" Cả cuộc đời ba không có gì để lại cho các con ngoài số vốn kiến thức mà ba mẹ tảo tần nuôi các con ăn học.Mong các con trở thành những người hữu ích cho xã hội" ( trích từ TT "Vững Niềm Tin")
Thứ Tư, 17 tháng 1, 2018
THỜI TIẾT LÀNG VĂN...
TRẦN ĐỨC TIẾN
Như thường lệ, thời tiết làng văn vào dịp cuối năm lại trở nên khắc nghiệt. Năm nay đặc biệt khắc nghiệt. Những cơn bão hình thành chủ yếu từ hai loại áp thấp: giải thưởng và kết nạp hội viên. Có cơn mang yếu tố nước ngoài (Hội Nhà văn Hà Nội). Có cơn gây nguy cơ chết người (Hội Nhà văn Sài Gòn). Thật đau lòng khi viết dòng này. Ở Hội Nhà văn trung ương thì… “mặt trận miền tây vẫn yên tĩnh”, nhưng không hẳn đã đảm bảo cho sự bùng nổ sẽ không xảy ra, vì cho đến giờ này vẫn chưa công bố chính thức danh sách hội viên mới và tác phẩm đăng quang giải năm nay.
Nguyên nhân của những sôi sục bất ổn đó, nghĩ cho cùng, cũng chỉ vì cái danh hão.
Nghề văn có cao quý không? Có. Rất cao quý. Nhưng những nghề nghiệp lương thiện khác trong xã hội cũng cao quý không kém đâu ạ. Mình chúa ghét mấy tên nhà văn khụng khiệng, hoang tưởng, tự vơ véo cho mình những thiên chức cao siêu này nọ. Giá trị thực của con người không phải ở những cái nhãn mác vớ vẩn, mà tùy thuộc vào chất lượng công việc của anh ta. Lái xe hàng nghìn cây số an toàn, nấu được bữa cơm ngon cho chồng cho con, hoàn toàn không thua kém việc viết ra những trang văn hay. Tết năm nào mình đã từng kêu lên trong một bài báo: thật bất công, khi có những chiếc bánh chưng ngon lành bị mua bằng tiền nhuận bút của những bài thơ dở.
Thế mà các loại giải thưởng văn chương to nhỏ, cái thẻ nhà văn, cái danh hội viên hội nhà văn, vẫn tiếp tục làm cho nhiều kẻ chới với lên bờ xuống ruộng. Liệu có mấy ai trong số đó đủ tỉnh táo, đủ cảnh giác để vẩn lên nỗi nghi hoặc: mỗi giải thưởng có thể sẽ dìm anh sâu thêm một chút vào giấc ngủ, và giờ phút được ông chủ tịch hội trao cho cái thẻ nhà văn, chưa biết chừng cũng chính là giờ phút cáo chung cho cả sự nghiệp viết lách?
Một lần, cũng vào dịp kết nạp hội viên, mình đang ở Hà Nội. 4 giờ sáng. Chuông điện thoại réo. Choàng dậy nghe. Đầu dây bên kia, giọng phụ nữ não nùng: “Chiều qua em đến khách sạn tìm anh nhưng không gặp. Em biết sáng nay bỏ phiếu. Năm nay mà em không được thì không còn mặt mũi nào nhìn các con các cháu nữa anh ơi. Anh làm ơn làm phúc…”. Mình rất kém khả năng chịu đựng nước mắt phụ nữ (dù chỉ nghe chứ không nhìn), bèn gạt đi: “Thôi thôi thôi thôi! Chị khỏi phải nói thêm nửa câu. Tôi chắc chắn sẽ bỏ cho chị một phiếu”.
Đặt máy xuống. Ngồi thần ra hồi lâu. Tuổi đã cao, “thi” đã trượt nhiều lần, bẽ bàng ê chề quá đủ, giờ phải viện cả con cả cháu ra nữa, thì có họa là gỗ đá mình mới đủ gan từ chối!
Thú thật là cho đến hôm nay, nhiều năm đã qua, mình vẫn chưa biết mặt người mẹ, người bà thi sĩ ấy. Chỉ biết bà ở Hà Nội, và ngoài chuyện làm thơ, bà còn có trình độ chuyên môn rất cao để hành một cái nghề rất đáng kính trọng khác. Cái năm với những cú điện thoại đáng nhớ nọ (chắc chắn không chỉ gọi cho riêng mình), bà đã trở thành hội viên Hội Nhà văn VN. Nhưng cũng bắt đầu từ đó, tịnh không thấy thơ bà đăng báo hay in sách nữa.
Hỡi ơi! Danh hão! Danh hão! Liệu còn bao nhiêu người phải tiếp tục khốn khổ vì mày?
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
chuyện trên có thật không đấy.Nếu thật thì trách ai đây?Bảo làm sao HNV như chảo thắng cố!Nhưng phải công bằng mà nhận rằng những người trong hội đa số(rất đông) là người tài.Nhưng do cái tôi quá lớn mà thành kẻ trở cơ.Họ cho rằng núp dưới bóng dân,chọc ngoáy xã hội mới là kẻ anh tai,văn hay chữ tốt chả thấy đâu chỉ toàn văn nhảm,văn đểu là được tây lông cho giải hóa giàu có,sinh khụng khiệng,mà mồm thì la rất to "bọn văn nô"nếu ai viết để xây dụng đất nước ngày đẹp hơn.Có nhiều nhà văn sợ bọn ấy mà đâm ra thụt vòi.Hội nhà văn bây giờ cũng đi vào con đường ba phải.
Trả lờiXóaHôi Nhà văn ba phải là vì sao? Vì cá nhân Nhà văn hay vì cơ chê?
Xóa