" Cả cuộc đời ba không có gì để lại cho các con ngoài số vốn kiến thức mà ba mẹ tảo tần nuôi các con ăn học.Mong các con trở thành những người hữu ích cho xã hội" ( trích từ TT "Vững Niềm Tin")
Thứ Sáu, 26 tháng 6, 2015
Con rùa nói lên lời
Tấn Nghĩa
Chuyện tiền thân Kachapa (chuyện số 215, phẩmĐám cỏ thơm [biranatthambahaka]) nói về cái hại của việc nói nhiều.
Chuyện kể rằng:
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba- la-nại, Bồ-tát sanh ra trong gia đình một đại thần; lớn lên, ngài trở thành vị cố vấn của vua về thánh sự và thế sự. Nhưng vua có tánh nói nhiều. Khi vua nói, không ai cơ hội xen vào. Và Bồ-tát muốn ngăn chặn vua nói nhiều, nên cố tìm một cơ hội.
“Nói” là hành vi cơ bản của con người. Hành vi này xuất phát từ việc phát âm những ngôn từ trong suy nghĩ và dùng để truyền đạt các ý nghĩ từ cá nhân này đến cá nhân khác. Nếu xét về mặt mục đích, khi bàn về việc“nói”, người ta không chỉ đề cập đến hành vi phát âm theo một ngôn ngữ nào đó mà có thể chỉ chung cho các cách truyền đạt bằng ngôn từ. Chẳng hạn, viết sách là một cách “nói”, chat trên mạng cũng là một cách “nói”. Ngày nay, việc thanh thiếu niên nghiện lướtweb, chơi facebook cũng ở dạng “nói nhiều” mặc dù họ chỉ bấm phím hay kéo chuột. Ngoài ra, mọi người còn có các cuộc “độc thoại”trong đầu mình, đó cũng là hành vi “nói”. Hành vi này có đặc điểm là chẳng cần có đối tượng để truyền đạt thông tin, chỉ cần “một mình mình biết, một mình mình hay”.
Lúc bấy giờ, trong khu vực Tuyết Sơn, một con rùa sống ở một hồ nước. Hai con ngỗng trời trẻ đi tìm mồi, đến kết thân với con rùa ấy. Dần dần, chúng trở thành rất thân thiết. Một hôm ngỗng trời con nói với rùa:
– Này bác rùa, chỗ chúng tôi ở tại Tuyết Sơn, trên cao nguyên núi Cittakùta, trong một cái hang bằng vàng, trú xứ rất đẹp. Hãy đi với chúng tôi nhé!
– Làm sao tôi đi được?
– Chúng tôi sẽ đưa bác đi, nếu bác có thể giữ gìn cái miệng của bác và đừng nói một điều gì hết.
– Ðược, tôi sẽ giữ gìn. Hãy đem tôi đi.
Chúng chấp thuận,bảo con rùa ngậm một cây gậy, còn chúng cắn vào hai đầu gậy, rồi bay lên hư không.
Yêu cầu của hai con ngỗng trời là con rùa phải ngậm miệng, nghĩa là không được nói bằng cách phát âm. Con rùa cảm thấy điều này cũng dễ nên đồng ý ngay. Thật ra, việc này rất khó. Nếu ai thực hành “tịnh khẩu”, im lặng trong một thời gian sẽ thấy việc này hoàn toàn không dễ dàng.
Bọn trẻ con trong làng thấy con rùa được các con ngỗng trời trẻ đưa đi như vậy, liền la lên:
– Hai con ngỗng trời mang con rùa lên cái gậy!
Con rùa muốn nói lên: Nếu bạn ta đưa ta đi thì có can hệ gì đến các ngươi, đồ vô loại kia?
Chắc là bọn trẻ con chỉ trỏ lên con rùa, có thể có đứa rắn mắt còn ném đá hay bắn sỏi… Các câu reo hò của bọn trẻ làm cho con rùa bực mình. Nó thầm nghĩ trong đầu: nếu bạn ta đưa ta đi thì có can hệ gì đến các ngươi, đồ vô loại kia. Các ý nghĩ này chính là “lời nói”, mặc dù nó chưa được phát âm ra. Lỗi của lời nói có bốn loại. Loại đầu tiên là nói dối. Loại thứ hai là nói ác. Loại thứ ba là nói lời gây chia rẽ. Loại thứ tư là nói chuyện phiếm hay nói lời vô ích. Con rùa khi nghĩ trong đầu “nếu bạn ta đưa ta đi thì có can hệ gì đến các ngươi” là đang phạm vào lỗi nói lời vô ích. Còn việc mắng thầm lũ trẻ “đồ vô loại kia” phạm vào lỗi nói ác. Một người vi phạm điều khoản không nói lời vô ích nếu có đủ hai phần:
– Có ý muốn nói lời vô ích.
– Đã nói những chuyện vô ích.
Lời nói vô ích là lời nói không đem lại lợi ích gì cho bản thân và cho người khác.
Đức Phật dạy: “Này các Tỷ-kheo, đối với các thầy, khi gặp mặt nhau có hai việc nên làm là: nói về việc tự điều chỉnh hay nên im lặng như các bậc thánh”. Nói lời vô ích gồm cả việc bàn tán những tin tức trên báo chí, tivi, radio, internet khi nó không dính dáng tới bản thân mình và mình cũng không có khả năng gây một tác động nào làm biến chuyển tình hình ấy. Một số lời nói vô ích cụ thể gồm các chuyện tầm phào về: Vua, Chủ tịch, Tổng thống, Quan chức, Chính phủ, Trộm cướp, Quân đội, Tai họa, Chiến tranh, Cơm gạo, Đồ uống, Vải vóc, quần áo, Loại hoa, vòng hoa, Chỗ ở, chỗ nằm, Mùi thơm, dầu thơm, Bà con, dòng họ, Xe cộ, Xóm làng, Quận huyện, Thành phố, Vùng quê, Đàn bà, Đàn ông, Chàng trai, Cô gái, Các cuộc đấu bóng đá, Thể thao, Sự can đảm, Đường sá, Bến nước, Bà con quá cố, Nhảm nhí, Sự tạo thiên lập địa, Số phận, luân hồi, Đại dương, Rừng, núi, Sông, biển…
Nói lời vô ích gồm cả việc không thực hiện những lời đã hứa hoặc việc đặt kế hoạch lớn lao rồi không tiến hành, không theo dõi để cho kế hoạch hoàn thành. Hiện tượng này xảy ra trong các hội nghị, khi mà người ta thảo luận các sự kiện và các giải pháp không có thực tế làm nền tảng: nhiều người đều biết như vậy nhưng vẫn tham gia phát biểu. Sự nói lời vô ích cũng bao gồm các cuộc tự thoại trong đầu vào mọi lúc, từ lúc thức dậy tới lúc đi ngủ và ngay cả trong giấc mơ. Cách điều chỉnh chính là giữ im lặng (với các câu chuyện bên ngoài) và thực tập một hình thức làm ổn định suy nghĩ (tự thoại bên trong).
Những người phạm lỗi nói lời vô ích cũng bao gồm cả những người làm nghề sáng tác văn học, kịch bản, những người diễn kịch, đóng phim… với các nội dung phục vụ sự tranh đoạt, bạo lực, tình dục, vì họ làm cho người khác tiêu khiển, say mê mà không đem lại ý thức tự điều chỉnh cho người khác.
Trong khi ấy, hai con ngỗng trời đã bay mau đến khoảng trên cung điện vua trong thành Ba-la-nại. Con rùa vừa nhả cây gậy định nói, liền rơi xuống trong sân trống và bị vỡ làm hai.
Con rùa đã nói thầm trong đầu từ trước. Theo quán tính, các câu nói thầm đó sẽ được phát âm ra để cho đối phương biết. Khi mở miệng, con rùa bị rơi xuống vỡ làm đôi. Đấy là hậu quả thấy ngay của việc không giữ gìn lời nói. Lỗi lời nói vô ích là lỗi nhẹ nhưng nó lại được tích lũy thường xuyên và có khuynh hướng phát triển thành một loại bệnh: nghiện nói. Do đó, lỗi nói lời vô ích cũng dẫn đến những hậu quả nặng. Nếu hậu quả nhẹ cũng là:
– Nhiều người không tin lời tâm huyết mà mình nói.
– Nhiều người không có cảm tình với mình.
– Không được kính trọng.
– Không thể nói cho người khác tin.
– Nghèo khổ.
– Không có quyền lực.
– Suy nghĩ không sâu.
Trở lại với câu chuyện, khi thấy con rùa rơi xuống sân thì tiếng ồn ào nổi lên. Chuyện kể tiếp:
Vua đem theo Bồ-tát cùng với các đại thần vây quanh, đi đến chỗ ấy, thấy con rùa, hỏi Bồ-tát:
– Này bậc Hiền trí, vì sao con rùa này rơi xuống?
Bồ-tát suy nghĩ: ‘Chờ đợi đã lâu, ta muốn giáo huấn vua và đang tìm một phương tiện. Nay thời cơ đã đến. Chắc con rùa này kết thân với những con thiên nga, được chúng đưa đi đến Tuyết Sơn. Chúng bảo rùa ngậm cây gậy và đưa nó đi giữa hư không, rồi có lẽ con rùa nghe lời ai đó nói, không thể giữ gìn cái miệng, nó muốn nói nên nhả cái gậy ra, liền rơi từ hư không xuống như vậy, và đi đến chỗ chết’. Và Bồ-tát thưa với vua:
– Thưa Ðại vương, những ai lắm mồm miệng, nói không dừng nghỉ, đều phải gặp tai họa như vậy. Rồi Bồ-tát đọc bài kệ này:
Con rùa nói lên lời, Lời nói tự hại mình,
Tuy khéo ngậm cái gậy, Mở miệng tự sát hại. Hãy thấy rõ điều này, Bậc Nhân chủ vĩ đại, Hãy nói lên vừa phải, Cẩn thận nói đúng thời. Kẻ nào nói nhiều lời, Như con rùa gặp nạn.
Lời nói thiện là lời nói lợi mình, lợi người, lợi cho môi trường. Nó có các đặc tính:
– Không phạm vào bốn lỗi của lời nói (dối, ác, chia rẽ, vô ích).
– Nói đúng thời điểm.
– Nói lời hòa dịu.
– Nói lời có lợi ích.
– Nói lời thông cảm thương xót (từ bi).
Trong kinh Vương tử Vô Úy (kinh số 58 thuộc Trung Bộ), Đức Phật phân tích rõ các trường hợp nên nói hoặc không nên nói; trong đó có bốn trường hợp không nên nói và hai trường hợp nên nói.
Bốn trường hợp không nên nói, theo Đức Phật dạy, có thể được diễn giải như sau:
Điều tự thân mình biết là không chân thật, không đem lại lợi ích, và khiến người nghe không ưa thích.
Điều tự thân mình biết là chân thật nhưng không đem lại lợi ích và khiến người nghe không ưa thích.
Điều tự thân mình biết là không chân thật cũng không đem lại lợi ích, mặc dù khiến người nghe ưa thích.
Điều tự thân mình biết là chân thật nhưng không đem lại lợi ích, mặc dù lời nói ấy khiến người nghe ưa thích.
Chỉ có hai trường hợp nên nói là:
Điều chân thật và đem lại lợi ích, mặc dù người nghe không hài lòng. Điều này cần phải nói đúng nơi, đúng lúc.
Điều chân thật, đem lại lợi ích, người nghe hài lòng. Vua biết Bồ-tát vì mình kể chuyện này, nói rằng: Thưa bậc Hiền trí, có phải vì tôi mà bậc Hiền trí nói? Bồ-tát trình bày rõ ràng và trả lời: Đại vương hay người khác nếu nói quá nhiều đều gặp nạn như vậy. Nhà vua từ đấy trở đi từ bỏ tánh nói nhiều và trở thành người ít nói. ■
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét