Chủ Nhật, 3 tháng 5, 2015

Giáo Hội SAO CHÉP và SAN SẺ





Một tôn giáo độc đáo và văn minh khoa học nyha6n bản ra đời tại Thụy Điển trong thập niên qua và đang lớn mạnh dần khắp thế giới. Giáo chủ, người sáng lập giáo hội SAO CHÉP SAN SẺ này là Isak Gerson tại Thụy Điển, với tên đăng ký [háp lý chính thức là KOPIMISM.

Giáo hội KOPIMISM không thời thần thánh nào mà THỜ PHỤNG HÀNH ĐỘNG SAO CHÉP VÀ SAN SẺ tất cả mọi thứ trên đời giữa loài người. Theo "giáo lý" của KOPIMISM, hành động sao chép và san sẻ là một cử chỉ linh thiêng. Sự nhận thức san sẻ mọi thứ đặc biệt thông tin kiến thức văn hóa nghệ thuật tư tưởng giữa loài nguòi với nhau là một điều cực kỳ linh thiêng đạo đức.

Missionary Church of Kopimism - Wikipedia, the free ...

Kopimism Australia | The Australian Church of Kopimism

Missionary Church of Kopimism - Det Missionerande ...

Kopimism | Facebook Biểu trưng của Giáo Hội này là hợp phím Crtl+C và Crtl+V phím lệnh nhấn khi chúng ta dùng máy điện toán để chép và chuyển hồ sơ.

Hiện nay Giáo hội đã có những chi nhánh tại các xã hội Âu Mỹ Úc. Tín đồ chính thức khoảng 5 ngàn. Nhưng những tín đồ không chính thức có lẽ đang lên đến hàng tỉ.. Bất cứ ai hành động LINH THIÊNG- nhấn hợp phím Ctrl+C và Ctrl+V trong mục tiêu san sẻ hồ sơ, phim ảnh, bản lệnh v.v đến đồng loại đều là tín đồ của Tôn giáo độc đáo này.

Có thể nói các trang tin độc lập là những tín đồ thuần thành không chính qui của Kopimism!!!

Tôn giáo này cực kỳ dễ thương và không cần rao giảng mua chuộc gian trá nhưng tín đồ đầy khắp địa cầu! Mọi người TỰ NGUYỆN tham gia không cần làm đơn tuyên thệ gì hết cả.

Thật là một "tín lý" chỉ có trong đầu Con Người tiến bộ tại những xạ hội tiến bộ tự do!

Nhân Chủ

Thứ Bảy, 2 tháng 5, 2015

Hoa mùa cổ tích


Nguyễn Thị Khánh Minh



Tôi sẽ đến trong một ngày tháng 5 vàng nắng. Mùa của hạnh phúc trở lại trong những cánh hoa sáng trắng. Tiếng chuông nhỏ reo trong tay. Tiếng chuông nhỏ ngân nga trên ngực áo.

Em, hoa muguet ngày cũ
Em biết, anh vẫn đợi. Trên con đường hò hẹn.

Thời gian miên man trắng. Tiếng chuông hoa tôi vẫn nghe. Hương Muguet của rừng sâu, của suối nguồn, của những con đường người ta đi với bước chân đón chào hạnh phúc trong một mùa yên bình xưa cũ, âm thanh háo hức mùa xuân, chuông hoa reo leng keng trong tay hối hả.

Em, hoa muguet mùa thiếu nữ. Anh đã tặng em, để mãi trong ta hạnh phúc một thời rất trẻ.

Chuông hoa, và mùi hương thời gian tuổi hai mươi xôn xao. Có phải tiếng chuông ánh sáng tháng 5 hôm nay reo từ một ngăn gió tháng 5 xưa? Reo thành tên gọi. Và hương muguet cũng theo tôi đi từ một cánh thiếp ngạt ngào quá khứ?

Muguet tháng 5. Những tháng 5 không bao giờ trôi qua. Hạnh phúc trở lại. Tình yêu không nguôi ngoai. Phải vậy thôi, để bung mở hết những phút giây tôi đón nhận hôm nay.

Ngày ấm áp. Em sẽ đến. Bằng tiếng chuông hoa. Mở cánh cửa màu trắng của Muguet. Em tặng anh một mùa cổ tích. Đến bao giờ còn có thể, những tháng 5, của ngày mai.

Tôi chán ngấy và mệt mỏi về cái gọi là "lòng yêu nước".



William Blum
Ngày 04 tháng 7, năm 2010


Những người phi công Nhật ném bom Trân Châu Cảng là những người yêu nước. Những người Đức ủng hộ Hitler và cuộc chinh phục của hắn là những người yêu nước, họ đã chiến đấu vì Tổ quốc. Tất cả các nhà độc tài quân sự Mỹ gốc Latinh lật đổ chính phủ dân chủ-do dân bầu lên và thường xuyên tra tấn người dân, cũng là những người yêu nước - họ cứu đất nước yêu quý của họ khỏi "chủ nghiã cộng sản".

Tướng Augusto Pinochet của Chile, kẻ giết người hàng loạt và áp dụng tra tấn tuyên bố: "Tôi muốn được nhớ đến như một người dân phục vụ đất nước của mình." 1

PW Botha, cựu Tổng thống của nhà nước phân biệt chủng tộc Nam Phi tuyên bố: "Tôi không ân hận gì. Tôi không yêu cầu đặc ân gì. Những gì tôi đã làm, tôi làm cho đất nước tôi." 2

Pol Pot, kẻ giết người hàng loạt của Campuchia từng tuyên bố: "Tôi muốn bạn biết rằng, tất cả mọi thứ tôi đã làm, tôi làm cho đất nước tôi." 3

Tony Blair, cựu thủ tướng Anh, bảo vệ vai trò của hắn trong vụ giết hại hàng trăm ngàn người Irắc cũng tuyên bố: "Tôi đã làm những gì tôi nghĩ là đúng cho đất nước chúng tôi." 4

Vào cuối thời điểm của Ðệ II thế chiến, nước Mỹ đã đưa ra những lời giảng dạy rất đạo đức cho các tù nhân người Đức của họ và cho người dân Đức về lời ngụy biện không thể chấp nhận được rằng, việc họ tham gia trong những vụ thiêu sống chỉ là vì sự tuân lệnh chính phủ hợp pháp của họ. Để chứng minh cho họ cái giá phải trả về mặt pháp lý và về mặt đạo đức cho những lý cớ bào chữa ngụy biện không thể chấp nhận được này, các nước đồng minh của Ðệ II thế chiến đã treo cổ các tấm gương hàng đầu của lòng trung thành yêu nước như vậy.

Đã một lần tôi được hỏi sau một cuộc nói chuyện rằng: "Ông có yêu nước Mỹ không?" Tôi đã trả lời: "Không". Sau khi dừng lại vài giây, để cho phép câu trả lời chìm trong một vài tiếng cười ái ngại khúc khích trong đám khán giả, tôi nói tiếp: "Tôi không yêu bất kỳ một quốc gia nào, tôi là một công dân của thế giới.. Tôi yêu các nguyên tắc nhất định, như là nhân quyền, tự do dân sự, dân chủ, và một nền kinh tế mà trong đó đặt người dân lên trên lợi nhuận. "

Tôi không có phân biệt giữa lòng yêu nước và chủ nghiã quốc gia dân tộc. Một số người đánh đồng lòng yêu nước là lòng trung thành với đất nước và nhà nước của mình, hoặc là các nguyên lý cao cả mà họ tôn thờ, trong khi định nghĩa chủ nghĩa quốc gia dân tộc là cảm tính của sự thượng đẳng dân tộc-tổ quốc. Dù định nghĩa thế nào đi nữa, trong thực tế các biểu hiện tâm lý và hành vi của chủ nghĩa dân tộc và lòng yêu nước không dễ dàng phân biệt được, vì thực sự hai cái này bổ sung cho nhau.

Howard Zinn gọi chủ nghĩa quốc gia dân tộc là "một tập hợp các niềm tin đã dạy cho từng thế hệ, trong đó Ðất mẹ hoặc Quê cha là một đối tượng dể sùng kính và trở thành một nguyên nhân nung náu mà vì đó một người sẽ sẵn sàng giết hại những con người của các Ðất mẹ hoặc Quê cha khác. ... Lòng yêu nước được sử dụng để tạo ra ảo giác về một lợi ích chung mà tất cả mọi con người trong đất nước đó đều có. " 5

Những cảm xúc mạnh mẽ của lòng yêu nước nó thể hiện rõ ra ngoài trong đa số người Mỹ. Nhưng nó được chôn sâu hơn trong cái vỏ bọc "tự do cởi mở" và sự "tinh tế", nhưng gần như nó luôn luôn có thể khơi dậy ngay, và bắt cháy liền bất cứ lúc nào.

Alexis de Tocqueville, sử gia Pháp vào giữa thế kỷ 19, nhận xét về việc ông nán ở lại lâu dài tại Mỹ: "Thật không thể nào nghĩ đến được một lòng yêu nước nào phiền phức hơn hoặc ồn ào rườm lời hơn, nó khiến ngay cả những người đang có khuynh hướng tôn trọng nó cũng mệt mỏi." 6

George Bush bố, khi ân xá cho cựu Bộ trưởng Quốc phòng Caspar Weinberger và năm người khác liên hệ đến sự kiện nhục nhã Iran-Contra vũ khí-đổi-con tin, đã tuyên bố: "Trước tiên, mẫu số chung cho các động lực của họ - cho dù hành vi của họ đúng hay sai - là lòng yêu nước. " 7

Thật là một điều bán khai thấp kém ở một xã hội duy lý này. Nước Mỹ là nước có lòng ái quốc cao nhất, cũng như có niềm sùng tín tôn giáo nhiều nhất trong các quốc gia được gọi là phát triển trên thế giới. Toàn bộ lòng yêu nước của người Mỹ có thể hiểu rõ rằng, nó là trường hợp cuồng loạn to lớn nhất của quần chúng trong lịch sử, ở đó, cái đám đông si mê quyền lực của riêng mình, họ xem họ như một đoàn kỵ binh của một siêu cường quốc duy nhất trên thế giới, để bù đắp cho sự thiếu quyền lực trong phần cuộc sống còn lại của họ. Lòng yêu nước, giống như tôn giáo, đáp ứng nhu cầu của nhân dân cho một cái gì đó to lớn hơn mà cuộc sống cá nhân của họ có thể đặt nền tảng vào.

Thế nên, vào ngày 04 tháng 7 sắp đến này, những đồng bào Mỹ yêu quý của tôi, một số bạn sẽ giơ cao nắm tay của bạn và gào thét: "U! S! A! ... U S!A!". Và các bạn sẽ diễn hành với lá cờ của mình và biểu tượng Nữ thần tự do của bạn. Nhưng các bạn có biết không, nhà điêu khắc đó đã sao chép gương mặt của mẹ mình cho bức tượng này, một phụ nữ độc đoán và cố chấp, một con người đã cấm đoán một đứa con khác của mình không được kết hôn với một Người Do Thái?

"Lòng yêu nước," một câu nói nổi tiếng của bác sĩ Samuel Johnson rằng, "nó là nơi ẩn náu cuối cùng của đứa gian manh." Văn hào Mỹ Ambrose Bierce khẳng định ngược lại rằng - theo ông, đó là nơi ẩn náu đầu tiên.

"Lòng yêu nước là sự khẳng định tin tưởng là đất nước này thượng đẳng hơn với mọi đất nước khác chỉ bởi vì bạn được sinh ra trong nó." George Bernard Shaw.

"Các hành động được định là tốt hay xấu, không phải trên giá trị riêng của chúng, nhưng dựa theo ai là người thực hiện chúng, và hầu như không có phần vi phạm nào hết khi - tra tấn, việc sử dụng các con tin, cưỡng bức lao động, trục xuất hàng loạt, phạt tù mà không xét xử, giả mạo, ám sát, đánh bom giết thường dân - chúng không thay đổi màu sắc đạo đức của chúng khi chúng được ủy thác từ 'phe' của chúng ta. ...

"Người chủ nghĩa dân tộc không những không bất bình về sự tàn bạo của phe mình, mà hắn còn có một khả năng đáng kể là thậm chí không hề muốn nghe nói đến tội ác đó "- George Orwell 8

"Lời tuyên thệ trung thành là nhãn hiệu của các quốc gia độc tài toàn trị, phi dân chủ", lời nói của David Kertzer, một nhà nhân chủng học của đại học Brown, chuyên về nghi thức chính trị. "Tôi không thể nghĩ ra một nền dân chủ nào mà có một lời cam kết trung thành, ngoại trừ duy nhất của nước Mỹ ." 9 Hoặc, ông nhấn mạnh thêm rằng các chính trị gia thể hiện lòng yêu nước của họ bằng cách cài một chốt hiệu lá cờ trên áo. Hitler chỉ trích người Ðức gốc Do Thái và người Cộng sản Đức về chủ nghĩa quốc tế của họ và họ thiếu tinh thần yêu nước quốc gia, Hitler đòi hỏi rằng người "yêu nước thật sự" là người công khai cam kết và thể hiện lòng trung thành của mình đến quê cha đất tổ. Ðể phản ứng hành động này của Hitler, sau cuộc chiến tranh, Đức đã ý thức mạnh mẽ để thực hiện một nỗ lực giảm thiểu sự phô bày lòng yêu nước ở những nơi công cộng.

Lạ lùng thay, lời tuyên thệ cam kết trung thành với tổ quốc của người Mỹ đã được soạn bởi Francis Bellamy, một thành viên sáng lập của Hội Thiên chúa giáo Xã hội vào năm 1889, một nhóm gồm các giáo sĩ người Tin Lành khẳng định rằng "những lời dạy của Chúa Giê Su trực tiếp dẫn dắt đến hình thức hoặc một số hình thức về chủ nghĩa xã hội. " Hãy thử nói điều này cho các thành viên Teaparty độc quyền ngu dốt đã giận dữ cáo buộc Tổng thống Obama là đang trở thành một tên "chủ nghĩa xã hội".

Sau cuộc xâm lược vào A Phú Hãn của Liên Xô vào năm 1979, chúng ta có thể đọc mà nhận ra "hiện nay lòng yêu nước của Liên Xô ở một mức độ cao, bởi vì Mạc Tư Khoa đã hành động xâm lược A Phú Hãn mà chẳng bị hình phạt nào, và do đó nó nhấn mạnh rằng quốc gia nào là quốc gia thực sự có quyền lực trong khu vực đó của thế giới." 10

"Trong suốt thế kỷ XIX, và đặc biệt là trọn nửa cuối của nó, đã có những hoạt động làm lớn mạnh chủ nghĩa dân tộc trên thế giới. ... Chủ nghĩa dân tộc được dạy trong trường học, nhấn mạnh trong báo chí, thuyết giảng, chế giễu và ru vào lòng đấng nam giới. Nó đã trở thành một sai lệch khổng lồ làm u tối tất cả các vấn đề của con người. Đấng nam giới đã được đưa đến cảm giác rằng họ không được đúng đắn, thích đáng khi không có một tính chất dân tộc, họ như trần truồng giữa một hội trường đông đúc. Các dân tộc phương Đông, những con người đã không bao giờ nghe nói về tính chất dân tộc trước đây, họ đã dùng nó như là họ dùng thuốc lá và mũ qủa dưa của phương Tây "-. HG Wells, nhà văn người Anh 11

"Ngay chính sự Hiện hữu của Nhà Nước Quốc gia nó đòi hỏi có một lớp người hưởng đặc quyền sống chết duy trì nó, giúp nó tồn tại. Và chính nhóm người đặc quyền có lợi này được gọi là lòng yêu nước.." - Mikhail Bakunin, nhà chủ trương phi chính phủ người Nga 12

"Với tôi, (chủ nghĩa yêu nước quốc gia dân tộc) nó có vẻ là một sự sỉ nhục khủng khiếp để cho linh hồn của mình bị khống chế bởi yếu tố địa lý." - George Santayana, nhà giáo dục, và triết gia người Mỹ.

Đông Sơn phóng dịch

Ghi chú:

1. Sunday Telegraph (London), July 18, 1999
2. The Independent (London), November 22, 1995
3. Far Eastern Economic Review (Hong Kong), October 30, 1997, article by Nate Thayer, pages 15 and 20
4. Washington Post, May 11, 2007, p.14
5. "Passionate Declarations" (2003), p.40; ... Z Magazine, May 2006, interview by David Barsamian
6. "Democracy in America" (1840), chapter 16
7. New York Times, December 25, 1992
8. "Notes on Nationalism", p.83, 84, in "Such, Such Were the Joys" (1945)
9. Alan Colmes, "Red, White and Liberal" (2003), p.30
10. San Francisco Examiner, January 20, 1980, quoting a "top Soviet diplomat"
11. "The Outline of History" (1920), vol. II, chapter XXXVII, p.782
12. "Letters on Patriotism", 1869

Vang danh xứ người


Tiểu luận của Hồ Anh Thái

Câu ca dao này có dạo lan truyền trong cộng đồng người Việt ở châu Âu:
 Ăn nhanh, đi chậm, hay cười 
 Hay mua đồ cổ là người Việt Nam.

 Những thứ này cũng đã thành ca dao: 

Hôi mồm, ngồi xổm, hôi chân 
 Rung đùi động đất xa gần đều kinh.
 Đi Tây thì sống như ta 
 Đến khi về nhà lại sống như Tây.


1. Ăn nhanh: trong nước với nhau, đã thành quen, ít để ý, nhưng ra nước ngoài thì mới thấy lộ. Tây với ta ngồi ăn trong cùng một quán, thì ta ăn sao mà nhanh, như chảo chớp. Ăn cho xong rồi đi làm việc khác, một chủ trương, một triết lý, coi ăn uống chỉ là việc đệm giữa những công việc quan trọng hơn lớn lao hơn. Sau khi đã bỏ công sức lao động, thế thì còn sự hưởng thụ nào quan trọng hơn là ăn nữa? Khi ấy ăn nên là một sự thưởng thức, ăn nhẩn nha, ăn theo kiểu thụ hưởng, miếng ngon trong miệng thì phải biết là ngon. Đấy là thái độ hiện sinh mà nhà Phật vẫn thường khuyên. 


Đừng nên vừa nhai vừa nghĩ những điều đã qua và những việc sắp làm, ăn mà có khi quên mất là mình đang ăn cái gì. Chiến tranh, nghèo đói, vất vả nhiều, đến lúc sướng thì không biết hưởng cho trọn. Dấu ấn của một thời đầu tắt mặt tối chưa xa. Nó lan truyền thành một tính cách cộng đồng, ngay cả người không vất vả cũng lây nhiễm tính vội vàng gấp gáp trong ăn uống.

2. Đi chậm: cũng là một căn tính tiểu nông, vác cuốc đi thăm đồng thì có gì phải vội vàng, đi sau con trâu từng bước cày bừa nặng nề không thể vội vàng. Đến khi ra phố phường, thành người phố phường rồi, đi trên vỉa hè cũng chẳng phải vội vàng. Sang đến nước bạn thì xem kìa, đi đứng dềnh dàng như rùa bò trên đường. Người Tây người Nhật người Hàn đi vùn vụt trên vỉa hè, vượt qua ta rất lâu rồi mà ta vẫn cụm lại một đống với nhau lê chân chậm chạp đằng sau. Không thể đổ cho sải chân ta ngắn, ngắn nhưng vẫn có thể đi nhanh. Đây đang nói tốc độ đi chậm, nhịp độ đi chậm, tư duy chậm, trung ương đầu não chỉ đạo chậm thì xuống đến địa phương bàn chân bước đi cũng chậm.


3. Hay cười: đúng là nhiều khi bí quá, ở thế khó xử quá, ở thế trớ trêu quá, chỉ còn biết cười. Đang đi trượt chân ngã, còn đang tô hô trên đường, chưa đứng dậy được, cười. Giẫm lên chân người khác, phản ứng đầu tiên phải là câu xin lỗi, thì lại cười. Người nước ngoài rất lạ, rất phẫn nộ, sao giẫm lên chân người ta lại cười, sao ngã lại cười. Thì thế, cái cười vô duyên thực ra là như xin lỗi, như để đỡ ngượng. Người ta nói gì mình không hiểu, tất nhiên là chỉ còn biết cười. Không hẳn là cười, có nhiều cái cười đúng ra chỉ là nhe răng.

4. Cười là một cách, gây ồn ào nơi công cộng là cách khác. Một nhóm người Việt đi với nhau là chỉ thấy xoe xóe chiu chiu tiếng Việt trong tai người nước ngoài. Ở nơi công cộng, bến xe bến tàu sân bay, vẫn còn đó thói quen gọi nhau qua cánh đồng, trên thuyền trên ghe trên xuồng, phải gọi to nói to nghe mới thủng. Một cô đi máy bay bị nôn, mỗi lần rặn ra nôn là cô ôi ôi nghẹn ngào như khóc, ôi ôi như bị bóp cổ. Cả khoang máy bay phải nghe, cả khoang máy bay ai cũng tưởng bệnh trạng của cô đã đến mức phải hỏi xem hành khách có ai là bác sĩ xin hãy đến giúp đỡ. Cộng đồng làng xóm, một người hắt hơi sổ mũi thì phải hắt hơi thật to để các nhà trong xóm biết mà chạy sang. Không ai sang thì cũng coi như đánh tiếng cho cả xóm biết là tôi đang ốm đây. Chuyến ấy tôi đi cùng máy bay với cô này từ Đài Bắc quá cảnh về Hà Nội, máy bay hạ cánh, thấy cô đứng lên cười, người Việt hay cười, nói lưu loát giọng đồng bằng Bắc bộ: Chẳng hiểu thế nào, mọi lần iem vẫn đi máy bay thoải mái.

Vẫn là chuyện âm thanh của người Việt, ngồi dự chiêu đãi ngoại giao, một ông sứ vẫn có thể ợ một cái thật to mà không xin lỗi như tập quán xã giao phải sorry. Người Việt tập quán Việt, việc gì xin lỗi ai. Xỉa răng, cắm cái tăm vào miệng đi khắp đường phố trước mặt Tây mặt Mỹ, công khai, phơi lộ, ấy thế nhưng khi xỉa răng thì lại lấy tay che miệng, như che một cái buồng thay quần áo. Cái che tay này người ta mới thấy lạ, đâu cần đến thế, chỉ cần anh xỉa răng mà đừng ngoác miệng ra là đủ rồi.

5. Hay mua đồ cổ: đồ cổ là nói cho sang, đồ cổ bao giờ cũng đắt tiền, đúng ra người Việt có tính sưu tầm đồ cũ. Đồ xé cần hen. Quần áo si đa. Những đồ rẻ tiền mua về nước bán để kiếm tí lợi nhuận. Đấy là chuyện thời trước, thời nay quần áo Tàu còn rẻ hơn đồ si đa xé cần hen. Nhà ngoại giao được nhà nước cấp cho cả nghìn đô mua trang phục, trang phục là công cụ lao động của nhà ngoại giao, ấy thế vẫn không chịu đầu tư vào công cụ lao động, ấy thế vẫn mua bộ vét Tàu dăm ba chục đô, vẫn mua quần áo đồng hạng một vài đô ở chợ đồ cũ. Giới quan chức trong phòng khách ngoại giao chỉ thoáng nhìn là biết bộ củ ông khoác trên người đáng mấy tiền, chắc chắn mua ở chợ đồ cũ. Ông ấy không nghèo, ở Việt Nam ông có một căn nhà mặt phố đang cho thuê và một miếng đất nghỉ cuối tuần ở quê.

*
* *
Những thứ này cũng đã thành ca dao:

 Hôi mồm, ngồi xổm, hôi chân 
Rung đùi động đất xa gần đều kinh.

1. Rung đùi: hễ ngồi là rung đùi bần bật, rung công khai rung sảng khoái. Hình như người Việt tán tụng rung đùi như vậy là số sướng. Bà ngồi bà rung đùi, bà ngồi bà rung chân… đã thành câu hát. Ngồi họp hội nghị cũng rung đùi làm cái bàn viết rung bần bật. Đám Âu - Mỹ trố mắt bảo là bị bệnh liệt rung pa kin xân. Không phải liệt rung bệnh tật thì cũng bị coi là bất lịch sự.

2. Ngồi xổm: chẳng may ở những chỗ không có ghế ngồi, thì sẵn sàng dàn một hàng ngang, ngồi xổm, đúng kiểu xí xổm châu Á. Đến mức đám Âu - Mỹ kia đã kết luận chuyện ngồi xổm là tập quán của dân Á Đông, một thứ thuộc tính mãn tính. Kiểu Việt Nam, Vietnam style, họ bảo thế.

3. Hôi mồm: có lần trên mạng tiếng Việt dấy lên một cuộc hội thảo về việc nhiều người Việt hôi mồm. Nhưng nếu nói chỉ có người Việt hôi mồm thì hơi thiếu công bằng. Tôi phải nhiều lần chịu những trận hôi mồm của các nhà ngoại giao Nhật, Triều Tiên, Thụy Điển… Tiệc trưa tiệc tối đều vào những giờ dạ dầy rỗng. Sau bữa ăn khoảng hai tiếng đồng hồ, thức ăn đã được đẩy ra khỏi dạ dầy rồi. 


Đói thối mồm như người Việt vẫn nói. Mùi dạ dầy hào phóng trực tiếp đẩy lên qua thực quản qua mồm mà phụt ra. Giờ ấy nói chuyện với ai thì đừng có chĩa thẳng mồm vào mặt người ta như ngắm bắn người ta. Nhiều nhà ngoại giao vẫn vô ý như mấy ông kể trên đã ngắm thẳng vào mặt người khác. Tôi từng phải kín đáo ne né cái mặt, nghiêng nghiêng cái đầu để tránh bị luồng hơi phun trực diện.

Thế thì mình không hôi hay sao?

Phải có cách khắc phục: trước khi đi chuyện trò vào cái giờ đói bụng, phải biết lót dạ, dứt khoát phải ăn một cái gì đó. Ăn không phải vì đói, ăn là vì người đối diện, ăn là để không phun cái mùi dạ dầy vào mặt họ. Tất nhiên là ăn xong phải có cách để tẩy cả mùi thức ăn.

Có ông đồng nghiệp hôi mồm, cái này là bệnh, không phải là vô ý khi đói bụng. Hình như ông hở một cái gì đó ở chỗ thực quản, như kiểu hở van tim. No bụng rồi mồm vẫn hôi. Đã thế lại không biết ý, gặp các nhà ngoại giao khác, cứ tiến sát mặt người ta mà nói. Mình là đồng nghiệp, mình nói gần nói xa ông vẫn chẳng chịu hiểu. Một ông nhà thơ cũng vậy, bệnh của ông, ngồi cách ông cái mặt bàn rộng một mét rưỡi vẫn phải chịu mùi hôi. Mỗi lần họp giao ban, ông đều đến ngồi bên cạnh tôi. Có lần ông đến muộn, tôi phòng tránh bằng cách đặt cái cặp của mình lên chiếc ghế ông thường ngồi, tin rằng ông sẽ phải ngồi cách tôi một chiếc ghế. Lát sau ông đến, ông thò tay nhấc cái cặp của tôi lên, đặt sang cái ghế khác, rồi lại ngồi xuống đúng chỗ cũ, đúng cái ghế cạnh tôi. Tôi cứ cười thầm tự giễu: mình tự cho là mình khôn, nhưng khôn ngoan chẳng lại với giời.

4. Hơi người: thì vẫn là chuyện ta ở Tây. Ông kém tắm, người toát ra cái mùi vài ngày không tắm, lại trộn với dầu gió dầu cao nữa thì nhất hạng đế vương. Cứ thế mà gieo gió thành bão, cứ thế mà tấn công cái mũi bọn bản xứ. Bọn chúng rất sợ cái nặng mùi của hơi người. Ta có truyền nhau rằng người da đen khen khét, người da trắng gây gây, người da nâu hăm hăm. Mình không ngửi được mùi của mình, nhưng đừng có chủ quan ta thơm ta ngon. Đến lượt người ta bảo người da vàng tanh tanh, như cá lôi từ ngăn đá ra đang để cho rã đông. Ai cũng sợ mùi hơi người. Phải biết vậy mà có cách khắc phục.

*
* *
Còn một câu ca dao thuộc loại tự trào khác: 

Đi Tây thì sống như ta 
 Đến khi về nhà lại sống như Tây.

1. Đấy là chuyện một thời. Mà vẫn còn là chuyện bây giờ. Như cái ông làm đối ngoại đã kể ở trên. Một căn nhà cho thuê, một miếng đất nghỉ cuối tuần ở quê. Ấy thế vẫn mặc bộ vét cũ rích và bộ vét mới đồ Tàu rẻ tiền. Ra nước ngoài ăn chẳng dám ăn, mặc chẳng dám mặc, chơi chẳng dám chơi. Mấy năm ở xứ người có khi chỉ biết đường từ nhà đến chợ, chấm hết. Phải ăn nhịn để dành. Gom tiền gom đồ để về xây dựng tiền đồ ở nhà. Tiết kiệm là điều đáng được khuyến khích. Nhưng chắt bóp đến mức khác thường trước mặt người ta mới là chuyện. Cái nghiến răng chắt bóp đã làm ảnh hưởng hình ảnh một đám con dân một dân tộc. Có thể được người có tấm lòng bao dung cảm thông, nhưng khó mà được trọng.

2. Lối sống ấy lại dẫn đến một đối cực: đến khi khuân được tiền đồ về nhà thì lại hoắng lên. Xây nhà phô trương lòe loẹt, trang phục khoe khoang cho có vẻ đã đi khắp Đông Tây, dàn karaoke âm thanh nổi inh tai hàng xóm, lối sống cũng trưởng giả ra cái vẻ ra cái điều. Ta ở Tây về.

Đi Tây thì sống như ta
 Đến khi về nhà lại sống như Tây.

Xuất khẩu một lối sống tiểu nông thâm căn cố đế sang xứ người, làm ngứa mắt nhức tai xứ người. Nhập khẩu về ta một cung cách xứ người. Tưởng là xứ người, nhưng thực ra vẫn là cách phô trương trưởng giả học đòi. Vẫn là bộ cánh quê mùa của xứ ta đấy thôi. Người có văn hóa dù ở thành thị hay nông thôn thì cũng không đời nào có cách sống vừa bám chặt những thứ cố hữu vừa học đòi nửa mùa như vậy.

Câu chuyện cảm động về người mẹ lan truyền khắp thế giới


Câu chuyện xúc động này đang lan truyền khắp thế giới mạng, khiến nhiều người phải thán phục trước tình mẫu tử thiêng liêng.

Sau khi động đất qua đi, lực lượng cứu hộ bắt đầu các hoạt động tìm kiếm cứu nạn. Và khi họ tiếp cận đống đổ nát từ ngôi nhà của một phụ nữ trẻ, họ thấy thi thể của cô qua các vết nứt. Nhưng tư thế của cô có gì đó rất lạ, tựa như một người đang quỳ gối cầu nguyện; cơ thể nghiêng về phía trước, và hai tay cô đang đỡ lấy một vật gì đó. Ngôi nhà sập lên lưng và đầu cô.

Đội trưởng đội cứu hộ đã gặp rất nhiều khó khăn khi anh luồn tay mình qua một khe hẹp trên tường để với tới thi thể nạn nhân. Anh hy vọng rằng, người phụ nữ này có thể vẫn còn sống. Thế nhưng cơ thể lạnh và cứng đờ cho thấy cô đã chết.

Cả đội rời đi và tiếp tục cuộc tìm kiếm ở tòa nhà đổ sập bên cạnh. Không hiểu sao, viên đội trưởng cảm thấy như bị một lực hút kéo trở lại ngôi nhà của người phụ nữ. Một lần nữa, anh quỳ xuống và luồn tay qua khe hẹp để tìm kiếm ở khoảng không nhỏ bên dưới xác chết. Bỗng nhiên, anh hét lên sung sướng: “Một đứa bé! Có một đứa bé!”.



Cả đội đã cùng nhau làm việc; họ cẩn thận dỡ bỏ những cái cọc trong đống đổ nát xung quanh người phụ nữ. Có một cậu bé 3 tháng tuổi được bọc trong một chiếc chăn hoa bên dưới thi thể của người mẹ. Rõ ràng, người phụ nữ đã hy sinh để cứu con mình. Khi ngôi nhà sập, cô đã lấy thân mình làm tấm chắn bảo vệ Con trai. Cậu bé vẫn đang ngủ một cách yên bình khi đội cứu hộ nhấc em lên.

Bác sĩ đã nhanh chóng kiểm tra sức khỏe của cậu bé. Sau khi mở tấm chăn, ông nhìn thấy một điện thoại di động bên trong. Có một tin nhắn trên màn hình, viết: “Nếu con có thể sống sót, con phải nhớ rằng mẹ rất yêu con”.

Chiếc điện thoại di động đã được truyền từ tay người này sang tay người khác. Tất cả những ai đã đọc mẩu tin đều không ngăn nổi dòng nước mắt:

“Nếu con có thể sống sót, con phải nhớ rằng mẹ rất yêu con”.


Nguồn: langnhincuocsong

Thứ Sáu, 1 tháng 5, 2015

THÁI CỰC LUẬN Chương 3. Tượng hình Thái Cực



Cổ nhân tượng hình Thái Cực bằng nhiều thể cách:

1. Thái Cực khi chưa sinh ra trời đất vạn vật, có thể nói được là vô âm, vô dương, vì thế nên tượng hình bằng vòng tròn rỗng:

[1]

2. Thái Cực cũng còn được hình dung bằng hình:



Chấm ở giữa là Huyền Quan sẽ sinh ra vạn vật.

3. Thái Cực còn được hình dung bằng hình rất phổ thông sau đây:



Hình này tượng trưng Thái Cực hàm Âm Dương nhị khí, và sự luân lưu, biến dịch vô cùng tận của Vạn Hữu đã tiềm ẩn từ trong lòng Thái Cực.

4. Cổ nhân còn tượng hình Thái Cực bằng hình tượng sau:



Đồ hình này làm ta hiểu thêm về Huyền quan khiếu, vì ta thấy Âm Dương nhị khí ôm ấp một khiếu trống ở giữa[2]

5. Thái Cực còn có thể tượng trưng bằng con số 5 viết theo lối tượng hình như sau:



Lối tượng hình này thấy ở nơi các họa bản Hà Đồ, Lạc thư v.v...

6. Có khi đồ hình Thái Cực được trình bày đồng thời với các số Hà Đồ. Đó là Hà Đồ Thái Cực đồ:



Đồ bản này cho ta thấy rõ vũ trụ gồm có 2 phần:

a. Thể: 5 + 10 = Thái Cực

b. Dụng: Âm +Dương

2 + 4 + 6 + 8: 20

1 + 3 + 7 + 9: 20 [3]

CHÚ THÍCH

[1] Dịch viết: nhất Âm nhất Dương chi vị đạo. Nhất Âm nhất Dương, Đạo chi dụng dã. Nhược Đạo chi thể, tắc vô Âm vô Dương, nhi vi Âm Dương chi căn. Cố viết Thái Cực vị hữu Âm Dương, Âm Dương giả tại lưỡng nghi tương phán chi thời hồ. Phù Thái Cực tắc vô Âm Dương, tắc thử nhất vật 〇 thị hà vật dã. Viết Thần dã... Thái Cực nhất 〇 Thần dã. 易 曰 一 陰 一 陽 之 謂 道 . 一 陰 一 陽 道 之 用 也. 若 道 之 體, 則 無 陰 無 陽, 而 為 陰 陽 之 根. 故 曰 太 極 未 有 陰 陽, 陰 陽 者 在 兩 儀 相 判 之 時 乎. 夫 太 極 則 無 陰 陽, 則 此 一 物 〇 是 何 物 也. 曰 神 也.... 太 極 一 〇 神 也..— Xướng Đạo Chân Ngôn, quyển 2 - trang 8b.

[2] Xem Thái Cực Quyền Bổng Đồ Thuyết - Hình Thái Cực đồ trang 19.

[3] Thái Cực Quyền Bổng - trang 85.

Nguồn cội




Vác nỗi buồn trôi theo dòng bươn chải
Vào cuộc vui chuốc lấy chén dỗi hờn
Hứng đắng cay uống chiều mưa ướt lệ
Nghe gió về tan tác bước đam mê

Lòng quặn thắt nhớ về quê hương mẹ
Hoa sứ bây giờ chắc đã rụng đầy sân
Bao tháng năm mẹ tảo tần đan mưa nắng
Khoác cho con chiếc áo ấm chân tâm

Con ra đi kiếm tìm mong manh vô định
Một mảnh tình đã mất thuở khai sinh
Thoát lốt yêu tinh làm người lương thiện
Gọi yêu thương nhân quả vẹn luân hồi

Nợ trả chưa xong duyên làm nên tội
Nửa mảnh đời lưu lạc mãi xa xôi
Vẫn đâu đây mùi hương tóc gọi
Quê mẹ bây giờ hoa sứ rụng đầy vơi?

Rượu nhạt môi
Hồn bay chấp chới
Con trở về thăm mẹ quê xưa
Hoa sứ khô nát vỡ trời chiều (1)
Đâu dáng mẹ ngồi phơi sứ ngoài sân…

(1) mượn ý thơ Nguyễn Đình Thi

Giọt sương câm



Đêm về
Ngủ dưới vòm cây
Nghe lành lạnh
Giọt sương khuây
Nỗi lòng

Nẩy mầm vấp vỡ gió đông
Cô đơn, quạnh quẽ sắc không ngậm ngùi

Phía sau góc khuất cuộc đời
Áo sờn vai bạc tóc người trắng sương

Bước chân lạc ngã ba đường
Những bông cỏ dại tiếc thương phận mình

Đóa hồng đẫm giọt sương trinh
Ướt hồn tôi lạnh buốt tình mây giăng

Ngửa tay hứng giọt sương câm
Bình minh đánh thức bật mầm cỏ cây.

Triệu Nguyên Phong

Quan điểm của Phật giáo về chiến tranh và xung đột



Thỉnh thoảng người ta nghĩ rằng Phật giáo ra đời cách nay 2600 năm thì làm sao giáo lý của tôn giáo ấy có thể áp dụng và giải quyết những vấn đề hiện tại. Nhưng khi chúng ta thấy rằng những nguyên nhân của tất cả các rắc rối của xã hội ngày này đều bắt nguồn từ những tư tưởng ô nhiễm của con người thì Phật giáo là tôn giáo duy nhất có thể đưa ra giải pháp hoàn hảo để loại trừ những ô nhiễm ấy và làm cho đầu óc họ trở nên trong sáng và bình yên hơn.



Một hiểu lầm nữa về Phật giáo là một số người nghĩ rằng Phật giáo không liên hệ gì đến đời sống thế tục, mà nó chỉ dành cho những người xuất gia. Nhưng nếu xem xét kỹ lời dạy của đức Phật thì ta thấy rằng chúng liên hệ với nhau rất mật thiết. Cách sống của chư tăng, ni có thể cung cấp một mẫu mực lý tưởng mà người tại gia có thể học tập tùy theo khả năng của họ. Thế nào là đời sống lý tưởng của chư tăng, ni? 

Điều này không ít người đã hiểu lầm. Vào thời đức Phật, một Bà la môn đã nói với con gái ông khi cô gái muốn gia nhập tăng đoàn, rằng, chư tăng là những người lười biếng và không làm gì cả. Họ chỉ sống dựa vào sự ủng hộ của người khác nhưng lại sống một cuộc sống hết sức thoải mái về vật chất. Tại sao con thích họ chứ? Cô gái đã trả lời rằng: “Chư tăng là những người thích làm việc và họ không hề lười biếng. Họ làm việc một cách thích đáng. Họ loại trừ sự tham lam và thù hận. Vì thế con thích họ”. Người ta nên hiểu bản chất thực của Phật giáo và những người theo đạo Phật thì họ mới hiểu được khả năng của Phật giáo trong việc ngăn chặn và giải quyết các vấn nạn của thế giới ngày nay.



Đức Phật luôn luôn nhấn mạnh vào tầm quan trọng của cuộc sống bình ổn. Ngài luôn luôn hướng dẫn con người ta hướng đến sự hòa bình. Niết Bàn là mục đích tối cao của tất cả người con Phật. Nơi đó được cho là “con đường thánh thiện và bình yên nhất”. Khi đức Phật còn là một vương tử trẻ, Ngài đã từ bỏ con đường mà có thể dẫn đến chiến tranh và xung đột để đi tìm con đường có thể đem đến hạnh phúc tối cao cho tất cả chúng sanh.


Trong thế giới hiện tại, sở dĩ có chiến tranh và xung đột là do những nguyên nhân sau đây:

1. Tham sân si
2. Thiếu hiểu biết
3. Kinh tế và Chủ nghĩa vật chất
4. Sự nghèo khổ
5. Cuồng tín
6. Quan điểm chính trị


Chiến tranh sinh ra những vấn nạn về kinh tế và xã hội một cách nghiêm trọng cho mỗi quốc gia. Người ta phải chi tiền cho quân đội, quân nhu và đủ loại vũ khí như tên lửa, súng đạn cũng như các loại bom đạn khác nhau... Ngoài sự tốn kém về tiền bạc, chiến tranh còn hủy diệt tất cả các nguồn tài nguyên thiên nhiên cũng như mạng sống con người. Gia đình tan nát, đạo đức ngã nghiên với các loại trộm cướp, hiếp dâm. Lương thực thì thiếu thốn, bịnh dịch thì tràn lan, cảnh màn trời chiếu đất xảy ra khắp nơi. Những cuộc chiến tranh đã và đang xảy ra ở các nước đều cho ta thấy một bức tranh giống nhau như thế. Tiền bạc thay vì đem đi phục vụ cho chiến tranh, chúng sẽ tốt hơn nếu được dùng vào các công ích xã hội như xây nhà cửa cho người nghèo, đầu tư giáo dục cũng như phát triển các phương tiện y tế chăm sóc sức khỏe cộng đồng.


Nếu quan sát kỷ những nguyên nhân của chiến tranh và xung đột thì chúng ta có thể thấy rằng, chúng đều bắt nguồn từ những hành động như cướp đất, xăm phạm biên giới và chủ quyền lãnh thổ quốc gia, cuồng tín, tham vọng chính trị hoặc là để trả thù...


Ngăn chặn chiến tranh và xung đột là nguyện vọng của tất cả mọi người. Đối với những vấn đề mang tính chất toàn cầu hiện nay, Phật giáo đã đưa ra những lời khuyên thích hợp nhất để ngăn chặn chiến tranh và xung đột. 

Ví dụ như trong kinh Pháp Cú, Phật dạy rằng: Oán thù không thể dập tắt được oán thù, mà chỉ có tình thương mới dập tắt được oán thù mà thôi. Tất cả chúng ta nên có thái độ như thế mà đừng nghĩ đến việc báo thù. Đức Phật luôn luôn khuyên hàng phật tử nên có thái độ hài hòa với người khác vì điều đó dẫn đến sự an lạc từ bên trong mỗi người.

Phật giáo chủ trương không bạo lực. Tín đồ của tất cả các tôn giáo đều có thể áp dụng điều này. Lời Phật dạy cho việc ngăn chặn và chấm dứt chiến tranh và xung đột ở cả hai phương diện, bên trong ý thức con người và bên ngoài xã hội. Một vài tác phẩm sau này đã đưa ra những ý kiến không phù hợp lắm với những gì đức Phật thật sự dạy. 

Ví dụ như những câu chuyện về tiền thân đức Phật được biên soạn vào giai đoạn Kurunagala ở Sri Lanka thế kỷ thứ 13. Theo đó, trong một vài câu chuyện, bồ tát được diển tả như những chiến binh. Tùy theo thời gian và hoàn cảnh mà các tác giả đó đã cố tình tạo ra hình ảnh bồ tát như những vị vua hoặc tướng lĩnh để bảo vệ đất nước trước nạn ngoại xăm. Tuy nhiên đức Phật dạy rằng người nào tham dự vào chiến tranh và xung đột thì họ sẽ rước lấy sự bất hạnh to lớn. Trong King Phạm Võng thuộc Trường Bộ Kinh, đức Phật dạy rằng: “Anh ta là người hòa giải, người mà ở trong tình trạng xung đột có thể khuyến khích người khác đoàn kết, hòa hợp, thụ hưởng hòa bình, yêu hòa bình, vui với hòa bình, anh ta là một người, người mà luôn nói lời ca ngợi sự hòa bình. Từ bỏ sát sanh, bật tu hành Gotama kiềm chế việc sát sanh, Ông ấy sống không có sử dụng gậy và gươm, sống với sự quan tâm, từ ái và thông cảm người khác.”


Theo gương đức Phật, người phật tử đề cao lối sống đạo đức. Họ không bao giờ làm hại người khác, cướp bóc hay tướt đoạt của người khác thứ gì. Trong Trung Bộ Kinh, đức Phật dạy có hai nguyên nhân chính gây ra chiến tranh và xung đột, đó là tham ái và đam mê khoái lạc giác quan. Xem xét nguyên nhân của những cuộc chiến tranh và xung đột trước đây cũng như hiện tại, ta thấy rằng, tham ái và những nhu cầu vật chất chính là những nguyên nhân chính của những cuộc chiến tranh và xung đột đó. Đức Phật giải thích rằng người nào có khả năng làm chủ các giác quan và loại trừ tham ái thì anh ta sẽ không có khuynh hướng đấu tranh hay hay hảm hại kẻ khác, ức hiếp hay lạm dụng, trộm cắp hay tướt đoạt tài sản của kẻ khác.


Trong lời dạy của mình, đức Phật chú trọng đến nguyên nhân của xung đột. Phật giáo không đánh giá cao những giải pháp tạm thời. Bởi vì nếu như những nguyên nhân của chiến tranh và xung đột không được gở bỏ vĩnh viễn thì chiến tranh và xung đột sẽ lại tiếp diễn lần sau và lần sau nữa.


Kinh Chuyển Luân Thánh Vương Sư Tử Hống và Kinh Cứu La Đàn Đầu nêu ra một khía cạnh khác của chiến tranh và xung đột. Đó là sự tranh giành tài nguyên thiên nhiên và tài sản vật chất. Khi con người ra sức gom góp của cải thì xãy ra sự tranh giành giữa người này với người kia, nhóm này với nhóm kìa và nước này với nước khác. Sự tranh giành dần dần dẫn đến xung đột, chiến tranh. Vì thế mà Phật giáo khuyên con người nên nghĩ đến sự vô thường của vật chất. Khi người ta thấy được tính chất phù du của vật chất thì người ta có thể đi ra ngoài những cuộc tranh giành khốc liệt.


Trong Kinh Đế thích Sở Vấn, vua trời Đế Thích đến hỏi Phật rằng, các vị trời và loài người luôn luôn muốn sống hài hòa với nhau nhưng tại sao họ cứ phải gây gổ và đấu tranh với nhau không dứt? Đức Phật giải thích rằng có hai yếu tố tâm lý làm phát sinh xung đột. Đó là ganh tỵ và bủn xỉn. Tâm lý muốn vơ vét nhưng lại không chịu đựng được khi thấy người khác hơn mình chính là nguyên nhân trực tiếp của chiến tranh và xung đột.


Theo đức Phật thì các nhà lãnh đạo tôn giáo và chính trị có vai trò hàng đầu trong việc ngăn chặn xung đột và chiến tranh. Một nhà lãnh đạo tốt, có trách nhiệm sẽ lãnh đạo đất nước sống trong hòa bình. Nhưng khi đất nước được lãnh đạo bởi một nhà lãnh đạo không chính trực thì đất nước đó thế nào cũng rơi vào tình trạng bi đát. Cho nên trong Tăng chi Bộ Kinh đức Phật dạy rằng: Cũng như con bò đầu đàn đi bậy thì các con bò khác đi bậy theo, một người lãnh đạo đối xử với người khác không đứng đắn thì những người dưới họ cũng làm như vậy. Một nhà lãnh đạo tồi sẽ chối bỏ trách nhiệm sau khi ông ta đẩy tất cả mọi người vào trong chổ nguy hiểm. Vì thế, một nhà lãnh đạo tốt nên hướng dẫn mọi người đi theo con đường chân chính.


Khao khát và kiêu căng cũng là nguyên nhân của chiến tranh và xung đột. Trong lich sử loài người, con người tạo ra chiến tranh và xung đột để bảo vệ sự kiêu căng và tham vọng của họ. Đức Phật khuyên người phật tử nên loại trừ sự kiêu căng như thế ra khỏi cuộc sống của họ. Nhiều cuộc xung đột xã hội, nội chiến, đấu tranh vũ trang nổi lên là do sự lãnh đạo yếu kém của các nhà lãnh đạo. Đức Phật khuyên các nhà lãnh đạo nên tránh bốn khuynh hướng. Đó là cảm tình thiên vị, thù hận, sợ hãi và ảo tưởng. Nhà lãnh đạo không nên quan tâm đến vấn đề như giới tính, tầng lớp xã hội, tuổi tác, tôn giáo, chủng tộc... của đối tượng khi họ sắp quyết định một vấn đề. Nói cách khác, quyết định của họ không nên bị chi phối bởi những yếu tố trên.


Bởi vì tham ái và ý tưởng trả thù mà chiến tranh và xung đột khởi lên liên miên. Đức Phật đề cập đến một nguyên nhân khác của chiến tranh. Đó là có một số người cho rằng bản thân họ, tôn giáo họ hay quốc gia họ cao nhất, còn những người khác, tôn giáo khác, quốc gia khác thì thấp hơn. Đức Phật dạy trong kinh Pháp Cú rằng: Kẻ thắng thì bị thù ghét, người thua thì sống trong đau buồn. Cả hai phía đều bị ảnh hưởng bởi chiến tranh. Kinh Cullabodhi Jakata nói rằng lòng hận thù và ý muốn trả thù tiêu diệt cuộc sống con người. Cũng như hai cây gậy đập vào nhau, lửa tóe ra tiêu diệt cả hai cây. Theo Phật giáo thì trong chiến tranh, không có ai là kẻ thắng cuộc cả. Thay vào đó, đức Phật nhấn mạnh đến tầm quan trọng của sự tự thắng mình trước những ô nhiễm của chính bản thân mình.


Trong kinh Pháp Cú đức Phật dạy rằng, chiến thắng được dục vọng của mình thì vĩ đại hơn thắng ngàn kẻ thù bên ngoài. Ngài luôn luôn khuyên chúng ta là hãy nhìn thấy lỗi của mình thay vì đi tìm lỗi của người khác. Bởi vì khi người ta thấy lỗi của người khác thì xung đột bắt đầu. Đức Phật luôn luôn khuyên chúng ta nên suy tư về bản thân mình để loại bỏ những khuyết điểm của bản thân. Có một lần nọ, khi đức Phật đang ngồi thiền dưới một gốc cây thì một nhóm thanh niên đến hỏi Ngài rằng, Ngài có thấy một phụ nữ đi ngang qua không, thì đức Phật trả lời rằng: Đừng có nghĩ đến những gì người khác làm hay không làm, mà hãy nghĩ về những gì mình đã làm hay chưa làm.


Thông thường , người ta hay đổ lỗi hoặc quy trách nhiệm cho kẻ khác mà không thấy lỗi và trách nhiệm của mình. Và đó cũng chính là nguyên nhân của mọi xung đột. Cho nên đức Phật khuyên chung ta nên xác định trách nhiệm của mình và đối xử tốt với người khác. Ngài khuyên chúng ta hãy trãi lòng từ, thậm chí đối với kẻ thù. Trong kinh Ví dụ Cái Cưu thuộc Trung Bộ kinh, đức Phật đã khen ngợi tính kiên nhẫn của một vị tăng khi vị này đã trải lòng từ cho những tên cướp dù chúng đã cắt đi một phần cơ thể của vị tăng và làm cho vị tăng đau đớn đến chết.

 Phật giáo giải quyết vấn đề từ căn bản gốc rể của nó. Chiến tranh và xung đột khởi lên là do nhu cầu chính trị, tham vọng của những cá nhân hoặc nhóm người. Đức Phật đã giới thiệu nhiều nguyên tắc để ngăn chặn chiến tranh và xung đột. Chính trực, tôn trọng lẫn nhau, chia sẻ quyền lợi, từ bi, nhẫn nhục, nhu thuận là những nguyên tắc quan trọng rất cần được thực hành vậy.

Tác giả: Polgolle Kusala Dhamma
Trung Hữu lược dịch

ĐỀ NGHỊ THAM KHẢO về CẤU TRÚC QUYỀN LỰC



Cho đến nay, những ai quan tâm tìm hiểu và tham khảo về thời cuộc, về sinh hoạt xã hội chính trị của thế giới khó có thể tránh khỏi kết luận về "nền văn học chính sử" của nhân loại hầu như chỉ là những "câu truyện" được xếp đặt như những truyện cổ tích có hậu giữa "phe thiện" và "ác". Vấn đề hay câu hỏi cần đặt ra là AI thật sự là "tác giả" của những "tập truyện" này? 

Hệ quả này hẳn nhiên không chỉ khởi đi từ chù nghĩa quyền chính quốc gia dân tộc bày đàn của từng nhóm dân với những "huyển sử dân tộc", khi mà bọn quyền chính cần một "bản sắc tự hào giống nòi" để bó nhỏ đầu quần chúng cho mục tiêu "đoàn kết" để cai trị, mà tệ hại hơn ở thời cận đại, khi một thiểu số với tài sản cực giầu có quyền thế bao phủ gần như toàn xã hội do những gian manh cấu kết lừa đảo trong hệ thống quyền lực (như Lã Bất Vi thời xa xưa). Từ đó phát sinh cuồng vọng khống trị toàn cầu. Họ đã thành công trong việc xếp đặt cả một hệ thống NIỀM TIN trong thông tin giáo dục.

Nhận định như thế hẳn cũng không thể tránh được làm đại đa số ngỡ ngàng... bởi nó vượt tầm kiến thức chính qui qui ước nền tảng "trí tuệ" của họ.

Như thế, muốn tìm hiểu xã hội trước mặt, thật mỉa mai, nó lại đòi hỏi một người phải đi ngược truyền thống chính qui, bước ra khỏi ma trận đã được thiết lập để lý giải như các nhóm nghiên cúu và độc lập đang thực hiện. Mỉa mai nhưng thực tế hơn nữa, là muốn hiểu sự thật của lịch sử, sử gia đúng đắn cũng bị buộc phải phá bỏ "truyền thống chính qui", một loại phương pháp được đặt ra để không ai có thể "viết sử" khác những gì đã được "đặt để" mà tưởng như là "chứng sử khoa học"!


Hai nhà đại khoa bảng Anh Mỹ đã buộc phải phá rào để làm chính công việc truy tìm sự thật quá khứ, sự thật mà nếu không thấy nó, biết nó, thì không thể lý giải hợp lý những diễn biến kinh hoàng của nhân loại từ hơn trăm năm qua cho đến hiện nay.

Giáo sư sử học Professor Carroll Quigley của George Town và Antony Suttoncủa viện Hoover, cả hai đều là "đại khoa bảng chính qui" nhưng đã nhận ra được những "trở ngại qui chính" đã tiến hành những nghiên cúu vượt truyền thống chính qui để mở toang những kẽ nứt của chính sử, và giúp những ai thật sự muốn tìm hiểu những diễn biến chính trị hiện tại của nhân loại có những dữ kiện lấp vào khoảng trống "bí ẩn".



Không có những khai mở phi truyền thống này, người ta vẫn cứ chỉ lẩn quẩn lý giải trong vòng "biên giới" của quốc gia với những mẩu kiến thức lặt vặt đã được định sẵn, và chẳng thể hiểu được những tai họa của họ, của hàng tỉ con người trong hàng trăm "quốc gia" hầu như đều là hệ quả toan tính của một nhóm người "vô danh tính" ở ngoài vòng "thông tin" của chính sử.

Thật sự cũng chỉ đơn giản nếu một người biết chất vấn. Lấy thí dụ là tai họa "thực dân" của một "dân tộc" có phải đi từ quyết định của một vài cá nhân quyền chính có "óc thực dân"? Cái gọi là thảm họa nội chiến Việt Nam kéo dài hơn 20 năm với hàng triệu nhân mạng, và kéo dài cho đến hôm nay đây, có phải đi từ quyết định "chính sách bang giao" của một nhóm người Âu Mỹ? Thảm họa của Phi Châu do ai tác tạo? Hay gần nhất, những biến chuyển và những cái gọi là "chính sách quốc gia" hiện nay của Việt, Hoa, Trung Đông v.v là do tác động từ đâu"? Có phải là từ những "lãnh đạo chính trị" những kẻ cầm quyền cũng chỉ có một giai đoạn? 

Quan trọng nhất, vẫn là nếu không hiểu về lịch sử quyền chính cũng như cấu trúc của nó ngay trong hiện tại, một người cũng không thể hiểu được một nguyên lý tự nhiên đơn giản của phi quyền chính. Bởi quyền lực không phải đi từ "nòng súng" như Mao từng ngu xuẩn tuyên bố. Quyền lực là kiểm soát nguồn tài nguyên nhu cầu. Một nhóm nhỏ không thể kiềm soát hay khống trị được nguồn tài nguyên nhu cầu của đại đa số nếu không có sự đồng thuận dù gián tiếp của đa số. Sự gián tiếp đồng thuận này đi từ tín lý, niềm tin. Nghe thật "lạ tai" phải không? Có lạ tai không khi hàng tỉ nhân loại tuân phục một cá nhân giáo chủ? Và từng tin sắt đá rằng địa cầu vuông phẳng? Có lạ tai không khi hàng tỉ nhân loại từng tin vào "quyền con trời" (thiên tử) hay từ "Thiên Chúa" (divinity) và tính "chính đáng" chỉ có từ "chính thống" một "giòng họ"?


Có ai còn nghi vấn những tai họa "kinh tế tài chính" hầu như của toàn nhân loại phải chịu đựng được "dấy động" từ một nhóm người Âu Mỹ mà phố Wall chỉ là "mặt tiền trái hiên" của họ? 

Khi không hiểu được một nguyên lý hiển nhiên và nhỏ bé như thế của quyền lực ngay tại xã hội mình và từ chính bản thân mình như thế, làm sao một người hiểu và thấy được rằng những tai họa và biến chuyển của cả thế giới hôm nay, sinh mạng của hàng tỉ con người, đều được cắt đặt và tác động chỉ từ một nhóm người ẩn nấp?

Nói ngắn gọn lại, quyền lực đi từ khống trị được niềm tin. Niềm tin được kết đặt và củng cố bằng hệ thống "giáo dục" miên tục. Nghĩa là nhồi nhét huân tập. Nếu hiểu được như vậy với những chứng cớ rành mạch, chúng ta, những ai còn tình thức sẽ biết cách thoát nó như thế nào rồi. Thoát hay không, vẫn là quyết định từ tầm nhận thức của mỗi cá nhân.

Những tác phẩm nghiên cứu đúc kết của Sutton và Quigley bổ túc lẫn cho nhau về mặt chứng sử cũng như cho chúng ta những bằng chứng băng hoại tàn độc và bạo ngược của một hệ thống quyền lực, về cấu trúc và vận hành của nó thật "đơn giản" như thế nào nhưng đã cho phép chỉ một nhóm người có thể thao túng sinh hoạt hạnh phúc khổ đau của hàng tỉ con người khác trên thế giới, những cuộc CHIẾN TRANH CHỦNG TỘC, THỰC DÂN, ĐẾ QUỐC, TÔN GIÁO, HAI CUỘC ĐẠI CHIẾN, KHỦNG HOẢNG KINH TẾ , CÁCH MẠNG, THỰC PHẨM CẢI DI TÍNH, LŨNG ĐOẠN MÔI SINH v.v trong đó có bản thân chính chúng ta. Những khám phá của hai giáo sư chính qui này là những viên đá nền tảng không thể không bước qua nếu muốn hiểu về thế giới chính trị kinh tế của chính chúng ta hôm nay. Và càng không thể thiếu nó trước khi tìm hiểu về nguyên lý đơn giản Phi Quyền Chính. Đơn giản, chẳng ai luu tâm nỗ lực tìm kiếm và tìm hiểu về một căn nhà mới khi vẫn chưa thấy được những khuyết tật, tai hại nguy hiểm của căn nhà hiện tại, vẫn hài lòng vui vẻ với căn nhà mình đang cư ngụ!

Nhân Chủ

29-4-2015