Thứ Bảy, 12 tháng 10, 2013

POKER



Ta tố hết đời
Canh bạc cuối
Người dám
cùng ta chấp cuộc chơi?
Hay thôi,
Ngồi lại ta cùng uống
Bàn chuyện nhân gian vá đất trời
Nói về trăng tan,
và tuyết nguyệt
Một chút hoàng hôn
chút mưa bay
Chỉ xin
Đừng nhắc thêm gì nữa
Chuyên ta yêu người
Hay yêu ai??

Lê Chiều Giang

Hành trình vào thế giới thơ Cung Trầm




Phan Ni Tấn





Thi sĩ Cung Trầm Tưởng

Cung Trầm Tưởng là một trong những tên tuổi lớn trên văn đàn thi ca Việt Nam. Hành trình vào thế giới thơ Cung Trầm Tưởng, người đọc không thể không đi sâu vào thế giới những hình tượng và tâm hồn nội dung thơ để tìm hiểu về cung cách và sự quan hệ của thi sĩ với con người và cuộc đời.

Thơ Cung Trầm Tưởng có một phong thái rất riêng. Ngay những sáng tác đầu tay, ông đã đến với người yêu thơ bằng vóc dáng của một nhà thơ mà trong con người ông hiển lộ những tài hoa, sâu sắc, buồn vui, ơn nghĩa và quan trọng hơn cả là sự chân thật với chính mình, với con người.

Thi sĩ luôn phóng khoáng, nghĩa là họ vẫn duy trì cái bản ngã uyên nguyên của mình, luôn luôn rưng rưng một cảm hứng trước những vẻ đẹp trần thế. Trong tình yêu, hầu như con người ai cũng hăm hở, đam mê và cường tráng. Đọc thơ, đặc biệt về thơ tình của Cung Trầm Tưởng chẳng hạn, ta thấy xuyên suốt một niềm vui, niềm hạnh phúc dạt dào và niềm đam mê vô lượng. Tất cả những cảm tính này đều được thi sĩ biểu hiện trên trang giấy một thứ tình yêu da diết trước những vẻ đẹp thăng hoa của dòng đời sinh hóa.

Người ta nói đời ngắn ngủi, xốc vác, hỗn độn mà thành sinh động. Khí thơ của Cung Trầm Tưởng nhờ thế đã phát tiết nhiều tinh túy về màu sắc, hình tượng, nhạc điệu, rung cảm, tình, ý… ánh lên những vẻ đẹp ngọc bích, kể cả những vẻ đẹp của dòng sống phức tạp xuyên qua những khía cạnh ngọt ngào và khổ đau.

Làm thơ là một nghề. Cung Trầm Tưởng làm thơ từ cuối thập niên 1940 dai dẳng cho đến ngày nay, ông quả là một “thi sĩ nhà nghề”. Nhưng cũng chính vì nghề như thế mà tôi cho rằng khi làm thơ, những cái gọi là kinh nghiệm sống ở đời, những loại cá tính, những thứ tạp niệm, những trực giác tâm linh giữa sinh, ký, tử, quy v.v… đều được thi sĩ xóa bỏ khỏi tâm não thể lý để hình thành một cõi thơ vô lượng những tri thức, những kiến trúc mới, những âm tiết lạ, qua đó, thơ thực sự hữu ích cho đời sống cộng đồng.

Sinh ra dưới một ngôi sao sáng, từ nhỏ Cung Trầm Tưởng đã được nuôi dưỡng bằng những nụ cười may mắn. Nhà thơ đã từng sống trong vùng hào quang diễm lệ và thở bằng một thế giới hạnh phúc của tuổi trẻ mộng mơ. Để tạo những cảm quan mới lạ qua tư tưởng nghệ thuật, Cung Trầm Tưởng từng hứng khởi quơ tay nắm bắt những cái đẹp từ thướt tha yểu điệu, dịu dàng e ấp tới những cái đẹp phương phi, dạn dĩ, phong trần, qua đó thi sĩ làm thơ để tung hê ý tình. Đặc biệt tình yêu mà Cung Trầm Tưởng thăng hoa không phải là thứ tình yêu như gió thổi, như bọt nước, như mây bay. Chính vì thế, qua cảm hứng nghệ thuật thẩm mỹ của thi ca, Cung Trầm Tưởng đã vẽ rộng ra cái đẹp thuần túy của tình yêu và cõi nhớ, rất riêng, rất gợi cảm, rất Tây, rất Cung Trầm Tưởng.

Lên xe tiễn em đi
Chưa bao giờ buồn thế
Trời mùa đông Paris
Suốt đời làm chia ly
Tiễn em về xứ Mẹ
Anh nói bằng tiếng hôn…

(Tiễn Em)

Thập niên 50, thơ Cung Trầm Tưởng đã có sắc thái rất mới và lạ, từ hình ảnh, ngôn từ và nhạc điệu luôn luôn được tác giả diễn tả bằng một tâm trạng kỳ thú với tất cả sự rung cảm chân thành. Bài thơ nói trên là bài ngũ ngôn Chưa Bao Giờ Buồn Thế, Phạm Duy phổ nhạc đổi thành Tiễn Em. Thông thường lúc tiễn nhau người ta thường nói những lời tiễn biệt, thì thầm những câu hứa hẹn, người ta bịn rịn nắm tay nhau mà dặn dò, an ủi, khích lệ, khuyên răn… Riêng Cung Trầm Tưởng, ngôn ngữ từ biệt người tình của ông rất “tịch lặng, vô ngôn”, nghĩa là ông không thèm nói một lời nào hết, ngoài cử chỉ và hành động rất Tây, rất Cung Trầm Tưởng: hôn.

Năm 1954, Cung Trầm Tưởng mới ngoài 20 đi Tây du học. Đối với giới trẻ Việt Nam, nước Pháp lúc đó là thiên đàng mộng mơ, là ước vọng của một thời. Khi đặt chân tới Kinh Đô Ánh Sáng Paris, thi sĩ đã phơi phới một mối tình với cô gái mắt nâu, tóc vàng sợi nhỏ. Từ đó bài thơ Mùa Thu Paris ra đời trong bối cảnh lãng mạn, trữ tình, giàu chất thơ, thấm đẫm một vẻ đẹp của tình người dị chủng:

Mùa thu âm thầm
Bên vườn Lục-Xâm
Ngồi quen ghế đá
Không em buốt giá từ tâm
Mùa thu nơi đâu
Người em mắt nâu
Tóc vàng sợi nhỏ
Mong em chín đỏ trái sầu…


Thời học trung học ở bên nhà có dạn dĩ lắm chúng tôi cũng chỉ dám liếc ngang mái tóc huyền tha thướt xõa bờ vai chớ làm gì may mắn như thi sĩ mà biết “tóc vàng sợi nhỏ” ở tận trời Âu. Thành ra nếu đem so sánh giữa hai loại tóc Đông phương và Tây phương chắc chắn có nhiều điều thú vị. Thí dụ nếu áp dụng theo phương pháp khoa học chặt sợi tóc ra làm đôi (tùy theo góc độ) rồi đem soi dưới lớp kính hiển vi thì các nhà khoa học đo được đường kính của mỗi sợi tóc có khoảng 58-100 micrometre, mà 1 micrometre bằng 0.001milimetre , tức bằng 1/1000mm, vị chi 100 micrometre thì bằng 1/100,000 milimetre.

Hai bài thơ ngũ ngôn trên nằm trong thi tập Tình Ca của Cung Trầm Tưởng xuất bản từ năm 1959, trong đó chỉ có 13 bài thơ, Phạm Duy phổ nhạc 6 bài, ngoài ra còn có tranh phụ bản của Ngy Cao Uyên. Đây là một công trình bắc cầu giữa ba bộ môn nghệ thuật thi ca, âm nhạc và hội họa đẩy thơ Cung Trầm Tưởng bay cao hơn, đi xa hơn.

Tôi còn nhớ hồi ở bên nhà lần đầu tiên nghe ca sĩ Thái Thanh hát những ca khúc Phạm Duy phổ thơ Cung Trầm Tưởng, từ những bài lục bát, ngũ ngôn với phong cách độc đáo về tình yêu trong thơ ca đã gợi lên trong tôi hình ảnh một con tàu: “Người về trong lúc tàu đi. Rớt nhanh một nét tường vi hoang đường”. Người đã về, con tàu vẫn lạnh lùng băng nguồn xuyên sơn, không có dấu hiệu hứa hẹn dừng chân ở một bến đỗ nào.

Chiều đông tuyết lũng âm u
Bâng khuâng chiều tới tiếp thu chiều buồn
Ngày đi tàu cũng đi luôn
Ga thôn trơ nỗi băng nguồn héo hon
Đường xa nhịp sắt bon bon
Tàu như dưới tỉnh núi non vọng ầm
Nhà ga dột mái lâm râm
Máu đi có nhớ hồi tâm chiều nào…

(Chiều Đông)

Sau này ra hải ngoại, trong những buổi sinh hoạt văn nghệ, gặp nhạc sĩ Phạm Duy, tôi có nói với ông về cảm tưởng của tôi khi nghe nhạc ông phổ thơ Cung Trầm Tưởng, cũng như đọc những bài thơ mới của thi sĩ, dù có đổi khác theo dòng đời dâu bể nhưng hình ảnh con tàu với tiếng còi thét lên ngất ngư trong đêm sương lạnh vẫn cứ băng băng trên đường thiên lý không có trạm dừng chân. Bây giờ Phạm Duy đã ra đi, Thái Thanh đã rơi vào trạng thái lãng quên, nhưng sự kết hợp toàn bích giữa thi ca và âm nhạc một thời vẫn còn đó, vẫn âm vang qua giọng hát từng được mệnh danh là vượt thời gian của Thái Thanh. Và con tàu đó, con tàu thi ca và âm nhạc của hai cây đại thụ cho đến tận bây giờ vẫn miệt mài kéo theo những toa tàu vạch ra một cuộc hành trình xuyên qua không gian và thời gian. Có những con tàu từ sân ga quạnh quẽ và có những con tàu không sân ga luôn luôn đuổi nhau lao vào màn sương đêm, xoáy vào những góc cạnh cuộc đời trên những nẻo đường âm u, khuất nẻo rồi biến mất giữa lưng chừng mệt mỏi. Sân ga tượng hình biệt ly. Nhưng sân ga cũng tượng hình cho tình yêu, là nơi hẹn hò của đôi lứa. Cả hai vẫn chở theo một nỗi niềm.

Ga Lyon đèn vàng
Tuyết rơi buồn mênh mang
Cầm tay em muốn khóc
Nói chi cũng muộn màng…

(Chưa Bao Giờ Buồn Thế)

Thời gian không chờ ai, vẫn lặng lẽ trôi về phía trước. Ngày nay mỗi khi nghe lại những bài nhạc Phạm Duy/Cung Trầm Tưởng, tôi vẫn nghĩ rằng thi sĩ Cung Trầm Tưởng luôn luôn lắng nghe hồn mình trải rộng trên những toa tàu và thầm ước tìm lại chút hơi thở của một thời vọng lại. Ở đó, trên nền tảng của không gian và thời gian đã dựng nên một thời Paris, có phố cổ Mouffetard với quán xá vỉa hè và những cửa hàng truyền thống, có dòng sông Sein mặc áo sương mù, có tranh trường phái Ấn tượng Monet, Renoir và tranh chủ nghĩa Lập thể Braque, Picasso chưng trong những viện bảo tàng, có huyền thoại và văn hoá Honoré de Balzac, Victor Hugo, Alexandra Dumas, Marcel Proust, André Gide, Albert Camus, J.P.Sartre, Saint Exupéry…, có một chút âm nhạc mang hơi hướm thu về từ vườn Luxembourg v.v… Cho tới bây giờ, Cung Trầm Tưởng vẫn coi Paris như là người tình muôn thuở trong tâm hồn nghệ sĩ của ông.

Nói đến thi ca, tôi nghĩ rằng Cung Trầm Tưởng không làm thơ mà làm thi sĩ, vì ông là nhà thơ của trí tuệ, của cái đẹp giữa nhân tình gần gũi, bình dị, thuần lương. Ông chỉ sử dụng văn chương để gởi gắm tự sự tâm tình của mình, nhờ thế sáng tác của ông chia sẻ cùng người đọc vui với niềm vui của ông, cười chung với ông một nụ cười hạnh phúc, nhưng ông cũng không quên gợi lên những tình cảm xót xa, khơi dậy ở người đọc thấm thía một nỗi buồn xoáy vào giải đất tan tác đau thương và thân phận bi thảm của con người. Sau cơn bão thời thế, đất nước bị thống trị bởi tập đoàn, phe cánh, mọi vẻ đẹp trên đời đều bị chà đạp, bắt bớ, đày ải và giam tù. Trong thời kỳ này, Cung Trầm Tưởng, bằng phương thức đột khởi trong ý thức đấu tranh đã khẳng khái chống lại chế độ cường quyền ác bá, một thứ kẻ thù đã dồn, đã đẩy cả dân tộc đứng lên đòi quyền làm người. Trước cuộc sống phẫn nộ, Cung Trầm Tưởng đã dùng tứ thơ cũ để nói lên nỗi nhức nhối rã rời chứa đựng trọn vẹn nỗi bất bình chế độ trong đó chính ông đã bị bắt bớ, đày ải, giam tù. Và sau mười năm lao lý, Cung Trầm Tưởng đã hoàn toàn thay đổi chiều hướng sáng tác từ trữ tình sang dấn thân, thơ tù của ông kết hợp từ thực chất cuộc sống trở nên đanh hơn, hiện thực hơn. Chính sự đối nghịch làm cho thơ phản kháng của ông có một phong cách đứng thẳng. Đứng thẳng như vầu, cây cùng họ với tre, là biểu tượng bất khuất của người quân tử.

Lòng ta đứng vững như vầu
Thân cao lòng thẳng giữa bầu trời xanh

Vầu đanh như thép sáng ngời
Nắng mưa thì cũng trọn đời đứng ngay

(Biểu Tượng)

Trong thời chiến, thơ văn viết về chiến tranh là văn học của những bậc anh hùng, ngàn đời được con người kính phục. Bài Vạn Vạn Lý trầm buồn mà hào sảng sau đây nói lên lòng tưởng nhớ những tù hùng đã tuẫn tứ:

Xa xưa… trống lên đường
Tiếng quân hô hào sảng
Nẻo cồn vàng bãi trắng
Sa trường hề sa trường!
Tiếc tháo quắc đau thương
Chinh nhân ngàn dặm ruổi
Gió lên như địch thổi
Đưa ai qua trường giang
Nay cô liêu bạt ngàn
Tiễn ta vào bất tử
Đau thương là vinh dự
Chân đi hất hồng trần
Anh hùng phải quên thân
Hy sinh là tất yếu…

(Vạn Vạn Lý)

Thi sĩ cũng lên án chế độ sa đích tạo nên một thời kỳ đen tối của lich sử, trong đó cái tang chung mà cả một dân tộc bất hạnh phải gánh chịu:

Tội chúng kéo dài hận cách ly
Chia sông rẽ núi với phân kỳ
Chồng xa cách vợ, con lìa mẹ
Chẳng một người về trăm chuyến đi

(Lũng Kín)

Mười năm lao lý với biết bao khổ nạn chung với những đời tù, dù ngút ngát thù hận, xanh xao huyền sử vẫn không đánh mất cái bản ngã thuần lương của một người tù thi sĩ; tấm lòng ông vẫn còn đó cái bồng bềnh, lãng mạng và thủy chung với thi giới

Chữ yêu thương thắm vô vàn
Non đau nước quặn nồng nàn lời ru
Lời thầm tách đá âm u
Ùa reo ánh sáng vi vu gió nguồn…

(Bài Ca Níu Quan Tài, khúc 14)

Về cái đẹp lóng lánh, cô động của ngũ ngôn:

Cả trời rót nắng ngọt
Sương nhỏ giọt tròn xinh
Hân hoan đến tài tình
Những giọt hồn vô tội…

(Tiếng Chim)

Và cái tình muôn thuở của lục bát, cái khí thơ bàng bạc một màu ca dao:

Tôi đi mua nắng huy hoàng
Về nung thành ngọc, thành vàng cho tim
Lửa đời luyện thép rèn kim
Thép già biết chảy khi chìm mến thương…

(Chuyến Chót)

Đọc thơ Cung Trầm Tưởng ta thấy nghệ thuật dùng chữ của ông thường toát ra những hình ảnh sinh động, giàu chất thơ và nhạc điệu tạo nên mặt tươi sáng nhất, đáng yêu nhất trong đời sống con người. Từ đó cho đến nay, Cung Trầm Tưởng vẫn có một vị trí sáng chói trên nền trời thi ca Việt Nam, luôn luôn tạo ấn tượng tốt đẹp về phẩm cách, chiếm được cảm tình và sự tin yêu của người đọc.

Cung Trầm Tưởng tên thật là Cung Thúc Cần. Ông sinh ngày 28 tháng 2 năm 1932 tại Hà Nội. Du học tại Pháp và Hoa Kỳ. Tốt nghiệp kỹ sư Trường Võ Bị Không Quân Pháp, Cao Học Khí Tượng tại Saint Louis, Hoa Kỳ và Quản Trị An Ninh Quốc Gia Và Tài Nguyên Quốc Phòng Hoa Kỳ (hậu đại học). Về nước phục vụ ngành Quân Chủng Không Quân Việt Nam Cộng Hòa. Sau 1975, đi tù Cộng sản đến năm 1985 đươc thả về và bị quản chế ba năm tại địa phương. Từ năm 1993 cùng gia đình định cư tại Hoa Kỳ đến nay.

Về hoạt động văn hóa, trước và sau 1975, ông từng cộng tác với nhiều tạp chí Việt – Mỹ trong và ngoài nước. Hội viên liên kết của Văn Bút Pháp và Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại. Từng phát biểu về văn hoá, văn học và đọc thơ tại nhiều nơi trên thế giới.

Tác phẩm đã xuất bản gồm:

- Tình Ca (thơ 1959)
- Lục Bát Cung Trầm Tưởng (Con Đuông 1973)
- Thám Hiểm Không Gian (dịch, Dziên Hồng)
- Lời Viết Hai Tay (thơ 1993, tái bản 1999)
- Bài Ca Níu Quan Tài (thơ 2001)
- Những Dấu Chân Ngang Trên Một Triền Phiếm Định (thơ 2002)



Năm 2012 vừa qua, ngoài tác phẩm dịch thuật kể trên, năm tập thơ còn lại cộng với ba tập thơ mới :Thi Bá – Con Tắc Kè và Bà Góa Phụ, Mỗi Dặm Đường Một Nghìn Bài Thơ và Sáng Ký Về Người Tình Đầu đã được tác giả Cung Trầm Tưởng gom lại thành một tuyển tập mang tên Cung Trầm Tưởng, Một Hành Trình Thơ do nhà xuất bản Tiếng Quê Hương tại Virginia, Hoa Kỳ ấn hành. Nhìn chung trong tuyển tập này tác giả chia ra nhiều đề tài chính mà mỗi đề tài đều dựa vào sự cảm hứng trước cái đẹp, sư hạnh phúc và nỗi đau khổ về tình yêu, thân phận, cuộc đời, phong cách sáng tạo và nghệ thuật văn chương của tác giả. Thi ca nói chung và kích thước của tập thơ nói riêng như gói trọn trong tâm hồn nhà thơ để nó trở thành dòng huyết quản, trở thành xương máu, da thịt. Tập thơ như đứa con tinh thần khôi ngô, tuấn tú, sẽ còn đó và mãi mãi còn đó.

Sau sáu mươi năm, thi sĩ Cung Trầm Tưởng góp mặt vào làng thơ đến nay ông vẫn không ngừng canh tác trên cánh đồng thi ca trù phú những hình tượng nghệ thuật sống động về tình yêu, về thân phận và những mảnh đời hiện thực, chứa đựng những nét đặc sắc của nền văn học Việt Nam.

Thời nay không đọc là chết






Từ Sâm



Tôi có thằng bạn, lâu không gặp nhau thì nhớ, mà gặp thì chào hỏi, bắt tay, bai bai không sao chứ năm mười phút tâm sự là bắt đầu sinh chuyện.

Y như vợ chồng thường cãi nhau thì sống với nhau cả đời, còn vợ chồng nào không cãi nhau một tiếng, mà đã cãi nhau rồi là to chuyện, có khi cãi nhau trước tòa không chừng. Tôi không bỏ nó, và nó cũng chẳng bỏ tôi. Nó làm ở ban tuyên giáo tỉnh. Đúng là trời sinh voi sinh cỏ. Nó học khoa nuôi, tôi học hàng hải cùng trường Đại học. Những năm tám mươi học nuôi trồng ra trường là thua vì người ta nuôi heo nuôi gà chứ làm gì nuôi tôm nuôi ốc như bây giờ.

Nó chạy thế nào mà vào được ban tuyên giáo (vợ hắn khoe là mất mấy ký đường, dăm hộp sữa và một năm phiếu thịt). Lúc đầu nó làm phòng tổ chức, sau đi học mấy khóa đào tạo gì đó, rồi học nữa…và như ngày nay. Thỉnh thoảng thấy bài nó đăng trên báo tỉnh, thường là chuyên mục lý luận. Gần đây nhất có bài “Tính thực tiễn và sáng tạo trong văn học nghệ thuật tỉnh nhà”, và “Các văn nghệ sĩ vững vàng trước nền văn hóa ngoài luồng xâm nhập vv.. và vv..”. Các bài viết của nó thường xuất hiện trước kỳ đại hội, đặc biệt là đại hội Đảng, Hội đồng nhân dân vv…nhưng, có khi lại xuất hiện trước đại hội “Câu lạc bộ nuôi dê” vài ngày (tôi biết tỏng là nó viết theo đặt hàng vì dê đang lên giá).

Gặp nhau, hắn thường cao giọng, “xin chào, vững vàng chứ”. Tôi không hiểu ý hắn chào tôi về kinh tế vững vàng hay tư tưởng vững vàng. Tôi thường buông nốt trầm, “bình thường thôi”. “Nghe nói mày mới ra sách, đưa tao một cuốn, thời này mà không đọc là chết mày ạ, nhưng tao nói thật bọn văn nghệ chúng mày phức tạp lắm”. Nó nửa vuốt nửa đe. Tôi mừng thầm, thằng vô danh tiểu tốt như tôi, viết được cuốn sách mỏng như lá lúa cực khổ hơn làm cái nhà, sách mới ra đã có người tìm đọc thì hạnh phúc nào bằng.

Tôi tự sướng, thế là may mắn hơn thằng bạn nhà thơ của tôi rồi. Hắn tặng tập thơ còn dúi vào tay tôi năm chục, còn rỉ tai “bát phở tái và hai chai Sài gòn” gọi là có tí đạm, lấy sức mà đọc. Hắn còn đe “không đọc là trả lại tiền đấy”.

Lấy một cuốn trong cặp, đề tặng “Nguyễn Văn L…trưởng phòng..” phải viết chức vụ vào sách, nó thích thế, tôi ký tên đưa nó rồi cười phân bua “tao là dân làm ăn, văn nghệ văn gừng cho vui, đơn giản chứ không phức tạp đâu”. Nó nâng niu cuốn sách trên tay còn thơm mùi mực và hôn chụt một cái làm tôi cảm động “ai cũng như mày thì văn nghệ sĩ được nhờ”. Nó quả quyết, “một câu thơ hơn sức mạnh sư đoàn của Hữu Loan mày biết rồi chứ, không có những câu thơ như thế thì làm sao thắng Mỹ”. Trời ạ, câu đó của ai thì tôi chịu còn Hữu Loan thì chắc chắn là không vì thời chống Mỹ ông đang thồ đá. Chưa nói hết nó giơ tay chào và bước nhanh như kết thúc buổi nói chuyện tại hội trường.

Nó chọn ngày tốt, nghe thầy bảo thế, vào nhà mới. Vợ chồng tôi đến mừng. Tôi đùa, từ tường gạch không tô, mái tôn, lên thẳng năm tầng lầu bỏ qua giai đoạn cấp bốn gác lửng. Phòng khách rộng hơn ba chục mét vuông như gian hàng trưng bày sản phẩm hội chợ triển lãm đa nghành. Đồi mồi, sừng nai, đại bàng lũa gỗ, tranh thêu XQ to tướng (chắc chắn đồ gia công ngoài chợ Đầm, thật thì ai mua nổi mấy chục triệu mà tặng), hai bình gốm như hai cột đình không phải Giang Tây của Tàu mà Sơn Tây của nước Việt ta… kín bốn bước tường và chường ra lối đi. Tôi leo từng tầng và quan sát từng phòng như leo đỉnh Phan xi păng. Phòng nào cũng bày trí theo tiêu chuẩn Erô guynh đâu, giường nệm hai mươi phân Kim Đan, máy lạnh Nhật, bàn trang điểm Thái, tủ áo cẩm lai Đài Loan... Tôi băn khoăn, tại sao phòng hai vợ chồng mà không thấy bàn làm việc nhỉ. Máy tính cũng không, chỉ có Tivi 42in dán mỏng vào tường nối một cặp loa khủng. Sách vở tài liệu đâu cả rồi, nhà cũ của hắn có bao tải đựng sách để ở góc phòng cơ mà. Hiểu ý tôi, vợ hắn phân bua “tài liệu của ảnh và của cơ quan thì để phòng thờ, còn sách văn nghệ văn gừng vớ vẩn em dọn cho thoáng nhà chứ ảnh có bao giờ đọc đâu”.

Vợ hắn là người Bắc vào Nha Trang từ nhỏ, hiện giám đốc công ty “Môi giới và tiếp thị”, thực ra là cò, cò mua bán nhà đất, cò vay ngân hàng và cò học sinh vào trường điểm. Hắn làm tuyên giáo nên vợ hắn quen nhiều hiệu trưởng lắm. Làm gì thì làm, có ích cho gia đình và xã hội là được, tôi thường động viên vợ hắn như thế.

Vợ tôi thường ra tiệm sách cũ. Một hôm, tôi đang lúi húi giặt đồ cho cả nhà, vừa xả xà bông thì bị mất điện. Định chửi đổng ông nhà đèn một câu cho bỏ tức thì cô ấy về, chưa kịp bỏ dép đã hớt hải chạy vào khoe như nhặt được của rơi “anh xem này, anh xem này” và dúi vào tay tôi cuốn sách. Sách của tôi, nó đây rồi, chữ tôi viết cách đây ba năm, màu mực còn mới, từng trang sách dính vào nhau chứng tỏ chưa có bàn tay nào mở ra, bìa sách nhòa chữ ẩm ướt. Tôi vuốt ve, ôm nó vào lòng như lâu ngày gặp lại đứa con lưu lạc rồi đưa lên môi hôn chụt một cái như thằng bạn đã làm. Tôi chợt nhớ câu nói “em dọn cho thoáng nhà...” rồi đặt vào tủ kính và tự an ủi “sách cũng biết tìm về với chủ”.

Mồng ba tết nó đến thăm tôi, nhìn tủ sách nó phán “nghe nói mày mới ra sách, tặng tao một cuốn, thời nay mà không đọc sách là chết mày ạ”.

Thật tình năm mới mà bực bội thì cả năm mất hên, tôi mở thùng sách mới lấy từ nhà in về hôm qua, còn nguyên đai, rút một cuốn và đề tặng “Nguyễn Văn L... trưởng ban...” vì nó đã lên chức trước tết một tuần, coi như lì xì tết vậy. Nó cầm cuốn sách trên tay còn thơm mùi mực.... nướng (vì tôi đang nướng mực đãi khách) và hôn chụt một cái làm mặt tôi nóng bừng như vừa xong ly đế. May mà bác sĩ bảo tôi có máu lạnh nên chỉ đứng im mà không khua tay động tác nào.

Ra về, nó giơ tay chào và bước nhanh như kết thúc buổi nói chuyện tại hội trường rồi dõng dạc, “chúc vững vàng nhé”.

Tôi bảo vợ, “em nhớ ra tiệm sách cũ mua lại sách của anh nhé ”.

Khuyết Đề



Nguyên tác: Lưu Tích Hư
缺 題

道 由 白 雲 盡
春 與 清 溪 長
時 有 落 花 至
遠 隨 流 水 香
閑 門 向 山 路
深 柳 讀 書 堂
幽 映 每 白 日
清 煇 照 衣 裳

劉 脊 虛


Khuyết Đề

Đạo do bạch vân tận
Xuân dữ thanh khê trường
Thời hữu lạc hoa chí
Viễn tùy lưu thủy hương
Nhàn môn hướng sơn lộ
Thâm liễu độc thư đường
U ánh mỗi bạch nhật
Thanh huy chiếu y thường




(phóng dịch tặng một mùi hương trên nước...)
Nam Dao

cuối đường, chân mây trắng
suối trong, nụ xuân trồi
gió lay, cánh hoa rụng
hương thoảng trên nước trôi

cửa mở ra, dốc núi
thư phòng, bóng liễu rơi
nắng soi, sáng và tối
chiếu lên xiêm y người

Bất ngờ, giữa một vòng tay



Nam Dao


Như mưa những ngày cuối hạ

giọt mưa tím mướt từ em

nhỏ vào hồn anh,

từng giọt



Như nắng những ngày đầu thu

những giọt nắng vương tà áo

quấn quít

vàng óng một đời



Hạ qua và thu đã tới

rồi trời chuyển dạ sang đông

gió chợt làm em ngơ ngẩn



Bốn mùa từ em trong vắt

thời gian

động cánh chim bay

đi tìm trăm miền nắng ấm

bất ngờ

giữa một vòng tay

Cơn giận




Cơn giận từ đâu tới? _ Tâm của ta cũng giống như một mảnh đất (mind-field), có chứa đầy đủ các loại hạt giống tốt lẫn hạt giống xấu. Giận cũng là hạt giống mà ai cũng có. Khi ta vui vẻ, nói cười, tươi mát không có nghĩa là ta không có hạt giống giận, chỉ vì nó chưa phát hiện lên thôi. Nó đang nằm yên trong chiều sâu của lòng đất tâm, khi có một nguồn lực tác động vào thì nó mới bừng dậy. Nguồn lực đó thường đến từ bên ngoài như một hoàn cảnh bất như ý, hoặc một thái độ không dễ thương của ai đó. Ngoài ra, chính năng lực hoạt động của những hạt giống khác trong tâm thức như tưởng tượng, nghi ngờ, so đo, tiếc nuối, tuyệt vọng… cũng kích thích vào hạt giống giận, làm cho nó biến thành cơn giận.

Ta biết rằng trong nhiễm thể (tức ADN) có mang theo tất cả những phẩm chất mà thế hệ phía trước đã gây tạo. Có thể vì chiến tranh mà ông bà của ta đã vô tình để cho những hạt giống giận hờn phát triển mạnh mẽ, rồi đến thế hệ cha mẹ lại quá bận rộn với mưu sinh nên không những không hạn chế được mà còn làm cho nó lớn mạnh thêm. Vì vậy khi tiếp nhận toàn bộ giá trị tinh thần qua nhiễm thể, ngoài những phẩm chất quý giá, ta còn phải gánh chịu luôn cả những khiếm khuyết, trong đó có năng lực giận hờn mà thế hệ phía trước chưa có cơ hội chuyển hóa.

Nếu may mắn được lớn lên trong môi trường an lành, những nguồn tưới tẩm chung quanh mà đặc biệt nhất là sự chăm sóc của cha mẹ chứa đầy chất liệu hiểu biết và thương yêu thì coi như hạt giống giận hờn trong ta bị cô lập và yếu ớt. Còn lỡ phải rơi vào hoàn cảnh mà những người sống chung quanh luôn vung vãi những năng lượng bực tức, sợ hãi, kỳ thị, hận thù thì ta nghiễm nhiên trở thành người mang tánh khí giận hờn mạnh mẽ.

Khi bước vào giai đoạn trưởng thành, tự định hướng đi trong cuộc đời thì ta lại có cơ hội thay đổi tánh khí của mình. Nếu ta vẫn nghiêng về phía tranh đấu với mưu sinh, giành hết thời gian và năng lực cho việc tìm kiếm những điều kiện tiện nghi hưởng thụ, bất chấp mọi phương cách làm tổn hại đến những phẩm chất quý giá trong tâm hồn, thì hạt giống giận hờn sẽ dễ dàng lớn mạnh. Trường hợp ta chọn cho mình lối sống giản đơn, nghề nghiệp có tính chất nuôi dưỡng tinh thần cao thượng, thì hạt giống giận hờn năm xưa sẽ mất dần khả năng ảnh hưởng.

Ta còn có thể thay đổi một lần nữa nếu ta có khả năng điều phục chính mình. Dù hạt giống giận hờn lớn mạnh bởi di truyền hay hoàn cảnh, nhưng nếu ta có ý thức sâu sắc về tác hại của sự giận hờn có ảnh hưởng lớn lao đến đời sống bình an và hạnh phúc, thì thay vì lao vào công cuộc tích góp tiền bạc hay quyền thế ta lại giành nhiều thời gian và năng lực cho việc trao luyện tinh thần. Dù chưa có được những phương pháp hay để chuyển hóa tuyệt đối hạt giống giận hờn, nhưng dưới sự quan tâm đúng mức và những hiểu biết về cảm xúc của chính mình qua trải nghiệm, chắc chắn tính nóng giận của ta sẽ không còn mạnh mẽ và từ từ trở nên hiền hòa, tươi mát. Cho nên bản tính không hẳn khó dời.

Cơn giận của chính ta
Như vậy cơn giận là của chính ta chứ không phải do ai khác đem tới. Hoàn cảnh dù có bức ngặt như thế nào, người kia dù có đối xử tệ bạc như thế nào thì cũng chỉ đóng vai trò tác động thôi, ta mới chính là tác giả của cơn giận. Tại vì cùng một tình huống xảy ra nhưng người khác sẽ phản ứng không giống với ta. Họ có thể điềm tĩnh hơn, nhẹ nhàng hơn, bền bỉ hơn hay ít đau đớn hơn. Phản ứng khác biệt này tùy thuộc vào nhiều lý do.

Thứ nhất là bản năng tự nhiên. Như đã nói, do tiếp nhận kinh nghiệm từ thế hệ phía trước nên bản năng luôn có khuynh hướng phản ứng mạnh mẽ khi gặp những điều bất như ý. Nghĩa là trong nhận thức của ta đã có sẵn dữ liệu: khi người kia đem tới cho ta một cảm xúc xấu thì ta phải tìm mọi cách để trả lại cho họ một cảm xúc xấu tương ứng, hoặc là nhiều hơn thì ta mới hả dạ, mới cảm thấy tồn tại một cách an toàn. Do thừa hưởng di truyền này quá mạnh, ta lại không đủ khả năng để tự thay đổi năng lực giận hờn của chính mình nên bản năng đã lấn áp hoàn toàn kinh nghiệm do ta tích lũy.

Thứ hai là thói quen tập dợt. Trong di truyền không mang nặng tính giận hờn, nhưng vì hoàn cảnh sống nào đó ta đã đem cơn giận ra để ứng phó mỗi ngày như cách thể hiện bản ngã, cho bên kia thấy rõ uy lực hay cả khổ đau của mình. Không ngờ cách sử dụng giận hờn như kiểu phương tiện đó đã vô tình tập dợt cho năng lực của nó ngày càng lớn mạnh. Khi ấy không những sức tàn phá của nó tăng nhanh mà sự nhạy bén cũng nhảy vọt. Thói quen giận hờn mới sẽ được thiết lập một cách mặc định trong tâm thức, bấy giờ kinh nghiệm mới tích lũy đã lấn áp bản năng. Chỉ trong một thời gian ngắn ta đã trở thành một con người khác, dễ giận dễ hờn, mà chính ta cũng không thể ngờ được.

Thứ ba là tâm lý bế tắc. Thỉnh thoảng có vài cơn giận le lói trong tâm hồn, phải có sự tinh tế lắm thì ta mới nhận ra được. Do những tâm lý buồn tủi, chán chường, nghi ngờ, mặc cảm… âm thầm hoạt động và đã chạm tới hạt giống giận vốn đang nằm yên trong chiều sâu tâm thức. Đó là tình trạng của những nỗi giận hờn vu vơ. Lâu dần nó kết tinh thành một khối nặng trĩu trong tâm hồn, danh từ chuyên môn gọi là nội kết. Khối nội kết này chi phối sâu sắc đến cách hành xử hằng ngày của ta, nhìn vào là có thể phát hiện ra ngay, nếu chọc tới thì nó sẽ nổ tung như một quả bom. Chỉ cần tháo gỡ được chỗ bế tắc tâm lý thì cơn giận sẽ dễ dàng tan biến, còn lỡ vô ý để luôn thì khối nội kết đó sẽ trở thành một loại ung thư của tâm hồn, dần dần hủy diệt hết nhựa sống.

Thứ tư là nhận thức sai lầm. Ta thường hay có thói quen phán đoán mà không chịu tìm hiểu sự thật. Trong trường hợp này hạt giống tưởng (perception) trong ta quá mạnh, khi nhận được một hình ảnh hay âm thanh nào tương tợ với những kinh nghiệm có sẵn trong kho tâm thức, nó lập tức phóng đại lên gấp nhiều lần để bản ngã tăng cường khả năng đề phòng và tranh đấu. Và hạt giống giận luôn là ứng cử viên sáng giá nhất của bản ngã. Một khi cơn giận bao trùm hết tâm thức thì những năng lượng tốt đẹp khác không còn cơ hội để giúp bản ngã sáng suốt nhìn nhận lại vấn đề cho đúng với bản chất thực của nó. Vì nhận thức thường hay sai lầm nên cơn giận cũng thường hay vô nghĩa.

Thứ năm là khả năng chấp nhận. Khi tinh thần an ổn, năng lượng dồi dào, cộng với một hiểu biết sâu sắc về những nguyên tắc điệu hòa sự sống thì khả năng chấp nhận trong ta sẽ rất cao. Nghĩa là trái tim ta có một dung lượng rất khá, có thể chứa đựng được rất nhiều đối tượng khó khăn mà vẫn không đau khổ. Ta hãy nhìn những người trải nghiệm vững vàng trong cuộc đời, hoặc những người có tấm lòng lớn thì những cuộc tấn công lẻ tẻ bên ngoài không bao giờ làm cho họ nao núng hay thương tổn. Trái lại họ có thể ôm ấp những kẻ u mê dại khờ kia vào lòng và giúp họ thoát khỏi những kiến chấp sai lầm để bước lên con đường xán lạn.

Như vậy khả năng chấp nhận mới là nguyên nhân chính khiến cho cơn giận hình thành và phát triển. Vậy thay vì tìm cách thay đổi hoàn cảnh, ta hãy quay về học cách mở rộng trái tim mình. Bởi thực tế ta không thể nào làm cho mọi hoàn cảnh hết khó khăn, nhưng ta có thể làm cho trái tim mình rộng mở đến mức không còn biên giới. Mức lớn nhất của trái tim là có thể ôm trọn cả vũ trụ bao la này. Nhưng ta phải nhớ rằng tình thương luôn gắn liền với hiểu biết, muốn có tình thương lớn thì phải có hiểu biết lớn.

Hiệu ứng của cơn giận
Tuy ta có tài năng để kiếm thật nhiều tiền hay làm cho người khác ngưỡng mộ, nhưng đối với cơn giận ta thường hay bất lực. Thậm chí ta còn chưa biết cơn giận là của chính mình thì làm sao ta có được kỹ năng điều phục nó. Mỗi lần lửa giận bốc cháy ta chỉ biết đuổi theo người kia để trả đũa, tại vì ta nghĩ làm như vậy ta mới hết giận. Nếu không túm được kẻ kia thì ta cũng sẽ tìm cách để tống năng lượng giận hờn ra ngoài, để cho nó thiêu rụi mọi thứ chung quanh thì ta mới hả dạ. Lần nào cũng như lần nấy, khi bị cảm xúc giận hờn khống chế ta như tê liệt hoàn toàn, cũng như em bé ba tuổi khi đói khát hay nóng bức thì chỉ biết khóc thét lên chứ không biết làm gì khác.

Trong khi đuổi theo kẻ khác thì ngọn lửa giận vẫn tiếp tục đốt cháy thân và tâm ta. Dù ta có trừng phạt được kẻ kia, làm cho họ thật khổ sở và ta có cảm giác hài lòng thì sự thực chính ta vẫn là kẻ thiệt thòi nhất. Một cái giá rất đắc phải trả cho cơn giận mà ta không hề hay biết. Khi hạt giống giận bị kích động, nó lập tức biến thành cơn giận bao trùm toàn bộ bề mặt ý thức và khống chế hết mọi suy tư. Năng lượng giận hờn không chỉ làm hư hại đến những năng lượng tốt đẹp đã được tích lũy lâu đời trong tâm thức, mà nó còn có thể hủy diệt luôn những hạt mầm đang chờ cơ hội phát triển.

Một khi cơn giận xả ra ngoài qua hai cơ chế lời nói và hành động, nó sẽ được khuếch đại lên gấp bội lần. Sau đó nó kết hợp với vô số điều kiện thuận lợi khác nữa đang có sẵn trong môi trường lân cận thì nó mới chính thức trở thành một cơn bão cảm xúc. Nhà vật lý học Edward Lorenz đã phát biểu về hiệu ứng con bướm (the butterfly effect) “Mỗi cái vỗ cánh của con bướm ở Nhật Bản có thể tạo nên một cơn giông bão tại NewYork”. Năng lực vỗ cánh của con bướm tuy rất nhỏ, nhưng khi tác động vào một đối tượng khác cùng một tần số, với tính tương tác dây chuyền, nó sẽ tạo thành một chuỗi liên hoàn và xâu kết tất cả những đối tượng đó lại thành ra một hiệu ứng. Nghĩa là những điều kiện tạo thành một cơn bão đã có sẵn trong vũ trụ bao la này, nhưng phải nhờ một tác động nhỏ của cánh bướm nữa thì mới thành ra một hiệu ứng vĩ đại.

Như vậy hiệu ứng của một cơn giận chắc chắn sẽ không nhỏ hơn hiệu ứng của con bướm. Có một điều quan trọng mà các nhà vật lý học Edward Lorenz đã quên phát biểu đó là chính con bướm cũng bị cơn bão kia tác động ngược lại. Khi cơn giận của ta bộc phát ra ngoài tức là ta đã gửi vào vũ trụ này một thông điệp, nó sẽ lập tức lên đường để kết nối những thông điệp khác có cùng tần số rồi phản hồi trực tiếp hay gián tiếp. Thời gian phản hồi nhanh hay chậm còn tùy thuộc nhiều nhân duyên khác nữa. Có khi xảy ra ngay lập tức, có khi cả chục năm trời hay đến thế hệ con cháu của chúng ta thì nó mới hoàn tất một hiệu ứng. Vì vậy cha ăn mặn mà con vẫn khát nước như thường. Cho nên một cơn giận của ta có thể làm cho toàn cầu bị ảnh hưởng và ngược lại năng lượng giận hờn của toàn cầu cũng sẵn sàng gửi về ta một nghịch cảnh nếu điều kiện ảnh hưởng đã đầy đủ.

Đừng nói chi hiệu ứng xa xôi ấy, chỉ ngay nơi hiện trường ta cũng thấy được cảm xúc giận hờn một khi trào ra ngoài cũng giống như một cơn đại dịch, lan tỏa rất nhanh đến mọi đối tượng chung quanh và hiệu ứng của nó xảy ra cũng rất bất ngờ. Thí dụ sáng hôm nay bị sếp kêu vào chưởi cho một trận lôi đình vì sự sai sót của ta đã làm cho một số hợp đồng bị ngưng trệ. Sau lời hăm dọa đuổi việc của sếp, vì chịu hết nổi nên ta đã ném vào mặt sếp một câu tuyên bố xanh rờn rồi xô cửa bỏ về.

Đang ấm ức về sự kiện tồi tệ vừa xảy ra, lại bị anh cảnh sát giao thông huýt còi vì vượt đèn đỏ, sẵn cơn bực tức ta lại lên giọng cãi cọ ầm ĩ để rồi ra đi với tấm vé phạt tiền trong tay còn giấy tờ xe gửi lại. Vừa chửi rửa lầm bầm trong miệng thì người yêu điện thoại tới cằn nhằn chuyện thất hứa hôm qua. Câu nói “tôi quá thất vọng vì anh” của nàng đã đưa cơn bão giận hờn lên tới đỉnh điểm và bao nhiêu ân tình bỗng chốc tan thành mây khói. Ta đã thẳng thừng tuyên bố chia tay mà không một lời giải thích.

Không biết còn chuyện gì xảy ra nếu tiếp theo đó có ai xui xẻo lọt vào vùng phụ cận của ngọn núi lửa đang phun trào ngùn ngụt. Chưa nói hậu quả của câu tuyên bố kia sẽ làm cho sếp nổi điên lên mà ra quyết định đuổi việc và phao thêm nhiều thông tin bất lợi cho ta, hay anh cảnh sát vì quá tức tối những lời lẽ xúc phạm của ta mà không còn đủ bình tĩnh để điều phối các tín hiệu giao thông để cho tai nạn xảy ra hàng loạt, và người yêu có thể cũng ngất ngư trong cơn lây dịch cảm xúc của ta để rồi đi tới quyết định hết sức nông nỗi. Từ một cảm xúc giận hờn ta đã tạo ra một chuỗi hiệu ứng quả thật không lường.

Cố nhiên mỗi đối tượng đón nhận cảm xúc giận hờn của ta đều có những phản ứng trả đũa bằng trực tiếp hoặc gián tiếp. Nhưng hậu quả tồi tệ nhất là khi ta sử dụng năng lượng giận hờn bằng lời nói hay hành động để tấn công đối phương, nó sẽ rơi rớt lại trong chính ta hơn rất nhiều lần so với năng lượng mà ta tống đi. Đó là nguyên tắc rất tự nhiên, lực hút từ cơ chế gốc bao giờ cũng mạnh hơn những lực hút bên ngoài, nhất là trong giai đoạn cao trào của cơn cảm xúc thì tâm lực của ta càng mạnh mẽ hơn. Hóa ra muốn trừng phạt kẻ khác ta lại đi hủy diệt chính mình. Khi năng lượng giận hờn rớt xuống thì nó lại cộng hưởng với năng lượng nguồn làm cho cơn cảm xúc tăng vọt, toàn thể thân và tâm ta bị tê liệt và biến hoại âm ĩ, sau đó nhanh chóng hình thành luôn cơ chế mới trong tâm thức về lãnh thổ hoạt động và khả năng tàn phá của cơn giận trong tương lai.

Điều phục một cơn giận

Nếu đã thấy được sức tàn phá của một cơn giận quá lớn mà chính ta là kẻ chịu tổn thất nặng nề nhất, thì hãy cố gắng lưu trữ cẩn thận tập tin quan trọng này vào tâm thức để mỗi khi hạt giống giận hờn bị kích động là ta kịp thời ý thức trách nhiệm bảo vệ chính mình mà không theo thói quen cũ cứ lo truy cứu kẻ khác. Nắm được nguyên tắc này thì đỡ khổ nhiều lắm, dù chưa có khả năng kềm tỏa được cơn giận hoàn toàn nhưng ta sẽ bớt dần thái độ trách móc hay đổ hết lỗi lầm cho người kia. Tại vì cơ hội quay về thay đổi chính ta bao giờ cũng nhiều hơn đi thay đổi người khác.

Tất nhiên người kia cũng có lỗi, vì vô tình hay cố ý mà họ đã buông ra lời nói hay hành động có tính chất tưới tẩm vào hạt giống giận hờn trong ta. Nhưng trừng phạt họ không phải là cách giải quyết vấn đề của người có tình thương và hiểu biết. Ta cần nói cho người kia biết họ đã sai và đừng bao giờ lặp lại hành động đó, nhưng để làm được như vậy ta cũng cần có một thái độ bình tĩnh và nhẹ nhàng để người kia có thể cảm thông mà chấp nhận. Ta hãy biến những người thân thành đối tượng giúp đỡ tích cực trong giai đoạn mới bắt đầu thực tập làm chủ cơn giận. Đừng để họ tiếp tục làm kẻ đối kháng.

Và không phải lúc nào ta cũng có thể nói trước với người kia về tình trạng giận hờn trong ta quá lớn mạnh để cầu xin sự nâng đỡ. Nên ta đừng trông chờ nhiều vào điều kiện bên ngoài, khéo biết sử dụng khả năng của mình thì ta vẫn đủ sức để điều phục một cơn giận. Vậy trước tiên ta cần có một khả năng phát hiện ra có sự kích động từ bên ngoài hay sự va chạm từ chính bên trong tâm thức vào hạt giống giận. Kế tiếp ta phải có khả năng đánh giá chính xác hành động kia có chủ đích gì hay do vụng về lầm lỡ để ta quyết định cách ứng xử hữu hiệu. Sau đó ta phải có khả năng quan sát quá trình vận hành của cơn giận để thấu hiểu được bản chất vô thường sinh diệt của nó mà đừng để kẹt vào. Cuối cùng ta cần khả năng khơi dậy những năng lượng an lành và mát mẻ như ân tình, bao dung để ôm ấp và chữa trị cơn giận. Khả năng đó chính là chánh niệm (mindfulness).

Để làm được những điều này ta cần phải chọn cho mình một không gian thích hợp. Tức là khi cơn giận bắt đầu phát hiện ta phải khôn ngoan tìm cách tách ly ra khỏi hiện trường. Lỡ không đi đâu được, trong cơn cảm xúc ta chỉ nên thực tập không nói năng hay hành động gì thêm nữa, dù đó là một thái độ giải thích mà ta cho là thỏa đáng. Bước thứ hai là tìm cách làm phát sinh năng lượng chánh niệm, nếu ta chưa có sẵn. Nghĩa là phải có những phương pháp thực tập cụ thể để giúp ta ngừng suy diễn đến sự kiện vừa xảy ra, dồn hết tâm ý trở về một chỗ trong chính con người của ta để tạo ra năng lượng chánh niệm. Hơi thở là chỗ nương tựa dễ dàng và an toàn nhất của tâm ý. Chỉ cần tập trung vào hơi thở vào ra chừng năm phút là cảm xúc giận hờn sẽ lắng dịu.

Phải luôn nhớ rằng khi năng lượng chánh niệm trong ta yếu ớt, cảm xúc giận hờn vẫn còn lên xuống thất thường thì ta đừng bao giờ nhìn vô cơn giận hay nhìn lại vấn đề vừa xảy ra, như thế chỉ làm cho tình trạng tồi tệ thêm. Phục hồi năng lượng, thiết lập trở lại sự bình ổn tinh thần là điều khẩn thiết hàng đầu. Nếu cần người khác giúp đỡ thì phải với mục đích xin tiếp tế năng lượng, chứ không nên vì muốn tìm người đứng về phe mình.

Ta chỉ nên ngồi xuống để tự tháo gỡ vấn đề hay nhờ bên phía gây giận giúp đỡ khi và chỉ khi nào ta thực sự tỉnh táo và nhận ra cơn giận của mình. Với ánh sáng chánh niệm chắc chắn ta sẽ sử dụng hết trong con người tài ba của mình ra để ứng phó, nghĩa là ta sẽ biết mình nên làm gì và không nên làm gì để giải quyết vấn đề cho vẹn vẻ đôi bên, cho hôm nay và cả tương lai. Nhiều lần thực tập điều phục cơn giận như vậy ta sẽ phát hiện ra, sở dĩ ta dễ nổi giận vì tình thương ta giành cho người kia có thể vẫn chưa đủ lớn. Cho nên quay về nuôi dưỡng tình thương là điều kiện tốt nhất để giúp ta chuyển hóa cơn giận.

♥Minh Niệm

Năm giọt mật




Ngày xưa có một tên tử tù vừa vượt thoát khỏi lao ngục, chạy bán sống bán chết. Ðàng sau hắn, hai con voi say đang đuổi theo, do sự tổ chức truy nã của nhà cầm quyền.

Trong cơn hốt hoảng, chẳng may hắn ta rơi tõm xuống một cái giếng sâu ở dọc đường.

Nhưng trong cái rủi ro cũng còn được chút may mắn: Khi thân mình chưa rơi tới đáy, không biết quờ quạng vùng vẫy như thế nào mà hắn ta níu được một cái rễ cây mọc thòng xuống giếng.

Hú vía! qua giờ phút nguy ngập ấy, hắn tưởng chừng như đã yên thân: hai con voi sẽ chẳng biết mình ở đâu mà tìm. Nhưng ý nghĩ ấy thoạt biến mất theo hơi thở: hai con voi say đã đến bên miệng giếng, gầm rống vang động, hút phăng tất cả những cây cỏ mọc trên miệng giếng như để thị uy.

Nếu hắn mà lên thì phải chết!

Hắn hốt hoảng quá. Nếu sợi dây đang đeo mà đứt thì thật là chắc chết mười phần. Hắn ta tính phăng tuột lần xuống đáy giếng để may ra có chút hy vọng nào không. Nhưng bất đồ nhìn xuống đáy giếng sâu thẳm, hắn ta thấy ba con rồng đang múa vuốt, giơ nanh, miệng phun lửa dữ, như muốn bay đến nuốt trửng hắn. Ðiếng hồn, hắn đành phải cố bám chặt sợ dây, đeo lủng lẳng giữa chừng. Nhưng có phải được vậy là yên thân đâu? Ác nghiệt làm sao, kề trên miệng giếng, hai con chuột cống xù, một đen một trắng, đang đua nhau ráp cắn sợi dây. Ác nghiệt hơn nữa là bao quanh thành giếng, theo những lỗ trũng gần hắn nhất, bốn con rắn độc bây giờ xuất hiện, ngóc đầu, thè lưỡi toan mổ.

Những biến cố dồn dập xẩy tới tấp làm cho hắn ta hết phương trốn tránh, ý nghĩ liều mạng lại hiện đến: bề nào cũng không khỏi chết, thà leo ngược trở lên mặt đất, rồi bỏ chạy, dù có chết cũng còn thây. Thế là hắn ráng phăng lần leo ngược trở lên. Khốn khổ quá, phần lo sợ, phần đuối sức, mồ hôi mồ kê ướt dầm. Miệng khô cổ cháy, hắn ngước mặt lên trời mà than rằng: “Trời sao nỡ hành hạ ta đến nông nỗi này”.

Càng mệt, càng thở, hơi thở càng lúc càng ngắn dần; thở bằng mũi không kịp, hắn phải há miệng để thở phụ, trong giờ phút mạng cùng tuyệt vọng ấy, bỗng một bầy ong mật bay ngang qua làm rơi vào miệng hắn 5 giọt mật… Hắn ta chíp ngay, chắp chắp thấy ngon ngon… mê tít… và trong giây phút, quên mất bao nhiêu sự nguy nan đang bao vây hắn…

Người ta có thể quên bẳng đi được tất cả bao nhiêu khổ sở, đau đớn, khi người ta nhận được chút ít an ủi bằng Danh lợi, Tiền tài, Sắc đẹp, Tiếng khen, Ăn ngon, Ngủ kỹ.

Chỉ vì năm giọt mật “Ngũ dục” không đáng giá trong lòng lúc dục vọng đang khao khát trông chờ, mà người trong giếng có thể quên đi được bao nhiêu sự nguy hiểm đang bao bọc quanh mình; loài người vì năm món dục lạc mà quên đi tất cả những gì khổ não, tạm bợ, mạng sống không khác nào như chỉ mành treo chuông!

♥Sưu tầm

Thứ Sáu, 11 tháng 10, 2013

Luật mới của Thổ Nhĩ Kỳ: Cho phép bắt người có ý muốn tham gia biểu tình



Thổ Nhĩ Kỳ mới đây thông qua một bộ luật, theo đó những đối tượng nằm trong diện nghi vấn tham gia biểu tình có thể bị bắt giữ, câu lưu trong vòng 24 tiếng mà không cần tới tòa án hay viện công tố ra quyết định. Tất cả các tổ chức có thành viên tham gia biểu tình trước kia sẽ được giám sát nghiêm ngặt, trường hợp cần thiết khi có nghi vấn tổ chức biểu tình, cảnh sát sẽ tới để bắt người đi. Luật mới này cũng tăng án cho những đối tượng vi phạm qui định do cảnh sát đưa ra hoặc phá hoại tài sản, gây ra cháy sẽ bị phạt tới 5 năm tù giam.

Ông Semih Yalçın, phó chủ tịch đảng dân tộc hành động đánh giá rằng, bộ luật đó đang biến Thổ Nhĩ Kỳ trở thành một đất nước cảnh sát trị. Vào hôm 6 tháng 10 vừa qua ông đánh giá rằng "bộ luật đó sẽ đẩy đất nước vào tình trạng hỗn loạn và mọi sự cố gắng của chính quyền sẽ chẳng mang lại lợi ích gì".

Ông Ali Serindağ, đại biểu quốc hội thuộc đảng cộng hòa dân tộc đánh giá rằng bộ luật đó không phù hợp với một nước pháp quyền "Nếu người ta trao một quyền lực lớn như vậy cho lực lượng an ninh mà không cần tới sự đồng ý của viện kiểm sát thì đó là việc không phù hợp với một nhà nước pháp quyền. Việc quan trọng hơn đáng lý ra phải là việc đào tạo cảnh sát năng lực tiếp cận với người biểu tình."

Ông İlhan Cihaner, một đại biểu khác đánh giá rằng "còn hơn cả chế độ phát xít" và "bây giờ thì ngay cả những người chưa bao giờ biểu tình cũng có thể bị bắt bỡ dễ dàng hơn"
Tháng 6 vừa qua đã có 25 người TNK bị bắt vì viết trên Twitter về việc biểu tình. Tất cả họ bị cáo buộc tội tuyên truyền "công khai sự thù ghét" vì cách họ giải thích trên Twitter làm sao để có thể tham gia biểu tình. Cảnh sát sau khi đọc được những lời lẽ đó đã lần theo IP, truy tìm tới 38 địa chỉ và bắt được những người đó.

Tại Thổ Nhĩ Kỳ hiện nay, việc bàn luận trên Twitter hoặc các trang mạng xã hội khác công khai về vấn đề công viên Gezi hay chỉ trích chính quyền là điều hoàn toàn cấm kỵ. Ai cố tình vi phạm sẽ bị cảnh sát bắt giam. Thậm chí có những trường hợp tham gia bình luận trên những trang "lề trái" còn bị các đối tượng thân chính phủ miệt thị, mạ lị và doạ giết.

Thổ Nhĩ Kỳ là một nước đa đảng, nhưng được lãnh đạo chỉ bởi một đảng. Lý do đơn giản đó là việc đảng cầm quyền nắm đủ số ghế cần thiết để thành lập chính phủ, thông qua luật mà không cần tới sự đồng ý của bất cứ đảng phái nào khác. Mọi sự phản đối của các đảng đối lập cho tới nay chưa có bất cứ hiệu quả nào. Đơn giản là việc chính quyền ông Erdogan hiện nay nắm được trong tay cả quân đội lẫn an ninh. Đó cũng là nguyên nhân khiến cho nhiều cuộc biểu tình với qui mô rất lớn nhưng vẫn thất bại.
Bản dịch từ links gốc:
http://alles-schallundrauch.blogspot.de/2013/10/turkei-erlaubt-vorbeugende-verhaftung.html?utm_source=feedburner&utm_medium=feed&utm_campaign=Feed:+SchallUndRauch+%28Schall+und+Rauch%29
Tham khảo thêm: http://www.zeit.de/politik/ausland/2013-06/rechtsstaat-tuerkei-gezi-proteste

Tác giả người Canada giành giải Nobel văn học 2013




VOV.VN -Trái với suy đoán của các nhà phê bình văn học, Alice Munro - tác giả “Trốn chạy” đã được vinh danh với giải Nobel văn học 2013.

Lễ trao giải Nobel Văn học 2013 do Peter Englund, thư ký thường trực Viện hàn lâm Thụy Điển tổ chức đã được diễn ra tại trụ sở của Viện ở Stockholm vào lúc 18h ngày 10/10 (giờ Việt Nam).

Trong lời tuyên bố trao giải, Peter Englund đã gọi Alice Munro – tác giả cuốn “Trốn chạy” là “bậc thầy của truyện ngắn đương đại”. Cùng với đó, thư ký Viện hàn lâm Thụy Điển cũng không ngần ngại khi bày tỏ quan điểm của mình về nữ nhà văn người Canada. Ông nói: “Alice Munro là một con người nhỏ nhưng luôn mang trong mình một tâm hồn lớn”.

Tuy nhiên, điều ngạc nhiên nhất của giải Nobel văn học năm nay chính là sự lên ngôi của tác phẩm truyện ngắn – thể loại ít nhận được sự quan tâm của Ủy ban Nobel những năm trước.



Nhà văn Alice Munro

Alice Munro được sinh ra tại Wingham, Ontario, Canada vào ngày 10/7/1931. Mẹ bà là giáo viên và cha là người nông dân chuyên làm chăn nuôi. Sau khi tốt nghiệp trung học, bà Alice Munro đã bắt đầu chuyên tâm cho việc học báo chí và tiếng Anh tại Đại học Western Ontario. Thế nhưng, sau đó một thời gian ngắn, bà đã bỏ dở việc học để kết hôn vào năm 1951.

Alice Munro bắt đầu viết truyện từ những ngày còn thơ ấu. Tác phẩm đầu tiên của bà được xuất bản vào năm 1968 với tựa đề “Dance of the Happy Shades” và nhận được nhiều sự quan tâm ở Canada thời bấy giờ. Các tác phẩm của bà thường lấy đề tài từ chính cuộc sống của thị trấn nhỏ nơi bà đang sống và tập trung viết về những vấn đề xã hội, đời sống. Bà chú trọng đến từng chi tiết, xây dựng nhân vật tài tình và đưa ra những kết thúc khó đoán khiến khán giả phải bất ngờ.

Truyện ngắn “Trốn chạy” của Alice Munro xoay quanh nhân vật người thiếu phụ không thể chạy trốn khỏi chồng, dù cô những tưởng đó là điều mình mong muốn. Câu chuyện từng bước xây dựng hình ảnh một cô gái bị mắc kẹt trong một cuộc hôn nhân không hạnh phúc. Nỗi buồn dần tích tụ trở thành niềm tuyệt vọng cho đến lúc cô gái quyết định bỏ trốn.

Nữ tác giả người Canada từng thắng giải Man Booker Quốc tế năm 2009, ba lần đoạt giải Governor General của Canada cùng nhiều giải thưởng văn chương khác./.


Kim Dung/VOV online
Theo CNN, Reuters

Phọt phẹt và "bựa"


Phọt phẹt

Người mẹ cứ "vạch vú" ra bắt con bú, thằng con không chịu cứ khóc.
Ông nội ngồi bên dỗ cháu: "Bú ngoan đi cháu, không bú ông bú bây giờ"!
Người cha ngồi trên ghế nghe nóng mặt liền nói cha:
- Ơ hay cha, sao cha lại nói thế?
- Tao nói gì nào?
- Sao cha lại đòi "bú" vợ con!
- Mồ tổ cha mày chứ, hồi xưa mày bú vợ tao 2 năm tao có nói mày tiếng nào không! Bây giờ tao mới nói thôi mà mày đã nhảy dựng lên.


* Văn hóa "bựa"
Thấy con trai đi học về muộn, ông bố muốn hỏi nhưng sợ con nói dối, bèn mang máy phát hiện nói dối ra sử dụng. Đứa con vừa trả lời xong, bị máy phát hiện nói dối đấm cho 1 cái. Ông bố liền lên giọng "Hồi bằng tuổi con, bố không làm ông bà nội phải buồn lòng bao giờ", vừa nói xong ông bố bị cái máy đá một phát văng ra ngoài cửa. Thấy vậy, cô vợ liền lanh chanh nói "Đáng đời anh, vì anh mà con phải ra nông nổi thế này, ít ra thì nó cũng là con của anh chứ?". Vừa nói xong, cô vợ bị cái máy đá văng ra ngoài đường.


* Tri thức "bựa"
Một giáo sư môn logic học bị mất kính. Ông bèn suy luận: Ai lấy cắp? Đương nhiên là kẻ cắp rồi. Và tên này có thể bị cận thị, có thể không. Có thể hắn đã có kính, có thể chưa có. Nhưng nếu chưa có làm sao hắn có thể trông thấy kính của mình? Điều này chứng tỏ hắn không bị cận thị. Mà không bị cận thị thì đâu cần tới kính. Từ những giả thuyết trên, có thể kết luận là không ai lấy kính của mình cả. Chắc chắn nó nằm ở đâu đây thôi. Nhưng mình đã nhìn khắp rồi, không thấy gì cả. Mà mình nhìn được như vậy có nghĩa là mình đang đeo kính. A đúng rồi, kính đang nằm trên mũi mình.

(sưu tầm)