1. Lời mào đầu
Lịch sử di trú của người Việt Nam đến các nước khác, từ đó hình thành cộng đồng của người Việt Nam ở nước ngoài, đã được gần một thế kỷ. Cho đến nay chưa có sự thống kê chính xác về số lượng người Việt Nam hiện đang sống ở nước ngoài. Theo tài liệu của Bộ Ngoại giao Việt Nam, có khoảng 2,7 triệu người Việt Nam đang sinh sống trong gần 90 nước trên thế giới, hơn nữa, khoảng 80% tại các nước công nghiệp phát triển (1). Phần lớn Việt kiều chọn Mỹ và Canada làm nơi sinh sống, tiếp theo là các quốc gia Âu châu - Pháp, Đức, Ý, Hà Lan và Áo. Số còn lại tìm nơi định cư tại châu Á - ở Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan, hay một số nước châu Phi và Nam Mỹ.
Việc người Việt Nam di trú trên thế giới đã diễn ra qua một số đợt và gắn liền với những hoàn cảnh lịch sử cụ thể. Trước năm 1975, người Việt Nam chỉ mới lẻ tẻ di trú ở một vài nước. Những di dân đầu tiên dời khỏi nước Việt Nam hồi đó còn là thuộc địa, họ chủ yếu sinh cơ lập nghiệp ở Pháp với số lượng không lớn. Sau chiến tranh thế giới thứ hai, chủ yếu vào những năm 1960-1970, các nhóm sinh viên từ miền Nam Việt Nam đến học ở Mỹ, Canada, Nhật, Ý... theo kế hoạch trao đổi, học bổng hoặc bằng tiền riêng của cá nhân. Một số sinh viên đã vĩnh viễn ở lại các nước đó.
Hiện nay một số lượng người Việt Nam đông nhất - gần 1 triệu người - đang sinh sống ở Mỹ. Xứ sở này được coi là một ví dụ về sự phát triển xã hội đa chủng tộc theo kiểu di trú. Trong số các nhóm tộc người ở Mỹ hiện nay, người Việt Nam là một trong số những nhóm tộc người trẻ nhất. Sự hình thành của nhóm này bắt đầu từ nửa sau những năm 70 TK XX, và gắn liền với một số đợt di trú chủ yếu từ các vùng ở miền Nam Việt Nam (2).
2. Điểm qua quá trình phát triển
Thời kỳ những năm 1975-1980 gắn liền với sự khởi đầu của việc gây dựng văn học của những người Việt Nam nơi đất khách quê người. Sau năm 1975, đa số các nhà văn miền Nam Việt Nam đã dần dần định cư ở Mỹ, Pháp, Úc, Canada... Đợt di trú đầu tiên gồm có những đại diện tiêu biểu của văn học miền Nam Việt Nam trước 1975. Đó là Mặc Đỗ, Nhật Tiến, Bình Nguyên Lộc, Nhã Ca, Duyên Anh, Lê Tất Điều, Nguyễn Mộng Giác, Thanh Nam, Túy Hồng, Nguyễn Tường Bách, Thế Uyên, Linh Bảo Nguyễn Thị Vinh, Phan Lạc Phúc, Du Tử Lê, Viên Linh, Kiệt Tấn, Nguyễn Xuân Hoàng, Phạm Duy (nhạc sĩ), Võ Đình (nhà văn và họa sĩ), Tạ Tỵ (họa sĩ và nhà phê bình), Đinh Cường (họa sĩ), Khánh Ly (ca sĩ)...
Những người Việt Nam đến Mỹ, ngoài gánh nặng tình cảm vốn gắn liền với quê hương xứ sở, còn phải trải nghiệm một cú sốc mạnh mẽ về văn hóa khi họ tiếp xúc với một hiện thực mới mẻ, xa lạ và khó hiểu. Mặc dầu có sự khởi động của đời sống văn học, không mấy ai trong số các Việt kiều tin tưởng vào sự thành công của sự nghiệp mà họ đã gây dựng. Võ Phiến, trong phần mở đầu cuốn Thư gửi bạn(1976), xác nhận cho những tâm trạng ấy: "Từ ngày bỏ nước ra đi, tôi đâu còn nghĩ đến chuyện nghệ thuật văn chương nữa... Ai lại nghĩ xây dựng một sự nghiệp văn nghệ trong vòng vài trăm ngàn người, tản mát khắp mặt địa cầu, mỗi ngày một xa lạc ngôn ngữ dân tộc, xa rời cuộc sống dân tộc"(3).
Thời kỳ thứ hai bắt đầu vào năm 1980 và trùng hợp với sự xây dựng của các thuyền nhân. Trên các trang của tờ tạp chí Văn, Vũ Khắc Khoan đã nhấn mạnh: "Những người này - những thuyền nhân tị nạn - bằng sự xây dựng của mình đã khuấy động văn học và nghệ thuật Việt Nam ở hải ngoại, đã thúc đẩy sự vận động của nó tới một giai đoạn mới trong sự hình thành và phát triển"(4).
Nếu phần lớn dân di trú thuộc đợt thứ nhất gồm những người có mối quan hệ nhất định với Mỹ thì những người ở đợt di trú thứ hai tự tìm cách dời Việt Nam. Sau khi đến một quốc gia ở Đông Nam Á, họ phải chờ đợi khá lâu để nước thứ ba cho phép chuyển đến. Và cái quy chế ấy đã gây ra ở họ một cú sốc tinh thần sâu sắc, điều này, lẽ tất nhiên, đã được phản ánh trong sáng tác văn học sau này của họ.
Thời kỳ thứ ba (1982-1990) đặt cơ sở vững chắc cho sự phát triển tương đối ổn định của văn học Việt Nam ở hải ngoại. Số tác giả mới và số lượng sách được xuất bản gia tăng, những nhà xuất bản chuyên nghiệp ra đời, và đã xuất hiện một đời sống văn học thực thụ, phong phú và đa dạng. Có thể nói rằng đây là thời kỳ thuận lợi nhất và có kết quả nhất trong lịch sử văn học Việt Nam ở hải ngoại.
Vào những năm đó, số lượng tiểu thuyết được công bố còn ít. Tác phẩm đáng kể nhất là bộ tiểu thuyết sử thi 5 tập Mùa biển động của Nguyễn Mộng Giác. Truyền thống của tiểu thuyết trong văn học Việt Nam còn khá non trẻ. Để viết được những tác phẩm có quy mô như vậy cần phải có kinh nghiệm sống phong phú và tài năng, do đó, nhiều nhà văn lưu trú có thể bộc lộ mình rõ nét nhất trong các tác phẩm văn xuôi cỡ nhỏ. Truyện ngắn đã trở thành thể loại dẫn đầu trong văn học Việt Nam ở hải ngoại. Hầu như tất cả các nhà văn mới đều là những cây bút truyện ngắn, trong số đó tiêu biểu là Thế Giang, Trần Vũ, Vũ Quỳnh Hương...
Vào thời kỳ thứ tư (1990-1995), nhịp độ phát triển văn học Việt Nam ở Mỹ đã chậm lại và ngày càng ít tác giả mới xuất hiện, ít tác phẩm hay và có giá trị nghệ thuật được công bố.
Trong giới báo chí hải ngoại, tình trạng đình đốn trong đời sống văn học nghệ thuật của cộng đồng người Việt được bàn luận sôi nổi. Rất nhiều người đã đi đến nhận định rằng căn nguyên của nó là những biến đổi chính trị đã diễn ra ở Việt Nam và trên thế giới. Sự tan rã của hệ thống xã hội chủ nghĩa và sự sụp đổ của Liên Xô, việc thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Mỹ vào năm 1995, nước Việt Nam dần dần hòa nhập với thế giới đã buộc văn học Việt Nam ở hải ngoại phải thay đổi.
Thời kỳ thứ năm (1995 đến nay) gắn bó chủ yếu với những vấn đề: tiếp tục duy trì văn học Việt Nam bằng tiếng mẹ đẻ và bảo tồn những cơ sở văn hóa, văn học Việt Nam đã hình thành tại các nước cư trú; sự hòa nhập của tác giả Việt Nam vào đời sống văn học của nước mà họ đang sinh sống; sự hồi hương của các tác giả viết bằng tiếng Việt.
3. Những khuynh hướng phát triển
Hoài niệm và hội nhập
Nếu thử nêu lên vắn tắt tình hình văn học Việt Nam ở hải ngoại thì đó là sự phân chia rạch ròi hai khuynh hướng quá khứ hay hiện tại. Đối với các nhà văn thuộc khuynh hướng đầu là hoài niệm, còn đối với các nhà văn thuộc khuynh hướng thứ hai là hội nhập. Văn học Việt Nam ở hải ngoại được hình thành và tiếp tục tồn tại chính trong hệ tọa độ ấy.
Trong những năm đầu định cư trên đất Mỹ (1975-1979), hoài niệm đã trở thành chủ đề chính trong nhiều tác phẩm của các tác giả Việt Nam, mà nét nổi bật là nỗi đau ly tán quê hương xứ sở, sự cô đơn và vô vọng đối với tương lai. Những tình cảm ấy được thể hiện dễ dàng hơn trong thơ. Những sáng tác đầu tiên của các tác giả thuộc khuynh hướng này, như Thơ của Cao Tân và Đất khách của Thanh Nam, đã xác nhận điều đó.
Những tình cảm tương tự của những người xa xứ cũng được ghi lại trong văn xuôi - truyện ngắn và tùy bút của Võ Phiến (Thư gửi bạn, Nguyên vẹn), Túy Hồng, Trùng Dương, Thanh Nam. Tuy nhiên, do điều kiện khách quan của những năm đầu lưu trú, khi việc ra báo định kỳ và việc xuất bản sách mới chỉ có những bước đi đầu tiên, thì chính thơ ca với hình thức thích hợp về mặt thể loại và hình tượng, cho phép thực hiện một cách kịp thời nhất một nhiệm vụ khó khăn là thông báo cho những người đồng hương xa xứ về nỗi đau khôn nguôi đối với cố hương.
Dần dần, nét lạc quan đã trở lại với thơ ca hải ngoại, phạm vi những vấn đề được mở rộng và trình độ tư tưởng nghệ thuật của tác phẩm được nâng cao. Niềm tin vào sức mình đã trở lại với mọi người. Cuộc sống của họ ở xứ lạ bắt đầu có ý nghĩa, và điều đó đã được phản ánh trong văn học.
Những thay đổi ấy thể hiện rõ nét nhất trong truyện ngắn của Hồ Trường An, tiêu biểu là Hòa hợp. Tác giả mong muốn truyền đạt nhịp độ và tâm trạng của cuộc sống mới, ở đó xen kẽ nỗi buồn và tiếng cười, sự chiêm nghiệm trầm tư và sự hào hứng lao động vì hạnh phúc và sự phồn vinh tương lai. Nhờ những tác phẩm ấy, thái độ đối với quá khứ được ý thức một cách hợp lý hơn, còn thái độ đối với hiện tại và tương lai thì trở nên điềm tĩnh hơn.
Hiện thực dân tộc, hồi ký và tư liệu lịch sử
Ngay từ đợt di trú thứ nhất, trong văn học Việt Nam ở hải ngoại đã hình thành khá rõ ba dòng: dòng văn chương phong tục (một số nhà nghiên cứu đề nghị dùng các thuật ngữ hiện thực dân tộc hoặc văn hóa dân tộc), dòng hồi ký và dòng tư liệu lịch sử.
Dòng đầu tiên gồm đại đa số tác giả là người miền Nam, Việt Nam. Sáng tác của họ gắn liền với cuộc sống hàng ngày của tầng lớp dân nghèo và trung lưu trong những năm dưới chế độ thuộc địa của Pháp (Hồ Trường An, Xuân Vũ, Ngô Nguyên Dũng, Huyền Châu, Nguyễn Văn Ba), trong thời kỳ tồn tại của chế độ Việt Nam cộng hòa trước 30-4-1975 (Kiệt Tấn, Hồ Trường An, Nguyễn Tấn Hùng) cũng như trong chế độ mới sau khi nước Việt Nam thống nhất (Nguyễn Đức Lạp, Võ Kỳ Điện, Nguyễn Văn Sâm). Bên cạnh những chi tiết giàu hình ảnh của cuộc sống quá khứ ấy, họ đã sử dụng rộng rãi ngôn ngữ hội thoại, góp phần thúc đẩy sự phát triển của văn học Việt Nam ở hải ngoại, trước hết đối với việc giải quyết những nhiệm vụ sáng tác về mặt tư tưởng, nghệ thuật và triết học.
Dòng hồi ký trong văn học Việt Nam ở hải ngoại, được hình thành cùng với việc cuộc sống dần ổn định về mặt kinh tế, ghi lại quá khứ của nhiều nhân vật cao cấp trong chính quyền Sài Gòn: tướng lĩnh (Nguyễn Cao Kỳ, Đỗ Mậu, Nguyễn Chánh Thi, Huỳnh Văn Cao, Trần Ngọc Nhuận...), chính khách (Bùi Diễm, Nguyễn Tiến Hưng, Trần Huỳnh Châu) và văn nghệ sĩ (Phạm Duy, Duyên Anh, Nhã Ca). Những cuốn sách ấy chứa đựng tư liệu phong phú về các sự kiện và những đánh giá rất đáng chú ý đối với độc giả, nhất là đối với các nhà nghiên cứu lịch sử, xã hội học, văn học... Các tác giả thường chỉ ghi hoặc kể lại các sự kiện, kinh nghiệm sống và sáng tác của họ chưa vươn tới tầm khái quát cao mang tính triết lý nghệ thuật cũng như chưa được tạo dựng để đưa họ trở thành các nghệ sĩ ngôn từ.
Có mối liên hệ trực tiếp với dòng hồi ký là những tác phẩm viết về đề tài lịch sử. Cho đến nay, nội dung chủ yếu của văn học Việt Nam ở hải ngoại là quá khứ vốn có thể được lý giải và được phản ánh thông qua số phận cụ thể của từng con người cũng như dưới dạng sử thi đồ sộ.
Một cống hiến không thể phủ nhận vào văn học Việt Nam là những cuốn tiểu thuyết Mùa biển động và Sông Côn mùa lũ của Nguyễn Mộng Giác, Người đi trên mây của Nguyễn Xuân Hoàng, Giấc mộng của Nguyễn Sa... Cũng phải nhắc tới những tác giả như Thích Nhất Hạnh và Nghiêm Xuân Hồng, những người viết về các vấn đề tôn giáo triết học. Sách của họ, mặc dầu mang tính chuyên biệt nhất định, có giá trị nghệ thuật cao và được phổ biến rộng rãi trong độc giả.
4. Những véc tơ của sự phát triển
Khác với các tác giả định hướng quan niệm và sáng tác vào những vấn đề của quá khứ, khuynh hướng hội nhập trong văn học Việt Nam ở hải ngoại dần dần chiếm vị trí đáng kể trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Thế hệ đầu tiên của những người di trú vốn được định hướng vào những giá trị văn hóa truyền thống của Việt Nam và trước hết vào tiếng Việt, ngày một già đi, trong khi đó các thế hệ tiếp theo ngày càng được Mỹ hóa và hầu như không gắn bó tương lai của mình với Việt Nam.
Đa số tác phẩm viết về kinh nghiệm hội nhập của người Việt Nam vào cuộc sống Mỹ là do phụ nữ viết. Đó là Vị Khê, Trần Diệu Hằng, Lê Thị Huệ, Phan Thị Trọng Tuyền, Vi Quỳnh Hương, Nguyễn Thị Ngọc Nhung... Trong số các nhà văn nam giới viết về vấn đề này có Võ Phiến (Thư gửi bạn), Nguyễn Bá Trạc (Ngọn cỏ bồng, Chuyện một người di cư nhức đầu vừa phải) Võ Đình (Xứ sấm sét, Sao có tiếng sóng)... Các tác giả viết về những vấn đề thông thường đối với bất cứ một cộng đồng di trú nào, nhất là ở những giai đoạn đầu tiên. Đó là sự tan vỡ của cuộc sống yên ổn trước đây, những khó khăn của thế hệ những người di trú đầu tiên do sự khác biệt về văn hóa và ngôn ngữ, sự cô đơn của người già, sự suy thoái hóa về đạo đức, hiện tượng lớp trẻ rút khỏi cộng đồng người Việt, sự tan nát của gia đình, sự phân hóa xã hội sâu sắc trong nội bộ cộng đồng...
Mặc dầu trong đa số tác phẩm, sự thích nghi và hội nhập của người Việt được miêu tả với sắc thái bi quan, thông qua những dằn vặt lớn lao về đạo đức và những khó khăn vật chất, tuy thế vẫn có những trường hợp ngoại lệ. Chẳng hạn, Hồ Trường An, trong thiên truyện ngắn Hòa hợp, đã lạc quan tiếp nhận cuộc sống mới mà ông ta và những người đồng hương đành phải bắt đầu ở Mỹ. Trong truyện ngắn Gió đêm, Trần Thị Kim Lan viết về sự hiểu biết lẫn nhau giữa những người thuộc các dân tộc khác nhau. Mai Kim Ngọc thiên về việc đánh giá một cách tích cực đối với cuộc sống của người Việt trong những điều kiện xã hội, văn hóa mới.
Đa số những người di trú thuộc thế hệ đầu tiên không thể hòa nhập vào văn hóa của nước bản địa. Trong khi đó, thế hệ thứ hai hoặc thứ ba - những người dời khỏi Việt Nam từ hồi còn nhỏ hoặc đã sinh ra trên đất Mỹ, học trường bản địa - dễ dàng hòa nhập vào xã hội và nền văn hóa mới. Đã xuất hiện những tác giả trẻ chỉ viết bằng tiếng Anh hay tiếng Pháp. Những cuốn sách của họ tái hiện các cốt truyện Việt Nam, có lẽ với chủ ý dành cho độc giả nước ngoài.
Kinh nghiệm hội nhập trở thành đề tài chủ yếu trong các tác phẩm của các nhà văn thuộc thế hệ thứ hai viết bằng tiếng Việt và bây giờ đã từ 40 tuổi trở lên. Ở Mỹ là Phạm Thị Ngọc, Nguyễn Hoàng Nam, Ngọc Khôi, Hoàng Mai Đạt, Dương Như Nguyện, Vũ Quỳnh N.H. Đỗ Kh., Bùi Diễm Âu, Võ Đình, Phan Nhiên Hạo, Nguyễn Hương, Nguyễn Danh Bằng; ở Pháp là Thụy Khê, Trần Vũ, Mai Ninh, Thuận; ở Canada là Nam Giao; ở Úc là Hoàng Ngọc Tuân, Nguyễn Hưng Quốc; ở Đức là Lê Minh Hà... Trong tác phẩm của họ có ít cốt truyện về cuộc sống trước đây ở tổ quốc, bởi lẽ họ đã ra đi từ hồi còn nhỏ và đối với họ, Việt Nam không phải là cái cảm nhận được và cái mong muốn như đối với thế hệ cha anh. Bởi vậy, họ viết về cuộc sống hiện tại xuất phát từ tình hình thực tế của cái thế giới hiện đại bao quanh họ. Họ rất tự tin, thoải mái trong việc thể hiện tình cảm và bộc lộ nhận định. Khác với các nhà văn thuộc thế hệ đầu tiên, đối với nhiều người trong số họ, văn học chủ yếu là sự tiêu khiển, giải trí về mặt tinh thần mà không phải là nhu cầu bức thiết của cuộc sống. Hơn nữa, họ đang ở trong một tình thế đặc biệt - họ cần phải đi tìm độc giả vốn thuộc về cái thế hệ mà họ có thể chia sẻ những suy nghĩ và tình cảm thông qua các tác phẩm viết bằng tiếng Việt.
Không phải tất cả các nhà văn nhất quán đi theo con đường viết bằng tiếng Việt. Một bộ phận không nhỏ đã hoặc sẽ nhanh chóng chuyển sang tiếng Anh, tiếng Pháp... với tư cách là công cụ sáng tác và giao tiếp, bởi lẽ sự lựa chọn này giúp họ hòa nhập vào dòng chảy chung của văn học ở nước họ định cư và vào văn học thế giới. Nói một cách hình tượng, họ đang tìm sự cân bằng giữa hai thế hệ - thế hệ thứ nhất, lớn tuổi hơn và thế hệ tiếp theo sau họ, trẻ hơn, vốn hoàn toàn hướng tới sự hội nhập vào môi trường mới và ngôn ngữ mới. Cùng với thế hệ đầu tiên, họ sẻ chia lòng yêu mến tiếng Việt, nhưng không sẻ chia gánh nặng tình cảm đối với quá khứ. Cùng với thế hệ thanh niên, họ tiếp nhận một cách thực tế và thực dụng cuộc sống mà hiện nay họ phụ thuộc, tuy thế trong văn học họ bị ngăn cách bởi rào cản ngôn ngữ. Hiện ở bên ngoài lãnh thổ Việt Nam đã hình thành một đội ngũ nhà văn đồng thời thuộc về hai nền văn hóa - văn hóa Việt Nam và văn hóa của nước mà họ định cư. Đó là Andrew Lam - một nhà chính luận nổi tiếng và một cây bút chuyên viết truyện ngắn bằng tiếng Anh, cũng như Monich Trương, Aimee Phan, Lan Cao, Kien Nguyễn, Lê Thị Diễm Thúy, Dao Strom, Nguyễn Minh Bit, Mộng Lan... ở Mỹ; Kim Lefevr và Linda Le đã viết những áng văn xuôi rất hay bằng tiếng Pháp. Những tác giả thuộc khuynh hướng này đã thu hút được sự chú ý của những nhà xuất bản và giới phê bình, đã nhận được các giải thưởng quốc tế.
5. Tương lai thuộc về độc giả
Tác phẩm văn học còn sống khi nó được mọi người đọc. Nếu không có độc giả thì văn học ắt bị lãng quên. Để không bị quên lãng, nhiều nhà văn Việt Nam ở hải ngoại đem tương lai tác phẩm văn học của mình gắn liền với độc giả ở Việt Nam, song điều đó không đơn giản. Hơn nữa, tác phẩm của các tác giả người Việt ở hải ngoại rất hãn hữu được xuất bản ở Việt Nam, và nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này trước hết là ý thức hệ.
Song vào những năm gần đây, tình hình trên thế giới đã thay đổi: đã xuất hiện internet vốn vượt qua những khoảng cách khổng lồ và những biên giới quốc gia. Hiện nay tồn tại không ít kiểu xuất bản internet, qua đó văn học Việt Nam ở hải ngoại đã tới được Việt Nam. Tất nhiên nó không thể thay thế được kiểu xuất bản in ấn; ngoài ra, ở Việt Nam còn có sự kiểm duyệt khắt khe đối với internet vốn có thể cung cấp thông tin và sự tiếp cận với các tác phẩm văn học.
Đường lối chính trị của các nhà lãnh đạo Việt Nam hiện nay là tiếp tục phát triển sự hội nhập của nước này với cộng đồng thế giới. Những thay đổi diễn ra trong chính sách nhà nước đối với Việt kiều, vốn cần phải trở thành nhịp cầu vững chắc giữa Việt Nam và thế giới bên ngoài, đã chứng tỏ điều đó. Ở Việt Nam hiện nay rõ ràng có sự chú ý tới sáng tác văn học của kiều bào đang sinh sống ở hải ngoại. Điều này được thể hiện trong một số bài viết hiếm hoi trên báo chí cũng như trong việc xuất bản sách của chính các Việt kiều... Gần đây, Trung tâm Văn hóa và ngôn ngữ Đông Tây, các công ty Phương Nam và Nhã Nam, các nhà xuất bản của nhà nước, đã có những nỗ lực tích cực trong việc xuất bản ở Việt Nam tác phẩm của các tác giả Việt Nam ở hải ngoại. Trên con đường này cũng có những trở ngại nhất định. Tuy vậy, những ví dụ về việc công bố tác phẩm của các nhà văn Việt Nam ở hải ngoại mỗi ngày một trở nên nhiều hơn.
Chẳng hạn, giáo sư Nam Dao hiện sống ở Canada, rất có uy tín trong giới khoa học và trong cộng đồng hải ngoại của ông. Trong những năm chiến tranh chống mỹ, ông đã tích cực giúp đỡ Việt Nam, sau năm 1975, ông thường xuyên về nước. Ông là tác giả của những tập thơ và những tập truyện ngắn cũng như của những cuốn tiểu thuyết, nhất là tiểu thuyết lịch sử. Vào những năm gần đây, ông có hai cuốn tiểu thuyết được in ở Việt Nam - Trăng nguyên sơ và Đất - trời.
Cây bút văn xuôi Đỗ Kh. thường xuyên sống ở Mỹ. Ở Việt Nam đã cho ra mắt độc giả cuốn Ký sự đi Tây. Cuốn sách này bán rất chạy và mới đây đã được tái bản.
Năm 1998, bộ tiểu thuyết sử thi gồm 4 tập Sông Côn mùa lũ của Nguyễn Mộng Giác được xuất bản tại Việt Nam. Tác phẩm này kể về một thời oanh liệt khi nhà Tây Sơn và Nguyễn Huệ trị vì đất nước. Tác giả viết bộ sách này tại Việt Nam, trước khi sang Mỹ.
Vào những năm gần đây, tác phẩm văn học của các tác giả Việt Nam khác đang sống ở hải ngoại đã đến với bạn đọc trong nước: văn xuôi của Mai Ninh (Ảo đăng), khảo cứu triết học Tư duy tự do của Phan Huy Đường, khảo cứu lịch sửThần, người và đất Việt của Tạ Chí Đại Trường, chuyên luận khoa học Tôn giáo và xã hội hiện đại của Cao Huy Thuần. Tại TP.HCM có in tập thơ của nhà thơ nổi tiếng Du Tử Lê hiện đang sống ở Mỹ.
Cần phải nói riêng về thế hệ nhà văn trẻ. Phan Việt có nghề chính là xã hội học, hiện sống và làm việc ở Mỹ. Chị được trao giải nhì cho tập truyện ngắn Phù phiếm truyện tại cuộc thi Văn học tuổi 20 do báo Tuổi trẻ và Nhà xuất bản Trẻ(TP.HCM) tổ chức. Nữ văn sĩ Thuận hiện sống ở Paris. Cuốn sách đầu tiên của chị Made in Việt Nam được xuất bản ở Mỹ. Trong ba năm gần đây, chị cho in một số tiểu thuyết China town, Paris, 11 tháng 8, T. mất tích. Tác phẩm sau cùng được Hội Nhà văn Việt Nam trao giải thưởng vào năm 2005. Hai năm sau, một nữ văn sĩ Việt kiều khác là Đoàn Minh Phượng cũng nhận được giải thưởng tương tự về cuốn tiểu thuyết Và khi tro bụi. Ở tuổi 20, chị đã dời Việt Nam để sang Đức. Ngoài ra, chị còn là đạo diễn và nhà sản xuất những bộ phim Hạt mưa rơi bao lâu, và Tết Nguyên tiêu.
Rõ ràng là văn học Việt Nam ở hải ngoại rất khó sống nếu thiếu công chúng độc giả ở Việt Nam. Quá trình toàn cầu hóa về kinh tế và văn hóa, vốn càng ngày càng có sức cuốn hút mạnh mẽ đối với nước Việt Nam, phải góp phần thúc đẩy việc bắc những nhịp cầu vững chắc giữa văn học ở trong nước và văn học ở ngoài nước, mà điều đó đến lượt nó, sẽ xúc tiến quá trình phục hồi sự công bằng lịch sử - trả lại cho các nhà văn Việt Nam và những tác phẩm của họ ở hải ngoại cho tổ quốc lịch sử của mình.
Nguồn: Đông Nam Á, những vấn đề cấp thiết của sự phát triển. Ý thức hệ, lịch sử, văn hóa, chính trị, kinh tế, tập XI, 2007-2008. M. Viện Đồng phương học - Viện Hàn lâm khoa học Nga, 2008, tr.233-254.
_______________
1. www.mofa.gov.vn, ngày 21-12-2008. Theo những tài liệu khác, số người Việt Nam ở hải ngoại là hơn 3 triệu người.
2. Xem: Một số khía cạnh kinh tế xã hội của việc hình thành cộng đồng người Việt Nam ở Mỹ trong Nước Việt Nam truyền thống, tập 3, M. 2008,, tr.162-186.
3. Ở đây muốn nói đến những loại tị nạn được lập ra trên lãnh thổ Mỹ, tại các bang California, Arcanzas, Florida, Pensilvania.
4. Nguyễn Hưng Quốc, Sống và viết như người lưu vong, Văn học Việt Nam từ điểm nhìn hậu hiện đại,California, Văn nghệ, 2000, tr.222-234.
Nguồn: Tạp chí VHNT số 341, tháng 11-2012
Tác giả: A.A.Sokolov (Lê Sơn dịch)