Thứ Sáu, 19 tháng 12, 2014

Khẩu Phật tâm xà





Huỳnh Trung Chánh


Đời vô thường vô ngã
Người khẩu Phật tâm xà
Nhất Hạnh



Thím Bảy đảo qua lại bên quầy hàng bày bán mắm tôm chua mấy lượt mới cầm một hủ lên xăm xoi, rồi lại để xuống, lắc đầu than nho nhỏ: "Có mấy con tôm nhỏ híu, mà mắc quá hè!". Tiếng than vô tình lọt vào tai bác Tám Cà Mau, ông già gân gan ruột để ngoài da ồn ồn lên tiếng:

- Hứ! Cái thứ tép riu, tép bạc nhỏ nhít nầy mà thiên hạ đại ngôn gọi là mắm tôm, thiệt là khoác lác.

Đang đi chợ buổi chiều, khách cũng le hoe mà nghe nhắc đến con tép bạc, thiếm Bảy chợt nhớ đến câu hát ru em ngày xưa "Phiên chợ đông, con cá hồng anh chê lạt. Buổi chợ chiều con tép bạc anh khen ngon" nên vui miệng đáp theo điệu ấy:

- "Ở Việt Nam, con tôm càng chê lạt. Đến xứ người, con tép bạc cũng khen ngon" mà bác.

- Cái gì xứ người thiếu thốn quí cho phải, chớ tép thì ở xứ Houston nầy quá nhiều mà!

- Thưa bác! Tôm Houston thịt bở lắm không làm mắm tôm được đâu. Cháu đã thử mấy lần đều thất bại. Tôm đỏ hấp dẫn, mà bã ra như bột vậy đó.

- Người ta làm mắm tép cầu kỳ như thế nào tôi không rõ, nhưng "nhận mắm tép" theo phương pháp quê mùa xứ Năm Căn, Cà Mau thì chắc như bắp, trăm lần không sai một.

Thím Bảy mừng rú lên:

- Bác Tám còn có nghề làm mắm, vậy mà con chưa biết?

- Xứ Năm Căn tui, cá tôm lủ khủ ăn không hết thì phải làm mắm. Cá lóc, cá sặc, ba khía, còng hay tép cũng mang ra nhận mắm ráo nạo hết. Trẻ nít còn biết làm mắm, làm khô, huống chi là tui!

- Vậy bác Tám dạy con nghen! Nhà con thích mắm lắm!

- Ơ! nè lại nhà bác lấy mấy hủ về ăn thử. Thích thì bác truyền nghề cho. Dễ ợt hà cháu!

Phương thức làm mắm tôm Năm Căn giản dị đến nỗi thím Bảy tưởng mình nghe lầm. Tuân theo lời chỉ dẫn của bác Tám, thím gò gẫm nhận thử hai hủ, rồi cứ ngay ngáy trông ngóng chờ đến ngày ăn thử. Thím nếm con tép, tự biết đã thành công, nhưng thím vẫn chưa tin được khẩu vị của mình. Thế là thím thấp thỏm chờ đợi chú Bảy đi làm về, phải nghe được tiếng nói của ông xã thì mới chắc ăn. Thật ra, chú Bảy là tay nịnh vợ có hạng, vợ nấu nướng món gì, ngon dở, cũng khen tùm lum hết. Biết rõ ruột gan ông chồng, nhưng thím Bảy vẫn vui sướng nghe mãi điệp khúc ngọt ngào đó.

Sống ở xứ người mà chú Bảy chỉ tương tư những thức ăn thuần túy Việt Nam. Thấy mắm mắt chú sáng lên. Chú chăm chỉ gắp một đủa mắm tôm, kèm với đu đủ bào, rau thơm, giá sống..., nhai chầm chập. Con tôm chắc thịt, vị đậm đà, phảng phất trọn vẹn chất mắm nguyên thủy, chớ không nhão nhẹt, chua òm, biến chất như các loại mua ở chợ. Chú chồm dậy nói lên:

- Đúng rồi! phải rồi! Đây chính là món mắm Cổ Chiên, Trà Vinh thuở nhỏ tôi đã ăn đó mà!

Chú nhai con mắm mà mắt cay cay, cảm giác như có cả mùi chuối chác, khế, đọt xoài, đọa lụa..., hương vị quê hương gần gũi mà cũng xa xôi diệu vợi biết là dường nào. Thấu rõ ruột gan ông chồng, thím Bảy phóng vù ra chợ, xách về mấy bao tôm, rồi ì ạch chuẩn bị "kỹ nghệ mắm tôm". Thế là bao nhiêu chai lọ trong nhà, thím tuôn ra để nhận mắm hết. Rồi thím lại đem lọ, hủ lớn nhỏ ra phơi đầy cả sân trước. Mùi mắm có thoang thoảng sang hàng xóm Hoa Kỳ thì họ ráng mà ngửi đỡ vậy. Phơi được vài nắng, những con tôm đã đỏ au hấp dẫn. Thím Bảy bắt đầu lục lọi địa chỉ đám bè bạn thân cư ngụ ở những vùng thiếu thốn thực phẩm Á Đông để nâng niu gói món quà đượm tình quê hương mặn nồng, biếu họ.

Thông điệp "mắm" gởi đi một tuần lễ, thì thím Bảy nhận lu bù điện thoại khắp nơi. Trừ một thiểu số hội nhập trung thành với hamburger, hot dog xứ người lợt lạt, phần lớn đón nhận gói quà quí giá như đón nhận tình quê hương ruột thịt đậm đà. Có người xúc động cảm tạ thím Bảy đã khơi mở cho họ nhìn lại khung trời quê hương nhớ nhung thấm thiết. Tuy nhiên, "cú" điện thoại thím Bảy mong đợi từ Texarkana, tiểu bang Arkansas vẫn im hơi lặng tiếng. Lo lắng cho số phận hủ mắm gởi cho vợ chồng Mai và Ly bị thất lạc, thím Bảy bồn chồn liên lạc hỏi thăm. Vừa nghe tiếng "A lô" của Ly bên kia đầu giây, thím Bảy mừng rỡ tíu tít:

- A lô! Bích Ly đó hả! Ta nhớ bồ quá đi. Nè! Mùa lễ Tạ Ơn sắp tới, tụi nầy đi Hot Springs chơi, ghé rước bồ cùng đi nhe!

- Ơ! thích lắm nhưng không biết anh Mai có bận gì không?

- Bồ có nhận được hủ mắm tôm chua mình gởi chưa?

Bích Ly chưa kịp trả lời, thì bỗng có tiếng Mai, trong đường giây điện thoại bắt song song, ào ào lên tiếng lấn át giọng vợ:

- A lô! Chào chị Bảy. Hủ mắm tôm tới rồi. Cám ơn chị nhe! Nhưng rất tiếc tụi nầy ăn chay trường rồi, chẳng dám phạm giới đâu?

Đang hí hửng với thành quả mắm tôm, yên chí cô bạn thân mê tít rồi năn nỉ mình truyền nghề, bất ngờ bị ông bạn nhắc nhở giới luật, khiến thím Bảy ngỡ ngàng "xìu" như bong bóng xì hơi, cụt hứng lúng búng cáo biệt.

Ông mã thành Mai là một đại nhân vật tại thị xã Texarkana. Sang Hoa Kỳ năm 1975, nhờ thông minh tài trí hơn người, khởi đầu từ một chân thợ kinh nghiệm yếu kém, chỉ mấy năm đã nghiễm nhiên được đề bạt thành quản lý tại công ty máy cày hiệu con ngựa bay. Địa vị vững vàng, lương bổng hậu, Mai tạo nhà, rồi sang một cửa tiệm hàng thực dụng tại một địa điểm đông khách giao cho vợ trông nom. Cơ hội liên hệ với giới địa ốc hé mở cho Mai thấy được viễn ảnh huy hoàng của dịch vụ buôn bán nhà cửa, nên Mai liền hành thêm nghề tay trái nầy. Đúng lúc Việt kiều đổ xô về định cư tại Hoa Kỳ, rồi họ lại tranh đua nhau tạo dựng nhà cửa. Thế là, Mai một mình một chợ, mặc sức làm giàu. Tiền bạc sung túc thúc đẩy Mai tiến sang địa hạt hoạt động xã hội, đóng góp cho cộng đồng người Việt xứ người. Mai vận động thành lập Hội Người Việt rồi chễm chệ giữ chức vụ chủ tịch. Tiến xa hơn nữa, Mai hô hào đồng bào Phật tử đóng góp công của để xây dựng chùa, dĩ nhiên địa vị Hội Trưởng do Mai gánh vác. Thành thật mà nói, Mai đã hy sinh rất nhiều, đóng góp công của cho Hội khá rộng rãi. Tuy vậy, cũng có kẻ ganh tị xuyên tạc rằng Mai hoạt động xã hội có hậu ý. Mai lợi dụng địa vị để quảng cáo hữu hiệu cho nghề dịch vụ địa ốc, lại vừa có môi trường lý tưởng mà khoa trương đạo đức, biểu diễn tu hành để lòe đời. Nhờ tài tháo vác của Mai, Hội tậu được một ngôi giáo đường cũ kỹ bỏ hoang với giá rẻ mạt, để cải biến thành chùa. Rồi Mai cũng đích thân dò la sưu tầm những vị chân tu, thỉnh về trụ trì. Vị trù trì đầu tiên chỉ lưu lại chùa hơn sáu tháng thì âm thầm ra đi. Những vị kế tiếp cũng lâm vào trạng huống tương tợ: trọng vọng triệu thỉnh rồi cũng cuốn gói ra đi không kèn không trống. Điều "tréo cẳng ngổng" là thoạt mới đến, tăng sĩ nào cũng được đích thân ông Hội Trưởng ca ngợi tôn sùng, mà chỉ mới mấy tháng sau, đã bị ông nặng lời chỉ trích là hạng dốt nát, vụng về, đạo hạnh cạn cợt... Họ tự ý rời chùa cũng là điều hay, tránh cho ông Hội Trưởng khỏi phải nhọc lòng xua đuổi. Mai thường thở than rằng đã đến thời mạt pháp nên đạo đức suy đồi, bậc chân tu thiếu vắng. Trên đời nầy, ngoài vị hòa thượng hiện vẫn mở đạo tràng phát huy thiền tông tại Việt Nam, không tu sĩ nào đáng để Mai kính phục cả. Đúng ra, có lẽ Mai chưa thật sự gần gũi hòa thượng, nếu không e rằng Mai cũng lại đổi thay nhận định mà thôi. Chẳng qua Mai vốn là người "quá ưu tư" cho đạo đức kẻ khác, lúc nào Mai cũng lo lắng soi bói hành vi thiên hạ để chỉ trích hay nhắc nhở họ tu hành. Đối với tu sĩ thì dĩ nhiên Mai còn phải canh chừng họ nghiêm nhặt hơn nữa. Mai thấp thỏm lo quí thầy bị quyến rũ hư hỏng, nên Mai phải kiểm soát rình rập từng li, từng tí không khác gì mẹ chồng soi bói nàng dâu, để mà sửa sai và nhắc nhở chuyên cần tu tập. Mai cũng quan tâm đến sự giao thiệp của thầy. Để ngăn chận những thành phần mà Mai gán là khả nghi, nguy hiểm lung lạc thầy, Mai tự nhận có trách vụ kiểm soát cả việc đi đứng, điện đàm nữa. Mai cũng sắp xếp quán xuyến mọi việc trong ngoài, nhất là việc tài chánh: thu xuất, thùng phước sương..., hầu dành trọn vẹn thời giờ cho thầy chuyên tâm tu tập. Thâm tâm của Mai bất quá là chỉ mong cầu một vị chân tu theo nghĩa là một ông từ giữ chùa, chỉ biết tụng kinh gõ mõ, biết vâng lời và dành trọn quyền cho ông Hội Trưởng tự tung, tự tác thao túng mọi việc. Ôi! Ông Hội Trưởng suốt đời cứ quây quần bận rộn nói chuyện tu, lo lắng dặn dò người khác tu, đến nỗi phần mình thì không còn chút thời giờ thực sự tu tập, lòng hi sinh của người quá ư cao cả.

Không có sư trụ trì thì ông Hội Trưởng đành đảm trách việc lãnh đạo tinh thần cho đồng bào Phật tử vậy. Ông cũng long trọng chủ lễ và đăng đường thuyết pháp mỗi tháng một lần. Ông soạn bài pháp nội dung đầy dẫy giáo lý thượng thừa siêu đẳng. Ông cũng hùng biện và giỏi đóng kịch, nên điệu bộ khá hấp dẫn, và nhờ vậy buổi thuyết pháp có mòi thành công.

Tháng trước, Mai diễn giảng đề tài "Lợi ích của sự ăn chay". Đề tài tầm thường và khô khan, nhưng Mai đã khéo léo trình bày vấn đề từ khoa dinh dưỡng, rồi mới sang lãnh vực tôn giáo. Dựa vào giới cấm sát sanh, thuyết quả báo luân hồi, Mai đã vạch rõ được rằng ăn chay là bước căn bản tu tập của người Phật tử biết nuôi dưỡng hạt giống từ bi và bình đẳng. Cuối cùng, dùng duy thức học, Mai nhấn mạnh rằng cộng nghiệp sát sanh để đưa thế giới lâm vào cảnh chiến tranh tương tàn. Nếu chúng sanh bỏ được nghiệp sát, đương nhiên thế giới hòa bình, nhân dân an lạc. Diễn giả chấm dứt bằng mấy vần thơ:

"Chúng sanh không nghiệp sát

Thế giới hết chiến chinh

Dân gian đồng tu niệm

Lo chi chẳng hòa bình?"

Bài thuyết giảng thành công vượt bực, khiến Ông Hội Trưởng hừng chí "thừa thắng xông lên", khuyên mọi người thực hành ăn chay, rồi tuyên bố, vợ chồng ông đã cương quyết ăn chay trường để làm gương cho hội viên.

Sự kiệân Ông bà Hội Trưởng ăn chay trường là một biến cố trọng đại, đáng lẽ ai cũng phải biết. Thế mà thím Bảy Houston lại "ù ù cạc cạc" gởi biếu mắm tôm thật là quá tệ. Ông Hội Trưởng giận "quạt" cho mấy câu "tịt ngòi" là phải lắm rồi. Lái xe đưa vợ con đi chùa, mà lòng ông phơi phới nhủ thầm: "Phen nầy, nhờ cái miệng phát thanh ồn ào của mụ Bảy rồi đây cả thành phố Houston sẽ đón nhận tin mình ăn chay trường để mà cúi đầu khâm phục".

Hôm nay, Ông Hội Trưởng lại đăng đường thuyết pháp đề tài "Đạo Phật trong đời sống gia đình". Mở đầu bài thuyết giảng Ông Hội Trưởng trình bày rằng đạo Phật không phải là một mớ giáo lý cứng ngắt để tín đồ đọc tụng như con vẹt, mà bao gồm những giáo lý sống động hầu người Phật tử thực hành, ban vui cứu khổ muôn loài nói chung, và tạo hạnh phúc gia đình nói riêng. Kế đó trong phần nội dung. Ông Hội Trưởng đã sưu tầm tỉ mỉ Phật ngôn trong tam tạng kinh điển liên hệ đến tình nghĩa, bổn phận vợ chồng, để đúc kết thành một mẫu Phật tử hoàn mỹ. Và sau cùng thì Ông Hội Trưởng hùng hồn kết luận:

- Để chấm dứt, tôi xin trao truyền quí vị một kinh nghiệm bản thân như một cẩm nang quí giá trong việc tạo dựng hạnh phúc gia đình. Người Phật tử chỉ cần thực thi giáo lý "chúng sanh là Phật sẽ thành", ý thức rằng vợ chồng mình là vị Phật tương lai là đủ. Tâm tâm niệm niệm được điều đó thì vợ chồng chắc chắn phải tương kính nhau, thương yêu nhau hơn bao giờ hết. Bởi lẽ, có ai mà lại có thể càu nhàu, gây gỗ, nặng lời chửi bới, hay đánh đập một Đức Phật vị lai bao giờ. Chiều nay, đi về nhà, quí vị hãy trìu mến chiêm ngưỡng dung nhan của nhau thật lâu để ý thức rõ rệt rằng đây chính là vị Phật mà ta đã có diễm phúc kề cận, chia ngọt xẻ bùi..., nhưng ta lại hồ đồ lảng quên điều đó. Rồi quí vị cứ để tự nhiên cho hạnh phúc tràn ngập lòng mình.

Bích Ly ngồi ở hàng thính giả mê say nghiền ngẫm từng lời châu ngọc của lang quân. Chồng bà tài ba quá! hùng biện quá! Bích Ly khâm phục biết là dường nào. Ngắm nhìn đám thính giả lắng nghe rồi vỗ tay đôm đốp, Bích Ly vui sướng hả hê. Đúng lúc đó, Ông Lê Hà, ngồi cạnh lại cất lời khen ngợi:

- Ông nhà thuyết giảng hấp dẫn vô cùng!

Bích Ly khoái chí, cười toe toét, hãnh diện đáp:

- Dạ! anh ấy Phật pháp cao siêu lắm đó!

- À! tiệm thực dụng của ông bà buôn bán khá không ạ?

- Dạ! tương đối khá, nhưng cũng cực lắm!

- Tôi cũng có ý sang tiệm. Có thể nào bà cho phép tôi đến tiệm quan sát học nghề được không ạ?

- Ồ! Có trở ngại chi đâu! Xin mời ông tùy tiện ghé chơi lúc nào chẳng được.

Bích Ly tiếp tục ôm ấp niềm hạnh phúc tuyệt vời về nhà. Nàng chiêm ngưỡng chồng con, những vị Phật quí báu của nàng, để thầm nhủ rằng những sự hi sinh khổ lụy cho chồng con thật vô vàn xứng đáng.

Lu bu với tiệm thực dụng mỗi ngày 12 giờ, đầu tắt mặt tối suốt tuần, Bích Ly chỉ có thể dành ngày chúa nhật cho chồng con, vì thế thời giờ trong ngày vô cùng quí giá. Bích Ly vội vã phóng ngay ra chợ, chuẩn bị cho hai bữa ăn mặn duy nhất hợp mặt cả gia đình trong tuần. Sau khi quyết định ăn chay trường mấy ngày, thương đám con ăn uống thất thường. Mai hi sinh chọn ngày chúa nhật để ăn uống vui vẻ với con. - Bích Ly lăn xăn chọn lựa thức ăn. Nàng thoạt nghĩ đến món mắm tôm chua giản dị nhanh chóng cho bữa ăn trưa, nhung nhớ đến vẻ mặt kém vui của chồng khi trả lời điện thoại chị Bảy, nên đành nhịn thèm đổi ra món thịt quay. Sau đó, nàng mua đầy đủ thức ăn lẩm cẩm dành cho nồi bún bò Huế thịnh soạn buổi chiều. Tính tiền xong, Bích Ly lật đật chạy rút về nhà, tất tả soạn ngay mâm cơm trưa, rồi hối thúc con thưa thỉnh lang quân dùng bữa. Chễm chệ ngồi vào bàn, Mai trố mắt nhìn dĩa thịt heo quay, thức ăn mà chàng mới dùng tại tiệm cơm Tàu ngày hôm qua đã ngán ngẫm, nên lời lẽ cộc lốc kém vui:

- Sao hủ mắm tôm lại không ăn? Bày vẽ mua món thịt heo quay chi cho tốn kém?

- Dạ! tại mấy đứa nhỏ thích heo quay, vả lại, em cũng nghĩ rằng anh sợ phạm giới nên tránh món mắm tôm.

- Ờ! Thì nói như vậy để chỉ Bảy ngưng sát sanh, chớ hủ mắm nầy bề nào cũng làm rồi, nếu bỏ đi thì lại phụ lòng chỉ.

- Vậy thì tốt quá! mình ăn đỡ mắm tôm với thịt heo quay tạm vậy nhe!

- ƯØa!

Thế là hủ mắm tôm được dọn ra tức khắc. Tuy nhiên, ăn mắm tôm mà thiếu thịt ba chỉ luộc, rau thơm..., thì mất hết năm mươi phần trăm khẩu vị, nên suốt bữa ăn Mai cằn nhằn lải nhải mãi:

- Thứ đàn bà gì hư quá sức! Mắm tôm dọn chung với thịt quay, ăn chẳng ra trò trống gì hết!

Cơm nước xong, con cái vào phòng. Vừa lui cui ủi đồ cho chồng, vừa trông chừng nồi nước lèo trên bếp, mà Bích Ly vẫn không ngừng lưu tâm đến Mai, vẻ mặt vẫn còn cau có không vui. Nàng rụt rè giả lả:

- Anh uống cà phê phin nhé? Em pha nghen anh?

- Không!

- Anh còn giận hờn sao? Bỏ qua đi mà!

- Hứ! Thứ đàn bà gì chỉ có mấy miếng ăn cho chồng mà cũng không nên thân!

Không biết có phải vì bệnh hoạn mệt mỏi, vì những lời cằn nhằn nhức óc suốt bữa ăn, hay vì hiểu không đúng đường lối về bí quyết tương kính thương yêu do đức lang quân vừa thuyết giảng, mà Bích Ly bỗng bực mình, mạnh dạn đối đáp chớ không mềm mỏng nữa:

- Anh nói anh tu cao! Ăn không cầu ngon, mà sao anh lại cằn nhằn thức ăn ngon dở hoài vậy?

Tôi bực là bực lối ăn uống không đúng phép kìa. Mắm tôm thì phải đi đôi với thịt luộc. Chớ việc ngon hay dở thì tâm tôi đâu có phân biệt làm gì?

- Thôi ông ơi! nghe mãi tôi mệt lắm rồi. Ông nói thì lúc nào chả hay, chả đúng. Ông tuyên bố ăn chay trường, mà mới bốn ngày đã viện lẽ chức vụ cao, đem cơm theo ăn bọn Mỹ cười, để tà tà vô tiệm Tàu ăn mặn dài dài. Chiều thì ông rủ rê, ép uổng bè bạn dẫn nhau ra tiệm thù tạc thỏa thích với chiêu bài "vì chiều đãi chúng sanh phải dùng tạm đồ mặn như chay". Ông còn lại ngày nào chay lạt đâu? Ông ăn uống tưng bừng hùng hổ hơn trước, để phục thù cho mấy ngày chay lạt mà!

Bích Ly vốn hiền lành nhẫn nhục chồng. Sự kiện nàng quật khởi phanh phui trách cứ chồng, là diễn tiến ngoài sự tiên liệu của Mai, khiến hắn ta sửng sờ, phản ứng có phần chậm chạp. Hắn hơ hải nhìn quanh quất như sợ có kẻ thứ ba nghe được sự thực. Rồi hắn mới bắt đầu nổi giận, cơn giận bùng nổ như điên khùng. Hắn bỗng hốt hoảng nghĩ rằng uy danh đạo đức mà hắn dày công xây dựng bấy lâu, có thể tiêu thành mây khói, nếu như Bích Ly thóc mách những điều bí mật nầy. "Vậy thì mình phải khóa miệng con nầy ngay mới được", Mai thầm nhủ. Mai vốn là võ sinh huyền đai thái cực đạo, tuy chưa thượng đài nhưng đã sử dụng nhiều lần trị vợ thắng lợi, nên đã quen trận mạc. Do đó, hắn ra tay nhanh, gọn và tàn độc. Trong chớp mắt, thoát đứng dậy thì quả đấm của hắn đã ập vào mắt trái, tiếp liền là ngọn cước đá thốc vào bụng vợ. Bích Ly ngã lăn quay, tạm thời mất thở, mắt trợn trừng mà không rên rỉ nỗi. Hạ đo ván con vợ tức khắc, cơn giận cũng nguôi ngoai, Mai lấy lại bình tĩnh rồi chợt nghĩ, đánh vợ vì hủ mắm tôm rủi lộ ra ngoài thì kỳ cục quá, phải tìm một lý do hợp lý nào khác cho đỡ trơ trẽn mới được.

Bà vợ vừa lấy được hơi thở cất tiếng rên la, thì Ông Hội Trưởng liền hùng hổ điểm mặt vợ la lớn:

- Đồ đàn bà hư! Đàn bà ngoại tình! Tao đánh mầy cho bỏ cái thói lăng loàn.

Bích Ly vốn thực thà đâu hiểu bụng dạ tròng tréo của chồng, bị đánh đập chưa kịp than vãn trách móc, thì lại bị chụp cho cái mũ ngoại tình nên hoảng hốt phủ nhận:

- Em đâu có vậy! Em làm việc tối ngày mà!

- Mầy và thằng Hà. Tụi bây có gì tao biết hết!

- Em có làm gì bậy bạ đâu? Em chỉ biết ông Hà tại chùa thôi mà!

- Hừ! hồi sáng tụi bây hò hẹn với nhau những gì mà cười cợt ra vẻ đắc ý vậy?

Nguyên Bích Ly thật thà chơn chất, nghe người tâng bốc chồng một câu là đã sung sướng hả hê, chỉ nhớ nghĩ đến điều đó, còn những câu hỏi của Lê Hà để học nghề nàng chẳng lưu tâm nên đã quên tuốt luốt. Do đó, nàng chỉ có thể ú ớ đáp:

- Ông chỉ khen anh thuyết pháp hay quá mà thôi!

- Hừ! láo khoét! khen có một câu mà nói nói cười cười vui vẻ quá há?

Tuy chụp mũ vợ để tạo chính nghĩa đánh đập, mà nhắc tới con vợ nói cười với Hà, Mai cũng cảm thấy nóng mặt, thoi vợ thêm mấy cái thì mới dịu cơn.

Sáng hôm sau, Bích Ly nằm liệt giường. Thế nên Mai phải ra tiệm tạm trông nom trong khi chờ đợi gọi được người thay thế. Trước khi rời nhà, Mai cẩn thận gom hết chìa khóa xe, cắt đường giây điện thoại, như là một cách hữu hiệu giam lỏng Bích Ly.

Tiệm thực dụng buổi sáng khách lai rai chán phèo. Đang bực bội cằn nhằn lải nhải một mình thì Mai bỗng thấy Lê Hà lừng khừng bước vào. Giờ thì Mai mới nổi cơn ghen thật sự, hắn than thầm: "Trời ơi! mình chỉ tố giác giỡn chơi mà sao ra trúng vậy kìa? Nhà thằng dịch vật nầy cách xa hàng mươi dặm, nếu tụi nó không tình ý gì thì sao nó đến giờ nầy?". Mai gắt gỏng hỏi:

- Ông đến đây làm gì giờ nầy?

Lê Hà chẳng qua chỉ mong tìm hiểu việc mua bán tại tiệm thực dụng. Hà biết Mai điếm đàng khó khai thác nên tìm cách ngồi gần Bích Ly, khen nịnh ông chồng để bà vợ thật thà chỉ dẫn nghề nghiệp. Để dễ học nghề, Hà chọn giờ vắng khách đến tiệm, bất ngờ lại thấy bộ mặt hãm tài của Mai chầm dầm cho một đống. Lỡ bộ không thể rút lui được, Hà tảng lờ như vô tình, nhưng tinh thần đã sẵn sàng ứng phó. Do đó, Mai gắt gỏng thì Hà cũng sừng sộ:

- Tiệm mở cửa thì ai cũng vào được. Sao ông lại hỏi câu quái gở vậy? Còn tôi đi đâu giờ nào thì mặc xác tôi chớ. Ông lấy quyền gì để điều tra?

Đoạn Hà lừng khừng chọn một chai nước ngọt, trả tiền rồi cười ruồi bỏ đi. Mai tức giận ứa gan mà không làm chi được. Hắn phải bức rức chờ đợi người làm công đến thay thế, mới lái xe phóng về nhà, lôi vợ ra dần cho một trận tơi bời, để hỏi cho ra lẽ chuyện hò hẹn nầy. Đánh đập đã nư rồi, Mai mới sửa soạn đi làm, mà còn hâm dọa sẽ đánh đập dài dài, chừng nào thú nhận hết tội lỗi mới thôi.

Các con đã đi học từ sớm. Nằm rũ riệt một mình, thân thể đớn đau khôn tả, mà Bích Ly vẫn mong mỏi diễn biến hai ngày qua chỉ là giấc mộng. Nhưng dấu vết nguyên vẹn trên thân thể bầm vập nhắc nhở sự thực phũ phàng mà nàng đã gánh chịu biết bao năm rồi. Hồi tưởng lại thời con gái được bao người săn đón, nhưng lòng nàng chỉ yêu thương Mai, có lẽ nhờ Mai khéo tán tỉnh và giỏi chiều chuộng. Do đó, dù mẹ khuyên ngăn, cho rằng Mai kém chân thật, nhưng nàng vẫn cương quyết chết sống vì tình khiến bà phải siêu lòng. Thế nhưng, chỉ thành hôn với nhau chừng ba tháng, từ một điểm bất đồng nhỏ nhoi, Mai đã nổi cơn hành hung vợ rồi. Giận dỗi nàng xách va li về Cai Lậy với mẹ để lo thủ tục ly dị. Mẹ vừa gặp mặt con thì mừng rú lên, nhưng có lẽ thoáng thấy nàng kém vui, mà cũng không thấy mặt rể, nên ngẩn ngơ một chút, rồi hỏi con dồn dập: "Ủa thằng Mai đâu mà để con đi một mình vậy?". Đang vui bỗng bà buồn lo biến sắc. Lòng mẹ bao la không bến bờ, một đời tận tụy hi sinh, thương con quấn quít chẳng rời mà phải ép lòng gả con. Con đã lấy chồng, lòng mẹ vẫn chưa yên, đêm ngày thấp thỏm mong cầu con hạnh phúc, nên chi thấy con cô đơn về nhà đã lo sợ thất thần như vậy. Bích Ly vội ấp úng: "Nhớ má quá con về thăm, mà anh Mai căn dặn con phải trở lên liền, kẻo ảnh nhớ con lắm!". Ôi mẹ thương con như vàng như ngọc, không lời nặng nhẹ, không cái đánh khẽ. Con đau yếu, trầy trụa sơ sài đã cuống quít lăn xăn, ngồi đứng không yên. Nay nếu bà khám phá được rằng đứa con mà bà nâng niu quí giá đó đã bị người ta hành hạ, chửi mắng... như một con vật thì bà sẽ đau khổ biết là dường nào. Thế là nàng đành phải nói láo, phải đóng kịch hạnh phúc cho bà được yên lòng. Mai thấy vợ chỉ xa chồng có một ngày rồi quay về, nắm được nhược điểm nên ngày càng lấn lướt áp đảo vợ. Nhẫn nhịn mãi cũng quen, nàng bản chất sẵn hiền lành dễ dãi, chóng quên..., nên dù bị hành hạ thế nào rồi cũng thứ tha, thương yêu chồng như cũ. Bích Ly thổn thức một mình:

- Sao anh không hiểu lòng em? Sao anh lại muốn giết em vậy anh Mai?

"Nhạn đậu cành sung, dương cung anh bắn nhạn

Con nhạn chết rồi! làm bạn với ai đây?"

Em lỡ chết rồi, anh sẽ làm bạn với ai vậy anh Mai?

Mai gom chìa khóa xe, cắt đường giây điện thoại, để cô lập hóa vợ, mà không ngờ, ngày hôm sau đã có người lò dò đến bấm chuông. Bích Ly ráng lê lết mở cửa, thấy khách nàng lập bập gọi: "Em Xuân Lan!", thì sức đã mòn nên quị xuống.

Xuân Lan nhỏ hơn Bích Ly vài tuổi nên đối xử với bạn như chị ruột. Xuân Lan nóng tánh và thẳng thắn, đã đôi lần lời qua tiếng lại với Mai, nên từ lâu chỉ đến tiệm thăm bạn, chớ không chịu đến nhà. Nhân khi hảng xưởng tạm đóng cửa mấy ngày để kiểm kê tài sản, Xuân Lan rảnh rang đến tiệm thì nghe tin bạn đau, nên tức tốc ghé lại nhà. Nhìn thân hình tiều tụy của bạn, Xuân Lan hoảng hốt la thất thanh:

- Trời đất ơi! sao thân thể chị lại ra nông nỗi như thế nầy?

- Chị!... Chị... té em à!

- Không phải đâu! Chị đừng dấu em! ảnh đánh chị phải không?

- Chị té thiệt mà!

- Không! thằng chả đánh chị. Em phải hỏi thằng chả cho ra lẽ!

Xuân Lan chụp lấy điện thoại, thì Bích Ly lắc đầu, rồi nói tiếp:

- Vô ích em à! điện thoại đã bị cắt giây rồi. Em muốn biết thì chị kể cũng được, nhưng em đừng thố lộ với ai, lọt đến tai ảnh, ảnh sẽ giết chị.

Thế rồi, qua làn nước mắt đầm đìa, Bích Ly kể lể cho bạn đầu đuôi tự sự. Xuân Lan cũng không cầm được nước mắt, tức giận hỏi bạn:

- Vậy, mà chị chịu được sao? Tại sao chị không thưa cảnh sát? Không đệ đơn ly dị ảnh?

- Em ơi! chị mồ côi cha từ nhỏ. Con không cha như nhà không nóc, khổ sở nghèo túng, tủi nhục lắm em ả! Vả lại, thưa bỏ nhau lại làm khổ lây con cái, chúng buồn phiền xấu hổ với bè bạn. Có lẽ cái nghiệp của chị phải gánh chịu nỗi khổ nầy, bổn sư chị đã giải thích như vậy đó!

- Ối! Hơi đâu chị tin mấy thầy. Mấy ổng có bị ai đánh đập đâu mà thấu rõ được nỗi khổ đau của kẻ khác, nên mới bày đặt dạy là nhẫn nhục, từ bi hỷ xả, oan nghiệp..., chớ nếu ai đụng chạm đến mấy ổng thì chưa chắc à!...

- YÙ! Em đừng nóng nói bậy mà mang tội. Nhờ quí thầy dạy dỗ nên chị mới thêm sức chịu đựng mà vơi khổ, bằng không có lẽ chị đã treo cổ từ mười mấy năm trước rồi!

- Thằng chồng chị ác quá! con gái hưởng đức cha. Rồi đây, ba đứa con gái nó sẽ lãnh quả báo, chồng hành hạ đánh đập cho nó biết thân.

- YÙ! Sao em nói nghe ghê quá vậy? Con chị mà bề gì, chắc chị càng khổ gấp bội!

Rồi bỗng nhiên Bích Ly đến bàn thờ Phật, chấp tay thành tâm khấn vái: "Con cầu xin Đức Phật từ bi ban ân điển cho các con của con trọn đời hạnh phúc, còn bao nhiêu gian khổ nhọc nhằn xin để một mình con gánh chịu".

Xuân Lan chỉ biết lắc đầu thở dài: "Chồng đối xử tàn ác như sài lang mà không một lời hờn oán, không thưa không gởi. Với chồng con, chỉ quá là vị bồ tát mà họ đui mù nào có thấy được đâu?".

Đối với kẻ tình nguyện chịu đọa đầy thì đâu còn phương cách gì để bảo vệ họ. Thương sót bạn, ấm ức trong lòng nhưng cuối cùng, Xuân Lan cũng đành từ biệt.

Về nhà, Xuân Lan bực bội đứng ngồi không yên, nên đành phải giải tỏa bằng cách liên lạc vài người bạn chí thân, tỉ tê kể lể mọi chuyện, tuy rất cẩn thận dặn dò tuyệt đối giữ kín câu chuyện. Và dĩ nhiên, những người nầy cũng dặn dò bè bạn "y chang" như vậy. Thế rồi các bà, như một hệ thống truyền tin, cứ đều đặn loan truyền bản tin thời sự nóng hổi ra mãi.

Không bao lâu, thì một tổng đài địa phương tiếp vận nguồn tin sốt dẻo, rồi chuyển ngay đến thím Bảy. Thím không ngờ hủ mắm tôm của mình lại tai hại dường ấy, nên bức rức muốn đích thân hỏi Bích Ly cho biết sự thật. Thím nóng lòng muốn chấp cánh mà bay lên Texarkana ngay, nhưng đành chờ đợi hơn ba tuần, đến ngày lễ Tạ Ơn mới đi được.

Khi chú Bảy lái xe đưa vợ viếng thăm vợ chồng Mai, thì những vết bầm đã lặn nhưng thương đau vẫn ẩn hiện trong thần sắc u ám của Bích Ly. Vốn đặc biệt có cảm tình với chú Bảy vì chú trầm lặng và lắng nghe kẻ khác, nên Mai tiếp đón khách niềm nở. Chú Bảy cũng không lãnh đạm với Mai. Tuy hơi thất vọng về hành vi vũ phu mới đây của y, nhưng chú vẫn tìm thấy Mai là kẻ có lòng, còn việc Mai khoa trương đạo đức, tu nói mà không thực hành không liên hệ gì đến chú, chú chẳng quan tâm. Chủ khách chia ra hai phe nam nữ hàn huyên tương đắc và sau đó khi khách rủ rê đi Hot Springs chơi, Mai liền sốt sắng hưởng ứng. Hai người đàn ông ngồi băng trước thỉnh thoảng trao đổi vài câu chuyện bâng quơ liên quan đến lộ trình, nhưng hai người đàn bà phía sau thì dòn tan như pháo Tết. Từ chuyện quần áo đến thức ăn, rồi chuyển sang vụ động đất Cali, phim ảnh tân nhạc..., chuyện nào cũng hứng thú vô cùng. Từ từ rồi đề tài quen thuộc và ưa chuộng nhất của đàn bà cũng được tuôn ra:

- Chị nghe gì không? Vợ chồng mụ Bê rã đám rồi! - thím Bảy đổi đề mục -

- ƯØa! Mẹ ấy ngựa dàn trời mà! Mới ly dị mấy ngày, thì đã cặp với thằng kép trẻ măng hà!

- Cái con Thúy mới dữ dằn. Nó cắm cả trăm sừng trên đầu chồng, chồng ghen đánh hai tát tay thì nó đã nổi sung thiên lên, gọi cảnh sát còng đầu tức khắc.

Có tiếng tằng hắng ở băng trên, và có lẽ Bích Ly lo ngại vu vơ gì đó nên không trả lời bạn, mà hướng về chú Bảy hỏi to:

- Xin lỗi! Mình đã qua khỏi Little Rock chưa anh Bảy?

- Dạ! mình đi hướng khác, chớ không đi ngang Little Rock đâu chị!

- Hừ! hỏi ngu mà cũng hỏi!, Mai lên tiếng.

Nghe thím Bảy kể chuyện "vợ gọi cảnh sát còng đầu chồng", có lẽ Mai bực mình nên xài xể để trút giận hờn. Đàn bà dốt đường là chuyện bình thường, mà dù ngu thiệt cũng không ai nỡ lòng công khai nặng lời, nên chú Bảy tưởng mình nghe lầm, hoặc Mai chỉ đùa giỡn mà thôi. Chú nhìn Mai, thì thấy mặt mày y nhởn nhơ tự đắc ra chiều thỏa mãn về câu nói quyền uy của mình. Chú Bảy tuy xuề xòa nhưng lại thâm trầm tế nhị. Đối với kẻ lưu manh gian xảo cũng chưa hề nặng nề hạ nhục, huống chi là công khai xỉ vả vợ. Sợ Bích Ly tủi hổ, chú vội pha trò hi vọng phá tan được bầy không khí nặng nề:

- Tôi mới là người ngu nhứt hạng đây. Bà xã tôi cứ chê tôi hoài!

- É! Ai dám chê anh ngu hồi nào? Nói ẩu hoài!

- Ờ thì bà chưa nói ra, nhưng tôi biết bà lầm thầm: "Thằng cha nầy ngu thiệt, nên chả mới chịu cưới mình!".

Rồi chú Bảy cười xòa để giúp mọi người cười theo, trừ Mai vốn giữ thân phận của vị Hội Trưởng, đạo mạo nghiêm trang không cười cợt.

Từ xa lộ 30E, chú Bảy rẽ sang đường số 7N, lộ trình ngoằn ngoèo nầy tương đối khá xa nhưng đi trên con đường làng nhỏ hẹp len lỏi giữa cánh đồng mênh mông như đường về lục tỉnh cũng là điều hứng thú. Đi trên cầu xuyên qua hồ De Gray, nhìn thấy phong cảnh hữu tình, nên chú Bảy đề nghị quày xe tạm nghỉ ngơi. Bãi đậu xe trên một khu đất cao ven hồ, tiếp giáp với rừng cây ngập lá vàng. Những chiếc lá đã hoặc sẽ rụng vào dịp sang thu, mỗi loại có màu sắc riêng, trăm ngàn sai biệt, từ màu đỏ thẩm, tím bầm, rồi nhạt dần đến màu vàng mởn xanh tiếc nuối... đã tạo nên hơi thu bàng bạc. Trời xanh nhạt nhạt, gió mơn man nhè nhẹ, rừng cây xơ xác, hồ nước xanh trong vắt trải dài. Phong cảnh mùa thu có nét quyến rũ, gợi nhớ, gợi buồn kỳ lạ khiến chú Bảy bùi ngùi tình nước. Quê hương chú cũng có cảnh hồ, hồ nước nhỏ nhắn xinh đẹp vây quanh bởi hàng cây sao già cao ngất, nơi chú đã lưu giữ bao kỷ niệm ngày xưa.

- Em à! Cảnh hồ nầy có nhắc nhở em ao Bà Om xứ mình không?

- Làm sao em lại có thể quên được anh Bảy!

- Em còn nhớ chuyện chúng mình ngày xưa chăng?

Thuở ấy em kẹp tóc thề, mặc chiếc áo dài màu mạ non thướt tha, ta đưa nhau đến ao Bà Om...

Chú Bảy vừa nhắc kỷ niệm xưa, vừa đi chầm chậm xuống hồ. Thím bén gót theo sau, mắt lớp chớp, lệ ứa ven mi, thả hồn về dĩ vãng. Rồi giống y như 18 năm về trước, thím siết chặt tay chú đi dài theo bờ hồ, đoạn thím ngồi xuống vẽ hai quả tim xoắn nhau. Ngày xưa cô thiếu nữ nhí nhảnh yêu đời đã cầu Phật Trời cho đôi tình nhân nên duyên chồng vợ. Và lần này, người thiếu phụ "sồn sồn" cầu mong hai vợ chồng già một ngày về với đất nước thương yêu. Phút giây mơ mộng ngưng động tan dần, chú Bảy bảo thím nhìn vợ chồng Mai. Hai người có lẽ cũng đang tìm về thuở ban đầu hoa mộng. Đôi mắt u sầu của Bích Ly, dường như đã tràn đầy niềm tin yêu hạnh phúc. Chú Bảy thì thầm:

- Thiên nhiên có lẽ là vị thầy mầu nhiệm để hàn gắn vết thương lòng. Trong cái tinh khiết của đất trời, giận hờn, bực bội nào rồi cũng phai đi.

- Vậy té ra! té ra! anh gạt em. Anh cố ý nhắc chuyện chúng mình để gợi cho họ nhớ những ngày yêu thương xa xưa mà hòa giải nhau chớ gì?

- Ờ! thì lúc đầu cũng hơi cố ý, mà sau đó anh cảm động thật tình mà!

- Em hổng chịu! Anh phải đền cho em hà!

Thím thò tay véo chú một cái đau điếng, rồi tung tăng chạy đi như một cô gái nhỏ.

- Bích Ly! Kiến cắn bụng rồi! mình kiếm gì ăn nhe!

- Phải rồi! tụi nầy cũng đói bụng. Anh chị định ăn gì đây?, Mai lên tiếng.

Hiểu rõ bụng dạ Mai, nên để tránh cho y ngượng ngập, chú Bảy mời mọc:

- Ở đây chắc không tìm được đồ chay. Xin anh chỉ vị tình vợ chồng tôi ăn mặn đỡ vậy. Nghe đồn bếp núc nhà hàng Hồng Kông khá lắm!

- Thôi thì tạm ăn mặn vậy! Nhất thiết duy tâm tạo, mặn cũng vậy, chay cũng vậy, tâm không động là được. Ngày xưa, Tuệ Trung thượng sĩ trong bữa tiệc của Khâm Từ hoàng hậu, đã gắp đồ mặn xen lẫn với đồ chay mà có sao đâu?

- Mấy ông muốn đi đâu cũng tốt, nhưng phải lấy phòng cho tụi nầy chỉnh sơ lại cái dung nhan tàn tạ mới được!, thím bảy lên tiếng.

Chú Bảy lái xe về thị xã Hot Springs, đến khách sạn Arlington. Tuy đã giao hẹn sẽ đi ngay tức khắc, nhưng đàn bà lúc nào chẳng là đàn bà, chú Bảy phải kiên nhẫn chờ thím gỡ lại mái đầu, dậm thêm tí phấn, kẽ lại nét son..., rồi lại nhắc thím mang theo áo ấm. Khi hai vợ chồng bước ra ngoài, thì thấy Mai đã chờ sẵn, vài phút sau Bích Ly cũng bước ra. Chú Bảy lại nhắc:

- Có lẽ, chị nên mang theo áo ấm kẻo lạnh.

Bích Ly vừa định quay trở về phòng, chợt thấy Mai chờ lâu tỏ vẻ khó chịu, nên đổi ý:

- Cám ơn anh Bảy! Tôi không cảm thấy lạnh đâu!

Nhà hàng Hồng Kông không mấy sang trọng nhưng thức ăn Tàu cũng tạm hợp khẩu. Vừa ăn, Mai vừa đề nghị chương trình viếng khu rừng núi Tây, leo đỉnh tháp núi Đông, ngắm những giòng suối nước nóng đây đó... vào ngày mai, nhưng ăn cơm xong thì phải ngồi xe lừa, theo truyền thống xưa mà dạo quanh thành phố thì mới thú vị. Mùa thu, trời sụp tối nhanh. Cơm nước xong trở về thì thành phố đã lên đèn. Một cổ xe lừa vừa ghé trước cửa khách sạn. Bà nài ong óng cất tiếng mời mọc du khách: "Đây là chuyến chót trong ngày. Xin quý khách nhanh lên kẻo trễ". Mai giục mọi người lên xe ngay. Cổ xe lừa đóng bằng loại gỗ rắn chắc, sơn phết công phu, dài rộng... như một chiếc xe buýt với hai cửa lên xuống rộng rãi, đi đứng thong dong. Xe được kéo bởi hai chú lừa cao lớn, lực lưỡng khác thường.

Khách vừa lên xe mua vé, thì bà nài đã đon đả mở lời:

- Xin chào và xin giới thiệu tên tôi là Litz, và đây là thằng Mike và thằng Joe, hai chú lừa đực.

Bà nài hạ lệnh cho cặp lừa cất bước. Vừa đi bà vừa giải thích không ngừng về những thắng cảnh, di tích địa điểm lịch sử, nơi chốn hấp dẫn... tại địa phương. Trên đường sáng choang, xe cộ dập dìu, mà lại được ngồi êm ái trên một chiếc xe cổ lỗ, cà rịch cà tang theo nhịp điệu lộc cộc của tiếng chân lừa, để ngoạn cảnh quả là điều thú vị. Mọi người đều tỏ vẻ vui tươi thoải mái, trừ Bích Ly hơi co ro bởi cơn gió đã trở thành buốt giá, khiến chú Bảy đôi lần ái ngại nhìn sang. Cổ xe lừa đang nhẹ lướt theo tốc lực thường lệ, bỗng chậm chạp rồi dừng hẳn lại. Mụ nài Litz the thé la hét đôi lừa nhưng không hiệu nghiệm. Xây về phía hành khách, mụ giải thích:

- Cái thằng Mike nầy hay chứng bất tử lắm. Không trị nó không xong!

Rồi mụ Litz lấy roi da quất một cái trót, khiến con lừa nhảy dựng lên, bương bả tiếp tục hành trình. Nhưng chỉ suông sẻ được một khoảng ngắn thì chú lừa cũng tự động dừng lại, khiến mụ nài cứ phải sử dụng roi vọt nữa. Điệp khúc roi vọt làm nao lòng chú Bảy, chú chợt nghĩ có thể trong một kiếp nào đó, chú đã từng là con lừa nhọc nhằn khốn khổ. Chú buông tiếng thở dài, với lời than nho nhỏ:

- Chắc mình không chịu nỗi đâu?

- Cái gì mà không chịu nỗi anh Bảy? Thím Bảy nghe tiếng thở dài và tiếng than của chồng vội lo lắng hỏi dồn.

Chú Bảy chậm rãi:

- Nếu phải làm con lừa kéo cổ xe nặng nề nầy suốt ngày dĩ nhiên là không làm xuể rồi. Mà làm nài, suốt ngày bô bô cái miệng, rồi khi con vật mệt mỏi nổi chứng, lại phải ra tay đánh đập, anh cũng không làm được.

Mai chen vô:

- Cái con mẹ Litz nầy hành hạ súc vật ác độc quá! Để tôi điện thoại thưa với Hội Bảo Vệ Súc Vật cho nó biết thân!

- Thưa thì mụ nài mất việc mình lại tội nghiệp. Thật ra, thấy con thú bị đánh đập tôi nóng ruột than thở, chớ biết đâu chừng giữa người và lừa đã từng có giây oan nghiệp nên mới có cảnh nầy!

- ƯØa đúng rồi! biết đâu kiếp trước "ngựa Mai" nầy từng hành hạ "nài Ly", nên kiếp nầy nài Ly mới đánh ngựa Mai. Mai đánh Ly, rồi Ly đánh Mai, oan oan tương báo mà...

Thím Bảy có tật nói tên tiếng Mỹ không sửa đúng giọng, thím muốn nói Mike và Litz, mà nghe thành Mai và Ly. Sợ hai bạn hiểu lầm, chú đá chân thím nhắc chừng, rồi bùi ngùi than thở:

- Ờ! thì chúng sanh lăn lộn luân hồi, khi thất thế bị người hành hạ, khi thắng thế lại thẳng tay đàn áp người, mà có ai giữ ưu thế mãi đâu? Thời gian ngắn dài nào đó, rồi thì tất cả đều trở về cát bụi để "giũ sổ làm lại", rồi đâu ai biết được ra sao kiếp sau?

Mọi người bỗng nhiên yên lặng suy tư. Chú Bảy thấy Mai lạnh lùng khó hiểu, còn Bích Ly thì xúc động nước mắt lưng tròng. Chú muốn phá tan bầu không khí nặng nề mà bất lực.

Xe lừa dừng bước khách sạn Arlington, thì Mai đã hầm hầm phóng xuống, bước nhanh về phòng riêng mà không nói lời nào. Bích Ly vội vã chào chia tay bạn, rồi quýnh quýu chạy theo chồng, trước cặp mắt ái ngại của bạn. Vừa khép kín cửa phòng, Mai liền chụp ngay đầu vợ, xoắn tóc giở hỏng lên, dộng vào tường mấy cái xính vính rồi tra hỏi:

- Tao đã cấm mầy hở môi, mà tại sao mầy thóc mách với vợ chồng thằng Bảy, để tụi nó bày trò lừa ngựa chửi xéo tao?

- Em đâu có nói với ai! Họ ở Houston thì em làm sao liên lạc được! Chắc họ vô tình, chớ không có ý xiên xỏ anh đâu!

Mai đã cô lập vợ có phương pháp nên khó trách Bích Ly liên lạc với ai được. Tuy nhiên, cơn giận bị người xỉa xói đâu dễ tự nguôi ngoai. Nếu không gây sự được với người ngoài, thì Mai chỉ có cách đổ hết lên đầu vợ mà thôi.

- Hừ! mầy là thứ đàn bà lăng loàn. Mới thấy thằng cha Bảy ngọt ngào chiều chuộng là mầy khoái mê tơi rồi. Trời lạnh lẽo như vầy mà mầy mặc đồ mỏng dánh để bẹo hình bẹo dạng nó. Cặp mắt láo liêng của nó lén nhìn mầy mấy lượt, nhưng làm sao qua mắt tao nỗi!

Tức bực thằng cha Bảy, Mai nổi giận bừng bừng thoi thẳng vào mặt vợ. Bích Ly ngã ngửa nằm lăn lộn trên thảm. Mai bình tĩnh thay đồ rồi nằm ngủ thanh thản như không có việc gì xảy ra.

Thím Bảy, tính hay mềm lòng, chứng kiến cảnh con lừa làm việc cực nhọc suốt ngày còn bị đánh đập, nên cứ trằn trọc không yên. Trong giấc ngủ chập chờn, thím chiêm bao thấy con lừa Mike bỗng nổi chứng đá bà nài Litz một cái bầm cả mặt mày. Dù chỉ là chuyện mộng mị, song thím vẫn khoái chí chuyện con lừa phục hận, nên muốn kể cho chồng nghe, nhưng chú lại đang mải mê đọc báo tường thuật hai trận cầu bóng bầu dục ngày qua. Thím vội trang điểm qua loa rồi phóng nhanh sang phòng Bích Ly dộng cửa ầm ầm để báo tin vui. Chờ đợi một lúc đâu, vừa thấy bóng dáng Bích Ly hé mở cửa, thím liền phát thanh ào ào, cũng với lối nói tên Mỹ không thèm sửa:

- Bích Ly à! Ta vừa chiêm bao vui ghê đi. Ta thấy con ngựa Mai nó quật khởi đá mẹ nài Ly một cái như trời giáng, sưng hết mặt mày vậy đó!

Con bạn êm ru không trả lời khiến thím ngạc nhiên chăm chú quan sát bạn. Thấy mặt mày bầm dập của Bích Ly thím tức khắc hiểu nguồn cơn nên nổi nóng xô cửa bước hẳn vào phòng tìm Mai gây sự. Tuy nhiên khi nhìn thấy Mai ngồi trên ghế, vẻ mặt trang nghiêm đạo mạo, tay lần chuỗi, miệng niệm Phật, thím sửng sờ buồn nôn khựng lại. Phải cố gắng lắm cuối cùng, thím mới nghẹn ngào từng tiếng:

- Trời ơi! sao anh lại có thể đối xử với chị tàn tệ như vậy?

- Có chi đâu? Tôi chỉ hướng dẫn Bích Ly chút ít đạo đức mà thôi!

- Hướng dẫn đạo đức bằng đấm đá, anh nói vậy mà nghe được sao?

- A! về điểm nầy trong Phật giáo gọi là "tùy bệnh cho thuốc". Bệnh nan y thì liều thuốc cũng nặng một chút. Đức Phật có dạy rằng...

Thím Bảy bịt tai lại, chạy tránh ra xa để những lời Phật ngôn phát xuất từ cửa miệng của con người có lòng dạ như rắn rết sài lang khỏi phải xoáy vào tai thím nữa.

Tháng 1.1990



LỜI NGOÀI TRUYỆN

Câu chuyện trên, không rõ mức độ hư thực như thế nào, đã do anh Bảy Houston thuật và tác giả vội ghi chép lại, với vài điều thêm bớt. Tuy nhiên, anh Bảy chỉ thuật đến đoạn xuống xe lừa thì chấm dứt thình lình, nên tác giả đã phải tưởng tượng thêm phần kết. Viết xong, tác giả gởi bản thảo đến anh chị Bảy thỉnh ý, thì chị Bảy cằn nhằn: "ƯØa! Bích Ly quả thật bị đánh nữa đó! nhưng anh kết luận tăm tối quá! Người ác sao cứ để họ hoành hành hoài như vậy được?".

Tác giả hiểu trong thâm ý, chị Bảy mơ chuyện ác nhân ác báo. Tuy nhiên, từ khi nghe chuyện nầy, tác giả cảm thấy bực bội bất an, lời văn vì vậy đã có phần châm biếm và khinh bạc, kể ra cũng tự thấy xấu hổ vì đã không giữ nỗi chánh ngữ, chánh niệm rồi. Do đó, trong khi ông Hội Trưởng vẫn đang sống sờ sờ, tiếp tục mở máy rao giảng đạo đức, thì làm sao tác giả lại dám viết đoạn kết thảm thiết "quả báo nhản tiền" để trù ẻo ông ta cho vừa lòng chị Bảy được.

Thôi thì tác giả cũng ráng gò gẫm viết đoạn kết khác thuần hậu hơn để may ra không bị phản đối nữa. Đoạn kết thứ hai như sau:
*
* *

Câu chuyện oan nghiệp của vợ chồng cha Bảy khiến Mai nhức đầu khó chịu. Cơn nhức gia tăng cường độ đến nỗi khi bước xuống xe, Mai bị xây xẩm mặt mày, phải cố gắng lầm lì lê lết về phòng, buông mình xuống ghế dựa thở dốc. Mai bỗng nhớ mấy tháng trước bác sĩ có báo động chàng về lượng cholesterol trong máu, mà chàng cứ ăn uống tưng bừng chẳng chịu cữ kiêng. "Không lẽ cái miệng ăn mắm muối của cha Bảy lại ứng nghiệm? Mình sắp bị giũ sổ rồi sao?". YÙ niệm mình sẽ chết khiến Mai có cái cảm giác lạnh lẽo cô đơn lạ lùng. Bao nhiêu hùng khí tham đắm lợi danh trong khoảnh khắc đều tan biến. Giờ đây, hình dung lại những lúc lăn xăn khoe khoang đạo đức Mai thấy mình sao hời hợt lố bịch quá! Mai than thầm: "Ngày xưa mình mới đến chùa, thầy dạy lễ Phật để tập tính khiếm cung thì mình chê bai. Mình chỉ cầu danh sưu tầm những giáo lý cao siêu nói năng lưu loát mong được người thán phục, chớ không thực sự tu dưỡng tính tình. Vì cầu danh nên sanh tâm bươi móc nói xấu người hầu đề cao mình. Cứ thế, ngày mình càng khoác lác, càng bịp bợm sử dụng đủ mọi thủ đoạn để tự phô trương đạo đức rổng tuếch, mong mỏi không ai rõ chân tướng của mình. Rồi mình lại sanh ra hiếp đáp vợ để tạo cái ảo tưởng mình đáng được tôn kính, trọng vọng..., người người phải mù quáng tuân theo". Như tỉnh cơn mê, Mai hồi tâm quan sát người vợ gầy gò. Bích Ly đang co ro sợ hãi nép ở góc phòng, không biết ông chồng dã man sẽ trút cơn phẫn nộ lúc nào? Mai ăn năn khôn siết. Chàng đến bên nàng dịu dàng:

- Tội nghiệp em cưng. Anh tu hành lầm lạc gây khổ sầu cho em biết là dường nào!

Rồi Mai ôm chầm Bích Ly, để hai vợ chồng cùng nức nở khóc trong lạnh phúc ngập tràn.

Viết xong, tác giả lại thỉnh ý anh chị Bảy lần nữa. Lần nầy thì anh Bảy chỉ trích:

- Ông viết chuyện không tưởng quá sức! Cái ông Hội Trưởng cao ngạo kiêu căng, ngay như chư tổ sư cảnh tỉnh y còn chưa chắc được, huống chi là thằng Bảy dốt nát, ngu ngơ nầy!

Tác giả ngần ngừ muốn viết lại phần kết luận nhưng cụt hứng đành thỉnh ý một số thân hữu khác góp ý. Tác giả lại càng rối trí hơn nữa, vì mỗi người lại đưa ra một kết luận riêng biệt. Có người nhất định phải cho Bích Ly đi tu, người đề nghị Bích Ly tự tử, và có kẻ nhất quyết gọi cảnh sát 911... Tóm lại, tác giả vẫn phân vân, và do đó, chỉ biết xin bạn đọc tự chọn lấy một kết luận vừa ý.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét