Photo: Chriz Pixz
Không biết từ bao giờ, mà câu nói cửa miệng của tôi mỗi khi đụng chuyện rắc rối thường cứ là “Trời ơi!”
Cả họ nội lẫn họ ngoại nhà tôi đều theo đạo Phật, nhưng khi tôi được 9 tuổi thì ba tôi theo đạo Chúa để rẽ con đường khác trong cuộc đời của ông ấy. Tôi còn quá nhỏ để phân định cho mình một tôn giáo, cứ Tết về lẽo đẽo theo chân má tôi lên chùa, ngắm nhìn bức tượng lộng lẫy trên cao với niềm thành kính. Rất nhiều, rất nhiều lần tôi chắp đôi tay bé tẹo nhưng lại quên cúi lạy vì cứ mải mê ngước nhìn, chưa biết khơi dậy trong bản thân một khái niệm gì, chỉ thấy một điều gì đó… rất mênh mang…
Rồi vài năm sau đó, má tôi cũng bước một lối đi riêng, tôi bắt đầu thấy mình đứng giữa bao la cuộc gọi của đời. Tôi theo lũ bạn học lên chùa, đồng thời cứ mỗi sáng chủ nhật, tôi lặng lẽ mặc áo dài vào thánh đường, khi trời còn giăng sương và bóng ngày chưa rạng. Có thể tôi không có chánh kiến, có thể quan điểm lập trường của tôi quá tệ hại, nhưng thật lòng mà nói, dù đứng trước ngai Phật hay ngôi Chúa, tôi đều cảm thấy một sự thiêng liêng, một sự thênh thang, vô biên nào đó mà từ bé cho đến tận bây giờ tôi vẫn không sao hiểu được.
Các bà hay các dì của tôi thường nói “mô Phật” khi có chuyện gì đó, các cô trên nhà thờ khi nghe điều khác thường cũng buột miệng: “Ôi, lạy Chúa.” Còn tôi không biết nói gì, nhưng con người ta thường hay phải thốt lên một từ gì đó khi đụng một chuyện gì đó, có lẽ vì vậy mà tôi bắt đầu quen với hai từ “trời ơi!” chăng? Với tôi, đơn giản, Trời là cái khối màu xanh nền nã điểm những chấm mây trắng thênh thang khi tôi ngước nhìn lên, hay đặc biệt hơn, Trời là Đấng Tối Cao linh thiêng mà phàm trần như tôi không bao giờ chạm tới được, và điều gì không chạm tới được, hiển nhiên là huyền thoại, mà đã huyền thoại, hiển nhiên là bất diệt.
Bạn có thấy gần đây có quá nhiều sự kiện không? Tôi cứ thắc mắc tại sao những điều ấy lại xảy đến cùng lúc, giao thoa cùng một thời điểm, và để cho đơn giản trong câu trả lời, tôi đã nhủ: “Trời đất xui khiến như thế.” Và vì tôi đa mang như thế, và dù tư tưởng của của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thấm nhuần triết lý Phật giáo, nhưng khi đến với nhạc Trịnh trong một đêm giao thừa 12 tuổi, tôi vẫn tự lập cho mình một tôn giáo thứ ba: Tôn giáo Da Vàng.
Ở đó, bao gồm những điều đơn giản mà Chúa và Phật cùng âm nhạc đã giảng dạy cho tôi: Hãy yêu thương và sống tử tế với nhau. Những ca khúc Da Vàng đã cất lên cho những đồng bào chiến sĩ, lúc nào cũng nhiều da diết, khi chia sẻ nỗi đau xót xa vì quê hương bị dày xéo; lúc khơi dậy lòng yêu nước thương nòi mà tận sâu trong tấc lòng, bất cứ con dân Việt Nam nào cũng có; rồi bất chợt bùng lên sục sôi những bản hùng ca hòa bình, mở ra một tương lai rạng ngời của đất nước, bão giông hoang tàn cũng biến đau thương thành hạnh phúc tự do.
Ngày xưa ấy. Trịnh viết. Trịnh đàn. Khánh Ly hát. Trên khắp nẻo đường quê hương
Ngày hôm nay. Vẫn giai điệu của Trịnh. Vẫn Khánh Ly hát. Ngay trên quê hương Việt Nam, ngay trong những ngày biển Đông hừng hực cuộn sóng. Như đã từng. Như khơi gợi và tiếp sức cho một tình yêu duy nhất trong cả cuộc đời con người, đó là tình yêu quê hương. Tôi nói đó là tình yêu duy nhất, vì quê hương là cha mẹ, là tất cả những điều thân thuộc nhỏ bé đang bên cạnh mỗi con người chúng ta, chúng ta vẫn đang chia sẻ với nhau những điều giản dị bằng những tình người vĩ đại.
Và. Tôi nhìn những tháng ngày này. Ngẫu nhiên chăng? Đơn giản thôi: “Trời xui đất khiến như thế.” Và. Vì mọi điều xảy ra cùng trong một thời điểm như thế, nên tôi có niềm tin, cả dân tộc cùng hát một bài ca, cùng nắm một vòng tay, vẫn sẽ hạnh phúc cùng một tự do.
Xin mượn lời của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, để kết thúc bài viết, để tiếp tục và mở ra thêm những điều tốt đẹp cho quê hương chúng ta.
“… Nhân loại đã biết rõ, tuổi trẻ Việt Nam không thiếu lòng dũng cảm. Một tuổi trẻ chịu quá nhiều thiệt thòi nhưng rất ít những lời thở than…
… Xin hãy dừng tay để mọi căn nhà Việt Nam có thể mở rộng cửa chờ đón một sớm mai hòa bình… Để cho con sông , dòng suối, núi rừng và mặt đất cằn khô này được thở lại điều hòa. Tiếng hát đã có thể cất lên để nuôi lớn ước mơ…
… Ta đã có sẵn một hành trang quý giá của hơn bốn nghìn năm để còn mãi bước đi trên những lộ trình mới về tương lai. Ta phải đi tới bằng con tim sứ giả mang niềm tin và lời hứa hẹn của những người đã nằm xuống…” - Trịnh Công Sơn
Gold
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét