Chủ Nhật, 20 tháng 10, 2013

Tự truyện một người vô tích sự


Nguyễn Xuân Hoàng


Trong đời sống, mất mát nhiều hơn là thu nhận. Cây lúa sẽ không trổ bông, nếu trước đó nó không chết đi. Hãy sinh động một cách không mệt mỏi, nhìn về tương lai và nuôi dưỡng bằng những nguồn dự trữ sống chất chứa từ trí nhớ và sự lãng quên. - BORIS PASTERNAK


Tôi là đứa con thứ mười hai trong một gia đình mười ba anh chị em. Mười ba người con trong một gia đình, con số ấy đâu có nhỏ, phải không? Nhưng biết làm sao! Có ai trên đời này được quyền chọn nơi chốn, gia đình hay dân tộc để chào đời đâu. Tóm lại, tôi là một người Việt Nam ra đời ở miền Trung, trong thời chiến, dưới một mái nhà “đông dân” và “kinh tế gia cảnh” đang hồi sa sút.

Phải nói là nhà tôi đông người quá, đông đến nỗi tôi không thể nào nhớ hết tất cả những anh chị em của tôi. Cha tôi, má tôi, đôi ba ông anh, đôi ba bà chị, một vài cô em… chỉ chừng đó người thôi cũng đủ nằm chật trong ký ức tôi rồi.

Vậy thì, có lẽ, tôi chỉ xin nói trước một đôi điều về đôi ba người trong gia đình tôi thôi. Tôi nghĩ rằng khi vẽ lại chân dung những người thân thích ruột thịt của mình, tôi cũng đã tự vẽ phần nào chân dung mình. Tuy có hơi nhợt nhạt, nhưng chắc là sẽ không xa sự thực lắm đâu!

Cha tôi, tất nhiên đó là người mà tôi muốn nhắc đến trước nhất trong bản tự truyện này. Ông cao lớn, quắc thước, vạm vỡ. Ngay giờ đây, khi hồi tưởng lại hình ảnh của ông, điều mà tôi có thể nhìn thấy lại trước nhất và rõ nhất là đôi mắt của ông. Đôi mắt ấy đầy thần lực, hơi lạnh và có một vẻ gì như tàn nhẫn. Khi nhìn ai, đôi mắt kia như phát ra một mệnh lệnh buộc họ phải phục tùng. Rất nhiều màu nâu đen, rất ít lòng trắng, đôi mắt ấy khá gần với loài hổ báo. Cũng có khi tôi tưởng đôi mắt ấy là con dao cau phạt ngang, có thể cắt đứt cổ tôi như chơi.

Tôi rất sợ cha tôi. Và tôi không biết rõ lòng mình là có bao giờ tôi yêu ông không.

Má tôi thường nói cha tôi là một con sâu rượu. Quả thật, ông uống như hũ chìm và không bao giờ tôi thấy ông say. “Tao mà say rượu à, rượu say tao thì có!” Cha tôi nhiều lần nói như vậy.

Mỗi ngày bốn bận, cha tôi uống rượu theo chu kỳ “sáng – trưa - chiều - tối”. Sáng uống theo lối sáng, chiều uống theo kiểu chiều. Sáng đánh răng súc miệng, uống ít thôi. Tối cần giấc ngủ, uống khá khá được. Trưa, chiều thì tùy hứng.

Má tôi nói rượu là độc được. Cha tôi nói rượu là thuốc an thần. Cha tôi tích trữ rượu. Má tôi giấu rượu. Cha tôi ít nói khi đã uống nhiều. Và má tôi không phải là loại đàn bà lắm lời.

Nói chung, gia đình tôi đông, nhưng buồn và lạnh. Chúng tôi cử động, ăn uống, đi lại, học hành, trò chuyện như những người khách trọ trong một căn nhà nấu cơm tháng.

Có một thời gian, tuy hơi bất ngờ, nhưng mà cũng ngắn thôi, tôi thấy cha tôi không uống rượu nữa. “Sáng – trưa - chiều - tối” ông chỉ uống trà. Cái thói quen mà ông không thay đổi, đó là bao giờ cũng thức dậy sớm hơn tất cả mọi người trong nhà. Ông nấu nước trong một chiếc ấm màu đen quánh, pha trà trong một bình đất nung màu đỏ gạch cua bóng lưỡng, và uống trong một cái chén nhỏ cũng bằng đất nung da màu lông thỏ đỏ. Cái chén ấy ông trang trọng gọi nó là Thố Hào Trản. Cha tôi rất quý cái chén này. Có lúc tôi nghĩ là ông quý nó còn hơn đứa con của ông là tôi nữa. Ông thường đem khoe với mấy người bạn của ông cái chén đất và nói rằng nó xưa lắm, “bảy trăm năm tuổi đấy!”. Nếu đời sống con người chỉ kéo dài có năm mươi năm thôi thì cái chén này đã áp vào môi của mười bốn đời người. Nó “chạm” đến bảy thế kỷ của nhân loại. Có lần tôi hỏi ông tại sao cha biết cái chén này xưa tới bảy trăm năm. Ông nói chính một ông bạn làm quản thủ công nhựt ở viện bảo tàng vườn Bách Thảo Sài Gòn nói như vậy.

“Cha à! Ông ta căn cứ vào đâu mà nói như vậy?”

“Tao không biết, nhưng tao tin ông ấy. Ông ta là một nhà chơi đồ cổ lừng danh. Lời ông ông ấy rất có giá trị.”

“Nhưng tại sao bảy trăm năm thì quý?”
“Cái gì trên cõi đời này mà lâu đời đều quý cả.”


Tôi biết cha tôi trả lời lấy lệ. Và tôi vẫn không tin là hễ cái gì lâu đời cũng đều quý cả.

Nhưng đột nhiên, cũng bất ngờ như lần chừa rượu, ông bỏ trà không một lời báo hiệu. Tôi nhìn thấy cái chén đất nung, da màu lông thỏ đỏ, nằm lăn lóc dưới gầm tủ; bình trà bỏ ở góc nhà; còn cái ấm đất màu đen quánh nằm ở chái hiên.

Ông uống rượu trở lại.

Thời gian sau đó rất tình cờ có lần tôi nghe ông nói “mấy cái thằng ăn không ngồi rồi, dư tiền dư của, bày đặt chén Tiểu Tống với Đại Tống, Thán Hào Trổ với Thố Hào Trản!” Theo ông, rượu tốt hơn trà, và cái quan trọng chính là “nội dung” chứ không phải là cái “hình thức”. Chén nào cũng được, rượu là đủ.

Tôi không giống cha tôi về mặt này.

Tôi uống rượu nhưng không mê rượu.

*

Má tôi là một phụ nữ có cái chiều cao “hơi cao” so với chiều cao trung bình của một phụ nữ Việt Nam. Da trắng, tóc đốm màu bạch kim, mũi cao nhỏ, mắt xanh hơi nghịch ngợm, cái vẻ bề ngoài của bà nổi bật giữa những người phụ nữ Việt Nam. Những buổi đi học về, tôi thường chui xuống bếp với má tôi và đôi khi cả bà chị kế tôi cũng xuống bếp theo. Thỉnh thoảng, bà kể cho chúng tôi nghe về những mảnh đời của cha tôi. Chấp vá lại những câu chuyện hở đầu hụt đuôi của bà, tôi hình dung ra cuộc đời của ông, bằng cách thêm mắm dặm muối cho nó liền lạc.

Là thủy thủ của những thương thuyền, cha tôi trôi nổi từ hải cảng này sang thương cảng khác. Nay Hồng Kông mai Tân Gia Ba, mốt Marseille, bữa kia Amsterdam… ông như một con cá mập giang hồ vẫy vùng giữa trời và nước. Những hình xâm xanh lè còn đầy trên chiếc ngực vạm vỡ và lông lá của ông, cùng với dòng chữ lăn quăn trên hai cánh tay ông, làm chứng cho những lời nói của má tôi. Trước khi lấy bà, cha tôi đã có một đời vợ. Mẹ trước tôi là một phụ nữ Pháp, tên Suzanne, sinh trưởng ở Marseille, thành phố mà đã có thời cha tôi tưởng chừng sẽ chôn chân vĩnh viễn lại đó như quê hương thứ hai. Nhưng cũng theo lời má tôi kể, ông phải bỏ đi vì một chuyện “lỡ tay” của ông. Một hôm ông bước vào quán rượu quen, gọi thức uống như thường lệ, nhưng chờ mãi vẫn không thấy người bồi mang lại, trong khi đó thì tên chủ quán người Pháp cứ đi ra đi vào ngó ông khinh khỉnh. Ông sốt ruột, nắm cổ áo hắn hỏi tại sao. Hắn nói ở đây không có chỗ cho một dân “Mít”. Ông giận điên lên, quật tên chủ quán xuống sàn nhà và tấn công hắn bằng một thế võ cực kỳ hiểm độc. Tên chủ quán chết không kịp lời trối trăn. Để trốn tránh pháp luật, ông dắt bà Suzanne chạy lên Paris. Paris đâu phải đất sống của ông. Ông quẩy đuôi trở lại sông hồ, bỏ lại thành phố ánh sáng lộng lẫy kia người đàn bà với một giọt máu của ông. Sau này, vẫn theo lời kể của má tôi, có lần bà Suzanne gửi thư cho cha tôi nói về giọt máu rơi của ông nay đã là một thiếu nữ tên Marthe. Má tôi muốn tự tay biên thư cho bà Suzanne, nhưng cha tôi không bằng lòng. Ông nói đó là chuyện của ông, má tôi không được xen vào. Chị Marthe của tôi có thời nổi tiếng là một trong số những người mẫu lừng danh của Paris. Người ta gọi chị là Marthe Nuyen (lẽ ra phải viết là Marthe Nguyễn mới đúng, nhưng chuyện này đâu có ăn nhằm gì). Tôi biết chi tiết này vì lúc hơi lớn một chút có lần tình cờ tôi nhìn thấy trong cuốn nhật ký của bà chị kế tôi có một tấm ảnh in hình một cô gái Pháp ăn mặc thật đẹp như một tài tử điện ảnh. Sau lưng tấm ảnh là lời đề tặng cho cha tôi có chữ ký rất rõ là Marthe Nuyen. Nhật ký của chị nói rằng Marthe làm nghề người mẫu. Và cha tôi biên thư phản đối bà Suzanne tại sao để con tự do làm nghề này. Nghề người mẫu thì đâu có gì là xấu, nhưng tôi không hiểu tại sao cha tôi nói vậy. Cho đến bây giờ, thật tình mà nói, tôi không biết gì nhiều hơn về người chị có cùng chung với tôi một người cha này. Bỏ Paris, cha tôi đi Hương Cảng, lại theo một số tàu buôn khác, lại giang hồ kỳ hiệp, nay thương cảng này, mai hải cảng kia. Đó là thời gian cha tôi gặp má tôi.

*

Bà là người Trung Hoa, nhưng có dòng máu của dân Hồng Mao. Bà thường nhắc đến ông ngoại tôi một cách kính cẩn như nhắc đến một vị thần đầy quyền lực: “Ông ngoại con không phải là người phàm. Ổng là con nhà quý tộc chớ không phải dân giang hồ tứ chiếng như cha mày đâu.”

“Má, con nhà quý tộc thì sao?” Tôi hỏi.

“Dân quý tộc không lấy con nhà thường dân.”
“Vậy sao má chịu lấy cha?”

“Không biết! Đừng nhiều chuyện! Nhưng má thích tụi con ăn học đàng hoàng, hơn là lang bạt kỳ hồ.”

Bà không muốn chúng tôi giống cái thời tuổi trẻ của cha. Ước muốn của bà, sau này, tôi thấy hình như không đạt được bao nhiêu phần trăm.

Ông ngoại tôi người Bắc Kinh, con một gia đình quyền quý có chức phận, được gởi sang Anh du học. Ông lấy một phụ nữ người Anh và sinh ra má tôi. Không hiểu vì sao ông bỏ bà ngoại tôi ở lại Luân Đôn, về nước chỉ mang theo cô con gái là má tôi. Nhưng rồi, ông cũng không nuôi má tôi. Ông đem gửi bà cho một gia đình người Hoa khác ở Hương Cảng, cung cấp ít tiền bạc và thỉnh thoảng mới đến thăm bà. Cuộc tình duyên giữa má tôi và cha tôi ra sao, không ai trong đám con cái chúng tôi biết. Mà má tôi cũng không bao giờ hé môi nói rõ tại sao một thiếu nữ “con nhà quan xinh đẹp thế kia” (tôi vẫn luôn luôn nghĩ má tôi là người đàn bà đẹp nhất mà tôi đã gặp trong đời) lại đi phải lòng một người đàn ông giang hồ như cha tôi. Dù sao khi tôi bắt đầu nhận ra mình là đứa con của một gia đình đông đảo, tôi có thể nói má tôi là ngưòi đàn bà tần tảo lo cho chồng cho con trong cái xã hội bình thường của chúng ta. Quần quật suốt ngày với con cái nhà cửa, chạy ăn từng bữa, tất tả, ngược xuôi, đắp cái này, vá cái kia, nhưng không bao giờ thấy bà hé răng kêu một lời than thở. Về ngôn ngữ, tôi không biết nói sao cho đúng. Má tôi nói tiếng Hoa cũng sõi như tiếng Việt. Phần tôi, tôi chỉ ăn cắp được của má tôi và cha tôi một chút chiều cao của thân thể, nhưng tiếc thay, tôi không lấy được một tí nào về sự chịu đựng lớn lao của bà và cái cang cường dũng cảm của cha.

Tuy vậy hình như tôi là một đứa con được má nuông chiều quá đáng trong một gia đình đông đúc. Cha tôi lạnh lùng. Anh chị em tôi dửng dưng. Nhiều khi tôi có cảm tưởng như chẳng có sợi dây gia tộc nào ràng buộc được chúng tôi lại với nhau.

Nói nào ngay, mấy ông anh bà chị tôi không ai ghét bỏ tôi, nhưng hình như cũng không ai yêu tôi. Riêng tôi, tôi nghĩ là mình thù ghét tất cả mọi người, trừ một người, tất nhiên, đó là má tôi. Tôi đâu có cần gì phải làm ra vẻ lạnh lùng. Tôi có thừa sự nhạt nhẽo để có thể chia xẻ cho tất cả mọi người. Cái phần ấm áp, tôi chỉ dành riêng cho mỗi một mình má tôi.

Thật ra, chị Thảo tôi, mà tôi có lần nói rất giống má tôi, là người mà tôi cũng yêu lắm, gần bằng tình yêu mà tôi đã dành cho má tôi. Nhưng giữa chị và tôi có một khoảng cách vô hình. Không bao giờ hai chị em tôi nói với nhau quá câu thứ hai mà không cãi nhau. Đúng với cái tên mà má tôi đã đặt cho chị, chị là một thứ cỏ hoang mọc trên một vùng đất khô cằn là cái gia đình tàn tạ của chúng tôi. Và cái sắc đẹp man dại của chị làm cho má tôi lo lắng buồn bã hơn là làm cho bà hãnh diện mừng vui. Chị Thảo là một kết hợp kỳ lạ giữa cha tôi và má tôi. Chị có cái nhan sắc của má tôi và cũng có cái lạnh lùng đôi khi tàn nhẫn của cha tôi.

Năm mười bảy tuổi, chị bị một tên thanh niên con nhà giàu trên tỉnh theo đuổi. Hắn mang tặng chị hết món này đến thứ khác, toàn là loại đắt tiền. Lúc đầu chị cười cợt, coi như trò đùa. Về sau chị vất tất cả những thứ ấy ra cửa. Hắn tên là T. và theo chủ quan tôi, lúc ấy hắn là một thanh niên khá đẹp trai. Cao lớn, để ria mép, ăn mặc chải chuốt, hắn đẹp theo kiểu một công tử. Hắn khôn khéo, tìm mọi cách để chiều lòng mọi người trong nhà tôi. Kín đáo mang rượu đến cho cha tôi mỗi tuần, tặng vải vóc cho má tôi, đồ chơi cho tôi và các em tôi. T. đi lòng vòng chung quanh trước khi chinh phục tâm điểm là chị Thảo tôi. Tôi có cảm tưởng như nếu bắt hắn phải quỳ xuống để xin chị Thảo chút tình yêu, chắc hắn cũng sẵn sàng không do dự. Nhưng chị Thảo nhất mực không hề cảm động hay thương hại hắn nói gì đến thương yêu. Tôi không biết là lúc đó chị có đang yêu người nào không. Hình như là không. Thật ra tôi cũng không chắc lắm. Nhưng rõ ràng là chị vất cái thứ tình yêu đầy quy lụy, say đắm và mù quáng của T. xuống cống rãnh. Nhiều buổi chiều, tôi thấy T. đứng bứt rứt bên kia đường, dưới gốc cây muồng hoa vàng nghệ, ngó chăm vào nhà tôi. Hắn đau khổ thấy rõ. Và thú thật, tôi có thương hại hắn. Tôi thấy chị Thảo tàn nhẫn. Cha tôi không giờ uống một giọt rượu của T. Còn má tôi vào những ngày năm cùng tháng tận, cần mua sắm ít vải may quần áo mới cho chúng tôi, vậy mà bà cũng nhất quyết gói gửi trả tất cả vải vóc lại cho T. Một lần cha tôi cho gọi T. vào nhà, rót rượu cho hắn uống. T. nói không biết uống rượu. Cha tôi bảo “Nam vô tửu như kỳ vô phong” đàn ông không uống rượu như cờ không gió. Hắn nhìn cha tôi như cầu khẩn. Cha tôi cụng ly. T. bưng lên nốc cạn một hơi. “Khá!” cha tôi nói, và rót tiếp một ly thứ hai. Cứ thế hết ly này đến ly khác. Khi cha tôi đứng dậy, T. ói thóc ói tháo, đầu gục xuống bàn, người mềm như sợi bún.

Khi người Pháp trở lại Việt Nam sau cuộc chiến, T. làm thông ngôn trong một tiểu đoàn Lê dương. Hắn lúc bấy giờ nổi tiếng như một hung thần. Nhiều người đã chết dưới tay hắn. T. háo sắc đến độ gần như vùng nào mà tiểu đoàn hắn đi qua đều có vài ba thiếu nữ là nạn nhân của hắn. Đi bên cạnh T. luôn luôn có hai tên lính người Ma Rốc rạch mặt. Nhiều cô gái sau khi bị hãm hiếp, còn bị tên Ma Rốc dùng dao cắt vú và đâm nát cửa mình.

Thời gian này gia đình tôi đã tan thành nhiều mảnh. Tôi theo cha tôi chạy lên Hòn Lớn, một địa danh ở miền Trung, nằm dưới chân một ngọn núi khô cằn, nhà cửa giống như những căn chòi cất vội vàng trên một nền đất chưa được phẳng. Tiếng súng còn khá xa chỗ ở của cha con tôi.

Lúc đó, tiểu đoàn của T. đang bố ráp càn quét ở một vùng quê khác, nơi má tôi và chị Thảo đang ẩn náu. Sau này má tôi kể lại: Một buổi tối T. xông vào nhà với hai tên lính Ma Rốc rạch mặt. Hắn ung dung ngồi hút thuốc để hai tên Ma Rốc đè chị Thảo ra cột lên giường và trói má tôi chặt vào cột nhà. Ở thôn quê hồi đó, phòng khách, phòng ngủ, phòng ăn chỉ là một. Má tôi hãi sợ lắm. Hắn hỏi chị Thảo:

“Em có bằng lòng lấy tôi không?”
“Không!” Chị trả lời.
“Tại sao?”
“Không tại sao gì cả.”
“Chừng nào mới chịu lấy tôi?”
“Không chừng nào hết!”
“Sợ tôi không?”
“Tại sao phải sợ?” Chị Thảo hỏi lại ương ngạnh.

T. rút khẩu súng ngắn đeo ở thắt lưng ra, kê vào đầu chị, nhắc lại một lần nữa. Chị Thảo không nhìn hắn. Má tôi la lên, sợ T. bắn thật. Hắn tát vào mặt má tôi. Xong hắn xé quần áo chị Thảo ra, hãm hiếp chị ngay trước mắt chừng ấy con người. Lúc đó, má tôi nói, hắn như một con thú say mồi. Má tôi phát bệnh nặng sau khi chứng kiến cái cảnh tượng hãi hùng giáng xuống đời chị Thảo. Chị Thảo, sau tai nạn khủng khiếp kia, âm thầm bỏ má tôi đi biệt vô âm tín. Mặc dù chỉ nghe lời kể của má tôi về những hành động dã man của tên T., tôi không bao giờ quên hắn. Tôi sẽ nhắc hắn ở đoạn sau.

Phần tôi, kể từ khi bắt đầu va chạm cuộc sống, tôi khám phá ra rằng con người ta không thể nào sống mà thiếu người khác được. Tôi thấy tôi là kẻ đói tình thương trong một gia đình thừa mứa những liên hệ ruột thịt. Nói giản dị, khi tôi nhận thấy mình cần một bà chị như kiểu chị Thảo để yêu mến thì chị ấy không còn trong gia đình nữa. Có lẽ là chị ấy vẫn còn sống đâu đó mà không muốn trở về gia đình chăng, tôi không rõ.

Tôi giữ lại trong trái tim mình hai người anh. Một ông anh cả và một người anh kế.

*

Anh cả tôi bỏ nhà đi giang hồ khi mới mười bốn tuổi. Năm đó tôi chưa chào đời. Má tôi nói anh đi Sài Gòn. Sau đó là Cà Mau, Rạch Giá, Năm Căn, Cần Thơ, Châu Đốc… Có lần trong bữa cơm má tôi nói anh mày ở Vạn tượng bên Lào mới gửi thư và tiền về cho má. Lần khác trả lời câu hỏi của chị Thảo, má nói anh cả đang ở Savanakhet. Khi cha tôi bỏ trà, liệng lăn lóc cái Thố Hào Trản, là lúc ông nói anh đang ở đồn điền Chup bên Nam Vang, Căm bốt. Nói chung là tôi rất lơ mơ về nơi ăn chốn ở của anh ấy. Còn mặt mũi của anh ra sao thì mãi lâu về sau tôi mới có dịp nhìn thấy.

Người anh kế tôi, tuy cao lớn, nhưng dáng người thanh nhã. Ấy vậy mà khi vừa đậu xong cái bằng tú tài toán anh đã chọn đời lính như một nghề nghiệp. Anh thi vào trường Võ Bị Đà Lạt nhưng khi ra trường chuyển sang binh chủng Không Quân. Khi Sài Gòn thất thủ, anh đang mang lon trung tá, bị bắt đi học tập cải tạo và chết trong lao tù Cộng Sản. Anh là người lính ưa văn chương chữ nghĩa. Anh có nhiều bạn là nhà văn nhà thơ, mặc dù anh không hề viết một truyện ngắn hay làm một bài thơ nào. Sở dĩ tôi có biết mặt quen tên một ông nhà văn, một bà nhà thơ nào đó, chẳng qua cũng là do ông anh tôi dắt về nhà thôi. Anh che chở cho một nhạc sĩ trốn lính, bỏ tiền trợ cấp cho một bà ca sĩ có bầu “với ai đó”. Anh luôn luôn hào hoa rộng lượng. Tôi thích nhìn anh trong bộ đồ bay, chữ Tổ Quốc Không Gian trên ngực áo, chiếc nón lưỡi trai che ngang cặp kính Ray Ban rất là thời thượng. Anh có nhiều bạn gái, phần lớn là ca sĩ phòng trà, và anh không yêu một cô nào quá lâu. Anh nói với tôi anh không có tình yêu. Mãi đến năm Bảy Hai, sau mùa hè đỏ lửa, trước ngày má tôi qua đời, anh báo tin cho tôi biết là anh quyết định lấy vợ. Chị là một cô giáo dạy Vạn Vật và là người rất xa lạ với thế giới đầy buông thả của anh. Nếu cái vẻ hào hoa phong nhã của anh là thứ vũ khí sắc bén chinh phục các cô ca sĩ thì khi gặp chị, vũ khí ấy trở thành thừa thãi, vô hiệu. Chị nói chị lấy anh vì tánh thật thà của anh, chứ không phải vì “cái mã bề ngoài” của anh. Hôn nhân đã ép anh vào một khuôn khổ, không kẽ hở. Nhà cửa, vợ con, gia đình, hàng xóm đâu ra đấy. Anh không còn luông tuồng như xưa nữa. “Tình yêu có thật!” Anh vẫn nói với tôi như vậy khi đã có với chị một đứa con. Tuy vậy mỗi khi có dịp về Sài Gòn, anh như một con cá gặp nước. Bạn bè, ăn nhậu, nhẩy nhót như điên. Vũ nữ, ca sĩ, phòng trà, âm nhạc, rượu chè… anh sống vội vã như thể ngày mai trái đất này sẽ trở thành tro bụi. Tuy vậy có lần anh nghiêm chỉnh nói với tôi rằng không biết cuộc chiến tranh này rồi sẽ đi về đâu. Có nhiều điều anh không hiểu. Tình hình chính trị ngày càng xấu. Các thành phố lớn có vẻ như co rúm lại. Chiến tranh đâu chỉ có ở một mặt trận, nó nằm cùng khắp đất nước thành thị, thôn quê, ruộng vườn rừng núi. Ngay trong hơi thở ta, trên da thịt ta, trong thành phố hiền lành chiến tranh cũng đầy chật. Anh nói đến những ánh đèn nhấp nháy của nhà cửa làng mạc, nói đến rừng núi sông ngòi… những nơi anh đã bay qua. Anh nói đến những đám mây như những tảng bông trắng xốp, đến bầu trời xanh lơ mênh mông. Anh thích nhà văn phi công người Pháp, ông Saint Exupéry trong tác phẩm Terre Des Hommes. Và câu nói của một nhân vật trong cuốn sách này ám ảnh anh là: “Cái mà mình đã làm, mình nói thật, không một con vật nào làm được.” Anh muốn có cái cơ hội thử thách điều đó.

Khi hay tin anh chết trong lao tù cải tạo, nhớ đến lời nói của anh, tôi tự nghĩ không biết anh đã chiêm nghiệm ra điều ấy hay chưa.

Nghĩ cũng hay, một gia đình đông đảo đến là như thế mà chiến tranh đến, chiến tranh đi, vô tình cướp mất của tôi lúc này một ít ông anh, lúc kia một ít bà chị, để rồi rút cục con rắn dài mười ba khúc chỉ còn lại có khúc đầu, khúc giữa và khúc đuôi.

Tôi muốn giới thiệu về ông anh cả tôi trước khi nói tiếp về ông anh trung tá.

*

Cũng giống như cha tôi, anh cả tôi cao lớn vạm vỡ khác thường. Anh có một khuôn mặt bạnh, chân mày rậm xếch, mũi to, miệng rộng, cằm vuông, râu quai nón, đen sạm. Một vết sẹo dài chạy từ khóe mắt đến mang tai. Mắt anh không lớn nhưng lì lợm và dữ dằn như mắt cha tôi. Tóc anh xoắn chảy xuống gần phía ót một chùm mịn quăn tít. Cổ anh tròn cứng, vai ngang, hai bàn tay to lớn phốp pháp. Trên khuôn mặt anh, người ta có thể nhìn thấy một sự kết hợp kỳ lạ, mâu thuẫn đến tuyệt vời giữa sự cứng rắn và mềm mại, dễ ghét và dễ thương, hận thù và thân ái… Tất cả những hình nét mà tôi có thể vẽ được về anh chỉ là nhờ vào những tấm ảnh anh gửi về cho má tôi. Tôi còn nhớ Tết Nguyên Đán một năm nào đó, lần đầu tiên tôi giáp mặt anh. Tôi thấy những đường nét mà tôi đã hình dung về anh là không xa lắm. Hồi đó tôi mới bốn tuổi, má tôi bắt tôi ra mừng anh ở xa mới về. Tôi đứng nép bên má nhìn anh, thấy anh tưởng như một người đã quen nhau từ lâu lắm. Nhưng tôi không chào anh. Anh là người quen trong trí tưởng tôi, hơn là người anh có mặt trong đời sống thực tôi. Anh ở nhà không lâu và lại ra đi hồi nào tôi cũng không nhớ. Tôi chỉ biết thời gian đó gia đình tôi tạm coi như sum họp nhất, mặc dù lạnh lẽo vẫn là khí hậu chính của mọi người. In hình như là trong nhà ai cũng linh cảm sắp có một điều chi đó xảy ra, như chờ đợi một cơn bão vậy. Và tôi thấy người anh cả tôi lúc ấy rất quan tâm đến chị Thảo. Anh nói chuyện khá lâu với chị và loáng thoáng tôi nghe nhắc đến tên T., người thanh niên vẫn theo đuổi chị. Một buổi tối, cả nhà ngồi quanh bàn ăn, cha tôi gợi chuyện để anh cả tôi kể những biến cố đời anh. Anh cười, hàm râu quai nón giãn ra như một ông tây con. Anh nói ít, cũng như má tôi vậy, về nơi ăn chốn ở của anh: rừng cao su, những người phu được mộ từ miền Bắc, những tên chủ đồn điền người Pháp hách dịch phách lối, cách tra tấn dã man những người trốn việc mà bọn cai vẫn thường đối xử với đám phu phen… Anh kể chậm rãi về nhiều người, nhiều việc, nhưng không ai biết chút gì thêm về đời tư của anh. Khi anh đứng dậy thì thầm với chị Thảo điều gì đó, cha tôi tuyên bố một câu khó hiểu: “Thằng này giống tao!” Về sau tôi biết là anh đã “làm thịt” một tên cai phu tàn ác vì hắn hành hạ dã man một người phu đồn điền.

Một năm sau, Cách mạng Tháng Tám bùng nổ trên toàn quốc, anh tôi bị con lốc thời cuộc cuốn theo, thổi bay từ núi rừng này sang núi rừng khác, mặt trận, chiến khu, và biệt tích biệt tăm, cho đến sau tai nạn buồn thảm của chị Thảo tôi.

Tôi quên nói là sau khi trái lựu đạn nội hóa đầu tiên nổ tung trong một ngày mùa Thu ngay trước cửa nhà tôi thì gia đình tôi giống như một tổ ong bị vỡ. Chúng tôi, những con ong bay tán loạn, tơi tả, lạc loài, vô định. Má tôi và chị Thảo một đàng, các ông anh bà chị khác một ngõ. Chỉ có riêng mình tôi, theo cha chạy qua những làng xa tận cùng một chân núi. Tôi biết những cánh đồng xanh lá mạ, những vườn xoài vườn mận, những hệ thống dẫn thủy nhập điền thô lậu, những con sông dài phơi mình ngái ngủ giữa trưa hay trôi lặng lẽ dưới bóng trăng đêm… Tôi được thấy những đàn bò gậm cỏ buồn nản, những con trâu lười biếng trầm mình dưới đầm nước tù ngầu đục… Nhưng cuộc chiến ngày một đuổi nà những người thành phố. Tiếng súng lúc đầu còn xa, càng về sau càng gần hơn. Trước mặt chúng tôi là ruộng vườn, thôn xóm. Sau lưng chúng tôi là núi đá, rừng cây. Cùng đường rồi, chạy đi đâu nữa. Cha tôi nói như vậy. Và ông vừa làm tiều phu, vừa làm nhà nông. Cha tôi nói đất đai chỉ nuôi sống che chở những ai yêu nó, sống với nó, làm việc với nó. Cha tôi là một người tháo vát. Ông nói tận trong máu huyết của mỗi người Việt Nam đều có chứa đựng dòng máu của một nông dân. Đây là thời gian cha tôi trở lại với ấm trà và chén đất. Không còn cái Thố Hào Trản của thời Đại Tống Tiểu Tống gì đó, mà một ông bạn già của cha tôi từng nói. Chén đất nung thứ thiệt màu đỏ gạch cua, cha tôi làm lấy. Ông vẫn là người dậy sớm, nấu ấm trà. Và tôi trở thành người bạn hiền bé nhỏ đối ẩm cùng ông. Cuộc sống của hai cha con tôi nơi sơn cùng thủy tận hạnh phúc một cách bắt buộc. Cha tôi nhắc má tôi và chị Thảo ít hơn là nhắc đến hai ông anh tôi. Cho đến một hôm, một người liên lạc đến báo cho cha tôi biết anh cả tôi ở chiến khu về muốn gặp ông. Tôi mừng lắm. Nhưng cha tôi trầm ngâm không nói chi. Tôi còn nhớ cuộc gặp gỡ của chúng tôi diễn ra dưới chái hiên của căn chòi lợp lá phên. Buổi chiều ở núi lạnh tê. Anh tôi đứng trước sân căn chòi. Vẫn cao lớn, hơi gầy, râu cạo nhẵn, tóc vẫn xoăn tít bám sát da đầu. Vết sẹo dài từ khóe mắt trái đến mang tai. Cha tôi và tôi đứng dưới dàn bầu nậm. Tôi hết nhìn anh lại nhìn cha. Anh gầy càng giống cha nhiều hơn. Hai người đàn ông đứng im sững như hai người thợ săn đang rình mồi, nhìn ngó nhau trân trân. Tôi thấy những đốm sáng cuối cùng của ngày lóng lánh trong đôi mắt anh. Sau cùng, tôi nghe thấy tiếng cha tôi kêu tên anh trai tôi. Tối hôm đó, ba chúng tôi ăn cơm chung bên bếp lửa. Cơm trộn bắp chan nước mắm bằng nước muối pha đường thẻ. Bữa cơm rất ngon miệng, mặc dù tôi đã quá ngấy với những hột bắp nhiều hơn gạo trong chén cơm. Anh ôm tôi vào lòng, lấy khẩu súng ngắn ở thắt lưng ra, tháo đạn, cho tôi mượn. Anh đọc cho tôi nghe một bài thơ của một tác giả mà sau này tôi biết là Quang Dũng:


Mẹ tôi em có gặp đâu không
Những xác già nua ngập cánh đồng



Đó là những câu thơ mà tôi sẽ còn nhớ mãi. Một lúc, anh ngập ngừng nói với cha:

“Con đã gặp thằng T.!”

“Thằng T.?” Cha tôi hỏi gặng. “Mà ở đâu?”

“Ở Tân Hưng. Gần Gò Quít, cha nhớ không?”

“Nhớ. Rồi sao?”

“Con hỏi nó có biết con là ai không? Nó nói biết. Con hỏi nó sợ không? Nó nói không…”


Anh ngừng lại, trầm ngâm.

“Cha biết con đã làm điều gì phải làm cho em Thảo.”

Cha tôi im lặng rót trà vào chén đất, uống một hơi cạn.

Sáng hôm sau, khi tôi thức dậy, anh đã ra đi từ hồi nào. Cả cha tôi nữa, ông cũng đã vào rừng đốn cây làm thêm phên cửa, sửa vách và dành củi cho mùa đông.

Người anh sinh trước tôi vài năm, cũng như tôi, lớn lên cuộc chiến tranh Việt Nam đi vào một khúc quanh khác. Người Pháp đã ra đi sau khi thất thủ Điện Biên Phủ. Người Mỹ vừa đến, Quốc trưởng Bảo Đại bị truất phế, Tổng Thống Ngô Đình Diệm và nền Đệ Nhất Cộng Hòa thành lập. Gia đình mười ba anh em chúng tôi chỉ còn cô út ở nhà với má tôi. Anh cả tôi cũng như chị Thảo đều biệt tăm. Ông anh kế của tôi theo học trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt. Còn tôi, sau đó vào Quang Trung rồi đi Thủ Đức. Chế độ Ngô Đình Diệm sụp đổ. Các tướng lãnh thay nhau cầm quyền. Cha tôi qua đời đúng vào dịp Tết Mậu Thân. Bốn năm sau má tôi cũng “đi theo”, khi một tay nhà báo Pháp viết về “đại lộ kinh hoàng” ở Quảng Trị, nơi người bạn Thủy Quân Lục Chiến của tôi làm bài thơ Cổ Thành tặng tôi trước khi hy sinh. Cô em gái út nhà tôi lấy chồng. Ngôi nhà tôi ở đã bán. Tôi là người lính sống ở văn phòng nhiều hơn chiến trường. Tôi luôn luôn là kẻ được nuông chiều trong một xã hội không phải ai cũng may mắn được như thế. Ông anh Không Quân của tôi tuy vẫn hào hoa bay bướm, nhưng là một người cha gương mẫu, một người chồng tốt. Anh được bạn bè đồng đội quý mến và quả tình anh cũng rất yêu mến con đường anh đi. Một lần chúng tôi gặp nhau ở Sài Gòn, anh nhắc tên người anh lớn và chị Thảo của chúng tôi. Không biết bây giờ anh chị ấy ở đâu, ra sao. Sống chết thế nào. Anh nói chiến tranh ghê tởm và anh hỏi tôi nghĩ sao. Tôi nghĩ sao? Tôi là một người vô tích sự. Nhưng bây giờ hiểu ra, tôi yêu tất cả mọi người. Tôi không thù ghét ai. Người anh Không Quân của tôi cũng nói vậy. Anh chờ đợi và mong muốn hòa bình. Anh nói anh không phải là một nhà chính trị, nhưng anh tin rằng anh chiến đấu cho tự do của dân tộc. Anh nói anh không hề mù quáng nghĩ rằng anh đang sống trong một xã hội tốt đẹp, nhưng anh tin rằng anh đang chiến đấu trong một xã hội để làm cho nó tốt hơn cái hiện có.

*

Tháng Tư Bảy Lăm, Sài Gòn thất thủ, trong “những người chiến thắng” trở về có ông anh cả tôi, nay là một cán bộ chức sắc, một thứ công thần. Anh có tìm gặp tôi trước ngày tôi bị gọi đi học tập cải tạo. Tôi thấy anh khác xưa nhiều. Vết sẹo trên mặt có vẻ như nhạt đi, những bắp thịt gân guốc đã mất. Anh gầy và trầm ngâm. Anh không gặp người anh Không Quân của tôi. Tôi không nghe anh giải thích tại sao. Cô em út của chúng tôi đã theo chồng rời bỏ Sài Gòn trong một ngày áp chót của cuộc chiến. Tôi không hiểu tại sao có phương tiện trong tay mà người anh Không Quân của tôi không ra đi. Cũng như những sĩ quan thua trận cấp úy khác, tôi thu xếp ít quần áo và lương thực cho mười ngày học tập. Nói là mười ngày, nhưng ba năm sau tôi mới được trở về, khi ông anh Không Quân của tôi vẫn còn ở lại trong một trại cải tạo ngoài Bắc. Ra tù tôi sống lang thang làm đủ thứ nghề, đi khắp mọi nơi, nhưng tôi vẫn không gặp và không nghe chút tin tức gì về chị Thảo tôi. Làm như chị là một người không có thực trong gia đình tôi.

Ông anh cả tôi sau đó có đến thăm tôi trên một lần nữa, sau khi tôi vượt biên bị bắt ở Rạch Giá vừa được thả về. Ông nói đừng làm chuyện bá láp, vượt biên là phản quốc. Đó là thời gian chế độ mới đánh tư sản, đổi tiền. Ông nói học tập cải tạo là rất tốt cho những đầu óc vô tích sự như tôi. Phải như thế thì tôi mới “sáng mắt sáng lòng” ra được. Mãi đến năm thứ mười sau ngày Sài Gòn thất thủ tôi mới vượt biên thông suốt. Tôi đến được Pulau Bidong, trong một chuyến đi không đến nỗi bi thảm như những người khác. Tôi luôn luôn là một người may mắn. Một năm sau nhờ sự bảo lãnh của cô em út, tôi được Mỹ nhận cho định cư.

Khi còn ở đảo tôi hay tin người anh lính Không Quân đã chết trong trại giam. Ông anh cả tôi cũng không còn nữa. Một lá thư từ bên nhà gửi qua cho biết ông ấy chết hơi khác thường: tự tử bằng một viên đạn bắn qua đầu. Qua thư từ tôi biết thêm sau khi ông đi thăm người anh lính Không Quân bị bệnh nặng nằm chờ chết trở về, ông đã chọn cái chết của chính mình như một cách nói lời tuyệt vọng. Mười năm sau khi lấn chiếm miền Nam, đất nước ngày càng tan nát, đời sống người dân ngày càng xuống thấp, trong khi máu mủ ruột thịt bỏ đi xa hay vẫn còn nằm trong lao tù của chế độ mà mình phục vụ, có lẽ đã là động cơ thúc đẩy họng súng quay về phía ông. Đôi khi tôi nghĩ cái lẽ sống mới quan trọng hơn sự sống. Có phải vì thế mà ông anh cả tôi hành động kiểu đó chăng? Đó là tôi suy nghĩ vậy, chớ tôi không chắc lắm đâu.

Hôm qua tôi vừa được thư bà chị dâu từ Cabramatta Úc Đại Lợi gửi sang cho hay chị đã lập gia đình. Người chồng chị hiện nay cũng là một người Việt Nam. Hai vợ chồng mở một tiệm ăn. Cả hai mời tôi có dịp sang chơi, sẽ đài thọ vé máy bay và nơi ăn chốn ở.

Tôi không biên thư trả lời. Tôi gọi điện thoại viễn liên chúc mừng chị. Tôi nói muốn đón các cháu sang Mỹ chơi. Chị hứa.

Đời sống ở Mỹ thật tiện nghi. Tôi đủ ăn đủ mặc và tôi giàu tự do. Tuy nhiên vào những buổi sáng cuối tuần, đi bách bộ trong khu công viên Mile Square Park ở Quận Cam, tôi như thấy mình đang trở lại thời sống với cha ở một vùng núi miền Trung, và văng vẳng bên tai vẫn như còn nghe lời cha nói: “Thằng này đúng là đồ vô tích sự!”

Buổi sáng sớm rừng còn đầy sương mù, gió thổi luồn qua những vòm cây lạnh. Trên những ngọn cây cao, tôi nghe tiếng chim kêu từng hồi. Giẫm trên những ngọn cỏ ướt sương, bập bập điếu thuốc lá chưa kịp khô, tôi thấy mình già hẳn. Như giờ đây, gần bốn mươi năm sau tôi thấy tôi mới già bằng thuở đó./.

Cách kiểm duyệt báo chí của Đức


Bạn tin rằng nước Đức có quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận và điều đó được ghi trong luật pháp và hiến pháp?
Đúng như vậy đó!
Nhưng, giới truyền thông Đức thực thi quyền của họ tới đâu?

MỘT SỐ NGƯỜI THÍCH THƠ*



WISLAWA SZYMBORSKA

MỘT SỐ NGƯỜI THÍCH THƠ*



Một số người –
nghĩa là không phải tất cả.
Cũng chẳng phải nhiều người trong số đó mà chỉ một ít.
Không tính trường học, nếu phải kể thêm vào,
và bản thân các nhà thơ,
rốt cuộc có lẽ còn chừng hai phần nghìn.

Thích –
nhưng người ta cũng thích món miến gà,
thích những lời khen tặng hoặc màu xanh trời biển,
thích chiếc khăn quấn cổ cũ,
thích chứng minh quan điểm của mình,
và thích vuốt rờ con chó.

Thơ –
nhưng thơ là cái gì kia chứ?
Hơn một câu trả lời lạng quạng
đã sụp đổ từ ngày vấn đề ấy nổi lên.
Nhưng tôi tiếp tục tránh các giải đáp
và bám vào sự không biết
như một tay vịn cầu thang cứu mạng.



* Bài thơ này được dịch và in trên hai tạp chí New Yorker, (Oct. 21&28, 1996, bản dịch Loanna Trzeciak); và The New Republic, (Oct. 28, 1996, bản dịch Baránczak và Cavanagh).





NHỮNG ĐỨA CON THỜI ĐẠI



Chúng ta là con đẻ của thời đại mình,
một thời đại chính trị.

Suốt ngày, suốt đêm,
mọi sự việc - của các bạn, của chúng ta, của họ -
đều là việc chính trị.


Dù thích hay không,
trong chủng gen bạn có quá khứ chính trị,
lớp da bạn, hình hài chính trị,
cặp mắt bạn, độ xếch chính trị.


Bất cứ điều gì bạn nói sẽ vọng vang,
bất kể điều gì bạn không nói tự nó sẽ nói lên.
Đàng nào bạn cũng đã phát ngôn chính trị.


Dù bạn có lánh vào rừng,
bước chân bạn vẫn chọn lựa chính trị
trên cái nền chính trị.

Những bài thơ phi chính trị cũng là chính trị,
bên trên chúng ta lung linh một nguyệt cầu
chẳng còn thuần túy là trăng.
To be or not to be, đấy là vấn đề.
Và dù có gây ra trục trặc tiêu hóa,
mãi mãi nó vẫn là vấn đề chính trị.

Để sở hữu một ý nghĩa chính trị
ta không nhất thiết phải là con người.
Nguyên vật liệu thay vào cũng được,
hay chất đạm chăn nuôi và dầu thô,
hoặc cái bàn hội nghị
người ta mất nhiều tháng để tranh cãi
về hình dạng mặt bàn:
Ta có nên thương thảo chuyện sống còn
quanh cái bàn tròn hay cái bàn vuông?

Trong lúc đó, thiên hạ cứ chết,
thú vật ngủm,
nhà cửa bốc cháy,
và khắp ruộng đồng cỏ dại gai góc mọc
chẳng khác chi những thuở xa xưa
ít mang tính chính trị như bây giờ.



CHẲNG CÓ GÌ BIẾU KHÔNG


Chẳng có gì biếu không, mọi thứ đều mượn tạm.
Tôi đang ngập mặt trong nợ nần.
Tôi phải mang thân tôi ra trả nợ cho mình,
hy sinh đời tôi để chuộc lại đời tôi.

Cách thức hoàn trả như sau:
Trái tim có thể thu hồi lại,
Lá gan cũng vậy,
và từng ngón chân ngón tay.

Trễ rồi, không thể xé các điều kiện nợ,
những món nợ của mình tôi sẽ trả,
và tôi sẽ bị lột sạch,
nói chính xác hơn là sẽ bị trấn lột.

Tôi quanh quẩn địa cầu
giữa rừng con nợ chen chúc.
Có một đám oằn lưng gánh món nợ
phải trả cho cặp cánh.
Bọn khác, dù muốn dù không,
từng chiếc lá cũng không được quịt.

Từng cơ từng mô trong ta
đều thiếu nợ.
Không có cọng vòi hay râu phấn nào
là sở hữu của chúng ta.

Danh sách kiểm kê, chi tiết cực kỳ,
qui kết rằng rốt cục không chỉ trắng tay
mà chúng ta còn bị lấy mất bàn tay.

Tôi không thể nhớ
ở đâu, khi nào, và vì sao
tôi đã để cho ai đó
mở trương mục dưới tên mình.

Linh hồn là sự phản đối chống lại các thứ nợ này.
Và đó là món duy nhất
không nằm trong danh sách.




CHÂN PHƯƠNG dịch từ bản Anh ngữ của Baránzak và Cavanagh, POEMS, NEW & COLLECTED,1998.







Tiểu Sử : Wislawa Szymborska sinh năm 1923 ở Prowenta-Brin. Học ngữ văn Ba Lan và xã hội học tại Đại học Jagiellorian University ở kinh đô xưa Cracow. Sau tập thơ đầu tay xuất bản năm 1952 Chúng Tôi Sống Là Vì Thế, nữ thi sĩ lần lượt cho ra đời sáu thi phẩm quan trọng khác. Ngoài thơ ra, bà còn viết báo, điểm sách và dịch thơ Pháp. Được nhiều giải thưởng, giải Văn học Cracow (1954), giải thưởng Nhà nước Ba Lan (1955) và giải thưởng Nobel Văn Chương 1996. Những năm cuối đời bà về sống ở Cracow, cố đô xưa và cũng là cái nôi của văn học Ba-Lan. Bà mất tại đây ngày 1 tháng 2 năm 2012.



Thứ Bảy, 19 tháng 10, 2013

Nhấn F5


Thơ Trần Mai Hường




Nhấn F5
Em đã nhấn F5
Thoát?
Bắt đầu?

Đừng hoang mang tình người thất lạc nơi đâu
Đừng hoảng loạn trước dối lừa đố kỵ
“Người làm xiếc đi trên dây rất khó
Nhưng chưa khó bằng làm nhà văn…” *

Em đã nhấn F5
Khi biết mình không thể…

Thôi cứ giả câm
Thôi đành giả điếc
Đọc đời bằng lặng im

Nhấn F5
Điều tưởng giản đơn
Nhưng thực ra
Đâu dễ.

* Thơ Phùng Quán







Từ thơ khôn dại chữ người


Ngang trời rớt một tên anh
Nghe chênh vênh những phong thanh mơ hồ

Nhớ nào
chạm nhớ vu vơ
Đốt miền chay tịnh
bằng mùa xanh non

Em riêng mang những khuyết tròn
Tìm trong ảo ảnh màu son mới vừa...

Cuối chiều
đếm giọt nắng thưa
Thương mình ngơ ngẩn
đêm thừa mình đêm

Biển ơi sóng khát giấc mềm
Ta ơi buồn đã đẫm mèm mắt môi

Từ thơ khôn dại chữ người
Từ em bao khuyết tròn rơi
Không tròn…



Ngôi sao lạc và trái xanh không chín


Tưởng sẽ độc hành trên đường trần khúc khuỷu
bất ngờ anh rơi
như ngôi sao lạc phá tan những tĩnh lặng ngủ yên
từ đâu không còn ta nữa
nỗi nhớ hiện về vây kín bước chân đêm.

Nỗi nhớ trêu ngươi năm tháng êm đềm
những tháng năm nguyện hóa thân làm cánh sóng
mặc cát bỏng dưới chân
mặc trên đầu ngằn ngặt nắng
bờ mong manh ta ẩn dật lâu rồi.

Ngăn chặn kịp không ta ơi
bao dự cảm dịu dàng chảy về phục sinh từng thời khắc
ta cuống cuồng loay hoay sắp đặt
giấu biệt chênh chao bằng phép thuật tàng hình.

Biết giấu vào đâu con chữ đa tình
ta vốn sợ cuộc chiến tranh chữ nghĩa
sâu thẳm trong ta ngút ngàn bản thể
tiếng gào thét tỷ tỷ hành tinh xé rách thiên hà.

Dặn mình tất cả sẽ qua con chim khôn ngoan cũng có giây bay lạc
bầu trời kia lại vắt trong tiếng hát
nhấn thăm thẳm xoáy chìm trong se thắt môi run.

Trái xanh mỗi ngày lại xanh hơn - không ai biết trái dằn lòng không chín.

Thứ Sáu, 18 tháng 10, 2013

Thiếu nữ gốc Việt được vinh danh “Người trẻ của năm” tại Mỹ


Danielle Nguyễn - cô gái gốc Việt 18 tuổi đã được nhận giải thưởng “Người trẻ của năm” do quận Chatsworth, Los Angeles (Mỹ) bình chọn.



Danielle Nguyễn trong buổi lễ vinh danh



Danielle Nguyễn đã được Trường Trung học Chatsworth High đề cử vào danh sách và đã được Hội đồng quận bình chọn. Với vai trò Phó Chủ tịch Hội Học sinh Trường Chatswworth, Danielle Nguyễn đã thực hiện tất cả những chương trình dành cho khóa tốt nghiệp 2013, kể cả tổ chức họp ban lãnh đạo hàng tuần, sắp đặt những buổi gây quỹ giúp học sinh lớp 12 trang trải các chi phí sinh hoạt trong năm, trợ giúp trong các chương trình thể thao.

Danielle Nguyễn còn giúp lập kế hoạch và tổ chức các sự kiện của nhà trường rất thành công. Danielle còn là một vận động viên quần vợt trong đội tuyển của trường. Ngoài ra, Danielle còn là Chủ tịch Hội đồng Thiếu niên tại Thư viện Chatsworth. Cô cũng làm việc bán thời gian tại một nhà hàng của gia đình và hoạt động tình nguyện cho Hội Chữ thập đỏ của Mỹ và Hội bệnh bạch cầu.

Ngoài Danielle Nguyễn, ông Robert Dager cũng được vinh danh là “Công dân của năm”. Tối 17/5 vừa qua, một buổi lễ vinh danh họ đã diễn ra, Thị trưởng Antonio Villaraigosa của Los Angeles, Nghị viên Mitch Englander, Giám sát viên quận Michael Antonovich, và Dân biểu Brad Shermanv đã trao bằng khen cho Danielle Nguyễn và ông Robert Dager.


DanViet




Con sư tử kiêu hùng và ngạo mạn



Bầy thú vật mừng vui trong đêm tối
Chúng mơ mộng về một ngày sáng tươi
Với linh dương - là gặm cỏ thảnh thơi
Với linh cẩu - thịt linh dương tươi rói…







Con sư tử kiêu hùng và ngạo mạn
Là chúa tể của sa mạc mênh mông
Thần dân là loài linh cẩu, linh dương
Dành cho nó sự nể vì vô hạn

Thịt linh dương là khẩu phần sư tử
Linh dương gặm cỏ, linh cẩu ăn thịt thừa
Bốn mùa yên ổn theo luật thiên nhiên
Cho tới khi lũ kền kền bay đến

Gặp bầy đàn linh dương, kền kền nói:
“Sự tự do là quà tặng muôn loài
Kiêu hãnh như loài linh dương các ngươi
Sao phục tùng kẻ chuyên quyền vô lối?”

Gặp linh cẩu, lũ kền kền lại nói:
“Sự bình đẳng là lẽ phải muôn loài
Cao quý như loài linh cẩu các ngươi
Lẽ nào đành cam chịu ăn thịt thối?”

Lời đường mật của kền kền khôn lỏi
Làm mê mẩn những con vật ngu ngơ
Chúng tin tưởng một cách đầy ngây thơ
Ách sư tử chính chuyên cần lật đổ

Biết chuyện này, sư tử đầy thịnh nộ
Thét gầm vang như sấm để thị uy
Nhưng quyền lực chúa tể đã tàn suy
Bầy nổi dậy kéo đến hang sư tử

Chúng chiến đấu vì tự do, bình đẳng
Bằng gọng kìm sắt thép của hàm răng
Và cặp sừng nhọn hoắt như dao găm
Theo tiếng gọi của kền kền háu đói

Cuộc tử chiến diễn ra đầy khiếp đảm
Vuốt sư tử vung lên như lưỡi gươm
Nanh sư tử cắm ngập đến tận xương
Xác lũ vật đáng thương nằm chất đống

Những con vật nổi loạn không nao núng
Dồn sư tử vào vách đá tựa lưng
Máu nhuộm đỏ trên bộ lông oai hùng
Con sư tử khốn cùng dần kiệt sức

Đòn cuối cùng, loài kền kền hiểm ác
Chiếc mỏ khoằm của chúng cắm thật sâu
Vào vết thương trên lồng ngực đớn đau
Trái tim sư tử vỡ toang, ngừng đập…

Bầy thú vật mừng vui trong đêm tối
Chúng mơ mộng về một ngày sáng tươi
Với linh dương - là gặm cỏ thảnh thơi
Với linh cẩu - thịt linh dương tươi rói…

Trên những xác chết bốc mùi hôi thối
Loài kền kền no bụng hả hê cười

nguồn : Tuổi trẻ hải ngoại

Mùi hương để nhớ

 Truyện ngắn của Tuệ An



.Cô cầm lần lượt những chai lọ đựng chất mùi lên tay. Mắt nhắm hờ, hít hà mùi hương thoang thoảng tỏa ra rất nhẹ bên ngoài nắp chai.
Trên tay cô là mùi gỗ đỏ ngọt ấm và đáng tin. Cô nhớ tới Hiệp. Dù thực sự thì anh chẳng đáng tin lắm. Nhưng khi ngồi sau xe anh, cô chỉ muốn vùi mặt mình vào tấm lưng mà hít hà cái mùi trầm nam tính này. Yêu Hiệp. Lúc đó cô mới mười bảy tuổi, không hiểu tại sao, và mơ mộng tin rằng người ta yêu nhau không vì bất cứ lý do nào. Hai mươi năm sau, đã đi qua nhiều thăng trầm tuổi trẻ, và đặc biệt quan trọng, cô lại làm nghề pha chế nước hoa, đôi khi cô nghĩ lại tình đầu và bật cười. Chà! Ngày ấy mình đã bị thứ mùi gỗ đỏ kia quyến rũ.
Những thứ mùi ma dụ kéo con người ta đi từ sai lầm này đến sai lầm khác. Khoảnh khắc ban đầu chỉ là một phút ấn tượng, rồi không thể điều khiển nổi cảm xúc, để rồi cứ vùi mặt vào cái ký ức mùi ấy.
Mùi hương gỗ đỏ là thứ mùi khiến cô nhớ đến cơ thể Hiệp, nhớ cái ấm nóng đầy nhiệt huyết của tuổi trẻ đã qua, và là cái cháy rát môi ngay giữa cơn mưa hè ào ạt quật rát mắt rát mũi anh khi đang chạy xe khiến cô xót xa tự trách mình. Mùi hương gỗ đỏ không thể nào quên được, thứ mùi khiến cô cảm giác mình phát ghen với những cô gái mang thoang thoảng trên làn da họ, cứ cảm tưởng như Hiệp đã hôn hít lên đó và để vương lại thứ mùi rất riêng anh.
Có những người không phân biệt được mùi, gọi là điếc mũi. Cô thấy thật tội nghiệp. Vì với cô, mùi là một trong những điều thú vị nhất của cuộc sống. Cũng như trò chơi của sắc màu mà thành hội họa, trò chơi của tiếng động mà thành âm nhạc, thì trò chơi của mùi, nó thành sự quyến rũ giữa người này và người khác.
Sau khi chia tay Hiệp, cô phải mất nửa năm để có thể cư xử rất bình thường trở lại, nhưng quên thì không bao giờ. Cô cũng chẳng ép mình phải quên đi bất cứ điều gì.
Cứ nhớ đi, và vẫn yêu lấy cái mùi hương gỗ đỏ của chính Hiệp. Thi thoảng lại thấy lòng mình se lại vì những thứ mùi khác nhắc tới, tình yêu tuổi trẻ, ngọt ngào lãng mạn chẳng khác gì phim Hàn. Có thể yêu nhau mấy năm đầu thơ trẻ không cần biết đến nụ hôn, có dạn dĩ lắm thì nắm tay nhau là đủ. (Bây giờ kể lại những đứa trẻ sau này chẳng đứa nào tin. Lạ.) Nhưng cái ngày ấy có nhiều kỷ niệm. Là mùi hương tràm ngan ngát, vàng vọt và buồn say. Kéo tuột cô về ngồi bên bờ nước với cái cần câu cá của Hiệp, tiếng cô nói cười rổn rảng và anh suỵt khẽ thôi. Là mùi hương dạ quỳnh dịu dịu e ấp, khi cô đã qua tuổi hai mươi, biết trau chuốt và dùng sự mềm mỏng để sai khiến người đàn ông của mình. Vào một đêm dạ quỳnh nở, bên ban công nhà, cô nhận lấy nụ hôn đầu rất nhẹ của anh.
Mùi hương để quyến rũ và để nhớ, khó có thể giúp giữ bền chặt được lâu nếu như chính bản thể của con người không muốn. Cô để anh đi khi cảm giác không còn tha thiết nữa. Lòng kiêu hãnh của một con gà mái xấu xí tưởng mình là phượng hoàng cũng biết tổn thương. Anh đi đi. Cô cười nhạt, giễu mình.
Tuổi hai lăm, cô biến mình thành kẻ bất cần, mặt lạnh lùng ngồi nghe rock, uống rum và hút thuốc. Vờ như không cần ai. Dối lòng. Mùi nồng của rum, nhân nhẩn khói thuốc quyện vào cái giọng ca lè nhè ngang phè của Kurt Cobain cứ như níu kéo dằng dây quá khứ với thực tại. Đã chết nửa đời trước và sẽ chết nửa đời sau, hiện tại nhấn chìm cô vào vũng nhớ. Khốn nạn. Sao anh lại để quá nhiều hương kỷ niệm vào ký ức cô như thế?
Rồi cô cũng đi qua, ai cũng có tình yêu tuổi trẻ cả. Đến rồi đi là lẽ thường tình. Điều gì đã qua, cho qua. Cô thường tự động viên mình bằng một trong bốn cái nguyên tắc tâm linh của người Ấn. Lại tự cười giễu mình, cô đang ép mình tin theo những nguyên tắc của họ dù cô đã từng ghét cay đắng cái xứ sở ấy. Dơ dáy, chậm tiến và duy tâm. Không. Đó chỉ là những cái cớ nghe tưởng chừng như hợp lý cho lý do ghét bỏ của cô thôi. Thực ra cái xứ sở của đủ các thứ mùi tinh dầu ấy đáng lẽ nó phải thu hút cô tới mới phải. Cái cớ chính đáng nhất, mà cô không thể hay không muốn giải thích, là nơi đó mà cô đã đánh mất Hiệp hay Hiệp đã đánh mất bản thân mình.
- Em chờ anh ở sân bay nhé.
- Không, em đừng ra. Ba anh đến đón rồi. Ngày mai chúng ta gặp nhau.
Ngày mai… Một tháng sau. Họ gặp nhau. Và chia tay dưới một cơn mưa rất nhẹ, nhẹ đủ để vẫn có thể đi không vội trong mưa và không ai biết cô đang khóc, kể cả anh.
Không còn tình yêu với một con người nhưng vẫn còn tình yêu với những mùi hương. Giờ thì những kỷ niệm buồn hay vui gì cô cũng thấy nó đẹp. Hương gỗ đỏ không có lỗi, hương dạ quỳnh không có lỗi, và hương tràm cũng thế. Chỉ có những câu chuyện dối trá tẩm ướp lên mùi hương chân thật mà đánh lừa người. Anh đi đi. Những lý tưởng của tuổi trẻ một ngày giật mình nhận ra là ảo tưởng. Đi bên nhau gần mười năm mà anh vẫn có thể ăn ở hai lòng. Thì thôi, tiếc làm gì?
Ngón tay cô vẫn còn vương mùi gỗ đỏ, nhưng đã vội cầm lên một lọ mùi khác, mát nhẹ và sang trọng. Long cho rằng thứ mùi này thể hiện đẳng cấp của những người đàn ông ba mươi, lịch thiệp và vừa đủ độ chín. Khi hít hà, cô không có cái cảm giác nồng ấm và lòng nhiệt thành như khi mười bảy, hai mươi muốn vùi mặt vào lưng Hiệp như trước. Có một khoảng cách vô hình nào đấy, ma mị và khiến người ta không chán nhau được. Họ cứ đi bên nhau và vẫn không hiểu tại sao. Đôi khi cần có một khoảng cách vừa đủ để giữ bền các mối quan hệ. Gần quá không nên, xa quá không nên, tùy người để mình giữ khoảng cách nào đó. Vừa đủ gần để mùi hương của mình bay tới quyến dụ, vừa đủ xa để không ai đoán được mùi gì, hãy giữ lấy bí mật về mùi cho riêng mình. Dùng mùi mà không biết cách thì thà đừng dùng mùi gì cả, cũng có những anh chàng mà chỉ tiếp xúc lần đầu cô đã phải bỏ chạy vì mùi hương quá liều đến nhức đầu trên người họ. Long là một anh chàng biết cách dùng mùi, như Hiệp, và biết cách tận hưởng cuộc sống. Rất sành.
- Anh nhớ em phát điên (anh nhắn qua điện thoại dù đang nằm bên cạnh một em khác.)
- Mình cưới nhau đi.
- Em đùa à?
- Không. Anh cưới em chứ?
- Anh chỉ mới ba mươi. Anh chưa sẵn sàng cho cuộc sống gia đình.
- Em có thai.
- Em đùa à?
- Không. Em không đùa.
- Bỏ đi.
- Vâng.
Cô im lặng. Đọc những dòng chữ trên máy. Những con chữ lẻ loi vô cùng tận. Anh vẫn đang nằm bên cạnh một cô gái khác và đã thôi nhớ đến phát điên bất cứ em nào.
Mùi hương này, mỗi khi thoảng thấy, cô lại nhớ tới người đàn ông mà cô đã lặng lẽ rời xa, người đàn ông đã biến cô thành bà mẹ đơn thân vào một ngày biển hè mát nhẹ.
- Mẹ ơi.
Chàng trai bé nhỏ mặc bộ đồ ngủ gọn gàng đứng kéo tấm váy cô. Cô cúi xuống bế con lên. Ngón tay chàng khẽ chạm vào mi mắt mẹ dỗ dành.
Chàng không bao giờ hỏi tại sao mẹ chàng lại khóc như những đứa trẻ bốn tuổi khác rơi vào trường hợp như thế. Có lẽ vì chàng đã thấy nước mắt mẹ lặng lẽ rơi như thế quá nhiều hay vì chàng đã lớn hơn những đứa bé cùng lứa.
 Cô dụi mặt vào ngực con rồi hôn hít chàng trai nhỏ của mình. Mùi sữa hơi khay ngọt trọn vẹn tỏa ra từ thân thể chàng. Cô cảm giác mình có ý nghĩa và trách nhiệm với cuộc sống hơn khi nghe mùi chàng.
Cô lần lượt cất những chai mùi vào tủ kính, những hương thơm đã làm mê lú cô từ thời thiếu nữ đến thanh xuân và vẫn còn dỗ dành cô những năm cuối ba mươi cho hết cuộc đời.
- Mẹ ơi.
Chàng trai của cô đói bụng. Cô bế con xuống bếp, đặt con ngồi vào bàn và nhanh chóng dọn ra món súp cho chàng. Cô nấu cho mình món bún mắm. Chàng ăn xong món súp, hít hà tiếp cái hương mắm thơm lừng trong gian bếp nhỏ ấm cúng.
- Mẹ ơi. San muốn ăn thêm.
Cô cười, chiều con, dọn thêm cho chàng một tô nhỏ bún mắm dù trước giờ sợ bụng trẻ con không lành nên cô ít dám cho con ăn mấy món kiểu này. Hai mẹ con sì sụp ăn. Mùi mặn mòi những ngày tuổi thơ phố biển, tóc vàng quạch cháy nắng vẫn còn vương vào miếng ớt cay nồng. Muỗng nước dùng mằn mặn đặc trưng mùi mắm. Chàng trai nhỏ ăn được vài miếng lại ngước lên nhìn mẹ cười tít mắt, nước dính lem nhem bên vành môi.
Mùi hiện tại là rất thật thà.
Để chẳng còn xót xa những mùi quá khứ.
Những gì đã qua, cho qua.

Giấc mơ cao cả.



Từ ngàn xưa, những bậc hiền nhân đã mơ về 1 tương lai thế giới đại đồng. Thế kỷ 17 - 18, trào lưu chủ nghĩa xã hội không tưởng sôi sục cả châu Âu, giới trí thức trẻ tuổi ngất ngây với giấc mơ kỳ vĩ & đầy lãng mạn này. Công xã Pari là phép thử cay đắng mà những người vô sản chia nhau uống cạn. Thế kỷ 19 sự ngột ngạt dâng lên cực điểm, các trường đại học không khí như thùng thuốc súng. Cuộc cách mạng chỉ chờ 1 mồi lửa là bùng lên cháy cả châu Âu, rung chuyển địa cầu.. Nhưng thay vì nổ ra ở Anh hoặc Đức, những nơi mà điều kiện chín muồi & lý tưởng nhất thì nó lại xảy ra ở Nga, nước bại trận trong thế chiến thứ nhất, trình độ công nghiệp thấp kém, giai cấp công nhân chỉ chiếm 15% dân số. Vậy mà những người vô sản đã làm nên điều kỳ diệu: - Điện khí hóa toàn quốc sau 12 năm cầm quyền.

Thiên hạ bảo, chủ nghĩa cộng sản là 1 hệ tư tưởng, 1 học thuyết, 1 nền tảng lý luận, 1 mô hình xã hội.. Riêng với tôi, nó là 1 giấc mơ cao cả & linh thiêng. Nó là giấc mơ của những tâm hồn trong sáng, thánh thiện & lãng mạn. Chỉ có những người như thế mới mơ được những giấc mơ về lẽ công bằng, bất vụ lợi & đầy nhân ái. Từ tấm bé, tôi đã say sưa cùng bước hành quân của những binh đoàn đỏ tả tơi rách rưới, đói khát & trang bị nghèo nàn băng qua sa mạc, thảo nguyên, đầm lầy để tìm đánh những quân đoàn bạch vệ béo tốt, no đủ & trang bị tận răng bởi vũ khí mới nhất của Anh, Mỹ.. Chất thép lung linh rạng ngời trong những đôi mắt quầng thâm & trũng sâu ấy đã truyền cho tôi ngọn lửa thần kỳ. Tôi tìm đọc tất cả những gì có liên quan đến 2 từ cộng sản, kể cả những điều nói xấu về nó. Ban đầu tôi hoài nghi, ngờ vực nhưng rồi sau những tìm hiểu - đối chứng các nguồn tư liệu khác nhau, tôi buồn bã thừa nhận hầu hết những phê phán ấy là đúng. Thế là tôi dốc sức tìm hiểu nguyên nhân vì sao những người cộng sản lại có cách xử sự lạ lùng như vậy. Những câu hỏi của tôi ko bao giờ nhận được câu trả lời của những người am hiểu chính trị tường tận nhất. Họ né tránh hoặc mắng át đi. Làm sao có thể hiểu nổi động cơ nào khiến Stalin ra quyết định đày nguyên soái Giucob đi Siberi (mãi sau này tôi mới biết, Stalin chỉ tin dùng những ai là người Gruzia, cùng quê của ông ta) lớn lên chút nữa, tôi mới hiểu thêm rằng: - Dù cùng chung 1 giấc mơ cao cả là lý tưởng cộng sản nhưng khi nắm trong tay sứ mệnh thực thi nó thì người ta luôn bị chi phối bởi những tục lụy rất đời thường mà mỗi con người đều ít nhiều phải có. Sẽ là thế nào với 1 xã hội Nga với 80% mugic (nông dân - tiểu nông) mà làm CM XHCN nhỉ? Từ năm 25t tôi đã mơ hồ nhận thấy sự sụp đổ tất yếu của lâu đài cộng sản ở nước Nga vĩ đại bởi nó xây trên những nền móng non yếu, nóng vội & duy ý chí. Tôi tìm mọi cách để kết thân với những thủ thư lạnh lùng khó tính nhất để được đọc những quyển sách CẤM. Đó là cuốn "Nhật ký Diên An" mà mỗi trang viết khiến tôi nổi da gà, sửng sốt & kinh ngạc. Kính trọng những người lính hồng quân Trung Quốc qua cuộc vạn lý trường chinh bao nhiêu tôi càng ghê tởm Mao Trạch Đông, Khang Sinh.. bấy nhiêu. À thì ra những người Trung Quốc cũng mơ về giấc mơ cộng sản bằng cái đầu của những AQ, tính cách AQ, tâm hồn AQ.. Còn lâu lắm, ít ra là vài trăm năm nữa họ mới có được cái tâm & cái tầm mạch lạc để mơ về cái thiên đàng cho cả nhân loại này.


Năm 1978, bầu trời sáng lóa, chớp giật bởi hàng loạt tiếng nổ rền vang, mặt đất rung chuyển dữ dội bởi hàng vạn quả cối 82, 60 & pháo 105, 130ml cùng hàng ngàn khẩu AK, B40, B41, M79, thủ pháo, lựu đạn.. Đồn biên phòng Hoa Lư (đồn 717) nằm trên QL 13 giáp ranh Bình Phước - Krochie bị tấn công. Gần 2.000 tên lính Polpot thiện chiến dồn dập đột kích vào đồn biên phòng bé nhỏ heo hút chỉ có 90 tay súng trấn giữ. Trận đánh dai dẳng từ 4 giờ sáng đến tối mịt, cách chục cây số mà vẫn nghe văng vẳng tiếng hô xung phong của bọn Polpot, tiếng súng chống cự yếu ớt dần, thưa dần cho tới khuya hôm sau. Trên đoạn biên giới Lộc Ninh khi đó có các trung đoàn 88, 205, 174, Q16.. cùng 3 đơn vị pháo binh & 1 lữ đoàn tăng thiết giáp. Hơn 20.000 người lính ko ăn ko ngủ suốt 2 ngày đó. Tất cả nai nịt gọn gàng, súng ống lăm lăm trong tay, mắt quắc lên rực lửa. Tất cả các nòng pháo của pháo binh, xe tăng đều lấy sẵn tọa độ bắn, các pháo thủ ôm đạn đứng chờ mệnh lệnh. Tất cả chỉ chờ đợi mệnh lệnh xuất kích, các máy bộ đàm đều mở kênh liên lạc với đồn 717, từ trong đó vang lên tiếng gọi thống thiết của vị đồn trưởng: "Các đồng chí hãy tập trung hỏa lực pháo bắn vào mục tiêu là chỉ huy sở của đồn. Chúng tôi sắp hết đạn, địch đang tràn vào sân đồn, anh em đang đánh giáp lá cà, tình thế nguy ngập rồi, làm ơn bắn đi!..." 10' sau, cũng tiếng nói ấy: "Nhờ các đồng chí báo cáo với Đảng, chúng tôi đã chiến đấu đến viên đạn cuối cùng, đến người cuối cùng. Hãy trả thù cho chúng tôi. Vĩnh biệt các đồng chí!" Tất cả chúng tôi mắt nhòe lệ, những người lính già nghiến răng trèo trẹo, quai hàm bạnh ra, mắt trừng trừng như muốn nổ con ngươi. Nhưng là người lính, chúng tôi phải phục tùng mệnh lệnh cấp trên. Nguyên nhân vì sao mà tư lệnh quân khu ko cho động binh có lẽ chỉ có những người có hiểu biết & có trách nhiệm trước Tổ Quốc cao hơn chúng tôi mới hiểu & tin rằng họ cũng đau lòng như chúng tôi. Từ hôm đó những người lính trẻ ko còn bông đùa nghịch ngợm nữa, tất cả như già đi dăm tuổi. Chúng tôi ngồi lặng lẽ lau súng, chuốt lại lưỡi lê, thủ thỉ trò chuyện với những viên đạn. Ko ai bảo ai, trên vành mũ cối xuất hiện những khẩu hiệu:

"Ôi Tổ Quốc mà ta yêu quý nhất
Chúng con chiến đấu cho Người sống mãi, Việt Nam ơi!"


Hoặc: "Hãy yên nghỉ, hỡi những người anh hùng. Chúng tôi sẽ trả thù!"..

Ngày tấn công được mòn mỏi trông chờ rồi cũng tới. Chúng tôi ào ạt xông lên tấn công vỗ mặt tiền duyên, thọc sâu - dùi xuyên hông, xẻ sườn phòng tuyến địch, vu hồi chặn đường chi viện/tháo chạy của chúng. Thê đội 1 tổn thất nặng thì thê đội 2 tràn lên như thác lũ, chúng tôi như dòng thép nung chảy tưới vào kẻ thù. Tiếng chính trị viên sang sảng: "Đánh cho chúng biết thế nào là khí phách Việt Nam!" Chưa đầy 3 giờ, 2.000 tên đồ tể khát máu Polpot bị đẩy xuống địa ngục. Trận đánh đó ko hề có tù binh! Giá như Nông Đức Mạnh được nghe những gì mà chúng tôi đã nghe trong cái đêm đen tối đó? Giá như trung ương đảng hiện nay chứng kiến cảnh gần 1/3 trung đoàn tôi hy sinh trong trận đánh mở màn, có nghĩa >800 chàng trai ưu tú của nước Việt nằm xuống ở tuổi đôi mươi. Có ai biết họ mơ gì khi còn sống ko nhỉ? Cũng như tôi, tất cả chúng tôi cùng mơ về lý tưởng cộng sản.


Đầu năm 1979, đại đội tôi trấn giữ cầu Salong, cây cầu chiến lược trên QL 13. Khi đó đại quân ta tiến quá nhanh nên nguồn hậu cần ko theo kịp, thương binh tử sỹ để sắp lớp ven đường, thuốc men cạn kiệt, đạn dược sắp hết, lương thực cạn khô đã hơn tuần.. Lòng sông Salong sâu thăm thẳm, đá lởm chởm.. Nếu địch phá hỏng cầu thì cả chục sư đoàn phía trước ko biết sẽ ra sao. Đại đội tôi lúc ấy còn 25 tay súng, chia làm 3 cụm chốt giữ cầu. Khi hầm hố chưa xong thì địch tập kích. Bọn chúng khoảng 400 tên như mọc ra từ lòng đất. Lính Polpot trung thành với học thuyết "Vũ khí chiến - vũ khí luận" của chủ nghĩa Mao, ai chưa có kinh nghiệm chạm trán với chúng sẽ bị choáng ngay từ phút đầu. Sau màn hỏa lực cấp tập sẽ là những mũi xung phong sắc lẹm. Với ưu thế áp đảo, chỉ vài phút bọn chúng tràn ngập trận địa từ mọi hướng. Trong giây phút ngỡ như tuyệt vọng ấy thì tiếng anh Lê Đình Cầu, chính trị viên đại đội vang lên: "Hãy chiến đấu & hy sinh như những người cộng sản!" Tôi nhìn qua, cánh tay phải của anh gãy lìa, xương trắng hếu chìa ra lủng lẳng đung đưa, máu phun xối xả. Tay trái anh Cầu ghì chặt khẩu trung liên RPD đĩnh đạc nhả đạn vào đám lính Polpot nhung nhúc xung quanh. Ko ai có thể ngờ, ko 1 ai có thể hình dung nổi.. trong tình thế ấy mà chúng tôi phản kích. 17 con người thương tật đầy mình xung phong như mãnh hổ, hất bọn địch văng xuống sông, dạt vào rừng. 120 xác lính Polpot được đếm xung quanh trận địa. Đại đội tôi còn sống sót 6 người. Khi đó tôi vẫn chưa là 1 đảng viên. Tuổi 20 của tôi đau đáu 1 câu hỏi: "Động lực nào để khiến những con người bình thường trở nên phi thường?"


Năm 1980, quân y viện 175, khoa B9 - chuyên khoa Mắt. Đó là 1 khoa kỳ lạ nhất. Ngày đó tôi bị mấy mảnh đạn trên đầu làm kéo lệch con mắt phải đến nỗi ko còn tròng đen trắng gì nữa. Khoa B9 ít thương bệnh binh hơn những khoa khác nhưng luôn nhận được sự nể trọng của toàn bệnh viện. Có lẽ ai cũng hiểu, thà mất chân mất tay cũng còn may mắn hơn mù mắt. Trong khoa chỉ có mình tôi là còn đủ thị lực để đọc sách, hàng ngày tôi đọc cho anh em nghe những cuốn sách mà bạn bè mang đến. Tôi vẫn nhớ anh Phúc, quê ở Long An. Anh lớn tuổi nhất (25t), chơi đàn rất hay. Có lần anh hát bài "Hành khúc người thanh niên cộng sản", trong đó có đoạn "..Còn chân còn nhịp bước còn tiến lên, còn đôi mắt sáng ta đâu chịu hèn.." Tôi hỏi 1 câu ngớ ngẩn: "Nhưng nếu cụt chân - mù mắt thì sao hả anh?" Quay 2 hốc mắt đen sì qua tôi, anh từ tốn: "Chủ nghĩa cộng sản được nhìn bằng con tim & đi tới bằng ý chí, em à!" Các y tá, bác sỹ & tất cả chúng tôi cùng rơi nước mắt.


Năm 1985, tôi là bí thư chi bộ 'máu lửa' nhất trung đoàn. Trước mỗi trận đánh lớn, tôi ko nói nhiều về mục đích, ý nghĩa của mục tiêu phải đạt được. Tôi đọc thơ của Nguyễn Khoa Điềm, Văn Lê, Thanh Thảo, Nguyễn Duy.. cho anh em nghe.

"Đêm nay ai dắt tay nhau vào tiệc cưới
Ai thức trắng lội sình
Ai trầm ngâm viết những câu thơ thông minh
Ai trả nghĩa đời mình bằng máu..
Hạnh phúc nào cho anh?
Hạnh phúc nào cho em?
Hạnh phúc nào cho đất nước?.."


Hạnh phúc nào cho đất nước? Tôi nhắc lại 1 lần nữa. Cả đơn vị gầm lên như sấm dậy: "Độc lập - Tự do!" Cứ như thế, với niềm tin son sắt ấy, chúng tôi đi dấn thân vào mọi hiểm nguy, chúng tôi băng qua bao mùa chiến dịch, chúng tôi vuốt mắt cho nhau & thì thầm "Ngủ yên nhé, đồng chí của tôi!" Chúng tôi luôn khắc khoải 1 giấc mơ: "CỘNG SẢN".

Sách sử ngày nay chỉ viết về những chiến công vang dội, hiển hách. Ko 1 dòng nào viết về những trang bi tráng ở đồn 717, ở cầu Salong, ở Sambo, Sandal.. Tôi & đồng đội cũ của mình vẫn hàng tháng lọ mọ lên ủy ban xã viết vào 'Đơn xin lãnh trợ cấp..' Trời ơi! Đơn xin! Cay đắng làm sao - cách cư xử của những người mang danh cộng sản! Tôi ko thể hiểu nổi vì sao chốn quan trường có sức cám dỗ & làm hư hỏng con người ghê gớm vậy. Gần 20 năm trời thơ của Nguyễn Khoa Điềm bị cấm, sau thời mở cửa ông ta lên làm bộ trưởng Văn hóa thông tin. Chả lâu sau đó thiên hạ nghe ông nói nhăng nói cuội, cạnh khóe Bảo Ninh & Nguyễn Huy Thiệp. Lê Hoàng Quân (hiện nay là chủ tịch UBND thph HCM) có 1 thời trai trẻ rất đỗi hào hùng, nhưng khi có chút tanh tanh của mùi chức vụ thì gần như thành 1 con người khác hẳn. Năm 1992, khi đó tỉnh Đồng Nai vẫn còn bao gồm cả Bà Rịa, trong lần đón tiếp đoàn "Việt kiều yêu nước" về thăm, chả biết bọn kia bố thí cho mấy đồng mà khi đi ngang qua tượng đài chị Võ Thị Sáu, 1 thằng nhâng nháo trỏ tay vào chị Sáu: - "Con nhỏ này hồi xưa chọi lựu đạn vào ông nội tui. May nhờ phước đức lớn nên ổng thoát chết!" Lê Hoàng Quân đi cách đó dăm bước chân nhưng vẫn cúi gằm mặt như thể ko hề nghe thấy gì! Romanh Roland, nhà văn tôi yêu quý bởi những tác phẩm cực kỳ lãng mạn & bay bổng, cũng là người cộng sản. Ông ta là ủy viên ban chấp hành trung ương đảng cộng sản Pháp. Có lẽ tôi sẽ sớm quên ông nếu ko nhờ 1 câu nói làm lay động lòng người: "Nếu có người suốt cả cuộc đời chỉ làm duy nhất có 1 việc: - Đó là lấy thân mình ngăn đỡ viên đạn của kẻ thù bắn về phía Tổ Quốc mình, thì người đó hoàn toàn xứng danh khi được sinh ra làm người trên cõi đời này!" Chính nhờ lời hiệu triệu đó mà lớp lớp người trẻ tuổi đã gia nhập các đơn vị du kích để kháng chiến chống quân Đức trong 4 năm trời. Ngày nay người ta ngài ngại khi nhắc đến 2 từ cộng sản, lớp quan chức đua nhau sắm laptop, tậu xe hơi, kiếm bồ nhí sau khi làm đơn xin vào Đảng, bọn họ coi thẻ đảng như tấm hộ chiếu tiến thân, như giấy thông hành đặc biệt để sục sạo kiếm ăn. Bọn họ múa mép leo lẻo mà thực ra chả hiểu gì về 2 từ cộng sản. Mỗi khi thấy cái mặt đuồn đuỗn đầy vẻ phồn thực của Nông Đức Mạnh lú ra thì ngay lập tức tôi & bạn bè tôi chuyển kênh hoặc tắt tivi vì ko thể nào chịu đựng nổi những lời xoen xoét của hắn. Cộng sản gì cái ngữ ấy? Bọn họ giống như những gã thầy tu, đầu cạo nhẵn thín, mắt lim dim gõ mõ tụng kinh thành kính trước Phật nhưng đêm về thì sùm sụp mũ len, thay áo cà sa bằng bộ đồ thường rồi lủi theo cổng sau tìm đến quán cầy tơ làm vài dĩa. Cũng như vị linh mục thông thái & đức hạnh lừng danh nọ bỗng 1 hôm mắc bệnh giang mai.. Giả dối & thực dụng! Họ có quyền tự làm hư hỏng bản thân nhưng ko được phép làm ô danh những điều cao cả, nếu cảm thấy ko đủ nghị lực để cưỡng chống lại những cám dỗ của đời thường thì hãy cởi bỏ áo quan, áo cà sa, áo chùng đen để hoàn tục làm 1 con người bình thường. Sao họ nỡ..


Ngày ngày dạo qua các diễn đàn trên mạng, lướt qua các blog, đọc các tờ báo chỉ thấy nhan nhản những từ: Sành điệu, hot, đỉnh.. hoặc những lời than vãn: Ôi, chán quá! Bùn wá!! Lớp trai Việt ngày nay điệu đàng, ẻo lả như đàn bà còn con gái thì ngỗ ngược lấc cấc như mấy tay bảo kê động chứa. Hầu hết họ chỉ chăm lo tới kỹ thuật trị mụn, làm đầu - nhuộm tóc sao cho giống Hàn, ăn bận sao cho 'khác người Việt' nhất. Họ nói tiếng Anh líu lo như két mà ít khi viết cho đúng chính tả 1 câu Việt ngữ. Họ am tường về các mã chứng khoán mà ko thể nhớ nổi tên ông Nội của mình. Bản sắc Việt chìm mờ đi qua từng ngày một, lòng kiêu hãnh được làm người Giao chỉ hầu như biến mất. Họ trở nên lai căng mất gốc dù đang sống ngay trên xứ sở này. Cũng còn may, số đó tuy đông nhưng tôi tin ko phải là đa số. Mà lạ lùng thay, chính cái đám này lại là những kẻ to mồm nhất chửi bới cộng sản. Họ ong ỏng gào thét đòi các quyền dân sinh dân chủ, đòi lẽ công bằng cho họ (!) Họ la hét như heo bị chọc tiết là những người cộng sản đang phản bội dân tộc, bán rẻ đất nước.. Họ nào biết, sức mạnh của cộng sản ko nằm trong tay 1 nhóm quyền lực cụ thể nào mà nó nằm ở hàng chục triệu con người như tôi & bạn.

Giấc mơ ngày nay có thể ko da diết nồng nàn như thời trước nhưng tôi tin & tôi cầu mong, nó vẫn về với những tâm hồn thanh sạch & lương thiện. Mà những người tốt thì bao giờ cũng vậy, họ luôn khuất lấp đâu đó giữa đời thường, họ lặng lẽ thực hiện bổn phận làm người của mình 1 cách cần mẫn & chu toàn. Đất nước Việt nhiều lắm những con người như vậy. Thế giới này nhiều lắm những người say sưa đọc sách của Romanh Roland, Hemingwue, Jack London, Solokhop, Tonstoi.. Khi mà những bất công bạo ngược còn đầy rẫy trên thế gian thì những giấc mơ cộng sản vẫn còn nung nấu trong tim trong óc của hàng tỉ con người. Mỗi người mơ 1 cách khác nhau & mai kia, khi thời cơ đến, họ lại mò mẫm thử nghiệm nó với nhiều mô thức - hình mẫu khác nhau & khả năng sai lầm là rất lớn bởi giấc mơ thần tiên được thực hiện bởi người phàm. Nhưng đâu bởi vì thế mà nhân loại ko dám mơ & thực hiện khát vọng cao cả ấy của mình? Cuộc sống sẽ khiến con người hoàn thiện hơn, tốt dần lên..


Có thể là 500 năm nữa. Nhưng cũng có thể gần hơn rất nhiều. Tôi mong mỏi mọi người, đừng vì 1 vài hình ảnh cụ thể cá biệt nào đó mà đánh đồng lũ quan chức thối nát kia với những người cộng sản, dù bọn chúng luôn có thẻ đảng trong túi, bên cạnh xấp đôla. Xin đừng quên những lời nói của vị đồn trưởng đồn biên phòng Hoa Lư ngày trước, lời anh Cầu trước lúc hy sinh. Là người Việt Nam, xin hãy yêu & quý đất nước này như chính cuộc đời mình. Đừng nông nổi cả tin những lời bịa đặt - vu khống, xuyên tạc sự thật nhằm phá hoại sự thanh bình quý giá mà chúng ta đang có. Những kẻ dấu mặt sau những blog "Tự do ngôn luận" & "Dân tộc dân chủ" kia đang tìm mọi cách lợi dụng sự nhiệt thành & bồng bột của các bạn trẻ để thực hiện mưu đồ xấu xa bỉ ổi mà cha ông họ đã từng thất bại nhục nhã trong quá khứ chưa xa. Tôi rất đau lòng khi chứng kiến 1 số bạn tự nhận là sinh viên trí thức mà a dua theo bọn họ để lăng mạ Bác Hồ, chửi bới những người cộng sản, mạt sát những người đã hy sinh cuộc đời mình cho sự nghiệp thiêng liêng cao cả. Từ nước Mỹ, họ đang dạy cho dân Việt mình cách 'yêu nước', cách sống cho phải đạo 'làm người văn minh' theo quan niệm của họ.


Chúc các bạn hãy sống thật vui tươi & hữu ích, hãy mơ những giấc mơ cao cả & tin vào điều mà chính ta khao khát ước ao. Cảm ơn các bạn đã đồng cảm cùng tôi qua bài viết này.

Lê Vũ

VĂN TẾ QUAN THAM




Hởi ôi! Nước chảy lạnh lùng,
Mưa bay lất phất!
“Cây trong núi ngàn tuổi dễ tìm,
Người ở đời trăm năm khó gặp!”
Lúc sống, nhà còn ở mấy tầng,
Khi chết, thây cũng vùi ba tấc!


Nhớ linh xưa, Quyền thế ngang trời,
Uy phong lệch đất!
Đi nửa bước, hộ vệ bám kè kè,
Ho một tiếng dân đen run lập cập!


Rõ là: Trôn con trẻ trây cứt trây phân,
Miệng nhà quan có gang có thép!
Mánh mung rút bòn vật liệu, mà cầu đường nhà nước xuống cấp ào ào,
Lập lờ cắt xén đất đai, nên nhà xe quan ngài lên đời tới tấp!
Mặc người đi đường té xuống té lên,
Thây kẻ qua cầu rớt tim rớt mật!
Nói sao xuể, bao điều vô sỉ từ nhỏ đến to,
Ghi khôn cùng, đủ lối gian manh từ A tới Z!
Xem báo viết, thiếu điều nhức óc nhức xương,
Mở “web- sai”, càng thêm tối mày tối mặt!


Thế mà,Vào công vào việc, lơ mơ tựa giống cù lần,
Thấy của thấy tiền, lít xích như con lật đật!
Thời làm lính, học lem nhem ba chữ i tờ,
Lúc lên quan, “đậu” lủ khủ một lô bằng cấp!
Ruộng tốt trăm vuông,
Vàng ròng thiên dật!
Cược ván cờ vài tỉ, việc tưởng như đùa,
Đặt canh bạc vạn “đô”, không dè chuyện thật!
Châu đầu châu mặt cố moi dự án trên trời,
Quơ tay quơ chân cứ nhét nong đầy túi.
Là trưởng giả ai lại xài thứ bèo Phú Lễ, Gò Đen.
Đã nhà quan thì phải chơi hàng hiệu “Mạc- Ten”, “Cô Nhắc!”
Bạc vàng đem bỏ vào tráp vào rương,
Xe công mang đi sờ đùi sờ nách!
Bạc trắng của chùa, xài hoang vung thẳng hai tay;
Đít đen thằng mõ, chạy thuế lòi đom một khúc!
Bất lương đâu kém gì thằng Tần Cối, Tần… Chày,
Vô sỉ chẳng thua lũ Hòa Thân, Hòa… Thiết! (!)


Lạ chi,Tai trâu mặt lợn, nào dè muôn tiếng thị phi,
Mồm thép miệng gang, chẳng tiếc trăm điều hống hách!.
Báo ngày tốn bao nhiêu mực, xem chừng đàn khảy tai trâu,
Báo mạng mất bấy nhiêu công, nào khác nước ngoi đầu vịt!


Chỉ vì Cái óc cái tim đen cỡ mực tàu ,
Cái mặt cái mày, dày như tấm thớt! Để rồi hôm nay, Khi thân tại chức, chẳng xì được tiếng thơm tho,
Lúc xác ém sâu, vẫn bốc ra mùi thúi hoắc!
Ngán uy sợ thế, bao người trước mặt cúi đầu,
Miệt đức khi tài, khối kẻ sau lưng đấm c…*
Con thơ nhóc nheo mấy hệ, mặc người xưng bố, xưng ba,
Vợ trẻ mơn mởn dăm bà, mạnh kẻ đổ lờ đổ lọp!
Tim gan dơ tợ máu cùi,
Tiếng tăm thúi hơn cóc chết!
Ngưu đầu mã diện đành giở nón chào thua,
Quỉ sứ ma vương cũng dập đầu bái phục!


Những tưởng, Sống, tiếng nổi lẫy lừng,
Chết, người thăm chật ních!


Nào dè, Từ lúc xuôi tay,
Tới khi liệm xác.
Ngoài vợ con thì khóc hu hu,
Còn ai nấy đều cười khặc khặc!


Hôm nay, Rặn dăm câu dăm chữ, thảo điếu văn thống thiết một bài,
Quệt chút ớt chút tiêu, cho làng xóm xốn xang đôi mắt!
Đã không cửa đi đến Tây Thiên,
Thì chắc ăn tìm về Địạ Ngục!
Thành kính dâng ngài,
Nói nhiều không tốt! Ô hô! Có linh xin hưởng!


Chú Thích: * Thành ngữ : “cúi đầu trước mặt, đấm c… sau lưng”

Kha Tiệm Ly

Đơn xin ngu



 Tai hại nhất, trí khôn giúp con phát hiện ra người không khôn, và con cứ hồn nhiên phát biểu về điều này, trong khi kém khôn hơn thì im miệng. Thế là xong. Con trở nên một kẻ thiếu lòng thông cảm, thiếu cái nhìn toàn diện.




Kính gửi: Thượng đế
Kính gửi: Chúa trời
Kính gửi: Ngọc Hoàng
Và các chức sắc tương đương.

Con tên là Nguyễn Văn Tèo, hai mươi lăm tuổi, địa chỉ thành phố, xin gửi tới Thượng đế lời khẩn cầu tha thiết như sau:

- Đầu tiên, con chân thành cám ơn ngài đã sinh ra con trên cõi đời này, để con được biết thế nào là đêm trăng, là vầng thái dương chói lọi. Con được nghe tiếng líu lo của chim hót, tắm mình trong vẻ xanh biếc của biển khơi, để con hiểu thế nào là nét dịu dàng của mùa thu, nét tươi tắn của mùa hè và nét lộng lẫy của mùa thi hoa hậu.

Ngay từ nhỏ, con đã được ngài chỉ ra phải cố gắng học hành. Ngay từ buổi đầu học hành, con đã được giáo dục rằng trí khôn là điều quan trọng nhất của loài người. Nhờ trí khôn ta phân biệt được cái đẹp với cái gần như đẹp, cái vĩ đại với cái giả vĩ đại và ta cũng sẽ không nhầm lẫn giữa cái trong sáng và cái ngớ ngẩn. Tóm lại, có trí khôn sẽ có tất cả, ai khôn nhiều sẽ được nhiều, ai khôn ít sẽ được ít và không khôn tí gì thì cũng chả được tí gì.

Chính do hiểu như thế, con ra sức học hành, rèn luyện đầu óc để có được một lượng trí khôn khá phong phú. Con đinh ninh mình sẽ đứng vững, và nếu gặp may, sẽ tiến lên.

Ngài ơi, con nhầm.

Khi tốt nghiệp ra trường, con mới phát hiện rằng, ở một số nơi, đặc biệt là những nơi "ngon", càng khôn, hay nói cách khác, càng tỏ ra biết nhiều càng chết !

Vì sao thế?

Vì người khôn là người phát hiện ra cái hay, cái đúng. Nhưng nếu sếp mình không phát hiện mà mình lại nhanh nhẩu tìm ra trước, vội vàng công bố nó lên thì nhiều khả năng mình sẽ suốt đời bị ghét bỏ, muôn kiếp không lên lương, lên chức gì được.

Đấy là mới nói ở công ty. Khi đi ra đến ngoài đường, người khôn là người chấp hành răm rắp luật lệ giao thông, không bao giờ vượt đèn đỏ hoặc chạy ngược chiều. Hậu quả là sẽ luôn đến trễ, luôn bị chúng nó ép bẹp dí hoặc ngửi hít khói tơi bời.

Trong lĩnh vực đơn từ, giấy phép, cũng tại khôn quá nên con hiểu là hãy làm đúng thủ tục, chấp hành nghiêm luật lệ, xếp hàng theo thứ tự. Thế nên toi ! Thế nên mọi thứ đều chờ nửa thế kỷ mới được duyệt. Trong khi những đứa kém khôn nhưng biết nhờ tới "cò" tung tăng ra về, vừa đi vừa ca hát thì con ngồi mốc meo trong xó và thổn thức ngóng chờ ngày nọ tháng kia.

Ở lĩnh vực ăn uống, trí khôn ngoan, hiểu biết còn gây ra nhiều sai lầm vô cùng tai hại. Do khôn nên tin tưởng vào những điều ghi trong giấy xác nhận an toàn thực phẩm, tin vào nhãn hiệu hoặc bằng khen vệ sinh. Hậu quả là bụng đầy hàn the, dạ dày đầy đường hóa học và phẩm màu quá đát, thân thể nhiễm độc, đi cấp cứu liên miên.

Trong tình yêu, do quá khôn nên con ỷ nhiều vào tình cảm, coi thường quà bánh, quần áo, dây chuyền. Con thường tặng nàng sách vở thay vì tặng nước hoa, dẫn nàng vào thư viện, bảo tàng, nhà hát chứ không dẫn nàng vô siêu thị. Dẫn tới sở thú để nàng trau dồi kiến thức về hổ, báo hay đười ươi chứ không dẫn đi ăn. Cuối cùng con bị nàng cho leo cây liên tiếp, đến phút này vẫn lơ lửng trên cành.

Về tâm linh, càng nhiều trí khôn con càng tin vào khoa học trong khi anh em nhanh nhẹn tin thầy bói, tin số má hoặc tin quỷ thần. Con cũng thú thực rằng đã nhiều lúc con chả tin ngài cho lắm, nên sao nhãng việc cúng tế, ít khi đốt vàng mã hoặc hiến heo quay. Rốt cục, con thấy mình đơn độc, chả có bạn, chả ai rủ đi chùa, đi lễ hội và cũng chả bao giờ trúng số hay trúng đề gì ráo.

Tai hại nhất, trí khôn giúp con phát hiện ra người không khôn, và con cứ hồn nhiên phát biểu về điều này, trong khi kém khôn hơn thì im miệng. Thế là xong. Con trở nên một kẻ thiếu lòng thông cảm, thiếu cái nhìn toàn diện.

Ngài ơi.

Con sợ khôn lắm rồi. Con cảm thấy rõ ràng kém khôn nhiều lúc dễ sống hơn. Ngài hãy chỉ cho con phải đọc sách gì, phải theo học những chương trình nào mà nhờ đó trí khôn mai một. Nếu việc đấy là quá khó khăn, hoặc do con quá không xứng đáng thì ngài chỉ cho con cách uống thuốc hay luyện tập ra sao nhằm giảm bớt thông minh. Con biết ngài là đấng sáng suốt, nhân từ, che chở cho đứa có trí tuệ cũng như đứa chưa có với một lòng bao dung sâu sắc. Nếu ngài giúp được con ngu đi, con hứa sẽ biết ơn vô vàn và không bao giờ tái phạm. Con mong nhanh chóng nhận được sự chấp thuận của ngài.

Con Tèo

Tái bút: Con chả biết đơn này có cần xác nhận không? Nếu có thì xác nhận thế nào? Con đã quá khôn hay đã quá không khôn?




Lê Hoàng