Hiển thị các bài đăng có nhãn Triết học. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Triết học. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Hai, 18 tháng 9, 2017

Clare Carlisle – Bàn về cái ác









“Cái Ác” là một từ mạnh, và là một từ khiêu khích. Ngày nay, người ta có xu hướng dùng nó cho những hành động đặc biệt tàn độc: Ian Brady và Mary Hindley – hai kẻ sát nhân trong vụ án giết trẻ em ở Moors, những kẻ xâm hại trẻ em có tổ chức, những vụ giết người hàng loạt. Không chỉ sự ghê tởm cực điểm của những hành động như thế – và của những thủ phạm thực hiện những hành động ấy – mới khiến người ta miêu tả chúng là “ác”. Có một cái gì đó ở cái ác mà người ta không thể hiểu nổi: nó dường như là một vùng tối tăm sâu thẳm, không thể xuyên thấu, kháng cự ánh sáng của lý trí. Nói rằng một kẻ sát nhân giết người vì hắn ác thực chất là muốn nói đến sự thiếu vắng động cơ. Rất khác so với những động cơ thông thường của con người vốn rất nhập nhằng, cái ác có một sự thuần khiết lạnh lẽo, đáng sợ. Những cụm từ như “ác không thể tưởng nổi”, “ác không thể tả nổi” đã cho thấy từ này được sử dụng để nói cái không thể nói, giải thích cái không thể giải thích.

Thế nên, chúng ta có thể nghĩ như thế nào về cái ác? Có lẽ là chúng ta không thể, không nển. Ludwig Wittgenstein đã từng viết một câu nổi tiếng, rằng chúng ta nên giữ im lặng về “những gì mà ta không thể nói về nó” – một trích dẫn được yêu thích của những triết gia tầm tầm, những người chỉ muốn tìm một cách nào tiện lợi để kết thúc một bài báo hàn lâm. Ở một cấp độ thực tế hơn, hầu hết nạn nhân của cái ác đều cảm thấy việc đối mặt với nó đã lấy đi hết năng lượng của họ – và trong sự chịu đựng, khổ sở của mình, thật khó để họ thoát ra những câu hỏi “tại sao” và “tại sao lại là tôi?” Song chính sự quen thuộc của những câu hỏi này cho thấy có điều gì đó ở cái ác mời gọi sự nghĩ ngợi. Nhận định của Wittgenstein về việc giữ im lặng có thể gặp sự phản biện từ Martin Heidegger – người cho rằng chủ đề đích thực của triết học chính là những gì “không được nghĩ”, hay thậm chí những gì không thể nghĩ nổi.

Truyền thống Ky-tô giáo là một nguồn rất phong phú để chúng ta suy tư về bản chất, gốc rễ và ý nghĩa của cái ác. Điều này một phần là vì lịch sử triết học phương Tây có mối ràng buộc sâu sắc với Ky-tô giáo, do đó, những tranh luận được xem là mang tính thế tục về luân lý và bản chất con người thường liên quan đến những tư tưởng thần học, ngay cả khi những tư tưởng này không hiện diện lộ thiên. Song đặc biệt hơn, giáo lý của Ky-tô giáo về sự sáng thế khiến cho câu hỏi về cái ác còn trở thành một thao thức khẩn thiết. Nếu thế giới này được thiết kế, được hiện hữu bởi một đấng tạo hóa toàn hảo, công bằng và quyền năng tuyệt đối thì tại sao rốt cục nó vẫn chứa đựng cái ác? Nếu Thượng đế không tạo ra cái ác, vậy thì nó nảy sinh từ đâu? Và tại sao Thượng đế lại khiến con người có thể gây ra những tội ác cực điểm?

Trong ngữ cảnh tôn giáo này, khái niệm cái ác trở nên co giãn, có sức bao trùm lớn hơn nhiều so với sự xấu xa thuần túy. Tín đồ Ky-tô giáo bị thôi thúc phải đưa ra lời giải thích về sự tồn tại của nhiều kiểu, nhiều mức độ khác nhau của sự khổ đau, sự khó chịu, sự sai lệch và hỗn loạn. Trong những tranh luận về “vấn đề cái ác”, các nhà thần học đã phân biệt “cái ác xét trên phương diện luân lý” của những hành động sai trái mà con người gây ra với “cái ác của tự nhiên” do những sự kiện như động đất, sóng thần gây ra. Họ cũng lo âu về tính chất bất toàn hiển nhiên của bản thân đời sống – của luân lý, của tri thức hữu hạn, của quyền năng giới hạn mà chúng ta xây dựng, sở đắc. Những sự bất toàn này đôi khi được mô tả như là “cái ác siêu hình”. Tại sao Thượng đế không làm mọi thứ trở nên tốt hơn?

David Hume đã có một sự tóm lược súc tích về vấn đề cái ác trong trong tác phẩm Dialogues Concerning Natural Religion [Những đối thoại bàn về tôn giáo tự nhiên] (1779): “Chúa có sẵn lòng ngăn ngừa cái ác không, hay là Người không thể? Nếu thế, Người là kẻ bất lực. Hay là Người có thể, nhưng Người không sẵn lòng? Nếu thế, Người là người ác ý. Nếu Người vừa có thể lại vừa sẵn lòng? Thế thì cái ác ở đâu ra?” Đối với nhiều nhà phê bình tôn giáo hữu thần – mà Hume có thể được tính vào trong đó – đây không phải là một vấn đề phải giải quyết mà là một sự phản bác cơ bản, dứt khoát đối với niềm tin vào sự tồn tại của một Thượng đế – Đấng Sáng tạo.

Câu trả lời mang tính thế tục đối với câu hỏi (tu từ) của Hume chỉ đơn giản là chấp nhận thế giới như nó vốn thế, ở đó tồn tại cái ác và mọi thứ khác. Quan điểm này có thể được phát triển bằng việc chỉ ra rằng, tự nhiên, trải qua một quá trình tiến hóa bao hàm một mạng lưới cực kỳ phức tạp của “những cơ chế sống sót”, là thứ trung lập về đạo đức. Hoặc người ta cũng có thể lập luận, “ác” chỉ là một từ mà loài người sử dụng để miêu tả những khía cạnh nhất định của đời sống, rằng chỉ có chủ nghĩa lý tưởng về đạo đức và tôn giáo của chúng ta mới khiến cái ác trở thành vấn đề phức tạp.

Những ý tưởng nói trên cũng đáng khám phá, song thậm chí từ một nhãn quan phi tôn giáo, chúng không nhất thiết chấm dứt được những câu hỏi về cái ác. Thậm chí, ngay cả nếu quan điểm Ky-tô giáo và Do Thái giáo khó có thể được chấp nhận như là một quan điểm khoa học về cội nguồn thế giới thì ý nghĩa tôn giáo của nó vẫn vượt xa khỏi điều này. Ý niệm sáng thế thể hiện một quan điểm cơ bản được chia sẻ bởi những người có đức tin và cả không theo đức tin: thế giới này là tốt đẹp, đời sống là giá trị, sống thì tốt hơn không sống. (Một lựa chọn thay thế khác, sau cùng, có thể là tự tử.) Mặc dù niềm tin này thường không được nói ra, nhưng nó dường như nằm bên dưới cảm thức về sự xúc phạm thường trỗi dậy để đáp lại những sự tàn ác và bất công cực độ. Ý niệm về một số quyền nhất định của con người là bất khả xâm phạm – thậm chí là những quyền “thiêng liêng” – hàm ẩn trong đó không phải sự trung lập về đạo đức, mà chính là niềm tin vào một chuẩn mực cơ bản về những khuôn phép của đời sống. Những sự giận dữ và phản đối thường vang lên trước cái ác cho ta thấy một niềm tin sâu thẳm vào những nguyên tắc của cái thiện và sự công bằng.

Tư tưởng tôn giáo cho rằng việc nghĩ về cái ác liên quan đến việc ta phải chấp nhận sự hiện hữu của phần bóng tối bên trong tất cả chúng ta – theo truyền thống được hiểu là “tội lỗi” – cũng khơi gợi mạch nguồn suy tưởng. Nếu khái niệm thu nhỏ về cái ác chỉ phần nhìn thấy được của tảng băng trôi, báo hiệu vô số xu hướng tâm lý còn chìm bên dưới, thế thì nỗ lực để hiểu cái ác không tương ứng với bất kỳ với một giáo lý thần học nào hết mà nó liên hệ với mệnh lệnh triết học của Socrates: “Hãy tự biết mình!”

Truyền thống thần chính luận (theodicy) của Ky-tô giáo – nỗ lực bảo vệ Thượng đế, và do đó bảo vệ những điều tốt đẹp cơ bản của thế giới này trong sự đối diện với cái ác – kết nối với những câu hỏi về ý nghĩa, mục đích và giá trị của cuộc đời chạm đến tất cả chúng ta. Những phản ứng theo xu hướng vô thần đối với sự khổ đau và vô nghĩa, như những suy tưởng về bi kịch của Friedrich Nietzsche hay sự diễn dịch theo quan điểm hiện sinh của Camus về thần thoại Sisyphus chính là thuộc về dòng mạch này. Ở phần cuối bài này, chúng ta sẽ cân nhắc liệu những suy tư của tôn giáo và triết học về cái ác có còn thích đáng không khi các nhà khoa học và bác sĩ tâm thần đã đưa ra những mô tả có sức nặng về sự tàn ác. Tuy nhiên, trong phần tiếp theo, hãy trở về với một nhà thần học Ky-tô giáo ở thế kỷ IV, người có những tư tưởng về cái ác sẽ khơi gợi tranh luận qua nhiều thế kỷ cả bên trong và bên ngoài khuôn khổ nhà thờ.


Cái Ác có tồn tại?

Sự va chạm giữa sự hiện diện của cái ác trong thế giới của chúng ta và niềm tin vào một đấng Thượng đế sáng tạo yêu quý đã làm nảy lên những câu hỏi hóc búa. Đối với nhiều người theo tôn giáo, đây là những câu hỏi hiện sinh cốt yếu, khi đức tin của họ phải đấu tranh với nỗi ngờ vực và hoang mang. Hình tượng Job trong Kinh Thánh, con người chính trực đã phải chịu mất mọi thứ thân thiết với mình, vẫn còn là một ví dụ sống động về cuộc đấu tranh này. Song “vấn đề cái ác” còn là một vấn đề trí tuệ đau đầu mà các triết gia, các nhà thần học đã tự đặt nhiệm vụ cho mình để tư duy suốt bao thế kỷ.

Một trong những câu trả lời gây ảnh hưởng mạnh nhất về “vấn đề cái ác” là suy tưởng của Thánh Augustine. Thời trẻ, Augustine có đi theo một dòng tu Ky-tô giáo – phái Manicheans. Trọng tâm của tư tưởng thần học của giáo phái Manicheans là ý niệm về một cuộc giao đấu mang tầm vóc vũ trụ giữa thế lực của cái thiện và cái ác. Điều này đương nhiên đi liền với đề nghị về một giải pháp khả dĩ cho vấn đề cái ác: tất cả những thứ tốt đẹp, tinh khiết và trong sáng đều bắt nguồn từ Thượng đế, và sự tối tăm của cái ác thì có một cội nguồn khác.

Tuy nhiên, Augustine đã xem quan điểm nhị nguyên hóa về vũ trụ này là quan điểm tà giáo, vì nó làm xói mòn quyền năng của Thượng đế. Dĩ nhiên, ông đồng tình rằng cái Tốt tuyệt đối thuộc về Thượng đế. Song nếu Thượng đế là nguồn gốc của mọi thứ, vậy cái ác từ đâu đến? Quan điểm triệt để của Augustin đối với vấn đề này là cái ác thực ra không đến từ bất cứ đâu cả. Phủ nhận ý tưởng cho cái ác là một lực lượng xác thực, theo biện luận của ông, cái ác đơn thuần là “tên gọi cho tình trạng thiếu khuyết cái thiện.”

Thoạt nghe, có cảm giác đây chỉ là trò xảo ngôn triết học. Augustine có thể đã cố gắng định nghĩa cái ác là thứ không hiện hữu, song điều này lại không thể xóa bỏ được hiện thực của nỗi đau, sự thống khổ và sự tàn nhẫn – điều mà ngay từ đầu đã khơi lên câu hỏi về cái ác. Nói như nhà văn Công giáo thế kỷ XX, Charles Journet, sự không hiện hữu của cái ác “có thể có một hiện thực khủng khiếp, giống như những chữ khắc trên đá”. Bất cứ sự biện hộ nào cho quan điểm của Augustine cũng phải bắt đầu bằng việc chỉ ra những giải thích của ông về cái ác thiên về tính siêu hình hơn là kinh nghiệm. Nói khác đi, không phải ông cho rằng kinh nghiệm của chúng ta về cái ác là phi thực. Trái lại, chính vì thế giới được tạo nên nhờ thần thánh này hướng đến cái tốt, cái thiện nên sự thiếu vắng cái tốt, cái thiện sẽ được cảm nhận như là nỗi đau đớn, sai lầm và đòi hỏi phải được khắc phục một cách khẩn thiết. Nói rằng cái đói đơn thuần chỉ là “do thiếu cái ăn” không có nghĩa là phủ nhận nỗi cồn cào khổ sở mà nó gây ra.

Một hệ quả từ quan điểm của Augustine về cái ác như là thứ “không-tồn tại” (“non – being”), như là sự thiếu vắng “cái tốt” là cái ác trốn lánh sự hiểu của chúng ta. Quan điểm siêu hình tinh tế của ông về cái ác xác nhận tình trạng không thể hiểu nổi của chúng ta khi đối mặt với sự tàn bạo vô cớ, hay cái ác “tự nhiên” vô nghĩa, thí dụ như khi ta chứng kiến một đứa trẻ phải chịu đau đớn vì ung thư. “Vì thế không ai có thể hiểu được từ tôi cái mà tôi biết mình không thể biết, trừ khi, có lẽ thế, để học không biết cái phải biết nhằm thoát khỏi việc được biết đến!” Thú vị thay, theo cách này, quan điểm bí hiểm về cái ác lại phản chiếu cái gọi là “thần học phủ định”, theo đó, nhấn mạnh Thượng đế cũng vượt quá ngưỡng hiểu của chúng ta.

Vì thế, như chính Augustine thú nhận, giải pháp của ông cho vấn đề cái ác bảo vệ niềm tin vào Thượng đế mà không có sự kiến giải xác đáng loại hành động nào tạo áp lực thực sự đối với đức tin tôn giáo. Ông có thể đúng khi chỉ ra những hệ quả mà cái ác đưa đến – sự phá hủy, sự rối loạn, bóp méo, làm biến dạng tự nhiên và linh hồn. Tuy nhiên, cả những tín đồ và những người không phải tín đồ sẽ có cảm giác nếu chỉ kiến giải như thế thì cũng chưa nhìn nhận thỏa đáng về sức mạnh của cái ác. Chúng ta có thể đề nghị một kiến giải tốt hơn về sự xác thực của cái ác – mà ta có thể thấy qua sự tồn tại của các lò thiêu người, các vụ thảm sát thường gắn liền với những kế hoạch kỹ lưỡng, những cách tân về kỹ thuật (giết người) và những quá trình biện chính cho hành động ấy một cách sáng tạo.

Tuy vậy, đáng ngạc nhiên là quan điểm cơ bản của Augustine lại nhận được sự ủng hộ từ những khám phá khoa học mới đây. Trong cuốn sách xuất bản năm 2011, Zero Degrees of Empathy [Những độ không của sự thấu cảm], giáo sư chuyên ngành bệnh học tâm lý Simon Baron-Cohen tại Đại học Cambridge đã đề xuất một “lý thuyết mới về sự tàn ác của con người”. Mục đích của cuốn sách, như ông viết, là thay khái niệm cái ác – vốn “không mang tính khoa học” bằng ý niệm về “sự trống rỗng khả năng thấu cảm”: “Những người bị kết án là độc ác hay tàn nhẫn đơn giản chỉ là những người thuộc về một cực trong dải phổ về năng lực thấu cảm,” ông viết. (Song ông cũng có chỉ ra, rằng ngay cả một số người thuộc về cực này không hẳn luôn tàn nhẫn hơn những người thuộc về thang bậc cao hơn trong dải phổ thấu cảm – họ đơn giản là những con người bị cô lập về phương diện xã hội.)

Sự đánh mất năng lực thấu cảm rất gần với ý niệm của Augustine về cái ác ở chỗ nó là sự thiếu hụt cái tốt, cái thiện – hay để diễn đạt với sắc thái đạo đức giảm nhẹ hơn, nó được hiểu như là sự trục trặc, hư hoại những chức năng bình thường – hơn là một sức mạnh xác thực. Ít nhất theo cách tiếp cận này, lý thuyết của Baron-Cohen có sự đồng vọng với luận điểm của Augustine, chống lại giáo lý của dòng tu Manichean, theo đó, cái ác không phải là một thực tại độc lập mà, về bản chất, nó là sự thiếu vắng hay mất mát.

Tương tự Augustine, Baron-Cohen nhấn mạnh cái ác, dù tự nó là điều không thể hiểu nổi, là thứ không hề có bất cứ khả năng lý giải nào. Nhưng cũng chính vì lý do ấy, ông cho rằng ý niệm về cái ác là ý niệm nhầm lẫn. Bằng việc thay “cái ác” bằng thuật ngữ “sự xói mòn khả năng thấu cảm”, ông đã thay đổi trọng tâm, tập trung vào một cái gì đó có thể nghiên cứu một cách khoa học. Tất nhiên, một triết gia có thể đặt câu hỏi liệu rằng việc khám phá bộ não hay gene của những kẻ độc ác có thể thật sự giải thích về sự độc ác của họ hay không, hay chỉ là sự miêu tả lại nó bằng những thuật ngữ thuần túy mang tính chất vật lý.

Mặc dù các nhà khoa học thích chuyển việc nghiên cứu bản chất người từ thần học, triết học sang tâm lý học, di truyền học và khoa học thần kinh, những kiến giải theo kiểu của Baron-Cohen vẫn phải đối mặt với cùng một câu hỏi bướng bỉnh mà Augustine đã phải tìm cách giải quyết từ thế kỷ IV. Mối quan hệ giữa cái ác và tự do là gì? Nếu cái được gọi là cái ác là cái không hiện hữu, cái-không-có (nothing), theo nghĩa đen, vậy thì trách nhiệm đạo đức của con người nằm ở đâu?


Tự do có làm chúng ta trở nên ác?

Ở trên ta đã thấy Augustine cố gắng hòa giải niềm tin vào Thượng Đế và kinh nghiệm của chúng ta vào cái ác bằng lập luận: cái ác không phải là một thế lực xác thực mà là sự thiếu vắng cái thiện, cái tốt. Đó là một quan điểm siêu hình có thể có ý nghĩa xét về mặt trí thức, song nhiều người sẽ thấy như thế là chưa thỏa đáng đối với những hệ quả rất thật của cái ác. Rốt cục, chính những hệ quả này là thứ mà chúng ta phải chung sống, cũng là thứ khơi lên câu hỏi làm sao Thượng đế lại tạo ra một thế giới hỗn loạn như vậy?

Khía cạnh thứ hai trong quan điểm thần chính luận của Augustine, thường được gọi là “sự bảo vệ cho ý chí tự do” đem đến một phản ứng mạnh mẽ hơn đối với sự phản đối này. Luận điểm này chỉ áp dụng cho những việc làm sai trái của con người, hay “cái ác xét trên phương diện luân lý” – nhưng đối với Augustine, nó có thể giải thích gián tiếp cho tất cả những loại hành vi tàn nhẫn khác, vì chúng là những hình thức trừng phạt chính đáng cho tội lỗi. Đây quả là điều khó chấp nhận đối với những người lý trí, theo quan điểm tự do. Nhưng ít nhất chúng ta cần bảo vệ tư tưởng cho rằng cái ác của con người là điều cần phải được giải thích hơn cả, chứ không phải những nỗi đau khổ khác. Trong thế giới hiện đại, sự phân biệt giữa “cái ác luân lý” và “cái ác tự nhiên” trở nên ít rạch ròi hơn như nó đã từng, vì những hành động của con người đã góp phần gây nên những vấn đề môi trường giống như nạn đói, hạn hán, lũ lụt, bệnh dịch. Kể cả khi những điều này không ngăn chặn được, vẫn có nhiều thứ người ta có thể làm để giảm nhẹ hậu quả của chúng. Giờ đây chúng ta có một nguồn lực vật chất phong phú và những bước tiến không thể tưởng tượng được của công nghệ, cái ác ít nhất cũng liên quan đến chúng ta nhiều không kém vấn đề Thượng đế. Chắc chắn, chúng ta, trên phương diện tập thể, có thể làm thế giới trở nên tốt đẹp hơn – nhưng tại sao chúng ta lại không làm điều này?

Augustine nghĩ rằng tất cả những tạo vật được Thượng đế tạo ra – trong đó có con người, đương nhiên – đều tốt đẹp chừng nào họ chia sẻ sự tốt đẹp của Thượng đế. Tư tưởng này vừa định nghĩa cái “tốt” nghĩa là gì đối với chúng ta, sự tốt đẹp của chúng ta khởi phát từ Thượng đế và hoàn toàn phụ thuộc vào Người. “Khi ý chí bỏ rơi cái ở cao hơn chính nó và quay về cái thấp hơn nó, nó trở thành cái ác – không phải vì cái làm nó quay về là cái ác mà bản thân hành động quay về này đã là điều xấu xa,” ông đã viết như thế trong tác phẩm The City of God [Thành phố của Thượng đế].

Bởi vì chúng ta là những kẻ tự do, Augustine lâp luận, chúng ta có quyền quay lưng với Thượng đế, bất tuân Người và cố gắng sống độc lập – như thể Người không hề tồn tại. Một điều hay mà sự bảo vệ cho ý chí tự do quan tâm đến là nó bao gồm cả những người tin và không tin vào Thượng đế: Augustine có thể trả lời những kẻ vô thần bằng việc chỉ ra sự bất tín của họ là biểu hiện của thứ tự do mà Thượng đế trao cho họ, để họ từ chối Thượng đế. Nguyên lý bảo vệ ý chí tự do cho rằng cái ác là hệ quả của tự do, tự do là một điều tốt và do đó, chúng ta phải chấp nhận cái ác như là một tác động phụ không hay của nó.

Nhưng tại sao lại có nhiều người lựa chọn thực hiện sự tự do của mình theo cách làm xói mòn những gì thật sự tốt đẹp? Theo Augustine, khước từ Thượng đế là một xu hướng phổ quát của con người. Nó không chỉ là việc phủ nhận triệt để sự tồn tại của Thượng đế mà còn bao hàm toàn bộ dải phổ của sự tự khẳng định. Sự nổi loạn của những con người tử tế nhất, biết cư xử nhất có thể là những hành động rất tinh tế, nhẹ nhàng. Tuy nhiên, ngay cả những hành động nhỏ và ham muốn của những kẻ thích nghĩ đến bản thân này cũng chứng minh cho điều mà Augustine cho rằng là cội rễ của tội lỗi mà con người phạm phải: sự kiêu ngạo. Chúng ta cứ thích làm mọi thứ theo cách của mình.

Vào thế kỷ XIX, triết gia Soren Kierkegaard đã phát triển khía cạnh này từ thần học của Augustine theo những đường hướng thú vị. Kierkegaard hầu như ít quan tâm đến việc giải quyết những vấn đề siêu hình về cái ác: ông tập trung vào thân phận con người và những nhiệm vụ hiện sinh của đức tin Ky-tô giáo. Song trong sự phân tích có sức ảnh hưởng rất lớn của ông về bản chất của nỗi lo âu, ông đã gộp lại hai tư tưởng then chốt của quan điểm thần chính luận mà Augustien từng nêu lên: theo đó, cái ác, về bản chất, là sự phủ định, và do đó, nó là hệ quả của tự do.

Kierkegaard nghĩ rằng tự do của chúng ta, tự nó, là một “hư không” lớn (big nothing). Ông mô tả nó như một kẽ nứt sâu ở ngay trung tâm sự tồn tại của con người, cần phải được lấp đầy bằng những quyết định và hành động. Song khoảng trống rỗng này, dĩ nhiên, không bao giờ có thể được lấp đầy. Khi ta nhìn xuống vực thẳm của sự tự do mà chúng ta có, chúng ta sẽ thấy chóng mặt, khổ sở. Chúng ta lùi lại. Tất cả sự trống rỗng kia làm chúng ta âu lo. Chúng ta, trên thực tế, sợ hãi chính tự do của mình.

Kierkegaard đồng tình với Augustine rằng con người, về cơ bản, rất kiêu hãnh, luôn muốn với xa quá, vượt qua bất kỳ giới hạn nào áp đặt lên mình và từ chối sự phụ thuộc vào Thượng đế. Nhưng ông cũng nhấn mạnh chúng ta cũng sợ hãi nhiều như kiêu hãnh – nghĩa là chúng ta cũng lùi lại trước chiều kích vô giới hạn của sự tồn tại của chúng ta, tức sự tự do của chúng ta. Điều này làm chúng ta trở thành một tạo vật đầy mâu thuẫn: chúng ta nghĩ mình muốn được tự do, thoát khỏi mọi sự ép buộc, song đồng thời tự do ấy lại làm chúng ta sợ hãi. Tội lỗi của con người, Kierkegaard nói, chính là kết quả của sự kết hợp bất hạnh này, giữa kiêu hãnh và sợ hãi. Vì thế, trong khi Augustine nhấn mạnh đến đức khiêm tốn thì Kierkegaard lại chỉ ra chúng ta cần phải vừa khiêm tốn, vừa can đảm trong mối quan hệ với tự do của mình. Chỉ có sự “can đảm khiêm tốn” mới có thể chiến đấu được với khuynh hướng phổ quát nghiêng về tội lỗi ở con người.

Nhiều người hoài nghi khái niệm của Ky-tô giáo về tội lỗi nhưng sự diễn giải lại của Kierkegaard về giáo lý truyền thống này lại rất rõ ràng từ quan điểm tâm lý cũng như tôn giáo. Trong khi Augustine nghĩ tội lỗi đầu tiên của Adam và Eva được chuyển sang hậu duệ của mình một cách sinh học – thông qua hoạt động tính giao – Kierkegaard lại phủ nhận cách giải thích theo nghĩa đen này về tội lỗi. Việc chúng ta không trở nên tử tế, lương thiện được, ông lập luận, là do cách chúng ta xử lý việc mình ít hay nhiều tự do hơn mình mong muốn. Như những người ở độ tuổi vị thành niên dễ nổi nóng, dễ chơi vơi, chúng ta khao khát sự độc lập, muốn được thể hiện sự bất mãn và sợ phải chịu trách nhiệm cho chính mình. Bằng việc nhấn mạnh tầm quan trọng của cả sự khiêm tốn lẫn sự can đảm, Kierkegaard đã gợi ý một cách để thích nghi với tình thế khó khăn này – một nền tảng phi-đạo đức cho đạo đức. Với việc chỉ ra nỗi sợ hãi nằm bên dưới cái ác, ông đã phát lộ một điều gì đó chung cho cả nạn nhân và thủ phạm.


Chiều kích xã hội

Từ phần đầu bài viết, tôi chủ yếu xem cái ác như thể đó là một vấn đề cá nhân – một vấn đề liên quan đến phẩm giá cá nhân, hoặc là sự thiếu vắng phẩm giá ấy. Khi nhấn mạnh mối quan hệ giữa tội lỗi và tự do, các triết gia Ky-tô giáo như Augustine và Kierkegaard dường như mặc định nếu chúng ta nhìn thân phận con người bằng cái nhìn đủ nghiêm khắc, ta có thể sẽ có cái nhìn thấu thị về cái ác. Khuynh hướng này ngụ ý rằng cái ác không liên quan gì với lịch sử hay văn hóa – như thể tội tổ tông là sự kiện lịch sử duy nhất có thể được tính đến, ít nhất trong phạm vi cái ác được bàn đến.

Trong thế kỷ XX, một loạt những thí nghiệm khoa học về tâm lý của cái ác đã kể một câu chuyện rất khác. Trong số những thí nghiệm tai tiếng nhất, phải kể đến thí nghiệm được thực hiện bởi Stanley Milgram và Philip Zimbardo tại Đại học Yale và Stanford trong những năm 1970. Cả Milgram và Zimbardo đều phát hiện rằng, trong những điều kiện nhất định, những sinh viên đại học hoàn toàn bình thường, học hành tử tế cũng có khả năng phạm những điều ác rất lớn. Dưới sự chỉ dẫn của một hình tượng quyền uy, các sinh viên tham gia thí nghiệm của Milgram được chuẩn bị dể thực hiện những cú sốc điện gây đau đớn như một hình phạt cho ai có trí nhớ kém: 2/3 người tham gia đã đã tăng điện áp lên đến mức gây chết người khi “đối tượng thực nghiệm” của họ kêu gào đau đớn. Kết quả thí nghiệm cho thấy sự tuân lệnh có thể nguy hiểm và vô luân như thế nào. Trong thí nghiệm của mình, Zimbardo tạo ra một môi trường nhà tù tại khoa tâm lý thuộc Đại học Stanford, phân vai tù nhân và quản ngục cho nhóm sinh viên của ông. Chỉ trong vài ngày, những người đóng vai quản ngục đã đối xử với tù nhân với sự tàn bạo và khinh miệt đến mức thí nghiệm phải kết thúc sớm.

Năm 2004, khi nghĩ lại về thí nghiệm nhà tù mà Zimbardo thực hiện tại Stanford, ông đã viết hùng hồn về những điều kiện khiến người tốt làm những điều độc ác. Nhà tù, theo ông, là một thiết chế được tách biệt với xã hội bình thường mà ở đó sự tàn bạo có thể được hợp thức hóa. Việc mặc đồng phục và đeo kính râm, nhận dạng tù nhân bằng số hiệu và quản ngục theo các chức danh chính thống, việc tháo đồng hồ và chặn ánh sáng tự nhiên đều giúp phi nhân hóa và phi cá nhân hóa những người tham gia thí nghiệm. Trong một tình huống “toàn trị tuyệt đối” này, Zimbardo nói, hầu hết quản ngục đều trở nên tàn ác như kiểu khổ dâm (sadistic) trong khi đó, nhiều tù nhân lại cho thấy “những dấu hiệu của sự suy sụp cảm xúc.” Có lẽ điều thú vị nhất là Zimbardo phát hiện ra chính bản thân ông, trong vai trò người giám sát nhà tù, cũng nhanh chóng trải qua một quá trình biến đổi: “Tôi bắt đầu nói, đi lại và hành động như một nhân vật quyền năng của thiết chế đầy nghiêm khắc, tôi quan tâm nhiều hơn đến sự đảm bảo của “nhà tù của tôi” hơn là những nhu cầu của những sinh viên tin vào tôi như là một người nghiên cứu tâm lý.”

Mặc dù Zimbardo quả quyết “thí nghiệm này không để lại những hậu quả tiêu cực kéo dài”, song những kết luận của ông lại dấy lên những câu hỏi về đạo lý về bản thân thí nghiệm khoa học. Phải chăng các phòng thí nghiệm, như nhà tù, cung cấp một kiểu môi trường đặc biệt mà ở đó, người ta có thể chấp thuận chịu đựng sự đau đớn? Phải chăng những chiếc áo khoác trắng và phương thức thu thập dữ kiện hoàn toàn vô cảm này đã phi nhân hóa cả nhà khoa học lẫn đối tượng nghiên cứu của họ?

Những câu hỏi này đưa đến một vấn đề triết học rộng lớn hơn. Phải chăng xã hội đương đại nảy sinh những điều kiện thuận lợi cho cái ác hơn là quá khứ? Phải chăng khoa học và công nghệ, nói riêng, đã phi nhân hóa chúng ta? Công nghệ hiện đại chắc chắn đã tạo nên những hình thức giao tiếp cho phép con người ta ở trong tình trang vô danh an toàn. Chẳng hạn, mạng internet; nó ở ngay đây. Trong những năm gần đây, những hành vi ác ý trên mạng với những bình phẩm đùa cợt, cay nghiệt của những người nấp sau cái tên giả đã trở thành một hiện tượng văn hóa gây nhiều tranh luận. Có lẽ đó cũng là điều tự nhiên thôi, rằng chúng ta đều có khoái cảm về tự do và quyền lực khi được trao cơ hội để có một đời sống bí mật khác – giống như nhân vật Jekyll biến thành Hyde trong tác phẩm của Stevenson sung sướng lang thang trên phố ban khuya, giết hại những đứa trẻ. Song ở trong những tình huống như thế, chúng ta có thật sự kiểm soát được không? Những người nhấn nút điện trong ths nghiệm của Milgram nghĩ rằng họ kiểm soát được việc mình làm và Philip Zimbardo cũng vậy. Dĩ nhiên, cuối cùng hóa ra họ cũng là một phần của thí nghiệm.

Như thường lệ, Plato cũng có chuyện để góp vào cuộc tranh cãi này. Trong tác phẩm Cộng hòa, học trò của Socrates, Glaucon đã kể lại câu chuyện về chàng chăn cừu Gyges, người rơi xuống lòng đất trong một vụ động đất và tìm thấy một chiếc nhẫn có thể biến mình thành tàng hình. “Phát hiện ra điều này,” Glaucon nói, “anh ta tìm cách lẻn vào một buổi tiệc và việc này được báo với nhà vua, và khi đến, anh ta đã quyền rũ hoàng hậu, hợp tác với nàng để tấn công, giết nhà vua và chiếm đoạt ngôi vua.”

Plato đã sử dụng câu chuyện này để mô tả tình trạng vô luân phổ biến trong xã hội Athens của ông khi ấy – một xã hội mà sau cùng, đã kết án tử hình những công dân đức hạnh và thông thái nhất của mình. Plato cho rằng những người đương thời với ông đã xem thói đạo đức giả và lừa gạt là con đường chắc chắn nhất để đi đến hạnh phúc, vì họ đều muốn tìm lợi ích từ việc có đức hạnh hay “công bằng” song đồng thời họ cũng luôn thể hiện sự quan tâm của mình đến những thói xấu, hay sự bất công ở bất cứ đâu có thể. Trong tác phẩm Cộng hòa, thông qua lời của Socrates, ông đã lập luận, quan điểm này không những sai về mặt đạo đức mà còn hoàn toàn lầm lạc, bởi hạnh phúc và tự do đích thực chỉ có thể bắt nguồn từ đời sống đức hạnh.

Câu chuyện về chiếc nhẫn của Gyges dường như cho thấy cái ác đơn thuần là một thực tế của bản chất con người. Khi tính vô danh giải thoát chúng ta khỏi trách nhiệm cho những hành động của mình, chúng ta cũng sẽ nhẹ nhõm, hân hoan mà bỏ rơi đạo lý và sẵn sàng hại bất kỳ ai cản trợ sự theo đuổi những gì chúng ta nghĩ là sẽ làm chúng ta hạnh phúc. Theo cách này, chúng ta có thể lấy câu chuyện về Gyges để tranh cãi rằng cái ác chẳng có khía cạnh gì hiện đại cả. Tuy nhiên, ở mặt khác, Plato đã phải dựa vào huyền thoại, vào chiếc nhẫn thần, để minh họa cho điều kiện mà khuynh hướng hướng đến cái ác của chúng ta bộc lộ ra. Trong thời đại của chính chúng ta, công nghệ đã tạo nên phép màu của nó và sự kỳ diệu của phép tàng hình đã trở thành một thực tại hàng ngày của chúng ta.


Ý nghĩa của nỗi khổ đau

Sự phổ biến của cái ác và nỗi khổ đau trong phạm vi kinh nghiệm con người chắc chắn là thách thức nghiêm trọng nhất đối với niềm tin vào Thượng đế. Song mặt khác, cũng chính cái ác và nỗi khổ đau cũng là một lý do quan trọng để người ta cảm thấy cần tôn giáo. Friedrich Nietzsche, người nổi tiếng với tuyên bố về cái chết của Thượng đế, đã nói về vấn đề này một cách rất ráo riết. Nietzsche không dành nhiều thời gian để bàn về vấn đề về cái ác, theo truyền thống kinh điển. Là một nhà phê bình Ky-tô giáo mạnh mẽ, ông cho rằng những khái niệm thiện- ác được phát minh trong quá trình của một trò chơi quyền lực phức tạp, như là một cách để những người yếu thế hơn làm xói mòn những động cơ tự nhiên của những người mạnh hơn đàn áp họ.

Tuy nhiên, sự đau khổ, chịu đựng vẫn cứ là một trong những vấn đề trung tâm của triết học Nietzsche. Dươi ảnh hưởng của triết gia người Đức Arthur Schopenhauer, một nhà triết học bi quan nổi tiếng, người từng viết “càng sống lâu, ta càng thấy rõ đời sống, nói chung, là một sự thất vọng, hơn thế, một sự đánh lừa, Nietzsche nhìn thấy sự chịu đựng khổ đau và tính bi kịch là phương diện nội tại của đời sống. Nhưng đối với loài người, ông cho rằng điều thực sự không thể chịu đựng được không phải là bản thân nỗi khổ đau mà là sự khổ đau vô nghĩa. Môt trong những mục đích của văn hóa là diễn dịch nỗi khổ đau, làm nó mang ý nghĩa và do đó, có thể chịu đựng được. Huyền thoại, nghệ thuật và tôn giáo đều làm việc này.

Theo Nietzsche thì chúng ta sáng tạo nên Thượng đế chứ không phải ngược lại. Đầu tiên chúng ta phát minh ra các vị thần, rồi sau đó một Thượng đế đơn nhất, người đưa ra sự lý giải và an ủi cho những khổ đau mà chúng ta phải chịu đựng. Thuyết hữu thần cho phép chúng ta tin – như Augustine từng tin – khổ đau là một hình phạt cho tội lỗi. Thượng đế cũng có chức năng như một nhân chứng vĩ đại mang tính vũ trụ của nỗi đau mà chúng ta mang mà mục đích vốn không ai có thể hiểu được của nó, theo đó, lại khiến nó có giá trị. Thượng đế cũng là người có lẽ đã xem xét những cuộc đấu tranh nhọc nhằn, khổ ải của chúng ta vào trong bản tổng kết cuối cùng. Kỳ lạ là có thể Thượng đế còn tặng thưởng chúng ta vì những đau đớn mà chúng ta phải gánh nhận.

Nietzsche nghĩ rằng đến cuối thế kỷ XIX, ý niệm Thượng đế cuối cùng đã trở nên không thể biện hộ. Những kiến giải khoa học đã thay thế những ý niệm tôn giáo – và khi niềm tin vào khoa học lớn hơn, thì niềm tin vào Thượng đế giảm đi. Nhưng dĩ nhiên nhu cầu cấp ý nghĩa cho nỗi khổ đau vẫn luôn cấp thiết. Vì thế, đối với Nietzsche, “vấn đề cái ác” ở thời hiện đại không phải là việc biện hộ cho đức tin tôn giáo hay lý giải về sự tồn tại của cái ác, mà là vấn đề tìm những cội nguồn sáng tạo của ý nghĩa trong một thế giới hư vô. Và có lẽ nó đúng khi đặt ra câu hỏi “Tại sao?”, thường vào giữa lúc con người ta phải chịu đựng khổ đau, nó thể hiện một khao khát ý nghĩa hơn là khao khát lời giải thích.

Vậy Nietzsche sẽ phản ứng như thế nào đối với những khổ đau mà con người phải nếm trải ở thế kỷ XXI này? Chắc hẳn ông sẽ than phiền rằng phần lớn văn hóa đương thời cũng chúng ta hướng nhiều hơn đến việc làm thế nào để tránh né khổ đau hay bù đắp cho nó hơn là làm cho nó trở thành cái mang ý nghĩa. Sáng tạo – điều mà Nietzsche xem như là sự cứu rỗi của chúng ta – trở thành một công việc sinh lợi. Các giám đốc quảng cáo và các nhà làm phim Hollywood đã dốc toàn bộ sức mạnh sáng tạo của mình để thuyết phục chúng ta rằng chúng ta có thể thoát khỏi khổ đau bằng việc trở nên giàu có, tích lũy của cải và tìm thấy tình yêu.

Đúng là “sự chiến thắng nghịch cảnh” là một đề tài văn hóa phổ biến mà chúng ta có thể thấy qua những chương trình tìm kiếm tài năng trên ti-vi chẳng hạn. Ở đây người ta nghe thấy một tiếng vọng rất mờ nhạt của quan điểm mà Nietzsche từng nêu lên, rằng nỗi khổ đau nào mà không giết được ta thì chỉ làm cho mạnh mẽ hơn. Một phiên bản mang tính giáo dục hơn của tư tưởng này có thể thấy được qua sự đề cao những người hùng thể thao, những người đã vượt qua đau đớn, thương tích, tật nguyền để vươn tới chiến thắng. Song điều này có làm cho bản thân sự khổ đau trở nên ý nghĩa hơn? Nó có thể chuyển hóa được nỗi đau khổ của những người đã không thể trở thành ngôi sao nhạc pop, cầu thủ chuyên nghiệp hay vận động viên giành huy chương Oympic? Điều này không hề sáng rõ.

Hứa hẹn triển vọng hơn, có lẽ là việc phương Tây đương thời quay về với Phật giáo, tôn giáo đưa ra một cách diễn giải vô thần về sự khổ đau. Liên quan đến vấn đề cái ác, Phật giáo có cách tiếp cận đối lập với Ky-tô giáo. Thay vì bắt đầu bằng tiền đề về sự tốt đẹp của một thế giới được thần thánh tạo nên, nhãn quan Phật giáo xem khổ đau như một nguyên lý cơ bản của nó. Đức Phật đã tóm lược triết thuyết của mình vào phạm trù “tứ diệu đế” trong đó, “khổ đế” là nguyên lý đầu tiên, theo đó, nỗi khổ đau được xem là đặc điểm phổ quát của sự sống. Điều đó cho thấy trong khi thần học phương Tây đánh vật với vấn đề cái ác thì Phật giáo lại thấy cần thiết phải giải thích vì sao đời sống này không những quan trọng mà thậm chí đôi khi nó còn thú vị. Và điều lạ là phản ứng của Phật giáo cũng gần gũi với tư tưởng Ky-tô giáo rằng cái ác cái ác tự nó không có một thực tại nào cả. Những nguồn cội thông thường của hạnh phúc trong thế giới này, đạo Phật khẳng định, chỉ là ảo ảnh.

Theo triết thuyết của Phật giáo, nguyên lý khổ đế tạo hình đời sống con người và trao cho nó ý nghĩa, giá trị, vì con người là loài duy nhất có thể tự giải phóng mình khỏi sự khổ đau. Những chi tiết của việc này được thể hiện ba qua nguyên lý còn lại, liên quan đến nguyên nhân của khổ đau, khả năng kết thúc nó và cách thức để hoàn thành sự giải phóng này. Đức Phật hiểu rằng người có thể hoàn thiện những tiềm năng đích thực của con người chỉ thông qua việc thấm thía, trải nghiệm tận cùng sự khổ đau.

Nietzsche, người biết về đạo Phật từ Schopenhauer, biết rất ít về nó. Ông chỉ nghĩ về nhãn quan Phật giáo như là sự phủ định đời sống và hư vô chủ nghĩa sâu sắc – cũng như Ky-tô giáo. Song cứ cho Nietzsche là kẻ cực đoan nhất trong những triết gia phương Tây, thì cả Jesus lẫn đức Phật còn cực đoan hơn ông nữa. Trong khi Nietzsche dùng sức mạnh của trí tuệ để thách thức những niềm tin đã được khẳng định thì hai biểu tượng tôn giáo nổi tiếng lại nhấn mạnh tự do từ đau khổ còn chứa đựng một điều gì đó mà trí tuệ không chiếm lĩnh được. Riêng đức Phật nghĩ rằng chính những quán niệm là một phần của cái bẫy mà chúng ta mắc kẹt trong đó, vì thế Người lập luận chúng ta không thể thoát ra khỏi khổ đau. Và Jesus cũng thuyết phục sự chuyển hóa của tâm thức chứ không phải là sự chuyển hóa các tư tưởng và giá trị.


Phiên tòa xử Eichmann

Năm 1961, triết gia Hannah Arendt đã đến Jerusalem để tham dự phiên toàn xét xử Adolf Eichmann. Bị cao đã từng là người phụ trách việc vận chuyển từ năm 1942 cho đến khi chiến tranh kết thúc và nhiệm vụ của ông bao gồm việc đưa người ở khắp châu Âu đến các lò thiêu người ở Ba Lan. Arendt – một người Do Thái, đã rời bỏ nước Đức khi chế độ Đức quốc xã lên nắm quyền vào những năm 1930- đã viết về phiên tòa của Eichmann qua một loạt bài báo đăng trên The New Yorker và đến năm 1963, bà xuất bản một cuốn sách dài hơi có nhan đề Eichmann in Jerusalem: A Report on the Banality of Evil [Eichmann ở Jerusalem: Một tường trình về sự tầm thường của cái ác]. Phiên tòa xử Eichmann mang một ý nghĩa triết học đặc biệt – điều đó không chỉ là nhờ những phân tích gây nhiều tranh luận của Arendt về nó.

Không ngạc nhiên khi nhiều người bị ấn tượng bởi cụm từ “sự tầm thường của cái ác” mà Arendt sử dụng, như thể nó giảm nhẹ những tội ác của Eichmann. Tuy nhiên, đối với Arendt, cụm từ này đơn giản chỉ ghi lại một sự kiện “lồ lộ trong phiên tòa.” Giống như các bác sĩ tâm lý khi khám cho Eichmann, nữ triết gia ngạc nhiên bởi sự bình thường của hắn. Thực ra, hắn là một người chồng, người cha, người anh em, người bạn chu đáo. Song chính Arendt lại thấy chính sự bình thường này rất “kinh hoàng”, và bà nhận định sự tầm thường của cái ác ở Eichmannn tự nói là điều “đáng sợ”.

“Ngoại trừ sự ham hố trong việc tìm cơ hội thăng tiến cá nhân,” Arendt viết, “hắn không có đông cơ nào hết. Và bản thân sự ham hố này không hề là tội ác; chắc chắn hắn sẽ không bao giờ giết cấp trên của mình để giành vị trí của hắn. Hắn đơn thuần, để nói vấn đề này một cách dễ hiểu hơn, chưa bao giờ nhận thức được mình đang làm gì.” Bà kết luận như vậy, dù Eichmann không phải là con rối và hắn hoàn toàn “không nghĩ ngợi”, hoàn toàn ngu ngơ – một tình trạng thê thảm. Theo Arendt, trường hợp hết sức đặc biệt này hé lộ điều gì đó về cái ác nói chung: “một trạng thái không nghĩ ngợi như vậy có thể gây ra sự tàn phá, hủy hoại hơn tất cả bản năng cái ác khi kết hợp lại với nhau.

Vậy Eichman “không biết suy nghĩ”, “ngu ngơ” theo nghĩa nào? Ghi chép tại phiên tòa cho thấy hắn không phải là kẻ thiếu thông mnh hay không biết phản tư. Trên thực tế, khi khai với quan tòa, sau khi được thuyên chuyển đến Berlin để nhận vị trí phụ trách công việc vận chuyển (một việc hoàn toàn trái với ý chí và mong muốn của tôi), hắn có đọc Phê phán lý tính thực hành của Kant. Hắn giải thích, hắn đã quen thuộc với nguyên lý trung tâm trong triết học đạo đức của Kant: chỉ hành động theo một nguyên tắc được xem là quy luật phổ quát. Nhưng trong khi tính toán việc trục xuất hàng nghìn người Do Thái đến Ba Lan, hắn đã nghĩ về đạo đức theo quan điểm của Kant hơn nữa. “Trong chuyến đi của mình, tôi thường có thói quen không nói nhiều, mà thay vào đó là ngẫm nghĩ,” Eichmann nói với quan tòa.

Phạm trù “mệnh lệnh tuyệt đối” (categorial imperative) của Kant biểu đạt một nguyên lý đạo đức hoàn toàn không nằm trong khuynh hướng vị ngã. Bằng việc tôn trọng những luật lệ có hiệu lực với mọi người, những con người đạo đức từ chối đặt mối lợi ích của mình trước bất kỳ ai khác, hay đánh giá sự tự do của mình cao hơn kẻ khác. Đạo đức của anh ta được định hướng bởi sự tôn trọng đối với nhân loại – đối với nhân phẩm, điều được xây dựng trên nền tảng tự do. Thực chất, Kant biện luận chỉ có loại hành động đạo đức này mới là hành động tự do thực sự, bởi vì ham muốn, cảm xúc và xu hướng của chúng ta đều là một phần của mệnh lệnh nhân quả của tự nhiên, do đó, phụ thuộc và những luật lệ vật lý. Loài người cũng có thể hiện thực hóa tự do của mình chỉ bằng cách lựa chọn chính luật lệ của mình – luật đạo đức là thứ duy nhất người ta có thể tự do lựa chọn, vì lựa chọn này không bị ảnh hưởng bởi những sức mạnh vật lý hay kinh nghiệm.

Mặc dù những bình luận của Eichmann bình luận về cách hiểu của hắn về triết học Kant có một chút lộn xộn, nhưng hắn cho thấy mình nắm bắt khá tốt ý niệm về mệnh lệnh tuyệt đối. Vậy thì cái gì sai? Cho đến năm 1942, Eichmann nói, hắn đã có gắng sống đời mình theo nguyên tắc đạo đức mà Kant nêu ra này. (Điều này bao hàm cả việc hắn chủ động tham gia Đảng Quốc xã và lực lượng SS ngay từ đầu những năm 1930). Tuy nhiên, khi được giao nhiệm vụ trục xuất người Do Thái, ông cảm thấy mình không thể theo đuổi lý tưởng đạo đức này được nữa. Hắn cho rằng mình đã bị lấy đi tự do của mình, vì thế hắn không còn là một tác nhân đạo đức nữa, nói theo thuật ngữ Kant: “Bây giờ tôi cố gắng tìm cách thích nghi với chính mình, và tôi nhận thấy mình không thể thay đổi cái gì và không thể làm bất cứ cái gì. Tôi tự nhủ: “Ngay lúc này mình không thể sống hoàn toàn theo mệnh lệnh đạo đức mà Kant đề xuất, dù tôi muốn làm thế.”

Tại phiên tòa, Eichmann đã nói về việc hắn nhận thấy mình trong một tình huống chính trị “mới” và “chưa có tiền lệ”. Theo tường trình của hắn, chính điều này gây ra tình trạng mất định hướng về đạo đức cơ bản: “Không có một khả năng nào để có thể so sánh, đối chiếu, cũng không ai có bất cứ ý tưởng nào về việc tình trạng đó là thế nào. Chiến tranh xảy ra. Tôi chỉ có thể làm được một việc.” Những lời lẽ này thật khủng khiếp nhưng nó cũng có ý vị bi kịch: “Chỉ có một việc.” – cụm từ này đã mô tả được áp lực của chủ nghĩa toàn trị lên cá nhân; nó quy giản đời sống con người về một mục đích đáng sợ, loại bỏ tất cả những khả năng suy nghĩ khác – bao gồm đạo đức và bản thân nhân tính.

Khi được đưa đến tòa án, Eichmann đã giải thích về những hành động của mình. Bằng việc kết tội hắn, tòa đã phải thừa nhận hắn là một con người tự do, có trách nhiệm về mặt đạo đức. Điều này, dĩ nhiên, phủ định lời quả quyết của Eichmann rằng hắn “không thể làm được bất cứ việc gì.” Nói theo thuật ngữ của Kant, phiên tòa xác nhận tư cách con người của Eichmann bằng việc cho thấy hắn có khả năng làm điều ác. Trong phần tái bút cho bản tường trình về sự tầm thường của cái ác, Arendt viết: “ Trong phán quyết của mình, tòa án đã thừa nhận một cách tự nhiên rằng một tội ác như thế chỉ có thể được gây ra bởi một bộ máy quan liêu khổng lồ, sử dụng những nguồn lực của chính quyền. Nhưng khi nó vẫn cứ là tội ác – và điều đó, dĩ nhiên là tiền đề của phiên tòa – mọi nhiệm vụ của cỗ máy đều phải được quy về các thủ phạm vận hành nó, tức những con người.”

Liệu kiến giải của Arendt có thỏa đáng không khi cho rằng căn nguyên hành động của Eichmann là “sự không suy nghĩ”, “sự ngu ngơ” hơn là một loại tội ác dễ nhận diện hơn? Liệu có thể gán cho một kẻ đã đọc Phê phán lý tính thực hành của Kant là ngu ngơ được chăng, ngu ngơ theo kiểu gì, và kết luận đơn giản rằng đó là kẻ đã không thể theo được những nguyên lý đạo đức mà Kant đề xuất? Khi đưa ra một loạt quyết định (gia nhập Đức quốc xã và lực lượng SS, chẳng hạn), dẫn đến việc hắn được giao quản lý công tác vận chuyển, Eichman liệu có bao nhiêu tự do để từ chối việc tổ chức trục xuất người Do Thái đến các lò thiêu người? Liệu tình trạng chính trị của nước Đức dưới thời phát xít không thể là yếu tố giảm nhẹ cho tội lỗi của hắn sao?

Arendt chắc chắn đã đúng khi chỉ ra sự bình thường hay tầm thường của tội ác mà Eichmann phạm phải. Dĩ nhiên, chính thực tế một con người hoàn toàn bình thường lại có thể trở thành một trong những tội phạm dã man nhất dưới thời Nazi là dấu hiệu cho thấy một sự biến dạng sâu sắc về đạo đức. (Một nhà tâm lý học như Philip Zimbardo sẽ không nghi ngờ mà lập luận rằng các nhân tố xã hội, thiết chế cũng góp phần tạo nên sự biến dạng mà bằng cách làm mờ đi phần nhân tính ở cả thủ phạm lẫn nạn nhân.) Song khẳng định của Arendt rằng Eichmann là “kẻ tuyệt đối ngu ngơ” cần phải được làm rõ.

Nếu hắn không nghĩ ngợi gì, thì đó là vì hắn chọn không như vậy – và điều này có nghĩa trạng thái ngu ngơ, không suy nghĩ không phải là nhân tố quyết định nhất ở đây. Đúng hơn, điều cơ bản ở sự vô luân của Eichmann chính là sự trốn tránh. Điều này thể hiện rõ ở trong việc hắn tìm cách tránh việc bị bắt sau chiến tranh (hắn đã trốn lệnh truy nã suốt 15 năm trước khi bị đem ra xét xử), ở việc hắn phủ nhận trách nhiệm trong suốt phiên toàn và cả trong nỗ lực kháng cáo bất thành của hắn khi bị kết án tử hình. Song có lẽ ngay cả suy tư của Eichmann trong thời kỳ phụ trách công tác vận chuyển – cách hắn đọc Kant, kết luận của hắn “ngay lúc này tôi không thể hoàn toàn sống theo mệnh lệnh của Kant, dù tôi muốn làm vậy” cũng là một trốn tránh đầy tinh tế. Trong trường hợp này, một cái vẻ bên ngoài của sự nghĩ ngợi lạ che đậy và câu kết với sự trốn tránh những tư tưởng nhất định.

Sự trốn tránh của Eichmann có lẽ biểu hiện của điều mà Kierkegaard gọi là “mối quan hệ biện chứng giữa sự biết (knowing) và sự muốn (willing)”. Kierkegaard tranh luận rằng, về vấn đề cái ác, sự khác biệt mấu chốt giữa triết học Hy Lạp cổ đại và Ky-tô giáo nằm ở chỗ: người Hy Lạp (đặc biệt là Plato) đánh đồng sự vô luân với sự vô tri, trong khi những người theo Ky-tô giáo khẳng định đó là vấn đề của ý muốn. Chúng ta đã thấy nguyên lý này thể hiện trong tác phẩm của Augustine, người định nghĩa tội lỗi là sự rời bỏ Thượng Đế theo ý muốn. Kierkegaard, người đặc biệt mẫn cảm với những biểu hiện vi tế của sự tự dối mình ở loài người, đã chỉ ra cái có vẻ như là tình trạng vô tri thụ động, trên thực tế, lại luôn là sự chủ động vô tri. Một trong những cách thức mà theo đó, cái vô luân sẽ theo đuổi cái nó muốn bằng việc tìm kiếm hay né tránh một cách có chọn lọc những tri thức. Nói cách khác, chúng ta chọn những gì mình muốn nghĩ, thời điểm và cách thức để nghĩ về nó.

Theo khung khổ này của đạo đức Ky-tô giáo, Eichmann là kẻ có tội. Sự thay thế những tư tưởng tiền Ky-tô giáo về định mệnh và sự vô tri thực chất – những yếu tố cơ bản của bi kịch thời cổ đại – với một sự khẳng định kiên quyết về tự do của con người, dĩ nhiên, đã tìm đường vào trong những tư tưởng triết học không trực tiếp mang tính tôn giáo. Chẳng hạn, Kant đã đưa ra sự phân tích về “cái ác tận căn” (radical evil) – là thứ mà quyết định của ý muốn, ý chí đưa xu hướng vị kỷ vượt lên trên những mệnh lệnh đạo đức. (Những xu hướng này tự nó chưa thể là nguồn cội của cái ác, vì nó thuộc về nhân quả của tự nhiên và do đó, nó không tự do.) Kant lập luận rằng “xu hướng hướng đến cái ác” là điều mang tính phổ biến, “là sự tất yếu chủ quan”, “là thứ được đan dệt vào bản chất người” – thế như ông cũng lại khẳng định nó cũng vẫn là một trách nhiệm của chính chúng ta vì nó nằm trong tự do của chúng ta. Thực chất, nó thuộc về chính cấu trúc của thứ tự do này.

Chắc chắn rất khó để những người theo tư tưởng của Kant nắm bắt được vòng tròn quan hệ này. Sự khó khăn này cho thấy mối quan hệ gần gũi giữa triết học đạo đức của Kant và thần học Ky-tô giáo. Kant nghĩ cả tôn giáo và đạo đức đều chỉ có thể đặt trên nền tảng lý tính, vì thế mà ông phủ nhận Thượng đế (hay niềm tin vào Thượng đế) là nguồn cội của những giá trị đạo đức. Song trong cuốn sách Religion Within The Limits of Reason Alone [Tôn giáo bên trong những giới hạn chỉ của riêng lý tính], ông lại đưa ra một cách diễn đạt của triết học – có thể xem là một sự biện hộ về mặt triết học – về ý niệm tội lỗi nguyên thủy theo quan điểm Augustine. Cả ý niệm về tội lỗi Ky-tô giáo lẫn “cái ác tận căn” của Kant đều được xem là những đặc điểm phổ quát, không tránh khỏi của bản chất con người, thế nhưng nó vẫn cứ là hệ quả của tự do của con người.

Thậm chí ngay cả một triết gia vô thần như Jean-Paul Sartre cũng cam kết theo nguyên lý Ky-tô giáo của tự do. Điều này thể hiện rõ nhất ở khái niệm ngụy tín (“bad faith”) mà Sartre đưa ra. Giống như ý niệm về “tác động qua lại giữa sự biết và sự muốn”, khái niệm ngụy tín cũng nhấn mạnh đến sự tự do nằm ngay bên dưới trạng thái ngu ngơ, không suy nghĩ mang tính chất trốn tránh của Eichmann. Theo Sartre, khuynh hướng trốn tránh của chúng ta thực ra là để nhắm tới chính sự tự do: ngụy tín là sự chối từ tự do, thế nhưng bản thân sự chối từ ấy đã là một hành động tự do rồi. Việc Eichmann biện hộ trước tòa rằng “như là một kẻ ở cấp dưới nhận mệnh lệnh phải tuân theo, tôi không thể tránh được việc đó.” Nhưng đối với Sartre, sự bào chữa này chẳng khác gì một sự trốn tránh – dù nó mang tính chất bất cần đạo lý hay là tự lừa dối bản thân – cũng đã là một điều không phải sự thật, vì tự nó là một dấu hiệu của tự do.


Có thể giải thích được cái ác?

Bài viết này bắt đầu bằng câu hỏi: chúng ta có thể nghĩ về cái ác như thế nào? Đối với cá nhân tôi, ít nhất, đây là một câu hỏi gây nản chí, và tôi chắc chắn mình không có câu trả lời sáng rõ về vấn đề này. Ở trên, chúng ta đã thấy một số triết gia, nhà thần học và tâm lý học đã đưa ra những câu trả lời của mình xung quanh vấn đề cái ác. Từ những cách tiếp cận và quan điểm đa dạng, một câu hỏi quan trọng nổi lên hàng đầu được đặt ra: Rốt cục, có thể giải thích được cái ác?

Nhiều nhà tư tưởng mà chúng ta có nhắc đến đã lập luận cái ác là thứ không thể giải thích, mặc dù họ nêu ra điều này vì nhiều lý do khác nhau. Thường người ta có thể đọc ra một tư tưởng ngầm, theo đó, nỗ lực giải thích cái ác là dấu hiệu của sự thất bại trong việc hiểu bản chất cái ác: một kiểu sai về phạm trù, vì cái ác, đơn giản, không thuộc loại hiện tượng có thể lý giải. Augustine đã cái ác như là thứ phi tồn tại/phi hiện hữu: đó là sự thiếu cái tốt hơn là một phương diện bản chất xác thực. Theo định nghĩa này về cái ác, không có cái gì thật cần phải giải thích cả – mặc dù Augustine trên thực tế đã giải thích sự xa rời cái thiện, cái tốt của chúng ta bằng việc viện đến khái niệm tội tổ tông.

Đối với Kant, người mà tư tưởng triết học ít nhiều có sự đồng vọng với Augustine trên một số khía cạnh, việc tìm kiếm nguyên nhân của cái ác dường như là không hợp lý vì việc này hàm ý rằng cái ác thuộc về trật tự của tự nhiên vốn phụ thuộc vào các quy luật nhân quả. Nhưng cái ác là một phạm trù thuộc đạo đức (hiểu theo nghĩa nếu có cái gì đó không có khả năng về đạo đức thì nó cũng không phải là cái ác), và do đó, nó là một khái niệm thuộc về tự do con người mà theo Kant, là thứ tách khỏi luật nhân quả. Sartre cũng phát triển quan điểm này khi ông nói chính “ngụy tín” là thứ đã duy lý hóa hay lý giải hành động của chúng ta, vì chính nó dẫn đến sự khước từ tự do của chúng ta và sự trốn tránh trách nhiệm.

Từ quan điểm khoa học, sự khó khăn trong việc giải thích cái ác dẫn đến nghi ngờ về sự hữu ích của khá niệm. Simon Baron-Cohen muốn thay thế khái niệm bày bằng thuật ngữ “sự trống rỗng khả năng thấu cảm” hay “sự xói mòn năng lực thấu cảm”. Không giống như cái ác, sự thống cảm là thứ có thể trắc lượng được bởi các bác sĩ tâm lý và chuyên gia về thần kinh: nó nằm trong một bộ phận có hình giống như quả hạnh ở não người được gọi là amygdala, vốn nhỏ đến độ bất thường ở những người mà hành vi của họ cho thấy một sự thiếu khuyết năng lực cảm thông. Người ta cho rằng việc thiếu sự quan tâm hay bị lạm dụng trong thời gian thơ ấu có thể kìm hãm sự phát triển của amygdala. Theo sự kiến giải này, khi chúng ta càng tiến gần hơn trong việc lý giải sự tàn ác và hung hăng thì khái niệm cái ác lại càng trở nên đáng chất vấn hơn.

Tương tự Baron-Cohen, Philip Zimbardo – người tiến hành thí nghiệm nhà tù tại Đại học Stanford năm 1971- cho thấy ý niệm về kẻ ác độc thực ra không hữu ích, vì nó làm mờ đi những nhân tố thực chứng được để giải thích về cái ác của con người. Tuy mô hình về sự thấu cảm vẫn chỉ tập trung vào các cá nhân và cung cấp những kiến giải khoa học về quan điểm truyền thống về tính cách con người nhưng Zimbardo đã dịch chuyển trọng tâm vào những vấn đề chính trị và xã hội. Theo lập luận của ông, nghiên cứu mà ông tiến hành cho thấy chúng ta đã nhấn mạnh quá nhiều vào ý niệm về tính cách, bản chất của cái ác. Điều này, theo ông, là dấu hiệu của nền văn hóa thiên về chủ nghĩa cá nhân của chúng ta. Ông muốn nói đến những tình thế mà ở đó những người bình thường vốn tốt như chúng ta lại có thể xử sự tàn nhẫn và độc ác. Ông cho rằng những điều kiện được thực hiện một cách hệ thống bên trong nhiều thiết chế của chúng ta (những quan hệ tôn ti, những vai xã hội cứng nhắc, sự hợp pháp hóa bạo lực, sự đồng phục, sự vô danh) đều tạo ra một hiệu ứng phi nhân hóa cả thủ phạm lẫn nạn nhân.

Song phân tích của ông lại cũng đưa đến một thách thức mới đối với khái niệm “cái ác”. Chẳng phải chính khái niệm này có một sức mạnh phi nhân hóa – và, theo cách hiểu thông thường, nó hướng chúng ta đến bạo lực? Nếu vậy, thuật ngữ “cái ác” tự nó, mỉa mai thay, lại góp phần tạo nên những điều kiện làm xói mòn cảm thức của chúng ta về nhân phẩm và sự tổn thương của những con người khác, và khiến chúng ta treo lại những chuẩn mực thông thường về đạo lý. Chúng ta có thể thấy điều này khi vào năm 2002, George W. Bush đã mô tả Iraq, Iran và Bắc Hàn là “trục ác” – như thể ông ta đang lãnh đạo một cuộc thập tự chinh chống lại một lực lượng bóng tối không mặt, mang tính vũ trụ.

Quyền năng tu từ của từ “cái ác” chính là điều làm ta nhớ đến cụm từ trên sau hơn một thập niên. Từ quan điểm triết học, việc chúng ta chú ý đến sức mạnh ngôn từ là điều rất quan trọng, vì ngôn từ kiến tạo nên suy tưởng và thế giới mà chúng ta chia sẻ – nó đồng thời cũng có tiềm năng dẫn chúng ta đi chệch đường, lạc lối. Thực chất, điều này đưa chúng ta trở về với câu chuyện về Tội tổ tông. Điều này có thể sẽ không còn sức thuyết phục như một lời lý giải về tội lỗi con người. Nhưng, như Kierkegaard chỉ ra qua cách ông diễn dịch lại Sáng thế ký, nó nói với chúng ta điều gì đó về khả năng sử dụng ngôn từ để nhào nặn nên số phận đạo đức của loài người.

Câu hỏi của con rắn đối với Adam và Eve – “Thượng đế có nói rằng các ngươi không nên ăn cây tri thức không?” – là câu hỏi đầu tiên trong kinh thánh Do Thái. Nó đánh dấu khoảnh khắc khi một kẽ hổng đã xuất hiện giữa ngôn từ và hiện thực: trước sự kiện này, lời của Thượng đế tuyệt đối tương hợp với những sáng tạo của người. Đối với Kierkegaard, sự ra đời của ngôn ngữ và sự ra đời của tự do con người xuất hiện cùng nhau, và kẽ hổng này mở ra không gian của khả năng, của sự bất định, sự mơ hồ, cám dỗ và ham muốn. Giả sử con rắn trong câu chuyện này – con vật không đáng tin cậy, dối trá, lừa mị này – tượng trưng cho ngôn ngữ thì sao?

Có lẽ như hầu hết câu chuyện, sự tích này mở ngỏ cho sự diễn dịch (nó mơ hồ, trượt nghĩa, v.v…). Ít nhất, điều này khơi dậy câu hỏi liệu sự giải thích của chúng ta – trong đó có cả sự giải thích về cái ác – cho thấy tự do chỉ là một huyền thoại, hoặc nếu tự do không phải là huyền thoại thì việc né tránh, làm xói mòn nó, hay đơn giản là biểu đạt tự do của mình để tìm một sự lý giải khác thay cho những lý giải đã có cũng là huyền thoại. Khoa học đương thời đang đưa ra những giải thích thuyết phục về “cái ác”, từ đó gợi ý những cách ứng xử thực tế như điều trị thuốc thang hay cải cách hình phạt. Nhưng điều quan trọng là phải luôn giữ một thái độ biết phản tỉnh, suy tư bên ngoài diễn ngôn khoa học để những câu hỏi về ngôn ngữ, tự do, công lý và trách nhiệm đạo đức có thể được đặt ra và được thảo luận một cách thông minh. Nói khác đi, triết gia và các nhà thần học vẫn cần phải tiếp tục suy tư về cái ác.

Hải Ngọc dịch

Chủ Nhật, 10 tháng 9, 2017

VẪN CHƯA PHẢI LÀ SỰ CÁO CHUNG CỦA LỊCH SỬ?



Tác giả: Timothy Stanley & Alexander Lee | Biên dịch: Nguyễn Việt Vân Anh


Dù chúng ta có công nhận hay không thì đa số người phương Tây đều tin vào chủ nghĩa tự do. Chúng ta muốn đạt được quyền bình đẳng cho tất cả mọi người, xóa bỏ ranh giới chủng tộc, vừa tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng vừa bảo vệ quyền được phản đối. Đồng thời, chúng ta theo đuổi một hệ thống kinh tế có lợi cho tham vọng của cá nhân. Nhưng càng ngày người ta càng cảm thấy rằng chủ nghĩa tự do dường như không đạt được những gì mà nó đã hứa hẹn ngay chính tại phương Tây và cũng không được ưa chuộng như chúng ta mong muốn tại các quốc gia đang phát triển. Vấn đề ở đây chính là sự tự đại đã làm mờ mắt những người ủng hộ thuyết tự do, làm cho họ không trông thấy những vấn đề trong cuộc khủng hoảng đang làm mai một bản sắc của lí thuyết này. Điều này làm cho chủ nghĩa tự do không thể thích nghi được với những thách thức trong thế giới hiện nay.


Vào mùa hè cách đây 25 năm, Francis Fukuyama tuyên bố “sự cáo chung của lịch sử” và chiến thắng không thể chối cãi của nền dân chủ tư bản tự do. Lập luận của Fukuyama đơn giản là: nền dân chủ sẽ lấn át các loại hình nhà nước khác vì bản chất yêu chuộng hòa bình và thịnh vượng [của con người] sẽ thúc đẩy các quốc gia đi vào con đường tiến bộ – điều này là không thể tránh khỏi. Nếu một quốc gia – thậm chí là một quốc gia cộng sản – mong muốn đạt được độ thịnh vượng cao nhất có thể, quốc gia này phải áp dụng một số phương pháp của chủ nghĩa tư bản. Vì khả năng tạo ra thịnh vượng phụ thuộc vào sự bảo vệ tài sản cá nhân, những “yếu tố tư bản” dần rồi sẽ đòi hỏi quyền cá nhân được bảo vệ nhiều hơn trước pháp luật.


Cũng như nhiều nhà phê bình đã chỉ ra, logic của Fukuyama mang sắc thái gần giống như thuyết sử luận kiểu giả Hegel (pseudo-Hegelian historical determinism). Trong đầu thế kỉ 20, những nhà Mác-xít và Phát-xít đã vận dụng thuyết này và để lại nhiều hậu quả khủng khiếp. Tuy nhiên, khi bài báo của Fukuyama xuất hiện trên tờ The National Interest thì khó có thể không đồng tình với ông. Bức tường Berlin chuẩn bị sụp đổ, Liên Xô đang tan rã và cả thế giới đang háo hứng với sự nở rộ của thị trường tự do. Mọi thứ đều chỉ ra rằng chỉ có nền dân chủ tư bản tự do mới cho phép con người phát triển trong một thế giới ngày càng toàn cầu hóa, và chỉ có việc thúc đẩy nền kinh tế tư bản mới có thể đảm bảo một tương lai của các quốc gia tự do-dân chủ, không bị áp bức, tồn tại trong hòa bình và sung túc.


Với hoàn cảnh hiện tại thì Fukuyama không thể nào sai hơn. Lịch sử không hề cáo chung và chủ nghĩa tự do lẫn nền dân chủ cũng không hề tăng lên. Sự đồng thuận êm ái của phương Tây bắt nguồn từ lập luận của Fukuyama đang bị thách thức theo những cách mà chính Fukuyama cũng đã không dự báo được. Một cuộc Chiến tranh Lạnh mới đã nổ ra. “Chủ nghĩa tư bản Mác-xít” của Trung Quốc cho thấy rằng có thể đạt được sự thịnh vượng mà không cần đến tự do. Và sự thắng thế của phong trào Nhà nước Hồi giáo ISIS có thể là khởi đầu của một loại chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo kiểu mới hướng tới mẫu hình nhà nước.


Đáng lo ngại hơn nữa là mối liên hệ giữa chủ nghĩa tư bản, nền dân chủ và chủ nghĩa tự do – nền tảng chính trong lập luận của Fukuyama – bản thân nó cũng đã sụp đổ. Với cuộc khủng hoảng tài chính và sự đi xuống của kinh tế toàn cầu, ta càng thấy rõ rằng thịnh vượng không thể đạt được thông qua việc theo đuổi hệ thống kinh tế tư bản mở hay việc mở rộng không thể tránh khỏi của quyền tự do trong kinh tế. Thậm chí điều ngược lại có thể đúng. Như Thomas Piketty đã lập luận trong quyển Capital in the Twenty-First Century (Tư bản trong Thế kỷ 21), thị trường tự do không chỉ làm tăng khoảng cách giàu nghèo, mà còn làm suy giảm thu nhập trung bình tại các nước phát triển lẫn đang phát triển. Tại các nước bị thiệt hại nặng nề nhất từ suy thoái kinh tế – như Hi Lạp hay Hungary, các cử tri đã quay lưng lại với chính khái niệm chủ nghĩa tự do mà Fukuyama tin tưởng rằng họ sẽ đón chào nồng nhiệt. Trên khắp châu Âu, chủ nghĩa can thiệp kinh tế, chủ nghĩa dân tộc, thậm chí là chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, đang thu hút được nhiều cử tri hơn những những người ủng hộ tự do, phi điều tiết hay bình đẳng trước pháp luật. Nền dân chủ tư bản tự do không hề chiến thắng. Thậm chí, những thất bại của chủ nghĩa tư bản đã biến nền dân chủ thành kẻ thù của chủ nghĩa tự do. Thêm vào đấy, bản sắc tư tưởng nền tảng của chủ nghĩa tự do đang bị tấn công mạnh mẽ.


Dự cảm thấy rằng lập luận khổng lồ của Fukuyama đang gặp phải một trở ngại lớn, những lí thuyết gia của chủ nghĩa tự do cố gắng làm mọi cách để cho con thuyền này không bị đắm. Hàng loạt đầu sách được xuất bản nhằm thổi một luồng gió mới vào chủ nghĩa tự do. Trong số này có quyển Inventing the Individual của Larry Siedentop và Liberalism: The Life of an Idea của Edmund Fawcett là nổi bật hơn cả. Cả hai đều thừa nhận những điểm yếu trong lập luận của Fukuyama đã được bộc lộ trong những sự kiện gần đây. Cả hai đều thừa nhận những trở ngại mà chủ nghĩa tự do đang mắc phải. Nhưng thay vì đề cập trực tiếp đến những trở ngại này, họ lại tìm về quá khứ để tự an ủi. Thông qua việc gọi một tập hợp tùy tiện các tư tưởng là “tự do”, họ cố chứng tỏ rằng chủ nghĩa tự do đã từng chiến thắng nhiều tư tưởng đối nghịch trong nhiều thế kỉ qua. Họ đang cố vẽ nên một câu chuyện mới để chứng minh rằng chủ nghĩa tự do là chính đáng. Vì những tư tưởng “tự do” đã chiến thắng, Siedentop và Fawcett lập luận rằng chủ nghĩa tự do là đúng đắn, dù rằng hiện nay có đang gặp khó khăn nhưng rồi vẫn sẽ chiến thắng về sau.


Các nhà lãnh đạo từ nhiều cực chính trị nhanh chóng chấp nhận lập luận mang nặng tính sử luận này. Tại Anh Quốc, chính phủ trung hữu của David Cameron rất tự hào rằng mình theo chủ nghĩa tự do. Chính phủ này cũng không ngần ngại sử dụng lịch sử để nhào nặn một thế hệ cử tri mới theo mẫu hình của chủ nghĩa tự do. Đầu năm nay, cựu bộ trưởng giáo dục của chính quyền này là Michael Gove rao giảng rằng Chiến tranh thế giới lần thứ nhất là ví dụ của việc những giá trị tự do chiến thắng chủ nghĩa tiền phát-xít của Đức. Đây là “bằng chứng” biện minh cho tính chính đáng không thể chối cãi của loại chủ nghĩa tự do quân sự mà phái bảo thủ mới rất ưa chuộng.


Gần chúng ta hơn chính là Hillary Clinton – người hiện giờ đang trong giai đoạn đầu tiên của cuộc tranh cử úp mở vào Nhà Trắng – đã áp dụng một loại tầm nhìn tương tự trong lĩnh vực đối ngoại. Nhìn nhận những lí tưởng của các nhà lập quốc thông qua một lăng kính màu hồng, bà Clinton đã nhẹ nhàng tách mình ra khỏi chủ nghĩa hiện thực thận trọng của ông Barack Obama. Bà sử dụng khéo léo những liên hệ đến quá khứ để biện minh cho việc “xuất khẩu” những giá trị tự do ra toàn cầu thường xuyên nhất có thể. Theo luận điểm này, vì lịch sử đã chứng minh rằng chủ nghĩa tự do thật tuyệt vời thông qua những chiến thắng trong lịch sử trước cường quyền, chủ nghĩa tự do sẽ lại chiến thắng nếu chúng ta cố gắng ủng hộ và chiến đấu vì nó.


Nhưng dù dạng thức sử luận tự do mới này nghe có một chút xuôi tai thì nó cũng khó có thể thuyết phục được ai. Thay vì thừa nhận điểm yếu trong lập luận ban đầu của Fukuyama, Siedentop, Fawcett, Cameron và Clinton đều khơi dậy lập luận sử luận cũ kĩ, có khác chăng thì chỉ là không đề cập đến khía cạnh kinh tế. Lập luận của họ cũng kém thuyết phục như của Fukuyama.


Chính Karl Popper – triết gia vĩ đại theo trường phái tự do – là người đầu tiên chỉ ra khuyết điểm của thuyết sử luận trong vai trò một dạng biện minh chính trị trong tác phẩm đã đánh tan nát thuyết định mệnh luận Mác-xít và phát-xít của mình. Mỉa mai thay, lập luận tương tự bây giờ lại có thể áp dụng cho chính chủ nghĩa tự do – trường phát mà Popper bảo vệ. Nếu đi theo lập luận của Popper, ta có thể thấy rằng có ít nhất 2 vấn đề logic nghiêm trọng trong cách tiếp cận sử luận đối với chủ nghĩa tự do.


Thứ nhất, đó là lập luận cho rằng bất cứ ai thể hiện, ở bất kì mức độ nào, sự công bằng hay sự quan tâm đối với lương tri của cá nhân đều là người theo chủ nghĩa tự do. Việc cho rằng lịch sử tiến bộ của con người đã phát triển theo một đường thẳng nối giữa Thánh Paul sang Luther, sang các triết gia của Kỉ nguyên Ánh sáng, sang Lloyd George và Jack Kennedy, là rất vô lí. Tất cả những người này đều có một định nghĩa riêng về tự do và mục đích của tự do.


Thứ hai, việc cho rằng có một “định luật lịch sử” quyết định sự phát triển của xã hội là hão huyền. Nếu như thật sự có sự lặp đi lặp lại nào đó trong quá khứ mà ở đó có thể xem tư tưởng “tự do” đã “chiến thắng”, thì không thể kết luận gì hơn ngoài việc tò mò về mô hình này. Điều này không thể chứng minh được gì về bản chất của chủ nghĩa tự do và cũng không thể dùng để tiên đoán tương lai. Nó chỉ có thể cho chúng ta biết những điều đã xảy ra trong quá khứ. Việc tìm ý nghĩa hay khả năng tiên đoán tương lai từ những mô hình trong quá khứ thì thật ra chẳng khác nào xem bói qua bã trà.


Những khuyết điểm của cách tiếp cận sử luận trong chủ nghĩa tự do đã chỉ ra rằng, chủ nghĩa tự do đang cố gắng vực dậy từ khủng hoảng hậu-Fukuyama vì chính những người bảo vệ chủ nghĩa tự do quá lười biếng. Siedentop, Fawcett, Cameron và bà Clinton đều giả định rằng ai có một tí lí trí là phải theo chủ nghĩa tự do. Vì vậy không cần phải bảo vệ chủ nghĩa tự do trước những yếu kém vốn có. Nhưng dù tự vỗ vai bao nhiêu đi chăng nữa thì cũng không thể thuyết phục được những người bất đồng ý kiến. Chính vì sự ngạo mạn trong khoa học này mà ta không ngạc nhiên khi thấy phần lớn thế giới từ bỏ họ. Ta cũng không ngạc nhiên khi thấy người khác từ chối lắng nghe lời cố vấn khôn ngoan của những người theo chủ nghĩa tự do khi thị trường thì đang sụp đổ và các khoản tiết kiệm cả đời đang bị đe dọa bởi các tai nạn của nền kinh tế tư bản thị trường tự do.


Nếu như chủ nghĩa tự do muốn sống sót và phát triển thì phải thoát khỏi lập luận của Fukuyama và thuyết sử luận. Nó phải được định nghĩa lại và bảo vệ lại. Điều này dẫn đến câu hỏi chủ nghĩa tự do thật sự là gì – điều đáng chú ý là nhiều người theo chủ nghĩa tự do đã bỏ qua bước này, tưởng như nó không quan trọng. Trong ấn phẩm gần đây của Foreign Policy xoay quanh việc đánh giá lại di sản của Fukuyama, vấn đề “bản sắc chủ nghĩa tự do” chưa được giải quyết vẫn hiển hiện. Việc hết bài viết này đến bài viết khác thất bại trong việc bảo vệ chủ nghĩa tự do trước chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa dân túy chính là vì chúng không đưa ra được cách hiểu rõ ràng, thuyết phục về chủ nghĩa tự do hậu-Fukuyama nào. Ta không thể bảo vệ chủ nghĩa tự do trước những phản biện nếu không làm rõ ra rằng chủ nghĩa tự do ủng hộ điều gì. Ta cũng không thể thuyết phục những người còn nghi ngờ nếu như bản thân những người theo chủ nghĩa tự do cũng không thể nói được rằng tư tưởng mới này là gì và nó khác gì so với mớ hỗn độn chẳng đem lại cảm hứng gì của Fukuyama và những người theo sau Fukuyama.


Vì bị bủa vây bởi những câu nói ngớ ngẩn, lảm nhảm và tối nghĩa của các bình luận viên chính trị hiện nay, ta có thể dễ dàng quên mất rằng chủ nghĩa tự do chính là sự cam kết đối với tự do. Ở gốc rễ, tự do là một khái niệm bắt nguồn từ con người cá nhân. Đó là sự tự do được là những gì mình muốn, giúp phát triển đầy đủ những tiềm năng của cá nhân, trở thành một con người có khả năng sáng tạo và khả năng tự đưa ra những đánh giá về giá trị cho chính bản thân mình.


Đúng là tự do đương nhiên có thể được hiểu theo nhiều cách. Theo như quan sát của Isaiah Berlin, còn có tự do tích cực (positive liberty) – tự do được làm điều gì đấy, và tự do tiêu cực (negative liberty) – tự do được thoát khỏi điều gì đấy. Tùy theo hoàn cảnh mà loại tự do nào có giá trị quan trọng hơn. Tuy cách phân biệt này rất phổ biến trong triết học chính trị kể từ sau Chiến tranh Thế giới lần thứ hai, việc xem lại những bài viết của Voltaire và tác phẩm của nhóm Bách khoa gia Pháp (Encyclopédistes) vào thế kỉ 18 sẽ nhắc cho chúng ta nhớ lại rằng tự do trong nghĩa thuần khiết nhất- cả tiêu cực lẫn tích cực – là sự hiện thực hóa nhân phẩm vốn có của con người.


Đây không hề là những lời hoa mỹ. Khái niệm nhân phẩm có 2 ý nghĩa quan trọng, thậm chí được Cicero thừa nhận vào tận thế kỉ thứ nhất trước công nguyên, mà hiện nay đang bị quên lãng. Thứ nhất, chúng ta cùng chia sẻ một mức nhân phẩm: không một ai có ít tiềm năng hơn người khác và nhân phẩm của một người không thể ít hơn người khác. Thứ hai, vì chúng ta là con người nên chúng ta có cùng những nhu cầu cơ bản. Theo bản chất, chúng ta cần thức ăn, chốn ở, quần áo, sự an toàn, và một loạt những loại sản phẩm cần cho sự sống còn khác. Mặc dù nghe rất đơn giản, những ý nghĩa này có tác động quan trọng khi chúng ta xem xét làm cách nào tích hợp tự do cá nhân vào các thiết chế xã hội và chính trị. Để tự do của mỗi cá nhân được duy trì và mở rộng, những nền tảng qui tắc về sự công bằng và những lợi ích chung phải được ghi nhận trong nền tảng của cấu trúc xã hội. Vì xã hội được xây dựng dựa trên luật, luật lệ phải thể hiện những tư tưởng này. Sống trong sự tự do tức là sống theo những điều luật dựa trên sự công bằng và lợi ích chung. Nếu như pháp luật đi chệch dù một ít ra khỏi nền tảng này, thì pháp luật trở thành công cụ của các nhóm lợi ích và lợi ích tư. Như vậy, nền tự do sẽ bị mất đi.


Tuy nhiên, nền tự do nói trên sẽ phải phụ thuộc vào đạo đức của công dân, đặc biệt là các quan chức. Mặc dù luật lệ kiến tạo nên xã hội, chính ý chí của những người quản lí và công dân mới là động lực và sắc thái của nó. Chỉ khi mọi người công nhận nhân phẩm của từng cá nhân, họ mới công nhận giá trị tự có của sự công bằng và lợi ích chung. Chỉ khi đấy họ mới cố gắng phấn đấu bảo vệ không chỉ tự do của riêng mình, mà của tất cả những người khác thông qua luật pháp. Nếu cam kết đối với nền tự do sụp đổ, xã hội trở thành một khu rừng mà thân ai lo cho người đấy, lợi ích cá nhân hoàn toàn sẽ chi phối, luật pháp không còn công minh và sự độc tài sẽ chiến thắng tự do.


Tóm lại, nền chính trị tự do phải là một nền chính trị đạo đức. Chủ nghĩa tự do sẽ không có tác dụng nếu đặt nặng vấn đề tự chủ cá nhân lên trên lợi ích của người khác. Chủ nghĩa tự do cũng sẽ không có tác dụng nếu bị phụ thuộc quá nhiều vào chủ nghĩa vật chất và chủ nghĩa tiêu thụ. Mô hình của Fukuyama là pha trộn giá trị tự do với lợi ích kinh tế cá nhân. Mô hình này nếu không được kiểm soát sẽ gây hại cho xã hội như trong những năm gần đây. Thay vào đó, một mô hình đặt nặng nhân phẩm cho phép một dạng chính trị có ý nghĩa tích cực hơn – tự bản thân nó chiến đấu để tồn tại. Thay vì thuyết phục bản thân cứ yên tâm rằng chủ nghĩa tự do cuối cùng rồi sẽ chiến thắng, một khái niệm tự do dựa trên nhân phẩm chấp nhận rằng sự thành công của nó không phải là chắc chắn. Mỗi chúng ta mong muốn được tự do ở tầm cá nhân, nhưng tự do cá nhân lại phụ thuộc vào tự do của cả tập thể. Điều này có nghĩa rằng chúng ta đều phải bám lấy nhân tính chung, nhân phẩm chung.


Như vậy, nếu chủ nghĩa tự do có tương lai, thì tương lai đó không phụ thuộc vào thuyết sử luận của Fukuyama hay như gần đây là của Siedentop, Fawcett và Clinton, mà phụ thuộc vào mỗi chúng ta. Tương lai này không phụ thuộc vào kinh tế hay là nhưng đợt sóng của lịch sử. Nó phụ thuộc vào việc công nhận giá trị nhân văn trong mỗi con người.


Bản gốc tiếng Anh: The Atlantic

Chủ Nhật, 9 tháng 7, 2017

“Đạo bất đồng bất tương vi mưu”





Khổng Tử từng đến kinh đô nước Chu, thỉnh giáo Lão Tử về Lễ chế. Một ngày, Khổng Tử cưỡi một chiếc xe cũ do trâu kéo, lắc la lắc lư tiến vào thành Lạc Dương – kinh đô của nước Chu. Ông đi lần này mục đích là để tham quan “Các nguyên tắc trị nước mà các vị Tiên vương đã dùng”, khảo sát “Nguồn gốc của Lễ Nhạc”, học tập “Các quy phạm đạo đức”, bởi vậy việc ông tới viếng thăm Lão Tử, vị quan tinh thông chế độ Lễ nghi và quản lý thư viện hoàng gia, ấy là an bài tối quan trọng [của Thiên thượng]. Khổng Tử sau khi hoàn thành việc khảo sát lần đó, đã nói một câu lưu truyền đời sau rằng: “Trong số rất nhiều học thuyết trên đời, ta chọn theo [học thuyết của] nhà Chu”. Chế độ Lễ nghi thời đại nhà Chu là phỏng theo Lễ chế thời đại nhà Hạ và nhà Thương làm cơ sở mà đặt định ra, và Khổng Tử chủ trương sử dụng Lễ chế của thời đại nhà Chu. Có thể thấy chuyến đi lần ấy của ông thu được ích lợi không hề nhỏ.

Khổng Tử bái kiến Lão Tử. Lão Tử hỏi Khổng Tử đọc sách gì, ông trả lời là đọc “Chu Dịch”, và Thánh nhân đều đọc sách này. Lão tử nói: “Thánh nhân đọc sách này thì được, còn ông vì sao cần phải đọc nó? Tinh hoa của quyển sách này là gì?”.

Khổng Tử trả lời: “Tinh hoa của nó là tuyên dương Nhân Nghĩa“.

Lão Tử nói: “Cái gọi là nhân nghĩa, đó là một thứ mê hoặc lòng người, giống như như muỗi rận ban đêm cắn người, chỉ có thể làm người ta thêm hỗn loạn và phiền não mà thôi. Ông xem, con chim Thiên nga kia không cần tắm rửa mà lông vũ tự nhiên vẫn trắng như tuyết, Quạ đen hàng ngày không nhuộm lông mà tự nhiên vẫn đen. Trời vốn là cao, đất vốn là dày, mặt trời mặt trăng từ trước tới nay đã phát ra ánh sáng rực rỡ, tinh thần từ trước tới nay chính là đã được an bài có trật tự, cây cỏ từ lúc sinh ra thì đã khác nhau. Nếu như ông tu Đạo, vậy cũng thuận theo quy luật tồn tại của tự nhiên, tự nhiên là có thể đắc Đạo. Tuyên dương những thứ nhân nghĩa để làm gì đây? Chẳng phải điều đó cũng đáng tức cười như việc vừa đánh trống vừa đi tìm một con dê thất lạc hay sao?”

Lão Tử lại hỏi Khổng Tử: “Ông cho rằng tự mình đắc Đạo rồi chưa?”.

Khổng Tử nói: “Tôi đã tìm cầu 27 năm rồi, vẫn chưa đắc được”.

Lão Tử nói: “Nếu như Đạo là một thứ hữu hình có thể tìm kiếm và dâng hiến cho con người, thì người ta sẽ tranh giành nó đem dâng tặng cho quân vương. Nếu như Đạo có thể đem tặng cho người khác, thì người ta sẽ đem tặng nó cho người thân. Nếu như Đạo có thể giảng rõ ra được, người ta sẽ đem nó giảng giải cho anh em của mình. Nếu như Đạo có thể truyền thụ cho người khác, thì người ta đều sẽ tranh nhau truyền nó cho con cái mình. Song những chuyện như thế là không thể được. Nguyên nhất rất đơn giản, Đạo ấy chính là thứ mà một người bình thường không thể nhận thức một cách chính xác được, Đạo tuyệt đối sẽ không thể nhập vào tâm của người thường được”.

Khổng Tử nói: “Tôi nghiên cứu ‘Thi Kinh’, ‘Thượng Thư’, ‘Lễ’, ‘Nhạc’, ‘Dịch’, ‘Xuân Thu’, giảng nói đạo lý trị quốc của các vị tiên vương, hiểu rõ con đường thành công của Chu Công, Triệu Công. Tôi đã lấy đó để bái kiến 70 quân vương, nhưng họ đều không chọn dùng chủ trương của tôi. Xem ra người ta thật là khó thuyết phục được!”.

Lão Tử nói: “Ông nói ‘Lục Nghệ’ ấy tất cả đều là những thứ xưa cũ của thời đại các tiên vương, ông nói những thứ đó để làm gì đây? Thành tựu tu học mà ông đạt được hôm nay cũng đều là những thứ xưa cũ rồi”.

Khổng Tử thỉnh giáo xong Lễ chế nhà Chu, liền quyết tâm trở về nước Lỗ khôi phục lại nguyên xi Lễ nghi của nhà Chu. Lão Tử đối với việc này vẫn bảo lưu ý kiến. Bởi vì Lễ tuy là cần phải có, nhưng muốn khôi phục toàn diện Lễ nghi nhà Chu, e rằng không thể làm được. Thời thế thay đổi, chút Lễ nghi nhà Chu ấy cũng không thích hợp với tình huống đương thời nữa. Vì vậy Lão Tử nói với Khổng Tử: “Ông theo lời những người đó, xương cốt của họ đều đã mục nát cả rồi, chỉ là những lời bàn luận của họ là còn tồn tại mà thôi. Hơn nữa quân tử gặp được thời cơ chính trị 1 thì liền theo chính, thời cơ không thích hợp thì cũng như cây cỏ bồng kia gặp sao yên vậy. Tôi nghe nói: Người giỏi kinh doanh đem cất giấu của cải hàng hóa, không cho người thác trông thấy, mặc dù giàu có nhưng dường như cái gì cũng không có. Người quân tử Đức cao thường bề ngoài cũng giống như người ngu độn, không để lộ chân tướng ra ngoài. Ông cần phải vứt bỏ tâm kiêu ngạo và dục vọng, vứt bỏ tâm thái và thần sắc mà ông đang có kia đi, vứt bỏ chí hướng quá truy cầu kia đi, bởi vì những thứ này đối với ông chẳng có chỗ nào tốt cả. Đó chính là những gì mà tôi muốn cho ông biết”.

Khổng Tử không biết nên trả lời ra sao, nhưng vẫn không buông bỏ chí hướng của mình: Đại trượng phu “biết rõ những việc không thể làm mà vẫn làm”. Tham quan xong các địa phương khác, Khổng Tử cáo từ Lão Tử, mang theo trong lòng những nỗi niềm phấn khởi xen lẫn với thất vọng mà rời kinh đô Lạc Dương của nhà Chu. Phấn khởi là vì học hỏi lễ giáo đã thành công, thất vọng là vì những lời khuyến cáo của Lão Tử. Phía sau lưng ông, một bia đá được dựng lên ghi lại mấy chữ: “Khổng Tử đến đất Chu học hỏi lễ nghi”.

Khổng Tử trở về, 3 ngày không nói chuyện. Tử Cống thấy kỳ lạ, bèn hỏi thầy chuyện là thế nào. Khổng Tử nói: “Chim, ta biết nó có thể bay; cá, ta biết nó có thể bơi; thú, ta biết nó có thể chạy. Có thể chạy thì ta có thể dùng lưới giăng bắt nó, có thể bơi thì ta có thể dùng dây tơ mà câu, có thể bay thì ta có thể dùng cung tên bắn được nó. Còn như con rồng, ta không biết nó làm sao có thể lợi dụng sức gió mà bay tới tận trời cao. Ta hôm nay gặp mặt Lão Tử, ông ấy cũng như con rồng kia thâm sâu không thể đo lường nổi!”.

Đó chính là sự khác nhau cơ bản giữa một Giác Giả độ nhân và một nhà tư tưởng của nhân gian. Cái gọi là “Đạo bất đồng bất tương vi mưu” (Tạm dịch: không cùng một trình độ tu Đạo thì tâm cảnh cũng khác nhau xa), chính là tình huống như thế này. Đạo lý của Lão Tử vi diệu khó có thể hiểu nổi, bởi vì ấy là lời giáo huấn của Thần. Lời của Khổng Tử chẳng qua chỉ là học vấn của con người, là quy phạm đạo đức và hành vi của loài người mà thôi.

Bất Danh

Thứ Bảy, 18 tháng 3, 2017

TỰ DO ĐẦU TIÊN VÀ CUỐI CÙNG


Phạm Công Thiện dịch




Khắp thế giới không ai còn lạ gì tên tuổi Krishnamurti. Từ nửa thế kỷ nay, Krishnamurti đã đi lang thang cô độc khắp trái đất, đã kêu gọi mọi người giải phóng khỏi mọi nô lệ ràng buộc trong đời sống đau thương này.Tiếng nói của Krishnamurti là tiếng nói lặng lẽ của một con người đã tự giải phóng bản thân, của một con người đã trải qua tất cả mọi đau đớn không cùng, đã sống một triệu mùa ở hỏa ngục, đã tự giải thoát và nhìn thấy được Thực Tại toàn diện của đời sống, ca ngợi giòng đời vô tận, ngây ngất với tiếng cười lặng lẽ của mười triệu năm hư vô trong đêm tối nặng trĩu trái đắng mật đen.


Krishnamurti đã được nhân loại nhận là hậu thân của Phật Thích Ca và Chúa Giê su; Krishnamurti đã được mấy trăm triệu người ở thế giới tôn lên ngôi vị đấng Đạo Sư, bậc Giáo Chủ của nhân loại, thế mà Krishnamurti đã giải tán hết mọi tôn giáo, tổ chức, đã phủ nhận tất cả tín điều, đã phá hủy hết mọi triết lý và ý thức hệ, đã đập vỡ hết mọi thần tượng và, trên năm mươi năm trời đã một mình bước đi lang thang khắp nẻo đường trần gian, không tiền, không bạc, không hành lý, không gia đình, không quê hương, không truyền thống, chỉ một mình và chỉ đi một mình, cô đơn, cô độc, sống tràn trề, sống bất tận, sống vỡ bờ như một thác nước ào ạt, tuôn chảy mãnh liệt nhưng vẫn trầm lặng, nói rất nhiều mà vẫn im lặng, đi rất nhiều mà vẫn tịch nhiên bất động, gắn kết đời sống mà vẫn cưới hỏi sự chết, chết và sống giao nhau trên cung cầm thiên thu, sống và chết giao nhau trong đôi mắt sâu thẳm của Krishnamurti, trong tiếng nói thê thiết của Krishnamurti, một con người đã chết trong sự sống và đã sống trong sự chết, một con người đã không còn là con người nữa, vì đã vượt lên trên con người, đã chìm xuống tận hố thẳm của hư vô và bay cao lên đến tận đỉnh trời để trở về cuộc đời trần thế, tìm thấy Người Yêu mình trên những núi xanh lơ, tìm thấy Người Yêu mình trong dòng nước rực ngời của đại dương, tìm thấy Người Yêu mình trong con suối sủi bọt, tìm thấy Người Yêu mình trong ao nước in trời, tìm thấy Người Yêu mình trong thung lũng mây cao, tìm thấy Người Yêu mình trong cơn khói trời chiều, trong thôn xóm hoàng hôn, trong ngọn cây trắc bá, trong cổ thụ lâu đời, trong bụi cây ôm đất, trong cành lá cheo leo, trong cánh đồng nuôi chim, trong hải ngạn sóng vỗ, trong rặng dương đùa gió, trong bóng chiều mây phủ, trên dòng nước buổi chiều, dưới bóng sao, trong đêm thâu, trong ánh trăng, trong sự tĩnh mịch trước bình minh, trong tiếng ru cây lá, trong tiếng chim kêu buổi sáng…


Chúng ta hãy cùng ca với Krishnamurti bài ca tình yêu :


….Trong những hải đảo xa xôi xanh thẫm
Trên giọt sương mong manh
Trên con sóng vỡ bụi
Trên ánh nước lung linh
Trên cánh chim tung trời
Trên lá non đầu xuân
Người sẽ nhìn thấy nét mặt Người Yêu của ta
Trong đền điện linh thiêng
Trong vũ trường mê đắm
Trên nét mặt thánh thiện của tu sĩ
Trong bước đi lảo đảo của người say rượu
Nơi những gái điếm giang hồ và những trai tân trinh nữ
Ngươi sẽ gặp Người Yêu của ta.


Tôi đã giữ lại một tên người, một tên nổi hẳn lên, đối nghịch lại với tất cả những gì ám muội, khả nghi, hỗn tạp; đối nghịch lại những gì nặng nề sách vở từ chương, đối nghịch lại những gì trói buộc thúc phược; đó là tên Krishnamurti. Đây là một con người của thời đại chúng ta, một người mà chúng ta có thể nói là bậc thầy, đạo sư, người làm chủ thực tại. Ông đứng một mình một cõi. Không thể nào thấy được bất cứ người nào trên đời này đã hy sinh quên mình, từ bỏ, chối bỏ mọi sự, chối bỏ hết như là Krishnamurti đã thể hiện trong đời sống ông, tôi không thể nghĩ ra người nào đã có thể hành động hơn Krishnamurti, ngoại trừ đấng Christ. Căn nguyên nền tảng tư tưởng Krishnamurti rất là giản dị đến nỗi chúng ta có thể hiểu được lý do tại sao những lời lẽ hành động trực tiếp minh bạch của ông đã bị hiểu sai và đã gây ra bao nhiêu hỗn tạp đáng buồn. Loài người vẫn tầm thường như thế, họ luôn luôn chấp nhận một cách miễn cưỡng những gì có vẻ dễ hiểu giản dị. Óc ngoan cố ương ngạnh của họ còn thâm hiểm hơn tất cả mưu mẹo lừa đảo của ma quỷ, vì thế, họ đã bỏ quên, không chịu nhận ra những quyền hạn thiên phú có sẵn trong bản thể họ; họ chỉ đòi hỏi được giải thoát hay được cứu rỗi qua một trung gian môi giới nào đó; họ chỉ mải miết chạy đi tìm kiếm những người hướng dẫn, những kẻ chỉ đường dẫn lối, những vị cố vấn khuyên giải, những kẻ lãnh đạo, lãnh tụ, những hệ thống lập trường, những nghi lễ hình thức tế toái…Họ chỉ thích tìm kiếm những thứ ấy, họ chỉ muốn tìm những sự giải quyết, những đáp số, mà họ không biết rằng tất cả những đáp số đã nằm sẵn trong lòng họ rồi.Họ đặt sự học vấn trí thức lên trên cả sự thông minh tâm hồn; họ đặt quyền thế cường lực lên trên cả tài nghệ biện biệt tế nhị. Nhưng điều đáng lo ngại nhất và đáng nói trước hết là họ không chịu tự mình giải phóng giải thoát cho mình; họ không chịu cứu lấy bản thân mà cứ luôn luôn vờ vĩnh bày đặt chuyện cứu vớt thế giới, thế gian, thế nhân, vân vân. Họ bảo rằng thế giới “thế gian” phải được giải phóng trước đã, rồi mới nói chuyện giải phóng cá nhân.Thế mà biết bao nhiêu lần rồi Krishnamurti đã nhắc nhở rằng vấn đề thế giới chỉ là dính liền mật thiết với vấn đề cá nhân; cá thể và tập thể đều chỉ đồng nhất thể. Chân lý luôn luôn hiện diện, luôn luôn xuất hiện trước mặt chúng ta. Sự vĩnh cửu, bất diệt, thiên thu, vĩnh viễn nằm ngay tại đây, nằm ngay bây giờ, ngay giờ phút hiện tại. Và giải thoát ư ? Ồ, hỡi ngài, ngài muốn giải thoát cái gì ? Giải thoát bản ngã nhỏ bé bần tiện của ngài ư ? Linh hồn của ngài ư ? Diện mục của ngài ? Hãy đánh mất nó đi thì ngài sẽ tìm thấy lại mình. Đừng bận tâm lo nghĩ Thượng Đế – cứ để Thượng Đế tự lo cho Thượng Đế. Hãy tôi luyện những nghi vấn ngờ vực, hãy ôm lấy mọi thứ kinh nghiệm của đời sống, hãy tiếp tục thèm muốn khao khát, cố gắng đừng quên cũng đừng nhớ, hãy luôn luôn đón nhận và thể nhập tất cả những gì mình đã được thể nghiệm trong dòng đời tuôn chảy….


“Con người là kẻ tự giải phóng bản thân”. Phải chăng đó là đạo lý tối thượng của đời sống ? Biết bao nhiêu bậc hiền nhân trác việt đã nhắc nhở và đã thể hiện bao lần giữa lòng đời. Họ là những bậc đạo sư, những con người đã làm lễ cưới với đời sống, chứ không phải với những nguyên tắc, luật pháp, tín điều, luân lý, tín ngưỡng. “Những bậc đạo sư đúng nghĩa thì chẳng bao giờ bày đặt ra lề luật, hay giới luật, họ chỉ muốn giải phóng con người”, (Krishnamurti).


Điều làm nổi bật Krishnamurti và nói lên sự khác nhau giữa Krishnamurti và những bậc giáo chủ vĩ đại trong lịch sử là sự trần truồng tuyệt đối của tâm hồn ông. Ông chỉ giữ lại cho mình một chỗ đứng độc nhất : một con người , với ý nghĩa giản dị đơn sơ của con người.


Mang lấy xác thịt mảnh khảnh của con người, ông nương tựa trọn vẹn vào tâm linh, đồng thời ý thức rằng tâm linh và thể xác chỉ là một, không khác nhau.


Ông chỉ giữ lấy một sứ mệnh độc nhất là tước bỏ con người ra ngoài tất cả những huyền tưởng, ảo giác, phá hủy cho sụp đổ tất cả chống nạng giả tạo của những lý tưởng, những tín ngưỡng, ngẫu tượng, phá hủy tất cả mọi hình thức chống đỡ con người, để trả con người trở lại sự tôn nghiêm trọn vẹn, sức mạnh vẹn toàn của nhân tính. Người ta thường gọi ông là “Đấng Đạo Sư của Thế Gian”. Nếu có người xứng đáng được gọi danh hiệu như thế thì người ấy chính là Krishnamurti. Đối với tôi, điều quan trọng nhất trong thái độ tâm linh của Krishnamurti là ông không bao giờ muốn chúng ta coi ông như là bậc đạo sư, như một bậc thầy, mà chỉ muốn là một con người, với tất cả ý nghĩa đơn giản thông thường của hiện thể.
(Henry Miller)

Thứ Ba, 13 tháng 12, 2016

Ba « cái tôi »








Quay vào nội tâm của mỗi người, đa số hành vi của con người có thể được hiểu qua lăng kính của ba "cái tôi" khác biệt :


1) Cái tôi phi hữu,

không còn hiện hữu trong hiện tại. Nó là cái tôi "đã là" hay "sẽ là".
Thí dụ : một ông bộ trưởng thời trước 75, chạy tỵ nạn qua Mỹ, thất nghiệp. Vợ dạy : « đi làm bồi bàn kiếm ăn ! ». Ông bảo : tôi đường đường là một bộ trưởng không lẽ lại làm bồi bàn ?
Thí dụ khác : một ông công chức làng nhàng thời nay không biết đấu hót sao đó, nghĩ mình sắp lên bộ trưởng. Vợ sai : « sách giỏ đi chợ ! » Ông bảo : ta đường đường là một bộ trưởng tương lai, không lẽ ...


2) Cái tôi thường hữu :

Là cái tôi bị quy định. Nó là cái nó là, không thể là gì khác. Như tảng đá là tảng đá, cây ổi là cây ổi, Đạt Lai Lạt Ma là Đạt Lai Lạt Ma. Có nhiều yếu tố quy định cái tôi ấy, như : di truyền, văn hóa, giáo dục, môi trường sinh sống, tương quan xã hội v.v... Thí dụ : Đạt Lai Lạt Ma (DLLM) lúc nào cũng mang một bộ mặt, một giọng nói, thậm chí nội dung những gì ông nói, chỉ nghe vài chữ đầu là biết ngay phần còn lại. DLLM không thể làm cho chúng ta ngạc nhiên. Y hệt như anh lính gác lăng cụ Hồ. Mọi cử chỉ động tác của anh ta, cách đi qua đi lại, nâng súng hạ súng, vung tay đá chân, v.v... đều đã được quy định từ trước.


3) Cái tôi tự hữu :

Không bị quy định. Nó « là cái nó không là và không là cái nó là ». Nó hiện hữu tự nó. Một ông bộ trưởng mặc quần xà lỏn áo thung ngồi nhậu ở quán cóc đầu đường chẳng hạn. Hay DLLM lên sân khấu nhảy rock, hát nhạc Mickael Jackson ... Tính Nhân Bản nằm ở cái tôi này : cục đá, con chó, cây ổi, không thể trở thành cái gì khác, con người thì có thể làm chuyện ấy. Vì thế, trong giao tiếp thường ngày, khi DLLM nói đùa một câu, người ta lập tức thấy ông dễ mến. Các kênh truyền thông rất ít nói đến những giảng giải đạo lý hoàn toàn máy móc của ông ta, mà rất thích phát lại những câu khôi hài ông ứng khẩu nói ra. Tương tự như vậy, khi một bác sĩ nói đùa vài câu với bệnh nhân, hay tán chuyện bóng đá, chính trị, tình duyên mấy cô ca sĩ ... thì ông ta thể hiện "cái tôi" này, tức khía cạnh nhân bản của một con người, không chỉ đóng vai một ông bác sĩ, với những hành vi "bác sĩ" đã bị quy định sẵn. Bệnh nhân sẽ cảm thấy điều ấy, và sẽ trả lại cho ông ta mảnh tình người mà ông ta đã trao cho họ.

« Cái tôi » như một sự trình diễn


Nếu từ nội tâm nhìn ra ngoài, thì có thể nhận xét là « cái tôi » cần được cảm nhận bởi người khác, cần được mang ra trình diễn trên sân khấu của cuộc đời.

Lý do vì :


Một mặt, tôi không thể thấy được « cái tôi thường hữu » bị quy định bởi những yếu tố mà chính tôi không thể biết, nên tôi cần đến cái nhìn của người khác về tôi.

Mặt khác, « cái tôi tự hữu » tuy là một câu chuyện được tôi kể cho chính tôi trước tiên, nhưng cần sự thừa nhận của người khác, rằng đó chính là câu chuyện « của tôi » (tôi là con người « như thế »).

Thật ra, sự thừa nhận của người khác về tôi cũng chỉ là một ý tưởng chủ quan, vì không ai biết được nội tâm của người khác. Điều này cho thấy một sự « mù tối nhân đôi » : tôi không biết về tôi đã đành, mà cũng không biết điều người khác biết, hay nghĩ, về tôi ! Tức là trở lại phát biểu của Montaigne đã nói ở trên : « chúng ta hoàn toàn không có một tương thông nào với hiện hữu » …


Dù sao, sự chờ đợi phản hồi về tôi, từ người khác, cho ra hai khuynh hướng :


- Một là tự đồng hóa mình với một vai trò, một hình ảnh phổ quát trong xã hội. Người ta quan niệm xã hội như một sân khấu với các diễn viên được ấn định sẵn, và tìm cách chui vào một trong những sự trình diễn ấy. Một cách rộng rãi hơn, các vai trò này có thể hội nhập vào hệ thống giai cấp, thứ bậc, trong xã hội. Người ta tìm cách để được thừa nhận mình thuộc về một giai tầng, một thể loại nào đó, như thuộc giới « có học », « trí thức », tối ngày khoe sách vở, giới « có tiền », xu hào rủng rỉnh, trang phục, nhà, xe, đắt tiền, giới « giác ngộ tâm linh », phì phò thiền quán, bàn chuyện chân tâm, thường đạo, giới « giác ngộ chính trị », thường trực phẫn nộ, đấu tranh vung vít, v.v…


- Khuynh hướng thứ hai là thái độ « bất cần đời », thích gì làm nấy, phô bày một lối sống, lối cư xử, bị coi là lố lăng, ngoài những quy ước xã hội, như muốn ném vào mặt người khác sự kém cỏi, hẹp hòi, phù phiếm, vô nghĩa, của họ.


Cả hai khuynh hướng này, trong thực tế, đều đặt trọng tâm nơi « cái tôi », trong sự lệ thuộc vào nhãn quan của người khác. Chúng đều là sự phô bày chính mình, như « cái tôi không phải là tôi » (vì chỉ là một sự trưng bày), che dấu những căng thẳng, những ước mong và nuối tiếc, kể cả trong sự tìm kiếm « cái tôi » thực sự.

Việc truy tìm « cái tôi » thực sự ấy, với những hy vọng và thất vọng của nó, nối dài trong thời gian, không là gì khác hơn chính … « cuộc sống » !


Nguyễn Hoài Vân

Sai lầm như một điều kiện của sự sống - Bàn về một đoạn văn bí hiểm của Nietzsche





(...) Gạt bỏ một phán xét sai lầm cũng là từ chối chính sự sống. Thấy được rằng trong phủ định sự thật, có những điều kiện của cuộc sống chắc chắn là một phương cách nguy hiểm để đi ngược lại quan điểm giá trị thông thường, và một triết lý dám chấp nhận rủi ro ấy, mặc nhiên đã đứng ở bờ bên kia của sự phân biệt thiện - ác.
(Nietzsche - Par dela le bien et le mal)

Đoạn trích này của Nietzsche hơi "bí hiểm". Để rộng đường dư luận, xin đề nghị vài ý kiến như sau :

1) Nietzsche coi triết học trước ông như những phóng chiều về thực tại, những thiên kiến, nhận định chủ quan, được các triết gia bày vẽ ra, rồi, sau đó, mới xây dựng lý thuyết để biện minh cho chúng. Những luận điểm về "sự thật" ấy xa rời thực tại của cuộc sống, và chạy theo chúng, là xa rời sự sống.

2) Các quan điểm "đúng - sai" thuộc về phạm trù khái niệm. Chúng ta sống với thực tại, không sống với các khái niệm, nên kẹt trong những phạm trù "đúng-sai" là xa rời thực tại của cuộc sống.

Bạn có thể bảo : chúng ta có đặt vấn đề "đúng-sai" trong cuộc sống thực tế chứ ! Thưa không, trong thực tế, bạn không tự hỏi sự hiện hữu của cái ghế tôi đang ngồi trên đó là đúng hay sai, nhưng bạn tự hỏi Thiên Chúa, tình yêu, hạnh phúc, linh hồn, tự do, Tư Bản Chủ Nghĩa, Xã Hội Chủ Nghĩa, v.v... là đúng hay sai, tức là những thứ thuộc về thế giới của khái niệm.

3) Các luận điểm về hiện hữu, đều đúng trong sự phủ định và sai trong sự khẳng định.
Lại một câu nói bí hiểm ? Xin giải thích : khi bạn nói con chó "là" thế này thế khác, bạn không bao giờ mô tả được con chó nói chung một cách hoàn toàn, lại càng không mô tả được con chó đang vẫy đuôi trước mặt bạn. Như thế : tập hợp những khẳng định của bạn là ... sai. Ngược lại, nếu bạn liệt kê những gì "không phải con chó", như nó không có vòi dài 1 thước rưỡi, cổ không cao một thước, không có cánh, không kêu meo meo ... thì tất cả những phủ định ấy đều đúng. Nếu từ chối những phủ định, bạn chỉ còn lại những khẳng định mơ hồ về thực tại.
Cũng có thể nghĩ là vì các khẳng định đều sai, nện những phủ định chúng dần dần đưa ta mỗi lúc mỗi đến gần thực tại hơn.

Mặt khác, muốn nhận ra một con cừu đen trong một đàn cừu trắng, bạn không phải thông qua những khẳng định : con cừu 1 trắng, cừu 2 trắng, cừu 3, 4 ... 106 trắng v.v... cho đến khẳng định : con cừu 107 đen ! Trong thực tế, bạn nhận ra ngay con cừu "không" trắng.

4) Thuyết Trung Quán của Phật Giáo chủ trương phủ định tất cả, rồi phủ định luôn cả sự phủ định. Như thế, thuyết Trung Quán không thể bị phủ định, vì không bị ràng buộc vào bất cứ một lập trường nào, không khẳng định một luận điểm nào. Ích lợi của Trung Quán ở chỗ nó là một phương pháp tinh tẩy trí tuệ. Sau khi đã phủ định tất cả, người ta có thể lọc lựa lại trong những gì mình đã phủ định, mà tùy duyên sử dụng cho những mục tiêu thực tế, giúp đời. Trung Quán như lưỡi cày, đẩy sang một bên cái « không hiện hữu » - tức là hư vô - và sang bên kia cái « hiện hữu tự thân », để đào ra luống đất trong đó các hạt giống cuộc cuộc sống thực có thể đâm chồi nẩy mộc, cho ra lúa gạo thơm ngon !

Nguyễn Hoài Vân

Cám dỗ Việt Nam-




Hôm nay, môt ngày cuối năm, trước khi lên đường đi Việt Nam, tôi ngồi trong phòng vắng để đọc lại “The Temptati


on of the West,” (Niềm Cám Dỗ Tây Phương) (1926) của André Malraux. Từ một lá thư giả tưởng bởi một người Á đông mang tên Ling gởi cho một người Âu châu tên A. D., ông đã viết rằng, người Âu châu mang ý chí “đem vũ trụ đến cho con người”; còn người Á đông thì ngược lại, muốn “cống hiến chính mình cho vũ trụ.” Người Tây chỉ muốn thông hiểu vũ trụ bằng ý chí nhân cách hóa không gian thành ra một đối tượng vật thể hữu hạn; người Đông thì muốn chính nhân cách mình biến mất vào hư không nhằm khai sáng cái chiều sâu vô cùng của vạn vật.

Tôi liên tưởng từ từng trang sách mỏng, nghĩ rằng, tự trong mỗi người Việt đang ở Âu Mỹ, hay ở bên nhà, đồng lúc có đến hai nước Việt Nam. Một Việt Nam cho mệnh lệnh lý tưởng, và một Việt Nam trong thực tế đang là. Trên ngọn sóng điạ chấn từ thời đại nhiều xoay chuyển, từng chúng ta hình như bị choáng ngợp cưu mang hai năng lực tình cảm giằng xé nhau: Giữa cái ta hướng về tổ quốc, giữa một tình cảm dâng tràn bên bờ lý trí ngăn nước, giữa một lịch sử trần trụi trong nhiều dự phóng tương lai.

Khi văn minh Tây phương đã thâm nhiễm thế giới, người Việt không còn là một biệt lệ bên ngoài. Đang ở Tây phương nhìn về quê mẹ, Việt Nam đối với tôi như là một vũ trụ tinh thần lớn cho mình, đồng lúc cũng như bao người Á đông khác, tôi muốn dâng hiến chính mình về cho quê cha, đất tổ. Trong khi đó, tôi hình dung ra tôi đang ở trong nước, thì cứ như là người Âu, muốn đem thế giới Tây phương về cho Việt Nam. Mỗi tâm hồn Việt, bất cứ ở đâu, đều nằm trong hai luồng tâm thức đầy mâu thuẫn và ngược chiều cho một tình yêu lớn đối với đất nước. Tâm hồn Việt Nam vẫn chứa đầy một nỗi băn khoăn của chính mình trước cái vũ trụ quốc gia bao la, không thế tách rời và thoát ra được khi nhìn về quá khứ. Chúng ta mang một ám ảnh lớn từ lịch sử chỉ vì có lẽ chúng ta bị hoang tưởng về những khả thể quá lớn cho tương lai? Từ trong hai năng lực của vũ trụ và cá nhân, của quốc nội và hải ngoại, người Việt như tôi không thể ngồi yên. Ta vẫn loay hoay nhảy nhót trong một điệu nhạc khích động phát thanh từ một khối nội tâm đầy dằn vặt. Thảm kịch của Việt Nam khởi đi từ nỗi bất an thường trực này.

Anh chàng Ling của Malraux viết tiếp: Điều mà người Âu châu không hiểu người Á châu là ở chỗ rằng, với dân Á đông, tình cảm và trí thức cả hai là một. Khi chúng tôi suy nghĩ và hành động, chúng tôi là một hệ quả từ cảm tính. Trong khi đó, người Tây âu phân chia tình cảm ra khỏi lý trí và bị chia hai. Vì vậy, có thể rằng người Âu châu đã đánh mất cái hồn nhiên thống nhất trong tình với lý; còn dân Á đông, dù đã bị Tây phương hóa gần như toàn triệt, vẫn còn có ít nhiều hạnh phúc trong tình cảm của mình – vì đối với họ thì thế gian này chỉ là một biển lớn của cảm xúc từ chính ta mà thôi. Trong đó, người Việt như tôi chỉ biết có một điều: Rằng ngay cả vũ trụ kia cũng có thể bị chối từ, nhưng chắc chắn rằng nỗi đau của ta là không thể phủ bác. Không có hạnh phúc nào nguyên sơ bằng niềm vui thú trong nỗi đau hồn nhiên, cho dù nó có đúng hay sai, cho dù bản sắc tình cảm đó là bùn đất ô nhiễm hay là kim cương trong sáng. Có phải chúng ta, dân Á Đông, mà người Việt là một phần, là một đơn vị quần chúng duy tình cảm, một tập thể trẻ thơ hồn nhiên, dễ thương và cần được nhẹ nhàng, ưu ái chăm sóc mong chờ ngày lớn dậy?

Theo Ling, “Niềm hưng phấn của chúng tôi không bị tuỳ thuộc vào một tiêu chuẩn nào” (Our exaltation is not dependent upon a reference). Nó là một sức mạnh nguyên sơ vượt qua giá trị hay mục tiêu của không và thời gian. Nó muốn cống hiến cái ta, chủ thể của cảm tính, về cho khách quan – như rằng mỗi cá nhân chỉ là một chủ thể cần phải được hy sinh và phủ định nhằm làm cho vũ trụ thêm huy hoàng. Ta là một phần gỗ nhỏ cho ngọn lửa phải được cháy cao để cho thế gian được sáng. Cái mất của ta chính là cái tồn tại và ý nghĩa cho ta. Mỗi lần sinh đẻ, mỗi lần sáng tạo là mỗi lần ta đánh mất chính ta vào trong đứa con mới chào đời. Đau thương, từ đó, là ý chí sáng thế. Nó chính là một bản hùng ca mang ít nhiều tính chất điên loạn và hoang dã của một vũ trụ hỗn độn từ khi nó mới ra lò.

A. D. trả lời Ling rằng, ôi chao là cái lạ lùng của dân Á Đông: “Quý vị ưu ái với tổ tiên đã khuất nhiều hơn là mang tinh thần tôn trọng phụ nữ bên mình.” Khi quý vị đã có giáo dục, lý tính chỉ trở nên một công cụ cho tình cảm, mà những tình cảm này lại chỉ đặt căn cứ trên và chỉ hướng về những đối thể trừu tượng vượt qua con người đặc thù và thế gian thực hữu. Tôi lại miên man tiếp. Đàn ông Việt Nam cổ điển có thể hy sinh cho tổ quốc với bao nhiêu gian truân, bao nhiêu xương máu; nhưng họ không thể mang tình yêu đó để chăm sóc trọn vẹn cho cộng đồng và người thân của mình trong một tình cảm vô ngã và không ích kỷ. Và đó chính là cái lỗ thủng to lớn của đàn ông Á đông: Vũ trụ tuyệt đối mà họ muốn hiến dâng cũng chỉ là một dự phóng đầy tình cảm ngã mạn cho những cảm xúc đầy niên thiếu. Họ không cần đến cái gần thực tế. Họ muốn chết cho cái xa. Cái bên ta, vợ con, gia đình, cộng đồng thực hữu, chỉ là những gì cần phải bị phủ nhận. Vì thế, nếu không trưởng thành nhanh chóng cho kịp với một con người thời đại, họ sẽ phải chết chìm trong cái dự phóng thuần trừu tượng về một vũ trụ duy tình cảm. “Ngay cả những lý thuyết hào nhoáng nhất về cái chết cũng vẫn chỉ là một câu trả lời cho sự yếu đuối của mình,” A. D. viết.

Tâm hồn Việt Nam vẫn còn như kẻ say ngủ đêm đêm tìm ra sông vắng vang tiếng gọi đò đánh thức làng xóm về cho nỗi tủi thân bi đát của mình. Họ, suy diễn qua Malraux, cứ như là một “cuộc tìm” – mà khi ý chí “tìm tòi càng cao độ thì giá trị cho mục tiêu tìm kiếm lại càng suy giảm.” Vì khi một anh nông dân đã mất nhà, nay là vô gia cư, vô tổ quốc, “cuộc tìm” của hắn đã trở thành một “căn nhà cho nỗi oan khiên” – một “ngôi nhà cho hữu thể” được xây đắp bằng cường độ tình cảm về quá khứ nhân danh những dự phóng về tương lai trong chiếc bóng bi ai của chính thân xác mình. Từ một tình yêu đầy khát khao, đầy nhạy cảm cho tổ quốc, cho đồng bào, chúng ta lại vô tình đẩy chúng ta vào thân phận của một kẻ điên cuồng mà đã đến khi, hắn cảm thấy chán chường và mệt mỏi với tình cảm thuần dự phóng và ảo giác. Tình yêu trong sáng nay đã trở nên một vũng lầy buồn nôn – mà ngay cả khi mặt trời đang lên cao nhất ở giữa trưa chính ngọ, ta cũng không thể nào nhìn thấy bóng mình thể hiện trong một hiện hữu đầy tiêu cực.

Trong âm hưởng đó, A. D. mơ hồ cảnh cáo, “Hãy coi chừng! Người Á đông chúng bây chắc rồi sẽ lây cái bệnh của người Tây âu chúng tao: Thứ bệnh lý thù ghét và chán chường chính mình.” Khi lý tưởng trở thành một thể dạng tình cảm mơ hồ, khi trí thức theo đuổi những mục tiêu nặng trừu tượng và vô thực chất, cá nhân sẽ trở nên trống rỗng. Khi đó, văn minh Tây phương sẽ tràn vào để chất đầy một ý chí mới – một ý chí thuần cảm giác khích động để tìm quên thực tại tinh hoa của ngã thể chắc nịch này. Ha! tôi diễn giải: Bạn có bao giờ quen thân với một thi sĩ tiếng Việt? Nếu hắn không là một thằng điên thì phải là một kẻ rất là thực dụng. Malraux, nếu được đọc rộng và sâu hơn, đã gián tiếp nói trước như vậy.

Tôi mơ hồ đọc Malraux như là những giòng chữ được viết về một mẫu người Việt Nam vào đầu thế kỷ 21 này, dù là ở hải ngoại hay là trong nước. Một cách tự do và mở rộng ra, tôi thấy Malraux đã nói rằng tất cả chúng ta đang chỉ là một phần trên một ngọn sóng quay cuồng thuần cảm tính bị khích động bởi những cơn điạ chấn từ biển sâu xô đẩy không biết về đâu và cho mục đích nào. Hay nói theo Schopenhauer, từng cá thể Việt chỉ là một biến cố từ vô thức mà hắn không chủ động hay ước muốn được. Nó giống như là những thể hiện trên vầng trán và lông mày của thanh thiếu niên Việt Nam: Tình cảm thì chưa khuấy động mà nét nhăn nhó đã viết lên đầy khuôn mặt. Chúng ta chưa dấu được cảm xúc để xây đắp một hình dáng nhân cách và ngoại hình thanh thản, trầm tĩnh. Bao nhiêu năng lực nội tại đã biến thành những nét mực tràn màu sắc viết nhoè lên trên khung cửa hẹp của những linh hồn chân chất. Và khi nét mực đã phai theo nhiệt độ của cảm xúc, tâm hồn của họ đã không còn điện lực nhằm thắp sáng suy tư. Sự phí phạm kinh hoàng của lịch sử Việt Nam bắt đầu bằng sự phung phí năng lực theo những làn sóng tình cảm quá nhiệt thành ở nơi từng cá thể khi đối diện với đời thường.

Từ 1926, Malraux, qua Ling và A. D., đã tiên đoán rằng Trung Hoa rồi sẽ chết khi Khổng giáo không còn là nội dung chính cho văn hóa Tàu. “Trung Hoa đang lay lất như là một lâu đài cổ đại lớn đang sắp bị sụp đổ, và niềm bi phẩn của nó không phải có từ sự bất định hay mâu thuẫn, mà là từ gánh nặng của một trần nhà đang rung chuyển.” Và Malraux đã đúng. Hãy nhìn lại gần 100 năm qua, khi đã bị kiệt sức văn hóa, người Tàu đi vào cơn khủng hoảng tâm thức. Họ đành mang tình cảm ái quốc để vác về nhà một cơn ác mộng khác nhằm thay thế cho khoảng trống siêu hình của mình. Đó là văn minh Tây phương qua hai vế đối nghịch nhưng cùng một bản chất: Chủ nghĩa Marx và tư bản thuần vật chất. “That’s it, boy. China is dead!” Văn minh Trung Hoa đã chết theo những giòng sông đầy hóa chất dưới một bầu trời đầy khí độc. Và đó có thể sẽ là số phận Việt Nam. Tôi đang sợ rằng Việt Nam chắc rồi sẽ chết – như Trung Hoa đã.

“Cám dỗ Việt Nam” nay đã trở nên một ý chí đi tìm tử lộ. Như Ling đã viết cho A. D. những lời cuối, “Có thể rằng Trung Hoa (hay Việt Nam) sẽ lại được sáng tạo, tự làm mới lên, ngay cả khi mà chúng ta không hiểu gì về nó cả. Liệu rằng nó sẽ bị rung chuyển từ một cơn địa chấn tình cảm còn to lớn hơn bao lần trong quá khứ? Mạnh mẽ hơn là tiếng thần chú của những tiên tri thời trước, cái âm thanh huỷ diệt đầy cuồng nộ đang cuốn hút lấy Á châu … Các nhà buôn sẽ còn bán, còn mua, và con sông Châu ngọc sẽ phản chiếu ánh sao mờ trong cái chết yên lành… Ta phải biết nói gì hơn cho bạn đây?…”

Nguyễn Hữu Liêm