" Cả cuộc đời ba không có gì để lại cho các con ngoài số vốn kiến thức mà ba mẹ tảo tần nuôi các con ăn học.Mong các con trở thành những người hữu ích cho xã hội" ( trích từ TT "Vững Niềm Tin")
Thứ Ba, 16 tháng 1, 2018
Bạo hành trẻ em là gì?
Theo thống kê của UNICEF, hiện có trên 300 triệu trẻ em là nạn nhân của bạo hành và ngược đãi. Theo tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có khoảng 150 triệu trẻ em gái và 70 triệu trẻ em trai dưới 18 tuổi là nạn nhân của bạo lực tình dục, bóc lột sức lao động. Cùng với đó, khoảng 1,2 triệu em nhỏ trở thành “hàng hóa” buôn bán mỗi năm. Đây là một vấn nạn nhức nhối trên toàn cầu
Tại Việt Nam, khoảng 20% trẻ em gái và trẻ em trai 8 tuổi nói rằng các em bị trừng phạt thân thể ở trường. Khoảng 16% (tương đương 1,7 triệu) trẻ em độ tuổi 5-17 được coi là lao động trẻ em. Trong đó có 7,8% làm việc trong các điều kiện nguy hiểm.Theo UNICEF, trong giai đoạn 2011-2015 ở Việt Nam đã ghi nhận 5.300 vụ việc xâm hại tình dục trẻ em, chủ yếu là trẻ em gái.Theo báo cáo của Bộ Công an, mỗi năm cả nước xảy ra 3.000-4.000 vụ bạo lực trẻ em, trong đó có khoảng 100 trẻ bị giết hại và 1.000 trẻ bị xâm hại tình dục được phát hiện.
Vậy bạo hành trẻ em là gì? Bạo hành trẻ em được hiểu là sự ngược đãi về thể xác, tinh thần, tình dục hay bằng lời nói đối với các em nhỏ, những người chưa phát triển một cách đầy đủ về thể chất, tinh thần và trí tuệ. Bạo hành trẻ em có thể xảy ra ở bất cứ đâu, từ các tổ chức ngoài xã hội, trong nhà trường cho đến ngay cả trong gia đình của các em.
Có nhiều hình thức bạo hành trẻ em, trong đó có bỏ bê, bạo hành tình cảm / bạo hành tâm lý, bạo hành thể chất; bạo hành tình dục…
Bỏ bê: Trường hợp cha mẹ hoặc người bảo lãnh không thể hiện sự quan tâm, giám sát, tình cảm hay những hỗ trợ cần thiết cho sức khỏe, sự an toàn hay hạnh phúc của trẻ em.
Bạo hành tình cảm/ Bạo hành tâm lý: Là khi cha mẹ hoặc người bảo lãnh làm hại đến sự phát triển về mặt tinh thần và xã hội, hoặc gây hậu quả nặng nề về mặt cảm xúc. Bạo hành tâm lý thường hay đi kèm với bạo hành thể chất và bạo hành tinh thần.
Bạo hành thể chất: Là hành vi cố tình gây ra tổn thương trên cơ thể của trẻ em từ cha mẹ hoặc người bảo lãnh.
Bạo hành tình dục: Là quá trình trong đó một người trưởng thành hoặc đứa trẻ lớn hơn lợi dụng vị thế của mình nhằm dụ dỗ hay cưỡng ép trẻ em tham gia vào hoạt động tình dục để thỏa mạn dục vọng và ham muốn của mình. 90% tội phạm tình dục là người thân của các em hoặc người các em tin tưởng, trong đó bao gồm họ hàng, giáo viên, người trông trẻ, hoặc thành viên trong gia đình (30-40%).
xử phạt hành vi bạo hành trẻ em
Tùy theo động cơ, mục đích và mức độ nghiêm trọng của hậu quả để lại, người thực hiện bạo hành trẻ em có thể sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính (bồi thường tiền) hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự (ngồi tù, chung thân, tử hình). Cụ thể:
a) Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004 thể hiện rõ quan điểm tôn trọng và bảo vệ các quyền trẻ em:
"Trẻ em được gia đình, nhà nước và xã hội tôn trọng, bảo vệ tính mạng, thân thể, nhân phẩm và danh dự", "Mọi hành vi vi phạm quyền của trẻ em, làm tổn hại đến sự phát triển bình thường của trẻ em đều bị nghiêm trị theo quy định của pháp luật" (theo Điều 14 và khoản 2 Điều 6 Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em quy định);
Hành vi ngược đãi, hành hạ trẻ em là một trong những hành vi bị nghiêm cấm (theo khoản 6 Điều 7 Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em quy định). Hành vi này được hướng dẫn tại Điều 8 Nghị định 71/2011/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số quy định của luật, bao gồm:
Xâm phạm thân thể, đánh đập, đối xử tồi tệ đối với trẻ em; bắt trẻ em nhịn ăn uống, mặc rách, hạn chế vệ sinh cá nhân; giam hãm trẻ em; bắt trẻ em sống ở nơi có môi trường độc hại, nguy hiểm.
Gây tổn thương về tinh thần, xúc phạm nhân phẩm, danh dự, lăng nhục, chửi mắng, đe dọa, làm nhục, cách ly, xao nhãng ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em.
Dùng các biện pháp trừng phạt để dạy trẻ em, làm trẻ em tổn thương, đau đớn để thể xác và tinh thần.
Thường xuyên đe dọa trẻ em bằng các hình ảnh, âm thanh, con vật, đồ vật làm trẻ em sợ hãi, tổn thương về tinh thần.
Theo quy định tại Điều 27 Nghị định 144/2013/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em, những hành vi được liệt kê cụ thể như trên có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng.
b) Pháp luật đã quy định hành vi bạo hành trẻ em sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự với một trong các tội sau:
Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe đối với trẻ em với mức phạt tù cao nhất là 3 năm (theo điểm d khoản 1 Điều 104 Bộ luật Hình sự (BLHS) quy định);
Tội vô ý làm chết người với mức phạt tù cao nhất là 5 năm (theo khoản 1 Điều 98 BLHS quy định);
Tội giết trẻ em với mức phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình (theo điểm c khoản 1 Điều 93 BLHS quy định).
Ngoài ra, người thực hiện hành vi hành hạ, ngược đãi đối với trẻ em còn phải bồi thường cho cha mẹ hoặc người giám hộ của các bé số tiền để bù đắp những tổn thất vật chất thực tế và tổn thất tinh thần.
Khái niệm xâm hại tình dục trẻ em, có thể được hiểu một cách chung nhất là sự xâm phạm, động chạm đến quyền tự do, đến nhu cầu phát triển tự nhiên của trẻ em về quan hệ tính giao, xâm phạm đến thân thể, sức khỏe, nhân phẩm và danh dự của trẻ em. Dưới khía cạnh pháp lý, khái niệm trẻ em thường được tiếp cận theo độ tuổi, theo đó, trẻ em được coi là người chưa đủ 16 tuổi.
1. Quy định về các tội xâm phạm tình dục trẻ em trong Bộ luật hình sự 2015
Các tội phạm xâm hại tình dục được quy định trong Bộ luật hình sự 2015 tại Chương XIV, gồm 07 điều luật từ Điều 141 đến Điều 147, trong đó có 05 điều quy định về tội phạm xâm hại tình dục trẻ em, so với Bộ luật hình sự 2009, tội phạm về xâm hại tình dục trẻ em đã tăng lên 01 điều. Cụ thể như sau:
1.1. Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi (Điều 142)
Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi được quy định tại Điều 142 Bộ luật Hình sự 2015, trước đây, Bộ luật hình sự 1999 quy định tội phạm này tại Điều 112 - Tội hiếp dâm trẻ em. Quy định tại Điều 142 Bộ luật hình sự 2015 đã mô tả cụ thể hơn khái niệm “hiếp dâm trẻ em” cụ thể đó là hành vi “dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu, thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi trái với ý muốn của họ” hoặc “giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người dưới 13 tuổi”.
Khung hình phạt cho hai hành vi này từ 07 đến 15 năm tù.Nếu bị xác định có tính chất loạn luân, làm nạn nhân có thai, phạm tội hai lần trở lên, có tổ chức, nhiều người hiếp một người, phạm tội với người dưới 10 tuổi, làm nạn nhân chết hoặc tự sát…, người phạm tội sẽ bị phạt từ 12 đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định 1-5 năm.
1.2. Tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi (Điều 144)
Tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi được quy định tại Điều 144 Bộ luật Hình sự 2015, trước đây, Bộ luật hình sự 1999 quy định tội phạm này tại Điều 114 - Tội cưỡng dâm trẻ em.So với Bộ luật Hình sự 1999, quy định tại Điều 144 Bộ luật hình sự 2015 đã mô tả cụ thể hơn khái niệm “cưỡng dâm trẻ em” cụ thể đó là hành vi “dùng mọi thủ đoạn khiến người từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi đang ở trong tình trạng lệ thuộc mình hoặc trong tình trạng quẫn bách phải miễn cưỡng giao cấu hoặc miễn cưỡng thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác”.
Khung hình phạt cho tội phạm này từ 05 đến 10 năm tù. Mức hình phạt sẽ tăng cao dần khi người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng nghiêm trọng như: làm nạn nhân có thai, biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn phạm tội… Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định 1-5 năm.
1.3. Tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi (Điều 145)
Tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi được quy định tại Điều 145 Bộ luật Hình sự năm 2015 trước đây, Bộ luật hình sự 1999 quy định tội phạm này tại Điều 115 - Tội giao cấu với trẻ em. Chủ thể phạm tội của tội này là người đủ 18 tuổi trở lên, có hành vi giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi. Người phạm tội bị phạt sẽ bị phạt tù thấp nhất một năm, cao nhất 5 năm.
Nếu có thêm các hành vi nguy hiểm như: phạm tội hai lần trở lên, phạm tội đối với người mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh, biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn phạm tội… sẽ bị áp dụng khung hình phạt 3-15 năm. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định 1-5 năm.
Như vậy, so với Bộ luật hình sự 1999, ba tội phạm nêu trên đều được đổi tên nhằm cụ thể hóa hơn độ tuổi của nạn nhân. Đồng thời, đối với những tội phạm này ngoài hành vi giao cấu, Bộ luật hình sự 2015 còn bổ sung thêm cụm từ mô tả hành vi là“hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác”, đây là một nội dung hoàn toàn mới so với Bộ luật hình sự 1999. Việc quy định bổ sung hành vi này để phù hợp hơn với tình hình xã hội phức tạp hiện nay, tuy nhiên, việc không quy định cụ thể như thế nào là “thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác” thì cũng rất khó khăn trong quá trình áp dụng các điều luật này trên thực tế.
1.4. Tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi (Điều 146)
Trước đây, Bộ luật hình sự 1999 quy định tội phạm này tại Điều 116 - Tội dâm ô đối với trẻ em. So với Bộ luật hình sự 1999 tội dâm ô đối với trẻ em đã được đổi tên thành Tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi nhằm cụ thể hóa độ tuổi của nạn nhân. Theo đó, tội phạm này được mô tả cụ thể là “hành vi dâm ô đối với người dưới 16 tuổi không nhằm mục đích giao cấu hoặc không nhằm thực hiện các hành vi quan hệ tình dục khác”.
Khung hình phạt cho tội phạm này từ 06 tháng đến 03 năm. Khung hình phạt cao nhất của tội này đến 12 năm, kèm theo hình phạt bổ sung cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định trong 1-5 năm.
1.5. Tội sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm (Điều 147)
Đây là một tội phạm được bổ sung hoàn toàn mới so với quy định tại Bộ luật hình sự 1999 nhằm bảo vệ trẻ em khỏi những hành vi phạm tội ở mọi cấp độ, Điều 147 xác định hành vi sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm thể hiện ở các dấu hiệu: lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc người dưới 16 tuổi trình diễn khiêu dâm hoặc trực tiếp chứng kiến việc trình diễn khiêu dâm dưới mọi hình thức. Trong xã hội hiện nay, đã xuất hiện rất nhiều hình thức khiêu dâm thiếu lành mạnh, đặc biệt xuất hiện cả hiện tượng sử dụng trẻ em vào mục đích khiêu dâm này, ảnh hưởng rất lớn tới sự phát triển tâm lý lành mạnh cho trẻ sau này, đây là một hành vi nguy hiểm, gây hậu quả xấu cho cả nạn nhân, gia đình và xã hội. Trước đây, Bộ luật hình sự 1999 đã quy định về tội dâm ô đối với trẻ em, tuy nhiên, tội phạm này không bao gồm hành vi sử dụng trẻ em vào mục đích khiêu dâm.Chính vì vậy, việc bổ sung thêm tội phạm này trong Bộ luật hình sự 2015 là hoàn toàn phù hợp, bảo đảm cơ sở pháp lý để xử lý nghiêm minh và ngăn chặn mọi hành vi xâm phạm tình dục trẻ em.
Khung hình phạt cho tội phạm này mức án từ 06 tháng đến 03 năm. Tương tự như các tội trên, người phạm tội cũng sẽ phải chịu khung hình phạt mở rộng đến 12 năm nếu có thêm các tình tiết tăng nặng. Hình phạt bổ sung là cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 đến 05 năm
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét