Umberto Eco
Một khẳng định triết học trước đây – đàn ông thì có khả năng tư duy về cái vô hạn, còn đàn bà thì mang lại ý nghĩa cho cái hữu hạn – có thể đọc theo nhiều cách: chẳng hạn, vì đàn ông không biết sinh con, nên họ phải tự an ủi bằng các nghịch lí của Zenon. Nhưng trên cơ sở của các sự khẳng định như thế có loan truyền một ý tuởng cho rằng lịch sử (ít ra cho đến thế kỉ 20) đã sinh ra cho chúng ta các nhà thơ nữ lỗi lạc, các nhà kể truyện nữ kiệt xuất và các nhà khoa học nữ trong nhiều bộ môn, mà không sinh ra các nhà triết học và các nhà toán học nữ.
Từ các cách nhìn méo mó như thế đã từ lâu hình thành sự tin tưởng rằng phụ nữ không hợp với hội hoạ, trừ các tên tuổi quen thuộc như Rosalba Carriera [1] hoặc Artemisia Gentileschi [2] . Đương nhiên, khi hội hoạ còn là tranh tường nhà thờ, việc trèo lên một giàn vẽ với một chiếc váy hẳn không là một chuyện tao nhã, và cũng chẳng phải phần việc của phụ nữ là điều khiển một xưởng vẽ với 30 người đang học nghề, thế nhưng khi người ta vừa có thể thực hành hội hoạ trên các giá vẽ thì các nữ hoạ sĩ lập tức xuất hiện. Như thể qua cách nào đó bảo rằng người Do Thái giỏi về nhiều ngành nghệ thuật nhưng không giỏi về hội hoạ, cho tới khi một Chagall xuất hiện. Văn hoá Do Thái quả thực thịnh hành về thính giác mà không thịnh hành về thị giác và tính thần thánh chẳng nên biểu hiện qua hình ảnh, nhưng có một nền sản xuất thị giác rõ ràng là thú vị trong nhiều văn bản chép tay Do Thái. Vấn đề là ở chỗ, ở các thế kỉ khi nghệ thuật tượng hình nằm trong tay Nhà Thờ thì khó mà một nguời Do Thái được khuyến khích vẽ Đức Mẹ và Thánh giá, cũng như khó mà ngạc nhiên khi chẳng có nguời Do Thái nào trở thành Giáo Hoàng.
Biên niên của đại học Bologna kể rằng các vị nữ giáo sư như Bettisia Gozzadini và Novella d’Andrea đẹp đến nỗi họ phải giảng bài đằng sau một màn trùm mặt để sinh viên khỏi xốn xáo, nhưng các vị ấy không dạy triết. Trong các sách giáo khoa triết học chúng ta không thấy phụ nữ dạy biện chứng hoặc thần học. Héloise, nguời học trò cực thông minh và bất hạnh của Abelard [3] hẳn là đành lòng trở thành một nữ tu viện trưởng.
Nhưng không nên xem nhẹ vấn đề nữ tu viện trưởng, một phụ nữ/triết gia ở thời chúng ta là Maria Teresa Fumagalli đã dành nhiều trang cho chuyện này. Một nữ tu viện trưởng là một thẩm quyền về tâm linh, về tổ chức, và về chính trị; đảm nhiệm các chức năng trí thức quan trọng trong xã hội trung cổ. Một quyển giáo khoa triết học tốt phải kể các nhà huyền học nữ trong số các nhân vật của lịch sử tư tưởng, như Caterina da Siena [4] và Hildegard von Bingen [5] , những người mà về phương diện thị kiến siêu hình học và cảnh sắc về cái vô hạn khiến chúng ta vẫn sững sờ hôm nay.
Ý kiến cho rằng nhà huyền học nữ không phải là một triết gia là không vững, bởi vì lịch sử triết học đã dành chỗ cho các nhà huyền học xuất sắc như Suso [6] , Tauler [7] hoặc Eckhart [8] . Bảo rằng phần lớn các nhà huyền học nữ chú trọng thân thể hơn các ý niệm trừu tượng thì cũng như cho rằng, chẳng hạn, Merleau-Ponty [9] phải biến mất trong sách giáo khoa triết học.
Các nhà nữ quyền từ lâu đã cử chọn hình tượng anh hùng của mình: Hypatia [10] , ở Alexandria, vào thế kỉ thứ 5, bậc thầy về triết học Plato và toán học cao cấp. Hypatia trở thành một biểu tượng, nhưng không may, về các tác phẩm của bà nay chỉ còn các truyền thuyết, bởi vì chúng đã biến mất, và bà cũng biến mất, đúng thực là bị một nhóm người Kitô giáo cuồng động sẻ ra từng mảnh, mà theo một vài nhà sử học là do sự khuyến giục của nhân vật Cyril ở Alexandria [11] , người mà sau đó được phong thánh dù không phải do chuyện này. Thế thì chỉ có một Hypatia thôi sao?
Gần đây ở Pháp, có xuất bản một quyển sách nhỏ (của nhà Arléa): Histoire des femmes philosophes. Nếu thắc mắc tác giả Gilles Ménage là ai, thì chúng ta có thể khám phá: bà sống ở thế kỉ 17, một học giả tiếng La-tinh, thầy dậy của Madame de Sévigné [12] và Madame de Lafayette [13] và quyển sách của bà xuất hiện năm 1690 có tựa là Mulierum philosopharum historia (Lịch sử các nhà nữ triết gia). Vậy thì không chỉ có Hypatia, quyển sách của Ménage, dù chủ yếu nói về thời cổ điển, giới thiệuhàng loạt nhân vật cực kì quyến rũ: một Diotima-socrate [14] , một Arete-cycenaic [15] , một Nicarete-megaric [16] , một Ipparchia-khuyển nho [17] , một Teodora-tiêu dao [18] (theo nghĩa triết học của từ này), một Leonzia-epicure [19] , một Temistoclea-pithagoras [20] . Và Ménage, khi lật xem các văn bản cổ và các tác phẩm của các vị Trưởng phụ Nhà thờ, đã tìm được đến 65 viện dẫn, khá nhiều, ngay cả với sự thể bà có một ý niệm khá rộng về triết học. Nếu tính đến chuyện ở xã hội Hi Lạp phụ nữ thì giới hạn trong bốn bức tường nội trợ, rằng các nhà triết học thích nuôi dưỡng quan hệ với các các chàng trai hơn các cô gái, rằng để nổi tiếng giữa công chúng phụ nữ phải là một kĩ nữ, thì chúng ta mới thấm thía nỗ lực của các nhà tư tưởng nữ ấy khi tự khẳng định mình. Thế rồi, do phẩm chất kĩ nữ mà người ta vẫn còn ghi nhớ một Aspasia [21] , trong khi quên rằng bà thành thạo tu từ học và triết học và Socrate thích giao du với bà (có Plutarch làm chứng).
Tôi đã giở xem ít nhất ba bộ bách khoa triết học hiện nay và chẳng tìm thấy dấu tích gì về các tên tuổi này (trừ Hypatia). Không phải không có phụ nữ làm triết học. Thật ra, các bậc triết gia nam tử đã muốn quên các bà đi, có thể sau khi đã chiếm hữu tư tưởng của các bà.
Vũ Ngọc Thăng dịch và chú thích
[1]Rosalba Carriera (1675-1757), nữ hoạ sĩ Ý, thuộc trường phái phấn màu Venise thời Rococo, đương thời rất nổi tiếng và được ưa chuộng đặt vẽ chân dung.
[2]Artemisia Gentileschi (1593-1652/3), nữ hoạ sĩ Ý, quan trọng nhất của thời đầu Hiện đại ở Âu Châu. Bà là hoạ sĩ nữ đầu tiên hoạ các cảnh tượng lịch sử và tôn giáo quan trọng.
[3]Pière Abélard (1079-1142): nhà triết học và thần học Pháp. Chuyện tình nổi tiếng và vụng trộm giữa ông và cô học trò Héloise khiến ông bị thiến. Sau đó cả hai đều đi tu và thành đạt về phương diện này. Cuối đời, Héroise và Abelard cùng soạn và tập hợp các bức thư tình và tôn giáo của nhau. Khi qua đời hai vị tu sĩ / người tình này đuợc chôn bên nhau trong nghĩa trang Père-Lachaise ở Paris.
[4]Caterina da Siena (k.1347-1380), nhà huyền học nữ người Ý, phong Thánh năm 1461, Tiến sĩ nhà thờ năm 1970. Bà để lại 381 thư gửi cho các nhân vật đuơng thời quyền thế nhất, một số lời cầu nguyện, và ‘Dialogo della divina providenza/Lời thoại của Thuợng đế’, một trong trong những văn bản huyền học cổ điển của mọi thời (đọc cho các thư kí ghi lại trong trạng thái xuất thần).
[5]Hildegard von Bingen (1098-1179), nữ tu viện trưởng, nhà huyền học sinh ở Đức, một trong những nhà soạn nhạc nữ đầu tiên. Sự nghiệp tâm linh, chữ nghĩa và âm nhạc của bà thì mênh mông, bao gồm nhiều chuyên luận về tôn giáo, các vở kịch, và các tác phẩm âm nhạc ‘trừu tượng’.
[6] Henri Suso (1295-1366), nhà huyền học Đức.
[7] John Tauler (k.1300-1361), nhà huyền học Đức.
[8]“Meister” Johannes Eckhart von Hochheim (k.1260-1327/8), nhà huyền học Đức.
[9]Maurice Merleau-Ponty (1908-1961), triết gia Pháp.
[10]Hypatia of Alexandria (k.370-415), một trong những nhà triết học và toán học lớn nhất thế kỉ 4, được cử làm viện trưởng trường triết tân-Plato tại Alexandria.
[11]Cyril of Alexandria (k.376-444), nhà thần học, Giám mục, Trưởng phụ/Tiến sĩ Nhà thờ.
[12]Marie de Rabutin-Chantal Sévigné (1626-1696), nữ văn sĩ Pháp.
[13]Madame de Lafayette (1634-1693), nữ văn sĩ Pháp.
[14]Diotima of Mantinea (k.470-k.410 TCN), nhân vật được Plato kể lại trong Symposium, trong đó Socrate nói rằng ông đã học được từ bà lí thuyết về tình yêu. Diotima được xem là một trong những tư tưởng gia nữ lớn nhất của mọi thời.
[15]Arete of Cyrene (thế kỉ IV TCN), kế thừa trường phái triết học cyrenaic (socrate-minor) của cha là Aristippus. Bà có câu nói được các nhà nữ quyền trích dẫn: “Tôi mơ một thế giới nơi chẳng có chủ lẫn nô”.
[16]Nicarete of Megara (thế kỉ III TCN), kĩ nữ, theo phái triết học Euclide (hoặc hậu-socrate), chung sống với triết gia Stilpo vốn trực tiếp là học trò hoặc theo học các trường phái triết học kế thừa Euclide.
[17]Ipparchia (thế kỉ V-IV TCN), tán đồng triết học khuyển nho (cynicism), truyền thuyết nói về bà như người có văn hoá triết học sâu rộng và phong cách lí luận lịch lãm, và sánh bà với Plato.
[18] Teodora (thế kỉ IV?), theo phái triết học “đích thực tiêu dao” của Aristotle.
[19]Leonzia hoặc Leontina (thế kỉ IV-III TCN), có lẽ là kĩ nữ của Epicure, truyền thuyết cho rằng bà đã viết một luận văn công kích triết gia Theophrastus.
[20]Themistoclea (thế kỉ VI TCN), phụ nữ đầu tiên trong lịch sử (Phương Tây) được gọi là một nhà triết học, có thể là chị em với Pythagoras, được xem là người đã truyền lại cho Pythagoras những thông điệp có tính nguyên lí đạo đức nhận được từ các vị thần.
[21]Aspasia of Miletus (k.470-410 TCN), kĩ nữ, thông thái, đến Athene sinh sống, sau lấy Pericles. Giỏi tu từ học, được Plato, Xenophon, Cicero, Athenaeus, và Plutarch kính trọng. Có lần Socrate nói bà là thày của ông về tu từ học.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét