" Cả cuộc đời ba không có gì để lại cho các con ngoài số vốn kiến thức mà ba mẹ tảo tần nuôi các con ăn học.Mong các con trở thành những người hữu ích cho xã hội" ( trích từ TT "Vững Niềm Tin")
Thứ Tư, 17 tháng 1, 2018
THI NHÂN VÀ THIỀN NHÂN
Nhụy Nguyên
Thiền nhân và thi nhân đều có thể sáng tạo thơ hay. Thơ của các thiền sư thường là sự phóng thích chút bản ngã cuối cùng, nên nó không sanh từ vọng tưởng. Còn thơ thiền chính là lúc kẻ phàm phu nhón tay vốc được linh tự nơi chân như khi vọng tưởng bỗng nhiên chừng lặng.
Daisetz Teitaro Suzuki – người cố giải mã công án trong 3 tập Thiền luận nói rằng “Thông thường thiền sư cũng là thi sĩ”. Theo ông, “văn học Thiền hưng khởi từ thời Huệ Năng (638 – 713) và nay còn giữ đủ, vẫn đáng cho các nhà thông thái và người tìm chân lí bỏ công nghiên cứu”. Có khoảng 1.750 công án mà Thiền giả thường tham cứu như một hấp hực của hậu nhân học Phật. Công án thuộc hàng khó giải nhất có nội dung: “Ý chỉ của Bồ Đề Đạt Ma từ Ấn sang Tàu là gì?” Riêng luận về cuộc Đông du của Tổ này, Suzuki đã dẫn ra nhiều lời giải của các thiền sư dưới dạng gần như thơ, ví như hai câu của Đại Đồng Tế đậm đầy thi hứng:
Ta nghe gió rì rào qua khóm
Biết bao ngàn ngọn trúc đong đưa.
Ở Nhật, nhiều thiền sư sáng tác thơ haiku. Thơ haiku là sản phẩm của tâm thiền, là thơ thiền đúng nghĩa. Suzuki thử dẫn bài thơ của Basho: “Một vũng lầy hiu hắt/ Một con ếch nhảy vào/ Và tiếng nước; ôi chao!”; và luận: “Đấy là cái tiếng thức tỉnh đạo lý của Phật giáo Thiền tông. Kinh nghiệm tự nó không thể tỏ bày bằng cách khác, thế nên bài thơ hài cú chỉ mô tả cơ duyên, không tâm tình, không biện giải”. Suzuki nhận xét chuẩn xác hồn cốt của thể loại haiku; đáng lưu ý là mấy chữ “không tâm tình, không biện giải”. Tuy nhiên ở bài thơ này, có thể do người dịch nên nó đã rơi vào “biện giải”. “Ôi chao!” là một dạng thán từ, tiếng reo, một cảm xúc ứ trào, thì chính “tâm tình”. Phật thuyết Kinh Viên Dung Thuần Khiết: “Cái không còn ý nghĩ phân biệt là cái không thể nắm bắt được. Vì sao? Bởi vì trạng thái không có ý nghĩ phân biệt, dù ngay cả tâm cũng đã không thể nắm bắt được, huống chi là những hoạt động tâm sở. Trạng thái tâm không nắm bắt được đó gọi là không thể nghĩ bàn”.
Một bài thơ khác:
Ngày ngày trên lá sen
Giọt sương rơi xuống
Nát tan hình hài
Ở đây tuyệt nhiên vắng bóng tâm tình và biện giải, nghĩa là hoàn toàn vắng cái “ngã”, cái “tôi” tác giả, chỉ có hình ảnh những giọt sương “nát tan hình hài” khi gieo xuống lá sen, trong sự cô đơn và nhẫn nhịn tuyệt vời! Hình ảnh cứ đeo bám, ám ảnh người đọc, nó khơi lòng từ bi, nó “mắc nợ” vào người đọc. Chính đó là tâm trạng của thể haiku; hay nói ngược lại, với bậc thoát lụy trần, tâm thanh tịnh mới gửi được cái vi diệu không sắc vào thể thơ kiệm lời bậc nhất này.
Có một câu chuyện thiền tường minh mối tương giao giữa thơ thiền và thiền thơ. Tiền thân của Tô Đông Pha vốn là Giới Diễn thiền sư, tu đến độ có thể tự tịch. Một hôm cùng với sư huynh Quang Huệ ngồi thiền; giữa thời, Giới Diễn bỗng khởi niệm ái sắc. Lúc xuất thiền sư huynh mới hỏi xéo “lúc nãy đệ nghĩ gì vậy”? Biết sư huynh đi guốc trong bụng, hổ thẹn quá Giới Diễn nhắm mắt tịch luôn. Quang Huệ tự vấn: “Bạn ta trong khi thiền định có niệm sắc ái, sau tất lụy về sắc; vì phiền ta mà thị tịch… lỗi ấy một phần do ở nơi ta”. Thế nên Quang Huệ cũng tịch mà đuổi theo hóa độ. Tô Đông Pha – hóa thân của sư Giới Diễn, sau này ông là nhà thơ trứ danh đời Tống. Cư sĩ Tô Đông Pha kết thân với nhiều nhà sư, trong đó có sư huynh của mình ở kiếp trước là thiền sư Phật Ấn. Một hôm để chứng tỏ công phu tu tập, ông làm một bài thơ tứ tuyệt; câu luận: Bát phong xuy bất động, (“Tám gió” tung hoành không lay động), ý nói tám ngọn gió thế gian không thể lay động được tâm ông. Tấm tắc ngâm ngợi suốt ngày, rồi họ Tô gửi lên chùa Kim Sơn cho thiền sư Phật Ấn. Sư xem xong phê dưới “đồ đánh rắm“, nhờ tiểu đồng mang trả lại. Tô Đông Pha thấp thỏm đợi chờ lời khen, ai dè…, liền nổi giận chèo thuyền bạt gió qua sông. Mới bước đến cổng chùa ông thấy dòng chữ treo sẵn: “Tám ngọn gió không lay chuyển được mi/ [Thế nhưng] một cái đánh rắm cũng đủ thổi mi sang đến bờ bên này”.
Mới hay tâm còn ngã chấp tiểu kiến, dẫu vi tế, thơ vắt ra không thể là thơ thiền, dẫu mỗi mỗi chữ đều khoác áo thiền. Đánh bóng chữ dán mác thơ thiền, đâu hay thơ thiền không dễ sinh từ trí mà chảy từ suối tâm. Cũng như nếu đem trí để soi Đạo chẳng những không thấy trời đêm ngàn sao mà dưới mặt nước (tâm) động kia vầng trăng cũng lấp lóa mờ nhòa. Xưa, sư Trí Bảo tự thấy mình dốt Đạo đã rời chùa tìm lối vượt thoát sanh tử. Cơ duyên gặp được thiền sư Đạo Huệ khai ngộ liền thốt lên chứng đạo ca:
Không nhờ gió cuốn mây trôi sạch
Đâu thấy trời xanh muôn dặm thu.
Khi thuyết pháp, Phật, Bồ tát và thiên nhân thường diễn ý thành kệ. Xuất khẩu thành kệ. Kệ ấy, ở mức độ mờ/nhòa nghĩa của ngôn ngữ, cũng xem là thơ. Bài Cư trần lạc đạo của Trần Nhân Tông, theo tinh thần “thiền đạo”, nó là kệ nhưng bây giờ nghiễm nhiên thành một bài thơ. Kinh Thi có ba trăm bài; Bộ Hoa Nghiêm kinh nguyên khởi có hơn một trăm ngàn câu kệ; Trường Bộ Kinh được Giới lạc Mai Lạc Hồng chuyển thể thơ 3 tập với 1500 trang theo thể song thất lục bát; Cuốn luận về Bát Nhã Ba La Mật Đa (Prajna Paramita Çastra) của Bồ tát Long Thọ (tổ Thiền thứ 14 của Ấn Độ, cũng là vị tổ trong Tịnh độ tông) in ra làm 3 bản; trong đó con số ước lượng, một bản gồm hàng trăm ngàn câu kệ; Kinh Pháp Cú nhắc người đời: “Tụng trăm câu kệ vô nghĩa/ Chẳng bằng một câu Pháp cú”. Kinh này cũng được tác giả Tịnh Minh dịch thành Thi kệ pháp cú kinh. Thử tụng câu 85:
Xem trong đám nhân quần
Ít người đến bờ kia
Còn bao nhiêu người khác
Quanh quẩn tại bờ này
Nghe qua có vẻ bình dân, song ai bước vào rừng kinh điển mới thấu lý bờ này, bờ kia, bao nhiêu người, quanh quẩn… Người sáng tạo thơ thiền thường phải khắc khắc nghiền ngẫm, vật lộn cùng chữ nghĩa. Luôn luôn trong tình trạng “nghi án”; và lạ thay, lúc người ấy thả lỏng mình trở về trạng thái vô nghiệm thì thơ thiền phát lộ. Có một đệ tử của ngài Qui Sơn Linh Hựu là Linh Vân, loanh quanh bên đời mãi vẫn đường đạo mịt mù, một lần chợt thấy hoa đào mà ngộ; liền làm thơ: “Tự tùng nhất kiến đào hoa hậu/ Trực chí như kim bất cảnh nghi”. Hoặc như tổ Hoàng Bá từng viết bài kệ với hai câu kết:
Không chịu trời lạnh thấu xương
Hương thơm hoa mai sao tỏa!
Thiền sư Hư Vân thuyết về thành quả hành trì của người tu đã có nhắc: “Hoa mai nở bông vào mùa đông lạnh giá chớ không nở trong tiết xuân ấm áp, tràn đầy ánh nắng hồng. Hoa tâm khai nở không phải ở nơi vui buồn, thương ghét, hay đúng sai giữa mình và người”.
Thiền quan sách tấn chép về Mông Sơn Đức Dị (thuộc dòng Thiền của Ngũ Tổ Sơn Pháp Diễn) đã trải qua quá trình ngộ đạo hết sức gian nan. Ông ôm nghi tình chữ Vô hàng chục năm không khai tỏ, có đến hai năm ròng chỉ tu ngồi. Thỉnh giáo biết bao cao nhân, một lần gặp thầy Kỉnh, “thầy hỏi: “Ai đến đây?” Đáp: “Chẳng phải ta chẳng phải người”. Thầy bảo: “Chẳng phải ta chẳng phải người, thế là cái gì?” Đáp: “Đói thì ăn mệt thì ngủ”.
Đây là tinh thần thiền đạo của những bậc đã hòa vào cảnh giới an lạc tự tại. Chúng ta nhớ đến Cư trần lạc đạo của Phật hoàng. Ý này chúng ta cũng có thể tìm thấy trong cuộc hội thoại của gia đình cư sĩ cùng chứng quả Bàng Uẩn. Chồng: “Khó! Khó! Khó! Đem hạt mè để trên đỉnh cây thật khó”; Vợ: “Dễ! Dễ! Dễ! Ý Tổ sư trên trăm đầu ngọn cỏ”. Con gái Linh Chiếu: “Không khó cũng không dễ. Đói thì ăn. Mệt ngủ liền”. Hoặc như với Tế Công Hòa thượng: “Người bảo Ngài điên, Ngài chẳng điên/ Đói đến thì ăn, mệt ngủ liền”. Trần Nhân Tông thấm đẫm diệu lý “tùy duyên” từ Thiền tông: Người tu đạo chân chính là “sống với mọi cơ duyên của cuộc sống trần gian này. Buổi sáng, y lặng lẽ thức dậy, vận y phục và ra ngoài làm việc. Khi muốn đi dạo, y liền đi dạo, khi muốn ngồi, y liền ngồi. Y không làm Phật, không nghĩ tưởng xa vời. Sao lại có thể thế? Cổ nhân nói, nếu bạn chuyên tâm tinh tấn cần cầu Phật quả, Phật của bạn thực tình là căn nguyên của luân hồi” (Tổ Lâm Tế). Lý này khiến rất nhiều người đời sau tưởng dễ nhảy vào, buông thả sống, khiến thân còn sống mà tâm đã bị đọa đày trong tầng tâm linh ngột ngạt, mờ mịt, bán rẻ tương lai tiêu xài vào cơn mộng lợi danh siêu thoát. Đạt đến tùy duyên là Nhìn thấu – Buông xả – Tự tại – Tùy duyên; nghĩa là hết thảy vật tài, thân quyến cho đến vọng tưởng, chấp ngã mê lầm đều không dính mắc. Cái lý này với đời chừng như ngược, với đạo là xuôi. Xuôi theo đạo ấy mới là việc khó, nhân thế mấy ai!
Mãn Giác thiền sư cũng là người sống kỹ trong Đạo và học kỹ ngón thiền của các Tổ. Bài thơ nổi tiếng của ông, hai câu đầu: “Xuân khứ bách hoa lạc/ Xuân đáo bách hoa khai” (Xuân đi trăm hoa rụng/ Xuân đến trăm hoa nở), ta nhớ đến Sử Quảng Phúc Đam Chương trả lời một thiền tăng tham vấn về tâm pháp của Đạt Ma: “Xuân đến, cây cối trổ hoa” (Xuân lai hoa tự phát); “Thu đến, lá lay rơi rụng” (Thu chí diệp tiên điêu). Và hai câu sau: “Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết/ Đêm qua sân trước một cành mai”, cũng là trên tinh thần lời Phật (thuyết kệ trong kinh Lăng Nghiêm): “Vi vi, thì không sinh, không diệt – Chẳng thật hư hoa đốm hư không”. Hoa nở hoa tàn ấy là “hoa đốm hư không”, do vọng tưởng hư diệu tạo thành, thực tế nhành mai là sự bất diệt của vạn pháp, là tự tánh trọn đủ hạt giống trong khiết; mai rồi lại nở vào những xuân sau.
Đức Thích Ca bảo “chúng sanh đều có trí tuệ, đức tướng của Như Lai”. Kinh điển chính là Phật. Người Tu mức cao sẽ thấy những câu kinh ấy vốn sẵn nơi chân tâm. Bậc triệt ngộ thì cả Đại tạng kinh cũng phơi ra như báu vật bao nhiêu kiếp vùi trong vọng tưởng chấp trước. Kinh Lăng Nghiêm: “Nếu chuyển được vật, tức đồng Như Lai”. Tu lại để tạp niệm làm chủ tức vật chuyển mình, vật lôi kéo, giật dây thành rối. Chân như tức tâm chuyển cảnh. Lúc đó muôn hoa nước trời cùng vươn nở chào mừng nói chi vạn vật nhân gian. Mối tương ưng giữa Phật và chúng sanh, là chân tâm. Thủ kiến dễ khiến người đời “giương án” cho những thiền sư làm thơ (và pháp sư thuyết pháp) – điều mà xưa nay trong giới chân tu chưa hề bỏ ra nửa lời. Thiền nhân hoát ngộ đề thơ chính là thi nhân, còn thi nhân một phen lạc thăng hoa tiết ra thơ thiền cũng chưa thể gọi họ là thiền nhân được; dẫu Thơ và Thiền muốn viên mãn phải đánh đổi danh lợi giữ tâm ý sáng trưng như kẻ phong lưu bước trên băng mỏng vậy.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét