Thứ Hai, 23 tháng 8, 2021

Ừ THÌ LÀ 1-2-3

 

Sài gòn dịch giã
Người không xa nhà sao nhà lại xa 

Ngày chẳng bế bồng con cái ta
Đêm vợ chồng giãn cách đợi mùa qua
Ngoài đường mưa đếm 1-2-3

Thứ Sáu, 20 tháng 8, 2021

THƯ KIẾN NGHỊ V/v: Kiến nghị Chiến lược Phòng chống dịch

 Hà Nội ngày 17/08/2021

 Chúng tôi gồm các tổ chức thành viên tập hợp trong các Mạng lưới, Liên minh dưới đây (chi tiết xem thêm Phụ lục 1): • Nhóm Vận động Phát triển Chính sách Y tế dựa trên bằng chứng khoa học (EBHPD) • Liên minh Phòng chống Bệnh không lây nhiễm Việt Nam (NCDs-VN) • Hội Y Tế Công Cộng Việt Nam (VPHA) • Tổ chức Y Học Cộng Đồng • Liên minh Năng lượng Bền vững Việt Nam (VSEA) • Mạng lưới Hợp tác Một Sức Khỏe và Biến Đổi Khí Hậu (CSO-OHCCP), 

 Chúng tôi tin rằng, trước quyết tâm rất cao và sự chỉ đạo rất linh hoạt gắn liền với thực tiễn của Thủ tướng chính phủ, một số kiến nghị nêu dưới đây khi tới được các địa chỉ chắc chắn đã lại trở nên lạc hậu (như đã xẩy ra với bản kiến nghị ngày 14/08 chưa kip gửi đi, đã thấy trong chỉ đạo của Thủ Tướng tại Hội nghị sáng 15/08/2021 thể hiện). Lần này gửi kiến nghị đi, chúng tôi mong được hơn thế nữa: tới 20/8/2021, không chỉ một số, mà tất cả các kiến nghị đều đã trở thành lạc hậu trước sự chỉ đạo sát sao hàng ngày đang diễn ra của tập thể Lãnh đạo Nhà nước. 


CƠ SỞ ĐỂ ĐỀ XUẤT ĐIỀU CHỈNH CHIẾN LƯỢC PHÒNG CHỐNG DỊCH TRƯỚC TÌNH HÌNH MỚI 

Trước hết, chúng tôi khẳng định, Chính phủ đã có những chỉ đạo điều chỉnh rất đúng và rất kịp thời, thể hiện ở kết quả Hội nghị trực tuyến về Phòng chống COVID-19 do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì, sáng 15/08/2021. Cụ thể các điểm sau: 

- Tiêm vắc xin miễn phí cho toàn dân, kiên quyết không tổ chức tiêm dịch vụ, 

- Ưu tiên tiêm, bao phủ vắc xin cho người trên 50 tuổi, 

- Thực hiện xét nghiệm có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm khoa học, hiệu quả, tránh lãng phí, 

- Không coi F0 chưa có triệu chứng là người bệnh, 

- Rà soát, bãi bỏ ngay các quy định không phù hợp, hạn chế lưu thông sản xuất phục vụ phòng chống dịch và cung cấp dịch vụ thiết yếu cho dân, 

- Không để ai thiếu ăn, thiếu mặc, đáp ứng các yêu cầu y tế của người dân mọi lúc, mọi nơi, 

- Chính phủ hỗ trợ hoàn toàn mai táng bệnh nhân tử vong do COVID-19, 

- Chuẩn bị các phương án đối phó dịch ở mức cao hơn. 


Chúng tôi hoàn toàn đồng lòng khi Thủ tướng quán triệt toàn thể Hội nghị rằng: 

- “Vaccine là chiến lược nhưng khi chưa có đủ thì phải thực hiện các biện pháp để bảo vệ tính mạng, sức khỏe người dân là trên hết, trước hết”, 

- “Dứt khoát phải kiên trì các biện pháp như 5K, tuyệt đối không lơ là, chủ quan”, 

- “Phải kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, kiểm soát dịch bệnh. Nếu để kéo dài thì chống dịch không dứt điểm và kinh tế - xã hội cũng không thể phát triển được, không có nguồn lực để chống dịch. Chúng ta quyết tâm không để xảy ra khủng hoảng kinh tế, không để xảy ra khủng hoảng y tế" 

 Trên cơ sở đó, chúng tôi nêu thêm các cơ sở nhận định và khuyến nghị của chúng tôi dưới đây đề nghị Chính phủ và Lãnh đạo Nhà nước tham khảo: 

Thứ nhất, khẳng định hình thái dịch COVID-19 tại Việt Nam hiện nay, ở các tỉnh thành trong cả nước là dạng lan truyền trong cộng đồng theo đường hô hấp không rõ nguồn lây. Bằng chứng, các đợt bùng phát dịch ở Hải Dương (03/2021), Bắc Giang, Bắc Ninh hay TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội và các tỉnh đang xảy ra dịch, đã tồn tại nhiều trường hợp F0 hoàn toàn không xác định được nguồn lây từ đâu, trong khi, chỉ số lây nhiễm R0 của vi rút SARS-COV-2 chủng DELTA được xác định là rất cao , gấp đôi so với chủng nguyên thủy Vũ Hán hay biến chủng Alpha ở Anh. 

Thứ hai, khẳng định hiện tại, hoạt động nghiên cứu khoa học còn yếu, chưa đảm nhận được vai trò cung cấp đủ thông tin khoa học cơ bản, thiết yếu trong nước làm cơ sở cho nhận định diễn biến các đợt dịch đã qua và cả đợt dịch hiện tại đang nổi lên ở TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội và nhiều tỉnh thành khác. Thiếu vắng số liệu nghiên cứu dịch tễ học sử dụng test kháng thể đo lường tỷ lệ dân chúng đã có miễn dịch bảo vệ (Xin lưu ý: Đây là yêu cầu cơ bản phải có được đến lúc này khi xem xét đặc điểm dịch tễ học vụ dịch), làm nhận định về tình hình dịch diễn ra trong quá khứ, hiện tại, và tiên lượng dịch trong tương lai trở nên thiếu chắc chắn, khiến công cuộc phòng chống, kiểm soát dịch bệnh có nguy cơ cao rơi vào trạng thái bị động đối phó, hạn chế hiệu quả. Chúng tôi lưu ý, số liệu báo cáo thường xuyên hàng ngày của các tỉnh thành và toàn quốc về tổng số F0, số F0 nhập viện, số điều trị khỏi, số tử vong,… có giúp nhận định diễn biến dịch, nhưng chưa thể xem đó là thông tin khoa học (khách quan, chính xác) để làm chỗ dựa cho đề xuất chính sách kiểm soát dịch hiệu quả. Báo cáo của tổ tư vấn chiến lược phòng chống dịch bệnh COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh còn hạn chế về tầm chiến lược, căn nguyên chính là ở yếu điểm này (tức là, chưa đánh giá được đúng diễn biến dịch bệnh lan truyền trong cộng đồng, vì thiếu số liệu nghiên cứu điều tra tỷ lệ đã nhiễm trong cộng đồng bằng test kháng thể, khiến các nhận định, kiến nghị thiếu cơ sở khoa học vững chắc).

 Thứ ba, đã có những bằng chứng khoa học mới nhất giúp nhận định chính xác hơn về biến chủng DELTA và khả năng xuất hiện các biến chủng mới, cần được tham khảo đưa vào ngay . 

 Mọi hoạch định chiến lược tới đây, cả trước mắt và kế hoạch trung hạn, nhằm gia tăng thế chủ động cho công tác phòng chống dịch của đất nước: - Bằng chứng khoa học về vai trò của vắc xin và nguy cơ diễn biến dịch lâu dài: Miễn dịch tạo bởi các vắc xin tốt nhất hiện có (Moderna, Pfizer, Johnson and Johson, Astrazeneca) giảm diễn biến nặng và hạ thấp số tử vong khi bị mắc vi rút, nhưng chưa đủ hiệu lực để chặn hoàn toàn sự lưu hành của vi rút, khiến khả năng xuất hiện biến thể mới là chắc chắn xảy ra. Dịch sẽ tiếp tục tồn tại lâu dài hơn như đã dự đoán trước đây, kể cả khi đã đạt tỷ lệ tiêm chủng cao tới 70% dân số, khiến các nước đang phải lên kế hoạch có mũi tái chủng (mũi 3) cho những đối tượng có nguy cơ cao giảm miễn dịch và xem xét kế hoạch chỉ định triển khai đại trà cho toàn thể người dân trong thời gian tới .

 - Bằng chứng khả năng xảy ra biến đổi của vi rút tạo chủng mới với những đe dọa mới: Nhân loại đang phải đương đầu với một loại vi rút có khả năng gây bệnh và chống chọi sự can thiệp y tế vượt hẳn so với các loại vi rút gây bệnh đường hô hấp đã biết trước đây. Báo cáo của Hội đồng Tư vấn khoa học phòng chống dịch bệnh khẩn cấp SAGE của Anh (The Scientific Advisory Group for Emerfencies- SAGE- in the United Kingdom), dựa trên các kết quả nghiên cứu khoa học mới nhất đã kết luận rằng với khả năng phòng chống dịch trên toàn cầu như hiện nay, vi rút SARS-COV-2 chắc chắn sẽ tạo biến chủng mới, nguy cơ phát triển thành dạng nguy hiểm hơn cả chủng DELTA là hoàn toàn có khả năng. Chính phủ và toàn dân phải chuẩn bị chủ động đối phó với chiều hướng này. Nhóm tư vấn SAGE đã đưa ra 4 tình huống và nhận định cụ thể xác suất xảy ra giúp định hướng chính sách phòng chống dịch cả trước mắt và lâu dài. Trong đó chúng tôi xin lưu ý ở đây các điểm trọng yếu của báo cáo SAGE: o (1) Chắc chắn sẽ xảy ra (to be likely) khả năng biến chủng mới kháng lại được tất cả các loại thuốc chống vi rút; o (2) Gần như chắc chắn (an almost certainty) sẽ xuất hiện chủng mới có khả năng “bất hoạt” được các loại vắc xin (tức các vắc xin hiện có trở nên vô dụng); o (3) Có khả năng thực tế (a realtistic possibility) vi rút phát triển thành biến chủng mới có khả năng gây tử vong cao hơn như đã thấy ở các vi rút cùng nhóm COVI gây các dịch trước đó (SARS-COV và MERS-COV). Tức là, từ mức tỷ lệ tử vong hiện tại chỉ 1-2% (ở những người nhiễm vi rút) sẽ phát triển lên tới 10-35%; o (4) Khả năng vi rút giảm dần độc lực để trở về dạng “hiền lành” hơn, như “cúm mùa”, phải mất tối thiểu vài năm. (nguyên văn báo cáo SAGE nhận định cho tình huống này: “only in the long-term”)! 

- Bằng chứng không thể bỏ qua nguy cơ gia tăng các dịch bệnh khác trong khi dồn sức vào phòng chống dịch COVID-19: Dịch bệnh tạo ra những tác động sâu sắc tới các chương trình y tế khác, gia tăng tỷ lệ mắc mới và nguy cơ tăng nặng các trường hợp bệnh  không lây nhiễm (bao gồm cả rối nhiễu tâm trí - tâm thần), giảm hiệu quả của các chương trình dự phòng khác, đặc biệt các chương trình bảo vệ bà mẹ và trẻ em (trong đó có tiêm chủng tạo miễn dịch cơ bản phòng chống sởi lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B,…).

 Báo cáo của Liên hợp quốc tại Việt Nam từ tháng 08/20208 đã cho thấy Chương trình Tiêm chủng Mở rộng, Chăm sóc làm mẹ an toàn, Thuốc thiết yếu,... bị tác động tiêu cực từ vụ dịch. Những bằng chứng thực tế gần đây tại các điểm dịch TP. Hồ Chí Minh khi thực hiện phong tỏa kéo dài kéo theo một loạt vấn đề xã hội khác nảy sinh, đòi hỏi cần điều chỉnh và tìm đến các biện pháp chống dịch mềm dẻo thực tế hơn, hiệu quả hơn, dẫn đường bởi khoa học dịch tễ học. Thứ tư, dịch bệnh COVID-19 là hậu quả của sự phá vỡ môi trường sinh thái9 , sự thất bại trong bảo đảm vai trò khoa học dẫn đường cho các chính sách can thiệp kinh tế - xã hội kéo dài ở cấp độ toàn cầu! Cần nhìn nhận đại dịch COVID-19 là sự tiếp nối của xuất hiện các vụ dịch trước đó như dịch SARS (2003)10 hay MERS (2012)11 . Nguy cơ xuất hiện thêm các vụ dịch nhiễm trùng mới, gây bởi nhóm vi rút Corona hoặc loại khác, là chắc chắn, nếu toàn cầu không tạo được một hành lang pháp lý bắt buộc thực hiện các biện pháp an ninh y tế toàn cầu gắn liền với phòng chống biến đổi khí hậu. Chỉ định cấp thiết lúc này ở tầm chiến lược lâu dài cho Việt Nam trong xu thế toàn cầu hóa, là phòng, chống dịch COVID-19 nói riêng và các bệnh nhiễm trùng và không nhiễm khác nói chung, đòi hỏi áp dụng triệt để, ngay và luôn cách đề cập Một Sức Khỏe (One Health) ở cấp quốc gia, đi kèm với những can thiệp chuyển đổi hành vi cá nhân, gia đình, cộng đồng theo mục tiêu sức khỏe sinh thái 

 ĐỀ XUẤT ĐIỀU CHỈNH CỤ THỂ 

a- Điều chỉnh ở tầm Chiến lược chung Tiếp tục điều chỉnh làm rõ vai trò và trách nhiệm tham gia phòng, chống dịch của mỗi bên (Chính quyền các cấp, Y tế, các tổ chức khác và doanh nghiệp, người dân) trước tình hình mới để thể hiện rõ: 

- Người dân được trao quyền chủ động và chịu trách nhiệm trước pháp luật thực hiện các biện pháp phòng dịch, phát hiện nhiễm trùng, chăm sóc tại nhà với sự tư vấn của ngành y tế trong thời gian có dịch. 

- Trao quyền chủ động và trách nhiệm pháp lý cho người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp để đảm bảo khu vực phụ trách thực hiện đúng quy định giãn cách xã hội, vệ sinh, đảm bảo mọi cán bộ, nhân viên thường xuyên đeo khẩu trang trong môi trường có tiếp xúc xã hội. 

 - Trách nhiệm của Chính quyền Địa phương là giám sát để bảo đảm mọi người dân, mọi gia đình, mọi tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn, thực hiện đúng quy định đeo khẩu trang, vệ sinh, và giãn cách xã hội.

 - Trách nhiệm của Chính quyền Trung ương: o Đảm bảo mọi chính sách, biện pháp phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế đưa ra được dựa trên cập nhật các kết quả nghiên cứu dịch tễ học mới nhất cùng bằng chứng nghiên cứu khoa học, khách quan, thực tế với tình hình đất nước.  Đảm bảo hệ thống y tế tổ chức tiêm vắc xin, cung cấp xét nghiệm phục vụ phòng, chống dịch miễn phí cho người dân và đảm bảo hệ thống y học dư phòng, y học lâm sàng trong phòng, chống dịch không bị thương mại hóa. Đảm bảo hệ thống bảo trợ xã hội hoạt động hiệu quả, đáp ứng đúng yêu cầu thực tế bảo vệ nhóm yếu thế trước tác động đa chiều của dịch bệnh.  Đảm bảo thực thi trên toàn quốc hệ thống giám sát công tác phòng, chống dịch, trong đó có vai trò giám sát, phản biện độc lập của các tổ chức xã hội và người dân. o Tổ chức hữu hiệu hệ thống kiểm tra, đánh giá độc lập, xử phạt trường hợp vị phạm trong phòng, chống dịch ở mọi cấp, có sự tham gia của các tổ chức xã hội và người dân. Thúc đẩy triển khai cách đề cập MỘT SỨC KHỎE ở cấp độ ra chính sách công trên toàn hệ thống, và có chính sách hỗ trợ các tổ chức xã hội triển khai sớm các sáng kiến xây dựng cộng đồng SỨC KHỎE SINH THÁI phòng chống dịch bệnh bền vững, bảo đảm an toàn môi sinh. 

b- Điều chỉnh cụ thể theo Nhóm Hoạt động Phòng chống dịch: Về phong tỏa để làm chậm tốc độ lan truyền lan truyền của dịch: 

- Quyết định “Phong tỏa” một khu vực dân cư cho mục tiêu chặn vi rút lây lan (tức chặn khả năng hình thành và tồn tại mọi dạng tiếp xúc gần người – người ở môi trường công cộng, duy trì trong một thời gian đủ dài theo khoa học dịch tễ học), vẫn là một trong những biện pháp phải sử dụng tới trong phòng chống dịch bệnh lây nhiễm đường hô hấp cấp tính, nhưng luôn phải đặt trong yêu cầu một chính sách thi hành khẩn cấp đi kèm theo phương án thực thi bảo vệ nhóm yếu thế duy trì được đời sống thiết yếu trong thời gian thi hành phong tỏa. Kiến nghị quyết định “phong tỏa” đưa ra cần kèm theo triển khai trước đó phương án bảo vệ nhóm đối tượng nguy cơ cao (người già cô đơn, dân lang thang, dân nghèo ở các khu mất vệ sinh nghiêm trọng,…) chịu tác động nặng nề hơn của dịch bệnh khi phong tỏa được thực hiện.

 - Quyết định thời hạn phong tỏa được ấn định cho một khu vực cụ thể cần xem xét toàn diện đánh giá nhóm nguy cơ cao bị ảnh hưởng bởi phong tỏa và tính sẵn sàng các biện pháp bảo vệ nhóm này, trên cơ sở thông tin từ nghiên cứu điều tra dịch tễ học cộng đồng và phải do bộ phận chuyên môn dịch tễ học đề xuất, không chỉ căn cứ trên kết quả xét nghiệm dương tính qua test đánh giá nhanh tìm F0 như đã làm. 

- Thực hiện phong tỏa theo nguyên tắc cấm triệt để không cho bất kỳ cơ hội tập trung đông người nào hình thành nguy cơ cao gây lan truyền vi rút. Tổ chức thực hiện triệt để việc phạt vi phạm quy định phong tỏa thật công khai, có sự tham gia của người dân và các tổ chức xã hội, với bất kỳ ai vi phạm, dù là dân, doanh nghiệp hay tổ chức chính quyền. 

 - Tại các tỉnh thành thực hiện phong tỏa, các thủ tục buộc người dân phải có được giấy phép của Chính quyền địa phương, giấy phép cơ quan, xét nghiệm kết quả âm tính,… để xem xét giải quyết yêu cầu đi lại trong thời gian dịch diễn ra, phải được thay hoàn toàn bằng đăng ký đi lại do người dân chủ động thực hiện qua chương trình khai báo online, hoặc phiếu tự khai trước khi ra khỏi nhà theo một mẫu quy định thật đơn giản.

 - Cần xóa bỏ tồn tại nhận thức ở một số cán bộ đang đảm trách công tác phòng chống dịch ở các tỉnh thành, xem phong tỏa là cố gắng thực hiện nguyên tắc “nội bất xuất, ngoại bất nhập” ở mức cao nhất, cho rằng “không có F0, không có người từ vùng dịch trở về” là chặn đứng được sự lan truyền của vi rút. Bởi quan niệm và nhận thức này không còn phù hợp khi dịch bệnh đã ở dạng “dịch nội sinh” đủ dài, tự lan truyền trong cộng đồng qua đường hô hấp mấy tháng qua. Thay vào đó, là triển khai tốt chức năng giám sát của cả chính quyền, doanh nghiệp và người dân để bảo đảm cao nhất việc nhắc nhở thực thi đeo khẩu trang và bảo đảm thực hiện giãn cách thường xuyên, đúng ở nơi công cộng, giảm nguy cơ tập trung đông người ở các địa điểm công cộng, kể cả ở chợ, siêu thị. Không để xảy ra phong tỏa làm đứt gãy dịch vụ thiết yếu phục vụ đời sống sinh hoạt của người dân và lao động sản xuất của các doanh nghiệp, trong khi, hệ thống Nhà nước cố gắng cao nhất và sớm nhất triển khai tiêm vắc xin bao phủ toàn dân và đảm bảo hệ thống y tế đáp ứng nhu cầu chữa bệnh của dân. Xét nghiệm phục vụ phòng chống dịch: - Chỉ thực hiện các test kháng nguyên, kháng thể cho mục tiêu nghiên cứu điều tra dịch tễ và chẩn đoán, điều trị tại bệnh viện, hoặc đáp ứng nhu cầu của người dân chủ động tự chẩn đoán dự phòng dịch bệnh. Không lạm dụng làm đại trà cho mục tiêu sàng lọc tìm cho hết người nhiễm để chỉ định cách ly tập trung (biện pháp chỉ phù hợp khi dịch từ bên ngoài mới xâm nhập vào Việt Nam hoặc áp dụng cục bộ trong phạm vi nhỏ. 

Thời điểm này biện pháp test kháng nguyên đại trà không còn tác dụng và gây rất tốn kém, phản tác dụng, thêm nguy cơ lây lan, khi dịch đã chuyển sang hình thái lưu hành nội sinh trong cộng đồng).

 - Tổ chức vận hành hệ thống xét nghiệm và tư vấn xét nghiệm phòng, chống dịch miễn phí cho toàn dân. - Thiết lập hệ thống theo dõi điểm (sentinel sites) dài hạn sử dụng cả test kháng nguyên, kháng thể kết hợp các phiếu điều tra dịch tễ, để theo dõi diễn biến dịch, mức độ cảm nhiễm của cộng đồng, đánh giá tác động của dịch và hiệu quả của các biên pháp can thệp phòng chống, làm cơ sở cho điều chỉnh chính sách. Cần điều động ngay nhóm chuyên gia dịch tễ học hàng đầu tổ chức thiết kế triển khai hệ thống sentinel sites đáp ứng cho được yêu cầu đặt ra của công tác phòng chống dịch trước mắt và nhiều năm tới đây.

 Tiêm vắc xin và quản lý hệ thống tiêm chủng: 

- Ưu tiên phổ cập mũi 1 cho tất cả các đối tượng, và đủ 2 mũi cho các đối tượng nguy cơ cao (người già, người có bệnh nền, nhân viên y tế, nhân viên dịch vụ công thiết yếu,…). 

 - Rà soát lại các chống chỉ định và đơn giản thủ tục sàng lọc tiêm chủng dựa trên các khuyến cáo của nhà sản xuất và các cơ quan EMA, FDA và CDC 14 15 16 17 18, kết hợp với sử dụng tối đa hệ thống y tế cơ sở, hệ thống bệnh viện, phòng khám công, tư để thiết lập hệ thống cung cấp tiêm vắc xin miễn phí gần dân nhất, để dân dễ tiếp cận nhất có thể, giảm tối đa sự đi lại, giảm thời gian chờ đợi và tập trung đông người. Tham khảo và cố gắng cao nhất sử dụng cách tổ chức tiêm văc xin của các nước phát triển đã làm.

 - Chú ý giám sát thường xuyên bảo đảm sự vận hành của hệ thống dây chuyền lạnh đúng tiêu chuẩn kỹ thuật ứng với mỗi loại vắc xin cụ thể sử dụng tại các điểm tiêm.

 - Ưu tiên nhập khẩu các loại vắc xin đã chứng tỏ có hiệu lực miễn dịch tốt và an toàn, như Moderna, Pfizer, Astrazeneca, Johnson & Johnson. Chỉ sử dụng các loại vắc xin có hiệu quả miễn dịch kém hơn trong trường hợp thật khẩn cấp. 

- Thực hiện quản lý tiêm chủng theo chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân để đảm bảo người dân có thể đến tiêm ở bất cứ điểm tiêm chủng nào gần nhất, nhằm sớm đạt tỷ lệ tiêm chủng cao nhất có thể. Hoàn thiện đưa vào vận hành gấp hệ thống quản lý dữ liệu tiêm chủng quốc gia để đảm bảo quản lý chính xác mọi công dân. 

Chính sách với các trường hợp nhiễm vi rút, trường hợp có biểu hiện lâm sàng bệnh: 

- Đẩy mạnh truyền thông làm rõ sự khác biệt giữa nhiễm trùng và bệnh, nhằm giảm sự lo lắng không đáng có trong xã hội. Đảm bảo mọi tài liệu chính thức của ngành y tế, của chính quyền, không dùng các tên gọi lẫn lộn giữa nhiễm trùng và bệnh như: “ca bệnh/bệnh nhân F0”, hay “ca bệnh/bệnh nhân F1”. 

- Truyền thông cần thay dần khái niệm F0, F1, F2, bằng dùng khái niệm “người có nguy cơ lây nhiễm cao”, để chỉ tập hợp bao gồm người mang mầm bệnh, người có tiếp xúc gần với người mang mầm bệnh, người có hành vi không mang khẩu trang, hoặc người làm việc trong môi trường tiếp xúc đông người không bảo đảm tốt giãn cách xã hội. Như thế, điều chỉnh nhận thức toàn xã hội không chỉ khi nào có vi rút trong người (kết quả xét nghiệm dương tính) hoặc có tiếp xúc với người có nhiễm vi rút mới là đối tượng “F0, F1, F2” cần quan tâm phòng chống lây lan, mà thực tế biện pháp phòng, chống phải được chú trọng đồng thời vào chủ thể “môi trường có nguy cơ cao” và “con người tiếp xúc với môi trường có nguy cơ cao”, hoặc “con người có hành vi nguy cơ cao cho lây nhiễm”. Sự chuyển đổi này cần đi đôi với truyền thông khuyến khích người dân nhận biết và phát triển môi trường ít nguy cơ lây nhiễm (thay hoạt động trong nhà bằng hoạt động ngoài trời, tạo môi trường đảm bảo thông thoáng khi phải tập trung đông người, mọi người thường xuyên đeo khẩu trang,…).

 - Tương tự, dùng khái niệm “người có nguy cơ bệnh nặng” để chỉ đối tượng người già, người có bệnh nền, người suy giảm miễn dịch,… để có ưu tiên thực hiện dự phòng chặt chẽ và ưu   tiên tiêm vắc xin sớm nhất có thể, nhằm giảm gánh nặng cho bệnh viện, giảm tỷ lệ tử vong, đảm bảo đạo đức y tế dự phòng. - Dùng khái niệm “người đang mang vi rút” (có kết quả xét nghiệm kháng nguyên dương tính), “người bệnh COVID-19” (xét nghiêm kháng nguyên dương tính và có biểu hiện lâm sàng điển hình), “người bệnh COVID-19 nặng” (hội đủ các triệu chứng có suy hô hấp, cần sự can thiệp chăm sóc chuyên môn y tế), và “bệnh nhân tử vong do COVID-19” trong mô tả tình hình dịch bệnh. Có như vậy, mới bảo đảm tính chính xác trong mô tả phổ của bệnh và diễn biến dịch trên thực tế, giúp công tác làm chính sách và lập kế hoạch được nâng cao chất lượng. 

- Dùng khái niệm “người/ môi trường có hành vi gia tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh”, để chỉ những người không đeo khẩu trang thường xuyên hoặc môi trường để xảy ra tập trung đông người không bảo đảm giãn cách xã hội, làm cơ sở để nhắc nhở, phê phán, ngăn chặn, xử phạt, và áp dụng cấp độ dự phòng cẩn trọng giám sát thường xuyên. 

- Đối với tất cả những trường hợp mang vi rút không có biểu hiện lâm sàng và trường hợp biểu hiện lâm sàng nhẹ, đều tư vấn khuyến khích để tự theo dõi và tự chăm sóc tại nhà, với sự giúp đỡ của y tế địa phương (phường, xã) nhằm theo dõi diễn biến lâm sàng, tư vấn chăm sóc đúng cách tại nhà, và chỉ đưa vào viện khi hội đủ chỉ định của y tế. 

- Không truyền thông lấy trường hợp cá biệt biến chứng nặng làm chỗ dựa để chỉ định đưa vào điều trị bệnh viện tất cả những trường hợp nhiễm trùng hoặc biểu hiện lâm sàng nhẹ. Sự thất bại khi để xảy ra trường hợp đưa bệnh nhân đến bệnh viện vào giai đoạn muộn hoặc ngược lại, gây lo lắng cho người dân khi cứ thấy kết quả dương tính là xin được vào nằm bệnh viện, đều là do hệ thống tư vấn, giám sát, theo dõi của y tế tuyến cơ sở chưa làm được tốt. Phải xem đó là những dấu hiệu cho việc ngay lập tức can thiệp tăng cường năng lực chuyên môn của y tế cơ sở, thiết lập lại hệ thống TeleMedicine. - Thúc đẩy và giám sát truyền thông đảm bảo đúng yêu cầu của y tế dự phòng để xã hội nhận thức bệnh viện là môi trường có nguy cơ lây nhiễm cao, không chỉ COVID-19 mà còn các bệnh truyền nhiễm khác, để giảm tối đa người nhà ra vào bệnh viện, tránh lây nhiễm chéo trong bệnh viện. Bù lại, phải có chính sách phát triển hệ thống chăm sóc giảm nhẹ, thực hiện bởi các tổ chức xã hội nhân đạo chuyên về chăm sóc sức khỏe, đi kèm chính sách giám sát đánh giá độc lập chất lượng chăm sóc bệnh nhân tại các cơ sở y tế, để tạo được sự yên tâm xã hội về chất lượng công tác chăm sóc giảm nhẹ và hỗ trợ xã hội dành cho người bệnh (palliative care and social support) tại các bệnh viện. 

- Khuyến nghị Lãnh đạo Nhà nước cho cả mục tiêu chống dịch trước mắt và lâu dài cho công tác chăm sóc sức khỏe, tạo điều kiện tối đa cho Tổng hội Y học và các tổ chức xã hội chuyên ngành phát triển chức năng giám sát độc lập chất lượng vận hành hệ thống y tế, cả công và tư, đi cùng thúc đẩy hình thành tiêu chuẩn chất lượng cho hệ thống chăm sóc tại cộng đồng và bởi cộng đồng (với các hình thức tập trung nhiều vào dự phòng và tự chăm sóc bởi cá nhân, gia đình, người thân, các tổ chức xã hội).

 - Soạn thảo và phân phát rộng rãi tài liệu phòng, chống dịch, theo dõi sức khỏe và chăm sóc tại nhà, để không rơi vào tình trạng lạm dụng thuốc hoặc dùng thực phẩm chức năng để điều trị! Đặc biệt phải đảm bảo nhân viên chuyên môn y tế không tư vấn dùng nhóm thuốc ức chế miễn dịch cho mục tiêu dự phòng bệnh diễn biến nặng tại nhà. Đảm bảo mọi trường 10 hợp có biểu hiện của suy hô hấp phải được phát hiện sớm và đưa vào cơ sở y tế điều trị nhanh nhất, trong khi ngược lại, không để những trường hợp lâm sàng nhẹ hoặc không có triệu chứng lâm sàng lại đưa vào điều trị trong bệnh viện hoặc các phòng khám cả công và tư (cho mục tiêu giảm tối đa nguy cơ lây lan, tránh mọi sự gia tăng giao tiếp xã hội trực tiếp không cần thiết trong thời gian dịch đang lưu hành). 

- Chúng tôi khuyến nghị: Cần rất thận trọng, phải có đánh giá khoa học tác dụng của “phát túi thuốc tại nhà” mang tính dự phòng mới đưa ra gần đây19, trước khi phát triển thành chính sách nhân rộng! Bởi theo chúng tôi, chỉ một tỷ lệ nhỏ của trường hợp nhiễm vi rút SARSCOV-2 (dưới 10%) cần đến sự hỗ trợ của thuốc, kể cả là thuốc giảm sốt. Điều này nhất quán với chỉ đạo của Thủ tướng trong Hội nghị sáng 15/08/2021 “Đặc biệt lưu ý không coi F0 chưa có triệu chứng là người bệnh”. Triệt để tuân thủ nguyên tắc, đã là thuốc, dùng để chữa bệnh, và việc dùng thuốc luôn kèm theo nhiều nguy cơ khiến việc sử dụng phải luôn hạn chế đi theo chỉ định của giới chuyên môn. Chống lạm dụng thuốc cần được xem đưa lại lợi ích cả cho sức khỏe và kinh tế, chống nguy cơ vỡ quỹ bảo hiểm y tế, ngăn chặn sự thương mại hóa trong chăm sóc sức khỏe. Thêm nữa, thời gian vừa qua, đã thành một nhức nhối xã hội vấn đề thực phẩm chức năng tích hợp vào tiến trình chăm sóc sức khỏe của hệ thống y tế, đặc biệt dịch vụ y tế công. Phải luôn cảnh giác không để xu hướng thương mại hóa công tác chăm sóc sức khỏe phát triển thêm cả vào lúc này. Cố gắng cao nhất và đúng nhất, là khuyến khích để người dân tự chủ động thực hiện các biện pháp dự phòng không dùng thuốc (như tập thở, tập thiền, thư giãn, bài tập vận động toàn thân, ăn uống đủ nước, giảm muối, và tạo thói quen sinh hoạt điều độ không thức quá khuya,…), không tốn thêm tiền dùng thực phẩm chức năng, và chỉ tìm đến thuốc sau khi đã nhận tư vấn của nhân viên y tế làm đúng theo hướng dẫn của Bộ Y tế. 

Đảm bảo chính sách phòng chống dịch được hỗ trợ bởi bằng chứng nghiên cứu dịch tễ học và có phản biện độc lập: - Khuyến nghị thiết lập dự án nghiên cứu theo dõi diễn biến dịch bệnh và đánh giá toàn diện hậu quả trước mắt, lâu dài của dịch COVID-19, theo thiết kế chọn mẫu sentinel sites, sử dụng phối hợp cả nghiên cứu định lượng (quantitative) và định tính (qualitative research), cả test kháng nguyên và kháng thể, cùng loại hình nghiên cứu thúc đẩy vận hành hiệu quả hệ thống (implementation research in health). Nên phân bổ các nghiên cứu này được thực hiện bởi các cơ quan nghiên cứu cả trong và ngoài hệ thống nhà nước. 

- Khuyến nghị nhà nước tận dụng tối đa khả năng phản biện khoa học độc lập của các tổ chức xã hội, tổ chức nghề nghiệp. Mọi chính sách đưa ra thực hiện trên cộng đồng cần được phản biện khoa học độc lập trước khi triển khai. Hệ thống Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ Thuật Việt Nam (VUSTA), Tổng hội Y học Việt Nam (VMA) cần được thúc đẩy thực hiện tốt trách nhiệm này trong thời gian tới để đảm bảo huy động tối đa lực lượng trí thức tham gia phòng chống dịch nhằm đạt hiệu quả tốt nhất. Chúng tôi kiến nghị, các cuộc họp liên quan tới phòng chống dịch ở cấp độ chính sách, cần tạo điều kiện cho các tổ chức xã hội chuyên  về khoa học y tế công cộng được tham gia tiếp cận thông tin phục vụ tốt hơn chức năng tư vấn chuyên môn trong phòng chống dịch bệnh. Đảm bảo quan tâm tới đối tượng yếu thế: Dịch bệnh tác động mạnh nhất tới các trường hợp người già cô đơn, người khuyết tật, người có bệnh nền, người nghèo, người có thu nhập không ổn định hoặc làm các nghề dễ bị ngừng hoạt động khi dịch bệnh đang lưu hành, gia đình có trẻ nhỏ,... 

Để bảo vệ các đối tượng này, chúng tôi kiến nghị: 

- Ngoài các biện pháp của Nhà nước mới được áp dụng gần đây, cần có thêm chính sách cụ thể tạo điều kiện cho các tổ chức xã hội thực hiện hoạt động từ thiện, cứu trợ khẩn cấp liên quan tới dịch bệnh và khắc phục hậu quả dịch bệnh COVID-19.

 - Xử lý nhanh và nghiêm theo luật pháp các trường hợp được mạng xã hội phát hiện trục lợi dịch bệnh. Chính sách nền tảng phòng chống dịch cả trước mắt và lâu dài: Phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm và cả bệnh không lây nhiễm, phải đi vào gốc vấn đề bao trùm là chống suy thoái môi trường toàn diện cả môi trường xã hội và môi trường tự nhiên, với đích lớn nhất là chống biến đổi khí hậu, lập lại cân bằng sinh thái, sử dụng cách đề cập “MỘT SỨC KHỎE- ONE HEALTH” ở tuyến làm chính sách và vận hành hệ thống quản lý đất nước, cùng triển khai các can thiệp xây dựng “Con người sinh thái, gia đình sinh thái, và cộng đồng sinh thái” đưa lại là “SỨC KHỎE SINH THÁI- ECOHEALTH” cho Việt Nam, đóng góp cho công cuộc chống biến đổi khí hậu và an ninh toàn cầu trên thế giới. 

Bởi thế, chúng tôi kiến nghị: 

- Thúc đẩy mạnh hơn nữa hoạt động của ĐỐI TÁC MỘT SỨC KHỎE cho phòng chống dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người, hiện được điều phối bởi Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn. - Tạo điều kiện để Mạng lưới HỢP TÁC MỘT SỨC KHỎE VÀ BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU của các tổ chức xã hội sớm triển khai thực tế các sáng kiến đưa “Một Sức Khỏe” vào vận hành trong cộng đồng, thể hiện bằng các can thiệp thúc đẩy hình thành một nền “sức khỏe sinh thái” trong thực tế với “con người sinh thái”, “gia đình sinh thái” và “cộng đồng sinh thái” cụ thể, làm nền móng cho sự thành công vững chắc của công tác chống dịch bệnh ở người (cả lây nhiễm và không lây nhiễm), ở vật nuôi – cây trồng, cùng chống ô nhiễm, suy thoái môi trường sống Việt Nam (cả tự nhiên và xã hội). 

Thứ Bảy, 7 tháng 8, 2021

TA ĐỢI GÌ Ở GIẤC MƠ ... (100 bài)











5-


6-CÔ ĐƠN XANH ... 

Lặng lẽ nhớ
lặng lẽ buồn...
ngày vấn vương
đêm mộng tưởng
niềm thương thổn thức
giấc mơ rạo rực
khát khao hừng hực
ngọn lửa thiêu thân
lặng lẽ hiến dâng
lặng lẽ khô cằn
thời gian gửi tặng
cành cô đơn xanh... 


7- TIẾNG THU

Thu làn lạt nắng
lá nhang nhác vàng
phố thênh thang vắng
chiều tan tác tàn

Ta ngàn ngạt trắng
buồn bàng bạc đan
thanh âm phụ phàng
chan chát phím đàn

Bản tình ca lỡ làng
người ra đi vội vàng
lòng ta khang khát mang
nhớ thương ngan ngát đắng

Tình trèo lên cung Phấn
mộng man mác yêu trăng
đôi tay thuê thùa đặng
một nửa mảnh hồn tang 


8- LUÂN HỒI NƠI GIẤC MỘNG 

Ngày rút rỉa xác thân
đêm bào mòn giấc mộng
tháng năm thắt lòng lọng
tắt nghẹn một đời sông

Thế kỷ đam mê dục vọng
sự sống rực rở cầu vồng
mầm chết sinh ở trong lòng
nỗi buồn về với hư không

Cô đơn quá mênh mông
và tôi luân hồi trong giấc mộng
sự chết rực rở cầu vồng
mầm sống chào đời ở hư không... 


9-





13-MỘNG LÁ VÀNG

Chiều thứ bảy sân si dẫn lối
đưa tôi vào mộng mị sầu bi
trăm con bướm nhỏ rậm rì
xuân thì khép lại vành mi nhu mì

Con sóng vỗ bờ rêu tục lụy
chiếc lá vàng thi vị ở nơi đâu
vực sâu há miệng nuốt sầu
dòng đời tuôn chảy cơ cầu tồn vong

Trăng non nõn khoe hình phơi bóng
thu mênh mông gió lộng mở lòng
từ bi lá đậu hư không
có hồn ai đứng chênh chông phai tàn

Chiều thứ bảy chuông chùa mai táng
mộng lá vàng tri kỷ đội tang 


14-THU VÀNG TRONG DĨ VÃNG 

Trong giây phút hiện tại
ta đang chết nhẹ nhàng
mắt em xanh dịu dàng
chiều say góc phố vàng

Trong giây phút hiện tại
ta đang sống nồng nàn
hơi thở em nhẹ nhàng
chiều vàng góc phố say

Trong giây phút hiện tại
ta đang giấc mơ màng
tiếng chuông chùa đa mang
em bước đi vội vàng

Trong giây phút ngỡ ngàng
ta còn nơi lỡ làng
chiều tan góc phố tàn
Thu vàng trong dĩ vãng 


15-

16-

17-CHIẾC BÁNH TRUNG THU MÙA VU LAN 

Mẹ về tóc bạc lấm tấm sương
mưa thu tháng bảy lất phất vương
bánh trung thu sớm mẹ lần trong áo
sợ ướt rồi con sẽ chẳng chịu ăn

Thân mẹ gầy nào đâu sợ lạnh
chút mưa buồn đâu sánh được nụ cười của con
chiếc bánh mẹ mua ngày xưa đó
đúng vào ngày Vu lan mẹ có nhớ không?

Bây giờ con đã theo chồng
tấm lòng báo hiếu vẫn hoài mong
ngày Vu lan con mua bánh mời mẹ
mẹ lại cười bảo để cháu mẹ ăn

Ngoài trời mưa thu giọt nhẹ lăn
mẹ mỉm cười nheo mắt nhắc chuyện ngày xưa
chiếc bánh Trung thu con đòi ăn trước
để được khoe với lũ trẻ nhà giàu

Vẫn như xưa mẹ ôm cháu vào lòng
bánh Trung thu sớm ngon lắm cháu ăn đi
rồi mẹ bảo : ngày Vu lan tao có nhớ
giờ bây thương cháu là báo hiếu tao 


18-NỢ LÁ VÀNG 

Trời oi bức ngực đau rưng rức
mây rồi bời đi sớm về trưa
em trao một chút duyên thừa
cho ngày chất chứa ai đưa đón người
 
Tình tôi chỉ có mỗi lời
trái tim bổi hổi nối đời tha nhân
dẫu biết rằng yêu lắm phụ phàng
sao đời vẫn phải gánh đa mang

Có lẽ vì tôi nợ lá vàng
từ trong tiền kiếp thuở hồng hoang ...




20-THÔI EM HÃY SỐNG CÙNG HY VỌNG

Ngày tựu trường nắng đưa mưa đón
dép em tôi ăn lối cỏ mòn
cây cầu ván đóng đinh hèn mọn
con đi trường học mẹ đi mót đồng (*)

Cái chữ thánh hiền nuốt vào trong bụng
chưa tiêu thành người đã hóa nên phân
Quan nào học Lễ để cần dân
Tiên không có tiền Hậu lấy chi ăn

Bàn tay Cha tủi nhục chai sần
làn da Mẹ cơ bần lên nấm
ngây thơ em đen như uất hận
trước cổng trường sắt thép bê tông

Bài tập làm Văn tả non sông
"Rừng vàng biển bạc đất phì nhiêu"
sao vẫn liêu xiêu con đường đến lớp
chiếc ghế em ngồi học phí như chông

Thôi em hãy sống cùng hy vọng
như đất nước còn mơ mộng hóa rồng
một mai lấy Trung Quốc làm chồng
sanh con hai dòng diệu tổ quy tông




22-CÁNH ĐỒNG CỎ THƠM

Em bỏ lại sau lưng loài Cỏ thơm xanh mướt
cánh đồng Thu lần lượt ngã vàng
gió thang lang thả nỗi buồn lãng đãng
mấy xuống thật gần ướt đẫm phôi pha
Ta vẫn sống trong ngôi nhà kỹ niệm
nhìn dòng đời ô nhiễm dòng sông
giữa mênh mông cô độc kiếm tìm
tiếng cười thiếu phụ gọi mùa hiến dâng
Loài Cỏ thơm vẫn rạo rực ái ân
hương cháy bỏng khát khao đại ngàn
ta mãi cầu vọng tự do gió lộng
trên cánh đồng em trong sạch dòng xanh



24-TÌNH CẦU

Lòng mong cầu rớt giọt sầu
mưa ngâu chưa tới để xỏ xâu
tình treo đầu gió đêm đành khuyết
chẳng đợi bóng về đón trăng lên
Mây che định mệnh mộng ngã kềnh
đời say nào tỉnh tiếng rỉ rên
bên thềm ta gọi Mạnh bà đến
xin chén luân hồi cạn nhớ thương
Tình cầu lộn kiếp thôi vọng tưởng
vén áng mây sầu ngắm trời xanh...


25-MÙA THU DU CA

Trên dòng đời ngũ phúc
từng chiếc lá rớt rơi
cô đơn kết thành nốt nhạc
mùa thu viết bản du ca
Gió chạm vào chiếc lá
hợp âm buồn diết da
em vẫn là khoảng lặng
ngăn nhịp tình phôi pha
Nỗi nhớ em khi thăng khi giảm
dấu giấc mơ vào nửa cung đàn
phú- quý- thọ-ninh-khang
tử sinh mang gánh thu vàng ru ta 


2


27-VỤN VÀNG LÁ THU

Sài gòn ồn ào cộ xe bát nháo
có chỗ nào cho Thu vào cởi áo yêu thương
con đường Duy Tân hàng me đã cổ
trường Luật bây giờ lố nhố bán mua
Đinh Tiên Hoàng- Văn khoa còn đó
tình ở nơi nao thơ mãi rao sầu
khói bụi đục ngầu hồn Ngâu trôi dạt
em bước qua cầu lạc bước chân quê
Sài gòn đổ nát bờ đê
nên con sóng dữ lan tràn u mê
chơi vơi đứng lại bên lề
nhớ xưa áo trắng người mang lời thề
Gió cuồng vung vãi ê chề
lẫn trong đen bạc vụn vàng lá Thu 


28-BÃO THU 

Mưa nát lòng thu
gió táp lời ru của lá
vầng trăng tơi tả
sắc màu phong lưu
Đêm không ngái ngủ
chiếu chăn ủ rũ
còn ai dẫn dụ
ta vào mộng du
Bão thu trời đất ngục tù
phố cũng đâm mù đôi mắt mùa thu...


29-MÃN KHAI

Một bông hồng mãn khai
trong ngày trăng rạo rực
khiến tim yêu háo hức
nhỏ giọt máu cuồng say
Em chừng ở quanh đây
thả đêm vào tóc mây
tôi gối đầu mềm mại
mơ giấc mơ tình ái
Xác thân tôi bốc cháy
linh hồn tôi quằn quại
hương nồng nàn tung bay
bước chân đời sảng khoái
Bình minh lên tự tại
một hình hài sơ khai...


30-ĐỢI EM THẢ ÁO BAY 

Tôi ở bên này cầu
đợi em thả áo bay
cho mùa thêm vụng dại
gửi nhớ vào tàn phai
Đợi em thả áo bay
tôi nhặt mộng đắm say
uống giọt ngâu tình ái
thương cho đời khóc vay
Lá rớt tình khắc khoải
đường xưa vàng trang trải
đợi em thả áo bay
đưa tôi về thiên nhai
Máu dâng lên ngực trái
màu thời gian sợ hãi
thơ ngây tôi đứng lại
đợi em thả áo bay


31-TRĂNG THU 

Trăng ở trên cao thơ ngây tròn khuyết
hồn nhiên vui buồn quyến rũ thế nhân
ta ở trần gian khóc cười mưa nắng
đêm soi tật nguyền cô độc hợp tan
Một kiếp đa mang gánh lá phai tàn
đợi mở địa đàng chuyển mùa sang
chiếc lá trường sinh trăng còn cất giữ
giấu trái tim ta trong vô hạn thời gian
Mơ màng hồn vãng cung hằng
cây đa chú cuội khẽ khàng ẩn thân
tình ta hiện giữa lỡ làng
ánh trăng đầy đặn sắc vàng lá thu 


32-TÔI KHÔNG CÒN LÀ NGƯỜI SÀI GÒN

Tôi không còn là người Sài Gòn
để thương để nhớ đoạn trường gọi tên
Tôi không còn là người Sài Gòn
để buồn để quên con nước hai dòng
Nam kỳ khởi nghĩa tiêu Công lý (*)
Đồng khởi vùng lên mất Tư do (*)
Hòa bình thắc thỏm âu lo
Đói- No Độc lập khiến người tha hương
Hạnh phúc Độc quyền bước nhiễu nhương
đạp đầu Đau khổ chín phương khốn cùng
Tôi không còn là người Sài Gòn
để nghe tiếng nấc não nùng quê hương
Tôi mang quốc tịch thiên đường
còn đâu giọt máu hồng hoang Tiên Rồng 








35-GIẤC MƠ THU

Trong giấc mơ Thu
tôi mãi là người đến muộn
lá chẳng còn buôn
cuộc tình sinh tử
Thời gian chết dư
trên cành quá khứ
tàn phai đầy ứ
một đời lữ thứ
Sầu tại thiên thư
cô đơn định phận
đa tình di hận
miên miên tuyệt tuyệt kỳ
Vương thân nghiệp dĩ
thực hư chân lý
đâu người tri kỷ
nhân tâm hoàn mỹ
Thi sĩ hề thi sĩ
phong lưu hề phong lưu
trong giấc mơ Thu tôi vẫn là người đến muộn
lá chẳng còn buôn sinh tử cuộc tình


36-TRĂNG KHÁT

Nào dám thốt lời yêu
khi tình luôn đen bạc
cố chôn vùi khao khát
trong giấc mộng mưa Ngâu
Mùa Thu mang lá sầu
đi đâu?
về đâu?
gió ơi xin chớ cơ cầu
đậu lên vai áo sắc màu vàng thương
Nỗi nhớ rơi trên mỗi con đường
có còn ai nhặt lấy hạt sương
lòng tôi chỉ có tư tương
trăng tràn trên nấm mộ khát thương mắt tình 


37-SỢI TÓC MÙA THU

Vô tình sợi tóc thu bay
nửa xanh nửa bạc hình hài lá rơi
đậu lên môi đắng vị đời
chút tình ấp ủ chưa lời để trao
hương nào vương vất nỗi đau
giấc mơ thiếu phụ khát khao nồng nàn
Vô tình sợi tóc buộc ràng
bước chân lữ thứ về ngang bến chờ
nghe trong nức nở dại khờ
sóng lòng dào dạt vỗ bờ phong lưu
vụng về ngồi đợi mùa thu
gió bay hương tóc mộng du cuộc tình


38-THU VỀ BÊN CỬA

Em vẫn ở trong tôi kiều diễm
mắt môi yêu châm bẫm cuộc tình
thời gian buông nỗi buồn lấp liếm
dấu chân người nhặt mảnh tim rơi
Yêu em tôi nào mê tìm kiếm
khoái lạc bên mình chiếm hữu làm riêng
yêu em tôi chỉ thầm dâng hiến
để thấy em cười đỡ lá tàn phai
Chiều nay hiu hiu gió ngủ
sợi nắng mềm trên cánh bướm đong đưa
dường như thu về bên cửa
mơn mớn đời thừa vàng thiếu xanh
Có phải em ở trên cành
run run sắc thắm khuyết tròn hợp tan...


39-TƯƠNG TƯ THU

Ghập ghềnh nhịp đập yêu thương
trái im lổ rổ tư tương lá vàng
em cài cúc áo hở hang
gió chen vào lối thiên đàng rủ rê
Tình đi theo bước đam mê
bỏ tôi ở lại chân quê dại khờ
lơ ngơ chắp vá câu thơ
thả lên trời mộng vàng mơ bóng sầu
Tóc em móc lá buông câu
thơ tôi cắn lưỡi mùa ngâu treo tình
thiên đàng hé cửa rập rình
tương tư nuốt chửng bóng hình thi nhân


40-MỘNG DU

Ngày bôn ba
đêm rời rả
bóng người qua hối hả mùa ngâu
lòng nông sâu đục ngầu nỗi nhớ
bến đợi chờ tan tác mong cầu
Hạt mưa xỏ xâu nối sầu vào lá
ánh trăng vàng vật vả cành thu
ta nhếch nhác ru tình yên ngủ
gửi phong lưu theo gió mộng du 


41-TƯỢNG ĐÀI

Mưa sụt sùi
mưa khóc cho ai
cây no tròn nước lá vẫn u hoài
có phải vì mùa thu luôn vụng dại
mơ giấc mơ tình ở tương lai
Em có còn nhặt tàn phai hiện tại
hong duyên đốt phận nợ đêm dài
cho tôi say mãi trong miền luyến ái
thả câu thơ bay theo gió tạc hình hài
Đời lắm muộn phiền đúng như sai
thiên thai chỉ ở một lối này
em ơi hãy cạn cùng oan trái
vào giấc mơ thu dựng tượng đài 


4


43-MẮT TÌNH 

Khi thành phố đi ngủ
ta bắt đầu tìm em trong ngóc ngách cát hung
trong tiếng gió lim dim liếm mùa lá rụng
trong tiếng côn trùng ca tụng giao phôi
Ô cửa sổ đèn soi tội lỗi
gương mặt cười vung vãi đãi bôi
chiếc lá thu rơi xa rời nguồn cội
dòng đời chật chội sám hối lôi thôi
Giọt mồ hôi rơi đập vào góc tối
vỡ sắc màu phản chiếu niềm thương
tiếng đời ô trọc đau nhoi nhói
rót vào ta xói rổ kiếp người
Em lặng lẽ ngồi trong tiền kiếp
mổ trái tim cô độc gọi mời
dòng máu đỏ nồng nàn nuôi dưỡng
xương cốt mùa thu dưới đáy mộ tình
Linh hồn thất tán hồi sinh
đêm thu bãng lãng yêu tinh hiện hình
trăng lên in bóng nguyên trinh
lá bay dắt díu lung linh mắt tình



46-ÁO THU

Nỗi buồn kéo sợi cô đơn
mùa thu nhặt lá dỗi hờn vá tim
gió còn rong ruổi kiếm tìm
màu xanh đáy mắt đong tình ngày xưa
Vàng rơi chạm trổ nắng mưa
bên thềm loang lổ bóng đưa câu thề
đam mê lạc bước chân quê
phận duyên đan lát vụng về đôi tay
Tấm áo mùa thu hoang hoài ngang trái
yêu thương khắc khoải ngây dại tháng ngày
người đi trải mộng trang đài
có ai đón lấy tàn phai trao tình...


47-THOÁT KHỎI MÙ MƯA

Mưa ủ rũ
tình cú sụ
ta vẫn mộng du trong tháng đợi ngày chờ
hoa hồng nở hương thơm hơi thở
giấc mơ đời nhặt nhạnh câu thơ
Phố bơ phờ áo cơm vật vả
nỗi buồn ai giấu cả vào cây
xanh đi lá cho em cười hê hả
thả lòng ra biển rộng sông dài
Mây đã bay trên bầu trời tự tại
có bao giờ dừng lại bến tàn phai
bóng ta gói vào lòng đất hứa
mộng du tình thoát khỏi mù mưa 


48-MIỀN KHÔNG EM 

Đêm không đàn bà đêm mất ngủ
ta thiếu vầng trăng quyến rũ giấc mơ
nỗi nhớ mù mờ trong con chữ
những dại khờ lở dở câu thơ
Em cắn chi lời nguyền ở trọ
giấu tóc vào mây để ta kiếm tìm
sợi nhân duyên nối liền nhật nguyệt
hơi thở khuyết tròn lá rụng bình yên
Cô đơn về chốn thánh hiền
câu trăng vớt bóng nơi miền không em ...

49-LÁ RU...

Tháng tám hoa Sữa ngát hương
gió du dương thổi màu thương nhớ
phố sương mờ còn ai mắc cỡ
viết câu thơ lở dở đợi chờ
Ta vô tình lạc giữa mùa thu quyến rũ
cho nồng nàn dẫn dụ bước phiêu du
đêm mê mụ vầng trăng thiếu phụ
trái tim trao qua ô cửa khép hờ
Bao mùa lá rụng thờ ơ
ta nào ra khỏi giấc mơ
hương hoa Sữa nồng nàn đến nghẹt thở
ai đó bây giờ có còn chắp vá câu thơ
Hoa Tigon bên thềm rộ nở
sắc màu tim vỡ bỡ ngỡ đêm thu
đâu rồi vầng trăng thiếu phụ
ô cửa khép hờ gọi lá vào ru...


50-

51-





53-THỨ BẢY MƯA KIỀU 

Chiều mưa thứ bảy lành lạnh nhớ
chầm thơ kết nhạc gọi tình mơ
ngoài sân nhãn chín không người hái
phòng đơn lẩy bẩy khói thuốc bay
Đốt đầu ngón tay cháy tàn hơi thở
thơ rơi vung vãi những đợi chờ
đàn kêu tích tịch tình tang
mây in hình bóng đài trang ưu phiền
Hạt mưa gõ nhịp triền miên
bốn bề giai điệu đảo điên cõi chiều
liêu xiêu vào mộng tin yêu
Kiều ngồi bên mộ Đạm Tiên khóc tình


54-


55-EM TIẾC CHI LỜI YÊU 

Em tiếc chi lời yêu
cho chiều liêu xiêu lá rớt
trên mộ tình nắng nhợt
linh ta hồn ta hóng hớt cô liêu
Em tiếc chi lời yêu
để ta hoài trong mộng
con thuyền côi hí lộng
giữa mênh mông sóng sầu
Nỗi nhớ ta về đâu
trong nghìn thu gió động
mùa đông không tiếng lòng
em tiếc chi lời yêu...


56-NGÀY QUA

Một ngày qua một ngày qua
Một ngày qua nữa có là thay đổi
Tai nghe bao điều gian dối
Mắt thấy thêm nhiều tội lỗi xấu xa
Trong lặng lẽ ta bước qua
Xiêm y áo lụa mượt mà óng ả
Gặp nhau nụ cười vội vả
Đêm trở về bóng ngã bả cơn say! 


57-QUỲNH HƯƠNG 

Nếu không có mùa thu
và hương quỳnh ấp ủ
ta vẫn mãi là kẻ mộng du giữa màn đêm mịt mù
mê mụ bóng tình vụn vỡ trả vay
Em đã đưa ta về thực tại
ngắm ánh ban mai thương đời bương chải
bàn tay nắm lấy bàn tay
sưởi ấm đôi vai bước lên ngày khoan khoái
nhặt lại tàn phai đơi đêm về
đốt cháy xác thân tình khai mãn
dấm dúi ước mơ một thuở dại khờ
Bướm đã đậu trên cành hoa vừa nở
dáng em mềm theo bóng nắng lượn bay...





59-NGƯỜI HÃY UỐNG ĐI...

Người hãy uống đi
thưởng thức cơn say
cho niềm vui vơi đi nhàm chán
cho yêu thương tràn qua bực cửa
tự do rong chơi trong thế giới cuồng si
Người ngần ngại điều chi
trong niềm vui vỏ ốc
bao bọc tiếng khóc con thơ
gạt gẫm nỗi buồn bằng ru bóng tối
Đêm soi thấy đời tội lỗi
thèm nụ hôn đàn ông dẫu chưa phải là chồng
người bước vào giấc mộng
cưu mang khát vọng mặn nồng
Đời người là một dòng sông
luôn tìm về biển cả
bồi đắp bãi bờ mỗi bước chân qua
Người hãy uống đi
cho cơn say vật vả
cho máu tim chảy ra
theo ngọn thủy triều
yêu vầng trăng tròn khuyết
yêu đất trời nhộn nhịp ái ân ...


60-NẮNG BẠC ĐẦU

Lều bều tím
lục bình trôi
dòng sông im ỉm câu hò
có con cò đậu trên cành trơ vơ
Bờ đông hừng hực thở
bờ tây thiêm thiếp tàn
gió rỉ ri gọi nhớ
con sáo sang sông con sáo vào lồng
lầu son gác tía có hay không?
Bến quê buồn hong hóc
chiều nghe cóc nghiến răng
ngày chưa cạn tình đã khét
mong ngôi sao xẹt rớt lên mơ
ta nhặt ngây thơ làm ước nguyện
bước vào cổ tích đón nàng tiên
Em về khúc khích cười trong nắng
bảo tại trời mưa cứ ậm ừ !
Bến xưa ư ứ
tình ngắc ngứ
trời vẫn còn dư nắng bạc đầu... 


61-EM Ở NƠI NÀO?

Lên chín tầng mây
lạc bước vườn đào
gặp nàng tiên nữ trắng phau
hỏi thăm em ở nơi nào ?
Tiên nữ cười ngạo
người đâu khờ khạo
tiên giới làm sao
có tim tình ái?
Rơi xuống địa ngục
gặp ông quỷ sứ
tay to mặt bự
hỏi rằng em ở nơi nào?
Mắt quỷ đỏ au
giận thằng si dại
âm phủ là đây
xử người tình phụ !
Trở về mùa thu
vàng ươm quyến rũ
hỏi lá phiêu du
em ở nơi nào ?
Lá rơi áo não
thương tình hư ảo
bóng người chảy máu
nhân thế hoài đau
Em ở nơi nào?
trong dòng hiện tại
ngăn sầu tuôn chảy
kiếp trước kiếp sau


62-TRÁI GÒN KHÔ 

Lá còn xanh mà cành đã úa
tình khoác nâu sòng lên trái gòn khô
gió nam mô dỗ dành giấc ngủ
sương mù bao phủ mộng phù du
Đêm trở dạ nhọc nhằn mây xám
hồn băn khoăn giấu bóng vào trăng
đáy mộ sầu xương tan cát bụi
ngậm ngùi cây thập tự trần trụi tỉnh mê
Trái gòn khô vỡ câu thề
gió đưa nhân quả vụng về lang thang
bông trắng bay thay lá vàng
rớt lên huyệt mộ màu tang tóc tình


63-TÌNH KHÔNG LỐI VỀ

Tôi chôn vào mùa thu ký ức
lá rớt vàng hưng hức tư tương
con đường thương rải đầy kỹ niệm
trái tim yêu ngất lịm nụ hôn đầu
Ngâu buông hạt sầu xỏ xâu nỗi nhớ
em bước qua cầu trăng vỡ nguyên trinh
bóng hiện nguyên hình yêu tinh lầm lỡ
chốn ba sinh nứt nở cuộc tình
Gió thậm thì nói lời xu nịnh
khiến lá bay vô định hẹn thề
tôi vụng về mân mê dâu bể
bộn bề vô minh tán tỉnh linh hồn
Gió thu bật lá em chôn
luân hồi lẫn lộn tình không lối về ...


64-MỘNG THU
 
Thương đội nắng yêu lội mưa
ta mãi đi tìm dáng quê xưa
bóng chìm nghỉm trong vôi vữa phố
nên thu về nhạt sắc vàng phai
Tháng bảy cô hồn gió lay hoay
tiền bay vung vãi rát mặt ngày
già nua nguồn cội bày da thịt
ngậm ngùi nắng tắt bỏ mù sương
Em rưng rức khóc đời tinh tướng
giữa trời thu buông tóc thẫn thờ
một đoá hoa tình he hé nở
toả chút hương dắt dại khờ
Sầu riêng đủ giấc mộng hờ
tỉnh ra phố đứng đợi chờ lá rơi


65-CƠN SỐT TÌNH
 
Giấc mơ uống hoài chẳng hạ
nỗi nhớ em sốt bật cúc đêm
trăng lim dim ngủ bên thềm
giật mình thức giấc thả mềm mại rơi
Bóng khoả thân no tròn chờ đợi
môi yêu thương ve vuốt đường cong
hơi thở dập dồn mân mê sự sống
linh hồn nóng bỏng cháy hiến dâng
Lửa hừng hực đất trời bừng sáng
cơn sốt tình xé toạt đêm sâu...


66-

67-TÌNH DỐI GIAN 

Lại một mùa mong đợi
thêm vào thềm đơn côi
chút yêu thương đến vội
nào bế được chơi vơi
Nơi bến tình bạc vôi
sóng xô sóng nhát nhàu
gió căng buồm nhốn nháo
va đập bờ đớn đau
Hoàng hôn ri rỉ máu
bóng rổ loang lỗ màu
cá ngớp trăng thoi thóp
lá rơi dậm sắc vàng
Thu nặng sầu cưu mang
đêm gánh đời lang thang
câu thơ buông sỗ sàng
che khuất tình dối gian


68-BIỀN ÁI RỪNG ÂN
 
Đưa em vào biển ái
về với tình yêu thuở sơ khai
tự do tuôn chảy
rửa sạch mặt nạ người hôm nay
Đưa em vào rừng ân
về với cội rễ trắng ngần
cho và nhận
sự sống trong lành được hiện thân
Tình yêu nào có đúng sai
cũng không tồn tại kẻ khôn người dại
chỉ có nền văn minh hiện đại
đánh lừa sự thật hiến dâng 

69-LÀ EM -LÀ TÔI 

Có phải là em với chiều tuyệt vọng
Có phải là tôi trong giấc mộng tương cầu
Em bẻ câu thơ đâm sâu vào ngực
Tôi tháo lời thề đo đáy vực sầu
Có khác gì đâu
Em hiến dâng linh hồn cứu chuộc
Tôi tự trầm nỗi nhớ mênh mông
Ngày nhơ nhuốc
Đêm sạch trong
Tôi và em hai kẻ đợi tàn
Giữa chạng vạng đời đắm đuối yêu mơ
Có phải là em
Có phải là tôi
Sống khóc chết cười
Sao không thể bước vào trời tự do?


7

71-KHÔNG CÂU THỀ HẸN
 
Trời ơi ai hái đoạn đành
cặp đôi vú sữa để dành tôi thương
trên cành lá rũ vấn vương
trước sau hai mặt một tường vàng hoe
Nắng soi quạnh quẽ tiếng ve
vắng cô thôn nữ đất ne nẻ sầu
dặm trường thương nhớ về đâu
không câu thề hẹn qua cầu gió bay
Cặp đôi vú sữa ai nỡ hái
chết cả vườn mơ khô khát tình


72-


73-NGHÈO GIÀU

Nghèo: sang mạnh khỏe thoái mái chơi
Giàu: tình trọng nghĩa phong lưu đời
Đi mây về gió nào cô độc
Vay duyên trả phận thuận ý trời 


74-EM ĐI CHO TRỌN CON ĐƯỜNG ...
 
Ngần ngại làm chi em
khi tim lên tiếng thật thà
lý trí là thứ phù hoa
nào sánh được nhịp tình rung động
Mở cử lòng đón ngọn gió nồng
sao em lại thả rèm nhớ mong
người ở ngoài song nào phải bướm ong
tìm hoa hút mật phụ lòng tri âm
Lỡ làng thêm nữa lỡ làng
trái tình chín dở trên cành thiên thai
một mai người nát hình hài
tim buồn ở lại vắn dài thở than
Em hỡi em! sao phải ngại ngần
khi lý trí không chữa được lành vết thương
lời yêu đương tỏ tường
em đi cho trọn con đường thế nhân
Cuộc đời dâu bể mấy lần
khổ đau mấy lượt cũng ngần ấy thôi!
một lẩn đau khổ hạnh phúc sẽ nhân đôi
ông trời nào có bạc vôi người hiền


75-TRĂM NĂM TẠC MỘT TƯỢNG ĐÀI 

Ai gieo nụ hôn vào hạt sương vừa giật mình tỉnh giấc
Ai buông tiếng thở dài trong tiếng dế gọi yêu
Ai thổi cong sợi lông măng trên da thịt thơm lừng
Ai ướp nồng nàn cho dòng nhựa đơm hoa kết trái
Ai dệt hoài mộng mị đan sợi tơ vàng trao mùa thu nỗi nhớ
Ai kéo khuôn trăng mở cửa cội nguồn hạnh phúc hợp tan
Ngày
đêm
xuân
hạ
thu
đông
câu thơ ta đứng non cao vọng tình
đợi người về rót khát khao
đắm say bồng bế đời vào chân mây
Trăm năm tạc một tượng đài
linh hồn viên mãn hình hài thế nhân... 


76-BỐN MÙA GIAN DỐI
 
Mùa xuân chưa kịp nở hoa
Lời gian dối đã lân la khắp cành
Ta đành cứ phải lanh quanh
Nhìn con bướm hút sạch sành sanh nhựa đời
Ve sầu dưới đất vừa trồi
Lời gian dối đã chiếm chỗ ngồi trên cây
Hạ về như thể kéo mây
Đôi con mắt ngó đó đây mịt mờ
Gió thu chưa thổi dại khờ
Lời gian dối đã đứng chờ lá rơi
Bước chân nguồn cội chơi vơi
Câu thơ rời rã ta mời mọc ta
Lạnh chưa kịp đến la cà
Lời gian dối đã đầy nhà trêu ngươi
Mùa đông nắng dỗi hơi người
Cô đơn sấp ngửa cuộc chơi bốn mùa


77-NỒNG NÀN KIA ĐỪNG ĐỂ PHÔI PHA 

18 như hoa chớm nở
30 hương sắc mặn mà
50 lặng lẽ phôi pha
thân tâm về cội đời còn yêu thương
Người có tuổi tình nào có tuổi
sống đi em cho trọn vẹn luân hồi
vô thường nào đâu lầm lỗi
một đời hoa một đời ta
Nồng nàn kia đừng để phôi pha
yêu đi em mặc chúa trời phán tội
thiên đường đây ta cũng đã đến rồi...





79-VẦNG TRĂNG THÔI ĐÃ SOI ĐƯỜNG 

Vầng trăng vỡ
bên em đầy
bên ta khuyết
bóng đành biền biệt xa
Ngôi nhà còn lại những hồn ma
vào ra tịch mịch
họ cũng như ta
nào uống được chén canh Mạnh bà
để như chiếc lá
lìa cành yêu thương
Vầng trăng thôi đã soi đường
dặm trường nỗi nhớ vô thường đơn côi
đường trần ấm ớ ngược xuôi
thiên đàng địa ngục còn nuôi dưỡng tình 


80-ĐÊM NGUYỆT TẬN

Vầng trăng thổ huyết
đêm mê sảng
bóng ly thân nhuộm đỏ cung Hàn
hồn thất tán ánh dương quang
cô quạnh
bến đời ta bàng bạc tro tàn
Đêm nguyệt tận
phố phơi sương trắng
bếp chân quê hoang vắng não nề
tình cháy cạn câu thề chửa chín
để em về nhóm lửa đam mê


81-CON PHỐ YÊN BÌNH
 
Chiều đi bỏ lại hạt mưa
lâm râm nỗi nhớ còn chưa định hình
dường như phố vẫn yên bình
lên đèn khoe bóng dáng mình dửng dưng
Đôi chân lạc bước ngập ngừng
con đường lạ lẫm bổng chừng như quen
lào xào sỏi đá bon chen
đêm buông hờ hững bên rèm nhà ai
Vô tình sợi tóc gió bay
đậu vào mòn mỏi đôi vai gánh tình
sáng bừng con phố rẻ khinh
người dưng ôm ấp mỗi mình người dưng


82-NHỚ !

Quên khó quá quá nên đành chọn nhớ
để đợi chờ còn chút ngây thơ
để giấc mơ còn lẳng lơ màu lá
để trái tim còn dậm vá bến hoang tình
Ta thức giấc bởi đêm kiên định
bước qua ngày với sợi nắng đắm say
phảng phất mùi hương bậu lại trên vai
đủ cho chạng vạng hây hây giấc nồng
Nhớ lấp đầy chỗ mênh mông
cô phòng thôi lạnh mùa không còn buồn...


83-CON PHỐ YÊN BÌNH 

Chiều đi bỏ lại hạt mưa
lâm râm nỗi nhớ còn chưa định hình
dường như phố vẫn yên bình
lên đèn khoe bóng dáng mình dửng dưng
Đôi chân lạc bước ngập ngừng
con đường lạ lẫm bổng chừng như quen
lào xào sỏi đá bon chen
đêm buông hờ hững bên rèm nhà ai
Vô tình sợi tóc gió bay
đậu vào mòn mỏi đôi vai gánh tình
sáng bừng con phố rẻ khinh
người dưng ôm ấp mỗi mình người dưng


84-ĐÊM NGUYỆT TẬN

Vầng trăng thổ huyết
đêm mê sảng
bóng ly thân nhuộm đỏ cung Hàn
hồn thất tán ánh dương quang
cô quạnh
bến đời ta bàng bạc tro tàn
Đêm nguyệt tận
phố phơi sương trắng
bếp chân quê hoang vắng não nề
tình cháy cạn câu thề chửa chín
để em về nhóm lửa đam mê 


85-LÀ GÌ EM BIẾT KHÔNG ? 

Ở bên ngoài cánh cửa
Là gì em biết không ?
Là nỗi buồn vô vọng
Cánh đồng thu mênh mông
Ở phía sau cánh cửa
Là gì em biết không?
Là mầm xanh mơ mộng
Sự sống mỗi dòng sông
Ở sâu tận góc phòng
Là gì em biết không ?
Là cô đơn mỏi mòn
Giọt máu buồn nước non
Ở trên bầu trời rộng
Là gì em biết không ?
Là tự do hí lộng
Khát vọng chết từ trong... 


86-NỢ EM ĐÃ TRẢ XONG 

Làm người nơi cõi tạm
đam mê gánh ê hề
muộn phiền sinh giọt lệ
nên dòng đời dâu bể
Vai mang vác nặng nề
nhân quả dài lê thê
luân hồi xa kinh kệ
không không sắc sắc không không
Nợ em đã trả xong
thong dong trên cánh đồng
ta mở cửa sự sống
cõi niết bàn mênh mông


87-CHIẾC LÁ EM
Em úp lên tôi bầu trời nhật nguyệt
trái tim chìm lạc mất thời gian
mùa chỉ còn mỗi chiếc lá vàng
khi khép khi mở khi khẽ khàng bay
Ngày mê mải nghe chim cu gáy
tay nâng mặt trời nắng hóa say
đêm liêu trai nghe cú gọi hồn
môi ngậm vầng trăng qua cầu sinh tử
Đời khô cạn nước non ứ hự
luyến ái tình vãn khứ nhân gian
chiếc lá em dẫn lối địa đàng
che đầu quân tử ngàn năm luân hồi

88-PHỐ VÀ QUÊ
Phố từng ngày nuốt nhai nhân tính
Quê trở nên vắng tiếng thật thà
nắng chẳng còn rán rám màu da
bởi em che mặt nạ lụa là
Trên vòm cây tơi tả
gió buông lời vật vả lá xanh
khí văn minh cày xới trong lành
trinh nguyên còn có làm em thẹn thùng
Ta giờ nửa quê nửa phố
biết tỏ tình sao cho mưa thuận gió hòa
trái tim đi đâu để đồng bạc quá
đất vắng màu hoa ưng ửng má hồng
Phố phơi tồng ngồng ba người bảy ngợm
lênh đênh kệch cỡm quê ốm yên bình
em mê chinh chiến nhục vinh
ngây thơ đâu nữa để khinh sang giàu



89-TÌNH NƠI PHỐ CỔ
 
Mùa Thu trải lá tìm chồng
phố đời lạc lỏng người mong
gió trong phòng lạnh cóng
ngoài song co rúc nửa vầng trăng
Đêm trắng gối chăn
bóng tình lỏng bỏng
em không về trong giấc mộng
hồn nào có lá sưởi Đông
Trên cành rêu phong
kén Bướm nở sầu
con sâu đơn độc
đục mầm khát khao
Mùa Thu cởi áo ngọt ngào
lá bay qua cầu duyên nợ chưa trao
người còn phụ nhau trong giấc mộng
tình nơi phố cổ lẽ nào đớn đau...



90-ĐÊM TỰ TRẦM
 
Đêm tự trầm giấc mộng
tôi ru gió ngủ giữa đồng cỏ xanh
tôi đỡ vầng trăng đặt lên gành
dỗ mùa thu rớt lá vàng mỏng manh
Tôi yên lành vùi trong cùng tận
bốc lớp sầu bao bọc xác thân
linh hồn tôi còn lại trắng ngần
gửi cho em nguyên thần tính ái
Tôi cướp mặt trời đốt tàn phai
đắp trái tim bằng tàn tro hình bóng
và tôi tự trầm vào giấc mộng
giữ tình em nóng bỏng chốn cô phòng

91-THUYỀN MỘNG
 
Tay chạm vào ngọn sóng
lòng vương vấn dòng sông
long đong con thuyền mộng
neo đậu bến tình không?
Dòng sông thôi ra biển rộng
phận duyên có bắc cầu vồng
con nước lớn ròng hy vọng
vầng trăng thiếu phụ hoài mong
Chạm tay vào ngọn sóng
sao đo được đáy lòng
long đong con thuyền mộng
bến không chồng ai trông?


92-CÚC HỌA MI
 
Nửa đêm thức giấc
mộng chưa kịp tàn
trên bàn
Họa mi trắng
đã vàng nỗi nhớ hôm qua
Ngoài sân trăng sáng
bản ngã đổ tràn
chút tình lưu lạc
ta về với ta
Thương nghe từng tiếng lá
gọi dòng đời phôi pha
Cúc Họa Mi rệu rã
một bóng hình trôi xa 



94-MƯA CHIỀU

Chiều mưa
rớt hạt rối bời
tình nơi môi cũ nhớ lời gió không?
Lá già sũng ướt nhớ mong
Lòng trông thu tới
bến sông hẹn hò
Con đò nằm đợi ai cho
Vầng trăng thả sóng vàng no giọt mềm
Bờ thương nồng vị trầu têm
Đêm thôi thổn thức bên thềm liêu xiêu


95-MÙA THU TÁI SINH 

Đêm nằm đạp vỡ giấc mơ
Từng niềm tin rụng xuống bờ Vọng xuyên
Cầu Nại hà không người đưa tiễn
Chén canh Mạnh bà miên viễn xóa tên
Đời không ác không thiện
Linh hồn về theo tiếng chuông chùa
Con vua cứ thế làm vua
Em có bán mùa thu : tôi xin mua!
Gió mây nào có tranh đua
Đại ngàn trải lá tôi đùa cợt trăng
Vớt lên một dãi thu vàng
Sông thôi soi bóng lỡ làng duyên ai
Giấc mơ hội tụ hình hài
Lá bay về cội chuốc say ái tình
Em có bán mùa thu tái sinh
Tôi mua nhuộm lại tàn phai luân hồi



96-ĐÂU CÒN ...

Đâu còn nồng nàn để rơi nước mắt
đâu còn nỗi buồn để cười trước nhân gian
đâu còn cuộc tình để chia tay thù hận
đâu còn em để về với địa đàng
Mùa Thu theo lá thang lang
mặc cho cơn gió đa mang bế bồng
cô đơn rớt xuống dòng sông
muối con sóng vỗ bờ mong tật nguyền
Đâu còn thật thà để chứa niềm riêng
đâu còn lọc lừa để chấp phụ phàng
đâu còn xanh để nhuộm lá vàng
đâu còn hương để thơm đến phai tàn
Mùa thu theo gió ngỡ ngàng
vác mang chiếc lá thanh tân lạc loài
bay cao xuống thấp mệt nhoài
vướng trên ghềnh đá cọc còi yêu thương
Đâu còn con đường để nhặt vấn vương
đâu còn nấm mộ để chôn tư tương
đâu còn mùi hương để khuấy động vô thường
đâu còn em để dập vùi cơn say
Tôi đâu còn...đâu còn mùa Thu
để nghe tiếng lá hát ru ...đời mình 


97-NGƯỜI ĐÀN BÀ BIỂN CẢ 

Chừng như ta đã tìm ra
nửa đời còn lại nơi dòng châu sa
Em là người đàn bà biển cả
ôm trọn đời sông mấy kiếp người (*)
Ta hạnh phúc trong miền cô độc
nhìn nụ cười em gói mênh mông
đêm gọi mộng cho lòng dâng sóng
vỗ yêu thương giấc ngủ no tròn
Ta đặt nỗi buồn lên độ lượng
mắt em xanh màu lá cung Hằng
chiếc lá trường sanh sinh tình vô tận
mong cầu vừa cạn ta chết bình an
Em là người đàn bà biển cả
ôm trọn đời sông mấy kiếp người
ta nghe tiếng đất trời vẫy gọi
nửa đời còn lại biết nơi chốn về.
*Thơ Tố Hữu

98-NHỮNG NỤ HÔN ĐẮM SAY...

Treo lên đầu ngọn sóng
Những ước mơ thơ ngây
Bỏ vào cát hình hài
Những hoài thai ảo mộng
Thả vào trời gió lộng
Hương tóc thuở dậy thì
Gieo lên đá khắc ghi
Bóng thời gian vương vất
Chất lên anh tất tần tật
Những nỗi buồn em mang
Và mùa thu thêm vàng
Trong lòng biển thênh thang
Em về lại dối gian
Trắng trong thời con gái
Sải bước chân thật dài
Thương con đường tình ái
Dòng đời thôi ái ngại
Những nụ hôn đắm say... 


99-ĐÂU CÒN ...

Đâu còn nồng nàn để rơi nước mắt
đâu còn nỗi buồn để cười trước nhân gian
đâu còn cuộc tình để chia tay thù hận
đâu còn em để về với địa đàng
Mùa Thu theo lá thang lang
mặc cho cơn gió đa mang bế bồng
cô đơn rớt xuống dòng sông
muối con sóng vỗ bờ mong tật nguyền
Đâu còn thật thà để chứa niềm riêng
đâu còn lọc lừa để chấp phụ phàng
đâu còn xanh để nhuộm lá vàng
đâu còn hương để thơm đến phai tàn
Mùa thu theo gió ngỡ ngàng
vác mang chiếc lá thanh tân lạc loài
bay cao xuống thấp mệt nhoài
vướng trên ghềnh đá cọc còi yêu thương
Đâu còn con đường để nhặt vấn vương
đâu còn nấm mộ để chôn tư tương
đâu còn mùi hương để khuấy động vô thường
đâu còn em để dập vùi cơn say
Tôi đâu còn...đâu còn mùa Thu
để nghe tiếng lá hát ru ...đời mình


100-NGƯỜI ĐÀN BÀ BIỂN CẢ

Chừng như ta đã tìm ra
nửa đời còn lại nơi dòng châu sa
Em là người đàn bà biển cả
ôm trọn đời sông mấy kiếp người (*)
Ta hạnh phúc trong miền cô độc
nhìn nụ cười em gói mênh mông
đêm gọi mộng cho lòng dâng sóng
vỗ yêu thương giấc ngủ no tròn
Ta đặt nỗi buồn lên độ lượng
mắt em xanh màu lá cung Hằng
chiếc lá trường sanh sinh tình vô tận
mong cầu vừa cạn ta chết bình an
Em là người đàn bà biển cả
ôm trọn đời sông mấy kiếp người
ta nghe tiếng đất trời vẫy gọi
nửa đời còn lại biết nơi chốn về.
*Thơ Tố Hữu

Thứ Năm, 1 tháng 7, 2021

ĐÊM TRĂNG CUỐI HẠ



Trăng tàn bậu lên lá chiếc
ngỡ như mùa thu vừa về
hẹn thề gõ cửa u mê
thật thà phố nhớ ngày quê tạ từ

Tiếng ve buông xuống cứng khừ
đứ đừ đất đón tình hư cuối mùa
trên cành độ lượng còn không chứ
thả chút nhân từ đỡ trăng rơi ?

Buồn đứng chơi vơi bóng đợi
gió bộn bề với lả lơi
đêm cuối hạ lòng rã rời
bao dung chẳng đặng giữ lời tiễn đưa

Thứ Hai, 28 tháng 6, 2021

 Góc khuất của tây ninh

GẦN 30 NĂM KHIÊÚ KIỆN VẪN CHƯA NGÃ NGŨ ! VÌ SAO?

Theo dõi những vụ khiếu kiện tồn động, kéo dài hàng mấy mươi năm , bạn dễ dàng có câu trả lời cho câu hỏi này : Tòa án tỉnh Tây ninh đã không xét xử một cách công bằng nguyên nhân họ không vì quyền lợi của người dân !

Đương cử vụ ông Nguyễn Văn Vĩnh ngụ tại ấp Trường Huệ xã Trường Tây huyện Hòa Thành tỉnh Tây ninh Kiện đòi nợ UBND huyện Hòa Thành tỉnh Tây Ninh . Sự việc tóm tắt như sau : Vào tháng 8/ 1989,  Ông Vĩnh ký hợp đồng thi công 2km đường trải đá tráng nhựa với phòng giao thông vận tải huyện Hòa thành. Do kinh phí cấp chậm trễ, thiếu hụt nên ông Vĩnh phải vay tiền mua vật tư, trả tiền nhân công... để thi công kịp hoàn theo theo kế hoạch của Huyện, trong đó có khoản vay 40 triệu đồng của Ngân hàng Nông nghiệp Huyện Hòa Thành với lãi suất 8,5 %/ tháng, vào tháng 11/1989 , hạn trả vào tháng 2/1990. Đơn xin vay vốn ( Vay không thế chấp tài sản) của Ông Vĩnh được UBND huyện ký xác nhận MỤC ĐÍCH VAY VỐN là để thi công công trình nêu trên!

Trong phần nhận xét của Bản án Phúc thẩm số 311/2015/DS-PT của Tòa án nhân dân tỉnh Tây ninh cũng nêu rõ : " Do ứng kinh phí không kịp thời the tiến độ thi công, nên UBND huyện Hòa Thành GIỚI THIỆU  cho ông ( Vĩnh) vay tại Ngân Hàng Nông nghiệp và Phát tiển nông thôn Việt Nam , Chi nhánh huyện Hòa Thành, tỉnh Tây ninh số tiền 40 triệu đồng, lãi suất 8,5% / tháng để thi công công trình, TIỀN LÃI DO UBND HUYỆN HÒA THÀNH HỖ TRỢ" . Đoạn văn này trong bản án thể hiện khá rõ ÔNG VĨNH CHỈ LÀ NGƯỜI ĐỨNG TÊN THAY UBND HUYỆN HÒA THÀNH ĐỂ VAY SỐ TIỀN 40 TRIỆU ĐỒNG.

Ông Vĩnh đã hàn thành công trình đúng theo kế hoạch, nhưng huynện vẫn chưa có tiền thanh toán, đến hạn Ngân hàng, ông Vĩnh buộc phải xin gia hạn 1 tháng( 10-3-1990). Thế nhưng , đến ngày 16-5-1990 Huyện mới quyết toán công trình với ông Vĩnh. Theo biên bản quyết toán, UBND huyện Hòa Thành còn phải thanh toán cho Ông Vĩnh số tiền là 43.902.401 đồng. 

"Do ông Vĩnh chưa trả nợ ngân hàng, nên UNND HUYỆN TRẢ NỢ THAY CHO ÔNG VĨNH.  Cụ thể, phòng giao thông vận tải đã chuyển vào tài khoản của ông Vĩnh mở tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển n6ng thôn chi nhánh huyện Hòa Thành để trả nợ như sau :

Ngày 30-6-1990 chuyển 25 triệu đồng

Ngày 19-7-1990 chuyển 9.380.808 đồng

Ngày 7-11-1990 chuyển 4. 907.853 đồng

Ngày 7-5-1192 chuyển 20.952. 800 đồng. 

Tổng cộng là 60. 241.461 đồng trong đó trả nợ gốc là 39.454.582 đồng , trả tiền lãi là 20.786.879 đồng. Vậy tính đến thời điểm trả nơ cuối cùng là ngày 7-5- 1992 thì UBND huyện Hòa Thành chỉ còn nợ Ông Vĩnh 4. 447.000 đồng''(Trích  nhận xét của Bản án)

Chỉ nhìn vào số tiền chuyển vào Tài Khoản của ông Vĩnh từ ngày 19-7 -1990- đến ngày 7-5-1990 không lẽ nào các vị thẩm phán LẠI KHÔNG THẤY ĐỂ NGHI NGỜ đây chỉ là những con số được VẼ RA ĐỂ CHO KHỚP VỚI SỐ NỢ CỦA NGÂN HÀNG.!

Thử hỏi, có đơn vị nào chuyển tiền đến con số lẻ hàng đơn vị không?

Trúc Lam

( Còn tiếp)  

Thế nhưng, đơn khiếu nại của ông Vĩnh trình bày khá rõ ràng là Phòng giao thông vận tải Huyện Hòa Thành không hề chuyển tiền trả nợ Ngân hàng cho ông. Cụ thể  ngày 21/09/1991 Viện Kiểm sát Nhân dân Huyện Hòa Thành đã mời ông đến làm việc về khoản nợ ông vay của Ngân hàng. Đại diện VKS là ông  Đặng văn Xinh và Đại diện Ngân Hàng là bà Huỳnh Thị Kim Hoa. Bà Hoa đã lập biên bản tính Lãi nhập gốc từ thán g 1/1990 đến 21/09/1991 tổng số tiền ông Vĩnh nợ là 127. 427.937đồng trong đó thể hiện nợ gốc vẫn còn là 40 triệu đồng và yêu cầu ông Vĩnh trả số tiền này 3 lần vào tháng 10/1991 là 40 triệu, tháng 11/1991 là 40 triệu và tháng 12/1991 trả hết phần còn lại".

VÌ SAO CẢ 2 PHIÊN TÒA  SƠ THẨM VÀ PHÚC THẨM ĐỀU BỎ QUA PHẦN TRÌNH BÀY CỦA ÔNG VĨNH KHÔNG TRIỆU TẬP NHÂN CHỨNG ĐỂ XÁC MINH?

Vì lý do Phòng giao thông vận tải không hề trả nợ  cho Ngân hàng nên ông Vĩnh đã làm đơn gửi đến Trọng Tài Kinh tế tỉnh . Ngày 6/7/1992  Trọng Tài kinh tế  tỉnh Tây Ninh ra Quyết định số 04/QĐ-TT  phân xử v71i n65i dung chính như sau :Phoòng giao thông vận tải huyện Hòa Thành và Đội thi công cơ giới số 1 ( ông Vĩnh) có trách nhiệm thanh toán cho nhau trên cơ sở BIÊN BẢN QUYẾT TOÁN NGÀY 16/05/1990. Phòng giao thông vận tải Hòa thành có trách nhiệm thanh toán 50% giá trị khối lượng phát sinh hai bên lề đường, thành tiền là 2.393.377đ cho Đội thi công cơ giới số 1 trước ngày 20/7/1992. Trọng Tài kinh tế kinh tế tỉnh Tây ninh không giải quyết các yêu cầu khác củà các bên vì không thuộc thẫm quyền của cơ quan TTKT"

Do không được giải quyết phần lãi suất phát sinh từ số nợ vay Ngân hàng, ông Vĩnh tiếp tục kháng cáo đến TTKT phía Nam. Ngày 25/10/1992 TTKT Nhà Nước phía Nam ra quyết định hủy Quyết định số 04/ QD-TT của TTKT tỉnh Tây Ninh và chuyển Hồ sơ về Tòa án Nhân dân Tỉnh Tây ninh giải quyết theo thẫm quyền.

Tòa án tỉnh Tây ninh không thụ lý và hướng dẫn ôn Vĩnh khởi kiện ở Tòa án Huyện Hòa Thành. Ông Vĩnh gửi đơn đến Tòa án Huyện thì Huyện chỉ lên tỉnh. Cứ vậy, tỉnh và huyện đùn đẩy nhau không thụ lý đoơn kiện của ông Vĩnh nhưng ông Vĩnh vẫn kiên trì gửi đơn mãi đến năm 2011 ( hơn 10 năm) Tòa án Nhân dân Huyện Hòa Thành mới chấp nhận đơn kiện của ông Vĩnh  kiện UBND huyện Hòa Thành yêu cầu UBND huyện trả nợ gốc và lãi suất trả chậm theo thỏa thuận trong biên bản quyết toán ngày 16/05/1990.

Ngày 04/09/2015, Tòa án nhân dân huyện Hòa Thành đã mở phiên tòa xét xử " Đòi tài sản "  và  đã ra quyết định  (Bản án số 59/2015 DS-ST)  :

1. Chấp nhận mộ phần yêu cầu khởi kiện của ông Vĩnh đối với UBND huyện Hòa Thành. Buộc UBND huyện Hòa Thành có trách nhiệm trả cho ông Vĩnh số tiền 43.902.401,85 đồng. Kh6ng chấp nhận yêu cầu tính tiền lãi từ ngày 16/5/1990 cho đến ngày xét xử sơ thẩm của ông Vĩnh.

Tòa sơ Thẩm đã nhận định như sau : " UBND huyện Hòa Thành ch rằng Phòng giao thông vạn tải huyện đã chuyển vào tài khản củ ông Vĩnh mở tại Ngân Hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Hòa thành để trả nợ cho ông Vĩnh tổng cọng số tiền là 60.241.461 đồng trong đó TRẢ GỐC 39.454.582 đồng, trả tiền lãi là 20.786.879 đồng nhưng KHÔNG CUNG CẤP ĐƯỢC CHỨNG CỨ CHỨNG MINH ĐÃ CHUYỂN TIỀN VÀO TÀI KHOẢN CỦA ÔNG VĨNH.. Quá trình thu thập chứng cứ tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây ninh  HỒ SƠ VAY VỐN CỦA ÔNG VĨNH  có thể hiện 4 lần trả nợ tổng cọng là 39. 454.582 đồng, ông Vĩnh CÒN NƠ TIỀN GỐC 545.418 đồng, NỢ LÃI TÍNH ĐẾN NGAY 7/5/1992 LÀ 142.481.446 đồng, tổng dư nơ là 143.026.864 đồng nhưng CÁC CHỨNG TỪ  THU NƠ CỦA ÔNG VĨNH TỪ THÁNG 7/1990 ĐẾN THÁNG 5/1992 ĐÃ TIÊU HỦY VÀ NGÀY 26/01/2007 ...nên KHÔNG XÁC ĐỊNH RÕ AI TRẢ NỢ Ở HỒ SƠ VAY CỦA ÔNG VĨNH  và cũng không có VĂN BẢN NÀO THỎA THUẬN UBND HUYỆN HÒA THÀNH  TRẢ NƠ NGÂN HÀNG THAY CHO ÔNG VĨNH "

Các chứng từ thu nợ đã được tiêu hủy từ năm 2007 nhưng đến năm 2014 ( 7 năm) Ngân hàng vẫn có thẻ cung cấp hết sức cụ thể số lần, số tiền trả vào khoản nơ vay 40 triệu của 0 ông Vĩnh như sau :

-ngày 02/7/1990 trả 7.000.000 đồng

-ngày 19/7/ 1990 trả 9.381.782 đồng

-ngày 7/11/1990 trả 2.120.000 đồng 

-ngày 7/5/1992  trả 20.952.800 đồng 

Những số liệu này được Ngân hàng cung cấp từ Hồ sơ vay  của ông Vĩnh còn lưu lại đến năm 2014 gồm : ĐƠN XIN VAY NGẮN HẠN VÀ 1 TỜ RỜI THEO DÕI NỢ QUÁ HẠN VÀ  "SỔ PHỤ"  THEO DÕI PHẦN NƠ-CÓ CỦA TIỀN VAY " !

 GIẢ DỊNH :

TỜ RỜI VÀ SỔ PHỤ DO NGÂN HÀNG CUNG CẤP LÀ THẬT,  lần trả nợ cuối cùng vào ngày 7/5/1992 thì sao trong phiên xét xử 6/7/1992 CỦA TTKT Tỉnh Tây Ninh , PHÒNG GIAO THÔNG VẠN TẢI KHÔNG THÔNG BÁO HAY ĐƯA RA CHỨNG CỨ ĐÃ TRẢ NỢ THAY CHO ÔNG VĨNH? 

Ông Vĩnh thừa nhận kể từ ngày vay, cho đến nay ông chưa  TRẢ NỢ LẦN NÀO CHO NGÂN HÀNG! 

 Mặt khác, việc chuyển tiền vào tài khoản của ông Vĩnh  nếu ông Vĩnh không rút ra thì ai có thể rút tiền từ Tài Khoản cá nhân của ông trả cho Ngân hàng

Đối chiếu  4 lẩn chuyển và trả chỉ có  2 lần  số tiền là trùng khớp,  2 lần không khớp là lần thứ nhất, ngày 30-6-1990 chuyển 25 triệu đồng thì ngày ngày 02/7/1990 trả  chỉ có 7.000.000 đồng. Ngày 7-11-1990 chuyển 4. 907.853 đồng  trả 2.120.000 đồng . Như vậy, có hơn 20 triệu đồng trong 2 lần trả này đã không đươc trả cho Ngân hàng!

ĐẶC BIỆT LÀ CÓ 3 LẦN CHUYỂN VÀ TRẢ ĐỀU ĐƯỢC THỰC HIỆN TRONG CÙNG NGÀY! GIAO DỊCH NGÂN HÀNG VÀO THỜI DIỂM NÀY THÌ CÓ KHẢ NĂNG HAY KHÔNG TRỪ KHI NGƯỜI CHUYỂN NGƯỜI TRẢ CHỈ LÀ 1 NGƯỜI ? VÀ HẲN LÀ NGƯỜI ĐÃ BỎ TÚI HƠN 20 TRIỆU ĐỒNG- MỘT SỐ TIỀN RẤT LỚN TẠI THỜI ĐIỂM !

Trúc Lam

( Còn tiếp)

Chủ Nhật, 13 tháng 6, 2021

ĐOAN NGỌ 2021




Ve hấp hối trên cành đoan ngọ
phượng rớt buồn dập lối không em
phố hiu hắt môi cười thiếu nữ
gánh hàng rong ứ hự bước âu lo 

Ta đo bóng mập mờ nỗi nhớ
nắng chửa xanh trên áng mây trời
nửa thời gian đơn côi đứng đợi
lời triệu hồi nguồn cội xa xôi
 
Nắng trôi tình theo cơn gió nổi
mưa buông đời ương ẩm bến thương
hè chết yểu trong dòng cô tịch
đại dịch tràn bóng tối ma vương

Thứ Hai, 31 tháng 5, 2021

DẤU MÓNG TAY (100 BÀI)

 



1-VÀO HẠ




1-VÀO HẠ

Cơn mưa tháng tư thanh lọc
nắng trong và dịu dàng hơn
bầy ve sữa nứt đất đòi lên cây treo mình ca hát
lũ ong thợ vo ve rủ nhau tìm mật
gọi mùa ái ân.

Những chuyến tàu không em ngày một thưa dần
khách đến sân ga cũng không còn quen mặt
nơi ta ngồi đất đã xanh mầm cỏ dại
bóng chừng như cũng đã nhỏ hơn.

Mùa hạ đến mang mùi hương rạo rực
góc nhỏ quê nhà ta đợi một nụ hôn...


2-DẤU MÓNG TAY

Cắn móng tay cho thời gian ngắn lại
nỗi nhớ chẳng kịp dài để phải tàn phai
lá vẫn xanh đợi chờ nhân ngãi
bàn tay em hái quả ngọt cành yêu

Đã bao chiều ta nghe gió hờn lải nhải
người xa rồi hương tóc chẳng thể bay
ngày mượn vay tiếng gót giày con gái
đêm trả treo cánh dế gáy chân giường

Giấc mơ ta về với thiên đường
em khúc khích khép hàng mi ngây dại
sóng xô bờ đẩy vầng trăng run rẩy
trên da thịt trời còn mãi dấu móng tay




4-EM "LƯNG CHỮ CỤ ,VÚ CHỮ TÂM "
 
Em "lưng chữ cụ,vú chữ tâm" (*)
khiến anh tơ tưởng đi, đứng, nằm
trầu cau dạm hỏi chuyện trăm năm

Anh và em chung miền tình tứ
cớ sao em lại mãi chần chừ
con sông quê anh hai ngã đông - tây
con sông quê em cũng hai đường tiền- hậu
lở bồi đắp đổi có nhau
hai mùa mưa nắng trước sau vẹn tình

Rượu Tây Ninh ai rinh nấy uống
con gái miệt vườn sao khó tính khó rinh
Chúa Bà Châu Đốc thiện linh
Linh Sơn Thánh Mẫu hữu tình kém chi

Đêm nằm nghe sóng thầm thì
phù sa đất đỏ nói gì với em
những con sông luôn tìm về biển
duyên chúng mình là tiền định đấy thôi

Trầu cau anh chuẩn bị rồi
chờ em vôi thắm hợp đôi rượu mừng



5-CHIỀU MƯA THỨ BẢY

 
Chiều mưa thứ bảy lành lạnh nhớ
chầm thơ kết nhạc gọi tình mơ
ngoài sân vú sửa rung rinh trái
phòng không lẩy bẩy khói thuốc lay

Đốt đầu ngón tay cháy tàn hơi thở
thơ rơi vung vãi những đợi chờ
đàn kêu tích tịch tình tang
mây in hình bóng đài trang ưu phiền

Hạt mưa gõ nhịp triền miên
bốn bề giai điệu đảo điên cõi chiều
liêu xiêu vào mộng tin yêu
Kiều ngồi bên mộ Đạm Tiên khóc tình


6-







10-MÙA HẠ KHÔNG EM

Mùa hạ không em trời thiếu nắng
phố không em vắng tiếng cười
quán không em giọt cà phê rơi vội
nhà không em đêm chẳng lên đèn

Sông không em con nước nổi nênh
bến không em con đò lênh đênh
gió không em lạc bước mọi miền
mây không em rơi vỡ ướt mềm

Tình không em nỗi nhớ bỏ quên
ta không em bia mộ không tên
ve sầu vỡ giọng vang rền
hạ thương côi cút bắt đền giấc mơ...


11-ĐẾM...

Ngồi buồn đếm đốt ngón tay
đếm qua đếm lại đếm tàn phai ngày
xuân về đếm ngọn gió say
vào trong giấc mộng đếm vay trả tình

Đếm thương đếm nhớ một mình
đếm trăng khinh khỉnh môi xinh khuyết tròn
đếm từng hơi thở héo hon
đếm thời gian bạc hao mòn tuổi xuân

Bóng em đếm được trăm năm
mà không đếm nổi một lần hiến dâng...


12-HÃY NÓI LỜI LY BIỆT
 
Chim Cu gù thương chiều bèo bọt
bóng thời gian đâm thọt chốn ta ngồi
Lục Bình trôi dòng đời chảy vội
tình chống chèo bến vắng bạc vôi
 
Em sống trong ta cùng thinh lặng
đêm ăn nằm sương khói ngổn ngang
vầng trăng lặn ngụp dở dang
dây tơ không lưỡi nào câu đặng tình

Nói đi em
hãy nói lời ly biệt
để kiếp này ta chẳng phải đợi nhau...


13-LÀM NGƯỜI DANG DỞ ...

 
Trong giấc mơ em cắn ta thành trăm mảnh vụn
chỉ trái tim nguyên lành em giữ lại bên mình
ta tỉnh giấc làm người thất vía
mãi tìm em cuối đất chân trời
 
Em trốn ở vườn đào tiên giới
ta bắc giấc mơ lện tận cửa trời
thiên lôi đánh sét ái tình rực rỡ
trần gian ta hóa kẻ dại khờ

Em chui xuống chín tầng địa ngục
ta lặn hụp Xa hà sôi sục chuyển luân
uống chén canh mụ bà trở lại nhân sinh
làm người dang dở tìm tình xin tim


14-LÃNG TỬ

Đa tình lãng tử chốn đam mê
Tỉnh say say tỉnh ở bên lề
Giai nhân mỹ tửu ngày ngày cận
Nợ duyên vay trả đêm đêm kề

Gánh thân nhật nguyệt đời gió bụi
Hồn sương xác gió tận phu thê...




16-TA CHỜ EM 

Ta chờ em đã mấy mùa Ngâu
mà sao xây mãi chưa xong nhịp cầu
có phải vì mưa quá nặng sầu
nên bầy Ô thước đớn đau bỏ mình

Ta chờ em lạc cả bóng hình
mà sao mưa vẫn vô tình đổ Ngâu
còn đâu Ô thước chở sầu
cho Ngâu nát cả nhịp cầu nhân duyên

Đêm mưa say giấc mơ tiên
tỉnh ra bảy sắc đảo điên cầu vồng
nhân duyên trời định có không?
mà Ngâu thủ thỉ nhớ mong động vàng 






19-ĐỢI THÁNG MƯA NGÂU

Chưa kịp nắm em đã tan
trong ly rượu đắng ta say muộn màng
tình lỡ làng vội vàng di hận
giấc mơ ta oán thán ánh trăng tàn

Em là hoàng minh nơi cung Quãng
ta chốn nhân gian lắm phụ phàng
gặp nhau chi cho đời ai oán
đất trời ly hợp tiếng sấm vang

Ta cày khát vọng hóa Ngưu Lang
nuôi bầy Ô thước bắc cầu ngang
đợi tháng mưa Ngâu tình rơi lệ
lung linh bảy vía đón em về

20-


21-TRĂM NĂM BẾN CŨ CON ĐÒ

Trăm năm bến cũ con đò
dòng sông còn đó nỗi buồn phù sa
đôi bờ sạt lở người qua
vầng trăng bồi dắp tình xa nhớ tình

Bến treo mình gánh bóng hình
đò phơi thân nát nhục vinh kiếp người
hồn lên ngọn sóng nhỏ nhoi
đợi con nước lớn đơn côi lở bồi




24-HOTGIRL 

Anh như cánh chim trời
như cá dưới sông
như ngựa ngoài đồng
như mèo giàn bếp

Em đây chết khiếp
ưng anh làm chồng
ngày thức gánh gồng
đêm ngủ chỏng mông
thân em chỉ được ba đồng trầu cau
chi bằng lấy ông nhà giàu
dẫu răng có rụng tình nào nhạt phai

Em là con gái thời nay
tùy cơ ứng biến goodbye chia phần
chia phần em lại độc thân
hotgirl tăng giá lên tầng thượng lưu

Đợi cơ hội em "nhảy dù"
mấy quan 'ăn phở" sợ tù hơn ai
em đây thả sức khiến sai
đăng đàn Hoa hậu lấy oai với đời

Của trời buôn bán chỉ lời
kém chi biển bạc rừng vàng quê ta 





26-BÊN LỀ SỰ SỐNG

Virus Corona
hành hạ sự dối trá
phơi bày nhân quả
tồn sinh thoái hóa

Virus Corona
đã và đang là thảm họa
loài người phải trả giá
cho sự tàn phá tự nhiên hiền hòa

Việt Nam vẫn mãi tụng ca
cây vẫn xanh lá
cỏ vẫn nở hoa
trong quyền lực quỷ ma

Sự thật rồi cũng hiện ra
bởi những Thiên thần sa ngã
Virus Corona
thực thể " bên lề sự sống" !

Ta chỉ còn hy vọng
vào Phúc Đức ông cha ...

27-ÁP THẤP
 
Đã mấy ngày áp thấp
mưa cắm lạnh vào tim
khuyết mòn vầng trăng đêm
nơi giấc mơ ta tìm

Đã mấy ngày áp thấp
mưa gieo rắc u sầu
dòng sông sóng bạc đầu
lòng người hun hút sâu

Đã mấy ngày áp thấp
ta thế chấp mong cầu
vay em từng dấu hỏi
mua chút tình chấm than

Đã mấy ngày áp thấp
gió mây đầy ăm ắp
mùa đối mùa lập cập
nắng ấm về nơi đâu...


28-BỨC TRANH QUÊ 

Trong mùi ẩm mốc của cánh đồng sau cơn nước lũ
con cò xù sụ trên mô đất rỉa rói lông
dưới bùn lầy hạt thóc nẩy mầm phêu phếu trắng
rô đồng đâu sao chẳng về ăn?

Người nông phu già ánh mắt đăm đăm
nhìn dòng sông đục ngầu chảy xiết
tiếng gọi đò nghe buồn da diết
đám trẻ đến trường học chữ xin cho!

Gã nhà thơ nằm gò giấc mơ
ngắm bầu trời tự do qua ô cửa tò vò
từng chữ rơi tròn vo
bóng vẫn ngủ khò trên nệm mây mềm mại

Chàng tiến sĩ khoan thai ngồi nơi bàn giấy
nhấm nháp công trình thủy điện vĩ đại
thưởng thức mùi hương của cơn say tượng đài
còn đọng lại trên đôi vai tình ái 

Hai anh công chức lưng dài
cụng ly cho cạn hết chai
mừng sếp lớn phát tài
thăng quan tiến chức nở mặt nở mày anh em 

Dưới chân đê lão già điên tèm nhem rách rưới
chửi cha đám dây leo đứa thấp đứa cao
chửi cha ông trời đổ cơn mưa rào
giữa cái nắng gắt gay màu đỏ máu 

Bên cầu ao mẹ ngồi giặt áo
giặt đi giặt lại đến nát nhàu
chiếc áo hôm nay đầy vệt khổ đau
tương lai con mặc có trắng phau? 


29-XIN ĐỪNG YÊU ẢO 

Em ơi ! đừng yêu ảo
để máu tim khao khát tuôn trào
để nỗi đau đi vào giấc mộng
tỉnh giấc rồi có thấy nhau đâu?

Em ơi! Xin đừng yêu ảo
hạnh phúc nào có thể trao
qua dòng tin nhắn ngọt ngào
nhớ thương dạt dào người ở nơi nao?

Em ơi! Xin đừng yêu ảo
mất kết nối rồi ta vội quên nhau 


30-GIẤC MƠ TRĂN TRỐI 

Ta gửi vào em nỗi niềm sự sống
chủ nhật mưa dầm ướt đẫm lời kinh
giọt tình sám hối tuôn vô lối
xanh xao tội lỗi phố rối bời
 
Đời vui bãn ngã bước chân vội
người lướt qua người đất bạc vôi
tiếng chuông độ lượng còn chưa tới
sông chẳng đường về với biển khơi
 
Em ơi ! Có thấy lá rơi
từng chiếc lìa cành nổi nhớ trôi
cuốn vào lòng cống sầu tăm tối
cô đơn rả rời bóng vỡ đôi
 
Ta cuộn vào chăn giấc mơ trăn trối
sự sống này em hãy dưỡng nuôi...


31-NGÀY KHÔNG EM


Ngày không em
Mặt trời nấp sau những vầng mây u ám
Gió cốn cào cuộn lá vàng rơi
Mưa chợt đến, chợt đi như nỗi nhớ
Phố chập chờn theo từng nhịp chờ mong.
Ngày không em
Đôi đũa dỗi hờn
Bữa cơm chiều buông xuôi lặng lẽ
Giọt cà phê rơi khe khẽ
Chạm vào ký ức
Chầm chậm đau.
Từng giây đi
Từng phút đi
Từng giờ đi
Chỉ có trái tim là ở lại
Đo nhịp buồn lãng đãng lá rơi.
Ngày không em
Mặt trời bỏ trốn…


32-EM MÃI LÀ VẦNG TRĂNG


Em mãi là vầng trăng
trên mặt hồ tĩnh lặng
nên ta nào dám bắt
vẽ đẹp của chân tâm
 
Đời quá nhiều vá dặm
lòng chẳng đặng đục trong
đành vương vào ảo mộng
bởi tình yêu thường hằng

Em mãi là vầng trăng
khuyết tròn gieo khát vọng
để ta còn hình bóng
thấy mình giữa hư không


33-VÔ TÌNH ...HỮU TÌNH 


Vô tình sợi tóc vương bờ vai nắng
đậu lên ngày bạc nỗi nhớ quỳnh hương
lòng bối rối kiếm tìm trong mộng tưởng
lối đi về một thuở lá trầu têm

Hữu tình bờ xanh bóng ai thấp thoáng
đàn dơi bay dang cánh vẽ tên miền
gió nhẹ nhàng...
đưa lá vàng chỉ hướng
vô tình vừa rớt...hữu tình vào em 


34-SẦU NHỚ TRỔ BÔNG


Khi ta mất đi điều thân thiết
cô đơn mải miết hỏi han
bày mâm cổ nhớ
đãi rượu giãi sầu
đêm xà ngầu
cay-đắng -chát- chua

Ta trở thành vua gió trăng hầu hạ
cơn say thiên hà vứt cả trái tim
tỉnh ra ngơ ngẩn đi tìm
em ơi, có nhặt ưu phiền ta không!

Cô đơn vôi nhảy vào lòng
để cho sầu nhớ trổ bông mặn mòi?


35-NGUỒN CỘI


Vác nỗi buồn trôi theo dòng bương chải
Vào cuộc vui chuốc lấy chén dỗi hờn
Hứng đắng cay uống chiều mưa ướt lệ
Nghe gió về tan tác bước đam mê

Lòng quặn thắt nhớ về quê hương mẹ
Hoa sứ bây giờ chắc đã rụng đầy sân
Bao tháng năm mẹ tảo tần đan mưa nắng
Khoác cho con chiếc áo ấm chân tâm

Con ra đi kiếm tìm vô định
Một mảnh tình đã mất thuở khai sinh
Cởi lốt yêu tinh làm người lương thiện
Gọi yêu thương nhân quả vẹn luân hồi

Nợ trả chưa xong duyên làm nên tội
Nửa mảnh đời lưu lạc mãi xa xôi
Vẫn đâu đây mùi hương tóc gọi
Quê mẹ bây giờ hoa sứ rụng đầy vơi?

Rượu nhạt môi
Hồn bay chấp chới
Con trở về thăm mẹ quê xưa
Hoa sứ khô nát vỡ trời chiều (1)
Đâu dáng mẹ ngồi phơi sứ ngoài sân…

(1) mượn ý thơ Nguyễn Đình Thi


36-TRỜI ĐẤT ĐÁNH VÔ MINH
 
Trời giáng cơn thịnh nộ
mưa chẻ toạt mái tôn
gió hất tung cửa ngõ
tấm thân phơi trụi trần
nỗi sợ hãi loang dần
ướt sũng đầu ngón chân
nhon nhón tình
 
Đất nổi trận lôi đình
xé tan con phố cụt
đập nát tường hạnh phúc
tấm thân phơi ô nhục
đớn hèn nhô lúc nhúc
khô cứng lưng phủ phục
lấp sấp tin
 
Trời đất đánh vô minh
gieo đau đớn nghĩa tình
vào lòng đời mưu tính
bán nhân ái cầu vinh
 
Thương con bướm hữu tình
trơ trọi tìm cành hoa...

37-NỢ EM

 
Tôi còn nợ em
một nụ cười sum họp
một giọt nước mắt mặn mòi lóng lánh yêu thương
một con đường thịnh vượng chim muôn
một khu vườn trăm hoa đua nở
một ngôi nhà hức hở trẻ thơ nô đùa

Nợ em phiên chợ giao mùa
nỗi buồn em bán tôi mua trọn lòng
nợ em bếp lửa chiều đông
nồng nàn hơi thở sưởi hồng gót sen
nợ em một tối bon chen
nhất vương đế dạ say men rượu tình
 
Tôi còn nợ em
nợ đến điêu linh
nợ luôn lời nguyện xin trời...nợ em


38-Ô CỬA ĐỢI

 
Thành phố so đo
mưa co rúc
mắt em hun hút góc chiều trông
ô cử đợi khép hờ khát vọng
tường rêu phong bóng rỗ mênh mông

Gió chạy rông kiếm tìm con sóng
vỗ bến lòng an ủi hoàng hôn
đêm bế bồng tóc ru gối mộng
vồng ngực căng phồng dấm dúi yêu thương
 
Trái tim tan chảy vô thường
sầu tuôn xuống phố náo nương chân người
ở đi chỉ mỗi môi cười
trên ô cửa đợi một đời đầy vơi

39-HOA LẺ BẠN


Em lấy chi chồng Tây
cho giấc ngủ chẳng đầy
đêm guộc gầy tay gối
lòng rười rượi đơn côi

Thương mẹ hiền ngóng đợi
ánh mắt chiều chơi vơi
nhớ cha mùa nước nổi
neo con đò xa xôi

Thằng em trai tóc rối
có còn lội qua sông
hái chùm bong điên điển
nấu canh chua cá đồng

Đứa em gái mơ mộng
thả thuyền giấy xuôi dòng
hỏi chị đi lấy chồng
rồi có trở về không ?

Mười năm tích cóp đô la
em về xây mộ mẹ cha
cây lẻ bạn nhà ai hoa nở trắng
làng quê xưa quạnh quẽ tiếng chèo khua...


40-MƯỜI LĂM NGÀY EM NHÉ !

Mười lăm ngày em nhé!
chúng mình sẽ gặp nhau
nơi biển rộng trời cao
đời trôi bao sầu não

Mười lăm ngày em nhé !
Hè chẳng có xác ve
ta về thăm đất mẹ
sống với tình trăm năm

Mười lăm ngày em nhé!
ta đến với thiên đàng
trần gian đâu còn lệ
khóc cho ngày chia ly

Mười lăm ngày em nhé!
tự do nghe gió thầm thì
nước non ngàn dặm xanh rì cỏ hoa...


41-ĐỢI MÙA SANG

Em có về cho thu xanh nắng
hắt lên ta thương nhớ cầu vồng
vầng trăng tròn như giấc mộng
động hoa vàng phưng phức cỏ thơm

Đêm nghe gió nỉ non
lời tự tình gieo hương trao phấn
góc yêu thẹn thùng nhặt lá hiến dâng
gối chăn âm ấm mùi hoa sửa
phố núi giao mùa đủ mây mưa

Giấc mộng đưa mắt nhìn chan chứa
bước chân em rải lá tình lang
ta vội vàng ôm bóng phai tàn
giữ sắc thu vàng đợi mùa sang



42-SỐNG CÙNG DỊCH HỌA THIÊN TAI

Sống chung với lũ đã lâu
nay thêm dịch họa từ đâu sống cùng
lời ru em càng não nùng
giấc mộng tương phùng vỡ vụn đêm xuân

Con đò mất lối bến xưa
mênh mông sóng nước đẩy đưa lỡ làng
tình mang gánh nặng lên ngàn
đón ánh trăng vàng cung phấn sầu ai

Sống cùng dịch họa thiên tai
cách ly duyên phận đời sai sai đời
nợ ta về đến chân trời
còn vay giấc mộng ru lời đớn đau


43-ĐÓN THU

Ta đắp nấm mồ cho mùa Hạ
bằng xác ve tẩm ướp hương hoa
cho em đến thả vàng trên lá
mở cửa tình Thu đón phai tàn

Giấc mộng thiên đàng tràn lai láng
tóc em dịu dàng quấn bước chân
đời còn dư lệ thắm ái ân
Ngưu Lang - Chức Nữ giao hoan đất trời

Em khơi nguồn sống lá vàng rơi
ta chết trong gió một kiếp người
đêm trở dạ khuyết tròn nguồn cội
bình minh lên đỡ bóng sinh sôi


44-DƯỚI GIÀN THIÊN LÝ

Em về em có nhớ tôi
nhớ lời hẹn ước góc đời rêu xanh
nhớ câu tình tự nồng nàn
dưới giàn Thiên Lý tôi đàn em ca

Đêm thu trăng xuống thềm nhà
hỏi tôi cất giấu thật thà nơi đâu
tôi rằng chỉ có nỗi sầu
để lâu kiến đậu ruồi bâu thôi mà

Mắt em gói trọn thiên hà
môi em chứa cả mặn mà nhân gian
Tiếng đàn tôi lang thang
lá rơi rơi vội vàng
thơ em tôi phổ nhạc
bình yên đến lụi tàn

Em về vui với cao sang
dưới giàn Thiên Lý ngổn ngang sắc vàng
tôi giờ quên mất địa đàng
ruồi bâu kiến đậu Thu tan tác sầu 

45-HẠ ĐI 

Nắng đã tàn trên cành phượng rũ
ve bỏ mình tìm lại đất sâu
chiếc lá ngã màu lây lất nỗi đau
đợi gió heo may dỗ dành ngọn cỏ

Thu chưa về mà lòng đã rụng
u ám chiều quên nhớ bung xung
ánh mắt vàng thau bạc đầu góc phố
âm ẩm tình ai trước bóng trơ vơ

Ngày thờ ơ ta uống từng giọt mặn
thuở hoài thai nuôi dưỡng giấc mơ
thương. thương lắm! mùa lá chết
lắng nghe đời hỗn hễn tin yêu

Hơi thở ngược xuôi vào ra dĩ vãng
em đâu còn để bắt nhịp sầu côi
xác ve bay rập rờn mưa bụi
hương phấn cay xè mắt xanh xao


46-CÕI NHỚ MONG
 
Tàn tro tình cũ bay lên
mình ên ta đứng vẽ tên nỗi buồn
đêm cô tịch ánh trăng suông
gió rung rung lá sương buông lệ vàng
 
Thu này, thu nữa vẫn lỡ làng
câu thơ duyên phận muộn màng chửa xong
đưa tay muốn một lần chạm sóng
cớ sao lòng lại hỏi hư không ?

Tàn tro soi bóng hình hài
em là ai trong hoang đàng giấc mộng
vùi ta vào cõi nhớ mong
xương da thịt nát nào tan được tình


47-MÙA THU MONG CHỜ

Những tờ lịch rơi
lấp đầy huyệt mộ
thời gian chết khô
trên miền thương nhớ

Ta còn ở đợ
góc phố mộng mơ
mùa thu mong chờ
động vàng cửa mở

Trái tim lầm lỡ
ngâm suối trinh tuyền
tẩy sạch ưu phiền
vào giấc thiên thai

Đợi hồn trở lại
nhặt lá vàng bay
ta đốt tháng ngày
sưởi ấm tàn phai


48-NỤ CƯỜI TỪ LY

Có ai ở cuối con đường
cho tôi gửi lại yêu thương nơi này...

Tôi về cùng với gió mây
kêu mưa gọi nắng vun đầy xanh tươi
tôi về cùng với lá rơi
đưa thu trải lối cho đời bước chân
tôi về cùng với triều dâng
mang con sóng đắp bờ ân ái tình
tôi về cùng với yên bình
hóa thân hạt bụi phũ vinh nhục đời.

Có ai đứng ở chân trời
cho tôi gửi đến nụ cười từ ly...


49-NÓI VỚI MÙA THU

Thu về
ta lại lắng nghe
tiếng cô đơn trên cành lơi lả
gió đưa lời bổ bả
dụ dỗ lá bay xa

Lá buông mình hối hả
tìm bản ngã kiêu sa
giấc mơ yêu dậm vá
ánh trăng già phôi pha

Bóng tìm chi ở thềm nhà
phơi da thịt ngà dưới hiên ta
tàn phai sắc nhớ tình vay trả
đêm nghiêng ngã rớt xác vàng pha

Ai kia đã ngắt cành thạch thảo
giết chết hồn ta trong khát khao
lá nào có thể cho nhau
nồng nàn hơi ấm gửi trao phận người


50-SÁNG NGHE CHIM HÓT
 
Hỏi con chim nhỏ ở lầu son
hót tiếng nỉ non có mỏi mòn
có ai nghe được lời duyên phận
nặng nợ trả vay dưới đáy lòng

Miền xanh mơ ước mênh mông quá
lá thả tự do có sạch không
chuyện chồng con có như giấc mộng
trời đất giao mùa có đổi thay

Lồng son khóa cửa nơi ngực trái
con tim nhốt nhịp bụi mận gai
The Thorn Birds chỉ là huyền thoại
dòng chảy yêu thương đã kiệt cùng

Sáng nghe chim nhỏ hót ví von
mà sao đau đớn cảnh sinh tồn
có ai hiểu được chết còn
khi đang sống mất cúi lòn xác thân 



51- LÊN NON TÌM ĐỘNG HOA VÀNG

 
Có lẽ
em đang khóc thầm
nên tôi dập bầm giấc ngủ mùa thu
tỉnh trong du mộng mù u
thấy con bướm đậu lời ru càng buồn
Giọt thầm thấm đẫm vỡ tuồng
trên sân khấu đời tình buôn bán tình
màn buông đêm xuống mỗi mình
môi xinh trăng khuyết rẻ khinh lá vàng
Có lẽ
em đang nhặt phai tàn
nên tôi lỡ làng hợp tan bóng hình
say thêm ước vọng phục sinh
một đời hư -thực nhục vinh cợt đùa
Có lẽ
em đang thuê thùa
nên tôi vay trả lọc lừa nhân duyên
bước lên giá trị kim tiền
tôi mua tim vỡ người điên ưu phiền
Nụ cừời nở sắc hương sen
trên ngôi mộ lá miền riêng cõi trần
như xưa có gã từ quan
lên non tìm động hoa vàng nhớ nhau *
(*) thơ Phạm Thiên Thư



52-SO LẠI DÂY ĐÀN

Đêm nay so lại dây đàn
đánh lên khúc nhạc của chàng bán trăng
cho tôi mua chút ánh vàng
gửi người ở chốn lầu hoàng cao sang

Dẫu biết là đã muộn màng
nhưng lòng vẫn mãi cưu mang nỗi buồn
người in nửa dấu môi hôn
để Hàn Mặc Tử dỗi hờn bán trăng

Hợp tan còn đó nồng nàn
khuyết tròn nào có phai tàn ai ơi...


53-HOA GIÓ 

Trên cành Tự Do .Gió bất động
nên trong giấc mộng hoa nở không hương
sắc màu đỏ rực dị thường
như loài Bỉ Ngạn ngàn năm chẳng tàn

Trên đôi cánh Gió. Tự Do động
nên trong giấc mộng lá chín vàng
trải thảm nhân gian mở cửa thiên đàng
Hoa Ưu Đàm nở ba ngàn cõi sinh

Tôi trong giấc mộng gọi tình
mùa Thu Hoa Gió hiện hình Tự Do


54-THIÊN ĐƯỜNG NHÂN GIAN

Ngẩn ngơ đôi núi phồn sinh.
Trời trong mây trắng cỏ xanh động tình
Một dòng suối nhỏ nguyên trinh.
Thầm thì quyến rũ thiên đàng nhân gian

Em Xuân non nước cũng Xuân
Khiến lòng ta chẳng đặng đừng khát khao
Gối chân chèo chống nôn nao
Lên đồi xuống suối đỏ au linh hồn



55-MÙA TƯ TƯƠNG

Hàng cây ưng ửng vàng
phố vào mùa hò hẹn
sao em còn e thẹn ?
khiến lòng ta bon chen

Ta hái lá làm kèn
thổi khúc tình ngưu lang
chỉ là hơi đã tàn
nên trời đổ nắng chang chang

Phố lên đèn rền rang
tiếng kèn ta tắt lịm
cớ chi em cười mỉm?
xiêm y khéo hở hàng

Ta thành kẻ lạc đàn
lang thang trong đêm thất tịch
mong cầu gió mây rục rịch
rớt giọt sầu ướt dấu chân em...


56-ĐÊM NGHE TIẾNG HÁT EM

Em gửi nỗi buồn trong tiếng hát
đi theo trăng vàng đậu xuống bờ tôi
buồn em vỡ vụn đơn côi
tình say tỉnh giấc đâm chồi tương tư

Tiếng hát em thăng trầm thiếu phụ
hun hút sâu thăm thẳm mùa ngâu
đêm đục ngầu con sóng về đâu
đá mòn trông đợi gió khâu cơ cầu

Chênh chông chiếc bóng bạc đầu
thanh âm kéo sợi xỏ xâu giọt mềm
đan tình sương vá lòng đêm
tim khua vang vọng nỗi niềm yêu thương


57-KHÚC TÌNH THU

Đầu thu
em ru lá ngủ
nắng bung vội nụ dẫn dụ chiều hôm
gió đơm sợi khói thơm thơm
trăng lên đỉnh núi ươm ươm mộng vàng

Tôi còn nửa phách chưa tan
tình ben bén lửa mơ màng em khơi
bắt đêm cháy trọn duyên trời
cánh đồng rơm rạ cạn đời đợi mưa

Cuối thu
em ngủ trăng đưa
lá lưa thưa rớt gió mưa vừa tàn
tôi còn nửa bóng lang thang
sớm hôm mong nắng nhuộm vàng vong linh



58-LỜI TÌNH THU
 
Sợi cô đơn loe loét cháy
Vầng trăng khắc khoải vàng
Giấc mộng lang thang
Miền dĩ vãng
Em bước vào quên lãng
Bỏ lại tình tôi giữa bão giông
Đêm mênh mông khoảng trống
Bóng không chồng
Những bông hoa Ngô đồng
Trổ màu tim đắng đót
Từng hạt sương nhỏ giọt
Lên tro tàn mắt môi
Mỏng manh từ sợi khói
Mang nhớ thương về cội
Với bao lời muốn nói
Mùa Thu ơi!
Mùa Thu ơi !
Đừng phai phôi....


59-RỒI CŨNG CHỈ LÀ...

Rồi cũng chỉ là cơm áo gạo tiền
rồi cũng chỉ là nợ duyên vay trả
đời chỉ còn là niềm vui tơi tả
khi chân lý ù lì chẳng chịu bước đi

Thế nhân lắm sự nhiễu phiền
chim sa mặt đất cá chìm đáy sông
thương cho con chữ quay mòng
sống trong ảo vọng tát lòng cạn khô

Rồi cũng chỉ là hỉ nộ ái ố
câu thơ cát bụi xô bồ
cắm cây thập tự lô nhô
vần tan nghĩa nát hư vô nấm mồ 


60-BÊN LỀ SỰ SỐNG


Đợi chờ
và buông xuôi
đói thì ăn
khát thì uống
mệt thì ngủ
vui thì chơi
buồn...
chẳng biết làm gì
đành mơ 

Những giấc mơ khi tỉnh
thường rất phiêu
em- bao giờ cũng đẹp
bạn- bao giờ cũng chí tình
ngẫu hứng lên đỉnh
mơ thấy chính mình
trên bục quang vinh
để giật mình
thức tỉnh

Đợi chờ
và buông xuôi
trôi theo dòng nhân quả
em có nợ ta không
sao vẫn còn chưa trả?
hay là em chưa đòi
nên ta nơ mênh mông?
Lê la bên lề sự sống
may ra nhặt quả tình rơi
gieo lại hạt người đã chết
nối lại luân hồi đã chơi vơi

Một lần ân ái với đời
yêu thương trang trải rả rời nhớ quên...



61-NỬA ĐÊM TỈNH GIẤC

Rượu say tỉnh giấc nửa đêm
đắng môi cơn khát về tìm môi thơm
vòng tay ôm mộng dỗi hờn
bóng rơi chấp chới chập chờn khe sâu
tiếng ve nở một đóa sầu
hương xưa nhè nhẹ gối đầu cơn say

Nửa đêm còn lại đợi ngày
đường xa vọng tiếng thở dài gọi tên
em gầy vai gánh lênh đênh
quên quên nhớ nhớ nổi nênh cuộc tình
thương thương duyên nợ chúng mình
rượu cay đã cạn còn sinh mặn nồng

Thì thôi em hãy lấy chồng
nửa đêm tỉnh giấc thả lòng cầu mong 


62-MƯA THU

Mưa Thu rưng rức hạt mềm
rơi không chịu vỡ bên thềm vẹo xiêu
chiều đi theo nắng hắt hiu
ta chưa kịp tiễn cô liêu với ngày

Mây loay hoay ấp ôm hiện tại
gió vắn dài đuổi bắt tương lai
ta nào say để vẹn hình hài
tàn phai đưa lá vàng bay về trời

Mưa Thu rưng rức hạt đời
rơi không chịu vỡ nửa lời yêu thương 


63-CUỘC SỐNG -THƠ VÀ ĐÀN BÀ


Cuộc sống là những tô mì
thơ chỉ là gia vị
khi mùi bò, mùi gà
và nếu ai bảo có mùi hương hoa
thì đúng là kẻ láu cá

Cuộc sống là những tô mì
thơ chỉ là gia vị
mùi bò, mùi gà
và những người đàn bà
mới là nước sôi !


64-TRĂNG CHÁY

 
Vầng trăng nhen nhúm lửa
tình tựa cửa ngoài song
ta lấy đâu hình bóng
cho em ngã vào lòng

Hồn ta treo giấc mộng
hương hoa biển mặn nồng
xác thân trèo con sóng
vỗ bến bờ hư không

Trăng đốt rừng khát vọng
hạnh phúc cháy trên đồi
bình yên ta hấp hối
mộ vàng cũng vỡ đôi

Bóng ta đã hiện rồi
ân ái cùng đơn côi
môi ta thêm tội lỗi
hôn lên đời bạc vôi 


65-NỤ HÔN CỦA GIÓ


Tôi đi tìm thời gian đã chết
gặp mùa thu rớt lá vàng bay
đậu lên vai hình hài nỗi nhớ
thuở dại khờ gánh vác thương yêu

Phố vẫn quạnh hiu dưới bóng chiều
nắng vẫn veo xiêu góc cô liêu
đêm vẫn mỹ miều hương chăn chiếu
trăng vẫn nuông chìu ánh tàn phai

Đôi mắt em vẫn cuồng hoang dại
xác thân bày mua bán đắng cay
bước chân dài trả vay số phận
hoang hoại đời giấc mộng phù hoa

Thời gian thổ tả tình sa ngã
tôi nợ duyên em chút thật thà
giữa muôn trùng kẻ lại người qua
nụ hôn mặn mà vật vả chân quê

Đường đam mê mở lối ê chề
nào có thể đưa thu về cội
đời bạc vôi vàng phơi lá đợi
gió rả rời thả nụ hôn rơi 


66-CÁNH DIỀU XƯA

Sáng. Ly cà phê sữa
ngọt đắng tình dây dưa
nắng phơi bao điều hứa
cánh diều thuở xa xưa

Ngày lên đời nôn mửa
gương mặt người ganh đua
bán mua vang lọc lừa
vọng âm buồn giấc trưa

Ngọn gió nào đẩy đưa
muộn màng hương hoa Sưa
phố Phái còn chọn lựa
bức tranh .Chiều mây mưa

Ta uống sầu vôi vữa
mơ đêm dài. Lần lữa
em nhặt từng lới hứa
chắp cánh diều xa xưa 



67-GỬI TÌNH VÀO THU 

Nụ tầm xuân ta chưa kịp hái
vườn cà kia người đã đi rồi
dấu yêu bỏ lại nỗi buồn nguồn cội
gọi mùa thu rớt lá ươm mầm

Lá lên xanh giấc mộng lìa cành
nắng hiền lành đưa bóng song hành
ta vẫn đợi đêm trăng đầy đặn
đốt tàn phai sưởi ấm lòng mong

Nụ tầm xuân tím chiều biển động
áo người xưa ước nguyện vẫn còn đây
có ai thả nhớ lên mây
cho ta gửi chút tình nầy vào thu 


68-GIỮ LẠI NỖI NHỚ EM

Giữ lại nỗi nhớ em để làm niềm vui
khi cuộc đời hất hủi
sự cô đơn lủi thủi trong ngày hè vắng tiếng ve
bến sông quê buồn tẻ
câu hẹn thề nứt nẻ đất mẹ khô hanh

Giữ lại nỗi nhớ em cho ký ưc trong lành
khi phố giăng đèn ô nhiễm dối gian
thói tham lam đặc quánh mọi nẻo đường
nhiễu nhương thật thà vây hãm yêu thương
Giữ lại nỗi nhớ em để còn biết tư tương
vẽ đẹp thiện lương
hoa cỏ bay bay theo cánh chuồn chuồn
mùa gió chướng lạnh đầy chăn gối
hơi ấm giấc mơ đưa nhịp thở yên bình

Giữ lại nỗi nhớ em cho có chút niềm tin
đón bình minh với nụ cười thức tỉnh
" Yêu em yêu thêm tình phụ
Yêu em lòng chợt bất ngờ từ bi" (*)

Giữ lại nỗi nhớ em kết thành tri kỷ
tri bỉ người để thù hận buông xuôi

(*) TRỊNH CÔNG sƠN 


69-TRI ÂM TRI KỶ

Khi tình yêu bắt đầu
cũng là lúc cô đơn trở về cùng bóng tối
lặng lẽ ngồi
chờ đợi
hơi thở yêu thương

Ta biết nói gì với người bạn cũ
một nửa niềm vui
một nửa nỗi buồn
đến đi không cần mời gọi
như là tri kỷ tri âm

Chỉ có lời tự thú lặng câm
con tim thầm thì nhịp đập
khi dồn dập
khi hững hờ

Ta và em đều bơ vơ
trong bóng tối vật vờ
nỗi nhớ..


70-ĐÊM TỈNH NGÀY MƠ

Chưa đến 60 đời đã chín
rụng xuống vườn yêu mấy hạt buồn
đất ôm mầm bóng nuôi lên mộng
vàng cả mùa thu lá đeo cành

Mưa còn nhân ngãi lòng đã lạnh
thời gian cầu cạnh mỗi ngày ngâu
chiếc áo phong trần bay theo gió
nào ai bắt được để vá khâu

Chưa đến 60 đà hũ lậu
tình lẫn vào trăng đợi khuyết tròn
tim ngoi ngớp đập bờ quên nhớ
rệu rã lở bồi đêm tỉnh ngày mơ 


71-KÝ ỨC BUỒN 

Mây buồn che mái đầu xanh
Cầu Quan ba nhịp quấn quanh linh hồn
Bạn tôi đứng giữa bồn chồn
Đằng kia pháo nổ dập dồn bước chân
Hôm qua thoát chết một lần
hôm nay trời có đỡ đần mạng ta
dòng sông chảy máu mặn mà
đêm nghe tiếng xác về nhà khai sinh
Đầu xanh bảy vía rẻ khinh
Mai kia ai mặc cho mình áo tang ?


72-TIẾNG THƠ 

Làm sao thoát được kiếp người
khi em ở vẫn chân trời ngao du
khiến ta cứ mãi tù mù
lỗi lầm vay trả thiên thu nỗi buồn
 
Chân nguyên trôi tuột tuồn tuôn
thế nhân níu kéo quay cuồng thiện lương
con đường sinh tử vô thường
từ bi thất tán mười phương vật vờ 

Chút tình còn giữ trong thơ
tiếng kêu nào đủ vượt bờ vong xuyên 


73-MẢNH VÔ ƯU 

Thời gian còn chẳng bao nhiêu
ta lấy gì đây để đắp bù
trái tim thiếu mảnh vô ưu
làm sao đổi được thiên thu Niết bàn

Tình em còn giữ hèn sang
nên chia duyên phận hợp tan luân hồi
60 về đến cửa rồi
trả vay chi nữa kiếp người phù du 


74-THÀNH PHỐ VÀ NHỮNG CÂU THƠ 

Thành phố ngu ngủ
triệu triệu người mơ mơ màng màng
mặt trời sắp tàn
mây che ngang
trên nóc vinh quang
những lá cờ đỏ bầm
cố phất phơ hào quang
giả tạo
chiếu lên những gương mặt trân tráo
lũ trẻ ngơ ngáo
thực hư bước vào
chân lý nháo nhào
Thành phố lơ lơ láo láo
âm sắc vô đạo
từ những cây cột đèn hau háu
tràn máu
chảy vào nỗi đau
tự do khát khao
Tóc mẹ bạc màu
khói nhang cầu vọng
xin với hư không
những đứa con lạc lõng
tỉnh mộng
giàu sang
Hoàng hôn đỏ quạch
mặt trời lạch bạch
sự sống mong manh
đợi chờ tắt lịm
Thành phố im im lặng lặng
ánh trăng lãng vãng
huyễn hoặc những linh hồn lang thang
vào giấc mơ bình an
Những câu thơ nhàm chán
nhiễu nhiễu nhương nhương
nơi những bức tường
giam hãm yêu thương
Trái tim tôi rớt xuống đường
không hóa thành viên kim cương
đánh thức những pho tượng
tinh tướng tai ương 


75-CÓ MỘT NGÀY... 

Có một ngày rất lãng
đi trên phố ơ thờ
chẳng buồn ăn bát phở
lười nhìn cô gái xinh
Có một ngày vô minh
thấy lòng đầy toan tính
bắt chước lời xu ninh
thèm được chút hư vinh
Có một ngày thanh tịnh
nghe quanh mình yên bình
tự do bay lên đỉnh
tim phơi ấm áp tình
Đó là ngày phận định
em từ bỏ thiên đường
về lại với yêu thương
nơi thời gian vô thường
Ta đâu còn vấn vương
sắc tàn phai ma mị
khi em là tri kỷ
đưa tiễn mùa thu đi 


76-TÔI GỌI TÊN EM LÀ VÚ SỮA
Tôi chỉ là người lạ
nào dám đâu hỏi tên
trên con đường nhớ quên
tôi gọi tên em là Vú sữa
Mang nỗi niềm ngày xưa
tôi chìm trong phố thị
đêm nghe mộng thầm thì
hỏi rằng : Vú sữa chín chưa?
Một ngày gió đến thưa
Vú sữa đã no tròn
ông trời vừa kén chọn
vào gác tía lầu son
Ôm góc đời trẻ con
tôi về vùng cổ tích
tiếng em cười khúc khích
sao người chẳng hỏi tên?
Trên con đường nhớ quên
tôi gọi tên em là Vú sữa
hương bưởi xưa hãy còn đưa đón
lối quên mòn đi sớm về trưa 


77-MÙA THU YÊU THƯƠNG
Hạt mưa ru lá
lá ru tôi
mùa Thu đã tới
tới bên thềm
giấc mộng êm đềm
em về nhặt mảnh tim rơi
Phố mềm kỷ niệm
ngày chia ly
tôi tiễn em đi
Mùa thu hôn lên tóc
chiếc lá đong giọt sầu
môi em mặn mối tình đầu
thương Ngưu Lang đợi mãi nhịp cầu
" Tình chỉ đẹp khi còn dang dở
đời mất vui khi đã vẹn câu thề" (*)
Tôi rời chân quê
tìm trong dâu bể
ánh mắt em cười
Xa tận chân trời
lá thư em gửi
hạnh phúc bên người
mùa Thu đưa lời
Hạt mưa ru lá
lá ru tôi
mùa thu đã tới
tới bên đời
đôi tình nhân trên phố
nhặt lá kết hẹn thề
Ôi, thật tuyệt vời
mùa Thu của tôi
mùa của yêu thương...

(*)thơ Hồ Zếnh 


78-BÊN BỜ YÊU THƯƠNG


Em neo tiếng hát thăng trầm
cô đơn mê hoặc buồn xâm xẩm buồn
dỗi hờn giai điệu nhạc buông
mùi hương da thịt còn vương vấn tình
thấm sâu ký ức tiết trinh
khơi mầm cơ cực nhục vinh ngọt ngào
Vầng trăng mười sáu lên cao
em cài cúc áo giấu vào khát khao
tiếng hát em dội đớn đau
tim ta chảy máu lật nhào giấc mơ
câu thơ rơi xuống vật vờ
đợi chờ tắt lịm bên bờ yêu thương 


79-NỖI BUỒN CHIỀU CHỦ NHẬT 

Chợt nhận ra chiều chủ nhật
trong tiếng chuông nhà thờ
lơ ngơ trên phố
vẫn như cái thuở
chen trong tiếng pháo nổ đì đùng
 
Ừ, đã là chủ nhật
tháng mấy rồi em có nhớ không?
ngẩng lên
trời rộng mênh mông
mây sao cứ một màu buồn xám xịt

Vừa nghe tiếng cành cây gãy
chừng như cái lạnh chạy qua
có phải là đông đây đẩy
hớn hở về ướt xác tình ta 

Em đi mang cả ngày tháng
cớ chi bỏ lại tiếng chuông
để ta còn chút nỗi buồn
chiều chủ nhật rập khuôn...


80-ĐẤT TÌNH 

Tình chưa lành
tâm nào định
nên ta hoài làm kẻ lang thang
nổi trôi theo lá phai tàn
mơ em ở cõi hồng hoang khải huyền
 
Noen chưa đến
trời đã lạnh
Chúa sinh ra đời có độ chúng sanh ?
ta lại phân tranh thiên đàng - địa phục
tình định nơi nào để tâm an 

Phía không em có bầy quạ đậu
chốn tiêu sầu vắng bóng người thương
ta mất hướng mười phương vất vưởng
giữa nhân gian đất đậu tình lành? 


81-XIN ĐỪNG DỐI GẠT MÙA THU 

Cội tình đã nát
em ơi xin đừng dối gạt mùa thu
tàn phai quyến rũ
cho lá còn mộng du
Em ơi xin đừng dẫn dụ
đưa lời gió ru
cho lá hoài cư ngụ
đông hoa vàng phong lưu

Đời đã đầy mê mụ
người cũng thừa bạc vôi
những ngôi nhà sám hối
thêm chi tình đãi bôi
Ta quên rồi lời nói
ngọt ngào ở đầu môi
nên đành mang lầm lỗi
yêu bằng trái tim côi 


82-NỤ HÔN CỔ TÍCH 

Trăng khoe nhan sắc không người ngắm
gió thỏ thẻ tự tình cũng chẳng ai nghe
đêm què quặt linh hồn lạnh ngắt
cô đơn thèm tiếng dế chịch sơn khê

Khóm hoa lài tỏ hương lặng lẽ
chiếc lá vàng khe khẽ chạm bờ vai
không còn nỗi nhớ để tình xanh màu cỏ dại
chừng như trời vừa chết dưới bước chân

Đôi tay trống hứng vầng trăng đầy đặn
đặt vào đâu cho lành lặn mùa thu
em vẫn chìm sâu trong cơn say bùa chú
mê mụ đời bởi cổ tích nụ hôn 


83-BÓNG THU 

Bình minh mở cửa gọi tình
bóng dẫn tôi đi tìm hình nhân thế
mùa Thu rao bán cơn mê
tôi mua chiếc lá tàn phai vụng về 

Bóng dắt tay tôi chọn hẹn thề
mưa Ngâu thủ thỉ rủ rê lên cầu
cội vàng em đứng thả sầu
cây Thập tự giá cúi đầu buông xuôi

Mặt trời tắt nắng ngậm ngùi
bóng tan chợ vãn còn tôi lạc loài... 


84-TRÊN MÔI TA ĐỜI ĐI QUA ...

Năng lượng tình yêu
liêu xiêu
hai chiều quên nhớ
đánh rơi từng hơi thở
trong giấc mơ hoa
 
Tiếng sóng em dồn vỗ thiên hà
một ngôi sao sa tình xuống vá
gió đón lời ca biển cả
linh hồn ta tan rả
hóa phù sa
 
Cánh đồng rơm rạ xanh mầm lá
trên môi ta đời đi qua ...


85-SÁNG RỒI NGƯỜI THỨC HAY CHƯA?


Hừng đông
áp thấp
chân trời lạnh
nỗi nhớ hoang mang
lá bỏ cành
góc đời nhỏ bé thêm cô quạnh
chờ đợi theo mùa
vàng vọt rơi
Thu mang vác tình ôm mộ cỏ
cây thập tự già nở một đóa hoa
hương sầu da diết bay xa
đậu lên vay trả vầng trăng đã khuyết
Ngoài khơi biển động
gió giông gào thét
trong này
phố mải miết mưa
sáng rồi người thức hay chưa? 


86-CẦU ...

 
Ta chỉ cầu em đốt xác thân
rãi tình tro lên cánh đồng xanh
cho nhân nẩy mầm
cho ái vươn cành
quê mẹ yên lành nấm đất từ bi
Ta chỉ cầu em thắp nén nhang
khói ôm mây trắng về đại ngàn
nơi trái tim yêu còn đứng đợi
một nửa linh hồn trọ ở dương quang
Ta chỉ cầu em đến thiên đàng
mang theo trái cấm thuở hồng hoang
hoài mang vết cắn trái ngang
chia đôi duyên phận tào khang lỡ làng ...



87-TRĂNG THU 

Nào dám thốt lời yêu
khi tình luôn đen bạc
cố chôn vùi khao khát
trong giấc mộng mưa Ngâu 

Mùa Thu mang lá xỏ xâu
đi đâu?
về đâu?
gió ơi xin chớ cơ cầu
đậu lên vai áo sắc màu vàng thương

Nỗi nhớ rơi trên mỗi con đường
có ai nhặt lấy hạt sương vô thường
lòng tôi chỉ có tư tương
trăng tràn trên nấm mộ vương mắt sầu 


88-XIN... 

Ngày ngày kẹt giữa đám đông
đôi vai đành gánh tấm lòng ăn xin
xin đời dư dả thừa tình
xin người thiếu thốn cầu vinh bạc vàng
xin vầng trăng khuyết nhẹ nhàng
xin con sóng vỗ dịu dàng bờ đau
xin thật thà còn lắm khát khao
xin sầu san sẽ cho nhau ánh nhìn
xin tâm nghe tiếng tim mình
xin hồn mơ giấc con tinh làm người
xin em giữ được nụ cười
cho tôi chiếc lá ru lời mùa Thu 


89-TÌNH XANH LÁ VÀNG 

Triều dâng vì ánh trăng rằm
ta khao khát sống bởi nằm dưới thu
tàn phai mở lối phong lưu
lá bay dẫn bước mộng du động vàng

Sầu chôn đáy mộ rộn ràng
hạt mưa ngâu thúc nẩy mầm cỏ thơm
bồn chồn ta đặt môi hôn
vầng trăng háo hức no tròn ái ân

Một lần trọn vẹn hiến dâng
hồng hoang rớt hạt tình xanh lá vàng 


90-CÓ MỘT MÙA THU XA XÔI 

Có một mùa thu ở xa xôi
nơi giấc mơ tôi ngồi đợi nhớ
nghe gió núi thì thầm trăn trở
gọi tên người gọi mãi phôi pha

Có một mùa thu sương tẩm lá
lạnh thấm vai gầy vật vả vàng rơi
chơi vơi buồn chông chênh vẽ lối
hương yêu rười rượi nét đẹp trinh nguyên

Có một mùa thu ướt nỗi niềm
đường thưa phố vắng lỗi lầm phận duyên
chiều buông lơi hoàng hôn chầm chậm
vọng âm tình thương lắm... lá ơi...


91-TÌNH BI AI...


Ta bày giấc mơ đợi em làm ổ
đan kết vần thơ nên kén tằm tơ
rút cạn máu tim dệt thành yếm lụa
cắm trọn chúa trời trong miếng cắn ái ân

Ấn delete lời nguyền trái cấm
dạng đôi chân mở cửa đón hình hài
khép lại bơ vơ
tháng ngày cùng nỗi nhớ 

Đêm nay ta thả giấc mơ vào khoảnh khắc
kích thích
tình bi ai...


92-HƯƠNG THÔN VĨ DẠ
( tặng người ở lại trong ta) 

Hương tóc nào trên mười ngón tay
chẳng nhạt phai dẫu thời gian tàn tạ
ánh trăng già treo nghiêng thôn Vĩ dạ
ta chưa lần về mà chẳng thể xa

Em thương ta thả mái tóc buông dài
cho mười ngón tay quấn quít đêm ngày
nhả hương bay lên da thịt mềm mại
dìu dắt đắm say trong giấc ngủ đời nhau

Em trao ta mùi hương thôn Vĩ dạ
ta chưa lần về mà chẳng thể xa
ngày tháng Nguyệt cầm luôn ánh xạ
mười ngón tay đàn nỗi nhớ ngân nga

Duyên nợ đã tàn nhưng tình chưa cạn
mười ngón tay ta hương tóc nào phôi pha.. 


93-THƯƠNG HOÀI NGƯỜI MƠ 

Nếu như em chửa có chồng
anh đây xin được đèo bồng
qua sông đưa em vào mộng
Thiên Thai có động hoa vàng 

Tiếc là duyên phận trái ngang
nên anh mắc nợ hoang đàng
tháng năm theo ánh trăng tàn
đuổi hình bắt bóng tình nhân

Cô đơn đêm trắng trắng ngần
nghe con Dế gáy đỡ đần trả vay
kiếp này nuốt lấy đắng cay
say men tình lỡ thương hoài người mơ 


94-VĂN MINH VẬT CHẤT 

Khi loài người có nền văn minh vât chất
ta bắt đầu thiếu oxy
với bước chân đi theo nền chính trị
phổi ta nhiễm trùng vì không khí tranh đua 

Loài cỏ già nua trên vùng đất chúa
cũng có rồi cảm giác âu lo
giấc mơ tự do không còn được mọc
nơi niềm tin đã có tự bao giờ

Sự tuyệt vọng nẩy mầm bởi tiếng kêu của gió
hạt mưa vỡ khô nơi phiến lá chưa xanh
nắng nhả lên cành khói sương dị dạng
trăng thôi vàng thổ huyết vào sông

Ta dần chết trong muôn trùng vi sóng
chân ngã đâu còn để quay lại hư không 


95-CHỢ PHIÊN CỦA TRỜI 

Ta vẫn mãi quẫn quanh
trong buồn vui thế tục
mang gánh đời ngược xuôi côi cút
rao bán tình đổi chút phận duyên 

Người chỉ mua tình bằng bạc tiền
khiến gánh đời ta nặng muôn niên
nên đành vào mộng ưu phiền
đem tim đặt giữa chợ phiên của trời

Ngày xưa mẹ kể có nàng tiên
mở cửa nhân gian mua ưu phiền
dệt lên tấm áo màu mây trắng
gói trái tim yêu chứa nỗi niềm 

96-KHÔNG CÓ MÙA THU 

Những cơn mưa dùi dập nắng
lòng tôi hoang vắng đến vô cùng
quê em thu hẳn đã nhuộm vàng
con đường ký ức muộn màng giấu yêu

Một góc tình tôi âm u kênh kiệu
bẻ cong cô độc tát nỗi nhớ lên trời
nắng chẳng chịu rơi vào lòng mong đợi
để sầu lên xanh trên lá chiếc cành côi

Không có mùa thu gió cũng bạc vôi
xé toạt thời gian tung tóe đời
linh hồn tôi còn đâu nơi trú ẩn
nhặt tàn phai chắp bóng tụ hình nhân 


97-TRẢ SẮC MÙA THU 

Nắng nhả hơi sương trên nền thu lạnh
lá ngã vàng chanh đợi gió lìa cành
mùa đang chết hay mùa đang sống
lòng trao lòng một nỗi trống không

Tôi từ độ biệt cánh đồng
góc phố giam mình trong nỗi nhớ dòng sông
không con sóng vỗ bờ đá vọng
gọi gió đưa buồm chở mộng thiên thai

Ngày chẳng có ngày đêm còn lại
chút vội vàng rớt bóng tàn phai
nào đủ cơn say để xuống tuyền đài
cướp lấy hình hài trả sắc mùa thu 


98-HOA QUỲNH 

Đêm ta thắp nến ru mình
đợi em nở đóa hoa quỳnh hiến dâng
hương đưa từng sợi trong ngần
trái tim trinh bạch tẩy trần giọt thu

Xác thân phá cửa ngục tù
linh hồn thánh thoát chu du cõi tình 


99-NẮNG ĐÊM 

Em là nắng hắt vào đêm
Nên ta đành đợi bên thềm gió đông
Hỏi lòng có ấm hay không
Khi vầng trăng tỏa mênh mông... bóng tình 

Trăng chuốc đêm nửa mê nửa tỉnh
Ta treo ngày lên đỉnh cô phong
Đón em vào trong giấc mộng
Xin được làm chồng đong đếm ...nắng đêm 


100-VẦNG TRĂNG XANH 

Đêm lặng thầm ngắm sương giăng
nỗi nhớ em đan chịt chằng
người đàn bà bí ẩn
hiện trong khói thuốc trở trăn

Những ngôi sao lấp lánh
đôi mắt buồn long lanh
có con đom đóm lơ lẳng
cô đơn vũ điệu ái ân

Đất nẩy mầm
tình yêu miên viễn
trái tim hiện diện
nỗi niềm tha nhân

Em mong manh
giấc mơ cổ tích hiền lành
tình đậu trên gành
đợi vầng trăng xanh...