Thứ Ba, 5 tháng 11, 2013

Cuộc sống không thể thiếu tình yêu






Người ta nói trên trái đất không có gì ở ngoài qui luật cả. Nhưng tình yêu hình như cũng có lúc là một ngoại lệ. Tình yêu có thể nâng bổng con người nhưng cũng lắm lúc nhấn chìm kẻ háo hức. Tôi không tin những người quá lạc quan khi nói về tình yêu bằng thể khẳng định. Người ta có thể tin rằng mình được yêu và cũng có thể hiểu nhầm mình không được yêu.

Tôi không thể nói về một vấn đề mà chính bản thân mình cũng chưa hiểu hết. Chưa hiểu hết là nói theo kiểu đại ngôn chứ thật sự là hoàn toàn không thể hiểu. Nếu có người nào đó thách thức tôi một trò chơi nghịch ngợm thì tôi sẽ mang tình yêu ra mà đánh đố. Tôi e, không ai dám tự xưng mình am tường hết nội dung phong phú và quá phức tạp của tình yêu.

Có người yêu thì hạnh phúc; có người yêu thì đau khổ. Nhưng dù đau khổ hay hạnh phúc thì con người vẫn muốn yêu. Tình yêu vì thế mà tồn tại. Con người không thể sống mà không yêu. Hàng nghìn năm nay con người đã sống và đã yêu - yêu thật lòng chứ không phải giả. Thế mà đã có không biết bao nhiêu là tình yêu giả. Cái giả mà rất thật trong đời. Sự giả trá đó lúc biết được thì làm khổ lòng nhau biết bao nhiêu mà kể. Người giả, người thật nhìn nhau lúc bấy giờ ngỡ ngàng không biết thế nào nói được. Người thật thì nằm bệnh, người giả thì nói, cười huyên thuyên. Ðời sống vốn không bất công. Người giả trong tình yêu thế nào cũng thiệt. Người thật thế nào cũng được đền bù.

Tình yêu thời nào cũng có. Nhưng có tình yêu kết thúc bi thảm đến độ có khi con người không dám yêu. Yêu mà khổ quá thì yêu làm gì. Có người đã nói như vậy.

Tôi đã có dịp đứng trên hai mặt của tình yêu và dù sao chăng nữa, tôi vẫn muốn giữ lại trong lòng một ý nghĩa bền vững: "Cuộc sống không thể thiếu tình yêu".

Trịnh Công Sơn

Khi Độc Lập, Tự Do Buộc Phải Đổi Bằng Xương Máu !







Trong những ngày gần đây, một số người tự xưng danh là nhà “dân chủ” trong đó có một vài người trước kia đã từng đứng trong hàng ngũ của Đảng cộng sản Việt Nam, họ tung ra những bài viết tỏ ra sám hối, tiếc nuối vì đã “lỡ” một thời theo Đảng. Nay họ ”đòi xét lại vai trò lãnh đạo”, vu cáo Đảng cộng sản Việt Nam đặt lợi ích Đảng lên trên lợi ích dân tộc, đẩy dân tộc Việt Nam vào con đường binh đao máu lửa hơn 30 năm. Với luận điệu đưa ra là: “ Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo cách mạng Việt Nam đã nhiều lần chứng minh rằng đảng không những không vì lợi ích dân tộc Việt Nam mà đảng còn hi sinh lợi ích dân tộc Việt Nam cho lợi ích của đảng, cho những mục tiêu viển vông, siêu thực của đảng, cho cuộc cách mạng vô sản thế giới hão huyền, chỉ đẩy Dân vào chiến tranh hận thù, chỉ lấy Dân làm vật thí nghiệm, vật hi sinh cho chủ nghĩa xã hội hư vô! Đưa dân tộc Việt nam vào con đường máu lửa. Dân tộc Việt Nam đã phải trả giá máu quá đắt cho sự lãnh đạo của đảng cộng sản Việt nam“.!? Vậy điều này có đúng không ? hay là vẫn là chiêu bài cũ chụp mũ, vu cáo của các nhà “dân chủ” thường làm ?
Chúng ta phải nói một cách dứt khoát, đây luận điệu xuyên tạc lịch sử của các nhà “dân chủ”, với ý đồ bôi nhọ, chà đạp trắng trợn lên thành quả cách mạng mà toàn dân tộc phải đánh đổi bằng sinh mạng hàng triệu người con ưu tú, hàng triệu sinh mạng của người dân lành. Luận điệu này chúng ta phải hết sức cảnh giác nó sẽ gây nên sự ngộ nhận, vì đối tượng phát tán tài liệu đã từng là người theo Đảng. Điều nguy hiểm là một số ít người thiếu hiểu biết lịch sử đất nước và lớp người trẻ sinh ra sau chiến tranh sẽ nhận thức sai lầm dẫn tới phủ nhận thành quả cách mạng, mất lòng tin vào chế độ, vào con đường đi tới của dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam. Vạch trần luận điệu giả dối, bóp méo, xuyên tạc của những người này để chúng ta khẳng định đâu là chân lý, đâu là sự thật.

Trong bài viết “Không trung thực trong điều 4 hiến pháp” của một nhà “dân chủ” đăng tải trên mạng RFA Việt ngữ viết: “Phan Châu Trinh mất sớm, con đường cứu nước đúng đắn Phan Châu Trinh vừa khởi xướng, đành bỏ dở! Sự nghiệp giải phóng dân tộc Việt Nam thôi đành phó thác cho những người Cộng sản! Và dân tộc Việt Nam phải trải qua con đường đấu tranh bạo lực dằng dặc máu lửa ” ? Vậy đâu là sự thật ? Đâu là chân lý ? Xin thưa với nhà “dân chủ” lịch sử của dân tộc Việt Nam buộc phải lên tiếng rằng: khi thực dân pháp xâm lược và cả khi thiết lập được quyền cai trị trên đất nước Việt Nam thì dân tộc này đã kháng cự lại. Đã có biết bao cuộc nổi dậy của nhân dân dưới ngọn cờ của sĩ phu yêu nước, nhưng tất cả các cuộc kháng cự đó đều bị đè bẹp và bị dìm trong biển máu. Họ “Hối tiếc” vì cụ Phan châu Trinh mất sớm nếu không thì đi theo con đường của Ấn độ đòi lại độc lập từ người Anh ? điều này cho thấy họ đã cố tình bẻ cong sự thật của lịch sử và cố tình suy diễn theo cái lối càn xiên. Sự thật thì sau nhiều cuộc khởi nghĩa và các phong trào chống pháp không đem lại kết quả, đứng trước vận mệnh của đất nước Đảng cộng sản đã gánh vác sứ mệnh giải phóng dân tộc. Phong trào chống xâm lược do người cộng sản phát động không phải là một ngoại lệ, có cùng một mục đích như các phong trào khởi nghĩa trước đó là giành, giữ độc lập cho Tổ quốc, hạnh phúc cho dân tộc.
Đảng cộng sản Việt nam có “hiếu chiến” như các nhà “dân chủ” quy kết không ? Chúng ta tìm hiểu vấn đề này. Những ai hiểu biết về cuộc chiến tranh, những người có lương tri trên thế giới, đều đứng về phía Việt Nam. Đáng lẽ sau Cách mạng Tháng Tám, nhân dân ta phải được sống trong hòa bình, độc lập, tự do để xây dựng chế độ mới. Nhưng thực dân Pháp đã dã tâm quay trở. Chúng mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược lại Việt Nam từ tháng 9-1945. Trong tình thế vận mệnh đất nước như “ngàn cân treo sợi tóc”, tương quan lực lượng bất lợi cho một chính phủ còn non trẻ, chúng ta rất cần một khoảng thời gian để xây dung lực lượng nên Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng chủ trương hòa hoãn với thực dân Pháp. Để đạt được kết quả hòa hoãn, chúng ta đã nhượng bộ, chấp nhận nền độc lập hạn chế và nền thống nhất có điều kiện đó là :Theo Hiệp định Sơ bộ, chúng ta thỏa thuận cho 15.000 quân Pháp vào miền Bắc, và khẳng định việc Nam Bộ có trở về với nước Việt Nam hay không là tùy thuộc vào kết quả của một cuộc trưng cầu ý dân. Nhưng thực dân Pháp quyết dùng vũ lực đánh chiếm toàn bộ nước ta. Chúng tăng quân trái phép ở miền Bắc, gây ra nhiều vụ xung đột đẫm máu và cuối cùng, gửi cho Chính phủ ta bức thư, với tính chất như một “tối hậu thư”, đòi quân, dân ta hạ vũ khí. Vậy thì xin hỏi các nhà “dân chủ” vào tình thế như vậy theo các vị Đảng cộng sản Việt Nam mà người đứng đầu là Chủ Tịch Hồ Chí Minh xử lý ra sao ? Nếu theo cách nói của các vị thì nên tìm một con đường không “không đổ máu” ? Sự chon lựa đó thì chỉ có một con đường là chấp nhận làm kiếp nô lệ mà thôi. Dân tộc này không bao giờ chọn con đường đó, dân tộc này có truyền thống hào hùng giữ nước từ ngàn xưa, một lần nữa đứng lên bảo vệ nền dân chủ cộng hòa non trẻ, hưởng ứng “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh : “Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa! cả nước thành chiến trường quyết tâm kháng chiến. Chấp nhận đối đầu với đội quân xâm lược nhà nghề khi không còn đường lựa chọn đó là thể hiện ý chí sắt đá, khát khao của cả một dân tộc vì độc lập, tự do. Nhà sử học Pháp Philíp Đờvile đã nhận định: “Trong khi máy bay, xe tăng và binh lính Pháp ùn ùn kéo đến Việt Nam để chuẩn bị xâm lược, thì chỉ có một dân tộc cam chịu để mình bị cắt cổ, chỉ có một dân tộc ươn hèn, thực sự phản bội dân tộc mình mới không chuẩn bị gì, không hành động gì để chống lại”. Sau này Tổng thống Pháp Ph. Mittơrăng, trong dịp sang thăm chính thức Việt Nam tháng 2 – 1993, đã trả lời các nhà báo rằng: “Ông Hồ Chí Minh đã tìm kiếm những người đối thoại, nhưng không tìm được. Dù rất mong muốn đàm phán để hướng tới độc lập, ông Hồ Chí Minh bị đẩy vào cuộc chiến tranh”.
Xin thưa với các nhà “dân chủ”: chính truyền thống yêu nước, là động lực thúc sự vùng dậy quật cường của dân tộc Việt Nam. Đảng cộng sản kêu gọi toàn dân kháng chiến chống lại quân xâm lược là sự lựa chọn đúng theo truyền thống của dân tộc, nó là một quy luật mà không có sự lựa chọn nào khác. Luận điệu “ngậm máu phun người” của các vị “dân chủ” rõ ràng hòng quy kết những người cộng sản phát động cuộc kháng chiến chống thực dân pháp là đẩy cả dân tộc vào cuộc chiến tranh. Họ còn nói rằng: “Trong khi đội quân xâm lược Pháp lực đã kiệt, thế đã tàn thì lực lượng kháng chiến giành độc lập đã lớn mạnh, đang bừng bừng xốc tới, chỉ dấn thêm một bước là cả nước sạch bóng giặc ngoại xâm. Nhưng những người Cộng sản đặt giá trị giai cấp lên trên giá trị dân tộc thì giải phóng dân tộc không phải là mục đích duy nhất và cao nhất của họ. Với ý thức hệ giai cấp, những người Cộng sản Việt Nam coi giải phóng dân tộc không phải là mục đích mà chỉ là phương tiện để họ làm cách mạng vô sản thế giới..”? Thật nực cười cho cái lập luận quái gỡ này, họ gán cho Đảng CSVN theo đường lối bạo lực của quốc tế cộng sản, gọi cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc ta “đó là cuộc chiến tranh ý thức hệ”, “chiến tranh ủy nhiệm” “miền Bắc xâm lược miền Nam”? Trải qua 9 năm kháng chiến, kết thúc bằng chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, buộc chính phủ Pháp phải ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ, cam kết tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam, rút quân về nước. Đáng lẽ theo Hiệp định Giơ-ne-vơ, tháng 7-1956 sẽ tổ chức tổng tuyển cử tự do thống nhất đất nước. Nhưng đế quốc Mỹ với âm mưu biến miền Nam nước ta thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự chống nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, lập “đê chắn làn sóng đỏ” xuống phía nam đã hất cẳng thực dân Pháp, nhảy vào xâm lược chia cắt lâu dài đất nước. Chính Ngô Đình Diệm từng tuyên bố khi sang thăm Mỹ: “Biên giới Hoa Kỳ đến vĩ tuyến 17″.
Một lần nữa nhân dân ta lại phải đứng lên chống xâm lược, giành độc lập, thống nhất hoàn toàn cho Tổ quốc.Trên thực tế, Mỹ – và chính quyền VNCH đã gây ra “cuộc chiến tranh một phía”. Chẳng những thế, họ còn đe dọa “lấp sông Bến Hải”, “Bắc tiến”, “giải phóng Cố đô rửa hận thù”. Sau này, đế quốc Mỹ còn thực hiện cuộc “chiến tranh cục bộ”, đưa trên nửa triệu quân Mỹ vào xâm lược miền Nam, và tiến hành cuộc “chiến tranh phá hoại”, đe dọa đẩy miền Bắc nước ta trở về “thời kỳ đồ đá”. Không còn con đường nào khác, dân tộc ta phải chấp nhận cuộc đụng đầu với đế quốc Mỹ. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Không có gì quý hơn độc lập, tự do! “Hễ còn một tên xâm lược trên đất nước ta, thì ta còn phải tiếp tục chiến đấu, quét sạch nó đi”. Nhiều người trong chính giới Hoa Kỳ hẳn vẫn không quên, trong suốt hơn 40 năm thù địch Việt Nam, kể từ năm 1950 – Hoa Kỳ chính thức ủng hộ Pháp xâm lược Việt Nam đến ngày 11 tháng 7 năm 1995 – Hoa Kỳ tuyên bố công nhận ngoại giao và bình thường hoá quan hệ với Việt Nam, chỉ riêng Hoa Kỳ đã trực tiếp làm cho hơn 3 triệu người Việt Nam phải hy sinh và hàng triệu người khác bị tàn tật, phải chịu di hại của chiến tranh, của chất độc màu da cam do quân đội Hoa Kỳ rải xuống Việt Nam. Không dừng lại ở đó, sau năm 1975, Hoa Kỳ tiếp tục chính sách thù địch chống Việt Nam, thực hiện bao vây cấm vận Việt Nam làm cho nhân dân Việt Nam vốn đã khốn khó do phải khắc phục hậu quả chiến tranh do Hoa Kỳ để lại, lại càng khó khăn hơn.

Chúng ta có thể tham khảo trích dẫn một số tài liệu của chính những người gây ra cuộc chiến đẫm máu với dân tộc Việt Nam để hiểu rõ bản chất phi nghĩa của nó.
Trong cuộc hội thảo về chiến tranh Việt Nam tháng 3-2007 tại tiểu bang Texas, các học giả Mỹ đã phân tích những nguyên nhân thất bại của Mỹ trong cuộc chiến tranh này, trong đó nhấn mạnh đến yếu tố văn hóa. Cuộc hội thảo này đã đi đến kết luận: sự thiếu hiểu biết của Hoa Kỳ về văn hóa, lịch sử và con người Việt Nam chính là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến thất bại của Mỹ trên chiến trường”.
Tổng thống Nich-xơn Ông ta đã cay đắng thừa nhận: “Sai lầm nghiêm trọng của chúng ta là không biết một trong những quy luật của chiến tranh. Đó là, đừng bao giờ bước vào cuộc chiến tranh, nếu không biết cách nào để ra khỏi cuộc chiến tranh đó”.
Tổng thống Nich-xơn còn nhấn mạnh sự thất bại của mình trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam: “Cuộc chiến tranh Việt Nam không phải giới cầm quyền nước Mỹ chỉ thua trên chiến trường. Nó còn thua ngay trên nước Mỹ, ở các hành lang của Quốc hội, trong phòng ăn các công ty, trong các buồng giám đốc của các tổ chức nghiên cứu, trong các buồng chủ bút của các tờ báo và của hệ thống vô tuyến truyền hình, trong các hội trường ở Gioóc-giơ Tao, các phòng khách của “những người đẹp” ở Niu Oóc và trong các lớp học của các trường đại học lớn, đó là các tầng lớp đã đưa lại sự mạnh mẽ, bảo đảm thắng lợi trong chiến tranh thế giới lần thứ nhất và lần thứ hai, đã làm cho Mỹ thất bại một trong những cuộc chiến đấu trọng yếu nhất của cuộc chiến tranh thế giới lần thứ ba, đó là Việt Nam”.
- Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mc Namara, trong cuốn hồi ký “Nhìn lại quá khứ tấn thảm kịch và bài học về Việt Nam”, đã viết “Chúng tôi ở trong chính quyền Kennedy và Johnson, tham gia vào các quyết định về Việt Nam, đã hành động theo những gì mà chúng tôi coi là nguyên tắc và truyền thống của dân tộc này. Chúng tôi đã ra các quyết định dưới ánh sáng của các giá trị đó.”…”Nhưng chúng tôi đã sai lầm, sai lầm khủng khiếp. Chúng tôi mắc nợ các thế hệ tương lai trong việc giải thích tại sao sai lầm như vậy”.
Như vậy, chính đế quốc Mỹ là thủ phạm gây ra cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thần thánh của nhân dân Việt Nam đã được lịch sử ghi nhận, lẽ phải chỉ có một, dù các nhà “dân chủ” có cố tình phủ nhận nó nhưng những người chủ mưu trong cuộc chiến tranh đó khi họ đã thú nhận thì những lập luận kiểu “Giá như….” của những kẻ xuyên tạc, bóp méo lịch sử đều trở nên vô nghĩa. Thế giới đã bước sang giai đoạn mới của lịch sử, trong đó, hòa bình, hợp tác và phát triển đã trở thành xu thế chủ yếu của thời đại, tư duy sử dụng sức mạnh quân sự để giải quyết các vấn đề quốc tế đã trở nên lỗi thời. Lịch sử chiến tranh khẳng định với nhân loại một điều: chiến tranh và bạo lực cường quyền không giải quyết được vấn đề gì ngoài việc khoét sâu hận thù giữa các dân tộc và chia rẽ thế giới. Tuy nhiên, các “Nhà dân chủ” và thế lực không thiện chí với Việt Nam không nghĩ như vậy, họ vẫn đang xoay xở mọi cách để gây ra một cái gọi là “Biến cố” gây mất ổn định cho Việt Nam hòng mong muốn trong sự rối loan trục lợi cho những toan tính của họ. Vì thế, những bài học lịch sử từ cuộc chiến tranh do Mỹ gây ra ở Việt Nam vẫn còn giữ nguyên giá trị, bởi nó không chỉ lý giải về sự thất bại của cường bạo trước sức mạnh chính nghĩa mà còn cảnh tỉnh những người vẫn mơ hồ tin vào cái gọi là sứ mệnh “mở rộng dân chủ” như vẫn thường được họ tuyên truyền.


AMARI TX

Pháp: Bạo loạn lớn sau cuộc biểu tình






Cuộc biểu tình tại Bretagne chống lại chính quyền Hollande đã biến thành bạo lực. Chính quyền Pháp hiện nay đang lo sợ sẽ lan rộng ra toàn quốc. Tại Quimper vào hôm thứ bảy vừa qua đã có 30.000 người xuống đường phản đối chính sách thuế và cắt giảm ngân sách của chính phủ Hollande.

Người biểu tình tức giận ném những bình hoa, gạch lát đường vào cảnh sát và tìm cách leo lên hàng rào của chính quyền tỉnh. Cảnh sát đã sử dụng vòi rồng và gậy để đàn áp biểu tình. Rất nhiều người biểu tình đã mang mũ đỏ để nhớ tới vị vua Ludwig XIV. Tình hình tại Paris rất căng thẳng, chính quyền Pháp đang lo sợ người dân sẽ nổi giận và tình hình trở nên mất kiểm soát. Chính quyền Pháp đang phải đối mặt với số thất nghiệp quá cao nhưng họ không còn lối thoát nào khác ngoài việc tăng tiền thuế đánh vào đầu người dân. Theo cuộc điều tra mới đây, tổng thống Hollande có mức tín nhiệm thấp chưa từng có.

Tháng 11 này tại Pháp sẽ không có bất cứ trận bóng đá nào diễn ra. Lý do: Chính quyền sợ sẽ có biến khi quá đông người tụ tập.

Ba lan cấm tuyên truyền chủ nghĩa cộng sản - Bạn tin điều đó?



Người ta hay nói rằng "Ở Ba lan hiến pháp cấm tuyên truyền chủ nghĩa cộng sản", bạn tin điều đó là có thật?

Trích điều 13 hiến pháp nước cộng hòa Ba lan "Cấm tồn tại những đảng phái hoặc tổ chức theo đường lối cai trị độc tài của chủ nghĩa dân tộc xã hội chủ nghĩa, Chủ nghĩa phát xít, chủ nghĩa cộngsản...."

Như vậy Ba lan có cấm tuyên truyền chủ nghĩa cộng sản hay không?

Câu trả lời là: không! Mà đó là cách bịa đặt bóp méo ngôn ngữ của những kẻ chống cộng!

Đảng cộng sản vẫn được tồn tại và hoạt động hợp pháp tại Ba lan chừng nào họ chỉ theo đường lối cộng sản nhưng từ bỏ xu hướng cai trị chuyên chính vô sản!
Tuy nhiên lịch sử Ba lan trong mối quan hệ các nước đồng minh trong quá khứ vô cùng phức tạp. Một trong những điểm nhức nhối là vụ tranh chấp biên giới dẫn tới rạn nứt lớn giữa Liên Xô và Ba lan vào thập niên 196x-197x khi Liên Xô đe dọa tấn công Ba lan, quân đội Ba lan kéo quân tới gần biên giới đông Đức cũ và tuyên bố "Nếu Liên Xô kéo quân sang Ba lan thì Ba lan sẽ đưa quân san bằng đông Đức.

Thêm vào đó là muôn vàn những nguyên nhân khác, trong đó tôi đã viết một bài giới thiệu sơ lược vào năm ngoái, mời các bạn tham khảo:



Vì sao Ba lan căm ghét cộng sản
30 Tháng 12 2012 lúc 13:57
Thời gian qua tôi đã nghe nhiều, đọc cũng nhiều các câu hỏi, các lời bình luận về sự sụp đổ của các nước trong khối XHCN ở đông Âu. Người thì cho rằng bởi vì dân họ đã chán ngấy chế độ cộng sản, người thì cho rằng vì họ quá đói nghèo và người thì cho rằng vì họ không có tự do. Riêng về Liên xô, có nhiều cách giải thích và tôi không định đi sâu về đề tài này. Mong rằng điều tôi viết ra đây sẽ giải thích được thắc mắc của nhiều bạn về vấn đề này và nó cũng lý giải vì sao ở một số nước đảng trước kia là đảng cộng sản đã từng bị mất ghế nay dần quay trở lại được lòng dân hơn.

**********************
Tôi không phải là một người nghiên cứu lịch sử, cũng không phải là một chính trị gia, càng không phải là một người bình luận viên chuyên nghiệp. Tôi từng học cùng người Séc, làm việc với người Đức, Ba lan,... tiếp xúc với người đông Đức và kể cả Hungari cũng là nơi mà gia đình dì của vợ tôi làm ăn sinh sống bên đó đã 30 năm. Vợ tôi cũng từng sống ở Paris thập niên 90 và bác ruột của cô ấy định cư bên đó từ gần 60 năm qua. Chính vì thế tôi được nghe rất nhiều phía và qua những điều mà họ kể lại với tôi, một phần khác tôi tham khảo bên ngoài, tôi sẽ xin trình bày với các bạn ở đây. Rất mong được sự đóng góp cho những thiếu sót, nếu có.
*********************

- Thứ nhất sơ lược về Liên xô:

Sự sụp đổ của Liên xô chủ yếu do sự cô lập từ bên ngoài, thêm vào đó mất đoàn kết nội bộ và phương tây đã lợi dụng nó để đánh sập. Trước kia vốn dĩ đã bị Mỹ và phương tây, kể cả Nhật bao vây cấm vận, sai lầm lớn nhất có chính sách thù địch với Trung quốc. Khi các nước khác tách ra khỏi sự kiềm chế ảnh hưởng của Liên xô, nhiều nước đã bộc lộ rõ sự căm ghét của họ vì quá khứ ở phần hai tôi sẽ trình bày. Và với một quốc gia bị cô lập như Liên xô thời đó, chỉ cần không có nội chiến xảy ra như chúng ta thấy đã là một điều kỳ diệu.

- Thứ hai về các nước đông Âu:

Trong quá khứ Liên xô từng giải phóng họ ra khỏi thảm họa diệt chủng từ Hitler và giúp đỡ xây dựng lại đất nước. Chẳng những vậy, mỗi một năm còn phải chi viện rất nhiều tiền của để xây dựng và phát triển đất nước.
Có thể đánh giá theo đa số:
Người dân hầu hết ai cũng có công ăn việc làm, xã hội ổn định, trộm cắp vô cùng hiếm hoi. Khi đi chợ, đi mua sắm, mỗi cửa hàng đều có một chiếc ghế để ở đó và ai mang theo túi sách, va li,... có thể đặt ở ghế đó cả tuần, thậm chí cả tháng cũng chẳng bao giờ mất. Giữa người với người là quan hệ bình đẳng, kỳ thị chủng tộc là điều hiếm có bởi vì tất cả đều gọi nhau là đồng chí. Người dân cùng chia sẻ quyền lợi và bằng lòng với cuộc sống của mình và chẳng có ai phải lo không có chỗ ăn, chỗ ở. Trong gia đình chỉ cần người chồng đi làm trong nhà máy, mỗi tháng lĩnh lương hai kỳ đều đặn. Mỗi năm vẫn có thể đi du lịch thường xuyên và vé tàu xe tất cả đều rất rẻ vì được nhà nước bù lỗ hết hoàn toàn.

Nhưng vì sao họ lại muốn thay đổi bằng mọi giá với tốc độ nhanh như vậy? Câu trả lời một phần thuộc về quá khứ xa hơn nữa!

Trở lại thời chiến tranh thế giới thứ hai trên đất Ba lan, cái nôi căm ghét cộng sản nhất đông Âu! Xét về điểm này trước tiên chúng ta không bao giờ được phép quên rằng, Nga và Ba lan là hai nước có thù hằn lâu đời, tương tự như giữa Pháp và Đức, hoặc gần hơn là Trung quốc và Việt nam.
Stalin vào cuối thập niên 30 đã phạm quá nhiều sai lầm, dẫn đến cái chết hàng loạt các tướng lĩnh tài giỏi, khiến cho hồng quân Liên xô đã đi xuống nghiêm trọng. Khi hồng quân Liên xô tiến vào đất Ba lan, nhiều người dân cũng như du kích đã rất vui mừng, nhưng đáng tiếc họ đã mừng quá sớm. Vì Liên xô vào thời đó không phải là giúp Ba lan chống phát xít mà đơn thuần là lấy lại mảnh đất trước đó đã phải nhượng bộ vì thua trận. Phần khác Liên xô đã không thể kiểm soát được việc làm của quân đội và đã có rất nhiều du kích chống phát xít của Ba lan bị sát hại ở một khu rừng ngày nay thuộc Nga.

Điển hình nhất là vụ thảm sát Katyn mà theo một số tư liệu thống kê có ít nhất vài chục ngàn, thậm chí có thể trên 100 ngàn sĩ quan cũng như du kích, quân đội, dân thường bị sát hại trên một vùng đất tranh chấp giữa Nga thời trước đó với Ba lan. Một điểm trớ trêu là vụ thảm sát đó lại do chính quân đội phát xít Đức tìm ra vào năm 1943 và công bố, khiến cho cả khối đông Âu cho tới đầu thập niên 90 vẫn tin rằng đó là do Hitler làm ra để đổ tội cho hồng quân Liên xô.

Lịch sử đã được viết lại sau khi người ta tìm thấy nhiều tài liệu do chính Stalin ký tên đóng dấu ra lệnh thảm sát và ở một góc độ nào đó có thể thấy, những hình ảnh do quân đội phát xít Đức chụp là đúng sự thật.

Chưa kể tới việc cắt xén đất đai giữa các quốc gia:
Liên xô lấy lại vùng đất (vốn bị thua trận và phải chuyển cho Ba lan vào năm 1921) đẩy Ba lan về hướng tây, xén đất của Đức cho Ba lan và Séc...

Cộng thêm nữa là những vụ đuổi người dân Đức ra khỏi vùng đất mà cha ông họ đã sinh sống ở đó hàng trăm năm qua. Biết bao nhiêu người dân vô tội, từ trẻ nhỏ cho tới ông già, đàn bà, đàn ông, què quặt hay lành lặn,... phải đi hết khỏi đó. Để lại đất đai, mồ mả tổ tiên bao nhiêu đời và chưa kể có những vùng người dân bị đánh thức dậy lúc 2-3 giờ sáng, họ đập cửa và đuổi hết đi, không cho mang tài sản gì và khi sang tới đông Đức, một số sang tây Đức họ phải làm lại từ đầu với hai bàn tay trắng.

Quá khứ sau chiến tranh ấy chưa hàn gắn thì những thập niên sau này, trong tất cả các nước có mặt hồng quân Liên xô đều đã xảy ra tình trạng vô kỷ luật. Mỗi một trang trại trong một đất nước đều đứng trên tất cả luật pháp của nước sở tại. Điều mà quân đội Mỹ cũng đã gặp phải trong nhiều quốc gia và Liên xô cũng không ngoại lệ.Những người lính hồng quân đã đánh mất chính mình khi ra ngoài vi phạm pháp luật và trở lại trại lính lại là nơi bất khả xâm phạm, tới cảnh sát của nước sở tại muốn vào cũng phải xin phép. Sự bao che của cấp trên đã khiến cho ở đâu có trại lính hồng quân, ở đó là sự căm ghét tới tột độ với người Nga. Họ nhắc tới những người lính Liên xô như những kẻ xã hội đen, mất hết cả quân kỷ và chính những thành phần này đã góp phần cho các nước khác thêm căm ghét Liên xô. Từ sự căm ghét ấy họ không muốn lệ thuộc vào Liên xô, không muốn bị kiềm chế và muốn được tự mình quyết định vận mệnh của đất nước. Như vậy dù Nga theo lý tưởng nào đi nữa thì lý tưởng đó cũng sẽ bị các nước đông Âu ruồng bỏ một cách không thương tiếc, chứ đừng nói gì đó là cộng sản hay cộng hòa!

Một sự lựa chọn duy nhất cho họ nếu muốn tách khỏi sự ảnh hưởng và kìm kẹp của Liên xô là trước tiên phải đi con đường khác với Liên xô. Khi Liên xô chọn đường lối XHCN, lãnh đạo bởi đảng cộng sản thì họ phải chọn con đường khác và như vậy họ chỉ còn biết dựa vào phương tây.
Đương nhiên với khối NATO, giảm uy lực của Liên xô đã là một điều đáng mừng, lại còn lôi kéo các nước thành viên của khối XHCN theo thì còn vượt quá giấc mơ của họ. Chính vì thế các nước đông Âu đã được khối NATO trải thảm đỏ để đón chào và khi sự lựa chọn tất yếu đã được quyết định thì hiển nhiên Liên xô trở thành một cây cổ thụ đứng chơ vơ giữa bão tố làm sao mà không sụp đổ được?

Điều đó lý giải vì sao nhiều nước sau khi chuyển đổi, kể cả nhiều người dân đông Đức cũ, họ cũng cho rằng khi chuyển sang với tây Đức thì họ chẳng có gì hơn ngoài nguy cơ thất nghiệp và hóa nghèo cao hơn.
Tự do? Họ vẫn làm, vẫn ăn, vẫn có đầy đủ mọi quyền trước sau không thay đổi. Đó cũng là nguyên nhân, vì sao một số nơi, đảng cộng sản cũ lại đang trở lại được lòng dân hơn xưa.
Hơn nữa sau khi NATO trải thảm đỏ để đón mừng bằng những khoản tiền khổng lồ, tới một lúc nào đó cũng phải cắt giảm thì sự bùng nổ về kinh tế của các nước đó cũng chững lại, nhất là trong thời điểm khủng hoảng tòan cầu thì sự tiếc nuối của quá khứ với nhiều người dân trỗi dậy. Không hiếm người thèm khát được trở lại một thời mà nhiều người gọi đó là hoàng kim và nếu họ chán lý tưởng cộng sản, họ căm ghét thì chẳng bao giờ những đảng ấy còn có cơ hội để lấy lại lòng dân.

Riêng Ba lan, với một quá khứ đau thương, với số phận bi thảm của một đất nước bé nhỏ nằm giữa hai gọng kìm Nga và Đức thì việc lựa chọn không đứng về Nga là điều tất yếu. Họ có thể cấm đảng cộng sản hoạt động trên đất Ba lan hoàn toàn không phải vì họ căm ghét lý tưởng cộng sản!

-KP-

Nguồn tham khảo (Tiếng Đức):
1. Thảm sát Katyn: http://katyncrime.pl/Deutsche,Textversion,268.html
2. Tạp chí "Die Zeit", số 22: http://www.zeit.de/1972/22/die-grosse-luege/komplettansicht
3. Những bức hình do phát xít Đức chụp lại và công bố: http://katyn.org.au/naziphotos.html



LÃNG PHÍ CŨNG ĐANG TRỞ THÀNH QUỐC NẠN





“Nếu như chúng ta không biết tiết kiệm, tích lũy để dành của cải, mà cứ phung phí, xa hoa, tận thu tài nguyên như vũ bão vài thập kỷ qua, là chúng ta đang có tội với con cháu phải gánh chịu những lời phiền trách của hậu thế”, đại biểu Trương Thái Hiền nói.

Ngày 4/11, phiên thảo luận của Quốc hội về việc sửa đổi Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí trở thành phiên các đại biểu Quốc hội bày tỏ những tâm tư và ưu phiền về tình hình lãng phí đang trở thành quốc nạn, đến mức, như đề nghị của đại biểu Trương Thái Hiền, cần sớm bổ sung đưa vào Bộ luật Hình sự việc xử lý hành vi gây lãng phí bằng chế tài, điều luật cụ thể, để tạo ra sức lan tỏa như một phong trào cách mạng thì mới hạn chế, ngăn chặn được sự lãng phí.

Đừng đánh trống bỏ dùi

“Chúng ta đang tập trung vào cuộc chiến chống tham nhũng mà để hổng mặt trận chống lãng phí, trong khi chưa chắc mặt trận này đã thua mặt trận kia về mức độ nguy hiểm”, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy nhận định. “Thử so sánh một người tham nhũng 1 tỷ đồng với một người ra quyết định làm lãng phí 5-7 chục tỷ đồng thì ai sẽ là người gây thiệt hại cho dân, cho nước nhiều hơn?”.

Cũng theo bà Thúy, đã đến lúc cần xác định trách nhiệm cá nhân rõ ràng đối với người có thẩm quyền ra quyết định không phù hợp gây lãng phí.

“Tôi thiết nghĩ dân mình còn nghèo, nước mình còn trong giai đoạn đang phát triển, hàng năm phải đương đầu với thiên tai, dịch bệnh. Đòi hỏi càng phải tiết kiệm chống lãng phí. Việc làm này mang đến hai cái lợi cùng một lúc là vừa có được thêm tiền để đầu tư phát triển đất nước, vừa được lòng dân. Đó là việc kiên quyết phải làm và làm triệt để, quyết không đánh trống bỏ dùi”, nữ đại biểu đến từ Đà Nẵng nhấn mạnh.

Dẫn ra ví dụ về tình trạng đào đường, đào vỉa hè để chạy đường điện, đường nước, đường cáp ngầm một cách vô tội vạ gây lãng phí về tiền của công sức và cản trở sự đi lại của nhân dân nhưng cũng không quy được trách nhiệm cho cơ quan hay bộ, ngành nào, đại biểu Ngô Thị Minh đề nghị cần quy định rõ hơn trách nhiệm của các bộ, ngành của các cơ quan hữu quan khi thực hiện nhiệm vụ thiếu sự chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan, thiếu sự kết nối thông tin để bảo vệ lợi ích cộng đồng, gây lãng phí thất thoát ngân sách nhà nước, cản trở sự phát triển xã hội.

Nữ đại biểu của Quảng Ninh tiếp tục dẫn ra tình trạng đầu tư dàn trải, hiệu quả thấp, nhiều công trình xây dựng dở dang không thể đưa vào sử dụng, nhiều dự án bất động sản phơi nắng, phơi mưa đang diễn ra ở nhiều địa phương, nhiều bộ, ngành trong đó có cả dự án bất động sản dành cho cán bộ cao cấp của Nhà nước.

Tiếp theo phân tích của đại biểu Thúy về trách nhiệm của người đứng đầu, bà Minh nói: “Chúng ta vẫn biết rằng nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách là nguyên tắc bất di bất dịch nhưng đồng hành với nguyên tắc này phải là những quy định chặt chẽ về trách nhiệm đối với người phụ trách, người đứng đầu của từng mắt xích công việc và đòi hỏi những người này khi quyết định đầu tư, sử dụng ngân sách nhà nước phải thực sự công tâm không vì lợi ích nhóm hoặc tư lợi cá nhân. Có vậy, chúng ta mới hi vọng ngân sách nhà nước được đầu tư, sử dụng có hiệu quả, hạn chế tối đa sự thất thoát lãng phí”.

“Thực tế hành vi làm thất thoát lãng phí ít ai bị xử lý và hầu như không ai bị truy cứu trách nhiệm hình sự mặc dù ai cũng biết thất thoát lãng phí gây hậu quả còn nặng nề hơn tham nhũng”, đại biểu Lê Đắc Lâm nêu quan điểm.

Họp Quốc hội dài ngày cũng là lãng phí

Đại biểu Trần Hồng Thắm đưa ra một ví dụ về: “Chúng ta chưa xác định được chính xác là đã lãng phí bao nhiêu thời gian và tiền của cho việc từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa 13 với 46 luật, pháp lệnh được ban hành, trong đó 37 luật đã có hiệu lực và 9 chuẩn bị có hiệu lực, thì chỉ mới có 98/200 văn bản quy định chi tiết, chiếm 49%, hướng dẫn 148/280 nội dung được giao...”.

Đại biểu Siu Hương tiếp lời: “Chúng ta cần thấy rằng hiện các dự án bất động sản, các nhà máy, bến cảng, các trường đại học, cao đẳng. Đặc biệt là các trường ngoài công lập, các trường trung học chuyên nghiệp, cao đẳng nâng cấp thành trường cao đẳng, đại học và nhiều lĩnh vực khác đang phát triển theo phong trào và quy mô không gắn với chất lượng. Không cân đối cung cầu xã hội, cung cầu nguồn nhân lực gây lãng phí lớn”.

Một ví dụ khác của đại biểu Tô Văn Tám: “Đội ngũ cán bộ công chức, viên chức của nhà nước hiện tại có khoảng 20 - 30% làm việc không hiệu quả, vì không đủ năng lực và trình độ. Như nhân dân ta vẫn thường nói đội ngũ này làm việc theo kiểu sáng cắp ô đi và tối cắp ô về.

Theo ý kiến của đại biểu Trần Quốc Tuấn: “Kỳ họp Quốc hội hàng năm kéo dài hơn so với các nội dung thực chất chúng ta cần giải quyết, đặc biệt kỳ họp cuối năm. Qua nghiên cứu nội dung kỳ họp tôi và nhiều đại biểu Quốc hội thấy chúng ta có thể rút ngắn thời gian của mỗi kỳ họp xuống từ 5 - 10 ngày. Điển hình như tại kỳ họp này, thay vì họp 41 ngày chúng ta có thể rút ngắn xuống còn trên dưới 30 ngày. Có như vậy thì chúng ta sẽ tiết kiệm vừa về thời gian, ngân sách của nhà nước”.

Sau tất cả các ví dụ, thì điều mà các đại biểu Quốc hội hướng tới khi sửa luật này, nói như đại biểu Trương Thái Hiền: “Thực hành tiết kiệm chống lãng phí đồng hành với chống tiêu cực tham nhũng. Nếu chúng ta hạn chế ngăn chặn được lãng phí, thực hành tiết kiệm cũng có nghĩa là ta đã ngăn chặn hạn chế được tham nhũng đem lại lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Chính như vậy thì Nhà nước ta mới thật sự là của dân, do dân và vì dân”.

Nguồn: Thời báo Kinh tế Việt Nam

Thứ Hai, 4 tháng 11, 2013

"Nhẫn nhục là cửa ngõ"




Môn đệ của một nhà hiền triết kia phạm một lỗi nặng. Nhà hiền triết bảo rằng "Ta không thể tha thứ cho ngươi nếu ngươi không chịu để cho thiên hạ chửi ngươi trong ba năm"


Người môn đệ vâng lệnh thầy. Sau ba năm hắn trở lại, nhà hiền triết lại bảo "Ta không thể tha thứ cho ngươi, nếu ngươi không chịu mất tiền cho người ta chửi trong ba năm nữa". Người môn đệ lại vâng lời thầy dạy. Sau ba năm hắn trở lại, nhà hiền triết bảo "Ta tha thứ cho ngươi. Bây giờ ngươi có thể đến thành Athenes, để trau dồi đức hạnh."
Ðến Athenes, người môn đệ xin nhập môn một nhà hiền triết xưa nay vốn dùng sự chửi rủa để thử học trò. Vừa vào tới cửa, người môn đệ này đã bị ông thầy chửi như tát nước, vuốt mặt không kịp. Nhưng ông thầy càng chửi thì hắn càng phá lên cười. Thầy hỏi "Sao ta chửi ngươi mà ngươi lại cười?". Người môn đệ thưa "Trong suốt ba năm tôi phải mất tiền để được nghe người chửi, nay tôi được thầy chửi không mất tiền, làm sao bảo tôi không cười được". Nhà hiền triết nói "Xin mời người vào. Chỉ có ngươi mới xứng đáng là học trò của ta".

"Nhẫn nhục" qủa là cửa ngõ đưa vào con đường đức hạnh.

Cách dạy con khác biệt như người sáng lập của Tập đoàn Sony






Theo Masaru Ibuka, để con trẻ có thể phát triển tốt có thể “diễn giải” thành 5 bước cơ bản như sau:

1. Siêng năng bế ẵm, âu yếm con. Việc tiếp xúc, gần gụi với thân thể cha mẹ không chỉ giúp ươm “mầm lương tri”, lòng trắc ẩn, sự nhạy cảm trong bé mà còn tác động rất tích cực lên trí thông minh của “thiên thần nhỏ”.
Cho bé ngủ chung giường và thường xuyên ôm ấp bé thực ra không hề làm hư bé như nhiều người vẫn nghĩ. Sự trìu mến dành cho trẻ nhỏ chính là nền tảng tốt nhất để các bé phát triển lành mạnh.

2. Tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển của con. Điều đó không có nghĩa là phải trang bị cho ngôi nhà của bé thật tiện nghi và đầy ắp đồ chơi xịn. Khi quá tiện nghi, bé sẽ ít động não hơn, và khi có quá nhiều đồ chơi bé sẽ bị phân tâm, khó tập trung.

Ví như chỉ có một chú gấu bông thì bé sẽ “nghiên cứu” nó thật kỹ và cố nghĩ ra thật nhiều trò để chơi cùng nó. Nhưng nếu có cả một bầy thú nhồi bông, búp bê, siêu nhân… vây quanh thì bé sẽ không dừng lại lâu với món nào để “tư duy” kỹ lưỡng cả.

Ngoài ra, để trẻ có thể phát triển lối tư duy khác biệt, tích cực, bạn chớ vội mua ngay cho con những thứ mà con thích. Cứ để con thiếu thốn một chút thì trí tưởng tượng của con càng có cơ hội bay bổng. Đôi giày sành điệu của mẹ có thể biến thành một cặp… chiến xa. Còn thùng đồ sửa xe của bố ư? Có thể được bé hình dung như một tòa lâu đài đầy bí hiểm.

3. Trao cho con chì màu, đất nặn càng sớm càng tốt! Tất cả những gì mà trẻ tự tạo ra bằng đôi tay của chính mình – vẽ, nặn, tô, hay thậm chí là xé tan, đập nát thứ gì đấy… thì cũng giúp trí thông minh và bản năng sáng tạo của trẻ phát triển.


Và phụ huynh đừng nên liên tục phê bình, chỉnh đốn con kiểu như: “Cầm bút cao cao lên nào!”, “Không được dùng tay trái”, “Sao mặt trời lại màu tím, màu đỏ chứ”…. Vì như vậy ta chỉ cản trở sự sáng tạo của trẻ mà thôi. Nhân tiện xin nói thêm là việc sử dụng tay trái hay tay phải đều có tác dụng như nhau trong việc tăng cường khả năng của bộ não ở trẻ nhỏ.

4. Thường xuyên đọc sách cho con nghe và dạy con học thuộc thơ. Bộ nhớ của các bé lên ba có thể lưu giữ cả trăm bài thơ ngăn ngắn và càng được rèn luyện nhiều thì bộ nhớ ấy càng… mênh mông hơn.
Ban đầu bé có thể ngắc ngứ mãi không đọc trôi một câu thơ, nhưng dần dần bé có thể làu làu cả một tập thơ vài chục rồi vài trăm bài. Ngoài tác dụng luyện trí nhớ, việc đọc thơ còn đem cho bé niềm hứng khởi đối với thơ ca, bồi dưỡng cho tâm hồn bé thêm phong phú.

5. Khi bé đã biết đi, hãy dắt bé đi dạo thay vì đặt bé trong xe nôi. Lý do là đi bộ trên đôi chân của chính mình sẽ kích thích trẻ tư duy tốt hơn.
Chẳng phải ngẫu nhiên mà nhiều nhà bác học, nhà văn, kiến trúc sư nhiều khi bị “bí” ý tưởng hay “tụt” cảm hứng đã đứng lên đi bộ loanh quanh và ý tưởng bỗng dưng lại xuất hiện, cảm hứng đột nhiên quay về.

Theo Masaru Ibuka, lý tưởng nhất đối với trẻ con là được lớn lên trong một đại gia đình với nhiều thế hệ. Sự hiện của ông bà, cô dì, chú bác, anh chị em tạo ra một môi trường xã hội tuyệt vời cho sự phát triển của trẻ nhỏ.

Bản thân Masaru đã từng dành rất nhiều thời gian, tâm sức cho đứa con trai bị bệnh bại não của mình. Ông cho rằng trong gia đình, người cha chỉ làm trụ cột kinh tế thôi chưa đủ mà còn phải là nhà giáo dục thực sự đối với các con và ông kêu gọi các ông bố hãy đi tiên phong trong sự nghiệp giáo dục con cái.

Phương pháp của “ông Sony” từng bị phản đối vì quan điểm dùng hình phạt thể chất đối với trẻ dưới ba tuổi nhưng Masaru Ibuka lý giải rằng trẻ cần được đưa vào nề nếp từ lúc chưa đầy một tuổi, vì đến ba tuổi thì ở trẻ đã hình thành lòng tự trọng và việc quở mắng hay dùng roi vọt lúc ấy sẽ rất nan giải, thậm chí là vô nghĩa.

Tuy nhiên, Masaru Ibuka cũng nhấn mạnh rằng không bao giờ nên dùng những hình phạt khiến trẻ cảm thấy bị sỉ nhục và nảy sinh lòng thù hận.
Và nói chung, đối với con trẻ thì khen ngợi, khích lệ luôn cần được ưu tiên, còn trừng phạt thì hãy giảm thiểu. Đặc biệt là đừng bao giờ trách phạt, đánh mắng trẻ trước mặt người khác.
Bạo hành và sỉ nhục không bao giờ có thể là bạn đồng hành với sự phát triển của trí tuệ.




Chỉ có sự ham mê hiểu biết và niềm vui khám phá mới có thể giúp trẻ vươn đến những chân trời mới của tri thức.

Đêm chết





Nguyễn Bính Hồng Cầu

Đêm,
những ý nghĩ rối rắm
như lũ mối xông vào cắn xé tâm não
giấc mơ èo uột thiếu hụt hình hài
lửng lơ mạng nhện
giấc thức ngoạm lấy chiếc ly cơ hội
chén chú chén anh thù thù tạc tạc
khật khưỡng no nê
từng giọt từng giọt đêm
rơi vào vùng trắng
đêm chết.


Ta gom tia nắng đầu ngày
đắp điếm thành nắm mộ
chôn đêm
giấc thức tỉnh cơn say
tỉ tê ngồi khóc
ngộ ra sự sống chết
qui luật của tuần hoàn
biết đâu khởi đầu từ giấc thức.

Nữ nhi ngoại tộc






Chuyến về quê này của bố con tôi ngoài việc thăm lại bà con họ hàng còn có một việc rất trọng đại. Chả là mấy năm rồi, ông trưởng họ đã năm lần bảy lượt nhắc bố tôi rằng phải cho thằng Tùng và thằng San về để nhập gia phả dòng họ, chứ đứa nào đứa ấy to ngồng cả rồi mà tên tuổi vẫn để trống trong cuốn gia phả đã lâu. Nghe thế, anh em chúng tôi rất lấy làm buồn cười, bởi không có tên trong gia phả dòng họ thì có ảnh hưởng gì đến mọi chuyện. Chúng tôi sống nơi xứ người văn minh, thật không thể hình dung nổi tầm quan trọng của vấn đề như ông trưởng họ luôn gay gắt nhắc bố tôi; còn bố tôi thì không thể không nghe lời ông trưởng họ, dù năm nay ông mới ngoại ngũ tuần, cùng lứa tác với bố tôi nhưng theo vai vế thì bố tôi phải gọi ông bằng ông và với chúng tôi thì đã là bậc cố.

Chuyến đi khá vất vả, phải sắp xếp mãi, vì công việc, lại còn vì chuyện kinh tế, cuối cùng mẹ tôi ở lại để bốn cha con về quê. Trong bốn người, thì riêng chị Mộng Hằng là đơn thuần đi chơi, còn tôi và thằng San là nhân vật chính, bởi dòng họ tôi có truyền thống chỉ ghi gia phả những đứa con trai thôi, con gái bị xem là “nữ nhi ngoại tộc” nên không thể có tên trong gia phả! Thật buồn cười, thật không thể hiểu nổi. Vì sao đàn bà con gái lại không có tên trong gia phả, mặc dù đều cùng dòng máu cả đấy thôi? Gia phả ghi “Trần Bá phả tộc” rành rành, bố tôi kể vậy, thế vì sao chị tôi, Trần Bá Mộng Hằng, bố tôi đẻ ra, là cháu nội của ông tôi… sao lại “ngoại tộc”, sao lại không được có mặt trong cuốn sổ ghi tên người trong họ? Bố tôi cười mỗi lần chúng tôi hỏi, và chính ông cũng không thể giải thích được, chỉ nói xưa nay thế rồi, từ tận đời nào đã thế rồi…

Thấy chúng tôi về, ông trưởng họ mừng lắm. Ông mời các chi trưởng, nhánh trưởng cùng các bậc cao niên trong họ tới rồi lôi trong tủ ra hai cuốn gia phả với hai thứ tiếng. Một cuốn chữ Hán, cũ kĩ, một cuốn mới được dịch ra tiếng Việt. Cuốn này được tục biên từ độ bốn năm nay. Theo ghi chép, thì thủy tổ của dòng họ Trần Bá là một viên võ tướng tài ba của Chúa Trịnh thời Trịnh - Nguyễn phân tranh. Sau nhiều trận giao chiến kịch liệt máu chảy đầy đồng, thây trôi đầy sông của quan lính đôi bên, ông thấy đau buồn quá, bèn cùng mấy kẻ thủ túc bỏ trốn. Họ đi ngày đi đêm suốt mấy hôm, thì đến một miền rừng, bèn trú lại lập nghiệp rồi dần dà tạo nên làng xã có được như bây giờ.

- Thế cuốn gia phả có từ cái thời ấy à bố? - Thằng San nhe hàm răng sún ra hỏi.

- Chắc phải lâu sau này cơ, nhưng thời nào thì không biết.

Cây phả hệ dòng họ Trần Bá rườm rà chi nhánh được ghi rất khoa học. Mọi người cùng ông trưởng họ dò một lúc thì tìm thấy vị trí còn bỏ trống dành cho chúng tôi. Khăn áo chỉnh tề, ông trưởng họ khấn trước bàn thờ tổ, đại khái dòng họ Trần Bá có hai trai đinh sống ở ngoại quốc nay về xin được đưa vào gia phả. Ông dâng cuốn gia phả lên thưa trình một lúc rồi quay lui, trên ban thờ mâm cỗ cúng nghi ngút khói hương. Ông lui ra dắt chúng tôi bước tới ban thờ khấn vái một lúc, rồi trịnh trọng đặt bút ghi danh anh em chúng tôi vào gia phả với nét chữ nghiêng nghiêng rất đẹp theo lối xưa như thể chỉ có ông mới xứng đáng được cầm bút viết vào cuốn sổ. Sau đó ông đứng dậy tuyên bố:

- Dòng họ Trần Bá chúng ta nay có thêm hai trai đinh là Trần Bá Tùng và Trần Bá San cháu cố ông Trần Bá Phấn, con ông Trần Bá Phùng đã được đưa vào gia phả.

Ông giải thích thêm rằng theo phép tắc thì trẻ trai lên năm đã được ghi danh nhưng do điều kiện ở xa xôi nên đến nay Trần Bá Tùng đã mười sáu tuổi, Trần Bá San bảy tuổi mới được nhập sổ.

Mọi người uống rượu mừng chúng tôi có tên trong gia phả rồi chia tay.




Ba ngày sau, lúc bố con chúng tôi đang ở chơi nhà một người quen trên phố thì nghe hung tin ông trưởng họ chẳng may bị tai nạn giao thông rất nặng đã được đưa lên bệnh viện tỉnh. Chúng tôi chạy ngay tới thì thấy tình hình rất nguy kịch. Ông trưởng họ bị xe công nông tông phải, gãy xương đùi và rách nặng mấy chỗ, mất máu nhiều. Vấn đề bây giờ là phải có máu để truyền, mà bệnh nhân lại thuộc nhóm máu hiếm. Theo giải thích của bác sĩ tôi hiểu lờ mờ là con người ta số đông thuộc các nhóm máu A, B, AB và O nhờ có tố chất gì đó; rất ít người vì không có tố chất ấy nên thuộc nhóm máu hiếm với cái tên gọi bằng tiếng Anh tôi chưa bao giờ nghe. Đại khái tình hình rất nguy kịch, gấp gáp. Trong ngân hàng máu của bệnh viện từ lâu không có nhóm máu hiếm, giờ chỉ còn trông vào người nhà may ra có ai cùng nhóm máu đó không. Thế là mọi người có mặt ở đó đều được thử máu, nhưng không ai có! Vậy là bó tay!

Trong lúc các bác sĩ đi rửa tay còn người nhà ngồi ôm nhau khóc thì chị Mộng Hằng đến. Do theo bạn bè, chị đến chậm mất một lúc. Vị bác sĩ trưởng khoa liền gọi ngay Mộng Hằng đi thử máu. Một lúc sau, ông vội vàng chạy tới nói cô gái nầy có cùng nhóm máu với bệnh nhân Trần Bá Đổng. Thật không? Mọi người mở to mắt. Ông bác sĩ không nói gì, bỏ đi, và một lúc sau thì mọi chuyện được tiến hành nhanh chóng: Họ lấy máu chị tôi kịp thời truyền cho bệnh nhân; và không nói bạn đọc cũng hiểu là ông trưởng họ vô cùng khả kính và tội nghiệp của chúng tôi đã được cứu sống! Thật hú vía!

Truyện ngắn của Hoàng Thái Sơn

THAO THỨC TIẾNG RAO KHUYA


Hàng rong thì thời nào cũng có và hầu như hiện diện ở bất kỳ địa phương nào. Bài viết này tôi chỉ muốn nhắc nhớ những kỷ niệm về những gánh, những xe bán thức ăn, uống bình dân rong ruỗi về đêm. Ở khu xóm tôi sống từ thuở bé cho đến trung học, nhớ nhất ba người theo nghề bán hàng rong, có tuổi nghề hơn hai mươi năm…

Một ông bán bánh mì, cứ khoảng 8 giờ tối là đạp xe ngang với tiếng rao “Bánh mì… nóng đây!”. Một giỏ cần xé khá lớn phía sau đựng bánh mì, đậy giữ nóng bên trên là lớp bao vải trắng, loại bao bột mì. Ông đạp chầm chậm, có khi dừng lại một chút bên cột đèn chờ khách. Ban đêm trời lạnh mau xót ruột, người trong xóm cũng thường mua ăn chơi. Sau này ông có được cái cát-sét loa rè rè, lúc nào cũng để phát các bài vọng cổ xưa do danh ca Út Trà Ôn, Út Bạch Lan… hát. Ngồi nhà nghe giọng ca văng vẳng từ xa tới gần, rồi lại xa dần theo vòng quay bánh xe, man mác dư âm còn vọng. Ông bán bánh mì hai cữ, tối và sáng sớm, đều đặn từng ngày. Thời gian sau thấy vắng ông, hỏi ra mới biết sức khỏe ông sút kém nên con cháu không cho đi bán nữa…

Một bà bán chè đậu đen đường cát rất ngon, bọn trẻ chúng tôi gọi là bà Bảy. Cô con gái duy nhất của bà thường gánh phụ mẹ tới ngã tư ra phố chợ. Gánh chè xuất phát lúc vừa đỏ đèn nên khu xóm ít ai ăn. Bà bán tới khuya, gần 10 giờ mới về lại. Bữa nào còn thức, nghe tiếng rao “Ai ăn chè đậu đen đường cát… hôn…” thì biết bà bán ế, còn chè. Mua một chén, ngồi bên gánh ăn, thấm thía hương vị thơm, ngọt từ hột đậu đen bùi bùi. Tôi biết gánh chè này đâu chừng mươi năm thì bà Bảy mất. Cô con gái tiếp tục bán một thời gian ngắn, một thân một mình, sau đó dời nhà đi đâu không rõ. Những đêm mưa, tôi ngồi trước hàng hiên hay vẩn vơ nhớ tiếng rao của bà, mùi chè đậu đen, nhớ dáng gầy gầy liêu xiêu hắt bóng dưới ngọn đèn đường vàng úa…

Một ông tuổi gần bảy mươi bán bánh dừa nhân tôm thịt, có dịp ăn một lần thì không thể quên cái ngon đặc biệt. Có thể nói chắc, cả thị xã hồi ấy chỉ một mình ông bán loại bánh này, với bí quyết, kinh nghiệm riêng khó bắt chước. Ông gói bánh bằng lá dứa gai. Sáng nào cũng đạp xe lên xã Bình Công cách nhà gần 5 cây số, tìm gò hoang rọc lá dứa gai. Nhìn hai bàn tay ông lúc nào cũng có vết cắt, xây xác bởi gai đâm. Trời tối một lúc thì ông đạp xe ngang xóm, một bao cà-ròn bánh dừa nóng cột sau xe, tiếng rao quen thuộc “Ai… bánh dừa tôm thịt… bánh dừa…”. Hai tiếng “bánh dừa” đệm sau nghe như lên giọng, như nhấn mạnh điệp khúc rao hàng có trầm, có bổng. Bánh nóng, thơm, khách ăn một cái chưa hết, ngước thấy ông dợm đạp xe vội kêu lấy thêm vài cái nữa chút ăn tiếp. Ông tà tà vừa đạp xe vừa rao, mỗi con phố ít khi ông qua hai lần, khách quên đón thì chờ đêm sau. Ông mất đột ngột, khách đến viếng bùi ngùi nhìn chiếc xe đạp cũ dựng cạnh mớ bao, liềm dùng cắt lá dứa gai…

Kỷ niệm tuổi thơ cho dù đã trôi qua rất lâu, nhưng không hề mất. Thỉnh thoảng ký ức quay về, lòng tôi lại bồi hồi tiếng rao khuya, thao thức…

Nguyễn Kim