Chủ Nhật, 11 tháng 5, 2014

Không còn chỗ ...



Lừa lên phố về thấy Bò gặm cỏ bên đường. Lừa bảo:

- Khắp nơi mọi người đều lo lắng chiến tranh sẽ xảy ra, anh vẫn hồn nhiên gặm cỏ được à?

Bò đáp :

- Đó là chuyện của con người, loài Bò chúng tôi quan tâm thế nào được chứ?

- Trời đất! Chiến tranh đến thì cỏ không có mà ăn đấy!

- Hi... anh lừa lo chi. Con người họ còn không lo kia mà

- Sao không lo?- Lừa hỏi

Bò thủng thỉnh vừa gặm cỏ vừa đáp

- Anh không thấy họ ùn ùn bán gạo cho kẻ gây chiến hay sao!

Lừa ngẫm nghĩ :

- Ừ, sao họ lại thu mua gạo của ta?

- Tôi và anh ăn cỏ có gì phải lo.

- Anh Bò này, nếu ta thua thì sao hả? Chiến tranh xảy ra ấy?

- Thì tiếp tục như xưa lên rừng kháng chiến!

- Lên đâu chứ! Đâu đâu cũng có người của họ rồi.

Bò ngẩng lên :

- Ừa , Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam...đều có khu kinh tế lớn của họ. Thôi, tới đâu thì tới, còn cỏ ăn là được. Loài Bò và Lừa như tôi và anh chỉ cần vậy

- Sợ không còn chỗ ...còn cỏ nữa là

- Ậy, anh lại vớ vẫn. Họ đáng nhau ngoài biển có sử dụng bom nguyên tử cũng đâu sao.

- Ừ, mà thôi... nghĩ làm chi. tôi và anh cũng là kiếp nô lệ. Ông chủ nào cũng vậy thôi

Lừa bỏ xe đến gặm cỏ với Bò

Tua Vít

Ai cũng có một tình yêu duy nhất


 
Photo: Chriz Pixz

Không biết từ bao giờ, mà câu nói cửa miệng của tôi mỗi khi đụng chuyện rắc rối thường cứ là “Trời ơi!”

Cả họ nội lẫn họ ngoại nhà tôi đều theo đạo Phật, nhưng khi tôi được 9 tuổi thì ba tôi theo đạo Chúa để rẽ con đường khác trong cuộc đời của ông ấy. Tôi còn quá nhỏ để phân định cho mình một tôn giáo, cứ Tết về lẽo đẽo theo chân má tôi lên chùa, ngắm nhìn bức tượng lộng lẫy trên cao với niềm thành kính. Rất nhiều, rất nhiều lần tôi chắp đôi tay bé tẹo nhưng lại quên cúi lạy vì cứ mải mê ngước nhìn, chưa biết khơi dậy trong bản thân một khái niệm gì, chỉ thấy một điều gì đó… rất mênh mang…

Rồi vài năm sau đó, má tôi cũng bước một lối đi riêng, tôi bắt đầu thấy mình đứng giữa bao la cuộc gọi của đời. Tôi theo lũ bạn học lên chùa, đồng thời cứ mỗi sáng chủ nhật, tôi lặng lẽ mặc áo dài vào thánh đường, khi trời còn giăng sương và bóng ngày chưa rạng. Có thể tôi không có chánh kiến, có thể quan điểm lập trường của tôi quá tệ hại, nhưng thật lòng mà nói, dù đứng trước ngai Phật hay ngôi Chúa, tôi đều cảm thấy một sự thiêng liêng, một sự thênh thang, vô biên nào đó mà từ bé cho đến tận bây giờ tôi vẫn không sao hiểu được.

Các bà hay các dì của tôi thường nói “mô Phật” khi có chuyện gì đó, các cô trên nhà thờ khi nghe điều khác thường cũng buột miệng: “Ôi, lạy Chúa.” Còn tôi không biết nói gì, nhưng con người ta thường hay phải thốt lên một từ gì đó khi đụng một chuyện gì đó, có lẽ vì vậy mà tôi bắt đầu quen với hai từ “trời ơi!” chăng? Với tôi, đơn giản, Trời là cái khối màu xanh nền nã điểm những chấm mây trắng thênh thang khi tôi ngước nhìn lên, hay đặc biệt hơn, Trời là Đấng Tối Cao linh thiêng mà phàm trần như tôi không bao giờ chạm tới được, và điều gì không chạm tới được, hiển nhiên là huyền thoại, mà đã huyền thoại, hiển nhiên là bất diệt.

Bạn có thấy gần đây có quá nhiều sự kiện không? Tôi cứ thắc mắc tại sao những điều ấy lại xảy đến cùng lúc, giao thoa cùng một thời điểm, và để cho đơn giản trong câu trả lời, tôi đã nhủ: “Trời đất xui khiến như thế.” Và vì tôi đa mang như thế, và dù tư tưởng của của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thấm nhuần triết lý Phật giáo, nhưng khi đến với nhạc Trịnh trong một đêm giao thừa 12 tuổi, tôi vẫn tự lập cho mình một tôn giáo thứ ba: Tôn giáo Da Vàng.

Ở đó, bao gồm những điều đơn giản mà Chúa và Phật cùng âm nhạc đã giảng dạy cho tôi: Hãy yêu thương và sống tử tế với nhau. Những ca khúc Da Vàng đã cất lên cho những đồng bào chiến sĩ, lúc nào cũng nhiều da diết, khi chia sẻ nỗi đau xót xa vì quê hương bị dày xéo; lúc khơi dậy lòng yêu nước thương nòi mà tận sâu trong tấc lòng, bất cứ con dân Việt Nam nào cũng có; rồi bất chợt bùng lên sục sôi những bản hùng ca hòa bình, mở ra một tương lai rạng ngời của đất nước, bão giông hoang tàn cũng biến đau thương thành hạnh phúc tự do.
Ngày xưa ấy. Trịnh viết. Trịnh đàn. Khánh Ly hát. Trên khắp nẻo đường quê hương

Ngày hôm nay. Vẫn giai điệu của Trịnh. Vẫn Khánh Ly hát. Ngay trên quê hương Việt Nam, ngay trong những ngày biển Đông hừng hực cuộn sóng. Như đã từng. Như khơi gợi và tiếp sức cho một tình yêu duy nhất trong cả cuộc đời con người, đó là tình yêu quê hương. Tôi nói đó là tình yêu duy nhất, vì quê hương là cha mẹ, là tất cả những điều thân thuộc nhỏ bé đang bên cạnh mỗi con người chúng ta, chúng ta vẫn đang chia sẻ với nhau những điều giản dị bằng những tình người vĩ đại.

Và. Tôi nhìn những tháng ngày này. Ngẫu nhiên chăng? Đơn giản thôi: “Trời xui đất khiến như thế.” Và. Vì mọi điều xảy ra cùng trong một thời điểm như thế, nên tôi có niềm tin, cả dân tộc cùng hát một bài ca, cùng nắm một vòng tay, vẫn sẽ hạnh phúc cùng một tự do.

Xin mượn lời của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, để kết thúc bài viết, để tiếp tục và mở ra thêm những điều tốt đẹp cho quê hương chúng ta.


“… Nhân loại đã biết rõ, tuổi trẻ Việt Nam không thiếu lòng dũng cảm. Một tuổi trẻ chịu quá nhiều thiệt thòi nhưng rất ít những lời thở than…
… Xin hãy dừng tay để mọi căn nhà Việt Nam có thể mở rộng cửa chờ đón một sớm mai hòa bình… Để cho con sông , dòng suối, núi rừng và mặt đất cằn khô này được thở lại điều hòa. Tiếng hát đã có thể cất lên để nuôi lớn ước mơ…
… Ta đã có sẵn một hành trang quý giá của hơn bốn nghìn năm để còn mãi bước đi trên những lộ trình mới về tương lai. Ta phải đi tới bằng con tim sứ giả mang niềm tin và lời hứa hẹn của những người đã nằm xuống…” - Trịnh Công Sơn



Gold

Thứ Sáu, 9 tháng 5, 2014

SỰ PHÁT TRIỂN HIỆN NAY VÀ KHẢ NĂNG CỦA TƯƠNG LAI




Điều vừa đề cập dẫn tôi nói về sự phát triển hiện nay và khả năng trong tương lai về sự phát biểu của những mẫu hình của khoa học mới. Từ khi viết Đạo của vật lý, tôi đã có những thay đổi quan trọng về nhận thức khi nói về vai trò của vật lý trong sự phát triển này. Lúc bắt đầu nghiên cứu sự chuyển dịch của mẫu hình trong nhiều loại hình khoa học, tôi nhận ra tất cả chúng đều xuất phát từ thế giới quan cơ học của vật lý Newton, và tôi thấy vật lý mới là mô hình lý tưởng cho những khái niệm và cách tiếp cận mới trong loại hình khác. Trong thời gian qua, tôi đã nhận định rằng một quan điểm như thế có nghĩa là tầng mức của vật lý là cơ bản hơn mọi thứ khác. Ngày nay tôi xem nền vật lý mới, đặc biệt là thuyết Dung thông (Bootstrap) chỉ là trường hợp đặc biệt của một phương cách tiếp cận, khi ta làm việc với hệ thống.

Vì thế, sự hoàn chỉnh các luận điểm mà tôi nêu ra trong Đạo của vật lý không phải nặng trong các phát hiện tiếp theo về sự tương đồng giữa vật lý và đạo học, mà chính là sự mở rộng trong các ngành khoa học khác. Thật ra điều này đã được thực hiện, và tôi xin lướt qua vài tác phẩm đó. Về mối tương đồng giữa đạo học và khoa học tư duy, tác giả tốt nhất mà tôi biết là Francisco Varela, một trong những người đi đầu của thuyết tự tổ chức vận hành. Verala với Evan Thompson, đang viết một cuốn sách về sự tham dự của lý thuyết tâm thức Phật giáo trong nhận thức khoa học. Trong thời gian qua, cuốn sách của ông The Tree of Knowledge (cây nhận thức), đồng tác giả với Humberto Maturana, là suối nguồn quan trọng của ý niệm này.

Trong tâm lý học, nhiều tác phẩm đã được hoàn thành để khai phá chiều kích tâm linh của tâm lý học và phép chữa bệnh tâm lý. Có một ngành đặc biệt, tâm lý chung của con người, chỉ cống hiến cho mục đích này. Stanilav Grof, Ken Wilber, Frances Vaughan và nhiều người khác đã xuất bản sách vở về đề tài này, nhiều người trong đó bắt đầu với Đạo của vật lý, và trở về lại với Carl Gustav Jung.

Trong ngành khoa học xã hội, phương hướng tâm linh xuất hiện với tác phẩm của E.F. Schumacher, Buddhist Economics, lần đầu xuất bản vào cuối những năm sáu mươi và từ đó được tìm hiểu trong nhiều nhóm khác nhau và trong các hệ thống mới, cả lý thuyết lẫn thực hành. Liên hệ chặt chẽ với phong trào này là một dạng chính sách sinh thái mới, được gọi là chính sách Green (xanh), đó là nơi mà tôi xem là biểu hiện chính trị của sự biến dịch của mẫu hình văn hóa mới. Khía cạnh tâm linh của các phong trào chính trị này đã được thảo luận bởi bà Charlene Spretnak trong tác phẩm The Spiritual Dimension of Green Politics (Chiều kích tâm linh của Chính sách Xanh).

Cuối cùng, tôi xin thêm vài chữ để nói dến quan niệm của tôi về đạo học phương Đông, nó cũng có vài thay đổi trong mười lăm năm qua. Trước hết, đối với tôi lúc nào cũng rõ, và tôi đã nói trong Đạo của vật lý, rằng sự tương đồng theo cách tôi thấy giữa vật lý và đạo học phương Đông cũng có thể rút ra từ các truyền thống đạo học phương Tây. Cuốn sách tới đây của tôi, Belonging to the Universe (Thuộc về vũ trụ), đồng tác giả với Brother David Steindl-Rast, thảo luận về một vài sự tương đồng đó. Hơn nữa, tôi không còn nghĩ có thể đưa truyền thống đạo học phương Đông vào phương Tây mà không thay đổi chúng trong nhiều điểm quan trọng để thích nghi với văn hóa của chúng ta. Niềm tin này được củng cố bằng sự gặp gỡ với nhiều vị đạo sư tâm linh phương Đông, họ không hiểu được vài khía cạnh chủ yếu của mẫu hình mới đang phát sinh ở phương Tây.

Mặt khác, tôi cũng tin là truyền thống tâm linh của chúng ta cũng sẽ phải chịu nhiều thay đổi quyết liệt để hoà điệu với giá trị của mẫu hình mới. Tâm linh với hình ảnh mới về thực tại mà tôi trình bày ở đây có lẽ phải là một tinh thần sinh thái, hướng đến địa cầu, từ bỏ tinh thần gia trưởng. Loại tâm linh mới này đã được phát triển trong nhiều nhóm và phong trào, bên trong và bên ngoài Nhà thờ. Một thí dụ là nhóm tâm linh sáng tạo được hình thành bởi Matthew Fox và đồng nghiệp của ông tại Holy Names College, Oakland, California.

Đó là vài sự phát triển đang xảy ra trong tiến trình hình hành mẫu hình mới. Sự đóng góp của riêng tôi trong mười lăm năm qua đã giúp được sự ra đời của những mẫu hình mới và hệ quả xã hội của chúng trong The Turning Point (Bước ngoặt) và tinh lọc thêm sự tổng hợp đó bằng cách hợp tác với một nhóm đồng nghiệp xuất sắc mà cùng với họ tôi đã tìm thấy và phát triển một trung tâm tư tưởng sinh thái, Elmwood Institute (PO Box 5765, Berkeley, CA 94705 USA).

Qua những năm tháng đó, tôi đã gặp nhiều con người đặc biệt, với họ tôi có những thành tựu lớn. Nhiều tình bạn lâu năm cũng đã xuất phát từ những lần gặp gỡ đó. Lúc tôi quyết định viết Đạo của vật lý cách đây hơn hai mươi năm, tôi đã có một bước đi đầy rủi ro nghề nghiệp, với nhiều hoang mang lo lắng cũng như e ngại về mặt kinh tế và tôi hoàn toàn cô đơn khi trải qua giai đoạn đó. Nhiều bè bạn và đồng nghiệp của tôi cũng phải chịu như thế khi họ đi những bước tương tự trong lĩnh vực của họ. Ngày nay tất cả chúng tôi thấy mạnh mẽ hơn nhiều. Chúng tôi được đưa vào trong một hệ thống mà tôi gọi là văn hóa tiên tiến - một phong trào đa dạng tiêu biểu cho nhiều mặt của một cách nhìn mới về thực tại, từng bước kết tinh lại để thành một lực lượng mạnh mẽ cho sự chuyển hóa xã hội.

Fritjof Capra - Biên Dịch: Nguyễn Tường Bách

Vô thường



Giấc mơ đã già
Anh đừng đi
Nụ cười em còn trên đỉnh cao
Một mai
Chong chóng về trời
Và mây trắng
Biến thành duyên phận
Khi giấc mơ phôi thai
Không còn bên nhau
Buổi sáng đếm giọt buồn
Rơi rụng
Một chiếc lá
Không thể xanh hơn
Trên thân hình rỗng mục

Anh đừng kể cho em nghe câu chuyện về nỗi nhớ
Đôi mắt anh
Vẫn u buồn năm tháng
Vẫn lo toan
Trong giấc ngủ chập chờn
Anh đừng kể cho em về duy nhất một tình yêu
Tất cả sẽ vô thường
Cát bụi
Còn nhớ chăng những nụ hôn
Trong ngày vụng nhớ
Để rưng rưng khi khóc một tang - bồng

Anh đừng đi
Ngọn núi phía trước hằng hà những vì sao lạc
Lại sẽ gặp một đôi mắt chờ
Đâu đó
Ngoài kia?

Phải chi em không là em
Tháng Mười giờ không thương nhớ
Năm năm trôi qua
Tuổi đời nhân lên mái tóc
Những sợi bạc đầu tiên
Đong dáng em buồn

Anh đừng đi.


Nguyễn Thị Anh Đào

Thế nào là yêu nước?



Photo: Adde Adesokan



Mỗi khi có một hành động ngang ngược xâm phạm chủ quyền lãnh thổ, nhiều người trong chúng ta gào thét, la ó: “Đánh đi, sao không đánh?” Rồi chửi bới, xỉ vả chính quyền nhu nhược, hèn yếu v.v… Nhiều người còn bày tỏ sự phẫn nộ bằng cách tham gia biểu tình, tụ tập đông người dâng cao biểu ngữ này kia….

Trong đám đông ấy, trong những câu từ la hét ấy hừng hực khí thế, ngút ngàn lòng căm thù, nồng nàn tinh thần yêu tổ quốc, yêu đồng bào. Các bạn hồ hởi tham gia các cuộc biểu tình, thả sức dùng mọi lời lẽ để phê phán sư bạc nhược với một sự tự hào trong thâm tâm: Mình là người yêu nước. Các bạn không hiểu tại sao những việc làm với tinh thần yêu nước thiết tha ấy lại bị “ngăn cản”, các bạn càng phẫn nộ khi người “đứng đầu” bị xử lý, các bạn truyền tải những thông điệp kêu gọi biểu tình, tạo thành một đám đông dễ dàng bị kích động, xúi giục một cách hoàn toàn vô tội bởi sự tin tưởng và tự hào rằng: “Tôi yêu nước, tôi có quyền.”

Các bạn đâu biết rằng, khi các bạn đang ” hùng hổ” ở đâu đó thì bên kia biên giới, họ nhẹ nhành hạ lệnh “tạm dừng nhập, cấm xuất” với những lý do “giời ơi” là hàng nghìn tấn dưa, khoai, bầu bí nằm chờ “thối”. Người thiệt hại là ai? Người đau khổ là ai? Các bạn chắc có câu trả lời.

Đúng, hầu hết lời nói và hành động phẫn nộ của các bạn đều xuất phát từ lòng yêu nước, từ lòng tự tôn dân tộc và muốn bày tỏ, muốn có những hành động để cho thế giới thấy người Việt Nam chúng ta yêu nước thế nào, nhưng hãy hành động một cách thông minh, hiệu quả. Nếu các bạn biết rằng việc các bạn bị cuốn vào những hành động đó là bạn đang giúp “người láng giềng thân thiết” của chúng ta có cớ để làm nhiều việc họ mưu tính. Họ rất thích sự “nóng nảy” và “tâm lý đám đông” của chúng ta. Nó làm họ dễ nhận biết tình hình và dễ hình dung ra bài toán đối phó với chúng ta.

Những ngày cuối tuần, đi trên con phố Điện Biên Phủ một con phố tuyệt đẹp nhưng vô cùng “nhạy cảm”, tôi thấy những anh công an, những chú dân phòng ngồi thành từng nhóm, họ giăng dây, chăng biển để ngăn những người biểu tình. Tôi thấy, tại sao họ phải làm vậy nhỉ? Tại sao họ không giúp những hành động bột pháp, vi phạm pháp luật kia bằng thành một hành động yêu nước chân chính. Chẳng phải dễ dàng mà chúng ta tập hợp được số đông nhiều như vậy. Tại sao chúng ta không thành lập luôn một hội đồng tuyển chọn những người sẵn sàng tham gia nhập ngũ, sẵn sàng cầm súng và chiến đấu hy sinh cho đất mẹ yêu thương!

Tô tin rằng, đám đông ngụt lửa căm thù ấy sẽ lựa chọn được nhưng chiến binh dũng cảm nhất. Họ sẵn sàng và mong mỏi được ghi danh, được gọi tên mình tham gia nhập ngũ và lập tức lên đường ra tuyến lưa bảo vệ tổ quốc.

Gào thét mà làm chi, biểu tình bạo động để làm gì? Hãy lắng nghe lời sông núi, hãy làm một việc thôi: Sẵn sàng cầm súng chiến đấu bảo vệ từng tấc đất quê hương, giữ gìn hồn dân tộc!



May1980

Thứ Năm, 8 tháng 5, 2014

Chiều mưa em về tinh khôi




Phan Văn Thạnh








gã trở về
từ cuộc rong chơi suốt thời trai trẻ
em vẫn vậy
thanh tân thuở nào
hao hớt
lấm tấm hạt tàn phai
bay qua đời nghiêng tóc rối
em mượt mà như lụa

gã như dề lục bình xô dạt
lang thang theo dòng
về đâu..cuộc lữ du vô định
con sông nào rồi cũng rót vào ngàn khơi xanh lịm

gã trở về
thoảng hương xưa lọt qua khe nắng quái chiều hôm
thềm rêu ngày cũ
tơi bời mưa rụng
hạt nước nào tinh khôi
thèm một chiều đi không có em …

để nhớ

Phê Bình về Đạo của Vật Lý

Fritjof Capra - Biên Dịch: Nguyễn Tường Bách


Bây giờ tôi xin nói đến các phê bình về Đạo của vật lý đã phát sinh trong những năm qua. Một câu hỏi hay đặt ra cho tôi là các đồng nghiệp trong cộng đồng vật lý chấp nhận thế nào các luận điểm chính của tôi?

Như đã tiên đoán, trước hết phần lớn các nhà vật lý đều rất nghi ngờ và thậm chí nhiều người cảm giác bị cuốn sách đe dọa. Những kẻ có cảm giác bị cuốn sách đe dọa đã phản ứng với sự bực dọc thông thường. Họ lăng mạ và thường phê bình hằn học không giấu giếm, trong sách báo hay trong thảo luận riêng, chúng chỉ phản ánh chính sự dao động của họ.

Những lý do mà Đạo của vật lý có khi bị cảm nhận như sự đe dọa nằm nơi sự hiểu sai phổ biến về tính chất đạo học. Trong cộng đồng khoa học, đạo học thường được nghĩ là một cái gì mơ hồ, ù mờ, tối tăm và hết sức phi khoa học. Khi thấy một lý thuyết đáng yêu của mình bị so sánh với hoạt động mơ hồ tối tăm đó, nhiều nhà vật lý cảm thấy bị đe dọa rất nhiều.

Cái nhìn sai lầm này về đạo học thật sự là rất đáng tiếc, vì nếu ta đọc những kinh sách cổ điển của các truyền thống đạo học, ta sẽ thấy những chứng thực tâm linh sâu xa không bao giờ được mô tả một cách mơ hồ tối tăm, mà ngược lại, nó luôn luôn liên hệ với sự sáng sủa. Hình tượng tiêu biểu mô tả thực chứng này có thể là dứt bỏ vô minh, cắt bỏ ảo giác, tâm thức sáng tỏ, nhận thức ánh sáng, hoàn toàn tỉnh giác - tất cả những cái đó nói về sự sáng tỏ. Thực chứng tâm linh lại đi ra khỏi mức độ suy luận trí thức, nên sự sáng tỏ là một thể loại khác, nhưng nó không có gì là mơ hồ hay tối tăm cả về các thực chứng này. Thực tế là từ giác ngộ mà chúng ta dùng để mô tả thời kỳ của Cartesi mới, thời kỳ tiếp cận khoa học ở châu Âu vào thế kỷ 18, là một trong những từ cổ nhất và được sử dụng rộng nhất để mô tả thực chứng tâm linh.

May mắn thay, ý niệm sai lầm về đạo học với những điều mơ hồ và thiếu rõ ràng đó ngày nay đã thay đổi. Vì một số lớn người bắt đầu quan tâm đến tư tưởng phương Đông và thiền định không còn được xem là đáng chê cười hay nghi ngại, đạo học đã được coi trọng hơn trước nhiều, ngay cả trong cộng đồng khoa học.

Hãy cho tôi điểm lại những phê bình chung nhất về Đạo của vật lý, những điều mà tôi luôn luôn phải đương đầu trong suốt mười lăm năm qua. Trước hết, phải nói rằng tôi rất vui mừng thấy trong bài phê bình mà tôi nhận được từ các đồng nghiệp vật lý, không có trong đó tìm thấy sơ suất gì trong các trình bày về vật lý hiện đại. Có vài người không nhất trí với tôi khi nhấn mạnh vài chỗ trong sự phát triển hiện nay, nhưng tới nay không ai thấy có sai lầm về nội dung chuyên môn trong Đạo của vật lý. Thế nên phần này đã đứng vững từ mười lăm năm qua.

Có hai luận cứ mà tôi nghe nhiều hơn cả về luận điểm cơ bản của mình. Luận cứ thứ nhất nói rằng thực tế khoa học của ngày hôm nay sẽ bị sự nghiên cứu của ngày mai phá bỏ. Lời phê bình đó đặt câu hỏi, thế thì một sự việc bị tạm thời như thế, là mô hình hay lý thuyết trong vật lý hiện đại có thể so sánh được với chứng nghiệm tâm linh, nó được xem là phi thời gian và vĩnh cửu? Phải chăng những sự thật của đạo học sẽ đứng vững hay ngã đổ với những lý thuyết của vật lý hiện đại?

Luận cứ này nghe rất thuyết phục, nhưng nó xuất phát từ sự hiểu sai về tính chất của nghiên cứu khoa học. Luận cứ này đúng ở chỗ không có sự thực tuyệt đối trong khoa học. Bất cứ điều gì nhà khoa học nói ra đều được thể hiện bởi những mô tả giới hạn và gần đúng, và sự mô tả gần đúng này sẽ được tốt hơn với mỗi sự phát triển từng phần từng bước.Thế nhưng, khi lý thuyết hay mô hình được cải tiến trong mỗi bước, thì nhận thức không phải bị thay đổi một cách tùy tiện. Mỗi thuyết mới đều liên hệ với thuyết trước nó một cách rõ ràng, mặc dù trong một cuộc cách mạng khoa học, điều này có thể bất định trong một thời gian dài. Thuyết mới không loại bỏ thuyết cũ một cách tuyệt đối, nó chỉ là sự tiếp cận tốt hơn. Thí dụ cơ học lượng tử không hề cho cơ học Newton là sai trái, nó chỉ cho thấy vật lý Newton có hạn chế.

Bây giờ ta cần chú thích thêm là khi một lý thuyết trong một lĩnh vực mới được đề ra, khi khoa học cũ được cải tiến bởi thuyết mới, không phải tất cả khái niệm của cái cũ bị từ bỏ. Và tôi tin, những khái niệm nào trong lý thuyết hiện nay của chúng ta không bị đào thải và tồn tại, đó là những khái niệm gắn chặt với các truyền thống đạo học.

Tôi có thể nói biến cố này trong vật lý Newton. Một trong những phát hiện then chốt của Newton, có thể là cái then chốt nhất và cái nổi tiếng nhất, đó là sự khám phá có một thứ bậc chung trong vũ trụ. Tương truyền rằng, Newton nhận thấy trong tia chớp của trực giác, khi một trái táo rơi từ cành xuống đất, thì lực đã lôi trái táo xuống đất cũng chính là lực lôi kéo các hành tinh quay quanh mặt trời. Đó là điểm xuất phát của thuyết Newton về lực trọng trường và cái nhìn này - có một thứ bậc nhất thể trong vũ trụ - cũng không hề bị cơ học lượng tử hay thuyết tương đối phê phán. Ngược lại, nó được xác nhận và thậm chí được đề cao trong những thuyết mới.

Tương tự như thế, tôi tin rằng tính nhất thể cơ bản và tính liên hệ phức tạp của vũ trụ cũng như nguyên lý động nội tại của những hiện tượng tự nhiên - hai luận điểm lớn của vật lý hiện đại - sẽ không bị các nghiên cứu tương lai làm thương tổn. Chúng có thể được phát biểu lại, và nhiều khái niệm ngày nay sẽ bị thay thế bởi một loạt những khái niệm của tương lai. Thế nhưng sự thay thế này sẽ xảy ra một cách thứ tự và những luận điểm căn bản mà tôi dùng trong sự so sánh với các truyền thống đạo học sẽ được tăng cường, chứ không bị suy giảm, tôi tin thế. Niềm tin này đã được xác định, không phải chỉ bởi những tiến bộ trong vật lý, mà bởi những phát triển nổi bật trong sinh vật học và tâm lý học.

Loại phê bình thứ hai mà tôi được nghe nhiều lần, lý luận rằng nhà vật lý và nhà đạo học nói về hai thế giới khac nhau. Nhà vật lý làm việc với một thực tại lượng tử, nó hầu như hoàn toàn vô nghĩa với thế giới bình thường, với hiện tượng hàng ngày, trong lúc đó, đạo học làm việc chính xác với hiện tượng vĩ mô, với sự vật của thế giới thông thường, nó hầu như không có gì liên quan đến thế giới lượng tử.

Trước hết, người ta cần thừa nhận rằng thực tại lượng tử không hề xa rời hiện tượng vĩ mô. Thí dụ, một trong những hiện tượng vật lý quan trọng của thế giới thông thường, tính cứng chắc của vật chất, là một hệ quả trực tiếp của hiệu ứng lượng tử nhất định. Vì thế ta cần sửa lại lý luận này và nói rằng nhà đạo học không chủ ý làm việc với thực tại lượng tử, còn nhà vật lý thì có.

Bây giờ, nói về khái niệm của hai thế giới khác nhau, cái nhìn của tôi là chỉ có một thế giới duy nhất - thế giới đáng kính sợ và bí ẩn này, nói như Carlos Castaneda - nhưng thực tại duy nhất này có nhiều khía cạnh, nhiều chiều hướng, nhiều mức độ. Nhà vật lý và nhà đạo học làm việc với khía cạnh khác nhau của thực tại. Nhà vật lý khai phá tầng mức của vật chất, nhà đạo học khai phá tầng mức của tâm linh. Điều mà hai loại khám phá có chung là, hai tầm mức đó đều nằm ngoài cảm quan thông thường.

Thế nên ta có nhà vật lý dò tìm trong vật chất với sự giúp sức của những thiết bị tinh xảo và nhà đạo học dò tìm trong ý thức với sự giúp sức của phương pháp thiền định tinh tế. Cả hai đều đạt tới tầng mức không thông thường của nhận thức, và tại tầng mức không thông thường này thì những cấu trúc và nguyên lý của sự tổ chức xem ra hết sức tương tự. Cách thế mà cấu trúc vi mô liên hệ với nhau đối với nhà vật lý, phản ánh đùng cách thế mà các cấu trúc vĩ mô liên hệ với nhau đối với nha đạo học. Và khi ta cô lập những cấu trúc vĩ mô đó trong cách thế nhận thức thông thường thì ta nhận ra chúng là vật thể thông thường, cách ly.

Một loại phê bình khác, hay được nêu lên, nhất trí là nhà vật lý và đạo học hướng đến những tầng mức khác nhau của thực tại. Tầng mức của đạo học cao hơn, là thực tại tâm linh, nó chứa đựng thực tại thấp hơn là hiện tượng vật lý, trong lúc thực tại vật lý không chứa tâm linh.

Trước hết tôi xin nói rằng, nói một thực tại này cao hơn hay thực tại kia thấp hơn, là một tàn dư của mẫu hình tư duy cũ - lại nhắc tới hình ảnh của tòa kiến trúc, chứ không nói về mạng lưới. Tuy nhiên tôi đồng ý là nhà vật lý không nói được gì về các tầng mức khác nhau, hay chiều hướng hay thực tại khác - đời sống, tinh thần, ý thức, tâm linh, vân vân. Đối với vật lý, không có gì để nói về những tầng mức của nó, nhưng khoa học thì rất có thể.

Tôi đã đến chỗ tin rằng mẫu hình mới cho khoa học, mà tôi đã đề xuất sáu tiêu chuẩn, đã tìm thấy sự phát biểu phù hợp nhất trong lý thuyết mới về đời sống, những hệ thống tự tổ chức vận hành, chúng đã xuất hiện trong ngành Cybernetics (điều khiển học) trong những thập niên qua. Ilya Priogine, Gregory Batetson, Humberto Maturana, và Francisco Varela là một số những người đầu tiên đóng góp cho thuyết này. Đó là một thuyết có thể áp dụng cho mỗi quá trình phát triển hữu cơ cá thể, hệ thống xã hội, và hệ thống sinh thái; và chúng hứa hẹn đưa đến một quan niệm thống nhất về đời sống, tinh thần, vật chất và tiến hóa. Cách tiếp cận này xác nhận sự tương đồng giữa vật lý và đạo học và cộng thêm nhiều cái khác nằm ngoài phạm vi vật lý: quan niệm về ý chí tự do, quan niệm về sống chết, tự tính của ý thức, vân vân. Đó là một sự hòa điệu sâu sắc giữa khái niệm, chúng được phát biểu trong một hệ thống tự tổ chức vận hành và các khái niệm liên hệ trong các truyền thống đạo học.

Thứ Tư, 7 tháng 5, 2014

Đạo của vật lý- Chương 18 : Sự dung thông



Đến nay, thế giới quan được đề xuất bởi vật lý hiện đại luôn luôn chỉ rõ rằng, ý niệm về hạt cơ bản kiến tạo nên thế giới vật chất không thể đứng vững. Trong quá khứ, khái niệm này hết sức thành công để lý giải thế giới vật lý bằng một số nguyên tử; lý giải cấu trúc nguyên tử bằng hạt nhân với các electron chạy vòng sung quanh; và cuối cùng lý giải cấu trúc hạt nhân bằng hai hạt kiến tạo là proton và neutron. Do đó, nguyên tử, nhân nguyên tử rồi hadron lần lượt đã được xem là hạt cơ bản (hạt cuối cùng kiến tạo thế giới vật chất). Thế nhưng, không có hạt nào trong số đó thỏa ứng sự chờ đợi. Cứ mỗi lần tới phiên mình, các hạt này lại cho thấy bản thân chúng có cấu trúc riêng và nhà vật lý cứ luôn luôn hy vọng đợi hạt tới sẽ là những hạt cuối cùng của vật chất.

Mặt khác, lý thuyết vật lý nguyên tử và hạ nguyên tử lại cho thấy sự hiện hữu của những hạt cơ bản đó ngày càng khó đứng vững. Nó phát hiện ra một mối tương quan cơ bản của vật chất, cho thấy rằng động năng có thể biến hóa thành khối lượng, và đề xuất phải nhìn hạt là một tiến trình chứ không phải là vật thể. Tất cả những thành tựu đó chỉ rõ rằng một khái niệm đơn giản mang tính cứng nhắc về “hạt kiến tạo cơ bản” cần phải được tư bỏ, thế nhưng cũng còn nhiều nhà vật lý vẫn ngại làm điều đó. Truyền thống lâu đời chuyên giải thích cấu trúc phức tạp bằng cách đập nhỏ chúng ra từng mảnh đơn giản đã bắt rễ quá sâu trong tư tưởng phương Tây, vì thế ta vẫn cứ tiếp tục tìm kiếm những hạt cơ bản đó.

Thế nhưng có một trường phái tư tưởng hoàn toàn khác trong nền vật lý hạt, nó xuất phát từ ý niệm rằng, thế giới tự nhiên không thể được qui lại về những đơn vị cơ bản, dù đó là hạt cơ bản hay trường cơ bản. Thiên nhiên phải được hiểu một cách toàn thể thông qua tự bản thân nó, với tất cả những phần tử đang ăn khớp với nhau, với chính bản thân chúng. Ý niệm này đã xuất hiện trong hệ thống của thuyết ma trận S và được gọi là giả thuyết Bootstrap. Cha đẻ và lý thuyết gia quan trọng của nó là Geoffrey Chew, người mà một mặt đã phát triển ý niệm này trở thành một triết lý Dung thông chung nhất về thiên nhiên, mặt khác (đã cùng với những người khác), xây dựng một lý thuyết đặc trưng về hạt, được phát biểu trong ngôn ngữ của ma trận S. Chew đã mô tả giả thuyết Dung thông trong nhiều bài viết, và phần sau đây là dựa vào những bài đó.

Triết học Dung thông là tư tưởng từ bỏ hoàn toàn thế giới quan cơ học trong vật lý hiện đại. Vũ trụ của Newton được xây dựng bằng một loạt những đơn vị cơ bản với những tính chất nòng cốt nhất định, xem như do Thượng đế tạo nên và vì thế không thể phân tích thêm được. Với cách này hay cách khác, khái niệm này được chứa đựng trong nhiều lý thuyết của khoa học tự nhiên cho đến giả thuyết Dung thông quả quyết rằng theo thế giới quan mới thì vũ trụ được hiểu như là một mạng lưới động chứa toàn những biến cố liên hệ với nhau. Không một tính chất nào của bất kỳ thành phần nào trong mạng lưới này là cơ bản; tất cả chúng đều sinh ra từ tính chất của những thành phần khác, và chúng tương thích toàn diện trong quá trình tương tác của những cấu trúc xác định trong toàn mạng lưới.

Thế nên, triết học Dung thông mà tiêu biểu là đỉnh cao của quan điểm về tự nhiên, nó xuất hiện trong thuyết lượng tử với sự nhìn nhận có một mối liên hệ chủ yếu và toàn diện trong vũ trụ, nó nhận được nội dung động trong thuyết tương đối, và nó được phát biểu bằng xác suất phản ứng trong thuyết ma trận S. Đồng thời, quan điểm này tiến gần hơn nữa với thế giới quan phương Đông và bây giờ hòa điệu với tư tưởng phương Đông, trong cả triết lý chung lẫn hình dung đặc biệt về vật chất.

Giả thuyết Dung thông không chỉ phủ nhận sự hiện hữu của những hạt vật chất cơ bản, mà còn không chấp nhận bất cứ một đơn vị nào là cơ bản - chẳng có qui luật nào là cơ bản, phương trình hay nguyên lý nào - và với điều đó, từ bỏ những ý niệm đã là nòng cốt trong khoa học tự nhiên suốt hàng năm trăm qua. Khái niệm về qui luật cơ bản được suy ra từ niềm tin có một đấng thiêng liêng về nắm giữ qui luật, bắt rễ sâu trong truyền thống đạo Do Thái - Cơ Đốc. Sau đây là những dòng của Thomas Aquinas:

Có một qui luật trường cửu nhất định, đó là Nghĩa lý, nó nằm trong ý định của Chúa và điều hành toàn thế giới vũ trụ.

Khái niệm về qui luật thiên nhiên thiêng liêng và trường cửu gây một ảnh hưởng lớn trong triết học và khoa học phương Tây. Descartes viết về “qui luật mà Chúa đã đặt để trong thiên nhiên” và Newton tin rằng, mục đích cao nhất của công trình khoa học của mình là để minh chứng cho “qui luật Chúa đặt ra”. Ba thế kỷ sau Newton, mục đích của nhà khoa học tự nhiên là vẫn khám phá ra những qui luật cuối cùng của tự nhiên.

Ngày nay vật lý hiện đại đã phát triển một thái độ rất khác. Nhà vật lý đã nhìn nhận rằng, tất cả lý thuyết của họ về hiện tượng tự nhiên, kể cả những qui luật mà họ mô tả, tất cả đều do đầu óc con người sáng tạo ra; tất cả là tính chất của hình dung của chính chúng ta về thực tại, chứ không phải bản thân thực tại. Hình dung mang nặng tính khái niệm này buộc phải hạn chế và chỉ tiến đên sự gần đúng (xem trang 36), cũng như mọi lý thuyết khoa học và qui luật thiên nhiên mà nó chứa đựng. Tất cả mọi hiện tượng trong tự nhiên cuối cùng đều tương thích và liên hệ với nhau; và muốn giải thích một cái này ta cần hiểu tất cả những cái khác, rõ là điều không thể. Điều làm khoa học thành công là sự khám phá ra tính gần đúng. Nếu ta bằng lòng với sự hiểu biết gần đúng về thiên nhiên, thì như thế ta có thể mô tả một nhóm hiện tượng chọn lọc, bỏ qua các hiện tượng khác không quan trọng. Nhờ thế mà ta có thể lý giải nhiều hiện tượng thông qua một số ít khác và hệ quả là hiểu nhiều khía cạnh khác nhau của thiên nhiên trong dạng gần đúng, mà không buộc phải hiểu mọi thứ khác tức khắc. Đó là phương pháp khoa học; tất cả mọi lý thuyết khoa học và mô hình đều là sự gần đúng so với tính chất đích thực của sự vật, nhưng cái sai sót xảy ra trong sự gần đúng đó thường đủ nhỏ bé để cách tiếp cận đó có ý nghĩa. Thí dụ trong vật lý hạt, các lực tương tác trọng trường giữa các hạt thường được bỏ qua, chúng nhỏ hơn nhiều lần so với các lực tương tác khác. Mặc dù sự sai sót sinh ra do việc này là nhỏ, trong tương lai, tương tác trọng trường cần được lưu ý để có những lý thuyết chính xác hơn về hạt.

Thế nên, nhà vật lý xây dựng những mảng lý thuyết từng phần và gần đúng, mỗi một phần đó chính xác hơn thuyết trước mình, nhưng không có thuyết nào đúng một cách toàn bộ và chung quyết cho các hiện tượng thiên nhiên. Cũng như các lý thuyết, tất cả các “qui luật thiên nhiên” do họ đề ra cũng hay thay đổi, phải bị thay thế bởi các luật chính xác hơn, khi các lý thuyết trở nên hoàn chỉnh hơn. Tính chất bất toàn của một lý thuyết thường được phản ánh trong những đại lượng mà ta gọi là các hằng số cơ bản, đó là, những trị số không được lý giải bằng lý thuyết mà được đưa vào lý thuyết sau khi xác định bằng thực nghiệm. Ví dụ, thuyết lượng tử không thể giải thích trị số sử dụng cho khối lượng của electron, hay thuyết tương đối với vận tốc ánh sáng. Trong quan điểm cổ điển, các trị số đó được xem là hằng số cơ bản của thiên nhiên, chúng không cần lý giải gì thêm. Trong cách nhìn mới, vai trò gọi là hằng số cơ bản chỉ được xem là tạm thời và phản ánh giới hạn của lý thuyết đó. Theo triết học Dung thông, chúng phải được lý giải, từng cái từng cái, trong các lý thuyết tương lai, vì tính chính xác và độ bao trùm của những thuyết này tăng lên. Thế nên ta có thể tiếp cận dần đến tình huống lý tưởng nhất (nhưng có lẽ chẳng bao giờ đạt tới), nơi mà lý thuyết không chứa đựng loại hằng số cơ bản không giải thích được, và nơi mà những qui luật của chúng thỏa ứng tất cả những đòi hỏi chung nhất.

Tuy nhiên, cần nhìn nhận rằng ngay cả một lý thuyết tối ưu như thế cũng phải chứa vài tính chất không giải thích được, không nhất thiết phải biểu lộ trong dạng những hằng số. Bao lâu còn là một lý thuyết khoa học, bấy lâu nó còn đòi hỏi sự chấp nhận mà không giải thích, một số khái niệm nhất định,chúng đã hình thành ngôn ngữ khoa học. Nếu ta đẩy ý niệm Dung thông đi tiếp. Ta có thể lọt ra ngoài khuôn khổ khoa học luôn :

Trong một nghĩa rộng thì ý niệm Dung thông, mặc dù hấp dẫn và hữu ích, nó là phi khoa học…Khoa học, như ta biết, đòi hỏi một ngôn ngữ dựa trên những khuôn khổ không bị tra vấn. Vì thế mà về mặt ngôn ngữ, nếu muôn tìm cách giải thích tất ca mọi khái niệm, điều đó khó gọi là “khoa học” được.

Điều rõ rệt là quan điểm Dung thông toàn diện về tự nhiên, trong đó mọi hiện tượng trong vũ trụ chỉ được hình thành bằng sự tự tương thích đến rất gần với thế giới quan phương Đông.

Trong một vũ trụ không thể phân chia, trong đó mọi sự vật và biến cố liên hệ chặt chẽ với nhau, khó mà nói gì cho có lý nếu không nói chúng tương thích với nhau. Trong một cách nào đó thì đòi hỏi tương thích lẫn nhau, điều đã xây dựng nên nền tảng của giả thuyết Dung thông; và tính nhất thể lẫn mối liên hệ giữa các hiện tượng, điều được đạo học phương Đông nhấn mạnh; chúng chính là những khía cạnh khác nhau của một ý niệm chung. Mối liên hệ chặt chẽ này được trình bày rõ nhất trong Lão giáo. Đối với các chân nhân đạo Lão, tất cả mọi hiện tượng trong thế giới đều là thành phần của con đường vũ trụ - của Đạo - và qui luật mà Đạo đi theo không do ai đặt định ra hay do đấng thiêng liêng nào, mà là tính chất nội tại trong tự tính của nó. Thế nên ta đọc trong Đạo Đức Kinh:

Người bắt chước Đất (Nhơn pháp Địa), Người theo phép Đất
Đất bắt chước Trời (Địa pháp Thiên), Đất theo phép Trời
Trời bắt chước Đạo (Thiên pháp Đạo), Trời theo phép Đạo
Đạo bắt chước Tự nhiên (Đạo pháp Tự nhiên), Đạo theo pháp Tự nhiên.

Joseph Needham, trong công trình nghiên cứu nghiêm túc của mình về khoa học và văn minh Trung quốc, trình bày rõ ràng tại sao quan điểm phương Tây về qui luật cơ bản tự nhiên, với nguồn gốc từ một đấng thiêng liêng là người ban luật, không hề có sự tương đồng trong tư tưởng Trung quốc. Theo thế giới quan Trung quốc, Needham viết, “sự hòa đồng của mọi hiện hữu được sinh ra, không phải từ quyền phép của một uy lực siêu thế nằm ngoài chúng, mà từ thực tế, chúng là thành phần của một cái toàn thể tạo thành cấu trúc của vũ trụ, và điều chúng tuân thủ chính là sự nhắn nhủ từ chính nội tâm của chúng”.

Theo Needham, thậm chí người Trung quốc không có từ tương tự để chỉ ý niệm cổ điển của phương Tây nói về qui luật tự nhiên. Từ gần nhất với ý niệm đó là Lý, điều mà triết gia Tân Khổng giáo Chu Hi gọi là “vô số những mẫu hình như mạch máu nằm trong Đạo”. Needham phiên dịch Lý là nguyên lý tổ chức và lý giải thêm như sau:

Trong nghĩa cổ đại nhất, nó chỉ định những mẫu hình trong sự vật, đó là vân của ngọc thạch hay sợi trong bắp thịt… Nó đạt được từ chung là “nguyên lý”, nhưng luôn luôn giữ một nghĩa của “cấu trúc”…Đó là “qui luật “, nhưng qui luật này là luật mà các thành phần của cái toàn thể phải tuân thủ vì chúng chính là phần của cái chung… Điều quan trọng nhất khi nói về thành phần là chúng vào đúng chỗ, chính xác, ăn khớp với những thành phần khác tron một sinh cơ toàn thể do chúng tạo nên.

Ta dễ thấy một quan điểm như thế đưa tư tưởng gia Trung quốc vào ý niệm mới được phát triển trong thời gian gần đây của vật lý hiện đại, đó là, sự tự tương thích chính là cái tinh túy của mọi qui luật thiên nhiên. Câu nói sau đây của Chen Sun, một học trò của Chu Hi sống khoảng năm 1200 Công nguyên, diễn tả hình dung này rất rõ, những câu này có thể được xemlà sự trinh bày toàn hảo về nọi dung tự tương thích trong triết lý Dung thông:

Lý là luật của tự nhiên, không thể trốn thoát, luật của sự và vật…ý nghĩa của “tự nhiên, không thể trốn thoát” là sự (của con người) và vật (của thiên nhiên) được tạo ra để được đặt vào đúng chỗ này xảy ra không chút thừa hay thiếu…Con người từ xưa, tìm hiểu sự vật đến chỗ tận cùng, và tìm ra lý, chỉ muốn là sáng tỏ sự không trốn thoát được tự nhiên của sự và vật, và điều đó có nghĩa đơn giản là những gì họ muốn tìm chính là chỗ mà vật được đặt vào ăn khớp vớí nhau. Chỉ như thế.

Trong quan niệm phương Đông, cũng như trong cách nhìn của vật lý hiện đại, thì mọi sự trong vũ trụ đều có liên quan đến mọi sự khác và không có thành phần nào là cơ bản. Tính chất của mỗi phần được xác định, không phải bởi qui luật nào, mà bởi tính chất của tất cả các thành phần khác. Cả hai, nhà vật lý và nhà đạo học đều thừa nhận không thể giải thích hoàn toàn một hiện tượng, thế nhưng sau đó, hai bên mỗi người có thái độ khác nhau. Nhà vật lý, như đã nói trên, bằng lòng với một tiếp cận gần đúng với thiên nhiên. Nhà đạo học phương Đông, mặt khác, không quan tâm đến nhận thức gần đúng hay tương đối. Họ quan tâm đến nhận thức tuyệt đối, nó bao tùm sự hiểu biết của toàn bộ đời sống. Biết rõ mối quan hệ khăng khít với nhau trong vũ trụ, họ thấy rõ giải thích một vật cuối cùng chính là trình bày sự liên hệ vật đó với mọi vật khác như thế nào. Vì điều đó là bất khả; nhà đạo học phương Đông quả quyết rằng không thể giải thích sự vật nào một cách đơn lẻ. Thế nên Mã Minh nói:

Tất cả các pháp không thể dùng danh tự để kêu gọi, không thể dùng lời nói luận bàn, không thể dùng tâm suy nghĩ được.

Vì vậy, các thánh nhân phương Đông, thường không quan tâm việc giải thích sự vật, mà tìm kiếm một sự chứng thực trực tiếp, phi suy luận về tính nhất thể của mọi sự. Đó cũng là thái độ của Đức Phật là người trả lời mọi câu hỏi về ý nghĩa đời sống, nguyên nhân của thế giới hay tính chất của niết bàn bằng một sự im lặng cao quí. Những câu trả lời vô nghĩa của các thiền sư khi được yêu cầu giải thích điều gì đó, hình như cũng có mục đích đó; để cho người học trò thấy rằng mọi sự đều là hệ quả của toàn bộ cái còn lại; rằng giải thích tự tính không có gì khác hơn là chỉ rõ tính nhất thể của nó; rằng cuối cùng không có gì để giải thích cả. Khi một vị tăng hỏi Động Sơn đang cân gạo: “Phật là gì?”, Động Sơn đáp. “Ba cân”; và khi Triệu Châu được hỏi tại sao Bồ-Đề Lạt-ma đi Trung quốc, ông trả lời: “Cây tùng trước cổng”.

Giải thoát đầu óc con người khỏi chữ nghĩa và lý luận là một trong những mục đích chính của nhà đạo học phương Đông. Cả Phật giáo lẫn Lão giáo đều nói về mạng lưới chữ nghĩa hay mạng lưới khái niệm, đã mở rộng ý niệm của một mạng lưới liên hệ lẫn nhau vào trong lĩnh vực của tư duy. Bao lâu ta còn tìm cách giải thích sự vật, bấy lâu ta còn bị Nghiệp trói buộc: bị giam trong mạng lưới khái niệm của chính ta. Vượt lên chữ nghĩa và khái niệm là phá vỡ vòng kiềm tỏa của Nghiệp và đạt giải thoát.

Thế giới quan của đạo học phương Đông chia sẻ với triết học Dung thông của vật lý hiện đại, không những ở chỗ nhấn mạnh đến mối liên hệ lẫn nhau và sự tương thích của mọi hiện tượng, mà còn ở chỗ phủ nhận một bản thể cơ sở của vật chất. Trong một vũ trụ vốn là một cái toàn thể không thể phân chia và nơi mà mọi hình thể đều đang trôi chảy và thay đổi liên tục, nơi đó không có chỗ cho một đơn vị cố định hay cơ bản. Vì thế mà khái niệm bản thể cơ sở của vật chất không được nhắc tới trong tư tưởng phương Đông. Thuyết nguyên tử vật chất không hề được phát triển trong tư tưởng Trung quốc, và mặc dù nó xuất hiện nơi vài trường phái triết học Ấn Độ, nó chỉ nằm bên lề của huyền thoại Ấn Độ. Trong Ấn Độ giáo, khái niệm nguyên tử chỉ xuất hiện trong hệ Jaina (hệ này được xem là phi kinh viện vì không chấp nhận thẩm quyền của Kinh Vệ - đà). Trong triết học Phật giáo, thuyết nguyên tử xuất hiện trong hai trường phái của Tiểu thừa, nhưng chúng được phái Đại thừa quan trọng hơn xem là sản phẩm của vô minh. Thế nên Mã Minh nói:

Khi chia chẻ vật chất, ta biến chúng thành vi trần. Nhưng vi trần lại bị chia chẻ tiếp tục, nên tất cả dạng hiện hữu, dù thô sơ hay vi tế, không gì khác hơn là bóng dáng của sự phân biệt và chúng không có bất cứ mức độ nào của thật tánh.

Như thế, những trường phái chính của đạo học phương Đông đều cùng quan điểm với triết lý Dung thông rằng, vũ trụ là một thể chung liên hệ lẫn nhau, trong đó không có phần nào là cơ bản hơn phần nào, rằng tính chất của một phần này được xác định bởi tất cả các phần kia. Trong nghĩa này, người ta cũng có thể nói mỗi phần chứa đựng tất cả các phần kia; và thực tế là một hình ảnh về sự hóa thân để sinh ra lẫn nhau hình như đánh dấu sự chứng nghiệm huyền bí về thiên nhiên. Sau đây là những dòng của Sri Aurobindo:

Đối với cảm quan siêu thế, không có gì là thực sự hữu hạn; nó dựa trên một cảm giác là tất cả ở trong mỗi một và mỗi một ở trong tất cả.

Nội dung tất cả ở trong mỗi một và mỗi một ở trong tất cả tìm thấy sự phát triển lớn nhất trong Hoa Nghiêm Tông của Phật giáo Đại thừa, thường được xem là đỉnh cao cuối cùng của tư tưởng Phật giáo. Nó đặt nền tảng trên kinh Hoa Nghiêm, theo truyền thuyết là do Đức Phật thuyết giảng trong khi Ngài nhập định sau khi giác ngộ. Bộ Kinh này tới nay chưa được dịch ra thứ tiếng phương Tây nào, mô tả một cách chi tiết thế giới được nhận thức thế nào trong ý thức giác ngộ, khi “vỏ cứng của cá thể bị tan biến và cảm giác của hữu hạn không còn đè nặng chúng ta”. Trong phần cuối, được gọi là Phẩm Hoa Nghiêm, Kinh kể lại câu truyện của một người tầm đạo trẻ tuổi, Thiện Tài trình bày một cách sinh động những chứng thực siêu hình của anh về vũ trụ, vũ trụ đã hiện ra như một mạng luới toàn hảo của những mối tương quan, trong đó tất cả sự vật và biến cố tương tác với nhau trong cách thế là mỗi một chứa đựng tất cả cái khác. Đoạn sau này của Kinh, được D.T.Suzuki phỏng dịch, dùng hình ảnh của một khung trời trang hoàng tuyệt đẹp, để truyền đạt chứng nghiệm của Thiện Tài:

Cung điện rộng lớn và bao la như bầu trời. Nền cung điện được lót bằng vô số hạt minh châu đủ loại, và khắp nơi trong cung trời, còn vô số tháp, của lớn, cửa sổ, lan can, lối đi, tất cả đều được gắn bảy loại hạt minh châu quí báu…

Trong cung, khắp nơi đều trang hoàng tráng lệ lại có hàng trăm ngàn tháp, mỗi tháp lại được trang hoàng tráng lệ như cung và cũng rộng lớn như bầu trời. Và tất cả những tháp này, vô số không đếm được, không hề là chướng ngại lẫn nhau, mỗi một đều giữ tính chất riêng của mình trong sụ hòa hợp tuyệt đối với những cái kia; không có gì ngăn cản một tháp này thâm nhập vào tháp kia, vừa cá thể vừa toàn thể; đó là một tình trạng toàn hảo của sự trộn lẫn và trật tự. Thiện Tài, người tầm đạo trẻ tuổi, tự thấy mình trong tất cả các tháp cũng như mỗi tháp riêng lẻ, trong đó tất cả đều chứa trong mỗi một và mỗi một đều chứa đựng tất cả 15.

Tất nhiên, trong đoạn này, cung điện là hình ảnh của vũ trụ và sự thâm nhập lẫn nhau toàn hảo của các thành phần được Đại thừa Phật giáo gọi là viên dung vô ngại. Kinh Hoa Nghiem chỉ rõ sự viên dung này là mối lên hệ động cốt tủy, nó không những xảy ra trong không gian mà cả trong thời gian. Như đã nói trong các chương trước không gian và thời gian cũng được xem là thâm nhập (viên dung) với nhau.

Kinh nghiệm thực chứng của sự viên dung trong trạng thái giác ngộ có thể được xem là linh ảnh huyền diệu của một tình trạng Dung thông hoàn hảo, nơi đó tất cả hiện tượng thế gian đều xen kẽ vào nhau một cách hòa hợp. Trong tình trạng đó của ý thức, óc suy luận được chuyển hóa và các lý giải nhân - quả không còn cần thiết, chúng được thay thế bằng một chứng thực trực tiếp về sự liên hệ lẫn nhau của sự vật và biến cố. Thế nên, khái niệm viên dung của đạo Phật đi xa hơn hẳn bất cứ khoa học nào về Dung thông. Cần nói thêm rằng, có nhiều mô hình về các hạt hạ nguyên tử trong vật lý hiện đại, dựa trên giả thuyết Dung thông, chúng cho thấy một sự tương đồng lớn lao với Đại thừa Phật giáo.

Nếu ý niệm Dung thông được phát biểu trong một khuôn khổ khoa học, thì nó phải được giới hạn và xem như gần đúng với tính gần đúng của nó bắt nguồn từ việc ta bỏ qua các lực tương tác khác, chỉ quan tâm đến lực tương tác mạnh.Vì các tương tác mạnh này lớn gấp hàng trăm lần các tương tác điện từ và gấp nhiều lần hơn nữa so với tương tác yếu cũng như trọng trường, sự tiếp cận gần đúng đó có thể được xem là có lý. Vì vậy Dung thông khoa học chỉ xử lý các tương tác mạnh của hạt, hay của hadron, và vì thế nó thường được gọi là Dung thông hadron. Nó được phát biểu trong khuôn khổ của thuyết ma trận S và mục đích của nó là suy ra tất cả các tính chất của hadron và tương tác của chúng dựa trên yêu cầu của sự tương thích. Các qui luật cơ bản duy nhất được chấp nhận trong nguyên lý ma trận S đã được nói trong chương trước, chúng xuất phát từ cách quan sát và đo lường của chúng ta và vì thế mà tạo nên khuôn khổ cần thiết của mọi khoa học, đó là điều không ai tra vấn. Tất cả mọi tính chất khác của ma trận S có thể tạm thời được xem là nguyên lý cơ bản, nhưng ta hy vọng chúng sẽ tự biến thành hệ quả tất yếu của quá trình tương thích, viên dung trong một lý thuyết toàn bộ. Giả định rằng tất cả hạt hadron đều nằm trong các họ được mô tả bởi dạng Reege (xem trang 324) có thể thuộc loại này.

Trong ngôn ngữ của thuyết ma trận S thì giả thuyết Dung thông đề xuất rằng, ma trận S với toàn bộ trị số, tức là chứa mọi tính chất của hadron, chỉ được xác định bởi các nguyên lý chung, vì rằng chỉ có một ma trận S duy nhất tương thích với cả ba nguyên lý đó. Thực tế là, nhà vật lý chưa bao giờ tiến gần tới một mô hình toán học thỏa ứng được cả ba nguyên lý chung đó. Nếu chỉ có một ma trận S duy nhất đủ khả năng mô tả tất cả tính chất và tương tác của hadron, như giả thiết của Dung thông tiên đoán, thì bây giờ ta hiểu tại sao nhà vật lý không xây dựng được một ma trận S tương thích, dù chỉ là cục bộ. Lý do là thế giới hiện tượng quá phức tạp.

Sự tương tác của các hạt hạ nguyên tử phức tạp đến mức không ai chắc rằng liệu một ma trận S toàn bộ tương thích đến một ngày nào đó được xây dựng nên, thế nhưng ta có thể tin rằng một ngày nào đó được xây dựmg nên, thế nên ta có thể tin rằng một loạt những mô hình từng phần có thể thành công, trong phạm vi nhỏ. Mỗi một mô hình đó có thể xem là đúng cho một phạm vi của vật lý hạt và vì thế chứa vài thông số không thể giải thích được, chính chúng tiêu biểu cho giới hạn của mô hình, những cũng những thông số này lại có thể lý giải bằng các mô hình kia. Nhờ vậy mà càng lúc càng nhiều hiện tượng, từng bậc, được lý giải với một sự chính xác ngày càng tăng, bằng những mô hình tương thích với nhau như những viên gạch, trong đó số lượng các thông số không giải thích được ngày càng giảm đi. Vì thế mà từ Dung thông không bao giờ phù hợp cho một mô hình riêng lẻ, mà chỉ được áp dụng cho một sự phối hợp của nhiều mô hình tương thích lẫn nhau, không có mô hình nào trong số đó là cơ bản hơn cái khác. Như Chew đã nói: “Nhà vật lý nào biết nhìn nhiều mô hình riêng lẻ và có giá trị trong phạm vi của mình, mà không thiên vị mô hình nào, người đó hiển nhiên là một nhà Dung thông học.

Một số những mô hình cục bộ thuộc loại này đã hiện hữu và cho thấy chương trình dung thông sẽ được thực hiện trong một tương lai không xa. Liên hệ đến hadron thì bài toán lớn nhất của thuyết ma trận S và thuyết dung thông luôn luôn lý giải cho được cấu trúc quark, nó đặc trưng cho tương tác mạnh. Thời gian gần đây, thuyết Dung thông chưa giải thích được sự bất thường rất lớn này và đó là nguyên nhân chính tại sao Dung thông chưa được coi trọng trong cộng đồng vật lý. Phần lớn nhà vật lý nghiêng về phía thành lập một mô hình quark, nó cung cấp, nếu không lý giải nhất quán, thì ít nhất cũng mô tả được hiện tượng. Thế nhưng, trong sáu năm qua, tình hình đã đảo lộn. Nhiều công trình quan sát cho phép suy ra phần lớn đặc trưng của mô hình quark, mà không cần giả định có sự hiện hữu của hạt quark. Những kết quả này đã tạo ra niềm hứng khởi lớn lao trong giới lý thuyết gia của ma trận S và có lẽ sẽ buộc cộng đồng vật lý phải đánh giá lại toàn bộ thái độ của họ đối với phép Dung thông trong nền vật lý hạ nguyên tử.

Hình ảnh của hadron xuất hiện từ thuyết Dung thông thường được gọi một cách gợi mở là mỗi một hạt chứa tất cả các hạt kia. Tuy thế, không nhất thiết phải hình dung là mỗi hadron chứa những hạt còn lại trong nghĩa cổ điển, tĩnh tại.

Khi nói cái này chứa cái kia, có nghĩa là hadron kéo cái kia trong cái động và nghĩa xác suất của thuyết ma trận S, mỗi hadron có khả năng ở trạng thái liên kết của một loạt những hạt có thể tương tác với nhau để tạo thành hadron đó. Trong nghĩa đó, tất cả hadron là những cấu trúc được hợp thành, mà thành phần của chúng là hadron, và không có thành phần nào là cơ bản hơn thành phần nào. Lực liên kết để duy trì cấu trúc đó được hình thành bởi sự trao đổi hạt, và những hạt được trao đổi đó lại chính là hadron. Thế nên mỗi hadron cùng một lúc đóng ba vai trò: bản thân nó là một cấu trúc được hợp thành, nó có thể là thành phần của một hadron khác, và nó có thể được trao đổi giữa các thành phần để thành một lực duy trì cấu trúc lại với nhau. Khái niệm “crossing” (giao nhau) vì thế là rất then chốt trong hình dung này. Mỗi hadron được duy trì bởi lực do sự trao đổi với hadron khác trong kênh ngang, rồi bản thân hadron (thứ hai) đó lại được duy trì bởi lực mà hadron trước cũng tham gia. Thế nên, “mỗi hạt sinh ra những hạt khác, những hạt vừa sinh, lại sinh lại hạt trước”. Toàn bộ các hadron tự sinh ra mình theo cách này và tự kéo mình lên, như kéo “ống giày” (bootstrap). Đó là một quá trình vô cùng phức tạp của sự tự khẳng định, đó là cách thể duy nhất để có thể tự hình thành. Nói cách khác chỉ có một nhóm hadron duy nhất tự tương thích - đó là nhóm tìm thấy trong thiên nhiên.

Trong Dung thông hadron, tất cả các hạt đều do các hạt khác tạo thành một cách động, và trong nghĩa này ta có thể nói chúng chứa lẫn nhau. Trong Đại thừa Phật giáo, một quan niệm rất giống như vậy cũng được dùng để nói về toàn bộ vũ trụ. Tấm lưới vũ trụ bao gồm các viên dung vô ngại được minh hoạ trong kinh Hoa Nghiêm bằng tấm lưới Đế Thích Indra (Nhân-đà-la), một tấm lưới rộng lớn treo toàn các hạt minh châu trên cung trời Đế Thích. Sau đây là những dòng của Sir Charles Eliot:

Trên cung trời Đế Thích, người ta nói có một tấm lưới chứa toàn ngọc, được sắp đặt sao mà bạn chỉ cần nhìn một viên, bạn thấy tất cả các viên khác phản chiếu vào đó. Trong cách đó, mỗi sự vật trong thế gian không phải chỉ là nó thôi, mà mang theo mỗi vật khác và thực tế là của tất cả phần còn lại. “Trong mỗi hạt bụi là vô lượng chư Phật".

Sự tương đồng của hình ảnh này với hình ảnh của Hadron thật là đáng kinh ngạc. Hình ảnh cung trời Đế Thích có thể gọi ngay là mô hình đầu tiên của Dung thông, được các nhà minh triết Phương Đông sáng tạo khoảng 2500 năm trước khi vật lý hạt bắt đầu. Người Phật tử quả quyết rằng khái niệm của viên dung vô ngại không thể nắm bắt được bằng tư duy trừu tượng, mà bằng sự chứng thực của ý thức giác ngộ trong trạng thái thiền định. Thế nên D.T. Suzuki viết:

"Đức Phật ( trong phẩm Hoa Nghiêm) không còn là người sống trong thế giới của không gian và thời gian. Ý thức của ngài không phải là ý thức thông thường được quy định bởi cảm quan và suy luận… Đức Phật của Hoa Nghiêm sống trong thế giới tâm thức với quy luật riêng".

Trong vật lý hiện đại, tình huống cũng giống như thế. Ý niệm rằng mỗi hạt chứa tất cả các hạt khác là không thể tưởng tượng được trong không gian và thời gian. Nó mô tả một thực tại, giống như thực tại của Phật, có qui luật riêng. Trong trường hợp của Dung thông hadron, đó là qui luật của thuyết lượng tử và thuyết tương đối, khái niệm then chốt là các lực duy trì hạt với nhau chính là bản thân các hạt đó được trao đổi trong kênh ngang. Khái niệm này có thể biểu diễn bởi một ý nghĩa toán học chính xác, nhưng hầu như không thấy được bằng hình ảnh. Đó là một tính chất mang tính tương đối của Dung thông và vì ta không thể có kinh nghiệm về không gian - thời gian bốn chiều, thật khó mà tưởng tượng được tại sao một hạt riêng lẻ có thể chứa tất cả những hạt khác. Tuy nhiên, đó chính là quan điểm của Đại thừa:

Khi một cái được đặt dối diện với Mọi cái khác, cái Một sẽ được thấy tràn ngập khắp tất cả, đồng thời dung chứa tất cả vào mình.

Ý niệm về một hạt chứa tất cả hạt khác không phải chỉ sinh ra trong đạo học phương Đông, mà còn có trong tư tưởng đạo học phương Tây. Thí dụ sau đây cho thấy rõ rệt trong những dòng nổi tiếng của William Blake:

Nhìn thế giới trong một hạt cát
Và bầu trời trong cánh hoa rơi.
Giữ vô cùng trong lòng bàn tay,
Và vĩnh cửu trong một giờ ngắn ngủi.

Một lần nữa, ở đây, một tầm nhìn huyền bí lại đưa đến hình ảnh của Dung thông; khi nhà thơ thấy thế giới trong một hạt cát thì nhà vật lý hiện đại thấy thế giới trong một hadron.

Một hình ảnh tương tự xuất hiện trong triết học của Leibniz, người xem thế giới được cấu tạo bằng những phần tử cơ bản mà ông gọi là “monads”, mỗi một phần tử đó phản ánh toàn bộ vũ trụ. Điều này đưa ông đến một quan điểm về vật chất, với những tương đồng Đại thừa Phật giáo và với Dung thông hadron. Trong tác phẩm Monadology (1714), Leibniz viết:

Mỗi một phần tử của vật chất có thể được nhìn như một mảnh vườn đầy hoa lá hay một hồ đầy cá. Thế nhưng mỗi cành hoa lá, mỗi tứ chi con vật, mỗi giọt nước cốt của chúng cũng là một mảnh vườn hay hồ nước như vậy.

Thật thú vị thấy rằng những dòng trong Kinh Hoa Nghiêm viết trên đây có thể ghi dấu ấn của ảnh hưởng Phật giáo lên Leibniz. Joseph Needham đã chứng minh rằng Leibniz đã chịu ảnh hưởng của tư tưởng và văn hóa Trung quốc nhờ những bản dịch mà ông nhận được từ các tu sĩ Jesuit, và triết học của ông rất có thể được cảm hứng bởi trường phái Tân khổng giáo của Chu Hi, mà ông biết rõ. Trường phái này có một gốc rễ trong Đại thừa Phật giáo, đặc biệt trong tông Đại thừa Hoa Nghiêm. Thực tế là Needham nhắc lại ẩn dụ tấm lưới ngọc của Đế Thích, khi nói rõ mối liên hệ với các “phần tử cơ bản” của Leibniz.

Thế nhưng, khi so sánh chi tiết quan niệm của Leibniz trong “tương quan phản chiếu” giữa các phần tử cơ bản với ý niệm viên dung trong Đại thừa, có lẽ ta thấy hai bên khác nhau nhiều và phương thức của Phật giáo nhìn vật chất tới gần hơn với tinh thần của vật lý hiện đại so với Leibniz. Sự khác biệt chính giữa chủ trương “phần tư cơ bản” với quan niệm của Phật giáo có lẽ “các phần tử cơ bản” của Leibniz là những thể cơ bản, chúng được xem là thể tính cuối cùng của vật chất. Leibniz bắt đầu Monadology với những chữ: “Monad mà ta bàn đến ở đây chỉ là một thể tính giản đơn, nó là thành phần của thứ khác; giản đơn được hiểu là không có đơn vị nào nhỏ hơn nữa". Ông viết tiếp: “và những Monad này là những nguyên tử đích thực của thiên nhiên, và nói gọn lại, chúng là yếu tố của mọi vật”. Quan điểm cơ bản này hoàn toàn ngược với triết học Dung thông và vì vậy hoàn toàn khác với Đại thừa Phật giáo, là người từ chối một đơn vị cơ bản hay một thể tính cơ bản . Cách nhìn cơ bản của Leibniz cũng được phản ảnh trong quan niệm về lực, mà ông xem là định luật của mệnh lệnh thiêng liêng (divine decree) và khác hẳn vật chất. Ông viết “lực và hoạt động không thể chỉ là dạng của vật chất thụ động được”. Một lần nữa, điều này ngược hẳn với quan niệm về vật lý hiện đại của đạo học phương Đông.

Nói về mối liên hệ thực sự giữa các monad với nhau, khác biệt chính với hadron Dung thông có lẽ là monad không tương tác lẫn nhau; chúng “không có cửa sổ”, như Leibniz nói, mà chỉ phản chiếu lẫn nhau. Mặt khác, trong hadron Dung thông cũng như trong Đại thừa, sự quan trọng chính là sự tương tác hay viên dung của tất cả các hạt. Hơn thế nữa, quan điểm của Dung thông và Đại thừa về vật chất đều là cái nhì không gian - thời gian, chúng xem vật thể là biến cố mà những tương tác giữa những biến cố đó chỉ có thể hiểu được nếu người ta thừa nhận rằng cả không gian - thời gian cũng tương tác viên dung với nhau.

Thuyết Dung thông về hadron còn lâu mới hoàn chỉnh và tất cả những khó khăn liên quan trong việc phát biểu nó vẫn còn đáng kể. Tuy thế nhà vật lý bắt đầu mở rộng mức tìm hiểu về tính tự tương thích, kể cả vượt qua sự mô tả về các hạt tương tác mạnh. Một sự mở rộng như thế phải vượt qua khuôn khổ của thuyết ma trận S hiện nay, là thuyết đặc biệt chỉ dành để mô tả tương tác mạnh. Người ta phải tìm ra một khuôn khổ tổng quát hơn và trong khuôn khổ mới này, vài khái niệm hiện đang được chấp nhận mà không giải thích, chúng phải được Dung thông hóa; tức là chúng được suy diễn ra từ một sự tự tương thích tổng quát. Theo Geoffrey Chew, những điều này có thể bao gồm khái niệm của ta về không gian - thời gian vĩ mô và, có lẽ bao gồm cả ý thức con người:

Nếu đi tận cuối cùng của logic, thì giả thuyết Dung thông hàm ý rằng sự hiện hữu của ý thức, cùng với những khía cạnh khác của thiên nhiên, là cần thiết cho sự ăn khớp toàn bộ của cái tổng thể.

Cách nhìn này là sự hòa hợp toàn hảo với các quan niệm của các truyền thống đạo học phương Đông, trong đó ý thức luôn luôn được xem là phần bất khả phân của vũ trụ.

Trong quan niệm phương Đông, con người, cũng như tất cả dạng sinh học khác, là những thành phần của một sinh cơ tổng thể không phân chia được. Con người được xem là sự minh chứng sống động của mộ tư thức vũ trụ; trong ta, vũ trụ lặp đi lặp lại lần nữa khả năng của nó sinh ra sắc hình rồi qua đó mà ý thức lại chính mình.

Trong vật lý hiện đại, vai trò của ý thức đã nổi lên trong mối quan hệ với sự quan sát các hiện tượng nguyên tử. Thuyết lượng tử đã chỉ rõ rằng những hiện tượng chỉ được hiểu như một mắt xích của một chuỗi những tiến trình, mà khâu cuối của chúng nằm nơi ý thức của con người quan sát. Dùng những chữ của Eugene Wigner, “Không thể phát biểu định luật (của thuyết lượng tử) trong một cách hoàn toàn nhất quán nếu không dựa trên ý thức”. Sự phát biểu thực từ hiện nay của thuyết lượng tử bởi các nhà khoa học trong các công trình thì chưa dựa rõ ràng lên ý thức. Tuy nhiên Wigner và các nhà vật lý khác cho rằng, sự bao gồm trọn vẹn ý thức con người có thể là một khía cạnh chủ yếu của những thuyết về vật chất trong tương lai.

Một sự phát triển như thế sẽ mở ra nhiều khả năng hấp dẫn cho một sự tác động qua lại giữa nhà vật lý và nhà đạo học phương Đông. Sự hiểu biết về ý thức con người và mối liên hệ của nó với phần còn lại của vũ trụ là điểm khởi đầu của mọi thực chứng siêu hình. Nhà đạo học phương Đông đã khám phá nhiều dạng của ý thức qua bao thế kỷ nay và những kết luận mà họ đạt được thường khác hẳn những ý niệm phương Tây. Nếu nhà vật lý thực sự muốn gắn liền ý thức con người vào lĩnh vực nghiên cứu của họ, thì sự tìm hiểu về các ý niệm phương Đông có thể cung cấp nhiều quan niệm mới mẻ và gợi mở.

Thế nên, sự mở rộng trong tương lai của Hadron - Dung thông, với sự Dung thông hóa không gian và thời gian và có thể với ý thức của con ngưòi, chúng có thể mở ra những khả năng không hề biết trước, đi hẳn ra ngoài khuôn khổ qui ước của khoa học:

Một bước đi như thế trong tuơng lai sẽ là sâu sắc hơn bất kỳ những gì liên hệ tới Hadron Dung thông; chúng ta sẽ buộc phải đương đầu với khái niệm khó hiểu của sự quan sát và, có thể, cả với ý thức. Thành thử, sự vật lộn hiện nay với Hadron Dung thông có thể chỉ là mùi vị đầu của một nỗ lực hoàn toàn mới mẻ của đầu óc con người, một cái không những chỉ nằm ngoài vật lý mà thậm chí còn không được gọi là “khoa học” nữa.

Thế thì ý niệm Dung thông sẽ đưa ta về đâu? Tất nhiên, không ai biết được cả, nhưng thật là đáng say mê khi suy tư về đoạn cuối của nó. Người ta có thể tưởng tượng ra một hệ thống lý thuyết trong tương lai bao trùm càng lúc càng lớn các mức độ của hiện tượng thiên nhiên với độ chính xác ngày càng cao; một hệ thống chứa đựng càng lúc càng ít các tính chất không thể giải thích; suy ra được càng lúc càng nhiều cấu trúc tự tương thích nhau của những thành phần. Rồi tới một ngày, sẽ đạt tới mức mà trong đó tính chất duy nhất không giải thích được trong hệ thống lý thuyết chính là các yếu tố của khuôn khổ khoa học. Qua khỏi mức này thì kết quả lý thuyết không còn được diễn tả bằng lời, hay bằng khái niệm suy luận, và như thế nó ra khỏi khuôn khổ khoa học. Thay vì một thuyết Dung thông về thiên nhiên, nó sẽ biến thành một linh ảnh Dung thông về thiên nhiên, vượt qua lĩnh vực của tư tưởng và ngôn ngữ; dẫn ra khỏi khoa học và đưa vào thế giới của bất khả tư nghì, nơi đó không thể nghĩ bàn được. Nhận thức trong linh ảnh đó là toàn trí, nhưng không thể trao truyền bằng lời: Đó sẽ là nhận thức mà Lão Tử nói tới, cách đây hơn hai ngàn năm:

Người biết không nói, Người nói không biết

(Tri giả bất ngôn, Ngôn giả bất tri).

NGƯỜI CON GÁI TA YÊU


Nguời con gái ta yêu 

Không bao giờ còn được yêu đến thế 
Nửa cuộc đời tìm nhau đâu có dễ 
Sao nửa cuộc đời còn chưa đến trong nhau.
 

Nửa cuộc đời anh tìm kiếm nơi đâu
Anh không ở bên em, cùng em thao thức
Anh biết chăng em đã từng khao khát
Trong căn phòng luôn thắp sáng hình anh.

Người con gái ta yêu
Chưa bao giờ còn được yêu đến thế
Anh lang thang chi hoài chân trời góc bể
Đâu trong đời em có hẹn chờ anh.

Mà thôi nói làm gì, tất cả qua nhanh
Vui buồn rồi phôi pha. Và một ngày nào đó
Em yên lòng sống nửa đời cây cỏ
Vương thương hoài cái thửa lỡ quen nhau. 


Võ Thị Thu Trang

Kẻ si mê







Gã dạo chơi trên Facebook
Mỗi lần rảnh rỗi
Chỉ để giải sầu sau khi đã hoàn tất công việc của một ngày trong mệt nhọc
Vô tình Gã tìm được một thiên thần như trong truyện cổ tích

Thiên thần mang bí danh Vũ Diệu
Gã tự giải mã Vũ Diệu là cơn mưa kì diệu đang trải vào không gian

Người đứng dưới mưa là Gã si mê thiên thần mà chưa được một lần gặp mặt

Gã nằm sõng xoài ra giường suy tưởng
Hơi thở chậm đều

Cặp cửu sổ tâm hồn của Gã đã dần khép lại mặc cho những nàng ánh sáng vẫn ve vãn Gã

Gã chìm vào giấc ngủ nhưng những sợi dây tơ tưởng màu hồng vẫn dập dờn lượn sóng chắp nối trí não của Gã với bí danh Vũ Diệu

Cơn mưa cứ vần vũ trên đầu
Gã cứ thản nhiên đứng cho mưa vần vũ

Mưa càng mạnh
Gã càng thấy mát lạnh lan tỏa khắp cơ thể
Gã ngửa mặt lên trời hứng mưa

Đám mây từ từ giãn mỏng ra và bỗng dưng biến sắc đen thành sắc hồng

Mưa tan rất nhanh
Một khuôn mặt đẹp tuyệt thế đã ló dạng trong sắc hồng của mây
Một thân hình thanh tao thánh thiện với bộ trang phục trắng hồng đã hiện hữu trên một thảm cỏ xanh

Gã rùng mình nhưng kịp nhập sóng mắt cùng thiên thần

Sau giây lát mắt Gã chỉ còn nhìn thấy những cánh hoa tím hồng bay khắp bầu trời

Gã đi trong mưa hoa tím hồng bồng bềnh sóng não dập dờn tình

Thiên thần nhìn Gã cười
Gã cũng cười theo sung sướng
Thời gian trôi rất nhanh
Ánh mắt, nụ cười huyền hoặc của thiên thần đã làm cho Gã trằn trọc

Gã đặt ra nhiều câu hỏi và tự trả lời
Không ai hiểu Gã nghĩ gì vào lúc đêm khuya
Nỗi nhớ nhốt đầy vào file yêu
Kì lạ thay,
Gã muốn mình là anh Hùng thực sự để chinh phục thiên thần
Gã nghĩ tới chuyện sẽ chạm vào thiên thần nhưng lại sợ thiên thần biến mất

Nhưng không,
Gã tin là thiên thần sẽ ở lại mà trò chuyện với Gã

Bởi,
Gã chỉ si mê thiên thần chứ Gã không làm hại thiên thần
Gã đặt lòng tin vào sự nhạy cảm của thiên thần
Đãng trí nghĩ làm cho sóng mắt lệch khỏi thiên thần

Bỗng nụ cười trên môi thiên thần vụt tắt
Với gương mặt buồn thiên thần quay đi
Mây hồng dần tím bầm lại
Những cánh hoa tím hồng ngừng rơi

Gã vội vã gào thét van xin:

“ Hỡi thiên thần tuyệt thế! Dù cõi trần phàm tục không hấp dẫn người! Dù Gã si mê này có ngẩn ngơ về người thì cũng chỉ để tôn người lên thành thiên thần tuyệt thế. Xin đừng bỏ đi!”

Tiếng gào thét van xin vang ran vào không gian. Những âm thanh va đập làm cho đám mây đang bầm tím lại từ từ rạn nứt và trắng bạc ra

Hình ảnh thiên thần cũng giãn mỏng ra

Tiếng thiên thần vọng lại từ trong sâu thẳm và bắt đầu một cuộc đối thoại

“ Hỡi Gã si mê xấu xí và ngu muội! Ngươi hãy quẳng gánh áo cơm của trần gian phàm tục đi để đổi lấy sự tuyệt thế anh hùng. Nếu không ngươi mãi mãi chỉ là một mảnh vỡ!”

“Gã si mê này chỉ có một tấm lòng thanh sạch ngưỡng mộ sự hoàn thiện tuyệt mĩ của thiên thần!”

“ Nhưng ta không tin ngươi có thể ngắm mãi sự hoàn thiện ấy của ta mà không lấy đi một phần tuyệt mĩ!”

“ Xin thề trước ngọn sóng dâng cao nơi đại dương mênh mông! Xin thề trước thiên thần tuyệt thế! Gã si mê này sẽ tự buộc đôi tay của mình lại và chỉ tận hưởng bằng đôi mắt!”

“ Ta thấy đôi mắt của ngươi chứa tia cực tím có thể xuyên thấu sự tuyệt mĩ của ta!”

“ Gã si mê này sợ khi đã tự bịt mắt mình lại thì thiên thần tuyệt thế sẽ biến mất!”

“ Ta sẽ không biến mất!”

“ Nhưng chỉ là sự tuyệt thế trơ trọi”

“ Trơ trọi nhưng vẫn tuyệt thế”

“ Không đâu thiên thần. Người chỉ tuyệt thế trong mắt của Gã si mê này thôi. Cõi trần phàm tục không ai có đôi mắt thượng tiên như Gã”

“ Ngươi có gì để chứng minh về đôi mắt thượng tiên của mình?”

“ Thiên thần cứ quay lại nhìn thẳng vào mắt Gã si mê này sẽ thấy có một nguồn năng lượng cực mạnh với sóng âm dập dờn, tha thiết, đắm say”

“ Ta đang nhìn Gã si mê biết không?”

“ Gã đã si mê ngay lần đầu tiên nhìn thiên thần đã đong đầy hi vọng cho muôn ngày sau”

“ Hóa ra ngươi cũng là một người lịch lãm có mắt thẩm mĩ và biết trân trọng cái đẹp. Ha! Ha! ha!”

“Thiên thần thấy đấy! Chỉ khi thiên thần nhìn vào mắt Gã thì thiên thần mới có thể cười được. Nếu thiên thần nhìn vào kẻ khác thì nụ cười sẽ biến mất và toàn châu thân của thiên thần lại trở nên tím ngắt”

“ Làm sao ngươi biết được?”

“ Kìa! Có kẻ lạ mặt với đôi mắt ma lực trên tay cầm thanh nam châm đang tìm cách tiến lại gần hút thiên thần đi. Xin thiên thần đừng nhìn vào mắt hắn!”

“ Không hiểu sao toàn châu thân ta lạnh toát và cứ dịch chuyển đi nơi khác”

“ Đó là do kẻ lạ mặt với đôi mắt ma lực và thanh nam châm đang hấp dẫn thiên thần đi về phía hắn. Xin thiên thần đừng nhìn vào mắt hắn”

“ Ta không thể đứng vững được nữa, cứ chực ngã người ra. Hình như có một tòa lâu đài nguy nga lộng lẫy với lời mời hấp dẫn sẽ ban tặng cho ta”

“ Thiên thần hãy cố bám chặt chân xuống cỏ vì nam châm không hút cỏ. Trong lâu đài nguy nga ấy có một con dơi đực chuyên hút sinh khí những cô gái xinh đẹp. Không một cô gái nào vào đó mà có thể xinh tươi trở lại”

“ Ta không tin có điều đó. Ngươi đang lừa dối ta”

“ Kìa! Con dơi đực đã hiện hình trên nóc tào lâu đài. Thiên thần có nghe siêu thanh phát ra từ đôi tai của con dơi không, nó đang làm nhiễu trí não của thiên thần. Đôi cánh của nó đang dang rộng ra để bắt thiên thần đấy”

“ Đó là một chàng trai khôi ngô lịch lãm với âm thanh êm dịu tràn đầy yêu thương đang dang tay vẫy gọi ta về lâu đài chứ đâu phải con dơi như ngươi nói?”

“ Bằng đôi mắt thượng tiên Gã có thể nhìn thấy con dơi hiện nguyên hình”

“ Ta không thể đứng vững được nữa, môi ta dần co lại, toàn châu thân ta như đã chuyển màu. Ta cố bám chặt chân xuống cỏ nhưng tòa lâu đài đã dịch chuyển đến rất gần ta”

“ Không được rồi. Thiên thần hãy cố thêm chút nữa Gã sẽ đến cứu thiên thần”

“ Kìa! Có kẻ cầm dao đang tiến lại gần ngươi từ phía sau lưng. Ngươi hãy chạy đi!”

“ Đó là con dơi đực trên tòa lâu đài đã kịp hiện hình thành một kẻ khác để tiêu diệt Gã”

“ Kìa! Hắn đã tiến lại rất gần. Ngươi đừng nhìn ta nữa. Hãy chạy đi!”

“ Gã si mê này dù có chết cũng quyết không để nụ cười lịm tắt trên môi thiên thần. Xin thiên thần đừng nhìn vào mắt hắn!”

“ Coi chừng! ”

“ Ki…a…Roạt!…Bốp!…Bốp!…Bốp!”

“Oái! dz…a” – kẻ lạ mặt rên la

“ Hắn đã gục ngã. Ngươi giỏi lắm”

“ Gã có được sức mạnh ấy là nhờ thiên thần đã không rời mắt Gã lúc gian nguy”

“ Ngươi chính là tuyệt thế anh hùng nay ta mới gặp. Ta phục ngươi. Nhưng ta phải đi đây”

“ Gã cầu chúc thiên thần đi bình an. Xin thiên thần luôn giữ nụ cười trong mắt Gã ”

Đám mây từ từ bầm tím lại rồi tan rất nhanh

Trước khi đi thiên thần đã khen Gã, phục Gã, tạm biệt Gã? Phải rồi, thiên thần đã phục Gã thì còn ai có thể thay thế Gã trong mắt thiên thần. Vậy là nụ cười trên môi thiên thần sẽ không biến mất. Bây giờ Gã có thể yên tâm chờ đợi thiên thần trở lại rồi…Ha! Ha! Ha!

Nhưng,

Thiên thần không hẹn quay trở lại?
Gã biết tìm thiên thần ở đâu bây giờ?
Gã biết chờ đến khi nào thiên thần mới quay trở lại?

Thiên thần ơi đừng bỏ Gã si mê này! Đừng bỏ nụ cười tuyệt mĩ chứa đầy thông điệp tình yêu mà tạo hóa ban tặng cho người”

Rồi Gã còn nghĩ,

Không biết ngày hai mươi tháng mười này thiên thần có nhận được nhiều quà không

Gã mong cho thiên thần nhận được thật nhiều quà

Nhưng Gã lại sợ…

Sợ thiên thần bị kẻ gian manh dính sắt vào người
Sợ trong những quà thiên thần nhận được có thứ quà bằng nam châm
Sợ thiên thần bị nam châm hút mất
Gã cầu mong không có món qùa nam châm
Gã chấp nhận để thiên thần dính sắt
Gã mâu thuẫn muốn mình là nam châm

Qua khe cửa sổ ánh bình minh đã rọi những luồng sáng tận giường nằm của Gã từ lúc nào không hay

Tiếng chuông đồng hồ báo thức reo lên
Gã choàng dậy dụi mắt rồi nhìn theo luồng sáng ánh bình minh
Gã rời khỏi giường đi ra mở cửa sổ
Bầu trời trong xanh không một gợn mây
Gã lại dắt xe đi làm trong bầu không khí thanh sạch của tâm hồn



Vọng Trạch