" Cả cuộc đời ba không có gì để lại cho các con ngoài số vốn kiến thức mà ba mẹ tảo tần nuôi các con ăn học.Mong các con trở thành những người hữu ích cho xã hội" ( trích từ TT "Vững Niềm Tin")
Thứ Hai, 14 tháng 7, 2014
Đất
đất- niềm khao khát
đừng hỏi vì sao tôi nhìn thấy niềm khao khát của đất từ trong sâu thẳm mắt em
niềm khao khát chỉ có thể nhìn thấy qua ánh mắt em nếu không có một ngày lũ ong nâu bay vào làng nói với người làng tôi rằng hãy từ bỏ những bài ca cũ kỹ về đất, những bài ca nói về tình bằng hữu nơi mặt đất
con cháu loài homo sapiens không thể là bằng hữu với con cháu lũ khủng long tàn bạo, vào một ngày không xa, đám bò sát, cháu chít lũ khủng long còn sót lại sẽ nghĩ ra cách khôi phục quyền bá chủ mặt đất của cha ông chúng bằng cách giả dạng con người
lũ ong nâu nói
như thế thì chẳng có tình bằng hữu nơi mặt đất hay sao
em nói
có
nhưng chỉ giữa con người với con người
và giữa con người với những loài giống khác không phải là cháu con của lũ khủng long tàn bạo
lũ ong nâu nói
tôi nói ngàn lần biết ơn loài ong nâu
nếu các bạn không nói
người làng tôi vẫn còn giữ mãi những bài ca cũ kỹ về đất
nhưng làm sao cho mặt đất trong lành
không còn lũ rắn sống lẫn giữa con người
một cuộc cách mạng về loài nơi mặt đất
em nói với tôi
rằng em sinh ra nơi mặt đất
nên niềm khao khát của em là niềm khao khát của đất
đất- sự giận dữ
làm sao con cháu lũ khủng long lại dám gỉả dạng con người buông những lời kiêu căng hiếu sát giữa buổi văn minh lũ hổ trên rừng cũng từ bỏ thói hung hăng man rợ
vào một sáng tháng bảy tôi nghe đất gào lên giữa màu nắng buổi chớm thu
và lập tức sau đó những âm vang giận dữ của đất dội lại từ những cành cây kẽ lá những lời bi tráng
một bài hịch ca kỳ dị của thế kỷ
em chín cửa con sông phù sa bát ngát
ngực trần nghìn năm khoả hương sắc dậy thì
xôn xao lau lách
bờ bến bãi ngồi đứng không yên
ngọn sóng ba đào vỗ nên miền sử thi lộng lẫy
lũ quỉ ở bên kia bờ cõi luân thường nghìn năm rình rập
em nền văn hoá trầm tích nghìn năm
phủ niềm cảm hứng vô biên những dấu vết một thời hương sắc còn nguyên trong đất
kẻ hậu thế nhìn ra vào một ngày cả thế giới không tiếc lời ngợi ca
ở bên kia bờ cõi luân thường
lũ ngông cuồng của thế kỷ nhảy lồng lên vì ghen tức
là gò mun hay gò sành hay óc eo hay đồng đậu hay sa huỳnh hay đông sơn
hết thảy đều là những vẻ châu ngọc của em kiêu sa nghìn năm văn hiến dấu tích của những cuộc đá cũ đá mới vô tiền khoáng hậu những cuộc đổi thịt thay da bỗng hoá thành hình hài chim hồng chim lạc bay suốt cõi vô thường
ở bên kia bờ cõi luân thường
lũ mặt đen nghiến răng hậm hực
là cày bằng đao trồng bằng lửa
hay cày bằng trâu bằng máy trồng bằng những hạt giống buổi văn minh
hết thảy là thuộc về một dòng sử lịch nối liền rừng biển
con chim hồng chim lạc bay suốt chiều dài lập đất giữ đất
vào một hôm
lâu lắm
chỉ mới vừa nghe đám cháu chít lũ khủng long ở bên kia bờ cõi luân thường ậm oẹ chuyện lấn đất
lũ chim hồng chim lạc suốt ngày đêm bay suốt dòng lịch sử để báo cho đất biết tham vọng của lũ tham tàn
một ngày sử lịch chép bằng những tiếng thét dậy trời làm bàng hoàng thế kỷ
(trích trường ca Cổ Tích Của Đất của Nguyễn Thanh Hiện)
Dracula thời @
Như lệ thường, chàng lại thức giấc khi đêm xuống, bắt đầu cuộc hành trình tìm kiếm của riêng mình.
Chàng lao về phía những dải thiên hà xa xăm đang toả sáng lấp lánh, nơi có biết bao nhiêu loài chim lạ đang cất cao giai điệu ngợi ca tình yêu và cái đẹp vĩnh hằng.
Nhiều thế kỷ đã trôi qua. Cây cọc nhọn xuyên qua trái tim chàng năm xưa như một phép nhiệm màu đã đâm chồi và vươn dài những nhánh thường xuân xanh biếc.
Chàng không còn hút máu loài người nữa. Máu của loài người giờ đây khiến chàng có cảm giác tanh lợm.
Để tồn tại, chàng đã phải tự hút lấy sinh lực của chính mình.
Đinh Hồng Nghi
Thượng đế và con chó
I
“Dễ thôi mà.”
Ông lão già nua lẩm cẩm bắt đầu tạo ra xứ sở trong mơ với những hình nhân bằng giấy và gỗ. “Sẽ bình đẳng.” Ông huỷ diệt mọi nhân cách. “Thấy không? Chúng chỉ là những khuôn mặt giấy bồi y hệt nhau.” Ông huỷ diệt những ham muốn, vì chúng sẽ tạo ra khổ sở mặc dù chúng cũng là động lực sáng tạo. Không cần sáng tạo, ông đinh ninh như vậy. “Tiến bộ?” ông nói. “Mà tiến đi đâu? đi mau tới hố thắm của cái chết à?” Họ được tạo ra không phải để làm nô lệ, họ là chủ nhân. Nhưng ông không ưa vẻ mặt nhơn nhơn kiểu ta đây là một ông vua con của những người cộng hoà. Ông bẻ cổ từng hình nhân của ông cho chúng cúi xuống, cùng một kiểu ngơ ngác sợ sệt và sẵn sàng giơ vai ra gánh, giơ lưng ra chịu và giơ cổ ra để bị chém. “Vậy tốt hơn.” Để giữ trật tự, một đám được giao nhiệm vụ trông coi. “Sẽ bình đắng.” Giáo dục, khoa học và nghệ thuật được nấu chung trong nồi cám lợn, quấy lên và chia đều cho tất cả. Sẽ không có thiên tài. “Một xứ sở bình đắng cần quái gì những thiên tài? Phải giết chúng từ trong trứng nước!” Để công bằng, mọi người đều được giao nhiệm vụ gièm pha, xúc xiểm, rình rập và tố giác lẫn nhau. Ông chọn ra một vị chân đất khổ hạnh, mặc hồng y và dẫn đường. Ông chọn vài con trong bầy cừu. Gán tội và hi sinh chúng. Máu đổ ra từ bàn hiến tế sẽ là thứ keo gắn kết nỗi khiếp nhược của đám giấy bồi. Theo lập trình, thỉnh thoảng sẽ có làm loạn, rồi có sự trấn áp và đổ máu. Nhưng không sao, điều đó chỉ để củng cố uy quyền. Vì uy quyền thì chủ yếu dùng để trừng phạt hơn là tưởng thưởng. Và uy quyền cũng yếu đi nếu thiếu sự sợ hãi tuân phục của đám đông.
Ông lão làm mọi thứ đến cuối ngày. Khi đã mệt mỏi, ông nghỉ ngơi, ăn uống rồi đi ngủ.
Ông dự tính sẽ làm thêm nhiều mô hình như vậy, bán đi mọi nơi để kiếm lời trang trải cho cuộc sống.
Ông ngủ. Nằm bên cạnh ông là con chó trung thành.
Trong mơ ông thấy mình là thượng đế.
II
GOD – DOG.
Lê Minh Chánh
Gia đình là bến đỗ nơi ta có thể quay về
Featured Image: Mental Picture
Gia đình ở hai tiếng ba, mẹ
Tôi nhớ lúc nhỏ có đọc được trong cuốn sách giáo khoa môn Giáo Dục Công Dân năm cấp hai một câu ngạn ngữ Châu Phi. Câu nói ấy ý như sau:
“Dù con cái có là rắn độc thì bà mẹ vẫn ôm ấp nó quanh hai bầu vú của mình.”
— Ngạn ngữ châu Phi
Câu nói ấy gây ấn tượng mạnh với tôi đến tận ngày nay vì hình ảnh một người dám để rắn độc cắn mà chỉ nghĩ đến thôi tôi cũng đã rùng mình. Tôi tự hỏi, điều gì ở những người phụ nữ bé nhỏ này đã có thể khiến người trở nên mạnh mẽ đến như vậy. Câu hỏi ấy vẫn còn bỏ ngỏ.
Thế là tôi nghĩ đến mẹ tôi.
Ngày xưa khi còn nhỏ, tôi hay ốm yếu bệnh tật. Tôi sốt nhiều đến mức đã nghĩ đó là chuyện bình thường, ai cũng như tôi. Chỉ đến khi năm lớp tám tôi mới nhận ra để rồi tự hỏi vì sao tôi chẳng bao giờ nghe thấy ba mẹ than phiền vì có đứa con ốm yếu như tôi. Tôi luôn nhớ cái hình ảnh giữa đêm thức giấc, hình ảnh mẹ ngồi kế bên, chán mẹ nhăn nheo vì lo lắng, tay mẹ thì luyên thuyên hết đắp khăn lên trán đến nắm tay nắm chân cho tôi đỡ lạnh. Đến giờ tôi mới nhận ra, dù tôi có bệnh hàng tháng đi chăng nữa thì tôi vẫn là con của mẹ, và mẹ vẫn sẽ mãi lo lắng cho tôi.
Thế là tôi nghĩ đến ba tôi.
Ngày xưa khi còn nhỏ, gia đình tôi sống ở khu chung cư dành cho giáo viên. Mỗi mùa nước lũ, ba mẹ phải lấy tất cả chăn nệm trong nhà để ngăn nước tràn vào nhà. Chỉ có một mùa nước lũ, nước mưa lớn quá dù có ngăn thế nào nước vẫn tràn vào nhà, ngập đến đầu gối của ba. Để tôi có thể tự do đi lại, ba đã đặt những chiếc ghế nhựa khắp nhà. Lúc ấy bé con tôi cứ nghĩ đó là trò chơi, chạy lên hết cái ghế này đến lên cái ghế khác, rất thích thú. Một tối tôi muốn đi nhà vệ sinh. Gấp rút quá ba không biết phải làm thế nào, đã ẫm tôi trên lưng rồi chạy như bay vào nhà vệ sinh, tìm cái ghế cho tôi ngồi trên đó. Chỉ đến lúc đó thôi tôi mới nhận ra, chân ba đẫm trong nước mưa bầy nhầy dơ bẩn để chân tôi khô ráo sạch sẽ.
Thế là tôi nghĩ đến ba mẹ của các bạn.
Tôi nghĩ đến những người ba người mẹ đã vì bạn mà sáng đi chiều về, mồ hôi nhễ nhại, chỉ kịp lấy khăn thấm, ăn vội vài miếng cơm, nằm nghỉ vài phút đồng hồ quí giá, để rồi lại tất bật ra đi trong buổi trưa nắng như thiêu như đốt. Tôi nghĩ đến những người ba người mẹ vì cuộc đời của bạn mà bỏ qua cuộc đời của bản thân. Tôi nghĩ đến những người ba người mẹ vì bạn trên giảng đường đại học mà đứng bán xôi bán bánh hay ngủ lây lất ở những khúc đường thành phố. Tôi nghĩ đến những người ba người mẹ vì bạn mà đứng đợi trước cổng trường, lo lắng đến mức nước mắt rưng rưng. Tôi nghĩ đến những người ba người mẹ đã thức để lo giấc ngủ của bạn được tròn vành.
Đó là những hình ảnh tôi đã được nhìn thấy trên mặt báo những ngày thi đại học gần đây và thật tâm tôi tin rằng bản thân các bạn còn vô vàn những kỷ niệm đẹp đẽ khác của riêng ba mẹ dành cho các bạn.
Tôi biết có nhiều người đến khi ba mẹ qua đời mới nhận ra được tài sản vô giá đó của mình. Tôi cũng biết có nhiều người may mắn hơn, đến khi sinh ra đứa con đầu lòng mới nhận ra tình mẫu tử thiêng liêng cao cả như thế nào. Thế nên tôi tự định đoạt cái may mắn của mình để có thể nâng niu cái báu vật của mình lâu hơn cả họ. Vì dù thời gian còn lại là rất nhiều thì với tôi vẫn là chưa đủ.
Và tôi thật tâm mong muốn các bạn nhận ra được báu vật và sự may mắn của riêng mỗi các bạn.
Hãy nhìn vào khuôn mặt của ba mẹ các bạn, nhìn những nếp nhăn thấm đẫm sương, những đôi mắt mờ đi vì năm tháng mà sao quá đỗi trong veo và đong đầy cảm xúc. Hãy nhìn những mái đầu bạc phơ vì sương gió, những bàn tay rám nắng và chai sạn, cái lưng khòm đi vì gánh nặng gia đình mà sao vẫn to lớn và vĩ đại.
Ba mẹ của chúng ta đẹp đẽ biết bao nhiêu.
Gia đình ở hai tiếng bạn bè
Nhưng rồi cuộc đời của mỗi người là mỗi khác nhau. Và có những cuộc đời được sinh ra, với vô vàn những lý do khác nhau, không được hay đã không còn được tận hưởng cái hơi ấm từ tài sản quý giá này, tôi muốn gửi gắm đến bạn một câu nói của giáo sư Meg Jay trong cuốn sách The Defining Decade:
“Những người có gia đình tan vỡ như Emma cảm thấy như cuộc đời họ sẽ sống trong đau khổ. Họ lớn lên tin tưởng rằng gia đình là của người khác và rằng họ sẽ không bao giờ với tới được. Giải pháp duy nhất của họ là tìm đến bạn bè, bác sĩ tâm lý, hoặc bạn trai để được nghe những lời an ủi, hoặc chỉ để nguyền rủa cái gọi là gia đình. Điều mà chẳng ai nói với những thanh niên tuổi hai mươi như Emma đó là cuối cùng, và bỗng dưng, họ có thể chọn lựa và tạo dựng được gia đình cho chính bản thân họ. Và đây chính là gia đình mà cuộc đời họ thuộc về, là những người sẽ định nghĩa những thập kỉ tiếp theo của cuộc đời họ.”
(“Clients like Emma feel destined for unhappiness because of broken families. They grew up believing that family was beyond their control, or something other people got to have. The only solution they have ever known has been to turn to friends or therapists or boyfriends for moments of solace, or to swear off family altogether. What no one tells twentysomethings like Emma is that finally, and suddenly, they can pick their own families—they can create their own families—and these are the families that life will be about. These are the families that will define the decades ahead.”)
— Meg Jay, PhD in The Defining Decade.
Hãy nhìn xung quanh các bạn, tìm cho mình một hay những người mà bạn tin tưởng. Những người thật lòng yêu thương bạn và bạn thật lòng thương yêu. Những người mà bạn cảm thấy may mắn và tự hào được gọi hai tiếng bạn thân. Những người sẽ lắng nghe bạn nói, thương yêu, chia sẻ, vì đó sẽ là một gia đình mới hơn, một gia đình rất riêng của bạn.
Gia đình không chỉ ở hai tiếng “gia đình”
Gia đình không chỉ đơn thuần là những danh từ như “gia đình” là “ba” “mẹ” “anh” “chị” “em” hay “bạn bè”. Gia đình có cái nghĩa sâu xa hơn rất nhiều mà đôi khi vì vòng quay cuộc sống chúng ta bỗng quên khuấy đi mất. Gia đình, đó là những người thật lòng yêu thương bạn; những người mà bạn tin rằng, dù bạn có thay đổi thế nào, ở xa cách mấy, thì họ vẫn sẽ luôn ở đó, là bến đỗ nơi ta có thể quay về, là nguồn động viên, là tình yêu thương, là sự quan tâm chăm sóc không bao giờ thay đổi.
Hãy gửi đến họ những nụ hôn nồng nàn nhất, những cái ôm ấm áp nhất, những dòng thư thật tâm nhất, những lời nói yêu thương sâu thẫm nhất trong lòng bạn.
Vì bạn, vì họ, vì chúng ta xứng đáng được nhận yêu thương.
Tôi thân chúc các bạn hạnh phúc.
Trân Nguyễn
Giáo sư Carl Thayer: Lo ngại Mỹ-Trung Quốc móc ngoặc ở Biển Đông
Giáo sư Carl Thayer có cảm giác Trung Quốc đã móc ngoặc với Mỹ còn Mỹ thì sợ hãi việc phản ứng quá mạnh ở Biển Đông.
Giáo sư Carl Thayer.The Straits Times ngày 12/7 đưa tin, trong ngày cuối của Đối thoại Chiến lược - kinh tế Trung - Mỹ thường niên tại Bắc Kinh, Trung Quốc đã từ chối kêu gọi của Mỹ về việc phải tuân thủ luật pháp quốc tế trong vấn đề Biển Đông.
Tiến sĩ Patrick Cronin, Giám đốc Chương trình châu Á - Thái Bình Dương từ Trung tâm An ninh mới của Mỹ cho rằng Mỹ cần xuất hiện ngay bây giờ với chiến lược áp đặt cái giá phải trả nhằm ngăn cản Trung Quốc thực hiện chiến lược "ép buộc phù hợp" ở Biển Đông.
Ông nói, hành động của Trung Quốc cho đến nay được thiết kế thông qua thủ đoạn phi quân sự, trong khi Bắc Kinh đưa ra thông điệp với láng giềng: Muốn tìm kiếm quan hệ thương mại tốt hơn với Trung Quốc cần phải cung cấp cho Bắc Kinh quyền kiểm soát nhiều hơn đối với an ninh và tài nguyên trên Biển Đông.
Cronin cũng cho rằng tính ưu việt của Mỹ sẽ không bền vững và Washington phải làm nhiều hơn để đối phó với một Trung Quốc đang lên. Kêu gọi cứng rắn của các học giả Mỹ phản ánh sự thất vọng ngày càng tăng sau Đối thoại Chiến lược - kinh tế Trung - Mỹ tại Bắc Kinh cho thấy 2 nước xem xét vấn đề Biển Đông như thế nào.
Các diễn giả tại Hội thảo Biển Đông lần thứ 4 do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược - quốc tế (CSIS) tổ chức chủ yếu đề nghị Mỹ cần thực hiện một chương trình tính toán lực lượng và biện pháp áp đặt cái giá Trung Quốc phải trả đối với bất kỳ hành động khiêu khích nào ở Biển Đông.
Giải pháp mà các học giả này kiến nghị bao gồm tăng cường các chuyến bay trinh sát của Mỹ có thể nhìn thấy trong các "khu vực tranh chấp" (có nhiều khu vực không hề có tranh chấp, Trung Quốc vẫn nhảy vào gây sự - PV), cung cấp thiết bị cho các đồng minh, tăng cường thăm viếng trao đổi quân sự trong khu vực, thúc đẩy các cuộc tập trận, diễn tập chung.
Thậm chí Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ đã chỉ trích Trung Quốc là kẻ "háu ăn, gây hấn trơ trẽn" ở Biển Đông, nếu Mỹ tiếp tục không hành động sẽ mang lại "cái chết của hàng ngàn vết cắt".
"Chúng ta phải trực tiếp hơn, tích cực hơn, chúng ta phải trao quyền cho bạn bè và các đồng minh của mình trong khu vực để họ tham dự trực tiếp và tích cực hơn", ông nói. Rogers cũng cho rằng đến nay Mỹ đã tỏ ra quá "coi trọng" sự nhạy cảm của Trung Quốc mà trong trường hợp tương tự chưa bao giờ Mỹ bỏ qua với bất cứ quốc gia nào.
Cũng tại hội thảo Biển Đông lần này, Bắc Kinh đã bị các học giả quốc tế chỉ trích về sự miễn cưỡng không chịu đưa tranh chấp hàng hải ở Biển Đông ra cơ quan tài phán quốc tế.
Sau khi thảo luận sôi nổi, trong đó các chuyên gia pháp lý từ Trung Quốc, Philippines và Việt Nam đưa ra quan điểm của mình, chuyên gia luật pháp Đông Á Jerome Cohen mỉa mai: Một quốc gia có thể nói yêu sách của tôi rất phù hợp với UNCLOS, tòa án không có thẩm quyền, mà tôi cũng không có nghĩa vụ phải nộp thuyết trình yêu sách của mình cho tòa án (Luật Biển Quốc tế)?
Cohen cho rằng, dù tòa án có cho rằng Trung Quốc đúng và họ không có thẩm quyền đi chăng nữa, nhưng Bắc Kinh cũng không nên đánh mất cơ hội làm những gì họ có nghĩa vụ phải làm.
Đại diện các viện nghiên cứu của Ngoại trưởng Mỹ, Bộ trưởng Quốc phòng và cơ quan tình báo quốc gia tranh luận trong 1 giờ về những lựa chọn họ sẽ trình bày với Tổng thống Mỹ. Cuối cùng hành động được đề xuất là "ngoại giao yên tĩnh", Mỹ sẽ nói kín với Bắc Kinh rằng Washington đã có sự chuẩn bị dùng vũ lực để giúp đồng minh hiệp ước Philippines tiếp tế cho tàu của họ một khi họ bị Trung Quốc bao vây ở bãi Cỏ Mây (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam).
Kết quả như vậy đã khiến một số học giả tham dự hội thảo cảm thấy thất vọng vì nó có quá ít tác động đến Bắc Kinh. Tiến sĩ Carl Thayer, một giáo sư danh dự từ đại học New South Wales cho biết, mỗi khi thấy một tuyên bố chung Trung - Mỹ từ Bắc Kinh, hai bên nhấn mạnh tiếp xúc quân đội song phương là ông có cảm giác Trung Quốc đã móc ngoặc với Mỹ còn Mỹ thì sợ hãi việc phản ứng quá mạnh ở Biển Đông.
Hồng Thủy ( Giáo Dục )
http://giaoduc.net.vn/Quoc-te/Giao-su-Carl-Thayer-Lo-ngai-MyTrung-Quoc-moc-ngoac-o-Bien-Dong-post147290.gd
Điều trần về bức cung, nhục hình
Tác giả: Đỗ Du (thực hiện)
Ông Nguyễn Đình Quyền, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, cho biết trong tháng 8 tới, cơ quan này sẽ tổ chức phiên điều trần, làm rõ trách nhiệm của các cơ quan liên quan đến việc truy bức, nhục hình trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự trong thời gian qua
Phóng viên: Những cơ quan nào sẽ được mời tham gia phiên điều trần, thưa ông?
- Ông Nguyễn Đình Quyền: Sẽ có 3 cơ quan tố tụng gồm Bộ Công an, VKSND Tối cao và TAND Tối cao. Phiên điều trần sẽ xem xét chức năng giám đốc của TAND Tối cao; chức năng kiểm tra, thanh tra của Bộ Công an và chức năng kiểm sát, giám sát của VKSND Tối cao. Liên quan đến trách nhiệm của ai thì phải làm rõ và xử lý. Muốn vậy thì phải làm rõ hành vi của người vi phạm nhưng việc này không đơn giản bởi có vụ đã xảy ra khá lâu, như vụ án của ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang xảy ra cách đây 10 năm rồi. Rõ ràng, chức năng xét xử, thanh tra, kiểm tra, kiểm sát, giám sát phải được tăng cường hơn bao giờ hết để bảo đảm quyền dân chủ trong quá trình xét xử.
Ông Nguyễn Đình Quyền, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội
Đối với những vụ án còn khiếu nại kéo dài có được đưa ra mổ xẻ, xem xét?
Tất cả những vấn đề liên quan đến người dân mà còn oan sai thì các cơ quan nhà nước còn có trách nhiệm. Đó là nguyên tắc của nhà nước pháp quyền. Nếu người dân còn kêu oan thì cơ quan nhà nước phải rà soát lại, xem có oan hay không. Đến khi nào có trả lời chính thức thì quá trình đó mới dừng lại.
Từ khía cạnh pháp luật, theo ông có kẽ hở nào không khi vụ án đã trải qua các phiên xử sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm nhưng vẫn có thể xảy ra oan sai?
- Về cơ bản, pháp luật tố tụng hình sự hết sức chặt chẽ. Tôi đã 4 lần tham gia làm Bộ Luật Tố tụng hình sự và tất nhiên vẫn còn có vấn đề nhưng nếu làm tốt thì khó mà xảy ra oan sai. Rõ ràng, trong quá trình thực hiện có những cái chưa tốt, chưa đúng nên mới xảy ra oan sai. Xảy ra oan sai có rất nhiều nguyên nhân nhưng tôi có thể khẳng định 80%-90% là do tổ chức thực hiện pháp luật. Đừng đổ tội cho pháp luật bởi pháp luật có thể chưa hoàn thiện nhưng nếu chúng ta thực hiện tốt pháp luật, tôi tin rằng những tồn tại đó không thể xảy ra.
Người thân cầm ảnh ông Nguyễn Mậu Thuận tại phiên tòa sơ thẩm Ảnh: ĐỖ DU
Đã có ý kiến nếu tại phiên tòa, bị cáo khai bị ép cung, nhục hình thì có thể triệu tập điều tra viên để làm cho rõ, ông nghĩ sao về đề xuất này?
- Theo quy định, viện kiểm sát đã kiểm sát cơ quan điều tra từ quá trình tạm giữ hình sự người liên quan, chứ chưa nói tới quá trình khởi tố hình sự. Nếu có việc truy bức, nhục hình thì viện kiểm sát phải nắm được. Tuy nhiên, vai trò của cơ quan điều tra như thế nào sẽ được xem xét, tính đến khi tổng kết thực hiện Bộ Luật Tố tụng hình sự trong thời gian tới. Đặc biệt là điều tra viên chính trong các vụ án hình sự trước tòa như thế nào, chứ không chỉ có cơ quan công tố như hiện nay.
Việc xây dựng, sửa đổi Luật Tạm giam, tạm giữ; Luật Tố tụng hình sự; Luật Hình sự sắp tới có tính tới việc lắp đặt camera ở phòng hỏi cung để góp phần chống bức cung, nhục hình không, thưa ông ?
- Chống truy bức, bức cung, nhục hình chỉ là một biện pháp kỹ thuật thôi. Để chống được tình trạng này, chúng ta phải áp dụng cả chục biện pháp, trong đó, việc lắp camera chỉ là một biện pháp. Chúng ta phải làm từ ngọn, tiêu chuẩn tuyển dụng điều tra viên, cách bổ nhiệm thủ trưởng cơ quan điều tra…
Vai trò của luật sư có được tăng cường khi sửa các luật nói trên?
- Tăng cường vai trò của luật sư trong quá trình tố tụng cũng góp phần giảm bức cung, nhục hình.
Làm việc với VKSND Tối cao chiều 8-7, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang yêu cầu VKSND Tối cao phải chủ động tăng cường phối hợp với các cơ quan liên quan để giảm thiểu tối đa án oan sai, cũng như xử nghiêm các trường hợp xâm phạm hoạt động tư pháp. Theo Chủ tịch nước, số lượng án xâm phạm hoạt động tư pháp không nhiều nhưng chỉ cần mỗi năm, mỗi cơ quan xảy ra một vụ cũng đủ gây ra tai họa lớn.
Nhiều vụ bức cung, nhục hình
Chiều 9-7-2014, HĐXX TAND tỉnh Phú Yên đã tuyên hủy án sơ thẩm, trả hồ sơ sang VKSND tỉnh Phú Yên để điều tra lại vụ án 5 cán bộ Công an TP Tuy Hòa dùng nhục hình dẫn tới chết người.
Ngày 8-5, TAND TP Hà Nội mở phiên sơ thẩm xét xử 4 bị cáo nguyên là công an xã Kim Nỗ, huyện Đông Anh, Hà Nội về tội giết người. Trước đó, ngày 30-8-2012, tại trụ sở công an xã, 4 bị cáo này đã đánh để xét hỏi dẫn tới cái chết của ông Nguyễn Mậu Thuận. HĐXX đã tuyên trả hồ sơ để điều tra bổ sung vì có dấu hiệu vi phạm tố tụng.
Ngày 9-5, Cơ quan Điều tra VKSND Tối cao đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 2 cán bộ thụ lý, kiểm sát điều tra vụ án ông Nguyễn Thanh Chấn (huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) về hành vi cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ án. Ông Chấn bị bắt giam, truy tố và lĩnh án tù chung thân về hành vi giết người vào năm 2003. Sau khi được minh oan và trở về nhà, ông Chấn đã có đơn gửi cơ quan chức năng tố cáo việc mình bị ép cung để nhận tội.
Trong vụ án trộm cổ vật ở Bắc Giang xảy ra từ tháng 6-2001 đến 7-2003, cơ quan tố tụng tỉnh Bắc Giang đã cáo buộc 8 người gây ra hàng loạt vụ trộm ở nhiều đình, chùa. Trong các phiên tòa, cả 8 bị cáo này đều tố bị ép cung, nhục hình trong quá trình giam giữ, lấy lời khai.
—————
http://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/dieu-tran-ve-buc-cung-nhuc-hinh-20140713221909734.htm
Chủ Nhật, 13 tháng 7, 2014
Thơ Minh Đan
Tác giả Minh Đan
Minh Đan tên đầy đủ là Lữ Ngọc Minh Đan, sinh năm 1979 tại Bình Định. Hiện sống và làm việc tại TP. HCM.
Vén thì
Lắng
gọt giũa ngày đông
dệt đôi chiếu ấm
bóng non cao đổ
đêm ghì
đợi hình hài mới
vén thì.
Biển mặn
Tan bờ rồi, sóng không buồn vỗ
muối không buồn mặn
em buồn gói tên anh vào ngọn trắng
dưới lòng sâu nụ hôn
cát
Mất nhau
biển cạn
cát bỏng
em vụt tay
khuấy những giọt nước mắt.
Nhảy kim
Ra đi
tìm nửa cuộc đời
quẩn quanh bát nháo lơi bơi
chợ tình
ngày trơ mắt bão môi xinh
sóng ánh mắt
cứ lình kình nhú gai
về thôi thâu
tóm bi hài
mỏi mê
cười… khóc lên hai
vai gầy
nhân duyên giả định buồn rây
ba mươi
tủi
nhảy kim bày cuộc chơi…
Miền gió chướng
Gió mười phương bật thức đại dương
cô đơn em
băng băng sóng vực
Đứng lên thôi
cho rạn vỡ máu
gió lịch xịch
trăm năm phơi ngửa cội nguồn
Giữa lốc cuốn sa mạc
chán chường
xương rồng mọc
bão cát khua động niềm im lặng
hoa nở
màu hi vọng.
Thứ Bảy, 12 tháng 7, 2014
nỗi buồn
người về như bóng nắng
người về như lá bay
thời gian phôi pha
thiên nhiên thay đổi
áng mây trôi đi
anh chẳng thể mong đợi
những cơn mưa lạnh đêm xưa
cơn mưa vẫn bão bùng trong lòng ta
ơi-mưa xưa-ta vẫn nghe tiếng mưa
đêm cuối mùa năm ấy
anh đừng ước điều không còn đã qua
nỗi buồn
nỗi buồn cháy tan trong ta
như điếu thuốc đã tàn dưới chân
trái tim thổn thức
vì đâu
ta biết hỏi ai
người trên thế gian này
người có cô đơn
người có khóc
chia ly
nước mắt lăn trong đời nhau
anh có hay như vết xâm không tẩy xóa được
ta cào xé ta rách nát vẫn còn đó
giọt lệ chưa chảy hết còn mặn chát nỗi buồn
ngày mai
đừng nói chuyện ngày mai
niềm tin ta ngờ vực…giấc mơ tuyệt vọng
ta về đây lạc lõng mơ hồ
phố xá cũ nhìn xem rất lạ
anh nhắc nghe khúc hát, tiếng đàn bầu tuổi thơ
cây đàn treo trên tường chờ ta đã bao năm
đã bao năm dang dở
ta lạc trong cung điện, những nhịp buồn cô liêu
đàn anh nghe một đoạn
tiếng nức nở trong lòng
lá thu rơi tơi tả gió thu cuộn hư không
đàn anh nghe một điệu
câu ca ru xuân tình
sao nghe mà trôi nổi
từng cơn song phiêu linh
ta lỡ đàn như thế làm sao sống bên người
ta lỡ đàn như thế nên cứ phụ lòng người
đừng theo ta đi khỏi thành phố này
thành phố của tuổi thanh xuân trải qua thời bi hận
hãy ở lại đây
cho dù sao chăng nữa con đường xa thêm nữa xa nhau thêm nữa
nỗi buồn là vết xâm hiện hữu là đất trầm luân nứt rạn
là khoảng cách muôn trùng, thi sĩ như con chim lẻ bạn
đọc câu thơ cũ:
đất thăm thẳm trời xanh (1)
rồi ta sẽ bỏ đi
nỗi buồn tràn ngập
chẳng thể nói một lờì
Hàn Song Tường
• Thơ Trần Tử Ngang, trong bài Đăng u châu đài ca, bản dịch của Linh Vũ Nguyễn hữu nhã.
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)