Thứ Hai, 29 tháng 8, 2016

sự tương đồng của Khái niệm Purusartha và Tháp Nhu Cầu Maslow


ĐÔNG TÂY GIAO THOA





 Tây Phương đã có một mô hình về động cơ tâm lý của con người từ năm 1943 tức chỉ trên dưới 70 năm tính tới nay. Nhưng thật khó tin là Đông Phương đã chuẩn hóa mô hình Tháp Maslow này ít nhất là hơn 2.000 năm trước.


Minh họa: Internet



Năm 1943, nhà tâm lý học Abraham Maslow xuất bản trên tờ tạp chí chuyên ngành tâm lý “Psychological Review” một công trình nhan đề “A theory of Human Motivation” (Lý thuyết về động cơ của con người). Bộ khung chính yếu để Maslow dựng lên lý thuyết của ông nghiên cứu về hành vi của con người chính là một biểu đồ hình tháp được đặt tên là The Need’s Hiearchy of Maslow, thường được dịch sang tiếng Việt là Tháp Nhu Cầu Maslow.

Nội dung căn bản của Tháp Nhu cầu Maslow là chia các nhu cầu của con người thành 5 phần và sắp xếp chúng theo một trật tự đi lên. Các tầng tháp này là:

1. Tầng 1: Physiological - các nhu cầu vật chất và sinh lý căn bản nhất như: thở, ăn, uống, ngủ, nghỉ, bài tiết, tình dục...

2. Tầng 2: Safety - các nhu cầu an toàn: an toàn thân thể, sức khoẻ, việc làm, tài sản...

3. Tầng 3: Love/Belonging - các nhu cầu giao lưu tình cảm và trực thuộc: gia đình, bạn bè, nhóm thân hữu, câu lạc bộ, hội nhóm...

4. Tầng 4: Esteem - các nhu cầu được tôn trọng, kính mến, được tin tưởng.

5. Tầng 5: Self - Actualization - nhu cầu được thể hiện bản thân: muốn thành đạt, muốn sáng tạo, muốn thể hiện khả năng, thể hiện bản thân, có và được công nhận là thành đạt...

 
Sơ đồ Tháp Nhu Cầu Maslow

Theo Maslow, những nhu cầu ở tầng thấp phải được thoả mãn trước khi nghĩ đến các nhu cầu ở tầng cao hơn. Khi các nhu cầu ở tầng thấp được thoả mãn sẽ dẫn đến mong muốn thỏa mãn nhu cầu ở tầng cao hơn. Các nhu cầu cũng có thể chia làm hai loại là nhu cầu cơ bản (basic needs) và nhu cầu bậc cao (meta needs); trong đó nhu cầu cơ bản là các nhu cầu không thể thiếu hụt để cho con người có thể tồn tại.

Thông thường các nhu cầu cơ bản được ưu tiên chú ý trước so với những nhu cầu bậc cao. Vì nếu một người thiếu ăn, thiếu uống... họ sẽ không quan tâm đến các nhu cầu về vẻ đẹp, sự tôn trọng... Cũng có trường hợp người ta có thể hạn chế ăn, uống, ngủ, nghỉ để phục vụ cho các sự nghiệp cao cả hơn như làm cách mạng, tranh đấu vì lý tưởng.

Lý thuyết của Maslow đã đóng góp rất lớn vào việc nghiên cứu hành vi, động cơ tâm lý của con người. Người ta đã áp dụng Tháp Nhu Cầu Maslow rất hiệu quả vào hầu như tất cả các ngành kinh tế, thương mại, chính trị, giáo dục, nghệ thuật, môi trường, đạo đức học... từ sau Thế chiến II đến nay.

Và cũng như bất cứ lý thuyết nào, đã có nhiều phân tích, phản biện để chỉ ra những điểm chưa chính xác của Tháp Maslow. Tuy thế, không ai có thể phủ nhận tính đúng đắn, khoa học của việc phân tích hành vi con người theo mô hình Tháp Nhu Cầu Maslow.
Như vậy Tây Phương đã có một mô hình về động cơ tâm lý của con người từ năm 1943 tức chỉ trên dưới 70 năm. Thật khó tin là Đông Phương đã chuẩn hóa mô hình Tháp Maslow này ít nhất là hơn 2.000 năm trước.

Vào thập niên 20 của thế kỷ trước, các nhà khảo cổ Anh Quốc đã khám phá và khai quật nhiều thành phố được quy hoạch khoa học có tuổi đời lên đến 3.000 năm trước Công Nguyên. Sau này người ta đặt tên đó là Nền Văn Minh Indus (Indus Civilization) lấy theo tên sông Indus. Cho đến nay giới khoa học chính thống vẫn xem đây là nền văn minh cổ nhất của Ấn Độ và là một trong những nền văn minh cổ nhất thế giới.

Một trong những di vật khảo cổ được chú ý là những con dấu bằng đất nung khắc chìm hình chữ Vạn (Swastik) được khai quật tại Harappan, một trung tâm chính của Văn minh Indus. Theo văn hóa Hindu của India, chữ Vạn (Swatiska) là một trong những biểu tượng cổ xưa nhất biểu đạt sự May mắn, Phúc lộc theo quan niệm Hindu. Xa hơn, một số học giả còn cho rằng Swastika chính là biểu tượng của Purusartha trong triết lý sống của Lục Địa Ấn Độ từ thời cổ đại.



Purusartha trong ngôn ngữ Sanskrit có nghĩa là “mục tiêu của đời người” (aims of human life). Văn hóa Vệ Đà (Vedic Culture) của Ấn Độ cổ đại đã hệ thống hoá những mục tiêu của cuộc đời một con người vào 4 khái niệm:

1. Artha: Wealth, Property - Tài sản, của cải: bao gồm tất cả những hoạt động và nguồn lực để con người có thể tồn tại. Việc theo đuổi mục tiêu tìm kiếm, tạo dựng và tich lũy của cải được xem như mục tiêu quan trọng trong đời mỗi người vì nó đảm bảo khả năng sống sót của cá thể đó trong tự nhiên và xã hội.

2. Dharma: Righteousness, Duty, Faith - Sự Chính đáng, Nghĩa vụ, Lòng tin vào Thượng Đế. Dharma thường được dịch chung là Pháp và hay bị nghĩ lệch về đạo pháp (của Phật giáo, Hindu hay Kỳ Na giáo). Thực ra, Dharma mang tính phổ thông hơn, đó là lẽ sống ngay thẳng, lương thiện, có trách nhiệm với chính mình và mọi người xung quanh. Người sống có Dharma sẽ sống hài hòa với tự nhiên và xã hội. Để có thể sống đúng với Dharma, người ta cần phải có Artha làm điều kiện cần thiết và tiên quyết.

3. Kama: Passion, Desire, Love, Pleasure - Đam mê, Mong ước, Tình yêu, Lạc thú. Đây là những lạc thú mà người ta có thể tận hưởng khi đã có Artha và Dharma. Việc hưởng thụ các lạc thú trong cuộc đời không có gì mâu thuẫn với một người lương thiện và thành đạt, miễn sao điều ấy không trái với đạo đức và thuần phong mỹ tục mà xã hội đượng thời đang ấn định.

4. Moksha: Liberation - Sự Giải thoát. Người ta sau khi đã thực hiện đầy đủ bổn phận với bản thân, gia đình và xã hội về mặt kinh tế, đạo đức thì có quyền và nên thực hiện việc theo đuổi những mục tiêu về mặt tâm linh, trí tuệ. Đó có thể là nghiên cứu về tôn giáo, tu tập tâm linh hay đơn giản chỉ là viết ra những cuốn sách có ích cho xã hội từ những trải nghiệm của chính mình. Trong các tôn giáo, Moksha được nâng lên cao hơn như là một sự giải thoát khỏi vòng luân hồi Samsara theo Hindu và Kỳ Na Giáo hay viên mãn thành tựu Niết bàn (Nirvana) theo Phật giáo.



Những học giả cho rằng Swastika là biểu tượng của Purusartha không phải là không có lý. Vì nếu đạt được tất cả 4 mục tiêu tối thượng quả là một sự May mắn, Hạnh phúc tột cùng của một đời người.

So sánh lại, chúng ta có thể thấy sự tương đồng của Khái niệm Purusartha và Tháp Nhu Cầu Maslow. Một sự tương đồng đáng kinh ngạc giữa hai nền văn hoá Đông - Tây, giữa hai thời đại cách nhau nhiều ngàn năm. Trong đó Artha, Dharma, Kama của Purusartha tương ứng với ba tầng tháp đầu tiên Physiological, Safety và Love của Tháp Maslow. Và Moksha thì tương ứng với hai tầng tháp cao nhất Esteem, Self-actualization.

Không cần thiết phải đặt vấn đề rằng Maslow có tham cứu Purusartha của Ấn Độ cổ đại hay không, cái mà chúng ta cần ghi nhận là nhận thức của văn hóa Đông và Tây hầu như đều thống nhất về Nhu cầu - Động cơ của Con Người.

Ngay chính Rudyard Kipling sau khi đã mào đầu rằng “Đông là Đông và Tây là Tây” cũng chậm rãi xác nhận rằng:

“Nhưng cũng không phân biệt Đông hay là Tây, biên giới hay dòng giống hay nơi sinh
Khi hai người mạnh mẽ đứng đối diện nhau, dù họ có đến từ tận cùng thế giới!”. (**)

Ai nói rằng Đông và Tây là hai thế giới cách biệt không thể gặp nhau?

Ghi chú:

(*) Nguyên tác: “The Ballad of East and West”.

“OH, East is East, and West is West, and never the twain shall meet,
Till Earth and Sky stand presently at God’s great Judgment Seat”.

(**) “But there is neither East nor West, Border, nor Breed, nor Birth,
When two strong men stand face to face, tho’ they come from the ends of the earth!”.

Nguyễn Phú, từ Nepal - Tháng 4-2016

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét