Thứ Ba, 8 tháng 10, 2013

Quỷ và thánh


Trà Đoá






Có một gã giang hồ đã chết lãng nhách. Người đi chung với gã, hẳn nhiên là kẻ may mắn sống sót, đã kể lại rằng khi họ đang lang thang trên đường thì gặp phải một kẻ kỳ dị. Hắn tự xưng là quỷ. Gã giang hồ nghe xong nổi cười như mắc tà. Hắn cười lăn cười lộn trên đất, mặc cho kẻ kỳ dị kia la hét phùng mang trợn mắt. Cuối cùng, kẻ xưng là quỷ ấy đã biểu diễn vài phép màu phi thường: hắn nhổ trốc gốc cây cổ thụ to tướng ven đường chỉ bằng một cái ngoéo tay, thổi bay mái một toà cao ốc gần đó chỉ bằng một cú phẩy nhẹ. Nhưng, mặc cho những điều đó, gã giang hồ vẫn không ngưng cười. Cuối cùng, hết kiên nhẫn và như để chấm dứt trò xúc phạm này, con quỷ búng ngón tay một cái tách: gã giang hồ lập tức ngáp ngáp như cá trên thớt. Nhưng con quỷ vẫn chưa cho gã chết hẳn. Hắn cúi xuống nhìn khuôn mặt tái nhợt như thây trôi và nói: nếu mày ngưng cười và công nhận tao là quỷ, mày sẽ thoát chết. Nghe xong, gã giang hồ cựa mình vài cái nhẹ, nở một nụ cười kỳ quái rồi nói đứt quãng: xưa nay... chưa từng... có ai... tự... nhận... mình... là quỷ, họ... chỉ... tranh nhau... làm ... thánh thôi,... vì vậy... những... lời... ngược đời... của mày... nghe... rất... tức ... cười...

Lần này con quỷ tỏ ra thất vọng hoàn toàn và hắn phẩy nhẹ ngón tay út: gã giang hồ vĩnh viễn nằm thẳng cẳng.

Lư Sơn-Cuồng Từ đã đạo văn hàng loạt(


-Truyện ngắn “Thì sống cho tròn nợ tóc da” của Lư Sơn-Cuồng Từ đã đạo văn từ truyện ngắn “Thời hậu chiến” của nhà văn Nguyễn Hương. Theo những links do người bạn cung cấp, tôi vào trang Cuồng Từ Blog thì thấy truyện ngắn “Thì sống cho tròn nợ tóc da” của Lư Sơn-Cuồng Từ (đăng ngày 31 tháng 3 năm 2013 trên Cuồng Từ Blog) có đa số câu và đoạn văn giống y như trong truyện ngắn “Thời hậu chiến”của nhà văn Nguyễn Hương (đăng ngày 22 tháng 10 năm 2006 trên trang Tiền Vệ).

. -Truyện ngắn “Thế giới trùm chăn” của Hoàng Long (đã đăng trên Tiền Vệ ngày 23.04.2003) để biến thành truyện ngắn “Tan thành mây khói” của Lư Sơn-Cuồng Từ (đăng trên Cuồng Từ blog ngày 27.12.2012)

- Lư Sơn-Cuồng Từ đã đạo văn từ truyện ngắn “Câu chuyện người đàn ông muốn mang thai” của Eduardo Galeano [bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (đã đăng trên Tiền Vệ ngày 03.04.2003) để biến thành truyện ngắn “Cuộc cách mạng nhằm lật đổ tạo hóa” của Lư Sơn-Cuồng Từ (đăng trên Cuồng Từ blog ngày 16.03.2013)

- Lư Sơn-Cuồng Từ đã đạo văn từ truyện ngắn “Những nghịch lý” của Eduardo Galeano [bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (đã đăng trên Tiền Vệ ngày 07.05.2006) để biến thành truyện ngắn “Phi lí là điều không tránh khỏi” của Lư Sơn-Cuồng Từ (đăng trên Cuồng Từ blog ngày 15.12.2012)

- Lư Sơn-Cuồng Từ đã đạo văn từ truyện ngắn “Nhân loại” của Eduardo Galeano [bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (đã đăng trên Tiền Vệ ngày 19.12.2011) để biến thành tạp văn “Lời tôn vinh nhân loại vào đầu năm 2013” của Lư Sơn-Cuồng Từ (đăng trên Cuồng Từ blog ngày 02.01.2013)

- Lư Sơn-Cuồng Từ đã đạo văn từ tiểu luận “Xã hội học của sự cô đơn” của Hamvas Béla [bản dịch của Nguyễn Hồng Nhung] (đã đăng trên Văn Chương Việt ngày 02.05.2011) để biến thành tạp văn “Cõi cô đơn” của Lư Sơn-Cuồng Từ (đăng trên Cuồng Từ blog ngày 30.05.2013)

- Lư Sơn-Cuồng Từ đã đạo văn từ tiểu luận “Cái gương” của Hamvas Béla [bản dịch của Nguyễn Hồng Nhung] (đã đăng trên Văn Chương Việt ngày 25.02.2013) để biến thành tản văn “Mặt Nạ và Cái Gương”của Lư Sơn-Cuồng Từ (đăng trên Cuồng Từ blog ngày 11.06.2013)

- Lư Sơn-Cuồng Từ đã đạo văn từ truyện ngắn “Lưỡi Dao Săn” của Haruki Murakami (đã đăng trên trang Việt Messenger) để biến thành truyện ngắn “Một giấc mơ” của Lư Sơn-Cuồng Từ (đăng trên Cuồng Từ blog ngày 23.12.2012)

- Lư Sơn-Cuồng Từ đã đạo văn từ tiểu luận “Tin và đáng tin” của Bùi Văn Nam Sơn (đã đăng trên trang Kinh tế Sàigòn Online ngày 22.01.2009) để biến thành tạp văn “Lòng tin” của Lư Sơn-Cuồng Từ (đăng trên Cuồng Từ blog ngày 07.06.2013)

( theo tienve.org/home/activities/viewThaoLuan.do?action=viewArtwork&artworkId=16841)

Sự Cô Đơn


Hamvas Béla
( Trích: 33 tiểu luận triết học của H. Béla)
Nguyễn Hồng Nhung, Dịch từ nguyên bản tiếng Hung 


1.

Cách diễn đạt” Xã hội học của sự cô đơn” mang tính mâu thuẫn logic, bởi vì ở đâu có cộng đồng, không thể nói đến cô đơn, và nơi có sự cô đơn, không thể nói về cộng đồng. Nhưng trong thực tế, con người phải trải qua trạng thái mâu thuẫn này.

Byron từng cho rằng, giữa thiên nhiên, trong rừng cây, trên cánh đồng cỏ, bên cạnh hồ, ông không bao giờ cảm thấy cô đơn, chỉ trong thành phố, giữa những con người. Ý tưởng này dẫn đến một điều, như một thực thể sống, chỉ con người nhận biết sự cô đơn, và chỉ giữa cộng đồng mà thôi.

Không cần giải thích, con người của các đô thị lớn tự nhận ra trạng thái rối ren và ê chề này, trạng thái bị đánh mất: nó biết nó đang sống trong mâu thuẫn, bởi cảm giác cộng đồng mâu thuẫn với sự cô đơn, và sự cô đơn mâu thuẫn với cảm giác cộng đồng. Con người mâu thuẫn với chính bản thân nó. Và dấu hiệu của trạng thái bị đánh mất: con người nằm giữa hai cái, không ở trong cái nào, chống lại cả hai và đứng ngoài cả hai.

Xã hội, sự lẩn tránh xã hội, sự chống lại xã hội; tình trạng xã hội xảy ra bên ngoài xã hội. Con người còn lại một mình ở nơi các mối quan hệ người mở ra các khả năng vô tận; sự tiếp xúc bị đứt đoạn ở nơi mọi thứ đều nhằm để xây dựng sự tiếp xúc. Đấy là trạng thái rơi ra khỏi cộng đồng: SỰ CÔ ĐƠN.

Cô đơn không phải là kinh nghiệm tâm lý một mình, bởi vì không có kinh nghiệm tâm lý một mình. Một cái gì đấy cần thức tỉnh, để thức tỉnh và mang đến hậu quả; đến từ đâu đấy và chỉ ra một hướng nào đấy. Các kinh nghiệm chỉ có thể hiểu và nhìn rõ từ những tương quan cuộc sống hiện thực. Bởi vậy giải thích bằng tâm lý luôn luôn khiếm khuyết. Nhất là khi sự cô đơn xuất hiện ngày càng ở trình độ cao hơn, bởi cô đơn không là một trạng thái chủ quan nữa, mà là một hoàn cảnh khách quan. Bằng việc giải thể kinh nghiệm, loại bỏ những mâu thuẫn bên trong, hay bằng sự can thiệp của tâm hồn vẫn không ai giải quyết nổi sự cô đơn của mình, thậm chí không ai hiểu nổi hoàn cảnh riêng của chính mình.

Chỉ khi con người đối chiếu hành vi liên quan của nó với những người thân, với bạn bè, gia đình, người quen, với cộng đồng gần và xa của nó, chỉ khi ấy nó nhìn rõ hoàn cảnh của nó. Thậm chí còn cần nhiều thứ khác: cần biết về thế giới quan của con người, thấy cái nhân tố là nó đang sống trong cộng đồng, trong một hệ thống xã hội có điều chỉnh, với các nhu cầu sống, nhu cầu tinh thần, với các bản năng tôn giáo, trí tuệ, xã hội, nhu cầu, với số phận riêng của nó, với những cá tính, những dị biệt di truyền, với những khả năng nhất định; Khi các nhân tố của một đời sống cụ thể cùng lúc bộc lộ, chỉ lúc đó con người đủ khả năng hiểu cái gì là ý nghĩa và tầm quan trọng hoàn cảnh sống của nó.

Giải thích bằng tâm lý những yếu tố đời sống đơn giản nhất cũng vẫn khiếm khuyết, vì thế giới nơi con người sống được coi như một tình cờ, và trọng tâm chĩa vào con người, cho dù không phải lỗi tại nó. Và quan điểm tâm lý học chưa bao giờ thất bại thảm hại đến thế khi nói về phân tâm học của cảm giác cô đơn.

Trong cô đơn con người còn lại với mình, biến thuần túy thành tâm hồn, mọi liên hệ khác đứt đoạn, nó đứng một mình, như một thực thể ngoài thế giới, toàn bộ cuộc sống của nó tuôn chảy bên trong: nó chỉ sống một đời sống tâm lý mà thôi. Nhưng toàn bộ khuynh hướng của đời sống tâm lý này liên quan đến thế gian. Toàn bộ tâm hồn nó quay ra ngoài, và vấn đề của cô đơn chính là sự quay ra thế giới bên ngoài này vô hiệu quả.

Con người đứng bên ngoài cộng đồng, nhưng toàn bộ chủ ý của nó tập trung về hướng, tại sao lại ở ngoài cộng đồng, và toàn bộ nghị lực của nó mong ước đứng vào cộng đồng lần nữa. Trong cô đơn con người biết rõ cuộc sống rút vào trong là bế tắc: vì số phận của nó là ở thế gian. Bằng con đường tâm lý học không thể giải quyết cũng như không thể hiểu được sự cô đơn. Số phận của con người chính là thế gian, là môi trường sống, và trước hết là cộng đồng. Bởi vậy sự cô đơn là vấn đề Xã hội học.



2.

Nơi đâu có cô đơn, ở đó luôn có mối quan hệ bị tách rời khỏi cộng đồng, và sự còn lại một mình. Điều an ủi có vẻ là sau một giới hạn tạm thời của thời gian, con người sẽ lấy lại nghị lực sống và quay trở về với cộng đồng. Trong mọi trường hợp mối quan hệ bị đánh mất luôn luôn tiêu cực và đau đớn.

Sự thu mình, trạng thái cô đơn tự nguyện và cô đơn từng phần có thể mang đến sức mạnh, sự an toàn, sự yên tĩnh và sự cao quý: cô đơn từng phần mang đến sự tách biệt, nhưng các mối quan hệ vẫn còn nguyên. Còn trong trường hợp mối quan hệ bị đánh mất, trừ ngoại lệ, con người bao giờ cũng đau khổ. Đây là sự khác biệt giữa cô đơn cố ý, giữa sự biệt lập và sự từ bỏ.

Có thể hiểu, hình phạt bỏ tù, như một cách bảo toàn xã hội, nhưng trong hình phạt này ẩn náu cả hình phạt tâm lý. Nhà tù là trạng thái từ bỏ, nơi xã hội cắt đứt quan hệ với con người, xử phạt nó phải cô đơn. Tất cả những người tù đều là kẻ cô đơn, nếu có thể bàn đến xã hội của nhà tù, hoặc nói về xã hội học của nhà tù, nhưng chỉ có thể nói đến điều này, nếu đây là một xã hội, một cộng đồng dường như tồn tại. Bởi vì trong nhà tù không có những mối quan hệ thật sự mang tính chất tăng trưởng, những mối quan hệ con người hoạt động. Nhà tù là một hình thái nằm ngoài xã hội.

Sự cô đơn tự quyết của kẻ bất lương xác định vị trí của nó trên thế gian, vấn đề của kẻ bất lương luôn là vấn đề của kẻ cô đơn đứng bên ngoài xã hội. Kẻ bất lương muốn hoàn lương, tu tỉnh, quay về xã hội lần nữa, mang theo tội lỗi của mình, và cần phải thỏa mãn với vị trí mà cộng đồng muốn xác định cho nó. Hoặc nó đứng bên ngoài và bị tiêu diệt. Hoặc liên kết với những kẻ có số phận tương tự và tạo ra một xã hội chống đối, nơi có thể tạo ra các mối quan hệ đồng bọn, có thể còn khăng khít hơn cả trong cộng đồng lớn. Đấy là ý nghĩa danh dự của kẻ cướp. Trong sự dựa dẫm lẫn nhau của những kẻ sống bên ngoài cộng đồng lớn, sự cô đơn không bao giờ chấm dứt, bởi vậy họ cần duy trì nghiêm khắc và không điều kiện những mối quan hệ ràng buộc lẫn nhau.

Từ quan điểm này có thể hiểu rõ hơn những vấn đề của người Do thái. Sự đoàn kết Do thái, sự hợp tác nghiêm khắc, không điều kiện của”nhóm thiểu số”, vị trí bắt buộc của những kẻ sống ngoài xã hội: chính là sự dựa dẫm vào nhau của những kẻ cô đơn. Ở họ vấn đề tồn tại cùng nhau quan trọng hơn cả, mọi giá họ cần duy trì điều này, bởi họ không có vị trí trong cộng đồng lớn, hoàn cảnh của họ nan giải, khiếm khuyết, hay nói cách khác nỗi nguy hiểm của sự cô đơn luôn luôn đe dọa họ.

Trong nỗi cô đơn của kẻ bị bệnh không có vai trò của xã hội, hay ngược lại: bên cạnh người bệnh sự chia xẻ của xã hội rất rõ. Hành động đến thăm bệnh nhân là một cử chỉ xã hội. Ai bước đến bên cạnh giường người bệnh, kẻ đó mời gọi người bệnh trở lại cộng đồng.

Nhưng hoàn cảnh của kẻ mắc bệnh thần kinh lại khác về bản chất. Những sợi dây liên hệ xã hội của kẻ này vẫn tồn tại, nhưng số phận bắt buộc họ sống trong một sự lưu đày tạm thời. Sự lưu đày này là hoàn cảnh bắt buộc bên trong của người mắc bệnh thần kinh, và để chạy chữa, người ta” kệ”, không bắt họ tham dự vào những sự kiện của cuộc sống. Sự chiếu cố khiến họ được yên. Chỉ những kẻ mạnh khỏe có thể nhập vào cuộc sống cộng đồng: khả năng gia nhập cực kỳ cần thiết, còn ở những người bệnh thần kinh khả năng này bị hư hoại.

Đặc điểm của bệnh thần kinh là sự suy giảm sức sống một cách chủ quan. Nhìn từ quan điểm của cộng đồng: đấy là sự sợ hãi, sợ tiếp xúc với những người khác. Kẻ mắc bệnh thần kinh ngu ngơ, không dám, im lặng, hỗn loạn, sợ hãi, hay tưởng tượng và đầy lòng nghi ngờ. Mọi biểu hiện của nó đều tiêu cực đối với cộng đồng; đấy là sự cắt đứt, sự xa lánh, sự biệt lập.

Người bệnh thông thường còn gọi là người bệnh khách quan, còn sự tù đày bên trong của bệnh thần kinh là một cưỡng bức chủ quan. Khả năng tham dự vào cộng đồng hoàn toàn biến mất khi sự chủ quan này xảy ra thường xuyên: đấy là kẻ mắc bệnh thần kinh.

Từ những phân tích trên có thể thấy liên hệ họ hàng trong vai trò của nhà tù với nhà thương điên, trại giam, bệnh viện và khu điều dưỡng.



3.

Tất cả những vấn đề cô đơn trên đây vẫn có thể giải quyết được trong xã hội, kể cả một xã hội nguyên thủy nhất. Kẻ bất lương, người bệnh, kẻ mắc bệnh thần kinh trong một ngôi làng của người da đen châu Phi, hay trong một thành phố thời phục hưng hoặc trong thời đại ngày nay, nói chung hoàn toàn giống nhau. Một cộng đồng lành mạnh có thể giải quyết mọi vấn đề bằng các khả năng của nó.

Vấn đề chỉ bắt đầu trong một xã hội không phương cứu chữa với các con bệnh cô đơn. Những biểu hiện biệt lập không nhất thiết nổi lên từ sai lầm của con người hay của cộng đồng: một số người không hề là người bệnh, kẻ bất lương, hay bị bệnh thần kinh mà vẫn bị bỏ rơi. Xã hội luôn có khuynh hướng xếp những kẻ cô độc này vào những sự phân chia đã có sẵn. Kẻ nào một mình, hoặc là kẻ bất lương, hoặc là người bệnh hoặc là kẻ điên. Sự kết án sai lầm càng làm cho tình cảnh nặng hơn. Kẻ cô đơn cảm thấy bản án vô lý bèn phản đối; cộng đồng không hiểu tại sao lại nảy sinh ra một tình cảnh không tính đến, và thế là cộng đồng áp dụng những phương cách đã có sẵn hoặc cưỡng chế. Con người và cộng đồng bắt đầu đối đầu với nhau.

Từ các biệt lập này cần dập tắt mọi xung khắc lợi ích. Trong các trường hợp xung khắc, quan điểm xã hội mọi giá cần xác minh. Một con người không đáng tin, kiêu ngạo, bất thường, hẹp hòi, muốn lợi dụng của chung để thu lợi ích về cho mình nhưng lại tuyên bố đây là” quyền dành” cho hắn, kẻ lợi dụng hoàn cảnh, muốn đạt đến những lợi thế vô luật bằng sự mất dạy, trơ tráo, kẻ đó cần phải bị bỏ rơi.

Thời nay mẫu người này có tên gọi thần đồng, kẻ tuyên bố mình đầy tài năng để đòi hỏi những hoàn cảnh ngoại lệ, vì thế hắn còn lại một mình. Xã hội ngầm hiểu mẫu người này là kẻ ăn bám: hành vi của hắn lập dị, trong sự kiêu ngạo của hắn ẩn náu những đòi hỏi thầm kín nhất, hắn xử sự bất thường, đòi sự ngưỡng mộ, chưa nói đến những đòi hỏi vật chất có lựa chọn và được khái niệm hóa rất tinh vi. Đây là một tình hình xã hội sai lầm thường xảy ra ở những kẻ có tên gọi” Kẻ thích gây gổ”, kẻ” Anh hùng ưa gây sự” và ở những người không có vị trí trong xã hội, vì cách đánh giá của họ thiên lệch.

Loại người này cho rằng của chung có để phục vụ cho một ai nhất định nào đó. Xác định giữa chung và riêng cái nào cao cả hơn, trong mọi trường hợp đều dẫn đến sự mơ hồ. Ở đây ta không có quyền xác định sự khác biệt giá trị và vị trí. Cái này không thể để phục vụ cho cái kia, hoặc để thấp dưới cái kia. Đánh giá quá cao cá nhân cũng nhầm lẫn cơ bản như đánh giá quá cao cộng đồng. Điều, một cá nhân đòi hỏi lợi ích vô điều kiện cũng vô luật như một xã hội biến cá nhân thành nạn nhân.

Giữa cá nhân và cộng đồng không thể có sự đối đầu bởi cả hai đều là một trạng thái sống cụ thể, tồn tại theo quan điểm sinh học và theo số phận. Nơi hai thứ này đối đầu ở đó khả năng rơi ra khỏi cái chung luôn luôn xuất hiện và hoàn cảnh sống cũng không bình thường. Hoàn cảnh sống không bình thường mang lại sự phán xét bất bình thường. Không có giá trị gia tăng của cá nhân đối với xã hội và ngược lại. Con người là một sinh vật sống, tất cả các sinh vật sống đều cùng nằm trong sự chung sống hữu cơ. Nếu trạng thái rối loạn tấn công và các cơ hội đánh giá phát sinh điều ấy có nghĩa là sự chung sống bị phá hoại. Cần điều chỉnh lại sự chung sống lành mạnh chứ không phải bàn đến một cuộc chiến đấu vì lợi ích

Cần chấm dứt xung khắc với một loại hành vi xã hội lập dị. Có một loại người thích phủ nhận các quan hệ. Những người này không bắt gặp các tâm điểm giao tiếp, nhưng cũng không tìm và không muốn tìm. Ở họ không phải là một ý đồ cố ý mà chỉ từ tính cách của họ. Tính cách, không như nhau về mặt tâm lý mà về mặt môi trường. Những người này sống ngoài xã hội như một kẻ chống đối thường xuyên.

Đây là sự cô đơn, nhưng là sự cô đơn ma quỷ: là sự tiêu cực với những ý đồ tối tăm, ác ý, hư hỏng và đối địch, kể cả khi nó chỉ là sự cô đơn câm lặng. Sự cô đơn ma quỷ làm tha hóa cộng đồng. Nó muốn tạo một cuộc sống sinh trưởng ngoài cộng đồng, đưa ra sự quyến rũ về trạng thái từ bỏ xã hội. Được coi như một sự bồi thường của đời sống, hình thức cô đơn ma quỷ này tuyên bố nó là sự mơ mộng. Mơ mộng là bản sao của một đời sống tích cực và khi có khuynh hướng áp đảo, nó gây nguy hiểm cho cả cá nhân lẫn xã hội vì nó tháo tung những sợi dây liên kết vô hình.

Từ đây có thể hiểu được tác dụng phá vỡ cộng đồng sâu sắc của những sản phẩm văn chương làm mê man và như một sự bồi thường của cuộc sống. Những cuốn tiểu thuyết lãng mạn ( văn học Gartenlaube) cũng như các tác phẩm khát vọng, những câu chuyện trinh thám đều phục vụ cho những nhu cầu thỏa mãn thầm kín,và bằng những con đường bí ẩn khiến con người xa lánh cộng đồng chung.

Loại văn học này làm thỏa mãn người đọc trong một lĩnh vực hoang tưởng, đánh thức những biểu hiện chống lại hiện thực và đặc biệt đánh thức sự bất mãn. Cái tình huống không hiện thực có thể trở thành tiêu cực khi sự cô đơn ma quỷ biến thành sự xâm nhập. Lúc đó không chỉ kẻ mơ mộng” đúng” mà „toàn thể xã hội” „hãy chết đi”, chỉ giấc mộng hãy ở lại và hãy biến thành hiện thực!

Mọi trạng thái đều ma quỷ nếu đặt không tưởng lên trên hiện thực, đưa cái bất thường lên trên cái bình thường, đưa ảo tưởng lên trên thực tế. Trạng thái này trong bản thân sự vô sinh của nó chỉ có một cách giải quyết: từ bỏ hoàn toàn.



4.

Có một dạng cô đơn mà đặc điểm của nó là con người sống trong sự cô đơn ấy tự chứng minh mình đứng ngoài xã hội. Không hoàn toàn tự nguyện, nhưng cũng không hoàn toàn cần thiết phải như thế; có cả hai điều trên và nhiều hơn cả hai điều trên.

Tự nguyện, bởi nó có thể quay trở lại cộng đồng, nhưng nó từ chối điều này; Cần thiết, bởi nguyên nhân của việc tự tách mình ra không vì bệnh tật, vì xung khắc, vì chủ nghĩa ma quỷ, mà là một dạng của sự đòi hỏi đối mặt với cộng đồng, với những gì cộng đồng không đem lại; Nhưng so với cả hai nội dung trên, sự cô đơn này lớn hơn hẳn, bởi đây không phải một sự vụ cá nhân riêng lẻ, mà chính là việc của cộng đồng.

Cái cô đơn này bắt đầu từ những nhu cầu cao hơn hẳn, từ sự phản đối cái tinh thần thấp kém trong cộng đồng, từ chối sự thống trị của cái hời hợt, nông cạn, những thị hiếu tầm thường. Giữa đòi hỏi của các lý tưởng và cái chung luôn luôn có mâu thuẫn, bởi cái chung không xây dựng từ các lý tưởng mà từ các nhu cầu sống trong con người. Còn lý tưởng lại đòi hỏi chính sự từ bỏ các nhu cầu sống ấy.

Đây là một dạng hành vi muốn xây dựng xã hội từ tinh thần cao cả, sẵn sàng chọn lựa sự từ bỏ vì lợi ích chung, đây là hành vi của người anh hùng. Con người bước ra khỏi cộng đồng vì những nhu cầu cao cả hơn; đấy là sự cô đơn của người anh hùng.

Các nhà tiên tri thánh kinh trong lịch sử hay các tấm gương của thi nhân trong thời hiện đại đều chỉ ra ý nghĩa bên trong của sự cô đơn anh hùng này. Điều quan trọng nhất, ở đây kẻ chọn sự cô đơn anh hùng không phải vì quyền lợi của mình, mà chính là chống lại quyền lợi của mình, để vì quyền lợi của cộng đồng. Chính vì thế, giữa kẻ cô đơn anh hùng và cộng đồng hoàn toàn không có khả năng hòa giải.

Cộng đồng thừa hiểu kẻ cô đơn có lý và những đòi hỏi cùng nhu cầu của kẻ này đúng. Sự thật nằm về phía kẻ cô đơn, và nhu cầu sống, hay đúng hơn khả năng nâng cấp sự phát triển nằm ở phía kẻ đó. Trong trường hợp này kẻ cô đơn mang tính người tuyệt đối. Một sự cô đơn một thân một mình đối đầu với cộng đồng, thậm chí họ cần phải chứng minh bản thân trước cộng đồng nữa.

Sokrates, các nhà tiên tri, các tông đồ, Johannes Chrysostomos, Savonarola, các nhà nhân văn, các nhà châm biếm người Anh, các nhà tư tưởng kỷ Ánh sáng, một Hölderlin, một Nietzsche từng đòi hỏi lợi ích sống, lợi ích tinh thần vĩnh cửu cao cả, hay đúng hơn, đòi hỏi quyền con người của chính họ.

Và cộng đồng không bao giờ muốn thừa nhận chân lý của các cá nhân đối mặt. Không phải vì họ không nhận ra các lý tưởng này, mà chỉ vì cộng đồng không bao giờ từ bỏ bản thân và không muốn thay đổi khuôn mẫu của họ. Bởi vậy sự chống đối CẦN phải có, còn người ra yêu sách cảm thấy họ có quyền đòi hỏi một cái chưa có. Khát vọng này là một biểu hiện chống đối, đứng ngoài và cao hơn cộng đồng, chỉ ra dấu hiệu của một lối sống khác.

Cộng đồng thừa nhận tất cả, chỉ trừ một điều: nếu thiếu cộng đồng không có cuộc sống. Trong thực tế quả là như vậy. Một cuộc sống con người hiện thực, sống động không tồn tại ngoài cộng đồng. Cô đơn dạng nào cũng là một hiện tượng xã hội dị giáo lớn nhất. Đặc biệt lý do để cô đơn càng lớn càng không thể tha thứ. Vô ích kẻ đơn độc”có lý”, vô ích nó đơn độc vì”lợi ích chung”, sau rốt nó vẫn không phải là kẻ đúng. Nó cần phải thất bại trong sự lập dị này. Đối với nó đây là số phận, là ý chí,là sự bắt buộc, là sự kết án, là vị thế nó đã chọn lựa: đây chính là ý nghĩa đời sống của nó.

Nhưng cũng vì thế cộng đồng không bao giờ hòa giải với nó. Cộng đồng tha thứ cho kẻ ác, nhưng một người, trong cái cô đơn anh hùng của mình xây dựng thành công một đời sống tinh thần cao hơn, tích cực hơn, kẻ đó không bao giờ được tha thứ. Lịch sử đầy rẫy những ví dụ về trường hợp này.

Thậm chí cộng đồng vẫn có thể kính trọng các nhà tiên tri và các nhà thơ lớn nhưng sẽ đối mặt với họ. Từ quan điểm của cộng đồng, sự cô đơn bao giờ cũng là tội lỗi. Và tội lỗi có thể tha thứ, nếu cộng đồng bằng lòng độ lượng giải tỏa cho sự cô đơn này và tiếp nhận lại kẻ cô đơn.

Nhưng khi lòng độ lượng không đến từ cộng đồng mà do kẻ cô đơn thực hiện, té ra cản trở cùng chung sống không phải do cá nhân mà chính là do cộng đồng, lúc đó xã hội không tha thứ cho cá nhân nữa. Tội lỗi cần phải coi vẫn là tội lỗi, không chỉ về mặt đức hạnh nữa mà là chuẩn mực đạo đức. Sự chống đối cần phải loại bỏ.

Chớ nhầm lẫn sự cô đơn anh hùng với cái Jaspers gọi là sự cô đơn hiện sinh. Cô đơn hiện sinh thực ra không bao giờ chấm dứt, bởi vì đấy là hậu trường vĩnh cửu của cộng đồng, là góc tiêu cực không thể thủ tiêu của mọi sự tiếp cận, giao tiếp, gặp gỡ. Cái gọi là”quan hệ” chỉ có thể hình dung trên nền tảng của cô đơn cô đơn hiện sinh như một khả năng, luôn luôn rình rập trong bản thân con người, cộng đồng bất lực với nó, khi nó vượt lên và tan chảy trong các mối quan hệ. Cô đơn hiện sinh, tiêu cực siêu hình của cộng đồng, như một khả năng thông thường lúc nào cũng tồn tại nhưng không bao giờ biến thành phổ biến. Về sự cô đơn hiện sinh chỉ có thể diễn tả như sau: cô đơn như một khả năng của sự sống.

5.

Từ những suy luận trên bắt đầu có thể hiểu cái Byron gọi là sự cô đơn đô thị, hay cô đơn hiện đại. Không là cô đơn của con bệnh, của kẻ bất lương hay bệnh thần kinh, không là sự cô đơn của kẻ xung khắc, hay cô đơn anh hùng hoặc cô đơn hiện sinh. Có sự khác biệt cơ bản, lúc Wordworth nói về” lonely place - nơi cô đơn” để bình yên thiền quán, là sự cô đơn mà Rousseau từng tả, lúc vợ giận giữ trong bữa ăn, ông đặt cuốn sách bên cạnh đĩa và vừa ăn vừa đọc.

Wordworth thống trị”nơi cô đơn-lonely place” ở bìa rừng, giữa những ngọn núi, tháo bỏ sự đơn độc, giao tiếp trực tiếp với bản thân nói theo ngôn ngữ hiện sinh, thông qua đấy gặp”sự sống” lớn trong vũ trụ. Rousseau bù đắp khát vọng tiếp xúc bằng việc đọc. Ngày nay chỉ cần liếc cái nhìn trên xe buýt, tàu điện, trong các quán cafe, các câu lạc bộ, và ngay trong bầu không khí gia đình cũng đủ thấy: toàn những Rousseau, vừa ăn vừa đọc sách. Vắng bóng giao tiếp, và vì không chịu nổi cô đơn, người ta chìm đắm vào sách. Con người trở nên đơn độc.

Đại đa số con người khi đi du lịch, lúc rảnh rỗi, nhưng ngay lúc ở trong gia đình cũng đọc sách; đây là cách thức tạm thời duy nhất tách rời sự cô đơn. Đặc điểm của cô đơn hiện đại chính là sự xuất hiện nỗi cô đơn một cách hàng loạt- một triệu chứng tổng quát-một hiện tượng xã hội. Chưa bao giờ kẻ cô đơn lại đông đến thế, như ngày nay trong các thành phố hiện đại. Cô đơn trở thành một trạng thái xã hội.

Kẻ nào biết, điều này sẽ chấm dứt trong tự nhiên”giữa những dãy núi, trong rừng và bên cạnh những dòng suối”, như Byron từng viết, kẻ đó sẽ đi ra thiên nhiên. Bởi vậy trong thời gian gần đây đi du lịch, tham gia thể thao trở thành một hiện tượng đám đông. Người nào không đi ra thiên nhiên, kẻ đó được gọi là tự ru mình bằng”sự giải trí”. Sự giải trí luôn luôn là ảo tưởng đang trộn vào cộng đồng.

Trong tuần cuộc sống đô thị còn tạm chịu đựng được, bởi khi lao động không ai gặm nhấm bản chất sinh tồn làm gì; nhưng trong ngày lễ, đặc biệt buổi chiều ngày lễ, thành phố lớn câm lặng như chết. Con người đô thị buồn chán trong các chiều chủ nhật. Sự buồn chán này là cái gì vậy?- sự đơn độc. Bầu không khí cô đơn ngột ngạt bao trùm thành phố. Tất cả mọi người còn lại với bản thân. Như thể sự tiếp xúc tập thể, các mối quan hệ, xã hội, nhà nước, gia đình, cộng đồng chưa hề tồn tại.

Cộng đồng hoàn toàn chia rẽ, các mối dây liên hệ hư hoại, con người cô độc. „Trong từng con người và với tất cả mọi người – Pannwitz nói- không gì có thể cứu giúp khi một biển các cá nhân đã làm phân hóa mối quan hệ họ hàng, truyền thống tinh thần lâu đời và biến những giá trị này thành những cá nhân chủ quan.” Hiện tượng này có thể thấy rất rõ trong các phong trào tập thể hiện đại. 


6.

Chung sống biến mất, khi cô đơn xuất hiện, cô đơn chỉ biến mất nơi sự chung sống phục hồi. Đây là ý nghĩa của sự cô đơn đô thị của Byron,”lonely place- nơi cô đơn” của Wordworth, là trạng thái vừa ăn vừa đọc của Rousseau, cũng giống hệt như con người hiện đại luôn vùi đầu vào sách báo, sự chung sống đã chấm dứt, ngay cả trong cái cô đơn anh hùng cũng vậy.

Nhưng có một hiện thực nơi cô đơn mất hiệu lực. Hoàn cảnh này trước hết có trong thiên nhiên, hay nói đúng hơn trong các nguyên tử cổ đại, thông qua đó là một cộng đồng nguyên sơ. Trong lối sống nguyên thủy, trong một hiện thực du mục hoặc săn bắn chưa từng có nỗi đe dọa cô đơn. Khuynh hướng tách biệt ẩn náu trong các mối quan hệ sống hoàn toàn bị loại bỏ. Không phải quyền lợi chung loại bỏ điều này. Quyền lợi chưa bao giờ là nền tảng hiện sinh.

Đây là một tổ chức tự nhiên trong quá trình sống tổng quát: con người là một sinh vật của tổ chức quả đất lớn với trọng lượng, vai trò, sự sống riêng cùng chung sống với môi trường, bằng công việc, bằng gia đình, với cộng đồng người, với đất, không tranh chấp, tự bản thân nó hình thành ra một ý nghĩa tổ chức.

Chỉ nơi nào có sự chung sống hoàn thiện cả về mặt cụ thể lẫn siêu hình, ở đó khả năng cô độc mới chấm dứt. Cái Spengler gọi là” Kulturseele – Văn hóa tâm hồn”, Frobenius gọi là”Paideuma” là một tâm hồn cộng đồng được hình thành chung từ một lối sống, một môi trường, từ nghề nghiệp, từ phong cách nghệ sĩ, từ tập quán, từ tôn giáo, bản thân nó chứa đựng yếu tố nguyên thủy, loại trừ khả năng bị đứt đoạn, bởi sự chung sống hoàn toàn bao bọc nó, duy trì trực tiếp trong nó tất cả, những Kulturseele-Văn hóa tâm hồn, những paideuma, những thành phần của tâm hồn cộng đồng.

Trong xã hội hiện đại không có tâm hồn cộng đồng, và vì thế sự cô đơn có khả năng trở thành hiện tượng đại chúng. Ngày nay cá nhân và cộng đồng đối mặt, dù chiến đấu hay loại trừ nhau, hay đứt đoạn lẫn nhau, nhưng mọi giá không còn cùng nhau nữa.

Cộng đồng và mâu thuẫn cá nhân là một khả năng bị loại bỏ trong sự chung sống, bởi vì điều kiện của tâm hồn văn hóa là cá nhân hòa hợp với cộng đồng đến mức hãy đừng có ý đồ độc lập, nhưng cộng đồng cũng tạo ra một sự gắn bó cân bằng cho cá nhân để nó không thể trở thành khác ngoài chính nó.

Ngày nay chỉ có hai khả năng chung sống: trong thiên nhiên( Byron, Wordworth) và trong tinh thần( Rousseau, sách, tinh thần, lý thuyết, các phong trào tôn giáo). Nhưng cả hai điều này đều chứng tỏ sự thiếu hụt của văn hóa tâm hồn sống động. Trong văn hóa tâm hồn sự chung sống tự phát, suôi sẻ, không có vấn đề và hoàn thiện.

Ngày nay sự tiếp xúc trong thiên nhiên và trong tinh thần cũng đầy vấn đề, và tạm bợ, lỏng lẻo, phức tạp, thậm chí trong những sự tiếp xúc này luôn có một ý nghĩa”chạy trốn” nào đấy.

Con người từ sự cô đơn „chạy trốn” vào thiên nhiên, cũng như vào sách vở, cũng như ném cả cuộc đời một cách trốn chạy vào một nhà nước cộng sản chủ nghĩa tưởng tượng „đánh mất cá nhân”, nhưng,-đây cũng là điều đáng ngạc nhiên nhất- không tạo một cộng đồng cùng bản thân mình mà vứt bỏ số phận mình vào một cái không có gì.

Sự trốn chạy là một hành vi tiêu cực, không nảy sinh từ đấy một hiện thực đầy sức sống. Sự từ bỏ không phải hậu quả của chung sống, trái lại cùng chung sống được với nhau chỉ có các cá nhân, chứ không phải những thực thể phi cá nhân. Cộng đồng không có nghĩa con người trở thành sản phẩm nhà máy mà như sự kết hợp với tổng thể một cách hòa hợp./.




Cô gái nhỏ và biển lớn




Trần Thiên Thị


cơn bão của ngày hôm sau đã bắt đầu quần tụ
tất cả lặng im và nóng hầm hập trên ngọn đồi măng tơ
có cả nỗi buồn
và lời dự báo của lặng im

cô gái nhỏ
và ký ức về biển lớn
có những ngọn triều nước mắt dâng cao hơn sóng
ngã nhào vào thinh không

cát là người thư ký tồi
bao nhiêu lần ghi rồi xóa đi
mà chưa bao giờ ghi lại được màu hồng tươi
của hai gót chân dịu dàng con gái

bây giờ tôi ngồi gởi biển cho em
qua những dòng tin nhắn
trồi sụt như con sóng tự vỗ vào chân mình
làm sao mát được một buổi chiều hạ chí

nắng ba trưa
chưa chắc đã có mưa ba chiều
này cô gái nhỏ hãy về bên lớn
ta cõng em đi
nắng sững sốt rơi rồi


Đoản khúc gửi tàn tro



Khaly Chàm


1.

bỗng dưng…
thèm khóc một mình
dễ thường
nước mắt dỗ dành tôi ơi!
đêm xanh
môi chạm mặt trời
choàng ôm cuồng vọng
sáng ngời kinh xưa


2.

trắng hồn
treo nhánh đung đưa
ô hay!
ảnh niệm
đánh lừa chiêm bao
ngày hoang mạc
gió phương nào
tàn tro
cát bụi
nhập vào hiện sinh?

NGHĨ VỀ CÁI CHẾT


Nguyễn Hồng Nhung




Điều làm tôi hôm nay sực tỉnh: mình đã sống như thế nào vài ba năm nay?

Khi bỗng nhiên nhận ra : mình đã đặt cái CHẾT ở vị trí nào trong đoạn đời này?

Mưa thút thít suốt ngày mùng một tháng mười một mở màn cho hai ngày lễ dành cho người đã khuất, theo phong tục của Cơ đốc giáo. Những ngọn nến thắp lên khắp nơi, trước hết trong lòng người. Người ta lặng lẽ mang hoa tươi, các vòng hoa, các chậu hoa, những bó hoa khô, những vòng hoa khô đến nghĩa trang, đặt lên các ngôi mộ và đứng im cầu nguyện thầm lặng trong đầu.

Tôi dẫn con trai út đến một ngôi chùa châu Á ở ngoại ô thành phố, thắp hương, im lặng tưởng nhớ đến người đã mất- bố của con trai tôi, người chồng của tôi. Cách đây ba năm tôi đã cố gắng hoàn thành mọi thủ tục trong bệnh viện thật nhanh để đúng hai mươi mốt ngày sau khi mất, chồng tôi được phát tang và làm lễ chôn cất ở quê nhà, nơi đã từng sinh ra.

Tôi mang tro của chồng tôi, niêm phong kín, đựng trong một bình gỗ về đặt tại Văn Điển, để chồng tôi được gần mẹ, người mà chồng tôi yêu thương nhiều nhất trong một đời sống ngắn ngủi. Mỗi người có một trọng tâm trong đời để đau khổ. Tôi biết, ở chồng tôi, đấy chính là bà mẹ .

Một người quen cùng quê hương ở đây theo một giáo phái đạo nào đó bảo tôi: tại sao không để xác chồng tôi ở xứ này- xứ người mà tôi đang nương thân- để con trai tôi được bố nó phù hộ? Tôi trả lời: chỉ người sống phù hộ được cho người sống bằng sinh hoạt khăng khít hàng ngày với nhau thôi. Tôi là ánh sáng hàng ngày của con tôi.

Vài ngày sau cái ngày mưa thút thít từ sáng đến đêm ấy, tôi nhận được tin một người bạn văn chương nơi quê nhà đang ốm nguy kịch. Hôm sau nữa, nghe tin một đứa bạn học cùng khóa ngày nào cũng nhập viện, sắp từ giã cõi đời vì bệnh ung thư.

Một chục ngày đã trôi qua từ hôm đó, tôi không biết từ ngữ nào có thể diễn tả nổi tâm trạng của mình nữa. Lơ lửng? Ngơ ngẩn? lạnh buốt trong lòng, buồn bã đến mức tất cả trong con người mình đều tách biệt nhau: cử động, sinh hoạt hàng ngày, giao tiếp với kẻ khác…vừa là tôi vừa không phải là tôi. Cứ như thể tôi đã biến thành một dây dẫn truyền trực tiếp những cảm giác từ đời sống, nhưng cùng lúc một cái gì đó lại cố chối bỏ trong tâm tưởng. Một lần nữa, tôi lại bị ấn ngã dúi ngã dụi xuống bùn sâu của cô độc và câm lặng

Chỉ khi dạy học, tôi biến thành bài giảng, say mê tỉnh táo, quên hết, nhưng sau phút làm việc, tôi lập tức phân thân…

Tôi bắt đầu hiểu tại sao trong mấy năm tang tóc vừa qua, tôi quay lại với CHỮ, với VIẾT một cách điên cuồng và tốc độ đến thế. Tìm cách làm dịu những vết thương bằng cách cào xé tâm trạng mình? Tìm một cái gì đấy, vứt đi một cái gì đấy, bám víu, buông lỏng…Một trạng thái chết đi sống lại nhiều lần của xúc cảm người.

Nếu trước kia, khi chưa biết thế nào là cảm giác trực tiếp về cái chết, chỉ lơ mơ nếm trải vài ba cảm xúc buồn đau hụt hẫng, lúc đó ta có nhiều cách để tự an ủi lắm. Trốn vào: thiên nhiên, mối quan hệ với người khác, các nghĩa vụ, sự giải trí chốc lát…

Trốn vào các ảo ảnh xoa dịu của khoảnh khắc. Rồi quên đi.



Nhưng tất cả sẽ bị phanh phui bản chất khi đối mặt với thực tại duy nhất giờ đây là hiện thực trần trụi không an ủi hàng ngày. Tất cả những gì trước kia tưởng là đẹp đẽ, vỗ về và làm mi sung sướng, giờ đây rơi xuống chân mi rách nát như những tiếng nấc vụn.

Lúc đó ai cũng rơi xuống vực thẳm. Vực thẳm của sự bấu víu. Tôi đã bấu víu vào sức mạnh bản năng tinh thần của mình, chỉ biết VIẾT ra.

Dường như ai cũng có một vũ khí riêng thượng đế ban tặng lúc ra đời để khi trơ trụi nhất, đơn độc nhất có thể sử dụng chống lại sự hủy diệt.



Nhưng: tôi đã LẦM khi xác định đối tượng tuyên chiến.

Tôi đã đặt cái CHẾT ngang hàng với sự SỐNG!

Rất lâu, trong vài ba năm, có lẽ cho đến tận ngày hôm qua, tôi mới vỡ lẽ ra sự lầm lẫn khủng khiếp này của mình.

„Cái chết là sự ám ảnh không bao giờ có lời giải đáp!” - Đúng!

Trong khi đó đời sống lại là một phạm trù đã quy định. Với tất cả những quy tắc nghiêm ngặt dành cho người sống với nhau, lẫn nhau, cùng nhau, vì nhau, cho nhau.

Vậy là chúng khác hẳn nhau, còn tôi đã đồng hóa chúng.

Tôi ngẫm nghĩ lại những lúc mình đã SỐNG bằng sự CHẾT.

Thực ra, trong quá trình này tôi đã làm được rất nhiều việc, trước hết cho bản thân. Có lẽ làm được nhiều việc vì tôi đã chủ động từ bỏ tất cả những gì mình hay làm từ trước tới nay: nghe đài, xem tivi, nghe nhạc, bạn bè đàn đúm, đi chơi đi bời, thậm chí lòng thiết tha với ăn ngon, mặc đẹp, thưởng thức phim ảnh, tôi vứt hết.

Có lẽ lúc đầu như một sự ruồng rẫy kỷ niệm. Vì đau quá. Sau đó đến cảm giác tê liệt hờ hững, vì nguội lạnh quá. Tôi lao vào ôm ấp chữ, luồng điện tinh thần duy nhất mang lại cảm giác ấm áp, để quên đi, để sống tiếp, để yêu…dù giờ đây tôi mới biết: chỉ để sống và yêu tiếp một cái ÂM như bản thân sự CHẾT.

Hỡi ôi! nếu bạn chưa ở trạng thái và cảm xúc như tôi, bạn khó có thể hiểu được điều này. Cũng chỉ là một biến tướng của biểu hiện đời sống người? nhưng nó quá đặc thù ở chỗ, nó đòi hỏi một trải nghiệm xương thịt, một hiến tế hoàn toàn tự nguyện, như cảm giác tìm một người yêu, tìm một cái gì ham thích mà người ta suốt đời tìm kiếm , nghĩa là rất có thể, trải nghiệm này chỉ có được ở những kẻ có một LÝ TƯỞNG, luôn đi tìm một cái gì đó cao hơn bản thân mình, ở ngoài bản thân mình.

Tôi chính là cái lý tưởng, cái ảo ảnh ấy, nhưng điều đáng nói là nó mang hoàn toàn màu sắc âm thế.

Điều đầu tiên trong xúc cảm tang tóc tôi đã nhận ra: tất cả đều CÓ THẬT.

Kỳ lạ, té ra tất cả những gì mình từng trải từ trước tới giờ không hề có thật. Nó là cái gì vậy? Chỉ là những kinh nghiệm dò dẫm theo gương bắt chước người khác thu được. Nhưng không thông qua con người mình. Rõ ràng mình làm kia mà? Hay chỉ vì những lúc ấy, tôi chưa ĐƠN ĐỘC, nên chưa nhận ra chính mình?

Vậy là ấn tượng đầu tiên về cái chết: sự đơn độc. Và có thật hoàn toàn.

Như người lính trước khi nhận mệnh lệnh xung phong giữa bom nổ đạn réo và giọng người hò hét tiến lên hay quay đầu, bỗng ngã ngửa người nhận ra: ngay bây giờ đây mình sẽ hoặc chết hoặc sống. Không còn hiện thực khác

Trong sự đơn độc có thật này, lần lần tôi đã CẢM được tất cả những gì trước kia mình chỉ đọc, học, biết qua những khái niệm chưa thấm vào cơ thể, vào tận tim gan như một hôm bị bỏ quên giữa cánh đồng hoang mưa rơi đằng đẵng không nơi ẩn trú, ướt thấm đến tận xương!

Szabó Lőrinc bỗng nhiên không phải là một nhà thơ xa lạ khó hiểu như thuở sinh viên tôi ngồi học hàng giờ mãi không thể hiểu nổi nữa, Szabó đã biến thành tôi, một kẻ bất kỳ lúc nào cũng xúc động dạt dào, đang vui hân hoan rạng rỡ vì sắc đẹp của một bông hoa nhỏ xíu bên đường, bỗng ỉu xìu vô cùng chán ngán bởi một cái gì đấy tầm thường của kẻ sống bên cạnh, ta chợt phát hiện. Szabó Lőrinc bỗng nhiên thành bạn tri kỷ bởi sự nhạy cảm quá đỗi giống nhau giữa tôi và chàng trong những lúc tôi hết sức bơ vơ.





Chưa bao giờ tôi nghĩ rằng vào một ngày đẹp trời, mình sẽ hiểu thứ ngôn ngữ châu ngọc của Szabó Lőrinc viết về đời sống, tình yêu, sự quằn quại người, nỗi cắn rứt lương tâm khi vượt qua những quy định chuẩn mực sống trong xã hội người. Cũng như từ từ đọc và hiểu ra một loạt người cầm bút tiết kiệm lời, chỉ sổ tung những giọt máu đau đớn từ trái tim ra biến thành thơ.

Lạ kỳ hơn nữa, hơn quá nửa đời người, ngọn bút tôi lần đầu tiên ngập ngừng, rồi sau đó ào ạt viết ra những bài thơ. Điều này ta không bao giờ có thể biết trước, dù ta có chấp nhận lý thuyết luân hồi của kiếp người đi chăng nữa, bởi nội dung cụ thể không phải do lý thuyết chấp bút. Chỉ duy nhất một thứ có thể tạo ra niềm cảm hứng: TÌNH trong lòng người- dù là người âm trong cõi âm

Dường như tôi đã tìm thấy một ý trung nhân âm thế của tôi. Mỗi dòng chữ viết ra rơi xuống trang sách, đều biến thành thể âm, đều biến thành số phận. Trong những khoảnh khắc ngắn ngủi lắp thành vài ba năm đã trôi qua của mình, tôi đã hạnh phúc biết nhường nào với cái chết của chính mình, như một mối tình trong sạch, hiến dâng hoàn toàn với một người tình âm phủ.

Có lẽ vì sống trong tình yêu âm thế trong trắng này, tôi mới từ từ hiểu ra tất cả những lý thuyết triết học về sự sống vũ trụ, về đời sống người, về các tôn giáo, về những điều vô hình mà con người đang nằm trong nó nhưng vẫn ra sức khích bác nó, vì sợ hãi, vì không nhìn thấy nó, những điều khi còn là người dương thế, rất khó khăn để nhận thức ra.

Bạn sẽ hỏi: tại sao hôm nay tôi quả quyết đấy chỉ là một khoảng thời gian ngắn ngủi của một cuộc tình âm phủ, khi tôi đã nhầm lẫn đặt cái chết lên ngang hàng đời sống của tôi?

Bởi trong đó không có chút lễ nghi, không có mảy may một quy tắc, một quy định nào như trong đời sống trần thế. Tôi không có một người tình xương thịt, không có một khung cảnh ấm êm dương thế trực tiếp vỗ về che chở, tôi chỉ còn lại tôi…



Trong chính tâm tưởng đau đớn của mình, tôi đã tạo ra một thế giới riêng, bằng chữ, cùng chữ, cùng những kẻ cầm bút khác, có thể đã mất, có thể đang còn sống, nhưng chắc chắn không có gì trực tiếp cùng tôi, cùng những tháng ngày dò dẫm tự mình đi tìm mình đau khổ.

Hôm nay tôi nhận ra sự nhầm lẫn đã sống như một kẻ đã chết của mình, khi bất ngờ nhìn thấy hết sức rõ ràng: tâm trạng của tôi không phải tâm trạng của kẻ khác, bởi vậy đôi khi hành vi của tôi làm người khác bực mình, làm họ cảm thấy bị xúc phạm, tôi đã đổ toàn bộ cái tôi của mình lên người khác, như một kẻ đã chết muốn trừng phạt người sống bằng sự đau xót kéo dài… giá mà vĩnh viễn!



Hỡi ôi!

Sau những ngày mưa lê thê buồn bã, hôm nay trời hửng nắng, bầu trời xanh cao vút, không khí lành lạnh hiu hiu như một sáng mùa xuân, nhưng lá vàng rơi khắp nơi pha đất trời thành một màu vàng úa đang hủy hoại…

Bước qua những vũng nước đầy xác lá, bùi ngùi…

Nhưng lạ chưa kìa, những xác lá mang những hình thù khác hẳn nhau, dù tất cả đều trải rộng, nằm sóng soài như những bàn tay xòe, những thân hình úp sấp giang rộng chân tay. Tôi cúi nhìn chăm chú những dáng vẻ của lá: cái như những đồng tiền vàng nho nhỏ, cái như một bông hoa nhiều cánh, cái như một ngôi sao nhiều tua, và có những cái lá rất to, mỗi góc mang một hình thù khác.

Ngước mắt nhìn lên rặng dẻ dại chỉ một màu vàng sẫm, tôi nhận ra những chiếc lá còn lại trên cành cũng đã khô héo, sự lụi tàn ngay trên một thân cây sống…

Hàng cây trông rộng hẳn ra, cách xa nhau bởi những tán cây lưa thưa dần, trông xa xa chỉ là những cành khẳng khiu lắc rắc điểm vài ba chiếc lá vàng úa…

Nhắm mắt lại, tưởng như thấy hình ảnh của mùa xuân, cũng lơ thơ trên cành chỉ vài chiếc lá thôi, nhưng là những chiếc lá xanh non tơ, e ấp dịu dàng…

Vậy đó ta ơi, hãy trở lại với ĐỜI SỐNG bằng chính sự lụi tàn của từng KHOẢNH KHẮC đang trôi đi của chính mi!


Blogger sợ chữ



Phan Trang Hy

Những ngày Tết, ngoài chuyện đi thăm bà con, bè bạn, tôi lại lên mạng. Các trang mạng đều có lời chúc mừng năm mới, đại ý là chúc sức khỏe, chúc tấn tài, tấn lộc, hạnh phúc, an khang… Dẫu là người khó tính đến mấy đi nữa, nhưng khi đọc những dòng chữ ấy, bạn cũng cảm thấy có chút vui như được nghe lời nói, như thấy được nụ cười lịch thiệp, chân tình của người chúc Tết mình.

Tình cờ, tôi vào một trang blog. Xin phép cho tôi được nêu tên dù có trùng tên của ai đó. Xin chớ hiểu lầm tôi. Tên trang mạng là Blogger sợ chữ. Quả là tên gây ấn tượng!

Nếu bạn đọc những gì đã lưu trữ, liên kết trên trang mạng này, bạn sẽ thấy tay chủ blog này là tay sính chữ nghĩa, ham lý luận. Hầu hết các bài viết của tác giả đều đụng chạm đến cơm áo gạo tiền, đến con heo, con cá, đến Hoàng Sa, Trường Sa, đến chiến tranh biên giới phía Tây Nam, phía Bắc trong cuộc chiến với Pôn Pôt, với giặc Tàu để giữ từng tấc đất tấc lòng, đến phòng chống tham nhũng, đến luật đất đai… Còn liên kết thì khỏi phải nói, liên kết các tờ báo lớn trong nước, ngoài nước, liên kết với các trang văn học nghệ thuật, liên kết với các trang chính trị, trang blog khác… Nhìn chung, chỉ cần vào trang này, bạn có thể đi tất cả các trang khác. Không sợ tường lửa, không sợ bị mất mật mã, không sợ ai theo dõi, không sợ thiếu chữ nghĩa trên đời này. Kể cũng tiện lợi thiệt, nếu vào trang mạng của hắn ta. Chuyện xưa, chuyện nay đều có; chuyện Đông, chuyện Tây cũng có; chuyện đẻ, đái, chuyện đánh nhau, chuyện chiến tranh, hòa bình, chuyện thiên tai, chuyện thử vũ khí hạt nhân, chuyện hiếp dâm, chuyện bầu Giáo hoàng cũng có… Tất cả có! Nếu mệt, bạn cứ mở trang liên kết thư giãn, có thể đó là trang có những giai điệu tuyệt vời của nhạc thính phòng, có thể là giai điệu nhạc trẻ. Có thể đó là trang mạng gợi cảm, gợi dục. Kể cả chuyện bày vẻ cách làm tình, cách sử dụng sextoy, nếu bạn cần.

Và rồi theo địa chỉ mail có trên trang Blogger sợ chữ , tôi đã liên lạc với chủ nhân.

Ngày thứ nhất trong tháng, tôi mở mail. Nhận được mail của hắn. Cũng chỉ là lời chúc xã giao như bao người mới làm quen trên mạng. Tôi dè chừng hắn. Xem chừng, hắn cũng dè chừng tôi.

Ngày thứ năm trong tháng, tôi gửi mail cho hắn. Tôi chờ hắn trả lời. Vẫn bặt tăm. Mãi đến cả tuần sau, tôi mới nhận được mail của hắn. Qua mail, hắn xin lỗi tôi vì sự trễ nãi trả lời của hắn. Và hắn đã nêu lý do rất chính đáng là vì hắn bận tham gia quỹ từ thiện góp công, góp sức, góp của cứu giúp những người bị bệnh “thiếu óc, “thiếu tim”. Lần đầu tôi mới biết đến thuật ngữ y học: thiếu óc, thiếu tim.

Tôi gửi mail chúc mừng hắn tham gia làm từ thiện. Và rồi mail qua , mail lại, tôi như cởi mở với hắn; hắn cũng vậy. Tôi và hắn trải hết lòng với nhau. Tôi thầm cảm ơn Internet. Có thể, tôi e dè, khó bắt chuyện khi đối diện với ai đó. Nhưng qua mạng, tôi viết những dòng chữ bằng sự nghĩ suy chân thực của lòng mình. Tôi nghĩ qua mạng, một ai đó khủng bố bạn, nói xấu bạn, hoặc viết tốt về bạn thì đó cũng là lòng thực của kẻ ấy với bạn. Qua mạng, hầu như, dù nickname nào đi nữa, thì người ấy vẫn chính là người ấy. Tính tốt, tính xấu, tính ác, tính thiện đều thể hiên rõ qua những comment, những mail…

Tôi lại vào mạng. Tra cứu thuật ngữ y học: thiếu óc, thiếu tim , nhưng vẫn không hiểu đó là những căn bệnh gì. Tôi chỉ còn biết tự hỏi với lòng như một đứa học trò nhỏ. Nào là: Bệnh thiếu tim là gì? Bệnh thiếu óc là gì? Tại sao có căn bệnh đó trong cõi đời này? Phải làm gì phòng, chống được căn bệnh đó? Tôi vẫn không tìm ra câu trả lời đúng nhất.

Tôi vẫn ngồi trước laptop nghĩ suy về căn bệnh mới, lạ này. Đầu óc tôi như căng cứng. Tôi như không làm chủ được nghĩ suy của mình. Tôi thấy trước mắt tôi là bóng dáng của ai đó. Không rõ lắm! Hắn tự xưng là Blogger sợ chữ, và hắn mời tôi sáng mai uống cà phê tại quán Hương Xưa. Tôi cười và nhận lời.



Tính tôi vẫn vậy. Không muốn trễ giờ, sai hẹn, nên tôi đến quán sớm khoảng 10 phút. Sáng nay, thấy tôi ngồi một mình, chủ quán đưa tờ Thanh niên cho tôi đọc. Tôi gật đầu, cảm ơn chủ quán. Trong khi chờ đợi hắn, tôi lật vội những tin. Tôi bắt gặp bài thơ Tổ quốc nơi biên thùy của Nguyễn Việt Chiến. Tôi thấy dòng chữ Tưởng nhớ những chiến sĩ hy sinh ở biên giới năm 1979 như đỏ lên. Ngoài trời mưa đang rắc hạt. Trời hơi se lạnh, cái lạnh của những ngày trong tiết Vũ thủy. Nhìn những hạt mưa, nhìn những cây lá trong cái lạnh đầu xuân, tôi như thấy cả một trời biên giới năm xưa qua bài thơ tôi thầm đọc. Bài thơ có giọng bi hùng. Tôi thoáng buồn, nhưng tin tưởng!

Quán cà phê này, so với quán khác, có vẻ yên tĩnh. Quán có mở nhạc vừa đủ nghe. Khác hơn mọi khi, hôm nay, tôi được thưởng thức những bản nhạc nổi tiếng của Phạm Duy. Tôi như tắm mình trong dòng chảy âm thanh của những giai điệu quê hương. Tôi như tắm trong suối nhạc tự do của một con người đi suốt Con đường cái quan đất nước, có lúc hét to bởi những “tục ca”, gào lớn bởi những “đạo ca”, nhưng hơn hết là dạt dào, dịu dàng của những “tình ca” như có cả bóng dáng của những bà mẹ quê, những đứa trẻ chăn trâu, của năm tháng cha ông đi mở cõi... Tôi nhẩm hát theo: “Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời…”.



Tôi đứng lên, như một ca sĩ, tôi hát cùng Đức Tuấn, Mỹ Linh trên màn hình. Cả quán cà phê như hòa nhịp cùng lời hát… Như thể chúng tôi được cuốn vào điệu hồn dân tộc.

Trước mắt tôi, biết bao người cùng tôi hát. Bên cạnh tôi là một cô gái. Cô mỉm cười và hát cùng tôi: “Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời…”.



Và rồi, cô ta tự giới thiệu cô là Blogger sợ chữ. Trời ơi, Blogger sợ chữ đây ư? Tôi không ngờ cô ta trẻ đẹp đến thế! Tôi sững sờ. Và tôi sững sờ hơn nữa khi cô ta nói nhanh, rồi đi cũng nhanh. Chỉ loáng thoáng lời cô ta: “Ông có biết căn bệnh thiếu tim, thiếu óc rồi chứ gì?... Có tim đó, có óc đó, nhưng tim có yêu nhân nghĩa đâu, óc có suy nghĩ chân chính đâu!” Tôi tự hỏi với lòng mình. Con tim yêu thương nhân nghĩa, bộ óc suy nghĩ chân chính không tồn tại trong từng con người sao?

Các bạn có tin tôi không? Tôi mơ đấy. Chẳng có cuộc gặp ấy đâu. Tôi vẫn đang ngồi trước laptop. Đang đọc báo, tìm tài liệu, kiến thức trên mạng. Vẫn chọn lọc những tin xấu, tin tốt, tin sai, tin đúng. Tôi vào trang của hắn, dù hắn không có bài viết mới, để từ đó tôi có thể xem các trang khác. Tôi nhiều lần gửi mail hỏi thăm hắn. Nhưng tôi không nhận được trả lời.

Ngày lại ngày, tôi vẫn phải làm việc để tồn tại. Và những khi rảnh, tôi lại lên mạng. Trước khi xem các tin, các bài viết, tôi thường mở mail. Thật là bất ngờ đối với tôi khi tôi nhận được mail của hắn. Tôi xin coppy lại mail ấy để hầu các bạn.

Thân gửi bạn Phan Trang Hy!

Xin bạn đọc những dòng chữ sau, xem như là tâm sự của Bloggger sợ chữ.

Có lẽ bạn ngạc nhiên, tại sao tôi sợ chữ? Có thể bạn nghĩ thầm tại lúc nhỏ tôi lười học, không thích tìm hiểu kiến thức của loài người, nên thấy chữ là sợ chứ gì? Xin bạn hiểu cho là sức học của tôi cũng tàm tạm. Đối với tôi, kiến thức, suy cho cùng cũng chỉ là những con chữ ghi lại. Những con chữ biến hóa thành ra vô số triết thuyết, chủ thuyết này, chủ thuyết nọ. Vì thế, khi học những năm đầu đại học, tôi cố đọc triết Đông, triết Tây, đọc Kant, Marx, Lénin, Tôn Dật Tiên, Mao, Gandhi… Tôi cũng có đọc Kinh thánh, tìm hiểu đạo Cơ đốc, đạo Hồi, đọc chiến tranh giữa các tôn giáo, thế chiến thứ nhất, thứ hai, đọc thủ đoạn chính trị, đọc sấm Trạng Trình, đọc tiên tri của Nostradamus, Vanga, … Chữ nghĩa như thể căng cứng trong đầu tôi.

Thế là, tôi sử dụng cái vốn chữ nghĩa của mình để viết. Tôi viết những bài mang tính lý luận, có khi viết những bài có tính thời sự. Tôi không tô hồng, cũng không bôi đen cuộc đời. Tôi chỉ viết sự thực. Thế nhưng, sự thực ấy lại mất lòng biết bao người. Và cũng chính những bài ấy khiến tôi phải lao đao trong cuộc sống. Không những tôi lao đao mà ông Tổng biên tập tờ báo “Không dối trá” lại phải khốn đốn, điêu đứng, bị chụp mũ là tiếp tay cho thế lực thù địch.

Từ đó, nghe cái tên tôi, ai cũng dè chừng. Những bài tôi viết, hầu hết các báo, tạp chí không thể đăng. Dẫu tôi có lấy bút danh khác, nhưng với giọng văn như tôi, các bài tôi viết cũng không qua mắt được các tay kiểm duyệt. Tôi tự nhủ với lòng: Ai biểu viết sự thực? Nhưng rồi, lòng tôi mách bảo: Không thể dối trá với lòng mình. Không thể dối niềm vui, nỗi buồn của mình được. Không thể trá đen thành trắng được. Thôi thì cứ viết ra, gửi cho bạn bè, người thân, hoặc lập blog, thả lửng trên mạng… Có thể trăm năm sau, hoặc lâu hơn nữa, hậu thế không biết tôi là ai, nhưng có thể ai đó đọc bài của tôi, sẽ biết có một thời sự thực bị cấm đoán.

Thôi thì thả lửng chữ trên mạng…
Xin bạn thông cảm cho tôi.

Blogger sợ chữ.
Đọc xong mail hắn gửi, tôi tự hỏi: Không biết mình có là kẻ sợ chữ không?

Triết lí kiểu phụ nữ




Umberto Eco

Một khẳng định triết học trước đây – đàn ông thì có khả năng tư duy về cái vô hạn, còn đàn bà thì mang lại ý nghĩa cho cái hữu hạn – có thể đọc theo nhiều cách: chẳng hạn, vì đàn ông không biết sinh con, nên họ phải tự an ủi bằng các nghịch lí của Zenon. Nhưng trên cơ sở của các sự khẳng định như thế có loan truyền một ý tuởng cho rằng lịch sử (ít ra cho đến thế kỉ 20) đã sinh ra cho chúng ta các nhà thơ nữ lỗi lạc, các nhà kể truyện nữ kiệt xuất và các nhà khoa học nữ trong nhiều bộ môn, mà không sinh ra các nhà triết học và các nhà toán học nữ.

Từ các cách nhìn méo mó như thế đã từ lâu hình thành sự tin tưởng rằng phụ nữ không hợp với hội hoạ, trừ các tên tuổi quen thuộc như Rosalba Carriera [1] hoặc Artemisia Gentileschi [2] . Đương nhiên, khi hội hoạ còn là tranh tường nhà thờ, việc trèo lên một giàn vẽ với một chiếc váy hẳn không là một chuyện tao nhã, và cũng chẳng phải phần việc của phụ nữ là điều khiển một xưởng vẽ với 30 người đang học nghề, thế nhưng khi người ta vừa có thể thực hành hội hoạ trên các giá vẽ thì các nữ hoạ sĩ lập tức xuất hiện. Như thể qua cách nào đó bảo rằng người Do Thái giỏi về nhiều ngành nghệ thuật nhưng không giỏi về hội hoạ, cho tới khi một Chagall xuất hiện. Văn hoá Do Thái quả thực thịnh hành về thính giác mà không thịnh hành về thị giác và tính thần thánh chẳng nên biểu hiện qua hình ảnh, nhưng có một nền sản xuất thị giác rõ ràng là thú vị trong nhiều văn bản chép tay Do Thái. Vấn đề là ở chỗ, ở các thế kỉ khi nghệ thuật tượng hình nằm trong tay Nhà Thờ thì khó mà một nguời Do Thái được khuyến khích vẽ Đức Mẹ và Thánh giá, cũng như khó mà ngạc nhiên khi chẳng có nguời Do Thái nào trở thành Giáo Hoàng.

Biên niên của đại học Bologna kể rằng các vị nữ giáo sư như Bettisia Gozzadini và Novella d’Andrea đẹp đến nỗi họ phải giảng bài đằng sau một màn trùm mặt để sinh viên khỏi xốn xáo, nhưng các vị ấy không dạy triết. Trong các sách giáo khoa triết học chúng ta không thấy phụ nữ dạy biện chứng hoặc thần học. Héloise, nguời học trò cực thông minh và bất hạnh của Abelard [3] hẳn là đành lòng trở thành một nữ tu viện trưởng.

Nhưng không nên xem nhẹ vấn đề nữ tu viện trưởng, một phụ nữ/triết gia ở thời chúng ta là Maria Teresa Fumagalli đã dành nhiều trang cho chuyện này. Một nữ tu viện trưởng là một thẩm quyền về tâm linh, về tổ chức, và về chính trị; đảm nhiệm các chức năng trí thức quan trọng trong xã hội trung cổ. Một quyển giáo khoa triết học tốt phải kể các nhà huyền học nữ trong số các nhân vật của lịch sử tư tưởng, như Caterina da Siena [4] và Hildegard von Bingen [5] , những người mà về phương diện thị kiến siêu hình học và cảnh sắc về cái vô hạn khiến chúng ta vẫn sững sờ hôm nay.

Ý kiến cho rằng nhà huyền học nữ không phải là một triết gia là không vững, bởi vì lịch sử triết học đã dành chỗ cho các nhà huyền học xuất sắc như Suso [6] , Tauler [7] hoặc Eckhart [8] . Bảo rằng phần lớn các nhà huyền học nữ chú trọng thân thể hơn các ý niệm trừu tượng thì cũng như cho rằng, chẳng hạn, Merleau-Ponty [9] phải biến mất trong sách giáo khoa triết học.

Các nhà nữ quyền từ lâu đã cử chọn hình tượng anh hùng của mình: Hypatia [10] , ở Alexandria, vào thế kỉ thứ 5, bậc thầy về triết học Plato và toán học cao cấp. Hypatia trở thành một biểu tượng, nhưng không may, về các tác phẩm của bà nay chỉ còn các truyền thuyết, bởi vì chúng đã biến mất, và bà cũng biến mất, đúng thực là bị một nhóm người Kitô giáo cuồng động sẻ ra từng mảnh, mà theo một vài nhà sử học là do sự khuyến giục của nhân vật Cyril ở Alexandria [11] , người mà sau đó được phong thánh dù không phải do chuyện này. Thế thì chỉ có một Hypatia thôi sao?

Gần đây ở Pháp, có xuất bản một quyển sách nhỏ (của nhà Arléa): Histoire des femmes philosophes. Nếu thắc mắc tác giả Gilles Ménage là ai, thì chúng ta có thể khám phá: bà sống ở thế kỉ 17, một học giả tiếng La-tinh, thầy dậy của Madame de Sévigné [12] và Madame de Lafayette [13] và quyển sách của bà xuất hiện năm 1690 có tựa là Mulierum philosopharum historia (Lịch sử các nhà nữ triết gia). Vậy thì không chỉ có Hypatia, quyển sách của Ménage, dù chủ yếu nói về thời cổ điển, giới thiệuhàng loạt nhân vật cực kì quyến rũ: một Diotima-socrate [14] , một Arete-cycenaic [15] , một Nicarete-megaric [16] , một Ipparchia-khuyển nho [17] , một Teodora-tiêu dao [18] (theo nghĩa triết học của từ này), một Leonzia-epicure [19] , một Temistoclea-pithagoras [20] . Và Ménage, khi lật xem các văn bản cổ và các tác phẩm của các vị Trưởng phụ Nhà thờ, đã tìm được đến 65 viện dẫn, khá nhiều, ngay cả với sự thể bà có một ý niệm khá rộng về triết học. Nếu tính đến chuyện ở xã hội Hi Lạp phụ nữ thì giới hạn trong bốn bức tường nội trợ, rằng các nhà triết học thích nuôi dưỡng quan hệ với các các chàng trai hơn các cô gái, rằng để nổi tiếng giữa công chúng phụ nữ phải là một kĩ nữ, thì chúng ta mới thấm thía nỗ lực của các nhà tư tưởng nữ ấy khi tự khẳng định mình. Thế rồi, do phẩm chất kĩ nữ mà người ta vẫn còn ghi nhớ một Aspasia [21] , trong khi quên rằng bà thành thạo tu từ học và triết học và Socrate thích giao du với bà (có Plutarch làm chứng).

Tôi đã giở xem ít nhất ba bộ bách khoa triết học hiện nay và chẳng tìm thấy dấu tích gì về các tên tuổi này (trừ Hypatia). Không phải không có phụ nữ làm triết học. Thật ra, các bậc triết gia nam tử đã muốn quên các bà đi, có thể sau khi đã chiếm hữu tư tưởng của các bà.

Vũ Ngọc Thăng dịch và chú thích

[1]Rosalba Carriera (1675-1757), nữ hoạ sĩ Ý, thuộc trường phái phấn màu Venise thời Rococo, đương thời rất nổi tiếng và được ưa chuộng đặt vẽ chân dung.
[2]Artemisia Gentileschi (1593-1652/3), nữ hoạ sĩ Ý, quan trọng nhất của thời đầu Hiện đại ở Âu Châu. Bà là hoạ sĩ nữ đầu tiên hoạ các cảnh tượng lịch sử và tôn giáo quan trọng.
[3]Pière Abélard (1079-1142): nhà triết học và thần học Pháp. Chuyện tình nổi tiếng và vụng trộm giữa ông và cô học trò Héloise khiến ông bị thiến. Sau đó cả hai đều đi tu và thành đạt về phương diện này. Cuối đời, Héroise và Abelard cùng soạn và tập hợp các bức thư tình và tôn giáo của nhau. Khi qua đời hai vị tu sĩ / người tình này đuợc chôn bên nhau trong nghĩa trang Père-Lachaise ở Paris.
[4]Caterina da Siena (k.1347-1380), nhà huyền học nữ người Ý, phong Thánh năm 1461, Tiến sĩ nhà thờ năm 1970. Bà để lại 381 thư gửi cho các nhân vật đuơng thời quyền thế nhất, một số lời cầu nguyện, và ‘Dialogo della divina providenza/Lời thoại của Thuợng đế’, một trong trong những văn bản huyền học cổ điển của mọi thời (đọc cho các thư kí ghi lại trong trạng thái xuất thần).
[5]Hildegard von Bingen (1098-1179), nữ tu viện trưởng, nhà huyền học sinh ở Đức, một trong những nhà soạn nhạc nữ đầu tiên. Sự nghiệp tâm linh, chữ nghĩa và âm nhạc của bà thì mênh mông, bao gồm nhiều chuyên luận về tôn giáo, các vở kịch, và các tác phẩm âm nhạc ‘trừu tượng’.
[6] Henri Suso (1295-1366), nhà huyền học Đức.
[7] John Tauler (k.1300-1361), nhà huyền học Đức.
[8]“Meister” Johannes Eckhart von Hochheim (k.1260-1327/8), nhà huyền học Đức.
[9]Maurice Merleau-Ponty (1908-1961), triết gia Pháp.
[10]Hypatia of Alexandria (k.370-415), một trong những nhà triết học và toán học lớn nhất thế kỉ 4, được cử làm viện trưởng trường triết tân-Plato tại Alexandria.
[11]Cyril of Alexandria (k.376-444), nhà thần học, Giám mục, Trưởng phụ/Tiến sĩ Nhà thờ.
[12]Marie de Rabutin-Chantal Sévigné (1626-1696), nữ văn sĩ Pháp.
[13]Madame de Lafayette (1634-1693), nữ văn sĩ Pháp.
[14]Diotima of Mantinea (k.470-k.410 TCN), nhân vật được Plato kể lại trong Symposium, trong đó Socrate nói rằng ông đã học được từ bà lí thuyết về tình yêu. Diotima được xem là một trong những tư tưởng gia nữ lớn nhất của mọi thời.
[15]Arete of Cyrene (thế kỉ IV TCN), kế thừa trường phái triết học cyrenaic (socrate-minor) của cha là Aristippus. Bà có câu nói được các nhà nữ quyền trích dẫn: “Tôi mơ một thế giới nơi chẳng có chủ lẫn nô”.
[16]Nicarete of Megara (thế kỉ III TCN), kĩ nữ, theo phái triết học Euclide (hoặc hậu-socrate), chung sống với triết gia Stilpo vốn trực tiếp là học trò hoặc theo học các trường phái triết học kế thừa Euclide.
[17]Ipparchia (thế kỉ V-IV TCN), tán đồng triết học khuyển nho (cynicism), truyền thuyết nói về bà như người có văn hoá triết học sâu rộng và phong cách lí luận lịch lãm, và sánh bà với Plato.
[18] Teodora (thế kỉ IV?), theo phái triết học “đích thực tiêu dao” của Aristotle.
[19]Leonzia hoặc Leontina (thế kỉ IV-III TCN), có lẽ là kĩ nữ của Epicure, truyền thuyết cho rằng bà đã viết một luận văn công kích triết gia Theophrastus.
[20]Themistoclea (thế kỉ VI TCN), phụ nữ đầu tiên trong lịch sử (Phương Tây) được gọi là một nhà triết học, có thể là chị em với Pythagoras, được xem là người đã truyền lại cho Pythagoras những thông điệp có tính nguyên lí đạo đức nhận được từ các vị thần.
[21]Aspasia of Miletus (k.470-410 TCN), kĩ nữ, thông thái, đến Athene sinh sống, sau lấy Pericles. Giỏi tu từ học, được Plato, Xenophon, Cicero, Athenaeus, và Plutarch kính trọng. Có lần Socrate nói bà là thày của ông về tu từ học.

Cong nhưng đừng gãy





Một trong những hồi ức thân thương nhất của tôi khi còn thơ đó là đi dọc và ngồi xuống bên bờ sông. Nơi đó tôi được tận hưởng sự yên bình và tĩnh lặng, ngắm nhìn dòng nước lặng lờ trôi và tiếng những con chim hót và những chiếc lá cây rì rào. Nơi đó tôi cũng được ngắm những thân tre oằn xuống dưới sức gió rồi vút ngược lên trời cao khi những cơn gió lặng đi. Khi tôi nghĩ về tính đàn hồi của thân tre lúc chúng cong và thẳng ngược lại về vị trí cũ, khái niệm về sự thích ứng hiện lên trong óc tôi. Liên hệ điều này với con người, sự thích ứng có nghĩa là khả năng phục hồi sau một cú sốc, nỗi u sầu, hoặc bất kỳ trạng thái nào đã làm căng thẳng hết mức những cảm xúc của con người.

Bạn có bao giờ cảm thấy mình gần như gục ngã? Bạn gần như bị bẽ gãy? Hãy cảm tạ trời đất vì sau thử thách ấy bạn vẫn còn tồn tại để có thể nói về sự trải nghiệm đó. Trong thử thách đó bạn đã cảm thấy một trạng thái tình cảm lẫn lộn đang đe dọa chính sức khỏe của mình. Bạn cảm thấy những xúc cảm bị rút kiệt, tinh thần kiệt quệ và bạn gần như phải hứng chịu một trạng thái về sức khỏe không lấy gì làm dễ chịu.

Cuộc sống là sự tổng hòa của những thời khắc tươi đẹp và đen tối, những phút giây hạnh phúc cũng như bất hạnh.

Những bất hạnh tiếp đến sẽ gần như bẽ gãy bạn, nhưng hãy cố gắng cong người gắng chịu, đừng để bị bẽ gãy. Hãy nỗ lực đừng để hoàn cảnh hạ gục bạn.

Một chút hy vọng sẽ đưa bạn vượt qua những thử thách cam go. Với niềm hy vọng về một ngày mai tươi sáng hoặc một viễn cảnh tươi đẹp, thì mọi điều xem ra sẽ không đến nỗi tồi tệ. Thử thách cam go ấy rồi ra sẽ dễ dàng đương đầu hơn và kết quả cuối cùng thật xứng đáng. Nếu đường đời trở nên cam go và bạn đang ở vào thời điểm sắp gãy, hãy chứng tỏ sự thích ứng của mình. Giống như những cây tre, cong, nhưng không gãy.

Buông xả





Nghệ thuật buông xả
Ta thường nghĩ rằng để có hạnh phúc thì cần phải nắm bắt càng nhiều điều kiện tiện nghi càng tốt, cho nên hễ có cơ hội là ta cứ tha hồ tích góp mà không hề biết chối từ. Nhưng điều lạ lùng là càng tích góp bao nhiêu ta càng thấy thiếu thốn và lạc lõng bấy nhiêu. Tại vì những thỏa mãn kia đã làm cho cơ chế cảm xúc bùng vỡ và nó buộc ta phải thường xuyên nạp cho nó một lượng cần thiết thì nó mới chịu lắng yên. Để phục vụ cho cơn cảm xúc nhất thời ấy, ta đã tiêu tốn rất nhiều năng lượng và đôi khi chấp nhận phương hại đến phẩm chất đạo đức, để rồi khi cảm xúc rút lui thì tâm hồn ta trở nên quạnh hiu, xơ xác.

Ta hãy nghiệm lại chính mình, cái gì đã khiến cho phẩm chất đời sống của ta trở nên yếu kém như vậy? Có phải vì nhận thức sai lầm, vì sự kích động của môi trường chung quanh, ta đã để cho lòng tham của mình bị tưới tẩm nên ta cố gắng tìm mọi cách đem những món tiện nghi vật chất ấy về cho bằng được. Hồi đầu ta nghĩ rằng nếu không có nó thì ta không thể sống thoải mái và hạnh phúc được, nhưng chỉ trong một thời gian ngắn ngủi là ta đã nhàm chán và không còn muốn nhìn tới nó nữa. Nhiều khi đồ đạc để chật kín cả nhà, không còn lối đi, không còn không gian để thở, nên ta đành phải đem cho bớt. Bấy giờ ta bỗng nhận ra buông xả cũng đem lại cảm giác an bình và hạnh phúc.

Tiện nghi về tinh thần cũng vậy, không phải lúc nào ta cũng cần nó hay cần nó một cách xa xỉ. Một thuyền trưởng tài giỏi thì phải biết cách giải cứu con thuyền quá khẳm của mình khi nó không thể tiến tới phía trước hay không thể nhúc nhích được nữa. Đôi khi vị thuyền trưởng ấy phải chấp nhận quẳng bớt những thùng hàng hóa thật to xuống biển, dù biết rằng những thùng hàng ấy rất đắt giá. Sự công nhận, ngợi khen, kính trọng, thương yêu là những nhu cầu thiết yếu của con người, nhưng nếu vì nó mà ta phải gồng mình lên để đối phó hay phải vắt kiệt năng lượng để giữ gìn, đến nổi ta không còn là chính mình hay mất cả phương hướng sống thì ta cũng đành phải từ giã bớt thôi.

Buông xả bao giờ cũng đem lại sự nhẹ nhõm trong tâm hồn, nó là một nghệ thuật sống rất cao cấp nhưng không phải dễ làm. Bởi vì ta không dễ tin rằng nếu thiếu đi điều kiện tiện nghi ấy thì cuộc sống của ta vẫn đảm bảo an toàn hay chuyển biến tốt hơn, và ta cũng không dễ đón nhận cảm giác khó chịu khi thói quen hưởng thụ không còn được phục vụ như trước nữa. Nhưng nếu ta không thể chiến thắng với những ham muốn quá mức và có tính chất hủy hoại năng lượng chính mình trong thực tại, thì đừng hỏi tại sao ta không thiếu thốn thứ gì nhưng lại không thể sống bình an và hạnh phúc như bao người khác. Phải lượng sức mình, phải ý thức tình trạng tâm thức của mình để sắp đặt lại lối hưởng thụ sao cho thích hợp, trong đó buông xả là điều ta nên nghĩ tới và hãy can đảm thử qua.

Khôi phục phẩm chất đời sống

Xã hội ngày càng văn minh thì càng tạo ra nhiều tiện nghi để con người nâng cấp sự hưởng thụ. Ngày xưa con người không có những tiện nghi đó họ vẫn sống được, sống tốt và sống rất an toàn nữa là khác. Bây giờ con người biết quá nhiều thứ, tưởng chừng như có thể nắm cả thế giới trong bàn tay mình, nhưng đó chỉ là ảo tưởng vì ngay nơi chính bản thân còn không hiểu nổi thì làm sao có thể điều phục được đối tượng khác. Và càng giam mình vào những điều kiện tiện nghi ta càng trở nên biếng nhác, yếu đuối. Đến nổi cần đi ngủ sớm hay đi bộ ngoài thiên nhiên cho tinh thần được dễ chịu hơn cũng trở thành một thử thách quá lớn, lớn hơn cả việc làm ra tiền hay làm đẹp lòng kẻ khác.

Nhiều khi biết mình rất mệt mỏi và đuối sức nhưng ta lại không đủ can đảm để tắt bớt ti vi, điện thoại, máy vi tính hay tạm gác kế hoạch dự án sang một bên. Rồi một hôm nào đó, trong một điều kiện bắt buộc, ta lái xe ra khỏi thành phố ồn náo và đầy bụi bặm để về với miền thôn quê yên ả thì ta mới chợt thấy mình như được sống lại. Thời gian qua ta đã sống với tư cách của một kẻ mộng du, cứ nhào tới phía trước để nắm bắt cái này cái nọ chứ không ý thức được những gì đang xảy ra trong ta và chung quanh ta. Cảm giác bỏ lại sau lưng những thứ nhọc nhằn phiền toái thật vô cùng dễ chịu, ta thấy mình thật tự do.

Buông xả đúng lúc không những giải cứu ta ra khỏi cơn khủng hoảng bế tắc, mà nó còn trả tâm hồn ta trở về với con người chân thật hồn nhiên năm xưa, chuyển tâm thức ta sang những cung bậc cao hơn, đưa cuộc đời ta sang một khúc quanh khác sáng đẹp hơn. Nếu ta là kẻ trải nghiệm nhiều năm trong cuộc đời, ta sẽ có khuynh hướng giành nhiều thời gian và năng lực để bồi dưỡng những giá trị bình an và hạnh phúc trong tâm hồn, chứ không còn hăng hái như những người trẻ luôn sẵn sàng lao theo những trận bão điên nông nổi để giành lấy những thứ hấp dẫn lực bên ngoài. Vì khi nằm trên giường bệnh hay đối mặt với tử thần, ta sẽ không nắm được gì cả ngoài tâm hồn bé nhỏ đáng thương của mình.

Mà đâu cần đợi đến giây phút ấy, khi ta muốn được yêu, khi ta muốn được thoát khỏi một tai nạn khốn đốn nào đó thì những thứ tiện nghi kia bỗng trở nên thừa thải đến vô nghĩa và ta dễ dàng vất nó sang một bên. Ngay cả sự ngưỡng mộ, kính trọng, ngợi khen ta cũng không cần nữa. Lúc ấy ta đã khẳng khái tuyên bố những thứ ấy chỉ là những phương tiện tạm bợ thôi, một cõi lòng bình yên và tình thương chân thật mới là thứ quý giá và đáng gìn giữ nhất trên đời. Kinh nghiệm ấy đã giúp ta đã ý thức được hạnh phúc hay khổ đau đều tùy thuộc vào tâm ta. Nếu ta không tin vào tâm mình, cứ lang thang đi tìm những điều kiện bên ngoài thì với hạnh phúc ta sẽ mãi là kẻ trắng tay.

Buông xả vừa đem tới năng lượng an lành cho chính thân tâm ta mà cho cả những người sống chung quanh ta nữa. Ta thử thực tập mỗi khi ngồi bên người thương mà ta buông xả những căng thẳng lo lắng để hết lòng chăm chú lắng nghe họ, hay thỉnh thoảng nhìn kỹ vào gương mặt họ bằng một cái nhìn trong sáng và cảm thông, thì cả ta và họ đều sẽ rất hạnh phúc. Ta có cho rằng cái hạnh phúc này tầm thường hơn cái hạnh phúc kiếm được nhiều tiền, tranh đoạt được địa vị hay chinh phục được kẻ khác không? Nếu không, tại sao ta không quyết lòng nuôi dưỡng nó? Có phải ta đã và đang bị kéo vào mê lộ của sự tích góp, đến cả tài sản của kẻ khác, của cộng đồng mà ta vẫn muốn thâu về phía mình.

Buông xả còn là thái độ sống điệu hòa với vũ trụ. Tại vì khi giới hạn lại sự tích góp mà ta có thể tồn tại vững vàng được, thì ta đã không còn thải vào vũ trụ những nguồn năng lượng độc hại của sự lo lắng, giận hờn, nghi ngờ, tranh chấp, thù hận nữa. Đó là chưa nói tất cả tài sản mà ta nắm giữ cũng thuộc về vũ trụ, nếu ta sử dụng nhiều mà thiếu trách nhiệm bù đắp thì trước sau gì vũ trụ cũng sẽ lấy lại hay trừng phạt ta bằng cách này hay cách khác. Nếu ta buông xả được những tiện nghi tinh thần như sự cung kính, ngưỡng mộ hay nâng đỡ của kẻ khác, ta có khả năng mở lòng ra chấp nhận hay tha thứ rất dễ dàng, là ta đã làm nhiều hơn trách nhiệm của một công dân trong vũ trụ rồi. Chắn chắn vũ trụ sẽ rất hài lòng về ta, luôn bảo hộ ta, và sẽ gửi tới cho ta những tặng phẩm bất ngờ.

Ta đừng so đo tại sao ta phải nhịn nhục còn người kia lại hưởng thụ quá nhiều thứ, nếu khôn ngoan ta hãy nên quan tâm thái độ sống nào sẽ mang lại khả năng bình an và hạnh phúc cao hơn. Những nhà tâm linh chuyên chính, họ chấp nhận buông xả mọi tiện nghi đáng được thừa hưởng của con người để đổi lấy một tâm hồn trong vắt và tràn đầy niềm an lạc thảnh thơi. Trạng thái hạnh phúc ấy khó có thể diễn đạt bằng ngôn từ, và ai cũng có thể làm được nếu ta có niềm tin lớn vào chính bản thân mình. Lẽ dĩ nhiên là họ cũng cần chút đỉnh tiện nghi bên ngoài, nhưng tất cả thời gian và năng lực của họ là đễ mài dũa cái hiểu biết sâu sắc bên trong. Một người có hiểu biết lớn là một người có tình thương lớn, còn gì tuyệt hảo cho bằng khi ta sống giữa cõi đời này mà có thể yêu thương tất cả.

Trình độ bất xả

Tuy ta không phải là người chuyên về tâm linh nhưng ta cũng nên học hỏi theo phần nào cách sống của những bậc tỉnh thức ấy. Khi ta ý thức được tâm hồn mình có khả năng rất lớn, có thể đưa ta tới những trạng thái hạnh phúc chân thật mà không bị điều kiện hóa, thì ta hãy làm một cuộc cách mạng buông xả những tiện nghi không quá cần thiết hay cả những thứ cần thiết mà nó đang kềm hãm phẩm chất đời sống của mình. Đây cũng là cơ hội tốt để ta chia sớt đến những kẻ bất hạnh thiếu thốn còn đầy dẫy quanh ta, giúp ta thiết lập lại sự liên hệ vốn không thể tách rời giữa ta và mọi người, mọi loài.

Khi nội lực của ta trở nên vững vàng, không còn dễ dàng chạy theo những đối tượng bên ngoài, sống trong điều kiện nào cũng thấy an vui và chấp nhận, thì ta có thể đưa tâm thức mình sang một trình độ khác, đó là bất xả. Nghĩa là ta không cần buông xả bất cứ thứ tiện nghi nào cả, ta cứ giữ nó để tùy duyên mà làm nên lợi ích cho người cho đời. Nhưng ta cũng phải cẩn thận, hãy thường xuyên nhìn vào tâm mình để xem còn thái độ bám víu hay mong cầu nữa không. Nếu ta phát hiện hạt giống sợ hãi và tham lam năm xưa trở lại thì ta đành cố gắng tiếp tục thực tập buông xả một thời gian lâu bền hơn nữa. Điều này cần sự nhắc nhở và kiểm chứng thường trực của những người thân sống chung quanh ta.

Một khi tâm đã thật sự buông xả thì dù có xả hay bất xả những điều kiện bên ngoài hay không thì không còn quan trọng nữa. Kẻ ấy sẽ tự biết mình nên làm gì để vừa thăng hoa tâm hồn mình, vừa đem tới lợi ích an vui cho kẻ khác. Sống giữa những điều kiện hấp dẫn mà ta vẫn không bị ràng buộc thì đó chính là trạng thái thong dong tự tại chân thật. Ta hãy tìm lại cái tôi vững chãi năm xưa của mình, bằng cách thu gọn lại tất cả những gì làm cho nó biến dạng hay suy yếu, dù đó là thứ mà ta đang tâm đắc nhất. Cuộc đời sẽ trở nên mầu nhiệm biết bao nếu ta có khả năng buông bỏ những giận hờn, toan tính, cố chấp, thù hận… để lúc nào ta cũng có thể đến với nhau như một đóa hoa đến giữa địa đàng.

Bận lòng chi nắm bắt
Trăm năm nữa còn không
Xin về làm mây trắng
Nhẹ nhàng trôi thong dong


Minh Niệm