Làng tôi có tên là làng Thị, bởi đầu làng có một cây thị rất to, đã hơn trăm tuổi. Mấy năm gần đây, làng tôi trở nên nổi tiếng khắp vùng nhưng không phải nhờ vào cây thị già cỗi mà do lời đồn về sự linh thiêng của miếu ông Nhất nơi gốc thị . Có thể nói bắt đầu từ chuyện cái chết bất đắc kỳ tử của cậu ấm út, con ông Hai Đặng làng tôi. Gia đình ông Đặng giàu có nhất làng. Cậu ấm Út được được nuông chìu nên từ nhỏ chỉ chơi bời, lêu lỏng, gây ra bao chuyện xấu xa. Không ít cô gái ở làng tôi và làng bên đã bị cậu lừa tình, phụ bạc nhưng bởi có nhiều tiền nên mọi chuyện cậu gây ra đều được dàn xếp, lấp liếm êm xuôi.
Đáng thương nhất là chuyện cô Vi, người làng tôi. Cô Vi mồ côi cha mẹ, từ nhỏ đã đi ở đợ cho nhà ông Hai Đặng. Lớn lên,Vi là cô gái xinh đẹp nhất làng , lại là người hiền lành. siêng năng nên được bao chàng trai trong vùng đeo bám. Tiếc thay cô lại đem lòng yêu cậu ấm Út và tin là cậu ấy cũng yêu cô. Cô tin như vậy cũng vì cậu đưa cô đến miếu ông Nhất để thề non hẹn biển. Người làng tôi ai cũng biết chuyện này và không ít người thầm mừng cho cô Vi. Không ngờ, khi cô Vi mang thai, gia đình ông Đặng vu cho cô chữa oan, đánh đuổi cô ra khỏi nhà. Người làng tôi thương tình cất cho cô cái chòi ở tạm nơi mảnh đất bỏ hoang cuối làng và thay nhau chăm sóc, nuôi dưỡng cô đến ngày sanh nở. Khi đứa bé ra đời, nó giống cậu Út như khuôn đúc, nhưng gia đình ông Đặng vẫn phớt lờ. Còn cậu ấm Út thì chuẩn bị cưới vợ, bỏ mặc mẹ con cô Vi trong nghèo hèn đau khổ và tủi nhục.
Đám cưới cậu Út được tổ chức đình đám. Cô dâu là con của một chủ hiệu kim hoàn ở Thị xã. Quả là môn đang hộ đối. Trước ngày nhà Ông Đặng rước dâu, cô Vi ẳm con ra miếu ông Nhất ngồi khóc từ sáng đến tối. Người làng khuyên nhủ thế nào cô cũng không dứt tức tưởi. Tối hôm đó, cô ẳm con bỏ làng ra đi.
Ông Hai Đặng đón dâu về, tiệc tùng đến khuya mới tan. Cậu Út say rượu, nửa đêm thức giấc ra gốc dừa sau hè nôn mửa.Trời xui đất khiến, một trái dừa khô rơi xuống trúng ngay đầu . Cậu ấm Út được đưa đi bệnh viện nhưng đến đầu làng, qua miếu ông Nhất, cậu hắc hơi tắt thở.
Người trong làng, xì xầm bảo nhau ông Nhất hiển linh trừng phạt và mọi người rũ nhau đến miếu ông Nhất cúng vái.
Miếu ông Nhất càng trở nên nổi tiếng linh thiêng sau khi bà Đại tá Quang bỏ ra hơn vài trăm triệu đồng để sửa sang cho ngôi miếu trở nên bề thế như bây giờ.
Bà tôi bảo,người làng tôi lập miếu ông Nhất cũng chỉ vì chút lòng ân hận và cầu mong cho vong linh của gia đình ông có nơi trú ẩn, hưởng chút nhang khói của người đời mà siêu thoát. Lúc đó bà tôi chỉ mới lên mười, và ngôi miếu cũng giống giống như bao ngôi miếu nhỏ ven đường.
Hôm hoàn thành việc tu sửa miếu ông Nhất, chính ông đại tá Quang đến miếu ông nhất đốt nhang bái lạy tạ lễ, càng khiến mọi người tin tưởng vào sư linh thiêng của miếu ông Nhất. Ông Quang là đại tá cách mạng, vợ chồng ông lấy nhau đã lâu mà không sinh con. Khi ông về hưu, gia đình ông về sống ở làng tôi chỉ mong an hưởng tuổi già. Nghe đâu, bà đại tá mắc phải chứng bịnh vô sinh. Từ ngày biết mình mang phải chứng bịnh đó, bà đại ta chỉ biết cầu khẩn phật trời. Bà là người hiền lành nhân hậu, khi đến làng tôi thấy miếu ông Nhất hoang phế, bà là người thường xuyên quét dọn và nhang đèn cho ngôi miếu. Không ngờ năm mươi tuổi bà lại thụ thai và sanh được cậu con trai nối dõi tông đường. Người ta kháo nhau là ông Nhất linh thiêng cho bà ước nguyện và bà đại tá cũng tin như vậy.
Theo lời bà tôi, ông Nhất là một ông lão nghèo khổ và bất hạnh.Bà bảo, ông Nhất đã đến làng tôi dẫn theo một phụ nữ chỉ khoảng 25 tuổi.Chị bồng trên tay một đứa bé -có lẽ là con của chi- hãy còn bú mẹ.Ông Nhất đã dựng chòi ở gốc thị. Khi dân làng cản không cho ông cất chòi , ông Nhất bảo ông là con ông đồ Nguyễn, là chủ nhân miếng đất và cây thị đầu làng.
Những người già trong làng lần lượt đến và xác nhận ông nhất chính là con trai của cụ đồ đã bỏ làng ra di lưu lạc nhiều năm. Hồi xưa cụ đồ dạy học ở làng tôi. Năm cậu Nhất lên mười, bất hạnh xảy ra với gia đình cụ đồ. Bà đồ đã ngoại tình với học trò và bị ông đồ bắt gặp.Trong cơn điên giận, ông đồ đã chém chết đôi gian phu dâm phụ rồi ra đầu thú. Ông bị đày ra đảo và chết ở đó.Cậu Nhất cùng người làng chôn cất bà đồ xong thì cũng bỏ làng ra đi.
Bà nội tôi kể, ông Nhất là người trầm lặng, về sống ở làng nhưng không thân thích với ai, với lũ trẻ ông luôn là người đáng sợ.Tuy ông đã ngoài 60 nhưng ông trông rất khỏe mạnh, ông cao lớn lực luỡng. Người làng tôi cũng ít gần ông vì ông cũng thường xuyên vắng nhà.Gà gáy canh ba, ông đã mang cái sọt tre và móc sắt ra đi đến tối mịt mới về. Cô Hà- con gái ông- lúc đó mọi người đều nghĩ vậy- ở nhà giặt giũ và phơi những thứ ông nhặt được, rồi gánh đi bán cho các vựa ve chai. Cuộc sống gia đình ông Nhất nghèo khổ và đáng thương, thằng bé con cô Hà lớn lên một cách què quặt. Tuy vậy, gia đình ông Nhất cũng sẽ yên ổn sống đến cuối đời nếu như bí mật của gia đình ông không bị phơi bày.
Một hôm, đoàn cán bộ huyện đến làng tôi thực hiện chương trình xóa đói giảm nghèo. trong đòan có một nhà báo địa phương.Hẳn nhiên, họ được đưa đến nhà ông Nhất- là gia đình nghèo khổ nhất làng tôi.Ít lâu sau, ông hai Đặng đi lên tỉnh về mang theo một tờ báo làm chấn động cả làng.Người làng tôi chuyền nhau đọc bài báo và không tiếc lời sỉ vả ông Nhất. Thì ra cô Hà là vợ của ông Nhất và đứa bé là con của hai người.Làng tôi nằm trong vùng đạo và hầu hết người trong làng đều có đạo, nên không thể chấp nhận việc ông Nhất đã ăn ở với cháu nội của bạn ông là cô Hà. Ông Nhất bị người làng xua đuổi và ném đá vào nhà ông mỗi khi đi qua.
Vợ chồng ông Nhất vẫn lặng lặng chịu đựng. Thằng bé mang bịnh nặng rồi mất. Một buổi sáng, nguời làng phát hiện vợ chồng ông Nhất treo cổ tự tử nơi cây thị.
Từ đó, thỉnh thoảng trong đêm khuya người làng lại nghe tiếng khóc oán than của người phu nữ phát ra từ cây thị, nên đồng lòng lập ngôi miếu nhỏ nhang khói cầu mong cho linh hồn gia đình ông Nhất được siêu thoát
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét