Thứ Bảy, 2 tháng 8, 2014

Chữ thừa


Hồ Anh Thái


Có một người từng làm đối ngoại và làm báo nên rất lưu tâm đến chữ nghĩa. Thông thạo tiếng Pháp và tiếng Trung, ông cho rằng nhà văn nhà báo Việt Nam nên biết ít nhất tiếng Trung và một thứ tiếng phương Tây. Biết ngôn ngữ Hán Việt để không viết thừa. Biết một ngôn ngữ phương Tây để có điều kiện so sánh văn phạm. Đọc báo, nghe đài, xem truyền hình, ông thường có quán tính biên tập luôn, chúng tôi trêu rằng ông cãi nhau với đài.

Những ngôn từ kiểu này thường được ông tức thời chỉnh lại:

- Tái sinh lại, tái hiện lại, tái diễn lại, tái bản lại, phục chế lại… Hoặc như ở trong một cuốn sách: khi đã hồi phục lại, bà đi xuống (Kẻ trộm sách, tr. 330)... Thêm chữ Lại, sự việc sẽ lặp lại đến lần thứ ba chứ không phải là hai lần.

- Tối ưu nhất, tối đa nhất, tối kỵ nhất, cực kỳ tối mật… Đã tối là đến tận cùng rồi, lại còn nhất hoặc cực kỳ nữa thì đúng là hết ý… nhất.

- Đặc thù riêng, hoặc: Mỗi tình huống nêu trên đều có cái nhìn đặc trưng riêng của nó (Tên của khí trời, Trần Tiễn Cao Đăng dịch, tr. 40). Người dịch hãy thản nhiên mà thôi chữ Riêng đi, tiếc nuối làm gì.

- Người họa sĩ (Một cuộc gặp gỡ, Nguyên Ngọc dịch, NXB Văn Học 2013), nhà họa sĩ (Tên tôi là đỏ, Phạm Viêm Phương dịch, NXB Văn Học 2007), nhà học giả (Tên của khí trời, tr. 41, 42, 43), nhà triết gia (Plato và con thú mỏ vịt bước vào quán bar…), hoặc nhà doanh nhân, người nghệ sĩ... Những từ này đều thừa chữ nhà hoặc chữ người. Đã thành quen, đã vào thơ và ca hát véo von: Người nghệ sĩ lang thang hoài trên phố… Tôi đoán rằng chúng cũng sẽ có ngày được vào từ điển.

- Lính bộ binh: binh đã là lính. Có thể tạm chấp nhận khi hàm ý đám lính của một quân chủng là bộ binh, phân biệt với lính hải quân chẳng hạn. Nhưng ai đọc cũng thấy ở đây người dùng chữ để thừa chữ.

- Đạo giáo của chúng ta (Tên tôi là đỏ, NXB Văn Học 2007): giáo đã là đạo. Sao không nói luôn là tôn giáo cho chính xác.

Chỗ bạn bè với nhau, chúng tôi thường tự cường điệu mà dùng những chữ thừa thãi như trên hoặc những cấu trúc câu khác thường. Đùa cho vui. Nhưng tuy nhiên. Đã nhưng lại còn tuy nhiên. Chuyện có thể đùa, như thể khó thành sự thật, nhưng hóa ra lại có người dùng thật. Thử chỉ ra trong một cuốn sách, cuốn Những mối tình nực cười (Cao Việt Dũng dịch), ở đấy có cả những chữ mà ta đang bàn:

- Nhưng mặc dù vậy (tr.271).

- Nhưng tuy nhiên (271).

- Nhà nghệ sĩ (47)

- Ở bên trong nội tâm (287)

- Cô gái trẻ (93)

- Chàng trai trẻ (97).

Ở bên trong nội tâm, cũng quen dùng như thế là ở trong nội thành, trong nội bộ, ở ngoài ngoại ô.

Đấy là nói chuyện viết thừa chữ, vì không hiểu nghĩa Hán Việt, hoặc quen dùng theo khẩu ngữ. Ở Anh - Mỹ cũng có chuyện này. Một nhà ngôn ngữ học người Anh chỉ ra rằng báo chí hay viết thừa, theo kiểu young girl, young boy. Đã boy và girl thì nhất định phải young, trừ trường hợp chơi chữ như tên một bộ phim Hàn Quốc: Old Boy, nghĩa là Thằng già. Viết gái trẻ, tức là hàm ý có gái già hay sao. Có, trường hợp đặc biệt này, người ta dành cho cô gái già một từ thật riêng: spinster.

Vậy tiếng Việt mà viết cô gái trẻ (Một cuộc gặp gỡ, NXB Văn Học 2013), chàng trai trẻ, anh thanh niên trẻ thì có khác gì young girl, young boy. Chữ trai trẻ hoặc trẻ trai cũng có thể dùng như một tính từ, nhưng cũng phải chọn danh từ đi với nó cho phù hợp, chứ còn chàng thì đã hàm ý trẻ trong ấy rồi.

Thơ Nguyễn Hoàng Anh Thư






DÒNG GHI CHÚ VỀ SỰ QUÊN LÃNG



Tôi muốn viết dòng ghi chú về sự quên lãng
những mẫu tự Y G...
nhảy nhót trên nhưng chiếc lá mùa thu
hầu như chưa bao giờ hoàn tất

tôi ghi lại gương mặt mình trong chiếc gương có hình trái xoan
lồi lõm, thừa thiếu, và cả những góc khuất
những chuỗi cười bất tận
và cả những chuỗi nặng lời nguyền

Điểm hẹn với giấc mơ, tôi nhớ về kí tự T
đóng đinh bằng sự trả giá thinh lặng
ánh mắt nghiền nát chuỗi ngày bóng nổi
những nguyện thề về một khung tranh đã cũ
cưu mang hương mật cho một nhụy phôi
thiền hành qua một dòng sông

Có một khoảnh khắc kì diệu
tôi đã đặt tên
chỉ mang máng nhớ những đầu kí tự
lại Y G T Q V...
chuyển động hành hương tìm thánh tích
tìm hoa vô ưu kết trái
ghi chú về sự quên lãng trên những đầu kí tự...



TRẢ LỜI CÂY NHÃN GIÀ



Đám tang của ve sầu
trên cây nhãn già đổ gốc
hát lời bi ca trong bữa tiệc nhậu
của lũ kiến mùa hè

cơn gió đói lả nằm chờ
hạt sương buổi sáng
để khóc
mướn vay

Cây nhãn già mở mắt
nhìn từng đàn chân rệu rã
than phiền về sự cưỡng chế

Cây nhãn già trăn trối
về chuyện của ngọn đồi bạc tóc
bị mất di vật pha lê
màu xanh đã bị tống giam trong âm ngục
chỉ còn những mụn cưa từ những bàn chân kiến dẫm nát

Đám tang của ve sầu
về giá gỗ
mục mắt
rừng xanh hú gọi
thêu thùa những kí tự ẩn mình

Có tiếng thở phào từ những chiếc rễ



MỘT TRANG CỔ SƠ

Ta đã nghe âm thanh và cuồng nộ nhân thể
Những tham vọng điên rồ
Những bèo bọt đang neo lại trong cái thân người già cỗi
Những đam mê vô độ mù quáng
Đã làm đục ngầu dòng sông .

Những con người vĩ đại
Họ đã cuộn mình trong những mối bòng bong khó gỡ
Sự ghê tởm ở dưới đôi bàn chân
và họ đi như thế
Trên con đường rực rỡ và tàn khốc
Trên con đường huy hoàng rải đầy những khốn khổ
Vẫn tiếp diễn, vẫn lan ra trên con đường lịch sử
Số phận con người - những cuộc phiêu lưu
Hàng chục ngàn năm quay lại
Dở khóc dở cười trước một trang cổ sơ .

Những con đường vòng, những con đường men hải
Những con đường vòng quanh trái đất đã di chuyển theo mặt trời
Quỹ đạo cứ xoay tròn và loài người cũng thế
Những con đường vòng khám phá vùng sinh tử
Nào hay những con vi trùng khéo léo ẩn núp trong áo
Áo lan áo, da cắn da, vi trùng bò lổm ngổm giữa vùng đất mới
Con đường hãi hùng bệnh tật và những đứa con lai
Những đôi bàn tay của vĩ nhân bất lực
Khi sự ngạo mạn và khinh thị đã là thói quen của những con người khác
Sự kinh hoàng như cuốn theo cơn lốc
Lật tìm những trang cổ sơ
Tìm những người "bán khai lương thiện "
Họ ngơ ngác vụng về, có phần man rợ
Trang cổ sơ...
Con người hiện đại đứng nhìn, như đang trong cơn mê sảng
Thấy mình quái gỡ, điên cuồng ...không phải là mơ



LỜI BIỂN ĐỎ

Đừng kích động
Biển
Hãy phát quang trên Nam Cực và Bắc Cực
Hãy mang trạng thái plasma
trong cơn giận dữ
khi những khuỷu xương đang bị nấu cao
và linh hồn bị phân tán
và bạn sẽ là thẩm phán
của chính bạn
Trong ánh đèn măng xông
rực những con cá nhảy
những dòng ion cuộn
chẳng nghe tiếng sóng thầm thì
(mà) cuộn chảy màu óng bạc đại dương
Người ta dùng tia X, tia bêta
chiếu vào đất nước tôi
và phóng điện
đuôi của sao chổi
theo sau lời tiên đoán
quá khứ co rút thành sự thật

Tìm trong thiên hà
nỗi sợ không còn run rẩy
chúng hóa thành ion
trong những ánh huỳnh quang
màu bạc
phóng như bay những con cá chuồn
dũng mãnh những cánh buồm lật gió
plasma
màu biển đỏ
rắn cuộn trên những bàn tay phát quang

Sự mất ngủ của thi ca


SKhuất Bình Nguyên

 Sau những năm 1983-1986, Nguyễn Quang Thiều tự chia tay với những cái đã có của mình để bước vào con đường tìm tòi mới! "Sự mất ngủ của lửa" được giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1993 như không chỉ nói hộ bản thân ông mà cho cả thế hệ ông đã tự mình không lặp lại ánh sáng huy hoàng của giai đoạn thi ca trước, mở ra cánh cửa để đi tới sự mất ngủ của thi ca trên con đường tìm tòi khám phá vẻ đẹp tâm hồn con người, khi mà lịch sử có những chấn động dữ dội về niềm tin và cái đích đi tới của toàn nhân loại.




Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều (ảnh: Đỗ Hiếu)

Quãng đâu như tháng 7 năm 2007. Người bạn vong niên của tôi có quân hàm đại tá. Công tác trong ngành tình báo quân đội đã nghỉ hưu. Sau khi giới thiệu thân thế, sự nghiệp của nhân vật kia, người đồng hương ấy của tôi còn cẩn thận dặn dò. Bảo một chút thôi mà nói dài nghe nóng cả điện thoại. “Một thi sỹ đã có tiếng tăm. Khi nói chuyện giọng truyền cảm lắm. Cứ y như mấy ông cố đạo ở giáo xứ nghèo vùng Sơn nam thượng quê mình…”. Đã mấy lần thưa vâng mà chưa dứt được cuộc gọi đầy ám ảnh ấy. Rồi tôi gặp người đó. Người đã can dự vào hầu hết các lĩnh vực văn chương. Ông ấy là nhà thơ Nguyễn Quang Thiều.

Phải nói thật là khi gặp Thiều, tôi không khỏi ngỡ ngàng. Chẳng khác nào sau khi đã đọc Lẵng quả Thông và Tuyết vô cùng mịn màng tự dưng lại gặp cây phong già cổ thụ xù xì thời gian Konstantin Pautopsky giữa căn hộ nhỏ hẹp với bà vợ trẻ đẹp đa tình ở Mascơva trong bức ảnh đen trắng in trên một tờ nhật trình Nga hồi đầu những năm năm mươi. Dáng vẻ ông cố đạo mẫn tiệp có phải trước hết bởi sự mê hoặc của khuôn mặt đầy cá tính khiến Thiều giống một nhà văn hiện thực hơn là một nhà thơ lãng mạn.

Đọc truyện ngắn của Thiều. Hương khúc nếp cuối cùng. Mưa ấm. Mùa hoa cải ven sông. Tiếng gọi cuối mùa đông. Hai người đàn bà xóm trại. Khúc hát của dòng sông. Người ở với hoa Tầm Xuân v.v.. Tôi thường thấy vang lên tiếng gọi khắc khoải của số phận con người vọng qua các dòng sông yên tĩnh như tương phản, lại như đồng điệu với đời sống đầy trắc ẩn ở cõi trần gian. Con thuyền lững lờ trôi dọc dòng sông ấy trong sắc chiều huyền diệu tím như những quả dâu chín, dịu dàng tư lự như cái nhìn buông ra từ thuở ban đầu mà sao thân phận con người nhiều đắng cay và thử thách đến thế. Đó là tiếng ơ..ơ..ơ dưới bến âm vang da diết và rạo rực khôn cùng tâm khảm của hai người đàn bà một già một trẻ có chung một người thân ra trận không về. Tiếng gọi cuối mùa đông không có ai trả lời. Chỉ có bên kia sông mưa xuân đang ngùn ngụt bay. Đó là tiếng gió từ bãi sông rộng thổi hằn lên từng làn mưa bụi về phía chân đê. Tiếng mưa mỏng và nhẹ như tiếng người thì thào đâu đó cảm thông cho số phận của Hai người đàn bà xóm trại sống với nhau mấy chục năm đến giờ tóc họ đã bạc trắng đợi hai người chồng lính trận bao năm chưa trở về. Đó là bãi sông mưa tháng hai ngây ngất. Rau khúc nếp đẻ nhánh râm ran. Đôi trai gái lớn lên theo mùa khúc mọc mà số phận nghiệt ngã lại đến với tình yêu của họ. Cô gái không nhìn thấy được gì nữa. Chỉ còn lại nỗi xót xa của Hương khúc nếp cuối cùng. Đó là anh bộ đội đóng quân bên kia sông, thi thoảng lại bơi qua sông đêm thăm Người ở với hoa Tầm Xuân - Người đàn bà bạc mệnh chồng mất sớm. Đứa con trai duy nhất đi B được 3 năm thì có giấy báo tử gửi về. Một ngày kia. Người đàn bà ấy đi về cõi âm để sống với chồng. Với con. Để lại bụi Tầm Xuân cằn cỗi và im lìm trong giá rét bên bờ sông xa lắm. Đó là bóng tối mênh mang và tiếng mưa triền miên vỗ trên mặt sóng. Những ngọn gió sông mang tiếng hát của người trong giấc mơ xưa cũng chính là Khúc hát của dòng sông ấy đánh thức bao lo âu và phập phồng hạnh phúc của những cô gái đến tuổi lấy chồng… Đó là Mùa hoa cải ven sông. Suốt cả bờ bãi dòng nước hiền hòa ấy rực vàng hoa cải. Những bông hoa nhỏ nhắn mềm mại đung đưa trong gió. Những cánh mỏng lấm tấm rụng trên mặt phù sa. Nỗi khát khao tình yêu cuộc sống của con người không chỉ tình yêu bị chia lìa của đôi trai gái ấy mà cả những kiếp người phiêu bạt dưới những mui thuyền vạn chài lơ đễnh trên khắp các dòng sông Việt…

Thiều viết văn xuôi với bản lĩnh của người thi sỹ. Truyện của ông tràn ngập chất thơ. Không phải sự cầu nguyện cho bất hạnh và tan vỡ của số phận con người. Văn ông ngợi ca sự chiến thắng của con người trước định mệnh và dù phải đắng cay như ngọn lửa cuối cùng vùi trong than bụi vẫn ấm nóng tình yêu cuộc sống. Đọc văn Thiều, đôi khi tôi sợ ông ấy vì cái lạnh lùng chỉ có ở những nhà tiểu thuyết mà thường các thi sỹ chẳng bao giờ có được. Ví như ông dằn lòng để cho người lính vội vã từ chiến trận trở về thăm vợ chỉ được hai lần ngắn ngủi một hai đêm trong đời mà cả hai lần đều không gặp được trong sự thảng thốt đến vô cùng của cả Hai người đàn bà xóm trại. Hoặc như người thương binh duy nhất còn sống sót sau hòa bình trở về quả đồi chiến tranh nơi cả đơn vị anh đã hy sinh. Nhưng cả hai người đàn bà thân yêu; một là người vợ không chịu nổi cô đơn và di họa chiến tranh phải lặng lẽ bỏ đi; một là người đang tiến dần đến tình yêu thương lại phải chết vì mìn. Đến con trâu người lính ấy thả về rừng cũng không đi nổi phải quay trở lại trong đêm để làm bạn với sự cô đơn và thiệt thòi của con người…

Quãng giữa năm 2010 trở đi, tôi thường đọc thơ Thiều nhiều hơn, gặp nhau trên giấy nhiều hơn là gặp ngoài đời. Bây giờ ông ấy là người lãnh đạo. Vẫn biết làm cái nghề văn mà có tí chức chỉ khổ thôi; chẳng ai muốn làm vì chẳng thể làm cho tác phẩm của mình hay lên được. Thi thoảng đến hội trường bé nhỏ chỉ bằng phòng họp của Ủy ban xã ở số 9 Nguyễn Đình Chiểu hay phòng mít tinh giống như rạp chiếu bóng của Bảo tàng Văn học Việt Nam 275 Âu Cơ. Ông đã được ban tổ chức xếp chỗ ngồi ở hàng ghế đầu. Từ những hàng ghế sau nhìn lên, thấy cái đầu ông ấy xung quanh tóc rậm và dày. Đặc biệt là ở phía sau gáy. Nhưng ở giữa đỉnh dường như lại có một khoảng trống thưa thớt nhỏ bằng lòng bàn tay. Tôi nhớ đến các đức cha bề trên thường có khoảng rừng thưa tự nhiên ở đỉnh đầu. Hoặc do một yêu cầu nào đó, nếu không phải là tự nhiên thì có lẽ được tỉa bớt hoặc cạo nhẵn cho cái khoảng trống ấy. Thời sinh viên. Một nhà triết học bảo tôi rằng đấy là nơi để các cha nghe rõ hơn lời mách bảo của thiên chúa và thường được đậy lại cẩn thận bởi một chiếc mũ tròn rất đặc trưng của đạo Gia tô khi hành lễ. Đương nhiên là Thiều không bao giờ đội chiếc mũ ấy. Tôi không hiểu khoảng rừng thưa ấy có liên quan gì đến khả năng tưởng tượng vô cùng mạnh mẽ bởi một trường cảm xúc rộng lớn vốn là thế mạnh của thơ ông so với nhiều thi sỹ khác cùng thế hệ. Ông thuộc về những gì vừa kỳ lạ vừa cổ xưa dân dã nhờ con mắt luôn nhìn thẳng vào người nói chuyện để thuyết phục. Và bộ râu con kiến dày sớm lốm đốm bạc đã kéo ông trở về với dáng vẻ thi sỹ còn ôm ấp nhiều vất vả và khổ đau. Ý chí không bao giờ mệt mỏi để theo đuổi đức tin của mình.

Thiều có một bộ sưu tập chân nến, chân đèn. Tôi không hiểu Thiều có bị ám ảnh cảnh người phải đội đèn đội nến suốt đêm được mô tả trong truyện nôm khuyết danh hồi thế kỷ 18 hay không? Bao cô gái làng quê thuở đó chẳng sợ phải đội đèn vì nhất quyết có ngày đón nhận được lương duyên? Thiều bảo, sẽ có một đêm đông nào đó đột nhiên tất cả các chân nến chân đèn cổ cũng như kim phát sáng. Mang về cái ánh lửa thiêng của nhiều thời đại. Suy nghĩ về sự bừng sáng của các chân nến không ngọn ấy càng làm cho Thiều giống một nhà truyền giáo mà bộ dạng bên ngoài ông mang lại.

Thiều đã được ngành công an cho sang bên kia bán cầu. Du học ở Cu Ba. Ông được tận hưởng nền văn hóa châu Mỹ La tinh đầy bản sắc hứng khởi. Nhất là nền văn hóa ấy lại được đốt lên bởi những xúc cảm cuồng nhiệt của một cuộc cách mạng với những lãnh tụ râu dài và đôi mắt đa tình đặc sắc. Ở Habana và Pinar del Rio, tôi đã thấy dân chúng yêu mến và treo ảnh Camilo, Che Ghevara, Phiden... như những ông thánh trước cửa chính mỗi ngôi nhà. Không hiểu cái chất man dại và hào hoa của nền văn minh ấy có ảnh hưởng gì đến thơ Thiều hay không? Chỉ biết rằng với vốn ngoại ngữ đã học được ở đó, Thiều có điều kiện gõ cửa tới các miền đất khác của văn hóa để làm đẹp những suy tưởng vốn là thế mạnh của thơ ông. Ông hiểu được vẻ đẹp thuần túy của ngôn ngữ xứ sở được mệnh danh là sương mù vốn nổi tiếng hài hước và giao thương hơn là thi ca. Mặc dù người ta không quên đấy là ngôn ngữ của William Shakespeare và Walt Whitman. Những điều tưởng như năm tháng nước chảy bèo trôi vô tình ấy, Cách mạng đã dành cho Thiều những công cụ rất cần thiết để có thể đi xa khi bước vào thi ca những năm cuối cùng của thế kỷ 20 đầy thử thách.

Lúc đầu tôi nghĩ Thiều đến với thi ca theo con đường của Nguyễn Bính. Những bài thơ đưa ông gia nhập làng thơ thuở ban đầu là tình mẫu tử, tình yêu tha thiết với quê hương. Dâng trà. Bây giờ đang cuối mùa đông. Nghe tiếng chim cuốc. Những con thuyền sông Đáy… Dâng trà, bài lục bát hiếm hoi của ông bùi ngùi Chiều quê một nửa mái nhà nắng đi. Có một người con dâng trà cho cha. Chén trà dâng lên bậc sinh thành để dứt áo đoạn trường đi theo con đường văn chương lập thân tối hạ. Một câu thơ bạc một ngày vô ơn. Cái làng quê Bây giờ đang cuối mùa đông nghe như hơi hướng năm nào Nguyễn Bính. Lại nghe tiếng pháo nổ trong ngõ nhà mình. Người con gái lấy chồng ở xóm Đình để Thiều phải tránh lối rập rình đón dâu khi mà ngàn lá dâu chưa biếc cho tằm nhả tơ theo màu nắng bên sông. Nhịp lục bát thắt lại trong nỗi bơ vơ vô cớ của chàng nhà quê Nguyễn Quang Thiều, y như Nguyễn Bính.

Thế rồi lại đến cuối đông
Làng bao cô gái lấy chồng… còn tôi?
Thực tế không có chữ nếu này, nhưng nếu cứ tiếp tục đi theo nguồn cảm hứng và cách phô diễn ấy, chắc Thiều cũng chỉ thêm một tiếng nói thân thuộc về làng quê Việt mà các bậc đàn anh thuở trước đằm thắm hơn nhiều. Nhưng thời cuộc và bản thân cá tính sáng tạo của nhà thơ đã không để ông yên phận với cái giấy thông hành nhập cuộc thông thường ấy. Sau những năm 1983-1986, Thiều tự chia tay với những cái đã có của mình để bước vào con đường tìm tòi mới! Sự mất ngủ của lửa được giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1993 như không chỉ nói hộ bản thân ông mà cho cả thế hệ ông đã tự mình không lặp lại ánh sáng huy hoàng của giai đoạn thi ca trước, mở ra cánh cửa để đi tới sự mất ngủ của thi ca trên con đường tìm tòi khám phá vẻ đẹp tâm hồn con người, khi mà lịch sử có những chấn động dữ dội về niềm tin và cái đích đi tới của toàn nhân loại. Cuộc sống đánh vào thơ muôn ngàn lớp sóng và Thiều đã cùng thế hệ mình không ngần ngại ngã vào lớp sóng ấy. Dù chưa biết cái gì xẩy ra ở phía trước.

Những năm cuối cùng của thế kỷ 20 gấp gáp như tràn sang thế kỷ 21, một thời đại đảo lộn các giá trị; thức tỉnh các dân tộc nhìn lại chính mình và những giá trị, nhất là những giá trị tinh thần đã dày công tạo dựng nên. Quốc gia mà hai lần Hiến phápViệt Nam trong lời nói đầu gọi là thành trì của cách mạng thế giới đổ sụp xuống không phương cứu chữa. Quốc gia mà mấy thế kỷ hùng mạnh và tưởng như ổn định nhất lại rung chuyển bởi khẩu hiệu của một người da đen. Không phải duy trì trật tự cố hữu cũ mà Hãy bỏ phiếu cho sự thay đổi. Thế giới phẳng đã lôi kéo những dân tộc bài ngoại ương ngạnh nhất vào trào lưu văn minh như Các Mác đã từng nói. Một loạt các giá trị đổ vỡ dưới chân những thành quách cũ. Một làn gió đổi mới tràn trề thổi trên khắp mặt đất. Giữa lúc đó, nhiều ý kiến cho rằng Thơ đang tự cô lập mình với thời đại. Rằng chữ trong thơ không cần mang nghĩa. Thơ đang lẩn tránh những vấn đề nóng hổi của cuộc sống. Tình ý thơ nghèo nàn nông cạn. Tuyệt đối hóa hình thức, coi đó là ngọn nguồn sáng tạo của thi ca. Rằng Thơ đang khủng hoảng. Tự đánh mất bản chất sáng tạo của mình bằng cách in ra hàng nghìn tập thơ nhạt nhẽo, không ai buồn đọc v.v… Nhưng có một thực tế khác mạnh mẽ hơn nhiều đã hiện diện trên thi đàn Việt Nam đáp ứng yêu cầu của thời cuộc. Một thế hệ đã mất ngủ cùng thời đại trên con đường cách tân và đổi mới thi ca.

Nguyễn Lương Ngọc (1958-2001) với Từ nước (1991), Ngày sinh lại (1991), Lời trong lời (1994)... Nhà thơ đã thỉnh một tiếng chuông vào thơ làm ta tỉnh giấc. Tôi thỉnh một tiếng chuông, kêu một tiếng chuông. Bên chùa sư nữ thở dài.Người tỉnh dậy tụng lần tràng hạt. Nghĩ thế nào lại thôi. Đồng Đức Bốn (1948-2006) với Con ngựa trắng và rừng cỏ đắng (1992), Chăn trâu đốt lửa (1992)… Bốn chỉ chăn trâu trên cánh đồng lục bát cổ xưa mà buộc người đời phải đi theo Đêm sông Cầu mới lạ. Đừng buông giọt mắt xuống sông. Anh về dẫu chỉ đò không vẫn chìm và Bốn đã rút trăng buộc lại con đò ấy. Dương Kiều Minh (1960-2012) với Củi lửa (1989), Dâng mẹ (1990), Những thời đại thanh xuân(1991)… Tôi vẫn nhớ cái miệng cười tràn đầy hy vọng của Minh giống như Trăng và nắng vốn là thứ ánh sáng muôn đời lại được nhà thơ thắp lên cho tên tuổi của riêng mình trong thơ. Trưa ngun ngút nắng đồng bằng. Bậc thềm giàn giụa trăng mỗi tối. Một thế hệ nhà thơ đã bước ra ánh sáng, mặc dù thành tựu của họ còn rất khác nhau. Gộp tất cả họ lại đã là một tiếng nói rất đáng kể trên thi đàn: Inrasara, Mai Văn Phấn, Vi Thùy Linh, Tuyết Nga, Đặng Huy Giang, Nguyễn Việt Chiến, Trần Quang Quý... và những người khác. Vẫn tiếng chuông chùa ấy, hai sợi dây lục bát ấy, vẫn trăng và nắng ngàn năm ấy nhưng họ đã nghĩ khác, cảm khác, cách nói khác… trong sự bộn bề lo toan và thôi thúc của những đêm thi ca thắp lửa vì không ngủ. Nguyễn Quang Thiều là khuôn mặt đáng kể và tiêu biểu nhất của thế hệ nhà thơ những năm cuối cùng của thế kỷ 20, mặc dù không phải tất cả các sáng tác của ông đều đã được dư luận đánh giá như nhau. Điều đó cũng là đương nhiên đối với hiện tượng Nguyễn Quang Thiều.

Đọc thơ Thiều, người ta chạm phải nỗi trăn trở đến đau đớn của ông trên những vấn đề thời cuộc và thời đại. Như là một cảm hứng chủ đạo. Vang lên âm thanh thảng thốt của tiếng chim đêm và ngân lên không dứt tiếng chuông của các giáo đường khắp mọi nơi về sự vươn tới của sứ mệnh con người.

Trong Lời cầu nguyện của thế hệ Nguyễn Quang Thiều đã nhóm lửa làm lễ đón bình minh theo cách khác.

Họ chạy trốn, không, họ chỉ nhóm lửa không giống
và thì thầm không giống
Không giống đóng cửa, không giống đốt đèn và
im lặng ngồi không giống.
Họ đi ngủ không giống. Nói mê không giống.
Thức dậy không giống
Họ chạy trốn, không. Họ chỉ không giống làm
lễ đón bình minh.

Thế hệ Thiều, các nhà thơ của thời kỳ đổi mới đâu phải ngoảnh mặt với thời cuộc, đâu phải dấn thân vào kinh thánh và những lời sấm truyền khó hiểu. Đâu phải đào bới dục vọng và mê sảng hư vô. Họ khát khao tin yêu và nhận diện con đường của niềm tin dù chỉ là ánh sáng cuối ngày hắt qua khe cửa. Những u mê trôi kín cả chiều vàng. Ta khao khát nhìn thấy ta trong vệt sáng cuối ngày hắt qua khe cửa. Có lẽ nào đó là đường nhân loại. Đó là niềm tin sót lại trên đời.Đọc Châu Thổ, Thơ tuyển lần thứ nhất của Thiều người đọc như chạm vào lửa nóng những vấn đề về triết lý nhân sinh mà thời đại đang đặt ra.

Đó là Tiếng chim cuốc trên đường xưa cỏ nát khi muỗi bay như ném cát vào trong ngõ, cả thế hệ tuổi hai mươi không ngủ bởi những bờ tre gầy rạc tiếng cuốc gọi quê hương. Đó là những người đàn bà góa bụa trên những con đường xa tít loang lổ gió sau những năm chiến tranh như thời gian lặng lẽ chảy vào chiếc bình gốm khổng lồ của lịch sử; bầu vú của họ trở nên mệt mỏi và lơ đãng trong tiếng gọi mê mẩn nồng mùi thuốc lào đàn ông và ruộng đồng ngai ngái mùi châu thổ để người thi sỹ khóc thầm cho Những ví dụ vĩnh viễn ra đi. Đó là sự sám hối của kẻ xâm lược đã bóp cò hai mươi năm về trước để viên đạn chết người vẫn còn bay cho đến bây giờ. Đó là bóng ma chiến tranh hăm dọa và bao vây cả những lời nguyện cầu cho bình yên bên trong thánh đường bao bọc bởi những con đường chuyên chở vũ khí ở xứ sở cồn cào cát bỏng. Đó là trái đất đang nóng lên từng độ mà trái tim con người cứ lạnh dần đi và nhân loại đang uống rượu trong bình đau khổ khi vầng trăng như chiếc khuy đồng, có thể nào sắp dứt ra khỏi áo để không còn mảnh vải che nhau làm đường chân trời run rẩy nhịp thời gian giữa mặt đất khổ đau và bầu trời hạnh phúc. Đó là những người đàn bà gánh nước sông và lũ trẻ cởi truồng chạy theo mẹ lớn lên để vác cần câu và những cơn mơ biển ra khỏi nhà lặng lẽ; con cá thiêng quay mặt vào những trang cổ tích khóc dầm dề kể về văn hóa cổ xưa không bao giờ mất. Đó là một thời lịch sử biến động và đầy bất trắc. Những đền chùa gục ngã trước những pho kinh phản bội bồ đề… Tiếng hề cười băm chả những u mê. Đó là Nhân chứng của một cái chết mô tả sự tràn ngập của lụt lội cùng với sự đổ vỡ từ bên trong và sự phục hồi.

Nhưng cao hơn tất cả là tiếng nói của sự sống, của một cuộc đổi thay vĩ đại. Đó là Lời trăn trối của tương lai. Trái đất sẽ kết thúc bằng sự tự bóc vỏ. Những ngọn gió thế kỷ sau ùa về để lịch sử tìm thấy mảnh gốm vàng cho nhà thơ cắt rốn một cuộc sinh nở tràn đầy hy vọng. Một cuộc đổi đời đang đến với những học sinh mới và thầy giáo cũ, với bình minh đang lên. Đó là nhịp điệu châu thổ mới khi ánh nến của hy vọng đã không thể tắt qua khổ đau mà được đốt sớm hơn mọi thế kỷ trước. Và ở đấy râm ran tiếng gọi, tiếng thì thào của đời sống mới, của sự khua vang bát đĩa, củi khô và ấm đun nước, của âm nhạc tưng bừng mở những mùa hoa nến. Nhà thơ như cậu bé đi gọi linh hồn của đất. Nhân loại thức dậy và rút những chân hương ra khỏi ngực mình. Có ai đó đi cùng tôi vào mùa hạ năm ấy đến giáo đường thánh St. Peter đã nói rằng ông ấy cũng có cảm giác như Thiều ở Thánh đường Thomas More khi mà những người Thiên chúa giáo, Hồi giáo, Phật giáo cùng cất tiếng nguyện cầu dưới sự chỉ đường duy nhất của chúa tể nhân loại là chính con người.

Nguyễn Quang Thiều nằm trong số ít các nhà thơ hiện đại Việt Nam cảm nhận sâu xa quan niệm vạn vật hữu linh từ trong truyền thống tín ngưỡng dân gian, tôn giáo đến sáng tạo các hình tượng văn học gắn bó với số phận con người bằng tất cả cung bậc tình cảm gần gũi nhất. Những sinh vật nhỏ bé và thân thuộc như giun đất, dế, chó đến con bò, một đám cỏ bạc tóc hay một trái cây lặng lẽ chín trong vườn… Tất cả đều như run rẩy những âm thanh về số phận con người. Tất cả chúng cùng với con người đã đứng dưới bầu trời này cầu nguyện cho hạnh phúc an bình từ rất lâu trước khi các thánh đường được xây cất trên mặt đất. Vâng. Thiều cũng như thế hệ của ông, các nhà thơ của thời kỳ đổi mới đã trang trọng thắp lên những cây nến ngà mở đường cho những ước mơ sinh nở và những khát vọng sáng tạo. Họ đang đi và sẽ còn đi trên con đường cách tân của thi ca Việt Nam.

Bây giờ là cuối mùa đông của thế kỷ này
Chúng ta đang đi hết con đường này
Chúng ta đẹp như ban mai, đầy ước mơ sinh nở
Ý nghĩ ấy vụt qua, bầu trời chợt mở
Chúng ta như hai cây nến ngà vừa được thắp lên.


Những thi phẩm hay nhất trong sự nghiệp của Thiều lại là những bài thơ viết về cố hương. Số bài đó có thể xếp vào những bài thơ hay của thế kỷ 20 cùng với các nhà thơ hiện đại khác. Sông Đáy. Đàn chó của tôi. Bài hát về cố hương. Hồi tưởng tháng tư-mùa hoa Loa kèn. Chiếc bình gốm… Ở đây, Nguyễn Quang Thiều đã kết hợp được nhiều thế mạnh của thi sỹ ở sự độc đáo và mới lạ trong cảm xúc và hình tượng, sự sung mãn và trí tưởng tượng vô cùng mạnh mẽ trên những chủ đề bình dị nhất. Hồi tưởng tháng tư và Bài hát về cố hương là điển hình cho những phẩm chất ấy. Điều này cũng lý giải vì sao hàng trăm bài viết và một số công trình lý luận dài hơi khi trích dẫn Nguyễn Quang Thiều đều lấy Bài hát về cố hương. Cố hương là đề tài truyền thống không biết có biết bao nhà thơ từ cổ chí kim đã viết. Đặc biệt thành tựu là thơ phương Đông. Vậy mà Thiều sản sinh ra một bài thơ hay với cái kết thật đặc sắc làm cho cái nhỏ bé tầm thường nhất, rất tầm thường, chỉ như con chó nhỏ mà mang về ý nghĩa sâu xa đâu cần phải lên giọng hô phong hoán vũ. Tôi xin ở kiếp sau làm một con chó nhỏ. Để canh giữ nỗi buồn - báu vật cố hương tôi. Đâu có phá cách. Đâu có thơ dịch. Con vằn nhà nông xuế xóa ngại nuôi đã ở trong thơ Ức Trai tự lâu rồi. Cũng như Tháng mười.Chỉ tháng mười ở vùng châu thổ sông Hồng, khi lúa đã gặt xong và mùa thu đang đến, mỗi người thành thị ở xứ Bắc đều có một người nhà quê trong máu thịt bao đời truyền lại. Bởi Những ngọn khói trẻ chăn trâu đốt rạ trên cánh đồng sau vụ gặt. Thở vào ta hương vị tháng mười…

Thơ hay như người con gái đẹp. Ở đâu, đi đâu cũng lấy được chồng. Dĩ nhiên là người con gái đang tâm sự thầm với chúng ta ở đây đã lấy được chồng rồi. Nhưng. Vì sự mất ngủ của thi ca. Thơ Thiều lại bước lên thi đàn với dáng vẻ mới. Tôi muốn nói tới những bài thơ dài mà chưa bao giờ Thiều gọi là trường ca cả. Tập Châu Thổ có chừng 6 bài.Nhịp điệu châu thổ mới. Chuyển dịch màu đen. Hồi tưởng. Nhân chứng của cái chết. Bài ca chim đêm. Cây ánh sáng.Một số ý kiến trong hội thảo giữa 2012 cho rằng: đọc thơ Thiều như đi vào mê sảng của những ý nghĩ, những điểm chưa nói hết, lập lờ, nhiều bè, nhiều tầng bậc, tình tiết, thủ pháp lạ hóa và ẩn dụ kép. Thú thật là thấy nặng nề. Không chỉ trong thơ dài, cả trong thơ ngắn ngày càng vơi đi chất lãng mạn, hoang dại .v.v… Những nhận định trên đây có lẽ chủ yếu dành cho thơ dài. Tôi cho rằng đó là lĩnh vực vẫn còn nhiều thử nghiệm của ông. Hầu như không có cốt truyện là điều mà nhiều người hay làm và có vẻ để dễ theo dõi hơn. Thơ dài của Thiều là những bức tranh đa dạng, nhiều màu sắc trên toàn nền màu trầm để mô tả những luận đề của suy tưởng và những trận bão của cảm xúc. Không phải không có những câu thơ lấp lánh. Những hình tượng đột xuất và thậm chí cả một bài thơ hay trọn vẹn nằm trong số những bài hay nhất của Thiều. Ví như Hồi tưởng tháng tư. Tuy nhiên với Nhịp điệu châu thổ mới dài 7 chương, Nhân chứng của một cái chết dài 19 khúc… Không phải là điều dễ dàng đối với số đông công chúng đọc thơ hiện nay. Thiều lại hay sử dụng thủ pháp nghệ thuật xếp hàng những hình tượng đa chiều của một hiện tượng, một cảm xúc liền kề nhau. Giống như việc đặt liên tục các luận đề về một sự vật, hiện tượng cạnh nhau có thể gây cho người đọc cơn sốc của cảm xúc.

Tôi không hiểu dùng từ luận đề đã chính xác hay chưa, nhưng bằng cách đó Nguyễn Quang Thiều đã công khai đề xướng một khuynh hướng biểu cảm khác hẳn, chưa bao giờ có trong truyền thống thơ phương Đông, vốn cổ súy cho chủ trương ý tại ngôn ngoại, hàm súc, triệt để sử dụng những thủ pháp ước lệ, biểu trưng. Thơ dài của Thiều để cảm xúc trần trụi dâng trào lên… Bắt buộc người ta không thể ngân nga thư thái được. Rằng hay thì thật là hay. Nhưng tôi đã gặp sự nhấn mạnh liên tiếp như thế trong tác phẩm triết học của các nhà kinh điển. Thơ Thiều không phải là tác phẩm triết học, nhưng một số bài thơ dài lẫn ngắn ông lấy xuất phát điểm từ góc nhìn của nhà triết học. Có người hỏi Nguyễn Tiên Điền khi viết truyện Kiều cũng đã từng xuất phát từ luận đề mang tính triết học? Trăm năm trong cõi người ta/ Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau? Tôi cho rằng Nguyễn Du coi thuyết tài mệnh tương đố chỉ là…cái cớ mà thôi. Tư tưởng sáng tạo nghệ thuật của ông là ở hai câu tiếp theo. Ở đó có sự gắn bó không chia cắt của chủ nghĩa hiện thực và chủ nghĩa nhân đạo. Động lực để đi đến tuyệt tác Đoạn trường tân thanh. Trải qua một cuộc bể dâu/ Những điều trông thấy mà đau đớn lòng. Tôi suy nghĩ điều này trong liên hệ với một nhận xét đầy hóm hỉnh và kín đáo của nhà thơ Hữu Thỉnh: Thơ Thiều trước đây hay không giải thích được. Bây giờ hay có thể giải thích được. Nhẹ nhàng vậy thôi nhưng chạm tới cốt cách của Thơ khác so với các thể loại khác. Phải chăng đó là tính tự nhiên?

Đọc thơ dài của Nguyễn Quang Thiều, tôi nghĩ sự mất ngủ vì thi ca của thế hệ ông còn chưa dứt. Không chỉ 10 năm cuối cùng của thế kỷ 20 mà tràn sang cả thế kỷ mới. Nhìn lại sự bùng nổ của Phong trào Thơ Mới những năm 30 chỉ diễn ra trong 10 năm nhưng thực ra đã âm ỉ từ 30 năm trước. Cũng như 10 năm thơ chống Mỹ (1964-1975) rực rỡ là thế cũng được chuẩn bị từ rất lâu trước đó và được kéo dài khoảng 20 năm sau chiến tranh. Với những thành tựu đã có, thế hệ của Thiều còn đang phải đi tới giai đoạn nở rộ các tập thơ hay vượt trội với các phong cách thơ độc đáo, có tầm vóc. Phải chăng là chậm trễ? Không. Không chậm chút nào vì tất cả những vấn đề rộng lớn làm thành đặc điểm của nền tảng văn hóa và xã hội, quy mô của những vấn đề về triết lý nhân sinh mà thời đại đang đặt ra cho thế hệ thi sỹ cùng thời với Nguyễn Quang Thiều? Thế hệ của Thiều sẵn lòng tự mình làm chân nến chân đèn giống như nhân vật trong truyện nôm khuyết danh thế kỷ 18 để thắp lửa chào đón cuộc lương duyên, chào đón một thời đại mới của thi ca, khi mà các thi sỹ của thời đại chúng ta đều phát sáng giống như những chân nến chân đèn đều thắp lửa cho một cuộc hội ngộ văn chương. Không hiểu lúc đó thi sỹ Nguyễn Quang Thiều có còn giữ lại chân nến chân đèn nữa hay không, hay là tự nguyện lau chùi chúng bóng loáng như ông cố đạo năm nào rồi đem hiến vào một giáo đường nào đó ở xứ đạo nghèo Sơn nam thượng quanh năm gió thổi.


Con đường sáng tạo: Con đường tự thể hiện





Con đường tự thể hiện

Niềm hân hoan tối thượng của cuộc sống không nằm trong của cải tiện nghi.

Niềm hân hoan tối thượng của cuộc sống hệ tại khả năng, trạng thái, tư thế, thời đại. “Mi hãy trở nên con người của chính mi” (Deviens ce que tu es) không những là một mệnh lệnh tuyệt đối mà còn là một diễm phúc tối cao.

Chất liệu đầu tiên hiến dâng cho kẻ sáng tạo chính là bản thân.

Viết khởi đầu là một cách tự hiện mình, sau đó là cách phát hiện mình và cuối cùng là cách sáng tạo mình. Lý tưởng của cả ba tiến trình đó là thể hiện cái “Tôi” chân thực. Song cái “Tôi” lý tưởng đó không thể là một cá thể đơn lẻ. Cái “Tôi” lý tưởng mà kẻ sáng tạo hướng tới phải là cái “Tôi vũ trụ” (Moi cosmique). Qua tất cả mọi lao khổ sáng tạo, hắn phải học cách nhìn lại tất cả mọi sự bằng “Con mắt vũ trụ”, phải khôn ngoan nhận thức được rằng có một thị kiến khác ở trên thị kiến khác, phải khiêm tốn nhận định rằng hắn chỉ là một dòng sông nhỏ của một mạch nguồn mãnh liệt, phải hân hoan nhận chân được rằng hắn chỉ là một thành phần trong một toàn thể, một dụng cụ trong tay những sức mạnh siêu nhiên: Qua tôi Đấng Sáng Tạo hành động, qua tôi Đấng Sáng Tạo nói. Tôi là một cá thể và đồng thời một tập thể, một người và đồng thời một đám đông. Tôi là một phiến lá trong ngàn cây rậm lá. Hãy trồi lên, hỡi gió. Tôi sẽ rung và sẵn sàng giao chuyển nhịp nhàng. Tôi là hôm nay, hôm mai và đồng thời hôm qua. Hãy tuôn chảy ào ạt qua tôi, hỡi vĩnh cửu! Tôi đang sống như đã sống tự nghìn thu và sẽ còn sống mãi đến thiên thu.

Khúc quanh tất yếu mà bất cứ nhà văn đích thực nào cũng phải đi tới trên bước đường sáng tác là sự khẳng định mình, kẻ duy nhất trên đời mà hắn biết một cách xác thực, kho tàng duy nhất mà hắn độc quyền khai thác. Đó là lúc hắn sáng suốt nhận ra và đồng thời hoàn toàn chấp nhận con người mình. Rất bằng lòng, rất đủ “Tới một điểm nào đó trong cuộc đời tôi, tôi quyết định rằng từ nay tôi viết về chính tôi, bằng hữu của tôi, kinh nghiệm của tôi, điều tôi biết và điều chính mắt tôi đã thấy. Bất cứ điều gì khác, theo ý tôi, chỉ là văn chương và tôi không tha thiết với văn chương. Tôi còn nhận thức được rằng tôi phải học cách bằng lòng với cái ở trong tầm tay tôi, trong phạm vi của tôi, sự hiểu biết của riêng tôi. Tôi học cách không mắc cỡ về mình, tha hồ tự do nói về mình, quảng cáo mình, chen vai thích cánh khi cần thiết.” (At a certain point in my life I decided that henceforth I would write about myself, my friends, my experiences, what I knew and what I had seen with my own eyes. Anything else, in my opinion, is literature and I am not interested in literature. I realized also that I should have to learn to content myself with what was within my grasp, my scope, my personal ken. I learned not to be ashamed of myself, to talk freely about myself, to advertise myself, to elbow my way in here and there when necessary – Henry Miller) Tóm lại:

Tôi hiện hữu như tôi hiện tại, thế là đủ rồi.
Dầu không một ai trên cuộc đời này ý thức được rằng tôi đang an nhiên tự tại.
Và dầu cho mỗi và tất cả mọi người ý thức rằng tôi đang an nhiên tự tại.

(I exist as I am, that is enough.
If nother be aware I sit content.
And if each and all be aware I sit content)
Walt Whitman, “Song of myself”.

Nhưng nếu là kẻ sáng tạo, hắn còn phải biết thực hiện một hành động ngược lại, hắn phải biết coi thường hắn, còn phải biết phủ nhận chính con người của hắn nữa. “Tất cả lòng hăng hái chuyên cần của tôi và tất cả sự hờ hững lạnh lùng của tôi, tất cả sự tự chủ của tôi và tất cả khuynh hướng tự nhiên của tôi, tất cả lòng can trường của tôi và tất cả sự run sợ của tôi, mặt trời của tôi và sấm sét tung ra từ một vòm trời đen tối của tôi, tất cả tâm hồn và trí tuệ của tôi, tất cả khối đá hoa cương nặng trĩu và trang trọng của cái “Tôi” của tôi, tất cả những thứ đó đều có quyền nhắc đi nhắc lại không ngừng: “Thây kệ tôi là gì thì là!” – Nietzsche (Toute mon ardeur laborieuse et toute ma nonchalance, toute ma maîtrise de moi-même et toute mon inclination naturelle, toute ma bravoure et toute mon tremblement, mon soleil et ma foudre jaillissant d’un ciel noir, toute mon âme et tout mon esprit, tout le granit lourd et grave de mon “Moi”, tout cela a le droit de se répéter sans cesse: “Qu’importe ce que je suis!” – Vonlonté de Puissance, II, 4: 4 - 612).

Tôi phải vượt qua cái “ngã ” giả tưởng.

Vượt qua cái “Tôi” và cái “Anh”! Cảm thức một cách vũ trụ! (Dépasser le "Moi” et le “Toi”! Sentir de façon cosmique!) Nietzsche.

Tất cả mọi cá thể đều tham dự vào toàn thể của hữu thể vũ trụ. Cá thể không phải là kết quả mà là tổng số của cuộc tiền hữu. Nó cũng không phải là nhân mà chỉ là trợ duyên cho cuộc sống vị lai.

“Meurs et deviens.”

“Hãy chết đi và tựu thành!” Tâm hồn kẻ sáng tạo sẽ là một chiến trường ghê gớm nơi giao tranh của tất cả những sức mạnh truyền thống, luân lý, xã hội…, những sức mạnh phi ngã với tự ngã. Cuộc chinh phục tự ngã là một chiến thắng lớn lao trên đường tự thể hiện.

“Và chừng nào mi chưa hiểu thấu câu “chết đi và tựu thành”, thì mi sẽ chỉ là một khách lạ tối tăm trên trần gian u tối”. Goethe, Divan occidental – oriental.

(Et tant que tu n’aurais pas compris ce “meurs et deviens”, tu ne seras qu’un hôte obscur sur la terre ténébreuse).

Kẻ đã xô đổ những vật chống đỡ bên ngoài, đã giết chết “con người – người ta” của mình, tự tay xây dựng nơi ẩn trú của mình không còn là một khách lạ tối tăm bơ vơ trên trần gian u tối nữa, hắn trở thành chủ nhân căn nhà của hắn, chủ nhân cuộc đời hắn.

Nhà ta, ta ở lấy,
Theo người, ta chẳng chạy,
Ta cười các bực thầy
Không biết cười mình vậy.

(Nietzsche - Ngô Trọng Anh dịch theo bản Pháp ngữ của Alexandre Vialatte).

J’habite ma propre maison.
N’ai jamais imité personne.
Et me suis moqué de tout maitre,
Qui ne s’est moqué de soi.

Nhưng cái nhà là nhà của ta, do chính tay ta làm ra đó, ta phải xây dựng ở đâu: bằng gì? Dĩ nhiên không thể ở bên ngoài và bằng những chất liệu giả tạm. Ngôi nhà an trú cho mình và đồng thời cho mọi người đó chỉ có thể có trong lòng người thấu suốt, giải thoát, bao la, tam thường bất túc nhưng tự túc mãn kẻ như đại sư Milarepa:

Biết một điều ta cảm nghiệm được mọi điều:

Biết mọi điều ta hiểu chúng là một;

Ta đã cảm nghiệm thực tại chân thực;

Cái giường chật hẹp của ta đủ cho ta duỗi dài và nằm cong queo như con tôm một cách thoải mái;

Bộ quần áo mong manh đủ khiến thân thể ta ấm;

Chút ít đồ ăn đủ thỏa mãn dạ dầy ta;

Ta là mục tiêu của mọi tư tưởng gia vĩ đại;

Ta là chốn tụ hội của tín đồ;

Ta là chỗ quanh co của sinh tử và hư hoại;

Ta chẳng thích bất cứ xứ sở nào;

Ta chẳng có nhà cửa ở bất cứ nơi nào;

Ta chẳng tích chứa thực phẩm cho sự sinh sống của ta;

Ta chẳng ham muốn của cải vật chất;

Ta chẳng phân biệt đồ ăn sạch với dơ;

Ta chẳng bị đau khổ giày vò bao nhiêu;

Ta chẳng thích tự mến mộ mình bao nhiêu;

Ta chẳng buộc ràng hay thành kiến bao nhiêu;

Ta đã tìm thấy tự do giải thoát của Niết Bàn;

Ta là người an ủi kẻ già nua;

Ta là bạn chơi của trẻ em;

Hiền giả, ta lưu đãng qua những vương quốc của trần gian.

Ta cầu cho người và thần thánh được an trú tịnh yên.

Knowing one thing I have Experience of all things;
Knowing all things I conprehend them to be one;
I have experience of true reality;
My narrow bed gives me ease to stretch and bend;
My thin clothing makes my body warm; my scanty fare satisfies my belly.
I am the goal of every great meditator;
I am the meeting place of the faithful;
I am the coil of birth and death and decay;
I have no preference for any country;
I have home in any place;
I have no store of provisions for my livelihood;
I have no fondness for material things;
I make no distinction between clean and unclean in food;
I have little torment of suffering;
I have little desire for self-esteem;
I have little attachment or bias;
I have found the freedom of Nirvanna;
I am the comforter of the aged;
I am the playmate of children;
The sage; I wander through the kingdoms of the world.
I pray that ye men and gods may dwell at ease.

(Milarepa, The Message of Milarepa)

Không những nguyện cầu cho người và thần thánh được an nhiên tự tại, kẻ thực hiện được Chân Ngã còn cầu nguyện cho toàn thể vạn vật được dự phần yên vui:

“Xin nguyện cầu cho vạn vật được hạnh phúc, xin nguyện cầu cho vạn vật được thanh bình: xin nguyện cầu cho vạn vật được hưởng chân phúc.”

(Vivekananda).

Cái ta nhỏ bé đã chết, hay đúng hơn đã thể nhập được vào cái TA tịch nhiên bất động giữa Thiên Nhiên:

TA TĨNH TỊCH

Ta tĩnh tịch tịnh yên,

Thong dong tồn lập giữa Thiên Nhiên

Vương chúa của mọi vật

Hoặc Nữ Vương của mọi đồ

Hoặc Hoàng Đế của doanh hoàn thảy thảy

Tự như tự tại trầm chước vô ngần tại trung tâm cháy bỏng của mọi mọi thứ hỗn độn nhà ma, trớ trêu của qủy

Ta cũng chan hòa tiêm nhiễm mù sương như chúng

Ta cũng lai láng rớt hột thụ động giang hà, đón nhận hoang liêu như chúng

Ta cũng lặng im như chúng.

Nhận thấy công việc của ta, chức nghiệp của ta và nghèo nàn và danh vọng và nhược điểm và tội lỗi và mọi mọi khác khác của ta, thật chẳng quan trọng chi nhiều như ta vốn đã tưởng.

Ta mình ta mẩy, ta thể ta thân, ta thần hồn, ta linh phách, ta lách lau, ta cồn lá, ta cá chim, ta kim tuyền, ta phiền sương hoàng lục thạch, ta song lạch hoàng hạc lâu, ta sơ đầu hoàng lục ngọc, ta dọc dọc hồng lựu ngọc ngang ngang, ta hai hàng đi bước chân chữ bát, ta bình trác cầm đơn nhẫn loan đao, ta chiêm bao thủ trì lục ngọc trượng, ta phương trượng mở bài phương tiện cầm Kim Xà Kiếm rạch đường dọc trên mình mẩy Nữ Thí Chủ Tam Cô Nương, ta lên đường ô lữ vân mồng gieo hai hàng song song lựu tử thạch, ta khai khải anh thần bên trường phát phi kiên, ta khải phát uy quyền bên trường quần vén xiêm duệ địa.

Me toward the Mexican sea.

Ta hướng thân phiêu bồng về phương mây Mễ Tây Cơ đại hải.

Hoặc trong miền rộng rãi Mannahatta,

Hoặc ngoài cõi đằng la Tennessee,

Hoặc giữa một vùng Thanh Cấm Nguyệt phiêu du,

Hoặc hư phù phương Nam phương Bắc

Hoặc ra ngoài bờ tỳ hải réo rắt

Hoặc vào trong lục địa ngủ một trận năm châu

Ta một con người con Giòng Sông Bất Tận

Ta một con kẻ con Triều Động U Sương

Ta một con ma lên đường con gào kêu con Hắc Quỷ

Ta một con mọi túy lúy con thượng thặng huyền lâm bên thừa dư con rừng tía

Ta một con gấu mỉm miệng cười bên tổ mật hoàng phong

Ta một con beo hoặc là một con cọp

Ta một con cọp hoặc là chẳng một cọp chi mô

Ta một con sư tử kim mao u buồn nữ sư vương ủ rũ.

Ta làm thơ thi sĩ màu chanh mọc tam sư muội cô nương

Ta viếng thăm thôn trang tại thôn làng thang lang nông trại

Ta thăm viếng một con người là con kẻ chính ta

Ta con người Trường Giang con ma Đại Hải

Ta con kẻ của lâm tuyền sơn thụ

Hoặc con của sinh hoạt nông trại thôn trang

Hoặc của sinh bình nông trang thôn trại

Hoặc của sinh lý thôn trại nông trang

Hoặc của một nàng mùa thu mang trong mình một trang quốc sắc

Hoặc của một nương tử mùa xuân vòng tay học trò mang tứ chi tìm đông phương thị hậu

A river man, or a man of the woods or any farm-life these States or of the coast, or the lakes of Kanada.

Ta thế là ta tràn làn khắp cõi, từ thôn trại sinh hoạt xứ sở nọ, tới miền duyên hải hoặc giang hồ non nươc Kanada kia.

Ta như vậy là suốt miền ta tại hoạt, tại sinh tại bình, tại bối bất cứ nơi nào cuộc sinh bình ta được sống, ôi được sống mọi bình sinh giữa cuộc! Ôi được cuộc mọi sinh được sống mọi trong cơn… Ôi được tự tại như tự ta đong đưa tự mình tự mẩy, tha hồ cho mặc sức xô đẩy mọi phù động ngẫu nhĩ ngẫu nhiên.

Ta mọi phi tuyền về trong cơn chót vót,

Ta mọi con chim ca hót về tĩnh dạ thâm canh,

Ta mọi thập thành thuần thanh công lực, về trong bão táp đêm tăm,

Ta mọi ăn nằm chịu chơi trong từng cơn đói rét,

Ta mọi hiu hắt trì thủ trước mọi lếu láo lố bịch làm thơ,

Ta mọi bất ngờ đổ ra mọi tai ương tai ách,

Ta mọi đường rạch giữa mọi dọc mọi ngang, mọi trở ngăn mọi tỏa chiết,

Ta mọi kỳ tuyệt giữa mọi gò đống ngổn ngang,

Ta mọi một hàng giữa mọi đoạn nhiên nhi cự tuyệt,

Như y hệt ta là ta như thế, như mọi cây cối và thú vật mọi như như.

Walt Whitman, Leaves of grass.
Bùi Giáng dịch trong Sương Bình Nguyên [1]

Me Imperturbe
Me imperturbe, standing at ease in Nature,
Master of all or mistress of all, aplomb in the midst of irrational thing,
Imbued as they, passive, receptive, silent as they,
Finding my occupation, poverty, notoriety, foibles, crimes, less important than I thought,
Me toward the Mexican sea, or in the Mannahatta or the Tennessee, or far north or inland,
A river man, or a man of the woods or of any farm-life of these
States or of the coast, of the lakes or Kanada,
Me wherever my life is lived, O to be self-balanced for contingencies,
To confront night, storms, hunger, ridicule, accidents, rebuffs, as the trees or animals do.

Bên ngoài, kẻ đã thể hiện được CHÂN NGÃ có thể đón nhận mọi đói khát, giông bão, đêm tối, khước từ, nhục nhã… đó là nơi giao hòa của mọi sự. Mặt hắn như mặt đất, không chối từ một điều gì thì lòng hắn cũng như lòng đất có thể dung nạp và hóa giải được tất cả: đó là nơi chuyển tính mọi sự.

CÁCH NGÔN

Cứng rắn và dịu dàng, thô bạo và tế nhị,
Thân mật và xa lạ, nhơ bẩn và tinh khiết,
Nơi hẹn hò của những cuồng nhân và hiền nhân,
Ta là tất cả điều đó, ta muốn là điều đó,
Vừa là bồ câu, rắn rết đồng thời là lợn heo.

LE PROVERBE DIT:

Apre et doux, grossier et fin,
Familier et étranger, malpropre et pur,
Rendez-vous des fous et des sages,
Je suis tout cela, je veux l’être,
Tout à la fois colombe, et serpent et cochon.
Nietzsche,Tri Thức Hân Hoan

“Thiên tài không có cá tính”, Keats đã viết như vậy trong một thiên khảo cứu về Shakespeare. Cũng vậy, kẻ đã thể hiện được Chân Ngã không có tên. Đó là một hài nhi mới chào đời, chào đời mỗi ngày nên chẳng bao giờ kịp làm giấy khai sinh, tim tươi hồng và mới mẻ như mặt trời mỗi buổi mai mỗi mọc. Có thể gọi tên nó là hân hoan?

NIỀM HÂN HOAN NGÂY THƠ

“Ta không có tên:
Ta ra đời mới có hai ngày.”
Ta sẽ biết gọi ngươi bằng gì?
“Ta hân hoan,
Hân hoan là tên ta.”
Cầu cho hân hoan ngọt ngào ở mãi cùng người!
Niềm hân hoan xinh!
Niềm hân hoan ngọt ngào mới được hai ngày,
Niềm hân hoan ngọt ngào là tên ta đặt cho người:
Ngươi mỉm nụ cười
Khi ta ca hát
Cầu cho niềm hân hoan ngọt ngào ở mãi cùng người.

INFANT JOY

“I have no name:
I am but two days old,”
What shall I call thee?
“I happy am,
Joy is my name.”
Sweet joy befall thee!
Pretty joy!
Sweet joy but two days old,
Sweet joy I call thee:
Thou dost smile,
I sing the while
Sweet joy befall thee.
William Blake, Songs of Innocence.

HÂN HOAN, ta là HÀI NHI HÂN HOAN!

Kẻ sáng tạo khẳng định như vậy.

“Ta có trách nhiệm về số mạng ta, ta là kẻ đem điều thiện đến cho ta, ta là kẻ đem điều ác đến cho ta. Ta là đấng Thanh Khiết và hưởng Chân Phúc” vì ta hiểu thế nào là Chân Ngã, thế nào là Chân Pháp.


NGUYỄN HỮU HIỆU
3 Tháng mười Canh Tuất, ngày cuối cùng ở Hoàng Hạc Lâu.

Mi muốn bao giờ bay lên cũng được, hạc vàng!

Kiên nhẫn là tất cả.

Hãy khoan thai, hãy tin tưởng,

Hãy chín!

Đừng mang cho đời những trái xanh đắng chát chua non, những bông hoa hàm tiếu úa tàn,

Đừng cho đời nếm những đau khổ chưa sâu, những hân hoan chưa cao, những hận thù chưa vơi, những yêu thương chưa đầy,

Đừng cho đời biết những đam mê chưa tỉnh, những thao thức chưa mê, những tuyệt vọng chưa cùng, những khát vọng chưa hết,

Đừng cho đời thấy những niềm tin chưa xanh, những hy vọng chưa đỏ, những ngày tháng chưa thiêng, những thần tượng chưa đổ,

Đừng cho đời hay những tội lỗi chưa giải, những mê cung chưa thoát, những địa ngục chưa khép kín cho trần gian, những thiên đàng chưa mở rộng cho loài người,

Và đừng nói về những con sông đục ngầu phù sa không phảng phất xanh mầu biển mẹ, cũng đừng nói về những nẻo đường nghẽn lối không thênh thang lồng lộng bóng TA về

giải thoát bao dung.

Phải sống và nói về ĐỜI như một TOÀN THỂ, về TA như một thành phần và về TA như là TÂT CẢ.

vô thủy, vô chung
hủy diệt và hồi sinh trong từng
hơi thở mảnh.
TAT TVAM ASI
NGƯỜI LÀ CHÂN NHƯ

OM TAT SAT
TA LÀ ĐẰNG ẤY

Kẻ sáng tạo khẳng định như vậy.

Đó là sự sáng tạo tối thượng mà mỗi người và tất cả mọi người phải thực hiện. Vì sáng tạo là sống và sống là sáng tạo

Sáng tạo miên man.




[1]Quế Sơn Võ Tánh, 1969, tr. 203-208

Nguồn: Quế Sơn Võ Tánh ấn hành lần thứ nhất 1971, Hồng Hà ấn hành lần thứ hai 1973 tại Sài Gòn. Bản điện tử do talawas thực hiện. Bản đăng trên talawas với sự đồng ý của dịch giả.


Thứ Sáu, 1 tháng 8, 2014

Dân chủ không phải là tự do – Một số trích dẫn phản đối dân chủ




Featured image: Romuva

“Dân chủ? Tôi chả muốn một cái hệ thống vận hành dựa trên tiền đề rằng các quyền của tôi không tồn tại đơn giản chỉ vì tôi là thiểu số.” — R. Lee Wrights

“Người ta ngu tới nỗi không thể quản lý được chính họ, nhưng bỗng nhiên có đủ thông minh để bầu ra một nhóm người để cai trị tất cả.” – Khuyết danh

“Đa số bị áp bức cũng chẳng khác gì nhiều thiểu số bị áp bức.” – Khuyết danh

“Lý lẽ thuyết phục nhất để phản đối dân chủ chính là 5 phút nói chuyện với một cử tri bình thường.” – Winston Churchill (cố thủ tướng Anh)

“Dân chủ là một niềm tin đáng thương hại vào trí tuệ tập thể của sự vô minh cá thể. Không ai trên đời này, theo như tôi biết–và tôi đã tra cứu rất nhiều tài liệu trong nhiều năm trời, thậm chí còn thuê thêm người giúp mình–từng mất tiền chỉ vì đánh giá thấp trí thông minh của đám đông.” – Henry Louis “H. L.” Mencken
“Dân chủ không phải là tự do. Dân chủ là hai con sói và một con cừu bầu xem trưa nay ăn gì. Tự do đến từ việc nhận thức được rằng có một số quyền không thể bị tước đi, thậm chí là với 99% phiếu bầu.” ― Marvin Simkin

“Dân chủ chỉ đơn giản là ‘the bludgeoning’ (sự bị đập bằng dùi cui) của nhân dân, bởi nhân dân, và vì nhân dân.” – Oscar Wilde

(Nguyễn Hoàng Huy dịch)

“Đám mây hình thiếu phụ” - nỗi cô đơn minh triết!


Phan Chí Thắng



Tôi đến thăm Vương Cường. Căn nhà ắng lặng trong ngõ vắng. Đôi mắt thường vẫn trong veo của anh nay vằn những tia máu đỏ do ít ngủ trước nỗi đau bất ngờ mất người cháu thân thương mà anh chăm bẵm nuôi dạy như con đẻ. Thường ngày tôi và Vương Cường ít khi trò chuyện với nhau, song tôi hiểu tận nơi sâu thẳm anh hay nhận lấy phần lỗi về mình trong mọi mất mát đời người. Người đàn ông thích nói nhiều và ồn ào trong các lần anh em quen biết gặp nhau thực ra chỉ là cố tình khoả lấp nỗi cô đơn lầm lũi đi theo anh suốt cả cuộc đời.

Anh ký tặng tôi tập thơ “Đám mây hình thiếu phụ” rồi mời tôi ăn trưa, nói đùa là để trả công tôi sẽ chịu khó đọc tập thơ của anh.

Đọc tập thơ gồm 36 bài không phải là việc khó. Với một người quen đọc nhiều và đọc nhanh thì hơn 70 trang giấy là chuyện của mươi lăm phút.

Cái khó là qua những dòng thơ anh, làm sao hiểu được anh muốn nói gì với người đọc.

Có gì đó từ chân trời nào đó
Hút hồn tôi suốt năm tháng ăn mày

(Ở chân trời nào đó)

“Cái gì đó” của Vương Cường nằm sâu dưới những bài thơ.

Hầu hết các nhà thơ đều cô đơn và họ thích nói về sự cô đơn của mình. Anh cô đơn khi thiếu vắng em, tôi cô đơn khi thiên hạ không hiểu được tôi, chị cô đơn khi đứt gánh giữa chừng. Chỉ ở những nhà thơ đích thực mới có cái cô đơn của người nghệ sỹ đi tìm cái đẹp chân chính, cái cô đơn của triết gia muốn đi đến tận cùng của nhận thức.

Vương Cường cũng rất cô đơn, xuyên suốt tập thơ là sự cô đơn, trừ một vài bài là “Nói với con” và “Nói với em” còn có vẻ như là đang nói với người khác, song thật ra vẫn là tự sự.

Người cô đơn hay viết nhật ký. Vương Cường viết cả sáng trưa chiều tối:
Chỉ còn chiếc đồng hồ làm bạn
Giận chiều nay giờ mới phải làm lành


Người bạn duy nhất là chiếc đồng hồ tí tách, nó giận mình mà mình vẫn phải làm lành với nó để khỏi cô đơn. Diễn tả nỗi cô đơn như vậy cũng là tài?

Nỗi cô đơn đôi lúc được định lượng:

Anh xa em một trăm sáu mươi tám giờ ba mươi hai phút bốn mươi giây
(Thơ viết từ Xiêng Khoảng)

Hay:

Có lửa của nụ hôn,
Bay bốn ngàn cây số

(Nói với con)

Và rất nhiều khi nó là định tính:

- Một mình đêm
- Anh chát một mình (Bài thơ chợt đến tặng tiên)
- Đêm mạng rớt
- Chỉ có gió cứ lồng lên thành bão/Anh không thể nào nhặt lên được những mảnh hạt lời anh gọi em (Anh gọi tên em)
- Xa
- Gió vào nhà hồ lô cửa khép/Một mình anh biết gõ cửa phương nào… Khất thực
- Em đom đóm lập loè bên bờ dậu/ta một mình thức ngủ một mình ta (Có khi)
- Không một dáng người không một lời mê sảng (Hà Nội ba giờ sáng)
- Bên Hồ Gươm anh gọi lặng im (Bên Hồ Gươm)
- Anh đứng ngồi như một chú mèo hoang (Giật mình nghe tiếng gió)
- Chiều đơn côi sóng bỗng bạc đầu (Nói với em)…

Có thể thống kê nhiều hơn nữa những câu thơ, bài thơ nói về nỗi cô đơn trong “Đám mây hình thiếu phụ”.

Vì sao Vương Cường cô đơn đến vậy? Đó chính là do người đàn bà của cuộc đời anh chỉ là một ảo vọng.

Ai cũng nhiều lần ngắm mây trời và tuỳ theo tâm trạng của mình mà gán cho những đám mây kia những hình thù nào đó. Vương Cường nhìn thấy đám mây hình thiếu phụ hoặc là anh tưởng tượng ra như thế. Chắc chắn chỉ vài phút sau, đám mây sẽ biến dạng, sẽ không còn mang hình thiếu phụ nữa. Cái phiêu diêu, cái vô thực còn được thể hiện qua cách anh gọi “nàng” là “Tiên”. Tôi sẽ không phân tích khía cạnh trân quý của cách gọi, tôi chỉ muốn nói là người đàn bà của anh rất xa vời và với anh đó chỉ là ảo vọng.

Vì nó là ảo vọng nên tác giả mới:
Chiều chiều giữa hoàng hôn cánh đồng
Ngóng về chân trời xa

(Anh gọi tên em)

Ảo vọng, không bao giờ có thể tìm đến, có thể với tới:

Anh vượt mấy ngàn cây số
chỉ để ở với Cần Thơ một mình

…Cần Thơ như căn phòng hút hết dưỡng khí
chỉ còn anh với chân không
(Mặc định với Cần Thơ)

Ảo vọng ấy là ngày xưa xa lắm rồi, là ngày nay không có thực và là ngày mai không biết đến bao giờ:

Bao giờ cho đến mùa thu
Anh nắm tay em trở về cổ tích


Thơ ảo diệu vì nó vốn là thế và nó phải là thế.

Vương Cường bày tỏ, miêu tả sự cô đơn, nhưng nếu anh chỉ dừng lại ở đó thì tôi sẽ không bao giờ có bài viết này.

Suốt cả tập thơ, tôi cố bới lông tìm vết mà không sao tìm ra một lời oán trách, một thoáng giận hờn. Anh dành riêng một bài để “Nói với em” – bài thơ chất chứa suy tư và tràn đầy tính Thiện, trong đó anh “chờ có ngày đến được với em” và vẫn tin là em đang “căng mắt đợi chờ”.

Sự thuỷ chung đến từ anh và anh muốn là cũng đến từ “người đàn bà ảo vọng” kia.

Tình yêu mãnh liệt, đầy tin tưởng nơi chính mình và nơi người thiếu phụ "đám mây màu hồng".

Tình yêu trong thơ Vương Cường là thứ tình yêu thánh thiện, có thể nói là tình yêu phi vật thể, nó là mây trời sông núi, nó là gió là hoa cũng giống như bao nhà thơ khác đã, đang và sẽ viết, nhưng lại rất Vương Cường ở chỗ mây trời sông núi gió hoa kia là chính Vương Cường chứ không phải anh mượn chúng để nói hộ lòng mình.

Vương Cường đã vươn lên thêm một nấc thang giá trị nữa, khi anh nhận thức được rằng dù nỗi cô đơn của anh có to đến mấy, có lớn đến chừng nào, thì cũng không thể so sánh với sự hy sinh của các bạn đồng đội đã bỏ mình cho Tổ Quốc quyết sinh:

Giờ bạn cỏ non hát về tương lai
giờ bạn thông ru bảo tàng của đất


Tôi mơ làm chó đá
đứng canh chừng lãng quên


Cả tập thơ có nhiều câu thơ hay, mà sao tôi lại thích nhất hai câu cuối vừa trích dẫn. Phải nhận thức được cái “tôi” là gì trong cuộc đời này, trong vũ trụ này và phải có cái tình với người như thế nào thì nhà thơ mới viết được hai câu thơ mộc mạc mà xao xuyến lòng người đến vậy.

Thật bất ngờ: một con người luôn cô đơn lại thèm được thêm một lần nữa cô đơn - con chó đá lặng lẽ canh chừng cho những cô đơn khác, đau đớn hơn, khỏi bị lãng quên xâm thực! Sự phát triển nhân văn này của nỗi cô đơn trong thơ Vương Cường làm cho sự cô đơn trong thơ anh không đơn độc, không côi cút, nó đón nhận sự chia sẻ và trân trọng từ người đọc.

Là nhà nghiên cứu, Vương Cường không thể không tìm cách phân tích chính bản thân mình cũng như lý giải cuộc đời. Và anh đã tìm ra được một “Hằng số”.

Hằng số là đại lượng bất biến trong mọi trường hợp. Tình yêu của Vương Cường là hằng số. Nó như hàng cây dẫu có ngoằn ngoèo nhưng vẫn nói lời chân thật, như trăng có bị che khuất vẫn dịu dàng như hơi thở, như sông biết tránh dãy núi vô duyên chắn ngang trước mặt lòng vẫn lao về với biển…

Người đàn ông chung tình trong thơ Vương Cường nhận thức được đầy đủ mình đang yêu, luôn yêu và người đàn ông đó có quyền kiêu hãnh:

Có trái tim kiêu hãnh đập bên trời hằng số với thời gian…

*
* *

Tôi không có ý định phân tích kỹ thuật thơ Vương Cường. Đó là việc của các nhà chuyên môn. Tôi chỉ muốn tìm câu trả lời cho câu hỏi:

Có gì đó từ chân trời nào đó
Hút hồn tôi suốt năm tháng ăn mày


Và tôi đã tìm ra câu trả lời cho riêng mình.

Chỉ ở những nhà thơ đích thực mới có cái cô đơn của người nghệ sỹ đi tìm cái đẹp chân chính, cái cô đơn của triết gia muốn đi đến tận cùng của nhận thức.

TÌNH ĐIÊN 2



VƯƠNG TÂN







Anh di vào giấc mơ yêu em
Giấc mơ thật đẹp và cũng thật điên khùng
Em quá khứ huy hoàng hiện tại kiêu sa
Anh tương lai đồ bỏ

Chúng ta là những ông bà già
Đi lạc vào thế giới tình yêu như những kẻ ngớ ngẩn
Chúng ta chơi trò chơi xa xỉ ,và luôn thầm nhủ '""không phải thế""
Chúng ta là những kẻ lạc thời và từ chối mình
Lòng luôn tư nhủ tình yêu với tuổi già là tội lỗi
Nhưng lại cứ nghĩ về nhau

Trong tình yêu già trẻ có gì khác đâu
Tại sao ta lại sợ nói yêu nhau

Anh một kẻ đam mê đổi thay lich sử
Luôn vung tay quá trớn
Ngã nhiều lần vẫn gưọng đứng dậy
Yêu em bà già đẹp thông minh làm thơ như ca hát

Chúng ta yêu nhau chỉ để yêu nhau
Như một cuộc rong chơi
Cho đời bớt buồn cho tháng ngày thảnh thơi
Và ngủ có những giấc mơ không với tới được

Những giấc mơ làm chúng ta yêu đời hơn
Dù rất điên khùng khi thấy chân tay thừa thãi

Tình yêu không phải tội lỗi
Dù rằng với những ông bà già sắp phải chống gậy
Và thiên hạ bảo rằng mất nết
Nhưng anh vẫn cứ yêu đến chết


CHỈ ĐÂU MÀ BUỘC NGANG TRỜI





TƯỞNG BÌNH MINH


Hồi phổ thông, một hôm mình lục đâu được trong nhà một cuốn sách rất dày, sách viết về ca dao tục ngữ thành ngữ Việt Nam. Mình đọc say mê, thích thú và thậm chí thi thoảng còn cười rú lên sung sướng, vì thấy dân gian Việt Nam hóa ra không những rất thông minh sâu sắc mà còn hết sức tếu táo và khôi hài nữa. Đó là cuốn sách mà mình đọc rất nhiều lần, và cuối cùng mình thuộc khá nhiều thành ngữ, tục ngữ, ca dao.

Có nhiều câu thành ngữ tục ngữ ca dao rất rõ nghĩa bóng, chẳng cần giải thích gì thêm. Nhưng nghĩa đen của chúng thì thực sự thú vị, chúng cóliên hệ cuộc sống lao độngở làng quê. Nhờ quan sát cuộc sống lao động ở làng quê mà dần dần mình bắt đầu hiểu nghĩa đen của chúng.

Ví dụ câu "mặt xanh đít nhái" hay dài hơn thì "mặt xanh như đít nhái đồng". Câu này tương đồng với các câu "mặt xanh như tàu lá chuối", ý là đều tả về sắc thái mặt mày của 1 người trong hoàn cảnh sợ hãi nhưng mang sắc thái khôi hài, có chút châm biếm, chế giễu. Nhưng tại sao lại "mặt xanh đít nhái'? Nếu ai từng hồi nhỏ ra đồng bắt nhái cho gà ăn ( thậm chí người ăn) sẽ thấy là đít những con con nhái đồng có màu xanh rêu, một cách ngụy trang của chúng để lẫn vào rong rêu hoặc rau cỏ mọc ở bên bờ ruộng.

Hoặc câu "run như cầy sấy". Rõ ràng là tả về việc run, hoặc do sợ hãi hoặc do lạnh. Hồi còn nhỏ, Tết, nhà mình có nấu bánh chưng ngoài trời. Một hôm đang canh nồi bánh chưng thì thấy có con mèo hàng xóm kêu meo meo và đến lại gần bếp lửa để sưởi ấm. Trời Tết miền Trung mà, rất lạnh. Đã thế không hiểu sao con mèo lại bị ướt lông. Nó ngồi bên bếp lửa kêu meo meo và bộ lông run lên cầm cập. Điều tương tự cũng có thể thấy ở những con chó ướt bộ lông ngồi bên bếp lửa. Nên mình đoán nghĩa đen câu "run như cầy sấy" có lẽ là bắt nguồn từ những người thợ sơn tràng hoặc những thợ săn đi trên rừng. Và "sấy" ở đây là "sấy khô", "làm khô". Ở trên rừng ban đêm người ta thường đốt các đống lửa để sưởi ấm và đuổi thú dữ. “Cầy” ở đây có thể là loại chó mà các thợ săn hoặc thợ sơn tràng mang theo, có thể người ta không dùng từ "chó" mà dùng "cầy" cho hợp vần với "sấy". Rất nhiều người người dùng câu "run như cây sậy", thậm chí một số thầy cô giáo còn ra câu này trong bài thi ngữ văn, mình nghĩ là sai.

"Ướt như chuột lội". Có rất nhiều người nói "ướt như chuột lột". Mình nghĩ câu "ướt như chuột lột" là vô nghĩa. Nếu ai đã sống ở các vùng nước lụt thì khi lụt đến có thể thấy những con chuột lội trên dòng nước với bộ lông ướt mèm, cố bấu víu lấy cành cây miếng gỗ từ đâu trôi ngang qua để sinh tồn.

"Kẻ cắp gặp bà già". Thi thoảng trên báo chí mình vẫn thấy 1 số phóng viên viết "kẻ cướp gặp bà già", theo mình là sai. "Kẻ cặp gặp bà già" thì nghĩa bóng quá rõ ràng rồi, tương đồng với “kẻ tám lạng người nửa cân” hay “một chín một mười”. Nhưng nghĩa đen của nó mới thú vị. Ăn cắp khác với ăn trộm và ăn cướp. Ăn cướp thì công khai, thường dùng sức mạnh bạo lực để công khai khống chế hòng tước đoạt. Rõ ràng sức vóc của một bà già không bao giờ là "ngang cơ" với 1 thằng cướp thường là khỏe và hung bạo. Nhưng ăn cắp thì lại khác, khác với ăn trộm là lén lút đột nhập khi không có sự hiện diện của người bị mất đồ, thì ăn cắp lại diễn ra khi có mặt của bị hại tại hiện trường, nhưng lợi dụng sự sơ hở hoặc không chú ý cho dù chỉ chốc lát của họ để chôm đồ. Mà bọn ăn cắp gặp các bà cụ già bán hàng thì thua, vì các cụ mặc dù có thể thua kém về thể lực, nhưng các cụ hết sức cẩn thận, biết rõ cái gì nằm ở đâu, chưa kể lợi thế kinh nghiệm do tuổi tác lâu năm mang lại cho các cụ nữa. Hồi nhỏ, có thời gian mình toàn ở nhà ông bà ngoại. Bà ngoại mình bán hàng vặt ngoài chợ, chủ yếu bán trái cây, thi thoảng bị mất cắp, nhưng mấy bạn ăn cắp thật sự khó tung hoành đối với các bà cụ già như bà ngoại mình, vì dù chúng có giở trò gì thì cũng bị các cụ phát hiện và hô toáng lên. Chưa kể mặt mũi đứa nào ăn cắp ra sao thì các cụ thuộc hết.



"Chỉ đâu mà buộc ngang trời/Tay đâu mà bụm miệng người thế gian". "Chỉ" ở đây không phải là chỉ để may vá. Mà là chỉ trời. Người nào hồi nhỏ sống ở quê và có thả diều vào mùa hè sẽ thấy trời mùa hè rất trong xanh, thi thoảng từ trên không trung có những đoạn gì trăng trắng bay theo gió rồi rơi xuống đất hoặc các cành cây, dân gian gọi là chỉ trời hay tơ trời.

"Bắng nhắng như nhặng vào chuồng tiêu". Nếu ai đã từng ngồi hố xí 2 cục gạch, chùi đít bằng lá chuối khô trong vườn thì dẫu nhắm mắt cũng nhớ được hoàn cảnh nghĩa đen cũng là hoàn cảnh ra đời của câu thành ngữ này.

“Buồn như trấu cắn”. Đây là một câu thành ngữ mình nghĩ là hết sức thú vị vì nghĩa bóng ngược hoàn toàn so với nghĩa đen. Nghĩa đen, “buồn” ở đây không phải là tâm trạng buồn bã, buồn phiền, mà là “nhột”, cách nói của miền Bắc, nhột do trấu dính vào da ( trấu cắn). Mình biết nghĩa đen của câu này do hồi nhỏ hay chơi trốn tìm, trốn vào những bồ lúa, bồ trấu trong nhà ông bà ngoại. Nghĩa đen là như vậy nhưng nghĩa bóng người ta dùng để tả tâm trạng không vui của họvới sắc thái hơi châm biếm, tự trào, chứ không phải là sự nhột trong nghĩa đen.

“Dốt đặc cán mai”. Câu này nghĩa đơn giản, để chỉ ai đó dốt, nhưng nhất mạnh mức độ dốt nên có thêm chữ “đặc”. Nhưng lại thêm “cán mai” để nhấn mạnh hơn nữa sự dốt. “Mai” là một dụng cụ đào đất, lưỡi hẹp hơn xẻng, nặng hơn xẻng nhưng nhẹ hơn xà beng. Cán của dụng cụ này luôn luôn bằng gỗ đặc, để tăng sức nặng, nhờ vậy mà người ta có thể đâm lưỡi mai vào đất được dễ dàng hơn và sâu hơn. Thật khó có thể đào đất với một cái mai có cán là rỗng.

Ở Sài Gòn mình không có nhiều bạn. Vì các câu chuyện khi mọi người gặp nhau thường rất buồn chán. Lúc nào cũng nhà đất, lương lậu, thăng tiến, sự nghiệp, thành công này nọ. Chẳng mấy ai như mình, chẳng mấy ai thích nói về một câu ca dao, một câu tục ngữ hay thành ngữ nào đó.



Trốn Net





Nguyễn Văn Phong



Tôi tin rằng cột sống là câu chuyện kỳ vĩ nhất của cuộc đời. Và có người từng nói cơ bụng là nơi tập trung sức mạng của cơ thể. Tôi tập cơ bụng với hứng thú như nhiều người dành cho bóng đá. Ngoài bài tập xà đơn, tôi nhớ về thời tân binh với những buổi bộ hành đến dộp da bàn chân.

Tối hôm ấy chúng tôi đi chợ đêm, dự định sẽ dùng một món ngon ở hội chợ. Bia làm mặt em ửng đỏ. Tôi có cảm tưởng mình là người đàn ông hạnh phúc, không chối từ để em cầm lái cho niềm vui em líu lo không ngớt.

Chờ chuyến tàu lúc nửa đêm và phải tiêu pha chục tiếng đồng hồ, tôi đi dọc đường ray vào làng quê. Cạo râu chỉ là cớ để ngắm đàn bà. Em làm tôi xao xuyến. Và vì còn quá nhiều thời gian chờ đợi và xa nhau thì hạnh phúc chết, tôi nói rằng em sẽ mat-xa cho tôi. Và chúng tôi quen nhau từ đó.

Em chỉ bị thương nhẹ, nhưng vụ tai nạn đã vĩnh viễn cột tôi với giường bệnh. Từng ca phẫu thuật thừa sống thiếu chết cho tôi biết thế nào là hạnh phúc khi còn hiện hữu trên đời. Tất nhiên là chúng tôi không bao giờ gặp lại nhau. Sau khi ngủ với nhau ở tiệm mat-xa thì em thôi công việc cắt tóc. Chúng tôi đã gọi điện cho nhau hàng giờ để bày tỏ nhớ nhung. Nhưng chúng ta đều sinh ra mà không trở thành người hùng làm những điều vĩ đại để thế giới ngưỡng mộ. Tôi phải học các chấp nhận sự thật rằng tình yêu chỉ là khoảnh khắc bồng bột đã làm tôi tàn phế, hẹn ước là ảo mộng, cuộc đời thấy không cần phải níu giữ điều gì, đơn giản là sống tiếp.


***

Tim tím những gầy hao duyên dáng bên chùm lá. Hơi xuân mang theo ấm áp, lá non đã vội hoa đầy. Một khi hạ nắng, cành xoan nặng quả đung đưa, lá xanh căng tràn nhựa sống. Đông về thì rụng lá, quả teo quắt nuôi hạt. Cây ngủ dài bên ngày buồn không nắng; đất nứt nẻ, rễ chẳng muốn sinh sôi.

Cũng nở hoa trong hương xuân, bưởi trưng hoa màu trắng. Chu kỳ cự sống chỉ xoay quanh trái ngọt, vừa đâm chồi đã vội trổ hoa chi chít. Tất cả đều hướng đến mùa hè.

Dưới ánh điện , tôi trở lại là một triết gia. Những gì tôi đã làm để phải vào tù không là gì khác ngoài kiêu hãnh. Tôi được đi về miền khai hoang, chưa có dấu chân mòn lối. Và ngay bên kia dãy núi là vời vợi những con người. Một dòng tương tác của cái tôi với phần còn lại của thế giới.

Nếu tôi là mối nguy hiểm thì cơ nhiệt vẫn không nóng bằng ngọn lửa cháy nhà, vậy có cần kiên nhẫn để thấy con quái vật ấy có diện mạo ra sao?

Nhưng nếu tôi chỉ ngồi để trách móc chính trị thì sẽ không sống nổi một ngày. Bữa cơm là của hắn, chăn ấm và mái nhà che sương là của hắn.

Tôi cố ngoi ngóp để kiếm tìm thứ gì đó không thuộc về chính trị, hay đơn giản là tôi không phải mang ơn kẻ đã tống mình vào tù. Màn đêm tìm về ban mai, cây lá hướng đến mặt trời; vậy cuộc đời tôi về đâu?

Tôi bỏ thuốc lá.Hệ nội tiết giả rút lui sâu, bỏ lại cuống họng cho nhức nhối bắt đầu lên tiếng. Những hố loét viêm phế quản mãn tính được dịp thả đờm. Nằm thị sát thể trạng yếu ớt của mình, uể oải và khao khát gục ngã. Trong yếu ớt, một tia sáng hiếm hoi trên con đường không êm ấm với chính trị, “sự thật về cơ thể và bệnh tật”.

Cũng như chính trị tống tôi vào tù, tôi hô “này ổ loét, hãy biến khỏi cuộc đời”, rồi nằm ngủ chờ ngày mai để ngắm nhìn thành quả chữa bệnh. Tôi bắt đầu tươi cười chào đón nắng vàng- khởi nguồn của chu kỳ trái ngọt. Màu yếu ớt đã nhạt nhòa cho lá trở nên mạnh mẽ.Cơ sở khoa học của phương pháp tự kỷ ám thị là dùng tinh thần để biến đổi những chỗ yếu nhất bên trong. Với một tinh thần mạnh mẽ, cứ việc lên gân quai búa thì cục sắt cũng sẽ thành lưỡi dao.

Nhưng. Thay đổi một hạt ngô là không dễ dàng, tôi nhận ra tín hiệu đau từ cổ họng qua nhiều ngày cố quên. Tôi không thể nói với kẻ đã tống mình vào tù rằng “thôi này anh bạn, chúng ta giảng hòa nhé. Và đưa tôi đến y tế để cứu lấy cái họng thối của tôi đi” . Tôi chợt có một ý nghĩ làm phật lòng các y- bác sỹ: “Bệnh tật là của cuộc đời, vậy hãy chung sống hòa bình với nó xem sao?”


***

Hòn đá nằm bên gốc me nhìn cô quạnh những năm qua, nhớ lớp bụi ngày đất phủ không thấy mây qua. Lời từ giã reo ca, gió về theo sai trái me. Cây đã bao năm tuổi, đá trơ trọi theo dấu chân thời gian mòn lối. Qua thời gian, đá khai sinh thì vườn đã bạc màu.

Tôi không về quê ngoại, không có cảm tình với những hòn đá ấy vì chẳng thể nào bao bọc lấy nó. Có lúc tôi hình dung nơi ấy như một vương quốc nhỏ ,ấm yên trên những quả đồi. Ông ngoại là quốc vương, và ăn cơm độn là điều gì đó có thể chấp nhận được. Tôi không thuộc về vương quốc ấy. Mẹ thoát ly rồi lấy anh thương binh là bố. Bố đèo tôi, mẹ cũng đèo đứa em trong lần cả nhà về ngoại. Tôi liên tưởng về một khởi nguyên, có trước, mờ ảo và thiên thu bên đời.

Chiến tranh để lại dư âm trong tôi như một giấc mơ mà nhiều thế hệ đổ máu. Chiến tranh có đặt ý thức cho mẹ về giá trị của hòa bình, khi bà sinh tôi trong yên ấm ? Gỉa sử vì khổ đau một thời mà những người được sống hòa bình phải đảm đương một sứ mệnh tươi trẻ của hồi sinh, mẹ sẽ ra sao nếu chính đứa con lại mang oan nghiệt cho cuộc đời mình.

Tay quản giáo thấy tôi viết lách liền tỏ ra không hài lòng, gại giọng để đánh tiếng. Và như sợ tôi lại viết thứ gì đó gây hoang mang dư luận, hắn giật lấy xấp giấy. Hắn có vẻ nghi ngờ khi đọc đến đoạn tôi viết về mẹ. Đáp lại những câu dò xét, tôi chỉ nói rằng mình viết để làm kỷ niệm để có thể sống sót qua ngày, và chỉ viết về những thứ đang chảy trôi trong người tôi.

Hắn đề nghị tôi kể về mẹ, bà ấy là người như thế nào, suy nghĩ ra sao, tính cách và công việc bả làm? Tôi hình dung ra khuân mặt đồng cô mà mẹ lui tới. Bà vẫn thường lên chùa vào ngày tuần. Nhưng tôi chỉ trả lời rằng:

- Bà không ủng hộ những gì tôi đang làm.

-
- Thế bà ta có biết là mày bị cấm vận không? Rằng dù mày có phiêu bạt đến nơi đâu thì vẫn có người dõi theo.

-

Ý hắn là cô bé chui vào tấm chăn trong đêm trên sàn tàu là một chuyện xắp đặt. Và người đàn bà ở vựa đậu luôn sẵn sàng lên giường cùng tôi là vì tiền chứ không hẳn là thèm muốn gì tôi hết.


***


Đó là chuyến đi trốn net khi linh tính mách bảo chẳng lành. Tôi trút khỏi mình món nợ, trước mặt đã đẹp nét một bầu trời. Kẻ đứng người nằm ở nhà ga dân dã màu cuộc sống. Tôi chưa bao giờ lụi tắt niềm tin về cơ thể, lao động kiếm sống là thử thách cho luồng sinh khí cuộn trào trong huyết quản. Hứng thú với khoảnh khác được chào đón một bất ngờ, không ai biết trước chuyến tàu sẽ đưa ta về đâu.

Tôi bị lôi cổ dậy trong sáng sớm. Cô bé đêm qua lẻn vào tấm chăn ấm , giờ đây đang ngồi nhìn tôi- kẻ mà mình phải bán tình- Trong khi tôi trơ trẽn móc tiền mua vé bổ sung. Vỏn vẹn một giây cho suốt kiếp, nó- người được bàn tay phật tổ cử đến để làm tôi lợ mửa- thoát ra khỏi vai diễn để cái chạm nhẹ lan tỏa hơi ấm, đưa tưởng tượng đến ngưỡng cửa tội đồ.

Tay quản giáo nghĩ tôi phải khóc như một đứa trẻ. Thực tế luôn sinh động hơn trí tưởng tượng của hắn. Sau khi dừng chân ở một nhà ga, tôi vào làm cho vựa đậu que một chợ đầu mối. Có khuân mặt đàn bà đang cặm cụi lượm đậu, khẽ ngẩng lên nhìn tôi rồi lại chúi vào đống đậu. Trái với thái độ thường thấy khi một người làm quá ư là chậm chạp, bà chủ không hề quát tháo. Cuối ngày , tôi được thoải mái nhìn cô nàng “đồng nghiệp” sửa soạn bữa tối. Một ngày đến là tôi lại nghĩ tới giờ phút êm ả khi chiều về, trong gian bếp nhỏ, được sai gọt cà rốt hay nhặt nhạnh mớ rau. Cứ y như chúng tôi là một gia đình nhỏ.

Tôi luôn tự nhủ rằng “chưa đến lúc, chưa phải lúc này”. Và chờ cho duyên số chín muồi. Kết cục của chúng tôi tất yếu đến độ tôi không tài nào tưởng tượng được một tình huống mà nồng nàn lại không thuộc về tôi. Ngay cả khi bà chủ dẫn về một người làm mới thì tay này vẫn không có gì nổi bật để tôi phải sợ mất em.

Tôi sẽ không kể tiếp về đoạn em thông dâm với thằng người làm mới, để cái vẻ cười cợt của tay quản giáo không có cơ hội …thương hại. Tôi sống với những gì mà cơ thể trải nghiệm, và dù tuyệt vọng thì vẫn chẳng khi nào trải nghiệm lại mang tên TRẮNG XÓA.

Buổi thẩm vấn đầu tiên, sắc phục an ninh hỏi:

- Khi thực tập ở tòa soạn rồi chơi gái quỵt tiền, bị kỷ luật rồi về trường còn gây sự, bị đuổi học, sau đó thì đi đâu và làm gì?

- Sài Gòn, làm thuê. Tôi trả lời.

- Trong thời gian đó có kết giao những ai, làm thuê là cụ thể những gì?

- Không ai. Làm bánh mì.

- Làm Blog từ khi nào và do những ai rủ rê?

- Làm bánh mì nửa năm, về nhà, lúc này tôi tự lập Blog.

- Trong thời gian đăng tải bài viết lên Blog, thông tin và hình ảnh do những ai cung cấp?

- Đó là tin bài điều tra của tôi khi còn viết bài.

- Còn do nguồn nào cung cấp nữa không?

- Không.

- Đưa bài viết lên mạng nhằm mục đích gì?

- Những người nghe tôi nói tạo nên một tình cảm xã hội không phân biệt giữa bất kỳ ai. Điều đó làm tôi hạnh phúc.

- Luận điệu vu khống và cách nhìn nhận cực đoan làm mất lòng tin vào tập thể, nhằm chống phá nhà nước xã hội chủ nghĩa, bôi nhọ thanh danh của Đảng, gây hoang mang dư luận…có nhận thức được tội lỗi hay không?

- Tôi chưa gây nguy hại một ai, không cướp đoạt tài sản xã hôi. Những kẻ tham nhũng xem người dân là ngu độn…

- Câm mồm- tay công an trong trại phải kéo áo tay kia, rồi dịu giọng:

- Cả nước đang thi đua học tập theo gương Bác thì mày lại vô công rồi nghề với cái trò Blog. Để được gì nào, nói cho cả thế giới nghe ư, hay muốn làm người hùng?

Tôi cúi đầu, và nghĩ rằng Bác đón lấy tinh thần của thời đại để giải phóng dân tộc chứ bản thân cũng không cần bắt chước kẻ nào hay làm những việc để có thành tích. Tay kia nhìn tôi hằm hằm. Và buổi thẩm vấn cũng kết thúc.

Đêm về, tôi dựa mình vào tấm chăn dưới ánh đèn vàng mà ngỡ mình là Mai An Tiêm đang bị táp bởi gió biển vẫn bất động cùng sao trời .Nhành dưa đang lớn bất chấp những lãng quên của thế sự. Như thể trong mầm sống đã sẵn có bản năng chống lại trăm ngàn trừng phạt. An Tiêm thiếp đi trong tràn ngập niềm tin rằng “ Ta không sai, và muôn đời chẳng làm điều gì sai trái”.

Cơn giông hình thành từ biển cả . Và những quả dưa hấu chẳng hề hay bầu trời đang chuyển mình oan nghiệt. Mưa trườn vào da thịt ,cắn phập giấc ngủ làm niềm tin ngơ ngác, choàng tỉnh nguyên sơ giữa đất trời.

Tôi bị gọi bật dậy, giám đốc trại giam bước thẳng vào phòng. Tôi cố gắng trấn tĩnh trong khi gã nhìn quanh phòng.

- Qua đời…

Hắn nói bà đã qua đời, thiêu mình trước phòng chủ tịch tỉnh.Và khách quan là thứ chúng ta phải thừa nhận và thuộc về dòng chảy ấy. Ngoan cố nhưng sâu lắng như tôi sẽ biết cách chấp nhận sự thật này. Tôi phải chấp nhận rằng mình đã giết bà. Tôi một bên lề còn bà lề bên kia,không bao giờ cùng xuống trên một lòng đường. Đi mãi , mãi và cách xa.

Khi đã được ra lao động như những tù nhân khác, công trường mà chúng tôi làm là một đập thủy lợi. Lùn và thằng Râu Rậm không lúc nào rời điếu thuốc. Cả tổ chịu sự quản lý trực tiếp của tay kỹ sư quân đội. Hôm ấy, có tất cả 120 khối , gần 12 h trưa nên nắng cứ như đổ lửa. Thằng Lùn ngán ngẩm, nặng nề nhích ủng qua lớp bê-tông vừa văng tục chửi thề, định rằng bò lên đón cái bánh mì ba-tê thì kỹ thuật quát:

- Thằng kia, quay lại đầm nốt trong góc –Lúc này bọn tôi đã lên bờ và bắt đầu nhai bữa trưa, bắt gặp ánh mắt tị nạnh của Lùn, vừa lúc quay sang tay kỹ sư nạt:

- Tao nện chết cha mày …

-

Và đúng như bọn tôi chờ đợi, tay kỹ sư lao xuống là choảng nhau ra trò. Lùn ôm bụng tên kia quật xuống, đoạn dìm cái đầu bóng loáng trong bùn. Tôi hất cho kỹ thuật chậu nước rồi quẳng cái khăn . Từ ngày hôm ấy thấy viên kỹ sư vui tính hẳn lên, thưa thoảng lại lấy vinataba ra mời nhưng tôi đã bỏ thuốc.

Một ngày có người ra công trường tìm tôi. Có người đến thăm tôi cơ đấy! Một người vừa nói tiếng Anh lại dịch ra tiếng Việt, rằng tôi được nhận một giải thưởng có tên là “Người đàn ông dũng cảm nhất thế giới” cho những oan sai mà tôi đang phải gánh chịu vì những cống hiến trên không gian Internet. Và người đang phiên dịch là đại diện Đại sứ quán Hoa Kỳ .

Trước khi trao phần thưởng, tất cả mọi người đều chờ đợi trả lời của tôi cho câu hỏi:

- Sau khi ra tù , Blogger có lại trở lại vơí Blogspot?





Nguyễn Văn Phong

- Sinh ngày: 22-6-1985 . Quê quán: xã Hà Ninh- Hà Trung- Thanh Hóa

- Nhập ngũ tháng 9-2003 trở thành học viên trường đại học Sỹ quan Đặc công ,nhưng ra quân tháng 5-2005 vì lý do sức khỏe.

- Năm 2009-2011 viết tin với tư cách bạn đọc trên báo Văn hóa& Đời sống Thanh Hóa, Tuổi Trẻ Cười…

- Bài thơ Đất được đăng ở tạp chí Xứ Thanh tháng 3-2011

- Hiện tại: Làm ruộng, lao động phổ thông, theo đuổi mộng văn chương.




Thơ Việt ở Đức**: Một hiện tượng Ngôn ngữ - Văn hóa






Dương Kỳ Đức *

( Tham luận về “Thơ Việt ở Đức & Bücher von VIPEN” tại LiteraturHausBerlin 28.06.2014)




Tiến sĩ Dương Kỳ Đức -Ảnh tư liệu của Vipen



…”Thi phẩm " Thơ Việt ở Đức" như là một quả cân nặng kí đặt thêm vào đĩa cân thi đàn hải ngoại, trong thế đối trọng , không phải đối lập ,đối kháng , với đĩa cân bên kia , đĩa cân thi đàn hải nội ,làm cho cái cân thi ca Việt Nam luôn được vận động trong sự đa dạng về cách nhìn, đa dạng về cách cảm , đa dạng về cách diễn ngôn” – (Tiến sĩ Dương Kỳ Đức)- Ông là Tổng Thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam - Viện trưởng Viên Ngiên cứu và Phát triển Ngôn ngữ-Văn hóa Việt Nam. Thường sống ở Hà Nội thỉnh thoảng lại sống ở Berllin. Bài viết “ Thơ Việt ở Đức –Một hiện tượng Ngôn ngữ-Văn hóa” mà ông đã trình bầy trong đêm ”Thơ Việt ở Đức & Sách của VIPEN” tại LiteraturHausBerlin ngày 28.06.2014 ( Edition VIPEN)


Tôi là dân ngữ văn, nhưng đáng buồn một điều là tôi không lấy thơ làm sở thích . Nửa thế kỉ nay , tôi chỉ là một nhà từ điển học và một người nghiên cứu về ngôn ngữ và văn hóa , về văn hóa và ngôn ngữ.


Khi con trai tôi trao cho tôi cuốn " Thơ Việt ở Đức"(2013) tôi thực sự bất ngờ : Wow , thật là hoành tráng ! Dày gần 476 trang với hơn 280 bài của hơn 70 thi hữu từ nhiều địa phương khác nhau ở nước Đức .Tôi chưa thưởng thức được kĩ , nhưng cũng đã đọc lướt qua cả hơn 280 bài . Đây không chỉ đơn giản là một xuất bản phẩm, là một thi phẩm , không chỉ đơn giản là một sự kiện văn hóa , mà đây chính là một HIỆN TƯỢNG NGÔN NGỮ -- VĂN HÓA.


Đây là hiện tượng , vì sau mấy chục năm bôn ba ở hải ngoại để mở mắt và mở lòng , cộng đồng người Việt ở Đức , mà linh hồn tinh thần là những nhà thơ, những người yêu thơ , chơi thơ , vẫn rất sành điệu và đồng điệu với cộng đồng ở quê hương về ngôn từ Việt ngữ.Là một người từ trong nước sang Berlin đây chơi , tôi không cảm thấy một chút nào lai căng về ngôn phong : đây quả thật là một thứ thi ngữ " made in Vietnam" " xịn trăm phần trăm" . Ước sao thế hệ thứ hai , thứ ba và thứ en nờ của người Việt ở Đức sau này cũng vẫn phát huy được niềm tự hào này của thế hệ đầu đàn.


Đây là hiện tượng ,vì nó thể hiện thi lực của cộng đồng Việt ở Đức là rất đáng nể trong thi đàn hải ngoại .Trong nền thi ca Việt Nam không phải chỉ có mảng thi ca hải nội , như một ngón tay cái , đã đành thế , mà còn có cả mảng thi ca hải ngoại khác nữa ở khắp năm châu bốn bể nơi có người Việt sinh sống , như những ngón tay chung trong một bàn tay .Có ngón dài ngón ngắn , nhưng đều là thuộc một bàn tay " thi ca Việt Nam" . Thi phẩm " Thơ Việt ở Đức" như là một quả cân nặng kí đặt thêm vào đĩa cân thi đàn hải ngoại, trong thế đối trọng , không phải đối lập ,đối kháng , với đĩa cân bên kia , đĩa cân thi đàn hải nội ,làm cho cái cân thi ca Việt Nam luôn được vận động trong sự đa dạng về cách nhìn, đa dạng về cách cảm , đa dạng về cácc diễn ngôn .Đấy chính là thế đa dạng văn hóa động .Địa vị và bản sắc của thi đàn hải ngoại Việt nói chung , của thi đàn Đức nói riêng và của từng thi hữu nói riêng nữa, cần phải được thừa nhận và tôn trọng trong thế bình đẳng,cân bằng của trạng thái đa dạng văn hóa động .


Hi vọng là trong tương lai , với sự hợp tác thiện chí của tất cả các thi hữu hải ngoại nhiều thế hệ , chúng ta sẽ có một " TOÀN VIỆT HẢI NGOẠI THI TẬP" ,gồm các thi phẩm muôn màu muôn vẻ ,được xếp theo thời kì, trong thời kì thì xếp theo địa lí ( nước ) và có bảng tra ( index) theo tên tác giả , tên bài ,theo thể thơ , phong cách , đề tài , chủ đề,v.v.Không loại trừ các thi phẩm sáng tác bằng tiếng nước ngoài , miễn là của người Việt ở hải ngoại .Với trình độ của công nghệ thông tin hiện đại, tôi nghĩ việc làm "TOÀN VIỆT HẢI NGOẠI THI TẬP" không mấy khó. Nếu thành công , đấy sẽ là một đóng góp quan trọng cho sự nghiệp bảo tồn và phát huy bản sắc ngôn ngữ -- văn hóa Việt của cộng đồng hải ngoại .

Bây giờ xin chia sẻ đôi điều về nội dung các bài thơ trong " Thơ Việt ở Đức " .Tôi chỉ nói về hai chuyện là " mùa thu" và " nắng " .

Mấy năm gần đây ,năm nào tôi cũng sang chơi Đức hai,ba tháng , nhưng chưa bao giờ được trải nghiệm không khí thu , sắc thu ở cái xứ lạnh này. Tôi rất tò mò không biết nó ra sao .Trong tôi chỉ có ấn tượng về nét thu ở xứ ta :


" Ao thu lạnh lẽo nước trong veo
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo "


Rồi : " Ngõ trúc quanh co khách vắng teo "

Và:" Lá vàng trước gió sẽ đưa vèo" .

Thế còn mùa thu Đức trong thơ hải ngoại ?


Trong hơn 280 bài , chỉ có khoảng 15 bài nói về thu : cũng vẫn nào " mây trắng " , sương lạnh " , nào " nắng vàng " ," lá vàng " , và duy nhất có một hình ảnh " lạ " ( với tôi) là " mảnh lụa vàng " ( " Cả dãy phố choàng lên mảnh lụa vàng " --Nguyễn Thanh Nguyên , Đứng giữa trời thu, trang 246 ).Tôi mong được biết thêm cách tri nhận riêng của người Việt về sắc thu Đức .


Còn về " nắng ?


Ở hải nội ," Hè thon cong thân nắng CỰA MÌNH " (Lê Đạt ) , " Nắng LẢO ĐẢO mái hiên say nghiêng ngả " (Phan Huyền Thư) , " Nắng DÂNG làm lụt cả trưa hè" ( Nguyễn Bính ) . Ở đây , nắng được cảm nhận như là một con người , như một dòng nước mạnh .


Lại nữa :


" Hoàng hôn hoàng yến NGẬM nắng " (Vi Thùy Linh) , " Đàn cò áo trắng KHIÊNG nắng qua sông " ( Trần Đăng Khoa) .Chắc là nắng ở hải nội cứng và nặng lắm !

Rồi : " Đất THÊU nắng , bóng tre rồi bóng phượng " (Huy Cận) . Nắng bây giờ lại mềm mại như sợi chỉ thêu!


Còn nắng ở Đức thế nào ?

Nó mảnh mai như cô gái giữ eo thon:


" Nhớ ánh hoàng hôn bóng nắng GÀY " ( Trần Việt -- Màu bụi đỏ ,trang 415 ) .


Nó có thể lóe lên như lửa :

" Cheo leo vách đá XÒE tia nắng " ( Trần Việt -- Động Cô Tiên , trang 411) .


Khi tôi vào chợ Đồng Xuân ở Berlin ,đến gian thực phẩm, trông thấy hạt tiêu ,nước mắm , mít và sầu riêng ,nhưng không ngửi thấy mùi .Người ở đây bảo thời tiết khô ,niêm mạc mũi bị khô, nên mũi bị điếc . Thế nhưng , với các nhà thơ hải ngoại ở Đức , nắng ở Đức chẳng những thơm mà còn ngọt nữa :

" Tặng em ! HƯƠNG nắng giao mùa" (Lê Văn Công-- Tặng em , trang 180) .

Và : " Ngẩng đầu lên ....nắng NGỌT NGÀO thiên thanh " ( Trương Thị Hoa Lài -- Thương nghề ....đường sắt , trang 439) .

Sự tri nhận của người Việt ở Đức về "thu" thì chưa đặc sắc , nhưng về " nắng " thì thật là lạ ( những chữ in hoa trong phần trích dẫn ở trên là của tôi nhấn mạnh) .

Ở hải nội , tôi và một người bạn đang có ý tưởng làm một từ điển kết hợp lạ trong thơ ca Việt .Kính mong các thi hữu ở Đức hợp tác .

Để chúc mừng thi tập "Thơ Việt ở Đức " đang được đón nhận rộng rãi như một hiện tượng ngôn ngữ -- văn hóa ,đồng thời để ghi nhận đóng góp của VIPEN trong việc xuất bản thi tập này , xin quý vị và các bạn một tràng pháo tay thật nồng nhiệt .


Berlin 28.06.2014


*Dr. Dương Kỳ Đức – ( Sinh năm 1944 tại Hà nội - Tiến sĩ Ngữ Văn, Tổng thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam - Viên trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Ngôn ngữ-Văn hóa Việt Nam.


** Thơ Việt ở Đức – Edition VIPEN xuất bản và phát hành tại Đức và Châu âu từ tháng 12 năm 2013