Thứ Sáu, 1 tháng 8, 2014

Thơ Việt ở Đức**: Một hiện tượng Ngôn ngữ - Văn hóa






Dương Kỳ Đức *

( Tham luận về “Thơ Việt ở Đức & Bücher von VIPEN” tại LiteraturHausBerlin 28.06.2014)




Tiến sĩ Dương Kỳ Đức -Ảnh tư liệu của Vipen



…”Thi phẩm " Thơ Việt ở Đức" như là một quả cân nặng kí đặt thêm vào đĩa cân thi đàn hải ngoại, trong thế đối trọng , không phải đối lập ,đối kháng , với đĩa cân bên kia , đĩa cân thi đàn hải nội ,làm cho cái cân thi ca Việt Nam luôn được vận động trong sự đa dạng về cách nhìn, đa dạng về cách cảm , đa dạng về cách diễn ngôn” – (Tiến sĩ Dương Kỳ Đức)- Ông là Tổng Thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam - Viện trưởng Viên Ngiên cứu và Phát triển Ngôn ngữ-Văn hóa Việt Nam. Thường sống ở Hà Nội thỉnh thoảng lại sống ở Berllin. Bài viết “ Thơ Việt ở Đức –Một hiện tượng Ngôn ngữ-Văn hóa” mà ông đã trình bầy trong đêm ”Thơ Việt ở Đức & Sách của VIPEN” tại LiteraturHausBerlin ngày 28.06.2014 ( Edition VIPEN)


Tôi là dân ngữ văn, nhưng đáng buồn một điều là tôi không lấy thơ làm sở thích . Nửa thế kỉ nay , tôi chỉ là một nhà từ điển học và một người nghiên cứu về ngôn ngữ và văn hóa , về văn hóa và ngôn ngữ.


Khi con trai tôi trao cho tôi cuốn " Thơ Việt ở Đức"(2013) tôi thực sự bất ngờ : Wow , thật là hoành tráng ! Dày gần 476 trang với hơn 280 bài của hơn 70 thi hữu từ nhiều địa phương khác nhau ở nước Đức .Tôi chưa thưởng thức được kĩ , nhưng cũng đã đọc lướt qua cả hơn 280 bài . Đây không chỉ đơn giản là một xuất bản phẩm, là một thi phẩm , không chỉ đơn giản là một sự kiện văn hóa , mà đây chính là một HIỆN TƯỢNG NGÔN NGỮ -- VĂN HÓA.


Đây là hiện tượng , vì sau mấy chục năm bôn ba ở hải ngoại để mở mắt và mở lòng , cộng đồng người Việt ở Đức , mà linh hồn tinh thần là những nhà thơ, những người yêu thơ , chơi thơ , vẫn rất sành điệu và đồng điệu với cộng đồng ở quê hương về ngôn từ Việt ngữ.Là một người từ trong nước sang Berlin đây chơi , tôi không cảm thấy một chút nào lai căng về ngôn phong : đây quả thật là một thứ thi ngữ " made in Vietnam" " xịn trăm phần trăm" . Ước sao thế hệ thứ hai , thứ ba và thứ en nờ của người Việt ở Đức sau này cũng vẫn phát huy được niềm tự hào này của thế hệ đầu đàn.


Đây là hiện tượng ,vì nó thể hiện thi lực của cộng đồng Việt ở Đức là rất đáng nể trong thi đàn hải ngoại .Trong nền thi ca Việt Nam không phải chỉ có mảng thi ca hải nội , như một ngón tay cái , đã đành thế , mà còn có cả mảng thi ca hải ngoại khác nữa ở khắp năm châu bốn bể nơi có người Việt sinh sống , như những ngón tay chung trong một bàn tay .Có ngón dài ngón ngắn , nhưng đều là thuộc một bàn tay " thi ca Việt Nam" . Thi phẩm " Thơ Việt ở Đức" như là một quả cân nặng kí đặt thêm vào đĩa cân thi đàn hải ngoại, trong thế đối trọng , không phải đối lập ,đối kháng , với đĩa cân bên kia , đĩa cân thi đàn hải nội ,làm cho cái cân thi ca Việt Nam luôn được vận động trong sự đa dạng về cách nhìn, đa dạng về cách cảm , đa dạng về cácc diễn ngôn .Đấy chính là thế đa dạng văn hóa động .Địa vị và bản sắc của thi đàn hải ngoại Việt nói chung , của thi đàn Đức nói riêng và của từng thi hữu nói riêng nữa, cần phải được thừa nhận và tôn trọng trong thế bình đẳng,cân bằng của trạng thái đa dạng văn hóa động .


Hi vọng là trong tương lai , với sự hợp tác thiện chí của tất cả các thi hữu hải ngoại nhiều thế hệ , chúng ta sẽ có một " TOÀN VIỆT HẢI NGOẠI THI TẬP" ,gồm các thi phẩm muôn màu muôn vẻ ,được xếp theo thời kì, trong thời kì thì xếp theo địa lí ( nước ) và có bảng tra ( index) theo tên tác giả , tên bài ,theo thể thơ , phong cách , đề tài , chủ đề,v.v.Không loại trừ các thi phẩm sáng tác bằng tiếng nước ngoài , miễn là của người Việt ở hải ngoại .Với trình độ của công nghệ thông tin hiện đại, tôi nghĩ việc làm "TOÀN VIỆT HẢI NGOẠI THI TẬP" không mấy khó. Nếu thành công , đấy sẽ là một đóng góp quan trọng cho sự nghiệp bảo tồn và phát huy bản sắc ngôn ngữ -- văn hóa Việt của cộng đồng hải ngoại .

Bây giờ xin chia sẻ đôi điều về nội dung các bài thơ trong " Thơ Việt ở Đức " .Tôi chỉ nói về hai chuyện là " mùa thu" và " nắng " .

Mấy năm gần đây ,năm nào tôi cũng sang chơi Đức hai,ba tháng , nhưng chưa bao giờ được trải nghiệm không khí thu , sắc thu ở cái xứ lạnh này. Tôi rất tò mò không biết nó ra sao .Trong tôi chỉ có ấn tượng về nét thu ở xứ ta :


" Ao thu lạnh lẽo nước trong veo
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo "


Rồi : " Ngõ trúc quanh co khách vắng teo "

Và:" Lá vàng trước gió sẽ đưa vèo" .

Thế còn mùa thu Đức trong thơ hải ngoại ?


Trong hơn 280 bài , chỉ có khoảng 15 bài nói về thu : cũng vẫn nào " mây trắng " , sương lạnh " , nào " nắng vàng " ," lá vàng " , và duy nhất có một hình ảnh " lạ " ( với tôi) là " mảnh lụa vàng " ( " Cả dãy phố choàng lên mảnh lụa vàng " --Nguyễn Thanh Nguyên , Đứng giữa trời thu, trang 246 ).Tôi mong được biết thêm cách tri nhận riêng của người Việt về sắc thu Đức .


Còn về " nắng ?


Ở hải nội ," Hè thon cong thân nắng CỰA MÌNH " (Lê Đạt ) , " Nắng LẢO ĐẢO mái hiên say nghiêng ngả " (Phan Huyền Thư) , " Nắng DÂNG làm lụt cả trưa hè" ( Nguyễn Bính ) . Ở đây , nắng được cảm nhận như là một con người , như một dòng nước mạnh .


Lại nữa :


" Hoàng hôn hoàng yến NGẬM nắng " (Vi Thùy Linh) , " Đàn cò áo trắng KHIÊNG nắng qua sông " ( Trần Đăng Khoa) .Chắc là nắng ở hải nội cứng và nặng lắm !

Rồi : " Đất THÊU nắng , bóng tre rồi bóng phượng " (Huy Cận) . Nắng bây giờ lại mềm mại như sợi chỉ thêu!


Còn nắng ở Đức thế nào ?

Nó mảnh mai như cô gái giữ eo thon:


" Nhớ ánh hoàng hôn bóng nắng GÀY " ( Trần Việt -- Màu bụi đỏ ,trang 415 ) .


Nó có thể lóe lên như lửa :

" Cheo leo vách đá XÒE tia nắng " ( Trần Việt -- Động Cô Tiên , trang 411) .


Khi tôi vào chợ Đồng Xuân ở Berlin ,đến gian thực phẩm, trông thấy hạt tiêu ,nước mắm , mít và sầu riêng ,nhưng không ngửi thấy mùi .Người ở đây bảo thời tiết khô ,niêm mạc mũi bị khô, nên mũi bị điếc . Thế nhưng , với các nhà thơ hải ngoại ở Đức , nắng ở Đức chẳng những thơm mà còn ngọt nữa :

" Tặng em ! HƯƠNG nắng giao mùa" (Lê Văn Công-- Tặng em , trang 180) .

Và : " Ngẩng đầu lên ....nắng NGỌT NGÀO thiên thanh " ( Trương Thị Hoa Lài -- Thương nghề ....đường sắt , trang 439) .

Sự tri nhận của người Việt ở Đức về "thu" thì chưa đặc sắc , nhưng về " nắng " thì thật là lạ ( những chữ in hoa trong phần trích dẫn ở trên là của tôi nhấn mạnh) .

Ở hải nội , tôi và một người bạn đang có ý tưởng làm một từ điển kết hợp lạ trong thơ ca Việt .Kính mong các thi hữu ở Đức hợp tác .

Để chúc mừng thi tập "Thơ Việt ở Đức " đang được đón nhận rộng rãi như một hiện tượng ngôn ngữ -- văn hóa ,đồng thời để ghi nhận đóng góp của VIPEN trong việc xuất bản thi tập này , xin quý vị và các bạn một tràng pháo tay thật nồng nhiệt .


Berlin 28.06.2014


*Dr. Dương Kỳ Đức – ( Sinh năm 1944 tại Hà nội - Tiến sĩ Ngữ Văn, Tổng thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam - Viên trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Ngôn ngữ-Văn hóa Việt Nam.


** Thơ Việt ở Đức – Edition VIPEN xuất bản và phát hành tại Đức và Châu âu từ tháng 12 năm 2013














Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét