Hiển thị các bài đăng có nhãn NHẠC THƠ. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn NHẠC THƠ. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Ba, 12 tháng 8, 2014

Em chết trong nỗi buồn







Em chết trong nỗi buồn
Chết như từng giọt sương, rơi không thành tiếng
Trái tim em còn trẻ dại trắng trong
Ai cất giùm em cái nhìn già nua
Ai cất giùm em bàn tay cằn cỗi
Trong xứ sở của anh, hiếm hoi niềm vui
Nơi cô đơn khô khan đến nao lòng

Ai đã đánh mất em, hay tự em đánh mất
Phải chi em xấu xa?
Phải chi em xấu xa?
Không … Không … Không …
Trái tim trong trắng của em. Sao không ai nhận ra ?
Sao không ai nhận ra ?

Đi bên anh em còn lạc lối về
Có đôi khi muốn mình như chiếc bóng
Tan lắng vào đêm
Không ai nhận ra mình

Em chết trong nỗi buồn
Em chết trong nỗi buồn
Em chết trong nỗi buồn



Hiếm có bài hát nào tôi “sợ” nghe như bài hát Romance 2 của Phú Quang. Lạ lùng là thế. Mỗi khi quyết định nghe, có nghĩa là một lần can đảm, chấp nhận một khoảng thời gian khi nghe bài hát ấy, sau khi nghe bài hát ấy, sẽ “chết trong nỗi buồn”.

Tôi sợ, bởi vì mỗi lần nghe, là một lần nhìn thấu tỏ lại lòng mình, thấy lại nỗi đáng thương của mình. Thấy mình không được an toàn trong cảm giác trốn tránh nữa.

Không phải lúc nào, dù là khi ta đối diện với chính ta, ta cũng có thể can đảm nhìn lại vết thương của chính mình, phải không, những người bạn gái?

Lần đầu tiên nghe bài hát này, và biết nó phổ thơ của Lâm Thị Mỹ Dạ, tôi đã lên mạng tìm kiếm. Tôi vốn rất yêu mến cô, cô là nhà thơ với tôi, nữ tính vô cùng. Kết quả tìm chỉ cho thấy đây là 1 bài thơ chưa xuất bản…Tôi từng nghe nói, khi cô được nghe chính Phú Quang hát bài hát này, cô đã khóc, vì lẽ, bài hát đã nói đúng về giấc mơ, về khao khát trong trái tim cô, tâm hồn cô…

Lạ một điều, khi nghe bài hát này lần nào, tôi cũng ước mình có thể khóc. Nhưng không, chỉ da diết buồn, chìm sâu bất tận, àh, ví von thì có thể như người ta dùng dao cùn để cứa vào 1 vết thương không lành miệng vậy.

Người đàn bà trong bài thơ ấy, bài hát ấy, là người đàn bà mang trên mình những dấu ấn thời gian, đôi mắt già nua, bàn tay cằn cỗi, những điều mà ai cũng thấy. Nhưng trái tim người đàn bà ấy “trái tim em còn trẻ dại trắng trong” thì không ai nhận ra, không ai cả, thậm chí là “anh”, người bạn cùng đường, người mà “đi bên anh em còn lạc lối về…”

“Em chết trong nỗi buồn, em chết trong nỗi buồn…” điệp khúc ấy trở đi trở lại, nó gợi cho tôi nhớ tới một câu thơ của Nguyễn Phong Việt “Chúng ta đã nhiều lần chết đi dù vẫn đang tồn tại giữa bao người”… Cái chết ấy, trong nhiều khoảnh khắc, là những phút tê đắng của tâm hồn, là những phút lịm đi, như nỗi cô đơn của một người muốn chìa bàn tay mà không ai buồn nắm lấy, là những khi bước trên đường mỏi mệt một mình đơn lẻ, là những khi trong đám đông trong nói cười ồn ã mà thấy trống rỗng tận cùng, là những khi mong chờ một yêu thương nhỏ bé không bao giờ thành hiện thực, là những khi nhắm chặt mắt mà không thể nào chợp mắt, thấy mình bé nhỏ, cô đơn… Người đàn bà ấy khản giọng nói rằng “trái tim em còn trẻ dại trắng trong, sao không ai nhận ra, sao không ai nhận ra”…

Tôi yêu cái sự tuyệt vọng ấy biết bao. Người đàn bà nào trong cuộc đời không từng có ý nghĩ mình xứng đáng được hưởng hạnh phúc, tùy từng tính cách mà họ nghĩ về nó với sự khiêm nhường hay tự kiêu… Thế nhưng, trong cuộc đời này, có mấy người tìm được hạnh phúc thật sự, tình yêu thật sự? Và khi không tìm thấy, họ âm thầm chịu đựng. Chẳng có mấy người cất lên tiếng nói chân thành như thế. “Sao không ai nhận ra”, “Sao không ai nhận ra…” Và tại sao? Tại sao anh – cũng – không – nhận – ra?

Cõi trần gian này, tình yêu này, và số phận này, đã đánh cắp biết bao thời thanh xuân thiếu nữ. Trên con đường mỏi mệt tìm hạnh phúc, đến một lúc, người đàn bà ngơ ngẩn hỏi rằng “Ai đã đánh mất em hay tự em đánh mất”….Trong phút xa xót ấy, sững sờ ấy, thảng thốt ấy, chỉ có mình người đàn bà đứng lặng nhìn mất mát của chính mình. Dẫu rằng không biết vì đâu, và không biết vì ai, nhưng đã “đánh mất” rồi, đánh mất “chính em” . …“Phải chi em xấu xa, phải chi em xấu xa…” người đàn bà ấy đã cay đắng nói rằng, giá mà chị xấu xa thật sự, xứng đáng thật sự với nỗi cô đơn đắng ngắt này, để phải nhận nỗi “lạc lối” này…Nhưng không, đó là người đàn bà ý thức được bản thân mình biết bao, ý thức được sự trong trắng của trái tim mình, ý thức mình xứng đáng để nhận hạnh phúc, nhận tình yêu. Nhưng hạnh phúc đâu rồi, tình yêu đâu rồi và anh đâu rồi?

Cho nên “em chết trong trong nỗi buồn”, cho nên có những khi “muốn mình như chiếc bóng – Tan lắng vào đêm – Không ai nhận ra mình”….

Hạnh phúc của một người phụ nữ được đo bằng định nghĩa của người đàn ông về mình. Nhưng có biết bao phụ nữ trong cuộc đời này, từng ngước lên bầu trời và tự hỏi “Trái tim em còn trẻ dại trắng trong – sao không ai nhận ra. Sao không ai nhận ra”.

http://nguoiduynhat83.wordpress.com/

Chủ Nhật, 20 tháng 7, 2014

Anh muốn hát với em




Anh muốn hát với em
những bản tình ca anh đã viết
trong những đêm thâu
nghe gió lao xao gọi lá chuyển mùa

Miền ký ức
rơi đầy bao kỉ niệm
ly kem nhà thờ Đức Bà

ngọt lạnh môi thơm

Nắng Sài gòn vàng rươm
sau cơn mưa bất chợt
em nép bên vai anh
hương Loa kèn nhè nhè gọi đêm

Anh muốn hát cho em nghe
những bản tình ca anh viết cho riêng em
trong những đêm say trăng
rượu tình em rót nồng nàn

Khóm hoa hồng
bên thềm lại nỡ hoa
bản tình ca của đôi ta
ru giấc đêm sâu
đợi nắng mai về


Những nốt nhạc yêu thương anh viết
còn mãi trên dòng thời gian
khóa
đợi chờ...

Thứ Sáu, 28 tháng 3, 2014

GIÁ EM ĐỪNG YÊU ANH










GIÁ EM ĐỪNG YÊU ANH

Sáng tác: Phạm Tuyên
Thơ: Bùi Văn Dung
*********************



Giá em đừng yêu anh
Bằng tình yêu vội vã
Như màu xanh chiếc lá
Chìa vội ra khỏi cành.

Giá em đừng yêu anh
Thiết tha nhiều đến vậy
Như lời nói đưa đẩy
Trong những đêm hẹn hò.

Anh yêu em suốt đời
Bằng tình yêu không nói
Anh đi dài năm tháng
Để mình em đợi chờ.

Đừng yêu anh bao giờ
Hai phương trời bão nổi
Biết lòng em bối rối
Con tằm dứt lứa tơ.

Đừng yêu anh làm gì
Chiến tranh dài lắm đấy
Chờ anh nhiều như vậy
Mùa Xuân nào chịu yên.

Anh muốn để em quên
Như chưa hề hò hẹn
Như thuyền chưa đến bến
Em đợi anh làm gì.

Anh sẽ còn phải đi
Đến chân trời bão nổi
Bảo vệ cuộc đời mới
Của Tổ quốc yêu thương.

Anh sống nơi chiến trường
Bằng tình yêu đồng chí
Ôm bạn mình yên nghỉ
Nước mắt tuôn đầm đìa.

Cái hèn yếu hay lừa
Kẻ nào buông vũ khí
Nước mắt thương đồng chí
Nâng cuộc đời anh lên.

Giờ có thể yêu em
Rất công bằng, sòng phẳng
Hai phương trời đầy nắng
Đợi anh về nghe em.

Giờ có thể yêu em
Đắm say và nồng thắm
Hai phương trời rực sáng
Đợi anh về em nghe.

Thứ Hai, 28 tháng 10, 2013

Hoa không quên (Thơ Nga)






Незабудка là tên tiếng Nga của hoa Forget-me-not – Xin đừng quên tôi.Cái tên ấy xuất phát từ chuyện tình bi thảm của cặp tình nhân: chàng trai vì cố hái cho người yêu bông hoa xanh bên dốc đã ngã xuống vực và bị nước cuốn trôi, chỉ kịp kêu lên nhắn gọi người tình: đừng quên tôi nhé!.....
Tên tiếng Việt của hoa là “lưu ly” có lẽ cũng xuất phát từ truyền thuyết của người Âu.
Với bài hát mà tôi dịch dưới đây mà dùng tên gọi “lưu ly” hay “xin đừng quên tôi” đều không chuyển tải được cảm xúc của chàng trai: Anh không bao giờ quên khoảnh khắc đã gặp em, người mà suốt đời anh muốn gọi là “hoa không quên” bé nhỏ.
Và vì vậy, tôi đã dịch là “hoa không quên”, đơn thuần như tên tiếng Nga của loài hoa ấy.
(Lưu Minh Phương)
Mời bạn cùng thưởng thức bài hát Незабудка do nghệ sĩ Ion Suruceanu người Moldova (Bấm vào link để nghe bài hát)Bài hát do Lưu Minh Phương trình bày.


Незабудка
Добрынин Вячеслав
слова: Рябинин М.

Мы с тобою встретились посредине лета,
Были голубыми небо и цветы.
Я скажу спасибо случаю за это,
Что передо мною появилась ты.

Я свое смущенье приукрасил шуткой,
И еще подумал про себя тайком,
Что тебя назвал бы только незабудкой,
Голубым и нежным солнечным цветком.

Незабудка, незабудка, иногда одна минутка,
Иногда одна минутка значит больше чем года.
Незабудка, незабудка, в сказке я живу как будто,
И тебя я, незабудка, не забуду никогда.

Так судьбa нам выпалa, что пришлось расстаться,
Даже твое имя неизвестно мне.
Только остается мне с тобой встречаться
Звездными ночами, да и то во сне.

Я стою, волнуясь, в телефонной будке,
Телефон твой где-то мне нашли друзья.
Набираю номер, здравствуй, незабудка,
Так всю жизнь хотел бы звать тебя лишь я.

Незабудка, незабудка, иногда одна минутка,
Иногда одна минутка значит больше чем года.
Незабудка, незабудка, в сказке я живу как будто,
И тебя я, незабудка, не забуду никогда. Hoa không quên
Lời: Riabinin M. – Nhạc: Dobrưnin V.

Anh đã gặp em vào giữa mùa hè
Trời khi ấy cùng muôn hoa xanh ngắt
Anh sẽ mãi cảm ơn về khoảnh khắc
Khi trước anh hiển hiện dáng hình em

Anh bông đùa để che phút rối lòng
Và còn nữa: anh đã thầm nghĩ lén
Rằng chỉ gọi em là "hoa không quên"
Đóa hoa nhỏ, dịu mềm, ngời trong nắng.

Hoa không quên, ơi bông hoa không quên
Có đôi khi dù chỉ là một phút
Có đôi khi dù chỉ là khoảnh khắc
Có nghĩa hơn là cả những tháng năm
Hoa không quên, ơi bông hoa không quên
Anh dường như đang sống trong truyện cổ
Và em nhé, hoa không quên bé nhỏ
Không bao giờ anh có thể quên đâu

Số phận thôi đành mình phải xa nhau
Cả đến tên em – anh còn chưa rõ
Chỉ còn được cùng với em gặp gỡ
Những đêm sao, nhưng trong giấc mơ thôi….

Anh đứng trong buồng điện thoại, bồi hồi
Bạn bè đã tìm cho anh số của em đâu đó
Anh quay số - Chào hoa không quên bé nhỏ
Mong gọi em cả đời như thế chỉ mình anh.

(Bản dịch của Lưu Minh Phương)


***

Ta gặp nhau giữa mùa hè rực nắng
Cả bầu trời và hoa cùng xanh thắm.
Anh muốn nói một lời: cảm ơn em thầm lặng,
Cảm ơn ngày em xuất hiện trước anh.

Anh nhầm lẫn bởi trò đùa tinh quái,
Và thầm mong giữ bí mật cho mình,
Rằng sẽ gọi em là hoa-không-quên,
Bông hoa nhỏ xanh tươi sáng dịu hiền

Hoa không quên, ơi bông hoa không quên,
Có đôi khi chỉ là một phút,
Có đôi khi chỉ là khoảnh khắc
Mà ý nghĩa hơn nhiều năm.
Hoa không quên, ơi bông hoa không quên,
Dường như anh được sống trong cổ tích,
Và em yêu, hoa không quên tinh nghịch,
Anh sẽ không bao giờ quên em.

Số phận an bài, bắt ta phải chia xa,
Tên của em, anh cũng không biết rõ,
Chỉ còn lại buổi ban đầu gặp gỡ
Đêm đầy sao vào những giấc chiêm bao.

Anh hồi hộp đứng trong buồng điện thoại
Số của em, nhờ bạn cũ kiếm tìm
Anh quay số, xin chào, hoa-không-quên,
Suốt cuộc đời, chỉ mình anh mãi gọi em như thế.

Hoa không quên, ơi bông hoa không quên,
Có đôi khi chỉ là một phút,
Có đôi khi chỉ là khoảnh khắc
Mà ý nghĩa hơn nhiều năm.
Hoa không quên, ơi bông hoa không quên,
Dường như anh được sống trong cổ tích,
Và em yêu, hoa không quên tinh nghịch,
Anh sẽ không bao giờ quên em.

(Thu Hà dịch)

Thứ Sáu, 25 tháng 10, 2013

Thơ tình cuối mùa thu






Xuân Quỳnh

Cuối trời mây trắng bay
Lá vàng thưa thớt quá
Phải chăng lá về rừng
Mùa thu đi cùng lá
Mùa thu ra biển cả
Theo dòng nước mênh mang
Mùa thu và hoa cúc
Chỉ còn anh và em

Chỉ còn anh và em
Là của mùa thu cũ
Chợt làn gió heo may
Thổi về xao động cả:
Lối đi quen bỗng lạ
Cỏ lật theo chiều mây
Đêm về sương ướt má

Hơi lạnh qua bàn tay
Tình ta như hàng cây
Đã bao mùa gió bão
Tình ta như dòng sông
Đã yên ngày thác lũ.

Thời gian như là gió
Mùa đi cùng tháng năm
Tuổi theo mùa đi mãi
Chỉ còn anh và em

Chỉ còn anh và em
Cùng tình yêu ở lại...
- Kìa bao người yêu mới
Đi qua cùng heo may.

Thứ Sáu, 18 tháng 10, 2013



IM LẶNG ĐÊM HÀ NỘI


- Phạm Thị Ngọc Liên



Chỉ còn mùi hoa sữa nồng nàn
trong căn phòng nhỏ bé
đêm cuối thu trăng nhạt
sương mù .

Chỉ còn nỗi im lặng phố khuya
không gian dạ hương sâu thẳm
vài tiếng chim khắc khoải vọng về .

Chỉ còn mênh mông gương hồ
hiu hắt soi
những cây bàng lá đỏ
từng cột đèn góc phố
chơ vơ nhìn nhau .

Chỉ còn hơi ấm mối tình đầu
anh đi có đôi lần nhìn lại .

Chỉ còn em
im lặng đến tê người …


Thứ Tư, 16 tháng 10, 2013

hãy chết vào nhau cho vĩnh cữu tình ta






đời mênh mông trăm nghìn con sóng vỗ
bước trần gian lặng lẻ mình tôi đi
em chợt đến mang đầy tình hoa nở
sưởi ấm đời anh bao niềm ước mơ

ngày tháng reo vuii – mộng tình sông núi
tình em trao như mây gío dịu mềm
ước vong cuồng say – tình nồng bừng cháy
tình em trao vun sới lại đời anh

hãy tựa vào nhau cho thuyền tình ghé bến
hãy quàng vai nhau mình chung hướng tình
hãy sát bên nhau cho tim dậy sóng
hãy yêu ngàn đời, em nhé, tình anh

hãy bước bên nhau mình qua năm tháng
hãy cầm tay nhau xóa dịu thương đau
hãy ươm tình ta bằng những nụ hôn
hãy nuôi trong anh tình nghĩa dài lâu

hãy quyện vào nhau cho tình chung hướng
hãy hứa với nhau tình em mượt mà
hay ru tình anh bằng ngàn hương phấn
hãy chết vào nhau cho vĩnh cữu tình ta

khê kinh kha

Chủ Nhật, 13 tháng 10, 2013

KHÔNG ĐỀ GỬI MÙA ĐÔNG



Thơ : Thảo Phương
Tên bài hát : Nỗi nhớ mùa đông

Ca sĩ: Lệ Quyên


Dường như ai đi ngang cửa
Hay là ngọn gió mải chơi

Chút nắng vàng thu se nhẹ
Chiều nay -
Cũng bỏ ta rồi

Làm sao về được mùa đông
Chiều thu - cây cầu
Đã gãy...

Lá vàng chìm bến thời gian
Đàn cá - im lìm - không quẫy

Ừ, thôi...
Mình ra khép cửa -
Vờ như mùa đông đang về

Thứ Sáu, 4 tháng 10, 2013

Chỉ Nhớ Người Thôi Đủ Hết Đời



Tác giả : Thơ Du Tử Lê - Nhạc Trần Duy Đức
Trình bày : Lê Uyên


Viết về tình trạng đổ vỡ gia đình trong tập thể người Việt tỵ nạn ở Mỹ, ngày một gia tăng, và đó cũng là tình trạng của chính tác giả.

Lần đầu tiên, tác giả đưa ra một quan điểm hoàn toàn ngược, lại, vốn rất phổ cập trong thơ văn Việt Nam. Đó là cái tinh thần “hứa hẹn dành cho nhau đời sau!” hay sẽ có nhau ở kiếp khác- khi tác giả viết:

“Chỉ nhớ người thôi sông đủ cạn / nói gì kiếp khác, với đời sau.”

Có người cho rằng câu thơ này là đỉnh điểm của quan niệm hiện sinh – sống với hiện tại. Nhưng dù cho có đúng là như vậy, thì nội dung bài thơ, tự nó cũng vẫn thủy chung tấm lòng thương yêu, tưởng tiếc hạnh phúc đã mất. Tinh thần này, rất đông phương, không một chút tây phương nào hết!


chẳng chiến chinh mà cũng lẻ đôi

chỉ nhớ người thôi đủ hết đời
chim về góc biển. Bóng ra khơi
lòng tôi lũng thấp. tâm hiu quạnh
chẳng chiến chinh mà cũng lẻ đôi.

chỉ nhớ người thôi đủ hết đời
buổi chiều chăn, gối thiếu hơi ai!
em đi để lại hồn thơ dại
tôi, vó câu buồn sâu sớm mai.

III.

chỉ nhớ người thôi đủ hết đời
em còn gương lược dấu đường ngôi?
nằm mơ thấy tóc thơm vai hẹn
và, khoảng trời xanh đến rợn người.

chỉ nhớ người thôi đủ hết đời
bàn tay dư mấy ngón chia phôi!
(tặng nhau chính ngón không đeo nhẫn)
và những tàn phai đầy tuổi tôi.

chỉ nhớ người thôi đủ hết đời
như trời nhớ đất (rất xa xôi.)
nắng mưa nhớ mãi hàng hiên đợi
thư nhớ hồi âm. Lệ nhớ môi.

BIS.

chỉ nhớ người thôi sông đủ cạn
nói gì kiếp khác với đời sau.
đôi khi nghe ấm trên da, thịt
như thể ai đi mới trở về.


Thứ Hai, 30 tháng 9, 2013

Quán bên đường







Thơ : Trang Thế Hy
Nhạc : Phạm Duy

Ngày xưa ngày xửa ngày xưa
Chiều mơ chiều nắng đẹp khoe mầu tơ
Hai đứa mình còn trẻ thơ
Rủ nhau ngồi ngưỡng cửa chơi thẩn thơ.
À a a nhớ nhớ em còn mái tóc bánh bèo
À a a nhớ má chưa hồng da mét vì em nghèo
Đầu anh còn húi trọc, còn húi trọc
Khét nắng hôi trâu thèm đi học, thèm đi học
Thèm đi học...


Em cầm một củ khoai
Ghé răng cạp vỏ rơi
Xong rồi mình chia đôi
Khoai sùng này lượm mót
Sao ngọt lại ngọt ghê
Giờ đây kỷ niệm ngày xưa
Giờ đây cảnh cũ chìm xa mù khơi
Gặp nhau một chiều lạnh mưa
Nhìn nhau quần áo bảnh bao mừng sao.


Nhìn em còn xinh còn tươi
Đời em tưởng đâu là vui
Nhà em phải chăng là đây?
Dè đâu chẳng may là quán
Em bẹo hình hài đem bán...
Rồi em hỏi anh: làm chi?
Cầm bút để viết ngày đêm, viết gì?
Đời thối phải nói là thơm
Ngòi bút là chiếc cần câu miếng cơm
Em hỏi nghệ thuật là chi?
Là đui, là điếc, là câm mà đi.
Nhìn nhau lặng lẽ nhìn nhau
Nào có ai đánh mà sao lòng đau.


Bánh ngọt cùng mời ăn
Nhớ chăng củ khoai ngon
Bánh tươm vàng như nắng
Bánh này mình chưa cắn
Sao mà miệng cay đắng?
Rồi xin một nụ cười thôi
Cười ư? Anh đã vùi quên nụ cười
Thì xin vài giọt lệ rơi
Lệ em cạn đã từ lâu, người ơi
Trước khi từ giã hỏi nhau buồn hay là vui
Thì cứ hỏi ngay cuộc đời

Thứ Ba, 17 tháng 9, 2013

“Xin cho tôi bình yên”


 

Sự tình cờ luôn có những thú vị của nó. Đang ở Tô-Gô (một nước thuộc Phi Châu), nhạc sĩ Diệp Chí Huy bỗng nhớ Vnweblogs và vào Trang chủ… Trong các Entry hiện lên hôm ấy, tình cờ anh bấm vào bài thơ Năm phút của Vũ Thanh Hoa. Đọc xong bài thơ, anh cảm thấy xúc động, đồng cảm vì nhiều câu thơ làm anh nghĩ về cuộc sống, về tuổi thơ, về những kỷ niệm… và lập tức, anh phổ nhạc ngay. Sau đó, anh không biết liên lạc với Vũ Thanh Hoa thế nào, và chúng tôi đã nhờ nhà báo Đặng Ngọc Khoa giúp đỡ . Mời quý vị thưởng thức ca khúc “Xin cho tôi bình yên” qua sự trình bày của chính nhạc sĩ – anh Diệp Chí Huy.

Nhạc và trình bày: DIỆP CHÍ HUY
Thơ: VŨ THANH HOA



Bài thơ gốc:
NĂM PHÚT

cho tôi bình yên năm phút
dõi theo vệt nắng cuối chiều
thoáng gió rung ngàn lá đổ
một ngày còn lại bao nhiêu…

cho tôi bình yên năm phút
chẳng buồn mà cũng không vui
lãng đãng theo làn mây trắng
thì thầm tôi với mình tôi

cho tôi bình yên năm phút
thả con thuyền giấy chơi vơi
trôi xuôi về nơi xanh thẳm
xa xưa thức giấc bồi hồi

cho tôi bình yên năm phút
giữa đời xoay những vòng xoay
ngẩn ngơ những gì được mất
tôi gặp chỉ với một tôi

4.5.2008

Thứ Ba, 6 tháng 8, 2013

Nhạc phổ thơ, thơ phổ nhạc


Bích Huyền



“Phổ nhạc một bài thơ là
mang đến cho bài thơ một đời sống khác.”


Bích Huyền: Rất vui được dịp chuyện trò với anh Lê Hữu trong “Câu chuyện âm nhạc” hôm nay về “nhạc phổ thơ”, đề tài mà Bích Huyền tin rằng được rất nhiều quý độc giả yêu chuộng.

– Lê Hữu: (cười) Thưa chị, nói chuyện về thơ và nhạc với người phụ trách “Chương trình thơ nhạc” quen thuộc của đài VOA từng được thính giả yêu thích từ bao nhiêu năm qua, e rằng nếu không phải “múa rìu qua mắt thợ” thì cũng là “dẫm chân” lên người có thẩm quyền hơn mình…
– Bích Huyền: Không hẳn như vậy đâu anh à. Mỗi người có thể ngắm nhìn sự vật dưới nhiều lăng kính khác nhau. Những bài khảo luận về thơ, về nhạc của anh được nhiều người đọc yêu thích, trong đó có những điều rất mới và lý thú, và cũng qua đó chúng ta có được với nhau cái duyên văn nghệ. Tuy nhiên, để anh không phải ngại chuyện “dẫm chân” như anh nói, hôm nay Bích Huyền chỉ xin nêu ra ít câu hỏi và muốn được nghe ý kiến của anh, như vậy được chứ anh Lê Hữu?…
Xin bắt đầu nhé, “nhạc phổ thơ” hay “thơ phổ nhạc”, cách gọi nào là đúng, thưa anh?
– Lê Hữu: Trước khi trả lời chị Bích Huyền, xin được mở cái dấu ngoặc. Những ý kiến, nhận xét của tôi chỉ là của một người nghe nhạc và yêu nhạc trong một cuộc chuyện trò văn nghệ nhẹ nhàng và có tính cách cá nhân, không hẳn là phù hợp với mọi người. Xin đóng ngoặc và xin được trả lời chị thế này:
Nói “nhạc phổ thơ” là nói về một bài nhạc có xuất xứ là một bài thơ. Nói “thơ phổ nhạc” là nói về một bài thơ được phổ nhạc. Theo tôi, nói “nhạc phổ thơ” thì đúng hơn và rõ nghĩa hơn là nói “thơ phổ nhạc”, nhất là khi nói chuyện về một đề tài âm nhạc. Lấy ví dụ, nói “‘Chiều’ là bài nhạc phổ thơ của Dương Thiệu Tước” thì chính xác hơn là nói “‘Chiều’ là bài thơ phổ nhạc của Dương Thiệu Tước”. Cách nói sau có thể gây ngộ nhận rằng tác giả bài thơ “Chiều” là Dương Thiệu Tước (trong lúc bài thơ tên là “Màu cây trong khói” của Hồ Dzếnh, được nhạc sĩ Dương Thiệu Tước phổ nhạc thành bài nhạc “Chiều”).
Tuy nhiên, cách nói “thơ phổ nhạc” đã trở thành thói quen nên khi nghe/đọc vậy thì ta tự động hiểu là… “nhạc phổ thơ”. Cũng xin nói thêm, “thơ phổ nhạc” với cái nghĩa đem thơ phổ vào nhạc hay “lấy thơ ghép nhạc” thì tôi chưa gặp bài nào, nhiều lắm chỉ có những bài nhạc được các thi sĩ viết lời, gọi là “phổ lời” cho bài nhạc.
Về sau này người ta có những cách nói văn vẻ hơn để nói về “thơ phổ nhạc”, chẳng hạn “‘Áo lụa Hà Đông’, thơ Nguyên Sa, nhạc sĩ Ngô Thụy Miên phổ thành ca khúc”.
Trong “câu chuyện âm nhạc” với chị Bích Huyền hôm nay, khi tôi nói “phổ nhạc” hay “phổ thơ” xin được hiểu là cách nói tắt của “phổ nhạc vào thơ”.
Bích Huyền: Theo anh Lê Hữu, vì sao các nhạc sĩ ưa chuộng việc phổ nhạc một bài thơ, và vì sao những năm về sau này có nhiều bài nhạc phổ thơ hơn là thời kỳ trước năm 1975?
– Lê Hữu: Thưa chị theo tôi thì có những lý do như thế này:
Thứ nhất, khi phổ nhạc một bài thơ hay, người nhạc sĩ có được lợi điểm là không phải lo việc tìm ý đặt lời, vì đã có sẵn lời hay, ý đẹp trong bài thơ ấy.
Xin nói thêm về chuyện “nhạc và lời” như thế này: người Việt mình lâu nay vẫn có “khuynh hướng” nghe nhạc là “nghe” xem bài nhạc ấy nói cái gì, có nghĩa là chú trọng đến phần lời ca hơn là nhạc điệu. Cái khuynh hướng ấy không chỉ ở người thưởng thức “món ăn âm nhạc” mà còn ở giới ca sĩ nữa. Lấy một ví dụ: ca sĩ Lệ Thu vẫn nói là “Tôi rất kỹ tính trong việc chọn lựa bài hát. Tôi đặc biệt chú ý đến ca từ trước, rồi sau đó mới đến giai điệu…” Khi một người nói “tôi thích bài hát ấy” thì nhiều phần có nghĩa là thích lời của bài hát ấy, và thường dẫn ra những câu hát mình yêu thích trong bài ấy.
Thứ hai, có những bài thơ đọc lên hoặc ngâm nga nghe giàu âm điệu, rất gần với nhạc, và rất dễ khơi nguồn nhạc hứng cho nhạc sĩ.
Thứ ba, nếu đấy là bài thơ hay, quen thuộc và được nhiều người yêu thích, bài nhạc có lợi thế là dễ được đón nhận, dễ đến được với người nghe nếu phổ nhạc sao cho khéo, dễ nghe, dễ hát và thể hiện được tình ý của bài thơ.
Hầu như trong mỗi ông nhạc sĩ người Việt đều có ít nhiều một ông thi sĩ. Tâm hồn người nhạc sĩ dễ nhạy bén với thơ, dễ bắt được những tần số rung động của thơ. Khi “bắt” được một bài thơ hay làm cho mình rung cảm, người nhạc sĩ cảm thấy hứng thú và muốn đưa bài thơ vào trong nhạc. Về phía các nhà thơ thì cũng tìm đến các nhạc sĩ để mong là nếu bài nhạc phổ thơ thành công thì bài thơ và tên tuổi mình cũng được phổ biến rộng rãi.
Ngày nay, ở trong và ngoài nước, chúng ta có nhiều nhà thơ hơn và nhiều nhạc sĩ hơn là thời kỳ trước năm 1975 nên các nhạc sĩ dễ có được những bài thơ hay để phổ nhạc hơn. Điều này giải thích vì sao ngày nay chúng ta có nhiều bài nhạc phổ thơ hơn là ngày trước.

“Thơ anh làm em hát…”

Bích Huyền: Chắc chắn là cả nhạc sĩ lẫn thi sĩ đều muốn bài nhạc phổ thơ được thành công. Theo anh Lê Hữu, như thế nào gọi là một bài nhạc phổ thơ thành công?
– Lê Hữu: Thưa chị mỗi người có thể hiểu sự “thành công” của bài nhạc phổ thơ theo những nghĩa khác nhau, chưa nói là thành công ở… mức độ nào. Một bài nhạc phổ thơ gọi là thành công, theo tôi, ít nhất cần đáp ứng được hai “tiêu chuẩn”: thứ nhất, được phổ biến rộng rãi; thứ hai, thể hiện được tình ý của bài thơ.
“Phổ biến rộng rãi”có nghĩa là bài nhạc được nhiều người nghe, nhiều người hát, nhiều người yêu thích. Đối với nhiều người, một bài nhạc phổ thơ được phổ biến rộng rãi xem như là thành công. Tuy nhiên, để có thể gọi là một bài nhạc hay cần có thêm yếu tố nữa là thể hiện được tình cảm của bài thơ, có nghĩa là âm điệu (tone), nhạc điệu (melody) và tiết tấu (rhymn) của bài nhạc phải thể hiện được sự hòa điệu giữa nhạc và thơ, chứ không phải “thơ một đàng, nhạc một nẻo”, hoặc “thơ đi đàng thơ, nhạc đi đàng nhạc”. Có thể kể ra được một, hai ví dụ về sự hài hòa “tình thơ ý nhạc” này, chẳng hạn: nghe bài “Thuyền viễn xứ” (Phạm Duy phổ thơ Huyền Chi), ta như nghe được những thanh âm dào dạt như tiếng sóng vỗ mạn thuyền, như “thấy” được con thuyền dập dềnh trên sóng, lướt lướt trên sông. Nghe “Còn chút gì để nhớ” (Phạm Duy phổ thơ Vũ Hữu Định), ta nghe được cái âm điệu hoang dã của người sắc tộc thiểu số ở núi rừng tây nguyên. Hoặc nghe những bài phổ ca dao như “Mười thương” của Phạm Đình Chương, “Đố ai” của Phạm Duy, ta nghe được những nét luyến láy uyển chuyển thật mềm mại thật tự nhiên mang âm hưởng dân ca Bắc bộ…
Có những cách định nghĩa và nhận biết sự thành công của một bài nhạc phổ thơ, như là:
- Một bài nhạc phổ thơ thành công là làm cho bài thơ “hay” hơn.
- Một bài nhạc phổ thơ thành công là làm cho người ta muốn nghe bài nhạc hơn là bài thơ, muốn hát bài nhạc hơn là ngâm nga bài thơ.
- Một bài nhạc phổ thơ thành công là một bài nhạc hay mà người nghe không biết hoặc “không cảm thấy đấy là bài thơ được phổ nhạc”, nói như nhạc sĩ Phạm Quang Tuấn.
Nếu cần nói thêm, với riêng tôi, một bài nhạc phổ thơ thực sự gọi là thành công cần có thêm “tính thẩm mỹ nghệ thuật”.
Bích Huyền: Cám ơn anh Lê Hữu đã cho các định nghĩa về một bài nhạc phổ thơ thành công. Về “tính thẩm mỹ nghệ thuật” của một bài nhạc phổ thơ, anh có thể nói rõ hơn và cho một vài ví dụ?
– Lê Hữu: Thưa chị, tính thẩm mỹ về nghệ thuật nói chung, hoặc về âm nhạc và thi ca, là ý niệm mang tính trừu tượng tùy thuộc vào sự cảm thụ và thẩm định của người nghe nhạc về cái hay cái đẹp của bài thơ được phổ nhạc.
Khi nói rằng bài nhạc phổ thơ này có tính thẩm mỹ nghệ thuật hơn bài kia có nghĩa là đã làm một sự so sánh. Ở đây tôi chỉ đưa ra sự so sánh giữa các bài nhạc phổ thơ của cùng một nhạc sĩ. Chẳng hạn, trong số những bài phổ thơ lục bát thành công của Phạm Duy, theo tôi bài “Đưa em tìm động hoa vàng” (phổ thơ Phạm Thiên Thư) có tính thẩm mỹ nghệ thuật hơn bài “Ngậm ngùi” (phổ thơ Huy Cận), tuy rằng bài “Ngậm ngùi” có vẻ phổ biến hơn. Hoặc, trong số những bài phổ thơ của Phạm Đình Chương, tôi cho là bài “Đôi mắt người Sơn Tây” (phổ thơ Quang Dũng) có tính thẩm mỹ nghệ thuật hơn bài “Mộng dưới hoa” (phổ thơ Đinh Hùng). Hoặc, trong những bài phổ thơ Nguyên Sa của Ngô Thụy Miên, tôi cho là bài “Paris có gì lạ không em?” có tính thẩm mỹ nghệ thuật hơn bài “Áo lụa Hà Đông”. Ở những bài ấy, người nhạc sĩ không chỉ diễn đạt được tình ý của bài thơ mà còn đưa cả được cái “khí hậu” của bài thơ vào trong bài nhạc, khiến người nghe như chìm đắm vào cái tâm cảnh mênh mang của thơ và nhạc. Nghe bài “Tiễn em” của Phạm Duy (phổ thơ Cung Trầm Tưởng) chẳng hạn, ta tưởng như đắm mình vào không gian xám xịt của mùa đông băng giá với khung cảnh sân ga hắt hiu đèn vàng trong giờ phút tiễn đưa của đôi tình nhân.
Phổ nhạc một bài thơ là mang đến cho bài thơ một đời sống khác, là “nâng” thơ lên một tầm cao nghệ thuật, nói một cách văn vẻ là “chắp cho thơ đôi cánh nhạc”. Ngôn ngữ nhạc quyện lấy ngôn ngữ thơ làm cho bài thơ nghe “hay” hơn. Bài thơ hay đã bước ra khỏi những trang thơ để “hóa thân” thành bài nhạc hay.
Thực sự, không có cái thước đo nào để thẩm định tính thẩm mỹ nghệ thuật của một bài nhạc phổ thơ. Các nhận định vừa rồi có thể là chủ quan, và tôi cũng chỉ ngừng ở đây chứ không có ý định đi sâu thêm nữa để lạm bàn về “giá trị nghệ thuật” của một bài nhạc phổ thơ, hoặc là để nói về những bài phổ thơ gọi là “kén” người nghe, đôi lúc “kén” cả… người hát nữa.
Bích Huyền: Anh Lê Hữu có thể nào kể tên một số bài nhạc phổ thơ gọi là thành công theo các “tiêu chuẩn” mà anh nêu ra, trong số khá nhiều bài nhạc phổ thơ trong kho tàng âm nhạc Việt Nam?
– Lê Hữu: Nhiều lắm thưa chị, khó mà kể ra hết được. Trong phạm vi cuộc nói chuyện, chỉ xin kể ra một ít bài nhạc phổ thơ khá quen thuộc và được nhiều người yêu thích vào thời kỳ trước năm 1975 ở miền Nam. Xin nhớ được đến đâu kể ra đến đó, không theo một thứ tự nào cả, và chắc chắn là thiếu sót nhiều bài:
Những bài khá thành công như: “Ghen”, Trọng Khương phổ thơ Nguyễn Bính; “Thoi tơ”, Đức Quỳnh phổ thơ Nguyễn Bính; “Gái xuân”, Từ Vũ phổ thơ Nguyễn Bính; “Chiều”, Dương Thiệu Tước phổ thơ Hồ Dzếnh; “Mộng ban đầu”, Hoàng Trọng phổ thơ Hồ Đình Phương; “Tình quê hương”, Đan Thọ phổ thơ Phan Lạc Tuyên; “Bên kia sông”, Nguyễn Đức Quang phổ thơ Nguyễn Ngọc Thạch; “Trên ngọn tình sầu”, Từ Công Phụng phổ thơ Du Tử Lê; “Em đến thăm anh đêm 30”, Vũ Thành An phổ thơ Nguyễn Đình Toàn; “Áo lụa Hà Đông”, “Paris có gì lạ không em?”, Ngô Thụy Miên phổ thơ Nguyên Sa…
- Những bài của Văn Phụng như “Trăng sáng vườn chè”, phổ thơ Nguyễn Bính; “Hôn nhau lần cuối”, phổ thơ Nguyễn Bính; “Các anh đi”, phổ thơ Hoàng Trung Thông…
- Những bài của Phạm Đình Chương như “Đôi mắt người Sơn Tây”, phổ thơ Quang Dũng; “Mộng dưới hoa”, phổ thơ Đinh Hùng; “Mắt buồn”, phổ thơ Lưu Trọng Lư; “Người đi qua đời tôi”, phổ thơ Trần Dạ Từ…
- Những bài của Y Vân như “Người em sầu mộng”, phổ thơ Lưu Trọng Lư; “Đêm giã từ”, phổ thơ Thể Vân; “Những bước chân âm thầm”, phổ thơ Kim Tuấn…
- Những bài của Nguyễn Hiền như “Người em nhỏ”, phổ thơ Thiệu Giang; “Lá thư gửi mẹ”, phổ thơ Thái Thủy; “Anh cho em mùa xuân”, phổ thơ Kim Tuấn…
- Những bài của Phạm Duy như “Hoa rụng ven sông”, phổ thơ Lưu Trọng Lư; “Tiếng sáo thiên thai”, phổ thơ Thế Lữ; “Thuyền viễn xứ”, phổ thơ Huyền Chi; “Tiễn em”, phổ thơ Cung Trầm Tưởng; “Còn chút gì để nhớ”, phổ thơ Vũ Hữu Định; “Em hiền như Ma Soeur”, phổ thơ Nguyễn Tất Nhiên…
Và còn nhiều nhiều nữa…, chưa kể là sau năm 1975 có nhiều bài phổ thơ khá hay của các nhạc sĩ trong và ngoài nước, không tiện kể ra hết được.
Bích Huyền: Như thế thì số lượng những bài phổ thơ hay kể ra cũng khá nhiều, phải không anh Lê Hữu? Những bài phổ thơ… không thành công, theo anh, ít hơn hay nhiều hơn những bài thành công? Và một bài nhạc phổ thơ thế nào gọi là “không thành công”?
– Lê Hữu: Cám ơn chị Bích Huyền đã không đề nghị tôi kể ra những bài phổ thơ… không thành công. Theo sự ghi nhận của riêng tôi, ở thời nào cũng vậy, những bài nhạc phổ thơ không thành công luôn luôn… nhiều hơn những bài thành công. Một bài nhạc phổ thơ không thành công hiểu theo nghĩa không được phổ biến hoặc ít được phổ biến, vì ít người chịu nghe, ít ai chịu hát. Nói khác đi, những bài nhạc phổ thơ ấy không “sống” được.
Thường thì đấy là những bài nhạc nghe gượng ép và khó hát, là những bài “nhạc không ra nhạc, thơ không ra thơ” mà ta hay gọi là “kém nhạc tính”. Người nghe có cảm tưởng như là bài thơ được “gắn” vào những nốt nhạc, và khi hát lên nghe như là một lối hát thơ vậy, chưa nói là lối “hát” ấy không phải… dễ hát và nên thơ như là “Thơ anh làm em hát, tơ em dệt anh may” như lời của bài hát “Thoi tơ”, Đức Quỳnh phổ thơ Nguyễn Bính. Có khá nhiều bài nhạc phổ thơ rơi vào dạng “hát thơ” này,
Tôi từng được nghe không ít những bài nhạc phổ thơ giống như là một lối diễn ngâm mới với giọng ngân nga luyến láy trên nền nhạc. Nghe những bài nhạc như thế, người ta chỉ muốn quay về với bài thơ nếu đấy là bài thơ hay và quen thuộc.
Những bài nhạc phổ thơ như thế cũng gọi là “chắp cánh cho thơ”, thế nhưng thơ không bay lên được, nhạc cũng không bay lên được, hoặc chỉ bay… là đà. Nói cho vui, những bài nhạc phổ thơ ấy ví như là những con… chim cánh cụt, có cánh mà không bay được. Rốt cuộc thì thơ vẫn cứ là thơ, vẫn cứ nằm im lìm trong những trang thơ mà không thể nào cất cánh hoặc “hóa thân” thành bài nhạc được.
Nói gì thì nói, một bài nhạc phổ thơ ít người biết đến thì khó mà gọi là “thành công” được, hoặc chỉ thành công ở mức hạn chế. Và cũng khó mà nói được rằng bài phổ thơ ấy chỉ dành cho đối tượng nào đó “biết thưởng thức” hoặc “sành nhạc”. Một bài nhạc (nói chung chứ không riêng gì nhạc phổ thơ) được nhận xét rằng “chỉ để nghe hơn là hát”, trong một nghĩa nào đó được hiểu là… không thành công.
Nếu phải tìm một cách định nghĩa, một bài nhạc phổ thơ không thành công là bài nhạc nghe có vẻ là “thơ” hơn là “nhạc”, và không làm cho người ta muốn “hát” lên những lời thơ ấy.
Bích Huyền: Cám ơn anh Lê Hữu đã cho những nhận định về những bài nhạc phổ thơ không thành công. Trong một bài nhận định khá lý thú về nhạc Nguyễn Hiền trước đây, anh có đề cập đến tính “sáng tạo” trong nghệ thuật phổ thơ của tác giả “Anh cho em mùa xuân”, đặc biệt là việc thêm, bớt và thay đổi lời thơ. Xin hỏi anh Lê Hữu: người nhạc sĩ khi phổ nhạc một bài thơ có nhất thiết phải tôn trọng từng lời từng chữ theo nguyên tác bài thơ, hay được phép linh động thay đổi, và thay đổi ít nhiều thế nào thì chấp nhận được?
– Lê Hữu: Theo tôi hiểu thì không hề có lề luật hoặc quy định nào về việc này. Khi phổ nhạc một bài thơ người nhạc sĩ không buộc phải giữ nguyên vẹn bài thơ ấy, và không phải đưa hết những câu thơ vào bài nhạc. Nhạc sĩ có thể chọn lọc ra những câu thơ để phổ nhạc. Những câu không sử dụng được hoặc vì không được hay, hoặc vì lý do “kỹ thuật” như không phù hợp cấu trúc của một bài nhạc.
Khi cần thiết nhạc sĩ có thể thay đổi một vài chữ trong câu thơ để tương ứng với âm vực thấp cao trầm bổng của nốt nhạc. Những nhạc sĩ có “tay nghề cao” về phổ thơ thường cố gắng hạn chế việc thay đổi lời thơ. Hoặc, giữ được nguyên vẹn bài thơ, như bài “Tiếng thu”, Phạm Duy phổ từ bài thơ cùng tên của Lưu Trọng Lư. Hoặc, chỉ đổi có… một chữ trong toàn bài thơ, như bài “Chiều”, Dương Thiệu Tước phổ từ bài thơ “Màu cây trong khói” của Hồ Dzếnh (chỉ đổi câu thơ cuối “khói xanh bay lên cây” thành “khói huyền bay lên cây”).
Những bài “Trăng sáng vườn chè” (Văn Phụng phổ bài thơ “Thời trước” của Nguyễn Bính), “Ghen” (Trọng Khương phổ bài thơ cùng tên của Nguyễn Bính), “Ngậm ngùi”, “Còn chút gì để nhớ”, “Con quỳ lạy Chúa trên trời” (Phạm Duy phổ các bài thơ “Ngậm ngùi” của Huy Cận, “Còn một chút gì để nhớ” của Vũ Hữu Định, “Cầu nguyện” của Nhất Tuấn)… là những bài nhạc phổ thơ chỉ thay đổi rất ít về lời thơ so với bài thơ nguyên tác.
Thường thì những câu thơ nào không giữ nguyên được vì lý do “kỹ thuật”, nhạc sĩ có thể thay đổi chút ít trong lúc cố gắng giữ được giữ ý chính của câu thơ. Nhạc sĩ sẽ phải cân nhắc việc thay đổi câu, chữ sao cho không đi ra ngoài ý thơ.
Có khi nhạc sĩ còn đi xa hơn, như phải đặt thêm lời để ghép vào bài thơ phổ nhạc (do bài thơ hoặc quá ngắn, hoặc thiếu cân đối, hoặc không đáp ứng cấu trúc bài nhạc…). Những “sáng tạo” này của nhạc sĩ phải chảy xuôi chiều với mạch thơ và phù hợp với tổng thể của bài thơ. Có thể kể ra một, hai ví dụ:
Bài “Gái xuân”, Từ Vũ phổ thơ Nguyễn Bính. Hai câu không có trong bài thơ được nhạc sĩ thêm vào trong bài nhạc là:
Xuân đi, xuân đến hãy còn xuân / Cô gái trông xuân đến bao lần
Hoặc bài “Anh cho em mùa xuân”, Nguyễn Hiền phổ bài thơ “Nụ hoa vàng ngày xuân” của Kim Tuấn. Những câu được thêm vào trong bài nhạc là:
Bầy chim lùa vạt nắng / Nhạc, thơ tràn muôn lối…
Hoặc bài “Những bước chân âm thầm”, Y Vân phổ bài thơ “Kỷ niệm” của Kim Tuấn. Những câu được thêm vào trong bài nhạc là:
Em yêu gì xa vắng / cho trời mây ướp buồn…/ Anh yêu tình nở muộn / Chiều tím mầu mến thương / Mắt biếc sầu lắng đọng / Đèn thắp mờ bóng đêm…
Tất cả những thay đổi ít hay nhiều này, với người nhạc sĩ có óc thẩm mỹ về thi ca và có bản lãnh về phổ thơ, đã làm cho bài thơ nghe… hay hơn.
Có thể kể thêm vài trường hợp khá đặc biệt, như nhạc sĩ Phạm Duy chỉ nhặt ra ít câu rải rác trong tập thơ “Động hoa vàng” của Phạm Thiên Thư để phổ thành bài nhạc “Đưa em tìm động hoa vàng”, hoặc nhạc sĩ Phạm Đình Chương nhặt ra ít câu trong hai bài thơ “Tự tình dưới hoa” và “Xuôi dòng mộng ảo” của Đinh Hùng để phổ thành bài nhạc “Mộng dưới hoa” (như ông đã nhặt ra ít câu trong hai bài thơ “Đôi bờ” và “Đôi mắt người Sơn Tây” của Quang Dũng để phổ thành bài nhạc “Đôi mắt người Sơn Tây”)…

Một thời để phổ nhạc những bài thơ

Bích Huyền: Xin được hỏi anh Lê Hữu câu này, những bản nhạc mà bên cạnh tên người nhạc sĩ sáng tác có ghi thêm là “ý thơ” của ai đó có được xem là bài nhạc phổ thơ hay không?
– Lê Hữu: Tôi vẫn cho là “ý thơ”, hay “mượn ý thơ”, hay “phỏng theo ý thơ”, hay “phóng tác ý thơ”… thường không phải là nhạc phổ thơ vì lời ca trong bài nhạc không giống như lời thơ.
Xin lấy một ví dụ: bài nhạc “Áo anh sứt chỉ đường tà” là bài nhạc phổ thơ (Phạm Duy phổ nhạc bài thơ “Màu tím hoa sim” của Hữu Loan), vì lời nhạc theo sát lời thơ. Bài nhạc “Những đồi hoa sim” của Dzũng Chinh không phải là bài nhạc phổ thơ vì lời nhạc khác với lời thơ. Người nhạc sĩ chỉ mượn ý của bài thơ là câu chuyện tình “màu tím hoa sim” để sáng tác nên bài nhạc, và ghi trên bản nhạc là “Nhạc Dzũng Chinh, ý thơ Hữu Loan”.
Bài “Nguyệt cầm” của nhạc sĩ Cung Tiến chẳng hạn, là “phỏng theo ý thơ” Xuân Diệu, không phải là phổ thơ Xuân Diệu.
Nếu lời nhạc đi khá xa lời thơ và cũng không hoàn toàn theo đúng ý thơ thì gọi là “phóng tác ý thơ” chứ không còn là “phổ thơ” hay “ý thơ” nữa, chẳng hạn những bài “Xa vắng” và “Tình chàng ý thiếp” của nhạc sĩ Y Vân là phóng tác ý thơ “Chinh phụ ngâm khúc”.
Bài “Trở về dĩ vãng” của Lâm Tuyền chẳng hạn, cũng là “phóng tác ý thơ” từ bài thơ “Một mùa đông” của Lưu Trọng Lư.
Nhạc sĩ Phạm Duy sau này có cách nói khác là “theo thơ”, dùng cho cả những bài nhạc phổ thơ và phỏng theo ý thơ. Và vì ông không giải thích “theo” là theo mấy phần, theo ít hay theo nhiều nên… tùy nghi ai muốn hiểu sao thì hiểu.
Những bài nhạc phỏng theo ý thơ thường mang lại sự thoải mái và thuận tiện hơn cho người nhạc sĩ sáng tác trong việc phát triển giai điệu vì không bị gò ép theo nguyên tác bài thơ.
Thường thì một bản nhạc phổ thơ sẽ ghi tên người nhạc sĩ và thi sĩ, chẳng hạn “Ghen – Nhạc Trọng Khương, thơ Nguyễn Bính”, hoặc vắn tắt hơn, “Chiều – Hồ Dzếnh, Dương Thiệu Tước”, “Người Em Nhỏ – Nguyễn Hiền, Thiệu Giang”. Cách viết vắn tắt này đôi khi không được rõ ý và dễ gây những hiểu lầm. Chẳng hạn, bản nhạc ghi “Chiều Tím – Đan Thọ & Đinh Hùng” không có nghĩa nhạc sĩ Đan Thọ phổ bài thơ nào của Đinh Hùng mà là thi sĩ Đinh Hùng viết phần lời cho bài nhạc ấy. Tương tự, những bài nhạc như “Mưa Sài Gòn, mưa Hà Nội” (ghi “Phạm Đình Chương & Hoàng Anh Tuấn”), “Tình khúc thứ nhất” (ghi “Vũ Thành An & Nguyễn Đình Tòan”), “Lệ đá” (ghi “Trần Trịnh & Hà Huyền Chi”)… không phải là nhạc phổ thơ mà là được các nhà thơ viết phần lời cho bài nhạc. Nói cách khác, Đinh Hùng phổ lời vào nhạc Đan Thọ, Hoàng Anh Tuấn phổ lời vào nhạc Phạm Đình Chương, Nguyễn Đình Toàn phổ lời vào nhạc Vũ Thành An… Cách tốt nhất vẫn là ghi: “nhạc Đan Thọ, lời Đinh Hùng”, “nhạc Phạm Đình Chương, lời Hoàng Anh Tuấn”…
Bích Huyền: Trong kho tàng thi ca của người Việt mình có khá nhiều bài thơ hay, tuy nhiên anh Lê Hữu có nghĩ là có những bài thơ dễ phổ nhạc và có những bài thơ khó phổ nhạc?
– Lê Hữu: Xin cám ơn chị Bích Huyền về câu hỏi này. Theo tôi thì bài thơ nào cũng phổ nhạc được thưa chị, hiểu theo nghĩa soạn thành một bản nhạc, tuy nhiên những bản nhạc ấy có trình diễn, nghĩa là có đàn có hát được hay không (hoặc đàn, hát lên nghe như thế nào) mới thực sự gọi là một bài nhạc, vì nhạc là phải “động” chứ không “tĩnh” như là bài thơ hay bức tranh… Những bài nhạc phổ thơ nằm im lìm ở trong các thi tập như là các “phụ bản”, thường là “nhạc trang trí” hơn là nhạc để trình diễn.
Thường thì các nhạc sĩ vẫn nói rằng các thể thơ lục bát, ngũ ngôn và “tự do” dễ phổ nhạc hơn là các thể thơ khác. Với riêng tôi, trả lời câu hỏi của chị, trong một nghĩa nào đó tôi cho là có những bài thơ tương đối dễ phổ nhạc, và có những bài thơ không phải chỉ khó mà gần như là… không thể nào chuyển thể thành bài nhạc được. Nói cách khác, không phải là bài thơ nào cũng đem ra phổ nhạc được. “Trong thơ có nhạc”, nhiều người vẫn hay nói vậy, viện dẫn câu nói “thi trung hữu nhạc”. Thực sự, câu này chỉ nói lên cái ý là bài thơ hoặc câu thơ đọc lên nghe giàu âm điệu. “Nhạc” ở trong thơ nhiều lắm chỉ gợi hứng cho nhạc sĩ để phổ nhạc bài thơ ấy. Chuyện “trong thơ có nhạc” chỉ đúng một phần, và không đơn giản là bài thơ đã có sẵn “nhạc” rồi, ta chỉ việc “triển khai” thành một bài nhạc. Lối phổ nhạc đơn giản và dễ dãi này thường thấy ở những bài phổ thơ lục bát, kết quả thường cho ra những bài… nửa thơ nửa nhạc, nghe đơn điệu và không cho thấy nghệ thuật phổ thơ.
Thực tế, “nhạc ngữ” ở trong thơ và trong nhạc có khác nhau. Các bài thơ đầy khẩu khí như “Hồ trường” của Nguyễn Bá Trác, “Tống biệt hành” của Thâm Tâm, “Tây tiến” của Quang Dũng, “Hành phương nam” của Nguyễn Bính, “Hổ nhớ rừng” của Thế Lữ, “Bài ca man rợ” của Đinh Hùng… đều là những bài “thi trung hữu nhạc” cả, và “nhạc” ấy cũng réo rắt, cũng lên bổng xuống trầm, nhưng rất khó mà chuyển thể bài thơ thành bài nhạc. Âm điệu bi tráng và giọng thơ đầy hào khí ấy chỉ có ở trong thơ và chỉ để diễn đọc hoặc ngâm nga chứ không… hát thơ được, cho dù có được ký âm bằng những nốt nhạc. Những cố gắng để phổ nhạc những bài thơ ấy chỉ là sự cố gắng vô ích, dễ đánh mất cái hay của thơ và chỉ làm người ta quay về với bài thơ.
Những bài thơ của Thanh Tâm Tuyền hoặc những bài thơ tự do của Nguyên Sa chẳng hạn, cũng rất khó mà phổ nhạc vì có phổ thế nào cũng không làm người nghe cảm xúc như là khi đọc hoặc nghe bài thơ. Những câu thơ như “Hôm nay Nga buồn như con chó ốm / Như con mèo ngái ngủ trên tay anh / Đôi mắt cá ươn…” vân vân… khó mà biến thành câu hát được, vì hát lên chỉ nghe… buồn cười và không diễn được cái hay của bài thơ. Nói điều này với cái ý là có những bài thơ hay nhưng không thể phổ nhạc được, hiểu theo nghĩa nếu có phổ là phổ cho… vui chứ không thể làm thành một bài nhạc hay. Tốt hơn hết là tránh đụng vào những bài thơ ấy để bài thơ mãi mãi là bài thơ hay.
Bích Huyền: Nói như anh Lê Hữu thì phổ nhạc một bài thơ có vẻ không đơn giản và dễ dàng chút nào phải không thưa anh?
– Lê Hữu: Đôi lúc tôi cũng tự hỏi như vậy thưa chị, và hơn thế nữa, tôi cũng từng đặt câu hỏi tương tự câu hỏi của chị với một vài nhạc sĩ: “Phổ nhạc một bài thơ dễ hay khó, vì sao?”
Nhạc sĩ Phan Ni Tấn, người phổ nhạc khá nhiều bài thơ của nhiều nhà thơ quen tên, trả lời: “Dễ mà khó, khó mà dễ. Ví dụ lục bát là một thể thơ dễ phổ nhạc mà cũng khó thành công. ‘Dễ’ là cứ trầm bổng theo âm điệu của ‘bằng bằng trắc trắc bằng bằng’ mà phổ là xong, ‘khó’ là làm sao phổ cho hay, và nhất là làm sao tránh để không bị rơi vào sự quen thuộc, nhàm chán của giai điệu và trùng lặp âm hưởng của các nhạc sĩ khác.”
Nhạc sĩ Phạm Anh Dũng, từng phổ nhạc hàng trăm bài thơ với nhiều thể điệu khác nhau, chia sẻ kinh nghiệm: “So với sáng tác nhạc cả lời lẫn nhạc, tôi thấy nhạc phổ vào thơ có dễ hơn và cũng khó hơn. Dễ hơn là vì có sẵn thơ thành có sẵn ý và lời; hơn nữa, thường bài thơ tiếng Việt đã có tiếng nhạc trong thơ, khi đọc lên nhạc sĩ ‘nhìn’ thấy ngay tiếng nhạc. Khó hơn vì nhạc hay bị ‘phụ thuộc’ vào dòng thơ thành dễ bị gượng ép, tuy nhiên các nhạc sĩ có kinh nghiệm có thể thay đổi, thêm bớt để cho nhạc được tự nhiên hơn.”
Nhạc sĩ Thanh Trang, tác giả các bài nhạc quen thuộc được yêu thích trước năm 1975, nêu nhận xét: “Phổ nhạc cho một bài thơ không thể nào dễ như tự sáng tác lấy cả nhạc lẫn lời. Với riêng tôi, một bài hát cho dù lời có hay hơn cả thơ Nguyễn Du mà giai điệu èo uột thì chẳng còn giá trị gì hết. Khi mình sáng tác nhạc rồi kế đó viết lời thì phần nhạc của mình không bị gò bó bởi một cái khung nào hết. Ngược lại, phổ nhạc cho thơ thì chẳng khác gì có người ra đề cho mình viết phần nhạc. Đối với một nhạc sĩ tôi gọi là ‘thứ thiệt’, lại có tâm hồn về thơ phong phú thì phổ nhạc vào thơ là chuyện trở bàn tay, và hay rất đều, ví dụ các bài thơ do Phạm Duy phổ nhạc. Còn đối với những ai kém tài về nhạc và thơ thì… như ta vẫn thấy qua hàng nghìn bài thơ phổ nhạc từ trong nước ra đến hải ngoại sau năm 75!”
Nhạc sĩ Nghiêu Minh, từng viết cả trăm bài nhạc phổ thơ, phần lớn là thơ của anh, cho ý kiến: “Nhiều người cho rằng khó tránh được sự gò bó bởi âm vận của thơ khi phổ nhạc từ thơ, tôi không cho là như vậy, vì một khi đã quen rồi thì không còn là vấn đề nữa. Hơn nữa, thơ có vần điệu của thơ trong khi nhạc có luật của nhạc.” Anh cũng nói thêm: “Sáng tác nhạc bây giờ cũng như là làm thơ mới. Một dạng thơ phá thể cũng có một số kinh nghiệm riêng biệt để dòng nhạc cũng như thơ được liên tục.”
Bích Huyền: Anh có nghĩ rằng các nhạc sĩ phổ thơ thành công đều có những “bí quyết” riêng? Và anh có nắm được bí quyết nào để phổ biến đến những người yêu thích công việc phổ nhạc một bài thơ?
– Lê Hữu: Xin thưa với chị là, tôi chỉ nắm được bí quyết làm sao để phổ một bài thơ… không thành công (cười).
Nói đùa cho vui vậy, xin thưa rằng tôi không tin lắm vào cái gọi là “bí quyết” hay là “thủ pháp nghệ thuật” này nọ. Nói rõ hơn, những bí quyết ấy nếu có, không phải là lúc nào cũng mang lại sự thành công.
Tôi chưa hề nghe ai nói đến “bí quyết để phổ nhạc thành công một bài thơ”, hơn thế nữa, có những điều thật khó mà giải thích được về sự thành công và không thành công của một bài nhạc phổ thơ. Xin nói thêm ở chỗ này:
Cách đây ít năm tôi có “mách” cho một nhạc sĩ từng được xem là “có tay nghề về phổ thơ” một bài thơ tiền chiến khá hay chưa từng được phổ nhạc. Tiếc rằng sau đó tôi khá thất vọng vì ông đã phổ không thành công bài ấy, không rõ là vì nguồn nhạc hứng đã cạn hay là vì người nhạc sĩ nào cũng chỉ có “một thời để yêu và một thời để phổ nhạc những bài thơ”.
Có nhạc sĩ phổ nhạc rất thành công một bài thơ nhưng rồi… không thấy phổ thêm bài nào nữa. Có nhạc sĩ phổ bài thơ đầu tiên khá thành công, phổ những bài tiếp theo thì… không thành công nữa. Khi mà người ta không tìm được cách giải thích nào cho xuôi tai thì người ta bèn đi đến cách giải thích khác: đôi lúc cần phải có cái duyên gọi là “duyên thơ nhạc” giữa nhạc sĩ và thi sĩ hay giữa nhạc sĩ và bài thơ. Cái duyên ấy là cái duyên tri ngộ, là cái tình tri âm, là mối đồng cảm đồng điệu giữa người làm thơ và người soạn nhạc. Cái duyên ấy là cái duyên phổ nhạc thật “ngọt”, thật dễ dàng thật tự nhiên, như nguồn nhạc hứng dâng trào, như nhạc và thơ chảy tràn như suối… Nhạc sĩ Nguyễn Hiền từng nhắc đến cái duyên thơ nhạc này giữa ông và nhà thơ Kim Tuấn. Nhạc sĩ Phạm Duy cũng hay nói đến cái duyên thơ nhạc giữa ông và nhà thơ Phạm Thiên Thư.
Nhạc sĩ Phạm Duy vẫn được xem là “chuyên trị” nhạc phổ thơ, không có nghĩa là bài thơ nào vào tay ông cũng hóa thành bài nhạc phổ thơ hay cả, mà vì ông là người nhạc sĩ có số lượng nhạc phổ thơ nhiều nhất trong số các nhạc sĩ cùng thời, và trong số ấy có nhiều bài hay. Có thể ví ông như cầu thủ xuất sắc “ghi bàn” nhiều nhất, tuy rằng cũng có những… cú sút không thành công. Ghi nhận thêm một điều, không chỉ phổ thơ của các nhà thơ tên tuổi, ông còn phổ cả thơ của những người làm thơ ít tên tuổi và có thể biến những bài thơ ít được hoặc không được biết đến thành những bài nhạc phổ thơ hay.
Có khi một bài thơ được nhiều nhạc sĩ phổ nhạc nhưng chỉ có một bài gọi là thành công (như bài thơ “Màu tím hoa sim” của Hữu Loan), hoặc… chẳng có bài nào thành công cả (như bài thơ “Hai sắc hoa ti-gôn” của TTKH).
Có những cách để có thể biết được một bài nhạc phổ thơ có “sống” được hay không. Hoặc, thử tách rời phần nhạc và phần lời của bài nhạc phổ thơ: nếu người nghe chẳng muốn nghe “nhạc” thì nhiều phần cũng chẳng muốn nghe “thơ” trong bài nhạc ấy. Hoặc, bài nhạc nào (không riêng gì nhạc phổ thơ) được bạn bè, người quen bất chợt ngẫu hứng buột miệng hát… vu vơ ít câu thì bài ấy nhiều phần là “sống” được, theo nghĩa có người hát, có người nghe.
– Bích Huyền: Một câu hỏi nữa nhé, anh Lê Hữu. Anh có điều gì góp ý hoặc chia sẻ với các nhạc sĩ từng có những bài nhạc phổ thơ?
– Lê Hữu: Góp ý thì thiệt tình là tôi không dám, thưa chị. Tôi cho rằng các nhạc sĩ sáng tác ấy hẳn là có ít nhiều kinh nghiệm về chuyện phổ nhạc một bài thơ. Tuy nhiên, trong chỗ thân tình, thảng hoặc trong những lúc chuyện trò, tôi có chia sẻ với vài người bạn nhạc sĩ một vài ý thế này:
Thứ nhất, dù sao thì rất nên… xăn tay áo lên để phổ nhạc ít bài thơ cho vui khi “bắt” được bài thơ nào làm nẩy sinh nguồn nhạc hứng. Phổ nhạc một bài thơ là một sự “thách thức” dễ gây hứng thú cho người nhạc sĩ. Hơn nữa, phổ nhạc một bài thơ thì… không có gì để mất cả. Nếu không thành công thì cũng… chẳng sao cả, và cũng là chuyện thường tình, vì có biết bao người phổ thơ không thành công, kể cả các nhạc sĩ bậc thầy, có “tay nghề cao” về phổ thơ. Ngược lại, nếu thành công là một hạnh phúc, nhạc sĩ được xem là có… tài phổ thơ và cảm thấy tự tin hơn để… tiếp tục phổ thơ. Chưa nói là tác giả bài thơ (nếu còn sống) sẽ lấy làm cảm kích và biết ơn người phổ thơ mình lắm lắm.
Thứ hai, như tôi có nói khi nãy, bài nhạc phổ thơ cần phải nghe ra là một bài nhạc hơn là một bài thơ. Nói đơn giản, phải “hát” được. Người yêu nhạc muốn nghe nhạc chứ không phải nghe thơ, hoặc nghe hát thơ. Một bài nhạc muốn được phổ biến rộng rãi thường phải là bài nhạc dễ nghe và dễ hát (không phải là chỉ có… tác giả và ca sĩ chuyên nghiệp hát được). Người yêu nhạc không chỉ muốn nghe mà còn muốn hát nữa. Trong những buổi họp mặt văn nghệ có hát hò chẳng hạn, người hát thường ít ai chọn những bài khó hát.
Thứ ba, bài thơ được phổ nhạc trước hết phải là bài thơ hay, ít nhất cũng là “hay” đối với nhạc sĩ. Thật khó mà phổ nhạc cho hay một bài thơ mà nhạc sĩ không thấy gì hay ho hoặc có chút gì rung cảm. Khi mà nhạc sĩ không yêu bài thơ thì cũng khó làm người nghe yêu bài nhạc. Những bài nhạc phổ thơ miễn cưỡng hoặc “theo đơn đặt hàng” dễ nhận ra những gượng ép.
Một nhà thơ quen tên nói với tôi anh có nhiều bài thơ được nhiều nhạc sĩ phổ nhạc. Tôi nói, “Việc ấy chứng tỏ rằng các nhạc sĩ yêu thơ của anh và muốn được phổ nhạc những bài thơ ấy, tuy nhiên không có nghĩa là những bài nhạc phổ thơ của anh cũng… hay như là bài thơ.”
Sau cùng, nói gì thì nói, cách tốt nhất để biết một bài nhạc phổ thơ có thành công không là… hãy phổ nhạc một bài thơ. Người nghe nhạc sẽ nói cho nhạc sĩ biết bài nào là thành công và bài nào không thành công.
Nhạc sĩ nào cũng từng có những bài phổ thơ không thành công, tuy nhiên nếu phổ nhạc nhiều bài thơ mà vẫn… không thành công thì cần tìm hiểu… tại sao và nên xem lại quan niệm, phương thức và thói quen trong việc phổ thơ của mình. Nếu cần thì thay đổi, thử nghiệm phương cách khác cho đến khi tìm ra được “bí quyết” của riêng mình, thay vì “dẫm chân trên một lối mòn”.
Bích Huyền: Xin cám ơn anh Lê Hữu đã dành nhiều thì giờ cho “Câu chuyện âm nhạc” cũng như đã cho những ý kiến, những nhận định rất thành thực và lý thú về đề tài hôm nay. Bích Huyền chia sẻ và đồng tình với một số nhận định của anh, một số chứ không hẳn là trăm phần trăm đâu đấy nhé!
– Lê Hữu: Cám ơn chị. Tôi cũng mong là chỉ được chị chia sẻ phần nào thôi để còn được dịp lắng nghe ý kiến của chị về đề tài này nữa chứ, phải không chị Bích Huyền?


Bích Huyền thực hiện

Chủ Nhật, 21 tháng 4, 2013

HOA SỨ


 
 


Năm cánh hoa tinh khiết.

Ủ mặt trời bên trong.

Như vòng tay tha thiết.

Mẹ ôm con vào lòng.



Năm cánh hoa tinh khiết.


Tươi mát cả mùa đông.

Tỏa hương thơm ngọt nồng.

Nào mấy ai có biết.!



Mùa xuân về réo rắt.


Gọi trái chín trĩu cành.

Sứ nhường Mai khoe sắc.

Ẩn mình vào lá xanh.



Mẹ như hoa sứ trắng


Mang tình yêu bao la.

Bao tháng năm thầm lặng.

Cho đời con hương hoa.

Thứ Sáu, 19 tháng 4, 2013

BẤT CHỢT

Bất chợt tất cả như tàn phai...
Bất chợt tất cả đều hiện diện...


Đêm và bè bạn
Anh và em
Chếnh choáng hơi men ly rượu em rót tràn
Không lấp hết nỗi khát khao
Ngây ngất cơn đau
Ly rượu tràn anh uống cạn
Khát khao vẫn chư đầy.

Đêm và bè bạn
Anh và em
Lời thì thầm rát bỏng
Trong tháng ngày vất vưởng em đánh lạc chính em
Lời tự thú lạnh căm
Trong giây phút hoang đàng anh nhặt lấy chính anh

Đêm và bè bạn
Anh và em
Đừng bao giờ em hỏi
Đừng bao giờ anh trả lời
Để tất cả chỉ là sự bất chợt
Như chúng mình bất chợt nhận ra nhau...

Thứ Bảy, 16 tháng 3, 2013

MỘT CÕI ĐI VỀ



Ngày anh mất,Hoàng Huy gọi điện cho tôi. Nghe tin, tôi chỉ im lặng,đến khi Huy hỏi có xuống đi đám tang không? Tôi ngần ngừ, trả lời: “ Thôi”. Lúc ấy, trong tôi chỉ là sự trống rỗng. Với tôi anh vốn không có đời sống bởi anh là sự Vĩnh hằng! Bất chợt, trong tôi lại vang lên ca khúc : Một cõi đi về”

Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi

Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt

Trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt

Rọi suốt trăm năm một cõi đi về



Lời nào của cây lời nào cỏ lạ

Một chiều ngồi say, một đời thật nhẹ ngày qua

Vừa tàn mùa xuân rồi tàn mùa hạ

Một ngày đầu thu nghe chân ngựa về chốn xa



Mây che trên đầu và nắng trên vai

Đôi chân ta đi sông còn ở lại

Con tinh yêu thương vô tình chợt gọi

Lại thấy trong ta hiện bóng con người



Nghe mưa nơi nầy lại nhớ mưa xa

Mưa bay trong ta bay từng hạt nhỏ

Trăm năm vô biên chưa từng hội ngộ

Chẳng biết nơi nao là chốn quê nhà



Đường chạy vòng quanh một vòng tiều tụy

Một bờ cỏ non một bờ mộng mị ngày xưa

Từng lời tà dương là lời mộ địa

Từng lời bể sông nghe ra từ độ suối khe



Trong khi ta về lại nhớ ta đi

Đi lên non cao đi về biển rộng

Đôi tay nhân gian chưa từng độ lượng

Ngọn gió hoang vu thổi buốt xuân thì.....


Tôi yêu những bản Tình ca của anh và yêu hơn các ca khúc Phản chiến.
Đêm nay, trong cái tỉnh lặng,yên ả trong tôi lại vang lên :

Đêm nay hòa bình sau mắt mẹ chưa vui
Hãy bước ra đây nhìn phố ngập người
Đêm nay hòa bình không nụ cười trên môi
Nhìn quanh đây ru căn nhà lạnh
Ru đỡ tình người cho có đôi...











Thứ Sáu, 15 tháng 3, 2013

TẠ TỪ




Chiều nay bên em

Mà sao như xa lạ

Chiều nay bên em

Mà nghe lòng xót xa


Em giờ là của người ta

Em giờ là của người ta.


Ta đã yêu em một thời nông nổi

Ta đã yêu em như kẻ cuồng si

Nửa đời dốc trắng đôi tay

Nửa đời tình vẫn mong manh

Tìm đâu hạnh phúc

Bên miền xa vắng.


Chiều nay bên em

Mà sao nghe ngậm ngùi

Chiều nay bên em

Mà nghe lòng tái tê


Em giờ nước mắt măn môi

Ta giờ đã đủ một đời đớn đau

Những gì minh đã cho nhau

Thì thôi giữ lấy đừng trao thêm sầu


Chiều nay bên em

Mà sao như lạc loài

Chiều nay bên em

Mà sao lòng đắng cay


Em giờ là gái có chồng

Ta giờ là kẻ long đong đợi tàn

Gặp nhau chi nữa bẽ bàng

Gặp nhau chi để ngỡ ngàng phụ nhau.


Em giờ là của người ta

Em giờ là của người ta
 ...

Thứ Sáu, 8 tháng 3, 2013

ĐÊM KHẮC KHOẢI

Đêm khắc khoải
Ru hồn ta mộng mị
Ly rượu em mời
Sao chưa uống đã say?
Thì thầm tên ai
Một thoáng Liêu trai
Bàng hoàng trăm năm
Một giấc mơ phai!

Ta sống phù vân
Chốn phong trần chưa biết lời kinh
Cơn say hôm qua ngày mai chưa tỉnh
Đâu nụ hôn nào e ấp niềm trinh?

Đêm khắc khoải
Ru tình ta vụng dại
Ta gọi tên người
Sao gọi mãi đắng cay?
Trần truồng đôi tay
Vật vả cơn say
Hẹn hò trăm năm
Một dãy Ngân hà!

Ta sống nhục vinh
Chút tơ lòng đâu để người khinh
Cho ta hôn em nụ hôn trần tục
Đất hoang tàn bỗng nở ngàn hoa.

Đêm khắc khoải
Ru đời ta khờ khạo
Em ở nơi nào
Sao gần mà vẫn như xa?
Đường về quanh ta
Một bãi tha ma
Hình hài trăm năm
Một nén hương trầm!

Ta chết bình yên
Hóa thiên thần ôm ấp tình yêu
Nơi ta hôn em mùa Xuân ở lại
Bướm nô đùa hoa kết tình duyên.

Đêm khắc khoải...

Thứ Bảy, 15 tháng 12, 2012

Đừng Bỏ Em Một Mình

nhạc Phạm Duy - Lệ Thu hát



Đừng bỏ em một mình
Khi trăng về lạnh lẽo
Khi chuông chùa u minh
Chậm rãi tiếng cầu kinh

Đừng bỏ em một mình
Khi mưa chiều rào rạt
Lũ chim buồn xơ xác
Tìm nhau gục vào mình

Đừng bỏ em một mình
Trời đất đang làm kinh
Rừng xa quằn quại gió
Thu buốt vết hồ tinh

Đừng bỏ em một mình
Đừng bắt em làm thinh
Cho em gào nức nở
Hòa đại dương mông mênh

Đừng bỏ em một mình
Biển đêm vời vợi quá
Bước chân đời nghiêng ngả
Vũ trụ vàng thênh thênh

Đừng bỏ em một mình
Môi vệ thần không linh
Tiếng thời gian rền rĩ
Đường nghĩa trang gập ghềnh

Đừng bỏ em một mình
Bắt em nghe tiếng búa
Tiếng búa nện vào đinh
Hòa trong tiếng u minh

Đừng bỏ em một mình
Bóng thuyền ma lênh đênh
Vòng hoa tang héo úa
Yêu quái vẫn vô tình

Đừng bỏ em một mình
Cho côn trùng rúc rỉa
Cỏ dại phủ mộ trinh
Cho bão tố bấp bênh

Đừng bỏ em một mình
Mấy ngàn năm sau nữa
Ai mái tóc còn xinh
Đừng bỏ em một mình

Thứ Năm, 13 tháng 12, 2012

LÁ DIÊU BÔNG

Váy Đình Bảng buông chùng cửa võng
     Chị thẩn thơ đi tìm
     Đồng chiều
     Cuống rạ ...
Chị bảo:
     đứa nào tìm được lá Diêu Bông
     từ nay ta sẽ gọi là chồng
Hai ngày
     Em tìm thấy lá
Chị chau mày
     đâu phải lá Diêu Bông
Mùa đông sau
     Em tìm thấy lá
Chị lắc đầu
     trông nắng vãn bên sông
Ngày cưới chị
     Em tìm thấy lá
Chị cười
     xe chỉ ấm trôn kim
Chị ba con
     Em tìm thấy lá
Xoè tay phủ mặt
     Chị không nhìn
Từ thuở ấy
     Em cầm chiếc lá
đi đầu non cuối bể
Gió nghe vi vu vút gọi
     Diêu Bông hời ...
     ... ới Diêu Bông ... !