Tiểu luận của Hồ Anh Thái
Câu ca dao này có dạo lan truyền trong cộng đồng người Việt ở châu Âu:
Ăn nhanh, đi chậm, hay cười
Hay mua đồ cổ là người Việt Nam.
Những thứ này cũng đã thành ca dao:
Hôi mồm, ngồi xổm, hôi chân
Rung đùi động đất xa gần đều kinh.
Đi Tây thì sống như ta
Đến khi về nhà lại sống như Tây.
1. Ăn nhanh: trong nước với nhau, đã thành quen, ít để ý, nhưng ra nước ngoài thì mới thấy lộ. Tây với ta ngồi ăn trong cùng một quán, thì ta ăn sao mà nhanh, như chảo chớp. Ăn cho xong rồi đi làm việc khác, một chủ trương, một triết lý, coi ăn uống chỉ là việc đệm giữa những công việc quan trọng hơn lớn lao hơn. Sau khi đã bỏ công sức lao động, thế thì còn sự hưởng thụ nào quan trọng hơn là ăn nữa? Khi ấy ăn nên là một sự thưởng thức, ăn nhẩn nha, ăn theo kiểu thụ hưởng, miếng ngon trong miệng thì phải biết là ngon. Đấy là thái độ hiện sinh mà nhà Phật vẫn thường khuyên.
Đừng nên vừa nhai vừa nghĩ những điều đã qua và những việc sắp làm, ăn mà có khi quên mất là mình đang ăn cái gì. Chiến tranh, nghèo đói, vất vả nhiều, đến lúc sướng thì không biết hưởng cho trọn. Dấu ấn của một thời đầu tắt mặt tối chưa xa. Nó lan truyền thành một tính cách cộng đồng, ngay cả người không vất vả cũng lây nhiễm tính vội vàng gấp gáp trong ăn uống.
2. Đi chậm: cũng là một căn tính tiểu nông, vác cuốc đi thăm đồng thì có gì phải vội vàng, đi sau con trâu từng bước cày bừa nặng nề không thể vội vàng. Đến khi ra phố phường, thành người phố phường rồi, đi trên vỉa hè cũng chẳng phải vội vàng. Sang đến nước bạn thì xem kìa, đi đứng dềnh dàng như rùa bò trên đường. Người Tây người Nhật người Hàn đi vùn vụt trên vỉa hè, vượt qua ta rất lâu rồi mà ta vẫn cụm lại một đống với nhau lê chân chậm chạp đằng sau. Không thể đổ cho sải chân ta ngắn, ngắn nhưng vẫn có thể đi nhanh. Đây đang nói tốc độ đi chậm, nhịp độ đi chậm, tư duy chậm, trung ương đầu não chỉ đạo chậm thì xuống đến địa phương bàn chân bước đi cũng chậm.
3. Hay cười: đúng là nhiều khi bí quá, ở thế khó xử quá, ở thế trớ trêu quá, chỉ còn biết cười. Đang đi trượt chân ngã, còn đang tô hô trên đường, chưa đứng dậy được, cười. Giẫm lên chân người khác, phản ứng đầu tiên phải là câu xin lỗi, thì lại cười. Người nước ngoài rất lạ, rất phẫn nộ, sao giẫm lên chân người ta lại cười, sao ngã lại cười. Thì thế, cái cười vô duyên thực ra là như xin lỗi, như để đỡ ngượng. Người ta nói gì mình không hiểu, tất nhiên là chỉ còn biết cười. Không hẳn là cười, có nhiều cái cười đúng ra chỉ là nhe răng.
4. Cười là một cách, gây ồn ào nơi công cộng là cách khác. Một nhóm người Việt đi với nhau là chỉ thấy xoe xóe chiu chiu tiếng Việt trong tai người nước ngoài. Ở nơi công cộng, bến xe bến tàu sân bay, vẫn còn đó thói quen gọi nhau qua cánh đồng, trên thuyền trên ghe trên xuồng, phải gọi to nói to nghe mới thủng. Một cô đi máy bay bị nôn, mỗi lần rặn ra nôn là cô ôi ôi nghẹn ngào như khóc, ôi ôi như bị bóp cổ. Cả khoang máy bay phải nghe, cả khoang máy bay ai cũng tưởng bệnh trạng của cô đã đến mức phải hỏi xem hành khách có ai là bác sĩ xin hãy đến giúp đỡ. Cộng đồng làng xóm, một người hắt hơi sổ mũi thì phải hắt hơi thật to để các nhà trong xóm biết mà chạy sang. Không ai sang thì cũng coi như đánh tiếng cho cả xóm biết là tôi đang ốm đây. Chuyến ấy tôi đi cùng máy bay với cô này từ Đài Bắc quá cảnh về Hà Nội, máy bay hạ cánh, thấy cô đứng lên cười, người Việt hay cười, nói lưu loát giọng đồng bằng Bắc bộ: Chẳng hiểu thế nào, mọi lần iem vẫn đi máy bay thoải mái.
