Thứ Tư, 17 tháng 5, 2017

Tự Điển Tiếng Việt Đổi Đời - 2




Đào Văn Bình


Thật đau buồn! Tiếng Việt- một ngôn ngữ được tổ tiên sáng tạo, dày công vun đắp, tô bồi với một kho tàng học thuật, văn chương lừng lẫy, nay đang bị tiếng Anh lấn áp, loại bỏ giống như thời thuộc địa vậy. (ĐVB)


(tiếp kỳ 1)


D.


- Dân du lịch/đi chơi trở thành phượt thủ (VnExpress). Tôi không hiểu họ lấy chữ “phượt” ở đâu ra. Có thể từ tiếng Miên?


- Dẫn bóng một mình/đi bóng một mình trở thành solo. Trong nước ai cũng giỏi tiếng Anh cả. Thật đáng mừng vì chỉ cần vài chục năm nữa Việt Nam sẽ giống Phi Luật Tân, tiếng Anh là ngôn ngữ chính, tiếng Việt là ngôn ngữ phụ hay thổ ngữ. Thật đau buồn! Tiếng Việt- một ngôn ngữ được tổ tiên sáng tạo, dày công vun đắp, tô bồi với một kho tàng học thuật, văn chương lừng lẫy, nay đang bị tiếng Anh lấn áp, loại bỏ giống như thời thuộc địa vậy. Nghe các cô các cậu choai choai trên sân khấu ở Việt Nam nói tiếng Mỹ “ba rọi”, trong khi khán giả ở dưới toàn là dân ăn nước mắm, nhe răng cười, tôi cảm thấy tủi hổ cho một đất nước bát nháo, suy đồi quá mức!


Tại Mỹ này, trong các buổi lễ, sinh hoạt cộng đồng, ông/bà dẫn chương trình nào (MC) mà nói chen tiếng Anh vào, chắc chắn sẽ bị đuổi khỏi sân khấu vì khinh thường khán giả. Ở hải ngoại người ta biết quý trọng tiếng Việt tại sao trong nước lại chạy theo lai căng, bát nháo, loại bỏ ngôn ngữ của tổ tiên?


-Diện tích trở thành mặt bằng. Thí dụ: Tính diện tích của một hình vuông trở thành tính mặt bằng của một hình vuông. Rồi nào là “máy ủi mặt bằng”. Thật lạ đời! Đã là “mặt bằng” rồi thì con ủi gì nữa? Do đó phải nói, “máy ủi, máy ban đất”.


- Diễn binh, duyệt binh trở thành diễu binh. Hồi nhỏ tôi nghe người lớn nói diễu phố nay thì có diễu binh.


- Diễn văn trở thành bài nói . Cái kiểu bịa đặt chữ nghĩa này là muốn “thoát Trung” đây.


- Doanh nhân/doanh gia/công ty trở thành doanh nghiệp (doanh nghiệp là nghề kinh doanh chứ không phải người kinh doanh/doanh gia). Người ta nói, doanh nghiệp, ngư nghiệp, nông nghiệp, lâm nghiệp…(nghiệp là nghề).


- Dồn nén, bực tức trở thành bức xúc. Tôi rất khó chịu với hai chữ này. Cứ mỗi lần nghe ai nói “bức xúc” thì chính tôi lại “bức xúc”.


- Du lịch trở thành đi tour (lai căng)


- Dự định trở thành dự kiến. Dự định (planned) là chuẩn bị làm gì. Còn dự kiến (foresee) là nhìn thấy trước, biết trước (nhưng chưa chắc đã làm gì). Cả nước có bệnh nói như con vẹt mà không hề biết phân biệt đúng-sai.


- Dự báo thời tiết trở thành Dự báo khí tượng thủy văn (dài lòng thòng). Ở Mỹ này người ta dùng hai chữ Dự Báo Thời Tiết cả mấy trăm năm nay mà có cần thay đổi gì đâu. Dự báo thời tiết bao gồm mưa, gió, nóng, lạnh, bão tố, hạn hán, lụt lội, sóng thần, động đất. Dự báo thời tiết bao gồm tất cả, giống như tiệm bán lẻ (retailer) bán cả ngàn thứ, chẳng lẽ phải kê khai hết ra sao?


- Dùng thuốc kích thích trở thành doping. (BBC tiếng Việt rất thích loại tiếng Anh “ba rọi” này)


- Dương Cầm trở thành Piano


- Dưỡng khí trở thành ô-xy . Xin nhắc ông Tây về nước lâu lắm rồi đó.


Đ.


- Đá dở, đá kém, để mất bóng (bóng tròn) trở thành xử lý bóng không tốt. Trong nước cái gì cũng xử lý. Tử hình, bắt giam, giải quyết công việc cũng gọi là xử lý. Lọc chất thải cũng gọi là xử lý chât thải. Phơi khô gỗ để làm gì đó cũng gọi là xử lý gỗ. Xén vỏ cứng trên đầu hạt sen để hạt sen có thể nảy mầm cũng gọi là xử lý. Giải tỏa hàng quán choán lề đường cũng gọi là xử lý. Đúng là loại ngôn ngữ điên khùng.


- Đá phạt đển trở thành đá penalty (Tây ba rọi)


- Đã quyết định, dứt khoát quyết định trở thành chốt (như đóng chốt khi giao chiến). ”Chưa chốt án cầu thủ SLNA đấm gãy mũi đồng nghiệp” (VOV). Rồi, “Thủ tướng chốt quyết định nghỉ Tết tám ngày”. Đúng là ngôn ngữ điên khùng. Câu văn đơn giản chỉ là, “Chưa quyết định trừng phạt cầu thủ Sông Lam Nghệ An đấm gẫy mũi đồng nghiệp”, “Thủ tướng đã quyết định nghỉ Tết tám ngày”.


- Đã từng có bệnh, mắc bệnh trở thành tiền sử có bệnh (Tiền sử là thời kỳ ăn lông ở lỗ)


- Đài Truyền Hình Việt Nam trở thành Kênh Truyền Hình Việt Nam. Nghe tới “kênh” cứ tưởng Kênh Nhiêu Lộc, Kênh Xáng Xà No, Kênh Vĩnh Tế. Nếu qua tới Mỹ, Đài Truyền Hình CNN của người ta mà nói Kênh Truyền Hình CNN, chắc người ta đuổi về nước quá.


- Đấm bóp, nghề đấm bóp, xoa bóp trở thành Mát-xa (Massage).


- Đáng ghi nhớ, đáng nhớ, lưu luyến, thích thú, lưu lại nhiều kỷ niệm trở thành ấn tượng. Ớ Việt Nam bây giờ cái gì cũng ấn tượng, hoành tráng… cả nước nói như những con vẹt và ngôn ngữ rất nghèo nàn, rập khuôn.


- Đánh cá trở thành đánh bắt. Thí dụ: “Một số tàu cá Philippines quay lại đánh bắt ở bãi cạn Scarborough”. (BBC Việt Ngữ). Đánh cá là dùng lưới. Còn bắt cá là dùng tay. Tôi đồng ý là ở vùng nông thôn, người ta vừa đánh cá vừa bắt cá ở đồng ruộng. Thế nhưng ở Bãi Cạn Scarborough biển cả mênh mông, sóng to gió lớn làm sao có thể lội xuống biển để “bắt” cá được? Tiếng Việt trong nước bây giờ có tệ nạn là thêm cái đuôi dư thừa vào. Trong khi một số khác lại cắt cụt nghe khó chịu vô cùng, như: lệ phí chỉ còn phí, chuyên môn/chuyên nghành chỉ còn chuyên, nhi đồng chỉ còn nhi, đội tuyển chỉ còn tuyển, tiêu chuẩn chỉ còn chuẩn như: “Xây dựng trường và đào tạo theo chuẩn Hoa Kỳ” (Báo Tuổi Trẻ), máy bay săn tàu ngầm chỉ còn máy bay săn ngầm (trong khi đó lại nói tàu ngầm Kilo mà không nói ngầm Kilo), kinh khủng chỉ còn khủng, rẻ như bèo chỉ còn bèo, bệnh viện chỉ còn viện… Với cái kiểu cắt cụt tiếng Việt như thế này chỉ vài năm nữa thôi bánh bao chỉ còn bao, bánh hỏi chỉ còn hỏi, bánh chưng chỉ còn chưng, lợn quay/heo quay chỉ còn quay và xe bò chỉ còn bò. Thật bát nháo quá đỗi!


- Đánh thuế trở thành áp thuế. Thí dụ: “Trump muốn áp thuế nhập khẩu Mexico để trả tiền xây tường” (BBC Việt Ngữ). Về thuế thì chỉ có: đánh thuế, tăng thuế, giảm thuế…làm gì có áp thuế? Câu văn đơn giản chỉ là,


“ Ô. Trump muốn đánh thuế hàng nhập cảng từ Mễ Tây Cơ để lấy tiền xây tường”. Nhưng khi nói “áp đặt” tức đặt để, ban hành, áp dụng một cái gì không hợp lý, chẳng hạn: Euro đã áp đặt một thuế xuất không hợp lý trên hàng nhập cảng từ Việt Nam.


- Đạt đúng chỉ tiêu, thỏa mãn điều kiện trở thành đạt tiêu chí


- Đau dữ dội, đau quặn thắt (acute pain) trở thành cấp tính. Thí dụ: Đau bụng dữ dội biến thành đau bụng cấp tính.


- Đau lòng trở thành đắng lòng. Như vậy câu thơ “Nhớ nước đau lòng con cuốc cuốc” của Bà Huyện Thanh Quan sẽ trở thành, “Nhớ nước đắng lòng con cuốc cuốc”.


- Đề nghị trở thành đề xuất.


- Đẹp lôi cuốn, đẹp hấp dẫn trở thành đẹp khó cưỡng (vì khó cưỡng cho nên có thể ôm chầm lấy hoặc hiếp dâm người ta)


- Điểm tối thiểu, điểm thấp nhất (để xét tuyển) biến thành điểm sàn. Trình độ Việt ngữ quá thấp kém.


- Điều dưỡng, y tá trở thành hộ lý (giống như để giải quyết sinh lý cho người ta)


- Điều khiển /điều hòa trở thành điều tiết như điều tiết giao thông. Trong khi từ điển Việt Nam định nghĩa điều tiết là tiết chế, điều chỉnh sao cho vừa như cách ăn uống, mắt, làm việc, tình dục quá độ v.v. Điều tiết không hề có nghĩa là điều khiển.


- Điều tra, thẩm vấn, lấy cung trở thành làm việc. “Công an mời 'người tình' cô gái chết lõa thể lên làm việc” (VOV).


- Đỡ đầu, bao che trở thành bảo kê giống như “bảo tiêu” trong các phim bộ Hồng Kông.


- Đoạn phim ngắn, thu hình ngắn trở thành video clip (Hai chữ này lan tràn trên các diễn đàn ở hải ngoại)


- Đối xử nhân đạo, đối xử có tình người biến thành đối xử nhân văn. Theo tử điển Tiếng Việt trong nước xuất bản sau 1975 thì nhân văn là văn minh loài người, hoàn toàn không có nghĩa là nhân đạo. Nói tóm lại, trong nước muốn nói gì thì nói, muốn viết gì thì viết mà không cần tra cứu sách vở, từ điển gì cả.


- Đội Tuyển Việt Nam trở thành Tuyển Việt Nam


- Đội Tuyển Ba Tây trở thành Tuyển Ba Tây


- Đổi giống (đàn ông thành đàn bà) trở thành chuyển giới. Giống là giống đực, giống cái. Còn giới là giới hạn , sự ngăn cấm (giới luật, biên giới). Từ ngàn năm tới giờ người ta nói “giống đực, giống cái”, không ai nói “giới đực, giới cái”.


- Đóng thêm bốn chiếc tàu trở thành đóng mới bốn chiếc tàu. Trồng cây cao-su cũng là trồng mới. Đúng là tiếng Việt điên khùng. Nếu loại tiếng Việt điên khùng này tiếp tục lan tràn, trong tương lai trẻ con sẽ nói, “Mẹ cháu vừa nấu mới nồi cơm”. “Bố cháu vừa mua mới mấy chiếc tủ”, “Bà cháu vừa gói mới mấy chiếc bánh chưng”. VietnamPlus ngày 15/3/2107: “Bất chấp dư luận, Trung Quốc vẫn xây dựng mới trái phép ở Hoàng Sa”. Câu văn không điên khùng và bát nháo sẽ là, “Trung Quốc xây dựng những công trình mới tại Hoàng Sa.” Báo Tuổi Trẻ đúng đắn hơn khi đưa tin, “Trung Quốc xây thêm căn cứ mới ở Hoàng Sa”


- Đồng bạc Việt Nam, giấy bạc Việt Nam trở thành tiền Đồng (BBC tiếng Việt)


- Đột ngột, bất ngờ trở thành đột biến. Thí dụ: “Giá vàng tăng bất ngờ” trở thành “Giá vàng tăng đột biến”. Xin nhớ cho”đột biến” là một tình thế bỗng nhiên thay đổi, rẽ sang một hướng khác. Đột biến nói đến sự khủng hoảng. Khi người ta nói “có biến” hay “biến động” tức tình hình có thể là một cuộc đảo chính, lật đổ, kéo quân về làm phản. Còn “bất ngờ” chỉ là sự không dự liệu và tiên đoán trước. Thí dụ: “Cháu nó bất ngờ đổi ý kiến không làm cho hãng ấy nữa”. Ngu dốt mà cầm bút làm xáo trộn và phá hoại ý nghĩa của ngôn ngữ đã có cả ngàn năm nay.


- Đứng đầu, hàng đầu trở thành top (lai căng mất gốc)


- Đường trở thành phố. Trong nước không phân biệt được thế nào là phố, thế nào là đường vì thế đã dịch “Wall Street” thành”Phố U-ôn”. Đây là khu thương mại, tài chính của Mỹ nằm trên “Đường Wall”chứ nó không phải “Phố U-ôn”. Theo từ điển Việt Nam ở trong nước “phố” là “nhà ở thành thị” do đó người ta thường nói “một khu phố”, “một dãy phố”. Vậy “phố” không phải là “đường”. Thí dụ: Đường Trần Hưng Đạo trên đó có nhiều dãy phố buôn bán nhưng không vì thế mà gọi cả con Đường Trần Hưng Đạo là “Phố Trần Hưng Đạo”.


- Đường giây thông báo khẩn cấp/đường giây ứng trực 24/24 trở thành đường giây nóng. Trong nước cái gì cũng nóng, ghế nóng, thưởng nóng, tin nóng, bắt nóng… đúng là loại ngôn ngữ điên khùng!


- Đường hầm trở thành hầm. Đường hầm Thủ Thiêm trở thành hầm Thủ Thiêm. Xin nhớ cho đường hầm khác với hầm. Đường hầm là con đường đào xuyên dưới đất. Còn hầm là một cái hố đào xâu xuống đất để trú ẩn hay cất chứa cái gì như hầm chứa vũ khí. Báo chí trong nước toàn những người “can đảm” muốn viết gì thì viết và không sợ người ta chê cười. Nghĩ thật đáng sợ! Nguyên do chỉ vì đất nước không có một tổ chức tư nhân hay cơ quan nào giám sát, dòm ngó để phê bình tư cách đạo đức và trình độ văn hóa của báo chí. Tại Hoa Kỳ này, báo chí hay đài truyền hình nào mà “ăn nói”, viết theo kiểu như vậy thì chỉ có nước về nhà xin đi làm bồi bàn hay lau chùi quét dọn. Các bài phóng sự của các ký giả gạo cội gửi về đều có chủ bút (editor) duyệt lại từ nội dung tới văn chương chứ không phải gửi về là đăng liền. Cứ nhìn vào phần cuối bản tin của AP, AFP, Reuters, UPI…sẽ thấy. Ôi buồn cho đất nước “Ngàn năm văn hiến”! Văn hiến không có nghĩa là có nhiều gái đẹp thi Hoa Hậu Hoàn Vũ, hay người mẫu nhố nhăng quảng cáo quần nọ áo kia, mà là văn chương và các tác phẩm văn học và nhất là con người sống sao cho thanh cao, khí phách. Văn hiến cũng không có nghĩa là trùng tu lại một số đình chùa, cung điện, miếu mạo để làm nơi hấp dẫn du lịch để kiếm tiền…mà là làm sao nối gót và bồi đắp gia tài văn học của tổ tiên.


- Đường lối, ngõ ngách ngoại giao trở thành kênh ngoại giao. Trong nước không rành tiếng Anh cho nên thấy chữ channel bèn dịch là kênh trong khi channel có rất nhiều nghĩa. Thí dụ: TV channel là đài truyền hình (a station) chứ không phải kênh truyền hình. Tiếng Anh tồi mới dịch “diplomatic channel” là “kênh ngoại giao”. Nó là đường lối, ngõ ngách ngoại giao bao gồm thương thảo trực tiếp, mật đàm hay thông qua trung gian của nước thứ ba.


G.


-Gái vị thành niên rửng mỡ trở thành hot teen


-Gái xinh, gái nhí nhảnh trở thành “hot girl” trong khi “hot girl” là gái trông gợi dục, gái trông hấp dẫn về thể xác (thường ăn mặc hở hang, phô bày thân thể quá mức, cử chỉ lả lơi mời mọc). Cả trong trường học bây giờ cũng có “hot girl”. Đúng là ngu dốt mà thích dùng tiếng Anh để tỏ ra đây là Mỹ. Báo Thanh Niên ngày 8/3/2017 đi một tiêu đề, “Quan lộ thần tốc của 'hot girl' Thanh Hóa”. Một nhân viên giữ chức vụ Trưởng Phòng Quản Lý Nhà và Thị Trường Bất Động Sản, cho dù có tội mà dùng danh từ “hot girl” để thóa mạ người ta thì đúng là một nền báo chí bát nháo, không có học.


- Gần gũi, giao tiếp, tiếp xúc, đến gần trở thành tiếp cận. Khi Ô. Tillerson- Bộ Trưởng Ngoại Giao Hòa Kỳ thăm các nước Nam Hàn, Nhật Bản đã không cho báo chí tháp tùng và không tiếp xúc với báo chí, bèn được các trang tin BBC và VOA nói rằng “không được tiếp cận”. Đúng là ngôn ngữ bát nháo, dốt thường hay nói chữ và có khi không hiểu mình viết gì.


- Gây giống trở thành nhân giống. Gây giống là giữ gìn và gia tăng giống của một loại cây hay sinh vật nào đó qua một tiến trình khó khăn, có nghiên cứu chứ không phải cứ muốn tăng lên là tăng, muốn nhân lên là nhân.


- Ghi danh, ghi tên trở thành đăng ký. Thí dụ: Ghi danh dự thi, ghi tên ứng cử. Còn đăng ký, đăng bạ là ghi tên vào sổ bộ. Thí dụ: Đăng ký, đăng bạ xe gắn máy.


- Giá rẻ như bèo/giá rẻ mạt trở thành bèo. “Lương tiếp viên khủng hay bèo”. Rồi Báo Tuổi Trẻ, “Quảng Ninh chấn chỉnh tour du lịch giá bèo.” Đây là ngôn ngữ của loại lưu manh đứng bến nói chuyện với nhau. Vừa lai căng, vừa bát nháo. Ngôn ngữ đứng đắn phải là, “Quảng Ninh chấn chỉnh lại các chuyến du lịch giá quá rẻ”.


- Giá vé máy bay mức cao nhất và thấp nhất biến thành giá trần, giá sàn hàng không (VietnamPlus). Câu văn điên khùng ở chỗ là, chỉ có vé máy bay chứ làm gì có vé hàng không. Hàng không là ngành chuyển vận bằng máy bay. Hàng hải là ngành chuyển vận bằng đường biển. Ngoài ra “giá trần” làm cho người ta liên tưởng tới “giá trần”, “hành trần” để ăn phở. Rồi cao độ tối đa (maximum altitude) của máy bay trở thành “trần bay”.


Trong nước bây giờ cái gì cũng trần và sàn. Những danh từ như cao nhất, thấp nhất đã bị xóa trong từ điển Việt Ngữ.


-Gia đình trở thành hộ dân.


- Giải trở thành Cup.


- Giải thích, cho biết lý do tại sao trở thành lý giải. “Người Sài Gòn lý giải việc tự nguyện trả lại vỉa hè”. Tôi không hiểu tại sao trong nước, đa số vừa nghèo, vừa ít học nhưng rất thích dùng những chữ “đao to búa lớn”.


- Giải túc cầu/bóng đá thế giới trở thành World Cup


- Giải pháp trở thành kịch bản. Thí dụ: Giải pháp nào cho cuộc xung đột Syria trở thành Kịch Bản nào cho Syria. Trong nước, chỗ nào, lãnh vực nào, bài báo nào cũng thấy hai chữ kịch bản, kịch tính giống như phường tuồng, sân khấu vậy. Thậm chí sắp đặt chương trình cho buổi lễ nhậm chức cũng gọi là lên kịch bản, “lên kịch bản cho lễ nhậm chức của Tổng Thống đắc cử Mỹ Donald Trump.” Rồi “Việc phát lộc gây lộn xộn tại chùa Hương không có trong kịch bản” (VietnamPlus) Thật là loại ngôn ngữ quái đản! Thế mà các diễn đàn ở hải ngoại cũng đua nhau chuyển tiếp (forward) loại ngôn ngữ điên khùng này. Nếu là một người có học sẽ viết, “Việc phát lộc gây lộn xộn tại chùa hoàn toàn ngoài ý muốn”.


- Giải trở thành cúp.


- Giải phẫu trở thành phẫu thuật.


- Giải thích, tìm hiểu trở thành giải mã. Giải mã là bẻ khóa mật mã để đọc một tải liệu mã hóa của đối phương. Hiện nay trong nước hai chữ “giải mã” được dùng một cách vô tội vạ.


- Giải tỏa trở thành giải phóng như giải phóng mặt bằng - giống như đem binh sĩ, xe tăng tấn công vào chiếm cứ một khu vực nào đó.


- Giảm bớt căng thẳng trở thành hạ nhiệt. “Sau khi Malaysia có những tín hiệu nhằm hạ nhiệt căng thẳng leo thang.” (Báo Tuổi Trẻ) giống như một người bị sốt, nhiệt độ cơ thể giảm dần. Dường như tất cả các báo ở Việt Nam không có chủ nhiệm, chủ bút, trưởng ban đọc lại các bản tin do phóng viên gửi về để cắt xén bớt những câu văn thừa thãi, chỉnh lại văn phạm , cách dùng chữ v.v… mà cứ thấy bài là đăng lên, chẳng cần biết đúng sai.


- Giảm bớt nhân viên/sàng lọc lại nhân viên trở thành tinh giản biên chế. Cứ phải đọc những loại chữ như thế này có ngày nhức đầu mà chết.


- Giao kèo, khế ước/thỏa thuận (account) để có một khoản/phần/chỗ trên Facebook trở thành tài khoản trong khi tài khoản là khoản tiền có trong ngân hàng.


- Giao dịch, liên lạc, hỗ tương, tác động qua lại trở thành tương tác. Chữ nghĩa thật điên khùng! Trong nước bây giờ nhiều khi nói mà không biết mình nói gì, giống như những kẻ mê sảng vậy.


-Giấy chứng nhận độc thân (Single Status Certificate) trở thành “Công hàm độc thân” trong khi công hàm là văn thư của bộ ngoại giao gửi các quốc gia hay tổ chức quốc tế. Đúng là chữ nghĩa lộn sòng, bát nháo và “đao to búa lớn”.


-Giờ trở thành “h” (heure). 8 giờ trở thành 8h. (Lai Tây từ thời thuộc địa). 7 giờ sáng trở thành 7h sáng. Tại sao không viết 7 g. sáng, 5 g. chiều, 9 g. tối, 12 g. khuya?


- Giữ gìn trở thành bảo lưu. Thí dụ: Giữ gìn một phong tục trở thành “bảo lưu phong tục” giống như tiếng nói của một hành tinh xa lạ. Người đàn ông ở Văn Miếu nói câu này bao năm vật lộn với miếng khoai, miếng sắn và miếng thịt mỡ nhỏ bằng ngón tay của “thời bao cấp” cho nên gần như “quên mất tiếng người”. Nay thì có thịt có cá, có quần áo đẹp, muốn phục hồi và giữ gìn phong tục tập quán của tổ tiên nhưng trong đầu không có các chữ “giữ gìn, bảo tồn” cho nên phải sáng chế ra chữ mới là “bảo lưu”. Nghĩ thật tội nghiệp!


- Giúp đỡ, chia xẻ, chia ngọt xẻ bùi, thông cảm, kề vai sát cánh đã chết bây giờ chỉ còn “đồng hành”. Chỗ nào cũng thấy “đồng hành”. Cả hải ngoại cũng lây bệnh “đồng hành”. Thậm chí một phóng viên tới thăm một chủ trại nhỏ muôi ngựa cũng nói “đồng hành”. Thật điên khùng quá mức! Giống như một con vẹt vậy. Nghĩ cho cùng thật tội nghiệp! “Ở bầu thì tròn ở ống thì dài”. Cả nước nói vậy thì mình cũng phải nói vậy!


- Gọi điện thoại trở thành gọi phôn. Số điện thoại trở thành số phôn (mất gốc rồi)


(Còn tiếp)

Thứ Ba, 16 tháng 5, 2017

Tự Điển Tiếng Việt Đổi Đời- A,B và C

Tự Điển Tiếng Việt Đổi Đời


Đào Văn Bình








Đôi Lời Phi Lộ:


Bất cứ một dân tộc nào nếu đã hình thành một nền văn học, đều có hai loại văn chương bác học và văn chương bình dân. Ngôn ngữ cũng có ngôn ngữ trí thức và ngôn ngữ đường phố. Phê bình văn học, phê bình cách sử dụng ngôn ngữ là điều phải có để đất nước tiến lên. Trước đây ở Miền Nam, một số nhà văn, nhà báo dùng chữ hay viết văn không đúng cũng đã bị phê phán chứ không phải muốn viết gì thì viết. Ngày nay, ngôn ngữ ít học, đứng bến, mánh mung, đường phố giống như cỏ dại lan tràn rất nhanh vì nó được phổ biến qua các bản tin, báo chí, các trang điện tử, truyền hình, đài phát thanh, các diễn đàn… cho nên nó dễ dàng giết chết ngôn ngữ “văn học” thường phải xuất hiện qua sách vở. Nếu không ngăn chặn kịp thời, loại ngôn ngữ lai căng, bát nháo, quái đản sẽ trở thành dòng chính của văn học…và khi đó thì hết thuốc chữa. Việt Nam ngày nay đang đứng trước thảm họa đó! Ngoài ra, “văn dịch” phần lớn từ các bản tin tiếng Anh của những người không rành tiếng Anh lại kém tiếng Việt đã phá nát cú pháp (văn phạm) Việt Nam. Hiện nay BBC Việt Ngữ đã góp phần rất lớn vào việc tàn phá tiếng Việt truyền thống.


Xin nhớ cho, thay đổi mà tốt hơn, hay hơn thì người ta hoan nghênh. Thay đổi mà xấu, tệ hơn là phá hoại. Ngoài ra, không có gì “lớn” cho bằng “cầm bút” nhưng cũng không có gì “xấu xa” cho bằng viết bậy, viết nhảm, viết sai sự thật và nhất là phá hoại ngôn ngữ truyền thống của dân tộc. Sau hết, tôi xin nhắc những người làm báo trong nước và cả BBC tiếng Việt: Dân đường phố, mánh mung, đứng bến vì ít học cho nên ăn nói bậy bạ. Nhà báo là người có học phải hướng dẫn “đường phố” để họ từ từ tiến lên, ăn nói mẫu mực, viết cho đàng hoàng, thế nhưng lại chạy theo “đường phố” để phá nát tiếng Việt. Thật đáng buồn!


Dưới đây là bảng so sánh tiếng Việt truyền thống và tiếng Việt đổi đời xếp theo thứ tự A,B,C… (Vì cuốn từ điển dài tới 22 trang cho nên chúng tôi phải cắt ra thành 5 kỳ.)


Kỳ 1: Vần A, B, và C


A.


- Ăn uống trở thành ẩm thực.


Thói quen/cách ăn uống trở thành văn hóa ẩm thực, giống như mấy ông Ba Tàu ở Chợ Lớn nói chuyện với nhau năm xưa. Các “món ăn miền Bắc” trở thành “Ẩm thực miền Bắc”.


Người ta thích là thích các “món ăn” miền Bắc chứ miền Bắc có đồ uống (ẩm) gì ra hồn đâu mà thích? Rồi nào là, “Du khách nước ngoài tham gia tour trải nghiệm ẩm thực tại Hội An” (Báo Sài Gòn Giải Phóng). Thực ra câu chuyện chỉ là, “Du khách ngoại quốc vừa du lịch vừa thưởng thức các món ăn ở Hội An” nhưng lại viết dưới dạng cầu kỳ vì ít học. Xin nhớ cho ăn uống không phải là văn hóa vì loài thú cũng ăn uống. Con hổ sau khi ăn thịt con nai xong bèn ra bờ suối uống nước. Nhưng nếu biết nấu nướng cho đàng hoàng, lịch sự, biết mời chào nhau thì nó là một nét của văn hóa.


- Ăn mặc dâm ô, ăn mặc hở hang, ăn mặc bẩn mắt trở thành ăn mặc phản cảm. Một hình ảnh gây bất binh, xúc phạm, khó chịu cho người ta cũng gọi là phản cảm.


Chỗ nào cũng thấy phản cảm và không còn một tính từ nào khác. Ăn mặc phản cảm là ăn mặc thế nào? Chẳng hạn một cô gái đến chùa “ăn mặc phản cảm” thì cô gái đó ăn mặc ra sao? Hoặc váy ngắn quá, hoặc áo hở vú, hở lưng, hoặc mặc quần đùi (short) hoặc mặc đồ mỏng dính (bây giờ gọi là xuyên thấu) thì phải nói ra cho người ta biết chứ. Tiếng Việt trong nước càng ngày càng trở nên nghèo nàn và kho tàng ngôn ngữ truyền thống sẽ chỉ còn một nửa hay bị hủy diệt bởi những chữ như: hoành tráng, phản cảm, giải mã, kinh điển, ấn tượng, sốc, kịch tính, kịch bản, cơ bản, thi công, xử lý, nóng (hot), khắc phục, tiếp cận … Những danh từ đơn giản, thuần Việt do tổ tiên sáng tạo cả ngàn năm nay từ từ biến mất để thay thế bằng tiếng Tàu nhức đầu, lạ hoắc… và quá nhiều tiếng lóng, tiếng Tây, tiếng Anh “ba rọi” chen vào.





B.


- Bạch phiến trở thành ma túy đá


- Bài giải, đáp số trở thành đáp án.


Thật điên khùng quá mức! Thí dụ: “Đáp án bài toán lớp 7 thử tài tư duy” (VnExpress). Làm toán mà “tư duy” cái gì? Chì cần nói “giỏi toán”. Câu văn gọn gàng, sáng sủa mà không bắt độc giả phải “tư duy” sẽ là: “Thử tài các bạn. Hãy giải một bài toán Lớp 7.” Nghe nói VnExpress là tờ báo điện tử được nhà nước/chính phủ cấp bằng khen.


- Bài giảng trở thành giáo án. Soạn bài giảng trở thành “soạn giáo án”. Nghe thấy mà ghê!


- Ban nghi lễ trở thành ban lễ tân (ông nào chế ra chữ này chắc trước đó có học ở bên Tàu thời Mao Trạch Đông hay Đặng Tiểu Bình). Xin nhớ,”lễ tân” chỉ là tiếp khách. Còn “nghi lễ” là cả một thể thức có khi vô cùng phức tạp để hoàn tất một buổi lễ lớn hoặc tiếp đón các vị nguyên thủ quốc gia.


- Bản tiếng Việt, bản tiếng Anh, bản tiếng Hoa (cùa một tờ báo) trở thành phiên bản tiếng Việt, phiên bản tiếng Anh, phiên bản tiếng Hoa.


Mở các Từ Điển English-Chinese Dictionary ra sẽ thấy người Tàu định nghĩa “copy” là phiên bản. Thậm chí “version” là bản mô phỏng, phỏng theo cũng trở thành phiên bản. Đúng là “điếc không sợ súng”. Không được đi học, không hỏi người lớn, không tra từ điển, không nghiên cứu mà cứ viết, cứ nói. Một đất nước, một cộng đồng như vậy thật đáng sợ! Dân tộc Nhật tiến lên là họ biết xấu hổ (Khổng Tử gọi là tu ố). Khi biết mình sai, họ rất xấu hổ và có khi phải tự sát. Một dân tộc mà không biết xấu hổ thì hết thuốc chữa.


- Bàng hoàng, choáng váng, hết sức ngỡ ngàng trở thành sốc (shock)


- Bánh xe/vỏ xe trở thành lốp


- Bao gồm, bao hàm, hàm chứa (một số vấn đề) trở thành nội hàm. Ông nào dùng hai chữ này chắc là viện sĩ Viện Hàn Lâm Khoa Học,Văn Chương và Ngôn Ngữ Việt Nam.


- Bảo đảm trở thành đảm bảo, bảo hành. Xe cộ, món đồ, máy móc được bảo đảm (warranty) trong bao lâu trở thành bảo hành. Hành nghĩa là làm, làm gì ở đây mới được chứ?


- Bảo trì, giữ gìn trở thành bảo quản


- Bắp thịt trở thành cơ bắp. Biểu diễn/khoe bắp thịt trở thành biểu diễn cơ bắp. Phô diễn sức mạnh quân sự cũng gọi là biểu diễn cơ bắp.


Đúng là loại ngôn ngữ đường phố, bát nháo, đứng bến, mánh mung.


- Bắt ngay trở thành bắt khẩn cấp, bắt nóng.


Trong nước cái gì cũng nóng hay lạnh. Ngôn ngữ truyền thống sẽ lần hồi diệt chủng. Thưởng ngay trở thành thưởng nóng! Thế mới hay ngu dốt mà làm văn hóa thì nguy hại ngàn đời!


- Bên trong (của chiếc xe hơi) biến thành nội thất! Đúng là tiếng Việt kiểu cung vua phủ chúa.


- Bệnh viện nhi đồng cắt cụt chi còn bệnh viện nhi trong khi từ điển trong nước nói rằng chữ “nhi” không bao giờ đứng một mình. Nó phải đi kèm với một chữ khác. Như vậy Tết Nhi Đồng giờ đây chỉ còn Tết Nhi! Đúng là chữ nghĩa quái đản, muốn viết gì, nói gì thì nói.


- Bích chương (dán lên tường) trở thành Áp-phích


- Biến cải, thay đổi trở thành cải tạo.


Thí dụ: Trung Quốc cải tạo bãi đá ngầm thành đảo. Trong nước nên bỏ hai chữa “cải tạo” vì nó gợi lại hình ảnh cả triệu quân-cán-chính VNCH bị “tù cải tạo”.


- Biển, tấm bảng trở thành Pa-nô (Panneau)


- Biểu ngữ trở thành Băng-rôn (Bande de role)


- Bình điện trở thành bình ác quy, nạp điện trở thành sạc (charge)


- Bổ túc, trau dồi (kiến thức) trở thành bồi dưỡng (giống như ăn uống để lấy lại sức sau cơn bệnh)


- Bộ đôi, một đôi, một cặp (hai người) trở thành cặp đôi (bốn người)


- Bộ mặt, dáng vẻ biến thành ngoại hình. “Cô ta có dáng vẻ đẹp” nay biến thành “ Cô ta có ngoại hình đẹp”.


Ai dùng hai chữ “ngoại hình” chắc chắn không được cắp sách đến trường hoặc du học Trung Quốc cho nên tiêm nhiễm tiếng Tàu.


- Buổi trình diễn văn nghệ trở thành show. Ca sĩ hát một lúc hai, ba phòng trà gọi là “chạy show”.


Ngày xưa các chiêu đãi viên ở các phòng trà đang tiếp khách này, xin lỗi chạy qua tiếp khách kia gọi là “chạy bàn”.


- Buồn nản, chán đời (depressed) trở thành trầm cảm .


Sao dùng chữ khó khăn quá vậy? Nếu tôi là một tâm lý gia, một bệnh nhân tới nói, “Thưa bác sĩ, tôi cảm thấy buồn nản, chán đời” thì tôi hiểu ngay. Nhưng nếu bệnh nhân nói, “Tôi bị trầm cảm” thì tôi sẽ phải hỏi lại, “Ông/bà nói thêm về tình trạng tâm lý của ông/bà thế nào.” Ngoài ra, từ điển Việt Nam trước và sau 1975 không hề có hai chữ “trầm cảm”.


- Buồng lái /phòng lái trở thành cabin. Thậm chí khoang hành khách trên máy bay cũng gọi là cabin (BBC tiếng Việt)


B.


- Cà-phê cứt chồn trở thành cà-phê chồn. Những người đang chế “cà- phê cứt chồn” có lẽ trước 1975 họ chưa hề biết gì về loại cà-phê này cho nên bây giờ mới gọi đó là “cà-phê chồn”.


- Cách chức, bãi chức, cất chức biến thành miễn nhiệm.


Trong nước không phân biệt được thế nào là nhiệm vụ thế nào là chức vụ. Nhiệm vụ là các việc hay bổn phận phải làm. Còn chức vụ là quyền hạn, địa vị để làm những việc đó. Thí dụ: Tổng thống là chức vụ. Còn nhiệm vụ của tổng thống là thi hành luật pháp, đối nội đối ngoại để bảo vệ quyền lợi của đất nước trên khắp thế giới…có cả ngàn việc. Ngoài ra, người ta chỉ nói mãn nhiệm kỳ (hết nhiệm kỳ) chử không ai nói miễn nhiệm. Miễn có nghĩa là “không” hay “không phải”. Thí dụ: Miễn thuế là không phải đóng thuế. Miễn dịch là không phải nhập ngũ. Miễn tố là không truy tố. Miễn chiến bài là treo bảng không đánh nhau. Miễn lễ là không cần thủ lễ. Do đó, miễn nhiệm có thể gây hiểu lầm là miễn trừ trách nhiệm cho ai đó.


- Căn bản, chính yếu biến thành cơ bản. Hai tiếng cơ bản được dùng tràn lan trong mọi lãnh vực.


Thí dụ: “Mọi việc gần như /hầu như đã hoàn thành”, bây giờ trong nước, từ nhà quê đến con nít đều nói, “Mọi việc cơ bản đã hoàn thành.” Giống như ông “Thạc Sĩ” nói chuyện vậy. Nhức đầu quá!


- Căn nhà trở thành căn hộ. Căn nhà đắt giá trở thành căn hộ cao cấp. Gia đình trở thành hộ dân. Nghe lạ hoắc, giống như người Tàu nói chuyện với nhau.


- Cảng bốc dỡ các kiện hàng trở thành cảng container


- Căng thẳng thần kinh trở thành stress. “Gác chân lên tường 10 phút mỗi ngày để xả stress” (VnExpress)


Nói như thế người ta mới nể vì tưởng mình là dân Mỹ, hoặc các chữ “căng thẳng thần kinh/căng thẳng đầu óc” đã bị xóa mất trong ngôn ngữ Việt Nam?


- Cao cấp trở thành cấp cao (BBC tiếng Việt): Cố vấn cấp cao. (Thích đảo ngược chữ nghĩa để làm ra vẻ mình khác đời)


- Cao Học (Master Degree) trở thành Thạc Sĩ (Agregé) trên Tiến Sĩ. Trước 1975, muốn có bằng Thạc Sĩ, sau khi đậu bằng Tiến Sĩ (Doctor) phải thi để trở thành Giáo Sư Thực Thụ của các đại học.


Miền Nam trước 1975 chỉ có vài giáo sư Thạc Sĩ như GS. Vũ Văn Mẫu, GS. Nguyễn Cao Hách, GS. Vũ Quốc Thúc, GS. Phạm Biểu Tâm và Giáo Sư Phạm Hoàng Hộ nhưng Tiến Sĩ thì khá nhiều. Ngày nay, ở Việt Nam, hang cùng ngõ hẻm, xã ấp nhan nhản Thạc Sĩ. Ngày xưa “Ra ngõ gặp anh hùng”. Ngày nay “Ra ngõ gặp Thạc Sĩ”. Thật kinh hoàng!


- Cầu thủ nước ngoài trở thành ngoại binh. Thí dụ: “Ngoại binh nổ súng, Sài Gòn FC quật ngã SHB Đà Nẵng” (Đài Tiếng Nói Việt Nam VOV). Đọc tiêu đề giật mình tưởng lính Nga, lính Mỹ, lính Tàu tiến vào tấn công Việt Nam.


- Cặp tức hai người trở thành cặp đôi=bốn người. Nếu có học sẽ nói bộ đôi /một đôi tức hai người. Vì không có học cho nên nói cặp đôi tức bốn người. Xin nhớ cho đôi là hai người như đôi bạn, đôi lứa, đôi nơi, đôi ngả. Cặp cũng là hai người. Cặp gà=hai con gà, cặp bánh chưng=hai chiếc bánh chưng, đóng cặp=hai tài tử thường đóng chung với nhau. Như thế, “cặp đôi” là bốn người chứ không phải hai người.


- Câu độc giả, câu khách trở thành câu view. Lai căng mất gốc.


- Cây trở thành cây xanh. Trồng cây trở thành trồng cây xanh. Chặt cây trở thành chặt cây xanh.


Đúng là tiếng Việt đổi đời! Nếu theo đúng loại tiếng Việt đổi đời này thì phải nói: Chúng tôi vừa trồng 100 cây phượng xanh, 50 cây cau xanh , 50 cây dừa xanh và khoảng 10 cây chuối xanh. Rồi các loại cây ăn trái như ổi, nhãn, soài, đu đủ…trở thành “cây trồng”. Đúng là loại tiếng Việt điên khùng. Cây nào mà chẳng phải trồng. Thậm chí hành, ớt, tỏi, cũng phải trồng. Thêm chữ “trồng” là điên rồ.


- Cây cảnh, cây kiểng trở thành bonsai . Nếu cây trồng trong vườn, công viên cắt tỉa theo kiểu cây cảnh/kiểng thì không thể gọi là bonsai vì bon sai là bồn tài - nghĩa là “trồng trong chậu”. Bồn là chậu, tài là trồng.


- Chảo không dính trở thành chảo chống dính. Trong nước cái gì cũng chống, Chẳng hạn, thay vì nói, phòng ngừa ung thư lại nói phòng chống ung thư. Thay vì nói bài trừ ma túy lại nói phòng chống ma túy tức chỉ phòng ngừa và chống lại chứ không bài trừ, tiêu diệt. Rồi “Làm thang sắt để tránh lấn chiếm vỉa hè” trở thành “Làm thang sắt chống lấn chiếm vỉa hè”. (Báo Thanh Niên) Cũng giống như “Tôi đội nón để tránh nắng/che mưa nắng” nay trở thành “Tôi đội nón để chống nắng”. Thật ngu đần! Làm sao chống được nắng? Chỉ có che nắng hoặc tránh nắng mà thôi.


- Chạy tin giật gân/đưa tin giật gân/ đưa lên tin hàng đầu trở thành chạy tít, giựt tít.


- Chết trở thành tử vong. Tai nạn làm bốn người chết trở thành tai nạn khiến bốn người tử vong. Nói vậy mới tỏ ra mình giỏi tiếng Tàu à quên “tiếng Trung”.


- Chết bất ngờ, chết đột ngột trở thành đột tử. Ngã quỵ, ngất xỉu trở thành đột qụy.Thích dùng chữ nghĩa khó khăn mà kêu gào tiếng Việt trong sáng.


- Chết đuối trở thành đuối nước. Cả ngàn năm nay cha ông mình, văn chương đều dùng hai chữ “chết đuối” sao bây giờ bịa đặt thêm để làm gì? Đổi chết đuối ra đuối nước có làm cho đất nước mình biến thành Mỹ, Âu Châu, Nhật Bản không? Một trăm năm nữa cũng chưa chắc bằng Tân Gia Ba. Hãy đổi đầu óc, lối sống sao cho đàng hoàng, tử tế, chân thật và có trách nhiệm. Đừng làm xáo trộn gia tài ngôn ngữ của tổ tiên.


- Chi tiền, trả tiền trở thành chi trả. Sao rắc rối quá vậy?


- Chiến cụ, vật dụng chiến tranh trở thành khí tài. Từ điển Việt Nam trong nước không có danh từ “khí tài”.


- Chính sửa, cắt xén trở thành photoshop


- Cho lãnh sự tiếp xúc/gặp gỡ trở thành “tiếp xúc lãnh sự” (VOA, BBC và các bản tin trong nước). Đúng là tiếng Việt đổi đời.


- Cho máy chạy lại, mở máy lại (restart) trở thành tái khởi động. Đúng là dốt hay nói chữ.


- Choáng váng, choáng ngợp chỉ còn choáng . Bát nháo quá đỗi! Đây là ngôn ngữ của bọn đứng bến, mánh mung hay buôn lậu. Thế nhưng loại chữ bát nháo này lại được phổ biến lan tràn trên các diễn đàn Yahoogroups ở hải ngoại.


- Chữ nghĩa trở thành con chữ. Thí dụ: Nhà văn bắt đầu từ những con chữ. Nếu thế thì các triết gia bắt đầu từ những con tư tưởng. Các nhà tâm lý bắt đầu từ con phân tích (sự phân tích)


- Chưa đầy đủ, còn thiếu sót, còn nhiều khuyết điểm trở thành bất cập. Đọc đoạn văn “Việc xử lý xe quá tải vẫn còn nhiều bất cập” tôi thật sự không hiểu người viết muốn gì. Trong nước thích dùng những chữ “bí hiểm” chỉ có mình hiểu, không ai hiểu cả hoặc để che dấu sự thật. Chẳng hạn Miền Nam trước đây giảng dạy môn Việt Văn (Vietnamese Language) cho học sinh từ Tiểu Học tới Trung Học. Ngày nay các ông trong nước đổi thành Ngữ Văn. Nhưng định nghĩa thế nào là Ngữ Văn thì giải thích lung tung. Một số giải thích: “Ngữ Văn”: Ngữ là ngôn ngữ (Language), Văn là văn học (Literature) là nghành học nghiên cứu về ngôn ngữ và văn học Việt Nam. Trong khi đó Ô. Phó Giáo Sư Tiến Sĩ Đỗ Ngọc Thống lại nói rằng đó là môn giống như đang được giảng dạy ở Trung Quốc, “Chúng tôi lấy tên Ngữ Văn vì cho rằng nó có thể bao quát chung cho cả ngữ và văn.” Giải thích như ông này thì thà không giải thích còn hơn. Ngữ văn là ngữ và văn thì chẳng khác nào văn chương là văn và chương. Thế mà cũng khoe bằng Tiến Sĩ. Đã bao quát nghĩa là bao gồm rồi, lại còn chung. Ông này nên học lại Việt Văn bậc Trung Học.


- Chứng tỏ được trở thành khẳng định. Thí dụ: Thay vì nói, “Diễn viên X chứng tỏ được tài năng của mình” lại nói,“Diễn viên X đã khẳng định được tài năng”. Đúng là ngôn ngữ lộn sòng. Khẳng định là xác định một cách mạnh mẽ một sự kiện, một lời tuyên bố. Còn tài năng thì phải chứng tỏ cho người ta thấy.


- Chương trình giảng dạy trở thành giáo trình. Nghe nói thấy mà mệt!


- Có thể (possible, may happen) trở thành có khả năng. Thí dụ: Trời có thể mưa trở thành trời có khả năng mưa. Trên diễn đàn của người Việt hải ngoại 25/1/2016: “Trung Quốc có khả năng trả đũa Hoa Kỳ ở Biển Đông”. Tôi không rõ người viết tiêu đề này muốn nói, “Trung Quốc có đủ sức mạnh/khả năng đề trả đũa Hoa Kỳ” hay, “Trung Quốc có thể (possible, may) sẽ trả đũa Hoa Kỳ”. Xin thưa, khả năng (capable) là năng lực của một người. Thí dụ: Ông ta không có khả năng làm việc.


- Có tổ chức, có học, có nghiên cứu, quy củ, đâu vào đó trở thành bài bản. Chỗ nào cũng nghe nói “bài bản”. Cả dân nuôi cá, nuôi tôm, trồng cây ăn trái, mò cua bắt ốc cũng nói “bài bản”.


- Cô lập / để riêng ra trở thành cách ly.


- Cô ta có đôi mắt đẹp trở thành Cô ta sở hữu đôi mắt đẹp. Sao nói năng cầu kỳ quá vậy?


- Coi trọng trở thành trọng thị. Tiếp đón long trọng trở thành tiếp đón trọng thị. Xin nhớ cho “thị” là coi, nhìn. Trọng thị là coi trọng. Một buổi lễ không thể là “coi trọng” mà phải là “long trọng” hoặc “trọng thể”.


- Cờ bạc lớn, sát phạt lớn, có tổ chức trở thành đánh bạc quy mô (Báo Tuổi Trẻ). Thật lạ đời, đánh bạc mà cũng quy mô như các sòng bài ở Las Vegas vậy. Đúng là dốt hay nói chữ.


- Cỡ lớn, cỡ nhỏ biến thành kích cỡ lớn nhỏ.


Tôi không hiểu sao lại phải thêm chữ “kích” vào đây trong khi nói cỡ lớn, cỡ nhỏ là người ta đã hiểu và hiểu cả ngàn năm nay. Nghe các nông dân ở Miền Tây (bây giờ gọi là Nam Bộ) nói hai chữ “kích cỡ” tôi vừa cười vừa rơi nước mắt vì dân Miền Nam trước đây chết hết cả rồi!


- Con đường, đoạn đường biến thành tuyến đường. Xin nhớ cho “tuyến” nghĩa là đường. Thí dụ: Cát tuyến=Đường cắt. Trung tuyến=Đường ở giữa. Trực tuyến=Đường thẳng đứng.


- Công nhân đổi đời thành lao động. Rồi chủ nhân trở thành người sử dụng lao động. Thí dụ: “Xí nghiệp A có 2000 lao động.” Trong khi từ điển tiếng Việt trong nước định nghĩa lao động là “Sự khó nhọc đem ra để làm việc như giới lao động”.


- Công du trở thành thăm chính thức, thăm cấp nhà nước. Chỉ cần nói, thủ tướng…sẽ công du Hoa Kỳ là người ta hiểu rồi…còn bày ra thăm chính thức, thăm cấp nhà nước. Công du (state visit) là đi thăm một quốc gia khác vì việc công, việc của đất nước, việc của chính phủ. Chẳng lẽ ông Chủ Tịch Nước đi chơi, thăm cấp tỉnh, cấp bộ, cấp xã sao? Thật quái đản!


(Còn tiếp)

Thứ Bảy, 13 tháng 5, 2017

VĂN HÓA QUYỀN LỰC




Tác giả: Nguyên Cẩn- Văn hóa Phật giáo số 264 tháng 1/2017
.
Một khi nhà nước tự xem mình là chủ đạo, là thống soái thì hậu quả là xã hội và thị trường bị chi phối nặng nề trong mọi hoạt động. Vì khi đó quyền lợi và quyền lực là một, điều khiển mọi quan hệ, gây nhũng nhiễu cho sự vận hành của toàn thể. Đồng tiền hay lợi ích nhóm sẽ thống trị những quan hệ cương thường… biến tất cả mạng lưới thành những phe nhóm, biến tài sản nhà nước thành “chùm khế ngọt” mà trèo hái mỗi ngày!… Đúng như luật gia Acton viết: “Quyền lực dẫn đến tha hóa, quyền lực tuyệt đối tha hóa tuyệt đối”.
——–——–
Bóng tối quyền lực: Trông người lại ngẫm đến ta

Quyết định đình chỉ chức vụ Tổng thống của bà Park Geun-hye mà Quốc hội Hàn Quốc đưa ra tuần trước với 56 phiếu chống/234 phiếu thuận, đồng nghĩa với việc ngay cả các nghị sĩ đảng cầm quyền cũng không đứng về phía bà.


Nỗi tức giận của người dân Hàn Quốc nổ ra sau khi có những thông tin tiết lộ về ảnh hưởng của bà Choi Soon-sil, bạn thân của Tổng thống Park, lợi dụng mối quan hệ bạn bè này để ép nhiều tập đoàn lớn của Hàn Quốc (chaebol) đóng góp tổng cộng 70 triệu đô la Mỹ vào các quỹ do bà Choi kiểm soát. Các chaebol thì muốn thông qua bà Choi để tác động đến các quyết định của Tổng thống theo hướng thuận lợi nhất cho quan hệ “mù mờ” giữa chính phủ và các tập đoàn lớn nhưng ban đầu dân chúng tin rằng điều đó sẽ giúp các tập đoàn trở nên hùng mạnh hơn, cạnh tranh được với nước ngoài, tạo ra nhiều công ăn việc làm. Chúng ta thấy sự ra đời và phát triển vũ bão của Hyundai, Samsung, LG, Daewoo… trở thành những đối thủ đáng nể của các công ty Nhật, Mỹ…


Nhưng hiện nay, theo số liệu của Bloomberg, nợ của các hộ gia đình tài phiệt Hàn Quốc năm ngoái đã chiếm tới 87% GDP, so với 74% năm 2009; tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên đạt mức “cao liên tục”, trung bình 9,3%. Người dân cho rằng mối quan hệ giữa chính phủ và các chaebol cần phải được cắt đứt. Trước khi các công tố viên cáo buộc các chaebol liên quan đến vụ bê bối, nhiều công ty Hàn Quốc đã gặp sự cố lớn như Hyundai Motor, Hanjin Shipping Co., Lotte, Samsung Electronics… Người dân Hàn Quốc cần phải chấn chỉnh lại mối quan hệ này, minh bạch hóa, nếu muốn phát triển bền vững.


Một đất nước phát triển như Hàn Quốc mà tam giác nhà nước – thị trường – xã hội còn chịu nhiều hệ lụy từ mối quan hệ nhập nhằng giữa các chaebol và chính quyền thì với chúng ta, hệ thức văn hóa nào khả dĩ xác lập rạch ròi ba chân vạc ấy, nếu không xã hội sẽ phải gánh chịu tất cả hậu quả của việc thị trường bất ổn khi nhà nước tiếp tay hay thông đồng với những tập đoàn trong kinh doanh. Sự cộng thông giữa cả ba tổ chức ấy đòi hỏi tính giải trình, sự minh bạch và có sự giám sát của toàn dân thông qua không chỉ quốc hội mà qua các tổ chức xã hội cần thiết.


Chúng ta đang theo hệ thức văn hóa nào?


Như người ta thường nói “Xã hội nào Nhà nước ấy” hay “Thị trường nào, xã hội ấy”, và “Nhà nước nào, thị trường ấy”, vì mọi phát triển tiên tiến, nghĩa là mang tiếng văn minh nhất của những quốc gia trên thế giới, đều nhất thiết phải dựa trên sự triển khai thông hợp giữa ba thực thể khác nhau là tổ chức nhà nước, tổ chức thị trường, và tổ chức xã hội.


Nói như tác giả Tôn Thất Nguyễn Thiêm (TTNT) trong tác phẩm “Nhân văn và Kinh tế” thì “… xã hội bạc nhược nuôi dưỡng một nhà nước lộng quyền. Thị trường nghiêm chỉnh cần có một xã hội đàng hoàng… Chẳng vô cớ mà Tản Đà đã có câu thơ hết sức xót xa và sâu sắc “Cũng bởi thằng dân ngu quá lợn” và cũng chẳng ngẫu nhiên mà Phan Châu Trinh lại nêu cao khẩu hiệu tiên quyết của cuộc đổi đời đích thực, của mọi quốc gia “Khai dân trí, Chấn dân khí, Hậu dân sinh”. (TTNT – Nhân văn và Kinh tế, NXB Trẻ, 2016).


Phải xây dựng được văn hóa quyền lực đúng nghĩa và phải mang tính chất văn minh vì “…văn hóa là để tồn sinh cùng cộng đồng còn văn minh là để đua tranh cùng thế giới; văn hóa là tinh túy tinh thần, văn minh là tinh hoa vật chất” (sđd).


Trong lịch sử, chúng ta từng phê phán các ông vua thời phong kiến khi họ tự xưng là thiên tài, tuyên bố thiên hạ là của mình, như vua Louis XIV (1638-1715) của Pháp ngang nhiên vỗ ngực tuyên bố “Nhà nước chính là ta”. Đã có thời chúng ta lên án gay gắt tư duy lũy tre làng, khói lam chiều, tiểu nông, lừ đừ suy nghĩ, liêm sỉ nửa vời, chiếu trên chiếu dưới…. và ca tụng tư duy theo hướng “đại công nghiệp”. Nhưng thử hỏi xem, hiện nay những ông chủ tịch thôn, xã, huyện cho đến tỉnh, thành phố… có bao nhiêu người thoát được cái tư duy manh mún địa phương, dòng họ, khi nghĩ theo kiểu nếu tỉnh người ta, huyện người ta có cái gì thì tỉnh mình, huyện mình cũng phải có cái đó; phải có thủy diện, phải có resorts, có nhà máy đường, nhà máy gạch tuynel, nhà máy thép, thậm chí phải có… tượng đài, có Festival du lịch, pháo hoa… cho bằng anh bằng em (trong khi chỉ có khoảng 5, 6 tỉnh hay thành phố nộp 80-90% ngân sách). Hậu quả là gì? Ai cũng thấy là ngân sách bị dàn trải không hiệu quả, thiếu cả cầu đường nông thôn, trường học, bệnh viện… là những nhu cầu vô cùng bức thiết của nhân dân.


Tác giả TTNT chia ra làm 3 loại văn hóa. Đối với thị trường là văn hóa quyền lợi + khai thác và ngắn hạn; đối với nhà nước là văn hóa quyền thế + quy trình và trung hạn còn xã hội thì là văn hóa quyền thuộc + tích trữ và dài hạn. Tính tương hỗ giữa tổ chức nhà nước dân chủ và tổ chức xã hội dân chủ tương tự như sự cân bằng giữa mã lực của chiếc xe và sức chặn của cái phanh. Chức năng cơ bản của tổ chức nhà nước, nói chung chỉ là “trợ thủ” cho kinh tế thị trường và bảo vệ trật tự xã hội cho nền kinh tế ấy. Hệ thống tương quan giữa nhà nước, thị trường và xã hội chỉ có thể vững vàng lớn mạnh khi giữa ba thực thể là tín cân bằng hài hòa tạo tác nên sự thông hợp chứ không phải là sự tha hóa, xâm hại lẫn nhau bởi ý đồ thống lĩnh, bá quyền, toàn trị. Một câu ngạn ngữ Nga xin phép trích lại ở đây “Ở tận cùng của đáy là quyền lực của sự hắc ám. Ở tít trên đỉnh cao là sự mờ ám của quyền lực”.


Chúng ta đã làm gì với tổ chức thị trường?


Chúng ta đã mặc cho hệ thức văn hóa của nó – văn hóa quyền lợi – ngang nhiên và ngạo ngược tung hoành, xã hội tranh nhau ca tụng đại gia, tung hô những kẻ giàu có dù vay nợ chồng chất, dù lừa đảo, chiếm đoạt công quỹ, lũng đoạn ngân sách. Có những ngành làm ăn bết bát do chủ quan nhưng vẫn yêu cầu nhà nước bảo hộ thị trường. Chúng ta đã từng bao lần đòi hỏi minh bạch giá xăng dầu, điện nước nhưng tất cả vẫn là ẩn số khi được công bố! Phải lưu ý vì “… đồng tiền sẽ có khả năng biến tất cả thành đồng lõa và đồng phạm trong những cuộc tranh giành quyền lợi khai thác vô độ đến tận cùng mọi thứ, ngay trước mặt, một cách vô cùng thiển cận, thậm chí chẳng cần nghĩ đến mai sau…” (TTNT – sđd).


Một ví dụ cụ thể là phần lớn dự án BOT quốc lộ đều gây bức xúc trong dư luận. Cụ thể, QL 1A đoạn qua Bình Thuận, nhà đầu tư báo cáo quyết toán hơn 2.193 tỉ đồng, trong khi tổng mức đầu tư ban đầu được duyệt là 2.608 tỉ đồng. Còn tại dự án BOT cải tạo nền đường QL 1A đoạn Phan Thiết – Đồng Nai, nhà đầu tư báo cáo quyết toán 1.943 tỉ đồng, trong khi tổng mức đầu tư được duyệt ban đầu là 2.085 tỉ đồng. Trên thực tế, thời gian thu phí tại các dự án BOT hiện nay vẫn được tính dựa trên tổng mức đầu tư được phê duyệt ban đầu nên có nhiều dự án với chiều dài nhà đầu tư thi công chỉ từ 20-30 km mà thu phí đến hơn 20 năm. Điều này đã gây bức xúc cho người dân và doanh nghiệp. Cho đến nay, chưa thấy Bộ Giao thông Vận tải công bố một dự án BOT nào phải rút ngắn thời gian thu phí dù Kiểm soát Nhà nước đã kiến nghị giảm 5 năm đối với một số dự án.


Nhà nước thường thì bị chi phối bởi văn hóa quyền lực hay quyền thế, theo thứ văn hóa quy trình vì đó là nguồn động năng thúc đẩy con người tôn thờ quy lụy quyền lực, từ đó thoái hóa và tha hóa bản thân, nghĩa là lao mình vào cuộc chơi mua quan bán tước khi hiểu ra vai trò của quyền thế và quyền lợi hay cụ thể là tiền tệ. Những nhà lãnh đạo cao nhất của chúng ta đã nhiều lần bức xúc về vấn đề này nhưng phải chăng nó diễn ra quá tinh vi, “theo đúng quy trình”, nên không thể “bắt tận tay, day tận mặt”.


Cao Bá Quát ngày xưa khi viết Tài tử đa cùng phú đã từng phải thốt lên những lời chán chường, “Ngán nhẽ kẻ tham bề khóa lợi, mũ cánh chuồn đội trên mái tóc, nghiêng mình đứng chực cửa hầu môn. Quản bao người mang cái giàm danh, áo giới lân trùm dưới cơ phủ, mỏi gối quỳ mòn sân tướng phủ” hay Nguyễn Du trong Truyện Kiều từng thốt lên những lời tâm sự của Từ Hải “Áo xiêm ràng buộc lấy nhau, Vào luồn ra cúi công hầu mà chi”.






Fidel Castro có lần nói: “Không nắm được quyền thế, lý tưởng khó có điều kiện cần thiết để được hiện thực hóa. Nhưng có được quyền thế trong tay, lắm khi lý tưởng chỉ là những viễn mơ của một thời, mông lung và thoi thóp”. Với những thành phần quan chức ngụp lặn đắm chìm trong văn hóa quyền lực thì quy trình biến thành công cụ rất hiệu dụng để tính toán và sắp xếp các mưu đồ, sách lược nặng tính cục bộ hoặc lợi ích nhóm, khi quyền lực không được kiểm soát sẽ dẫn đến tha hóa cán bộ và các tổ chức trong bộ máy lãnh đạo quản lý. Lợi ích nhóm ở ta thực sự đã đến mức báo động, nó diễn ra ở hầu hết các lĩnh vực.


Trong một bài viết gần đây, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhận định: “Chưa bao giờ trong lịch sử hơn 70 năm Nhà nước ta, Nhà nước “của dân, do dân và vì dân” lại xuất hiện sự cấu kết quyền lực với lợi ích kinh tế, lèo lái chính sách, dàn dựng để tạo ra các cú “áp phe” lớn mang lại lợi ích “khủng” cho một số cá nhân và phe nhóm… gây thiệt hại khôn lường cho ngân sách Nhà nước, làm chao đảo nền kinh tế”.


Theo ông Vũ Ngọc Hoàng, nguyên phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương “Lợi ích nhóm là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến việc hình thành các nhóm lợi ích”. Đặc điểm của các “nhóm lợi ích” là có sự kết hợp cùng mục tiêu lợi ích, giữa những người có nhiều tiền với những người có quyền lực trong nhà nước và trong đảng cầm quyền. Có tiền chuyển hóa thành có quyền lực. Có quyền lực chuyển hóa thành có tiền. Người có tiền sẽ có quyền lực và người có quyền lực sẽ có tiền. Họ cùng nhau hành động để có quyền lực và có tiền ngày càng nhiều hơn. Đồng tiền cộng với quyền lực tạo thành sức mạnh khống chế, lũng đoạn tổ chức và xã hội…”.


Và từ đó người ta tham nhũng ghế, tham nhũng quyền lực, chức vụ, tham nhũng chính sách… Về “Chủ nghĩa tư bản thân hữu”, như có lần chúng tôi đã phân tích trong một số báo Văn hóa Phật giáo, nó không phải là một giai đoạn nào của chủ nghĩa tư bản, mà là một hiện tượng biện chứng, một “bệnh thái” do sự tha hóa trong quá trình phát triển không lành mạnh của các quốc gia. Nó xảy ra mọi nơi, không chỉ riêng ở các nước tư bản mà kể cả các nước có chế độ chính trị khác, nơi mà sự quản lý nhà nước chưa tốt, thiếu chặt chẽ… hay thiếu kỷ cương ngay từ ban đầu!


Ông Hoàng cho biết “Bây giờ lợi ích nhóm còn quốc tế hóa, ra bên ngoài biên giới quan hệ với doanh nghiệp nước ngoài. Vụ Formosa ở Hà Tĩnh vừa qua, không thể loại bỏ lợi ích nhóm trong đó. Tại sao vấn đề ô nhiễm môi trường diễn ra như thế nhưng lâu ngày mới phát hiện?”


Nghị quyết của Đảng vừa qua nói đến 4 nguy cơ: nguy cơ về tụt hậu, về tham nhũng, nguy cơ chệch hướng, nguy cơ diễn biến hòa bình. Bốn nguy cơ này đều liên quan đến lợi ích nhóm, do lợi ích nhóm tác động. Và chúng ta có thể giải đáp rất nhiều câu hỏi liên quan đến việc “vận dụng quyền lực” thiếu văn hóa và cả văn minh.


Chúng ta tự hỏi vì sao cải cách hành chính vẫn chỉ “hành là chính”? Vì lợi ích nhóm chăng? Hiện nay tính đến quý 1 năm 2016 vẫn còn 7.000 loại giấy phép con bủa vây doanh nghiệp mà trong đó trên một nửa không có cơ sở pháp lý để tồn tại! (Theo tuyên bố của Văn phòng Chính phủ ngày 22/4/2016 – Đọc thêm: Còn bao lâu cuộc chiến với cối xay gió – Văn hóa Phật giáo tháng 4/2016).


Văn hóa quyền lực còn kéo theo văn hóa quyền thuộc khi dân gian vẫn nói câu: “Nhất hậu duệ, nhì quan hệ, ba tiền tệ, bốn trí tuệ; còn lại là mặc kệ” hay ngày xưa có câu “Thuận vợ thuận chồng, rút của công cũng dễ”! Nhiều đại biểu Quốc hội nêu lên tình trạng bổ nhiệm tràn lan tại thời điểm chuyển giao quyền lực và tình trạng bổ nhiệm “đúng quy trình” nhưng lại là “đúng quy trình bổ nhiệm người nhà” chứ không phải người tài. Chúng ta chợt hiểu vì sao có người thống kê sơ bộ rằng tới 30% cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) không làm được việc, tương đương khoảng 700.000 người, tiêu tốn 17.000 tỉ đồng ngân sách nhà nước hàng năm.


Một khi nhà nước tự xem mình là chủ đạo, là thống soái thì hậu quả là xã hội và thị trường bị chi phối nặng nề trong mọi hoạt động. Vì khi đó quyền lợi và quyền lực là một, điều khiển mọi quan hệ, gây nhũng nhiễu cho sự vận hành của toàn thể. Đồng tiền hay lợi ích nhóm sẽ thống trị những quan hệ cương thường… biến tất cả mạng lưới thành những phe nhóm, biến tài sản nhà nước thành “chùm khế ngọt” mà trèo hái mỗi ngày! Đấu thầu công khai thành chỉ định thầu, và các đơn hàng, hợp đồng đều ký bằng công ty “sân sau”, qua công ty anh em hay bố mẹ… mọi cơ sở, chính sách đều được “đạo diễn” phù phép sao cho những nhóm nào đó có thể bòn rút hay hưởng lợi! Đúng như luật gia Acton viết: “Quyền lực dẫn đến tha hóa, quyền lực tuyệt đối tha hóa tuyệt đối”.


Chúng ta phải làm gì?


Về hành vi của các nhà lãnh đạo, trong kinh Chuyển Luân Thánh Vương Sư Tử Hồng, Phật dạy một nhà lãnh đạo tốt phải:


Tôn trọng pháp luật, thực thi pháp luật
Bảo vệ dân, vô tư, không thiên vị
Từ bỏ mọi dục vọng cá nhân, không tham nhũng
Lắng nghe các ý kiến chánh đáng của dân.
Thế nên, để hạn chế thứ văn hóa quyền lực này, cần có một nhà lãnh đạo thông tuệ, vạch ra những thể chế phù hợp mà trong đó phải có sự giám sát của nhân dân, của các tổ chức xã hội dân chủ, và của các cơ quan tư pháp hay lập pháp. Xây dựng văn hóa cách chức và nhất là từ chức. Ở các nước, dù không có trách nhiệm trực tiếp nhưng nếu để xảy ra sai phạm, người quản lý cũng sẽ từ chức. Bởi đó là đạo đức, là lòng tự trọng chứ không phải sợ mất đi quyền lợi hay xấu hổ như quan niệm hiện nay. Nếu chỉ kiểm điểm, rút kinh nghiệm có nghĩa là dung túng, vô tình hay cố ý. Ngoài ra phải kiểm soát quyền lực, vì quyền lực về cơ bản hiện nay chưa được kiểm soát, nên cán bộ tha hóa và làm tê liệt các tổ chức trong bộ máy lãnh đạo.


Hãy lấy Singapore làm tấm gương cần học tập khi Đảng cầm quyền PAP (Đảng Nhân dân Hành động) không những chịu sự giám sát của các đảng đối lập, còn luôn đặt dưới sự kiểm tra của những cơ quan chế tài theo dõi nghiêm ngặt mọi biểu hiện sai hiến pháp hay pháp luật, chệch đường lối hay vi phạm cam kết khi tham dự bầu cử. Nhà nước thành lập cơ quan phòng chống tham nhũng và đưa ra Luật phòng chống tham nhũng. Cục điều tra tham nhũng có quyền bắt người, quyền điều tra, khám xét, quyền lấy thông tin về tài sản, quyền điều tra tài sản bất minh của bất cứ nghi can nào. Cố Thủ tướng Lý Quang Diệu nói: Thành tựu lớn nhất của Đảng Nhân dân Hành động (PAP) là “bảo đảm sức sống và sự liêm khiết của Đảng chứ không phải là trở thành một chính đảng suy thoái và tham nhũng”.


Quản lý quyền lực là một diễn trình dân chủ, tôn trọng giá trị nhân bản và phát huy nội hàm nhân văn trong các hệ thức văn hóa. Tất cả là nền tảng cho một nền kinh tế bền vững, trong một xã hội văn minh.


Có thành hiện thực hay không là do ý chí của những nhà lãnh đạo hôm nay và mai sau, nhất là khi ý chí toàn dân cháy bỏng khát vọng muốn đất nước thực sự phát triển. Phải thay đổi hệ sinh thái “thiếu oxy” bấy lâu nay hay đúng hơn chưa thực sự “thông tuệ” vì thiếu sự kết nối lành mạnh giữa thị trường – xã hội và nhà nước – một nhà nước đang muốn trở thành “của dân, do dân, và vì dân”!

VẪY GỌI NHAU LÀM NGƯỜI




Tác giả : Phan Huy Đường


Nhìn sự vật, nhìn người, nhìn mình, nhìn nhau, nhìn sự thật.
Những thế nhìn đó thể hiện người trong vũ trụ, thái độ của người đối với người, thể hiện một thế giới quan, một nhân sinh quan. Viết là bày tỏ những điều đó bằng ngôn ngữ.


Người thường, nhà văn dùng chung một ngôn ngữ. Cái gì khiến ngôn ngữ có lúc thành văn ? Khác nhau ở điểm nào ?


Bình thường, khi nói chuyện với người khác, mục đích của ta là làm cho người khác hiểu rõ ý nghĩ, tình cảm của ta. Ta dùng ngôn ngữ để thông tin. Nhà văn không chỉ muốn vậy. Nhà văn còn đeo đuổi mục đích khác : khơi lại trong mắt người khác cách nhìn của mình.


Nhà văn dùng ngôn ngữ để quyến rũ.


Thử xem câu : chiều hôm ấy nắng nhạt, buồn bã.


Nếu một chiều nào đó, nắm tay người yêu, nhìn sắc nắng, tôi thấy lâng lâng buồn, nếu người yêu tôi cảm nhận nỗi buồn ấy trong tôi, người ấy sẽ hiểu, sẽ cảm câu nói kia. Nó tả một sự kiện đã có, đã qua, một sự kiện chúng tôi đều biết : một buổi chiều, một sắc nắng, một nỗi buồn, chúng ta. Câu đó, tự nó, không phải một câu văn.
Một buổi chiều nắng nhạt là một buổi chiều nắng nhạt, chẳng buồn, chẳng vui. Ðâu phải thêm hai chữ buồn bã mà biến được nó thành một buổi chiều buồn bã. Ngay cái nắng nhạt kia, người đọc cũng khó tưởng tượng nó nhạt thế nào. Vậy mà có khi nhà văn chỉ viết chiều hôm ấy, nắng nhạt đã khơi ngay cảm giác buồn trong người đọc. Ðiền thêm hai chữ buồn bã, hoặc chẳng khơi được nỗi buồn : văn bất lực, hoặc thừa : văn vụng.
Dĩ nhiên, chuyện không đơn giản như vậy. Trong bất cứ tiếng nước nào cũng có những từ hình như tự nó có hồn. Có nhiều người Việt Nam dễ liên tưởng chiều với cảm giác buồn. Cũng lạ. Phải chăng vì trong những tác phẩm lớn, trong ca dao, có nhiều cảnh chiều buồn ? Dù sao, cứ lôi chiều ra để tạc cảnh buồn thì cũng chỉ đạt mức văn hà hứa.
Ðọc truyện, cái gì làm cho chiều hôm ấy, trong lòng ta, buồn ? Dĩ nhiên là hoàn cảnh dẫn đến chiều hôm ấy, đã được tác giả bố trí trước. Nhưng hoàn cảnh ấy cũng được tạo bằng những câu văn đại loại như vậy, làm sao dẫn tới nỗi buồn ? Một vòng luẩn quẩn. Văn khác lời nói thường ở chỗ nào ? Cần phải trở lại gốc vấn đề, thử phân tích cái nhìn của con người.


Nhìn sự vật rất dễ, rất tự nhiên. Tự nhiên ? Không hẳn. Ta vừa mở mắt, đã thấy trong đầu cả một khoảng không gian lúc nhúc sự vật. Không gian đó, ta "thấy" nó một cách tổng hợp, lờ mờ. Ta chỉ thấy thật rõ một sự vật, sự vật ta đang nhìn, cái chìa khoá chẳng hạn. Nhìn thể hiện một sự lựa chọn. Thấy là kết quả của sự lựa chọn ấy. Chính sự lựa chọn ấy làm cho ta có thể thấy được cái không có thực : sự vắng mặt chẳng hạn. Ta đảo mắt tìm người yêu và thấy không có người yêu. Sự thiếu hụt đó làm thế giới quanh ta lùi lại, mờ đi, thành sa mạc :
Un seul être vous manque et tout est dépeuplé[1]


Lựa chọn thể hiện tự do, bản chất đặc trưng của con người. La liberté, c'est l'angoisse du choix[2]. Sự lựa chọn đó tùy thuộc mục đích của con người. Vì ta muốn mở cửa, chìa khoá kia như chờ ta ở một chỗ nào đó. Nó hiện lên giữa muôn vật như một sự hứa hẹn, vẫy gọi. Cách nhìn của ta làm cho thế giới này đượm nhân tính. Tuy ta chỉ là một bộ phận trong nó, nó đã biến thành khả năng của ta. Nó sẽ thực sự trở thành phương tiện của ta khi ta hành động : nắm chìa khoá, mở cửa, đi tới tương lai của mình.
Bản thân chìa khoá kia cũng không hoàn toàn "vô tình". Ðã có một con người làm ra nó vì một mục đích riêng (kiếm ăn), tạo cho nó một chức năng nhất định (mở ống khoá). Chức năng ấy là lời hứa hẹn, sự vẫy gọi ẩn núp trong một khối sắt. Nó "hiện lên" khi ta muốn mở cửa, đi ra. Nó trở thành hiện thực khi ta nắm chìa khoá sỏ vào ổ khoá. Mục đích của người khác đã trở thành phương tiện của ta. Sự vật cũng có hồn ở nghĩa đó.


Khi tả sự vật, mục đích của nhà văn không bao giờ là tả đầy đủ, trọn vẹn, khách quan, sự vật. Ðiều đó không ai làm được. Sự vật là sự vật, văn là văn. Viết một nghìn trang sách cũng không thể tả hết thực tế của một cái ly. Nói cho đúng, nhà văn chẳng bao giờ tả sự vật. Chẳng ai ôm giấy bút ngồi trước một cái cây mà tả được vẻ đẹp của một cái cây, tả được một cái cây ra hồn như người Việt ta thường nói.
Nhà văn tạo vẻ đẹp của một cái cây bằng cách bịa một khung cảnh, một hình hài, một mầu sắc... Quá trình bịa đặt, sắp xếp đó là quá trình tạo chi li những bẫy nhỏ, dẫn dắt người đọc tới mục đích cuối cùng của nhà văn là tái tạo trong hồn người khác cách nhìn, sự lựa chọn của mình : vẻ đẹp của một cái cây. Quá trình viết văn là quá trình gài bẫy để lừa gạt, hướng dẫn người đọc. Quá trình đọc văn là quá trình tái tạo một thế giới ảo, tạo một hồn người thực dưới sự "điều khiển" của người khác. Không phải tình cờ mà người ta coi những nhà văn lớn như những kẻ dẫn dắt linh hồn của đồng loại. Nghệ thuật là giả dối trong nghĩa đó.


Sự lừa gạt kia có một đặc điểm : người bị lừa hoàn toàn tự nguyện. Ðộc giả chỉ ngáp một cái, những bẫy kia tan tành ngay. Còn lại một trang giấy lem nhem mực, chẳng nghĩa lý gì. Chuyện đó xẩy ra khi, đọc truyện, ta ngáp ngủ. Sự tự nguyện đó không gì ép được, mua được. Chỉ có thể đồng tình với nhau. Tình chỉ có thể có giữa những con người tự do, tự nguyện : cho hay không cho, nhận hay không nhận. Người ta có thể ép nhau đủ thứ chuyện, không ai ép người khác yêu mình được. Vì thế, nhân tình là nội dung cơ bản của văn. Nó đòi hỏi nhân cách tự do của cả người viết lẫn người đọc. Không phải vì ta thích vậy, muốn vậy. Ðó là điều kiện hình thành của văn.
Nhân cách không có giá trị trao đổi. Không ai đo được giá trị của một tác phẩm là bao nhiêu : số không hay... tuyệt, đều là vô giá. Nó cũng chẳng có giá trị sử dụng. Không ai có thể dùng nó vào việc cụ thể nào. Quan hệ giữa nhà văn và độc giả không phải quan hệ trao đổi. Nó là quan hệ cho-nhận.
Cho-nhận cái gì ? Khi ta mua một quyển sách, chắc chắn ta nhận được một quyển sách. Tác giả đã cho ta gì ? Chẳng cho gì cả. Ðọc truyện, ta nhận được gì ? Có khi chỉ mất thời giờ. Có khi ta nưng niu nó suốt đời ta. Ðây là sự cho-nhận một thứ không có hình thù, trọng lượng, giá trị sử dụng, giá trị trao đổi, một thứ không có thực. Tác giả chỉ có thể cho ta và ta chỉ có thể nhận những gì do chính ta tạo ra trong quá trình đọc. Tác giả "cho" ta một số ký hiệu, như Phật giơ tay chỉ trời. Trong bầu trời ấy, chẳng có gì ngoài ta. Gần quan hệ cho-nhận này nhất là quan hệ yêu đương, quan hệ chơi. Văn chương là một nhu cầu tinh thần, là tình người, là trò chơi trong nghĩa đó. Nó hoàn toàn vô dụng, vô giá. Nó là sự vẫy gọi nhau giữa những con người tự do. Vẫy gọi nhau làm người. Nhu cầu viết, nhu cầu đọc, đều là nhu cầu làm người, nhu cầu sáng tạo, nhu cầu yêu.


Thế giới văn chương là thế giới của tình người cho không.


Vì thế, nhà văn không thể đạt yêu cầu của mình nếu không tôn trọng, quý mến tự do của người đọc, nếu tìm cách áp đặt tình cảm, tư duy của mình. Ðộc giả đã đồng tình trước khi đọc thì viết làm gì ? Ðộc giả không đồng tình, ngáp một cái, toi mạng văn chương, nghị quyết của Trung Ương cũng không cứu nổi. Nhà văn chỉ có thể khơi tình, mời mọc, rủ rê, quyến rũ, vẫy gọi. Nghệ thuật hành văn là nghệ thuật chinh phục lòng người trong nghĩa đó. Và cũng chỉ trong nghĩa đó thôi. Trong quan hệ giữa họ, người viết và người đọc chẳng thể được bất cứ gì ngoài cái mình sáng tạo. Cơ sở của nghệ thuật ấy là nhân cách tự do của độc giả. Nhân cách tự do của độc giả là sinh mạng nghệ thuật của nhà văn.
Cùng một mớ chữ, cùng một nguyên liệu, có người viết thành văn, có người, dù tay nghề khéo léo, viết cạn đời cũng không tạo được một tác phẩm văn chương. Tại sao ? Nhà văn, thợ chữ, khác nhau chỗ nào ? Vấn đề không chỉ ở kỹ thuật dựng truyện, gọt câu, mài chữ. Nó còn ở nhân sinh quan của tác giả. Nhân sinh quan ấy, không chóng thì chầy, bộc lộ ngay trong văn phong. Nó làm ta ngáp dài, vui vui tiêu khiển và quên, hay nó cứ man mác trong ta cảm giác vừa gặp một người, vừa gặp lại ta.
Nhân sinh quan ấy thể hiện qua cách nhìn : nhìn người, nhìn mình, nhìn nhau.
Nhìn người, thấy gì ?
Trước hết thấy một động vật của thế giới tự nhiên.
Nhìn người có thể ngừng ở đó. Ðó là cách nhìn của người bác sĩ trong ca mổ : thớ thịt có thể cắt, sợi gân phải tránh né, đường đưa dao tới mục đích. Ðó là cách nhìn của người kỹ sư điều hành một dây chuyền sản xuất : con người là một bộ phận của một cái máy. Ðộ bền, độ chính xác, độ nhanh của nó đều có thể đo, đếm, điều chỉnh. Thậm chí ta có thể thay nó bằng một người khác hay một cái máy. Ðó là cách nhìn của ông chủ hãng kinh doanh : con người, một tư liệu trong quá trình kinh doanh, có giá thành, giá bán như mọi tư liệu khác. Với cách nhìn này, con người hoặc là một đối tượng nghiên cứu của khoa học, hoặc là một công cụ phục vụ một mục đích của ta. Sự thực của nó nằm ngay trong thân xác nó. Giá trị sử dụng của nó là toàn bộ những chức năng của một loại động vật. Giá trị trao đổi của nó là số tiền cần thiết để mua sức lao động của nó. Nó là một con vật biết nói.
Nói thế, tưởng đùa. Tuy vậy, đó là sự thực xẩy ra hàng ngày. Ðó cũng là quan điểm của một số nhà chính trị, một số nhà văn. Khi Lênin khẳng định nghệ thuật phải là một bộ phận, một con ốc trong guồng máy cách mạng[3], ông khẳng định cách nhìn này. Có khác chăng, chỉ khác ở một chi tiết : động vật này không phục vụ mục đích cụ thể của một con người (như thế dễ hiểu và, mặt nào đó, trong thời tiền sử của nhân loại[4] này, phải chấp nhận). Nó phục vụ một khái niệm trừu tượng không kém gì Thượng Ðế : Quy luật khách quan của Lịch sử. Ðây là nguồn gốc của sự nhạt nhẽo trong "văn" của những tác giả tưởng mình là người cộng sản.
Nhưng, thỉnh thoảng, nhìn một người, ta thấy nó đẹp, nó buồn, nó quyến rũ.
(Cái) đẹp kia, chẳng ai nói được nó là gì : nó không có thực. Nó chỉ là hồn ta thấm vào một nét mặt, tạo thành một vẻ đẹp. Vẻ đẹp ấy (có) thật đối với ta. Nó là ta tuy ta không phải là nó (ta có thể rất xấu xí). Nó ở người khác mà lại là ta. Nó là ta ở người khác. Nó là Esméralda trong mắt Quasimodo, hay đúng hơn, là hồn Quasimodo "lồng vào" nét mặt Esméralda.
(Cái) buồn kia cũng không có thực. Nó phảng phất đằng sau một gương mặt, một cử chỉ, một tiếng than, một tập hợp ký hiệu lờ mờ. Ta cũng cảm thấy nó một cách lờ mờ. Dù sao ta cũng đã buồn. Ta chỉ có thể "thấy" nỗi buồn của người khác qua nỗi lòng lâng lâng buồn trong ta. Ta là nỗi buồn đó tuy nó không phải của ta. Nó của người khác mà nó đã biến thành ta. Nó là người khác ở ta.
Như thế, nhìn người mà thấy mình, thấy mình ở người khác, thấy người khác ở mình. Người ta chỉ có thể thấy rõ cái gì người ta tìm. Nhìn người là nhìn mình, là tìm mình ở người khác, là tìm người khác ở mình.
(Cái) mình ở người khác ấy, người khác có thể trả lại cho ta. Ta linh cảm điều đó khi ta thấy người kia quyến rũ. Tất nhiên (cái) quyến rũ không có thực. Tất nhiên nó là ta ở người khác, người khác ở ta. Nhưng nó còn là sự thèm muốn người khác thấy ta, thấy mình trong ta, thấy ta trong mình. Nó là sự mời mọc, kêu gọi nhìn nhau, là sự khát khao được người khác trao lại cho ta phần hồn của ta. Nó là giấc mơ được là người trong mắt người khác.
Con đường ngắn nhất đưa ta về ta xuyên qua lòng em là như vậy.
Nhìn mình, thấy gì ?
Trước hết thấy một động vật của thế giới tự nhiên.
Ðó là cách nhìn của ta khi ta cắt móng chân, móng tay, đánh răng, rửa mặt, soi gương. Ðộng vật ấy, tự nó chẳng đẹp, chẳng xấu, chẳng vui, chẳng buồn, chẳng quyến rũ, chẳng vô duyên.
Cũng có lúc, ta cảm thấy người khác đang nhìn ta và bỗng nhiên ta thấy ta đẹp, ta xấu, ta sạch, ta bẩn... Ðó là nhìn mình mà thấy mình ở người khác, thấy người khác ở mình.
Nhắm mắt lại, thấy gì ?
Liên miên một luồng ý, vô hình, vô sắc, vô âm. Phải chăng ta là luồng ý đó ? Nếu ta là luồng ý đó làm sao ta có thể thấy (ý thức) nó ? Ta thấy người khác vì ta không phải là người ấy. Ta thấy thân xác ta vì, ở mặt nào đó, ta không là thân ta. Ta thấy ý nghĩ của ta vì, mặt nào đó, ta không phải là ý nghĩ đó. Vậy, ngoài thể xác, ngoài ý nghĩ, có gì ? Không có gì cả. Nhìn mình chỉ thấy hư vô, thấy hẫng hụt. Ðó là thân phận của con người. Con người là một sự thiếu hụt. Mặt trái của thiếu hụt là sự khao khát, đòi hỏi được trọn vẹn, được có thực, được tồn tại. Nó là nền tảng của mọi giá trị nhân bản. Nó là giấc mơ ta trở thành ta.
Những câu :
Je suis belle, ô mortel, comme un rêve de pierre[5]
Tel qu'en Lui-même enfin l'éternité le change[6]
khơi giấc mộng đó.
Nhưng nếu ta có thực, nếu ta là ta, như cây là cây, cỏ là cỏ, ta không thể thấy ta được, ta không còn nữa. Tồn tại là giấc mơ nguyên thủy không thể thực hiện được của con người.
L'homme est une passion inutile[7].
Ta là giấc mơ đó, khát vọng đó.
Giấc mơ không bao giờ thực hiện được đó, xuyên qua hành động, ta có thể khắc nó vào đời qua dấu tay ta để lại trên mặt đất, qua nỗi vương vấn ta để lại trong lòng người. Nó phảng phất trong một cái nhà, sau một bức tranh, một câu thơ, một nỗi nhớ. Ðó là hồn người tồn tại trong sản phẩm, trong hồn người khác, trong ngôn ngữ, văn chương và nghệ thuật.
Nhìn nhau, thấy gì ?
Thấy tất cả những gì thấy được trong hai thế nhìn kia. Nhưng khác một cách căn bản : thấy mình qua mắt người khác. Trả lại người khác cái gì của người khác và đón nhận từ người khác chính mình.
Thấy bạn, tôi vui vẻ cười. Bạn nhìn tôi, cười vui vẻ. Bạn trả lại cho tôi nỗi vui của tôi. Ðương nhiên, nỗi vui đó là tôi. Nhưng nó không còn là cái tôi lờ mờ, huyễn hoặc, khó tin. Nó là cái tôi đã được người khác xác định, chứng nhận. Nó vừa hoàn toàn là tôi vừa có sự tồn tại ngoài tôi, trong mắt bạn. Tôi vẫn là tôi nhưng đồng thời cũng là nó. Tôi đã nhận từ bạn bản thân tôi với một cái gì khác làm cho nó trọn vẹn hơn, thực hơn. Ðối với bạn cũng vậy. Bạn vẫn là bạn, nhưng một cách trọn vẹn hơn, thực hơn. Nỗi vui đó là tôi, là bạn, vì nó là chúng ta.
Ðĩ nhiên, con người không chỉ nhìn nhau trong niềm vui. Thằng khốn nạn kia đã dùng tôi làm công cụ thực hiện một ý đồ của nó, không được tôi chấp thuận. Tôi căm thù nhìn nó. Trong mắt nó có một con vật biết nói : tôi. Trong mắt tôi có sự đểu giả của con người : nó. Bắn nó một phát, tôi chiếm lại tôi : một con người, và trả lại cho nó sự đểu giả đã thấm vào hồn tôi : nó. Vì thế con người có thể giết nhau, không chỉ vì miếng ăn. Trong đời người, hiếm có ai chưa từng muốn giết một người.
Trong một đời người, thỉnh thoảng cũng có giây phút thần tiên. Liếc mắt nhìn trộm người yêu, gặp một ánh mắt, bỗng nhiên say đắm, ngơ ngất.
Một sự đắm đuối kỳ lạ. Một cơn ngất xỉu kỳ lạ.
Không nghẹt thở, hoàn toàn tỉnh táo mà không nhìn, không nghe thấy gì nữa, không biết trời biết trăng gì nữa, chỉ cảm thật rõ, thật mãnh liệt : ta là tất cả đối với em. Giây phút em trao lại cho ta chính bản thân ta, một cách trọn vẹn tới mức chính ta cũng có thể yêu ta được, là giây phút ta lại là ta[8] xuyên qua tình yêu của người khác. Nó chỉ có được khi tình yêu đó tuyệt đối, vô điều kiện, vô lý lẽ : biểu hiện của một sự lựa chọn tự do, của một con người. (Chẳng mấy ai thích được yêu vì mình đẹp, vì mình thông minh, giàu sang, duyên dáng v.v.). Nó chỉ có được khi ta cảm thấy ta được yêu vì ta là ta. Cái niết bàn trong đó ta chỉ là ta mà là tất cả, ta là tất cả mà vẫn được là ta, chỉ có người yêu mới cho nhau được. Ðã nếm mùi, không sao quên được, cứ muốn em đừng bao giờ chớp mắt. Em ngoảnh mặt đi, ta lại chỉ còn là ta, ta chăng còn là gì nữa :
Regarde-moi, ne cesse pas un instant de me regarder : le monde est devenu aveugle ; si tu détournais la tête, j'aurais peur de m'anéantir[9].
Nhìn sự vật, nhìn mình, nhìn người, nhìn nhau gắn bó với nhau trong những quan hệ phức tạp. Có khi nhìn sự vật là tìm người, nhìn người là tìm mình, nhìn mình là tìm người, nhìn nhau như nhìn sự vật...
Buồn trông cửa bể chiều hôm
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa ?
Buồn trông ngọn nước mới xa
Hoa trôi man mác biết là về đâu ?
Buồn trông ngọn cỏ rầu rầu
Chân mây mặt đất một mầu xanh xanh
Nỗi buồn thấm vào cảnh vật ấy, chính là ta. Cái ta không trọn vẹn. Cái ta mơ hồ vì thiếu một người khác. Hai câu hỏi kia, dĩ nhiên, không phải câu hỏi thật. Thuyền của ai, hoa trôi về đâu, cả tác giả lẫn độc giả đều không cần biết. Chức năng thật của chúng là biến tâm hồn ta thành một câu hỏi. Ta là ai, là gì ? Không là gì cả. Là một câu hỏi không có giải đáp trong tự nhiên. Là nỗi cô đơn vô phương cứu chữa. Là sự thiếu hụt miên man. Là một tín hiệu thấp thoáng đằng xa, là mầu xanh xanh kỳ ảo giữa đất trời. Là sự hẫng hụt, thiếu thốn, sự khao khát được yêu. Thử bỏ hai câu hỏi ấy đi, nỗi buồn kia nhạt nhẽo vô cùng. Thật ra, bỗng nhiên, hồn ta, câu hỏi, nỗi buồn đã thành một. Nguyễn Du đã khiến ta tự biến mình thành một câu hỏi vu vơ, man mác buồn. Một cách hồn nhiên. Vì sao ? Vì lúc đầu, sự vật là sự vật, người là người, không lẫn lộn, không nhập nhằng. Rồi cảnh vật tiếp tục hiện lên trong mắt ta. Quá trình đó đồng thời là quá trình lòng người len vào cảnh vật, qua những câu hỏi vu vơ, không cần trả lời, nhẹ nhàng lướt qua, nửa thực nửa ảo (thấp thoáng, xa xa), rồi thấm vào cảnh vật (man mác), xóa nhòa biên giới giữa khách quan, chủ quan, đến nỗi cuối cùng ngọn cỏ rầu rầu cũng thấy tự nhiên (!) và mầu xanh xanh kia như vừa là mầu của trời đất, vừa là sắc thái của một tâm hồn.
Dĩ nhiên, đây là một hình thái quan hệ giữa người với thiên nhiên, ai cũng đã từng nghiệm sinh. Nhưng ta cũng thừa biết trong đời làm gì có chuyện tình cảm thấm vào sự vật. Chính cảnh vật kia cũng chẳng thực tí nào. Cảnh vật là cảnh vật, văn là văn. Tác giả đã dùng ngôn ngữ khơi (sáng tạo) một cảnh vật ảo, dùng nó làm một nhịp cầu thật giữa người viết và người đọc, chuyền cho nhau điều chỉ có thể có trong con người : nỗi buồn. Ðiều đó có thể làm được vì ngôn ngữ là quan hệ giữa người với người xuyên qua tự nhiên và lịch sử, xuyên qua tiếng nói : thế giới này, thân phận này, nỗi buồn này, là Nguyễn Du, là ta, vì chúng là ...tiếng Việt. Với bút pháp kia, cái mà Nguyễn Du xóa được, không phải là ranh giới giữa chủ quan và khách quan (làm sao xóa được !), mà là sự cách biệt giữa hai con người, người viết và người đọc. Ông đã làm nỗi buồn của ông thấm vào hồn người đọc. Nhịp cầu ông tạo ra không là gì khác hơn quá trình đọc của ta. Quá trình đó vừa khoa học nên dễ chấp nhận, vừa nhân bản nên dễ cảm.
Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy
Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu
Ngàn dâu xanh ngắt một mầu
Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai ?
Sự nhìn nhau hẫng hụt ấy cũng kết thúc bằng một mầu xanh xanh kỳ ảo và một câu hỏi. Dĩ nhiên, cũng không phải câu hỏi thật. Ai điên mà tìm cách đo lường độ buồn của nhau ! Sự nhìn nhau hẫng hụt kia đột nhiên đuổi ta về ta, một câu hỏi đau điếng : chàng còn yêu ta không ? Ta còn là ta không ? Một câu hỏi chỉ có câu trả lời nếu chúng ta lại được nhìn nhau. Trong khi chờ đợi chỉ thấy xanh xanh...
Nhìn người, nhìn mình, nhìn nhau. Ba thế nhìn đó nhà văn đều thể hiện được qua mọi thể hành văn : tả, bày tỏ, suy luận.
Tả là dùng ngôn ngữ để thuật lại những gì mắt có thể thấy, tai có thể nghe : một sự vật, một sự kiện, một dáng người, một hành động, một lời nói. Tả tình cảm, ý nghĩ ắt vô duyên. Nếu muốn hiện thực, hay nhất là gửi cho "độc giả" một tấm hình, một băng ghi âm, một cuộn phim. Ngay thế cũng không đảm bảo nổi tính khách quan : dù muốn dù không, người chụp hình đã chọn một góc độ, một cái khung, đã phần nào xuyên tạc "sự thực".
Như ta đã thấy, khi nhà văn tả sự vật, mục đích không phải là sao chụp hiện thực gửi cho ta, mà là dẫn dắt ta tái tạo cảnh vật theo lối nhìn của mình. Và điều kiện thực hiện là tôn trọng tự do của ta. Do đó, áp đặt nhân tính của mình vào cảnh vật trong tả cảnh là điều tối kỵ. Ðó là lối hành văn của thời ấu trĩ : cái cầu bước qua sông, con đường chạy ngoằn nghèo trên sườn núi... Trên đời này làm gì có một cái cầu biết đi, biết bước, một con đường biết chạy. Phải viết làm sao ta thấy hết sự thèm muốn, sự cố gắng của con người để qua sông. Lúc đó, cái cầu biến thành một bước đi của con người trong trời đất. Lúc đó, chẳng cần nói nó cũng bước qua sông.
Trong tiểu thuyết Người và dã thú có nhiều trang tác giả tả một con hổ với đầy đủ tư cách, tình cảm, suy nghĩ của một con người. Vẫn biết là ngụ ngôn mà đọc vẫn cứ khó chịu, muốn lướt cho qua. Mãi tới cuối truyện tôi mới hiểu : nhân tính của nhân vật không do tôi, độc giả, tái tạo. Nó do sự di truyền của ông tổ : người hay vượn. Tác giả hiểu rõ điều đó nên có thể khoác nhân tính hay thú tính cho nhân vật của mình. Kể cả một con hổ, vì nó được một con người nuôi nấng, đó là nguồn gốc của nó. Là sản phẩm của người, tự nó đã là người. Như vậy, ta, độc giả, đã thành thừa. Khi ta thấy ta thừa thì ta ... cút. Còn lại một tập giấy lem nhem mực, giá thành, giá bán, tỷ lệ lời lỗ, nhà xuất bản tính toán phân minh, khoa học.
Tả sự kiện trong thế giới tự nhiên cũng vậy.
Tả người khó ở chỗ tả cho ra hồn. Một câu như Nàng là một cô gái đẹp và hiền lành chẳng khiến người đọc thấy nàng đẹp và hiền lành. Anh nói vậy, tôi biết vậy, thế thôi. Tác giả khoác nhận xét của mình vào nhân vật không thể tạo nhân tính cho nó, chỉ bày tỏ tình cảm, suy nghĩ của mình. Tình cảm, suy nghĩ đó chẳng thể áp đặt vào độc giả. (Cái) đẹp, (cái) hiền lành kia không phải là một thuộc tính của một động vật. Không thể thể hiện nó qua hình thù, nét mặt, so sánh...
Vân xem trang trọng khác vời
Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang
Hoa cười ngọc thốt đoan trang
Mây ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh
Dù ta thích những khuôn mặt tròn trĩnh ta cũng không thấy Vân đẹp. Mấy câu thơ kia chỉ nói lên học thức kinh điển của Nguyễn Du, không tạo một vẻ đẹp đặc biệt nào.
Vẻ đẹp, vẻ hiền lành của nhân vật chỉ có thể nở trong ta qua quá trình hình thành của nó. Quá trình đó có thể có sự cấu tạo hình hài và cũng có thể không cần tới sự cấu tạo đó. Trong truyện Những người thợ xẻ của Nguyễn Huy Thiệp có một nhân vật nữ, chị Thục, không có nét mặt mà vẫn rất đẹp. Quá trình đó gồm toàn bộ những nhân tố hình thành một thân phận : hình hài, hoàn cảnh, lời nói, hành động, quan hệ với những nhân vật khác... Những nhân tố ấy đều có thể tả được. Quá trình đó, chính là quá trình đọc của độc giả. Chính độc giả phải tái tạo vẻ đẹp, tâm hồn hiền lành kia qua quá trình cấu tạo lại nhân vật, dưới sự hướng dẫn của tác giả. Trò chơi này không có phương pháp, nhưng có một luật chơi : tác giả không được áp đặt quan điểm của mình, không được bắt ta thấy nàng đẹp khi bản thân ta chưa tái tạo vẻ đẹp ấy. Khi ta đã tái tạo nó, chữ đẹp thành thừa.
Tả hành động là tả sự hoà nhập của con người vào vũ trụ, vào loài người. Bằng hành động, con người chiếm hữu vũ trụ, khắc vào thiên nhiên giấc mộng của mình, xâm nhập vào người khác. Hành động vô cùng thuận lợi cho nghệ thuật viết văn : nó có hình thái rõ ràng, có thể tả được. Ðồng thời nó là ký hiệu của một con ngưòi trong một hoàn cảnh. Nó là hồn người đang đọng lại trong không gian và thời gian. Một cái tát, một cái hôn, có thể nói lên cả một kiếp người. Hành động là tiếng nói không lời của nhân vật. Trong Ngoại tình có một cảnh cắn và một cảnh tát đẹp, chẳng cần giải thích dài dòng, đọc tới, thấm ngay. Trong Ngoài khơi miền đất hứa có một cảnh hôn thật khôi hài, cay đắng. Trong Bên kia bờ ảo vọng cảnh Nguyên đưa tờ giấy ly khai cho vợ, bình thản thở khói thuốc, bất ngờ và đẹp vô cùng : nó là lời tự nguyện làm người.
Dĩ nhiên, một hành động, tự nó, không có ý nghĩa. Ý nghĩa của nó đã được chuẩn bị, bố trí qua quá trình dẫn tới nó. Nhưng nó chẳng bao giờ là kết quả máy móc của quá trình đó. Giây phút nhập cuộc là giây phút con người chọn tương lai của mình và đồng loại, tự tạo định mệnh, tự tạo nhân cách. Hành động là một sự lột xác đột ngột, sáng tạo một hồn người. Nó là biểu hiện của nhân cách, của tự do. Nghệ thuật tả hành động không chỉ ở quá trình thai nghén nó. Còn là nghệ thuật biểu hiện tự do, nhân cách của con người qua một sự kiện. Trong Les misérables[10], khi Javert đưa súng lên đầu, có một thế giới sụp đổ, có một thân người gục xuống, có một hồn người vươn lên.
Tả lời nói, đối thoại là lãnh vực khó nhất trong nghệ thuật hành văn. Nó vướng tất cả những khó khăn của các thể loại trên, vì lời nói cũng là sự kiện, là hành động. Nhưng nó là hành động trong thế giới của tâm hồn. Lời nói là sự phát triển vô hình, vô sắc, của một tâm hồn đọng lại trong ngôn ngữ. Sự phát triển thầm kín, hoàn toàn riêng tư đó lại phải thể hiện qua một công cụ hoàn toàn công khai, thô thiển : lời nói bình thường trong cuộc sống. Do đó, trong văn, lời nói phải nói được cái muốn nói và đồng thời khơi được cái không thể tả được qua định nghĩa của từ ngữ trong từ điển : một hồn người.
Vở kịch Hồn Trương Ba da Hàng thịt chấm dứt bằng hai tiếng không. Chữ không ta dùng hàng ngày, hơn cơm bữa, lắm khi nó chẳng còn nghĩa lý. Thế mà đọc tới đó cứ lặng người : nó đã thể hiện được cả một kiếp người, một thân phận, một khát vọng, một ý chí, một nỗi đau. Nó là một kiếp đàn bà, suốt đời quanh quẩn giữa miếng ăn và ông chồng thô bạo, đột nhiên đòi tình yêu, đòi làm người. Nó là tiếng chào đời của một nhân cách.
Cuộc đối thoại giữa Mai và Hương trong Ngoài khơi miền đất hứa cũng đẹp như vậy. Nó không chỉ là lời an ủi bạn phải bán trinh để cứu mẹ (điều muốn nói). Nó còn là niềm kiêu hãnh, chí làm người trong một hoàn cảnh chó má.
Ngoài việc tả sự vật, sự kiện, nhân vật, hành động, lời nói, có khi nhà văn phải bày tỏ tình cảm. Ðiều này cần mỗi khi nghệ thuật tả không đủ sức nói cạn tình cảm. Nếu chỉ có nhu cầu nói lên tấm lòng mình, nên viết một bài ta thán, không nên viết truyện. Bày tỏ tình cảm chỉ xuôi tai khi nó bày tỏ tình cảm của nhân vật. Nhưng nhân vật lại do độc giả tái tạo. Bày tỏ tình cảm của nhân vật chỉ thành công khi tình cảm đó đã nhen nhóm trong lòng người đọc, sẵn sàng bộc lộ qua ngôn ngữ. Ðây là phương pháp tế nhị, khó khăn, nguy hiểm, khó dùng đạt.
Có những vấn đề, chỉ tả, chỉ bày tỏ tình cảm, không thể nói cạn. Ðó là những suy nghĩ vô tận của con người trước cuộc sống. Muốn nói thẳng ý nghĩ của mình cho người khác, nên viết một bài nghị luận, hay một bài suy nghĩ vẩn vơ như bài này. Trình bầy suy nghĩ trong truyện là trình bầy suy nghĩ của nhân vật, trong hoàn cảnh của nó, qua quá trình hình thành nó. Nhưng ở đây cũng vậy, hoàn cảnh đó, quá trình đó cũng do độc giả tái tạo. Những suy nghĩ đó chỉ xuôi óc khi nó đã bước đầu là suy nghĩ của bản thân người đọc hay, ít nhất, khi người đọc đã thấm nhân vật tới mức thấy : trong hoàn cảnh ấy, đương nhiên phải nghĩ vậy. Và, một lần nữa, để được vậy, nhà văn phải tôn trọng nhân cách tự do của người đọc. Ðây cũng là phương pháp tế nhị, khó khăn, nguy hiểm, khó dùng đạt.
Trong Gặp gỡ cuối năm, (nhân vật của) Nguyễn Khải nói :
Mấy chục năm qua, tự xét mình, tôi thuộc về sức đẩy, chứ không thuộc về sức cản nhưng cũng chỉ như thế thôi, chẳng là cái gì cả trong cái dòng chẩy ồ ạt, vĩnh viễn của Lịch Sử !
Lịch sử chẩy về đâu ? Ai khiến nó chẩy ? Ta không biết, nhưng thấy lâu lâu Nó lại xuất hiện để bảo lãnh cho nhân vật.
Ðằng sau tay nghề vững vàng của tác giả, ta đã nhận diện quá rõ một nhân sinh quan biến con người thành công cụ đơn thuần của một khái niệm, thành một con vật biết nói. Ngay tình cảm khiêm tốn kia cũng làm ta dửng dưng. Nó là sự an phận của kẻ đã vĩnh viễn (?) chấp nhận. Hoặc nó là sự khiêm tốn giả tạo của kẻ ngạo mạn : ta là (một bộ phận) của sự thật vĩnh viễn, của Sự Thật. Ðây không phải chuyện người. Ðây là kinh thánh. Ai thích thì tụng. Ai không thích, tắt đèn, đi ngủ. Ai đã bắt đầu lý sự như tôi đang lý sự là đã bước ra ngoài thế giới văn chương. (Thú thực, vừa chuẩn bị bước vào đã văng ra).
Dĩ nhiên, tác giả hoàn toàn có quyền có quan điểm đó về lịch sử. Trong đời, không thiếu người có quan điểm đó. Nhân tính của quan điểm đó chỉ ở chỗ đó. Vấn đề không phải nó đúng hay sai. Ðiều đó nhường các nhà triết học tranh luận. Vấn đề là làm sao, qua quá trình hình thành nhân vật phát biểu ý đó, ta cảm nhận những ước ao, khao khát, ý chí làm người đã dẫn nhân vật tới quan điểm đó, sẵn sàng sống chết vì nó. Nhưng nhân vật của Nguyễn Khải, chưa thành hình đã thủ sẵn bảo bối đó trong mình. Nó là Samson ra đời với bộ tóc không dao nào cắt được. Nó không phải là nhân vật tiểu thuyết. Nó là khái niệm ngụy trang tiểu thuyết, là một tuồng minh họa vô vị. Ðọc Tuyên ngôn Ðảng Cộng sản thú vị hơn nhiều.
Cũng đề tài đó, dù chính kiến của ta khác chính kiến của tác giả, truyện Le zéro et l'infini[11]vẫn làm ta quên ăn, mất ngủ. Trong truyện Vie et Destin[12] của Vassili Grossman có cảnh một người lính bị bắn, lúc tỉnh dậy, thu sức tàn lết về đơn vị đã bắn mình để được chết cạnh bè bạn, đồng chí. Ðọc tới, không thể không miên man thổn thức. Có những lúc, sống, chết vì lý tưởng đều là sự bế tắc không cùng.
Tới đây ta có thể đề cập tới một vấn đề trọng yếu trong văn chương, vấn đề sự thật. Nhìn sự thật trong văn chương là nhìn cái gì ? tìm cái gì ?
Rõ ràng sự thật trong văn chương không phải sự thật về sự vật. Ðó là đối tượng của khoa học, công việc của nhà khoa học. Nó cũng không phải sự thật về sự kiện. Ðó là đối tượng điều tra của phóng viên, đối tượng phân tích của sử học, công việc của nhà báo, của sử gia. Nó là sự thật của con người. Ðó là mục đích, cạm bẫy nguy hiểm nhất đối với nhà văn.
Sự thật của con người ở đâu ? Chắc chắn không thể ở ngoài nó : ta sẽ thấy được, đo được, tả được. Chắc chắn cũng không ở trong thân xác nó : xẻ thân, bửa óc nó, chỉ có xương, thịt, máu... Nó ở trong quan hệ giữa con người với trời đất, với đồng loại, ở trong ánh mắt nhìn đời của mỗi con người. Cái nhìn đó, như ta đã thấy, (là) tự do, (là) sáng tạo giá trị, sáng tạo nhân tính trong trời đất, trong hồn người. Sự sáng tạo ấy tự do nên con người có thể sáng tạo những giá trị đẹp và xấu. Sự thật của một thời đại gồm toàn bộ những giá trị đó. Ðộ nhân của một nền văn minh ở mức độ đảm bảo cho mọi người, một cách bình đẳng, quyền tự do sáng tạo giá trị. Ðộ phong phú, chiều sâu của một nền văn học cũng từ đó mà ra.
Trong nghĩa đó, con người là sự thật khốn nạn duy nhất của vũ trụ. Rừng núi, cỏ cây, trăng sao, không có sự thật. Chúng có thực, tồn tại và vận động theo những quy luật khách quan của thế giới tự nhiên. Về mặt đó, thân xác của ta cũng vậy. (Cái) tốt, (cái) xấu không có thực : nó là giá trị, là sáng tác tự do của con người, nó thật đối với con người trong một thời đại. Nhưng nó không thể là sự thật về hồn người. Hồn người đã không có, làm sao có được sự thật về hồn người. Bi kịch, sự thật đau đớn của con người ở đó : nó là nền tảng của mọi giá trị, mọi sự thật trong đời, nhưng trong bản thân nó không có sự thật. Tóm lại, nhân tính (là) tự do, (là) sáng tạo, (là) tự do sáng tạo. Nếu con người không tự do, bàn luận về sự thật là chuyện vớ vẩn. Con người, tự do, sáng tạo, đồng nghĩa.
Các bậc thầy văn chương thường khuyên nhủ đồ đệ : chớ giải thích, chớ gán tình cảm của mình vào nhân vật, chớ nhét lý luận của mình vào mồm nhân vật, phải tôn trọng nhân vật. Những lời xác đáng đó thật khôi hài, khó hiểu. Tôn trọng một nhân vật sinh ra từ ngòi bút của mình, chưa thành hình đã biến dạng, là tôn trọng cái gì ? Tôn trọng ai ? Tôn trọng người đọc.
Ðó là nguyên tắc không thể chà đạp, là cốt lõi của văn chương : tôn trọng nhân cách tự do của người đọc, nhìn nhận người đọc, cũng như người viết, là nền tảng, là tác giả của mọi giá trị trên đời, đẹp cũng như xấu. Trên cơ sở đó, hoàn lại cho văn chương chức năng muôn thủa của nó : vẫy gọi nhau cùng làm người, cùng tái tạo nhân giới, cùng sáng tạo giá trị cho thời đại mình.
Trần Đạo
1990



[1] Chỉ vắng bóng một người đã chẳng còn ai. Lamartine, Le Lac
[2] Tự do, chính là khắc khoải lựa chọn. J.P.Sartre, L'Être et le Néant.
[3] theo trí nhớ
[4] Marx, Phê phán Kinh tế chính trị học.
[5] Hỡi con người hữu hạn, ta đẹp như mộng đá. Baudelaire
[6] Chịu thua, phải là nhà thơ mới dịch được. Mallarmé.
[7] Con người là một khát vọng hão. Sartre, l'Être et le Néant
[8] Tố Hữu
[9] Hãy nhìn anh, xin đừng bao giờ ngoảnh mặt : thế giới đã mù lòa ; nếu em ngước mắt đi, anh sợ bị tiêu vong. J.P.Sartre, Le Diable et le Bon Dieu. Ác quỷ và Thiên thần.
[10] Những kẻ bần cùng. Victor Hugo.
[11] Số không và vô tận.
[12] Cuộc sống và Ðịnh mệnh.

Thứ Sáu, 12 tháng 5, 2017

Con gái Hà Nội ở đâu?




 Vũ Thế Thành


Mẹ tôi nể phục mấy cô gái Hà Nội lắm. Dưới con mắt của người nhà quê ra Hà Nội làm việc vặt, bà thấy các thiếu nữ nơi đây ứng xử khôn khéo, nói năng lễ độ, và khuôn phép lắm. Đó là chưa kể thêu thùa may vá, nữ công gia chánh,… Nói chung là đảm. Mỗi khi thấy mấy cô Sài Gòn tân thời quá, tự nhiên quá, bà lại chép miệng, con gái Hà Nội đâu có thế. Bà nói riết, nói riết…, khiến tôi ngờ…bà muốn thằng con của bà nên đi tìm một thiếu nữ Hà Nội.

Nhưng thế giới của tôi lại khác. Tôi sinh ra ở Sài Gòn, lớn lên ở Sài Gòn, bạn bè Sài gòn, trong đầu tôi, nếu có, cũng chỉ là con gái Sài Gòn cho hợp… thủy thổ.

Tôi đã nhìn thiếu nữ Hà Nội qua lăng kính của những tiểu thuyết trong Tự Lực Văn Đoàn mà tôi được học thời trung học.

Mà con gái Bắc (di cư 54) hồi đó gớm lắm, vờn qua vờn lại, làm duyên, đá lông nheo, õng ẽo làm điêu đứng con trai Nam Kỳ đến là khổ. Một thanh niên xứ Biên Hòa đã phải cay đắng thế này:“


Em nhớ giữ tính tình con gái Bắc
Nhớ điêu ngoa nhưng giả bộ ngoan hiền,
Nhớ khiêm nhường nhưng thâm ý khoe khoang,
Nhớ duyên dáng ngây thơ mà xảo quyệt…”

Tôi không có ý kiến gì về bài thơ trên, mà cũng chẳng dại gì có ý kiến. Mấy bà mấy cô Bắc Kỳ đọc bài thơ trên có nổi cơn tam bành rủa xả, thì chắc cũng chỉ mình rủa mình nghe thôi, chứ tác giả, nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên chết rồi, chết trong một chiếc xe hơi cũ kỹ ở sân chùa bên California.

Dù sao cũng nên đọc tiếp thêm vài câu nữa mới thấy “cảm thương” cho tác giả:

“…Ta vẫn nhớ dặn dò lòng tha thiết,
Nên vội vàng tin tưởng chuyện vu vơ
Nên yêu đương bằng gương mặt khờ khờ
Nên hùng hổ để đợi giờ thua thiệt…”

Những ngày sau 75, trên tivi Sài Gòn là những đoàn quân “chiến sĩ gái”, bước theo nhịp quân hành, chiếu cận cảnh với đôi mắt rực lửa căm hờn, giọng nói lanh lảnh. Cảm giác đầu tiên của tôi với các cô gái Bắc Kỳ (thứ thiệt) là…ớn lạnh. Tôi cười, “Đấy con gái Hà Nội của mẹ đấy…”. Bà cụ lại thở dài, chép miệng… “Hồi trước đâu có thế…”.

Dĩ nhiên, mẹ tôi không thể phát hiện cái trò đánh lận rẻ tiền của thằng con, tỉnh bơ xem tất cả các cô Bắc Kỳ đều là các cô Hà Nội.

Thực ra trong đầu tôi cũng có một chút gì đó mơ hồ về con gái Hà Nội. Biết tả thế nào nhỉ! Có thể là hình ảnh dịu dàng đằm thắm của cô Liên trong Gánh Hàng Hoa, hay thiếu nữ tân thời một cách bảo thủ, không sao thoát ra khỏi vòng lễ giáo của cô Loan trong Đoạn Tuyệt. Tôi cảm được nỗi cô đơn của Loan khi thả bộ trên bờ đê Yên Phụ,… Đại loại là tôi đã nhìn thiếu nữ Hà Nội qua lăng kính của những tiểu thuyết trong Tự Lực Văn Đoàn mà tôi được học thời trung học.

Cũng chẳng dừng ở đấy đâu. Khi đọc “Tuấn, chàng trai nước Việt”, một thứ tiểu thuyết hồi ký của Nguyễn Vỹ, tôi biết thêm rằng, các cô nữ sinh Hà Nội cũng lãng mạn ra rít. Họ kín đáo lập ra hội “Ái Tino”. Tino Rossi là ca sĩ người Pháp lừng danh thưở đó, và là thần tượng của vô số thiếu nữ, chẳng riêng gì thiếu nữ Hà thành. Cái “hội” kín đáo, chỉ lèo tèo dăm ba cô thế thôi, nhanh chóng tan hàng, và rồi mạnh ai người nấy tam tòng tứ đức, xuất giá tòng phu, công dung ngôn hạnh… Cái “lãng mạn tân thời” chỉ là đóm lửa, và họ nhanh chóng quay lại với sự thanh lịch, nề nếp theo giáo dục của gia đình.

Năm 1980, lần đầu tiên tôi ra Hà Nội công tác. Anh bạn đồng nghiệp trạc tuổi, tốt nghiệp từ Đông Đức, chở tôi trên chiếc Simson lòng vòng Hà Nội. Nơi đầu tiên tôi muốn ghé thăm là phố Khâm Thiên. Anh bạn tròn xoe mắt, “Làm gì còn hố bom mà ghé thăm”. Tôi chợt hiểu vì sao anh bạn ngạc nhiên, nhưng không thể giải thích. Môi trường giáo dục trong Nam ngoài Bắc khác nhau.

Cái máu phóng đãng đã dẫn tôi đến phố Khâm Thiên, chứ không phải bom rơi đạn lạc ở đó. Đến, dù chỉ để nhìn vài căn nhà xiêu vẹo, cũng thỏa đôi chút tò mò về một thời vang bóng. Phong lưu tài tử giai nhân, đúng, nhưng không phải cách phong lưu của Vân Hạc trong Lều Chõng của Ngô Tất Tố. Anh chàng Vân Hạc khi chờ kết quả thi, ra vào chốn ả đào để vui say bè bạn, để trấn an nhau, để bốc nhau, để chờ ngày bảng vàng ghi tên.

Tôi nhớ đến kiểu cách phong lưu của Cao Bá Quát, một tay chơi thứ thiệt, khi làm sơ khảo trường thi, tiếc bài thi hay mà phạm húy, đã dùng muội đèn để sửa. Việc lộ, bị kết án giảo giam hậu, ông phải đi dương trình hiệu lực, nghĩa là đi làm phục dịch cho phái đoàn đi công tác nước ngoài. Con người tài hoa này, mang theo nỗi cô đơn đến phố ả đào giải sầu bên chén rượu, làm vài bài hát nói, đào nương hát, mình gõ nhịp…

“Giai nhân nan tái đắc
Trót yêu hoa nên dan díu với tình
Mái tây hiên nguyệt gác chênh chênh
Rầu rĩ lắm xuân về oanh nhớ…”

Cũng lần đầu ở Hà Nội, buổi chiều chập choạng tối, lang thang ở phố Huế, tôi thấy một bà đi xe đạp ngược chiều, bị cảnh sát ngoắc lại. Bà năn nỉ thông cảm? Không. Bà phân bua? Không. Bà cãi tay đôi với cảnh sát rằng, nhất định mình đúng. Lương và nhu yếu phẩm phân phối còn không đủ sống, đâu dễ gì chịu nộp phạt. Đôi co với nhau mà cả hai vẫn một mực xưng hô…đồng chí. Tôi phì cười. Hà Nội có những điều không nằm trong trí tưởng tượng của một người Sài Gòn, lần đầu ra Hà Nội như tôi.

Bây giờ, Hà Nội khác xa rồi. Hà Nội nhiều nhà cao tầng, cầu vượt. Hà Nội nhiều xe hơi hơn, Hà Nội giàu hơn. Hà Nội không còn những cảnh cãi tay đôi với cảnh sát buồn cười như thế nữa. Hà Nội văn minh hơn, nhưng có thể họ phải “cãi tay đôi” với chính mình, khi mà còn những cảnh thanh niên thiếu nữ “ à la mode” hái hoa, giẵm hoa bẻ cành để chụp ảnh, hay gào thét tung hô thần tượng minh tinh Hàn Quốc. Đó là chưa kể bún mắng cháo chửi, rải rác vẫn còn đâu đó. Thương hiệu chăng? Tôi chịu! Ăn ngon mà nghe chửi, thôi thà ăn độn dễ nuốt hơn.

Tôi có bà bạn già (hơn tôi) là dân Hà Nội mấy đời. Cha bà là một trong số rất ít người xong bậc đại học thời Tây. Sau 54, nhà đông con, xoay sở không nổi, ông bố định cho 2 đứa con lớn tạm nghỉ học, đi làm rồi học bổ túc sau. Nhưng bà mẹ thì không, nhất quyết không. Bà đến gặp ông bà bác sĩ nhà bên mượn…tiền để các con tiếp tục ăn học. Họ cùng ở trong thành như bà, không vướng bận con cái, còn chút của ăn của để, đồng ý cho vay tín chấp, một thứ tín chấp tình người, thời nay khó tìm. Tôi hiểu ra, dân trí thức Hà Nội xưa có kiểu chơi “chẳng giống ai” (lúc này). Họ kín đáo giúp đỡ nhau trong những tình huống khắc nghiệt. Trong họ dường như chất “nhân” và lòng tự trọng được rèn luyện qua giáo dục, giấy rách phải giữ lấy lề. Mực đen và bão tố không thể vấy bẩn hay phá sập. Những năm sau 75, trong Sàigòn tôi cũng thấy vài trường hợp như thế.

Bà bạn (già) này, về chuyên môn, thì kiến thức mênh mông chứ chẳng vừa. Ăn nói nhẹ nhàng, nhưng quyết liệt khi cần. Vậy mà cư xử thì cứ dạ dạ,..cám ơn. Bà nói chuyện với tôi cũng thế, cũng dạ dạ,..cám ơn. Tôi cười, sao chị khách sáo thế. “Không phải đâu, tôi được giáo dục trong nhà từ nhỏ như thế. Các anh chị em tôi cũng đều như vậy chứ chẳng riêng tôi. Hồi đi học, chỉ vì dạ dạ…cám ơn mà chúng tôi bị phê bình là tiểu tư sản. Ông bà cụ dạy con nghiêm khắc lắm. Tôi là con gái, đi học về là phải tập tành bếp núc, ăn trái chuối là phải bẻ đôi. Ở trường là chuyện khác, còn về nhà là đâu ra đó, vào khuôn phép.”. Tôi cũng nhận ra sự “khách sáo chân thành” của bà, chứ không phải khách sáo đãi bôi.

Dạo sau này, vì công việc tôi thường ra Hà Nội. Đi ăn hàng với bè bạn ở đó thì không sao, nhưng hễ đi một mình là bị chặt (giá), dù chỉ là chai nước tinh khiết, 10.000 đồng ở quán ven đường phố cổ. Bị chặt riết thành quen. Tôi nhủ thầm, lần nào ra Hà Nội mà không bị chặt coi như trúng số.

Dù tôi cũng có vài người bạn thân ở Hà Nội, nhưng giữa tôi và Hà Nội, dường như vẫn còn khoảng cách nào đó. Tôi đến Hà Nội như một kẻ xa lạ, đến như đi nước ngoài không cần visa.

Sài Gòn dễ hội nhập. Cứ ở Sài Gòn là thành người Sài Gòn. Chưa thấy mình là người Sài Gòn, ở lâu thêm chút nữa cũng biến thành người Sài Gòn. Sài Gòn đồng hóa con người nhanh lắm.

Nhưng Hà Nội có lẽ khác, người ta đồng hóa Hà Nội như vũ bão, đồng hóa cạnh tranh từ nhiều nguồn khác nhau để tạo ra một văn hóa Hà thành hiện đại khó mô tả. Còn người Hà Nội (thứ thiệt) đành phải co cụm, khép kín, và giáo dục con cái theo cách riêng của họ để bảo tồn…di sản. Giáo dục từ gia đình mới tạo ra gốc rễ, chứ không phải là quy tắc ứng xử, hay giàu sang, quyền thế.

Hà Nội nhiều hồ. Hà Nội đẹp vì hồ vào những buổi sáng thật sớm, khi trời còn nhá nhem. Sáng lên, Hà Nội biến mất. Con gái Hà Nội (xưa) chắc cũng thế. Cuộc đời dâu bể đã làm họ biến mất, nhưng thực ra cũng chỉ lẩn quất, âm thầm đâu đó thôi.

Năm ngoái, đi ngang qua ngõ nhỏ trong khu phố cổ, tôi ghé tiệm tạp hóa mua chai nước lạnh. Bà bán hàng dễ cũng gần 70, đưa chai nước: “Thưa, của ông đây, giá 5.000. Cám ơn ông…”. Tai tôi lùng bùng. Trong tiềm thức có cái gì nghe quen quen, đọc đâu đó rồi. Đã dợm chân đi, nhưng cũng quay lại: “Thưa bà, bà là người Hà Nội?”. “Vâng ạ, nhà tôi ở ngõ này đã ba đời rồi, từ thời ông nội tôi ra làm quan ở đây”.

Mẹ tôi nói đúng về con gái Hà Nội. Họ hiếm hoi, ẩn mình như giọt nước đọng ở mặt dưới của lá cây sau cơn mưa. Có duyên mới gặp, phải tìm mới thấy.

Thứ Năm, 11 tháng 5, 2017

..CÙNG MÙA THU TRÔI DẠT

.


Chôn mảnh tim buồn ta đợi em về
đào mộ tình nhân tưới giọt hồi sinh
em có vui chăng vết lòng khắc lên hình bóng
dẫu thời gian gìà nua vôi hóa bạc màu son


Em hãy đặt môi hôn cho linh hồn thức tỉnh
đào bới tin yêu cào cấu xác thân
hãy để nỗi đau tuôn chảy máu đào
trinh nguyên ngày nào đỏ thắm lại trầu cau

Ta vẫn đợi em dù đến mai sau
vẫn phải lao đao nhặt câu thề hẹn trong lá vàng mục nát
làm người nhếch nhác cùng mùa thu trôi dạt
xây đấp mộ tình chôn mảnh tim đau..

Thứ Tư, 10 tháng 5, 2017

LỢN ƠI ! THĂNG ƠI !




Giá Lợn hơi giảm mạnh bà con chăn nuôi lợn cả nước ước tính lỗ hơn 10 ngàn tỷ đồng, con số này so với 63 ngàn tỷ đồng mà ông Đinh La Thăng chịu trách nhiệm làm "thất thoát" thì có là bao.Phen này, không khéo hàng triệu người dân chăn nuôi heo phải đến ợ tạm mấy cái dự án đắp chiếu của Tập đoàn dầu khí Việt Nam mà thời may còn tránh được cái nắng cái mưa mà hy vọng Ông Thăng với cái tài tháo vát, làm gì cũng trót lọt nghĩ ra cách cứu giúp bà con chăn nuôi lợn.
Lợn ơi ! Bao giờ mày thăng lên cho dân nhờ?


Bà con nông dân gửi gắm hy vọng vào ông Thăng cũng là hợp lý! Bởi lẽ, dù gì bây giờ ông cũng là Phó Trương Ban Kinh Tế Trung ương.

Nhớ cái thời ở Bộ giao thông ông đã mạnh dạnh cấm toàn bộ nhân viên của mình chơi golf.
Lần này, với cương vị còn oách hơn, ước chi ông cũng mạnh dạn không cấm nữa mà buộc toàn thể Đảng viên phải "Ăn thịt lợn mỗi ngày" ắt bà con chăn nuôi heo được cứu rồi. đây cũng là cách "Làm kinh tế phù hợp với Kinh tế thị trường định hướng XHCN", hòa hợp "ý Đảng lòng dân".
Lợn ơi !
Thăng ơi!
Bà con chăn nuôi lợn cứ hy vọng. Hy vọng thì không phải thế chấp nhà cửa đâu mà lo.
Hãy đặt niềm tin vào ông Phó trưởng Ban Kinh tế Trung Ương tài năng và tháo vát, làm gì cũng trót lọt là ông Đinh La Thăng vậy!

TuaVit

GIẢI PHÓNG




Sáng nay đi ăn sáng được nghe ông ngồi bàn bên cạnh than với bạn thế này:
“Tối qua định làm ông bố tốt, dẫn vợ con lên bờ hồ vào quán cà phê uống nước cho bọn trẻ con xem bắn pháo hoa. Địt mẹ nó chứ, mấy cái bàn ở gần hồ thì nó kêu là có người đặt cả rồi mà ngồi mấy bàn trong thì chúng nó cũng đòi thu trước 150.000 mỗi người tiền chỗ chưa kể đồ uống. Nhà tao đi 4 người thì mất mẹ nó 600.000 tiền chỗ. Có điên mới chịu được. Thế là cả nhà hậm hực đi về.
Ngày thường vắng như chùa bà đanh, thích ngồi đéo đâu cũng được… Đúng là cái xã hội Việt Nam… Chỉ có chộp giật, ăn cướp là giỏi…”
***
Mình vốn không thích xem bắn pháo hoa, vì nói chung ở Hà Nội bắn chẳng bao giờ đẹp. Lần nào cũng hao hao giống nhau. Chẳng có gì lạ!
Hôm qua chập tối thấy khí trời mát mẻ, định dạo vài vòng cho sảng khoái đầu óc và xem thử cái cảm giác được “giải phóng” có làm cho mình “phỗng d…” được tí nào không?
Đang chuẩn bị đi thì trời đổ mưa. Và mình chợt nhận ra rằng cái phòng trọ của mình là một nơi lý tưởng để ngắm màn trình diễn pháo hoa từ hồ Bảy Mẫu. Tự dưng thích xem pháo hoa thế không biết.
Thế là háo hức pha một ấm chè đặc, vừa nhâm nhi vừa nghe thầy Thích Thanh Tứ giảng giải Kinh Kim Cang chờ tới giờ G để ngắm hoa nở trên trời…
Giọng thầy vui vẻ rằng “Bồ Tát là đã giác ngộ được một phần, còn Đức Phật là đã Giác Ngộ hoàn toàn. Chúng sinh không để cho lục căn dính vào lục trần, tức là để cho bản thân được giải thoát khỏi lục thức(nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý) thì sẽ giác ngộ, thì đã là Bồ Tát rồi…”

Ôi, mình cũng muốn được làm Bồ Tát.
Một lúc cũng được!
Đúng lúc pháo hoa bắt đầu nổ, mình tạm tắt lời giảng của thầy Thích Thanh Tứ.
Quán chiếu lại bản thân, vào chính lúc đó, lục căn của mình cũng đã tương đối thờ ơ với lục trần rồi.
Mắt nhìn thấy trời mưa biết là trời mưa,
Tai nghe thấy tiếng pháo hoa nổ bì bòm biết là pháo hoa nổ,
Mũi ngửi thấy mùi trà biết là mùi trà,
Lưỡi nhận thấy vị chát của trà biết là vị trà,
Đầu rảnh rang không khởi niệm phân biệt!
Chỉ duy nhất một thứ là còn chiếc quần đùi trên người nó cứ vướng víu thế nào í. Vẫn còn vướng vào trần thứ 5 là “xúc”. Vẫn có cảm giác cứng mềm… Thế mới tai hại!
Vào cái khoảnh khắc thiêng liêng đón chào tự do, thống nhất đất nước, trong cái hào hùng của bì bõm tiếng pháo hoa, trong cái mong muốn tột bực của mình là được làm Bồ Tát… lại vướng phải cái quần đùi!
Tụt!
Giải thoát nốt!
Quả thực là sảng khoá vô cùng!
Cái cảm giác được làm thần tiên, làm Bồ Tát nó khoái lắm!
Chẳng trách gì người người rủ nhau đi tu, nhà nhà rủ nhau đi tu!
Đang tận hưởng cảm giác “hoát nhiên tiểu ngộ” thì nghe nhói ở mông. Xoay tay đánh bép một phát.
Một bãi máu tươi và xác một con muỗi vằn vện nhoe nhoét trong lòng bàn tay…
Thế là chấm dứt ngay giấc mộng làm Bồ Tát của mình!
Hầy,
…nói chung vẫn còn bọn hút máu thì khó mà có thể giải thoát được!



Phạm Phú Quảng