Ngoài
việc kế thừa truyền thống âm nhạc vốn có của Phật giáo, tiếp biến Lễ
nhạc Phật giáo Trung Hoa, Lễ nhạc Phật giáo Huế còn khéo léo vận dụng
các hình thức âm nhạc vốn có của vùng đất này nhằm mục đích truyền bá,
duy trì đạo pháp. Việc kế thừa những khoa nghi, cho đến các bài tán
tụng, theo pháp độ và kinh điển mà Phật giáo Trung Hoa đã thiết lập, đó
là điều dễ nhận ra trong quá trình diễn xướng Lễ nhạc Phật giáo Huế.
Nhưng, âm điệu tán tụng cùng với âm nhạc phù trợ trong Lễ nhạc Phật giáo
Huế, trên phương diện ngữ âm, giai điệu và bài bản âm nhạc, thì lại
hoàn toàn mang tính truyền thống của vùng văn hoá này. Chính vì thế, Lễ
nhạc Phật giáo Huế đã trút bỏ được nhiều màu sắc của Lễ nhạc Phật giáo
Trung Hoa, bằng những cải biến linh hoạt của mình.
Có
thể nhận thấy, Lễ nhạc Phật giáo Huế dễ dàng dung hợp được nhiều loại
hình âm nhạc truyền thống khác, bởi vì đặc tính âm nhạc truyền thống của
các dân tộc Phương Đông và Việt Nam nói chung, cũng như âm nhạc truyền
thống vùng Huế nói riêng, cho dù đã được ký âm, ghi lại bằng nhạc phổ,
nhưng chúng thường có tiết tấu linh hoạt, không chuẩn hoá cao độ và
trường độ như âm nhạc Phương Tây, cho nên, mỗi trường phái, hay mỗi
người thể hiện, không phải hoàn toàn là phiên bản của nhau. Điều đó, tuỳ
thuộc trình độ thẩm âm, sự tài hoa, tâm trạng, của từng người khi thể
hiện. Việc vận dụng âm nhạc truyền thống vùng văn hoá Huế, kể cả âm nhạc
cung đình, đã được điển chế và trở thành quy tắc bắt buộc đối với các
nhạc công, nhưng khi thể hiện trong Lễ nhạc Phật giáo Huế vẫn hài hòa và
không có sự phân cách rõ ràng.
Nhạc Lễ Cung Nghinh
Sự
linh động của Phật giáo Huế, vì mục đích hoàng pháp lợi sinh, đã vận
dụng tối đa những lợi thế âm nhạc vốn có của vùng đất này để chuyển hoá
vào trong nghi lễ. Trên chất liệu ca từ không thể vượt ra ngoài giáo lý
nhà Phật, việc vận dụng các hình thức âm nhạc truyền thống nhằm tạo nên
sự sinh động truyền cảm, thu hút lòng người đến với Phật pháp, truyền bá
giáo lý, chuyển hoá nhân tâm là một thành công về Phật sự của các nhà
hoằng pháp mà vai trò Lễ nhạc Phật giáo Huế đã được khẳng định là một
phương tiện hữu hiệu.
Mỗi
một thể loại âm nhạc đều có một đời sống xã hội riêng, một môi trường
diễn xướng chuyên biệt và mang một chức năng xã hội nhất định. Đối với
Lễ nhạc Phật giáo Huế, âm nhạc gắn bó chặt chẽ với nghi lễ, đó là một
thực thể không tách rời. Theo quan niệm của Phật giáo, nghi lễ là phương
tiện bày tỏ lòng thành kính tri ân tam bảo, quốc gia, phụ mẫu... đồng
thời cũng là phương tiện để cứu độ chúng sinh. Do vậy, Lễ nhạc Phật
giáo, khi tham gia vào các nghi lễ trở thành tiếng nói huyền diệu, có
khả năng giao cảm với trời đất, thần linh, tổ tiên,... và có sức mạnh
lay động lòng người. Âm nhạc được sử dụng trong mỗi một nghi lễ của Phật
giáo đều có một chức năng và tác dụng rất cụ thể. Điều đó không chỉ
riêng cho người hành lễ mà còn cho cả những người xung quanh tham dự, và
có thể tuỳ ứng cho các pháp giới.
Các
hình thức âm nhạc trong nghi lễ Phật giáo Huế được vận dụng một cách
khá linh hoạt. Có thể nói, Lễ nhạc Phật giáo Huế điểm chính yếu được chú
trọng là thanh nhạc, nội dung mà âm nhạc tập trung chuyển tải chủ yếu
thông qua các hình thức biểu đạt ý nghĩa của ca từ. Tương ứng với mỗi
buổi lễ có các bài tán, tụng, niệm, xướng, dẫn, bạch, vịnh, thỉnh, ngâm,
thài... phù hợp. Còn các nhạc cụ chỉ đóng vai trò thứ yếu, bổ trợ cho
nghi lễ nhưng nó góp phần làm cho các buổi lễ trở nên trang nghiêm, long
trọng, thu hút được lòng người, hướng con người đến với đạo pháp, thâm
nhập giáo lý của nhà Phật. Mà trong mỗi cách thể hiện đó, âm điệu, ca từ
của kinh sư được hoà cùng với thanh âm của pháp khí, nhạc cụ tạo nên sự
hài hoà, hô ứng, bổ trợ cho nhau cùng phát huy tác dụng.
Tính
chất hùng tráng, trang nghiêm, cao quý của đại nhạc, tính chất sâu
lắng, vui tươi, êm dịu của tiểu nhạc, trong âm nhạc cung đình, được vận
dụng vào Lễ nhạc Phật giáo Huế một cách linh hoạt. Đối với các bài bản
không có lời ca đi kèm, so với âm nhạc chính thống được điển chế ở cung
đình, khi diễn tấu trong không gian nghi lễ Phật giáo hầu như không có
sự khác biệt lớn. Những bài bản như: Tam luân cửu chuyển, được tấu lên mở đầu cho một đại lễ, lúc thượng phan sơn thuỷ, dịp khánh hỷ...; Còn Đăng đàn kép, Đăng đàn đơn... được dùng cung nghinh chư tăng, thỉnh sư đăng toà hành lễ, thuyết pháp...; Và Long ngâm (âm)
được dùng rất linh động khi chủ sám niêm hương hay đan xen vào những
khoảng trống của buổi lễ, khi không có lời ca của các kinh sư...
Điệu múa lục cúng hoa đăng của Phật giáo
Riêng
các bài bản có lời ca, ca từ được lấy từ chiết xuất từ các câu kinh,
tuyển chọn những bài kệ. Những hình thức ca từ này, mỗi khi được các
kinh sư tán tụng trong các nghi lễ đều thể hiện tính nhạc. Những bài bản
của âm nhạc cung đình, đặc biệt là bài Bình bán trong Thập thủ liên hoàn
(mười bản ngự), được thay đổi cung bậc sao cho phù hợp với các lời ca
của các kinh sư trong quá trình diễn xướng. Thông thường điệu thức Bắc
của âm nhạc cung đình, mang tính chất trang nghiêm, vui tươi, trong
sáng, được gọi là hơi khách hay hơi thiền, dùng để tán dương Phật pháp,
ngợi ca công đức của Phật và chư vị Bồ Tát.
Tính
chất trầm lắng, man mát buồn, âm hưởng của điệu Nam, hơi ai, được vận
dụng trong các bài tán tụng của Phật giáo để chuyển tải triết lý vô ngã,
vô thường, những huyễn ảo của cuộc sống, khổ đau của đời người... trong
các dịp tang lễ, cầu siêu, cúng linh, chẩn tế cô hồn, giải oan bạt
độ...
Bên cạnh đó, những bài bản của âm nhạc dân gian vẫn được đưa vào diễn tấu trong nghi lễ Phật giáo Huế. Chẳng hạn: Thái bình, Cách giải, Tam thiên, Tứ châu, Lai kinh, Tấn trạo,... và ngay cả bài Phần hoá diễn
tấu trong lúc đốt vàng mã ở đình, miếu, từ đường, tư gia... và nhiều lễ
tế khác trong dân gian cũng được vận dụng. Không chỉ như vậy, những làn
điệu hò, lý, ngâm thơ, tuỳ vào từng lúc, cũng được vận dụng một cách
triệt để. Tất cả làm cho Lễ nhạc Phật giáo Huế trở nên phong phú đa dạng
hơn trong thể hiện.
Đỉnh
cao của loại hình âm nhạc này, được tập trung vào các giai điệu của các
bài tán. Trong nghi lễ Phật giáo Huế, giai điệu tán rất phong phú, mỗi
một bài có thể được tán với nhiều cung bậc khác nhau. Có thể tán theo
hơi thiền hoặc hơi ai và có thể tán theo lối tán rơi, tán xấp, tán
trạo... Các bài tán chủ yếu dùng những hình thức kệ. Ngoài các lối tán
ra, kinh sư có thể dùng lối ngâm, đọc, xướng, dẫn... vẫn phát huy hiệu
quả chuyển tải ý nghĩa của nó trong các nghi lễ Phật giáo. Bởi, bản thân
các bài kệ, chúng là những bài ca, được đúc rút từ những diệu lý của
kinh Phật, hay thể hiện sự chứng ngộ, trải nghiệm của các thiền sư.
Trong các nghi lễ Phật giáo Huế dù thể hiện ở phương thức nào cũng trở
thành phương tiện hữu hiệu để khai ngộ chúng sinh.
Chư tiên mặc áo mã nạp cung nghinh trong đoàn rước Phật
Âm
nhạc và nghi lễ được hoà quyện vào nhau rồi trở thành tiếng nói vi
diệu, chuyển hoá lòng người, hướng con người đến với đạo pháp. Âm nhạc
trong nghi lễ Phật giáo Huế góp phần đưa con người thâm nhập vào giáo lý
từ bi, hỷ xả, vô ngã, vị tha... hướng con người đến cuộc sống lành
mạnh, hướng thượng, mang lại cuộc sống an lạc, hạnh phúc trong thực tại.
Lễ nhạc Phật giáo không chỉ là một pháp môn, một phương tiện của những
bậc tu hành, mà còn một loại hình nghệ thuật có mối quan hệ mật thiết
với mọi đối tượng thính pháp văn kinh, gắn liền với yếu tố văn hoá tâm
linh của con người, một phần cuộc sống tinh thần của người dân xứ Huế.
Dẫu, có thể chỉ là vô tình trong lĩnh vực nghệ thuật, nhưng Phật giáo
Huế đã tạo nên một dòng âm nhạc độc đáo, không chỉ là một sản phẩm văn
hoá phi vật thể đặc sắc của Huế mà còn của Việt Nam.
Lê Đình Hùng