơ ít chữ nhưng lại khó viết, nhất lại là thơ của phái nữ, với thiên tính nhạy cảm, ý nhị và tinh tế…
Vốn là một cán bộ ở một viện nghiên cứu số phận đưa đẩy tôi đến với văn chương, như mắc thói quen nghề nghiệp, tôi đã đến với văn chương không chỉ bằng cảm tính mà bằng cả lý tính, nên về thơ tôi đã luôn đặt câu hỏi “Thế nào là thơ hay?”. Tôi đã tìm câu trả lời từ Chế Lan Viên. Một nhà thơ tài năng hàng đầu và thông thái như Chế Lan Viên, câu thơ như thế nào ông sẽ cho là hay? Trong bài “Nói chuyện thơ đầu xuân” trong cuốn tiểu luận của ông Nghĩ cạnh dòng thơ (Nxb. Văn Học, 1981), Chế Lan Viên đã chọn hai câu của Xuân Diệu: “Ngày hóa bếp hồng em chụm thổi/ Đêm thành lụa tuyết để em thêu” để khen là “văn chương tuyệt vời đẹp đẽ”. Đúng là cách dùng ngôn ngữ hình ảnh tuyệt vời, chỉ một nhà thơ giàu trí tưởng tượng cỡ Xuân Diệu mới có thể viết ra được như thế. Nhưng Chế Lan Viên cũng thích những câu thơ rất thực, không có một chút tưởng tượng nào cả, tôi không nhớ ông nói trực tiếp với tôi hay viết trong một cuốn sách nào đó hai câu: “Tay trồng cây cửu lý hương/ Ba năm hai lá người thương gội đầu”. Như vậy hai câu này hay ở cái ý chứ không phải ở ngôn ngữ. Chàng trai phải yêu cô gái đến như thế nào mới kỳ công bỏ ra cả 3 năm trồng cây để lấy được chỉ có hai cái lá thôi cho người yêu. Còn với ngôn ngữ thơ Chế Lan Viên, tôi từng nói thẳng với ông: “Cháu rất thích cái câu này của chú: “Cánh của cò hai đứa đắp chung đôi”; lấy cánh cò thực đắp đã là lạ rồi còn cánh cò trong câu thơ của chú lại ở tận trong lời ru cơ”. Ông có vẻ khoái chí nói với tôi: “Con Thắm, con Thắm đó”, ý là ông viết về Thắm, cô con gái của ông.
Từ vốn liếng ban đầu đó, đến nay tôi viết cả đã in và chưa in đến vài ngàn trang phê bình rồi, vậy mà hôm nay vẫn cảm thấy bối rối trước những trang thơ của những nữ thi nhân Việt Nam. Biết là thơ chọn bài nào cũng có cái hay nhưng viết phê bình không ai có thể viết hết ra được, nên tôi chỉ có thể viết đôi dòng cảm nhận về những bài thơ, những câu thơ gây cho tôi ấn tượng nhất mà thôi. Để khách quan tôi sẽ bắt chước vòng giấu mặt của cuộc thi hát trên truyền hình, đọc thơ trước rồi mới xem tên tác giả sau.
Nhà thơ Bùi Kim Anh, tác giả đầu tiên của cuốn sách, có bài lục bát “Gánh buồn đem bán chợ vui”. Bài thơ có phong vị ca dao, có chút kịch tính, chị viết về nỗi buồn nhưng lại có nét vui, hóm hỉnh, hài hước. Hai câu kết:

Gánh buồn đem bán chợ vui
Những tưởng ế lại lời ơi là lời

Đọc thật thú vị, nhà thơ thật tinh tế khi chỉ ra trong chuyện tình cảm có những điều phi lý mà có lý. Nỗi buồn của con người, nếu có sự đồng cảm, sẻ chia của người thân, của bạn bè, nó sẽ được hóa giải. Nhà thơ dễ dàng “bán” đi được nỗi buồn của mình và cái “lời ơi là lời” chính là sự vui lây niềm vui của mọi người, nhận được tình cảm của mọi người.
Một nhà phê bình để thẩm định toàn diện và khách quan một bài thơ người ta phải vượt lên trên cảm tính cá nhân, phải thẩm định bằng cả nền tảng tri thức và cái khó hơn là sự trải nghiệm. Nữ thi sĩ Đặng Nguyệt Anh có bài “Rừng Miền Đông và con gái tôi”. Với những người chưa từng trải qua những năm tháng gian khổ và ác liệt trong chiến trường thật khó mà đồng cảm được một cách sâu sắc với tác giả. Tên bài thơ xem chừng chả có thơ mộng gì hết, nhưng tôi với tư cách một người cũng có một năm ở chiến trường thì thật xúc động khi đọc bài thơ. Ngày nay, nhất là ở các đô thị, các bà mẹ trẻ sinh nở được chăm sóc “đến tận răng”, nhưng với Đặng Nguyệt Anh thì:

Rừng Miền Đông
Là nơi chôn nhau cắt rốn của con

Dù vậy không thiếu niềm vui và sự rạng rỡ chào đón một sinh linh mới chào đời:

Chọn một bình minh mùa hạ
Con ra đời
Sáng nay tiếng chim rừng ríu rít
Nắng chan hòa mặt đất
Trời xanh hơn mọi ngày
Bố con mừng cuống quit
Mọi người trong cứ đều vui
Nhưng:
Lần đầu tiên làm mẹ
Nâng niu con trên tay
Hạnh phúc tràn nước mắt
Mẹ lo ngày mai sao đây?

Người mẹ trẻ làm sao không lo cho được khi “Con thì bé bỏng quá chừng!/ nhà lại không phên, không vách/ xung quanh con rất nhiều thế lực”.
Chữ “thế lực” đọc thấy vui mà thật hay, bởi với người mẹ trẻ thì tất cả những gì có thể gây hại cho con, dù to, dù nhỏ, đều là “thế lực” như kẻ thù cả:

Mẹ sợ con rắn độc
Mẹ lo con kiến bọ nhọt
Con rết rừng to hơn ngón chân
Con bò cạp sao mà ác thế
Lũ ve, lũ vắt, muỗi rừng…
Đêm nay
Trời không trăng không sao
Biết đâu lũ biệt kích
Biết đâu giặc lại đi càn
Mẹ sợ cơn mưa rừng
Mẹ thương con đang sốt
Tắc kè bò trên mái trung quân làm mẹ hoảng hốt
Con sóc rung cây mẹ cũng giật mình

Đọc những câu thơ mà muốn khóc lên được. Bài thơ Đặng Nguyệt Anh làm 5/1974 nghĩa là tôi cũng có mặt nơi chị sinh con được 5 tháng, có thể rất gần nữa vì tôi ở Ban Quân huấn, thuộc Quân khu bộ, Quân khu Miền Đông. Bài thơ thực tế chỉ như những trang nhật ký riêng tư nhưng nó lại mang tính biểu tượng nhân văn lớn lao. Thì ra chúng ta đã kiên trì chiến đấu không chỉ bằng gian khổ mà bằng cả tình yêu, trong ác liệt không chỉ có chết chóc mà sự sống vẫn sinh sôi.
Nữ thi sĩ Võ Thị Kim Liên có bài thơ “Trái tim người mẹ” có kết cấu và tình tiết như một truyện ngắn. Bài thơ kể về câu chuyện có một người mẹ có con trai là liệt sĩ:

Ngày anh đi tuổi vừa tròn mười tám
Mũ tai bèo vời vợi vành trăng
Bảy mươi tuổi mắt mờ chân chậm
Khóc chồng con tận đáy đắng cay

Giờ đây mẹ rất mừng khi nhận lại hài cốt của đứa con tưởng đã thất lạc nhưng:

Chợt mẹ thốt lên run rẩy:
-Sao lại mười ngón tay?

Bởi:

Thằng Út chặt dừa mất ngón cái
Bây giờ mẹ vẫn còn đau!

Nghĩa là người mẹ nhận được bộ hài cốt không phải của con mình.
Tưởng được gặp lại con hóa ra lại không phải, giống như mẹ lại mất con một lần nữa, nỗi đau lại nhân đôi. Nhưng rồi lòng vị tha, lòng nhân từ, tình người đã hóa giải tất cả:

Nắng sông Tiền buổi ấy xiêu xiêu
Phù sa đỏ đôi bờ mịn mát
Nén hương thơm và hoa trái ngọt
Cho đứa con không tên thành Út quê nhà!

Và rồi nữ thi sĩ đã nhận ra tấm lòng bao la của một người mẹ, một người mẹ cụ thể nhưng cũng mang dáng vóc của một người mẹ Việt Nam, những Bà mẹ Việt Nam anh hùng:

Tôi sững lặng trước trái tim người mẹ
-Thằng Út nào cũng máu thịt sinh ra!

Có một bài thơ tên là “Nhẫn cỏ”:

Ngón gầy nhẫn cỏ tôi mang
Ấm như có ngón tay chàng chạm tay

Trong muôn vàn sắc thái của tình cảm, có loại tình cảm chỉ biết cho đi mà không cần phải nhận về, lấy hạnh phúc của người mình yêu làm hạnh phúc của mình:

Đã từng yêu rất thiết tha
Vẫn chưa ai khiến lệ sa nghẹn ngào
Dẫu chàng biệt tích nơi nao
Dẫu chàng êm ấm ngọt ngào vợ con…

Đây là tình cảm vị tha chứ không phải vị ngã, ngược với tình yêu ích kỷ. Đây cũng chính là phẩm chất của con người mà Đạo Phật răn dậy người ta tu sửa, cần phải bỏ đi cái chấp ngã mà hướng đến. Nếu đạt được cái tâm thế ấy, người ta sẽ trở thành giầu có nhất trên đời bởi họ coi sự giầu có của thiên hạ là của mình; họ sẽ hạnh phúc nhất vì họ coi hạnh phúc của thiên hạ là của mình. Khi ấy, chiếc nhẫn cỏ cũng hóa thành nhẫn kim cương. Nhưng ai mà lại làm được bài thơ “đẳng cấp” như vậy? Tôi tra tên thì hóa ra của nữ thi sĩ lừng danh Phan Thị Thanh Nhàn. Tôi hơi bị dị ứng với những người quá nổi tiếng vì người ta được nói đến quá nhiều, nên họ không còn gì để mà khám phá nữa. Nhưng với Phan Thị Thanh Nhàn tôi đã lầm. Hai câu thơ như nỗi khao khát của một nửa nhân loại đối với lũ đàn ông hư đốn, một điều không hay ho gì nhưng tiếc là lại là sự thật:

Ước gì yêu được một người
Để đêm không vỡ để ngày chẳng nghiêng


Ước gì cười nói vô tư
Đếm niềm vui của từng giờ bay ngang

(Bài Ước gì)


Là người ai cũng có mẹ, ai cũng lo sợ cái cảnh “Mẹ già như chuối chín cây”, tôi cũng đã phải đau khổ trải qua cái ngày mất mẹ, tôi đã viết lại toàn bộ những gì diễn ra trong đám tang mẹ tôi thành một truyện ngắn, đăng lên đã lấy được không ít nước mắt của bạn đọc, nhất là những người phụ nữ. Con trai mất mẹ đã thế, con gái hiểu mẹ hơn, đồng cảm với mẹ hơn vì cùng có sự trải nghiệm làm mẹ, chắc chắn sự đau khổ của con gái mất mẹ sẽ sâu sắc và thấm thía hơn nhiều. Nữ thi sĩ Phạm Dạ Thủy trong bài Mẹ ơi viết về nỗi đau mất mẹ:

Cho con một cuộc đời hoa
Mẹ giành phận lá úa già tháng năm
Mẹ đau bao nỗi đau thầm
Mẹ vui theo mỗi bước chân con về
Bây giờ mẹ bỏ lại quê
Mảnh vườn đầy gió bộn bề nhớ thương
Bây giờ chiều với mình con
Đơn côi với khúc sông buồn mồ côi
Mẹ về với đất với trời
Buồn vui gởi lại cho đời, mẹ ơi!

Đoàn tụ là một điều thuộc về hạnh phúc của con người nhưng con người trong cuộc sống lại luôn phải chia ly. Chế Lan Viên đã viết hai câu thơ bất tử: “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở/ Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn”. Nữ thi sĩ Tôn Nữ Thu Thủy cũng có bài thơ viết về sự chia ly, chia ly với cha mẹ, với gia đình, với cố đô, thành phố quê hương. Vì tâm trạng chia ly mà chị thấy mưa đã làm “nhòa mắt” cả biển, đến núi non cũng đứng lại “ôm ghì lòng đau”:

Mưa gần ướt đẫm bàn tay
Mưa xa nhòa mắt biển ngày ra đi
Dốc đèo cao mãi chia ly
Núi non đứng lại ôm ghì lòng đau
Hạt nào rơi xuống vườn sau
Rung trong sân trước một mầu xanh xanh
Mái nhà cha mẹ thôi đành
Xa xăm ở giữa nội thành xa xăm

(Bài Mưa qua Hải Vân)


Khi có thiên hướng viết lý luận phê bình, tôi không chỉ đọc những tác phẩm của các nhà lý luận phê bình mà còn, như đã viết ở trên, tôi đọc những trang phê bình của Chế Lan Viên. Các nhà lý luận phê bình có thể rất bài bản nhưng đọc các nhà sáng tác viết phê bình, nhất là cỡ Chế Lan Viên, ta sẽ biết được cái “bí kíp” làm nghề của họ. Chế Lan Viên cho những câu thơ chân thực, tự nhiên cũng có thể hay, nhưng chúng phải là những viên ngọc kết tinh từ môi trường thấm đẫm sự sống; ngược lại có những câu thơ hay do sự sáng tạo độc đáo từ thiên tư, từ năng khiếu của nhà thơ. Những câu thơ này thường giàu hình ảnh từ trí tưởng tượng của nhà thơ. Vi Thùy Linh là nữ nhà thơ trẻ có nhiều cố gắng bứt phá ra khỏi khuôn khổ cũ. Câu thơ “Cài then tiếng khóc em bằng đôi môi anh” là một ví dụ. Có điều tôi bất ngờ trong tập thơ nữ này là không phải cứ trẻ thì mới “quậy” mà nữ thi sĩ Phi Tuyết Ba, người có thể làm mẹ Vi Thùy Linh được, cũng có bài thơ “Người đàn bà ngồi vá bóng đêm” với ngôn ngữ rất độc đáo, sáng tạo, giàu hình ảnh, thể hiện sâu sắc nhất thân phận của người phụ nữ:
Người đàn bà ngồi vá bóng đêm

Chiếc kim trên tay
Chị vá lại đời mình
Vá lại bóng đêm đã hai mươi năm
Rách từng mảnh trống

Những mũi kim cứ vụng về vá víu
Sợi chỉ trên tay rối bời
Đêm chẳng lành hơn
Chỉ có miếng vá nỗi đau này
Chồng lên miếng vá nỗi đau kia
Ngày một dày thêm
Hai mươi năm chị khâu nhẫn nại.

Bộ ngực là bảo vật mà Tạo hóa tạo cho người phụ nữ để nuôi con, đồng thời bộ ngực trinh nữ cũng là biểu tượng của sắc đẹp. Từ bao đời, các nghệ sĩ thuộc các lĩnh vực nghệ thuật văn chương, hội họa, điêu khắc cả Đông Tây, kim cổ trên thế giới đã say mê diễn tả nó mà dường như còn chưa thỏa và có lẽ mãi mãi còn như thế. Chính tôi đây cũng từng viết:

Nhớ buổi chiều năm nao em làm ta lấm áo
Em đã đền nụ cười sáng cả chiều quê
Bộ ngực trinh nguyên đã rung lên dưới lớp áo mờ

Còn nữ thi sĩ Ánh Tuyết đã viết:

Gió bỡn cợt hất tung vạt áo
Em gái má ửng hồng, làm cỏ lúa
Ngực căng tròn, môi mọng như hoa

Riêng mình, nữ thi sĩ cũng rất mạnh bạo, hiện đại thể hiện bản năng dục tính một cách đầy tinh tế, ý nhị:

Lẽ nào chưa hết đàn bà
Bồi hồi ngực áo… làn da phập phồng

Ngại ngùng…e ấp… điệu đàng
Hình như… ta vẫn còn đang đàn bà

Bài viết có lẽ đã quá dài đối với một cuộc hội thảo, còn bao hạt ngọc thi nữ nữa mà tôi không thể nói ra, đành đổ lỗi cho thời gian vậy. Xin chúc các chị, các em trẻ mãi không già, đẹp mãi theo thời gian, làm mãi những vần thơ hay. Xin cảm ơn sự lắng nghe của mọi người!
19-6-2015

ĐÔNG LA

Thứ Tư, 24 tháng 6, 2015

Lan man nghĩ về sự học



Nghiêm Lương Thành


Lười học là sự đáng chê. Thất học là việc đáng buồn. Vô học là sự rất không đáng trọng. Có học mà sự học chưa đến nơi là điều đáng tiếc. Học với định ý “sống chết mặc bay” là cái học của kẻ trọc. Học để cùng bảo nhau thấu hiểu lẽ tự nhiên và đi theo con đường sáng là cái học của người hiền. Học để làm cho cuộc sống vật chất và văn hóa của con người ngày càng đầy đủ và trong trẻo hơn cũng vẫn là cái học của người hiền. Năm Cam, tuy là phạm nhân xã hội màu nhận án tử hình, nhưng có công nâng tầm khái quát về quyền năng bất khả trắc của đồng tiền. “Dân gian” biến ảo khôn lường là chuyên gia phát hiện các loại kẽ hở kỹ thuật, cũng là tác giả thiết kế ra các khe hở, là kỳ nhân bỏ qua giai đoạn học tập tích lũy tri thức, tiến thẳng lên nền văn minh bằng sắc nuôn hồng ngàn tía.

Các bậc tiên nhân bảo: “Người không học khó mà biết và hiểu được lẽ tự nhiên”. Được học mà vẫn không phân biệt được đúng sai, phải quấy rồi làm càn làm bậy vẫn là hạng vô học. Được học và biết được thiên lý mà vẫn nhũng nhiễu, vơ vét, cướp bóc, hà hiếp, chà đạp lên nhân phẩm con người đều bị coi là giặc. Những kẻ bán rẻ đất nước, đồng bào mình cho ngoại bang chỉ cốt cầu lấy sự vinh thân phì gia chính là giặc. Bầy ngoại bang kéo bầy kéo lũ đến xâm lược đương nhiên là giặc. Chống giặc, diệt giặc, chẳng ai thay được người dân. Dân vốn lành. Người lành chỉ làm việc lành. Trừ giặc, vượng quốc là việc rất lành. Nguyễn Trãi và Hồ Chí Minh đều là con em của dân lành.

Ưỡn ngực mà “téno” ra những điều lớn lao cao cả chưa bao giờ được coi là khó; từ vua quan sáng choang đến thứ dân đen đúa, dù trên đại diễn đàn cao thâm huy hoàng hay bên chõng nước chè so dúi úi sùi nơi vỉa hè góc chợ, ai cũng có thể tự mình bốc bùng tỏa sáng. Giặc giã và đại ngôn tùng xòe mang tính hỏa, dân chúng và đại hành thiên lý là dòng chảy lớn cuồn cuộn phù sa. Trong Dịch Học, tượng của lửa ngoài cứng trong rỗng, tượng của nước thì ngược lại. Với tượng của nước: lớp ngoài là phù sa hiền hòa, chủ về nuôi dưỡng, chở che, khuyến khích; phần bên trong dung chứa những khát vọng tự do, công lý, tri thức, tình yêu và năng lực hiện thực hóa những khát khao đó.
*
Kể từ thuở dựng nước, trong khoảng vài chục năm gần đây, chưa bao giờ nước ta có tỷ lệ người xông pha vào nơi trường bút trận nghiên cao đến thế và, cũng chưa bao giờ, nước ta có được số người đạt học vị cao lại đông vui đến thế; đông đến mức ... thấy ngại, vui đến mức ... không cười được. Từ xưa, chưa thấy ai chê học tập là việc xấu. Ngày nay, quả thực, tỷ lệ người mù chữ là thấp hơn rất nhiều so với thời Pháp thuộc, nhưng tỷ lệ kẻ mù nghĩa, rón rén mà nói, hình như, e rằng, có vẻ ... không giống thế.
Cái dạy và học thời phong kiến chỉ chủ về một mặt Nhân học nên mặt Kinh tế-kỹ thuật của xã hội khó phát triển. Cái dạy và học thời nay được tuyên ngôn là phủ đều trên cả hai mặt nhưng, không hiểu làm sao, chúng ta vẫn phải nhập khẩu từ cây kim cho phụ nữ lấy cái thêu thùa may vá; hàng hóa đem đi bán cho các nước vẫn là tài nguyên thô, nửa thô và những loại hàng có hàm lượng cơ bắp cao. Phải chăng chúng ta vốn dĩ căm hờn và xa lánh Lợi nhuận siêu ngạch? – Tôi rất tin vào tính chân thực của câu chuyện về một thủ tướng Hàn Quốc đã khóc khi lần đầu tiên Tổ quốc của ông xuất khẩu được công nghệ kỹ thuật ra nước ngoài.
Trong khoảng vài ba thập kỷ trở lại đây, người trong nước, đâu đâu cũng thấy than phiền quá nhiều về các vấn nạn xã hội; người nước ngoài xếp nước ta vào hàng những quốc gia đang phát triển. “Đang phát triển” là một cụm thuật ngữ, là cách nói hàm chứa một tinh thần sư phạm cao cả. Người nói hài lòng với lối diễn đạt, còn người nghe thấy thuận tai và cảm nhận được đầy đủ các vị đắng cay, chua chát. Trong ẩm thực, dường như người Phương Đông giỏi dùng và thưởng thức những đồ gia vị hơn người phương Tây. Nhưng, sự đời vẫn thế, lẽ bù trừ vẫn vậy, chỗ này lõm thì tất có chỗ khác lồi: Nước ta có nhiều dầu mỏ, có vịnh Hạ Long đệ nhất kỳ quan thiên nhiên thế giới, có tượng Phật bằng đồng to nhất khu vực Đông nam Á. Nước ta lọt vào “top” các quốc gia được đánh giá là luôn sử dụng, một cách cập nhật, những sản phẩm đại trà tiên tiến nhất của nền công nghệ tin học nhân loại; chỉ còn một điều băn khoăn nho nhỏ là làm sao phát huy được hết công năng nhân văn và các tiện ích kỹ thuật của nó.
*
Vì đã từng nếm trải vị trần ai, nên muốn tránh cho nền hành chính quốc gia không bị già cỗi và bị thoái hóa, các nền cộng hòa trên thế giới đều đã đặt ra quy định cụ thể về khoảng thời gian cho một nhiệm kỳ và số lượng nhiệm kỳ tối đa cho người điều hành cao nhất của nhà nước. Người được chọn vào vị trí dẫn dắt quốc gia dứt điểm là người có tâm với đất nước, có thực học; người đó thường xứng đáng với lá phiếu bầu chọn của các cử tri trong một môi trường bầu cử ngay thẳng. Và trong thời gian ngắn ngủi của nhiệm kỳ, vì danh dự, vì sự thịnh vượng của quốc gia, vì danh dự của chính mình, họ không chỉ nỗ lực, gắng gỏi đưa đất nước của mình lên mức phát triển hơn nữa mà còn tính toán sao cho có thể tạo lập và để lại được những tiền đề vật chất và tinh thần tốt đẹp, tạo đà cho xã hội và người kế nhiệm tiếp tục cuộc hành trình về phía có nhiều ánh sáng. Đấy là kiểu tư duy đại cục của người có đức, có thực học, có văn hóa ư?
Đọc Giả Bình Ao bên Trung Hoa, thấy viết: “Ngày trước, có những nông dân ra khỏi nhà, có buồn đi đại tiện, cũng cố nín để về hố xí nhà mình; nếu không nín nổi, phải “bĩnh” ra, thì cũng lấy gạch đá để ném cho be bét, không để ai hót”. Mắc cười, nhưng, sâu thẳm trong bụng, bỗng dấy lên chút phân vân: Tư duy nhiệm kỳ là như vậy chăng? Nếu thế, thứ tư duy này, quả thực, luôn làm mất vệ sinh môi trường. Công sức của người dân, đúng ra là để làm cho môi sinh của mình ngày càng trong lành tươi đẹp hơn thì, trái lại, phải dùng để dọn vệ sinh công cộng. Mà cứ lơ là, cứ nhãng đi là đã thấy ùn lên cả đống ngập ngụa, thập thành xú khí, tác yêu tác quái; không cẩn thận, biết dọn đến bao giờ mới xong?! – Đành phải nghĩ: Có chữ nhưng mù nghĩa hoặc cố tình không hiểu nghĩa mà tư duy hành xử theo lối sống chết mặc bay thì chỉ có thể là giặc; loại giặc này, ngày nay, đã tự tiện bổ sung cho động từ bày đặt một nghĩa mới đầy tính kỹ thuật: thiết kế.
*
Thời còn học phổ thông, thường nghe Hồ Chí Minh là một nhà văn hóa thì lấy làm băn khoăn: Cụ là nhà chính trị, đánh giặc cứu nước, dựng nền độc lập, xây nền dân chủ chứ làm văn hóa hồi nào? Nhưng lại nghĩ: người nước ngoài cũng nói về cụ như thế; nhất định phải dựa vào đâu chứ. Tôi cố tự tìm hiểu, nhưng đầu óc vốn bé nhỏ nông cạn nên không sao lý giải được. Thế là đánh bạo, liều hỏi thày giáo dạy văn. Cứ tưởng bị thày cười rồi phê cho một trận đã đời; nhưng không, thày mỉm cười hiền vui, xoa đầu tôi rồi, bằng giọng nói trầm ấm, thong thả, thày nói: “Mọi người đều hiểu Văn hóa là tất cả những giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra trong quá trình lịch sử nhằm thỏa mãn nhu cầu đời sống tinh thần của mình”. Tôi đỏ mặt lúng búng: “vâng ạ”. Thày gật đầu hài lòng, nói tiếp: “Thời Pháp thuộc, nước ta không có độc lập, dân ta sống trong vòng nô lệ tủi nhục, chỉ được phép cúi đầu tuyệt đối tuân phục mà không được quyền phản đối nhà nước. Trong cái chế độ trung cổ bán thuộc địa được khoác cái áo dân chủ bằng mạng nhện ấy, mạng người dân bị coi như cỏ rác, nhân phẩm bị chà đạp và đầy đọa đến nhục nhã; cuộc sống luôn nghẹt thở bức bối bởi sự khủng bố chính trị luôn rình rập cùng bao quyền tự nhiên bị cấm đoán và bị bóc lột lấy được bằng cả núi thuế khóa ... Mà, oái oăm thay, những tiền thuế ấy lại được dùng để nuôi sống chính bộ máy chính quyền ngông cuồng ngược ngạo bạo hành người dân hoặc bày đặt ra những trò vu vạ hèn hạ và khủng bố tàn bạo vô lối đối với những người yêu nước thương nòi, có thực học, luôn mong cho dân mình được ngẩng cao đầu, sống như những con Người. Nói gọn lại, thời ấy, dân mình bị đói khổ, thất học và không có quyền làm người. Quyền làm Người là nhu cầu văn hóa lớn nhất của nhân loại. Hồ Chí Minh là người cả đời đấu tranh để đem lại và thực thi cái quyền ấy cho người Việt Nam. Giới học giả vinh danh cụ là nhà văn hóa là vì thế”.
Sau này lớn khôn hơn, được đọc Văn bản Tuyên ngôn độc lập, được đọc sáu điều Bác dạy ngành công an, được biết những điều Bác nói về dân chủ ... tôi càng thấy thấm thía về những điều thày dạy tôi. Văn kiện Những Yêu Sách Của Nhân Dân An Nam được Nguyễn Ái Quốc gửi tới Hòa hội Versailles ngày 18 tháng 6 năm 1919 với những nguyện vọng về tự do và dân chủ đã để lại trong tôi những ấn tượng tốt đẹp không thể phai mờ:
1.Tổng ân xá cho tất cả những người bản xứ bị án tù chính trị;
2. Cải cách nền pháp lý ở Đông Dương bằng cách cho người bản xứ cũng đuợc quyền đảm bảo về mặt pháp luật như người Âu châu, xóa bỏ hoàn toàn các tòa án đặc biệt làm công cụ để khủng bố và áp bức bộ phận trung thực nhất trong nhân dân An Nam;
3. Tự do báo chí và tự do ngôn luận;
4. Tự do lập hội và hội họp;
5. Tự do cư trú ở nước ngoài và tự do xuất dương;
6. Tự do học tập, thành lập các trường kỹ thuật và chuyên nghiệp ở tất cả các tỉnh cho người bản xứ;
7. Thay chế độ các sắc lệnh bằng chế độ ra các đạo luật;
8. Đoàn đại biểu thường trực của người bản xứ, do người bản xứ bầu ra tại Nghị viện Pháp để giúp cho Nghị viện biết được những nguyện vọng của người bản xứ”.
Như một quy luật của đời sống, cái tốt và lòng tin luôn bị lợi dụng. Chính phủ thuộc địa Pháp, những kẻ lưu manh sang trọng, luôn ẩn núp dưới bóng của những tư tưởng cao cả và những bậc hiền minh, tay lần thánh giá mà giấu dao nhọn trong người. Chính phủ này, khi bị lộ diện, bị vạch trần bản chất dối trá đã cậy vào súng đạn, bất chấp phải trái, nhâng nháo vô sỉ, quyết liệt làm càn, không từ một thủ đoạn hạ tiện nào và tự cho mình dự vào hàng “không độc không phải kẻ làm việc lớn”. Ngày nay, Gadhafi thuộc “típ” biết chữ mà không hiểu nghĩa lý, không có khả năng nhận thức thiên lý và tiếp thu những bài học của lịch sử.
*
Chu Văn An, Hồ Chí Minh, Tạ Quang Bửu ... là những người học với mục tiêu đạt đến sự hiểu biết thấu đáo. Các Ngài đều được nhân dân ngợi ca như những nhà văn hóa, nhà giáo dục, một vinh dự của các bậc đức cao thực học, suốt đời thực hành cái sở học của mình giúp dân giúp nước.
Theo lẽ thường, trong nhà vừa có người đỗ đạt cao, có ai không mừng rỡ? Vậy mà khi hay tin con trai mình (cụ Trần Bích San) đỗ đầu cả ba kỳ thi, cụ Nghè Trần Doãn Đạt lại thấy lo âu phấp phỏng. Nỗi lo đó được thể vào bài thơ cụ viết ngay sau đó và tức tốc gửi cho con để kịp căn dặn, nhắc nhở. Bài thơ có câu:

Hữu thức vô nan nan thức đáo
Vô danh bất hoạn, hoạn danh phù
(Biết không khó, cái khó là hiểu đến nơi đến chốn
Không có danh chẳng đáng lo, chỉ lo cho thứ danh không thực).

Nỗi lo của cụ là nỗi lo của một trí thức trải đời, lo vì người có tài thường dễ tự mãn, kiêu căng, đoạn chí học hành tu thân, dễ làm điều ngông cuồng thất đức, hại dân hại nước rồi rước họa vào thân. Người ỷ tài mà sinh lòng tự mãn đã đành là thế; thử hỏi: kẻ bạo tâm, bất tài; kẻ vô học hoặc kẻ hữu thức mà không thức đáo nhưng lại tự cho mình là nhất tuyệt thì cái họa mà dân nước phải gánh chịu sẽ đến mức nào đây?

Vừa đủ



TRẦN NHƯƠNG




Em vừa đủ để anh khao khát
Vừa đủ làm cho anh thật là anh
Trời chớm thu vừa đủ nét xanh
Quả chua ấy cũng vừa đủ ngọt.


Em vừa đủ để qua thời non nớt
Nét thục hiền vừa đủ chút đành hanh
Trong vững bền vừa đủ sự mong manh
Trong đằm thắm vừa đủ lòng nghi kỵ.


Em đàn bà vừa đủ men thi sĩ
Em trang đài vừa đủ nét chân quê
Thích cộng vào vừa đủ biết đem chia
Lòng ngay thẳng vừa đủ mưu che đậy.


Em già dặn vừa đủ điều non bấy
Em tươi vui vừa đủ nét ưu phiền
Em lạnh lùng vừa đủ để thôi miên
Em gìn giữ vừa đủ lòng nổi loạn


Anh khao khát với trái tim lãng mạn
Mong suốt đời vừa đủ để yêu em...

CÚC ÁO CỦA MẸ




Truyện ngắn: NHẤT BĂNG (Trung Quốc)
Vũ Phong Tạo dịch

Anh ấy còn nhớ, năm tổ chức lễ sinh nhật 12 tuổi, anh ấy vẫn còn đang đi học, thầy giáo tự nhiên chẳng có lý do gì cho cậu ta nghỉ học. Vừa sáng tinh mơ, mẹ cậu đã kéo cậu ra khỏi chăn, cậu lẩn tránh bàn tay lạnh cóng của mẹ, còn nằm rán trên giường một lát, thì đã nghe thấy mẹ nói: "Con trông đây là cái gì?"
Cậu mở to mắt, trước mặt là một chiếc áo mới, kiểu quân phục như cậu từng mơ ước, hai hàng cúc đồng, trên vai áo có ba vạch màu xanh, đó là mốt quần áo "thịnh hành" trong học sinh. Cậu bỗng mừng rơn, vội mặc áo quần, ngay bát miến trường thọ cũng ăn vội vội vàng vàng. Cậu muốn đến lớp, đến trường ra oai với các bạn học, rằng cậu cũng có một chiếc áo mới của mình, mà là một bộ "mốt" nhất nữa.
Cần hiểu rằng, từ nhỏ đến lớn, cậu toàn mặc quần áo cũ của anh, vá chằng vá đụp nữa!
Quả nhiên đúng như dự kiến của cậu, khi cậu bước vào lớp học, ánh mắt của các bạn đều trố lên, các bạn đều không ngờ được rằng, cậu lúc nào cũng mặt mày lọ lem, đầu bù tóc rối bụi bặm cũng có lúc vẻ vang rạng rỡ như thế này.
Ngồi trên vị trí của mình, cậu hoàn thành tiết học đầu tiên một cách vui vẻ, hởi lòng hởi dạ. Trong giờ giải lao, các bạn ấy đều vây quanh cậu, vạch xem quần áo mới của cậu. Có bạn bỗng hỏi:
- Ô hay! Tại sao khuy áo của bạn không giống của chúng mình nhỉ?
Lúc ấy, cậu mới nhìn kỹ cúc áo của mình, quả thật không giống cúc áo của người khác hai dãy thẳng đứng. Còn cúc áo của cậu lại nghiêng lệch, hai dãy xếp thành hình chữ "vê" (V).
Các bạn lật xem áo của cậu, bỗng đều cười òa lên. Thì ra, chỗ đính khuy trên chiếc áo trắng của cậu là một miếng vải cũ màu vàng. Cậu cũng hiểu ra, chắc là mảnh vải mẹ mua không đủ may áo, đành phải lót bên trong bằng mảnh vải khác, sợ người khác nhìn thấy, cúc áo đành phải đính sang bên cạnh. Và cũng để người khác không nhìn thấy, mẹ đã khéo léo đính chéo hàng cúc kia, tự nhiên thành hình chữ "vê" (V).
Biết rõ sự thực, các bạn cười òa lên, ánh mắt lại giễu cợt như trước. Những ánh mắt ấy làm cho lửa giận bốc lên ngùn ngụt trong lòng cậu. Buổi trưa về đến nhà, trước mặt khách đến thăm, cậu cắt nát vụn chiếc áo mới của mình. Mẹ cậu lao đến trước mặt con, giơ cao tay, nhưng cuối cùng không giáng xuống. Cậu liếc nhìn, thấy nước mắt mẹ chảy quanh trong khóe mắt, vội quay đầu chạy biến…
Cậu rõ ràng cảm thấy, từ hôm ấy trở đi, mẹ hình như biến thành một người khác. Mẹ làm nghề xay đậu phụ, thường ngày mẹ rất ít ngơi tay, từ đó về sau đến thời gian xả hơi mẹ cũng không giữ lại cho mình. Cậu tận mắt thấy mẹ gầy sọp đi, tận mắt nhìn thấy mẹ nằm bẹp rồi ra đi mãi mãi… Cậu rất muốn nói một câu: “Con xin lỗi mẹ”, mà không còn cơ hội nữa.
Song, cậu thừa kế được tính khí kiên cường và cần cù phấn đấu của mẹ. Cậu cố gắng học tập, làm cho cuộc đời của cậu phát sinh biến đổi một trời một vực. Cậu có rất nhiều rất nhiều tiền, trùng tu tôn tạo phần mộ của mẹ nhiều lần.
Có một hôm, cậu tham gia một cuộc triển lãm trình diễn thời trang, đó là những mẫu thiết kế của nhà thiết kế thời trang bậc thầy, đỉnh cao thế giới. Trong đó, có một người mẫu nam bước lên sàn diễn, mắt cậu bỗng căng lên, đầu óc kêu ong ong hỗn loạn. bộ áo màu trắng ấy với hai dãy khuy đồng hình chữ "vê" (V).
- Bên trong có phải là…?
Cậu không làm chủ mình được nữa, lao lên sàn diễn, lật ra xem tấm áo của người mẫu nam, lót bên trong tự nhiên cũng là một mảnh vải vàng!
Cậu ta quỳ sụp trước mặt người mẫu nam, òa khóc thống khổ.
Sau khi nghe anh ta kể hết câu chuyện, tất cả những người có mặt tại hội trường đều trầm ngâm suy nghĩ mãi.
Cuối cùng, một nhà thiết kế bậc thầy nói: "Thực ra, tất cả những người mẹ đều là các nhà nghệ thuật!".