Thứ Tư, 12 tháng 3, 2014

HÌNH NHƯ TÔI VÀ CHÚNG TA ĐANG CHẾT



Nguyễn Ngọc Hải




nếu chiến tranh là một trò chơi của thần linh
mà loài người chỉ là một công cụ thí nghiệm
tôi không có ý kiến gì

nếu chiến tranh là một trò chơi của quỷ dữ
mà loài người chỉ là một công cụ thí nghiệm
tôi không có ý kiến gì

nhưng nếu chiến tranh là một ván cờ của một nhóm người hiếu chiến
ở đó con người chỉ đóng vai trò là những con tốt thí
để phục vụ những mục đích đê tiện và hèn hạ
tôi phải có ý kiến

Ai tình nguyện chịu trừng phạt?
Ai tình nguyện chịu hứng bom?
Ai tình nguyện hứng chịu những quả rốc két?
Ai tình nguyện hứng chịu những quả tên lửa?

Thượng Đế đã chết
chẳng còn ai trên đời này chịu nhận khổ hạnh, đớn đau, cái chết vào mình để mong xoá tan đi tội lỗi của thế gian

tôi và chúng ta đang bàng quan nhìn trò chơi chiến tranh đang dạo bước trên thân xác những thường dân vô tội
tôi và chúng ta vẫn đang đánh chén no nê hoà bình bằng những bữa tiệc thịnh soạn

cả thế giới đang đứng nhìn chiến tranh bằng sự lạnh lùng và thờ ơ

tôi không tin lũ người suốt ngày rao giảng về nhân quyền
tôi không tin lũ người được gắn mác cứu hoà bình thế giới
tôi không tin lũ người vờ vĩnh xót thương cái chết của thường dân bằng vài giọt lệ giả dối

tôi nguyền rủa những lời tuyên bố ngoại giao sáo rỗng kêu gọi hoà bình
tôi nguyền rủa những nghị quyết chấm dứt xung đột hời hợt hòng xoa dịu dư luận
tôi nguyền rủa lũ người đang tự phong cho mình sứ mệnh cứu vớt hoà bình thế giới

tôi và chúng ta không làm gì hết!
tôi và chúng đang xem chiến tranh như xem một siêu phẩm giải trí của Hollywood

hình như thế giới này đang chết
trong tiếng cười man rợ của chiến tranh

hình như thế giới này đang chết
trong mùi thịt khét và máu tanh!

hình như tôi và chúng ta đang chết
trong tiếng kêu rên xiết của hoà bình!

Thứ Ba, 11 tháng 3, 2014

Trong đất ... em vô thường

Phi Ngọc



Đêm nay mình em đắm chìm trong bao nhố nhăng đời mình… Mà chẳng ai đến nói cùng em rằng: “Rồi đời em sẽ thôi những ngày lang thang… Em ở hiền mai em sẽ lấy được tấm chồng tốt…” Không. Không một ai nói với em về điều đó cả. Họ cứ mãi đến bên đời em, rồi lại bỏ em ra đi, họ mặc đời em bơ vơ vô cùng vô tận.
Mà có mặc chi, đời em lãng em chịu, em ngẩn ngơ, em dại khờ chi chi…
Em mãi một mình…
… Buồn một mình
… Cô đơn một mình
… Vui một mình
… Yêu thương một mình.
… Khóc một mình.
… Cười một mình.
… Hờn dỗi một mình.
… Nồng nàn cũng một mình.
… Hát một mình…
Bởi đời này, em chỉ có một mình, vì em thương em hơn cả những người tình của em.



Và những đêm như đêm nay, em lại muốn một mình. Một mình tỉ tê với những nỗi buồn, rồi mặc kể những trẻ con trong em được khóc, khóc thẩn thờ, khóc ngẩn ngơ ngay cả trong cơn mê ngủ. Em nằm một mình trong đêm, em đong đưa với nhịp đời, em viết bằng nhịp vọng chông chênh...
Em ôm chặt chiếc gối nhỏ, như một đứa trẻ mãi ôm khư khư món đồ chơi bên mình.
Ừ! Thì em bé, em khờ dại vậy đó, em hay giận dỗi vậy đó. Có lẽ em giận dỗi cả thế gian này, giận cả những yêu thương... Nên thôi người cứ mặc kệ em đi.


... kệ em nghêu ngao hát ca
... Kệ em cứ mãi hát một mình bài hát hôm nào người hát trong đêm vắng
cứ để bóng tối lắng nghe, cho những dịu dàng trong em lắng nghe....
Em muốn hát cho tất cả cùng nghe, để rồi tất cả vạn vật quanh em sẽ cùng em ngân nga giai điệu quen thuộc ấy...
Mà nào có ai cấm được em đâu, em cứ làm những gì em thích thôi. Em cứ bướng bỉnh nếu em muốn, em cứ lăn khóc nếu em muốn, em cứ lảm nhảm một mình nếu em thích, em cứ viết những điều mà em nghĩ, Thế thôi.
Dù ai nói em với vẩn, em mặc kệ





Em ghét nhìn những thằng con trai rỗi người, cứ mãi bám miết theo mình, nó khiến em cảm thấy bực mình và khó chịu lắm. Em chỉ muốn nói chuyện với những người em muốn, còn tất cả quanh em chỉ là nhân ảnh nhạt nhòa. Nhưng đừng vội bảo em đỏng đảnh nhé, em không đỏng đảnh đâu, em chỉ đang cố ngẩng cao đầu mà sống và em sống em chỉ cần làm những điều em thích mà thôi...

Ấy thế, người đừng nói em tào lao nha, đừng nói em vớ vẩn nữa...
Em sống ở trần gian này trong nỗi ghét trần đời

Bổng em nhớ bài hát Thùy Chi, và giọng hát Giấc mơ trưa, nó như hát cho cuộc đời mang đầy sương gió của phụ nữ... Đắng cả cõi lòng này. Mà hôm nay em có buồn đâu chứ, có cô đơn đâu chứ... Sao em cứ mãi hát như thế này


Em nằm em nhớ
Một ngày trong veo
Một mùa nghiêng nghiêng
Cánh đồng xa mờ
Cánh cò nghiêng cuối trời

Em về nơi ấy
Một bờ vai xanh
Một dòng tóc xanh
Đó là chân trời
Hay là mưa cuối trời

ĐK:
Và gió theo em trôi về con đường
Và nắng theo em trên dòng sông vắng
Mùa đã trôi đi những miền xanh thẳm
Người đã quên đi những lần em buồn

Từng dấu chân xưa trên đường em về
Giờ đã ra hoa những nhành hoa vắng
Người đã đi qua những lời em kể
Này giấc mơ trưa bao giờ em về?

Một tiếng chuông chùa
Người đã đi qua những lời em kể
Này giấc mơ trưa bao giờ em về?
Một giấc mơ vắng

Rồi tự dưng em muốn úp mặt xuống đất khóc nức nở... Nhưng có lẽ không dưng mà em lại muốn được "gần gủi" với đất đâu nhé.... Thỉnh thoảng em thấy đất quyến rũ, đến nỗi chẳng thể nào cưỡng lại được sức hút của đất. Chả lẽ giờ đây, em lại chạy về quê, tìm một nhúm đất quê hương đem về phòng để ở cạnh đấy mọi ngày, được ngửi cái vị nồng của đất, được cảm nhận cái vị mát lạnh của đất.... Những điều mà ai trong chúng ta rồi cũng sẽ trải qua, phải hòa trộn vào lòng đất...
Tiếng đàn cò réo rắt, khiến em lại hướng về đất càng thêm...
Về với đất để ta lại tự tại, lại an nhiên.... Kiểu như mặc đời đến,đời đi... em vô thường mặc định

Du Nguyên & trong giấc mơ ai cũng cười



hình như là tiếng gió. gió vừa đi qua nỗi buồn trong đêm sâu
hình như là tiềng buồn. buồn vừa rơi trên môi dịu dàng luống tuổi
hình như là ai đó, rất xa rồi
xa rồi ai đó
trong đêm thâu, những đôi mắt sâu

hình như mình buồn lay lay
bay bay từng sợi tóc
theo tiếng mèo kêu
meo meo
lều khều
tiếng kêu sắp đuối

mình cũng sắp đuối
môi bắt đầu biết khô
khi không còn đợi
ngoài sân ga màu mắt sâu
hết đôi bàn chân trở lại

hình như là tiếng vui. vui chưng hửng đi qua năm giây ngắn ngủi lủi thủi trong giấc mơ của tôi
hình như là mắt nâu. nâu vừa đặt chân về lại nỗi buồn rầu
tôi chẳng bắt con chuồn chuồn rầu lòng nữa đâu

trong giấc mơ
giấc mơ của tôi
ai cũng cười

hình như
những lắp ráp về ngôn ngữ
không mang mình khỏi ảo vọng ban đầu
trong giấc mơ chuồn chuồn
những con côn trùng đang cười
trước khi bị đớp





nào nào đó đó



tôi không còn thiết tha gì những chiếc lá vàng
lá vàng cũng đã bỏ tôi mà đi

tôi không còn nhớ nhung gì dòng sông
những dòng sông chảy mãi

tôi không còn chờ đợi người yêu dấu
anh ấy cũng bỏ tôi rồi

và một mai nào nào đó đó
những vòng xe cuộn mãi
ta chẳng thể ngoái lại
nhìn một câu cười
nụ cười nào nào đó đó

tôi chỉ có thể nhớ rằng mình đã từng rất buồn
những năm nào nào đó đó
và sau lưng một cuộc đời đã chết
một cuộc đời nào nào đó đó.







Nhà thơ Du Nguyên






ồ lêu ồ lêu



tối nay mình uống café
mình phê phê rồi
ồ lêu ồ lêu

trong xó buồn vui của mình, có nhiều ngày cafe
đê mê ồ lêu ồ lêu
buồn bạn ạ
nước mắt mình đang chảy ra
li ti ồ lêu ồ lêu

nếu nhiều ngày như thế, mình biết làm gì?

café mà pha thêm bia
café còn nâu?
mình mà pha thêm bạn
mình còn tươi?

ôi mình ước những đứa bé lại được nghe hát ru
ôi mình ước được thơ dại như ngày đầu chuồn chuồn cắn rốn
ôi mình ước mình đừng yếu đuối
biết cười những lúc nắng trời

tối nay mình uống café
mình lê thê rồi
toàn nói chuyện ồ lêu ồ lêu

trong xó của đêm
có ai rầm rì về một thời ai cũng ồ lêu ồ lêu




LỜI NGUYỀN

 truyện ngắn của TẠ XUÂN HẢI


Cầu Sòng là một nơi hoàn toàn vắng vẻ. Nếu có công chuyện thật sự cấp bách phải qua sông, người ta vòng xuống phía hạ nguồn khoảng nửa cây số, ở đó có một chiếc cầu khác. Hoặc người ta chèo thuyền. Cũng có thể người ta bơi khi con nước hiền lành. Nhưng nhất định người ta không đặt chân lên cây cầu ấy. Không biết từ bao giờ, người ta kinh khiếp nó như kinh khiếp một con ác quỷ. Mà quả thật dân làng tin rằng ở đó có một con ác quỷ trú thân. Để vỗ về và để tỏ ra kính sợ, người ta đã lập một cái am thờ ngay chỗ chân cầu, và tôn xưng nó là Ngài. Lời nguyền của Ngài vẫn còn được truyền lại đến tận hôm nay:




"Nửa bàn chân chạm cầu Sòng
Đàn bà chết sáng, đàn ông chết chiều"
Cây cầu Sòng nằm đó, quên lãng, bình thản, già cỗi, như một con người đã đi đến tận cùng đau khổ, gối tay lên đầu và duỗi thẳng hai chân, thôi không đợi chờ, thôi không hy vọng, thôi không cần sự sẻ chia hay thấu hiểu của người đời.
Nhưng một ngày nọ, có một ông lão từ phương xa vừa đến ngôi làng đã đi qua cây cầu ấy. Ông lão có thân hình nhỏ thó, tay cắp túi vải, đội một chiếc mũ nồi bạc phếch. Ông không hề biết đến lời nguyền đáng sợ kia. Ông đang đi tìm một chốn bình yên để nghỉ ngơi sau những giông bão của cuộc đời. Trong buổi chiều hôm ấy, ông đã tìm được một căn nhà nhỏ ở rìa làng. Bà chủ nhà, ở cách đó năm cái ngõ, bảo với ông rằng chồng bà khi còn sống đã xây nó cho đứa con trai duy nhất. Nhưng cách đây ba năm, một căn bệnh bất ngờ đã cướp nó khỏi tay bà. Bà đã giữ gìn cho ngôi nhà sạch sẽ tinh tươm. Bà không muốn nó trở nên hoang phế. Bà cũng không nghĩ sẽ cho bất cứ một người lạ nào đến ở, nhưng không hiểu sao vừa gặp ông, bà đã thấy mến ngay. "Ông ạ", bà nói, "nhiều lúc tôi cứ nghĩ đó chỉ là một cơn ác mộng, và khi tỉnh dậy, tôi sẽ lại thấy nó đứng đó, mỉm cười với tôi. Tôi cứ sang đây suốt, quét dọn, lau chùi. Tôi sợ nhỡ nó về, nó sẽ không vừa ý khi thấy cái sân đầy lá rụng, và cái nhà thì mạng nhện chăng đầy. Ông thấy tôi có lẩm cẩm không". Ông lắc đầu. Ông nói rằng trước đây ông cũng từng có cảm giác như vậy, khi vợ và đứa con gái của ông bị chết trong một tai nạn ô tô. Ông không tin rằng họ đã ra đi vĩnh viễn. Ông châm một điếu thuốc, ngồi xuống bậc thềm và hướng mắt ra phía dòng sông xanh thẳm. Bà ngồi xuống bên ông, họ cùng im lặng để chia sẻ với nhau những nỗi mất mát lớn lao trong quá khứ. Một lúc như vậy rồi bà đứng dậy. Bà bảo ông đợi bà một lát. Bà về nhà và lúc sau trở sang, khệ nệ xách theo một cái túi lớn. "Ấy là một số đồ đạc cần dùng. Tôi thấy ông chẳng mang theo gì cả. Ít nhất ông cũng cần chúng để nấu ăn, và một chỗ ngủ tươm tất. Nếu muốn sắm thêm gì, thì có một cái quán nhỏ phía đầu làng, ông cũng có thể mua thức ăn ở đó vào mỗi buổi sáng. Chợ thì hơi xa, mà hai ngày mới có một phiên". Ông mỉm cười cảm động. "Cám ơn trời đã đưa tôi đến một ngôi làng xinh đẹp, và gặp được một người tốt bụng như bà", ông nói, "cũng chẳng cần phải sắm sửa thêm gì nữa. Ở tuổi chúng mình, người ta đâu có cần nhiều, đúng không bà?". Bà gật đầu và cười làm cho khuôn mặt nhăn nheo. "Ông đừng lo gì về chuyện tiền thuê nhà", bà nói, "trả bao nhiêu và bao giờ trả cũng được. Tôi cảm thấy vui vì có ông ở đây, mỗi đêm căn nhà sẽ sáng ánh đèn, nó làm cho lòng tôi bớt lạnh lẽo". Ông cười buồn, thấy khóe mắt cay cay. Rồi bà chào ông và ra về. Ông nhìn theo bóng bà cho đến khi bà rẽ ra con đường lớn và khuất hẳn. Ông đưa điếu thuốc lên môi rồi nhẹ nhàng thả khói. Ông thấy lòng mình dìu dịu. Cuối cùng thì ông đã có một nơi chốn yên ổn để sống nốt những tháng ngày còn lại của kiếp người.
Nhưng ông lão không biết rằng vào chiều hôm đó, khi ông đi qua chiếc cầu Sòng, một số người câu cá ở bờ sông đã nhìn thấy. Họ tức tốc chạy về và kể lại cho mấy người già mà họ gặp trên đường. "Lão già ngu xuẩn ấy", họ nói, "hẳn lão ta không biết mình vừa làm một điều khủng khiếp". Họ bàn luận sôi nổi. Lúc sau có một người đàn ông chạy đến. "Hình như lão thuê ngôi nhà bỏ trống phía rìa làng", hắn vừa nói vừa vuốt ngực, "có nên đến và cho lão biết không?". Mấy cụ già ra chiều nghĩ ngợi. Họ nói hãy khoan đã, cần phải có đủ mặt các vị trưởng lão. Một số người được cắt cử đi làm nhiệm vụ báo tin. Và một cuộc họp khẩn cấp được tiến hành ở đình làng.
Khi họ đến nơi thì ông lão vẫn còn ngồi nơi thềm hút thuốc, đôi mắt lim dim. Mãi đến khi họ cất tiếng chào thì ông lão mới giật mình và mở mắt ra. Ông tươi cười chào họ, ông xin lỗi vì đáng ra ông phải là người đến thăm họ trước. Họ bảo họ không đến thăm chơi, họ đến vì có việc quan trọng. Họ hỏi có phải ông đã qua sông trên chiếc cầu Sòng không. Và khi ông lão bảo có, họ cho ông biết rằng ông đã gặp phải tai họa nghiêm trọng. Ông lão ngơ ngác không hiểu. Họ kể cho ông lão về lời nguyền đáng sợ của Ngài, ai vi phạm lời nguyền ấy đều sẽ chết vào ngày hôm sau. "Ông sẽ chết vào chiều mai", họ giải thích, "bởi Ngài cần có thời gian để tỉnh ngủ và nghĩ ra một hình phạt ghê rợn chưa từng có. Ngài không thích sự lặp lại. Ngài luôn có những kế hoạch hoàn hảo". Họ lo sợ thay cho ông lão, trong khi ông lão đã lấy lại được vẻ bình thản, tay đưa điếu thuốc lên môi và mỉm cười lịch sự. Họ nhấn mạnh với ông rằng đó không phải chuyện để đùa. Họ khuyên ông nên đem lễ vật đến am thờ và tạ lỗi với Ngài, hoặc đi tìm một thầy pháp đủ mạnh để có thể thông tri với Ngài, nhằm cứu lấy tính mạng, dù họ không dám chắc là nó có mang lại kết quả hay không. "Dù sao cũng nên thử mọi cách, còn hơn ngồi yên chờ chết". Khi thấy ông lão vẫn chỉ lặng yên, họ kể cho ông nghe về những người trước đây dám đặt chân lên cây cầu đã phải nhận một cái chết đau đớn khủng khiếp như thế nào. "Mọi người đã thực sự được chứng kiến những cái chết đó?", ông lão hỏi. Họ hơi bối rối, nhưng hầu như ngay lập tức, họ lấy lại được bình tĩnh. Họ nói với ông rằng một vài người trong số họ đã từng được thấy, và còn thêm nhiều người nữa. Họ liệt kê ra một loạt những cái tên. "Ông phải tin mới được, vì đó là sự thật mười mươi". Rồi khi thấy ông vẫn không có vẻ gì sợ sệt, họ tức giận vô cùng. "Lão xem chúng mình như đám trẻ con", một gã trẻ tuổi nhổ nước bọt xuống sân và lẩm bẩm. Mấy cụ già thì nhìn chằm chằm vào mặt ông lão. Khi biết chẳng còn cách nào để làm cho ông lão tin về chuyện đó, họ kéo nhau ra về, lòng đầy tức tối. "Nếu đã như vậy", họ nói với nhau, "cứ để lão chết đi!". "Tội nghiệp", một cụ già nói, "tội nghiệp cho những kẻ mất lòng tin". Mấy người còn lại nhao nhao: "Tội nghiệp cái mẹ khỉ! Lão muốn thế mà, cho lão trắng mắt ra!". Họ chào nhau rồi ai về nhà nấy.
Lúc trời chập choạng tối, khi ông già đang khêu bấc để thắp cái đèn dầu thì bà chủ nhà đến. Bà cất tiếng ngay từ ngoài sân. "Ông ơi, ông đâu rồi? Tôi vừa nghe chuyện. Ôi chao! Thế này thì nguy tận mạng!". Ông lão bước ra cửa, cất tiếng chào bà. "Ôi trời, thế mà ông vẫn còn bình thản được sao. Ông sắp chết đến nơi rồi. Ma xui quỷ khiến thế nào mà ông lại dám đi qua cây cầu chết chóc ấy. Nửa bàn chân chạm cầu Sòng, đàn bà chết sáng, đàn ông chết chiều. Ôi chao, khốn nạn cái thân ông". Ông nói rằng bà đừng hoảng lên như thế. Ông chẳng khi nào tin vào những kiểu lời nguyền vớ vẩn ấy. "Vớ vẩn ư? Không đâu ông ơi, có thật đấy. Ngài thiêng lắm. Giờ phải làm thế nào đ…â…y..?". Bà kéo dài câu nói thành một tiếng rên. "Bà này", ông chậm rãi ngồi xuống thềm, "trước nhất là tôi không tin một lời nguyền có thể giết chết người ta, thứ nữa, nếu nó có giết được đi chăng nữa, thì tôi cũng chẳng có gì phải sợ. Tôi chẳng còn sống được mấy nỗi, chết trước hay chết sau vài năm đâu có nghĩa lý gì. Dạo trước, khi vợ con tôi mới ra đi, tôi đã tìm cách để được đi theo họ, thế mà cả ba lần đều không thành. Nếu mà lời nguyền có thực, thì tôi phải cảm ơn nó mới phải. Tôi sẽ được đoàn tụ với vợ con tôi. Bà ạ, tôi hỏi cái này chí không phải, nếu bà có điều gì phiền hà, tôi có thể ra đi ngay tối nay. Tôi không muốn ngôi nhà mà bà yêu quý bị cái thân già này làm cho vấy bẩn". Bà già xua tay lia lịa, bà nói rằng bà không hề có ý đó. Bà chỉ lo cho ông thôi. Bà sang là muốn khuyên ông nên tìm cách cách gì đó để hóa giải lời nguyền. Nhưng nếu ông đã nghĩ như vậy, bà cũng không năn nỉ nữa. "Ừ thì sống chết có số, giàu sang tại trời", bà nói vậy. Ông mỉm cười: "tôi cảm ơn bà nhiều lắm, một lần nữa tôi phải nói rằng bà là một con người tốt bụng vô cùng. Bà làm tôi nhớ đến nhà tôi, và làm tôi có cảm giác như thể đây là quê hương của mình vậy". Bà già cúi đầu. Bà thấy ông thật biết cách làm yên lòng người khác. Bà cố để không cho ông thấy mình đang cười. Rồi bằng một câu chào vội vã, bà bước ra ngõ và rẽ vào đường lớn.
Chiều hôm sau, cả đám dân làng đều thấp thỏm chờ đợi lời nguyền sẽ ra tay với lão già lỳ lợm ngu xuẩn. Họ tụ tập thành từng nhóm, đứng ngoài đường và chốc chốc lại nhìn vào trong nhà của người đàn ông nọ. Bà chủ nhà thì không dám đến, bà nói rằng bà sẽ không chịu nổi khi nhìn cảnh ông lão bị hành hạ cho đến chết. Ông lão ngồi ở chiếc bàn gỗ nhỏ ngoài hiên, đôi mắt chăm chú nhìn vào một vật gì đó. Tay phải của ông thỉnh thoảng lại đưa điếu thuốc lên môi và rít một hơi dài. Có lúc ông mỉm cười một mình, có lúc ông đưa hai tay lên bưng mặt. Dường như ông không biết đến đám người đang tụ tập ngoài kia và chờ đợi cái chết của ông. Trong một lần sơ ý, ông làm rơi chiếc ly thủy tinh có tay cầm xuống nền gạch. Một tiếng choang khô khốc vang lên làm cả đám đông giật mình kinh hãi. ‘Bắt đầu rồi đấy", họ xì xào. Họ cố nhướng cổ thật cao, có một số người còn chạy vào tận cổng. Một số kẻ thì thầm gì đó vào tai kẻ khác. Mấy bà già lầm rầm khấn vái. Một số kẻ nhắm mắt không dám nhìn. Ông lão chậm chạp bước ra khỏi ghế, đi lấy một cái chổi và nhóm những mảnh vỡ thủy tinh lại một chỗ. Sau đó ông hất chúng vào cái thùng đựng rác bằng nhựa có nước sơn màu xanh nhạt. Ngay lúc đó ông mới phát hiện ra ở ngoài đường có bao nhiêu là người đang đứng đó, nhìn mình. Ông mỉm cười chào họ, nhưng không ai mỉm cười đáp trả. Ông dựa cái chổi vào tường và trở lại bàn, châm một điếu thuốc mới rồi cúi xuống chăm chú như chưa có điều gì xảy ra.
Đám đông bắt đầu sốt ruột khi mặt trời sắp lặn. Một số phụ nữ đành luyến tiếc trở về nhà để chuẩn bị bữa tối. "Hét lên thật to khi chuyện đó xẩy ra nhé", họ dặn những kẻ ở lại. Lũ trẻ con cũng bị kéo về, dù một số đứa cứ nằng nặc không chịu. Chúng nằm ra giữa đất và khóc rống lên cho đến khi người lớn dọa chúng rằng, nếu không về, Ngài cũng sẽ đến tìm cả chúng nữa. Còn lại một đám khoảng vài chục người, trong đó có ba bốn cụ già. Họ ngồi thành một vòng tròn trên đám cỏ dưới một gốc cây xà cừ lớn.
- Nó chắc chắn sẽ xảy ra với lão già chứ? Một gã mặt non choẹt hỏi.
- Chắc chắn nó sẽ xảy ra. Chỉ là không biết đích xác lúc nào thôi. Có thể Ngài đang gắng nghĩ ra một hình phạt thật khủng khiếp, bởi lâu rồi ngài chưa được ra tay. Một cụ già nói.
- Có khi nào Ngài đã quên lời nguyền của mình không? Một gã mặt đầy tàn nhang xen vào.
- Quên thế nào được! Chỉ là Ngài suy nghĩ hơi lâu một chút. Hẳn Ngài đã già rồi, không còn minh mẫn và khỏe mạnh như xưa. Một gã trẻ tuổi khác tinh nghịch.
- Báng bổ! Ngài không bao giờ già! một cụ già dỗ cái điếu thuốc lào xuống đất, chờ mà xem, kiểu gì cũng trong chiều nay.
Một vài kẻ đứng dậy và nhìn vào trong nhà của ông lão. Nhưng ông vẫn chúi mũi xuống bàn. Họ lắc đầu với mấy người khác và lại ngồi xuống.
Trời đã nhá nhem tối. Đám đông chỉ còn lại khoảng mươi người. Vẫn không có chuyện gì xẩy đến. Ông lão đã đứng dậy, vào bếp nhóm lò chuẩn bị bữa tối. Ngọn lửa rực lên soi chiếu khuôn mặt nhăn nheo và bình thản. Đám người bắt đầu chán nản. Họ truyền tay nhau điếu thuốc lào và ngáp dài liên tục. Một số kẻ đánh ben bét vào chân để xua muỗi. Một số kẻ ngó vào ngôi nhà lần cuối rồi phủi đít đi về. Đến bảy giờ tối thì không còn một ai ở lại nữa. Tuy vậy, trong đêm, người ta vẫn dỏng tai lên nghe ngóng. Họ vẫn hy vọng tai họa sẽ xảy đến với ông lão xa lạ kỳ quặc kia, muộn còn hơn không. Họ ngóng chờ nó như ngóng chờ lễ hội mùa xuân. Rồi họ chìm vào giấc ngủ đầy những băn khoăn khó tả, đầy những mộng mị kinh khiếp thỏa thuê.
Suốt cả buổi chiều hôm ấy, bà chủ nhà cũng đứng ngồi không yên. Bà đi ra sân, ra ngõ, định ra đường lớn rồi lại trở vào nhà. Một tiếng chó sủa cũng khiến bà hoảng hốt. Lúc chiều tàn, bà như trút được gánh nặng khi biết ông lão vẫn bình an vô sự. Bà muốn sang nhà ông để chia vui với ông, nhưng bà lại thôi. Bà nghĩ ông chẳng cần đến những lời chia vui ấy, vì ông đâu có sợ phải chết. Vả lại, ai mà biết được rằng tai họa đã thực sự đi qua hay vẫn còn rập rình đâu đó ngoài kia? Tốt nhất, với tâm trạng này, bà nên ở nhà và để ông được yên tĩnh một mình.
Ngày hôm sau, rồi hôm sau nữa, ông già vẫn bình an vô sự. Tất nhiên người vui mừng nhất là bà chủ nhà. Bà nghĩ Ngài đã động lòng trắc ẩn trước con người đáng mến kia. Những người phụ nữ khác cũng chẳng còn bận tâm. Trẻ con thì hoàn toàn quên béng. Nhưng đối với một số người thì sự việc không đơn giản như vậy. Đó là một sự xúc phạm không thể tha thứ. Làm sao mà một con người lạ mặt, vừa đến từ một nơi xa xôi nào đó lại dám dẫm lên lời nguyền mà cả dân làng đã phải kiêng sợ từ bấy lâu nay? Và dẫm lên mà không hề bị trừng phạt? Ông ta đã làm cho tập tục bị xáo trộn. Ông ta đã làm cho niềm tin của dân làng vào các vị bô lão bị lung lay. Rồi mọi chuyện sẽ đi đến đâu, khi mà lời nói của các vị không còn được cháu con tuân phục? Thế nghĩa là đâu chỉ lời nguyền bị vô hiệu hóa, mà ngay cả nề nếp kỷ cương cũng bị đe dọa. Người đàn ông kia hẳn nhiên phải bị trừng phạt. Và một cuộc họp nữa được triệu tập ngay lập tức. Người đàn ông bị buộc phải dời đi. Ông ta không phải là người, ông ta là một con quỷ dữ đội lốt người. Vì sao ư? Vì đến cả Ngài cũng không dám ra tay trừng phạt hắn. Hắn quá cao tay ấn. Hắn chế ngự được cả lời nguyền. Hắn chế ngự được Ngài. Nhưng còn dân làng? Sẽ phải làm sao khi Ngài tức giận và trút tất cả nỗi tức giận đó lên đám người vô tội? Ngài sẽ hủy hoại cả cái làng này nếu như còn tiếp tục chứa chấp kẻ thù không đội trời chung của Ngài.
Chiều hôm đó, một số người đã đến ngôi nhà ông lão ở và báo cho ông biết quyết định của dân làng. "Thế đã là quá tử tế với lão rồi đấy nhé". Họ quan sát thái độ của ông. Ông ngồi yên lặng, mắt nhìn ra phía bờ sông, một cái nhìn xa xăm vời vợi. "Lão phải dời đi ngay chiều nay, nhớ nhé, ngay chiều nay đấy", họ nhắc lại lần nữa để chắc chắn là ông đã nghe thủng lỗ tai rồi ra về. Ông lão vẫn ngồi nhìn vào xa xăm. Đoạn ông lôi bức ảnh nhỏ từ trong túi áo ra, vuốt ve nó và giơ lên ngắm nghía. Ông nghĩ đến vợ và đứa con gái của mình. Ông đã rời bỏ thành phố và đi thật xa về những miền quê để không phải nhìn thấy những con đường lớn và những chiếc ô tô, và khi gặp được ngôi làng này, gặp bà già tốt bụng ấy, ông những tưởng mình sẽ được yên tâm sống nốt quãng đời còn lại, giữa cỏ cây và dòng sông tươi mát, giữa những người nông dân bình dị. Ông đã chuẩn bị tâm thế để nằm xuống nghỉ ngơi dưới bầu trời rộng rãi trong lành. Nhưng điều đó giờ đây là không thể. Ông là kẻ có tội, hay đúng hơn, người ta bắt ông phải là kẻ có tội. Một kẻ dám chà đạp lên lời nguyền, chà đạp lên sự bình yên của những người khác. Giờ thì ông sẽ lại phải ra đi. Ông không thể sống trên nỗi lo sợ và căm ghét của người đời. Mà họ cũng chẳng đời nào để ông yên, nếu ông cứ cố tình ở lại. Chân ông run lên khi nghĩ đến con đường phía trước. Ông uể oải đứng dậy, vào nhà. Ông nhét mấy bộ quần áo vào chiếc túi vải cũ nát, chụp chiếc mũ nồi bạc phếch lên đầu. Khi trở ra, ông gặp bà chủ nhà đang đứng dưới sân và nhìn ông. Ông cố tỏ ra bình thản. Bà bảo bà rất lấy làm tiếc, nhưng ông biết đấy, dân làng đã đồng ý với quyết định của các vị trưởng lão. Ông mỉm cười với bà. "Tôi hiểu mà, đó đâu phải là lỗi của bà, cũng chẳng phải lỗi của ai. Tôi không thuộc về nơi này, đơn giản vậy thôi. Hẳn sẽ còn nhiều chỗ khác mà tôi có thể đến và sinh sống. Tôi chỉ buồn khi phải xa bà, người bạn già tốt bụng của tôi". Bà bảo bà rất lo lắng khi để ông ra đi lúc trời sắp tối như thế này. "Chẳng sao đâu", ông nói, "đêm tối có còn xa lạ gì đối với tôi. Trước khi đến đây, tôi đã trải qua biết bao nhiêu là đêm tối trên đường". Bà im lặng. Bà đưa mắt nhìn bao trùm toàn bộ người ông. Bà muốn lưu giữ hình ảnh của con người dễ mến này, con người đã làm cho căn nhà thôi hoang vắng. Rồi bà chào ông và ra về. Bà không muốn nhìn thấy cảnh chia ly. Chờ cho bà đi khuất một lúc lâu, ông mới đứng dậy, khép cửa lại, châm một điếu thuốc và bước xuống sân. Không hiểu tại sao, ông lại muốn leo lên cây cầu Sòng một lần nữa. Ông xuyên qua bóng tối của ngôi làng và hướng ra phía bờ sông. Gió thổi mạnh từng cơn, mang theo không khí ẩm lạnh của một cơn giông sắp đến. Trên môi ông lão, điếu thuốc lập lòe như một con đom đóm lạc bầy.
Mấy ngày sau, họ tìm thấy xác ông lão dạt vào bãi ngô non ở bờ sông phía bên kia. Có người buồn, có kẻ vui, riêng bà chủ nhà thì quay mặt đi và khóc. Nhưng tất cả dân làng đều đồng ý với nhau rằng: cuối cùng thì lời nguyền đã ra tay.

IM LẶNG LÀ GÌ

 NGUYỄN THÁNH NGÃ


tôi lang thang
nghe im lặng trả lời...





im lặng là gì tôi không biết
im lặng ở đâu ngoài tôi
im lặng có tự do không nhỉ

tôi lang thang
nghe im lặng trả lời

trả lời là gì hỡi im lặng
đây thực thụ là câu hỏi ngược ngạo

hoang mang
cưu mang
mênh mang

im lặng tôi cọc còi không giữ nổi ngòi bút huyên náo
vết mực như lưỡi cày khiên giun dế nhảy tung
đất ruộng ngâm nước im lặng ngọn cỏ áy náy chân trâu
tôi là vết bùn dính dưới chân cha tôi im lặng nghe thời gian chuyển động
mùi phân trâu và nước đái trâu trộn lẫn là một phần không thể thiếu
những buổi cày xế bóng mênh mang

mẹ là chiếc lỗ tai im lặng
gắn vào thơ tôi mỗi khi to tiếng với đời
trâu là chiếc mũi hít thở
gắn vào thơ tôi để biết mình đang bước trên đường quê trải nhựa hay ngơ
ngác giữa hoang mang chẳng thấy ruộng đồng


im lặng đã cưu mang tôi vào thơ thành im lặng bật dậy của hạt nẩy mầm
những câu chữ lặng im theo cách ký tự tượng hình

im lặng là hậu duệ của mạnh mẽ hiên ngang
dẫu có lúc mênh mang mà không tan loãng
chứng nhân của niềm hy vọng cô đơn đáy bùn

có im lặng nào không tự do
nó ở trong tôi, ngoài tôi và tất cả
dưới nỗi buồn tuột cúc thời trang

Thứ Hai, 10 tháng 3, 2014

Thơ



Giữa xác chết của các ngôn ngữ gầy gò, trong bóng tối của những lòng tốt vô minh béo phì, bên vực sâu ngu xuẩn của bao-nỗi-lạc-cảm-thụ, thơ đã xuất hiện

Giữa nỗi chán chường hằn dấu lên khuôn mặt thường nhật, trong vết cắt của biết bao nhát-ngữ-pháp-sai lên da thịt ngôn-ngữ-mẹ, bên cánh cửa dẫn thẳng vào phản bội, thơ đã lắng nghe

Giữa tháng ngày mệt mỏi của sự-độc-ác, trong tiếng kêu khản giọng gọi cha của những đứa trẻ mù, bên đám đông dối trá vẫn đang tiếp tục ám hại nhau suốt kiếp này qua kiếp khác, thơ đã cất tiếng gọi

Và điều kì diệu của thơ là;

Không-Một-Ai-Nghe-Thấy-Nó



Như Huy

Chủ Nhật, 9 tháng 3, 2014

NHỮNG MÁNH KHÓE "CHANH NUẬN " VÀ DỤ DỖ CỦA BỌN PHẢN ĐỘNG







1. Dẫn chứng tùm lum

Chúng đưa ra những dẫn chứng, những số liệu do chúng bịa ra, nhưng được viết dưới dạng học thức, những thứ đó được gắn mác là của tổ chức khoa học- nghiên cứu thế giới gì gì đó, hay của ông tiến sĩ- giáo sư ngoại nào đấy v.v... lol

2. Tự sướng siêu nhân Gao

À à, chiêu này là hài hước nhất, tự phong cho mình và đồng bọn là giáo sư, tiến sĩ, thậm chí là anh hùng, luật sư tốt nghiệp mấy trường luật thế giới, thậm chí là đảng viên đảng CS, lúc trước Lý Tống được phong tới anh hùng trên không, Nhà bảo trợ nhân quyền cơ đấy ha ha

3. Đồ Rê Mí

Còn được gọi là chiêu "thằng khùng thích hát", chúng sẽ viết nhạc xong up lên Youtube với những lời bài hát mang đậm chất kích động, xuyên tạc pha thêm chút kịch tích, man rợ, dơ bẩn nữa khiến cho người nghe thấy mà ớn lạnh, từ đó để lại những ấn tượng Đảng CS và xã hội VN ko tốt đẹp mấy trong đầu người nghe

4. Tao điên, tao có quyền

Chiêu điên loạn nhất, chúng sẽ hát mãi điệp khúc cải lương "CS bán nước, CS dâng đảo cho Tàu" nhưng ko thể đưa ra 1 chứng cứ nào mà dù có đưa ra cũng chả dám tranh luận lâu, và viết được mấy câu lại thêm 1- 2 cụm từ "CS bán nước", "CS theo Tàu" vào như thể đây là dẫn chứng hùng hồn nhất Nếu "thua" ớ nơi này, chúng lại đi nơi khác rêu rao và cứ diễn mãi vở hài kịch "CS bán nước" khắp mọi nơi để mua vui cho người tri thức.

5. Liên hoàn nói

Với chiêu này thì bọn Vichoco sẽ tích cực phán, tích cực nói thậm chí là làm thơ, chúng đặt vấn đề nhanh như súng liên thanh, nói nhiều đến mức mà ta ko có thời gian để kịp tranh luận, 1 đứa nói thì chục đứa bè, clones quá trời clones, cốt để cho đông, cho có số lượng, cho chúng ta thấy đông mà hoang mang, cho bọn trẻ thấy đông mà tin theo, việc này thường xảy ra ở phần bình luận trên Youtube hay facebook
Và đây cũng là điểm nguy hiểm nhất, cứ thử tưởng tượng một mình mình tranh luận kèm cãi lộn với chục thằng Mafia Vichoco, không đuối vì mệt cũng đuối vì tức những câu từ chúng bịa đặt, xuyên tạc một cách trắng trợn, vô liêm sĩ.

6. Thêm xăng vào lửa

Chúng thường lấy những vấn đề nhức nhối của xã hội ra và đổi trắng thay đen, thổi phồng bịa đặt, bóp méo nửa sự thật, viết luyên thuyên 1 hồi, dẫn chứng đủ kiểu nhưng kiểu chủ yếu là tính bắt cầu, nghĩa là ông này làm cái này, mà ông này lại quen với ông kia, suy ra ông kia cũng làm thế, hay là 1 thằng ăn cắp là cả nhà ăn cắp, hoặc mày nhượng bộ suy ra mày bán nước, mày nhẫn nhịn suy ra mày nhục nhã, mày muốn nhân nhượng suy ra mày sợ giặc, nhằm làm cho người đọc mê muội, vì không nhận ra được đây là chiêu bóp méo nửa sự thật nên bị chúng làm mòn hay làm mất đi thế lập trường.

7. Tụi bây còn thơ ngây lắm, biết cái gì

Với chiêu này thì bọn chúng sẽ gắn cho những bạn 9x cái mác là còn nhỏ, ko hiểu việc đời, và tự cho mình 1 cái tuổi già dặn để giảng dạy như trong tiết Sử, nào là ngày xưa bác đã chứng kiến CS ác ôn, ngày xưa gia đình bác đã phải bỏ chạy CS, hay "ngày xưa đó, cháu ko biết đâu, CS đuổi nhà bác, rồi đánh đập vợ con bác, nhưng bây giờ CS nhồi nhét vào não các cháu những thứ sai sự thật, đừng nghe những lời của kẻ chiến thắng, nghe những người thật, "việc thật", nghe những người 60-80 tuổi kể lại nè"
Rồi sẽ đưa ra những dẫn chứng ko ai kiểm tra được như "Ông nội bác kể lại, cha bác kể lại, bạn bác nói..." nhưng thực ra là bác tự nghĩ ra Và "bác" chỉ mới 20-30t hay thậm chí là bằng tuổi con thôi con ạ, lấy tuổi giả cho con tin thế thôi
Nếu bạn dám phản biện lại mà có lời nào bất kính với "bác" hay "chú" gì gì đó tùy theo mức độ ham tự phong của mấy ku phản động ấy thì sẽ bị chụp lên đầu cái mũ "bất kính, mất dạy" từ đó suy ra những gì bạn nói là sai hết dù cho luận điểm, luận cứ của bạn là hoàn toàn chính xác và hợp lý đi chăng nữa

8. Kim thiền thoát xác & Đại cương chửi thề

Lâm vào thế bí, đơ lưỡi, lý luận ko được nữa thì bọn rận sẽ dùng chiêu "kim thiền thoát xác" nghĩa là bỏ chạy í. Chúng sẽ nói bâng quơ 2-3 câu rồi kết luận tạp cho có sau đó là bỏ chạy, chuyển sang nơi khác hành nghề; để cho người khác thấy ta đây vẫn chưa thua, ta đây vẫn còn nhiều lý lẽ lắm nhưng ko thích nói, hay rõ hơn là ta đây bị lý luận của nó làm cho viêm họng, nói ko được nữa, nên phải bỏ chạy để bào toàn "danh dự", để cho đỡ bị quê lol
Cách này chỉ dành cho bọn rận già gào ko được và rận có học (tạm gọi là thế). Còn đối với bọn rận trẻ, rận mới vào nghề, chúng sẽ điên cuồng áp dụng những thứ mà chúng đã học trong Đại cương chửi thề để "chanh luận" với bạn. Bao nhiêu từ thô tục và dơ bẩn nhất bất kể ngoại ngữ hay Quốc ngữ, bất kể tiếng địa phương hay tiếng lóng gì cũng sẽ được bọn chúng áp dụng triệt để và xem đó như là những chứng cứ, dẫn chứng, lý lẽ hùng hồn nhất. Khi bạn ko chịu được những câu từ hạ đẳng này và bỏ đi thì chúng sẽ quy ngay cho bạn tội "đuối lý nên phải bỏ chạy" Còn khi bạn tiếp tục lý lẽ thì chúng cũng tiếp tục chửi, chúng sẽ kiên trì chửi thề cho đến hồi kết, đến khi bạn chịu ko được nữa...

9. Sánh so tương đối, nêu gương thần tượng

Với chiêu này thì bọn chúng tha hồ mà khoe thần tượng Hoa Kỳ đồng thời cũng là cha mẹ của chúng và khiến cho bạn bị bí thế với những câu ngớ ngẩn như :
Tại sao Việt Nam theo Cộng Sản mà không bằng Mỹ ?
Mày nói không nên đa đảng à ? Đa đảng mới bằng Mỹ chớ !
Các nước một Đảng đều nghèo trong khi các nước đa đảng đều giàu, theo đa đảng hay những câu đại loại như :
Mỹ dân chủ lắm, vì thế nó mạnh lắm. Việt Nam không dân chủ nên không mạnh. Muốn sướng thân thì cứ theo chúng tao mà phản động, rồi sẽ được sung sướng như bên Mỹ.
=> Trong khi chúng có biết được sự thật về món hàng "dân chủ" mà các Đảng chính trị Mỹ rao bán cho dân chúng ? Chúng chỉ nhìn thấy cái bề ngoài, cái bản mặt đằng trước tốt đẹp, nói theo chúng thì miễn Mỹ giàu, Mỹ đẹp thì cái gì Mỹ cũng tốt, cũng hay và bắt chước Mỹ sẽ được như Mỹ, còn không cứ nghèo hoài chứ không hiểu, không thấy được cái đằng sau lưng của tụi Tư bản keo kiệt, của xã hội rối ren, bầu cử kiểu PR marketing.

10. Hiếp dâm lịch sử

Chúng rất thành công khi dùng chiêu này nhằm hạ uy tín của Đảng CS Việt Nam. Chúng thường lôi hình ảnh Chủ Tịch Hồ Chí Minh-lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam- và các nhà lãnh đạo Đảng CS ra và phủ bụi lịch sử. Chúng xuyên tạc, bịa đặt, nói ngông chuyện lịch sử. Chiêu này của chúng thường đánh vào những cái đầu óc ham lạ của nhiều bạn trẻ đam mê môn Sử nhưng lại làm biếng, không dám và cũng không muốn tìm hiểu kỹ càng lịch sử, chỉ muốn biết những "chuyện lạ" trong lịch sử nhằm thỏa mãn cơn khát hiểu biết của mình để có vốn "kiến thức" mà ra vẻ ta đây giỏi Sử, ta đây biết tất tần tật những "thâm cung bí sử" mà nhiều người chưa biết. Nhưng đối với những bạn đã am hiểu tường tận chuyện sử xưa thì chiêu này chả khác gì vở hài kịch rẻ tiền. Có những bạn "cao Sử" tức tối khi đọc những bài viết ngông của chúng nhưng cũng có một số chỉ cười nhạt rồi sang trang khác...

Tụi Phản động tranh luận với khẩu hiệu :

PHÁN LÀ TRÚNG, KHÔNG CẦN ĐÚNG HAY SAI !!
Hoàng Trung

Viết Cho Mùa Valentine Ấm Áp Đã Qua







Không có những bông hồng
và những thỏi socola ngọt vị tình yêu
dành cho em
trong ngày Valentine ấy

Không một lời chúc. Không một nụ cười
cũng chẳng một cái hôn
bờ vai hiền ấm áp
dành cho em
trong ngày Valentine ấy

Bằng ánh mắt của một kẻ nhìn đời như những áng mây
em bước chân ra phố
những cặp tình nhân tay trong tay
nói cười hạnh phúc
hoa hồng rải khắp lối người đi

Em chạnh lòng nhớ về buổi chia ly
Nếu ngày ấy mình đừng…xa nhau
Có thể em của ngày hôm nay sẽ khác
sẽ không phải độc hành
sẽ không phải ngước nhìn người ta
mà khát thèm hạnh phúc
sẽ không phải dằn lòng vì một nỗi
xót xa

Em ngẩng mặt bước qua những khuôn mặt
vừa lạ, vừa xa
với một niềm kiêu hãnh
Độc hành
Đâu có nghĩa đã cô đơn
Có thể lắm chứ
Phía cuối con đường kia có người đang giang tay đứng đợi
Đi nào, nhanh thôi.

Hoàng Yến Anh

Sẹo Facebook




1. Hôm qua thầy giáo cũ của tôi chính thức kết bạn với tôi trên Facebook. Hai mươi năm trước, ai mà tưởng tượng nổi có ngày chúng tôi sẽ bình luận một cách “dân chủ” về những vấn đề đời thường hay văn chương như bây giờ. Quả thực, mạng xã hội đã làm phẳng các mối quan hệ thứ bậc.


Nhưng từ mức độ “phẳng hóa” đơn thuần đó đến mức độ các thành viên của mạng đánh đồng tâm lý của người khác theo một kiểu áp đặt lại quá dễ dàng. Không ít hơn chục lần tôi thấy bạn bè mình giật câu than thở là phải ngồi dọn danh sách bạn Facebook, và hủy mối quan hệ bạn bè ảo đó khi không tài nào nhớ nổi một người xa lạ kia đã làm quen mình vì lẽ gì và “tại sao cô ả/gã này lại chễm chệ trên tường Facebook nhà mình, phán những câu ngu xuẩn chẳng liên quan?”.

Chưa hết. Nhiều người đã dọa dẫm, cãi cọ và tức tối với những bình luận có khi là bông đùa thiếu tế nhị, có khi là sự nóng lạnh không kiểm soát được trong tâm lý thường nhật, khi trạng thái trên Facebook càng lúc càng nhất quán với đời thực. Facebook và các trang mạng xã hội sẽ là tuyệt vời khi ta thỏa mãn nhu cầu được chia sẻ, nhưng cũng là thảm họa khi ta bực dọc với sự vô tình của nó.

Chắc cũng có lần bạn đăng một bức ảnh đẹp hay một ghi chép công phu lên Facebook nhưng chỉ nhận được rất ít lời bình luận và cú “like”, trong khi một dòng trạng thái cảm thán nhạt nhẽo của kẻ khác lại đắt khách như tôm tươi. Bạn thấy mình như bị rơi vào bẫy vậy.

Minh họa: Vũ Đình Giang


2. Không phải đến giờ chúng ta mới biết điều đó, mà ngay từ khi Facebook bắt đầu có ảnh hưởng, truyền thông đã có nhiều cảnh báo về sự ảnh hưởng của chứng nghiện Facebook, sau khi đã có bài học của các mạng Yahoo 360!, Twitter... Nhưng sự tiến bộ của công nghệ kỹ thuật số, duyệt Internet nhanh hơn nhờ các thiết bị truy cập cầm tay đã khiến chứng nghiện Facebook nối đuôi các chứng nghiện cổ điển như rượu chè, cờ bạc và đã kịp cạnh tranh với chứng nghiện cũng tân thời là video game.

Nhà nghiên cứu người Na Uy Cecilie Schou Andreassen đã chỉ ra mặc dù Facebook không phải là hóa chất như rượu hay ma túy, nhưng người dùng của nó hoàn toàn tương đồng với các tiêu chuẩn của các chứng nghiện kia.

Cũng chính vì không có thực thể vật chất nên điều đáng buồn là chúng ta chưa có cách nào chế ngự chứng nghiện này, trong khi chờ đợi sự suy thoái của công nghệ mạng xã hội và trông mong sự hạ nhiệt của chính mình. Chúng ta đã biết tác hại từ những chuyện như vợ chồng lục đục vì vô tình thổ lộ cảm xúc riêng tư, hay chuyện hội chứng “hội đồng” khi có một tin chưa được kiểm chứng tung ra và lan truyền chóng mặt trên mạng.

3. Facebook không còn là câu chuyện nghiện của giới trẻ như có thể thấy ở video game, mà là chuyện của mọi lứa tuổi biết đọc biết viết. Tỉ lệ 54% số người dùng Facebook toàn cầu trên 25 tuổi và 28% trên 35 tuổi cho thấy khách hàng của Mark Zuckerberg không còn là đồng niên hay sinh viên như thời anh ta học ở Harvard nữa.

Nhân vật trẻ tuổi xuất chúng này thật ra đã nắm được cái thóp của con người thời công nghệ số là sự cô đơn của họ. Bộ phim The social network (Mạng xã hội) nói về người sáng lập Facebook đã chỉ ra sự cô độc và dị biệt trong hành xử của chính anh này, một cá nhân lạnh lẽo và khắc nghiệt với bạn bè ngoài đời.

Và đến lượt chính chúng ta, những người trước đây vẫn kết nối với nhau bằng những phương thức giao tiếp truyền thống, đã lũ lượt rủ nhau tái lập sự kết nối ấy trên mạng. Nó khiến chúng ta trở thành những kẻ có vẻ như là vui đâu chầu đấy, khóc rồi cười ngay, hệt như người bị “thuốc”. Trong khi thực tế chúng ta không hoàn toàn cô đơn, không thật sự thiếu kết nối ở đời thực.

Chúng ta bị hấp dẫn trước cái gọi là tính thời thượng của công nghệ. Nó gây ảo tưởng chúng ta chạy bằng tốc độ của thế giới văn minh một cực. Nó độc tài đến mức như nhà báo Thomas L. Friedman đã viết: “Trừ khi bạn thoát khỏi Facebook và gặp mặt ai đó, bạn thật sự không hoạt động gì hết”.

4. Nhưng vấn đề ở đây là nếu không phải Facebook thì sao? Chúng ta còn nhớ cơn sốt blog 360 của Yahoo! mới vài năm trước đấy thôi, chúng ta cũng tốn cả vài tiếng mỗi ngày ngụp lặn trong cái mạng xã hội hãy còn “thô sơ” đó - kỳ thực hôm nay chúng ta đang lặp lại với cấp độ bị chi phối nặng hơn.

Facebook chỉ là một trong những ứng dụng trong rất nhiều ứng dụng mặc định đã cài đặt sẵn trong điện thoại, iPad, chúng ta chẳng phải là nhắn tin nhoay nhoáy, mấy ngón tay lướt đầy háo hức dưới gầm bàn những cuộc họp đó sao. Chúng ta hủy hoại những cuộc gặp gỡ khi cả ta lẫn đối tác chốc chốc gí ngón tay check xem có gì mới, bỏ rơi ngay cái người đang ngồi gần gũi trước mặt kia.

Nhưng cũng chính sự độc tài của công nghệ, theo các nhà nghiên cứu như Andreassen, cũng là dấu hiệu chỉ ra rằng Facebook sẽ bị thay thế bởi những ứng dụng khác. Một thập niên trước, các ứng dụng của Yahoo! làm mưa làm gió và giờ ứng dụng blog 360 của hãng này đã chính thức chấm dứt hoạt động, trong khi Facebook lên tới 1 tỉ người dùng.

Facebook chắc rồi cũng như loài khủng long, sẽ tuyệt chủng vì quá cỡ? Điều đó nghe quá ư xa xôi nhưng có vẻ hứa hẹn, song chắc chắn là chúng ta chưa hề chuẩn bị gì cho sự lụi tàn của nó. Rồi chúng ta sẽ vội vã gia nhập một cộng đồng mới. Facebook và các mạng xã hội có làm sẹo vĩnh viễn trong đầu chúng ta?

Nguyễn Trương Quý

Thứ Năm, 6 tháng 3, 2014

Những dự ngôn cho đời…


(đọc tập thơ ĐI VỀ PHÍA MẶT TRỜI của KHA LY CHÀM
Nxb Văn Nghệ TP.HCM 2006 )

Khaly Chàm là người có cá tính mạnh, từng nổi đình nổi đám trong các cuộc văn nghệ.Nhưng tánh cương trực nhân nghĩa là bản chất của anh nên anh em quý mến.
Gốc lão nông tri điền làm theo sở thích tự nhiên của mình nên thỉnh thoảng khi xuống 81 Trần Quốc Thảo hay qua Trống Đồng cùng tôi và Vũ Ngọc Giao… ai cũng chơi bia, riêng anh khề khà ly rượu đế! gặp ai cũng mời vậy mà có người vui vẻ uống
Có một thời anh làm thơ lục bát trữ tình rất dịu êm,nhưng sau một thời gian trường chay lại đổi phong cách cho ra hàng loạt bài thơ tự do đầy ắp chất triết lí. Bán một chiếc xe walve để in thơ là một việc làm to lớn đối với văn nghệ sỹ, nhất là trong hoàn cảnh khó khăn như anh ( một vợ 5 con ) quả là dũng cảm?
Khi xưa anh rất thích câu nói của anh Joseph Huỳnh Văn :Có rất nhiều từ ngữ làm thơ nhưng rất ít từ để thành thơ…Còn anh xem thơ là gì? :


Thơ như chiếc nạng
Ngôn từ tôi dựa dẫm bước đi
Vượt qua những định luât
Nghi hoặc mọi giáo điều
( đồng hành)


làm thơ để:


khắc họa bóng hình vào ánh sáng
để xác tín sự hoá thân tỏa rạng trong ý tưởng
( từ tình yêu của đất)


Từ một buổi chiều lang thang bên bờ kinh Nhiêu Lộc có thể anh đã tìm ra cho mình một tia hi vọng nào đó khi nhìn dòng nước chảy:


ở một góc khuất nào đó
cõi trú dưới tán lá xanh
màu vàng khuyếch tán soi sáng niềm tin
trong mắt loài chim bầu trời đầy sao lấp lánh
( sự sống có ít người biết )


Bài Sự hàng phục ý tưởng là cách nhìn độc đáo về bản thân ,về cội nguồn mà không phải ai cũng dể nhận ra. Mỗi người có một cách nhận ra mình, khi Nhã Ca từng Tôi nhìn tôi trên vách, Trịnh Công Sơn cảm nhận một mình tôi về với tôi ( Lặng lẽ nơi nầy) thì Khaly lại :


Tôi chạy tìm tôi giữa hỗn mang tổ tiên đánh đu trên cây thèm thuồng muối mặn
Núi rừng vọng âm tiếng hú gọi đàn…


Hay:


Chạy theo gọi bóng tôi trên cầu vồng ngũ sắc
Có lúc vấp ngã… ngủ say trong vòng tay em


Suốt đời anh tìm, tìm mãi chỉ thấy toàn hư ảo?…Tôi nhớ một bài thơ Khaly chàm đăng trên Kiến thức Ngày Nay (năm 94)


Ta tìm ta chốn ta bà
Đâu là cõi trú đâu nhà tịnh tâm


đi tìm mãi mà chưa thấy tâm hồn tịnh độ thanh thản được.
Anh tự khoắc khoải hoài nghi với chính mình:


Ngoài hành tinh nầy
Trời xanh bao la không nhiễm sắc
Không có bóng với hình
Không có ngày và đêm
Không có dự ngôn dành cho sự ra đi hay trở về của bụi
Không có bàn tay nào chạm tới vô cùng….
( Đi về phía mặt trời )


Cuộc đời anh tự do ( như anh từng tự bạch trong VNSCL ).lang bạt kì hồ muốn đi là đi… năm rồi là một tuần lễ ở miền tây cùng Hồ Trường ( Bến Tre) uống rượu đến khuya trên Thị xã ,ghé Vĩnh Long cùng Hồ Tĩnh Tâm,Ngọc Hiệp, bà chị Song Hảo nhậu một trận say túy luý…
Khaly Chàm từng ở rừng nên gian khổ không là nghĩa gì? Trong bài Am Tượng anh nói:


Lưỡi dao thời gian cứa sâu vào tâm thức
Anh sáng chói lòa trôi bền bồng trên sông
Móng vuốt ảo tưởng cào cấu vách đời số phận.


Từng lên rừng chở than về phố bán, từng nhổ củ mì nuôi con, một thời lăn lộn trên vùng kinh tế mới Hảo Đước, sau nầy đi vào con đường thơ ca thì số phận đã cào cấu ,giày xéo anh rồi?
Anh hiện vẫn còn tha phương mưu sinh mà tâm hồn thơ cứ ám ảnh mãi …như hơi thơ’như mạch sống, dù rằng cơn bệnh phổi mãn tính lâu lâu lại hành hạ… đôi lúc anh cứ nghĩ đến cái chết :


Tôi đang sống tức là tôi đang chết
Từng ngày… tôi cầu siêu độ rỗi bóng mình


Hãy chờ đợi một dự ngôn cho chính anh vì : Có cái chết nào khủng khiếp hơn nỗi đau ngọt ngào cùng tuyệt. Trong bài Huyễn hoặc giấc mơ ,anh từng thốt lên như vậy,

Ngữ Yên