Thứ Tư, 1 tháng 10, 2014

Người đàn bà đi tìm ảo ảnh


 Truyện ngắn Thúy Ngân





Nó là đứa bạn gái thân nhất của tôi. Tôi biết nó từ khi hai đứa mới học ra trường và cùng xin vào làm tại cty. Tôi có cảm tình với nó ngay từ đầu, không phải vì nó đẹp, nó xinh mà nhìn dáng vẻ cứ ngu ngu ngơ ngơ, lại thêm cái tên nghe vừa lạ vừa hay: Nguyễn Thiên Hà Thủy. Sau này hỏi thì được nó trả lời rằng tại Ba nó thích nó như nước dòng sông Hằng hay còn là giọt nước trên Thiên Đình tinh khiết, mát lành. Đời nó có mát lành không, có tinh khiết không thì phải kiểm chứng.

***
Nó với tôi ngấp nghé tuổi nhau, cái tuổi đẹp nhất của thời con gái, tuổi mà người ta gọi hừng hực xuân thì. Cả hai đứa chưa có mảnh tình nào cả nên lãnh lương tháng nào tụi tôi cũng xài xả láng. Nó có hai thú vui bất di bất dịch: 1– Đọc sách; 2- Ra biển ngắm hoàng hôn.
Thú đọc sách của nó không giống tôi, nó mua sách có chọn lựa, nó thích những tác phẩm văn học nước ngoài, những tác phẩm nổi tiếng như: Nếu Còn Có Ngày Mai, Tiếng Chim Hót Trong Bụi Mận Gai, Bầu Trời …v..v… Có sách mới là nó đọc mê mải, đọc quên ăn, quên … cả đi chơi với tôi, trong giỏ xách của nó lúc nào cũng có một quyển, cần là có cái đọc ngay.
Thú ngắm hoàng hôn của nó thì cũng lạ đời. Tôi ghét, nhưng vẫn phải chìu nó. Nó nhìn mặt trời xuống núi, đổ ánh nắng sót lại trong ngày lên mặt biển cứ như là chỉ có trong truyện thần thoại vậy.
- Này bà bà có thấy mặt biển như vừa được dát vàng sóng sánh, lúc đỏ au, lúc vàng rực không, ngộ heng?– Nó mơ màng nhìn miên man như ma ám, nhiều lúc tức qua tôi nạt nó:
- Mày có mở miệng nói không hay để tao về cho mày tha hồ mà mơ với mộng. Cứ mơ mộng hoài rồi khổ dài dài nha con! :
- Uh ha – mà mày nói gì khổ với không khổ?- Nó quay qua tôi nói ậm ờh.
- Thì cứ ngu ngơ như mày thì đời sẽ khổ chứ sao?- Tôi gắt nó.
- Thật không? Mày biết số tao sẽ khổ há?- Nó hỏi lại rồi nhìn xa xăm ánh mắt buồn vời vợi. Tôi chợt thấy nao lòng.
- Thì tao nói chơi vậy thôi, chứ hiền như mày ai nỡ mà ăn hiếp.- Tôi giả lả.
Nó như không nghe thấy tôi nói, nó hỏi tôi bằng một câu hỏi khác:
- Mày tin trên đời có duyên tiền định không? Hôm nay tao ngửi trong gió như có vị chua chát của người đàn bà bị phụ tình, biển cũng đang nổi sóng ngầm đấy?
- Mày nói cứ như thầy bói ra ma vậy- Tôi trả lời- Tao chẳng thấy gì ngoài đám con nít cởi truồng với mấy bà già học đòi, già rồi còn đẹp đâu mà mặc áo tắm hai mảnh, thịt da rệu rã lòi hết ra nhìn ớn chết đi được- Tôi bồi thêm- Thật tình thì biển cũng đẹp, gió làm cho tôi thấy sảng khoái, thảnh thơi hơn…
Mặt trời tắt nắng, phố xá cũng lên đèn, không khí dịu hẳn xuống, hai bên đường quán ăn, quán café bắt đầu nhộn nhịp. Quê tôi có bãi biển đẹp, các ngành du lịch, dịch vụ phát triển mạnh, nhưng đằng sau cũng có nhiều vấn nạn cần dẹp bỏ như: Chợ búa mọc tùm lum, nạn cò cưa níu kéo, giá cả tự biên tự diễn không sao quản lý được. Mà phải công nhận là từ khi lên cấp TP - quê tôi đẹp hẳn ra, rộng rãi khang trang hơn, con người cũng được mang danh dân Tp đầy tự hào.
Đi làm được mấy năm tôi lập gia đình. Tôi bận bịu với gia đình nhỏ của mình, ít đi chơi với nó. Thật ra nó cũng có bạn trai, chàng này làm ở cơ quan kề bên, tướng tá thư sinh cao ráo, tôi rất có cảm tình bởi chàng ta sống chân thành, luôn giúp đỡ mọi người. Điểm đặc biệt ở chàng ta là mái tóc bồng bềnh và cặp môi trái anh đào rất ga lăng. Ngày nó báo tin lấy chồng, tôi mừng cho nó, mừng đến nỗi muốn khóc luôn đó. Nó báo cơ quan, đoàn thanh niên đứng ra tổ chức lễ thành hôn cho hai đứa. Tiệc cưới đơn sơ chỉ với bánh ngọt, keo, trà đá, thuốc lá không cần bao đổ ra dĩa, vài bài văn nghệ góp vui. Nhưng có một điều làm tôi lo sợ thật sự, phải chăng đây là điềm chẳng lành. Ai đời đám cưới thường người ta cắm hoa lay ơn, hoa hồng, thì đám cưới nó trên bàn lễ lại có bình huệ trắng. Lạ thật- Ai mà đi mua hoa kỳ ghê- tôi thắc mắc. Không phải riêng tôi mà có một số người cũng nhận điều bất thường này. Sau đám cưới ít ngày tôi hỏi nó:
- Hôm đám cưới, mày phân công ai mua hoa?
- Tao chẳng biết, tất cả bên đoàn thanh niên lo- Nó trả lời.
- Mà có chuyện gì?- Nó hỏi. Tôi định đem chuyện hoa hòe nói lại cho nó nghe, nghĩ sao lại thôi, phần sợ nó buồn. Thật sự tôi bất an trong lòng từ dạo đó.
Vợ chồng nó yêu thương quấn quýt nhau như sam, rồi hai đứa trẻ xinh ngoan ra đời. Tôi mừng cho bạn và cũng quên luôn cái điềm gở ấy. Chúng tôi không còn thời gian dành cho nhau nhiều như thời còn độc thân, vì ai cũng phải lo cơm áo gạo tiền. Trong lòng tôi luôn cầu nguyện cho vợ chồng nó sống hạnh phúc mãi mãi. Có lẽ lời cầu nguyện của tôi chưa thành tâm nên khi nhận được tin chồng nó bệnh nặng chuyển viện và đột ngột qua đời. Tôi bay sang nhà nó, nhìn nó tôi không tin vào mắt mình, nó như cái xác không hồn, vô định. Nó phó thác chuyện ma chay cho người nhà. Nó ngồi đó nhìn chồng trân trối, không một giọt nước mắt, không một lời. Tôi hiểu nỗi đau tận cùng của nó, tiếng khóc không thể bật ra được.
Ngày đưa chồng nó về nơi an nghỉ trời tự dưng đổ mưa tầm tã, mưa không ngớt, cứ như ông trời cũng xót thương cho người vợ trẻ sớm gọa bụa hay là khóc tiễn một linh hồn sớm về cõi niết bàn. Nhìn nó dắt hai đứa con bước thấp bước cao men bờ ruộng theo đoàn người đưa tiễn. Tiếng trống điểm biệt ly, tiếng khóc nức nở của người thân nghe sao tái tê ruột gan, tôi cũng khóc hết nước mắt …
Sau cái chết của chồng, nó ốm liệt giường, không ăn uống. Người nhà càng sợ nó bệnh rồi đi theo chồng luôn, bỏ hai đứa trẻ thì càng khổ thêm. Ba nó túc trực bên nó từng giờ, ôm ấp, vỗ về nó, kể chuyện ngày xưa cho nó nghe cứ như nó là đứa trẻ mói lên ba vậy. Thương Bác quá, tôi nói Bác trai về nghỉ ngơi ít ngày để nó tôi trông coi. Có lẽ Bác cũng mệt nên đồng ý và dắt luôn hai đứa trẻ để tôi khỏi bận bịu. Chỉ còn tôi và nó trong ngôi nhà trống trải, vắng tiếng người. Bất chợt nhìn lên ảnh chồng nó, tôi cũng thấy sờ sợ.
- Mày dậy ăn miếng cháo đi, nằm hoài sao?- Tôi dỗ dành.
- Ừ để đó tao. - Nó nói- Tao chẳng thiết sống nữa- Nó tiếp.
- Mày điên à, mày phải sống vì con mày chứ, ai nuôi nó, mày muốn nó mồ côi cả cha lẫn mẹ sao? Mày không nghe người ta nói: “Mồ côi tội lắm ai ơi, đói cơm khát nước biết người nào lo”. Mày muốn con mày như vậy hả?- Tôi gầm gừ nói một hơi.
- Ừ ha- Nó buông lời vô thưởng vô phạt.
- Ừ ha, ừ ha, lúc nào cũng ừ ha- Nói rồi tôi bồi thêm cho nó một phát thật đau vào vai.- Tỉnh đi con- Tôi dằn tiếp. Nó chẳng nói gì và cũng không nghe nó than đau.
- Tao chẳng có cảm giác gì cả, hay mày đánh tao đau hơn để tao biết mình còn sống.- Nó đề nghị.
Trời ơi! Đến nước này phải có cách khác thôi, nói không hiệu quả rồi. Tôi lấy hết can đảm tát nó một cái trời giáng. Cái tát mạnh đến nỗi năm dấu tay của tôi in trên má nó. Đau lắm đấy- Tôi nhủ thầm. Nó ôm mặt nước mắt rơi lã chã. Thương nó qua tôi ôm nó vào lòng rối rít xin lỗi. Hai đứa ôm nhau khóc nức nở, nước mắt hòa vào nhau mặn chát. Tôi mừng là nó đã khóc được. Tôi cứ ôm nó mãi… Trời về khuya lúc nào không hay.
- Có còn gì ăn không mày, tao đói quá!- Tự dưng nó đòi ăn.
- Có, có- Tôi quýnh quáng thả nó ra. Mày rửa mặt đi tao dọn nhanh thôi.- Tôi hối hả nói.
- Ừ!- Nó nói, rồi vin thành giường đứng dậy. Nó gầy đi trông thấy, xác xơ, tôi chạy lại đỡ nhưng nó gạt ra.
- Khỏi cần- Tao phải tự đi bằng đôi chân của chính mình chứ không thể dựa mãi vào người khác. Trước kia còn ảnh nên tao ỉ lại, bây giờ chỉ còn mỗi mình tao. Tao cảm ơn mày Hiền à, cảm ơn đời đã cho tao người bạn tốt- Nó nói luôn một hơi.
- Thế là mày tỉnh rồi Thủy ơi, Thủy ơi!- Tôi mừng rỡ.
Thế là sau đó nó cứng cáp thật sự, nó đi làm trở lại và đón hai đứa trẻ về. Ba mẹ con sống đầm ấm bên nhau. Hai đứa trẻ thật ngoan. Chắc có lẽ ông trời thương hay là Ba nó phù hộ mà chẳng thấy hai đứa nhỏ ốm đau gì, chúng lớn lên như hương đồng gió nội. Vậy mà thấm thoát đã mười mấy năm trôi qua.

***
Thời gian cứ như gáo nước hắt ngoài sân nắng, thoắt cái đã khô dòn tan biến, đôi khi làm ta chưa kịp thấy nó hiện diện. Lại có lúc nó lê thê, nhão nhẹt như vừa qua đợt mưa dầm, những lúc như vậy hồn ta cứ chơi vơi, chơi vơi. Nếu là ban ngày- ngủ thì chẳng được, làm việc gì đó cũng không ra hồn. Nhằm vào đêm thì còn khổ hơn, một đêm đầy trăn trở. Với bao nhiêu hoài niệm, bao nhiêu thực tại diễn ra tròn, méo đủ dạng, sắc màu nham nhở. Đời người cũng chẳng khác gì, không nương là đứt bất tử. Bởi vậy- Người thì thướt tha lụa là, thừa mứa, người thì bươn chải kiếm sống đến gù cả lưng. Ngoài cái ăn, cái mặc còn bao thứ phải tìm kiếm. May mắn thì cười hớn hở, còn không…? Cái tìm được không ưng ý bỏ đi, cái thì cố chịu đựng, chịu đựng đến thiệt thòi.
Có lẽ ai cũng yêu một hoặc hai lần, hay còn nhiều cuộc tình không đếm hết, không nhớ hết tên người ta đã quen, thậm chí không nhớ nổi người đó ta đã gặp ở đâu, trường hợp nào. Những tay đào hoa này tôi ghét cay, ghét đắng. Nhưng phải công nhận mấy cha ấy đều có điểm rất thu hút ngừơi khác giới, nhất là vẻ bề ngoài sạch sẽ, ga lăng, ăn nói từ tốn, ngọt ngào đến giả tạo. Đàn bà con gái nếu không tỉnh táo dễ sa vào lưới tình của mấy lão họ Sở. Với thời buổi mọi người đổ xô ra đường làm kinh tế. Thương trường là chiến trường cả tình trường cũng là bãi chiến trường luôn ngổn ngang chiến tích. Họ lợi dụng mọi thời cơ tìm kiếm bi hài. Chuyện này trong xã hội diễn ra như tuồng ví như vụ làm ăn thua lỗ bạc tỷ rồi kiện cáo, kéo nhau ra tòa, nhà mất, con cái hư hỏng, tình người mất luôn, cái mất lớn nhất là lương tâm… Rồi lại còn mấy vụ hùn hạp Tiền cộng Tình cũng thua ráo trọi thế là “Bùm“. Nghe, nhìn vừa đáng thương, vừa đáng trách.
Mấy hôm nay nắng gay gắt, mong cơn mưa đến cho giảm nhiệt, nhưng ông trời cứ đổ chảo lửa xuống rang cháy mọi thứ. Mọi người đổ ra biển tắm, hóng gió. Vợ chồng tôi cũng đùm đề con cái ra đây tránh nắng. Biển đông nghet như bầy kiến đủ màu, xanh, đỏ, lam chàm, tím… đủ các kích cỡ, màu da. Chồng tôi dắt con ra mép nước tắm, cha con vui vẻ tạt nước đùa nhau, tiếng cười, nói ran cả một vùng. Tôi thả hồn theo gió và chợt nhớ đến cô bạn thân. Mở điện thoại gọi về nhà nó. Máy đổ chuông mấy bận không ai cầm, lòng nghĩ chắc là mẹ con nó đi làm chưa về. Lát sau gọi lại… chuông vẫn đổ, lạ thật? Bình thường giờ này nó đã về nhà. Đã bao nhiêu lần tôi nói nó mua chiếc điện thoại đi động cho tiện, nhưng nó cứ nói chưa cần thiết, lúc thì nói có bạn đâu mà gọi mua chi tốn tiền. Như lúc này muốn gọi mà không thể được. Tự nhiên tôi thấy lo lo. Tôi đành gọi cho con gái nó thì mới hay nó đang nằm viện.
Tôi lại tất tả vào viện thăm. Nó gầy hơn, nét mặt buồn vời vợi, chắc chắn nó vừa qua đợt mất ngủ dài.
- Mày vào đây bao lâu, thấy trong người thế nào?- Tôi hỏi.
- Được hơn mười hôm gì đó, đỡ rồi.- Nó trả lời.- Còn mày với mấy đứa nhỏ khỏe không? Anh Thắng vẫn đi làm chứ?- Nó hỏi lại.
- Uh, cả nhà bình thường, hôm nay cả nhà ra biển chơi cho mát, sẵn cho mấy đứa tắm cho hết sảy cắn luôn. Tao gọi mày không được, phải gọi qua con bé mới biết mày bệnh.- Tôi kể, phần như thanh minh.
- Mày ăn gì tao mua cho, mà ông Chín Gió đâu sao tao không thấy?
Nó lảng tránh ánh mắt tôi quay nhìn nơi khác, linh tính mách bảo. Tôi gặng hỏi lần nữa nó đành trả lời:
- Tao với lão ta chia tay rồi. Hiện lão ta đang sống với người đàn bà khác đáng tuổi con lão ấy. Tao chỉ không thể lý giải nổi tại sao chuyện lại như vậy. Lòng người sao khó lường quá đi. Nó nói chưa hết câu tôi chen ngang:
- Thế là sao? Mày biết chính xác chứ, rồi mày để anh ta đi khơi khơi vậy đó hả. Mày nói anh ta đang sống ở đâu, nói đi, tao sẽ cho anh ta biết tay. Tao nói rồi mà mày không nghe. Nhìn bản mặt anh ta tao không tin tưởng rồi. Đồ đàn ông lợi dụng hèn hạ.- Tức quá tôi chửi đổng.
- Thôi mày- Thế là còn may cho tao là chưa lấy anh ta chính thức, chứ lấy rồi thì còn đau khổ hơn.- Nó trả lời rồi tiếp luôn- Con người anh ta không xứng đáng để nhận tình yêu, anh ta gây cho tao đau khổ một, thì anh ta sẽ nhận lại mười. Đời luôn có luật nhân quả. Mày cũng biết anh ta chẳng còn trẻ trung gì. Thôi cứ để anh ta sống vui ngày nào hay ngày ấy. Rồi có lúc anh ta cũng vắt tay lên trán suy nghĩ lại những gì đã làm…- Nó thở hắt.
Nghe nó nói Tôi biết nó đã suy nghĩ rất nhiều mới có quyết định như vậy. Nó yêu anh ta quá nhiều hay anh ta chẳng là gì nữa…!? Một quyết định đúng đắn và đầy tình người. Nhưng với tôi vẫn tức anh ách. Chuyện chẳng là: “Lão ta theo đuổi nó một thời gian, vợ chồng lão ly dị, con cái theo mẹ sống ở thành phố khác. Lão sống với người mẹ già hơn tám mươi. Gia cảnh hai người có phần giống nhau nên cũng có chạy qua lại giúp đỡ cái này cái nọ. Nó thương bà già như mẹ nó. Những ngày Bà ốm đau cho đến lúc cuối đời, nó lo toan mọi chuyện như một người con. Tưởng rằng bao nhiêu ân tình đó, lão ấy sẽ bù đắp lại cho nó. Ai dè- Lão phủi tay nhẹ hẫng. Phải là tôi- Tôi thoi cho lão ta vài cái cho bỏ tức.
Nó là thế, lúc nào nó cũng nghĩ cho người khác, lo cho người khác một cách chu đáo mà quên bản thân mình. Cuộc đời nó giống như nước một dòng sông đỏ quạch, nặng nề. Dù biết mọi giọt nước đều bắt nguồn từ THIÊN ĐÌNH, rồi hòa vào các con sông, tất cả đổ ra biển lớn. Mang mọi nỗi đau tan ra nhẹ nhõm và vẫn còn nhiều giọt nước đọng lại trên nhánh lá lúc sớm mai long lanh, tinh khiết. THIÊN HÀ THỦY. 


Thứ Ba, 30 tháng 9, 2014

MẶN NỒNG MUỐI ĐẤT



ĐOÀN-MINH-ĐẠO





Căn phòng linh lan vang ngân
Si mê rong ruổi
Nhịp dương cầm
Vó câu nước kiệu
Trút xuống hồn hôn ám
Xiêu tán tận cùng đêm
Như mục tử bên hào rêu lạc lùa đàn thú
Nức nở nhịp kèn blues môi mọng ngực da đen
Đây ta đâu ta đâu tá
Thảng thốt gào quên từng từ lung lạc
Cứ lặp lại này hương ma thuật
Gõ xô xát nhịp đập lấp che
Lời pha lê dẫn dụ
Ấm men rượu đỏ tràn ly
Mơn trớn tim nàng ngọt ngào hoàng yến
Trót đặt môi chiều hôn lên bóng tối

Chuyện truyền kỳ
Đâu vì tiếng kèn rú gào xấn xổ
Xấu hổ chi sở hữu hoan lạc mật đãi đời nàng
Thiên nhiên cần trả
Cánh cửa mở ở vườn hồng Santa Barbara
Nàng ngã mình trên cỏ thẹn

Ngày nàng sanh đứa con giao ước
Phong linh rung ngân
Nhánh hoa chuông vẫy gọi
Kià búp non nàng bất ngờ bật tiếng khóc
Thành phố toa rập cùng con tàu cập bến
Hành trình thức tỉnh vừa xong
Lần vượt hoang dã
Hồn đại lượng nhập hòa vũ trụ.



Hãy hân tạ tuổi thơ và nụ cười con gái

Mặn nồng muối đất mẹ

Quạnh quẽ hạt lệ lăn trên gò má

Lối thủa sông nào

Ký ức chúng ta đôi lần lỡ hẹn

Nhưng sân khấu tấn tuồng chưa vén màn trang điểm

Cứ lang thang trong rừng

Lạc dấu mình trên đảo hoang

Những quán trọ lá gồi tháp lời vô nghĩa

Hay sao em vẫn cả tin

Còn sót chút ký ức đất liền

Tình yêu là tổ ấm

Những hang hốc và thum và em ta gọi là nhà

Những con chim cút về trên hồ chiều nay

Chẳng lưu đày trong sở hữu

Bầy vịt trời rải trứng đầy vàm cỏ

Lỡ tuổi thơ chống xuồng theo hoài con nước

Con cuốc kêu tù oa nẫu ruột

Mọi sự gặp trên đường rừng

Không dính líu ngày qua

Tôi mong em như bãi quạnh hiu trông Thứ Sáu

Biển cứ gầm ghen tôi ngủ sâu giữa rừng tóc mật

Biển ôm xôn xao buông chiều em e thẹn

Biển giận dỗi thầm thì qua đồi cọ xót xa

Biển ân hận gì nước mắt em đổ rơi bao bào tử lạ

Này em gieo vô tận sinh mầm bay trong gió

Phong môi rạng rỡ lúc em cười

Đàn cừu tinh tuyền từ suối mát tắm lên

Atum rót đầy hoan lạc những đứa con em hạ sanh

Tinh cầu cúi đầu chúc phúc

Sự sống bọt bèo tịch lặng trăng

Minh triết vĩnh hằng ngàn trùng sao Thủy

Kề bên em dựa vai thu ngô đồng

Những bông lúa nứt vàng cả cánh rừng mộng mị.


Đang Sống Cái Phải Sống & Phải Sống Cái Đang Sống.- Thơ Hiện sinh





1. Dẫn.
Triết học thể hiện cao nhất không phải trong văn xuôi luận lý mà trong thi ca. Lý do, lý luận triết học đối phó với trí óc và hiểu biết. Thơ đi thẳng vào trực giác và vô thức bằng cảm nhận, không cần thuyết phục. Đến như Thiền, là con đường trực tuyến; thấy bằng huệ nhãn, đón bằng huệ tâm, mà các thiền sư vẫn dùng thơ như một cách ngộ và dùng thơ để chỉ điểm và cải hóa môn đệ.

Thơ sử dụng chất tinh anh của ngôn ngữ để diễn tả phần tinh anh của điều muốn nói bằng một cách tinh anh nhất của nghệ thuật diễn đạt. Tất cả những thứ này chính là tinh hoa của thi sĩ. Và tinh anh không có nghĩa là cô đọng. Cô đọng chỉ là một phần trong cách diễn đạt thơ.

Existentialism, có người gọi là thuyết Hiện Sinh, có người gọi thuyết Sinh Tồn hoặc chủ nghĩa Hiện Hữu. Chữ gốc La Tinh: Esse, có nghĩa (tự nhiên, đương nhiên, bẩm sinh) + ( sinh vật, con người, sự sống, sự tồn tại). vậy thì căn bản của Existentalism là Đang Sống và Phải Sống. Đang sống gần với Hiện Sinh. Phải sống gần với Sinh Tồn. Nói một cách dễ hiểu là " kinh nghiệm đang sống cái phải sống và kinh nghiệm phải sống cái đang sống" là nền tảng của cảm nhận hiện sinh trong lãnh vực sáng tác. Riêng trong tiếng Hán, Existentialism, gọi là Tồn Sinh Chủ Nghĩa ( 存在主义).


Ở thế kỷ 21 mà nói thuyết Hiện Sinh-Sinh Tồn e rằng quá muộn chăng? Ở thế kỷ 21 nói thuyết Vô Vi của Đạo Đức Kinh e rằng không muộn vì có quá nhiều điều đúng với hiện tại. Nói chung, triết thuyết có thể qua đời nhưng tinh anh của triết thuyết vẫn sống mãi. Triết học là khám phá điều đã có và hệ thống hóa nó. Không có triết học nào là sáng tạo, kể cả triết học trong tôn giáo.

Bản chất hiện sinh hoặc sinh tồn có từ trước nhưng phải đợi tới người khai sinh ra hệ thống là triết gia hữu thần Kierkegaad (1813-55) và triết gia vô thần Friedrich Nietsche (1844-1900). Những người truyền bá rộng rãi về sau là triết gia Martin Heidegger (1889-1976), Jean Paul Sartre (1905-80), và các nhà văn Albert Camus (1913-1960), Simone de Beauvoir (1908-1986), Franz Kafka (1883-1924), Fyodor Dostoevsky (1821-1881)...

Sự thể hiện đang sống và phải sống trong thi ca đã có từ lâu, từ lúc thi sĩ vượt ra giới hạn của tôn giáo nhưng nhiều bài thơ mang dấu ấn của Hiện Sinh xuất hiện vào giữa thế kỷ 19, lan rộng trong thế kỷ 20 và bàng bạc khắp cõi thi ca thế giới.

Có lẽ thi sĩ đầu tiên được xem là người có sáng tác mang tinh thần Hiện Sinh là John Donne trong thế kỷ 16-17 (1572-1631). Ông viết:


" Tôi bất tài," đàng xa kia, gã hành khất kêu nài,
Đứng lại, hay bỏ đi, nếu lời nói đúng, gã đang dối gạt.

I am unable, yonder beggar cries,
To stand, or move, if he say true, he lies.
( A Lame Beggar. John Donne)


Châu Mỹ La Tinh cũng là nơi xuất phát tinh thần của thuyết Hiện Sinh, thi sĩ Tây Ban Nha Miguel de Unamuno ( 1864- 1936) được xem như là một trong những người tiên phuông sáng tác thơ Hiện Sinh. Trong bài thơ Life is Doubt, ông viết:

Sống là hoài nghi
Còn niềm tin không ngờ vực chẳng có, chỉ có chết.

Life is doubt,
Anf faith without doubt is nothing but death.

Bắt đầu từ đó, một trong những dòng thơ Trừu Tượng, là dòng thơ Hiện Sinh chảy băng qua thế kỷ 20. Dần dà, theo sự tan dần lặng lẽ của cơn sóng Hiện Sinh, thơ Hiện Sinh tan vào cõi thơ. Sáng tác không còn quan tâm về chủ thuyết mà chỉ cưu mang kinh nghiệm đang sống cái phải sống và phải sống cái đang sống.


2. Thơ và Giá Trị Sinh Tồn Của Thơ Hiện Sinh
Một trong những động cơ và cấu trúc nội dung cho sáng tác là kinh nghiệm của tác giả. Sáng tác từ một kinh nghiệm riêng không hiển hiện được kinh nghiệm chung, tác phẩm thường chết yểu hoặc chết theo tác giả. Sáng tác từ kinh nghiệm chung diễn đạt kinh nghiệm chung, tác phẩm thường xoàng xĩnh. Sáng tác từ kinh nghiệm riêng hòa nhập vào kinh nghiệm chung, phong phú hóa kinh nghiệm chung, thường là tác phẩm có sức sống lâu dài.

Hoài niệm là một phần của kinh nghiệm được sử dụng hàng ngày để xây dựng bài thơ. Phát triển cao điểm dưới phong trào thơ Lãng Mạn. Sau khi bị tràn ngập và kéo dài, hoài niệm trở thành "oan hồn" cản trở sự phát triển thi ca mang yếu tính "hôm nay". Thơ không đang sống cái phải sống mà sống với cái đã chết. Kinh nghiệm về cái phải sống không được ngó ngàng tới. Sáng tác mỗi ngày vẫn phải theo thời gian đi tới nhưng đầu quay nhìn lui. Đừng nói chi hoài niệm xa xôi, dù chỉ hoài niệm một vài giờ trước, nếu bài thơ không cưu mang sức sống và kinh nghiệm về phải sống, thì bài thơ đã mang mầm mống chết. Nói cho rốt ráo, hoài niệm là một động lực mạnh, là chất liệu quý để sáng tác. Tuy nhiên, nếu chỉ để nhắc lại, kể lể, thương nhớ, than thở, rồi tiếp tục nhắc lại, kể lể, thương nhớ, than thở, sẽ rơi vào sự hời hợt và nhàm chán. Để sửa chữa sự hời hợt và nhàm chán, sáng tác sử dụng chữ nghĩa và tứ thơ trang trí cho khó hiểu, mong muốn nhìn bên ngoài cảm thấy bài thơ sâu sắc, việc này làm cho bài thơ tăng phần giả dối. Và thời gian sẽ lật tẩy. Có lẽ, hoài niệm nên biến thành hoài nghiệm, thơ sẽ sâu thẳm hơn.

Trí nhớ là kho tàng vô hạn cho sáng tác. Đa số thơ, không ít thì nhiều, đều cưu mang hình ảnh, sắc màu, ý tứ, câu chuyện từ quá khứ. Tất cả những dữ liệu này đều là những tử liệu. Chúng cần có một linh hồn, một sức sống, đó là kinh nghiệm sống. Những tử liệu từ trí nhớ phải được sinh hoạt trong một kinh nghiệm đang sống hoặc phải sống, kinh nghiệm đó càng có trọng lượng chừng nào thơ càng có giá trị riêng chừng đó. Hình ảnh màu sắc ý tứ thơ có thể quen thuộc nhưng được kết hợp trong một vài kinh nghiệm riêng tư, bài thơ sẽ có chiều sâu của sáng tác. Phương pháp sáng tạo này là món quà mà Hiện Sinh đã mang lại cho thi ca.

Thi sĩ Emily Dickinson (1830-86), bà được xem như một trong những thi sĩ phổ biến tinh thần hiện sinh đến người đọc. Tác phẩm Time and Eternity, ra đời năm 1924, mang nhiều bài thơ với kinh nghiệm đang sống và phải sống. Phải chấp nhận sự phi lý của cuộc đời và tiếp tục sống với sự phi lý đó. Không lối thoát, ngoài trừ cái chết.


Bài XV.

Tôi từng thấy con mắt sắp chết
Trợn láo liên nhìn xung quanh phòng
Dường như muốn tìm kiếm điều gì,
Rồi trở nên vẩn đục,
Rồi sương khói kéo mờ,
Rồi lịm nhắm,
Không thổ lộ điều gì,
May thay đã được nhìn thấy.



Bài XXXI

Chết là đàm thoại giữa
Tâm hồn và cát bụi
" Hãy biến mất, " sự chết nói. Tâm hồn, " Thưa ngài,
Tôi còn có trách nhiệm khác."

Sự chết không tin, phản đối từ lòng đất.
Tâm hồn bỏ đi,
Chịu thua , để lại vết tích,
Phủ một lớp đất.



Bài XXXVI

Tôi đánh mất thế giới của mình mấy hôm trước
Có ai lượm được không?
Bạn sẽ biết ngay khi thấy hàng tinh tú
bao xung quanh trán nó.

Người giàu có lẽ không chú ý;
Còn đơn thuần trong mắt tôi
Nó quý trọng hơn đồng vàng duca
Ô, thưa ông, xin ông tìm giúp . (1)



Những con đường triết học ngổn ngang và những đại lộ tôn giáo một chiều đều dẫn về hai câu hỏi: Người đến từ đâu? và về nơi nào? Then chốt là cánh cửa sự chết. Chết là một sự kiện quan trọng. Vì phải chết mà con người phải chọn lựa thái độ sống. Hiện sinh chọn sống ý thức về cái đang sống và phải sống. Vô số thơ văn nhận diện sự chết để đối phó sự phi lý của sống, cùng một lúc "tiêu hóa" chất phi lý để làm đời sống hay đẹp hơn "một cách phi lý". Thơ hiện sinh để chủ nghĩa Hiện Sinh lại trong thư viện và tiếp tục cưu mang chất sống phi lý vào tâm tình hàng ngày.



Hãy nói tôi nghe đến khi lời anh thành vô dụng.
Âm sắc rung lên hóa hành động siêu nhiên.
Trong ngắn hạn làm người, nguyện vọng là thất vọng bằng cứu rỗi.
Miệng anh biến nên đa dạng lắt léo bùa mê
Ngợi ca vô nghĩa những ý từ nguyên nghĩa
Thuyết phục như E-Và
Khao khát vô hạn được rửa tội
Tất cả đều giả dối
Tôi sẽ không tha thứ Thượng Đế đã trừng phạt tôi
Ban phát thánh lễ, trục xuất cõi đời đời
Hoan nghênh!
Nơi dối trá hòa tan vào lòng tin tưởng. (2)

( Meditation on the existential and Artaud của Maran Rachel.)


Đôi khi thơ trầm tư về những điều siêu nhiên, những thao thức siêu hình như bài thơ Meditation on Existential and Artaud. Đôi khi bình thường bàng bạc cảm xúc bi quan qua một cơn mưa, như bài thơ This Existential Rain của thi sĩ Matthew Rhys. Không phải là cơn mưa hồi tưởng, không phải cơn mưa kỷ niệm, không phải cơn mưa đang rơi, là cơn mưa tâm linh. Ẩn dụ một đời sống buồn bã. Không làm sao khác hơn, phải sống.



Cơn mưa này chưa dứt
vẫn gào thét triền miên,
xói mòn hồn rả rích.

Chiếc giếng sâu than van
giọt nước mắt
ngắn dài, lõm bõm
lập lại rồi lập lại,
rồi lập lại.

................................

Qua cửa sổ gương mờ
cảnh vật thấy mù tăm
mùa buồn sầu,
những giấc mơ u uẩn
nối nhau chầm chậm trôi.

Bùn đời đen mằn mặn
trong ngòi lạch cạn dòng
chảy vào sâu tăm tối
nước xoáy tròn rút cạn.

...................................

Gỗ mục nát vì mưa
vì thời gian âm thầm gặm nhấm,
kết cuộc không thể đổi thay
đời chúng ta cũng vậy
đường đi theo số phần.

Sau một cuộc hủy hoại
còn nỗi đau vô tâm,
cơn mưa này hiện hữu
rơi rơi mãi không ngừng.

.................................. (3)


Cốt lõi của Hiện Sinh là sự quan trọng của cá nhân. Mỗi cá nhân Ý THỨC sự hiện hữu của mình. Có tự do và độc lập hành xử trong xã hội và đời sống; gánh chịu trách nhiệm về hành động đã làm. Cởi bỏ những thứ giả tạo, bình phong bao che bên ngoài. Mỗi cá nhân ý thức giá trị của bản thân, tự sáng tạo ra giá trị của mình, không phải những giá trị theo thước đo của tập đoàn, xã hội.



Đem những điều này vào sáng tác, sẽ thấy những ý tứ thơ trần trụi ra đời. Cởi bỏ những trang điểm hoa hòe. Quăng đi những "đạo đức" thi ca do xã hội đặt ra dưới hình thức bất thành văn. Bỏ đi những trói buộc, qui tắc, những đòi hỏi của nhóm hàn lâm bảo thủ. Thậm chí bỏ luôn những người đọc có trình độ thưởng ngoạn bình dân. Bỏ đi những phê bình văn học không có khả năng chuẩn đón hoặc có khả năng nhưng thiếu công bằng.


Thi sĩ có tinh thần hiện sinh là người tự ý thức sự hiện hữu trong cõi thơ. Đây là ý thức cần thiết để phân biệt khách qua đường, kẻ ở trọ và người sinh hoạt trong thế giới thơ. Ý thức về làm thơ. Có ranh giới rõ ràng giữa làm thơ nghệ thuật và làm thơ phổ thông. Có phân biệt rõ rệt giữa đi tìm sáng tạo và mượn dùng sáng tạo. Và ý thức tự sáng tạo ra giá trị thơ cho riêng mình. Trong quan điểm này, ông Jean Paul Sartre viết:


" ...Một trong những động lực của sáng tạo nhà thơ chắc chắn là cái nhu cầu tự cảm thấy mình có vai trò cốt yếu đối thế giới. Dáng vẻ kia của những cánh đồng hay của biển, nét mặt kia mà tôi đã bóc lộ ra, nếu tôi cố định nó trên một bức tranh, trong một tác phẩm viết, bằng cách siết chặt lại các mối tương quan, bằng cách đưa lại trật tự nơi không có trật tự, bằng cách đem sự thống nhất của trí tuệ mà áp đặt lên cho cái đa dạng của các sự vật, tôi có ý thức là tôi sản sinh ra chúng, nghĩa là tôi tự cảm thấy tôi là cốt yếu đối với sự sáng tạo của mình... Nhưng lần này vật được sáng tạo ra lại tuột khỏi tay tôi: tôi không thể bóc lộ và sản sinh cùng một lúc. Tác phẩm chuyển thành không cốt yếu so với hoạt động sáng tạo. Trước hết dẫu đối với những người khác nó được xem như đã hoàn chỉnh, thì vật được sáng tạo ra đối với ta luôn luôn có vẻ còn tạm treo đó: lúc nào, ta cũng có thể thay đổi đường nét này, màu sắc kia, hay từ nọ; cho nên không bao giờ nó hoàn chỉnh. Một họa sĩ học nghề hỏi thầy: “Lúc nào tôi có thể coi bức họa của tôi là đã hoàn thành?”. Người thầy trả lời: “Khi anh có thể nhìn nó mà kinh ngạc, tự hỏi: “chính mình đã làm ra cái này ư!”

Tức là: không bao giờ. Bởi như vậy thì cũng bằng nhìn ngắm tác phẩm của mình bằng con mắt của một người khác và bóc lộ cái người ta đã sáng tạo ra. Nhưng đương nhiên ta càng ý thức về hành động sản sinh của mình bao nhiêu thì càng ít ý thức về vật được sản sinh ra bấy nhiêu..."
Trích Viết để làm gì? của Jean Paul Sartre

Đa số những bài thơ được định danh là thơ Hiện Sinh, thường mang nội dung nặng nề những nỗi niềm thao thức về thân phận. Đúng hơn là những câu hỏi không có dấu hỏi và cũng không cần câu trả lời.



Khi phải thở dưỡng khí từ bình treo trên máy trợ tá

Khi lửa đam mê tàn lụn thành tro

Khi phải cần xe lăn thường xuyên di chuyển

Khi giường bệnh viện dẫn đưa tôi vào quan tài
Khi chỉ còn bồ câu mỗi sáng vì tôi thương khóc
Khi họ hàng thân nhân nhẫn tâm rời xa
Khi giáp mặt một ngày mới hèn nhát và mù quáng
Khi mỗi ngày mai là kẻ thù ghê gớm phải đối đầu
Khi giày vò bởi khổ đau quen dần thất bại
Khi chương cuối cùng trong sách đời tôi đã chấm dứt
Làm ơn, cho tôi chào lần cuối trước khi vào điện ngục hỏa thiêu (4)


Thuyết Hiện Sinh với những ưu khuyết điểm thường lệ của hệ thống triết học. Những ngưỡng mộ và những đã phá cũng đã tranh cãi xong. Sáng tác hiện sinh không vấp phải nhiều trở ngại của triết thuyết. Sau khi hấp thụ được phần tinh anh của chủ nghĩa hiện sinh, thơ hiện sinh ra đời và tự tạo một ưu thế riêng so với các loại thơ trừu tượng khác. Thơ hiện sinh chú trọng về nội dung.

Đọc thơ hiện sinh thường dễ bị lầm lẫn, tưởng rằng loại thơ này chuyên đối phó những sự việc lớn lao sống chết của nhân sinh. Trên thực tế, sau khi cởi chiếc áo hiện sinh, tinh thần thơ hiện sinh đi vào những chi tiết nhỏ nhặt, những ngõ ngách bình thường của tâm tư.



Tôi sống ở đâu?
Nơi nào giữa Thứ Hai và Chủ Nhật
Trong đáy mắt chim quạ
Tôi là gai nhọn dưới trái bóng trời xanh

Luôn luôn, sự hóm hỉnh trào ra. Bóng tủ búp-phê
ngã dài trên sàn nhà. (5)

( Existialist. Sheena Blackhal.)



Muốn tìm thấy thẫm mỹ chân chính và thực tế
chỉ cần nhìn lên ngàn sao
không có cách nào biết được
chúng ta thật sự là ai

hãy nhìn vào gương soi
chỉ cần vài giây thôi
chúng ta giả vờ không nghe thấy

trong khi chúng ta ước mong
được tự do bay nhưng cảm thấy neo xuống
tất cả việc này chỉ xảy ra trong đầu

Chúng ta không bao giờ nhớ lại
Cho đến khi hấp hối (6)

( The Existance of Existentialism của Mike Smith.)



Tại sao đứng một mình
Trong đêm
Trên mặt đất
Một mình cạnh bên ý nghĩa
Bởi ngôn từ không bao giờ có giới hạn
Tại sao đứng một mình trên ngọn đồi, đội trời cao
Nghĩa là chỉ thở dài
mà không ai biết (7)

( Why của Cynthia Richards.)



Thuở xưa dưới thời văn minh Ai Cập,Hy lạp, La Mã, thời thượng cổ, những thi sĩ thường được xem là nhà tiên tri. Không hiểu là vì các nhà tiên tri hay nói bằng thơ hay vì thi sĩ thời đó có khả năng tiên tri. Nhưng chúng ta biết được những bài thơ để lại từ Homer, Horace...v..v...là những bài thơ cưu mang những chiêm nghiệm triết lý sâu sắc. Quá nhiều suy tư, dần dà thơ thiếu thực tế, đi trên mây. Về sau, từ thế kỷ 19 trở đi, nhất là trong thế kỷ 20, thơ hạ thấp xuống, nhập vào đời sống thực tế và cụ thể hơn. Cụ thể quá, thực tế quá, sát đất quá, thơ trở thành bình dân.

Xét về mặt sáng tác, có hai con đường càng lúc càng rẽ xa: Sáng tác tác phẩm phổ thông và sáng tác tác phẩm nghệ thuật. Khi một người làm thơ bắt đầu thành hình thi sĩ, có thể thấy sự chọn lựa của họ khá rõ ràng. Vẫn có những thi sĩ trước chọn phổ thông, dần dà chuyển sang nghệ thuật và ngược lại.Tác phẩm phổ thông dễ thuyết phục đám đông nhưng ít giá trị. Tác phẩm nghệ thuật chọn lọc thưởng ngoạn và càng đi xa càng đón lấy thất vọng.



3. Năm Bài Thơ Hiện Sinh Ví Dụ



Đôi Vai Anh Gánh Lấy Đất Trời
Thơ: Carlos Drummond De Andrade (1902-1987)



Đến giờ đó anh không còn có thể kêu: Chúa ơi.
Đến giờ đó vạn vật đều hoàn tất.
Đến giờ đó anh không còn có thể gọi: em ơi.
Vì tình đã vô dụng.
Mắt không còn khóc.
Đôi tay chỉ làm công việc khó khăn.
Con tim khô héo.



Đàn bà gõ cửa , vô ích, anh không mở.
còn lại một mình, tắt đèn,
đôi mắt mở to long lanh trong bóng tối.
Rõ ràng anh không còn khổ đau.
Không còn muốn gì từ bằng hữu.



Chẳng ai quan tâm nếu già thêm, già ăn thua gì?
Đôi vai anh gánh lấy đất trời
gánh nhẹ hơn bàn tay con trẻ.
Chiến tranh, nạn đói, gia đình đóng cửa cãi nhau
chỉ chứng tỏ cuộc đời vẫn sống
không phải ai cũng được hưởng tự do.
người yếu đuối bị xét xử tàn nhẫn
thà chịu chết.

Đến giờ đó nếu chết không giải quyết hết.
Đến giờ đó nếu sống là quy luật tuân theo
Đành phải sống, không trốn đâu được. (8)




Đá Cuội

Thơ: Zbigniew Herbert ( 1924-1998 )



Đá cuội
vật hoàn hảo
dung hòa với chính nó
biết ưu khuyết điểm bản thân
tự viên mãn
giá trị của đá
có vẻ nhìn không làm cho ai nhớ lại bất cứ điều gì
không gây sợ hãi cũng không khuấy động ước mơ
chịu đựng nóng lạnh
là phẩm cách vẹn toàn

Tôi thấy nhiều thương cảm
khi cầm đá cuội trong tay
vì hình hài đáng quý
chỉ được ấm tạm thời

- Đá cuội không khuất phục

cuối cùng sẽ nhìn ta
bằng ánh mắt thẳng thừng và bình thản (9)


Gồm Ba Phần

Thơ Pblo Saborio



Chào
Có ai không?
Chàoooooo?

Mục sư
và cô gái điếm
cùng vào quán rượu
Cùng đến quày hàng.
Người pha rượu: các bạn uống gì?
Gái điếm tươi cười,

" Anh Sam, cũng giống như hôm qua ".

Mục sư cười
hả miệng văng nước miếng

" Sam, cho tôi một thế kỷ u tối."

Mây trời kéo qua
vở nháp của tôi, khắc khoải
như ốc sên gặp thời khốn đốn.



Có ai không?
Có người nào không?
Cô gái điếm hở hang
khoe hai núm nho đen ngọt ngào
$15 cho chơi vú.
Anh da trắng Alfred đồng ý giá tiền.

Tôi vẽ nháp toàn bộ thành phố

trong một góc
tôi dựng lên căn nhà
màu vàng với nhiều thứ trông đẹp
trong phòng khách.

Cốc, cốc
Alfred thỏa mãn, tinh tú
run rẩy trong tròng kính âm u.

Cô nói: " Đưa đây 15 đồng".

Tôi xé một nửa số trang nháp,
rồi nói, " tai nạn nghề nghiệp".
nhưng đa số trang trong vở
dính những vết đen
như bóng đàn chim
băng dặm trường tuyết trắng. (10)





Màu Vàng

Thơ: AJ Morelli



Vincent tặng nàng hoa hồng vàng
ngắt từ vườn hàng xóm
như thường lệ nàng nhận hoa
rồi quay lưng vào nhà
bóng dáng tên nàng
chưa kịp thành hình trên môi chàng
đã tan biến
luyên thuyên tiếng truyền hình
nàng im lặng bấm điện thoại

Cành hồng nằm trong bồn
cạnh chén dĩa chưa rửa
chàng cảm thấy đói
không còn gì để ăn
đời đói khổ nào có đáng gì

đêm xuống người đang yêu
và người chưa yêu, đều giống nhau (11)

Gọi Bản Ngã

Thơ Suzy Kassem



Hãy định thần soi gương
Rồi nói: TA YÊU NGƯƠI,
Lập tức
Một luồng điện
Lăn tăn chạy khắp hồn
Rồi trào ra mắt
Như sao băng
Nhảy múa ngang bầu trời
Đê mê.

Nói với hồn rằng bạn yêu bản ngã
tương tựa như sực nhớ
BẠN LÀ AI
Sau cuộc hôn mê dài
100 năm
Khuôn mặt bạn sẽ chiếu rọi ánh sáng
về trăm cõi ngân hà (12)




GHI:

(1) Time and Eternity của Emily Dickinson. 1924.

XV

I've seen a dying eye

Run round and round a room

In search of something, as it seemed,

Then cloudier become;

And then, obscure with fog,

And then be soldered down,

Without disclosing what it be,

'T were blessed to have seen.



XXXI

Death is a dialogue between

The spirit and the dust.

" Dissolve," says Death. The Spirit, " Sir,

I have another trust."



Death doubts it, argues from the ground.

The Spirit turns away,

Just laying off, for evidences,

An overcoat of clay.



XXXVI

I lost a world the other day.

has anybody found?

You'll know it by the row of stars

Around its forehead bound.



A rich man not notice it;

Yet to my frugal eye

Or more esteem than ducats.

Oh, find it, sir, for me!



(2) Meditations on the existential and Artaud

By Maran Rachel



Speak to me until your words become meaningless.

The sound of your vibrations becomes a gesture of the metaphysical.

In our human confines its fruition is as fruitless as salvation.

Your mouth becomes a prism of incantation

Chanting meaningless literal meaning

Conceived of Eve,

The endless desire for purgation

All lies

I will not condone a god that condemns me

Give us the sacrament, expelled to eternal chaos

Embrace!

There in lies harmony through acceptance.



(3) This Existential Rain của Matthew RhysThis rain will not stop
its relentless reproach,
a slow erosion of soul.
A weeping dark well
of syncopated
teardrops tap, tap
again and again,
and again.

‘ ‘ ‘ ‘ ‘ ‘ ‘ ‘ ‘ ‘ ‘ ‘ ‘ ‘ ‘
Through a blurred window,
an opaque view into
seasons of sorrows,
melancholy dreams
felt yet not fleeting.
Life's brackish silt
in a rivulet drains,
into deeper darker
swirling drains.

‘ ‘ ‘ ‘ ‘ ‘ ‘ ‘ ‘ ‘ ‘ ‘ ‘ ‘ ‘
Wood rots from rain
and time's insidious attack,
whose immutable end
is our self-same
passage and fate.
After its ravage
remains inexorable pain,
and this unrelenting
existential rain.

‘ ‘ ‘ ‘ ‘ ‘ ‘ ‘ ‘ ‘ ‘ ‘ ‘ ‘ ‘


(4) Free Cee An Existential Exit của Jeffry CohanWhen I have to suck oxygen from a stainless steel cylinder
When the flame of my passion is reduced to a cinder
When I depend on a chair with wheels to transport me too often
When a hospital bed becomes a preamble to my coffin
When the only one to mourn me is a morning dove
When there is no longer the hope of a wistful kind of love
When kin have faded unkindly
When I face another day un-valiantly and blindly
When another tomorrow is the worst enemy I could meet
When I am tormented and torturously tamed by defeat
When the last chapter of the novel of my life is complete
Please allow a final bow and let me face Hell and its heat




(5) Existentialist của Sheena Blackhal

Where do I live?

In the space between Monday and Sunday

In the retina of the crow's eye.

I am a skin of prickles under a blue balloon



Always, the salt spills. The cupboard's shadows

Fall across the floor.

Sheena Blackhal



(6) The Existence of Existentialism by Mike Smith.

to find real, true beauty
just look up at the stars
there is no way of knowing
who we really are
looking into a mirror
and as seconds tick by
we pretend not to hear them
while we wish we could fly
our freedom feels anchored
but it's all in our heads
we are never remembered
until we are dead





(7) Why By Cynthia Richards

Why stood alone
In the night
On the land
Alone next to meaning
By words never bound
Why stood alone on a hill against the sky
Meaning just exhaled
And no one could tell.



(8) Your Shoulders Hold Up The World

by Carlos Drummond De Andrade



A time comes when you no longer can say: my God.

A time of total cleaning up.

A time when you no longer can say: my love.

Because love proved useless.

And the eyes don't cry.

And the hands do only rough work.

And the heart is dry.



Women knock at your door in vain, you won't open.

You remain alone, the light turned off,

and your enormous eyes shine in the dark.

It is obvious you no longer know how to suffer.

And you want nothing from your friends.



Who care if old age comes, what is old age?

Your shoulders are holding up the world

and it's lighter than a child's hand.

Wars, famine, family fight inside buildings

prove only that life goes on

and not everybody has freed himself yet.

Some (the delicate ones) judging the spectacle cruel

will prefer to die.

A time comes when death doesn't help.

A time comes when life is an order.

Just life, without any escapes.



( Translated by Mark Strand.)



(9) Pebble by Zbigniew Herbert.



The Pebble

is a perfect creature



equal to itself

mindful of its limits



filled exactly

with a pebly meaning



with a scent which does not remind one of anything

does not frighten anything aweay does not arouse desire



its arbor and coldness

are just and full of dignity



I feel a heavy remorse

when I hold it in my hand

and its noble body

is permeated by false warmth



- Pebbles cannot be tamed

to the end they will look at us

with a calm and very clear eye.



(Translated by Czeslaw Milosz and Peter Dale Scott.)




(10) Tripartite by Pablo Saborio.



Hello.
Anybody here?
Heylooo?

A priest
and a prostitute
enter a bar.

They come up to the counter.
The bartender: what canna getcha?

The hooker smiles,
same as yesterday, Sam.

The priest, swollen
and sweating smiles,
I’ll have a dark century, Sam.

The clouds moved through
my notebook, anxious
as snails along rugged time.

Someone?
Anybody?

The prostitute shows
the sweetness of her blackberry nipples.
$15 a boob job.

Alfred white as a number says, OK.

I drew a whole city in my notebook
and
in one corner
I built a home
yellow with a mountain of beauty
inside the living room.

Knock, knock.

Alfred was gratified, the stars
trembling in his dark glassy pupils.

That’s $15, she said.

Half the pages are torn out,
theoretical mistakes I say;
but the bulk of my notebook
has black markings

like the shadows of birds
in a mile of snow.



(11) Yellow by AJ Morelli

Vincent hands her a yellow rose
pulled from the neighbor's yard

she takes the familiar flower
and turns back toward the house

the shape of her name
forms too slowly on his lips
and is lost

under the steady voice of television
she silently pokes at her phone

the rose lies by the kitchen sink
beside their unwashed dishes

he is hungry

but there is nothing to eat



famished and there is nothing



night falls on the loved

and unloved alike



(12) Call Yourself by Suzy Kassem ( 1975- .)



Look deep into the mirror

And say, "I LOVE YOU,"

And immediately

An electric current will

Ripple through your eyes

Like shooting stars

Dancing across the skies

In ecstasy.

To tell your soul you love it-

Is like remembering

WHO YOU ARE

After being in a coma

For a hundred years.

Your face will beam the light

Of a hundred galaxies.







Ngu Yên

Tháng 9 – Mùa thu – Tình yêu – Hi vọng!





Featured image: Sweaters-tea-and-leaves
Tháng 9

Tháng 9, cái nắng đã dịu hơn, cái gió cũng đã se lạnh, hoa sữa đang thơm nồng góc phố… Đất trời đang chuyển mình vào thu – lòng người rộn rã ngóng đợi thu về.

Lang thang trên những con đường quen thuộc, bước chân thật chậm như để níu giữ thời gian, níu giữ một thoáng bình yên của tháng năm tuổi trẻ dần hư hao… Tự tạo cho mình những phút giây tĩnh lặng để lắng nghe những thanh âm của cuộc sống, để cảm nhận rõ hơn hơi thở của mùa thu.

Vứt bỏ ngoài tai tiếng còi chen lấn, mặc kệ những ồn ào tấp lập. Bỗng giật mình bởi tiếng lá lăn xào xạc trên vỉa hè. Ngắm những chiếc lá phai màu, thấy cả những đổi thay của không gian và thời gian, thấy cách cảm nhận theo mỗi mùa cũng khác.

Tháng 9, thấy lòng rộn ràng hơn. Có chút nhớ thương, hi vọng. Suy nghĩ cũng như trẻ lại với những lãng mạn ngày nào. Như trẻ lại nhưng không hẳn là vui hơn, vì có những nỗi buồn từ năm tháng cũ giờ vẫn vậy. Qua dấu chân thời gian, giờ đây nhìn mọi thứ một cách bình lặng hơn, bản thân cũng trở nên trầm lắng hơn.

Nỗi buồn giờ không còn mang niềm tuyệt vọng, nó đơn giản chỉ là sự cô đơn. Những ưu tư giờ đã thành kỉ niệm, chẳng thể xóa nhòa vì không thể và cũng không muốn, cứ để nó hiện hữu một cách nhạt nhòa, mỏng mảnh làm nền cho một cái “tôi” hiện tại. Vì mình hơn, vì đam mê hơn, vì thời gian vẫn cứ trôi đều đặn cũng khiến ta trưởng thành.
Mùa thu

Thu về, trong ai lại xốn xang cảm xúc. Thu dịu ngọt, trong trẻo gõ cửa trước dao động của cô gái đang tuổi xuân thì…!!

Mỗi mùa thu qua, cô lại xếp vào ngăn kí ức của mình những hình ảnh về mùa yêu dấu. Từ sự đổi thay thất thường của tiết trời đến sự biến đổi sắc màu trên những hàng cây. Từ những vỉa hè xào xạc lá bay đến những con đường ngạt ngào hương sữa. Từ những con người vốn đã thân quen nay bỗng xa lạ, khác thường.

Thu về cùng những làn gió heo may, có người lại thấy thu về trong chiếc lá vàng rơi bên thềm. Còn với cô, mùa thu về khi góc phố ngạt ngào hương hoa sữa, mùa thu về khi tình người trào dâng.

Nhớ ngày đầu biết đến hoa sữa là những chiều tan tầm đi học trên chiếc xe đạp thân quen, cô phải qua hết góc phố này đến ngõ hẻm kia. Người qua đường tránh né cái hương nồng, đậm vị để vội vã về nhà trong bóng chiều ập đến. Còn cô lại lãng đãng trước một mùi hương lạ lẫm. Cô muốn đi chậm lại để mùi hoa sữa len lỏi khắp tâm can, để phả hơi người vào hương hoa qua từng con gió, để níu kéo những phút giây tuyệt vời…

Thì ra thu là vậy, cũng kén người như hoa sữa. Hoa không có vị thơm nhẹ nhàng tinh khiết mà nồng nàn, đặc quánh nên có lẽ cũng chỉ dành cho những con tim đậm sâu, biết yêu và biết thưởng thức.

Mỗi mùa thu đến, nghe Minh Quân hát Mùa Thu Cho Em lòng cô lại đầy trăn trở. Mùa thu qua những ưu tư lại đến với cô nhiều hơn. Cô càng thấy mùa thu đẹp thì lòng cô lại càng buồn. Có lẽ vì vậy mà mùa thu trong cô lúc nào cũng có chút trầm buồn… Là thu đem nỗi buồn đến cho cô, hay cô đã nhuộm màu buồn vào thu?

Thu đến, thu đi, thu lại lại… Chẳng rõ cô yêu thu từ bao giờ nữa! Nhưng đó là một tình yêu đầy trắc trở, có lúc nỗi buồn đã làm cô không dám lang thang cảm nhận vẻ đẹp của mùa thu, làm cô không dám viết về mùa thu. Rồi cũng chẳng rõ vì đâu, vì cô đã quen với nỗi buồn, hay bởi không cầm lòng được trước sự quyến rũ của mùa thu, cô lại lang thang, lại ngắm, lại viết, lại lưu giữ những ẩn ức về thu.
Tình yêu

Cô vẫn thế, vẫn lang thang vô định trên con đường anh đi. Vẫn mải miết tìm anh – mùa thu của riêng mình. Năm tháng qua đi, vẫn chỉ có cái bóng làm bạn cùng cô.

Tình yêu không anh, thu không anh. Anh thật gần mà cũng thật xa. Tưởng như gần ngay trước mắt, chỉ cần cô bước thêm mấy bước là chạm được vào anh. Nhưng khi cô bước về phía anh thì hình bóng anh lại càng xa.

Mọi thứ cứ chênh chao, vô định giống như người bộ hành khát nước trên sa mạc, tưởng phía trước mình là hồ nước nhưng đến nơi rồi mới biết đó chỉ là ảo ảnh. Nhưng cô biết anh không là ảo ảnh, anh tồn tại. Có lẽ anh cũng như mùa thu, cô chỉ có thể đứng nhìn và cảm nhận như bao người khác, chứ chẳng thể có riêng mình một mùa thu.

Phải chăng, cô đang đợi cơn giông chiều ghé qua cho những ngày hè khô hạn, nứt nẻ. Cô đợi làn nước trong veo gọi gió thu về với lòng người dịu ngọt. Những bước chân vội vã trên phố, những dòng xe hối hả lướt qua, nhưng có mấy ai để ý đến xác lá, hoa rụng bên thềm. Cô – một kẻ trầm mặc – như tách mình ra khỏi sự ồn ào, đi tìm những thứ bị bỏ đi.

Những bông hoa rụng luôn đem đến cho cô một cảm xúc đặc biệt. Cô như nhìn thấy trong đó tâm trạng của mình. Bông hoa héo úa, tàn, tả tơi kia cũng như cô đang lẻ loi, buồn chán, có đôi lúc dường như là tuyệt vọng. Cô không thể suy nghĩ tích cực hơn! Mọi thứ cứ hư vô, lặng lẽ ẩn chứa trong nghĩ suy của cô gái trước tuổi xuân đang rượt đuổi.

Hoa rụng rồi sẽ lăn theo gió, rồi sẽ tàn tạ theo mưa. Không phải vì cô sợ gió, cũng chẳng vì sợ mưa. Có điều… đôi lúc… cô sợ… sự cô đơn…!!
Hi vọng

Nhiều khi muốn nói cho người ta biết tình cảm của mình mà chẳng đủ dũng cảm đối diện với tình yêu… Nhiều khi muốn chấp nhận một cuộc tình nhưng lòng chẳng đủ bao dung cho trái tim lạc lối… Nhiều khi muốn giải toả hết những suy nghĩ vẩn vơ mà chẳng biết ai đáng tin để gửi gắm niềm tâm sự…!!

Giữa ngổn ngang, bề bộn của cuộc sống này, có phút giây nào anh ngơi nghỉ và thoáng nghĩ về cô không? Có sáng nào thức dậy và bất chợt thôi anh thấy lòng mình cô đơn vì thiếu một điều gì đó đã quen thuộc nhưng giờ xa xôi quá, thiếu tin nhắn chúc ngày mới bình yên, thiếu câu chúc ngủ ngon mỗi tối.

Thu qua ngõ chầm chậm rồi mau mải như tình qua tay lúc hời hợt, nông sâu. Cô vẫn đợi anh, đợi chùm hoa sữa anh để trước thềm, đợi anh với câu nói: “Thu tới rồi, mình hẹn hò đi em, anh sẽ nắm tay em đi trên con đường đầy mùi hoa sữa, đưa tay cho anh nhé, tay em lạnh rồi kìa.”

Mùa thu, mùa của những đoạn kết, buồn hay vui là do mình. Nghĩ thế thôi mà cũng khó, đời người khó lắm…!! Đêm dài như mái tóc không đợi chờ một cái chạm tay…!!

Đêm, cô gửi niềm thương nhớ mùa thu của riêng mình.



Khoảng Lặng

27/09/2014

Thứ Hai, 29 tháng 9, 2014

Vàng Thu Mấy Độ



Thơ Võ Công Liêm





gió vi vu gió đứng giang đầu
trời thu miên man thu không sang
trong tôi
chùm sao vỡ
mọc cánh bay về nhớ cố hương
ngoài kia quá khứ rụng
vàng bay theo sương rung
trong mắt lá răm buồn
ôi ! thiên thu sao người xanh màu lá
phôi pha đời phôi pha
vàng thu mấy độ tình như đã
trăng mờ trăng tỏ vẫn là trăng
những ngọn khói phất phơ đời vô lự
màu thời gian không phai . không thắm . không nồng . không ưu tư
lá vàng lá không hay . không buồn . không lụy . không vương vấn
lặng
vào thu . chỉ thấy gì ngoài vô tận : chẳng mang sang . chẳng cầu cạnh . chẳng thiết tha
mà ; chìm chìm ngày bạc vẻ đìu hiu* tôi hóa thạch trong băng tần vô ngại . đóa vô thường
ngẫm
giữa trời hư không để nghe thân thế hóa ưu phiền một sắc không . bước vào thu
bỗng một ngày nghe sương khói tỏa . đoái-hoài-hương* chảy lai láng trong tôi
thu vàng vọt . thu buồn . thu không nói . em sầu mây mấy độ thu sang ?
ngoài kia sông nước đợi mơ hồ như cõi lung linh . xin một nén hương thắp người thiên cổ
vẫn một mùa thu không . không chăn không chiếu . không than không tham giữa chốn bụi trần
ghé chùa diệu đế thỉnh một khúc tứ diệu đế lạc đường / thu niệm / nam vô :
nam-mô-a-di-đà . a-lị-gia . bà-lô-kiết-đế . thước-bát-ra-gia-bồ-đề-giạ-bồ-đà-giạ. a-di-đà đá-tha-giạ-ha . ma-ha-tát . a-lô-ha-ma-ni-giạ-a . chi-đá-a . lệ-sa-bà-ha . ta-bà-ha . a-giạ-đế-gia . đa-tâm-kinh*
vọng
chuông lệ đổ . buốt lạnh giữa trời hư vô . hóa ra sắc sắc không không đời như không . lá vàng bay

tôi
một hoài niệm cổ
em
một trời thu không ./.



VÕ CÔNG LIÊM



* Ý thơ trong ‘Cung Vân Xuân Nhật Ức Cưu’ của vua Trần Thánh Tôn: ‘Bạch trúc trầm trầm thiểu vãng lai’ Ngô Tất Tố dịch.

* ‘nostalgia-foreign’ vcl dịch. Rút trong bài :’Nghĩ Về Sự Ngu Xuẩn Trong Tác Phẩm của Dostoevsky’ của võcôngliêm 8/2014. .

* Dẫn câu kinh trên qua một cảm hứng bất ngờ trong trí nhớ.Không kinh, không kệ hoàn toàn vô-nghĩa-thơ. vcl


MIỀN HỖN ĐỘN





AXIS (Từ “The New Yorker”, 31/01/2011)-ALICE MUNRO

Người dịch: Trần Đan Hà





Một ngày cách đây năm mươi năm. Bữa đó trời lạnh căm, Grace và Avie đang đứng chờ xe bus ở cổng trường đại học. Lát nữa thế nào cũng có một chiếc chạy tới, và đưa hai cô lên phía bắc, băng qua miền đồng quê thưa vắng tối tăm, để về nhà. Avie thì phải đi hết bốn mươi dặm, còn Grace chắc phải gấp đôi chỗ đó. Cả hai đang ôm những quyển sách dày cộp với tựa đề nghiêm túc như “Thế Giới Thời Trung cổ”, “Montcalm và Wolfe”, “Những Quan Hệ Dòng Tên”.

Điều này đa phần là để tự xác định mình là những sinh viên nghiêm chỉnh, và họ quả là thế. Chứ một khi đã về tới nhà rồi thì có lẽ chẳng khi nào họ có thì giờ mà ngó tới mấy thứ đó. Cả hai đều là con nhà nông, biết chà sàn nhà và vắt sữa bò. Ngay khi bước chân vào nhà-hay đúng hơn là vào trại-thì sức lao động của họ là thuộc về gia đình.

Họ không phải là loại thiếu nữ để người ta có thể đeo đuổi ở cái trường đại học này. Ở đây có một trường Kinh Doanh rất lớn với gần như toàn bộ sinh viên là con trai, và một vài hội nữ sinh viên mà hội viên của nó thường theo học ngành Khoa học Thư ký và Đại học Đại cương, và các cô đến đó để gặp các cậu trai. Cỡ như Grace với Avie thì chả bao giờ mấy người nữ hội viên đó lại gần-chỉ cần nhìn mấy cái áo khoác mặc đông cũng đủ để nói được tại sao-nhưng hai cô tin rằng những người nào không ngó ngàng gì tới đám hội viên ấy thì thường là người có đầu óc, và dù sao các cô vẫn cứ thích người có đầu óc hơn.

Cả hai cô đều đang theo học ngành sử, đều được học bổng để có thể theo đuổi việc học. Các cô sẽ làm gì sau khi học xong? Người ta hỏi, và họ phải trả lời là, có lẽ họ sẽ đi dạy trung học. Rồi các cô thừa nhận là mình ghét đi dạy.

Họ hiểu -ai cũng hiểu như vậy-là có việc làm sau khi tốt nghiệp là bại trận. Cũng giống như các thiếu nữ trong mấy hội nữ sinh viên, hai cô vào đây học là để kiếm một tấm chồng. Trước hết là bạn trai, rồi sau sẽ thành chồng. Những điều như vậy chả bao giờ được nói ra, nhưng đó là sự thật. Người ta cho rằng những nữ sinh viên có học bổng khó lòng có những cơ hội như thế, bởi vì đầu óc và sắc vóc thường được cho là không thể đi cùng nhau. May mắn là, cả Grace lẫn Avie đều trông rất ưa nhìn. Grace thì đẹp và nghiêm trang, còn Avie tóc đỏ, không mấy khêu gợi, nhưng năng động và đầy thách thức. Cánh đàn ông con trai của cả hai gia đình đã từng nói đùa là ắt hẳn hai cô sẽ có thể túm được một ai đó.

Lúc xe bus tới thì cả hai cô đều đã lạnh cóng. Họ tìm chỗ ngồi ở phía sau để có thể hút được điếu thuốc có lẽ là cuối cùng của tuần này. Bố mẹ các cô sẽ không nghi ngờ gì nếu có nghe được mùi thuốc lá từ các cô. Thời buổi bây giờ người ta nghe mùi thuốc lá khắp nơi.

Avie chờ cho tới khi họ cảm thấy thoải mái rồi mới kể cho Grace nghe về giấc mơ của cô.

“Bồ không được nói cho ai nghe hết nha,” cô nói.

Trong mơ, cô thấy mình kết hôn với Hugo, người cứ lẩn quẩn quanh cô như thể là anh ta muốn cưới cô, và cô có em bé-nó cứ khóc tối ngày sáng đêm. Thực ra là nó rống to, cho tới khi cô nghĩ là mình phát điên tới nơi. Sau cùng cô bồng em bé lên-một bé gái, chắc chắn là gái-và đem nó xuống một căn phòng tối ở dưới tầng hầm rồi nhốt nó trong đó, nơi mà những vách tường dày sẽ bảo đảm không cách gì nghe thấy nó nữa. Rồi cô bỏ đi và quên bẵng luôn đứa bé. Và rồi cô lại có một bé gái khác, bé này thật là dễ chịu và dễ thương, và cứ lớn lên mà chẳng có vấn đề gì.

Rồi một ngày kia đứa bé gái lớn lên sau này đã nói với mẹ về nhỏ chị trong tầng hầm. Hóa ra là bấy lâu nay nó đã biết con chị của nó-cái đứa nhỏ tội nghiệp bị bỏ rơi đã kể hết mọi thứ cho nó biết-và bây giờ vẫn chẳng ai làm gì cả. “Không ai làm gì hết,” đứa bé gái đáng yêu, và tốt bụng, nói. Đứa con bị bỏ rơi không hề biết được cuộc sống nào khác hơn cái cảnh sống mà nó đã có, và, dù sao thì nó cũng không còn khóc nữa; nó đã quen vậy rồi.

“Một giấc mơ kinh khủng,” Grace nói. “Bồ ghét con nít lắm hả?”

“Không đến mức vô lý,” Avie nói.

“Freud sẽ nói sao nhỉ? Nhưng thôi quên ổng đi, Hugo sẽ nói gì đây ta? Bồ có kể anh ta nghe chưa?”

“Lạy Chúa lòng lành, mình không kể đâu.”

“Có thể cũng không tới nỗi tệ như vậy đâu. Có lẽ đó chỉ là do bồ quá lo lắng về việc có bầu thôi.”

Thực ra chính Avie là người đã thuyết phục Hugo là họ nên ngủ với nhau, hay là quan hệ tình dục, như lúc sau này người ta thường nói. Cô nghĩ như vậy sẽ khiến anh trông đàn ông hơn, tự tin hơn. Anh đẹp trai, nhiệt tình, với món tóc sậm màu lòa xòa trước trán, và anh có khuynh hướng chọn lấy những người mà anh có thể tôn thờ. Đó là một giáo sư, một sinh viên lớn tuổi thông minh, một cô gái. Avie. Nếu họ ngủ với nhau, cô nghĩ, có thể cô sẽ yêu anh. Trên hết tất cả là, cả anh và cô đều chẳng có tí ti kinh nghiệm gì trong chuyện đó. Nhưng mà, quan hệ tình dục đa phần chỉ dẫn đến nỗi lo sợ về những tai nạn nhất định, sự lo lắng về những kỳ kinh nguyệt trễ tràng, và về cái khả năng kinh khủng là cô có thể dính bầu.

Sự thật là cô thấy thích bạn trai của Grace hơn-đó là cậu Royce, một cựu binh thời Thế chiến thứ Hai. Không như Avie, Grace đang yêu. Cô tin rằng đức hạnh của cô và sự cự tuyệt của cô không cho anh làm hỏng nó-vốn dĩ là điều anh không quen làm-đã là một cách khiến anh còn thích thú cô. Có những lần anh muốn bỏ cô và cô đã khiến anh thoát khỏi cái tâm trạng xấu ấy và quên nó đi bằng cách kể những chuyện đồn đãi hoặc nói tếu lâm về những người như Hugo, kẻ mà anh ghê tởm. Trên thực tế Grace đã dần quen với việc bịa chuyện về Hugo-những chuyện không có tí ti sự thật nào, tỷ như xỏ hai chân vô cùng một ống quần, sau một chuyến mây mưa vội vã-những chuyện phi lý đại loại như vậy. Cô những mong Avie sẽ đừng bao giờ biết điều này.





Vào đầu hè, Royce nhảy lên xe bus và đi thăm Grace ở trang trại của bố mẹ cô. Chiếc xe đi ngang qua thị trấn nơi Avie đang ở, và tình cờ qua cửa sổ anh trông thấy Avie đang đứng bên vệ đường, nói chuyện với một ai đó. Trông cô rất hoạt, hất tóc ra sau mỗi khi gió tạt vào mặt cô. Anh nhớ là cô đã bỏ học ngay trước kì thi. Hugo đã tốt nghiệp và xin được chân dạy học ở một trường trung học ở phía bắc, cô đã tới gặp anh ở đó và họ cưới nhau.

Grace đã kể với Royce là Avie có một nỗi sợ kinh khủng lắm, và nỗi sợ đó đã khiến cô quyết định như vậy. Nhưng lại hóa ra là mọi thứ đều ổn-cô đã không có thai- nhưng cô cũng đã quyết định là thôi cứ lấy chồng cho xong.

Trông Avie không có vẻ gì là loại người có thể bị mắt kẹt vì một nỗi sợ. Cô có vẻ vô tư, và có đời sống tinh thần mạnh mẽ-cô xinh đẹp hơn, nhanh nhẹn hơn so với những gì anh nhớ về cô trước đây.

Anh như bị thôi thúc bởi ý nghĩ nhảy xuống khỏi xe bus đó và không bao giờ trở lên lại. Nhưng dĩ nhiên là điều đó sẽ dẫn anh đến nhiều rắc rối hơn anh tưởng. Dù sao thì giờ đây Avie cũng đang tung tăng bước ngang đường, ngay trước đầu xe, rồi mất hút vào một cửa tiệm.





Ở nhà Grace, mọi người đã chờ anh đến ăn tối được nửa tiếng đồng hồ rồi, nhưng ngay cả như vậy thì lúc đó cũng mới năm giờ rưỡi. “Tôi e rằng, ở đây thì mấy con bò là sếp,” mẹ của Grace nói. “Chắc hẳn cậu chẳng biết gì về đời sống ở nông trại,”

Nhờ trời, trông bà chẳng giống Grace tí nào, hay là trông Grace chả giống bà tẹo teo. Gầy gò, tóc bạc cắt ngắn. Bà cứ vội vội vàng vàng, chừng như chẳng có được lúc nào để mà duỗi thẳng người ra.

Bà đã từng là một cô giáo, và trông bà quả thực rất là cô giáo. Một cô giáo thấy hết mọi điều bậy bạ mà chẳng qua cô chưa bắt thôi. Ông bố xem chừng đang lo lắng cho mấy con bò. Cậu con trai lớn cười cười mỉa mai. Cô con gái bé cũng vậy, kẻ được cho là thiên tài dương cầm. Grace ngồi lặng câm, và xấu hổ, nhưng đáng yêu, mặt đỏ bừng vì nấu bếp.

Những dự tính của anh là gì, người mẹ muốn biết, anh định làm gì khi giờ đây anh đã tốt nghiệp? (Đáng lẽ Grace phải nói với họ cái điều dối trá đó; đáng lẽ cô phải thú nhận sự thực là anh đã bỏ ra khỏi phòng thi của môn cuối cùng vì mấy câu hỏi quá ngớ ngẩn. Chẳng phải cô đã nghĩ đó là một sự can đảm hiếm hoi sao?)

Giờ đây, anh nói, anh đang chạy taxi. Với mảnh bằng triết học thì chả có nhiều việc để làm. “Trừ khi cháu quyết định làm thầy tu.”

“Anh là Công giáo à?” ông bố nói, gần như giật nảy mình đến độ suýt mắc nghẹn đồ ăn.

“Ủa, phải là người công giáo mới làm thầy tu được sao?”

Grace nói, “Nói đùa thôi mà.” Nhưng giọng cô nghe như chẳng có tí vui đùa nào.

“Triết học,” bà mẹ nói, “Ta không biết là cậu chỉ học có mỗi thứ đó suốt bốn năm trời.”

“Dạ, tại chậm hiểu,” Royce nói.

“Giờ đến lượt cậu nói đùa nhỉ.”



Anh và Grace cùng im lặng rửa chén, xong đi dạo. Khuôn mặt cô vẫn còn ứng hồng do mắc cỡ hay do bếp nóng, và bản tính ưa chòng ghẹo của cô chừng như bị nguội lạnh.

“Có xe bus chạy muộn không?”, anh hỏi.

“Chỉ là do họ bị căng thẳng thôi,” cô nói. “Ngày mai sẽ đỡ hơn.”

Anh nhìn lên những cây có lá như lông gà, hơi giống mấy loài cây Đông phương, và hỏi cô có biết tên chúng không.

“Hoàng điệp. Cây hoàng điệp. Em thích thứ cây này lắm.”

Thích cây này. Rồi đến gì nữa? Thích hoa? Thích sao? Thích cối xay lúa? Liệu cô có thích hàng rào không nhỉ? Đã định hỏi, song anh lại nhận ra nó sẽ làm cô mếch lòng.

Thay vì vậy, anh hỏi ngày mai họ sẽ làm gì. Có thể là một chuyến cắm trại trong rừng, anh hy vọng vậy. Một nơi nào đó mà anh có thể ở riêng với cô.

Cô nói rằng ngày mai họ sẽ làm mứt dâu cả ngày.

“Ở đây anh không được lựa chọn đâu,” cô nói. “Anh cứ chỉ việc làm những gì phải làm. Phải theo mùa.”

Việc anh đỡ đần công việc trong trang trại đã được ghi nhận. Anh làm mọi người ngạc nhiên vì thành thạo máy móc. Và thực sự anh cũng rất quan tâm tới việc người ta sống như thế nào, mặc dù anh lảng chuyện khi được hỏi về một cam kết như thế cho chính anh.

Thực tế là-trên hết tất cả mọi thứ-thì chuyện đã xảy ra cho anh là, người cha có lẽ đang dần luống tuổi, và thằng anh thì tỏ ra là thuộc loại ngớ ngẩn (Grace đã từng nhắc tới anh ta với vẻ khinh thị) và rằng, chính anh-Royce-ngay bây giờ đây đang thoải mái, và không hề ngu ngốc cũng chẳng chây lười, có thể trôi đi theo đời sống nông trại tẻ ngắt giữa bầy gia súc đần độn và đám cây ăn quả nở rộ, với cả ối thời gian trong mùa đông để cày xới đầu óc mình. Nông trang tù hãm.

Nhưng anh có thể nói là người cha và thằng anh không vui vẻ gì mấy với sự có mặt của anh. Chẳng thèm ngó ngàng gì tới anh. Và họ sẽ không nghĩ về việc làm nông, ngay cả khi nó có hiệu quả, như một cách hồi phục tâm hồn. Anh có thể mắc kẹt với mớ dâu tây. Cho tới khi cô em gái-thiên tài dương cầm-nhờ anh lật giùm trang sách.

“Các con tôi đứa nào cũng có tài riêng,” người mẹ nói với anh khi họ đứng lên rời khỏi bàn ăn, và cô bé dương cầm thủ có lý do chính đáng để khỏi rửa chén. “Ruth thì có âm nhạc, Grace có lịch sử, còn Kenny, dĩ nhiên phải là người của nông trại.”



Lúc ở ngoài ngõ, anh thử vòng tay ôm Grace, nhưng vòng ôm đó trở nên lúng túng vì họ bị mất thăng bằng do mấy vết bánh xe nhỏ hẹp hằn sâu trên đường.

“Mình cứ như vầy hoài hả?” anh nói.

“Đừng lo,” cô đáp, “em đã có kế hoạch rồi.”

Anh không thể thấy được cái kế hoạch đó có thể ra sao. Căn phòng nơi anh ngủ thì gần ngay bên nhà bếp. Cửa sổ lúc nào cũng đóng chặt, và chỉ kéo lên được khoảng một phần tư, không đủ rộng để anh có thể lẻn ra.

“Ngày mai chúng ta sẽ làm mứt,” Grace nói. “Gần như suốt ngày. Ruth sẽ tiếp tục tập đàn. Nó sẽ làm anh nổi khùng, nhưng đừng lo. Ngày mốt mẹ sẽ phải đưa nó vô thị trấn để thi. Ở đó đứa nhỏ nào sau khi thi xong cũng phải ngồi ở đó và chờ cho tới đứa cuối cùng thi xong để được biết kết quả. Hiểu chưa?”

“Anh không nghĩ là mẹ em sẽ chịu để cho tụi mình được ở riêng với nhau,” Royce nói. “Hay đó không phải là cái kế hoạch mà anh đang nghĩ là em đang có?”

“Đúng nó đó,” Grace nói. “Em sẽ phải đi thăm nhỏ bạn Robina của em. Robina đóng giày. Em sẽ phải đi bằng xe đạp, nên sẽ mất một ít thời gian. Nó sống ở phía bên kia xa lộ. Tụi em là bạn từ nhỏ, và nó đã bị liệt từ hai năm nay rồi. Bị ngựa đạp lên chân.”

“Ôi Chúa lòng lành,” anh nói. “Thảm họa miền quê.”

“Em biết,” cô nói, có vẻ không bận tâm tới việc nói sao cho hợp với giọng của anh. “Vậy nên em sẽ vờ làm như đi thăm nó, nhưng thực tế là không. Sau khi mẹ và Ruth đã đi rồi thì em sẽ đạp xe vòng trở lại, và chúng ta sẽ có cả ngôi nhà cho riêng mình.”

“Vậy cuộc thi ấy có dài không?”

“Em hứa với anh, nó dài lắm. Và rồi họ sẽ còn phải mang dâu tới nhà bà ngoại nữa, mất ít nhất cả tiếng đồng hồ nữa. Anh có theo kịp ý em hông vậy?”

“Anh hy vọng là vậy.”

“Ngày mai anh sẽ ngoan chứ? Đừng có quá mỉa mai mẹ nha.”

“Anh xin lỗi,” anh nói. “Anh hứa sẽ không vậy nữa.”

Nhưng anh không khỏi phân vân. Tại sao lại là bây giờ, trong khi trước kia anh có thể dễ dàng đưa cô lên phòng và thu xếp để cho bạn anh đi ra ngoài? Hoặc giả như hồi mùa xuân năm ngoái, lúc cô đã khiến anh phát cuồng lên trong những góc tối của công viên? Thế còn cái trinh tiết vẫn được ca tụng của cô?

“Em có nhiều miếng lót lắm,” cô nói. “Thường cần bao nhiêu miếng?”

Anh ngạc nhiên thấy mình phải nói là, anh không biết.

“Anh không rành mấy cô trinh nữ.”

Cô choàng tay ôm vai mình và cười to, kiểu cười anh đã quen thấy ở cô.

“Anh không định nói tếu đâu.” Anh thực sự không.

Mẹ cô đang ngồi ở bậc thềm bên hông nhà, nhưng chắc chắn là bà đã không thể nghe thấy gì. Bà hỏi họ đi chơi có vui không, và nói rằng bản thân bà luôn mong đợi tới chiều tối để trời mát hơn.

“Ở đây chúng tôi may mắn hơn- chứ không bị nung trong lò như mấy người ở thành phố.”



Lúc thức giấc vào sáng hôm sau, anh đã nghĩ rằng mình đang sắp sửa có một ngày dài nhất trong đời, nhưng thực ra ngày cũng trôi qua dễ dàng. Những thùng dâu được hạ xuống bỏ vào nước nóng sủi bọt. Dâu sẽ tróc vỏ và được hun nóng cho tới khi sôi lên và cho ra thứ nước sền sệt màu hồng gần như kẹo. Công việc được tổ chức theo kiểu trợ giúp nhau, với ba người luôn sẵn sàng chạy tới khi có người cần nhấc một cái nồi lên, hay khi có người khiêng tới một cái lọc đầy. Căn bếp nóng kinh khủng, và Royce là người đầu tiên, rồi đến Grace, và mẹ của cô, phải đưa mặt vào dưới vòi nước lạnh rồi ngước lên với khuôn mặt ròng ròng nước.

“Tại sao trước đây mẹ không hề nghĩ tới làm như vầy nhỉ?” mẹ cô nói, đứng ngay đó với những món tóc ướt bết trên trán. “Chỉ có đàn ông mới nghĩ ra được những điều thông minh, phải không hả Grace?”

Tiếng đàn dương cầm thánh thót suốt cả ngày, dưới đôi tay của con bé con sắp lên đường ứng thí vào ngày mai; nó nhắc mỗi người trong bọn họ nghĩ tới những điều riêng tư của mình, về những thử thách và hứa hẹn của một ngày sắp tới.

Vào cuối buổi chiều thì Royce được trao cho chìa khóa xe để đi tới cửa hàng gần nhất cách đó năm dặm, để mua thịt xông khói xắt lát sẵn và cà-rem, cùng salad khoai tây làm sẵn để về ăn tối. Xem ra salad khoai không làm tại nhà là thứ mà gia đình đó chưa từng biết đến.

Mứt dâu ấm được rưới lên trên cà-rem.

Người mẹ với chiếc áo lốm đốm ướt nước có vẻ như khá ngây ngất với công việc và thành quả của một ngày.

“Royce ở đây là làm hư phụ nữ nghe,” bà nói. “Hễ ai có anh kề bên là công chuyện làm xong trong nháy mắt, và rồi còn được thưởng thức cà-rem nữa chứ. Cả nhà ta được chiều hết cỡ.”

Thằng con trai nói Grace đã hư sẵn rồi-nó cứ nghĩ là mình thông minh lắm vì đã vô đại học.

“Thì nó đã vô rồi đấy thôi,” bà mẹ bảo.

Grace dọa sẽ đổ một muỗng đầy salad khoai xuống áo nó. Cu cậu lấy ngón tay quẹt và liếm sạch.

“Tởm,” Grace nói.

Bà mẹ la con, “Coi chừng tư cách nghe!”



Qua ngày hôm sau người bố và thằng con trai đi tuốt lúa mạch mọc sớm ở cánh đồng của họ ở phía bên kia xa lộ. Họ mang theo bữa trưa và nhắc nhau rằng người đàn bà thuê đất sẽ cung cấp nước cho họ. Grace đã nhận biết tất cả những điều này từ trước.

Ruth đang đứng im để mẹ sửa lại những dải lụa và nơ trên tóc cho mặt cô bớt tối. Cô bé nói cô không thể ăn gì nổi cả. Bà mẹ nói, “Tại con căng thẳng,” rồi gói mấy miếng bánh quy lạt đem theo. Chỉ vài phút trước khi xe của hai mẹ con lăn bánh thì Grace đã phóc lên yên xe đạp và vẫy tay chào mọi người. Bà mẹ nói với theo, cho bà gửi lời yêu thương đến cô gái tật nguyền. Có một hũ mứt tươi đã được bọc gói cẩn thận trong giỏ xe đạp để làm quà cho cô gái ấy.

Royce được cho biết là, anh xứng đáng có một ngày nghỉ ngơi sau ngày làm việc hôm qua. Thế nhưng cái căn nhà gạch cao này, vốn dĩ trông bên ngoài rất ấn tượng, lại chẳng có gì là dễ thương hay dễ chịu ở bên trong. Bàn ghế tủ thì cứ như là được nhét đại đây đó, như thể là không ai có thì giờ để có ý sắp xếp chúng. Cửa trước thì bị chắn một phần bởi cái đàn dương cầm của Ruth. Nhưng ít nhất cũng có vài quyển sách ở phòng khách. Anh lấy cuốn “Don Quixote” từ trên cái kệ kiểu cổ với gương ở phía trước, miệng hét to với Ruth “Hạ hết bọn chúng nghe!” nhưng cô bé không trả lời. Tai anh dõi theo tiếng xe chạy xuống đường, rồi nghe thấy nó quẹo về phía xa lộ. Anh đọc vài chữ, lắng đọng cho căn nhà thay đổi hoàn toàn, trở thành cùng phe với mình. Những họa tiết của tấm vải phủ bàn ăn xem chừng cũng đồng lõa, những trang giấy cũng tươi mới như mấy lọn tóc của Ruth, cái máy hát thì đã ngưng, mọi thứ đang chờ đợi. Anh thủng thẳng đi về phía căn phòng ở ngoài gian bếp, ở đó anh thấy mình nên dọn giường lại và treo mớ quần áo ít ỏi lên móc. Anh kéo tấm rèm che xuống sát gờ cửa sổ, cởi bỏ hết mọi thứ trên người và chui vào bên dưới tấm mền phủ giường.

Anh đã không hề đến mà không thủ sẵn đồ nghề, dù anh thậm chí đã nghĩ rằng mình có rất ít cơ hội ở đây. Giờ thì anh không hề thiếu sẵn sàng chút nào. Sự tĩnh mịch cũng cảm thấy quan trọng. Cô ấy nghĩ sẽ đi bao xa là đủ để quay về nhỉ?

Chiếc đồng hồ trong bếp gõ một tiếng, là lúc mà Ruth phải có mặt ở chỗ người thày dạy nhạc. Vậy là chắc cú rồi, chắc cú.

Anh nghe tiếng xe đạp chạy trên sỏi. Nhưng cửa nhà bếp không mở ngay như anh nghĩ. Thế rồi anh hiểu ra là cô đang đẩy chiếc xe đạp ra phía sau nhà, để giấu.

Gái ngoan.

Tiếng chân cô bước vào nhà, rất nhẹ, như thể cô không muốn đánh thức ai đó còn đang ngủ trong nhà. Rồi cánh cửa thẹn thùng mở hé, cái cửa mà anh đã để ý thấy là không hề có bất cứ một ổ khóa hay chốt nào. Anh vẫn nằm yên bất động, mắt mở he hé. Anh muốn cho cô thời gian. Anh đã nghĩ là cô sẽ nhảy vào giường với nguyên quần áo trên người, nhưng không. Cô đang đứng trước mặt anh, cởi bỏ mọi thứ, đầu cúi gằm, môi cắn chặt, rồi đưa lưỡi liếm môi. Rất căng thẳng.

Thật đáng yêu.





Họ đã dấn đi đủ xa rồi nên không nghe thấy tiếng xe. Lúc đầu anh có ý giữ cho thật yên lặng, không phải vì anh sợ có gì nguy hiểm, nhưng chỉ vì anh có ý cho thật dễ dàng, thật nhẹ nhàng với cô. Điều này hóa ra lại không được để ý. Cô có vẻ không cần tới kiểu chăm sóc như vậy. Hai người ồn ĩ đủ khiến họ không nghe thấy bất cứ gì bên ngoài.

Dù sao họ cũng sẽ chẳng nghe tiếng xe-nó đã được đậu ở chỗ khá xa trên lối vào. Tương tự như vậy là tiếng chân, chắc hẳn phải rất là khẽ khàng, và cánh cửa nhà bếp cũng được mở ra, rất từ từ.

Nếu như có nghe thấy tiếng cửa bếp thì có lẽ họ đã có được đôi chút thời gian để chuẩn bị. Đàng này, ngay khi cánh cửa phòng bị mở toang ra họ vẫn chưa kịp hiểu chuyện gì đã xảy ra. Và, thực tế là, họ đã phải mất hết cả phút để ngưng lại, và để nhận ra khuôn mặt bà mẹ với cái miệng đang há hốc, há rất to, ngay ở cuối giường.

Bà mẹ không nói nên lời. Bà run lẩy bẩy. Bà nói lắp bắp. Bà phải giữ chặt thành giường để đứng cho vững.

“Ta không thể,” một lúc sau bà mới nói được, “Không thể, không thể. Tin nổi.”

“Ôi thôi im đi,” Royce nói.

“Cậu có-Cậu có- Cậu có mẹ không vậy?”

“Đó không phải chuyện của bà,” Royce đáp. Anh đẩy Grace sang bên mà không nhìn cô, với lấy cái quần để trên sàn nhà, và mặc quần vào bên dưới tấm khăn phủ giường, xong nhảy ra khỏi giường. Chuyển động của anh đã khiến Grace bị đạp ra. Anh không thể không làm vậy, cũng chẳng mấy bận tâm tại sao mình làm vậy. Cô trùm kín đầu bằng tấm khăn phủ giường, nhưng cặp mông trần không hiểu sao lại bị lộ ra.

“Cậu đã làm gì vậy hả?” bà mẹ nói. “Chúng tôi mời cậu đến với gia đình. Chúng tôi tiếp đón cậu nồng hậu. Con gái của chúng tôi…“

“Con gái bà tự quyết định đó.”

“Mày có nghe nó nói không hả con?” bà mẹ la lớn về phía cái đầu trùm mền của Grace, đôi tay bà bấu chặt vào bộ đầm mà bà đã diện cho buổi thi dương cầm. Không có chỗ nào khác để bà ngồi xuống, ngoài cái giường, mà bà lại không thể ngồi lên đó.

Royce đáp lại bằng cách gom góp đồ đạc của mình, dọn dẹp cho gọn vì còn muốn nể mặt Grace. Xong anh nói, “Xin phép bà” với bà mẹ, nhưng giọng anh khô khốc.

Tới khi Grace nghe tiếng anh khóa sợi dây kéo túi xách thì cô lăn người qua, và đặt chân xuống sàn. Giờ đây cô hoàn toàn lõa lồ.

Cô nói, “Cho em đi nữa. Cho em đi với anh.”

Nhưng anh đã đi ra khỏi phòng, và ra khỏi nhà, như thể anh thậm chí không hề nghe cô nói.





Anh bước ra đường cái, giận dữ tới mức anh không thể nghĩ ra được chỗ nào để quẹo về phía xa lộ. Đến khi tìm thấy nó anh cũng không nhớ ra là phải đi trên bờ sỏi, để tránh những chiếc xe đang chạy trên đường tráng nhựa. Anh biết mình phải quá giang xe, nhưng ngay lúc đó thì anh không thể đi chậm lại để đón xe. Anh cũng không nghĩ là anh có thể nói chuyện được với ai đó. Anh nhớ tới cái lúc anh thì thầm với Grace vào ngày hôm trước lúc họ làm mứt dâu, lúc hôn cô bên vòi nước lạnh đang xả ra khi bà mẹ vừa quay lưng đi. Dưới vòi nước chảy, món tóc nhạt màu của cô trở nên sậm xuống hẳn. Những hành động như thể anh đang tôn thờ cô. Mà vào những lúc nào đó thì đó là sự thật. Sự điên rồ ẩn chứa trong đó, sự điên rồ đã để cho chính anh bị cuốn đi. Cái gia đình ấy. Cái bà mẹ điên khùng đó đã trợn ngược mắt lên tới nóc thiên đường.

Anh cứ bước đi cho tới khi đủ mệt và tỉnh táo thì mới chậm lại và đưa ngón tay cái lên để xin quá giang. Cử chỉ đó không mấy chắc chắn lắm, vậy mà cũng có một chiếc xe dừng lại đón anh.

Vận may tiếp tục mỉm cười với anh nhiều lần nữa trong suốt ngày hôm ấy, dù thực ra thì đa số các chuyến quá giang đó tương đối ngắn. Nông dân thường thích có bạn đồng hành, hoặc trên đường họ ra tỉnh, hoặc khi quay trở về nhà. Chỉ là những trao đổi chung chung. Có một bác nông phu ở cuối chuyến quá giang đã nói với anh là, “Nói ta nghe coi cậu có biết lái xe không?”

Royce đáp, được chứ. “Mới đây tôi còn chạy taxi mà.”

“Vậy thì chẳng phải cậu đã lớn rồi để mà đi quá giang sao? Cậu đã học đại học xong hết cả rồi-phải chăng cậu không nghĩ mình nên đi kiếm một công việc đàng hoàng nào đó sao?”

Royce cân nhắc điều này như thể đó là một ý tưởng thực sự độc đáo, mới mẻ.

Anh đáp, “Không,” rồi nhảy ra khỏi xe. Và rồi anh thấy bên kia đường chỗ tiếp với xa lộ có một tòa tháp bằng loại đá trông như đá cổ và có vẻ hết sức lạc lõng nơi đây, dù cho nó được phủ kín cỏ và có một cây nhỏ mọc ra từ một chỗ nứt.



Anh đang ở tại chỗ rìa của vực Niagara, mặc dù anh chẳng hề biết cái tên đó, hay bất cứ điều gì về nó. Nhưng anh bị choáng ngợp. Tại sao chưa hề có ai nói với anh về điều này nhỉ? Niềm ngạc nhiên này, sự thách thức chẳng màng tới bất cứ điều gì ở ngay tại khung cảnh siêu phàm này. Anh có cảm giác hơi tức cười là đã có một thứ gì đó được tạo ra dành riêng cho anh và chờ ở đó để anh tới khám phá, mà không ai nói cho anh hay.

Dù sao mặc lòng, giờ thì anh đã biết rồi. Trước khi nhảy lên một chiếc xe khác nữa, thì anh biết là anh đang sắp khám phá được điều gì đó, anh sẽ không để cho nó bị lãng quên. Nó được gọi là Địa chất học. Vậy mà suốt trong khoảng thời gian qua anh cứ lo biện luận dớ dẩn, bằng khoa học tâm lý và chính trị.

Điều đó sẽ không dễ. Nó sẽ có nghĩa là phải tiết kiệm tiền, bắt đầu lại từ đầu- học chung với những nhóc tì mặt mụn vừa ra khỏi trường trung học. Nhưng đó chính là những gì anh sẽ làm.

Sau đó, anh thường hay kể với mọi người về cuộc hành trình đó, về khung cảnh bờ vực ngoạn mục đã khiến cuộc đời anh rẽ sang hướng khác. Nếu có ai hỏi anh đã làm gì ở đó, anh sẽ ngẩn người hết một lúc, rồi mới nhớ ra là mình tới đó để gặp một cô gái.



Một ngày đầu thu Avie đang ở gần khu học xá sau khi vừa trở lại để thu nhặt mấy quyển sách mà cô đã bỏ ở nơi cô trọ trước kia. Cô đi lên trường đại học để xem xem có thể bán chúng ở một tiệm sách cũ nào đó hay không, nhưng rồi lại nhận ra là đó không hẳn là điều cô định làm. Lúc đầu cô ngạc nhiên vì không thấy ai quen cả. Sau đó cô chạy tới chỗ một cô gái đã từng ngồi cạnh cô trong lớp “Những Trận Đánh Quyết Định Ở Châu Âu”. Marsha Kidd. Marsha nói với cô là ai cũng sốc vì Avie không quay trở lại.

“Bồ với lại Grace, thật đáng tiếc,” Marsha nói.

Hồi trong hè Avie đã viết thư cho Grace. Rồi cô lại lo rằng lá thư đó có thể hơi quá thành thật khi nói về việc cô e ngại chuyện lập gia đình, và cô đã viết một lá thư khác khá là dí dỏm phủ nhận những nghi ngại của lá thư kia. Không có thư nào được hồi đáp.

“Mình có gửi cho bạn ấy một tấm thiệp,” Marsha nói. “Mình nghĩ mình với bạn ấy có thể ở chung phòng với nhau. Sau cái lúc mà mình nghe nói là bồ sẽ không tới trường nữa. Vậy mà mình cũng có được bạn ấy trả lời gì đâu.”

Avie nhớ là cô và Grace đã có lúc nói tếu lâm về Marsha, người mà cả hai cô đều thấy là thuộc loại ngốc nghếch và chán phèo, loại thiếu nữ thậm chí sẵn sàng trở thành cô giáo trung học và suốt đời chắc cũng chả có anh nào theo.

“Có người nói bạn ấy bị viêm ruột già,” Marsha nói. “Phải đó là khi mình bị sưng hết cả người phải không? Như vậy thật là khổ.”





Avie trở về nhà và viết thư cảm ơn, là điều mà cô đã bỏ mặc không làm. Cô gửi mấy món quà tới Kenora, nơi Hugo đang dạy học-đó là việc làm đầu tiên của anh. Anh đã thuê một căn hộ cho hai người. Có lẽ trong chừng một năm thôi họ sẽ có nhà.

Hồi trong hè, lúc anh đang làm việc ở Labatt, họ đã bị một cú sợ choáng người vì tưởng là cô có mang, nhưng cuối cùng thì cô không sao. Thế rồi họ đi cắm trại vào dịp cuối tuần có lễ Civic[1] để ăn mừng chuyện đó, và đấy có vẻ là lần đầu tiên họ nhận ra mình thực sự đang yêu. Đó cũng là lần đầu tiên họ thực sự đón nhận tin có mang, và họ đã tuyên bố là sẽ sớm làm đám cưới ở Kenora-trước khi bụng cô to ra.

Họ không phải là không vui về điều này.



Hôm đó Avie ngồi trên chuyến tàu mà có lúc đã được gọi là xe câu lạc bộ, để đi từ Toronto tới Montreal. Bà đang trên đường đi thăm một trong mấy đứa con gái. Bà với Hugo có được sáu người con, giờ đây tất cả đều đã lớn. Hugo đã qua đời hồi một năm rưỡi về trước. Ngoài vài năm dạy học đó ở Kenora, còn lại thì ông đã dùng phần lớn đời mình theo đuổi nghiệp dạy học ở Vịnh Thunder. Avie không hề đi làm, và với từng ấy đứa con thì cũng chẳng ai muốn bà đi làm cả. Thế nhưng bà đã có nhiều thời gian rảnh hơn mọi người tưởng, và bà dành phần lớn thời gian để đọc sách. Khi sự đổi đời vĩ đại xảy đến cho cuộc sống của phụ nữ-khi những người vợ và người mẹ tưởng chừng đang mãn nguyện bỗng nhiên muốn tuyên bố rằng đời họ không phải vậy, khi tất cả bọn họ bắt đầu ngồi trên sàn nhà thay vì trên ghế bàn, rồi họ đi học đại học, làm thơ và yêu các giáo sư hay các chuyên viên tâm lý, hay chuyên viên điều trị bệnh xương khớp của họ, và bắt đầu nói “tổ mẹ” và “đ.m.” thay vì “khỉ gió” và “quái quỷ”… Avie chẳng bao giờ muốn hùa theo. Có lẽ bà quá kỹ tính, quá tự hào. Có lẽ Hugo chỉ là con người quá thụ động. Có lẽ bà yêu ông. Dù ở mức độ nào thì bà cũng vẫn là người như thế, và đọc Leonard Cohen[2] chắc cũng chẳng ích gì.

Tuy vậy nhưng từ khi trở thành góa bụa, bà lại đọc ít đi. Bà ngồi ngó trân ra ngoài cửa sổ thường xuyên hơn. Các con nói bà đang tự khép kín, cô lập chính mình. Cũng như giờ đây, trên chuyến tàu lửa này, bà cũng chả chú tâm đọc lắm, dù đó là một quyển sách hay.

Một người đàn ông ngồi xéo bên kia cứ liếc mắt nhìn bà vài ba bận, và giờ đây ông đang quan sát bà hoàn toàn công khai. Ông nói, “Phải Avie đó không?”

Đó là Royce. Sau chừng ấy thời gian trông ông cũng chả khác gì mấy.

Họ trao đổi với nhau thật dễ dàng, bắt đầu với những điều thông thường. Sáu đứa con thật là đáng nể. Ông nói nhìn bà thì không biết đâu. Ông không nhớ Hugo là ai, nhưng cũng thấy tiếc khi nghe ông ta đã mất. Ông tỏ ý ngạc nhiên là người ta có thể sống cả đời ở cảng Arthur. Hay là vịnh Thunder, như tên mới bây giờ.

Họ uống rượu mùi pha nước soda đắng. Bà kể là Hugo không có bị lo lắng hay sợ hãi gì hết. Ông chết khi đang ngồi coi tin tức trên tivi.

Royce thì đi nhiều lắm. Sống ở nhiều nơi. Ông dạy địa chất, nhưng đã về hưu.

Ông có lập gia đình không?

Ồ, không, không hề. Và theo như ông biết thì không có đứa con nào.

Ông nói điều này với ánh mắt hấp háy vốn thường hay đi kèm với những câu tuyên bố như vậy-kinh nghiệm của Avie cho biết.

Bây giờ ông đang có một công việc hưu trí rất ngon lành. Công việc tốt nhất hồi nào tới giờ, không kể Địa chất học. Công việc ở đông Ontario. Giờ ông đang đi đâu hả. Gananoque.



Ông nói về cái thành cổ ở đó, nó được dựng lên ở cửa sông St. Lawrence, để chống lại quân xâm lược Hoa kỳ-vốn là điều chẳng bao giờ xảy ra. Nó là cái thành quan trọng nhất trong dãy thành dọc theo kênh Rideau. Nó đã được duy tu đúng mực, không phải như một bản sao, mà như chính bản thân nó. Ông hướng dẫn mọi người đi quanh khu vực, giảng giải về lịch sử. Thật đáng kinh ngạc là sao có ít người biết quá. Không phải chỉ là người Mỹ-những người mà ta kỳ vọng họ phải biết. Người Canada cũng vậy.

Ông đang viết một quyển sách nhỏ về Rideau. Để bán ở thành Gananoque. Ông ráng đưa một lượng lớn kiến thức về địa chất cũng như lịch sử vào đó. Ông đã tham gia vào lĩnh vực này hơi trễ để có thể làm nên dấu ấn gì. Nhưng tại sao lại không thử nói cho mọi người biết về nó chứ? Giờ ông đang trên đường về nhà sau chuyến đi Toronto để cố làm cho một vài chủ tiệm sách chú ý tới nó. Một vài người trong số họ đã nhận thử một ít.

Avie nói một con gái của bà đang làm việc cho một nhà xuất bản ở Toronto.

Ông thở dài.

“Khó khăn lắm, thiệt đó,” ông nói gọn lỏn. “Người ta thường không thấy trong đó những gì mà chính mình thấy. Nhưng cô thì ổn thôi, tôi đoán chừng vậy. Cô có đàn con.”

“Vâng thì, sau một lúc nào đó,” Avie nói, “sau một lúc nào đó, anh biết đấy, tụi nó cũng chỉ là con người. Ý em là, mấy đứa con là của mình, dĩ nhiên rồi. Nhưng đó là những người… những người mình biết.”

Trời đánh chết mình đi, bà nghĩ.

“Tôi có nhớ tới điều này,” ông nói, giọng trở nên vui vẻ hơn hẳn. “Tôi nhớ có lần ngồi trên xe bus để đi xuống thị trấn chỗ cô ở. Tôi không biết là trước đó tôi có biết là cô đang sống ở đó hay không, nhưng lúc đó tôi đã trông thấy cô bên hè phố. Tôi đã chỉ tình cờ ngồi phía bên tay phải nên mới thấy được cô. Lúc đó tôi đang đi về phía bắc. Đi gặp một cô gái mà tôi quen ở đó.”

“Grace.”

“Đúng rồi. Cô là bạn cô ta. Dù sao thì lúc thấy cô đứng bên đường nói chuyện với một người nào đó thì tôi đã nghĩ sao trông cô đáng yêu lôi cuốn thế. Lúc đó cô đang cười. Tôi chỉ muốn nhảy ra khỏi xe để nói chuyện với cô. Để hẹn hò với cô, chính xác là vậy. Tôi không thể không tới cái chỗ mà người ta đang trông đợi tôi đến, nhưng tôi vẫn có thể gặp cô trên đường về. Tôi đã nghĩ là, đó là những gì tôi có thể làm-là hẹn gặp cô khi trên đường quay trở lại. Lúc đó tôi thực sự có biết đôi điều về cô, đến giờ thì tôi đang nghĩ về điều ấy. Tôi đã biết là cô đang cặp kè với một ai đó, nhưng tôi đã nghĩ là, ờ thì cứ thử một lần xem sao.”

“Em không hề biết,” Avie nói, “Em không hề biết là anh đã ở đó.”

“Và rồi, như chuyện đã xảy ra, là tôi đã không trở lại bằng đúng con đường đó, cho nên nếu có hẹn thì ắt hẳn tôi cũng không đến được cái chỗ mà cô đang chờ, và rồi chuyện cũng sẽ chẳng ra làm sao cả.”

“Em không hề biết vậy.”

“Ờ thì nếu biết liệu cô có sẽ đồng ý không? Nếu như tôi nói với cô, là, ‘hãy tới cái chỗ đó, vào một lúc nào đó’ thì cô có đến đó không?”

Avie nói ngay không do dự, “Ôi, có chứ,”

“Với đủ mọi thứ rắc rối ư?”

“Vâng.”

“Như vậy lại hóa hay nhỉ? Rằng chúng ta đã không liên lạc với nhau?”

Bà thậm chí không buồn trả lời.

Ông nói, “Nước trôi qua cầu.” Rồi ông ngả đầu ra lưng ghế và nhắm mắt.

“Trước khi tới Kingston nhớ đánh thức tôi dậy giùm nếu tôi ngủ quên nhé,” ông nói. “Có vài thứ tôi muốn chỉ cho cô thấy.”

Chẳng khác gì như đang ra lệnh, kiểu như một người chồng.

Ông thức giấc trong khi bà không hề gọi, nếu quả ông đã có ngủ. Ở trạm Kingston họ vẫn ngồi yên trên tàu trong khi thiên hạ đi lên đi xuống, và ông bảo bà là chưa tới lúc. Đến khi đoàn tàu chuyển bánh trở lại thì ông giải thích với bà là toàn bộ khu vực xung quanh họ là một phức hệ đá vôi chồng chất lớp lang, lớp nọ nằm trên lớp kia, như một công trường xây dựng khổng lồ. Nhưng có một chỗ nó lộ ra, ông nói, và cô có thể thấy được những thứ khác. Nơi đó được gọi là Trục Frontenac-vốn là nơi mà Khiên Canada rộng lớn và xưa lắc xưa lơ đã trồi lên, khối nóng lỏng cổ xưa ấy cắt ngang qua tầng đá vôi, chảy tràn đi khắp nơi, làm xáo trộn hết mọi bước chân khổng lồ của thời gian.

“Kìa, kìa!” ông nói, và bà nhìn thấy chỗ đó. Thật là ấn tượng.

“Nếu có dịp đi ngang qua đây nhớ nhìn lần nữa nhé,” ông nói. “Ngồi trong xe hơi thì không thể thấy được gì đâu-vì xe cộ nhiều quá. Bởi vậy tôi mới đi xe lửa như thế này.”

“Cảm ơn anh,” cô nói.

Ông không trả lời mà lại quay đi, hơi khẽ gật đầu vẻ như chấp thuận.

“Cảm ơn anh,” cô lại nói. “Em sẽ nhớ.”

Gật đầu lần nữa, cũng chẳng nhìn bà. Quá đủ.



Vào lúc mà cái thai đầu tiên ấy đang tiến triển tốt đẹp, vào khoảng độ giáng sinh, thì Avie nhận được một lá thư ngắn của Grace.

“Mình nghe nói bồ đã lập gia đình và đang sắp có con. Chắc bồ đâu có biết là mình đã bỏ dở không học hết đại học, do bởi một số vấn đề tồi tệ về sức khỏe và thần kinh. Mình vẫn thường nghĩ về những cuộc nói chuyện của hai đứa mình và nhất là về giấc mơ mà bồ đã kể. Nó vẫn còn khiến mình sợ đến choáng cả người. Mến, Grace.”

Lúc đó Avie đã nghĩ tới cuộc nói chuyện với Marsha. Viêm ruột già. Giọng thư của Grace có vẻ mất quân bình, có vẻ như muốn van xin, khiến Avie lần lữa không trả lời. Bản thân bà lúc đó cảm thấy mình cũng tương đối hạnh phúc, với đủ mọi nỗi lo toan đời thường, rất khác với những gì mà họ đã từng nói về lúc còn ở đại học. Bà thậm chí cũng không biết liệu mình có thể trở lại đó được, hay tìm được cách để nói chuyện với Grace như bây giờ hay không. Và sau đó thì, đương nhiên là bà quá bận bịu.

Bà hỏi Royce có lúc nào nghe thấy tin tức gì của Grace không.

“Không, không hề. Có liên can gì tới tôi chứ?”

“Em chỉ mới chợt nghĩ ra vậy thôi.”

“Không có.”

“Em nghĩ có thể sau này anh đã đi tìm cô ấy.”

“Cái ý đó chả hay ho gì.”

Bà làm ông thấy thất vọng. Tọc mạch quá. Cứ lo đi tìm nỗi niềm tiếc nuối vấn vương bên dưới mấy cái xương sườn. Một người đàn bà.



Người dịch: Trần Đan Hà

Cái Dũng của Thánh Nhân








Thu Giang Nguyễn Duy Cần



Chương 1

Cái Dũng Của Thánh Nhân


Đức hạnh con người, dẫu có nhiều thứ bực nào, cũng không ngoài hai loại: tư đức và công hạnh.
Tư đức là những đức tánh ăn chịu về nhân cách riêng của từng cá nhân như: nhẫn nại, can đảm, quả quyết, điềm đạm,...
Công hạnh là những hạnh tốt của cá nhân đối với người chung quanh, như: cha mẹ, anh em, bà con, vợ chồng, bầu bạn và xa hơn nữa, với chủng tộc và nhân loại.
Ở đây, tôi xin bàn về các tư đức đầu tiên mà cũng là cứu cánh của tất cả những tư đức khác, tư đức là cái tư đức căn bản đưa con người lên tới bực chí nhân: tính Điềm Đạm.
Bất kỳ là tôn giáo hay luân lý nào, nếu bàn đến chỗ cùng cực của nhân cách, đều lấy tính Điềm Đạm làm căn bản.
Phật, bàn về "Tâm vô quái ngại", Lão, nói về "Vô vi điềm tĩnh". Nho luận đến "hạo nhiên chí khí"
Toàn chỉ vào một đức tánh đã nói trên: Điềm Đạm.
Điềm Đạm là gì?
Điềm đạm, tức là cái tính "như như bất động", thản nhiên bình tĩnh, "không thể cho ngoại vật động đến tâm của mình". Người điềm đạm, tức là người đã làm chủ được Tình dục và ý chí của mình. Nói một cách khác, người điềm đạm, tức là người "chủ động", không "bị động" vì những vật không theo mình nữa.
"...Khổng Tử bị vây ở đất Khuông, không còn phương thế nào thoát ra được, bèn lấy đờn, đờn và ca. Tử Lộ hỏi: "Phu Tử làm sao vui được thế?..." Khổng Tử nói: "Ngươi lại đây, ta nói cho mà nghe... Ta đã làm hết sức ta, để tránh cái chuyện này, thế mà không được, đó không phải còn tại ta nữa, mà là tại Trời. Xưa Nghiêu, Thuấn không bị sự cùng như ta ngày nay đây, chẳng phải do nơi cái tài thận trọng của các ông ấy hơn ta mà được, mà là tại cái Mạng của họ không như của ta. Kiệt, Trụ không phải tại họ tài ba ít hơn Nghiêu, Thuấn mà họ bị hại, chỉ vì cái Mạng của họ không giống hai người kia... Lặn xuống đáy biển, mà không biết sợ giao long, đó là Dũng của người chài lưới. Vào rừng mà không biết sợ hổ báo, đó là cái Dũng của người thợ săn. Thấy gươm bén mà không biết sợ, xem tử sanh, ấy là cái Dũng của người liệt sĩ. Biết được chỗ cùng thông là Thời, Mạng và bất cứ là ở vào cảnh nguy hiểm nào cũng không biết sợ, đó là cái Dũng của Thánh nhân..."
Cái Dũng của Thánh nhân, tức là chỗ cùng cực của Điềm đạm.
Tích xưa, theo thần thoại Nhật
Các vị thần ở trên cõi trời, có một khi cùng tranh nhau quyền bá chủ thế gian. Bất kỳ là vị nào, cũng đều cho mình là quyền lực trên hết tất cả Trời Đất. Các vị thần mới nhất định bầu cử một người làm trọng tài trong cuộc thi chọi, coi ai được làm bá chủ. Vị trọng tài này có trí phán đoán và tính ngay thẳng đặc biệt, lại cũng là người cao tuổi hơn hết.
Trong các vị thần, một vị bước ra nói:
Các ngài hãy xem đây, sẽ thấy rõ sức mạnh phi thường của tôi như thế nào.
Tức thời, một ánh sáng chớp lạnh xương, liền theo đó, tiếng sấm nổ vang, làm rung động cả không trung, dường như cả thế gian đều rung rinh sắp đổ. Các vị thần đều tái mặt. Lúc bấy giờ, không còn một ai còn dám nghĩ là mình là người bất khả xâm phạm nữa.
Vị thần Bão tố, bước ra nói:
Sức mạnh của tôi, còn ghê gớm hơn nữa. Hãy xem dưới kia, cánh đồng mênh mông lặng lẽ...
Nói vừa dứt lời, bỗng mặt nước biển dâng lên... Ban đầu từ từ... kế đó sóng nổi gió tung... Nước càng dâng, gió càng lớn, sóng càng to... cuồn cuộn ầm ầm... chỉ thấy còn có một vùng nước mênh mông trắng dã... Những ngọn núi cao, sóng đánh lấn riết, không còn thấy mặt... Sóng càng lúc càng cao, gió càng lúc càng lớn... hăm he chìm ngập đến cõi trời... Các vị thần thất sắc, cầu khẩn xin tha... Thần Bão tố vẫy tay một cái: sóng lặn, gió êm... bấy giờ nước biển lao xao, sóng chạy lăn tăn trên bãi cát.
Các vị thần vừa tỉnh trí hoàn hồn, thì nghe có một giọng lảnh lót cất lên:
"Sức mạnh không phải ở nơi sự phô trương của sức bạo tàn, vì nó chỉ có phá hoại mà không tạo lập. Sức mạnh ở cái thuật khuất phục con người và giữ gìn họ ở trong khuất phục ấy bằng ý muốn của họ. Người ta cảm vì sự dịu dàng mà chịu khuất phục chớ không phải vì bị khủng khiếp mà chịu khuất phục".
Dứt lời, vị thần Âm nhạc lấy ống tiêu... thổi lên một hơi, nhẹ nhàng êm ái như thế nào mà hết thảy các vị thần mê mẩn tâm thần, như ngây, như dại... Tất cả đều như bị sức âm nhạc lôi cuốn vào giấc ngủ thôi miên.
Nhưng có một vị thần... thái độ huyền bí, dường như thản nhiên bất động.
Vị này không thấy sấm sét mà choá mắt.
Sóng bủa, nước dâng cũng không khiến gương mặt trầm tĩnh của ông thay đổi.
Mà tiếng nhạc du dương, thâm trầm, huyền hảo kia cũng không cảm động lòng ông chút nào cả.
Vị trọng tài day qua hỏi:
- Ngài có phải bị mù, điếc gì không?
- Không. Tôi thấy và tôi nghe.
- Tại sao Ngài không động lòng. Sấm nổ, nước dâng không làm cho quả tim Ngài dao động lên sao? Nhạc thần, tiêu thánh không làm cho tâm hồn Ngài xao xuyến sao?
- Ngài lầm! Quả tim tôi cũng đập, tâm hồn tôi cũng xao.
- Nhưng sao gương mặt Ngài, tôi không thấy lộ vẻ lo sợ hay vui sướng gì cả?
- Không. Tôi là "Điềm Đạm". Tôi là kẻ huấn luyện cảm giác tôi, tôi là kẻ đã làm chủ cảm giác tôi rồi. Còn các Ngài, các Ngài chỉ là những người làm tôi mọi nó vì chính các Ngài đã không thể chế trị nó.
- Có ích gì lo đi chế trị sự vật quanh mình, trong lúc mà, một tiếng nhạc tiêu tao cũng đủ làm cho cái tay cầm sấm sét kia phải rụng rời như rũ liệt...
- Còn nói đến uy lực nỗi gì, kẻ có tài ảo hoặc người kia, khi thấy nước dâng, nghe sấm nổ, cũng vẫn lao nhao lo sợ như ai...
Các vị thần, cúi mặt làm thinh.
Vị trọng tài nói tiếp:
Hơn cả sự điều khiển sự vật, người này đã khéo léo biết điều khiển tình dục của mình.
Bất kỳ là một thế lực nào, nếu còn bị một thế lực khác đánh ngã, không còn gọi đặng là sức mạnh nữa. Người này không phô trương những thế lực vô ích như thế, rõ người có sức mạnh trên hết. Bất kỳ là những ám thị những dẫn dụ nào, cũng không làm nao núng tâm hồn người này đặng. Trái lại, người này đã thấy hết, và đã khéo lợi dụng cả thảy để làm tôi mọi cho mình. Nếu các anh em, tin cậy nơi sự phê phán của tôi, thì tôi xin nói thật: "Vị thần Điềm Đạm này là chúa tể của chúng ta cả thảy".
Từ đấy đến nay, câu phê phán ấy vẫn không sai giá.
Phải, sự điềm đạm là chúa tể của chúng ta cả thảy. Đạo hạnh con người đi đến đó, là đã tới chỗ cùng cực của nhân cách con người rồi.
Trót một nền học thuật của Lão Trang, không ngoài cái ý đem con người đến cõi "điềm đạm chi cực". Cái đó sâu xa, cao thượng quá, chưa phải chỗ nói của tôi hôm nay.
Tôi đã dành sẵn cho nó một nơi khác.
Muốn lên chỗ cao, phải khởi từ chỗ thấp. Muốn được một tinh thần bất uý, điềm đạm như các bực Thánh nhân, trước hết phải biết những nguyên nhân khiến lòng ta hay chao động, sợ sệt... Sợ, không phải là một chứng bịnh nan y. Phải có chí, và kiên tâm thì làm gì không đạt được ý nguyện.
Sau đây, tôi sẽ bàn đến những phương pháp, từ thấp lên cao, để cho mỗi một người của chúng ta đều đi đến được cái tinh thần đại dũng ấy.



Sự tồi tệ của tâm lý bầy đàn



Tôi chưa được thấy ở đâu một định nghĩa chính xác về tâm lý bầy đàn. Nhưng tôi đoán, cụm từ này có thể được hiểu theo hai cách. Thứ nhất là giống như “tâm lý đám đông”, tức là tâm lý chung của một đám người, với những “hiệu ứng” của nó, nhưng nghiêng về kiểu không có suy nghĩ, gần với bầy đàn động vật. Thứ hai là tâm lý của những cá thể, luôn muốn sống giữa đám đông, sợ những khoảng thời gian đơn độc, và làm gì cũng đều nhìn đám đông mà làm theo, gần như không suy nghĩ, không có quan điểm và sở thích riêng.



Trong bài này, chúng tôi nói về tâm lý bầy đàn theo cách hiểu thứ hai. Mỗi một con người đều cần đến những người chung quanh: gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, đoàn thể,… Cần vì nhiều lý do.


Thứ nhất là vì có những nhu cầu trong cuộc sống mà có sự phối hợp tập thể thì việc đáp ứng sẽ dễ dàng hơn. Thứ hai, quan trọng hơn, là nhu cầu tình cảm: người thân là chỗ dựa tinh thần cho chúng ta. Và thứ ba là nhu cầu nhận thức: việc trao đổi, bàn bạc, học và dạy lẫn nhau là vô cùng quan trọng đối với việc thu nhận và sàng lọc kiến thức, chắt lọc lấy chân lý.

Tuy nhiên, nhận thức và thế giới nội tâm của một con người chỉ có thể hoàn thiện (theo nghĩa tương đối) nếu người đó có khả năng ở một mình trong những khoảng thời gian khá dài (có thể là nhiều ngày). Việc đó vừa thể hiện năng lực tự giải quyết những vấn đề riêng tư, vừa thực sự cần thiết cho việc suy tư, nghiền ngẫm để đạt tới tri kiến sâu sắc, thứ mà người ta khó có thể nhận được khi ở trong đám đông ồn ào, dù là đám đông tụ tập để thảo luận những vấn đề nhận thức, như hội thảo khoa học chẳng hạn. Nhà khoa học không thể lúc nào cũng ở trong hội thảo; người đó cần có những lúc ngồi một mình để ý nghĩ và trí tưởng tượng phát huy hết tác dụng. Nhà văn khi viết cũng cần ngồi một mình. Đối với một vài tôn giáo, việc “luyện hồn” càng cần đến sự đơn độc, thậm chí là sự cô độc. Có thể nói, nhu cầu và khả năng sống đơn độc là thước đo sự trưởng thành của con người.

Ngược với nhu cầu và khả năng sống đơn độc, khả năng suy ngẫm để chắt lọc chân lý, là tâm lý bầy đàn. Đó là hiện tượng tồi tệ, với nhiều hệ lụy. Ở đây chỉ xin nêu hai hệ lụy của tâm lý bầy đàn, một liên quan đến đời sống xã hội, và một liên quan đến đời sống cá nhân.

Khi trong xã hội có quá ít người không thoát khỏi tâm lý bầy đàn thì xã hội đó sẽ gặp phải rất nhiều vấn đề nhức nhối. Trong xã hội đó, chân lý không tìm được chỗ đứng. Mỗi thành viên trong xã hội đều sẽ trông chờ có người đem “chân lý” đến cho họ. Khi đó, dù là cái gọi là “chân lý” thực ra là “giả lý”, họ cũng sẽ tiếp nhận một cách hào hứng, và tôn sùng cái nhân vật đem “giả lý” đến cho họ như một vĩ nhân, một vị cứu tinh. Rồi một nhóm người ham quyền lực sẽ quàng cái thòng lọng vào cổ họ, kéo họ đi bất cứ đâu mà nhóm người này muốn. Để giữ an toàn, nhóm người này tiếp tục gieo rắc và khuyến khích tâm lý bầy đàn, không cho mọi người tiếp cận chân lý thực sự.

Trong một xã hội như vậy, luân lý, đạo đức sẽ suy đồi. Đạo đức chân chính sẽ bị thế chỗ bởi sự trung thành với những kẻ cầm thòng lọng. Ai dám hé răng nói lên sự thật chẳng những sẽ bị những kẻ cầm thòng lọng thít cổ cho đến chết, mà còn bị đồng loại ghét bỏ. Con người sẽ trở nên dối trá, và coi dối trá là lẽ sống.

Trong cuộc sống cá nhân (và gia đình), tâm lý bầy đàn làm người ta không thể phấn đấu vì những gì thực sự có ích lợi cho bản thân. Những kẻ không giàu, thậm chí rất nghèo, cũng thi nhau vung tiền, kể cả tiền vay mượn, vào những việc lễ lạt, thủ tục vô bổ, để rồi sau đó sống trong nghèo túng và cắn xé lẫn nhau. “Con gà tức nhau tiếng gáy” chính là một biểu hiện của tâm lý bầy đàn. Một biểu hiện khác là “miếng giữa làng bằng sàng xó bếp” – xô xát, tranh cướp nhau chỉ để được một “miếng” không đáng gì, để sau đó sống trong thù hằn, mệt mỏi.

Có những kẻ thấy người khác ở trong tổ chức này nọ có vẻ oai và có “màu”, cũng cố “phấn đấu” để lọt được vào cùng “đội ngũ” với những ông bà oai oách đó, cuối cùng chỉ làm rào chắn để các ông bà đó yên tâm mà “ăn” của thiên hạ. Có kẻ thấy người ta có chức tước, được trọng vọng, cũng cố chạy chọt chỉ để cũng có được tí chức sắc, dù hữu danh vô thực. Có kẻ thấy người ta là giáo sư, tiến sỹ, được xưng tụng rổn rảng tại chốn đông người, cũng cố bỏ tiền để kiếm lấy cái chữ “tiến” hay “thạc” chi đó cho đỡ kém cạnh, mà không biết trước được rằng cái giá phải trả lớn hơn nhiều so với cái thu được, trong khi nhận thức thuần túy cũng chẳng tăng thêm được tí nào.

Về lâu dài, muốn tiến tới một xã hội lành mạnh, còn trước mắt là tìm được sự yên tĩnh trong tâm hồn cho chính mình, con người ta buộc phải thoát khỏi tâm lý bầy đàn. Đã có cái đầu riêng của mình, hãy dùng nó để suy nghĩ!

(Tất nhiên, tôi biết có hàng ngàn người nghĩ giỏi hơn tôi, và vì vậy những lời tôi nói đây là lời tâm sự với những người không ở trong hàng ngàn người đó.)

NGUYỄN TRẦN SÂM