Vẫn là chuyện âm thanh của người Việt, ngồi dự chiêu đãi ngoại giao, một ông sứ vẫn có thể ợ một cái thật to mà không xin lỗi như tập quán xã giao phải sorry. Người Việt tập quán Việt, việc gì xin lỗi ai. Xỉa răng, cắm cái tăm vào miệng đi khắp đường phố trước mặt Tây mặt Mỹ, công khai, phơi lộ, ấy thế nhưng khi xỉa răng thì lại lấy tay che miệng, như che một cái buồng thay quần áo. Cái che tay này người ta mới thấy lạ, đâu cần đến thế, chỉ cần anh xỉa răng mà đừng ngoác miệng ra là đủ rồi.
5. Hay mua đồ cổ: đồ cổ là nói cho sang, đồ cổ bao giờ cũng đắt tiền, đúng ra người Việt có tính sưu tầm đồ cũ. Đồ xé cần hen. Quần áo si đa. Những đồ rẻ tiền mua về nước bán để kiếm tí lợi nhuận. Đấy là chuyện thời trước, thời nay quần áo Tàu còn rẻ hơn đồ si đa xé cần hen. Nhà ngoại giao được nhà nước cấp cho cả nghìn đô mua trang phục, trang phục là công cụ lao động của nhà ngoại giao, ấy thế vẫn không chịu đầu tư vào công cụ lao động, ấy thế vẫn mua bộ vét Tàu dăm ba chục đô, vẫn mua quần áo đồng hạng một vài đô ở chợ đồ cũ. Giới quan chức trong phòng khách ngoại giao chỉ thoáng nhìn là biết bộ củ ông khoác trên người đáng mấy tiền, chắc chắn mua ở chợ đồ cũ. Ông ấy không nghèo, ở Việt Nam ông có một căn nhà mặt phố đang cho thuê và một miếng đất nghỉ cuối tuần ở quê.
*
* *
Những thứ này cũng đã thành ca dao:
Hôi mồm, ngồi xổm, hôi chân
Rung đùi động đất xa gần đều kinh.
1. Rung đùi: hễ ngồi là rung đùi bần bật, rung công khai rung sảng khoái. Hình như người Việt tán tụng rung đùi như vậy là số sướng. Bà ngồi bà rung đùi, bà ngồi bà rung chân… đã thành câu hát. Ngồi họp hội nghị cũng rung đùi làm cái bàn viết rung bần bật. Đám Âu - Mỹ trố mắt bảo là bị bệnh liệt rung pa kin xân. Không phải liệt rung bệnh tật thì cũng bị coi là bất lịch sự.
2. Ngồi xổm: chẳng may ở những chỗ không có ghế ngồi, thì sẵn sàng dàn một hàng ngang, ngồi xổm, đúng kiểu xí xổm châu Á. Đến mức đám Âu - Mỹ kia đã kết luận chuyện ngồi xổm là tập quán của dân Á Đông, một thứ thuộc tính mãn tính. Kiểu Việt Nam, Vietnam style, họ bảo thế.
3. Hôi mồm: có lần trên mạng tiếng Việt dấy lên một cuộc hội thảo về việc nhiều người Việt hôi mồm. Nhưng nếu nói chỉ có người Việt hôi mồm thì hơi thiếu công bằng. Tôi phải nhiều lần chịu những trận hôi mồm của các nhà ngoại giao Nhật, Triều Tiên, Thụy Điển… Tiệc trưa tiệc tối đều vào những giờ dạ dầy rỗng. Sau bữa ăn khoảng hai tiếng đồng hồ, thức ăn đã được đẩy ra khỏi dạ dầy rồi.
Đói thối mồm như người Việt vẫn nói. Mùi dạ dầy hào phóng trực tiếp đẩy lên qua thực quản qua mồm mà phụt ra. Giờ ấy nói chuyện với ai thì đừng có chĩa thẳng mồm vào mặt người ta như ngắm bắn người ta. Nhiều nhà ngoại giao vẫn vô ý như mấy ông kể trên đã ngắm thẳng vào mặt người khác. Tôi từng phải kín đáo ne né cái mặt, nghiêng nghiêng cái đầu để tránh bị luồng hơi phun trực diện.
Thế thì mình không hôi hay sao?
Phải có cách khắc phục: trước khi đi chuyện trò vào cái giờ đói bụng, phải biết lót dạ, dứt khoát phải ăn một cái gì đó. Ăn không phải vì đói, ăn là vì người đối diện, ăn là để không phun cái mùi dạ dầy vào mặt họ. Tất nhiên là ăn xong phải có cách để tẩy cả mùi thức ăn.
Có ông đồng nghiệp hôi mồm, cái này là bệnh, không phải là vô ý khi đói bụng. Hình như ông hở một cái gì đó ở chỗ thực quản, như kiểu hở van tim. No bụng rồi mồm vẫn hôi. Đã thế lại không biết ý, gặp các nhà ngoại giao khác, cứ tiến sát mặt người ta mà nói. Mình là đồng nghiệp, mình nói gần nói xa ông vẫn chẳng chịu hiểu. Một ông nhà thơ cũng vậy, bệnh của ông, ngồi cách ông cái mặt bàn rộng một mét rưỡi vẫn phải chịu mùi hôi. Mỗi lần họp giao ban, ông đều đến ngồi bên cạnh tôi. Có lần ông đến muộn, tôi phòng tránh bằng cách đặt cái cặp của mình lên chiếc ghế ông thường ngồi, tin rằng ông sẽ phải ngồi cách tôi một chiếc ghế. Lát sau ông đến, ông thò tay nhấc cái cặp của tôi lên, đặt sang cái ghế khác, rồi lại ngồi xuống đúng chỗ cũ, đúng cái ghế cạnh tôi. Tôi cứ cười thầm tự giễu: mình tự cho là mình khôn, nhưng khôn ngoan chẳng lại với giời.
4. Hơi người: thì vẫn là chuyện ta ở Tây. Ông kém tắm, người toát ra cái mùi vài ngày không tắm, lại trộn với dầu gió dầu cao nữa thì nhất hạng đế vương. Cứ thế mà gieo gió thành bão, cứ thế mà tấn công cái mũi bọn bản xứ. Bọn chúng rất sợ cái nặng mùi của hơi người. Ta có truyền nhau rằng người da đen khen khét, người da trắng gây gây, người da nâu hăm hăm. Mình không ngửi được mùi của mình, nhưng đừng có chủ quan ta thơm ta ngon. Đến lượt người ta bảo người da vàng tanh tanh, như cá lôi từ ngăn đá ra đang để cho rã đông. Ai cũng sợ mùi hơi người. Phải biết vậy mà có cách khắc phục.
*
* *
Còn một câu ca dao thuộc loại tự trào khác:
Đi Tây thì sống như ta
Đến khi về nhà lại sống như Tây.
1. Đấy là chuyện một thời. Mà vẫn còn là chuyện bây giờ. Như cái ông làm đối ngoại đã kể ở trên. Một căn nhà cho thuê, một miếng đất nghỉ cuối tuần ở quê. Ấy thế vẫn mặc bộ vét cũ rích và bộ vét mới đồ Tàu rẻ tiền. Ra nước ngoài ăn chẳng dám ăn, mặc chẳng dám mặc, chơi chẳng dám chơi. Mấy năm ở xứ người có khi chỉ biết đường từ nhà đến chợ, chấm hết. Phải ăn nhịn để dành. Gom tiền gom đồ để về xây dựng tiền đồ ở nhà. Tiết kiệm là điều đáng được khuyến khích. Nhưng chắt bóp đến mức khác thường trước mặt người ta mới là chuyện. Cái nghiến răng chắt bóp đã làm ảnh hưởng hình ảnh một đám con dân một dân tộc. Có thể được người có tấm lòng bao dung cảm thông, nhưng khó mà được trọng.
2. Lối sống ấy lại dẫn đến một đối cực: đến khi khuân được tiền đồ về nhà thì lại hoắng lên. Xây nhà phô trương lòe loẹt, trang phục khoe khoang cho có vẻ đã đi khắp Đông Tây, dàn karaoke âm thanh nổi inh tai hàng xóm, lối sống cũng trưởng giả ra cái vẻ ra cái điều. Ta ở Tây về.
Đi Tây thì sống như ta
Đến khi về nhà lại sống như Tây.
Xuất khẩu một lối sống tiểu nông thâm căn cố đế sang xứ người, làm ngứa mắt nhức tai xứ người. Nhập khẩu về ta một cung cách xứ người. Tưởng là xứ người, nhưng thực ra vẫn là cách phô trương trưởng giả học đòi. Vẫn là bộ cánh quê mùa của xứ ta đấy thôi. Người có văn hóa dù ở thành thị hay nông thôn thì cũng không đời nào có cách sống vừa bám chặt những thứ cố hữu vừa học đòi nửa mùa như vậy.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét