" Cả cuộc đời ba không có gì để lại cho các con ngoài số vốn kiến thức mà ba mẹ tảo tần nuôi các con ăn học.Mong các con trở thành những người hữu ích cho xã hội" ( trích từ TT "Vững Niềm Tin")
Thứ Ba, 13 tháng 12, 2016
Sai lầm như một điều kiện của sự sống - Bàn về một đoạn văn bí hiểm của Nietzsche
(...) Gạt bỏ một phán xét sai lầm cũng là từ chối chính sự sống. Thấy được rằng trong phủ định sự thật, có những điều kiện của cuộc sống chắc chắn là một phương cách nguy hiểm để đi ngược lại quan điểm giá trị thông thường, và một triết lý dám chấp nhận rủi ro ấy, mặc nhiên đã đứng ở bờ bên kia của sự phân biệt thiện - ác.
(Nietzsche - Par dela le bien et le mal)
Đoạn trích này của Nietzsche hơi "bí hiểm". Để rộng đường dư luận, xin đề nghị vài ý kiến như sau :
1) Nietzsche coi triết học trước ông như những phóng chiều về thực tại, những thiên kiến, nhận định chủ quan, được các triết gia bày vẽ ra, rồi, sau đó, mới xây dựng lý thuyết để biện minh cho chúng. Những luận điểm về "sự thật" ấy xa rời thực tại của cuộc sống, và chạy theo chúng, là xa rời sự sống.
2) Các quan điểm "đúng - sai" thuộc về phạm trù khái niệm. Chúng ta sống với thực tại, không sống với các khái niệm, nên kẹt trong những phạm trù "đúng-sai" là xa rời thực tại của cuộc sống.
Bạn có thể bảo : chúng ta có đặt vấn đề "đúng-sai" trong cuộc sống thực tế chứ ! Thưa không, trong thực tế, bạn không tự hỏi sự hiện hữu của cái ghế tôi đang ngồi trên đó là đúng hay sai, nhưng bạn tự hỏi Thiên Chúa, tình yêu, hạnh phúc, linh hồn, tự do, Tư Bản Chủ Nghĩa, Xã Hội Chủ Nghĩa, v.v... là đúng hay sai, tức là những thứ thuộc về thế giới của khái niệm.
3) Các luận điểm về hiện hữu, đều đúng trong sự phủ định và sai trong sự khẳng định.
Lại một câu nói bí hiểm ? Xin giải thích : khi bạn nói con chó "là" thế này thế khác, bạn không bao giờ mô tả được con chó nói chung một cách hoàn toàn, lại càng không mô tả được con chó đang vẫy đuôi trước mặt bạn. Như thế : tập hợp những khẳng định của bạn là ... sai. Ngược lại, nếu bạn liệt kê những gì "không phải con chó", như nó không có vòi dài 1 thước rưỡi, cổ không cao một thước, không có cánh, không kêu meo meo ... thì tất cả những phủ định ấy đều đúng. Nếu từ chối những phủ định, bạn chỉ còn lại những khẳng định mơ hồ về thực tại.
Cũng có thể nghĩ là vì các khẳng định đều sai, nện những phủ định chúng dần dần đưa ta mỗi lúc mỗi đến gần thực tại hơn.
Mặt khác, muốn nhận ra một con cừu đen trong một đàn cừu trắng, bạn không phải thông qua những khẳng định : con cừu 1 trắng, cừu 2 trắng, cừu 3, 4 ... 106 trắng v.v... cho đến khẳng định : con cừu 107 đen ! Trong thực tế, bạn nhận ra ngay con cừu "không" trắng.
4) Thuyết Trung Quán của Phật Giáo chủ trương phủ định tất cả, rồi phủ định luôn cả sự phủ định. Như thế, thuyết Trung Quán không thể bị phủ định, vì không bị ràng buộc vào bất cứ một lập trường nào, không khẳng định một luận điểm nào. Ích lợi của Trung Quán ở chỗ nó là một phương pháp tinh tẩy trí tuệ. Sau khi đã phủ định tất cả, người ta có thể lọc lựa lại trong những gì mình đã phủ định, mà tùy duyên sử dụng cho những mục tiêu thực tế, giúp đời. Trung Quán như lưỡi cày, đẩy sang một bên cái « không hiện hữu » - tức là hư vô - và sang bên kia cái « hiện hữu tự thân », để đào ra luống đất trong đó các hạt giống cuộc cuộc sống thực có thể đâm chồi nẩy mộc, cho ra lúa gạo thơm ngon !
Nguyễn Hoài Vân
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét