Thứ Sáu, 19 tháng 12, 2014

Khẩu Phật tâm xà





Huỳnh Trung Chánh


Đời vô thường vô ngã
Người khẩu Phật tâm xà
Nhất Hạnh



Thím Bảy đảo qua lại bên quầy hàng bày bán mắm tôm chua mấy lượt mới cầm một hủ lên xăm xoi, rồi lại để xuống, lắc đầu than nho nhỏ: "Có mấy con tôm nhỏ híu, mà mắc quá hè!". Tiếng than vô tình lọt vào tai bác Tám Cà Mau, ông già gân gan ruột để ngoài da ồn ồn lên tiếng:

- Hứ! Cái thứ tép riu, tép bạc nhỏ nhít nầy mà thiên hạ đại ngôn gọi là mắm tôm, thiệt là khoác lác.

Đang đi chợ buổi chiều, khách cũng le hoe mà nghe nhắc đến con tép bạc, thiếm Bảy chợt nhớ đến câu hát ru em ngày xưa "Phiên chợ đông, con cá hồng anh chê lạt. Buổi chợ chiều con tép bạc anh khen ngon" nên vui miệng đáp theo điệu ấy:

- "Ở Việt Nam, con tôm càng chê lạt. Đến xứ người, con tép bạc cũng khen ngon" mà bác.

- Cái gì xứ người thiếu thốn quí cho phải, chớ tép thì ở xứ Houston nầy quá nhiều mà!

- Thưa bác! Tôm Houston thịt bở lắm không làm mắm tôm được đâu. Cháu đã thử mấy lần đều thất bại. Tôm đỏ hấp dẫn, mà bã ra như bột vậy đó.

- Người ta làm mắm tép cầu kỳ như thế nào tôi không rõ, nhưng "nhận mắm tép" theo phương pháp quê mùa xứ Năm Căn, Cà Mau thì chắc như bắp, trăm lần không sai một.

Thím Bảy mừng rú lên:

- Bác Tám còn có nghề làm mắm, vậy mà con chưa biết?

- Xứ Năm Căn tui, cá tôm lủ khủ ăn không hết thì phải làm mắm. Cá lóc, cá sặc, ba khía, còng hay tép cũng mang ra nhận mắm ráo nạo hết. Trẻ nít còn biết làm mắm, làm khô, huống chi là tui!

- Vậy bác Tám dạy con nghen! Nhà con thích mắm lắm!

- Ơ! nè lại nhà bác lấy mấy hủ về ăn thử. Thích thì bác truyền nghề cho. Dễ ợt hà cháu!

Phương thức làm mắm tôm Năm Căn giản dị đến nỗi thím Bảy tưởng mình nghe lầm. Tuân theo lời chỉ dẫn của bác Tám, thím gò gẫm nhận thử hai hủ, rồi cứ ngay ngáy trông ngóng chờ đến ngày ăn thử. Thím nếm con tép, tự biết đã thành công, nhưng thím vẫn chưa tin được khẩu vị của mình. Thế là thím thấp thỏm chờ đợi chú Bảy đi làm về, phải nghe được tiếng nói của ông xã thì mới chắc ăn. Thật ra, chú Bảy là tay nịnh vợ có hạng, vợ nấu nướng món gì, ngon dở, cũng khen tùm lum hết. Biết rõ ruột gan ông chồng, nhưng thím Bảy vẫn vui sướng nghe mãi điệp khúc ngọt ngào đó.

Sống ở xứ người mà chú Bảy chỉ tương tư những thức ăn thuần túy Việt Nam. Thấy mắm mắt chú sáng lên. Chú chăm chỉ gắp một đủa mắm tôm, kèm với đu đủ bào, rau thơm, giá sống..., nhai chầm chập. Con tôm chắc thịt, vị đậm đà, phảng phất trọn vẹn chất mắm nguyên thủy, chớ không nhão nhẹt, chua òm, biến chất như các loại mua ở chợ. Chú chồm dậy nói lên:

- Đúng rồi! phải rồi! Đây chính là món mắm Cổ Chiên, Trà Vinh thuở nhỏ tôi đã ăn đó mà!

Chú nhai con mắm mà mắt cay cay, cảm giác như có cả mùi chuối chác, khế, đọt xoài, đọa lụa..., hương vị quê hương gần gũi mà cũng xa xôi diệu vợi biết là dường nào. Thấu rõ ruột gan ông chồng, thím Bảy phóng vù ra chợ, xách về mấy bao tôm, rồi ì ạch chuẩn bị "kỹ nghệ mắm tôm". Thế là bao nhiêu chai lọ trong nhà, thím tuôn ra để nhận mắm hết. Rồi thím lại đem lọ, hủ lớn nhỏ ra phơi đầy cả sân trước. Mùi mắm có thoang thoảng sang hàng xóm Hoa Kỳ thì họ ráng mà ngửi đỡ vậy. Phơi được vài nắng, những con tôm đã đỏ au hấp dẫn. Thím Bảy bắt đầu lục lọi địa chỉ đám bè bạn thân cư ngụ ở những vùng thiếu thốn thực phẩm Á Đông để nâng niu gói món quà đượm tình quê hương mặn nồng, biếu họ.

Thông điệp "mắm" gởi đi một tuần lễ, thì thím Bảy nhận lu bù điện thoại khắp nơi. Trừ một thiểu số hội nhập trung thành với hamburger, hot dog xứ người lợt lạt, phần lớn đón nhận gói quà quí giá như đón nhận tình quê hương ruột thịt đậm đà. Có người xúc động cảm tạ thím Bảy đã khơi mở cho họ nhìn lại khung trời quê hương nhớ nhung thấm thiết. Tuy nhiên, "cú" điện thoại thím Bảy mong đợi từ Texarkana, tiểu bang Arkansas vẫn im hơi lặng tiếng. Lo lắng cho số phận hủ mắm gởi cho vợ chồng Mai và Ly bị thất lạc, thím Bảy bồn chồn liên lạc hỏi thăm. Vừa nghe tiếng "A lô" của Ly bên kia đầu giây, thím Bảy mừng rỡ tíu tít:

- A lô! Bích Ly đó hả! Ta nhớ bồ quá đi. Nè! Mùa lễ Tạ Ơn sắp tới, tụi nầy đi Hot Springs chơi, ghé rước bồ cùng đi nhe!

- Ơ! thích lắm nhưng không biết anh Mai có bận gì không?

- Bồ có nhận được hủ mắm tôm chua mình gởi chưa?

Bích Ly chưa kịp trả lời, thì bỗng có tiếng Mai, trong đường giây điện thoại bắt song song, ào ào lên tiếng lấn át giọng vợ:

- A lô! Chào chị Bảy. Hủ mắm tôm tới rồi. Cám ơn chị nhe! Nhưng rất tiếc tụi nầy ăn chay trường rồi, chẳng dám phạm giới đâu?

Đang hí hửng với thành quả mắm tôm, yên chí cô bạn thân mê tít rồi năn nỉ mình truyền nghề, bất ngờ bị ông bạn nhắc nhở giới luật, khiến thím Bảy ngỡ ngàng "xìu" như bong bóng xì hơi, cụt hứng lúng búng cáo biệt.

Ông mã thành Mai là một đại nhân vật tại thị xã Texarkana. Sang Hoa Kỳ năm 1975, nhờ thông minh tài trí hơn người, khởi đầu từ một chân thợ kinh nghiệm yếu kém, chỉ mấy năm đã nghiễm nhiên được đề bạt thành quản lý tại công ty máy cày hiệu con ngựa bay. Địa vị vững vàng, lương bổng hậu, Mai tạo nhà, rồi sang một cửa tiệm hàng thực dụng tại một địa điểm đông khách giao cho vợ trông nom. Cơ hội liên hệ với giới địa ốc hé mở cho Mai thấy được viễn ảnh huy hoàng của dịch vụ buôn bán nhà cửa, nên Mai liền hành thêm nghề tay trái nầy. Đúng lúc Việt kiều đổ xô về định cư tại Hoa Kỳ, rồi họ lại tranh đua nhau tạo dựng nhà cửa. Thế là, Mai một mình một chợ, mặc sức làm giàu. Tiền bạc sung túc thúc đẩy Mai tiến sang địa hạt hoạt động xã hội, đóng góp cho cộng đồng người Việt xứ người. Mai vận động thành lập Hội Người Việt rồi chễm chệ giữ chức vụ chủ tịch. Tiến xa hơn nữa, Mai hô hào đồng bào Phật tử đóng góp công của để xây dựng chùa, dĩ nhiên địa vị Hội Trưởng do Mai gánh vác. Thành thật mà nói, Mai đã hy sinh rất nhiều, đóng góp công của cho Hội khá rộng rãi. Tuy vậy, cũng có kẻ ganh tị xuyên tạc rằng Mai hoạt động xã hội có hậu ý. Mai lợi dụng địa vị để quảng cáo hữu hiệu cho nghề dịch vụ địa ốc, lại vừa có môi trường lý tưởng mà khoa trương đạo đức, biểu diễn tu hành để lòe đời. Nhờ tài tháo vác của Mai, Hội tậu được một ngôi giáo đường cũ kỹ bỏ hoang với giá rẻ mạt, để cải biến thành chùa. Rồi Mai cũng đích thân dò la sưu tầm những vị chân tu, thỉnh về trụ trì. Vị trù trì đầu tiên chỉ lưu lại chùa hơn sáu tháng thì âm thầm ra đi. Những vị kế tiếp cũng lâm vào trạng huống tương tợ: trọng vọng triệu thỉnh rồi cũng cuốn gói ra đi không kèn không trống. Điều "tréo cẳng ngổng" là thoạt mới đến, tăng sĩ nào cũng được đích thân ông Hội Trưởng ca ngợi tôn sùng, mà chỉ mới mấy tháng sau, đã bị ông nặng lời chỉ trích là hạng dốt nát, vụng về, đạo hạnh cạn cợt... Họ tự ý rời chùa cũng là điều hay, tránh cho ông Hội Trưởng khỏi phải nhọc lòng xua đuổi. Mai thường thở than rằng đã đến thời mạt pháp nên đạo đức suy đồi, bậc chân tu thiếu vắng. Trên đời nầy, ngoài vị hòa thượng hiện vẫn mở đạo tràng phát huy thiền tông tại Việt Nam, không tu sĩ nào đáng để Mai kính phục cả. Đúng ra, có lẽ Mai chưa thật sự gần gũi hòa thượng, nếu không e rằng Mai cũng lại đổi thay nhận định mà thôi. Chẳng qua Mai vốn là người "quá ưu tư" cho đạo đức kẻ khác, lúc nào Mai cũng lo lắng soi bói hành vi thiên hạ để chỉ trích hay nhắc nhở họ tu hành. Đối với tu sĩ thì dĩ nhiên Mai còn phải canh chừng họ nghiêm nhặt hơn nữa. Mai thấp thỏm lo quí thầy bị quyến rũ hư hỏng, nên Mai phải kiểm soát rình rập từng li, từng tí không khác gì mẹ chồng soi bói nàng dâu, để mà sửa sai và nhắc nhở chuyên cần tu tập. Mai cũng quan tâm đến sự giao thiệp của thầy. Để ngăn chận những thành phần mà Mai gán là khả nghi, nguy hiểm lung lạc thầy, Mai tự nhận có trách vụ kiểm soát cả việc đi đứng, điện đàm nữa. Mai cũng sắp xếp quán xuyến mọi việc trong ngoài, nhất là việc tài chánh: thu xuất, thùng phước sương..., hầu dành trọn vẹn thời giờ cho thầy chuyên tâm tu tập. Thâm tâm của Mai bất quá là chỉ mong cầu một vị chân tu theo nghĩa là một ông từ giữ chùa, chỉ biết tụng kinh gõ mõ, biết vâng lời và dành trọn quyền cho ông Hội Trưởng tự tung, tự tác thao túng mọi việc. Ôi! Ông Hội Trưởng suốt đời cứ quây quần bận rộn nói chuyện tu, lo lắng dặn dò người khác tu, đến nỗi phần mình thì không còn chút thời giờ thực sự tu tập, lòng hi sinh của người quá ư cao cả.

Không có sư trụ trì thì ông Hội Trưởng đành đảm trách việc lãnh đạo tinh thần cho đồng bào Phật tử vậy. Ông cũng long trọng chủ lễ và đăng đường thuyết pháp mỗi tháng một lần. Ông soạn bài pháp nội dung đầy dẫy giáo lý thượng thừa siêu đẳng. Ông cũng hùng biện và giỏi đóng kịch, nên điệu bộ khá hấp dẫn, và nhờ vậy buổi thuyết pháp có mòi thành công.

Tháng trước, Mai diễn giảng đề tài "Lợi ích của sự ăn chay". Đề tài tầm thường và khô khan, nhưng Mai đã khéo léo trình bày vấn đề từ khoa dinh dưỡng, rồi mới sang lãnh vực tôn giáo. Dựa vào giới cấm sát sanh, thuyết quả báo luân hồi, Mai đã vạch rõ được rằng ăn chay là bước căn bản tu tập của người Phật tử biết nuôi dưỡng hạt giống từ bi và bình đẳng. Cuối cùng, dùng duy thức học, Mai nhấn mạnh rằng cộng nghiệp sát sanh để đưa thế giới lâm vào cảnh chiến tranh tương tàn. Nếu chúng sanh bỏ được nghiệp sát, đương nhiên thế giới hòa bình, nhân dân an lạc. Diễn giả chấm dứt bằng mấy vần thơ:

"Chúng sanh không nghiệp sát

Thế giới hết chiến chinh

Dân gian đồng tu niệm

Lo chi chẳng hòa bình?"

Bài thuyết giảng thành công vượt bực, khiến Ông Hội Trưởng hừng chí "thừa thắng xông lên", khuyên mọi người thực hành ăn chay, rồi tuyên bố, vợ chồng ông đã cương quyết ăn chay trường để làm gương cho hội viên.

Sự kiệân Ông bà Hội Trưởng ăn chay trường là một biến cố trọng đại, đáng lẽ ai cũng phải biết. Thế mà thím Bảy Houston lại "ù ù cạc cạc" gởi biếu mắm tôm thật là quá tệ. Ông Hội Trưởng giận "quạt" cho mấy câu "tịt ngòi" là phải lắm rồi. Lái xe đưa vợ con đi chùa, mà lòng ông phơi phới nhủ thầm: "Phen nầy, nhờ cái miệng phát thanh ồn ào của mụ Bảy rồi đây cả thành phố Houston sẽ đón nhận tin mình ăn chay trường để mà cúi đầu khâm phục".

Hôm nay, Ông Hội Trưởng lại đăng đường thuyết pháp đề tài "Đạo Phật trong đời sống gia đình". Mở đầu bài thuyết giảng Ông Hội Trưởng trình bày rằng đạo Phật không phải là một mớ giáo lý cứng ngắt để tín đồ đọc tụng như con vẹt, mà bao gồm những giáo lý sống động hầu người Phật tử thực hành, ban vui cứu khổ muôn loài nói chung, và tạo hạnh phúc gia đình nói riêng. Kế đó trong phần nội dung. Ông Hội Trưởng đã sưu tầm tỉ mỉ Phật ngôn trong tam tạng kinh điển liên hệ đến tình nghĩa, bổn phận vợ chồng, để đúc kết thành một mẫu Phật tử hoàn mỹ. Và sau cùng thì Ông Hội Trưởng hùng hồn kết luận:

- Để chấm dứt, tôi xin trao truyền quí vị một kinh nghiệm bản thân như một cẩm nang quí giá trong việc tạo dựng hạnh phúc gia đình. Người Phật tử chỉ cần thực thi giáo lý "chúng sanh là Phật sẽ thành", ý thức rằng vợ chồng mình là vị Phật tương lai là đủ. Tâm tâm niệm niệm được điều đó thì vợ chồng chắc chắn phải tương kính nhau, thương yêu nhau hơn bao giờ hết. Bởi lẽ, có ai mà lại có thể càu nhàu, gây gỗ, nặng lời chửi bới, hay đánh đập một Đức Phật vị lai bao giờ. Chiều nay, đi về nhà, quí vị hãy trìu mến chiêm ngưỡng dung nhan của nhau thật lâu để ý thức rõ rệt rằng đây chính là vị Phật mà ta đã có diễm phúc kề cận, chia ngọt xẻ bùi..., nhưng ta lại hồ đồ lảng quên điều đó. Rồi quí vị cứ để tự nhiên cho hạnh phúc tràn ngập lòng mình.

Bích Ly ngồi ở hàng thính giả mê say nghiền ngẫm từng lời châu ngọc của lang quân. Chồng bà tài ba quá! hùng biện quá! Bích Ly khâm phục biết là dường nào. Ngắm nhìn đám thính giả lắng nghe rồi vỗ tay đôm đốp, Bích Ly vui sướng hả hê. Đúng lúc đó, Ông Lê Hà, ngồi cạnh lại cất lời khen ngợi:

- Ông nhà thuyết giảng hấp dẫn vô cùng!

Bích Ly khoái chí, cười toe toét, hãnh diện đáp:

- Dạ! anh ấy Phật pháp cao siêu lắm đó!

- À! tiệm thực dụng của ông bà buôn bán khá không ạ?

- Dạ! tương đối khá, nhưng cũng cực lắm!

- Tôi cũng có ý sang tiệm. Có thể nào bà cho phép tôi đến tiệm quan sát học nghề được không ạ?

- Ồ! Có trở ngại chi đâu! Xin mời ông tùy tiện ghé chơi lúc nào chẳng được.

Bích Ly tiếp tục ôm ấp niềm hạnh phúc tuyệt vời về nhà. Nàng chiêm ngưỡng chồng con, những vị Phật quí báu của nàng, để thầm nhủ rằng những sự hi sinh khổ lụy cho chồng con thật vô vàn xứng đáng.

Lu bu với tiệm thực dụng mỗi ngày 12 giờ, đầu tắt mặt tối suốt tuần, Bích Ly chỉ có thể dành ngày chúa nhật cho chồng con, vì thế thời giờ trong ngày vô cùng quí giá. Bích Ly vội vã phóng ngay ra chợ, chuẩn bị cho hai bữa ăn mặn duy nhất hợp mặt cả gia đình trong tuần. Sau khi quyết định ăn chay trường mấy ngày, thương đám con ăn uống thất thường. Mai hi sinh chọn ngày chúa nhật để ăn uống vui vẻ với con. - Bích Ly lăn xăn chọn lựa thức ăn. Nàng thoạt nghĩ đến món mắm tôm chua giản dị nhanh chóng cho bữa ăn trưa, nhung nhớ đến vẻ mặt kém vui của chồng khi trả lời điện thoại chị Bảy, nên đành nhịn thèm đổi ra món thịt quay. Sau đó, nàng mua đầy đủ thức ăn lẩm cẩm dành cho nồi bún bò Huế thịnh soạn buổi chiều. Tính tiền xong, Bích Ly lật đật chạy rút về nhà, tất tả soạn ngay mâm cơm trưa, rồi hối thúc con thưa thỉnh lang quân dùng bữa. Chễm chệ ngồi vào bàn, Mai trố mắt nhìn dĩa thịt heo quay, thức ăn mà chàng mới dùng tại tiệm cơm Tàu ngày hôm qua đã ngán ngẫm, nên lời lẽ cộc lốc kém vui:

- Sao hủ mắm tôm lại không ăn? Bày vẽ mua món thịt heo quay chi cho tốn kém?

- Dạ! tại mấy đứa nhỏ thích heo quay, vả lại, em cũng nghĩ rằng anh sợ phạm giới nên tránh món mắm tôm.

- Ờ! Thì nói như vậy để chỉ Bảy ngưng sát sanh, chớ hủ mắm nầy bề nào cũng làm rồi, nếu bỏ đi thì lại phụ lòng chỉ.

- Vậy thì tốt quá! mình ăn đỡ mắm tôm với thịt heo quay tạm vậy nhe!

- ƯØa!

Thế là hủ mắm tôm được dọn ra tức khắc. Tuy nhiên, ăn mắm tôm mà thiếu thịt ba chỉ luộc, rau thơm..., thì mất hết năm mươi phần trăm khẩu vị, nên suốt bữa ăn Mai cằn nhằn lải nhải mãi:

- Thứ đàn bà gì hư quá sức! Mắm tôm dọn chung với thịt quay, ăn chẳng ra trò trống gì hết!

Cơm nước xong, con cái vào phòng. Vừa lui cui ủi đồ cho chồng, vừa trông chừng nồi nước lèo trên bếp, mà Bích Ly vẫn không ngừng lưu tâm đến Mai, vẻ mặt vẫn còn cau có không vui. Nàng rụt rè giả lả:

- Anh uống cà phê phin nhé? Em pha nghen anh?

- Không!

- Anh còn giận hờn sao? Bỏ qua đi mà!

- Hứ! Thứ đàn bà gì chỉ có mấy miếng ăn cho chồng mà cũng không nên thân!

Không biết có phải vì bệnh hoạn mệt mỏi, vì những lời cằn nhằn nhức óc suốt bữa ăn, hay vì hiểu không đúng đường lối về bí quyết tương kính thương yêu do đức lang quân vừa thuyết giảng, mà Bích Ly bỗng bực mình, mạnh dạn đối đáp chớ không mềm mỏng nữa:

- Anh nói anh tu cao! Ăn không cầu ngon, mà sao anh lại cằn nhằn thức ăn ngon dở hoài vậy?

Tôi bực là bực lối ăn uống không đúng phép kìa. Mắm tôm thì phải đi đôi với thịt luộc. Chớ việc ngon hay dở thì tâm tôi đâu có phân biệt làm gì?

- Thôi ông ơi! nghe mãi tôi mệt lắm rồi. Ông nói thì lúc nào chả hay, chả đúng. Ông tuyên bố ăn chay trường, mà mới bốn ngày đã viện lẽ chức vụ cao, đem cơm theo ăn bọn Mỹ cười, để tà tà vô tiệm Tàu ăn mặn dài dài. Chiều thì ông rủ rê, ép uổng bè bạn dẫn nhau ra tiệm thù tạc thỏa thích với chiêu bài "vì chiều đãi chúng sanh phải dùng tạm đồ mặn như chay". Ông còn lại ngày nào chay lạt đâu? Ông ăn uống tưng bừng hùng hổ hơn trước, để phục thù cho mấy ngày chay lạt mà!

Bích Ly vốn hiền lành nhẫn nhục chồng. Sự kiện nàng quật khởi phanh phui trách cứ chồng, là diễn tiến ngoài sự tiên liệu của Mai, khiến hắn ta sửng sờ, phản ứng có phần chậm chạp. Hắn hơ hải nhìn quanh quất như sợ có kẻ thứ ba nghe được sự thực. Rồi hắn mới bắt đầu nổi giận, cơn giận bùng nổ như điên khùng. Hắn bỗng hốt hoảng nghĩ rằng uy danh đạo đức mà hắn dày công xây dựng bấy lâu, có thể tiêu thành mây khói, nếu như Bích Ly thóc mách những điều bí mật nầy. "Vậy thì mình phải khóa miệng con nầy ngay mới được", Mai thầm nhủ. Mai vốn là võ sinh huyền đai thái cực đạo, tuy chưa thượng đài nhưng đã sử dụng nhiều lần trị vợ thắng lợi, nên đã quen trận mạc. Do đó, hắn ra tay nhanh, gọn và tàn độc. Trong chớp mắt, thoát đứng dậy thì quả đấm của hắn đã ập vào mắt trái, tiếp liền là ngọn cước đá thốc vào bụng vợ. Bích Ly ngã lăn quay, tạm thời mất thở, mắt trợn trừng mà không rên rỉ nỗi. Hạ đo ván con vợ tức khắc, cơn giận cũng nguôi ngoai, Mai lấy lại bình tĩnh rồi chợt nghĩ, đánh vợ vì hủ mắm tôm rủi lộ ra ngoài thì kỳ cục quá, phải tìm một lý do hợp lý nào khác cho đỡ trơ trẽn mới được.

Bà vợ vừa lấy được hơi thở cất tiếng rên la, thì Ông Hội Trưởng liền hùng hổ điểm mặt vợ la lớn:

- Đồ đàn bà hư! Đàn bà ngoại tình! Tao đánh mầy cho bỏ cái thói lăng loàn.

Bích Ly vốn thực thà đâu hiểu bụng dạ tròng tréo của chồng, bị đánh đập chưa kịp than vãn trách móc, thì lại bị chụp cho cái mũ ngoại tình nên hoảng hốt phủ nhận:

- Em đâu có vậy! Em làm việc tối ngày mà!

- Mầy và thằng Hà. Tụi bây có gì tao biết hết!

- Em có làm gì bậy bạ đâu? Em chỉ biết ông Hà tại chùa thôi mà!

- Hừ! hồi sáng tụi bây hò hẹn với nhau những gì mà cười cợt ra vẻ đắc ý vậy?

Nguyên Bích Ly thật thà chơn chất, nghe người tâng bốc chồng một câu là đã sung sướng hả hê, chỉ nhớ nghĩ đến điều đó, còn những câu hỏi của Lê Hà để học nghề nàng chẳng lưu tâm nên đã quên tuốt luốt. Do đó, nàng chỉ có thể ú ớ đáp:

- Ông chỉ khen anh thuyết pháp hay quá mà thôi!

- Hừ! láo khoét! khen có một câu mà nói nói cười cười vui vẻ quá há?

Tuy chụp mũ vợ để tạo chính nghĩa đánh đập, mà nhắc tới con vợ nói cười với Hà, Mai cũng cảm thấy nóng mặt, thoi vợ thêm mấy cái thì mới dịu cơn.

Sáng hôm sau, Bích Ly nằm liệt giường. Thế nên Mai phải ra tiệm tạm trông nom trong khi chờ đợi gọi được người thay thế. Trước khi rời nhà, Mai cẩn thận gom hết chìa khóa xe, cắt đường giây điện thoại, như là một cách hữu hiệu giam lỏng Bích Ly.

Tiệm thực dụng buổi sáng khách lai rai chán phèo. Đang bực bội cằn nhằn lải nhải một mình thì Mai bỗng thấy Lê Hà lừng khừng bước vào. Giờ thì Mai mới nổi cơn ghen thật sự, hắn than thầm: "Trời ơi! mình chỉ tố giác giỡn chơi mà sao ra trúng vậy kìa? Nhà thằng dịch vật nầy cách xa hàng mươi dặm, nếu tụi nó không tình ý gì thì sao nó đến giờ nầy?". Mai gắt gỏng hỏi:

- Ông đến đây làm gì giờ nầy?

Lê Hà chẳng qua chỉ mong tìm hiểu việc mua bán tại tiệm thực dụng. Hà biết Mai điếm đàng khó khai thác nên tìm cách ngồi gần Bích Ly, khen nịnh ông chồng để bà vợ thật thà chỉ dẫn nghề nghiệp. Để dễ học nghề, Hà chọn giờ vắng khách đến tiệm, bất ngờ lại thấy bộ mặt hãm tài của Mai chầm dầm cho một đống. Lỡ bộ không thể rút lui được, Hà tảng lờ như vô tình, nhưng tinh thần đã sẵn sàng ứng phó. Do đó, Mai gắt gỏng thì Hà cũng sừng sộ:

- Tiệm mở cửa thì ai cũng vào được. Sao ông lại hỏi câu quái gở vậy? Còn tôi đi đâu giờ nào thì mặc xác tôi chớ. Ông lấy quyền gì để điều tra?

Đoạn Hà lừng khừng chọn một chai nước ngọt, trả tiền rồi cười ruồi bỏ đi. Mai tức giận ứa gan mà không làm chi được. Hắn phải bức rức chờ đợi người làm công đến thay thế, mới lái xe phóng về nhà, lôi vợ ra dần cho một trận tơi bời, để hỏi cho ra lẽ chuyện hò hẹn nầy. Đánh đập đã nư rồi, Mai mới sửa soạn đi làm, mà còn hâm dọa sẽ đánh đập dài dài, chừng nào thú nhận hết tội lỗi mới thôi.

Các con đã đi học từ sớm. Nằm rũ riệt một mình, thân thể đớn đau khôn tả, mà Bích Ly vẫn mong mỏi diễn biến hai ngày qua chỉ là giấc mộng. Nhưng dấu vết nguyên vẹn trên thân thể bầm vập nhắc nhở sự thực phũ phàng mà nàng đã gánh chịu biết bao năm rồi. Hồi tưởng lại thời con gái được bao người săn đón, nhưng lòng nàng chỉ yêu thương Mai, có lẽ nhờ Mai khéo tán tỉnh và giỏi chiều chuộng. Do đó, dù mẹ khuyên ngăn, cho rằng Mai kém chân thật, nhưng nàng vẫn cương quyết chết sống vì tình khiến bà phải siêu lòng. Thế nhưng, chỉ thành hôn với nhau chừng ba tháng, từ một điểm bất đồng nhỏ nhoi, Mai đã nổi cơn hành hung vợ rồi. Giận dỗi nàng xách va li về Cai Lậy với mẹ để lo thủ tục ly dị. Mẹ vừa gặp mặt con thì mừng rú lên, nhưng có lẽ thoáng thấy nàng kém vui, mà cũng không thấy mặt rể, nên ngẩn ngơ một chút, rồi hỏi con dồn dập: "Ủa thằng Mai đâu mà để con đi một mình vậy?". Đang vui bỗng bà buồn lo biến sắc. Lòng mẹ bao la không bến bờ, một đời tận tụy hi sinh, thương con quấn quít chẳng rời mà phải ép lòng gả con. Con đã lấy chồng, lòng mẹ vẫn chưa yên, đêm ngày thấp thỏm mong cầu con hạnh phúc, nên chi thấy con cô đơn về nhà đã lo sợ thất thần như vậy. Bích Ly vội ấp úng: "Nhớ má quá con về thăm, mà anh Mai căn dặn con phải trở lên liền, kẻo ảnh nhớ con lắm!". Ôi mẹ thương con như vàng như ngọc, không lời nặng nhẹ, không cái đánh khẽ. Con đau yếu, trầy trụa sơ sài đã cuống quít lăn xăn, ngồi đứng không yên. Nay nếu bà khám phá được rằng đứa con mà bà nâng niu quí giá đó đã bị người ta hành hạ, chửi mắng... như một con vật thì bà sẽ đau khổ biết là dường nào. Thế là nàng đành phải nói láo, phải đóng kịch hạnh phúc cho bà được yên lòng. Mai thấy vợ chỉ xa chồng có một ngày rồi quay về, nắm được nhược điểm nên ngày càng lấn lướt áp đảo vợ. Nhẫn nhịn mãi cũng quen, nàng bản chất sẵn hiền lành dễ dãi, chóng quên..., nên dù bị hành hạ thế nào rồi cũng thứ tha, thương yêu chồng như cũ. Bích Ly thổn thức một mình:

- Sao anh không hiểu lòng em? Sao anh lại muốn giết em vậy anh Mai?

"Nhạn đậu cành sung, dương cung anh bắn nhạn

Con nhạn chết rồi! làm bạn với ai đây?"

Em lỡ chết rồi, anh sẽ làm bạn với ai vậy anh Mai?

Mai gom chìa khóa xe, cắt đường giây điện thoại, để cô lập hóa vợ, mà không ngờ, ngày hôm sau đã có người lò dò đến bấm chuông. Bích Ly ráng lê lết mở cửa, thấy khách nàng lập bập gọi: "Em Xuân Lan!", thì sức đã mòn nên quị xuống.

Xuân Lan nhỏ hơn Bích Ly vài tuổi nên đối xử với bạn như chị ruột. Xuân Lan nóng tánh và thẳng thắn, đã đôi lần lời qua tiếng lại với Mai, nên từ lâu chỉ đến tiệm thăm bạn, chớ không chịu đến nhà. Nhân khi hảng xưởng tạm đóng cửa mấy ngày để kiểm kê tài sản, Xuân Lan rảnh rang đến tiệm thì nghe tin bạn đau, nên tức tốc ghé lại nhà. Nhìn thân hình tiều tụy của bạn, Xuân Lan hoảng hốt la thất thanh:

- Trời đất ơi! sao thân thể chị lại ra nông nỗi như thế nầy?

- Chị!... Chị... té em à!

- Không phải đâu! Chị đừng dấu em! ảnh đánh chị phải không?

- Chị té thiệt mà!

- Không! thằng chả đánh chị. Em phải hỏi thằng chả cho ra lẽ!

Xuân Lan chụp lấy điện thoại, thì Bích Ly lắc đầu, rồi nói tiếp:

- Vô ích em à! điện thoại đã bị cắt giây rồi. Em muốn biết thì chị kể cũng được, nhưng em đừng thố lộ với ai, lọt đến tai ảnh, ảnh sẽ giết chị.

Thế rồi, qua làn nước mắt đầm đìa, Bích Ly kể lể cho bạn đầu đuôi tự sự. Xuân Lan cũng không cầm được nước mắt, tức giận hỏi bạn:

- Vậy, mà chị chịu được sao? Tại sao chị không thưa cảnh sát? Không đệ đơn ly dị ảnh?

- Em ơi! chị mồ côi cha từ nhỏ. Con không cha như nhà không nóc, khổ sở nghèo túng, tủi nhục lắm em ả! Vả lại, thưa bỏ nhau lại làm khổ lây con cái, chúng buồn phiền xấu hổ với bè bạn. Có lẽ cái nghiệp của chị phải gánh chịu nỗi khổ nầy, bổn sư chị đã giải thích như vậy đó!

- Ối! Hơi đâu chị tin mấy thầy. Mấy ổng có bị ai đánh đập đâu mà thấu rõ được nỗi khổ đau của kẻ khác, nên mới bày đặt dạy là nhẫn nhục, từ bi hỷ xả, oan nghiệp..., chớ nếu ai đụng chạm đến mấy ổng thì chưa chắc à!...

- YÙ! Em đừng nóng nói bậy mà mang tội. Nhờ quí thầy dạy dỗ nên chị mới thêm sức chịu đựng mà vơi khổ, bằng không có lẽ chị đã treo cổ từ mười mấy năm trước rồi!

- Thằng chồng chị ác quá! con gái hưởng đức cha. Rồi đây, ba đứa con gái nó sẽ lãnh quả báo, chồng hành hạ đánh đập cho nó biết thân.

- YÙ! Sao em nói nghe ghê quá vậy? Con chị mà bề gì, chắc chị càng khổ gấp bội!

Rồi bỗng nhiên Bích Ly đến bàn thờ Phật, chấp tay thành tâm khấn vái: "Con cầu xin Đức Phật từ bi ban ân điển cho các con của con trọn đời hạnh phúc, còn bao nhiêu gian khổ nhọc nhằn xin để một mình con gánh chịu".

Xuân Lan chỉ biết lắc đầu thở dài: "Chồng đối xử tàn ác như sài lang mà không một lời hờn oán, không thưa không gởi. Với chồng con, chỉ quá là vị bồ tát mà họ đui mù nào có thấy được đâu?".

Đối với kẻ tình nguyện chịu đọa đầy thì đâu còn phương cách gì để bảo vệ họ. Thương sót bạn, ấm ức trong lòng nhưng cuối cùng, Xuân Lan cũng đành từ biệt.

Về nhà, Xuân Lan bực bội đứng ngồi không yên, nên đành phải giải tỏa bằng cách liên lạc vài người bạn chí thân, tỉ tê kể lể mọi chuyện, tuy rất cẩn thận dặn dò tuyệt đối giữ kín câu chuyện. Và dĩ nhiên, những người nầy cũng dặn dò bè bạn "y chang" như vậy. Thế rồi các bà, như một hệ thống truyền tin, cứ đều đặn loan truyền bản tin thời sự nóng hổi ra mãi.

Không bao lâu, thì một tổng đài địa phương tiếp vận nguồn tin sốt dẻo, rồi chuyển ngay đến thím Bảy. Thím không ngờ hủ mắm tôm của mình lại tai hại dường ấy, nên bức rức muốn đích thân hỏi Bích Ly cho biết sự thật. Thím nóng lòng muốn chấp cánh mà bay lên Texarkana ngay, nhưng đành chờ đợi hơn ba tuần, đến ngày lễ Tạ Ơn mới đi được.

Khi chú Bảy lái xe đưa vợ viếng thăm vợ chồng Mai, thì những vết bầm đã lặn nhưng thương đau vẫn ẩn hiện trong thần sắc u ám của Bích Ly. Vốn đặc biệt có cảm tình với chú Bảy vì chú trầm lặng và lắng nghe kẻ khác, nên Mai tiếp đón khách niềm nở. Chú Bảy cũng không lãnh đạm với Mai. Tuy hơi thất vọng về hành vi vũ phu mới đây của y, nhưng chú vẫn tìm thấy Mai là kẻ có lòng, còn việc Mai khoa trương đạo đức, tu nói mà không thực hành không liên hệ gì đến chú, chú chẳng quan tâm. Chủ khách chia ra hai phe nam nữ hàn huyên tương đắc và sau đó khi khách rủ rê đi Hot Springs chơi, Mai liền sốt sắng hưởng ứng. Hai người đàn ông ngồi băng trước thỉnh thoảng trao đổi vài câu chuyện bâng quơ liên quan đến lộ trình, nhưng hai người đàn bà phía sau thì dòn tan như pháo Tết. Từ chuyện quần áo đến thức ăn, rồi chuyển sang vụ động đất Cali, phim ảnh tân nhạc..., chuyện nào cũng hứng thú vô cùng. Từ từ rồi đề tài quen thuộc và ưa chuộng nhất của đàn bà cũng được tuôn ra:

- Chị nghe gì không? Vợ chồng mụ Bê rã đám rồi! - thím Bảy đổi đề mục -

- ƯØa! Mẹ ấy ngựa dàn trời mà! Mới ly dị mấy ngày, thì đã cặp với thằng kép trẻ măng hà!

- Cái con Thúy mới dữ dằn. Nó cắm cả trăm sừng trên đầu chồng, chồng ghen đánh hai tát tay thì nó đã nổi sung thiên lên, gọi cảnh sát còng đầu tức khắc.

Có tiếng tằng hắng ở băng trên, và có lẽ Bích Ly lo ngại vu vơ gì đó nên không trả lời bạn, mà hướng về chú Bảy hỏi to:

- Xin lỗi! Mình đã qua khỏi Little Rock chưa anh Bảy?

- Dạ! mình đi hướng khác, chớ không đi ngang Little Rock đâu chị!

- Hừ! hỏi ngu mà cũng hỏi!, Mai lên tiếng.

Nghe thím Bảy kể chuyện "vợ gọi cảnh sát còng đầu chồng", có lẽ Mai bực mình nên xài xể để trút giận hờn. Đàn bà dốt đường là chuyện bình thường, mà dù ngu thiệt cũng không ai nỡ lòng công khai nặng lời, nên chú Bảy tưởng mình nghe lầm, hoặc Mai chỉ đùa giỡn mà thôi. Chú nhìn Mai, thì thấy mặt mày y nhởn nhơ tự đắc ra chiều thỏa mãn về câu nói quyền uy của mình. Chú Bảy tuy xuề xòa nhưng lại thâm trầm tế nhị. Đối với kẻ lưu manh gian xảo cũng chưa hề nặng nề hạ nhục, huống chi là công khai xỉ vả vợ. Sợ Bích Ly tủi hổ, chú vội pha trò hi vọng phá tan được bầy không khí nặng nề:

- Tôi mới là người ngu nhứt hạng đây. Bà xã tôi cứ chê tôi hoài!

- É! Ai dám chê anh ngu hồi nào? Nói ẩu hoài!

- Ờ thì bà chưa nói ra, nhưng tôi biết bà lầm thầm: "Thằng cha nầy ngu thiệt, nên chả mới chịu cưới mình!".

Rồi chú Bảy cười xòa để giúp mọi người cười theo, trừ Mai vốn giữ thân phận của vị Hội Trưởng, đạo mạo nghiêm trang không cười cợt.

Từ xa lộ 30E, chú Bảy rẽ sang đường số 7N, lộ trình ngoằn ngoèo nầy tương đối khá xa nhưng đi trên con đường làng nhỏ hẹp len lỏi giữa cánh đồng mênh mông như đường về lục tỉnh cũng là điều hứng thú. Đi trên cầu xuyên qua hồ De Gray, nhìn thấy phong cảnh hữu tình, nên chú Bảy đề nghị quày xe tạm nghỉ ngơi. Bãi đậu xe trên một khu đất cao ven hồ, tiếp giáp với rừng cây ngập lá vàng. Những chiếc lá đã hoặc sẽ rụng vào dịp sang thu, mỗi loại có màu sắc riêng, trăm ngàn sai biệt, từ màu đỏ thẩm, tím bầm, rồi nhạt dần đến màu vàng mởn xanh tiếc nuối... đã tạo nên hơi thu bàng bạc. Trời xanh nhạt nhạt, gió mơn man nhè nhẹ, rừng cây xơ xác, hồ nước xanh trong vắt trải dài. Phong cảnh mùa thu có nét quyến rũ, gợi nhớ, gợi buồn kỳ lạ khiến chú Bảy bùi ngùi tình nước. Quê hương chú cũng có cảnh hồ, hồ nước nhỏ nhắn xinh đẹp vây quanh bởi hàng cây sao già cao ngất, nơi chú đã lưu giữ bao kỷ niệm ngày xưa.

- Em à! Cảnh hồ nầy có nhắc nhở em ao Bà Om xứ mình không?

- Làm sao em lại có thể quên được anh Bảy!

- Em còn nhớ chuyện chúng mình ngày xưa chăng?

Thuở ấy em kẹp tóc thề, mặc chiếc áo dài màu mạ non thướt tha, ta đưa nhau đến ao Bà Om...

Chú Bảy vừa nhắc kỷ niệm xưa, vừa đi chầm chậm xuống hồ. Thím bén gót theo sau, mắt lớp chớp, lệ ứa ven mi, thả hồn về dĩ vãng. Rồi giống y như 18 năm về trước, thím siết chặt tay chú đi dài theo bờ hồ, đoạn thím ngồi xuống vẽ hai quả tim xoắn nhau. Ngày xưa cô thiếu nữ nhí nhảnh yêu đời đã cầu Phật Trời cho đôi tình nhân nên duyên chồng vợ. Và lần này, người thiếu phụ "sồn sồn" cầu mong hai vợ chồng già một ngày về với đất nước thương yêu. Phút giây mơ mộng ngưng động tan dần, chú Bảy bảo thím nhìn vợ chồng Mai. Hai người có lẽ cũng đang tìm về thuở ban đầu hoa mộng. Đôi mắt u sầu của Bích Ly, dường như đã tràn đầy niềm tin yêu hạnh phúc. Chú Bảy thì thầm:

- Thiên nhiên có lẽ là vị thầy mầu nhiệm để hàn gắn vết thương lòng. Trong cái tinh khiết của đất trời, giận hờn, bực bội nào rồi cũng phai đi.

- Vậy té ra! té ra! anh gạt em. Anh cố ý nhắc chuyện chúng mình để gợi cho họ nhớ những ngày yêu thương xa xưa mà hòa giải nhau chớ gì?

- Ờ! thì lúc đầu cũng hơi cố ý, mà sau đó anh cảm động thật tình mà!

- Em hổng chịu! Anh phải đền cho em hà!

Thím thò tay véo chú một cái đau điếng, rồi tung tăng chạy đi như một cô gái nhỏ.

- Bích Ly! Kiến cắn bụng rồi! mình kiếm gì ăn nhe!

- Phải rồi! tụi nầy cũng đói bụng. Anh chị định ăn gì đây?, Mai lên tiếng.

Hiểu rõ bụng dạ Mai, nên để tránh cho y ngượng ngập, chú Bảy mời mọc:

- Ở đây chắc không tìm được đồ chay. Xin anh chỉ vị tình vợ chồng tôi ăn mặn đỡ vậy. Nghe đồn bếp núc nhà hàng Hồng Kông khá lắm!

- Thôi thì tạm ăn mặn vậy! Nhất thiết duy tâm tạo, mặn cũng vậy, chay cũng vậy, tâm không động là được. Ngày xưa, Tuệ Trung thượng sĩ trong bữa tiệc của Khâm Từ hoàng hậu, đã gắp đồ mặn xen lẫn với đồ chay mà có sao đâu?

- Mấy ông muốn đi đâu cũng tốt, nhưng phải lấy phòng cho tụi nầy chỉnh sơ lại cái dung nhan tàn tạ mới được!, thím bảy lên tiếng.

Chú Bảy lái xe về thị xã Hot Springs, đến khách sạn Arlington. Tuy đã giao hẹn sẽ đi ngay tức khắc, nhưng đàn bà lúc nào chẳng là đàn bà, chú Bảy phải kiên nhẫn chờ thím gỡ lại mái đầu, dậm thêm tí phấn, kẽ lại nét son..., rồi lại nhắc thím mang theo áo ấm. Khi hai vợ chồng bước ra ngoài, thì thấy Mai đã chờ sẵn, vài phút sau Bích Ly cũng bước ra. Chú Bảy lại nhắc:

- Có lẽ, chị nên mang theo áo ấm kẻo lạnh.

Bích Ly vừa định quay trở về phòng, chợt thấy Mai chờ lâu tỏ vẻ khó chịu, nên đổi ý:

- Cám ơn anh Bảy! Tôi không cảm thấy lạnh đâu!

Nhà hàng Hồng Kông không mấy sang trọng nhưng thức ăn Tàu cũng tạm hợp khẩu. Vừa ăn, Mai vừa đề nghị chương trình viếng khu rừng núi Tây, leo đỉnh tháp núi Đông, ngắm những giòng suối nước nóng đây đó... vào ngày mai, nhưng ăn cơm xong thì phải ngồi xe lừa, theo truyền thống xưa mà dạo quanh thành phố thì mới thú vị. Mùa thu, trời sụp tối nhanh. Cơm nước xong trở về thì thành phố đã lên đèn. Một cổ xe lừa vừa ghé trước cửa khách sạn. Bà nài ong óng cất tiếng mời mọc du khách: "Đây là chuyến chót trong ngày. Xin quý khách nhanh lên kẻo trễ". Mai giục mọi người lên xe ngay. Cổ xe lừa đóng bằng loại gỗ rắn chắc, sơn phết công phu, dài rộng... như một chiếc xe buýt với hai cửa lên xuống rộng rãi, đi đứng thong dong. Xe được kéo bởi hai chú lừa cao lớn, lực lưỡng khác thường.

Khách vừa lên xe mua vé, thì bà nài đã đon đả mở lời:

- Xin chào và xin giới thiệu tên tôi là Litz, và đây là thằng Mike và thằng Joe, hai chú lừa đực.

Bà nài hạ lệnh cho cặp lừa cất bước. Vừa đi bà vừa giải thích không ngừng về những thắng cảnh, di tích địa điểm lịch sử, nơi chốn hấp dẫn... tại địa phương. Trên đường sáng choang, xe cộ dập dìu, mà lại được ngồi êm ái trên một chiếc xe cổ lỗ, cà rịch cà tang theo nhịp điệu lộc cộc của tiếng chân lừa, để ngoạn cảnh quả là điều thú vị. Mọi người đều tỏ vẻ vui tươi thoải mái, trừ Bích Ly hơi co ro bởi cơn gió đã trở thành buốt giá, khiến chú Bảy đôi lần ái ngại nhìn sang. Cổ xe lừa đang nhẹ lướt theo tốc lực thường lệ, bỗng chậm chạp rồi dừng hẳn lại. Mụ nài Litz the thé la hét đôi lừa nhưng không hiệu nghiệm. Xây về phía hành khách, mụ giải thích:

- Cái thằng Mike nầy hay chứng bất tử lắm. Không trị nó không xong!

Rồi mụ Litz lấy roi da quất một cái trót, khiến con lừa nhảy dựng lên, bương bả tiếp tục hành trình. Nhưng chỉ suông sẻ được một khoảng ngắn thì chú lừa cũng tự động dừng lại, khiến mụ nài cứ phải sử dụng roi vọt nữa. Điệp khúc roi vọt làm nao lòng chú Bảy, chú chợt nghĩ có thể trong một kiếp nào đó, chú đã từng là con lừa nhọc nhằn khốn khổ. Chú buông tiếng thở dài, với lời than nho nhỏ:

- Chắc mình không chịu nỗi đâu?

- Cái gì mà không chịu nỗi anh Bảy? Thím Bảy nghe tiếng thở dài và tiếng than của chồng vội lo lắng hỏi dồn.

Chú Bảy chậm rãi:

- Nếu phải làm con lừa kéo cổ xe nặng nề nầy suốt ngày dĩ nhiên là không làm xuể rồi. Mà làm nài, suốt ngày bô bô cái miệng, rồi khi con vật mệt mỏi nổi chứng, lại phải ra tay đánh đập, anh cũng không làm được.

Mai chen vô:

- Cái con mẹ Litz nầy hành hạ súc vật ác độc quá! Để tôi điện thoại thưa với Hội Bảo Vệ Súc Vật cho nó biết thân!

- Thưa thì mụ nài mất việc mình lại tội nghiệp. Thật ra, thấy con thú bị đánh đập tôi nóng ruột than thở, chớ biết đâu chừng giữa người và lừa đã từng có giây oan nghiệp nên mới có cảnh nầy!

- ƯØa đúng rồi! biết đâu kiếp trước "ngựa Mai" nầy từng hành hạ "nài Ly", nên kiếp nầy nài Ly mới đánh ngựa Mai. Mai đánh Ly, rồi Ly đánh Mai, oan oan tương báo mà...

Thím Bảy có tật nói tên tiếng Mỹ không sửa đúng giọng, thím muốn nói Mike và Litz, mà nghe thành Mai và Ly. Sợ hai bạn hiểu lầm, chú đá chân thím nhắc chừng, rồi bùi ngùi than thở:

- Ờ! thì chúng sanh lăn lộn luân hồi, khi thất thế bị người hành hạ, khi thắng thế lại thẳng tay đàn áp người, mà có ai giữ ưu thế mãi đâu? Thời gian ngắn dài nào đó, rồi thì tất cả đều trở về cát bụi để "giũ sổ làm lại", rồi đâu ai biết được ra sao kiếp sau?

Mọi người bỗng nhiên yên lặng suy tư. Chú Bảy thấy Mai lạnh lùng khó hiểu, còn Bích Ly thì xúc động nước mắt lưng tròng. Chú muốn phá tan bầu không khí nặng nề mà bất lực.

Xe lừa dừng bước khách sạn Arlington, thì Mai đã hầm hầm phóng xuống, bước nhanh về phòng riêng mà không nói lời nào. Bích Ly vội vã chào chia tay bạn, rồi quýnh quýu chạy theo chồng, trước cặp mắt ái ngại của bạn. Vừa khép kín cửa phòng, Mai liền chụp ngay đầu vợ, xoắn tóc giở hỏng lên, dộng vào tường mấy cái xính vính rồi tra hỏi:

- Tao đã cấm mầy hở môi, mà tại sao mầy thóc mách với vợ chồng thằng Bảy, để tụi nó bày trò lừa ngựa chửi xéo tao?

- Em đâu có nói với ai! Họ ở Houston thì em làm sao liên lạc được! Chắc họ vô tình, chớ không có ý xiên xỏ anh đâu!

Mai đã cô lập vợ có phương pháp nên khó trách Bích Ly liên lạc với ai được. Tuy nhiên, cơn giận bị người xỉa xói đâu dễ tự nguôi ngoai. Nếu không gây sự được với người ngoài, thì Mai chỉ có cách đổ hết lên đầu vợ mà thôi.

- Hừ! mầy là thứ đàn bà lăng loàn. Mới thấy thằng cha Bảy ngọt ngào chiều chuộng là mầy khoái mê tơi rồi. Trời lạnh lẽo như vầy mà mầy mặc đồ mỏng dánh để bẹo hình bẹo dạng nó. Cặp mắt láo liêng của nó lén nhìn mầy mấy lượt, nhưng làm sao qua mắt tao nỗi!

Tức bực thằng cha Bảy, Mai nổi giận bừng bừng thoi thẳng vào mặt vợ. Bích Ly ngã ngửa nằm lăn lộn trên thảm. Mai bình tĩnh thay đồ rồi nằm ngủ thanh thản như không có việc gì xảy ra.

Thím Bảy, tính hay mềm lòng, chứng kiến cảnh con lừa làm việc cực nhọc suốt ngày còn bị đánh đập, nên cứ trằn trọc không yên. Trong giấc ngủ chập chờn, thím chiêm bao thấy con lừa Mike bỗng nổi chứng đá bà nài Litz một cái bầm cả mặt mày. Dù chỉ là chuyện mộng mị, song thím vẫn khoái chí chuyện con lừa phục hận, nên muốn kể cho chồng nghe, nhưng chú lại đang mải mê đọc báo tường thuật hai trận cầu bóng bầu dục ngày qua. Thím vội trang điểm qua loa rồi phóng nhanh sang phòng Bích Ly dộng cửa ầm ầm để báo tin vui. Chờ đợi một lúc đâu, vừa thấy bóng dáng Bích Ly hé mở cửa, thím liền phát thanh ào ào, cũng với lối nói tên Mỹ không thèm sửa:

- Bích Ly à! Ta vừa chiêm bao vui ghê đi. Ta thấy con ngựa Mai nó quật khởi đá mẹ nài Ly một cái như trời giáng, sưng hết mặt mày vậy đó!

Con bạn êm ru không trả lời khiến thím ngạc nhiên chăm chú quan sát bạn. Thấy mặt mày bầm dập của Bích Ly thím tức khắc hiểu nguồn cơn nên nổi nóng xô cửa bước hẳn vào phòng tìm Mai gây sự. Tuy nhiên khi nhìn thấy Mai ngồi trên ghế, vẻ mặt trang nghiêm đạo mạo, tay lần chuỗi, miệng niệm Phật, thím sửng sờ buồn nôn khựng lại. Phải cố gắng lắm cuối cùng, thím mới nghẹn ngào từng tiếng:

- Trời ơi! sao anh lại có thể đối xử với chị tàn tệ như vậy?

- Có chi đâu? Tôi chỉ hướng dẫn Bích Ly chút ít đạo đức mà thôi!

- Hướng dẫn đạo đức bằng đấm đá, anh nói vậy mà nghe được sao?

- A! về điểm nầy trong Phật giáo gọi là "tùy bệnh cho thuốc". Bệnh nan y thì liều thuốc cũng nặng một chút. Đức Phật có dạy rằng...

Thím Bảy bịt tai lại, chạy tránh ra xa để những lời Phật ngôn phát xuất từ cửa miệng của con người có lòng dạ như rắn rết sài lang khỏi phải xoáy vào tai thím nữa.

Tháng 1.1990



LỜI NGOÀI TRUYỆN

Câu chuyện trên, không rõ mức độ hư thực như thế nào, đã do anh Bảy Houston thuật và tác giả vội ghi chép lại, với vài điều thêm bớt. Tuy nhiên, anh Bảy chỉ thuật đến đoạn xuống xe lừa thì chấm dứt thình lình, nên tác giả đã phải tưởng tượng thêm phần kết. Viết xong, tác giả gởi bản thảo đến anh chị Bảy thỉnh ý, thì chị Bảy cằn nhằn: "ƯØa! Bích Ly quả thật bị đánh nữa đó! nhưng anh kết luận tăm tối quá! Người ác sao cứ để họ hoành hành hoài như vậy được?".

Tác giả hiểu trong thâm ý, chị Bảy mơ chuyện ác nhân ác báo. Tuy nhiên, từ khi nghe chuyện nầy, tác giả cảm thấy bực bội bất an, lời văn vì vậy đã có phần châm biếm và khinh bạc, kể ra cũng tự thấy xấu hổ vì đã không giữ nỗi chánh ngữ, chánh niệm rồi. Do đó, trong khi ông Hội Trưởng vẫn đang sống sờ sờ, tiếp tục mở máy rao giảng đạo đức, thì làm sao tác giả lại dám viết đoạn kết thảm thiết "quả báo nhản tiền" để trù ẻo ông ta cho vừa lòng chị Bảy được.

Thôi thì tác giả cũng ráng gò gẫm viết đoạn kết khác thuần hậu hơn để may ra không bị phản đối nữa. Đoạn kết thứ hai như sau:
*
* *

Câu chuyện oan nghiệp của vợ chồng cha Bảy khiến Mai nhức đầu khó chịu. Cơn nhức gia tăng cường độ đến nỗi khi bước xuống xe, Mai bị xây xẩm mặt mày, phải cố gắng lầm lì lê lết về phòng, buông mình xuống ghế dựa thở dốc. Mai bỗng nhớ mấy tháng trước bác sĩ có báo động chàng về lượng cholesterol trong máu, mà chàng cứ ăn uống tưng bừng chẳng chịu cữ kiêng. "Không lẽ cái miệng ăn mắm muối của cha Bảy lại ứng nghiệm? Mình sắp bị giũ sổ rồi sao?". YÙ niệm mình sẽ chết khiến Mai có cái cảm giác lạnh lẽo cô đơn lạ lùng. Bao nhiêu hùng khí tham đắm lợi danh trong khoảnh khắc đều tan biến. Giờ đây, hình dung lại những lúc lăn xăn khoe khoang đạo đức Mai thấy mình sao hời hợt lố bịch quá! Mai than thầm: "Ngày xưa mình mới đến chùa, thầy dạy lễ Phật để tập tính khiếm cung thì mình chê bai. Mình chỉ cầu danh sưu tầm những giáo lý cao siêu nói năng lưu loát mong được người thán phục, chớ không thực sự tu dưỡng tính tình. Vì cầu danh nên sanh tâm bươi móc nói xấu người hầu đề cao mình. Cứ thế, ngày mình càng khoác lác, càng bịp bợm sử dụng đủ mọi thủ đoạn để tự phô trương đạo đức rổng tuếch, mong mỏi không ai rõ chân tướng của mình. Rồi mình lại sanh ra hiếp đáp vợ để tạo cái ảo tưởng mình đáng được tôn kính, trọng vọng..., người người phải mù quáng tuân theo". Như tỉnh cơn mê, Mai hồi tâm quan sát người vợ gầy gò. Bích Ly đang co ro sợ hãi nép ở góc phòng, không biết ông chồng dã man sẽ trút cơn phẫn nộ lúc nào? Mai ăn năn khôn siết. Chàng đến bên nàng dịu dàng:

- Tội nghiệp em cưng. Anh tu hành lầm lạc gây khổ sầu cho em biết là dường nào!

Rồi Mai ôm chầm Bích Ly, để hai vợ chồng cùng nức nở khóc trong lạnh phúc ngập tràn.

Viết xong, tác giả lại thỉnh ý anh chị Bảy lần nữa. Lần nầy thì anh Bảy chỉ trích:

- Ông viết chuyện không tưởng quá sức! Cái ông Hội Trưởng cao ngạo kiêu căng, ngay như chư tổ sư cảnh tỉnh y còn chưa chắc được, huống chi là thằng Bảy dốt nát, ngu ngơ nầy!

Tác giả ngần ngừ muốn viết lại phần kết luận nhưng cụt hứng đành thỉnh ý một số thân hữu khác góp ý. Tác giả lại càng rối trí hơn nữa, vì mỗi người lại đưa ra một kết luận riêng biệt. Có người nhất định phải cho Bích Ly đi tu, người đề nghị Bích Ly tự tử, và có kẻ nhất quyết gọi cảnh sát 911... Tóm lại, tác giả vẫn phân vân, và do đó, chỉ biết xin bạn đọc tự chọn lấy một kết luận vừa ý.

Sự Chấp trước là nguyên nhân của khổ đau




Nhật Tịnh dịch



Tình yêu cao thượng và sự tự tế rất cần thiết trong thế giới này, được xuất phát từ sự trân quí và tùy hỷ với đối tượng, và mong muốn đối tượng được hạnh phúc, an lạc, nhưng không bám víu chặt chẻ và cũng không sở hữu đối tượng. Bạn đang sống trong một xã hội đầy đủ vật chất mà trong đó lòng tham đắm sở hữu nhiều hơn và lớn hơn như là tổng số tiêu chuẩn cho đời sống hạnh phúc. [...]



Những gì mà bạn sở hữu không phải là vấn đề, mà là thái độ của bạn đối vớisự sở hũu đó. Nếu bạn đang có vật gì và vui hưởng nó, thì là bình thường hoặc đáng mất nó, cũng không sao. Nhưng nếu khi bạn bị mất nó, mà trong tâm rất chấp trước, thì là điều khác. Không nhất thiết đó là vật gì, bởi vì bản thân của đối tượng không thành vấn đề. Sự bám víu trong nội tâm làm bạn lao theo sự vận chuyển đó và mang đau khổ, mới thực là vấn đề. Nếu tâm bạn mở rộng và hãy để cho sự vật bay đi tự nhiên, sẽ không bị khổ. Có đúng không bạn? Rất cần thiết để thực hành điều nầy hàng ngày, để nhận thức được hạt giống của chấp trước trong tâm và dần dần loại hẵn nó.



Có một câu chuyện thú vị về trái dừa, được truyền tại Ấn độ về cách bắt những chú khỉ. Người ta lấy trái dừa và khoét một lổ nhỏ đủ cho tay khỉ thọt vào và cho vô một chất gì ngọt, rồi đóng đinh treo trái dừa vào thân cây. Khi con khỉ đi đến, thấy trái dừa, ngữi thấy mùi ngọt, liền đút tay vào lổ nhỏ đó để lấy. Tay nó bị giữ chặt bời chất ngọt bên trong và bị quấn thành nắm tay. Nhưng vì cái lổ quá nhỏ nên không thể rút tay ra được. Khi những người bẫy khỉ đến, họ bắt con khỉ đó. Dĩ nhiên, các con khỉ làm giống như vậy, đều bị bắt. Không ai nắm giữ con khỉ ngoại trừ con khỉ có hạt giống tham chấp trong tâm. Không ai giữ chúng ta trong bánh xe luân chuyển nầy, tự bạn mang sự chấp trước đó. Bánh xe không có trói buộc, nên bạn có thể thoát ra bất cứ lúc nào. Nhưng vì bạn bị bám víu, nên phải chịu khổ đau mà thôi.





Dịch xong ngày 15.11.2009



Clinging Causes the Pain

by Tenzin Palmo



Genuine love and kindness is desperately needed in this world. It comes from appreciating the object, and rejoicing in the object, wanting the object to be happy and well, but holding it lightly, not tightly. And this goes for possessions too. You are in an extremely materialistic society in which the possession of more and bigger and better is held up as the total criteria for being happy. […]



What we own is not the problem, it's our attitude towards our possessions. If we have something and we enjoy it, that's fine. If we lose it, then that's OK. But if we lose it and we are very attached to it in our heart, then that's not fine. It doesn't matter what the object is, because it's not the object which is the problem. The problem is our own inner grasping mind that keeps us bound to the wheel, and keeps us suffering. If our mind was open and could just let things flow naturally, there would be no pain. Do you understand? We need our everyday life to work on this, to really begin to see the greed of attachment in the mind and gradually begin to lessen and lessen it



There's a famous story of a coconut, which is said to be used in India to catch monkeys. People take a coconut and make a little hole just big enough for a monkey to put its paw through. And inside the coconut, which is nailed to a tree, they have put something sweet. So the monkey comes along, sees the coconut, smells something nice inside, and he puts his hand in. He catches hold of the sweet inside, so now he has a fist. But the hole is too small for the fist to get out. When the hunters come back, the monkey's caught. But of course, all the monkey has to do is let go. Nobody's holding the monkey except the monkey's grasping greedy mind. Nobody is holding us on the wheel, we are clinging to it ourselves. There are no chains on this wheel. We can jump off any time. But we cling. And clinging causes the pain.



--Tenzin Palmo

Lễ nhạc Phật giáo Huế: một loại hình âm nhạc truyền thống độc đáo





Lễ nhạc, cũng như các loại hình nghệ thuật Phật giáo khác, được chi phối bởi hệ thống triết học và quan niệm của tôn giáo này. Nhưng, trên mỗi vùng đất cụ thể, trong quá trình hội nhập tiếp biến, Phật giáo của mỗi vùng đất đã có những cải biến linh hoạt để phù hợp với tâm lý cũng như quan niệm chung của dân chúng trên vùng đất đó. Lễ nhạc Phật giáo Huế cũng vậy, qua thời gian đã tạo riêng cho mình một dấu ấn, với những nét riêng biệt, trong dòng chảy âm nhạc truyền thống của dân tộc.
Ngoài việc kế thừa truyền thống âm nhạc vốn có của Phật giáo, tiếp biến Lễ nhạc Phật giáo Trung Hoa, Lễ nhạc Phật giáo Huế còn khéo léo vận dụng các hình thức âm nhạc vốn có của vùng đất này nhằm mục đích truyền bá, duy trì đạo pháp. Việc kế thừa những khoa nghi, cho đến các bài tán tụng, theo pháp độ và kinh điển mà Phật giáo Trung Hoa đã thiết lập, đó là điều dễ nhận ra trong quá trình diễn xướng Lễ nhạc Phật giáo Huế. Nhưng, âm điệu tán tụng cùng với âm nhạc phù trợ trong Lễ nhạc Phật giáo Huế, trên phương diện ngữ âm, giai điệu và bài bản âm nhạc, thì lại hoàn toàn mang tính truyền thống của vùng văn hoá này. Chính vì thế, Lễ nhạc Phật giáo Huế đã trút bỏ được nhiều màu sắc của Lễ nhạc Phật giáo Trung Hoa, bằng những cải biến linh hoạt của mình.
Có thể nhận thấy, Lễ nhạc Phật giáo Huế dễ dàng dung hợp được nhiều loại hình âm nhạc truyền thống khác, bởi vì đặc tính âm nhạc truyền thống của các dân tộc Phương Đông và Việt Nam nói chung, cũng như âm nhạc truyền thống vùng Huế nói riêng, cho dù đã được ký âm, ghi lại bằng nhạc phổ, nhưng chúng thường có tiết tấu linh hoạt, không chuẩn hoá cao độ và trường độ như âm nhạc Phương Tây, cho nên, mỗi trường phái, hay mỗi người thể hiện, không phải hoàn toàn là phiên bản của nhau. Điều đó, tuỳ thuộc trình độ thẩm âm, sự tài hoa, tâm trạng, của từng người khi thể hiện. Việc vận dụng âm nhạc truyền thống vùng văn hoá Huế, kể cả âm nhạc cung đình, đã được điển chế và trở thành quy tắc bắt buộc đối với các nhạc công, nhưng khi thể hiện trong Lễ nhạc Phật giáo Huế vẫn hài hòa và không có sự phân cách rõ ràng.
Nhạc Lễ Cung Nghinh
Sự linh động của Phật giáo Huế, vì mục đích hoàng pháp lợi sinh, đã vận dụng tối đa những lợi thế âm nhạc vốn có của vùng đất này để chuyển hoá vào trong nghi lễ. Trên chất liệu ca từ không thể vượt ra ngoài giáo lý nhà Phật, việc vận dụng các hình thức âm nhạc truyền thống nhằm tạo nên sự sinh động truyền cảm, thu hút lòng người đến với Phật pháp, truyền bá giáo lý, chuyển hoá nhân tâm là một thành công về Phật sự của các nhà hoằng pháp mà vai trò Lễ nhạc Phật giáo Huế đã được khẳng định là một phương tiện hữu hiệu.
Mỗi một thể loại âm nhạc đều có một đời sống xã hội riêng, một môi trường diễn xướng chuyên biệt và mang một chức năng xã hội nhất định. Đối với Lễ nhạc Phật giáo Huế, âm nhạc gắn bó chặt chẽ với nghi lễ, đó là một thực thể không tách rời. Theo quan niệm của Phật giáo, nghi lễ là phương tiện bày tỏ lòng thành kính tri ân tam bảo, quốc gia, phụ mẫu... đồng thời cũng là phương tiện để cứu độ chúng sinh. Do vậy, Lễ nhạc Phật giáo, khi tham gia vào các nghi lễ trở thành tiếng nói huyền diệu, có khả năng giao cảm với trời đất, thần linh, tổ tiên,... và có sức mạnh lay động lòng người. Âm nhạc được sử dụng trong mỗi một nghi lễ của Phật giáo đều có một chức năng và tác dụng rất cụ thể. Điều đó không chỉ riêng cho người hành lễ mà còn cho cả những người xung quanh tham dự, và có thể tuỳ ứng cho các pháp giới.
Các hình thức âm nhạc trong nghi lễ Phật giáo Huế được vận dụng một cách khá linh hoạt. Có thể nói, Lễ nhạc Phật giáo Huế điểm chính yếu được chú trọng là thanh nhạc, nội dung mà âm nhạc tập trung chuyển tải chủ yếu thông qua các hình thức biểu đạt ý nghĩa của ca từ. Tương ứng với mỗi buổi lễ có các bài tán, tụng, niệm, xướng, dẫn, bạch, vịnh, thỉnh, ngâm, thài... phù hợp. Còn các nhạc cụ chỉ đóng vai trò thứ yếu, bổ trợ cho nghi lễ nhưng nó góp phần làm cho các buổi lễ trở nên trang nghiêm, long trọng, thu hút được lòng người, hướng con người đến với đạo pháp, thâm nhập giáo lý của nhà Phật. Mà trong mỗi cách thể hiện đó, âm điệu, ca từ của kinh sư được hoà cùng với thanh âm của pháp khí, nhạc cụ tạo nên sự hài hoà, hô ứng, bổ trợ cho nhau cùng phát huy tác dụng.
Tính chất hùng tráng, trang nghiêm, cao quý của đại nhạc, tính chất sâu lắng, vui tươi, êm dịu của tiểu nhạc, trong âm nhạc cung đình, được vận dụng vào Lễ nhạc Phật giáo Huế một cách linh hoạt. Đối với các bài bản không có lời ca đi kèm, so với âm nhạc chính thống được điển chế ở cung đình, khi diễn tấu trong không gian nghi lễ Phật giáo hầu như không có sự khác biệt lớn. Những bài bản như: Tam luân cửu chuyển, được tấu lên mở đầu cho một đại lễ, lúc thượng phan sơn thuỷ, dịp khánh hỷ...; Còn Đăng đàn kép, Đăng đàn đơn... được dùng cung nghinh chư tăng, thỉnh sư đăng toà hành lễ, thuyết pháp...; Và Long ngâm (âm) được dùng rất linh động khi chủ sám niêm hương hay đan xen vào những khoảng trống của buổi lễ, khi không có lời ca của các kinh sư...
Điệu múa lục cúng hoa đăng của Phật giáo
Riêng các bài bản có lời ca, ca từ được lấy từ chiết xuất từ các câu kinh, tuyển chọn những bài kệ. Những hình thức ca từ này, mỗi khi được các kinh sư tán tụng trong các nghi lễ đều thể hiện tính nhạc. Những bài bản của âm nhạc cung đình, đặc biệt là bài Bình bán trong Thập thủ liên hoàn (mười bản ngự), được thay đổi cung bậc sao cho phù hợp với các lời ca của các kinh sư trong quá trình diễn xướng. Thông thường điệu thức Bắc của âm nhạc cung đình, mang tính chất trang nghiêm, vui tươi, trong sáng, được gọi là hơi khách hay hơi thiền, dùng để tán dương Phật pháp, ngợi ca công đức của Phật và chư vị Bồ Tát.
Tính chất trầm lắng, man mát buồn, âm hưởng của điệu Nam, hơi ai, được vận dụng trong các bài tán tụng của Phật giáo để chuyển tải triết lý vô ngã, vô thường, những huyễn ảo của cuộc sống, khổ đau của đời người... trong các dịp tang lễ, cầu siêu, cúng linh, chẩn tế cô hồn, giải oan bạt độ...
Bên cạnh đó, những bài bản của âm nhạc dân gian vẫn được đưa vào diễn tấu trong nghi lễ Phật giáo Huế. Chẳng hạn: Thái bình, Cách giải, Tam thiên, Tứ châu, Lai kinh, Tấn trạo,... và ngay cả bài Phần hoá diễn tấu trong lúc đốt vàng mã ở đình, miếu, từ đường, tư gia... và nhiều lễ tế khác trong dân gian cũng được vận dụng. Không chỉ như vậy, những làn điệu hò, lý, ngâm thơ, tuỳ vào từng lúc, cũng được vận dụng một cách triệt để. Tất cả làm cho Lễ nhạc Phật giáo Huế trở nên phong phú đa dạng hơn trong thể hiện.
Đỉnh cao của loại hình âm nhạc này, được tập trung vào các giai điệu của các bài tán. Trong nghi lễ Phật giáo Huế, giai điệu tán rất phong phú, mỗi một bài có thể được tán với nhiều cung bậc khác nhau. Có thể tán theo hơi thiền hoặc hơi ai và có thể tán theo lối tán rơi, tán xấp, tán trạo... Các bài tán chủ yếu dùng những hình thức kệ. Ngoài các lối tán ra, kinh sư có thể dùng lối ngâm, đọc, xướng, dẫn... vẫn phát huy hiệu quả chuyển tải ý nghĩa của nó trong các nghi lễ Phật giáo. Bởi, bản thân các bài kệ, chúng là những bài ca, được đúc rút từ những diệu lý của kinh Phật, hay thể hiện sự chứng ngộ, trải nghiệm của các thiền sư. Trong các nghi lễ Phật giáo Huế dù thể hiện ở phương thức nào cũng trở thành phương tiện hữu hiệu để khai ngộ chúng sinh.
Chư tiên mặc áo mã nạp cung nghinh trong đoàn rước Phật
Âm nhạc và nghi lễ được hoà quyện vào nhau rồi trở thành tiếng nói vi diệu, chuyển hoá lòng người, hướng con người đến với đạo pháp. Âm nhạc trong nghi lễ Phật giáo Huế góp phần đưa con người thâm nhập vào giáo lý từ bi, hỷ xả, vô ngã, vị tha... hướng con người đến cuộc sống lành mạnh, hướng thượng, mang lại cuộc sống an lạc, hạnh phúc trong thực tại. Lễ nhạc Phật giáo không chỉ là một pháp môn, một phương tiện của những bậc tu hành, mà còn một loại hình nghệ thuật có mối quan hệ mật thiết với mọi đối tượng thính pháp văn kinh, gắn liền với yếu tố văn hoá tâm linh của con người, một phần cuộc sống tinh thần của người dân xứ Huế. Dẫu, có thể chỉ là vô tình trong lĩnh vực nghệ thuật, nhưng Phật giáo Huế đã tạo nên một dòng âm nhạc độc đáo, không chỉ là một sản phẩm văn hoá phi vật thể đặc sắc của Huế mà còn của Việt Nam.
Lê Đình Hùng

“KHÔNG THẦN” VÀ “CÓ THẦN”: HAI ANH, EM THÍCH ANH NÀO?







Trên 600 nhân vật "vô thần" trong đó Tổng thống Lincoln - George Washington - khoa học gia vĩ đại Carl Sagan…


Trần Chung Ngọc



* * *



Nhân đọc bài “Hitler Không Phải Là Người Vô Thần” của John Patrick Michael Murphy đăng trên trang nhà giaodiemonline.com , người viết xin có vài lời bàn thêm để đặc biệt đặt nội dung bài viết của tác giả nước ngoài nầy vào trong bối cảnh tôn giáo tại Việt nam.

Hiển nhiên Hitler không phải là người “vô thần”. Tháng 10, 1933, Hitler tuyên bố: “Chúng tôi tin chắc rằng dân chúng cần đến và đòi hỏi Đức Tin Ki Tô Giáo. Do đó chúng tôi gánh vác việc chống phong trào “vô thần”, và không phải với vài lời tuyên bố lý thuyết: chúng tôi đã dẹp đi phong trào này.” [We were convinced that the people need and require the Christian faith. We have therefore undertaken the fight against the atheistic movement, and that not merely with a few theoretical declarations: we have stamped it out. (October 1933)] Khi đưa ra chính sách tiêu diệt dân Do Thái, Hitler đã từng tuyên bố: “Tôi chỉ thực hiện những điều giáo hội Công giáo muốn từ hơn ngàn năm nay nhưng không thực hiện được.” Và năm 1941, năm tiến quân vào Nga Sô, Hitler nói với tướng Gerhart Engel: “Bây giờ cũng như trước, tôi là một tín đồ Công giáo và sẽ là như vậy mãi mãi.” [And in 1941, the year he rolled into Russia, Hitler told General Gerhart Engel: “I am now as before a Catholic and will always remain so.] Cũng hiển nhiên là Vatican chưa từng tuyệt thông [excommunicate] Hitler. Nhưng bài này không phải là viết về Hitler “vô thần” hay “có thần” mà là thế nào là “vô thần” và “vô thần” khác “có thần” ở chỗ nào.

Những người Ki Tô Giáo thường được tẩy não, nhồi sọ từ nhỏ là những người không tin vào Thiên Chúa của họ là “vô thần”, và vô thần có nghĩa là vô đạo đức của Ki Tô Giáo, nếu Ki Tô Giáo có cái thực sự gọi là đạo đức, và do đó có thể làm tất cả những điều ác vì không còn sợ Thiên Chúa của họ, nếu thực sự có một Thiên Chúa. Nhưng nếu chúng ta đọc lịch sử giới hữu thần và so với giới vô thần, chúng ta sẽ thấy rằng đạo đức của giới hữu thần thực sự thua xa đạo đức của giới vô thần. Lịch sử Ki Tô Giáo đã chứng tỏ như vậy. Tại sao? Bởi vì Ki Tô Giáo tin vào cuốn Thánh Kinh của họ, và trong Thánh Kinh, những điều luân lý đạo đức chỉ chiếm một phần rất nhỏ so với những phần vô đạo đức, phi luân.

Mỹ là một nước hữu thần hạng nhất trong thế giới ngày nay, vì có tới khoảng 60% Tin Lành, và khoảng 20% Công giáo, những người tin vào sự “thiết kế thông minh” của một ông Thiên Chúa để tạo lên nước Mỹ làm dân của Thiên Chúa (God’s people). Nhưng những tội ác như linh mục loạn dâm, đĩ điếm, cần sa, ma túy, gian manh lừa đảo, giết người, băng đảng xã hội đen v..v.. đều chiếm giải quán quân trên thế giới. Nói có sách, mách có chứng: sau đây là vài con số thống kê của Mỹ:

Thống kê năm 2000: 14 triệu người tuổi từ 12 trở lên dùng ma túy (6.3% dân số).
Năm 2001: 15.980 vụ giết người, 90.491 vụ hiếp dâm. Cứ 2 phút lại có một người bị hiếp (tài liệu của bộ Tư Pháp)
Trên 1 triệu gái mãi dâm hành nghề trên đường phố, nhà tắm hơi (sauna), phòng tẩm quất (massage parlor) và qua điện thoại, trong đó có 300.000 vị thành niên. Thành phố New York tốn $43 triệu mỗi năm để kiểm soát các vấn đề liên quan đến mãi dâm.
14.000.000 người nghiện rượu.
Có 2.200.000 tù nhân Mỹ đang ngồi tù. Cả thế giới có 9.000.000 người đang ngồi tù, Mỹ chiếm 22% trong khi tỷ lệ dân số của Mỹ trên thế giới chỉ có 5%.

Ở Trung Quốc [xứ vô thần] thì cứ trong 100.000 người có 111 người ngồi tù, ở Mỹ [xứ hữu thần] là 686 người, gấp hơn 6 lần trong khi dân số Mỹ chỉ bằng 24% dân số Trung Quốc.
50% các cặp vợ chồng do Chúa kết hợp đi đến ly dị.
Từ 4% đến 10% dân chúng đồng tính luyến ái.
Tới nay đã có 4392 linh mục Công Giáo bị truy tố về tội cưỡng dâm trẻ em phụ tế và nữ tín đồ, chưa kể số Mục sư Tin Lành.. 
 
Đối với giới “Chống Cộng Cho Chúa” [CCCC] thì hai chữ “vô thần” hầu như bao giờ cũng đi liền với hai chữ “Cộng sản” trong những bản văn chống Cộng ở hải ngoại, và ngay cả ở trong nước. Không biết Cộng sản nghĩ sao chứ riêng tôi, mỗi khi tôi đọc đến bốn chữ “Cộng sản vô thần” tôi lại mỉm cười thương hại cho những người có đầu mà không có óc mà cho đến thời buổi này còn viết ra những từ này. Bởi vì, theo một nghĩa nào đó, Cộng sản cũng có thần. Thần của Cộng Sản một thời đã là ông Marx, nay hầu như chỉ còn “vang bóng một thời.” Cũng như Thần của người Âu Châu một thời là Thiên Chúa của nền thần học Do Thái – Ki Tô, nay cũng chỉ còn là “vang bóng một thời”. Những người viết lên nhóm chữ “Cộng Sản Vô thần” thực sự chỉ tỏ ra là mình kém hiểu biết, bởi vì thực ra “vô thần” là biểu hiện của sự tự hào, của danh dự, của sự tiến bộ trí thức. Phần phân tích sau đây sẽ chứng minh luận cứ này.

Trước hết, chúng ta hãy tìm hiểu từ đâu có nhóm chữ “Cộng sản vô thần”. Kết hợp Vô Thần với Cộng Sản nguyên là một thủ đoạn tuyên truyền xuyên tạc xảo quyệt mà Ki Tô Giáo nói chung, đặc biệt là Công Giáo La Mã, dùng để gây hận thù tôn giáo, khai thác sự mê tín và cuồng tín của đám tín đồ thấp kém, trong sách lược chống Cộng trước đây. Sự khai thác lòng sùng tín đượm màu mê tín của giáo dân chúng ta có thể thấy rõ trong sách lược của Giáo hội ngụy tạo ra những màn hiện thân của bà Maria mà điển hình là vụ “Đức mẹ Maria” hiện ra ở Fatima để trao cho 3 đứa trẻ mù chữ những thông điệp chống Cộng gồm 3 điều bí mật: 1) Cảnh tượng của hỏa ngục; 2) tiên đoán Nga Sô sẽ cải đạo theo Công giáo; và 3) một bí mật không được tiết lộ cho đến năm 1960, nhưng tòa Thánh đã dấu kín cho đến cuối thế kỷ 20, và khi John Paul II tiết lộ thì không ai biết đó có đúng là điều giáo hội đã ngụy tạo ra trước hay là mới ngụy tạo ra, nhưng điều chắc là, theo một số chuyên gia về Công giáo, thì điều “bí mật” sau cùng này là điều giáo hội mới nghĩ ra để đánh bóng vai trò của John Paul II trước tình trạng suy thoái hiện thời của giáo hội.

Nhưng thực tế lịch sử thì sao? Chúng ta biết, đã có thời hầu hết các nước theo Ki Tô Giáo “hữu thần” ở Âu Châu đã chịu ảnh hưởng không ít thì nhiều của “Cộng Sản vô thần”: Ba Lan, Tiệp Khắc, Hung Gia Lợi, Ý, Nam Tư , Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Bỉ, Đan Mạch, một phần nước Đức, và ngay cả trưởng nữ của giáo hội Công giáo: nước Pháp. Điển hình là ở Ba Lan, sau khi chế độ Cộng sản sụp đổ, Ba Lan vẫn “sợ đen hơn đỏ”. Điều này chứng tỏ những người theo Cộng Sản ở Âu Châu cũng như ở khắp nơi trên thế giới không hẳn là Vô Thần.

Chúng ta cũng biết, giáo hoàng John Paul II đã tuyên bố chẳng làm gì có hỏa ngục, hỏa ngục không phải là một nơi chốn trong lòng đất. Sự kiện này đã chứng tỏ những lời mô tả hỏa ngục của Đức Mẹ ở Fatima là do giáo hội bày đặt ra qua hoạt cảnh Fatima do giáo hội dàn dựng trước đây. Và chúng ta cũng đã biết, chính quyền Nga đã ra đạo luật đặt Công giáo ra ngoài vòng pháp luật, cấm Công giáo không cho truyền đạo trong nước, nên không làm gì có chuyện Nga Sô cải đạo theo Công giáo..

Những sự kiện lịch sử trên đã chứng tỏ rằng “Phép lạ Fatima” hay “phép lạ Công giáo” ở bất cứ đâu, như ở “La Vang”, Việt Nam, chẳng hạn, chẳng qua chỉ là những màn lừa bịp những người nhẹ dạ cả tin qua những trò bày đặt của giáo hội hoặc để chống Cộng, hoặc để nuôi dưỡng lòng sùng tín Maria của giáo dân, và nhất là để mang lại những lợi nhuận kinh tế. Thật vậy, những điều bí mật và tiên đoán mà bà Maria tiết lộ cho 3 em bé mù chữ ở Fatima rút cuộc đều sai bét.. Chúng bắt buộc phải sai vì chuyện Đức Mẹ hiện ra ở Fatima hay bất cứ ở đâu đều là chuyện hoang đường, và những lời giáo hội đặt vào miệng Đức Mẹ chỉ là những lời lừa bịp tín đồ vì ngày nay chúng đã chứng tỏ là không có điều nào đúng. Chúng ta cũng còn nhớ chuyện bức tượng của đức mẹ khóc chảy máu mắt vì thương sót nhân loại (Đức mẹ quyền phép vô cùng nhưng chỉ biết khóc đến chảy máu mắt). Chỉ phiền có một điều là người ta đã mang máu mắt của Đức Mẹ đi phân tích DNA và chứng minh được rằng đó là máu của ...đàn ông. Giáo hội mẹ cũng như các giáo hội con không hề quan tâm đến sự kiện khoa học này, chỉ cần làm sao cho tín đồ tin, đổ xô đến lễ bái và … thu tiền là được rồi. Bởi vậy cho nên ngày nay tượng Chúa Giê-su chảy máu, hay tượng Đức Mẹ khóc chỉ có thể xảy ra trong những kém phát triển về kinh tế, người dân còn sống trong khó khăn vật chất, dân trí chưa mở mang đúng mức, chứ không dám xảy ra trong những nước văn minh tiến bộ trong đó người dân có mức sống thoải mái và có tinh thần độc lập như Anh, Mỹ, Pháp, Nhật Bản. Thật vậy, ở Úc trước đây, vụ một linh mục Việt Nam dàn dựng ra cảnh tượng Đức Mẹ chảy dầu đã bị chính giáo hội Công giáo Úc điều tra và phủ bác, coi là ngụy tạo dàn dựng. Thật không biết xấu hổ, thời buổi này mà chúng ta còn thấy những tên bất lương vẫn còn tiếp tục khai thác sự yếu kém tinh thần của đám con chiên một cách bất chính. Nhưng đó hầu như là bản chất của một tôn giáo “mạc khải”, “tông truyền”, “thánh thiện”, là “thân thể của Chúa”, là “hiền thê của Chúa”, một tôn giáo thường tự nhận là “văn minh tiến bộ” nhất thế giới.

Tại sao Ki Tô Giáo lại chống Cộng một cách điên cuồng bất kể thủ đoạn như vậy? Thật là dễ hiểu, vì lý thuyết của Marx đã vạch trần bộ mặt thật của Ki Tô Giáo, kết quả là đưa Ki Tô Giáo vào con đường suy thoái không có cách nào cứu vãn. Hiện tượng này thật là rõ rệt, không những chỉ ở Âu Châu, cái nôi của Ki Tô Giáo, mà còn ở khắp nơi trên thế giới, kể cả Bắc Mỹ. Học giả Công giáo Joseph L. Daleiden đã viết trong cuốn Sự Mê Tín Cuối Cùng (The Final Superstition, Prometheus Books, New York, 1994): “Căn nguyên sự thù ghét của giáo hội Công giáo đối với Cộng Sản là giáo hội ý thức được rằng Cộng Sản, về ảnh hưởng, là một địch thủ tôn giáo.” (The root of the (Catholic) Church’s antipathy toward Communism is its realization that Communism is, in effect, a rival religion).

Ki Tô Giáo thường chụp mũ Cộng sản lên đầu tất cả những ai lên tiếng chỉ trích, chống đối, hay bất đồng ý kiến với tôn giáo của họ. Chúng ta hãy đọc một đoạn trong bài thuyết trình của Emmett F. Fields trong Nhà Thờ Thomas Jefferson Unitarian ở Louisville, Kentucky, ngày 19 tháng 10, 1980:

Những người Ki-Tô luôn luôn dùng Cộng sản như là một cái đòn để vùi đập mọi sự chống đối tôn giáo, quyền lực và những mưu đồ của họ. Bất cứ người nào không đồng ý với họ, vô thần hay không, đều bị tố cáo là Cộng sản. [Điều này thật rõ ràng nhất trong những trang nhà chống Cộng rẻ tiền của người Việt hải ngoại, của những kẻ chuyên nghề buôn nón cối.] Ki Tô Giáo hàm ý là có một sự liên hệ không thể tách rời giữa sự độc tài về chính trị - kinh tế của Cộng sản, và sự tự do ra khỏi sự độc tài của tôn giáo gọi là chủ nghĩa vô thần. Ki Tô Giáo cố tình không biết đến là chủ nghĩa vô thần thì lâu đời hơn là Ki Tô Giáo và Cộng sản gộp lại với nhau.

(Christians are constantly using Communism as a club to beat down all opposition to their religion, their power and their schemes. Anyone who disagrees with them, Atheist or not, is denounced as being a "Communist." Religion implies that there is an inseparable connection between the political-economic dictatorship called Communism, and the freedom from religion called Atheism. Religion chooses to ignore the fact that Atheism is older than Communism and Christianity put together.)

Cũng vì vậy mà Ki Tô Giáo, nhất là Công giáo, đã dùng mọi thủ đoạn, khai thác sự cuồng tín và mê muội của tín đồ, gây căm thù trong đầu óc họ đối với Cộng sản mà Ki Tô giáo gán cho hai chữ Vô Thần, hàm ý Cộng sản chống Thần của Ki Tô Giáo. Cùng một sách lược, trước sự phát triển của Phật Giáo ở Tây phương, giáo hoàng John Paul II đã viết cuốn Bước Qua ngưỡng Cửa Hi Vọng trong đó ông ta phê bình: “Phật giáo đại để là một hệ thống “vô thần”” (Buddhism is in large measure an “atheistic” system). Câu viết có vẻ thiếu neuron ở trong óc này chỉ có mục đích đồng nhất hóa “vô thần” của Cộng Sản với “vô thần” của Phật Giáo để giữ đám tín đồ đừng đi theo Phật Giáo. Giáo hội cũng tận dụng mọi phương tiện truyền thông tuyên truyền để tẩy não đám tín đồ thấp kém, cấy vào đầu óc họ một ý niệm là “Vô thần tất nhiên phải xấu, chỉ có tôn giáo “hữu thần” mới là tốt” trong khi sự thực lại trái ngược hẳn lại.

Những người vô thần nổi tiếng từ xưa tới nay đều là những bậc thông thái, có đạo đức, chứ không tàn bạo, ngu đần, vô đạo đức như một số giáo hoàng thờ thần trong cái tôn giáo thờ thần là Công giáo như lịch sử đã chứng minh. [Sẽ được chứng minh trong bài viết về “Lịch Sử Một Số Giáo Hoàng”] Và trong những xã hội Ki Tô Giáo “hữu thần”, tỷ lệ những tội ác như giết người, cướp của, loạn luân, con giết cha mẹ, cha mẹ giết con, ma túy v..v.. đã vượt trội những xã hội “vô thần”.

Thật ra, theo định nghĩa thì, Vô thần chỉ có nghĩa là không tin, từ chối, không chấp nhận sự hiện hữu của Thiên Chúa (Atheism = Disbelief in or denial of the existence of God). Thiên Chúa ở đây phải hiểu là Thiên Chúa của Ki Tô Giáo. Vô thần không có nghĩa là chống Thiên Chúa, vì chống một cái không hiện hữu là một chuyện vô ích. Nói cho đúng ra, Vô Thần, nếu có chống, là chống sự mê tín của con người vào một Thiên Chúa do chính con người bày đặt ra.

Khi Marx đưa ra nhận định “Tôn giáo là thuốc phiện của quần chúng” thì Marx đã nói lên một sự kiện. Người ta thường hiểu lầm và thường xuyên tạc lời nói trên của Marx, cho rằng Marx muốn nói đến mọi tôn giáo trên thế giới. Thực ra, Marx chỉ muốn nói đến Ki Tô Giáo, một tôn giáo mà Marx đã biết rõ vì Marx sinh ra trong truyền thống tôn giáo này. Thật vậy, chúng ta cần biết đến định nghĩa về tôn giáo của Tây phương. Theo tự điển The American Heritage Dictinonary của Mỹ thì định nghĩa của Tôn Giáo là: “Niềm tin và sự kính ngưỡng vào một quyền năng siêu nhiên được biết như là một đấng sáng tạo và cai quản vũ trụ” (Religion = Belief in and reverence for a supernatural power recongnized as the creator and governor of the universe). Lẽ dĩ nhiên, các tôn giáo Đông phương như Phật Giáo, Lão Giáo, Khổng Giáo đều không nằm trong định nghĩa này. Mặt khác, không có bằng chứng nào chứng tỏ Marx đã nghiên cứu hay hiểu biết về các tôn giáo Đông phương trên.

Do đó, bất cứ người nào có đôi chút kiến thức cũng phải hiểu rằng: Cọng Sản là một hệ thống chính trị xã hội – kinh tế (Communism is a socio-economic political system) trong khi Vô Thần là một lập trường đối với các tôn giáo (thần giáo), đặc biệt là Ki Tô Giáo (Atheism is a position taken in respect to religion, especially Western religion.), và Vô Thần đã có từ trên 2000 năm nay, như sẽ được chứng minh trong phần sau, trong khi Cộng sản mới chỉ ra đời cách đây trên 100 năm.

Vì không hiểu rõ chủ trương vô thần của Marx cũng như bản chất của vô thần cho nên ngày nay vẫn còn có những người cuồng tín thiếu đầu óc, kể cả những người gọi là trí thức Công Giáo như nhóm tác giả viết trong cuốn “2000 Năm Một Thuở: Chứng Từ Của Một Số Người Công Giáo”, cũng như mấy ông trí thức tân tòng Tin Dữ như Lê Anh Huy, Phan Như Ngọc, Huệ Nhật, Khuất Minh v..v.., và cả một số trí thức Phật Giáo thiếu trí tuệ, vẫn tiếp tục kết hợp Cộng sản với Vô Thần, làm như Vô Thần là một trọng tội xấu xa cần phải diệt trừ. Họ không đủ kiến thức để hiểu rằng, khi họ kết hợp Cộng Sản với Vô Thần là họ đang thực sự tôn vinh Cộng Sản. Tại sao? Vì ngày nay Âu châu đang trở thành vô thần, như sẽ được chứng minh trong phần sau.

Thật vậy, như Voltaire đã nhận định: “Vô Thần là thói xấu của một số ít những người thông minh” (Atheism is the vice of a few intelligent people) và trên thực tế, Vô Thần là kết quả tiến bộ trí thức của con người, như Frank E. Tate đã tuyên bố như sau:

“Suốt cuộc đời tôi, tôi đã tiến bộ từ một người sùng tín đến một người theo thuyết “bất khả tri” và bây giờ là một người vô thần. Tôi dùng từ “tiến bộ” vì tôi tin rằng đó thực sự là một sự tiến bộ, tiến từ sự chấp nhận mù quáng vào một huyền thoại phi lý đã lỗi thời đến sự nghi ngờ và sau cùng đến sự từ bỏ và không còn tin nữa.

Chính cái huyền thoại đó – cuốn Thánh kinh Do Thái – Ki Tô – là một cuốn ghi chép kinh hoàng về những cuộc đổ máu, dâm dật, và cuồng tín không đếm xỉa gì đến đời sống và sự an sinh của những người nào không bày tỏ niềm tin mù quáng của mình vào những giới luật được trình bày qua những lời lẽ mâu thuẫn và không thể nào xảy ra được”

(During my lifetime I have progressed from being a “believer,” to being an agnostic and now an atheist. I use the word “progress” because I believe it to be true progress to go from blind acceptance of an outdated illogical mythology to doubt and finally to denial and disbelief...

The myth itself – the Judeo-Christian Bible – is a shocking account of bloodshed, lust, and bigoted disregard for the lives and well-being of all peoples who do not profess a blind belief in the precepts presented in such impossible and contradictory terms.)

Có thể những người thờ thần, hay thờ Chúa cũng vậy, muốn biết là một người vô thần có những cảm nghĩ gì? Tôi xin mượn vài tư tưởng của Robert G. Ingersoll. Ingersoll là một nhà tư tưởng tự do nổi tiếng nhất của Mỹ. Tên ông ta có trong lịch sử, trong tự điển. Những tư tưởng của ông đều có trong các thư viện lớn. Tượng đài tưởng niệm ghi công ông khai phóng đầu óc giới trẻ được xây ở Peoria, bang Illinois. Ingersoll phát biểu như sau về cảm nghĩ của một người vô thần. Tôi chỉ xin nêu ra vài tư tưởng trong đó:

“Khi tôi tin chắc rằng Vũ trụ là thiên nhiên – và rằng những thánh ma, thiên chúa chỉ là những huyền thoại, thì những cảm nghĩ, nhận thức, và niềm hân hoan về sự tự do, giải thoát đã xâm nhập vào đầu óc tôi, vào linh hồn tôi, và vào từng giọt máu trong người tôi. Những bức tường của cái nhà tù của tôi [Ki Tô Giáo] đã sụp đổ, ngục tù tăm tối đã được tràn ngập ánh sáng, và tất cả những then cửa, chấn song, gông cùm đã trở thành cát bụi. Tôi không còn là một tôi tớ hèn mọn, một người hầu, hay một nô lệ nữa (Xin đọc trang nhà Mucsu.net: Người Ki Tô Giáo vẫn thường tự nhận là tôi tớ hèn hạ, là người hầu việc Chúa v..v.. ) Tôi đã tự do:

* tự do suy tư, phát biểu tư tưởng

* tự do sống theo ý tưởng của tôi

* tự do tận dụng mọi khả năng, mọi giác quan của tôi

* tự do tìm hiểu

* tự do vứt bỏ mọi tín điều ngu đần và độc ác, mọi sách “mạc khải” mà những người dã man đã tạo ra chúng và mọi truyền thuyết man rợ của quá khứ

* tự do thoát khỏi những giáo hoàng và linh mục

* tự do thoát khỏi những sai lầm được thánh hóa và những lời nói láo mang tính thánh

* tự do thoát khỏi sự sợ hãi về một sự đau đớn vĩnh hằng (đày hỏa ngục)

* tự do thoát khỏi những ma, quỉ và thiên chúa.”



(When I became convinced that the Universe is natural – that all the ghosts and gods are myths, there entered into my brain, into my soul, into every drop of my blood, the sense, the feeling, the joy of freedom. The walls of my prison crumbled and fell, the dungeon was flooded with light and all the bolts, and bars, and manacles became dust. I was no longer a servant, a serf, or a slave...I was free

free to think, to express my thoughts
free to live to my own ideal
free to use all my faculties, all my senses
free to investigate

free to reject all ignorant and cruel creeds, all the “inspired” books that savages have produced, and all the barbarous legends of the past

free from popes and priests
free from sanctified mistakes and holy lies
free from the fear of eternal pain
free from devils, ghosts and gods)

Nhìn vào thế giới ngày nay, ngoại trừ những ốc đảo tối tăm, hầu hết những nơi văn minh tiến bộ đều từ bỏ niềm tin vào sự hiện hữu của một Thiên Chúa sáng tạo ra muôn loài. Thiên Chúa trong các xã hội văn minh tiến bộ ngày nay chỉ có một giá trị ước lệ, truyền thống, và con người trong những xã hội này thực sự đang sống những cuộc sống như là không có Thiên Chúa, không sợ Thiên Chúa, không tin là Thiên Chúa có thể can dự vào bất cứ khía cạnh nào của đời sống con người, và điều hiển nhiên nhất là không có ai theo những luật của Thiên Chúa [của Ki Tô Giáo].

John Cornwell, một tín đồ Công giáo và cũng là một chuyên gia về Công Giáo và Vatican, tác giả 2 cuốn sách nổi tiếng về Vatican: A Thief in the Night và Hitler’s Pope, đã viết thêm một tác phẩm về Công giáo nhan đề Từ Bỏ Đức Tin: Giáo Hoàng, Giáo Dân, và Số Phận của Công Giáo (Breaking Faith: The Pope, The People, and The Fate of Catholicism), xuất bản năm 2001, trong đó chương đầu viết về Một Thời Đại Đen Tối Của Công Giáo (A Catholic Dark Age). Trong chương này, tác giả John Cornwell đưa ra tình trạng suy thoái trầm trọng của Công giáo ở khắp nơi trên thế giới, đặc biệt là ở Anh, Mỹ, và Pháp. Số tín đồ mang con đi làm lễ rửa tội giảm sút, vì ngày nay người ta nhận thức được rằng chẳng làm gì có tội ở đâu mà phải đi rửa; đám cưới tổ chức không cần đến linh mục, vì hôn phối có thể hợp thức hóa ngoài nhà thờ và bí tích hôn phối đã mất hết ý nghĩa; giới trẻ không buồn đến nhà thờ, vì chẳng thấy gì hấp dẫn trong những lời giảng đi ngược thời gian của các linh mục; số từ bỏ đức tin gia tăng, vì người ta không còn chịu chấp nhận một đức tin mù quáng; từ 1958 đến nay, số vào nghề linh mục giảm đi 2/3 v..v.. Tình trạng ở Châu Âu, trước đây là cái nôi của Công giáo, thật là thê thảm. Ở Tây Âu (Western Europe), từ 30 đến 50% các giáo xứ không có linh mục. Ở Ý, 90% theo Công giáo nhưng chỉ có 25% đi lễ nhà thờ ngày chủ nhật, giảm 10% kể từ đầu thập niên 1980, số người vào học trường Dòng giảm một nửa. Ở Ái Nhĩ Lan (Ireland), xứ Công giáo, số người cảm thấy mình được ơn kêu gọi tụt xuống từ 750 năm 1970 còn 91 năm 1999, số linh mục được tấn phong từ 259 xuống 43 trong cùng thời gian. Trong một hội nghị đặc biệt vào năm 1999, các giám mục Âu Châu tuyên bố rằng các dân tộc trong toàn lục địa Âu Châu đã quyết định sống “như là Thiên Chúa không hề hiện hữu” [nghĩa là sống như là “vô thần”] (At a special synod in 1999, the bishops of Europe declared that the peoples of the entire continent had decided to live “as though God did not exist”.) Ở Nam Mỹ, tình trạng cũng không khá hơn. 7000 tín đồ mới có một linh mục. Chỉ có 15% giáo dân đi xem lễ ngày chủ nhật. Theo một hội nghị quốc gia của các giám mục Ba Tây thì mỗi năm có khoảng sáu trăm ngàn tín đồ bỏ đạo (according to the National Conference of Brazilian Bishops, some 600000 Catholics leave the Church each year.)

Âu Châu và nhiều nơi khác trên thế giới đã trở thành “vô thần”. Cho nên, “Thiên Chúa” chỉ còn hiện hữu trong đám người có cái “gen” của Thiên Chúa, cái “gen” này thuộc loại nào, ai cũng đã đều biết. Vậy ngày nay từ “Cộng sản vô thần” chẳng nói lên được điều gì ngoài phản ánh sự kém hiểu biết của đám người cuồng tín, không theo kịp đà tiến hóa và sự tiến bộ trí thức của nhân loại.

Sau đây chúng ta hãy tìm hiểu thế nào là “vô thần”, vô thần có từ bao giờ và những người vô thần trên thế giới là ai? Chúng ta hãy đọc một đoạn đặc sắc trong bài thuyết trình của Emmett F. Fields, Ibid. Trong bài thuyết trình này, tác giả chủ yếu nói về Ki Tô Giáo nhưng khi thì dùng từ “tôn giáo” (religion) khi thì dùng từ Ki Tô Giáo (Christianity). Đọc phần tiếng Anh chúng ta thấy rõ như vậy. Cho nên tôi đã thay một số từ “tôn giáo” bằng Ki Tô Giáo để cho dễ hiểu.

Bước đầu tiên trong việc tìm hiểu vô thần là phải loại bỏ những lời nói láo và tuyên truyền mà Ki Tô giáo truyền bá để chống vô thần. Vô thần không chỉ là kiến thức về sự không hiện hữu của các thần mà còn hơn nữa, là kiến thức về sự sai lầm hay gian xảo của Ki Tô giáo. Vô thần là một thái độ, một khung trí tuệ nhìn thế giới một cách khách quan, không sợ hãi, luôn luôn tìm hiểu mọi sự việc như là một phần của thiên nhiên. Có thể nói rằng vô thần có một giáo lý là phải đặt nghi vấn và một tín lý là phải nghi ngờ. Đó là trí tuệ con người trong môi trường thiên nhiên, không có gì là quá thánh thiện để không được tìm hiểu, không có gì là quá thiêng liêng để không được đặt nghi vấn. Cuốn Thánh Kinh của người vô thần, có thể nói như vậy, chỉ có một từ: “HÃY SUY NGHĨ”. Vô thần là sự giải thoát hoàn toàn của đầu óc con người khỏi những xiềng xích của sợ hãi và mê tín.

Vô thần tuyệt đối không có gì tiêu cực; sự thật không bao giờ có thể là tiêu cực. Vô thần đòi hỏi chứng minh, hay ít nhất là những bắng chứng hợp lý, và chỉ bác bỏ những gì không đáp ứng được sự đòi hỏi của sự hiểu biết thông thường. Trong suốt lịch sử, mọi tiến bộ trong xã hội có được là từ sự nghi ngờ và loại bỏ những ý tưởng, những tập quán, và những niềm tin cũ kỹ [vì không còn đúng]. Cái cây kiến thức nhân loại chết khi nó đang mọc lớn, với những cành lá mới mọc từ những phần đang chết, và thay thế những phần này với những niềm tin chân thật và tốt đẹp hơn. Nhà Thần học là một con cú, đậu trên một cành cây đã chết của cái cây kiến thức nhân loại, và rúc lên cùng những tiếng rúc cũ kỹ đã từng rúc lên trong nhiều trăm năm, nhiều ngàn năm, nhưng hắn chưa bao giờ phát ra một tiếng kêu rúc nào cho sự tiến bộ.

Về đạo đức, Vô thần ở ghế thượng phong trên Ki Tô giáo. Sự thất bại lớn của đạo đức Ki Tô giáo bắt nguồn từ ảo tưởng của họ về một đạo đức đứng trên đúng hay sai [vì là đạo đức của Thiên Chúa]. Đầu óc của người theo Ki Tô giáo đã biết là tra tấn và giết người là sai lầm, bạo hành và thù hận là sai lầm, cưỡng bức người khác vào đạo là sai lầm. Ki Tô giáo đã biết những điều đó là sai lầm, nhưng đầu óc của những người theo Ki Tô giáo trở nên tồi tệ vì cái ảo tưởng về một nền “đạo đức cao hơn”, và vì cái ảo tưởng này mà lịch sử nhân loại ngập máu những người vô tội. Nhân danh “thiên chúa” và một nền “đạo đức cao hơn” của họ, những người Ki Tô Giáo đã tiến hành những cuộc thánh chiến để tiêu diệt, đã cướp bóc, tra tấn và tàn sát những người không thể đồng ý với họ, hoặc chưa tùng nghe đến tôn giáo của họ. Nhân danh nền “đạo đức cao hơn” này, những người Ki Tô Giáo đã thù hận, săn lùng, bạo hành, và thiêu sống người “lạc đạo”, người “vô tín”, và người “vô thần”.

Và ngày nay, như đã từ bao giờ, khi tín đồ Ki Tô giáo làm những việc mà ngay hắn cũng biết là sai lầm và vô luân, nhưng cái ảo tưởng của hắn về một “quyền năng cao hơn” [của Thiên chúa] và một nền “đạo đức cao hơn” [của Ki Tô giáo] cho phép hắn trình diễn vài lễ tiết, xưng tội, hay cầu nguyện thì kỳ lạ thay, ngay lập tức, “tất cả tội lỗi của hắn đều được xóa bỏ”, và hắn lại không còn có thắc mắc gì về lương tâm hay hối hận.

Những ảo tưởng điên rồ như vậy không làm cho đầu óc người vô thần thoải mái. Người vô thần biết rằng không có đạo đức nào đứng trên đúng và sai, và con người không thoát ra khỏi được sự cắn rứt của lương tâm và hối hận. Giết người là giết người, ăn cướp là ăn cướp, thù hận và bạo hành là những tội ác chống nhân loại. Về đạo đức, lịch sử cho chúng ta thấy, làm người vô thần thì tốt hơn là làm người Ki-Tô.

Ki Tô giáo cho rằng sự vô đạo đức nẩy ra là vì thiếu vắng Ki Tô giáo, nhưng những sự kiện đã chứng tỏ ngược lại. Ki Tô Giáo chưa bao giờ mạnh như bây giờ, họ có nhà thờ trong mọi cộng đồng, độc quyền chiếm giờ trên đài phát thanh và đài truyền hình để tuyên truyền cho Ki Tô giáo, và họ đã cưỡng nhét Ki Tô giáo của họ vào chính quyền, luật pháp và trường học của chúng ta. Họ đã làm những việc chống với Hiến Pháp của Mỹ, và chống những quyền căn bản và thiêng liêng nhất của mọi người Mỹ khác. Họ đã len lỏi vào nhưng nơi họ không được vào, những nơi không có việc của họ, bịt miệng mọi chống đối, mọi quan điểm khác, bỏ thuốc độc vào cái giếng hiểu biết của chúng ta và làm nguy hại đến những gốc rễ của quốc gia chúng ta.

Ki Tô giáo ngày nay mạnh như vậy, nhưng chúng ta không đạt được một mức đạo đức nào đáng kể trong quốc gia này. Không ở đâu khác cho thấy sự thất bại về đạo đức Ki-tô giáo rõ rệt như ở Mỹ. Trong cùng một thời gian mà Ki Tô giáo trở nên mạnh hơn và giầu có hơn, trong 30 năm qua, vấn nạn dùng các loại ma túy đã trở thành một vấn nạn xấu xa của quốc gia, số tội ác tăng gia nhanh chóng, tỷ lệ ly dị tăng vọt, và trong thời gian này quốc gia của chúng ta bị lôi cuốn vào nhiều cuộc chiến tranh và xung đột thế giới hơn bao giờ hết trong lịch sử. Ngay bây giờ chúng ta có những tỷ lệ dùng ma túy, phạm tội ác, ly dị cao nhất cùng với “tỷ lệ theo Ki Tô giáo” cao nhất chưa từng có trong lịch sử quốc gia này. Ki Tô Giáo có thể nói gì về những sự kiện này và làm sao để chữa chạy chúng. Họ bảo chúng ta là chúng ta cần nhiều đến Ki Tô giáo hơn và cương quyết áp đặt Ki Tô giáo lên chúng ta. Ki Tô Giáo cảm thấy quá mạnh ngày nay và họ đang đi vào chính trị để cưỡng đặt nền đạo đức thất bại của họ trên mọi người Mỹ qua sự Độc Tài của Ki Tô Giáo và một Thời Đại Tăm Tối mới.

Một khi thái độ vô thần đã đạt được, và đầu óc đã thoát khỏi những sự sợ hãi và niềm tin trong Ki Tô giáo đã được cấy vào chúng ta từ khi còn nhỏ; và một khi chúng ta có thể nhìn vào tôn giáo một cách khách quan không thiên vị, thật hiển nhiên là Ki Tô giáo có tất cả những đặc tính của một dạng tâm linh điên rồ. Tùy theo mức độ, người sùng tín Ki Tô giáo phải chấp nhận, và tin, vào một thế giới khác; một thế giới siêu nhiên hay khác thường, một thế giới có đầy những nhân vật tưởng tượng gọi là thiên chúa, quỷ, thánh v..v.. Người ta nói với những tạo vật tưởng tượng này, xin xỏ ân huệ, sự hướng dẫn, những “dấu hiệu”, hoặc phép lạ, và rồi hoặc quy trách hoặc tạ ơn những biến cố thiên nhiên sau đó xảy ra. Nếu không phải là khoác bộ áo tôn giáo thì những niềm tin và những hành động như vậy phải coi là của một người điên, cần phải vào nhà thương điên để chữa trị.
Sự nghiên cứu lịch sử sẽ biện minh thêm cho thuyết Ki Tô giáo là một dạng tâm linh điên rồ. Không có một đầu óc lành mạnh nào lại có thể gây ra những cuộc chiến tranh tôn giáo đẫm máu, những cuộc thập ác chinh mà những người bị chinh phục, đàn ông, đàn bà, trẻ con, và ngay cả con nít đều bị giết chỉ vì họ là những người “không tin” hay “lạc đạo”. Những tù ngục tối tăm và những phòng tra tấn của những tòa án thánh xử dị giáo không thể nào bị cai quản bởi những đầu óc lành mạnh. Và phải là loại đầu óc điên rồ, đầu óc Ki Tô giáo, mới trói người phụ nữ vào cột, rồi chất củi thiêu sống vì cái tội không thể nào có là phù thủy. Không có người nào tỉnh táo có thể đọc những chuyện khủng khiếp, hiếp dâm và giết người trong một cuốn sách man rợ mà người ta gọi cuốn sách đó là “Lời của Thiên Chúa”. Và huyền thoại về Giê-su, về một thiên chúa phải xuống làm người và bị giết trước khi có thể tha thứ tội lỗi cho nhân loại, là chuyện điên rồ nhất trong những chuyện điên rồ.

Ngày nay, Ki Tô Giáo cố tình không biết đến, hay giấu kín và phủ nhận cái lịch sử đẫm máu của mình và tự tôn là nền tảng đạo đức của chúng ta, và là nền tảng ngay cả nền văn minh của chúng ta. Ki Tô Giáo tự cho rằng là nguồn hi vọng duy nhất của chúng ta trong tương lai. Nhìn vào lịch sử Ki Tô Giáo, những điều tự nhận như vậy, bản chất chỉ là những lời nói điên dại.

(The first step, then, in understanding Atheism is to disregard all the lies and propaganda that religion has spread against it. Atheism is more than just the knowledge that gods do not exist, and that religion is either a mistake or a fraud. Atheism is an attitude, a frame of mind that looks at the world objectively, fearlessly, always trying to understand all things as a part of nature. It could be said that Atheism has a doctrine to question and a dogma to doubt. It is the human mind in its natural environment, nothing is too holy to be investigated, nor too sacred to be questioned. The Atheist Bible, it could be said, has but one word: "THINK." Atheism is the complete emancipation of the human mind from the chains and fears of superstition.

There is absolutely nothing negative about Atheism; truth can never be negative. The Atheist demands proof, or at least reasonable evidence, and simply rejects whatever does not meet the basic requirements of common sense. Throughout history all progress in society has come from doubting and rejecting old ideas, old customs, and old beliefs. The tree of human knowledge dies as it grows, with new growth growing out of the dead and dying parts, and replacing it with better and truer beliefs. The Theologian is an owl, sitting on an old dead branch in the tree of human knowledge, and hooting the same old hoots that have been hooted for hundreds and thousands of years, but he has never given a hoot for progress.

Morally speaking, Atheism has a great advantage over religion. The great failure of religious morality comes from their illusion of a morality above right and wrong. The religious mind has always known it is wrong to murder and torture, wrong to persecute and hate, wrong to force its beliefs upon others. Religion has always known these things are wrong, but the religious mind suffers from the illusion of a "higher morality," and because of that illusion all history runs deep with innocent blood. In the name of their "god" and a "higher morality," Christians have waged holy wars of extermination, have plundered, tortured and murdered those who could not agree with their religion, or who had never even heard of it. In the name of this "higher morality" Christians have hated, hunted, persecuted, and burned alive the "heretic," the "infidel" and the "atheist."

And today, as always, when the religious person does a thing that even he recognizes as being wrong and immoral, his illusion of a "higher power" and a "greater morality" allows him to perform some ritual, confession, or prayer, and presto, miraculously, "all his sins are taken away", and he is free again from all pains of conscience and regret.

Such foolish illusions do not comfort the Atheist mind. The Atheist knows there is no morality above right and wrong, and no escape from the pains of conscience and remorse. Murder is murder, and robbery, hate and persecution are all crimes against humanity. Morally speaking, then, history tells us it is better to be an Atheist than to be a Christian.

Religion claims that immorality always springs from a lack of religion, but the facts prove just the opposite. Christianity has never been stronger than it is today, Christians have churches in every community, they monopolize radio and television time with religious propaganda, they have forced their religion into our government, our laws, and into our schools. They have done these things against the Constitution of the United States, and against the most basic and sacred rights of all other Americans, rushed in where it was not supposed to be, where it has no business to be, silencing all opposition, all opposing views, poisoning the wells of our knowledge, and endangering the very roots of our nation.

Christianity is that strong today, and yet we have not achieved any respectable amount of morality in this country. Nowhere is the failure of Christian morality more evident than in America. During the same time that Christianity has been growing ever stronger and ever richer, over the past thirty years or so, the use of harmful drugs has became a national scandal, the crime rate has been climbing ever higher and ever faster, the divorce rate has skyrocketed, and during that time our nation has been embroiled in more wars and international conflicts than in any other similar time period in its history. Right to-day we have the highest narcotics abuse rate, the highest crime rate, the highest divorce rate, and the highest 'religion rate' that we have ever had in the history of this nation. What does Christianity say about these facts and how to cure them? They tell us we need more religion and they are determined to force it upon us. Christianity feels so strong today that it is moving into politics to try to force its failing morality upon every American through a Christian Dictatorship and a new Dark Age.

Once Atheism is achieved, and the mind has escaped entirely from the religious fears and beliefs that are put upon us from earliest childhood; and once we can look at religion objectively and impartially, it becomes entirely obvious that religion has all the characteristics of a form of insanity. To one degree or another the religious mind must accept, and believe in, another world; a supernatural or unnatural world, a world filled with all sorts of imaginary beings called gods, devils, angels, saints, demons, etc. These imaginary creatures are talked to, asked for favors, guidance, "signs," or miracles, and then blamed or thanked for natural events that follow. Except for the cloak of religion, such beliefs and actions would otherwise cause an individual to be judged insane, and committed to an institution for treatment.

The study of history will further justify the theory that religion is a form of insanity. No sane and healthy minds could have waged the bloody religious wars and crusades where the conquered were slaughtered, men, women, and children, even infants, all were put to the sword simply because they were "infidels" or "heretics." The dungeons and torture chambers of the Holy Inquisition could not have been run by sane and healthy minds. And it had to be the insane mind, the religious mind, that would tie a woman to a stake, pile wood and fagots around her and burn her alive for the impossible crime of being a witch. No sane person could read of the horrors, rape and slaughter in a savage book and call that book "the word of God." And the Jesus myth, about a god who must become a man and be murdered before he can forgive mankind, is the most insane of all.

Today, Christianity chooses to ignore, or to hide and deny, its own bloody history and to claim that it is the very foundation of our morals, and even of our civilization. Religion also claims to be our only hope and guide for the future. In view of Christian history these claims are, in themselves, sheer insanity.)

Tôi nghĩ rằng vài tài liệu như trên cũng đủ để cho chúng ta phân biệt được thế nào là “vô thần” và thế nào là “hữu thần”. Sau đây chúng ta sẽ thử xem trong lịch sử thế giới những ai là “vô thần”.

Trước hết là Đức Phật, Đức Khổng Tử, Lão Tử ở Đông Phương trong thế kỷ 6 trước thường lịch. Cùng thời với 3 nhân vật vĩ đại của nhân loại trên, chúng ta thấy Simonides, một thi sĩ Hi Lạp. Rồi sau đó là Empedocles, Aristotle, triết gia Hi Lạp; Demosthenes, nhà hùng biện thành Athenes; Epicurus, triết gia Hi Lạp; Lucretius, triết gia La Mã; Statius, Thi sĩ La Mã. Tất cả những nhân vật có tên trong lịch sử trên đều sinh ra trước Giê-su. Trong cuốn Đức Tin Công Giáo, Giao Điểm xuất bản năm 2000, trong phần phụ lục, tôi đã đưa ra danh sách 75 danh nhân trí thức Âu Mỹ có thể xếp vào hạng những người vô thần. Phần này cũng đã được đưa lên trang nhà Giao Điểm.

Bây giờ chúng ta hãy kể vài nhân vật “hữu thần” nổi danh trên thế giới. Hiển nhiên các giáo hoàng, hồng y, tổng giám mục, linh mục là những người “hữu thần” bậc nhất. Mở danh sách các giáo hoàng ra chúng ta thấy có bao nhiêu giáo hoàng nổi tiếng trên thế giới, thuộc loại “lưu danh muôn thuở” hay “lưu xú vạn niên”.? Lloyd M. Graham đã viết trong cuốn Những Dối Trá và Huyền Thoại Của Thánh Kinh (Deceptions and Myths of the Bible): “Đối với hàng triệu linh hồn bị lạc dẫn...một ngàn năm tội ác và đồi bại (của giáo hội Công giáo) được làm nhẹ đi qua lời giải thích hời hợt là “chỉ có vài giáo hoàng xấu”. Nếu những người giải thích như vậy mà lương thiện, họ phải thừa nhận rằng thật ra chỉ có vài giáo hoàng tốt” (For millions of misguided souls..., a thousand years of crime and corruption are glossed over with the statement, “There were a few bad popes.” Were their informers honest they would admid there were a few good). Sau đây là một thí dụ điển hình: Edward Gibbon (1737-1794), một Sử gia người Anh đã viết: “Những tội nghiêm trọng nhất đã bị dẹp bỏ, Người đại diện của Chúa Ki Tô (Giáo hoàng John XXIII, 1414) chỉ bị kết tội là ăn cướp, sát nhân, hãm hiếp, giao hợp đồng giống, và loạn luân (The most serious charges were suppressed; the Vicar of Christ (Pope John XXIII, 1414) was accused only of piracy, murder, rape, sodomy, and incest.) Một số chi tiết về các giáo hoàng đồi bại này đã được trình bày trong cuốn Đức Tin Công Giáo, chương II, tôi không nhắc lại ở đây nữa. Ngoài ra chúng ta còn phải kể Hitler, Mussolini, Franco, Pétain, MacCarthy, Von Papen, Himmler, Goebbels, Palevich v..v.., tất cả đều là những người “hữu thần”. Nhưng tội ác của họ đối với nhân loại ra sao? Công Giáo “hữu thần”, nhưng Công Giáo đã gây nên bao nhiêu thảm trạng cho nhân loại?

Riêng về Việt Nam thì những ai là “vô thần” theo nghĩa không biết đến, không tin, không công nhận sự hiện hữu của Thiên Chúa của Ki Tô Giáo? Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Quốc sư Vạn Hạnh, Lý Thường Kiệt, Trần Bình Trọng, Lý Thái Tổ, Trần Thái Tông, Trần Nhân Tông, Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Phan Đình Phùng, Đinh Công Tráng, Hồ Chí Minh v...v... Những bậc tiền nhân này đã làm gì cho nước Việt nếu không phải là có công đánh đuổi xâm lăng, bảo toàn chủ quyền, nền độc lập quốc gia, hoặc làm rạng danh nền văn hóa Việt Nam? Còn những kẻ “hữu thần” là ai? Pétrus Ký, Nguyễn Trường Tộ, Paulus Của, Trần Bá Lộc, Nguyễn Thân, Trần Lục, Ngô Đình Khả, Nguyễn Bá Tòng, Lê Hữu Từ, Phạm Ngọc Chi, Hoàng Quỳnh v..v.. Họ là ai? Toàn là Việt gian bán nước, theo giặc chống lại tổ quốc, hoặc cuồng tín, nô lệ Vatican như Ngô Đình Diệm?

Ai có thể phủ nhận hay biện minh cho sự kiện bán nước của Công Giáo qua văn kiện có tính cách khẳng định sau đây của chính Giám mục Puginier, được trích dẫn trong cuốn Catholicisme et Sociétes Asiatiques của Alain Forrest và Yoshiharu Tsuboi:

"Giám Mục Puginier viết rằng: "Không có các thừa sai và giáo dân Ki Tô Giáo thì người Pháp cũng giống như những con cua đã bị bẻ gẫy hết càng. Thí dụ như vậy, tuy tầm thường mộc mạc nhưng không kém phần chính xác và mạnh mẽ. Thật vậy, không có các thừa sai và giáo dân Ki Tô Giáo, người Pháp sẽ bị bao vây bởi toàn là kẻ thù; họ sẽ không thể tin cậy vào một ai; họ sẽ chỉ nhận được những tin tức tình báo sai lầm, cung cấp với ác ý để phá hoại tình thế của họ; họ sẽ bị đẩy vào tình trạng không thể hoạt động được gì và sẽ phải hứng chịu những thảm họa thực sự một cách nhanh chóng. Địa vị của họ ở đây sẽ không giữ nổi được nữa, và họ sẽ bị buộc phải rời khỏi xứ, nơi đây quyền lợi và ngay cả sự hiện diện của họ sẽ bị nguy hại."

(Sans les missionnaires et les chrétiens, écrit Mgr. Puginier, les Francais seraient comme les crabes auxquels on aurait cassé toutes les pattes. La comparaison, pour être triviale, ne manque pas de justesse et de force. En effet, sans les missionnnaires et les chrétiens, les Francais se verraient entourés d'ennemis; ils ne pouraient se fier à personne; ils ne recevraient que de faux renseignements, méchamment donnés pour compromettre leur situation; ils se trouveraient donc réduits à l'impossibilité d'agir et seraient rapidement exposés à des vrais désastres. Leur position ici ne serait plus tenable, et ils ne verraient forcés de quitter un pays où leurs intérêts et leur existence même serait compromis.)

Ai có thể phủ nhận hay biện minh cho hành động bán nước của linh mục Trần Lục, người dẫn 5000 giáo dân đi tiếp tay, hỗ trợ quân đội Pháp để hạ trung tâm kháng chiến Ba Đình của Đinh Công Tráng? [Xin đọc Thập Giá Và Lưỡi Gươm của LM Trần Tam Tĩnh]

Ai có thể phủ nhận hay biện minh cho sự kiện là giám mục Lê Hữu Từ đã theo lệnh chống Cộng của giáo hoàng Pius XII, nhận vũ khí của Pháp khi Pháp trở lại Việt Nam, tổ chức những “khu tự trị” (sic) Phát Diệm, Bùi Chu để giết dân ngoại đạo vô tội, đi cướp phá các làng “lương”” dưới chiêu bài chống Cộng sản Vô Thần.

Vậy thì giữa “vô thần” cứu nước và làm rạng danh nước, và “hữu thần” nô lệ ngoại bang, phản bội quốc gia, người dân Việt nên chọn thứ nào? 93% dân Việt đã chọn “vô thần”, còn 7% chọn “hữu thần”. Viết như trên không có nghĩa là tất cả 7% người dân Việt theo Công giáo đều là những người bán nước, phản bội quốc gia. Phần lớn họ là nạn nhân của một nền thần học ru ngủ xảo quyệt, không đủ trí tuệ để nhận ra bộ mặt thật của tôn giáo họ, ham hố một sự “cứu rỗi” không tưởng, tin theo luận điệu bịp bợm của giáo hội như giáo hoàng là đại diện của Chúa trên trần, “Cha cũng như Chúa” có quyền tha tội hay cầm giữ tội của họ v..v.., cho nên đã nhắm mắt theo lệnh của những linh mục đầy tớ của Vatican mà không ý thức được những hành động phản quốc của mình. Họ đáng thương hơn là đáng trách. Nhưng chính điều này đã chứng tỏ rằng “hữu thần” hoàn toàn không có gì có thể gọi là đạo đức hơn hay tốt đẹp hơn “vô thần” nếu không muốn nói là còn kém xa.

Sau đây là vài đoạn của James A. Haught trong cuốn “2000 Years of Disbelief: Famous people with the Courage to Doubt”, trang 11-14, về lịch trình phát triển “vô thần” ở Tây phương:

“Những người thông minh, có học thức, thường không tin là có đấng siêu nhiên. Cho nên chẳng lấy gì làm ngạc nhiên nếu chúng ta thấy một tỷ lệ cao những người nghi ngờ tôn giáo (tây phương) trong số những tư tưởng gia, khoa học gia, văn gia, những nhà cải cách, học giả, tiền phong trong dân chủ, và những nhà thay đổi thế giới – những người thường được gọi là danh nhân.

Sự tiến triển của nền văn minh Tây phương đã là một phần của câu chuyện chiến thắng từ từ trên tôn giáo đàn áp (Ki Tô giáo). Sự nổi giậy của thuyết nhân bản đã chuyển trọng tâm của xã hội ra khỏi sự tuân phục các giám mục và vua chúa để đi tới những quyền của cá nhân và điều kiện sinh sống của con người. Phần lớn sự tiến bộ này đã được thúc đẩy bởi những con người, nam cũng như nữ, không cầu nguyện (Thiên chúa), không quỳ trước bàn thờ (trong những nhà thờ), không đi hành hương (các thánh địa của Ki Tô Giáo), không đọc những Kinh Tin Kính.

Nền văn hóa Tây phương đã đi theo một hành trình thất thường. Hi Lạp và La Mã cổ xưa đã đồng hành với sự tìm hiểu trí thức giữa quan niệm tôn giáo đa thần. Thế rồi Thời Đại Đức Tin của Ki Tô Giáo đã mang lại sự tối tăm trong nhiều thế kỷ. Thời đại Phục Sinh đã làm sống lại chủ thuyết cá nhân và quyền suy tư tự do, bay bổng lên trong Thời Đại Lý Trí và Thời Đại Khai Sáng. Với sự nở rộ của khoa học trong thế kỷ 19, nhiều tư tưởng gia đã cho rằng tôn giáo huyền bí (tức Ki Tô Giáo) sẽ phải tan biến, và đại để thì điều này đã xảy ra trong giới trí thức.

Dần dần, lối suy nghĩ khoa học tiến triển, và tôn giáo thoái lui, quyền tự do không tin đã nhô lên ở Tây phương..

Cuối cùng, quyền không tin đã được thiết lập. Tự do suy tư nở rộ trong giới trí thức Âu Châu và Mỹ, đạt tới thời vàng son vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Những người không tin như Robert Ingersoll đã thực hiện những chuyến du thuyết thách đố chủ thuyết siêu nhiên (Ki Tô Giáo). Những nhà báo như H. L. Mencken công khai tấn công “sự mê tín” (của Ki Tô Giáo).

Thật là một điều mâu thuẫn lạ lùng: một phần đáng kể dân chúng khắp thế giới vẫn còn thờ phụng những thiên chúa không ai nhìn thấy, đôi khi còn giết người cho những thiên chúa này – trong khi hầu hết những tư tưởng gia, khoa học gia, văn gia, và những giới trí thức khác, thường là đã loại bỏ đấng siêu nhiên.

Đối với bất cứ ai duyệt qua quá khứ và quan sát thế giới ngày nay, hầu như không thể nào tìm ra được một người có tiếng tăm – ngoại trừ đối với các giáo hoàng, tổng giám mục, vua chúa và các nhà cầm quyền đi kiếm hậu thuẫn của quần chúng - lại có thể nói rằng mục đích của đời sống con người là được “cứu rỗi” bởi một Giê-su vô hình và lên một thiên đường vô hình. Nhưng thật là dễ dàng tìm được rất nhiều người không tin cái tín lý căn bản này trong số những danh nhân.”

(Intelligent, educated people tend to doubt the supernatural. So it is hardly surprising to find a high ratio of religious skeptics among major thinkers, scientists, writers, reformers, scholars, champions of democracy, and other world changers – people usually called great.

The advance of Western civilization has been partly a story of gradual victory over oppressive religion. The rise of humanism slowly shifted society’s focus away from obedience to bishops and kings, onto individual rights and improved living conditions. Much of the progress was impelled by men and women who didn’t pray (to God), didn’t kneel at altars (in churches), didn’t make pilgrimages (to holy places), didn’t recite creeds.

Western culture has traveled an erratic journey. Ancient Greece and Rome teamed with intellectual inquiry, amid polytheism. Then the Christian Age of Faith brought darkness for centuries. The Renaissance revived individualism and free thingking, which soared in the Age of Reason and the Enlightenment. With the flowering of science in the nineteenth century, many thinkers assumed that mystical religion would vanish. Among intellectuals, it largely has done so..

Slowly, as scientific thinking grew and religion retreated, freedom of doubt emerged in the West..

Eventually, the right to disbelieve was established. Freethought blossomed among intellectuals in Europe and America, reaching a heyday at the end of the nineteenth century and the beginning of the twentieth. Doubters such as Robert Ingersoll conducted speaking tours to challenge supernaturalism. Newspaper writer such as H. L. Mencken openly assailed “superstition”...

It is a strange contradiction: A good part of people around the globe still still worship unseen gods, and sometimes even kill for them – yet most Western thinkers, scientists, witers, and other intellectuals generally reject the supernatural.

For anyone scanning the past and surveying the current world scene, it is nearly impossible to find any oustanding person – except for popes, archbishops, kings and other rulers seeking popular support – who says the purpose of life is to be saved by an invisible Jesus and to enter an invisible heaven. But ist is easy to find many among the great who doubt this basic dogma...)

Đúng vậy, Phật Giáo là đạo của trí tuệ nên không mê tín đến độ có thể tin vào một Thiên Chúa sáng tạo ra muôn loài. Đức Phật đã khẳng định như vậy. Do đó Phật Giáo cũng vô thần. Phật Giáo rất hãnh diện là một tôn giáo vô thần, vì vô thần phản ánh sự sáng suốt của trí tuệ. Những người ngày nay còn tiếp tục dùng từ “vô thần” để ám chỉ một điều xấu chỉ chứng tỏ một tâm cảnh cuồng tín của Ki Tô Giáo đã lỗi thời. Ngoài ra nó còn chứng tỏ một trình độ hiểu biết thấp kém, vì đối với các giới trí thức trong những xã hội tân tiến Âu Mỹ, “Vô Thần” là một biểu hiện của tự hào, của danh dự (A badge of honor). James A. Haught đã coi những người vô thần như thuộc đoàn thể của những vĩ nhân. (They are in the company of giants). Nhưng ai là những vĩ nhân? Ngoài một số danh nhân thế giới tôi đã nêu tên trong một phần trên, chúng ta còn phải kể 6 vị Tổng Thống đầu tiên của Hoa Kỳ và vô số những khoa học gia cùng các trí thức trong mọi ngành. Sau đây, để kết luận, tôi xin liệt kê tên của một số nhỏ những nhân vật có tên tuổi trên thế giới mà tôi cho là quen thuộc nhất đối với chúng ta, trong số 600 nhân vật (lẽ dĩ nhiên vẫn chưa đầy đủ) trong cuốn 2000 Years of Disbelief: Famous People With The Courage To Doubt của James A. Haught, Prometheus Books, 1996, những nhân vật có thể xếp vào trong đoàn thể của những người “vô thần”, theo thứ tự A, B, C:



Lord Acton, John Adams, Ethan Allen, Steve Allen, Aristotle, Isaac Asimov, Sir Francis Bacon, Honoré de Balzac, Charles Baudelaire, Simone de Beauvoir, Ludwig van Beethoven, Hector Berlioz, Georges Bizet, Charles Bradlaugh, Johannes Brahms, Benjamin Britten, Giordano Bruno, Pearl Buck, Albert Camus, Andrew Carnegie, Marcus Tullius Cicero, Auguste Comte, Confucius, Nicolaus Copernicus, Clarence Darrow, Charles Darwin, Claude Debussy, Daniel Defoe, Demosthenes , Charles Dickens, Denis Diderot, Diogenes, Alexandre Dumas , Will Durant, Thomas Eddison, Albert Einstein, George Eliot, Albert Ellis, Empedocles, Euripides, William Faulkner, Richard P. Feynman, Gustave Flaubert, Antony Flew, George William Foote, Anatole France, Benjamin Franklin, Sigmund Freud, Galileli Galileo, Indira Gandhi, Mohandas Gandhi, Giuseppe Garibaldi, Edward Gibbon, André Gide, Johann Wolfang von Geothe, Thomas Hardy, Stephen Hawking, Joseph Haydn, George W. F. Hegel, Martin Heidegger, Fred Hoyle, Victor Hugo, David Hume, Aldous Huxley, Robert G. Ingersoll, Thomas Jefferson, James Joyce, Franz Kafka, Immanuel Kant, Johannes Kepler, Jean de la Bruyère, Pierre Simon de Laplace, William E. H. Lecky, Abraham Lincoln, John Locke, James Madison, Karl Marx, Jules Massenet, Somerset Maugham, Guy de Maupassant, Henry Louis Mencken, Michel de Montaigne, Baron de Montesquieu, Wolfang Amadeus Mozart, Jawaharlal Nehru, Friedrich Nietzsche, Madalyn Murray O’Hair, Thomas Paine, Blaise Pascal, Pablo Picasso, Max Planck, Marcel Proust, Jules Renard, Eleanor Roosevelt, Theodore Roosevelt, Jean-Jacques Rousseau, Carl Sagan, George Sand, George Santayana, Jean Paul Sartre, Arthur Schlesinger, William Shakespeare, Adam Smith, Socrates, Baruch Spinoza, Richard Strauss, Leo Tolstoy, Mark Twain, Voltaire, George Washington, Daniel Webster, H. G. Wells, Zeno, Émile Zola.