Nghệ thuật buông xả
Ta thường nghĩ rằng để có hạnh phúc thì cần phải nắm bắt càng nhiều điều kiện tiện nghi càng tốt, cho nên hễ có cơ hội là ta cứ tha hồ tích góp mà không hề biết chối từ. Nhưng điều lạ lùng là càng tích góp bao nhiêu ta càng thấy thiếu thốn và lạc lõng bấy nhiêu. Tại vì những thỏa mãn kia đã làm cho cơ chế cảm xúc bùng vỡ và nó buộc ta phải thường xuyên nạp cho nó một lượng cần thiết thì nó mới chịu lắng yên. Để phục vụ cho cơn cảm xúc nhất thời ấy, ta đã tiêu tốn rất nhiều năng lượng và đôi khi chấp nhận phương hại đến phẩm chất đạo đức, để rồi khi cảm xúc rút lui thì tâm hồn ta trở nên quạnh hiu, xơ xác.
Ta hãy nghiệm lại chính mình, cái gì đã khiến cho phẩm chất đời sống của ta trở nên yếu kém như vậy? Có phải vì nhận thức sai lầm, vì sự kích động của môi trường chung quanh, ta đã để cho lòng tham của mình bị tưới tẩm nên ta cố gắng tìm mọi cách đem những món tiện nghi vật chất ấy về cho bằng được. Hồi đầu ta nghĩ rằng nếu không có nó thì ta không thể sống thoải mái và hạnh phúc được, nhưng chỉ trong một thời gian ngắn ngủi là ta đã nhàm chán và không còn muốn nhìn tới nó nữa. Nhiều khi đồ đạc để chật kín cả nhà, không còn lối đi, không còn không gian để thở, nên ta đành phải đem cho bớt. Bấy giờ ta bỗng nhận ra buông xả cũng đem lại cảm giác an bình và hạnh phúc.
Tiện nghi về tinh thần cũng vậy, không phải lúc nào ta cũng cần nó hay cần nó một cách xa xỉ. Một thuyền trưởng tài giỏi thì phải biết cách giải cứu con thuyền quá khẳm của mình khi nó không thể tiến tới phía trước hay không thể nhúc nhích được nữa. Đôi khi vị thuyền trưởng ấy phải chấp nhận quẳng bớt những thùng hàng hóa thật to xuống biển, dù biết rằng những thùng hàng ấy rất đắt giá. Sự công nhận, ngợi khen, kính trọng, thương yêu là những nhu cầu thiết yếu của con người, nhưng nếu vì nó mà ta phải gồng mình lên để đối phó hay phải vắt kiệt năng lượng để giữ gìn, đến nổi ta không còn là chính mình hay mất cả phương hướng sống thì ta cũng đành phải từ giã bớt thôi.
Buông xả bao giờ cũng đem lại sự nhẹ nhõm trong tâm hồn, nó là một nghệ thuật sống rất cao cấp nhưng không phải dễ làm. Bởi vì ta không dễ tin rằng nếu thiếu đi điều kiện tiện nghi ấy thì cuộc sống của ta vẫn đảm bảo an toàn hay chuyển biến tốt hơn, và ta cũng không dễ đón nhận cảm giác khó chịu khi thói quen hưởng thụ không còn được phục vụ như trước nữa. Nhưng nếu ta không thể chiến thắng với những ham muốn quá mức và có tính chất hủy hoại năng lượng chính mình trong thực tại, thì đừng hỏi tại sao ta không thiếu thốn thứ gì nhưng lại không thể sống bình an và hạnh phúc như bao người khác. Phải lượng sức mình, phải ý thức tình trạng tâm thức của mình để sắp đặt lại lối hưởng thụ sao cho thích hợp, trong đó buông xả là điều ta nên nghĩ tới và hãy can đảm thử qua.
Khôi phục phẩm chất đời sống
Xã hội ngày càng văn minh thì càng tạo ra nhiều tiện nghi để con người nâng cấp sự hưởng thụ. Ngày xưa con người không có những tiện nghi đó họ vẫn sống được, sống tốt và sống rất an toàn nữa là khác. Bây giờ con người biết quá nhiều thứ, tưởng chừng như có thể nắm cả thế giới trong bàn tay mình, nhưng đó chỉ là ảo tưởng vì ngay nơi chính bản thân còn không hiểu nổi thì làm sao có thể điều phục được đối tượng khác. Và càng giam mình vào những điều kiện tiện nghi ta càng trở nên biếng nhác, yếu đuối. Đến nổi cần đi ngủ sớm hay đi bộ ngoài thiên nhiên cho tinh thần được dễ chịu hơn cũng trở thành một thử thách quá lớn, lớn hơn cả việc làm ra tiền hay làm đẹp lòng kẻ khác.
Nhiều khi biết mình rất mệt mỏi và đuối sức nhưng ta lại không đủ can đảm để tắt bớt ti vi, điện thoại, máy vi tính hay tạm gác kế hoạch dự án sang một bên. Rồi một hôm nào đó, trong một điều kiện bắt buộc, ta lái xe ra khỏi thành phố ồn náo và đầy bụi bặm để về với miền thôn quê yên ả thì ta mới chợt thấy mình như được sống lại. Thời gian qua ta đã sống với tư cách của một kẻ mộng du, cứ nhào tới phía trước để nắm bắt cái này cái nọ chứ không ý thức được những gì đang xảy ra trong ta và chung quanh ta. Cảm giác bỏ lại sau lưng những thứ nhọc nhằn phiền toái thật vô cùng dễ chịu, ta thấy mình thật tự do.
Buông xả đúng lúc không những giải cứu ta ra khỏi cơn khủng hoảng bế tắc, mà nó còn trả tâm hồn ta trở về với con người chân thật hồn nhiên năm xưa, chuyển tâm thức ta sang những cung bậc cao hơn, đưa cuộc đời ta sang một khúc quanh khác sáng đẹp hơn. Nếu ta là kẻ trải nghiệm nhiều năm trong cuộc đời, ta sẽ có khuynh hướng giành nhiều thời gian và năng lực để bồi dưỡng những giá trị bình an và hạnh phúc trong tâm hồn, chứ không còn hăng hái như những người trẻ luôn sẵn sàng lao theo những trận bão điên nông nổi để giành lấy những thứ hấp dẫn lực bên ngoài. Vì khi nằm trên giường bệnh hay đối mặt với tử thần, ta sẽ không nắm được gì cả ngoài tâm hồn bé nhỏ đáng thương của mình.
Mà đâu cần đợi đến giây phút ấy, khi ta muốn được yêu, khi ta muốn được thoát khỏi một tai nạn khốn đốn nào đó thì những thứ tiện nghi kia bỗng trở nên thừa thải đến vô nghĩa và ta dễ dàng vất nó sang một bên. Ngay cả sự ngưỡng mộ, kính trọng, ngợi khen ta cũng không cần nữa. Lúc ấy ta đã khẳng khái tuyên bố những thứ ấy chỉ là những phương tiện tạm bợ thôi, một cõi lòng bình yên và tình thương chân thật mới là thứ quý giá và đáng gìn giữ nhất trên đời. Kinh nghiệm ấy đã giúp ta đã ý thức được hạnh phúc hay khổ đau đều tùy thuộc vào tâm ta. Nếu ta không tin vào tâm mình, cứ lang thang đi tìm những điều kiện bên ngoài thì với hạnh phúc ta sẽ mãi là kẻ trắng tay.
Buông xả vừa đem tới năng lượng an lành cho chính thân tâm ta mà cho cả những người sống chung quanh ta nữa. Ta thử thực tập mỗi khi ngồi bên người thương mà ta buông xả những căng thẳng lo lắng để hết lòng chăm chú lắng nghe họ, hay thỉnh thoảng nhìn kỹ vào gương mặt họ bằng một cái nhìn trong sáng và cảm thông, thì cả ta và họ đều sẽ rất hạnh phúc. Ta có cho rằng cái hạnh phúc này tầm thường hơn cái hạnh phúc kiếm được nhiều tiền, tranh đoạt được địa vị hay chinh phục được kẻ khác không? Nếu không, tại sao ta không quyết lòng nuôi dưỡng nó? Có phải ta đã và đang bị kéo vào mê lộ của sự tích góp, đến cả tài sản của kẻ khác, của cộng đồng mà ta vẫn muốn thâu về phía mình.
Buông xả còn là thái độ sống điệu hòa với vũ trụ. Tại vì khi giới hạn lại sự tích góp mà ta có thể tồn tại vững vàng được, thì ta đã không còn thải vào vũ trụ những nguồn năng lượng độc hại của sự lo lắng, giận hờn, nghi ngờ, tranh chấp, thù hận nữa. Đó là chưa nói tất cả tài sản mà ta nắm giữ cũng thuộc về vũ trụ, nếu ta sử dụng nhiều mà thiếu trách nhiệm bù đắp thì trước sau gì vũ trụ cũng sẽ lấy lại hay trừng phạt ta bằng cách này hay cách khác. Nếu ta buông xả được những tiện nghi tinh thần như sự cung kính, ngưỡng mộ hay nâng đỡ của kẻ khác, ta có khả năng mở lòng ra chấp nhận hay tha thứ rất dễ dàng, là ta đã làm nhiều hơn trách nhiệm của một công dân trong vũ trụ rồi. Chắn chắn vũ trụ sẽ rất hài lòng về ta, luôn bảo hộ ta, và sẽ gửi tới cho ta những tặng phẩm bất ngờ.
Ta đừng so đo tại sao ta phải nhịn nhục còn người kia lại hưởng thụ quá nhiều thứ, nếu khôn ngoan ta hãy nên quan tâm thái độ sống nào sẽ mang lại khả năng bình an và hạnh phúc cao hơn. Những nhà tâm linh chuyên chính, họ chấp nhận buông xả mọi tiện nghi đáng được thừa hưởng của con người để đổi lấy một tâm hồn trong vắt và tràn đầy niềm an lạc thảnh thơi. Trạng thái hạnh phúc ấy khó có thể diễn đạt bằng ngôn từ, và ai cũng có thể làm được nếu ta có niềm tin lớn vào chính bản thân mình. Lẽ dĩ nhiên là họ cũng cần chút đỉnh tiện nghi bên ngoài, nhưng tất cả thời gian và năng lực của họ là đễ mài dũa cái hiểu biết sâu sắc bên trong. Một người có hiểu biết lớn là một người có tình thương lớn, còn gì tuyệt hảo cho bằng khi ta sống giữa cõi đời này mà có thể yêu thương tất cả.
Trình độ bất xả
Tuy ta không phải là người chuyên về tâm linh nhưng ta cũng nên học hỏi theo phần nào cách sống của những bậc tỉnh thức ấy. Khi ta ý thức được tâm hồn mình có khả năng rất lớn, có thể đưa ta tới những trạng thái hạnh phúc chân thật mà không bị điều kiện hóa, thì ta hãy làm một cuộc cách mạng buông xả những tiện nghi không quá cần thiết hay cả những thứ cần thiết mà nó đang kềm hãm phẩm chất đời sống của mình. Đây cũng là cơ hội tốt để ta chia sớt đến những kẻ bất hạnh thiếu thốn còn đầy dẫy quanh ta, giúp ta thiết lập lại sự liên hệ vốn không thể tách rời giữa ta và mọi người, mọi loài.
Khi nội lực của ta trở nên vững vàng, không còn dễ dàng chạy theo những đối tượng bên ngoài, sống trong điều kiện nào cũng thấy an vui và chấp nhận, thì ta có thể đưa tâm thức mình sang một trình độ khác, đó là bất xả. Nghĩa là ta không cần buông xả bất cứ thứ tiện nghi nào cả, ta cứ giữ nó để tùy duyên mà làm nên lợi ích cho người cho đời. Nhưng ta cũng phải cẩn thận, hãy thường xuyên nhìn vào tâm mình để xem còn thái độ bám víu hay mong cầu nữa không. Nếu ta phát hiện hạt giống sợ hãi và tham lam năm xưa trở lại thì ta đành cố gắng tiếp tục thực tập buông xả một thời gian lâu bền hơn nữa. Điều này cần sự nhắc nhở và kiểm chứng thường trực của những người thân sống chung quanh ta.
Một khi tâm đã thật sự buông xả thì dù có xả hay bất xả những điều kiện bên ngoài hay không thì không còn quan trọng nữa. Kẻ ấy sẽ tự biết mình nên làm gì để vừa thăng hoa tâm hồn mình, vừa đem tới lợi ích an vui cho kẻ khác. Sống giữa những điều kiện hấp dẫn mà ta vẫn không bị ràng buộc thì đó chính là trạng thái thong dong tự tại chân thật. Ta hãy tìm lại cái tôi vững chãi năm xưa của mình, bằng cách thu gọn lại tất cả những gì làm cho nó biến dạng hay suy yếu, dù đó là thứ mà ta đang tâm đắc nhất. Cuộc đời sẽ trở nên mầu nhiệm biết bao nếu ta có khả năng buông bỏ những giận hờn, toan tính, cố chấp, thù hận… để lúc nào ta cũng có thể đến với nhau như một đóa hoa đến giữa địa đàng.
Bận lòng chi nắm bắt
Trăm năm nữa còn không
Xin về làm mây trắng
Nhẹ nhàng trôi thong dong
Minh Niệm
Em thích vài viết này .
Trả lờiXóaBuông xã, tha thứ khác hẳn với việc chấp nhận đó!
Xóa