Chủ Nhật, 20 tháng 10, 2013

MỘT SỐ NGƯỜI THÍCH THƠ*



WISLAWA SZYMBORSKA

MỘT SỐ NGƯỜI THÍCH THƠ*



Một số người –
nghĩa là không phải tất cả.
Cũng chẳng phải nhiều người trong số đó mà chỉ một ít.
Không tính trường học, nếu phải kể thêm vào,
và bản thân các nhà thơ,
rốt cuộc có lẽ còn chừng hai phần nghìn.

Thích –
nhưng người ta cũng thích món miến gà,
thích những lời khen tặng hoặc màu xanh trời biển,
thích chiếc khăn quấn cổ cũ,
thích chứng minh quan điểm của mình,
và thích vuốt rờ con chó.

Thơ –
nhưng thơ là cái gì kia chứ?
Hơn một câu trả lời lạng quạng
đã sụp đổ từ ngày vấn đề ấy nổi lên.
Nhưng tôi tiếp tục tránh các giải đáp
và bám vào sự không biết
như một tay vịn cầu thang cứu mạng.



* Bài thơ này được dịch và in trên hai tạp chí New Yorker, (Oct. 21&28, 1996, bản dịch Loanna Trzeciak); và The New Republic, (Oct. 28, 1996, bản dịch Baránczak và Cavanagh).





NHỮNG ĐỨA CON THỜI ĐẠI



Chúng ta là con đẻ của thời đại mình,
một thời đại chính trị.

Suốt ngày, suốt đêm,
mọi sự việc - của các bạn, của chúng ta, của họ -
đều là việc chính trị.


Dù thích hay không,
trong chủng gen bạn có quá khứ chính trị,
lớp da bạn, hình hài chính trị,
cặp mắt bạn, độ xếch chính trị.


Bất cứ điều gì bạn nói sẽ vọng vang,
bất kể điều gì bạn không nói tự nó sẽ nói lên.
Đàng nào bạn cũng đã phát ngôn chính trị.


Dù bạn có lánh vào rừng,
bước chân bạn vẫn chọn lựa chính trị
trên cái nền chính trị.

Những bài thơ phi chính trị cũng là chính trị,
bên trên chúng ta lung linh một nguyệt cầu
chẳng còn thuần túy là trăng.
To be or not to be, đấy là vấn đề.
Và dù có gây ra trục trặc tiêu hóa,
mãi mãi nó vẫn là vấn đề chính trị.

Để sở hữu một ý nghĩa chính trị
ta không nhất thiết phải là con người.
Nguyên vật liệu thay vào cũng được,
hay chất đạm chăn nuôi và dầu thô,
hoặc cái bàn hội nghị
người ta mất nhiều tháng để tranh cãi
về hình dạng mặt bàn:
Ta có nên thương thảo chuyện sống còn
quanh cái bàn tròn hay cái bàn vuông?

Trong lúc đó, thiên hạ cứ chết,
thú vật ngủm,
nhà cửa bốc cháy,
và khắp ruộng đồng cỏ dại gai góc mọc
chẳng khác chi những thuở xa xưa
ít mang tính chính trị như bây giờ.



CHẲNG CÓ GÌ BIẾU KHÔNG


Chẳng có gì biếu không, mọi thứ đều mượn tạm.
Tôi đang ngập mặt trong nợ nần.
Tôi phải mang thân tôi ra trả nợ cho mình,
hy sinh đời tôi để chuộc lại đời tôi.

Cách thức hoàn trả như sau:
Trái tim có thể thu hồi lại,
Lá gan cũng vậy,
và từng ngón chân ngón tay.

Trễ rồi, không thể xé các điều kiện nợ,
những món nợ của mình tôi sẽ trả,
và tôi sẽ bị lột sạch,
nói chính xác hơn là sẽ bị trấn lột.

Tôi quanh quẩn địa cầu
giữa rừng con nợ chen chúc.
Có một đám oằn lưng gánh món nợ
phải trả cho cặp cánh.
Bọn khác, dù muốn dù không,
từng chiếc lá cũng không được quịt.

Từng cơ từng mô trong ta
đều thiếu nợ.
Không có cọng vòi hay râu phấn nào
là sở hữu của chúng ta.

Danh sách kiểm kê, chi tiết cực kỳ,
qui kết rằng rốt cục không chỉ trắng tay
mà chúng ta còn bị lấy mất bàn tay.

Tôi không thể nhớ
ở đâu, khi nào, và vì sao
tôi đã để cho ai đó
mở trương mục dưới tên mình.

Linh hồn là sự phản đối chống lại các thứ nợ này.
Và đó là món duy nhất
không nằm trong danh sách.




CHÂN PHƯƠNG dịch từ bản Anh ngữ của Baránzak và Cavanagh, POEMS, NEW & COLLECTED,1998.







Tiểu Sử : Wislawa Szymborska sinh năm 1923 ở Prowenta-Brin. Học ngữ văn Ba Lan và xã hội học tại Đại học Jagiellorian University ở kinh đô xưa Cracow. Sau tập thơ đầu tay xuất bản năm 1952 Chúng Tôi Sống Là Vì Thế, nữ thi sĩ lần lượt cho ra đời sáu thi phẩm quan trọng khác. Ngoài thơ ra, bà còn viết báo, điểm sách và dịch thơ Pháp. Được nhiều giải thưởng, giải Văn học Cracow (1954), giải thưởng Nhà nước Ba Lan (1955) và giải thưởng Nobel Văn Chương 1996. Những năm cuối đời bà về sống ở Cracow, cố đô xưa và cũng là cái nôi của văn học Ba-Lan. Bà mất tại đây ngày 1 tháng 2 năm 2012.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét