Thứ Tư, 25 tháng 9, 2013

CUỘC TRẦN AI

Henri-Matisse-The-Piano-Lesson1
Henri Matisse, Bài học đàn piano



ngày kế ngày trờ tới
khề khà một vài chai
ừ có gì để đấy
chẳng chết một thằng tây

cuộn chiếu. nằm một góc
khò khè nghe rất buồn
trăm năm. Còn, chiếc bóng
chênh chếch vừng trăng non

ngồi lâu. chắc cũng mỏi
mòn cả kiếp phù sinh
vai gầy đôi sợi tóc
bạc thếch tự ngàn sau

chiếc xe chiều đi qua
quán café. Một bóng
hoàng hôn tự bao giờ
đưa tay chàng úp mặt

góc chiều. và em nhỏ
sóng sánh giọt mưa rơi
ôm một vừng nhật nguyệt
trắng cả một đời nhau

vui chi một cõi tạm
buồn gì một đời trôi
trăng tròn hay trăng khuyết
đù ỏa cuộc trần ai

Triều hoa đại

QUY TẮC PERMA CÂN BẰNG CUỘC SỐNG




Ai cũng mong muốn một cuộc sống hạnh phúc, vui vẻ. Khi hạnh phúc, bạn làm việc hiệu quả hơn, mối quan hệ với mọi người xung quanh tốt đẹp hơn, và bạn cảm thấy mọi thứ thật tuyệt! Quy tắc PERMA chỉ ra cho bạn 5 yếu tố cần thiết để sống tích cực, cân bằng từ đó bạn sẽ hạnh phúc và thành công hơn trong công việc lẫn cuộc sống.

Quy tắc này được Martin Sligman, một nhà tâm lý học rất có uy tín công bố rộng rãi trong quyển “Flourish” (Thành đạt) của ông – một quyển sách có tầm ảnh hường lớn xuất bản năm 2011. PERMA gồm 5 yếu tố sau:

1. Những cảm xúc tích cực (P – Positive Emotions)

Những cảm xúc tích cực có thể kế đến như cảm giác hài lòng, hạnh phúc, thỏa mãn, bình yên, vui vẻ, tràn đầy hứng khởi… Những cảm xúc này mang đến cho bạn một nguồn năng lượng tràn trề cho công việc lẫn cuộc sống. Vì vậy, nếu bạn thấy mình vẫn chưa nếm trải đủ những cảm xúc tích cực trong cuộc sống, hãy ngừng lại và tự hỏi tại sao.

Trước tiên, xét về khía cạnh nghề nghiệp. Bạn đã thực sự phát huy hết tài năng và thế mạnh của mình trong vai trò hiện tại chưa? Bạn chỉ có thể hài lòng và hạnh phúc với công việc khi làm đúng việc yêu thích và phù hợp. Đồng thời, hãy dành đôi chút thời gian để xác định ai hay điều gì có thể đem lại niềm vui cho bạn. Ví dụ bạn thích được ở ngoài trời và hòa mình vào thiên nhiên. Vậy sao bạn không thử mang một chút mảnh xanh vào văn phòng hay góc làm việc của mình để cảm nhận được sự bình yên? Đơn giản là để thổi vào nếp sống thường nhật của bạn những luồng cảm xúc tích cực và những nguồn vui mới. Đừng trì hoãn những việc mang lại cho bạn khoảnh khắc hạnh phúc!

2. Sự gắn kết (E - Engagement)
Chỉ khi gắn kết thật sự với những việc đang làm, bạn mới đạt được kết quả tốt nhất. Cách tốt nhất để thật sự gắn kết với công việc là hãy yêu thích công việc đó. Hãy tìm những khía cạnh trong công việc mà bạn yêu thích như những dự án phù hợp, những người đồng nghiệp thân thiện, môi trường làm việc hay những điều bạn có thể học hỏi được. Nếu bạn không thể trả lời được câu hỏi “Bạn thích gì ở công việc hiện tại?”, đã đến lúc bạn tìm cho mình công việc mới thích hợp hơn.

Tiếp đó, hãy gắn kết bản thân với những điều bạn yêu thích trong cuộc sống. Chẳng hạn như đọc sách, xem phim, đi dạo, gặp gỡ bạn bè hay chơi thể thao… Chính những sở thích này sẽ giúp bạn giảm stress, lấy lại cân bằng.

3. Những mối quan hệ tích cực (R – Positive Relationships)

Con người là “những thực thể xã hội”, và những mối quan hệ tốt chính là cốt lõi của sự thành công. Thông thường, những người có mối quan hệ tích cực và nhiều ý nghĩa thường hạnh phúc hơn những ai không có được điều đó.
Bạn có những mối quan hệ tích cực trong cuộc sống không? Đó có thể là mối quan hệ gia đình, bạn bè, hay đồng nghiệp. Phần lớn thời gian của bạn tại nơi làm việc, mối quan hệ tốt với đồng nghiệp sẽ hỗ trợ bạn đắc lực trong công việc và giúp cân bằng cuộc sống nơi công sở. Xem bài 7 cách đắc nhân tâm nơi công sở để xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với đồng nghiệp.

Tiếp đến, hãy nhìn lại cuộc sống cá nhân của bạn. Đã bao lâu rồi bạn chưa gặp người bạn thân? Sinh nhật của cha/mẹ bạn là ngày nào và bạn đã chuẩn bị gì chưa? Đôi khi cuộc sống bận rộn làm bạn xao lãng những mối quan hệ gia đình, bạn bè, những người luôn ở bên bạn dù bạn thành công hay thất bại. Hãy cam kết sẽ dành nhiều thời gian hơn cho gia đình, bạn bè và duy trì điều này thật đều đặn. Bạn không thể hạnh phúc khi không có họ trong cuộc đời này!

4. Ý nghĩa cuộc sống (M – Meaning)

Ý nghĩa cuộc sống đến từ việc phục vụ cho một mục đích lớn lao hơn chính bản thân mình. Mỗi người sẽ có những cảm nhận khác nhau về ý nghĩa cuộc sống, đó có thể xuất phát từ tôn giáo hay từ mong muốn một cuộc sống tốt đẹp cho mọi người. Hãy tìm kiếm ý nghĩa trong từng việc bạn làm để nuôi dưỡng cho mình cảm xúc vui sống. Ví dụ, công việc bạn đang làm phục vụ cho ai, và mang lại cho họ những gì? Đây chính là động lực giúp bạn làm tốt công việc với niềm tự hào. Ngoài ra hãy dành thời gian bên gia đình, tham gia các hoạt động từ thiện… tất cả điều này giúp bạn sống có ý nghĩa hơn, khi đó bạn sẽ cảm thấy thật sự hài lòng.

5. Thành tích (A - Accomplishments/Achievement) 

Nhiều người trong chúng ta luôn phấn đấu để hoàn thiện bản thân theo một cách nào đó – có thể là phát triển một kĩ năng, thăng tiến trong công việc hay chiến thắng ở một cuộc thi. Không lời nào có thể diễn tả được niềm vui và niềm tự hào khi đạt được những thành tích trên.

Thành tích chính là những mục tiêu bạn luôn cố hết sức để đạt được trong công việc lẫn cuộc sống. Xác định điều bạn thực sự muốn và đạt được những điều này sẽ giúp cuộc sống thăng hoa. Vậy đâu là những điều bạn muốn? Trả lời một số câu hỏi sau sẽ giúp bạn:
- 5 giá trị quan trọng nhất trong cuộc sống của bạn là gì?
- 3 mục tiêu quan trong nhất trong đời bạn, ngay lúc này là gì?
- Nếu hôm nay bạn biết rằng mình chỉ còn sống trong 6 tháng, bạn sẽ làm gì với khoảng thời gian còn lại?
- Bạn sẽ làm gì nếu ngày mai bạn trúng 1 triệu đô la tiền mặt?
- Bạn đã luôn muốn làm gì, nhưng lại ngại thử sức?
- Bạn thích làm gì nhất? Điều gì đem lại cho bạn cảm giác tự hào và hài lòng về bản thân nhất?
- Giả sử bạn biết mình sẽ không thất bại, thì điều vĩ đại nhất bạn từng dám ước mơ là gì?

Tuy nhiên, nếu quá thúc ép bản thân đạt được nhiều thành tích hơn, bạn sẽ cảm thấy áp lực và mệt mỏi dẫn đến mất cân bằng trong công việc và cuộc sống. Nếu bạn đang rơi vào trạng thái này thì đây có lẽ là thời điểm để nhìn lại và tập trung vào những yếu tố khác của quy tắc PERMA.

Chúc bạn tìm được cân bằng trong cuộc sống!

Lược dịch theo Mindtools

Quán thời gian



Dường như ai vừa bán
khúc nhạc xưa đắt hàng
dường như ta vừa trả giá
cánh đồng hoa rạp gió khóc trong mưa

Mặc cả với mình bán tháng ngày qua
giữ cái ghế loay hoay ăn mày dĩ vãng
ngang cửa ai rao bán chân dài thời hoa nắng
ai lên trời ngã giá ngày mai
rồi sẽ quay về quá khứ ở tương lai
rồi lại gặp tương lai nơi quá khứ?
Những phiên chợ lãi thua
Những tượng đài nguyên khôi và mảnh vỡ
Những miếng ngày vá vào đêm vàng võ
chiều mua sương
trưa bán nắng
sáng nụ cười nợ đọng
những cái tên trượt giá vẫn còn mang…
Ngã ba một quán thời gian
dại khờ buôn bán gánh buồn phôi phai

Hà Linh


Những nét tương đồng và dị biệt của ba thể thơ tuyệt cú, haikư và lục bát



Nguyễn Thị Bích Hải

Ba thể thơ tuyệt cú, haikư và lục bát đều là thể thơ cách luật ngắn nhất trong văn học dân tộc của Trung Quốc, Nhật Bản và Việt Nam.Hẳn là không chỉ ba dân tộc này mới có thể thơ ngắn của mình nhưng ở đây chỉ giới hạn trong phạm vi ba thể thơ này mà thôi.

Trước hết, nói về những điểm tương đồng.

Ngoài cái dấu hiệu quy mô nhỏ đến kinh ngạc của chúng ra, ba thể thơ này còn có nhiều điểm giống hoặc gần gũi nhau.

Về sự hình thành, có thể thấy chúng đều có nguồn gốc từ thơ ca dân gian, được các nhà thơ sống gần gũi với nhân dân tiếp thu và phát triển để rồi đạt đến đỉnh cao ở các nhà thơ lớn thời trung đại của mỗi dân tộc. Đó là Lý Bạch và Đỗ Phủ ở Trung Quốc, Bashô ở Nhật Bản và Nguyễn Du ở Việt Nam. Đương nhiên đó là nhìn đại thể, còn con đường hình thành và phát triển của chúng cũng có những sự khác biệt sẽ đề cập đến sau.

Về mặt tính chất, nếu chúng ta chỉ xét lục bát ở cấp độ một đơn vị chỉnh thể tối thiểu, tức là một chu kỳ 6+8, đủ để làm nên một bài lục bát đơn giản nhất, thì cả ba thể thơ tuyệt cú, haikư và lục bát đều chủ yếu là thể thơ trữ tình. Nói “chủ yếu” là vì trong quá trình phát triển chúng đều có thể thích dụng với trào phúng, triết lý…

Cả ba thể thơ này đều có một đặc trưng cơ bản giống nhau: hàm súc cao độ. Điều này như một lẽ đương nhiên và là lý do tồn tại của thể thơ. Bởi vì chúng rất ngắn, nếu chúng không có khả năng ngụ ý và gợi ý thì chúng đã chẳng có sức sống lâu bền đến thế. Tiền đề của sự hàm súc là sự ngắn gọn. Trong ba thể thơ, dài nhất là tuyệt cú cũng chỉ 4 câu với 28 âm (nếu là thất ngôn tuyệt cú) hoặc 20 âm (nếu là ngũ ngôn tuyệt cú) thứ đến là haikư với 17 âm; ngắn nhất là lục bát với 14 âm. Không rõ trên thế giới có thể thơ nào ngắn hơn lục bát nữa không. Quy mô rất nhỏ, nếu không nói là cực nhỏ, mà điều gửi gắm trong đó, gợi lên từ đó lại rất phong phú, sâu xa.

“Bên đê cổ tha thướt,
Liễu như vòm khói xanh.
Giá mà tơ chẳng đứt,
Níu giữ buộc thuyền anh”.
(Ung Dụ Chi - Liễu ven sông )

“Dù tan đi vỡ lại
Vầng trăng nơi đáy nước
Còn mãi”.
(Shiki)

“Qua cầu rút ván tháo đinh.
Đó đà ở bạc với mình thì thôi”.
(Ca dao)

Có lẽ không nên phân tích, bởi vì mọi sự phân tích sẽ “cố định hóa” nội dung thâm hậu và sức gợi của tác phẩm theo chủ quan của người phân tích, làm giảm đi sự huyền diệu linh lung và khả năng gợi mở vào tâm hồn người đọc của những thế giới tinh tế đến vậy.

Một điều cũng đương nhiên do tính hàm súc của thể thơ đưa lại, khiến chúng gặp nhau ở một điểm có tính quy luật: ở cả ba thể thơ, trọng tâm ý nghĩa đều ở cuối. (Có lẽ đây cũng là đặc điểm chung của các tác phẩm có quy mô nhỏ?)

Thơ haikư là thế:

“A sa gao
Chiếc gàu vương hoa bên giếng
Đành xin nước nhà bên”.
(Chiyô)

Hai câu trước chỉ là nền, chỉ là giới thiệu bối cảnh để câu cuối thể hiện niềm trân trọng thiên nhiên và cái đẹp.

“Mưa đông giăng đầy trời
Một chú khỉ đơn độc
Cũng mong chiếc áo tơi”.
(Bashô)

Có ba câu ngắn ngủi thôi mà tấm lòng nhân cùng dành cho câu cuối. Câu một là bối cảnh lạnh lùng mênh mông. Câu hai Bashô nhìn thấy chú khỉ ? Câu ba là chú khỉ nhìn Bashô mà “mong chiếc áo tơi”. Chú khỉ cô đơn, chú khỉ lạnh lùng, chú khỉ không nói. Sao Bashô nhận ra? Nhà thơ đã đặt mình vào cảnh ngộ trần trụi giữa mưa đông, co ro vì lạnh của chú khỉ mà ngộ ra và “phát biểu” cái mong ước nhỏ nhoi tội nghiệp của sinh linh bé bỏng ấy. Tiếng nói nhỏ nhẹ của haikư đã chở tiếng nói của lòng nhân hậu bao la đến với mọi tấm lòng “tri âm”.

Thơ tuyệt cú là thế:

Đầu giường ánh trăng rọi
Ngỡ mặt đất phủ sương.
Ngẩng đầu nhìn trăng sáng,
Cúi đầu nhớ quê hương.
(Lý Bạch - Tứ đêm lặng)

Đến nỗi có nhà nghiên cứu tinh thâm về thơ Đường đã nói: “Muốn làm một bài thơ tuyệt cú hay là phải bắt đầu từ câu… cuối”. Cũng có thể nói như vậy với haikư và lục bát.

Đành rằng mọi quy luật đều có ngoại lệ. Thi thoảng cũng có trường hợp phần cuối của bài thơ không hay bằng phần đầu. Chẳng hạn:

Hồ xanh từ thuở chưa hoàn kiếm,
Mượn một nơi mà trả một nơi.
Cầm tay mới biết xa Hà Nội,
Biết mượn gì đây để ngỏ lời.
(Khuyết danh - Không đề )

Trong trường hợp này, đối với tác giả thì điều muốn nói là ở hai câu sau, mà chủ yếu là câu cuối. Còn đối với người đọc thì hai câu đầu, đặc biệt là câu thứ hai là rất hay mà hai câu sau khó lòng theo được. Nhưng những trường hợp phần đầu hay hơn là rất hiếm. Nghĩa là, nhìn tổng thể thì thơ tuyệt cú gieo nặng trọng tâm ý nghĩa ở cuối bài. Điều này ta có thể kiểm chứng ở thể thơ tuyệt cú của Trung Quốc, Nhật Bản và Việt Nam, kể cả thơ cổ và kim. Xin ví dụ một bài tuyệt cú chữ Hán của một nhà thơ người Nhật:

“Ngọn bút có thần giục sấm vang,
Quanh đỉnh Hương Lô khói tía tràn.
Ông trời chẳng tiếc ngân hà nữa,
Vì trích tiên trút xuống trần gian”
(Thanh Sơn Diên Quang - Lý Thái Bạch ngắm thác núi Lư)(1)

Và trong thơ hiện đại Việt Nam:

“Sương giăng mờ trên ngõ Tạm Sương,
Ngõ rất cụt mà lòng xa thẳm.
Ngõ bảy thước mà lòng muôn dặm,
Thương một đời đâu phải Tạm Thương”.
(Chế Lan Viên - Chơi chữ về ngõ Tạm Sương tức Tạm Thương )

Xin không nêu dẫn chứng nữa vì vô số bài thơ có thể chứng minh cho luận điểm này.

Vậy còn thơ lục bát ?

Cứ thử lấy ra bất kỳ cặp câu lục bát nào trong hàng ngàn “bài” ca dao mà toàn bài chỉ vẻn vẹn có một câu sáu và một câu tám, từ trong một bài thơ gồm nhiều chu kỳ sáu tám, thậm chí chúng ta rút ra bài học cặp sáu tám nào từ một truyện thơ gồm hàng ngàn cặp sáu tám, thì chúng ta cũng hoàn toàn có thể nhận thấy: trọng tâm ý nghĩa bao giờ cũng ở câu tám (tức câu cuối của chu kỳ).

Câu sáu thường chỉ là bước chuẩn bị cho câu tám. Câu sáu là “đề” câu tám là “thuyết”:

“Gió sao gió mát sau lưng
Dạ sao dạ nhớ người dưng thế này”.
(Ca dao)

“Gió mưa là bệnh của trời
Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng”.
(Nguyễn Bính - Tương tư )

“Măng non là búp măng non,
Đã mang dáng thẳng thân tròn của tre”.
(Nguyễn Duy - Tre Việt Nam )

“Trải qua một cuộc bể dâu,
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng”.
(Nguyễn Du - Truyện Kiều )

Như vậy, trọng tâm ý nghĩa được dồn vào phần cuối là một đặc trưng thể loại của cả ba thể thơ.

Còn một điểm tương đồng nữa là trong nền thơ ca của mỗi dân tộc, các thể thơ này có thể nói là dễ làm nhưng khó làm được cho thật hay.

Nhà tiểu thuyết lớn nhất của thời Êđô ở Nhật Bản Ihara Saikaku được gọi là Nimanô (Nhị vạn ông) vì tài làm thơ nhanh. Trong một cuộc thi thơ ông đã đọc hầu như liên tục hơn hai vạn bài haikư trong khoảng thời gian 24 giờ đồng hồ. Dù con số hai vạn có thể không hoàn toàn chính xác, nhưng chắc là Saikaku đã ứng tác rất nhiều bài haikư liên tục. Có thể do ông có tài ứng tác nhanh nhưng cũng vì thể thơ cho phép người ta có thể sáng tác nhanh, nhiều. Đành rằng đôi khi vì quá nhanh quá nhiều nên có thể là cũng… khó đắt.

Thể thơ tuyệt cú cũng để lại những chùm rất sai quả. Chẳng hạn như với một chuyến đường sông, Tiền Hử (thời vãn Đường) hái được một “chùm” Giang hành vô đề nhất bách thủ. Sau một chuyến hành trình, Củng Tự Trân (đời Thanh) có thể cho khắc in một tập thơ 315 bài tuyệt cú Kỷ Hợi tạp thi. Trong những chùm thơ hàng trăm bài ấy số bài hay không nhiều.

Còn ở Việt Nam, lục bát xuất hiện khắp nơi – trong lời ru, trên cánh đồng, trên báo tường, trên đường phố (Tất nhiên cũng có nhà thơ chẳng bao giờ “hạ cố” đến lục bát). Gặp trường hợp nào người ta cũng có thể làm lục bát được cả (mà “Bút Tre” là một ví dụ). Nhưng sáng tác được một bài lục bát hay thật là khó. ở đây chúng ta tạm chưa giải thích nguyên nhân của hiện tượng này.

Mặt khác, ba thể thơ này cũng có nhiều điểm khác nhau, trong đó có sự khác nhau ngay trong những điểm tương đồng.

Về nguồn gốc, điểm chung của chúng là bắt nguồn từ trong thơ ca dân gian những con đường định hình của chúng lại khác nhau. (Có ý kiến cho rằng có lẽ ở Việt Nam thể thơ lục bát có được từ kết quả giao lưu văn hóa với dân tộc Chăm. Nhưng ở đây tạm thời chưa đủ điểu kiện để thảo luận). Tên gọi của các thể thơ này cũng xuất hiện sau trước khác nhau. Cái tên “tuyệt cú” đã được xuất hiện từ đời Lương (502-557) cách đây 1500 năm. Thể thơ lục bát được định danh muộn hơn, khoảng đời Hậu Lê. Còn ở Nhật Bản, thể thơ 3 dòng 5-7-5 đạt đến đỉnh cao ở thế kỷ XVII với Bashô nhưng mãi đến cuối thế kỷ XIX mới được nhà thơ Shiki định danh là haikư. Thực ra, nguồn gốc, con đường phát triển, định hình và định danh rồi lại phát triển của ba thể này cần những công trình nghiên cứu công phu tường tận. Chẳng hạn như thể thơ lục bát ở ta quá chừng quen thuộc nhưng nguồn gốc của nó cũng còn nhiều ý kiến tranh luận.

Nguồn gốc, con đường phát triển khác nhau của ba thể thơ này cũng phản ảnh vị trí, số phận của chúng trên văn đàn của mỗi dân tộc cũng như ảnh hưởng của chúng đến văn học các dân tộc khác.

Trong thơ ca của ba dân tộc Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam ba thể thơ này đều có vị trí quan trọng nhưng ảnh hưởng của chúng đối với thơ ca các nước ngoài thì rất khác nhau.

Hình thành từ rất sớm (thế kỷ VI), lại theo con đường ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc đến các nước láng giềng “đồng văn”, thơ tuyệt cú được các nhà thơ Nhật Bản, Việt Nam tiếp thu từ rất sớm (cả ở Triều Tiên nữa nhưng hiện tại chúng tôi chưa có tài liệu nên chưa tìm hiểu được thời điểm), có thể nói là ngay từ buổi đầu xây dựng nền thơ ca dân tộc. Nhật Bản, từ thế kỷ thứ VII đã xuất hiện thơ tuyệt cú bằng chữ Hán và cho đến thế kỷ XIX, thơ tuyệt cú vẫn chiếm tỉ lệ rất cao trong thơ chữ Hán của người Nhật. (Chẳng hạn trong cuốn Nhật Bản Hán thi hiệt anh có 1451 bài thơ thì thơ tuyệt cú có đến 906 bài, chiếm tỉ lệ 61%. Đành rằng đây chỉ là tuyển tập nên tỉ lệ có thể chưa hoàn toàn trùng với tỉ lệ trong thực tế, nhưng tuyển tập thường vẫn có tính chất tiêu biểu nên chắc cũng phản ánh gần đúng thực tế). ở Việt Nam, trong văn học viết, thơ tuyệt cú cũng rất phổ biến. Trong thơ Lý – Trần tức là thơ chủ yếu sáng tác bằng chữ Hán, thơ tuyệt cú chiếm tỉ lệ rất cao (nếu không nói là áp đảo). Đến các thời kỳ sau, tỉ lệ luật thi và thơ cổ thể có thể tăng lên nên tỉ lệ thơ tuyệt cú không cao như ở thời kỳ đầu. Nhưng đến cuối thế kỷ XIX sang thế kỷ XX, khi mà ảnh hưởng của thơ Trung Quốc ở Việt Nam giảm đi thì thơ tuyệt cú lại là thể được các nhà thơ Việt Nam thường sử dụng nhất trong các thể thơ ngoại lai. Hầu như các nhà thơ lớn đều có sáng tác thơ tuyệt cú. Đặc biệt tỉ lệ thơ tuyệt cú rất cao trong thơ Hồ Chí Minh, cả trong Nhật ký trong tù và trong sáng tác trong hai cuộc kháng chiến. Người Việt Nam cũng thường làm thơ tuyệt cú bằng chữ Nôm và chữ Quốc ngữ. Ngay cả trong nhiều bài thơ dài được chia làm nhiều khổ 4 câu, thì từng khổ ấy cũng mang dáng dấp của bài thơ tuyệt cú. (Chẳng hạn Đây mùa thu tới, Thơ Duyên, Tràng giang, Đây thôn Vĩ Dạ, Theo chân Bác v.v.). Điều này ít gặp trong thơ trường thiên Trung Quốc.

Thơ haikư thì cho đến thế kỷ XIX, trước Minh Trị duy tân, chủ yếu chỉ được lưu hành trên đảo quốc Phù Tang. Nhưng cuối thế kỷ XIX sang thế kỷ XX, theo đà phát triển của kinh tế xã hội Nhật Bản, cùng với sự tiêu thụ hàng hóa Nhật Bản, thể thơ haikư cũng được nhiều nhà thơ nước ngoài biết đến và nhiều người đã tiếp thu thể thơ này. Ngày nay ảnh hưởng của thể thơ haikư đã vươn đến nhiều nơi trên thế giới. Có lẽ chưa có thể thơ nào có cái vinh dự được phổ biến rộng rãi ở nhiều kinh tuyến như thơ haikư.

“Nằm bệnh giữa cuộc lãng du
Mộng hồn còn phiêu bạt
Những cánh đồng hoang vu”.

Đây là bài thơ Bashô làm trước khi qua đời. Có lẽ vì nhà thơ quá yêu cuộc đời, quá yêu đất nước và con người nên muốn đong đầy tâm hồn mình mọi hình ảnh của xứ sở Phù Tang. Có lẽ trong lần “Nằm bệnh giữa cuộc lãng du” này Bashô đã linh cảm được rằng bước chân mình không còn lãng du được nữa nên gửi đến “những cánh đồng hoang vu” mà mình chưa kịp đến tấm “mộng hồn phiêu bạt” của mình chăng? Như vậy, dù Bashô không thể đến nhưng nhà thơ đã gửi hồn mình, gửi thơ haikư đến với muôn nơi, đến với muôn đời.

Đành rằng, do đặc điểm ngôn ngữ của từng dân tộc, thơ haikư khi bước vào thi đàn các nước đã có sự biến đổi đáng kể, có thể không còn là 17 âm như trên quê hương của nó, nhưng sự kiệm lời và kiểu cấu tứ thì vẫn được tôn trọng.

Trong khi thơ tuyệt cú chỉ lan toả đến những nước “đồng văn”, tức là những nước đã có thời dùng chữ Hán và ngôn ngữ đơn lập âm tiết tính, thì thơ haikư lan toả xa rộng hơn nhiều; còn thơ lục bát vẫn chưa vượt được lũy tre xanh Việt Nam. Sự khác biệt về khả năng và phạm vi ảnh hưởng của ba thể thơ này là do nhiều nguyên nhân trong đó có cả nguyên nhân về sự phát triển kinh tế xã hội. Nhưng có lẽ nguyên nhân cơ bản vẫn là do đặc điểm về cách luật của ba thể thơ này và đặc điểm ngôn ngữ dân tộc. Tuy cùng là thơ cách luật nhưng trong ba thể thơ này mức độ chặt chẽ của cách luật có khác nhau. Có lẽ cách luật của thơ lục bát là chặt chẽ nhất, cách gieo vần cũng phức tạp hơn. Mặc dù có chấp nhận biến thể nhưng về cơ bản là cặp câu lục bát đòi hỏi gieo cả vần chân và vần lưng và chỉ gieo vần bằng, gần như là thuần âm. Điều này khiến lục bát không thể “vào” được các nền thơ của ngôn ngữ đa âm và không có thanh điệu. Thơ tuyệt cú có nhiều dạng (10 dạng) trong đó loại “cổ tuyệt cú” tương đối tự do hơn, nhưng dù là ở dạng nào cũng phải gieo vần. Còn haikư với ngôn ngữ liên âm, không có thanh điệu dễ được tiếp nhận hơn ở các ngôn ngữ ấn Âu, và điều quan trọng hơn là nó có thể gieo vần hoặc không. Với đặc điểm “dễ dãi” về hình thức ấy, thơ haikư dễ “nhập cảnh” hơn nhiều so với tuyệt cú và lục bát.

Một nhà phê bình người Pháp đã nhận xét về thơ haikư rằng:

“Sự ngắn gọn của haikư không phải là vấn đề hình thức. Haikư không phải là một tư tưởng phong phú rút vào một hình thức ngắn mà là một sự tình vắn tắt đã tìm ra được hình thức vừa vặn của mình”. (Chuyển dẫn từ: Nhật Chiêu - Thế giới thơ Haikư. Tạp chí Kiến thức ngày naysố 1).

Vậy là, ở đâu có một “sự tình vắn tắt” cần tìm cho mình một “hình thức vừa vặn” thì người ta có thể tìm đến haikư từ chính thình thức ngôn ngữ của mình. Có nghĩa là haikư đã truyền đi xa cái “thần” của hình thức (chứ không phải bản thân hình thức cố định của nó); nó có thể “vừa vặn” với những ngôn ngữ khác. Ngay ở Trung Quốc, Việt Nam nơi đã có tuyệt cú và lục bát thì haikư vẫn được hoan nghênh. Có người nghĩ rằng người Trung Quốc có tính tự đại e rằng không chịu tiếp thu. Không phải thế. Người Trung Quốc rất chịu khó tiếp thu văn hóa ngoại lai. Ngay cả thể thơ Sounnet của Châu Âu cũng được người Trung Quốc học tập. Không ít nhà thơ Trung Quốc đã làm thơ theo kiểu haikư (như Hồ Thích, Băng Tâm…). Thơ haikư đến Việt Nam khá muộn nhưng ai đã tiếp xúc với haikư cũng trọng nể thể thơ này. Có người Việt đã làm thơ ba câu lục bát lục (vị chi là 20 âm – hiện tượng này trong ca dao trước kia đã có nhưng rất hiếm). Phải chăng đây là một hiện tượng tiếp thu tự phát haikư trên cái nền lục bát ?

Có một sự khác biệt khá rõ nữa giữa hai thể thơ tuyệt cú, haikư với thể lục bát. ở điểm này thì ưu thế lại thuộc về lục bát. Lục bát, ở hình thức tối thiểu của nó chỉ là một cặp hai câu 14 âm vẫn hoàn toàn có thể tự thành một đơn vị tác phẩm như hàng ngàn “bài” ca dao chúng ta thường gặp. Nhưng do đặc điểm vừa gieo vần chân vừa gieo vần lưng của nó, lục bát còn có khả năng “lắp ghép” để thành một bài thơ trường thiên như Lỡ bước sang ngang hoặc lắp ghép với thể thơ song thất lục bát, rồi các chu kỳ song thất lục bát lại được lắp ghép, làm thành những khúc ngâm trường thiên như Chinh phụ ngâm, Cung oán ngâm, Ba mươi năm đời ta có Đảng … Đặc biệt người ta có thể viết truyện thơ bằng cách lắp ghép hàng ngàn (hoặc vô số) cặp câu lục bát lại. Khả năng “sinh nở”, lắp ghép này không thấy có ở tuyệt cú và haikư. Người ta có thể sáng tác liền một hơi hai vạn bài haikư nhưng không thành một truyện thơ. Người ta có thể sáng tác từng chùm tuyệt cú xoay quanh một chủ đề như Hí vi lục tuyệt cú của Đỗ Phủ, Luận thi thi của Triệu Dực, chùm 100 bài Giang hành vô đề nhất bách thủ,chùm 315 bài Kỷ Hợi tạp thi của Củng Tự Trân, nhưng cũng không phải là truyện thơ. Nghĩa là thơ haikư và tuyệt cú không lắp ghép được. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng lắp ghép các chu kỳ lục bát thành truyện thơ, mà trong phạm vi bài này tạm chưa giải thích nhưng chúng tôi nêu hai nguyên nhân có thể coi là cơ bản: một là khả năng “sinh nở” bằng cách lắp ghép của thể thơ lục bát (người Việt có năng khiếu “lắp ghép”); một nữa là nhu cầu sáng tác những câu chuyện (tiểu thuyết) trường thiên, nhưng ở thời trung đại trong văn học Việt Nam thể tài văn xuôi tự sự chưa kịp phát triển. Người ta bèn dùng hình thức văn vần để sáng tác truyện. Một điều thú vị là những truyện thơ đầu tiên của người Việt lại không phải bằng thơ lục bát mà bằng thể thơ Đường luật, như Truyện Vương Tường, Tô Công phụng sứ. Nhưng những thử nghiệm ấy đã không thành công. Chứng cớ là sau đó không ai làm theo lối ấy nữa và những tác phẩm ấy chỉ được các nhà nghiên cứu nhắc đến trong văn học sử chứ không được lưu truyền rộng rãi về sau. Lục bát được thử nghiệm trong diễn ca lịch sử, trong truyện Nôm bình dân thành công, rồi các nhà thơ lớn cũng dùng nó để viết truyện thơ.

Trong ba thể thơ tuyệt cú, haikư và lục bát, chỉ có lục bát được dùng để sáng tác tác phẩm tự sự trường thiên. Đó là cái năng lực kỳ diệu khả đoản khả trường, khả thân khả xúc, co giãn tùy nhu cầu của thể lục bát. Thế rồi, đôi khi người ta rút từng cặp sáu tám ra nó vẫn có thể đứng độc lập có nghĩa được.

Chẳng hạn:

“Tiếc thay chút nghĩa cũ càng
Dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng”.
“Mấy người bạc ác tinh ma
Mình làm mình chịu kêu mà ai thương”
( Truyện Kiều )

hoặc:

“Trai thì trung hiếu làm đầu
Gái thì tiết hạnh làm câu trau mình”
(Nguyễn Đình Chiểu - Lục Vân Tiên )

“Khắc xuất khắc nhập” được thế kể cùng kỳ diệu thật. Có so ra mới thấy cái sở trường kỳ diệu của lục bát, xin đừng vì nó quá gần gũi, quá quen thuộc mà coi thường.

Phải chăng khả năng này có quan hệ họ hàng với truyền thống “câu thơ đôi” trong văn học Nam Á và Đông Nam Á? Câu trả lời xin đợi các nhà chuyên môn. Và phải chăng truyện thơ Nôm là một hợp thể giữa hai truyền thống văn hóa Đông Nam Á và Đông Á trên cơ tầng văn hóa Việt Nam? Chứng minh và giải thích giả thiết này có lẽ không phải là công việc của một công trình hay của một người. Rất mong lời giải đáp của các chuyên gia.

Ba thể thơ tuyệt cú, haikư và lục bát với tư cách là ba thể thơ ngắn nhất của ba dân tộc láng giềng. Chúng đã và đang có vị trí quan trọng trong nền thơ ca của mỗi dân tộc. Mỗi thể có ưu điểm và lý do tồn tại, phát triển của mình. Nhưng chúng có ảnh hưởng qua lại gì với nhau không? Nếu có thì ở những điểm nào? và tương tác như thế nào? Đó cũng là vấn đề còn để ngỏ cần được nghiên cứu thêm.

Cuối cùng, xin lại nói về một điểm tương đồng của ba thể thơ này, cái điểm tương đồng đã là điểm xuất phát để chúng tôi nhận thấy cần có bài viết mang tính phác thảo này. Đó là: ba thể thơ này đều đã có vị trí quan trọng trong nền thơ ca của Trung Quốc, Nhật Bản và Việt Nam mà chúng vẫn đang dồi dào sức sống và chúng tôi tin rằng chúng cũng sẽ là những thể thơ quan trọng đối với nền thơ ca của ba dân tộc trong tương lai. Tất nhiên chúng sẽ có những bước phát triển và biến đổi ít nhiều. Biến đổi chứ không biến mất. Điều này do nhiều lẽ những có mấy lẽ cơ bản: trong nền văn minh hiện đại, văn chương càng cần sự hàm súc. Những áng thơ văn trường thiên tất nhiên có vị trí quan trọng nhưng những thể tài có quy mô nhỏ mà lại đầy sức gợi hẳn vẫn được ưa chuộng vì nó đáp ứng được nhu cầu của nhiều lớp người, ở nhiều trình độ khác nhau và tất cả đều hoạt động với tốc độ cao.

Điều này cũng diễn ra ở các thể tài tự sự. Những cuộc thi truyện ngắn và cực ngắn ở một số nước trên thế giới trong đó có Trung Quốc, Việt Nam nhắc ta nhớ đến những tác phẩm “chí quái” “chí nhân” thời Lục Triều hay truyện ngắn bằng “nắm tay” của Nhật Bản. Cho đến thế kỷ XX rồi XXI người Nhật vẫn tổ chức thi và bình thơ haikư. ở Trung Quốc từ những bài ca hai ba câu vươn dài đến Ly Tao, Khổng Tước Đông Nam Phi lại trở về những bài thơ chỉ 13 hay 15 âm, thơ Trung Quốc tìm được thể tuyệt cú 20 âm. Từ một cặp lục bát 14 âm người ta lắp ghép để thành truyện thơ hàng ngàn câu. Rồi truyện thơ nhường bước cho văn xuôi hiện đại, lục bát được các nhà thơ dùng để thể hiện những nỗi “tương tư”, những nỗi “ngậm ngùi”. Rồi nó lại co lại, trở về với dạng nguyên thủy tối thiểu trong thơ dân gian hiện đại mà thơ “Bút Tre” là một hiện tượng đáng chú ý. Chắc người sẽ buồn cười vì nhắc đến “Bút Tre” sau khi nhắc đến những Nguyễn Du, Nguyễn Bính, Nguyễn Duy… Nhưng có lẽ hiện tượng “Bút Tre” cũng cần được nghiên cứu. Nó là một hiện tượng “nhại” lục bát. Nhưng nếu như với Đôn-Ki-Hô-Tê, Xec-van-tec đã “nhại” đồng thời khai tử cho tiểu thuyết kỵ sĩ, thì “Bút Tre” “nhại” lục bát lại thôi thúc lục bát đổi mới để tìm đường. Nguyễn Duy chẳng xuất hiện sau “Bút Tre” sao? mà rồi lục bát kiểu “Bút Tre” cũng không bị diệt chủng. Thể thơ ấy khả đoản, khả trường, co giãn thoải mái, thâm thúy cao sang cũng được mà dí dỏm tinh nghịch cũng được. Nó nghiêm cẩn trang nhã mà cũng dễ dãi bao dung.

Sự vận hành của các thể loại xem ra cũng mang ít nhiều ý vị “chu nhi phục thủy” của dịch đạo.

Những thế giới nghệ thuật nhỏ xinh tinh tế, chứa đựng những điều ngụ ý và gợi ý sâu xa của tuyệt cú, haikư và lục bát không chỉ là kỳ diệu trong quá khứ mà có lẽ vẫn là những thế giới linh lung mời gọi ở tương lai.



CHÚ THÍCH:

(1) Người viết tạm dịch từ bài thơ chữ Hán của một nhà thơ Nhật Bản. Bài tuyệt cú này in trong sách Nhật Bản Hán thị hiệt anh, do Vương Phúc Tường, Uông Ngọc Lâm, Ngô Hán Anh tuyển biên. Ngoại ngữ giáo học dữ nghiên cứu xuất bản xã Bắc Kinh 1995, tr.501.

Thanh Sơn Diên Quang (1808 – 1871) là một nhà thơ Nhật Bản, tác giả của nhiều sách, từng làm Giáo sư Đại học thời vua Minh Trị.

Nguyên văn bài thơ chữ Hán, phiên âm Hán Việt như sau:

Lý Thái Bạch quan Lư Sơn bộc bố đồ
Bút hạ hữu thần khu tấn lôi,
Hương Lô phong bạn tử yên khai.
Thiên công bất tích ngân hà thủy,
Trực vị thi tiên khuynh tả lai./.

Nguồn: Nguồn: Tạp chí Hán Nôm số 5 (66) năm 2004

Bất ngờ những con số



Khi đọc tin trên các báo, rằng Việt Nam có trên 5 triệu đơn vị kinh tế, hành chính, có lẽ ít người có ấn tượng gì. Nhưng nếu đọc kỹ báo cáo về kết quả chính thức cuộc tổng điều tra cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp mà Tổng cục Thống kê vừa công bố, có thể rút ra những kết luận đáng ngạc nhiên.


Ví dụ, lâu nay, rất nhiều nghiên cứu khi nói về doanh nghiệp nhà nước đều cho rằng sau một quá trình cổ phần hóa, sắp xếp, tái cơ cấu thì số lượng doanh nghiệp nhà nước giảm mạnh, còn khoảng 1.300 đơn vị.


Tuy nhiên, theo báo cáo, số lượng doanh nghiệp nhà nước đến năm 2012 là 3.308, đang sử dụng 1,66 triệu lao động. Đó là chưa kể hơn 8.000 “cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc cơ quan hành chính sự nghiệp, đoàn thể, hiệp hội”. Thế mà nhiều nghiên cứu cứ nói, năm 1990, cả nước có 12.000 doanh nghiệp nhà nước, đến năm 2000, còn khoảng 6.000 và 2011 chỉ còn hơn 1.300 doanh nghiệp. Đáng tiếc là báo cáo không có một định nghĩa rõ ràng thế nào là doanh nghiệp nhà nước nên khó lý giải sự chênh nhau này. Có thể báo cáo tính riêng các công ty con hạch toán độc lập của các tập đoàn, tổng công ty… Nhưng dù sao điều rõ nhất là, trên cùng một báo cáo, con số doanh nghiệp nhà nước không giảm bao nhiêu so với 5 năm trước đó (năm 2007 có 3.706 doanh nghiệp). Nếu tính luôn hơn 8.000 cơ sở sản xuất kinh doanh mang tính nhà nước thì quá trình cải cách khối doanh nghiệp nhà nước chưa đạt được kết quả bao nhiêu, vẫn còn đó những lỗ đen hút hết vốn đầu tư nhà nước, tín dụng ưu đãi, quyền sử dụng đất, quyền sử dụng tài sản công cho hoạt động kinh doanh.


Điều thứ ngạc nhiên thứ nhì là quy mô của các đơn vị sự nghiệp. Nếu như cả nước có 34.803 cơ quan hành chính thì số đơn vị sự nghiệp cao gấp đôi, lên đến 69.735 đơn vị. Nếu loại trừ các cơ sở y tế (13.682) và cơ sở giáo dục (44.712) thì vẫn còn 11.341 đơn vị sự nghiệp có thể chuyển đổi mô hình hoạt động để giảm nhẹ gánh nặng ngân sách nhà nước. Đó là những đơn vị như thế nào? Trong văn hóa thể thao, đó có thể là nhà hát cải lương, trung tâm ca nhạc nhẹ, đoàn nghệ thuật múa rối, đoàn xiếc, trung tâm thông tin triển lãm, các viện bảo tàng, thư viện… Trong sự nghiệp kinh tế, đó có thể là chi cục thú y, chi cục bảo vệ thực vật, trung tâm khuyến nông, trung tâm công nghệ thông tin, cảng vụ hàng hải, ban quản lý cảng, ban quản lý bến xe…


Năm 2009, Bộ Tài chính đã đưa ra dự thảo “Quy chế thí điểm chuyển đơn vị sự nghiệp công lập có thu thành công ty cổ phần” nhưng do chưa có sự chuẩn bị kỹ, dư luận hiểu nhầm đây là chủ trương cổ phần hóa các trường đại học nên phản đối và cuối cùng Bộ Tài chính phải rút lui dự thảo này. Lẽ ra cần phải mạnh dạn cổ phần hóa, chuyển đổi mô hình hoạt động các đơn vị sự nghiệp này bởi đa số là loại hình hoạt động có thể chuyển giao cho tư nhân làm mà không ảnh hưởng gì đến xã hội. Ở những đơn vị sự nghiệp nào còn nhận kinh phí hoạt động từ ngân sách nhà nước thì khi chuyển đổi, khoản ngân sách sẽ trở thành các khoản tài trợ mà bên nhận tài trợ phải chứng minh hiệu quả hoạt động trước khi được giao.


Thật ra, trong nhiều văn bản, Nhà nước cũng đã nhiều lần nhấn mạnh đến chủ trương khuyến khích các đơn vị sự nghiệp công lập chuyển đổi sang hoạt động theo loại hình doanh nghiệp, loại hình ngoài công lập và đi kèm là nhiều ưu đãi về thuế, đất đai, tài sản… nhưng kết quả không như chủ trương. Thực tế số lượng các đơn vị sự nghiệp ngày càng tăng, từ 63.054 đơn vị năm 2007 lên đến 69.735 đơn vị năm 2012, theo báo cáo (loại trừ mức tăng của ngành y tế và giáo dục thì con số đơn vị sự nghiệp khác vẫn tăng mạnh từ 8.770 lên 11.341 đơn vị).


Số lượng các đơn vị thuộc dạng tổ chức chính trị, đoàn thể, hiệp hội cũng là con số rất lớn, lên đến 33.897 đơn vị, xem như gần bằng các cơ quan hành chính của cả nước. Điều đáng nói hơn là so với năm 2007, trong khi các cơ quan hành chính giảm 0,4% thì các tổ chức chính trị, đoàn thể, hiệp hội lại tăng 9,3%. Rõ ràng đây là một khu vực có thể cải tổ, theo hướng tinh gọn, sao cho vừa tránh được sự trùng lắp trong bộ máy hành chính, bộ máy điều hành, vừa là cơ sở để cải cách tiền lương trên cơ sở giảm biên chế.


Đã đến lúc phải cân nhắc, xem thử ngân sách nhà nước có phải cán đáng các tổ chức như Hội Nhà văn, Hội Nhà báo, Hội Nhạc sĩ, Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh, Hội Luật gia, Hội Làm vườn… Lúc đó cụm từ “xã hội hóa” mới mang ý nghĩa thật sự đối với xã hội và nền kinh tế.

NVP

MẪU SỐ NHÂN VĂN



Florian Znaniecki, Lê Hải dịch[1]

Đặc tính tổng quát quan trọng nhất của các vật thể và sự kiện được nhà khoa học nhân văn nghiên cứu chính là việc chúng là “của ai đó”, tức là tồn tại trong hoạt động và trải nghiệm của những người nhất định, và sở hữu những tính chất mà con người trong quá trình hoạt động và trải nghiệm đã tạo ra qua những tác động và nhận biết của mình. Đặc tính quan trọng đó được gọi là mẫu số nhân văn của các vật thể và sự kiện mà nhà khoa học nhân văn nghiên cứu.

Nếu chúng ta loại bỏ mẫu số nhân văn ra khỏi bất kỳ khu vực nào được ngành nhân văn nghiên cứu thì khu vực đó cũng không còn tồn tại với ngành đó nữa. Ví dụ như là “tiếng Pháp” tồn tại trong hoạt động và trải nghiệm của những người đang sử dụng nó. Trong kết cấu của ngôn ngữ này có các câu và cụm từ mang đặc tính đó đối với người nghiên cứu tức là nhà ngôn ngữ học, đã được những người nói chuyện và viết bằng tiếng Pháp đóng góp và nhận diện. Giả sử chúng ta loại trừ hết những gì là tiếng Pháp cho những người đang sử dụng nó thì cũng tự động biến mất thứ ngôn ngữ mà nhà ngôn ngữ nghiên cứu. Lúc đó cùng lắm chỉ còn lại những gì có thể tạm gọi là “cơ sở” dưới dạng các sóng âm khác nhau hay lặp lại, nối tiếp nhau do chuyển động của thanh quản, lưỡi và môi của vô số vật thể hữu cơ đang sống trên một khu vực lãnh thổ nhất định. […]

Mẫu số nhân văn được hình thành qua hoạt động và trải nghiệm của con người. Câu nói tồn tại ở dạng như chúng ta đã tạo ra, được chủ động nói ra và lắng nghe qua trải nghiệm (gồm cả nhận biết một số thể hiện của các cơ) cũng như thông hiểu. Bức tranh tồn tại như là đã được vẽ ra cũng như là được giới thiệu để người xem trải nghiệm. Việc đóng móng ngựa tồn tại như là đã được thợ rèn thực hiện cũng như trải nghiệm của anh ta và những người đứng xem. Hành động của bà mẹ đánh con tồn tại đúng như người mẹ đã làm và bà mẹ cùng đứa con trải nghiệm.

Nhưng ngay chính các ví dụ vừa rồi cũng cho thấy mọi sự không đơn giản như vậy. Người nói ra câu nói sẽ trải nghiệm âm thanh câu nói và hiểu khác hơn là người nghe cùng câu nói do người khác nói ra. Bức tranh sẽ thể hiện ra với chính người họa sĩ khác với người bán tranh, hay người xem không phải là dân thưởng ngoạn mỹ thuật chuyên nghiệp. Người thợ rèn sẽ trải nghiệm việc đóng móng ngựa khác hơn là người đứng xem. Việc bị mẹ đánh sẽ được đứa bé trải nghiệm hoàn toàn khác với người mẹ. Tóm lại, cùng một vật thể hay cùng một sự kiện sẽ có thuộc tính khác nhau phụ thuộc vào việc đứng nhìn từ góc độ nào. Vậy thuộc tính nào trong số đó được coi là quan trọng đối với nhà nghiên cứu nhân văn?

Trước hết cần phải xác định là với nhà nghiên cứu nhân văn thì từ các góc nhìn khác nhau, một cách nguyên tắc (ceteris paribus) thì quan trọng nhất là nơi mà cả hai thành phần của mẫu số nhân văn cùng xuất hiện trong mối quan hệ không tách rời: góc nhìn của chủ thể hoạt động và cũng là là trải nghiệm của vật thể và sự kiện đồng thời chi phối hoạt động đó. Khi nghiên cứu tiếng nói thì ceteris paribus quan trọng nhất là góc nhìn của người đã tạo ra, tức là người nói ra câu đó, trải nghiệm các bộ phận phát ra tiếng nói trên cơ thể, điều phối chuyển động của các cơ quan đó trong quá trình nói, âm thanh và ý nghĩa của các câu được nói ra, cũng như nội dung của câu nói như là một mục tiêu của việc phát âm và phối hợp các câu chữ. Khi nghiên cứu công việc của anh thợ rèn thì chúng ta cần phải đầu tiên là cân nhắc góc nhìn của chính anh ta, khi anh làm ra chiếc móng ngựa từ cục sắt nung đỏ bằng sức lực của chính bản thân, đặc biệt là tay, rồi kìm, lửa, và búa, nung sắt trong lựa lên rồi đập bằng búa trên đe, đồng thời phối hợp trải nghiệm sắt, lửa, kìm, đe, cơ thể của mình, và các sự kiện đặc biệt diễn ra trong quá trình thực hiện (nung sắt, quai búa v.v) cùng với mục tiêu muốn đến - chiếc móng ngựa bằng sắt – và quá trình từng bước thực hiện. Đối tượng vật thể của nhà nghiên cứu nhân văn trước hết và chắc chắn là những gì mà đối với con người là vật liệu hay dụng cụ được sử dụng, hoặc được làm ra như mục tiêu của một hành động nhất định. Còn đối tượng sự kiện là những gì đối với con người đó là đã tạo ra, hoặc để thực hiện một mục tiêu đã định, hoặc tác động ngược lại nếu trong trường hợp bị cản phá. […]

Trải nghiệm của chủ thể bằng chính mắt mình là trải nghiệm về thực tại khách quan. Hoạt động của anh ta là sự biến đổi thực tại khách quan đó. Và thực tại khách quan đó là của chung cho anh ta và nhiều chủ thể hoạt động khác. Mỗi người trong số họ coi trải nghiệm của riêng mình như là trải nghiệm về các vật thể đang tồn tại và các sự kiện thực tế., còn hoạt động riêng như là sự thay đổi khách quan đối với các vật thể đó và tạo ra hoặc ngăn lại các sự kiện đó. Mỗi người tìm thấy ít nhất một phần xác nhận cho quan điểm riêng, cho rằng các vật thể và sự kiện mặc định đó cũng được những người khác coi như như là vật thể và sự kiện khách qua (mặc dù có thể được cân nhắc khác một chút, tùy thuộc vào mối quan tâm nhất thời), và rằng các hoạt động của anh ta thường xuyên biến đổi – không phụ thuộc vào những người khác - các vật thể và sự kiện, được những người khác trải nghiệm, và những hoạt động của họ cũng đồng thời biến đổi các vật thể và sự kiện đó, được anh ta trải nghiệm, và không phụ thuộc vào anh ta. Các cụm từ và câu trong ngôn ngữ tồn tại khách quan với tất cả những người nói thứ tiếng này, và mỗi người đều biết rằng ngôn ngữ đó là thực tại khách quan không chỉ đối với anh ta mà cả với những người khác nữa, bất kể khác biệt trong phát âm và thông hiểu một số cụm từ và câu nói đặc biệt, và những người khác nghe, hiểu và trả lời câu nói của anh ta, cũng như anh ta nghe, hiểu và đáp lại câu nói của những người khác.

Thực tại khách quan này cũng tồn tại với nhà nghiên cứu nhân văn không phụ thuộc gì vào trải nghiệm và hoạt động của mỗi người cụ thể, bởi vì tồn tại với bất kỳ ai như trên. Nhưng lại không tồn tại mà không lệ thuộc vào trải nghiệm và hoạt động xét theo toàn bộ của những người đang hoạt động và trải nghiệm trong đó. Tiếng nói, văn chương, nghệ thuật, kiến thức, tôn giáo, kiến thức xã hội, tất cả đều là những lĩnh vực tồn tại khách quan, nhưng toàn bộ thực tại đó đều nhờ vào hoạt động của tất cả những người đã và đang tích cực thamgia. Khu vực nghiên cứu của nhà nhân văn - kết thúc ở nơi biến mất dấu vết vai trò tích cực của con người trong tạo ra và gìn giữ thực tại - tức là nơi mà thực tại được trình bày ra với nhà nghiên cứu, được tạo ra không nhờ sự tham gia hoạt động của con người và tồn tại không phụ thuộc vào con người.

Sự tồn tại của thực tại nhân văn khách quan và chung cho nhiều người đó - được thành lập thông qua hoạt động và trải nghiệm của mỗi người – cho phép và thậm chí buộc nhà nghiên cứu phải lấp đầy hay chính xác hơn là mở rộng góc nhìn của chủ thể hoạt động và trải nghiệm trong quá trình thực hiện hoạt động, cân nhắc góc nhìn của các chủ thể khác, và ngay cả của bản thân trong lúc thực hiện các hoạt động khác. Bởi vì hoạt động này trên thực tế sẽ sử dụng các thành phần của thực tại khách quan và biến đổi các thành phần đó và trong trải nghiệm chính chủ thể của mình và những người khác cũng đã nhận biết biến đổi các thành phần đó, cho nên hoạt động của anh ta không chỉ là điều mà anh ta chủ quan thực hiện và trải nghiệm, mà còn là là điều mà anh ta đã khách quan đi vào phạm vi thực tại chung của anh ta và những người khác. Cho nên người nghiên cứu có thể quan sát thực tại đó trong quá trình khách quan và trong các kết quả như là mặc định, được nâng lên cao hơn góc nhìn cá nhân của mỗi người cụ thể đang hoạt động và trải nghiệm – nhưng không phải của tất cả nói chung.

Từ quan điểm mở rộng như vừa mô tả về thực tại nhân văn khách quan, trải nghiệm của nhà nghiên cứu trong lúc quan sát hoạt động của con người tất nhiên sẽ có giá trị hơn là trải nghiệm của chính con người đang hoạt động đó. Ngoài trải nghiệm của người đó nhà nghiên cứu còn gộp cả trải nghiệm của những người khác nữa, cùng nhìn vào thực tại nhân văn đó. Góc nhìn của chủ thể hoạt động trong lúc thực hiện công việc chỉ là một trong số nhiều cơ sở mà nhà nghiên cứu đặt góc nhìn cao hơn của mình lên. Bức tranh mà chủ thể hoạt động nhìn thấy trong quá trình thực hiện chỉ là một thành phần của bức tranh rộng hơn mà nhà nghiên cứu nhìn vào. Nhà nghiên cứu cũng nhận định xác đáng, rằng nếu chủ thể hoạt động nâng mình lên cao hơn giới hạn tầm nhìn thực tế của bản thân, trên quan điểm thực tại nhân văn khách quan, thì hành động của chính anh ta được trình bày với anh ta cũng giống như là nhà nghiên cứu nhận biết trong lúc đó. Tính xác đáng của nhận định này thể hiện ra trong mọi bước khi con người hoạt động thường xuyên tự mình hay qua ảnh hưởng của những người khác nâng cao mình lên, trên quan điểm thực tại nhân văn khách quan, và trong khả năng hoạt động thì nhận biết của họ về hoạt động của bản thân cũng gần giống với nhận biết của nhà nghiên cứu, và trở nên không phải là “không-theo-chiều-nào” mà là “đa chiều”.

Tất nhiên là giữa quan điểm của nhà nghiên cứu và góc nhìn của chủ thể hoạt động không phải là không có bất đồng, vì nếu vậy tức là không có khác biệt giữa trải nghiệm của các chủ thể hoạt động khác nhau cũng như ở cùng một chủ thể đó khi thực hiện các hoạt động khác nhau. Cho nên, vì sự bất đồng đó tồn tại và thường không thể loại trừ, nhà nghiên cứu phải cân nhắc giá trị tương đối của trải nghiệm của mỗi chủ thể cụ thể khi thực hiện hoạt động cụ thể, đặt trên nền chung của thực tại nhân văn khách quan và kiểm chứng bằng vai trò thực tế mà hoạt động mặc định đó giữ trong thực tại, khi liên kết và biến đổi các thành phần của thực tại đó và một cách tương đối tạo ra các thành phần mới.


[1] Từ đoạn mở đầu của tác phẩm của nhà xã hội học người Ba Lan Florian Znaniecki Socjologia wychowania [Xã hội học giáo dưỡng], xuất bản năm 1930, in lại trong giáo trình ngành Nhân học văn hóa Đại học tổng hợp Warszawa, Andrzej Mencwell chủ biên 2001, chương XIV Rozumienie kultury [Thông hiểu văn hóa] trang 561-564.

SỰ KHÔN NGOAN CAO CẤP



Không phải cứ tỏ ra khôn ngoan, nói những lời bác học hay làm những việc khó khăn thì được cho là khôn ngoan. Người khôn ngoan rất dễ thành công, nhưng vượt lên trên cả sự khôn ngoan đó là lòng chân thành, một vũ khí chinh phục lòng tất cả mọi người.


Người khôn ngoan thường làm đẹp lòng người khác và dễ đạt những thành công, nên hầu hết mọi người đều mong mình trở thành một người sớm khôn ngoan. Để nhanh chóng có được điều ấy, một số bạn trẻ đã tìm cách làm đẹp lòng người khác bằng mọi cách, kể cả sự dối trá và lối sống hai mặt…

Thế nhưng một bậc hiền triết lại cho rằng “Sự khôn ngoan cao cấp, đó là sự chân thành”

Đơn giản bởi lẽ, sự chân thành bao giờ cũng là điều được ưa chuộng nhất trong cuộc sống. Người ta cho rằng một sự thật xấu xí còn hơn một điều dối trá tốt đẹp. Người có lối sống chân thành bao giờ cũng tạo một sức hấp dẫn với người khác, bởi bản chất con người là luôn hướng về sự thật, về chân lý.
Người chân thành luôn tạo ra sự tin cậy quanh họ, là chỗ dựa tinh thần ấm áp của bạn bè, người thân. Sống bên họ ta cảm thấy yên ổn, thanh thản vì không phải dò xét, dè dặt, hoài nghi, sợ bị trở mặt hay phải khám phá ra những sự thật phũ phàng, đen tối.

Sự chân thành được thể hiện không chỉ trong lời nói mà nó phải được bắt rễ sâu xa từ trong một tấm lòng thành, với tình cảm thực sự thì mới có sức thuyết phục.

Hành xử trong sự chân thành, sẽ cho bạn sự tự tin, sức lôi cuốn và sự vững mạnh… Hãy thành thật với người khác và với chính mình. Muốn thế hãy đánh giá đúng bản thân, đừng tự huyễn hoặc mình và cũng đừng huyễn hoặc người khác.
Hãy phân biệt sự khôn ngoan thực sự với sự tinh khôn hoặc khôn ranh, đó là kẻ chỉ ”khôn” để cầu lợi.

Nếu được sống giữa một cộng đồng của những người chân thành thì đó là lúc cuộc sống đang tiến dần đến một thiên đường nơi trần thế.
Nguồn: Sống đẹp

Giấu mình sau chiếc mặt nạ hoàn hảo







Một người phụ nữ vô cùng quyến rũ đã khuyên tôi nên giấu mình sau những chiếc mặt nạ hoàn hảo.

Nhớ hồi xưa mình chỉ là chân biên tập văn xuôi, truyện ngắn trên Hoa Học Trò, rất thích tới nhà in Tạp chí Cộng Sản để cùng họa sĩ theo dõi những số Hoa Học Trò đang in, kịp sáng thứ 5 hàng tuần bầy trên sạp báo. Những người làm báo đều có cái hạnh phúc nôn nóng chờ số báo mới sắp ra lò. Không biết có phải vậy không mà sau này, mình phải lòng một ông thợ in, xong bị ông ấy cưới luôn. Cái ông thợ đã in tờ Hoa Học Trò số đầu tiên ngày xưa ấy!

Một lần đang trong xưởng in, một tay thợ trong xưởng in tới sau lưng mình huých nhẹ vào khuỷu chân kiểu trêu chọc làm mình chúi về phía trước thì phải, chả nhớ nữa. Mình quay lại buông một câu trách nhẹ: “Vô duyên!”

Thế là chị đồng nghiệp về, lôi mình vào quán nước, bảo, chị phải bảo cho Trang Hạ cái này, là em không bao giờ được cư xử với đàn ông con trai như thế! Em không được nặng lời với bất kỳ anh đàn ông nào! Dù chỉ là buột miệng, cũng phải tập để luôn buột miệng ra những lời duyên dáng dễ ưa nũng nịu! Đối với đàn ông ấy mà, dù có trách họ thì cũng phải nói khéo, trong thái độ hớn hở hài hước. Bởi cho dù không thích một anh chàng nào thì cũng đừng biến anh ấy thành kẻ thù! Đàn ông họ sẵn sàng chỉ vì một câu nói mình làm họ mất lòng, họ sẽ biến thành kẻ thù!

Lúc đó mình chỉ nghĩ, ôi sao làm phụ nữ khó thế, biết đến thuở nào mình mới học để trở thành được phụ nữ? Và sau đó thì nghĩ mãi, không hiểu những người đàn ông đang đi đi lại lại ngoài đường kia, có bao giờ họ nghĩ, họ cần phải có trách nhiệm để phụ nữ đừng buông vào mặt họ những lời nặng nề không? Hay có những thứ đạo lý, chỉ phụ nữ mới cần phải học, và chỉ đúng với phụ nữ?

Sau này mình nghĩ được thêm một ý nữa, không mới mẻ: Thế lấy lòng tất thảy đàn ông trên thế giới này để làm gì? Đằng nào thì mình cũng đâu có xài hết đám đó?

Xong, một thời gian sau, đám bạn gái của mình có một cô yêu sớm nhất, rồi lấy chồng sớm nhất. Nhưng khổ nỗi nhân vật chính, anh chồng chưa cưới, lại chẳng phải là cái anh chàng mối tình đầu của cô. Có sao, cả tỷ người trên thế giới này đều vậy. Thế mà cô bạn xinh xắn của mình thì cứ thấp thỏm như ngồi trên đống lửa. Ngày mới yêu, cô ấy đi “tâm lý chiến” từng đứa bạn một, trong đó có mình. Cô ấy bảo: Đừng có nói lộ ra là tớ đã từng có một người yêu nhé!

- Ôi giời ơi, thôi được rồi, sẽ giữ bí mật cho!

- Những ảnh trong album đi chơi của các bà, có hình người yêu cũ của tớ, làm ơn xé hết ngay cho tớ nhé! Phim cũng phải hủy hết nhé!

- Ừ, được, đảm bảo làm ngay!

- Làm ơn đừng hé ra là tớ từng làm thơ tình tặng người yêu cũ, còn được đăng báo nữa nhé!

- Ôi giời ơi, thôi được!

- Đừng hé ra là tớ thích tụ tập và hát Karaoke, tớ chỉ thích đi uống cà phê một mình và ngồi yên ở nhà buổi tối để đọc sách thôi, rõ chưa!

- Hừm mmm! Khác gì nhau?

Trước ngày cưới, bạn tôi đi một vòng nữa để thủ thỉ từng người:

- Đừng hé ra là tớ rất vụng về nội trợ, phải khen là tớ đảm và chăm chỉ lắm, nhớ chưa! Tớ lôi ông ấy đến nhà ai chơi là phải tươi tỉnh mừng rỡ như bắt được vàng, nhớ chưa! Ông ấy hơi kiệm lời và nghiêm nghị như ông già, nhưng phải khen khéo ông ấy là đẹp trai xứng đôi với tớ, rõ chưa!

Tôi bắt đầu hồ nghi:

- Chẳng lẽ cả năm trời yêu nhau mà hắn không thấy chân tướng của… cậu à? Mà cưới xong thì lộ ra ngay là có biết bếp núc nội trợ đối nội đối ngoại thôi mà?

- Lúc đó hãy hay, gạo đã nấu thành cơm rồi! Khéo mồm rồi cũng thu xếp được cả! Mà cậu không thấy tớ đã thực sự thay đổi rồi à? Yêu ông ấy, tớ đã ngồi nhà đọc sách với ông ấy, tớ đã nghiện cà phê, tớ đã kín đáo hết bốc đồng, vứt hết váy đi, trở thành tuýp phụ nữ ông ấy thích, tương lai chắc chắn tớ cũng sẽ thay đổi chứ!

Tôi phì cười muốn nói đùa một câu, nhưng thấy câu nói của mình nhẫn tâm quá, nên đã không nói.

Đó là: Tôi muốn hỏi người bạn, liệu bạn chỉ vì một người đàn ông mà che giấu bản thân, che giấu ý nghĩ, tính cách, sở thích, thói quen. Vậy bạn có chắc rằng, cái người đàn ông đi bên cạnh bạn ấy, có chắc đã không lừa bạn bằng một hình ảnh khác mà anh ta tạo dựng nên không?

Trên đời này, biết bao tay đàn ông vũ phu đã bao bọc bản thân bằng vẻ ngoài ngọt ngào, nịnh bợ, chiều hết lòng người yêu, để khi cưới về mới lộ nguyên hình những đòn bạo hành như đòn thù? Bao tay đàn ông là đệ tử cờ bạc, thần bài, nhưng trước người phụ nữ theo đuổi lại tỏ ra chí thú và hào hoa? Đã bao nhiêu người vợ cưới chồng vài tháng mới biết chồng nghiện ngập, trai gái, thậm chí có con riêng, vợ cả vợ hai ba và đang thất nghiệp?

Cái sự uốn mình để làm vừa lòng đàn ông của những cô gái ấy, có quá ngây thơ và ấu trĩ không? Bởi mục đích của phụ nữ, nói cho cùng, chỉ là muốn khéo léo tế nhị hơn, được hoàn hảo đẹp lên trong mắt đàn ông, được một lời khen, thế nhưng về bản chất thì vẫn là che giấu bản thân, khác gì việc những tay đàn ông che đậy bản chất thật?

Lấy lòng một người đàn ông có quan trọng đến thế không?

Mình vẫn mắc sai lầm, là vào những lúc khó chịu, vẫn phang vào mặt đàn ông những câu không kiêng dè. Cả đàn ông từng gặp trên bàn tiệc lẫn đàn ông chưa từng gặp mặt trên mạng. Thế nên có những anh đàn ông thù mình xương tủy, sẵn sàng lê la khắp nơi kiếm cớ bôi nhọ mình, hại mình, hoặc đơn giản là căm ghét mình. Có khi chỉ vì một lời nói thẳng vào mặt họ, mà họ không chịu nổi.

Thế nhưng, hỡi những cô gái đang được bao vây bởi nhiều đàn ông, bạn bè đồng nghiệp và người quen trên mạng, đầy mình kinh nghiệm ứng xử với nam giới, trí thức mạng, cho mình hỏi một câu:

Lấy lòng được những người đàn ông vốn có tư chất như thế, có đáng hãnh diện không? Bạn có cần nhiều xưng tụng tung hô đến thế không? Hay bản thân tin vào những giá trị sống của bản thân là đủ, mà không cần uốn éo mình theo tuýp phụ nữ mà người-đàn-ông-nào-đó thích?

Đạo làm đàn bà của họ, chắc mình khó mà học được cái bổn phận ấy. Bởi, bạc đãi bản thân chỉ vì muốn vừa lòng người khác, về bản chất chính là một cách đối nhân xử thế đãi bôi nhất. Và, dù bạn đã học được cách bao bọc bản thân trong một vỏ bọc hoàn hảo ngọt ngào nhất, được lòng người nhất, khôn khéo nhất, không có nghĩa rằng, sẽ không có ai nhận ra những gì bạn có chỉ là một thứ vỏ bọc.

Trang Hạ

Thứ Ba, 24 tháng 9, 2013

Bàn tay trong một bàn tay




Elena Pucillo Truong
Trương Văn Dân dịch



Chìm trong tiếng ồn của cuộc sống bon chen đô thị, phần lớn là những người trẻ, tuổi ba mươi, bốn mươi…lúc nào cũng vội vàng, hấp tấp, đi và đến bằng các phương tiện tân thời, xe hơi, bus, taxi…

Giữa những cao ốc nguy nga, tráng lệ, ánh đèn chiếu sáng những bảng hiệu, biểu tượng của sự phát triển về một thế giới hiện đại và lý tưởng, về tính hiệu quả, mang vẻ ngoài thật xinh đẹp và trẻ trung…

Bỗng có hai người già như lạc lõng, bước từng bước nhỏ đến chiếc băng gỗ quen thuộc đặt ở góc công viên. Tay trong tay, nụ cười như in trên hai khuôn mặt đã có nhiều nếp nhăn theo năm tháng. Ông lão nắm tay bà, cẩn trọng đỡ người bạn đời của mình, giúp bà ngồi xuống một cách nhẹ nhàng và thoải mái. Mỗi cử chỉ của ông đều ân cần, chậm rãi và cẩn thận như đang che chở và ve vuốt một chú chim non bằng những lời yêu thương ngọt ngào.

Ngày nào cũng thế...tôi chẳng biết bắt đầu từ lúc nào, nhưng có lẽ từ lâu lắm. Mỗi ngày mỗi mới và có vẻ như mỗi ngày tình cảm giữa hai người mỗi thiết tha mạnh mẽ. Nó tương phản hoàn toàn với thế giới xung quanh, đến nỗi giống một nghịch lý.

Trong cái vũ trụ thu hẹp của họ, giữa những vụn bánh cho vài chú chim sẻ, có những cái vuốt ve cô mèo con bị lạc hay tiếng cười rạng rỡ của một em bé tập đi đang ngã vào vòng tay người mẹ. Họ luôn mang theo mình một chiếc dù, để che nắng hay phòng ngừa sự chòng ghẹo từ những cụm mây, riêng bà thì không bao giờ quên chiếc khăn quàng khổ rộng, sau khi ngồi vững liền âu yếm quấn quanh cổ ông để che chắn những cơn gió lạnh.

Tôi tưởng đó là một bức tranh đang đặt trước mắt mình; sự thực đó đang nằm ngoài thế giới này. Chẳng biết gì về họ nhưng lâu nay tôi không thể làm gì khác là nhìn ngắm và quan sát cho đến khi nào, sau chừng một giờ, bằng những cử động ban đầu rất yếu ớt, về sau mạnh mẽ hơn, họ chống tay đứng dậy tay nắm tay bước đi cho đến khi mất hút giữa dòng người vô cảm.

Rồi sau đó thì sao? Họ sẽ làm gì trong quãng thời gian còn lại trong ngày? Tôi tưởng tượng như mình đang tò mò theo dõi, bị cuốn hút bởi thứ hào quang hạnh phúc bao quanh người họ. Một cuộc đời đơn giản. Chỉ có những cử chỉ quen thuộc nhưng thật ngọt ngào và trìu mến dành cho người thân. Dĩ nhiên tôi không thể nào tưởng tượng là họ sống trong ác mộng, trong lòng họ đang chất ngất bao điều ưu tư. Hằng ngày lo lắng và đau khổ, một nỗi đau kinh khiếp có thể cướp mất hơi thở tối cần cho cuộc sống



Trong bóng tối của buổi chiều tàn, bà vợ mắt nhắm nghiền, nằm bất động trên chiếc giường đôi. Hai bàn tay bà đặt trên ngực, những ngón tay nắm chặt chuỗi tràng hạt. Trên chiếc ghế đẩu đặt cạnh giường, ông chồng ngồi gục đầu, kiệt sức sau một cơn khóc tuyệt vọng. Ông liên tục lau mặt bằng chiếc khăn giấy ướt rã vì nước mắt. Rồi, bất thình lình, trong tay ông loé lên ánh thép lạnh lẽo của một khẩu súng. Ông đăm đăm nhìn họng súng, những giọt nước mắt vẫn tiếp tục rơi, làm ướt chiếc nòng lạnh giá. Ông thì thầm vài lời gì đó, rồi bằng một cử chỉ thật nhanh đưa họng súng chỉa vào màng tang mình. Chỉ trong tích tắc.

Bàn tay rớt xuống! Chẳng có tiếng nổ nào xảy ra.

Giống như trong phút chót sự can đảm đã biến mất...

Cuối cùng ông dợm đứng lên, lấy lại tự chủ, rồi đặt khẩu súng trong ngăn kéo của chiếc bàn đêm.

Bây giờ tới phiên ông.

Ông nằm bất động trên chiếc giường đôi, mắt nhắm nghiền và cũng với chuỗi tràng hạt trên tay. Bà vợ, thận trọng và run rẩy đặt một bàn tay lên trên quyển sách nằm trên ngực chồng. Đó là quyển sách mà ông đã viết và nó sẽ theo ông làm bạn trong thế giới bên kia. Một vài giọt nước mắt ứa ra, rớt xuống trang bìa làm ướt những ngón tay khẳng khiu, gầy yếu...Rồi bà lão như kiệt sức, ngã gục xuống chiếc ghế đặt bên cạnh giường. Những ngón tay bà cố gượng vuốt ve lên thân thể thân thương. Bà vuốt đôi mắt, vành môi, khi vuốt đến ngực những ngón tay bà ngập ngừng dừng lại, như thể còn muốn vuốt ve cả trái tim ông...Cuối cùng bà áp tay mình lên bàn tay ông, bàn tay đã từng nâng đỡ và che chở bà suốt một cuộc đời. Nước mắt vẫn tiếp tục lăn xuống nhưng bà chẳng có chiếc khăn nào để ngăn. Sau những tiếng rên rỉ, bà thì thầm bên tai ông những lời ngọt ngào như xưa nay bà đã từng làm. Rồi gượng đứng lên, bà áp môi mình lên môi ông, đặt thêm một lần nữa chiếc hôn cuối cùng.

Run run, bà với tay lấy khẩu súng đặt trên chiếc bàn đêm. Một tay bà nắm chặt tay chồng, còn tay kia, rất tự tin, bà đưa họng súng chỉa vào màng tang mình. Chỉ một tích tắc. Rồi bà ngã xuống trên xác chồng, như muốn ôm lấy ông một lần cuối.

Cứ thế, từ hai tháng nay mỗi buổi tối cảnh đó luôn được lập lại như đang trình diễn trong rạp hát.

Mọi chuyện bắt đầu từ sau hôm đi khám bác sĩ. Trước đó bà thường thấy mệt, nhiều lúc thở rất khó khăn, như bị ngạt, tưởng như có một khối đá đè lên lồng ngực trong những chuyến cùng chồng đi dạo. Tay trong tay, trong nước mắt, họ lắng nghe phán quyết của người thầy thuốc.

“Tôi rất lấy làm tiếc nhưng trái tim của bà nhà rất yếu...một cuộc giải phẩu là điều không thể thực hiện...Rất tiếc là tôi không biết phải làm gì để có thể giúp bà...Nguy cấp lắm rồi...bà yếu quá...” rồi sau câu hỏi thầm lặng từ đôi mắt đau đớn và khẩn cầu của họ là câu trả lời ngập ngừng nhưng thành thật và xúc động của bác sĩ:

“Rất tiếc...điều đó có thể xảy ra bất cứ lúc nào...”

Sau đó thì hai người già vẫn tiếp tục sống cuộc đời họ như đã từng, nhưng mỗi ngày đều rất đau đớn vì ý nghĩ là bà sẽ đột ngột ra đi, bỏ ông lại một mình; Bà, người chưa bao giờ rời xa, chưa bao giờ phản bội ông.

Bởi, suốt một đời họ đã luôn sống bên nhau. Trong một thoáng bà hồi tưởng thời hai người còn trẻ, những cử chỉ ngập ngừng và vụng về trong mối tình đầu, trái tim bà chỉ đập khi chờ đợi ông, chỉ vì ông, người đàn ông duy nhất có thể lấp đầy cái khoảng trống trong tâm hồn bà; cũng như chỉ ánh nhìn nhân ái của ông mới có thể xoa dịu đi nỗi đau hay mang lại cho bà niềm hạnh phúc. Cứ thế, họ đã sát cánh bên nhau đi qua cuộc đời này. Rồi họ cùng nổi tiếng với tất cả các nhà hát kịch trên thế giới. Trên tường nhà họ hiện vẫn còn treo đầy các biểu ngữ giới thiệu các vở kịch: Shakespeare, Mann, Eliot, Racine, Molière, Pinter.... có tấm in khuôn mặt, miệng mỉm cười của họ, có tấm chụp họ đang mặc đồ diễn trên sân khấu, đứng giữa những bạn diễn thân thiết mà đến nay tên tuổi vẫn còn sáng chói. Hình như hào quang hạnh phúc đã bao quanh họ từng ngày. Và họ luôn ở bên nhau.

Có lẽ trong cuộc sống hạnh phúc và bình an đó, chỉ có một nỗi đau trong trái tim bà, đó là sự thiếu vắng một đứa con...điều duy nhất của riêng họ, chỉ của họ mà thôi. Nhưng mỗi lần bà vật vã, chỉ cần những lời ngọt ngào của chồng “ Em yêu ơi, xin em đừng tuyệt vọng. Không có con chúng ta sẽ yêu nhau nhiều hơn...” là có thể làm dịu nỗi đớn đau, để nó trốn ngay đi, dù chưa hoàn toàn xoá mất.

Rồi cuộc sống đổi thay. Thăng trầm. Chìm nổi. Có lần họ cũng rơi vào cảnh nghèo túng vì từ chối các vai diễn không phù hợp hay không chịu ký hợp đồng với những công ty ca kịch không hoạt động vì nghệ thuật...và cuối cùng, với tuổi tác, họ bình thản từ giã ánh đèn sân khấu, chấp nhận cuộc sống giản đơn, bùi ngùi nhìn lại những kỷ niệm sáng ngời trong quá khứ. Nhưng họ luôn ở bên nhau, luôn luôn hạnh phúc vì người này chỉ sống cho người kia. Và ngược lại.



Là những diễn viên tài hoa nên mỗi buổi tối họ đều chuẩn bị cho chính mình vai diễn, cố thể hiện thật xuất sắc vở kịch cuối cùng.

“ Cái chết của chúng mình. Sự chia lìa sẽ bất ngờ là điều không thể tránh khỏi. Nhưng người nào đi trước sẽ không phải hứng chịu nỗi cô đơn ở thế giới bên kia”.

Ông thường đi lập lại rất nhiều lần:“ Ước muốn lớn nhất là chúng ta có thể chết cùng một lúc, nhưng dễ gì Chúa ban cho ta ân sủng này!”

Nhưng, ông đã lầm...

Vài tháng trôi qua. Và chỉ có vài hàng trên một tờ báo.

Trong lúc ngủ trái tim mệt mỏi của bà đã vĩnh viễn ngừng đập. Và ông, bất thình lình thức giấc, tin là còn có thể cứu bà, ông lao tới chụp ống điện thoại để gọi xe cấp cứu...nhưng đã không kịp nữa. Trái tim của ông cũng ngừng đập vì đau đớn, nó chỉ cho ông một tích tắc thời gian để đưa cánh tay nắm lấy tay bà.

Sự việc chỉ xảy ra trong tích tắc.

Bệnh phổ biến nhất ở đời ?





Có lẽ căn bệnh phổ biến nhất ở đời, bất kể trong văn hoá nào, là căn bệnh tạm gọi là ta có quyền. Nó thế này :

1/ Ta yêu thương một người khác. Ta liền thấy có trách nhiệm về người ấy, đối với người ấy.

Điều này thể hiện lòng vị tha cố hữu ở con người.

2/ Ta liền thấy ta có đủ thứ quyền đối với người ấy. Trước nhất là quyền chất vấn người ấy về đủ thứ chuyện riêng của người ấy.

Thật là điên.

Phải hiểu sự kiện trên thế nào ?

Theo tôi, phải hiểu nó trên cơ sở tình người cơ bản nhất, thứ tình tái tạo chất người ở con vật có khả năng đi trên hai chân, có khả năng tư duy bằng ngôn ngữ : tình cha mẹ với con.

Thường thường,

− cha mẹ yêu con, thấy mình có trách nhiệm về con, với con, xả thân nuôi nấng nó nên người, tức là che chở nó, dạy dỗ nó phải làm gì, nói gì, nghĩ gì.

− con cần được yêu, che chở và dạy dỗ để nên người ; nó yêu mến, kính nể cha mẹ đã cho nó tình thương ấy.

− quá trình thương yêu dạy dỗ trên không thể thiếu sự kiểm soát này : mày đã làm gì ? nói gì ? nghĩ gì ?

Đó là quan hệ "tự nhiên", cần thiết, trìu mến, khiến ta nên người, ta chẳng thể quên.

Nhưng giữa hai con người đã trưởng thành, đã biến thành hai chủ thể cảm tình và tư duy cá biệt, xuyên qua hai nghiệm sinh đặc thù, quan hệ trên, dù xuất phát từ một tình thương chân thật, vị tha, sẽ biến thành một thứ quan hệ chinh phục, chiếm hữu, kiểm soát, rất khó chịu.

Có lẽ chỉ khi ta "hết biết" làm cha, làm mẹ, làm con, thì ta mới biết làm người bình đẳng với người khác, biết làm bạn, thậm chí biết yêu yêu. Đau lắm người ơi. Hè hè…

Phan Huy Đường