Thứ Ba, 13 tháng 12, 2016

Cám dỗ Việt Nam-




Hôm nay, môt ngày cuối năm, trước khi lên đường đi Việt Nam, tôi ngồi trong phòng vắng để đọc lại “The Temptati


on of the West,” (Niềm Cám Dỗ Tây Phương) (1926) của André Malraux. Từ một lá thư giả tưởng bởi một người Á đông mang tên Ling gởi cho một người Âu châu tên A. D., ông đã viết rằng, người Âu châu mang ý chí “đem vũ trụ đến cho con người”; còn người Á đông thì ngược lại, muốn “cống hiến chính mình cho vũ trụ.” Người Tây chỉ muốn thông hiểu vũ trụ bằng ý chí nhân cách hóa không gian thành ra một đối tượng vật thể hữu hạn; người Đông thì muốn chính nhân cách mình biến mất vào hư không nhằm khai sáng cái chiều sâu vô cùng của vạn vật.

Tôi liên tưởng từ từng trang sách mỏng, nghĩ rằng, tự trong mỗi người Việt đang ở Âu Mỹ, hay ở bên nhà, đồng lúc có đến hai nước Việt Nam. Một Việt Nam cho mệnh lệnh lý tưởng, và một Việt Nam trong thực tế đang là. Trên ngọn sóng điạ chấn từ thời đại nhiều xoay chuyển, từng chúng ta hình như bị choáng ngợp cưu mang hai năng lực tình cảm giằng xé nhau: Giữa cái ta hướng về tổ quốc, giữa một tình cảm dâng tràn bên bờ lý trí ngăn nước, giữa một lịch sử trần trụi trong nhiều dự phóng tương lai.

Khi văn minh Tây phương đã thâm nhiễm thế giới, người Việt không còn là một biệt lệ bên ngoài. Đang ở Tây phương nhìn về quê mẹ, Việt Nam đối với tôi như là một vũ trụ tinh thần lớn cho mình, đồng lúc cũng như bao người Á đông khác, tôi muốn dâng hiến chính mình về cho quê cha, đất tổ. Trong khi đó, tôi hình dung ra tôi đang ở trong nước, thì cứ như là người Âu, muốn đem thế giới Tây phương về cho Việt Nam. Mỗi tâm hồn Việt, bất cứ ở đâu, đều nằm trong hai luồng tâm thức đầy mâu thuẫn và ngược chiều cho một tình yêu lớn đối với đất nước. Tâm hồn Việt Nam vẫn chứa đầy một nỗi băn khoăn của chính mình trước cái vũ trụ quốc gia bao la, không thế tách rời và thoát ra được khi nhìn về quá khứ. Chúng ta mang một ám ảnh lớn từ lịch sử chỉ vì có lẽ chúng ta bị hoang tưởng về những khả thể quá lớn cho tương lai? Từ trong hai năng lực của vũ trụ và cá nhân, của quốc nội và hải ngoại, người Việt như tôi không thể ngồi yên. Ta vẫn loay hoay nhảy nhót trong một điệu nhạc khích động phát thanh từ một khối nội tâm đầy dằn vặt. Thảm kịch của Việt Nam khởi đi từ nỗi bất an thường trực này.

Anh chàng Ling của Malraux viết tiếp: Điều mà người Âu châu không hiểu người Á châu là ở chỗ rằng, với dân Á đông, tình cảm và trí thức cả hai là một. Khi chúng tôi suy nghĩ và hành động, chúng tôi là một hệ quả từ cảm tính. Trong khi đó, người Tây âu phân chia tình cảm ra khỏi lý trí và bị chia hai. Vì vậy, có thể rằng người Âu châu đã đánh mất cái hồn nhiên thống nhất trong tình với lý; còn dân Á đông, dù đã bị Tây phương hóa gần như toàn triệt, vẫn còn có ít nhiều hạnh phúc trong tình cảm của mình – vì đối với họ thì thế gian này chỉ là một biển lớn của cảm xúc từ chính ta mà thôi. Trong đó, người Việt như tôi chỉ biết có một điều: Rằng ngay cả vũ trụ kia cũng có thể bị chối từ, nhưng chắc chắn rằng nỗi đau của ta là không thể phủ bác. Không có hạnh phúc nào nguyên sơ bằng niềm vui thú trong nỗi đau hồn nhiên, cho dù nó có đúng hay sai, cho dù bản sắc tình cảm đó là bùn đất ô nhiễm hay là kim cương trong sáng. Có phải chúng ta, dân Á Đông, mà người Việt là một phần, là một đơn vị quần chúng duy tình cảm, một tập thể trẻ thơ hồn nhiên, dễ thương và cần được nhẹ nhàng, ưu ái chăm sóc mong chờ ngày lớn dậy?

Theo Ling, “Niềm hưng phấn của chúng tôi không bị tuỳ thuộc vào một tiêu chuẩn nào” (Our exaltation is not dependent upon a reference). Nó là một sức mạnh nguyên sơ vượt qua giá trị hay mục tiêu của không và thời gian. Nó muốn cống hiến cái ta, chủ thể của cảm tính, về cho khách quan – như rằng mỗi cá nhân chỉ là một chủ thể cần phải được hy sinh và phủ định nhằm làm cho vũ trụ thêm huy hoàng. Ta là một phần gỗ nhỏ cho ngọn lửa phải được cháy cao để cho thế gian được sáng. Cái mất của ta chính là cái tồn tại và ý nghĩa cho ta. Mỗi lần sinh đẻ, mỗi lần sáng tạo là mỗi lần ta đánh mất chính ta vào trong đứa con mới chào đời. Đau thương, từ đó, là ý chí sáng thế. Nó chính là một bản hùng ca mang ít nhiều tính chất điên loạn và hoang dã của một vũ trụ hỗn độn từ khi nó mới ra lò.

A. D. trả lời Ling rằng, ôi chao là cái lạ lùng của dân Á Đông: “Quý vị ưu ái với tổ tiên đã khuất nhiều hơn là mang tinh thần tôn trọng phụ nữ bên mình.” Khi quý vị đã có giáo dục, lý tính chỉ trở nên một công cụ cho tình cảm, mà những tình cảm này lại chỉ đặt căn cứ trên và chỉ hướng về những đối thể trừu tượng vượt qua con người đặc thù và thế gian thực hữu. Tôi lại miên man tiếp. Đàn ông Việt Nam cổ điển có thể hy sinh cho tổ quốc với bao nhiêu gian truân, bao nhiêu xương máu; nhưng họ không thể mang tình yêu đó để chăm sóc trọn vẹn cho cộng đồng và người thân của mình trong một tình cảm vô ngã và không ích kỷ. Và đó chính là cái lỗ thủng to lớn của đàn ông Á đông: Vũ trụ tuyệt đối mà họ muốn hiến dâng cũng chỉ là một dự phóng đầy tình cảm ngã mạn cho những cảm xúc đầy niên thiếu. Họ không cần đến cái gần thực tế. Họ muốn chết cho cái xa. Cái bên ta, vợ con, gia đình, cộng đồng thực hữu, chỉ là những gì cần phải bị phủ nhận. Vì thế, nếu không trưởng thành nhanh chóng cho kịp với một con người thời đại, họ sẽ phải chết chìm trong cái dự phóng thuần trừu tượng về một vũ trụ duy tình cảm. “Ngay cả những lý thuyết hào nhoáng nhất về cái chết cũng vẫn chỉ là một câu trả lời cho sự yếu đuối của mình,” A. D. viết.

Tâm hồn Việt Nam vẫn còn như kẻ say ngủ đêm đêm tìm ra sông vắng vang tiếng gọi đò đánh thức làng xóm về cho nỗi tủi thân bi đát của mình. Họ, suy diễn qua Malraux, cứ như là một “cuộc tìm” – mà khi ý chí “tìm tòi càng cao độ thì giá trị cho mục tiêu tìm kiếm lại càng suy giảm.” Vì khi một anh nông dân đã mất nhà, nay là vô gia cư, vô tổ quốc, “cuộc tìm” của hắn đã trở thành một “căn nhà cho nỗi oan khiên” – một “ngôi nhà cho hữu thể” được xây đắp bằng cường độ tình cảm về quá khứ nhân danh những dự phóng về tương lai trong chiếc bóng bi ai của chính thân xác mình. Từ một tình yêu đầy khát khao, đầy nhạy cảm cho tổ quốc, cho đồng bào, chúng ta lại vô tình đẩy chúng ta vào thân phận của một kẻ điên cuồng mà đã đến khi, hắn cảm thấy chán chường và mệt mỏi với tình cảm thuần dự phóng và ảo giác. Tình yêu trong sáng nay đã trở nên một vũng lầy buồn nôn – mà ngay cả khi mặt trời đang lên cao nhất ở giữa trưa chính ngọ, ta cũng không thể nào nhìn thấy bóng mình thể hiện trong một hiện hữu đầy tiêu cực.

Trong âm hưởng đó, A. D. mơ hồ cảnh cáo, “Hãy coi chừng! Người Á đông chúng bây chắc rồi sẽ lây cái bệnh của người Tây âu chúng tao: Thứ bệnh lý thù ghét và chán chường chính mình.” Khi lý tưởng trở thành một thể dạng tình cảm mơ hồ, khi trí thức theo đuổi những mục tiêu nặng trừu tượng và vô thực chất, cá nhân sẽ trở nên trống rỗng. Khi đó, văn minh Tây phương sẽ tràn vào để chất đầy một ý chí mới – một ý chí thuần cảm giác khích động để tìm quên thực tại tinh hoa của ngã thể chắc nịch này. Ha! tôi diễn giải: Bạn có bao giờ quen thân với một thi sĩ tiếng Việt? Nếu hắn không là một thằng điên thì phải là một kẻ rất là thực dụng. Malraux, nếu được đọc rộng và sâu hơn, đã gián tiếp nói trước như vậy.

Tôi mơ hồ đọc Malraux như là những giòng chữ được viết về một mẫu người Việt Nam vào đầu thế kỷ 21 này, dù là ở hải ngoại hay là trong nước. Một cách tự do và mở rộng ra, tôi thấy Malraux đã nói rằng tất cả chúng ta đang chỉ là một phần trên một ngọn sóng quay cuồng thuần cảm tính bị khích động bởi những cơn điạ chấn từ biển sâu xô đẩy không biết về đâu và cho mục đích nào. Hay nói theo Schopenhauer, từng cá thể Việt chỉ là một biến cố từ vô thức mà hắn không chủ động hay ước muốn được. Nó giống như là những thể hiện trên vầng trán và lông mày của thanh thiếu niên Việt Nam: Tình cảm thì chưa khuấy động mà nét nhăn nhó đã viết lên đầy khuôn mặt. Chúng ta chưa dấu được cảm xúc để xây đắp một hình dáng nhân cách và ngoại hình thanh thản, trầm tĩnh. Bao nhiêu năng lực nội tại đã biến thành những nét mực tràn màu sắc viết nhoè lên trên khung cửa hẹp của những linh hồn chân chất. Và khi nét mực đã phai theo nhiệt độ của cảm xúc, tâm hồn của họ đã không còn điện lực nhằm thắp sáng suy tư. Sự phí phạm kinh hoàng của lịch sử Việt Nam bắt đầu bằng sự phung phí năng lực theo những làn sóng tình cảm quá nhiệt thành ở nơi từng cá thể khi đối diện với đời thường.

Từ 1926, Malraux, qua Ling và A. D., đã tiên đoán rằng Trung Hoa rồi sẽ chết khi Khổng giáo không còn là nội dung chính cho văn hóa Tàu. “Trung Hoa đang lay lất như là một lâu đài cổ đại lớn đang sắp bị sụp đổ, và niềm bi phẩn của nó không phải có từ sự bất định hay mâu thuẫn, mà là từ gánh nặng của một trần nhà đang rung chuyển.” Và Malraux đã đúng. Hãy nhìn lại gần 100 năm qua, khi đã bị kiệt sức văn hóa, người Tàu đi vào cơn khủng hoảng tâm thức. Họ đành mang tình cảm ái quốc để vác về nhà một cơn ác mộng khác nhằm thay thế cho khoảng trống siêu hình của mình. Đó là văn minh Tây phương qua hai vế đối nghịch nhưng cùng một bản chất: Chủ nghĩa Marx và tư bản thuần vật chất. “That’s it, boy. China is dead!” Văn minh Trung Hoa đã chết theo những giòng sông đầy hóa chất dưới một bầu trời đầy khí độc. Và đó có thể sẽ là số phận Việt Nam. Tôi đang sợ rằng Việt Nam chắc rồi sẽ chết – như Trung Hoa đã.

“Cám dỗ Việt Nam” nay đã trở nên một ý chí đi tìm tử lộ. Như Ling đã viết cho A. D. những lời cuối, “Có thể rằng Trung Hoa (hay Việt Nam) sẽ lại được sáng tạo, tự làm mới lên, ngay cả khi mà chúng ta không hiểu gì về nó cả. Liệu rằng nó sẽ bị rung chuyển từ một cơn địa chấn tình cảm còn to lớn hơn bao lần trong quá khứ? Mạnh mẽ hơn là tiếng thần chú của những tiên tri thời trước, cái âm thanh huỷ diệt đầy cuồng nộ đang cuốn hút lấy Á châu … Các nhà buôn sẽ còn bán, còn mua, và con sông Châu ngọc sẽ phản chiếu ánh sao mờ trong cái chết yên lành… Ta phải biết nói gì hơn cho bạn đây?…”

Nguyễn Hữu Liêm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét