Thứ Hai, 4 tháng 11, 2013

Nữ nhi ngoại tộc






Chuyến về quê này của bố con tôi ngoài việc thăm lại bà con họ hàng còn có một việc rất trọng đại. Chả là mấy năm rồi, ông trưởng họ đã năm lần bảy lượt nhắc bố tôi rằng phải cho thằng Tùng và thằng San về để nhập gia phả dòng họ, chứ đứa nào đứa ấy to ngồng cả rồi mà tên tuổi vẫn để trống trong cuốn gia phả đã lâu. Nghe thế, anh em chúng tôi rất lấy làm buồn cười, bởi không có tên trong gia phả dòng họ thì có ảnh hưởng gì đến mọi chuyện. Chúng tôi sống nơi xứ người văn minh, thật không thể hình dung nổi tầm quan trọng của vấn đề như ông trưởng họ luôn gay gắt nhắc bố tôi; còn bố tôi thì không thể không nghe lời ông trưởng họ, dù năm nay ông mới ngoại ngũ tuần, cùng lứa tác với bố tôi nhưng theo vai vế thì bố tôi phải gọi ông bằng ông và với chúng tôi thì đã là bậc cố.

Chuyến đi khá vất vả, phải sắp xếp mãi, vì công việc, lại còn vì chuyện kinh tế, cuối cùng mẹ tôi ở lại để bốn cha con về quê. Trong bốn người, thì riêng chị Mộng Hằng là đơn thuần đi chơi, còn tôi và thằng San là nhân vật chính, bởi dòng họ tôi có truyền thống chỉ ghi gia phả những đứa con trai thôi, con gái bị xem là “nữ nhi ngoại tộc” nên không thể có tên trong gia phả! Thật buồn cười, thật không thể hiểu nổi. Vì sao đàn bà con gái lại không có tên trong gia phả, mặc dù đều cùng dòng máu cả đấy thôi? Gia phả ghi “Trần Bá phả tộc” rành rành, bố tôi kể vậy, thế vì sao chị tôi, Trần Bá Mộng Hằng, bố tôi đẻ ra, là cháu nội của ông tôi… sao lại “ngoại tộc”, sao lại không được có mặt trong cuốn sổ ghi tên người trong họ? Bố tôi cười mỗi lần chúng tôi hỏi, và chính ông cũng không thể giải thích được, chỉ nói xưa nay thế rồi, từ tận đời nào đã thế rồi…

Thấy chúng tôi về, ông trưởng họ mừng lắm. Ông mời các chi trưởng, nhánh trưởng cùng các bậc cao niên trong họ tới rồi lôi trong tủ ra hai cuốn gia phả với hai thứ tiếng. Một cuốn chữ Hán, cũ kĩ, một cuốn mới được dịch ra tiếng Việt. Cuốn này được tục biên từ độ bốn năm nay. Theo ghi chép, thì thủy tổ của dòng họ Trần Bá là một viên võ tướng tài ba của Chúa Trịnh thời Trịnh - Nguyễn phân tranh. Sau nhiều trận giao chiến kịch liệt máu chảy đầy đồng, thây trôi đầy sông của quan lính đôi bên, ông thấy đau buồn quá, bèn cùng mấy kẻ thủ túc bỏ trốn. Họ đi ngày đi đêm suốt mấy hôm, thì đến một miền rừng, bèn trú lại lập nghiệp rồi dần dà tạo nên làng xã có được như bây giờ.

- Thế cuốn gia phả có từ cái thời ấy à bố? - Thằng San nhe hàm răng sún ra hỏi.

- Chắc phải lâu sau này cơ, nhưng thời nào thì không biết.

Cây phả hệ dòng họ Trần Bá rườm rà chi nhánh được ghi rất khoa học. Mọi người cùng ông trưởng họ dò một lúc thì tìm thấy vị trí còn bỏ trống dành cho chúng tôi. Khăn áo chỉnh tề, ông trưởng họ khấn trước bàn thờ tổ, đại khái dòng họ Trần Bá có hai trai đinh sống ở ngoại quốc nay về xin được đưa vào gia phả. Ông dâng cuốn gia phả lên thưa trình một lúc rồi quay lui, trên ban thờ mâm cỗ cúng nghi ngút khói hương. Ông lui ra dắt chúng tôi bước tới ban thờ khấn vái một lúc, rồi trịnh trọng đặt bút ghi danh anh em chúng tôi vào gia phả với nét chữ nghiêng nghiêng rất đẹp theo lối xưa như thể chỉ có ông mới xứng đáng được cầm bút viết vào cuốn sổ. Sau đó ông đứng dậy tuyên bố:

- Dòng họ Trần Bá chúng ta nay có thêm hai trai đinh là Trần Bá Tùng và Trần Bá San cháu cố ông Trần Bá Phấn, con ông Trần Bá Phùng đã được đưa vào gia phả.

Ông giải thích thêm rằng theo phép tắc thì trẻ trai lên năm đã được ghi danh nhưng do điều kiện ở xa xôi nên đến nay Trần Bá Tùng đã mười sáu tuổi, Trần Bá San bảy tuổi mới được nhập sổ.

Mọi người uống rượu mừng chúng tôi có tên trong gia phả rồi chia tay.




Ba ngày sau, lúc bố con chúng tôi đang ở chơi nhà một người quen trên phố thì nghe hung tin ông trưởng họ chẳng may bị tai nạn giao thông rất nặng đã được đưa lên bệnh viện tỉnh. Chúng tôi chạy ngay tới thì thấy tình hình rất nguy kịch. Ông trưởng họ bị xe công nông tông phải, gãy xương đùi và rách nặng mấy chỗ, mất máu nhiều. Vấn đề bây giờ là phải có máu để truyền, mà bệnh nhân lại thuộc nhóm máu hiếm. Theo giải thích của bác sĩ tôi hiểu lờ mờ là con người ta số đông thuộc các nhóm máu A, B, AB và O nhờ có tố chất gì đó; rất ít người vì không có tố chất ấy nên thuộc nhóm máu hiếm với cái tên gọi bằng tiếng Anh tôi chưa bao giờ nghe. Đại khái tình hình rất nguy kịch, gấp gáp. Trong ngân hàng máu của bệnh viện từ lâu không có nhóm máu hiếm, giờ chỉ còn trông vào người nhà may ra có ai cùng nhóm máu đó không. Thế là mọi người có mặt ở đó đều được thử máu, nhưng không ai có! Vậy là bó tay!

Trong lúc các bác sĩ đi rửa tay còn người nhà ngồi ôm nhau khóc thì chị Mộng Hằng đến. Do theo bạn bè, chị đến chậm mất một lúc. Vị bác sĩ trưởng khoa liền gọi ngay Mộng Hằng đi thử máu. Một lúc sau, ông vội vàng chạy tới nói cô gái nầy có cùng nhóm máu với bệnh nhân Trần Bá Đổng. Thật không? Mọi người mở to mắt. Ông bác sĩ không nói gì, bỏ đi, và một lúc sau thì mọi chuyện được tiến hành nhanh chóng: Họ lấy máu chị tôi kịp thời truyền cho bệnh nhân; và không nói bạn đọc cũng hiểu là ông trưởng họ vô cùng khả kính và tội nghiệp của chúng tôi đã được cứu sống! Thật hú vía!

Truyện ngắn của Hoàng Thái Sơn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét