Thứ Ba, 13 tháng 12, 2016

Ba « cái tôi »








Quay vào nội tâm của mỗi người, đa số hành vi của con người có thể được hiểu qua lăng kính của ba "cái tôi" khác biệt :


1) Cái tôi phi hữu,

không còn hiện hữu trong hiện tại. Nó là cái tôi "đã là" hay "sẽ là".
Thí dụ : một ông bộ trưởng thời trước 75, chạy tỵ nạn qua Mỹ, thất nghiệp. Vợ dạy : « đi làm bồi bàn kiếm ăn ! ». Ông bảo : tôi đường đường là một bộ trưởng không lẽ lại làm bồi bàn ?
Thí dụ khác : một ông công chức làng nhàng thời nay không biết đấu hót sao đó, nghĩ mình sắp lên bộ trưởng. Vợ sai : « sách giỏ đi chợ ! » Ông bảo : ta đường đường là một bộ trưởng tương lai, không lẽ ...


2) Cái tôi thường hữu :

Là cái tôi bị quy định. Nó là cái nó là, không thể là gì khác. Như tảng đá là tảng đá, cây ổi là cây ổi, Đạt Lai Lạt Ma là Đạt Lai Lạt Ma. Có nhiều yếu tố quy định cái tôi ấy, như : di truyền, văn hóa, giáo dục, môi trường sinh sống, tương quan xã hội v.v... Thí dụ : Đạt Lai Lạt Ma (DLLM) lúc nào cũng mang một bộ mặt, một giọng nói, thậm chí nội dung những gì ông nói, chỉ nghe vài chữ đầu là biết ngay phần còn lại. DLLM không thể làm cho chúng ta ngạc nhiên. Y hệt như anh lính gác lăng cụ Hồ. Mọi cử chỉ động tác của anh ta, cách đi qua đi lại, nâng súng hạ súng, vung tay đá chân, v.v... đều đã được quy định từ trước.


3) Cái tôi tự hữu :

Không bị quy định. Nó « là cái nó không là và không là cái nó là ». Nó hiện hữu tự nó. Một ông bộ trưởng mặc quần xà lỏn áo thung ngồi nhậu ở quán cóc đầu đường chẳng hạn. Hay DLLM lên sân khấu nhảy rock, hát nhạc Mickael Jackson ... Tính Nhân Bản nằm ở cái tôi này : cục đá, con chó, cây ổi, không thể trở thành cái gì khác, con người thì có thể làm chuyện ấy. Vì thế, trong giao tiếp thường ngày, khi DLLM nói đùa một câu, người ta lập tức thấy ông dễ mến. Các kênh truyền thông rất ít nói đến những giảng giải đạo lý hoàn toàn máy móc của ông ta, mà rất thích phát lại những câu khôi hài ông ứng khẩu nói ra. Tương tự như vậy, khi một bác sĩ nói đùa vài câu với bệnh nhân, hay tán chuyện bóng đá, chính trị, tình duyên mấy cô ca sĩ ... thì ông ta thể hiện "cái tôi" này, tức khía cạnh nhân bản của một con người, không chỉ đóng vai một ông bác sĩ, với những hành vi "bác sĩ" đã bị quy định sẵn. Bệnh nhân sẽ cảm thấy điều ấy, và sẽ trả lại cho ông ta mảnh tình người mà ông ta đã trao cho họ.

« Cái tôi » như một sự trình diễn


Nếu từ nội tâm nhìn ra ngoài, thì có thể nhận xét là « cái tôi » cần được cảm nhận bởi người khác, cần được mang ra trình diễn trên sân khấu của cuộc đời.

Lý do vì :


Một mặt, tôi không thể thấy được « cái tôi thường hữu » bị quy định bởi những yếu tố mà chính tôi không thể biết, nên tôi cần đến cái nhìn của người khác về tôi.

Mặt khác, « cái tôi tự hữu » tuy là một câu chuyện được tôi kể cho chính tôi trước tiên, nhưng cần sự thừa nhận của người khác, rằng đó chính là câu chuyện « của tôi » (tôi là con người « như thế »).

Thật ra, sự thừa nhận của người khác về tôi cũng chỉ là một ý tưởng chủ quan, vì không ai biết được nội tâm của người khác. Điều này cho thấy một sự « mù tối nhân đôi » : tôi không biết về tôi đã đành, mà cũng không biết điều người khác biết, hay nghĩ, về tôi ! Tức là trở lại phát biểu của Montaigne đã nói ở trên : « chúng ta hoàn toàn không có một tương thông nào với hiện hữu » …


Dù sao, sự chờ đợi phản hồi về tôi, từ người khác, cho ra hai khuynh hướng :


- Một là tự đồng hóa mình với một vai trò, một hình ảnh phổ quát trong xã hội. Người ta quan niệm xã hội như một sân khấu với các diễn viên được ấn định sẵn, và tìm cách chui vào một trong những sự trình diễn ấy. Một cách rộng rãi hơn, các vai trò này có thể hội nhập vào hệ thống giai cấp, thứ bậc, trong xã hội. Người ta tìm cách để được thừa nhận mình thuộc về một giai tầng, một thể loại nào đó, như thuộc giới « có học », « trí thức », tối ngày khoe sách vở, giới « có tiền », xu hào rủng rỉnh, trang phục, nhà, xe, đắt tiền, giới « giác ngộ tâm linh », phì phò thiền quán, bàn chuyện chân tâm, thường đạo, giới « giác ngộ chính trị », thường trực phẫn nộ, đấu tranh vung vít, v.v…


- Khuynh hướng thứ hai là thái độ « bất cần đời », thích gì làm nấy, phô bày một lối sống, lối cư xử, bị coi là lố lăng, ngoài những quy ước xã hội, như muốn ném vào mặt người khác sự kém cỏi, hẹp hòi, phù phiếm, vô nghĩa, của họ.


Cả hai khuynh hướng này, trong thực tế, đều đặt trọng tâm nơi « cái tôi », trong sự lệ thuộc vào nhãn quan của người khác. Chúng đều là sự phô bày chính mình, như « cái tôi không phải là tôi » (vì chỉ là một sự trưng bày), che dấu những căng thẳng, những ước mong và nuối tiếc, kể cả trong sự tìm kiếm « cái tôi » thực sự.

Việc truy tìm « cái tôi » thực sự ấy, với những hy vọng và thất vọng của nó, nối dài trong thời gian, không là gì khác hơn chính … « cuộc sống » !


Nguyễn Hoài Vân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét