Thứ Tư, 18 tháng 12, 2013

Ngụy quân tử



Nguyễn Việt Hà
 Ai cũng có thể phân biệt chính/ tà nếu hai việc xuất hiện cùng lúc. Tuy vậy, việc phân biệt kẻ tiểu nhân trá hình quân tử và người chính nhân quân tử không phải lúc nào cũng dễ. Có một bức tranh hoạt họa vẽ hai chân dung giống nhau và ghi chú khác nhau, một bên là tội phạm và một bên là thánh nữ, và câu hỏi ở giữa: Có gì khác nhau? Những bộ phim bình dân thường cho khán giả biết ngay người ngay kẻ gian qua cách ăn mặc, hay nét mặt, thái độ, cách ăn nói, hoặc dáng vẻ. Nhưng ở mức độ khá hơn, đạo diễn sẽ đi gần với thực tế hơn, khán giả không dễ dàng nhận ra kẻ tội phạm cho đến hồi kết cuộc. 



Ở tiểu thuyết võ hiệp của nhà văn Kim Dung, ngoài những tình tiết phiêu lưu ly kỳ những chiêu thức đánh nhau ngoạn mục, thì có một điều làm văn ông hồi hộp khác hẳn những cây bút viết “chưởng” khác, đó là việc tiên sinh dần dần từng tí kiên nhẫn vạch trần những đàn ông mang vẻ cao đạo. Độc giả thót tim nhẹ nhõm thở phào khi thấy lần lượt các mặt nạ Nhân, Nghĩa, Lẽ, trí, Tín của mấy tay đạo đức giả từ từ tụt xuống, đặc biệt có kẻ còn lộ nguyên hình là thằng mặt người dạ thú. Để có được bút lực gai sắc thâm hậu ấy, người đọc lương thiện đồ rằng, cuộc đời của tiên sinh chắc phải thăng trầm đa đoan lắm. Bởi từ xưa đến nay, để nhìn cho thấu chân diện của một ngụy quân tử là việc thiên nan vạn nan kinh khủng khó.

Đàn ông đạo đức thật vốn dĩ đã không hề đơn giản, do trót có tài năng có phẩm hạnh, họ thường bị đùn đẩy kẹt giữa những đỉnh cao ngóc ngách của các mối quan hệ xã hội. Hành trình hướng Chân Thiện Mỹ của họ liên tục đứt đoạn lổn nhổn đúng sai đa tầng đa nghĩa, và thật nông nổi hời hợt khi vội vàng xét đoán thành kiến đánh giá. Thế nhưng độ phức tạp ở họ vẫn chưa là gì nếu phải so với những đàn ông đang tha hóa trở thành đạo đức giả. Và mọi sự càng chồng chất phức tạp hơn khi đám đạo đức giả ấy tiếp tục dùng trí thông minh tự xây cho mình những giá trị nhang nhác giống hệt như đạo đức. Nôm na có thể nói, ngụy quân tử chính là những kẻ có đạo đức giả hai lần.



Chưởng môn phái Hoa Sơn Nhạc Bất Quần là điển hình lối lạc cho đám ngụ quân tử. Cái tham vọng mụ mị điên cuồng muốn làm thiên hạ đệ nhất cao thủ được tỉnh táo khôn khéo che giấu dưới cái vỏ bọc chí công vô tư không thèm danh lợi. Giống như nhan nhản đàn ông cao đạo thời nay, mồm thì nói không cần nhưng đít âm thầm phấn đấu.

Những đàn ông đó thích ra vẻ dè bỉu đám đông nhưng trong sâu luôn bị ám ảnh dằn vặt bởi cái hư danh do vẫn cái đám đông ấy lẫn lộn phong tặng. “Bất quần” theo nghĩa đen là chẳng thiết số nhiều, vì thế khi đám ngụy quân tử xuất hiện trên các phương tiện truyền thông, tất thảy trông đều rưng rưng cô đơn đẫm đầy cô độc. Bọn họ phẫn nộ nói về các hiện tượng đang tự đánh bóng tên tuổi rồi chua chát thở dài là phong khí học thuật bây giờ nhố nhăng quá. Sau một hồi nhiệt huyết diễn thuyết, bọn họ rút môbai gọi về cho vợ hiền con ngoan là tối nay vẫn bận họp rồi ủ dột đi theo vài ba Mạnh thường quân dung tục thẳng tiến ra bãi biển Đồ Sơn. Trong bữa nhậu ê hề hải sản, họ bật khóc khi ti vi đang chiếu cảnh bão lũ miền Trung và họ thành thật tự thú rằng miếng tôm hùm hôm nay đắng ngắt như miếng nhút. Lúc vào phòng karaoke hoặc mát xa, họ trân trọng gọi các nữ tiếp viên là con gái, giở ví cho xem đứa út cũng ngang tuổi các “con” đang du học ở Mỹ. Tối muộn quay về phòng riêng, họ cau mặt khi thấy trong phòng xuất hiện một thiếu nữ trẻ. Sau một hồi cân nhắc lương tâm, họ tặc lưỡi là đêm nay sẽ mất kiềm chế vì buổi chiều trót uống nhiều quá. Tất nhiên, do có đạo đức dày gấp hai lần người bình thường, họ cẩn thận đòi xem chứng minh thư. Bất hạnh thay, cô bé vẫn đang ở tuổi vị thành niên, họ đau đớn lên án bọn tú ông tú bà buôn người, vật vã nuốt lệ cho phép gái trẻ ngồi lên lòng mình rồi không làm gì sang sảng kể cho thiếu nữ nghe về tấm gương của ông Liễu Hạ Huệ ở bên Tàu. Bình minh lên, dưới ánh mặt trời rạng rỡ, họ thanh thản tự hào, không hiểu sao mà mình lại vĩ đại nhân văn đến thế.

Ở từ vựng của Nho giáo, khái niệm quân tử, là một khái niệm “quân tử” là một khái niệm “quân tử” thanh sạch cốt để chỉ một đàn ông có phẩm hạnh trong trắng, có nhân cách thành thực hoàn thiện. Thuở ban sơ thời Thương - Chu (khoảng một nghìn năm tr. CN) khái niệm quân tử mặc định chỉ người có vị thế tôn quý, đối lập với tiểu nhân là đám thảo dân không có địa vị gì. Phải đến thời Khổng Tử khái niệm này mới vượt thoát khỏi thông tục. Khổng Tử cho rằng, dẫu bần cùng khổ sở, quân tử vẫn là cao thượng quân tử còn tiểu nhân tuy có quyền chức sang trọng vẫn là hèn hạ tiểu nhân.

Người quân tử đại loại là “Tâm tính thanh minh, biết điều gì thì càng ngày càng tinh thâm thuần thục. Họ dốc lòng làm việc nghĩa không để ý đến nhỏ nhen danh lợi. Cái bụng người người quân tử tự nhiên thành thực, hòa với mọi người nhưng không về hùa với người. Lúc khốn cùng thì cứ lấy nghĩa mệnh mà tự yên chứ không như tiểu nhân, thế nào cũng là điều bậy bạ. Với trời đất họ thận trọng kính cẩn, với người họ nhân hậu từ ái.” (Nho giáo Trần Trọng Kim). Đương nhiên những người như thế thì thiên hạ (tất nhiên có phụ nữ) yêu thương kính trọng lắm. Chính vì vậy mà vô số đàn ông cứ mở mồm là nói đạo đức đều ra sức phấn đấu để mong được người đời coi mình là quân tử. Và khi phải cố đạt điều gì, người ta thường giả dối với chính mình. Ngụy quân tử ra đời.

Thành ngữ chuyện “chưởng” cay đắng cảm thán “chân tiểu nhân còn hơn ngụy quân tử”. Ở xã hội đương đại đang tươi đẹp của chúng ta, nhỡ có đông đông tiểu nhân một tí thì cũng đừng nên bi quan đấy là tai họa.

3 nhận xét:

  1. "Chân tiểu nhân còn hơn ngụy quân tử", đúng là câu rất chính xác ở thời đại này.

    Giờ thì em mới biết tại sao papa em lại rất ghét bị gọi là "ngụy".

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thật không biết à? Hi hi... thấy 'dễ ợt" nhưng chỉ có " đàn ông ngụy quân tử" mà không có " đàn bà ngụy quân tử " vậy cà?

      Xóa
    2. Đơn giản là đàn bà có được xếp vào hàng quân tử mô? Đúng là trọng nam khinh nữ!

      Xóa