Thứ Hai, 8 tháng 5, 2017

Chuộc lương tâm





Cách đây hơn hai chục năm, hồi tôi học phổ thông cấp III, đồng hồ đeo tay còn là thứ xa xỉ phẩm khan hiếm. Một hôm, thằng bạn cùng bàn sắm được một chiếc đồng hồ mới toanh; nó đeo đồng hồ rồi xắn tay áo lên trông thật oách làm sao, khiến cả lớp phục lăn. Chỉ vài hôm sau đã thấy mấy thằng khác cùng lớp đua nhau sắm đồng hồ đeo tay. Ngay cả trong giấc mơ tôi cũng ao ước được như chúng nó: sắm một chiếc đồng hồ để mọi người trông thấy mà thèm.

Hôm chủ nhật, tôi về nhà chơi. Lấy hết lòng can đảm, tôi nói với mẹ: “Mẹ ơi, con muốn mua một cái đồng hồ đeo tay, mẹ ạ !” Mẹ tôi trả lời: “Con này, nhà mình đến cháo cũng sắp sửa chẳng có mà ăn nữa, lấy đâu ra tiền để sắm đồng hồ cho con ?” Nghe mẹ nói thế, tôi rất thất vọng, vội quáng quàng húp hai bát cháo rồi chuẩn bị về trường. Bỗng dưng bố tôi hỏi: “Con cần đồng hồ làm gì thế hả ?”

Câu hỏi của bố nhen lên một tia hy vọng trong lòng tôi. Rất nhanh trí, tôi bịa ra một câu chuyện: “Hồi này lớp con đang học ngày học đêm để chuẩn bị thi đại học, vì là lớp cuối nên bây giờ chúng con lên lớp không theo thời khoá biểu của trường nữa, cho nên ai cũng phải có đồng hồ để biết giờ lên lớp.” Nói xong, tôi nôn nóng chờ bố trả lời đồng ý; thế nhưng bố tôi chỉ ngồi xổm ngoài cửa chẳng nói câu nào.

Trở về ký túc xá nhà trường, tôi chẳng còn dám nằm mơ đến chuyện sắm đồng hồ nữa. Thế nhưng chỉ mấy hôm sau, bất chợt mẹ tôi đến trường, rút từ túi áo ra một túi vải hoa con tý rồi mở túi lấy ra một chiếc đồng hồ mác Thượng Hải mới toanh sáng loáng. Tôi đón lấy nó, đeo ngay vào cổ tay, trong lòng trào lên một cảm giác lâng lâng như bay lên trời. Rồi tôi xắn tay áo lên với ý định để mọi người trông thấy chiếc đồng hồ của mình.

Thấy thế, mẹ tôi liền kéo tay áo tôi xuống rồi bảo: “Con này, đồng hồ là thứ quý giá, phải lấy tay áo che đi để giữ cho nó khỏi bị sây xước chứ ! Con nhớ là tuyệt đối không được làm hỏng, lại càng không được đánh mất nó đấy ! Thôi, mẹ về đây.”

Tôi tiễn mẹ ra cổng trường rồi hỏi: “Sao nhà mình bỗng dưng lại có tiền thế hở mẹ ?” Mẹ tôi trả lời: “Bố mày bán máu lấy tiền đấy !”

Bố đi bán máu để kiếm tiền mua đồng hồ cho tôi ? Trời ơi ! Đầu óc tôi quay cuồng, ngực đau nhói. Tiễn mẹ về xong, tôi tháo chiếc đồng hồ ra, bọc kỹ mấy lớp vải như cũ cất vào cái túi con tý mẹ đưa. Ngay hôm ấy, tôi hỏi thăm các bạn xem có ai cần mua đồng hồ mới không. Các bạn hỏi tôi tại sao có đồng hồ mà lại không đeo, tôi bảo tôi không thích. Họ chẳng tin, cho rằng chắc hẳn đồng hồ của tôi có trục trặc gì đấy, vì thế chẳng ai muốn mua nó.

Cuối cùng tôi đành phải nhờ thầy chủ nhiệm lớp giúp tôi tìm người mua đồng hồ và thành thật kể lại đầu đuôi câu chuyện cho thầy nghe, vừa kể vừa nước mắt lưng tròng. Thầy chủ nhiệm nghe xong bèn vỗ vai tôi và nói: “Đừng buồn, em ạ. May quá, thầy đang cần mua một chiếc đồng hồ đây, em để lại nó cho thầy nhé !” Thầy trả tôi nguyên giá, còn tôi thì dùng số tiền đó nộp hai tháng tiền ăn ở nhà ăn tập thể. Có điều khó hiểu là sau đó chưa bao giờ tôi thấy thầy chủ nhiệm đeo đồng hồ cả. Mỗi lần tôi hỏi tại sao thì thầy chỉ cười không nói gì.

Về sau tôi thi đỗ đại học rồi ra trường và làm việc ở một tỉnh lỵ xa quê. Câu chuyện chiếc đồng hồ kia cứ mãi mãi đeo bám ám ảnh tôi.

Trong một dịp về quê thăm gia đình, tôi tìm đến nhà thầy chủ nhiệm cũ và hỏi chuyện về chiếc đồng hồ ấy. Thầy tôi bây giờ đã già, tóc bạc hết cả. Thầy bảo: “Chiếc đồng hồ vẫn còn đây.”Nói rồi thầy mở tủ lấy ra chiếc túi vải hoa nhỏ xíu năm nào mẹ tôi đưa cho tôi. Thầy mở túi, giở từng lớp vải bọc, cuối cùng chiếc đồng hồ hiện ra, còn mới nguyên !

Tôi kinh ngạc hỏi: “Thưa thầy, tại sao thầy không đeo nó thế ạ ?” Thầy chủ nhiệm từ tốn trả lời: “Thầy đợi em đến chuộc lại nó đấy !” Tôi hỏi tiếp: “Thưa thầy, vì sao thầy biết em sẽ trở lại xin chuộc chiếc đồng hồ ạ ?” Thầy bảo: “Bởi vì nó không đơn giản chỉ là chiếc đồng hồ, mà điều quan trọng hơn, nó là lương tâm của một con người.”

Lý Tử

BẬC TIÊN TRI- GS NGUYỆN KHẮC VIỆN





Tác giả: Lê Phú Khải

Trước Đại hội 7, Gíao sư Nguyễn Khắc Viện đã gửi thư lên Trung ương, phân tích, khi tư bản hoang dã đầu tư ồ ạt vào nước ta thì chúng sẽ phá hoại môi trường, “nỗi thống khổ và thời gian không cho phép chúng ta trù trừ thỏa thuận mãi được. Đảng nên tự giải tán, giao chức năng quản lý cho nhà nước quyền làm chủ tập thể cho nhân dân”. Đảng sẽ trở thành Đảng đối lập với chính quyền (đã làm ăn với tư bản), đấu tranh để bảo vệ môi trường cho đất nước. Như thế Đảng sẽ sống mãi trong lòng dân tộc.

Những gì Đảng đã làm được trước đó cho dân tộc sẽ còn mãi mãi.
Sau bức thư gửi lên Trung ương đó, Nguyễn Khắc Viện trở thành “phần tử phản động”!
Tôi ra Hà Nội thăm ông, bà Nhất, vợ ông nói với tôi: Anh Viện đã chuẩn bị sẵn một cái bị quần áo và một cái gậy… để công an gọi thì lên đường ngay! Ở quê Hà Tĩnh, người ta đồn ông đã bị bắt. Vì thế, ông về quê, tổ chức một cuộc nói chuyện ở trường cấp 1 để cải chính là… chưa bị bắt!!!
Bây giờ tư bản hoang dã (như ông nói) phá môi trường ở sông Thị Vải, ở Bauxite Tây Nguyên, ở Formosa biển miền Trung và đang tiếp tục phá môi trường bằng những nhà máy giấy, nhà máy nhiệt điện công nghệ lạc hậu ở khắp các nơi trên đất nước ta, tôi càng thấm thía lời tiên đoán của ông Viện.

Đầu năm mới, ông Tổng bí thư Đỗ Mười chúc mừng năm mới trên đài truyền hình: Chúc đồng bào năm mới làm ăn phát tài! Gặp tôi tại TP HCM ông Viện than: “Nước Pháp nêu khẩu hiệu: “Tự do – Bình đẳng – Bác ái” mà trở nên giàu có. Nếu chỉ nêu khẩu hiệu “phát tài” thì nhà báo như cậu phải bẻ cong ngòi bút mà phát tài, cô giáo phải tấn công học trò mới phát tài, thầy thuốc phải bóc lột bệnh nhân mới phát tài…”. Bây giờ xã hội Việt Nam đạo đức suy đồi, con người lấy dối trá làm lẽ sống, quan chức lập dự án cướp đất của nông dân để mau phát tài…, nghĩ đến bác Nguyễn Khắc Viện, tôi càng thấy ông nói đúng quá. Người phương Tây có câu ngạn ngữ: “Ai đúng sớm quá là sai” (Ceux qui ont raison trop tôt, ont tort.)

Bác Viện đã đi xa 20 năm. Nếu có ai hỏi tôi về ông, tôi sẽ trả lời không chút do dự: Dự báo! Suốt đời con người này dốc toàn sức lực, trí tuệ và tâm huyết của mình để dự báo những gì sẽ đến với dân tộc. Ông không run sợ khi nói lên sự thật, nói đúng sự thật. Và ông đã phải “trả giá” cho những cái “đúng sớm quá” của mình!

Đầu tháng 5 năm 1997, ông yếu nặng, bà Nhất gọi điện vào cho tôi, nhờ tôi “khuyên” ông ăn cháo. Vì đã mấy ngày ông nhất quyết nhịn ăn để chết! Tôi hỏi vì sao? Bà Nhất nói: Ông Viện nói rằng, ông Đỗ Mười Tổng bí thư đã đến thăm nhà ông, mà ông không chết nó cũng… kỳ (!). Sau tôi được biết, do vợ con kêu khóc quá, ông chấp nhận ăn cháo, nhưng lại dặn kỹ: Đừng cho nước mắm vô cháo, vì có đạm, lâu chết lắm!!! Vài bữa sau, ông ra đi.

Viết đến đây tôi nhớ đến lời của Irina, phát thanh viên tiếng Việt đài Mátxcơva: Việt Nam có một đội ngũ trí thức đứng đầu Đông Nam Á. Các nước kia lấy đâu ra một trí thức – người đánh thức không cho xã hội ngủ – như Nguyễn Khắc Viện. Nhưng người ta quyết tâm “ngủ”, không cần ai “đánh thức”.

*GS Nguyễn Khắc Viện nhận giải thưởng Grand prix de la Francophonie của Viện Hàn lâm Pháp (12/1992)

L.P.K

Thứ Ba, 2 tháng 5, 2017

Điệp viên giỏi nhất của CIA ở VN









Quân đội Mỹ sử dụng nhiều tình báo trong cuộc chiến Việt Nam

Tiếp theo phần một loạt bài về các điệp viên ít được biết đến trong cuộc chiến Việt Nam, BBC giới thiệu nhân vật Võ Văn Ba, người được gọi là điệp viên 'giỏi nhất của CIA ở Việt Nam.'
Tư liệu dựa trên bài thuyết trình “Những điệp viên vô danh nổi tiếng nhất trong cuộc chiến Việt Nam" của ông Merle Pribbenow.
Bài này đã đọc tại hội thảo “Tình báo trong Chiến tranh Việt Nam”, ở Trung tâm Việt Nam thuộc Đại học Công nghệ Texas.

Đọc phần một loạt bài tại đây
Orrin DeForest, một nhân viên CIA phục vụ sáu năm ở Việt Nam, nhắc đến con người này với mật danh “Reaper” trong cuốn sách “Slow Burn: The Rise and Bitter Fall of American Intelligence in Vietnam.” Một chuyên viên khác của CIA, John Sullivan, nói ông ta là “điệp viên giỏi nhất mà chúng ta từng có ở Việt Nam.” Còn trong cuốn tiểu sử về sếp CIA ở Sài Gòn Ted Shackley, tác giả David Corn dẫn ra một sự đánh giá thời hậu chiến của CIA rằng điệp viên này là “nguồn tin đáng tin cậy nhất về ý định của cộng sản” ở Việt Nam.
Frank Snepp, một nhà phân tích tình báo có đôi lần gặp con người này, gọi ông ta là “điệp viên hàng đầu của chúng ta” ở Việt Nam. Văn phòng của CIA ở Sài Gòn thì đơn giản gọi ông này là “nguồn tin Tây Ninh.” Sau 1975, những người cộng sản mô tả nhân vật này là “điệp viên nguy hiểm trung thành với CIA” và nói CIA xem ông ta là “điệp viên có giá nhất tại Đông Dương” của CIA.
Con người này là ai?
Tên của người này là Võ Văn Ba. Theo các ghi chép của phía cộng sản, nhân vật này, sinh năm 1923, là một đảng viên cộng sản phụ trách tuyển mộ đảng viên mới ở khu vực Tòa thánh Cao Đài và thành phố Tây Ninh.
Có những ghi nhận khác nhau về cách làm thế nào và nhờ ai mà điệp viên này được tuyển mộ cho CIA. Orrin DeForest nói chú của ông Ba, ban đầu theo Việt Minh nhưng sau trở thành sĩ quan phục vụ trong ngành An Ninh Quân Đội của miền Nam, đã thu dụng người cháu. David Corn và John Sullivan viết rằng chú của Ba, người mà họ chỉ nói là một sĩ quan miền Nam, đã tuyển Ba làm chỉ điểm cho cảnh sát quốc gia Việt Nam Cộng Hòa.
Trước khi CIA vào cuộc, có vẻ Ba làm việc một thời gian cho quân đội Mỹ. Theo John Sullivan, một người trong CIA nói Ba từng làm cho tình báo quân đội Mỹ.

Không lâu sau khi đến tỉnh Tây Ninh năm 1969, sĩ quan CIA đầu tiên phụ trách Ba đã nhanh chóng chuyển điệp vụ mà lâu nay tiến hành khá nghiệp dư trở thành một hoạt động tình báo chuyên nghiệp, đặt dưới sự kiểm soát trực tiếp của CIA.
Hoạt động
Từ nay ông Ba được yêu cầu báo cáo về những mục tiêu chiến lược, các kế hoạch hành động mang tính chất toàn quốc, chứ không còn là những mục tiêu chiến thuật cấp thấp. Ông Ba ở trong vị trí lợi thế để lấy được những thông tin chiến lược vì trong suốt giai đoạn này, trụ sở chính của Trung Ương Cục Miền Nam đặt rất gần chỗ ông, có lúc bên trong tỉnh Tây Ninh, có lúc ở tỉnh Bình Long kế cận. Các báo cáo của người này được chuyển qua các kênh thông tin của CIA, và chỉ một số ít người biết về sự tồn tại của Ba.


Quân Mỹ sử dụng thông tin tình báo để tiến hành các cuộc tấn công

Để bảo đảm bí mật, chỉ một sĩ quan Cảnh Sát Đặc Biệt miền Nam và một nhân viên người Việt ở văn phòng CIA ở Tây Ninh được phép gặp mặt Ba ở Tây Ninh. Chỉ thỉnh thoảng Ba mới gặp nhân viên CIA người Mỹ và cũng chỉ gặp ở địa điểm mật tại Sài Gòn.
Thông tin mà ông Ba cung cấp thường xuyên được sử dụng trong các đánh giá của tình báo Mỹ về kế hoạch của phe cộng sản. Ngoài ra, mặc dù Ba chuyên môn theo dõi các khía cạnh chính trị chứ không phải quân sự, nhưng thỉnh thoảng ông cũng báo trước các cuộc tấn công ở khu vực Tây Ninh.
Tuy nhiên, vẫn có những câu hỏi về sự trung thành của ông Ba đối với CIA. Mấy lần kiểm tra ông bằng máy thử nói dối đều có kết quả không làm CIA hài lòng. Năm 1971, hai năm sau khi CIA tuyển mộ Ba, họ phát hiện rằng Ba vẫn ngầm liên lạc và báo cáo cho tình báo quân đội Việt Nam Cộng Hòa. CIA ngay lập tức liên lạc và yêu cầu quân đội Miền Nam ngừng mọi giao thiệp với Ba. Một số sĩ quan CIA cũng đặt câu hỏi làm sao Ba lại không bị Việt Cộng phát hiện mặc dù các điệp viên cộng sản đã xâm nhập vào toàn bộ các tổ chức tình báo của miền Nam, những nơi biết về sự tồn tại của con người này. Nhưng rốt cuộc, sự chính xác trong các báo cáo của Ba làm tan biến mọi hồ nghi, và giới tình báo miền Nam và Mỹ xem Ba là tài sản quý giá của họ.
Những người cộng sản cũng ngày một nhận ra là họ có kẻ phản bội trong hàng ngũ. Những thiệt hại ở khu vực Tây Ninh năm 1969, những dấu hiệu là đối phương biết trước ý định tấn công, khiến những người cộng sản nghi ngờ trong nội bộ của họ có điệp viên. Một nữ cán bộ được cử điều tra tại Tây Ninh, nơi Ba có nhiệm vụ tuyển mộ và tổ chức chi bộ đảng. Nhưng nhà nữ điều tra này lại bị an ninh miền Nam bắt được khi bà đi vào địa giới do Việt Nam Cộng Hòa kiểm soát, và bà bị giam cho đến hết cuộc chiến. Không có tư liệu cho biết liệu có phải ông Ba đã báo cho an ninh miền Nam bắt người này hay không.
Cuộc truy tìm nội gián trở nên gấp rút tới mức, theo một loạt các bài báo đăng trên báo chí Việt Nam năm 2004, một trong những điệp viên cao cấp của cộng sản trong chính quyền miền Nam, Nguyễn Văn Tá (tức Ba Quốc), được giao nhiệm vụ săn lùng nội gián vào năm 1972.
Ông Ba Quốc đoán rằng hồ sơ mà ông muốn có thể nằm trong một tủ khóa ở Nha điệp báo (ban K) thuộc Phủ Đặc ủy trung ương tình báo. Ông vào được nơi này và định mở khóa, nhưng lại có người vào bất thình lình, khiến ông đành bỏ dở. Hai năm sau, các hoạt động của chính ông Ba Quốc bị phát hiện và ông phải trốn vào căn cứ cách mạng ở đồng bằng sông Cửu Long.
Đoạn kết
Hồ sơ mật về ông Võ Văn Ba được an toàn cho đến ngày Sài Gòn sụp đổ hôm 29-4-1975. Khi quân đội cộng sản chiếm văn phòng Phủ Đặc ủy trung ương tình báo ở Sài Gòn, Viễn Chi, Cục Trưởng Cục Tình Báo của Bộ Công an Bắc Việt, được nói là đã tìm thấy hồ sơ về Ba trong ngăn khóa của Nguyễn Khắc Bình, Tổng giám đốc cảnh sát quốc gia.
Cho đến khi cuộc chiến gần kết thúc, ông Ba tiếp tục có những báo cáo giá trị cho CIA. Thế nhưng đến tháng một năm 1975, khi Bộ Chính Trị Đảng Cộng Sản Bắc Việt ra Nghị Quyết tổng tấn công để “dứt điểm” Miền Nam Việt Nam, Võ Văn Ba đã không báo động trước cho CIA về Nghị Quyết nầy. Đây không phải lỗi của Ba mà là do Cộng sản nghi là có người phản bội trong hàng ngũ của họ, thành ra giới lãnh đạo Trung Ương Cục Miền Nam đã quyết định không phổ biến Nghị Quyết mới cho cấp dưới.
Vào giữa tháng Tư 1975, ông Ba cho CIA một loạt báo cáo cuối cùng mô tả chung chung kế hoạch tấn công Sài Gòn của Bắc Việt. Những báo cáo này được xem trọng đến mức chúng được đưa vào bản phúc trình năm 1976 của đại sứ Mỹ Martin trước một ủy ban của Quốc hội Mỹ về việc sơ tán khỏi Sài Gòn. Nhưng vào lúc Ba chuyển những báo cáo này thì số phận của miền Nam đã được định đoạt. Thực tế, số phận của chính ông Ba cũng được định đoạt, mặc dù lúc này ông chưa biết.


Điệp viên Võ Văn Ba bị bắt đúng ngày 30-4-1975

Khi Sài Gòn sắp sụp đổ, CIA đề nghị đưa Ba và gia đình sang Mỹ. Nhưng ông này lại từ chối, nói là muốn ở Việt Nam thay vì khởi nghiệp từ đầu ở xứ người trong lúc tuổi đã cao. CIA hứa họ sẽ làm mọi cách để ngăn không cho hồ sơ về ông Ba rơi vào tay đối phương. Tuy vậy, lúc đó quân đội cộng sản đã bắt được và tra hỏi một người mà có lẽ biết hoạt động của ông Ba rõ hơn ai hết.
Theo các ghi chép hậu chiến của Việt Nam, ông Nguyễn Văn Phong (hay Nguyễn Sĩ Phong) là một người di cư miền Bắc 33 tuổi làm việc cho văn phòng CIA ở Tây Ninh. Ông Phong là người liên lạc của Ba ở CIA kể từ 1969, ngay sau khi CIA tuyển mộ Ba. Sau nhiều năm làm việc trực tiếp với Ba, sau này ông Phong rời khỏi Tây Ninh và làm ở văn phòng CIA ở Ban Mê Thuột.
Ngày 10-3-1975, lực lượng cộng sản nhanh chóng chiếm được Ban Mê Thuột. Ông Phong và gia đình chạy đến nhà của Paul Struharik, đại diện của USAID và là nhân viên người Mỹ duy nhất còn ở lại trong tỉnh. Nhưng ngôi nhà lập tức bị bao vây và mọi người trong đó bị bắt.
Ông Phong thú nhận ông đã làm việc cho CIA và khai ra tên của Võ Văn Ba. Ngày 29-4-1975, quân cộng sản chiếm thành phố Tây Ninh và bắt được Phan Tất Ngưu, sĩ quan miền Nam phụ trách trường hợp ông Ba. Bản thân ông Ba bị bắt ngày 30-4.
Phía Việt Nam nói ông Ba tự sát ngày 8-6-1975 trong lúc đang bị giam trong trại của Bộ Công an. Sự thật về cái chết của Võ Văn Ba – có phải đó là tự sát hay là một điều gì khác – có lẽ sẽ không bao giờ được biết.
Đoạn kết khác
Còn có thêm một đoạn kết khác cho câu chuyện về điệp viên Tây Ninh. Vào năm 1980, trong cao trào thuyền nhân, Paul Struharik, đại diện của USAID ở Buôn Mê Thuột và là người có nhà bị bao vây hồi tháng Ba 1975, nhận được lá thư gửi về địa chỉ nhà ông ở Mỹ. Lá thư được gửi từ Malaysia, và người viết là Nguyễn Văn Phong.
Phong nói ông đã trốn được khỏi trại giam Bắc Việt bằng cách nhảy khỏi xe trong lúc chuyển tù. Ông nói sau khi trốn thoát, ông tìm thấy vợ con và cả nhà sắp ra đi trên con thuyền với những người tị nạn vừa đến được bờ biển Malaysia. Theo Phong viết thì vì thuyền của ông vẫn còn đi biển được, phía Malaysia muốn đẩy họ đi tiếp, nhưng Phong nói ông thuyết phục được người ta gửi lá thư này về Mỹ. Phong nhờ Struharik giúp đỡ.
Câu chuyện của ông Phong nghe khó tin vì̀ làm sao một người tù quan trọng như ông có thể trốn thoát, lại mang theo được cả vợ con. Tuy vậy người Mỹ biết rằng trong đời này cũng thỉnh thoảng gặp trường hợp phép lạ, thành ra họ vẫn gửi tin nhắn yêu cầu nhân viên chức trách để ý khi thuyền của ông Phong đến được trại tị nạn.
Khoảng hơn một tuần sau, một người Việt Nam lênh đênh trên biển Đông được một chiếc tàu đi ngang cứu được. Người này nói ông ta có mặt trên con thuyền của ông Phong. Ông nói con thuyền đó đã chìm trên đường tới Indonesia, và mọi người trên thuyền, kể cả ông Phong và gia đình, đã chết.
..........................................................
Mad man
Tôi cho rằng một đảng viên cộng sản làm công việc tuyển mộ và có vị trí "ở rất gần" trụ sở chính của Trung Ương Cục Miền Nam không thể giúp CIA có được các "báo cáo về những mục tiêu chiến lược, các kế hoạch hành động mang tính chất toàn quốc". Xem ra những gì mà CIA làm được ở VN thật khiêm tốn!
James Trần, San Jose
Cám ơn BBC đã đang bài này. Bên miền Nam Việt Nam Cộng Hòa thế là cũng có tiếng nói, cũng có các anh hùng vô danh nay được vinh danh như các vị tướng tử trận vào những ngày đen tối nhất của dân tộc Việt.
Tôi rất cảm phục chú Võ Van Ba đã hy sinh cả cuộc đời cho lý tưởng tự do và xin một nén hương cầu nguyện chú và gia đình tiêu diêu miền cực lạc.
Volga, Moscow
Qua hai bài do BBC đăng tải ta có thể thấy được thông tin bài viết khá trung thực. Có thể thấy được bản chất xâm lược của cuộc chiến mà Mỹ gây ra ở Việt Nam.
Vì CIA với kinh nghiệm dày dạn và nguồn tài chính khổng lồ thì điệp viên số một của họ cũng chỉ ở một vị trí khiên tốn, thông tin có được khi đã được phổ biến xuông cơ sở, hay những kế hoạch ở quy mô nhỏ.
Nếu so sánh với những gì phía đối phương có được thì thật là ‘khiêm tốn’. Tại sao những người Cộng sản với kinh phí hạn hẹp, phương tiện thô sơ lại tạo được hệ thống tình báo rộng và sâu như vậy? Tại sao những người có chức vụ quan trọng trong chính quyền VNCH lại chịu nguy hiểm tính mạng làm việc cho Việt cộng mà không cần chút thù lao, thậm chí còn dùng t! hu nhập của mình để ủng hộ cách mạng?
Có thể có người sẽ khó hiểu. Đó chính là khát vọng độc lập dân tộc và thống nhất tổ quốc của mỗi người Việt Nam. Chính những hi sinh của họ đã giảm tối thiểu đổ máu trên chiến trường cho cả hai phía. Chúng ta ngưỡng mộ và ghi ơn họ. Người Mỹ thường nó họ thua ở Việt Nam là vì không hiểu văn hóa Việt Nam nhưng không thấy họ nói rõ đó những gì.

Thứ Hai, 1 tháng 5, 2017

ĐINH LA THĂNG CÓ ĐƯỢC NGỒI TÙ ?







Tham nhũng được xem là " quốc nạn". Thời TBT Nguyễn Văn Linh bật "đèn xanh" chống tham nhũng, tiêu cực trong bộ máy Nhà nước, thế là hàng loạt giám đốc quốc doanh làm ăn thua lỗ phải ra trước vành móng ngựa. Tội danh của họ được định là " Thiếu tinh thần trách nhiệm" và " Cố ý làm trái" gây hậu quả nghiêm trọng ( "tham ô" thì chẳng có mấy), lãnh án chí ít cũng từ 4 năm đến 12 năm tù giam,
mà số tiền gây thất thoát cũng chỉ vài trăm triệu đến vài tỷ
Thời ông TT Nguyễn Tấn Dũng, tham nhũng chẳng được " tiêu diệt" như ông từng phát biểu khi nhậm chức Thủ tướng ngược lại còn lớn mạnh . "ăn sâu" vào tim phổi chế độ, tạo ra các "nhóm lợi ích khủng" thao túng bộ máy Nhà nước.Cũng may , tuy ông TBT Nguyễn Phú Trọng " đập chuột sợ bể bình" cũng đưa ra ánh sáng được vụ án Vinalines, đơn vị quốc doanh 100% trực thuộc chính phủ TT Nguyễn Tấn Dũng. Con số thất thoát, thua lỗ lên đến mức khủng khiếp : hàng trăm ngàn tỷ. Dương Chí Dũng bị kết án hàng loạt tội danh : Cố ý làm trái, tham ô... và tổng hợp hình phạt cao nhất là lãnh án "Tử hình". Ông TT Nguyễn Tuấn Dũng sau 2 nhiệm kỳ "an nhiên" rời chức vụ Thủ tướng về nhà hưởng tuổi già của một "ông Trùm".
Lần này, UBKT Trung ương Đảng chỉ mới có kết luận và đề nghị "kỷ luật" Ông Đinh La Thăng - Bí thư Thành Ủy thành phố Hồ Chí Minh hiện thời-về " trách nhiệm" của ông đối với những thất thoát khủng ( không kém Vinalines ) 63 ngàn tỷ của Tập đoàn đoàn dầu khí Việt Nam dưới sự lãnh đạo điều hành trực tiếp của Chủ tịch HĐQT Đinh La Thăng.
Có lẽ, rút kinh nghiệm vụ Dương Chí Dũng bỏ trốn không lọt kéo theo ông em Phó giám đốc Công An Hải Phòng phải ngồi tù thì lần này " đàn em" thân tín của Ông Thăng ở Tập đoàn Dầu khí Việt Nam là Trịnh Xuân Thanh được "an bày" khá chu đáo, để thản nhiên biến ra nước ngoài thoát khỏi vòng pháp luật Việt Nam.
Kết luận của UBKT Trung ương Đảng đã nói rõ "hành vi" không chỉ "Thiếu tinh thần trách nhiệm ", mà còn " Cốa ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng"...Vậy ông Thăng có bị "truy cứu trách nhiệm hình sự " hay không? Hay chỉ phải nhận một án "kỷ luật" của Đảng rồi cũng " an nhiên" về nhà hưởng thụ thành quả "gây thất thoát, lãng phí nghiêm trọng tài sản Nhà nước". Cái khối tài sản khổng lồ đó " chính là mồ hôi nước mắt của nhân dân lao động" chăm chỉ làm ăn "đóng thuế" cho Nhà nước nuôi " những kẻ như ông Thăng"

Có người bảo ông Thăng là người tài giỏi, tư duy mới, dám làm dám chịu. Ước gì đúng như vậy khi ông Thăng " dám làm dám chịu" với 63 ngàn tỷ của nhân dân.

Những việc mà có kẻ khen ông Thăng làm được như kịp thời chỉ đạo sâu sát, mạnh dạn cách chức cấp dưới ... thì ở đất nước này có lẽ hàng triệu người cũng làm được( còn giỏi hơn nữa chứ), chỉ có điều là họ không phải là Đảng viên Đảng Cộng sản nên không có được cái vị trí quyền lực như ông ở Tổng công ty dầu khí Việt Nam'.

Nếu ông Thăng là người có "tư duy đúng đắn" và " tài đức" thì ông đã không cấm nhân viên của mình chơi golf, không ban hành thông tư định lượng "tiêu chuẩn sức khỏe" cho người sử dụng xe ô tô, xe máy : chiều cao, vòng ..mà người dân, báo chí đã phải lên tiếng " ì xèo".

Chiến trường chống " quốc nạn tham nhũng " ở Việt Nam có thắng hay không khi bản thân luật pháp đã không công bằng?

Nhớ không ít những vị giám đốc quốc doanh thập niên 90 phải ngồi tù vì tội danh ' Thiếu tinh thần trách nhiệm", ' cố ý làm trái"...ra đến tòa họ mới "ngỡ ngàng" nhận ra "hành vi phạm tội" của mình.Bởi họ nào được đào tạo để có đủ kiến thức kinh doanh ( có vị còn chưa tốt nghiệp cấp 3). Đâu phải như ông Thăng được đào tạo đến nơi đến chốn với văn bằng tiến sĩ này, tiến sĩ nọ...

TRÚC LAM

Về nghề báo...



Sự thật, đôi khi là điều không dễ nắm bắt. Sự thật, đôi khi nằm giữa hai chiều thông tin. Sự thật, đôi khi nằm giữa hai bản báo cáo của hai phe thắng bại. Sự thật, đôi khi là ranh giới mờ ảo mong manh. Và sự thật rất nhiều lúc là thứ vẫn đang được tìm kiếm chứ không phải đã được khẳng định.



1. Nghề báo trước hết là một nghề. Tôi không ưa dùng từ “cao quý” cho một nghề nào đó, nếu như em cũng đồng ý với tôi rằng mọi nghề nghiệp lương thiện đều cao quý như nhau. Như mọi nghề nghiệp khác mà em biết, ta kiếm sống bằng công việc đó. Nghề báo nuôi sống ta bằng lương và nhuận bút. Và cũng như mọi nghề nghiệp khác, ta phải làm công việc của mình với hết năng lực và trách nhiệm để không hổ thẹn với đồng lương nhận được.

Vì sao tôi nhắc đến nhuận bút trước hết. Bởi vì việc chúng ta được trả tiền cho những gì chúng ta viết sẽ khiến ta tỉnh táo, và không cho rằng mình đang làm một công việc cao quý hơn nhiều nghề khác trong xã hội. Và vì niềm vui mỗi khi lãnh nhuận bút cho một bài báo là niềm vui không bao giờ cũ. Từ một cái tin nhỏ đầu tiên cho đến bài báo cuối đời, khi niềm vui đó còn tồn tại nghĩa là em còn tự hào vì mình nhận được thành quả xứng đáng từ công sức của chính mình. Một người làm báo chính trực luôn trân trọng từng đồng nhuận bút, bởi đó sẽ là nguồn thu nhập duy nhất nếu anh ta quyết dành cả đời mình chỉ để làm báo.

2. Khi ta đặt nghề báo trong tương quan bình đẳng với nghề khác, ta sẽ đặt bản thân người viết báo bình đẳng với nhân vật của mình. Quan tòa có thể đứng cao hơn để tra hỏi hay phán xét bị cáo, nhưng chúng ta đứng trước quan tòa và bị cáo để phỏng vấn họ với một tư thế như nhau, sự tôn trọng như nhau. Đó cũng sẽ là tư thế trước chính trị gia, nghệ sỹ cho đến người công nhân quét đường. Người giàu, người nghèo, người thành công hay người thất bại. Em không yêu hay ghét hết thảy các nhân vật như nhau, nhưng em phải đối xử với họ như nhau: tôn trọng và không mặc cảm. Khiếp hãi hay khinh thường không nên là tác phong của một nhà báo.

3. Trong nghề báo, tuổi trẻ không phải là thế mạnh tối thượng. Sự thông minh và xông xáo là những ưu điểm đáng kể, nhưng kinh nghiệm và kiến thức học được mới là giá trị quyết định. Nghề báo là nghề “gừng càng già càng cay”…Chúng ta xuất thân không phải là những người thông thái, nhưng lại phải biết về nhiều lĩnh vực, đó là lý do ta phải học liên tục. Và cách học tuyệt vời nhất quyết định sự hấp dẫn của nhà báo, là ta có cơ hội học trực tiếp từ những người am hiểu nhất về vấn đề đó, bên cạnh sách báo. Ta học cái nhìn kinh tế vĩ mô từ một nhà kinh tế học, ta học về cách điều hành một công ty từ số 0 qua một giám đốc thành công, học về nhạc lý và thị hiếu ấm nhạc từ một nhạc sĩ, học biết về công nghệ lăng xê qua một ông bầu… Không hiểu về điều mình viết không chỉ là một sai lầm, mà còn là sự thiếu trách nhiệm. Chúng ta học để biết, và biết thì mới viết. Càng làm nghề lâu thì ta càng học được nhiều. Khi quay nhìn lại, tôi nhận ra rằng mỗi đối tượng tôi gặp trong nghề báo đều đã dạy cho tôi điều gì đó hữu ích, và như vậy, chúng ta là người có nhiều thầy hơn bất cứ ai.

4. Tôi ưa thích nghề báo bắt đầu từ những tin vắn quốc tế, ký tên AP, AFP, Reuter…Và cho đến giờ tôi vẫn yêu thích chúng. Những tin vắn, không có tên phóng viên nào được ký, thay vào đó là tên hãng tin. Đối với tôi, nó thể hiện toàn bộ nghề báo: Cả một bộ máy khổng lồ để đưa đến cho ta dòng tin 50 từ đó. Khi em nói mình muốn làm báo, thông thường điều đó có nghĩa là em sẽ làm người viết, một phóng viên ký tên dưới bài được đăng. Hãy nghĩ đến bộ máy sau đó: người dịch, người biên tập, thư ký tòa soạn là người tổ chức bài, người trình bày, tổng biên tập là người chịu trách nhiệm, người đọc morasse, người thủ quỹ phát nhuận bút, người phát hành và bán báo, và…người đọc. Một bộ máy khổng lồ rất nhiều khi bị lãng quên.

5. Nghề báo trong tim tôi gói trọn trong một chữ TIN. TIN – là thông tin – thứ chúng ta phải cung cấp. TIN- là lòng tin – thứ chúng ta phải đạt được. Nếu không có thông tin, không thể đòi hỏi lòng tin. Nếu không có lòng tin, thông tin chỉ là trò hề vô nghĩa. Để có được hai thứ đó, phải bắt đầu từ sự thật, và vì sự thật.

Nghề báo xét cho cùng không mang đến cho chúng ta thứ quyền lực nào ngoài quyền được đòi hỏi tìm đến tận cùng sự thật. Cũng như đối với nhiều người làm báo khác, sự thật có sức quyến rũ ghê gớm đối với tôi. Sự thật, để có được nó, người ta có thể phải trải qua rất nhiều thứ. Có thể là những chuyến đi dài, những cuộc phỏng vấn đeo đuổi hàng tuần. Có thể là khổ ải, nhục nhằn, mất mát. Có thể là trung thành, hay phản bội. Là sức lực, trí tuệ, lòng dũng cảm. Là mồ hôi, máu. Là cận kề chiến tranh, thảm họa, tù đày. Là cái chết…Có thể, là tất cả những cái đó gộp lại.

Sự thật, chính là lý do khiến những nhà báo mất mạng ở chiến trường. Sự thật, là nguyên nhân sâu xa khiến nghề báo luôn được xếp vào những nghề nguy hiểm.

Để CÓ được sự thật, người làm báo phải chính trực và biết hoài nghi. Để NÓI được sự thật, tờ báo phải chính trực và có dũng khí.
Nhưng, em sẽ hỏi, rằng sự thật là gì? Sự thật, đôi khi là điều không dễ nắm bắt. Sự thật, đôi khi nằm giữa hai chiều thông tin. Sự thật, đôi khi nằm giữa hai bản báo cáo của hai phe thắng bại. Sự thật, đôi khi là ranh giới mờ ảo mong manh. Và sự thật rất nhiều lúc là thứ vẫn đang được tìm kiếm chứ không phải đã được khẳng định.

Người tìm kiếm nó không phải bao giờ cũng gặp được nó.
Nhưng dù thế nào, thì nghề báo cũng phải khởi đầu từ niềm khao khát đạt đến sự thật. Từ niềm tin sâu sắc vào điều đúng đắn. Ngày mà ta thấy thanh thản trước một điều không tốt, đó cũng là ngày ta bôi vết đen đầu tiên lên nhân cách của chính mình.

6. Dù sao tôi vẫn nghĩ nghề báo không phải là một nghề khó. Không có gì bảo đảm là ta sẽ viết được những điều lớn lao, nhưng chắc chắn ta luôn có thể làm được điều tối thiểu là viết một cách chân thật. Viết thì dễ hơn là nói, nói thì dễ hơn là tin, và tất nhiên, tin thì dễ hơn là sống vì những điều tốt đẹp.
Bởi thế, nếu ta chưa thể viết được những điều vĩ đại và chân thật, thì ít nhất, ta cũng phải viết được những điều bé nhỏ và chân thật.
Hãy bắt đầu từ đó.

Phạm Lữ Ân

Chủ Nhật, 30 tháng 4, 2017

CÁI GỌI LÀ ĐẤU TRANH DÂN CHỦ VÌ NHÂN DÂN Ở VIỆT NAM

Tòa án quốc tế Lahay" đã kết luận " kinh doanh các sản phẩm độc hại làm hàng ngàn người thiệt mạng như hoạt chất glyphosate trong thuốc diệt cỏ Roundup hay hóa chất 2,4,5-trichlorophenoxyacetic acid trong chất độc da cam được máy bay quân đội Mỹ rải trong chiến tranh Việt Nam" và " các thẩm phán xác nhận Monsanto đã hủy diệt môi trường , gây thiệt hại cho người dân Việt Nam"

So sánh Formosa và Chất độc da cam:


- Ai gây thảm hoạ:
+ Formosa: do Tập đoàn Hưng nghiệp Formosa xả thải;
+ Chất độc da cam: do quân đội Mỹ rải chất gây rụng lá được sản xuất bởi các công ty của Mỹ, điển hình là Monsanto;


- Thời gian thực hiện:


+ Formosa: vài ngày cho đến vài tuần rồi ngừng hẳn;
+ Chất độc da cam: 10 năm, từ 1961 đến 1971;

- Tác hại:

+ Formosa: hàng chục tấn cá chết, không ai chết, không ai bị di chứng bệnh tật. Người dân đáng bắt và buôn bán hải sản, làm du lịch bị mất nguồn thu nhập;

+ Chất độc da cam:

Ước tính khoảng 400.000 người đã bị giết hoặc tàn tật, khoảng 500.000 trẻ em sinh ra bị dị dạng, dị tật bởi chất độc hóa học này. Ước lượng khoảng 1 triệu nạn nhân Việt Nam đã bị tàn phế hoặc bệnh tật vì chất độc da cam.
Chất độc da cam còn làm tổn thương sức khỏe của những người lính Mỹ cũng như lính Úc, Hàn Quốc, Canada, New Zealand (quân đồng minh của Mỹ tại Việt Nam) mà có tiếp xúc với chất này, cũng như con cháu họ. Nhiều nạn nhân trong số đó đã kiện và được bồi thường.
Môi trường bị tàn phá nặng nề, đến nay, sau hơn nửa thế kỷ nhiều nơi vẫn đang gánh chịu hậu quả.

- Tố tụng và bồi thường:

+ Formosa: Bên gây thảm hoạ đã bồi thường 500.000.000 USD và đã nộp đủ cho Chính phủ Việt Nam. Chính phủ Việt Nam đang chi trả tiền bồi thường cho người dân và giám sát việc khắc phục thảm hoạ môi trường;
+ Chất độc da cam: các cựu chiến binh Mỹ đã kiện và nhận được tiền bồi thường thông qua một thoả thuận để rút đơn được toà án công nhận. Các nạn nhân người Việt đã khởi kiện nhưng Toà án Mỹ bác đơn. Hiện nay, các nạn nhân Việt Nam vẫn đang trong hành trình đi tìm công lý và non nửa thế kỷ vẫn chưa được bồi thường. Nhiều nạn nhân đã chết,số còn lại đang vật vã, đau đớn và khốn khổ, mặc cảm vì bệnh tật. Chính phủ và quân đội Mỹ dù không thừa nhận tội lỗi nhưng vẫn đang triển khai hợp tác cùng Việt Nam để tẩy rửa chất độc này tại nhiều nơi ở Việt Nam.

Thứ Bảy, 29 tháng 4, 2017

Thử phán đoán cục diện chính tri kỉ luật Đinh La Thăng





Tác giả: Chánh Tâm

.

Chỉ xét về tương quan lực lượng, trong vụ xử lý kỉ luật ủy viên Bộ chính trị Đinh La Thăng, có người gần như khấn niệm đừng để tái diễn tình trạng như hồi bày binh bố trận xử lý ông Nguyễn Tấn Dũng.

Ông Đinh La Thăng, người luôn xuất hiện nổi bật trên chinh trường, đang ở trong quá trình bị truy cứu trách nhiệm liên quan đến các hoạt động tồi tệ của tập đoàn Dầu khí, thời ông ấy làm chủ tịch. Nghe nói, ông Thăng cũng bị xem xét trách nhiệm liên quan đến những khoản lại quả dự án đã thành thông lệ ở bộ Giao thông, khi chính phủ thời Thủ tương Nguyễn Tấn Dũng cho nở rộ “phong trào” BOT và chinh sách chỉ định thầu.

Ông Thăng được giới thiệu và trúng cử vào vị trí uỷ viên Bộ chính trị vào phút chót. Giới thạo tin mô tả ông là một ứng viên trực tiếp cho chiếc ghế phó Thủ tướng đương nhiệm, là nhân sự chuẩn bị cho vị trí Thủ tướng nhiệm kì mới.

Nhưng bất ngờ, ông Thăng bị điều động vào giữ vị trí bí thư thành ủy TP Hồ Chí Minh, một lò cung cấp các vị trí lãnh đạo cao cấp nhất của đảng.

Khác với những đồn đoán, ông Đinh La Thăng không một chút bỡ ngỡ ở một đảng bộ đến con trai cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ( lúc đó đương nhiệm ) cũng không trúng cử tham gia thành ủy và đoàn đại biểu đảng bộ TP dự đại hội đảng toàn quốc. Mới nhận phân công, ông Thăng liên tục có những chuyến công tác cơ sở với những phát ngôn phê bình cấp dưới làm hả dạ người dân, đưa ra những chỉ thị trực tiếp giai quyết nhiều vụ việc ách tắc cụ thể, để lại ấn tượng về một nhà lãnh đạo năng động, dám làm, dám chịu.
Nhưng rồi chiếc bảng số xe công quá tiêu chuẩn phó chủ tịch của ông Trịnh Xuân Thanh, một “đàn em” thân tín của Đinh La Thăng, trở thành chủ đề sôi nổi của báo chí và truyền thông mạng

Một tiến trình kiểm điểm làm rõ các nội dung này được Uỷ ban Kiểm tra TƯ khởi động. Chưa rõ kết luận của UBKT như thế nào nhưng được biết thường vụ thành uỷ TPHCM đã thực hiện qui trình xử lí cán bộ dựa trên tự kiểm điểm của ông Đinh La Thăng. Kết quả có thể là một bất ngờ đối với ông Nguyễn Phú Trọng khi điều động ông Thăng vào đứng đầu lãnh đạo TPHCM. Có đến hơn 1/3 ủy viên thường vụ không nhất trí với kiểm điểm và tự nhận kỉ luật ở mức khiển trách mà đề nghị không áp dụng hình thức kỉ luật với ông Thăng.
Cuộc đấu tranh chống tham nhũng đang phóng to hết cỡ hy vọng của “toàn đảng, toàn dân” vào lý lich liêm khiết của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhưng trong trường hợp kỉ luật Đinh La Thăng vẫn dẫn đến hai phán đoán có thể cá cược, liệu đảng có kỉ luật được một thành viên Bộ Chính trị?

Một là, kịch bản xử lí Nguyễn Tấn Dũng tái diễn. Uỷ viên Bộ chinh trị Đinh La Thăng do TƯ bầu, nên cấp kỉ luật là TƯ, mặc dù Bộ chinh trị đã đề nghị mức cảnh cáo, nhưng TƯ lại bỏ phiếu đa số không áp dụng hình thức kỉ luật. Hai là, TƯ nhất trí đa số với đề nghị của Bộ chinh trị. Khả năng thứ ba, Bộ chinh trị đề nghị kỉ luật cảnh cáo, nhưng TƯ hạ bậc kỉ luật, chỉ khiển trách Đinh La Thăng.

Cả ba khả năng đều xuất phát từ mong muốn của “người trong cuộc”, trị liệu tham nhũng được coi là mục tiêu chính trị số 1, mọi cải cách đều không thể thành công nếu không có bộ máy quản trị quốc gia sạch.
Lược giản sơ đồ xã hội đồng qui trong quan điểm này, có thể thấy, với khả năng thứ nhất, “một bộ phận không nhỏ” trong đảng đang trở thành “một bộ phận đa số” điều khiển đảng và đất nước.

Cuộc đấu tranh chống tham nhũng đánh dấu thất bại bằng kết quả phân liệt trong đảng. Bộ chinh trị tiếp tục phân hoá, hay nói cách khác, sẽ bộc lộ công khai sự phân hoá vốn có trong hàng ngũ lãnh đạo cấp cao. Cục diện chinh trị sẽ dẫn đến tình trạng một Trung ương đa lãnh đạo.

Các mục tiêu đổi mới, dân chủ chưa tạo ra lực lượng chinh trị của minh, nên chưa được viện đến trong cuộc đấu quyền lực này trong đảng. Có thể manh nha từ chính cuộc đấu tranh nội bộ này, hình thành lực lượng chính trị ủng hộ dân chủ nhưng cũng trong khuôn khổ chính trị do đảng lãnh đạo.

Kết cục của các phán đoán nói trên sẽ thành sai lầm nếu Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng không kết thúc chiến dịch thất bại của mình bằng tiếng khóc.

Tuy nhiên, có lẽ ong Trọng sẽ không khóc. Vì đơn giản ông Thăng không có bề dày nắm quyền lực như ông Nguyễn Tấn Dũng để có thể chi phối chọn lựa của các ủy viên TƯ. Nếu có “ăn chia” phạm vi đó cua ông Thăng khó lòng phủ đến đa số TƯ đang có 2/3 là nhân sự mới. Nhất là tiếng dàn kèn trống thúc giục vang rền khắp các cấp hô chống tham nhũng không thể dẫn đến một kết quả bại xụi cho sự lãnh đạo của đảng như vậy.

Nhưng cho dù TƯ nhóm họp lần thứ 5 không chấp nhận đề nghị của Bộ chinh trị, hay phê chuẩn mức kỉ luật thấp hơn đề nghi của Bộ chinh trị, ông Trọng vẫn còn trong tay một thế trận mới, huy động sự tham gia của người dân vào cuộc đấu tranh sinh tử này.

Yếu huyệt trong thế trận này chính là ai nhanh chóng nắm giữ ngọn cờ công khai và chuyển nó thành khí thế của dân. Ông Trọng sẽ thắng nếu khai thác được sức mạnh này, biến dư luận thành công luận, nhưng ở thời ông Trọng tác động chính yếu này của truyền thông không còn trong tay nền báo chí cách mạng vốn bị tẩn nhừ tử, chỉ có một mực “cách mạng” mà không còn sự chính trực báo chí nữa.

Thứ Năm, 27 tháng 4, 2017

Kiểm soát quyền lực hay tranh giành quyền lực





Tác giả: Nguyễn Quang Dy

.

—————

“Quyền lực tuyệt đối thì tham nhũng tuyệt đối”

“Absolute power corrupts absolutely” (Lord Acton)

Quan hệ nhân quả

Cách đây gần một năm, ông Vũ ngọc Hoàng (nguyên phó ban Tuyên giáo TƯ) đã làm dư luận ồn ào với loạt bài về “Kiểm soát Quyền lực” (Tuần Việt Nam, 22/9/2016). Những gì ông Hoàng đề cập về cơ bản là đúng (tuy không mới). Chỉ có điều cứ như “đến hẹn lại lên”, dư luận ồn ào rồi lại xẹp xuống, nóng lên rồi lạnh nguội đi. Nay “quả bom Đồng Tâm” lại gây chấn động dư luận, thức tỉnh mọi người như cảnh báo: cái gì phải đến sẽ đến!

Hội nghị Trung ương 5 sắp họp để chuẩn bị thay đổi nhân sự giữa kỳ. Dư luận lại nóng lên như một cơn sốt định kỳ với chủ đề “nhất thể hóa” vai trò của đảng và chính quyền. Đằng sau câu chuyện về tranh giành và thâu tóm quyền lực còn có một sự thật trần trụi: thu không đủ chi. Vì nợ công chồng chất nên ngân sách thâm hụt ngày càng nan giải, không thể bao cấp mãi một bộ máy nhân sự chồng chéo khổng lồ nhưng thiếu hiệu quả. Quyền lực tuyệt đối thì tham nhũng tuyệt đối, và nguồn lực cuả đất nước cũng “cạn kiệt tuyệt đối”.

Mỗi khi tranh cãi về chủ đề quyền lực, người ta thường hay đề cập đến mấy khái niệm cơ bản như: bản chất của quyền lực (nature of power), giới hạn của quyền lực (limits of power), chuyển dịch của quyền lực (power shifts), tham nhũng quyền lực (power corruption), tranh giành quyền lực (power struggle), và giám sát quyền lực (power supervision).

Các khái niệm trên liên quan đến nhau như quan hệ nhân quả. Quyền lực có xu hướng tham nhũng: quyền lực tuyệt đối thì tham nhũng tuyệt đối. Chừng nào còn duy trì quyền lực tuyệt đối (không bị kiểm soát) thì không thể kiểm soát được tham nhũng. Chỉ có đổi mới thể chế toàn diện thì may ra mới kiểm soát được quyền lực và tham nhũng.

Trong thực tế cuộc sống, nhiều người bị hấp dẫn bởi ma lực của đồng tiền và quyền lực, nên dẫn đến sùng bái quyền lực. Các nhóm lợi ích thân hữu (nhất là “con ông cháu cha” và “đồ đệ”) thường được hưởng đặc quyền đặc lợi, nên việc kiểm soát quyền lực rất khó. Người dân thường sợ quyền lực nên hay bị chính quyền lợi dụng bắt nạt. Muốn không bị lợi dụng và bắt nạt thì người dân phải “thoát khỏi nỗi sợ” (như bài học Đồng Tâm).

Bản chất của quyền lực

Chính quyền nào cũng phải dựa vào quyền lực (thường là quyền lực cứng). Nhưng bên cạnh “quyền lực cứng” (hard power) còn có “quyền lực mềm” (soft power). Quyền lực cứng thường “đẻ ra từ nòng súng”, nên dễ dẫn đến chuyên quyền và độc tài, cực đoan và vô cảm. Chính quyền không lắng nghe dân, vì họ coi dân chúng như công cụ.

Lâu nay, các khẩu hiệu mị dân như “của dân, do dân, vì dân” hay “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra” chỉ là bình phong trống rỗng để trang trí. Sai lầm cải cách ruộng đất và cái chết thê thảm của bà Năm (Cát Thành Long) vẫn còn là một nỗi ám ảnh. Người ta nói cách mạng bạo lực như con quái vật, sau khi ăn thịt kẻ khác sẽ quay lại ăn thịt chính mình.

Muốn kiểm soát quyền lực thì trước hết phải thực sự tôn trọng con người và lắng nghe dân. Cơ chế quyền lực phải xây dựng trên nguyên tắc “tam quyền phân lập”, độc lập và cân bằng với nhau để giám sát lẫn nhau (checks and balances). Cơ chế đó phải dựa trên “pháp trị” (rule of law) và tự do dân chủ, để người dân có quyền bầu ra người cai trị mình. Muốn có “quyền lực mềm” để bổ xung cho “quyền lực cứng” phải có xã hội dân sự.

Những khái niệm cơ bản về pháp quyền, dân quyền và nhân quyền là những giá trị phổ quát của nhân loại tiến bộ, chứ không phải là đặc sản riêng của Mỹ và phương Tây. Một số nước phương Đông như Nhật đã chịu khó tham khảo và vận dụng để canh tân nên đã trở thành cường quốc. Chính cụ Hồ cũng đã vận dụng những giá trị phổ quát này trong Tuyên ngôn Độc lập. Nay Việt Nam muốn được công nhận là nền kinh tế thị trường, nhưng lại phủ nhận những giá trị phổ quát kèm theo, là một nghịch lý chẳng khác gì “đầu ngô mình sở”.

Khủng hoảng về tư duy

Khái niệm “kinh tế thị trường định hướng XHCN” là một kế sách để đối phó tình huống nhằm lý giải cải cách kinh tế mà không cải cách chính trị. Nó bắt chước dập khuôn theo khái niệm “kinh tế thị trường XHCN” của Trung Quốc, nhưng “sáng tạo” bằng cách thêm hai chữ “định hướng” cho mềm đi. Về nguyên lý, đó là một khái niệm tối nghĩa, phản quy luật và duy ý chí. Nó cũng giống như khái niệm “làm chủ tập thể” của ông Lê Duẩn và khái niệm “chủ thể” (Juche) của ông Kim Nhật Thành trước đây (mà bây giờ chẳng ai còn nói đến).

Các khái niệm đó chỉ có giá trị nhất thời như một cách ngụy biện cho một tình huống, chứ nếu ngộ nhận biến thành chủ thuyết và mô hình thì rất nguy hiểm. Nó tạo ra những lỗ hổng chết người về thể chế để các nhóm lợi ích thân hữu thao túng trục lợi. Nay thì mọi ngưởi đã thấy rõ hệ quả khủng khiếp như thế nào rồi. Bài học về “quả đấm thép” Vinashin (và các tập đoàn kinh tế khác) là minh chứng về sự báo hại của mô hình đó. Nguyên bộ trưởng (MPI) Bùi Quang Vinh đã phải bức xúc thốt lên về cái mô hình “làm gì có mà đi tìm”.

Hệ quả tai hại của tư tưởng cực đoan và “ấu trĩ tả khuynh” muốn chính trị hóa mọi thứ, kể cả tư duy kinh tế, đã kéo đất nước vào một bãi lầy tư tưởng không lối thoát. Chủ nghĩa Mác-Lê “bách chiến bách thắng” đã sụp đổ tại Liên Xô, Đông Âu cách đây 27 năm. Chủ nghĩa Mao cũng đã nằm trong mồ từ sau Cách mạng Văn hóa. Nhưng tàn dư (legacy) của chúng vẫn còn lẩn quất đâu đây như những bóng ma, biến dạng thành các khẩu hiệu cực đoan và tư duy bảo thủ như “chủ nghĩa đặc thù” (exceptionalism) hay “tiệm tiến” (gradualism).

Khủng hoảng về tư duy và ngộ nhận về tư tưởng không chỉ gây ra tụt hậu và khủng hoảng kinh tế, làm cạn kiệt nguồn lực và tài nguyên quốc gia, mà còn dẫn đến khủng hoảng lòng tin, khủng hoảng thể chế, và khủng hoảng chính sách. Đó là một hiệu ứng domino nguy hiểm mà người ta đổ cho “diễn biến” và “suy thoái”. Hệ quả là quyền lực của đảng và nhà nước đã mất tính chính danh (legitimacy), mất lòng dân (unpopular), vì thối nát (decay).

Sự ngộ nhân về quyền lực thường dẫn đến ảo tưởng và ngạo mạn về quyền lực. Quyền lực tuyệt đối thì ngạo mạn tuyệt đối (và sai lầm cũng tuyết đối). Người Mỹ đã phải trả giá rất đắt trong chiến tranh Việt Nam vì đã ngộ nhận và ngạo mạn về quyền lực nên không hiểu “giới hạn của quyền lực”. Người Việt cũng phải trả giá rất đắt trong thời hậu chiến vì đã ngộ nhận và ngạo mạn về chiến thắng nên đã thua thiệt. Trong cuốn sách “Sự Ngạo mạn của Quyền lực” (The Arrogance of Power, Random House, 1967), thượng nghị sỹ William Fulbright đã rút ra bài học, “Người ta không thể bảo vệ các giá trị nhân văn bằng vũ lực có tính toán và không cần duyên cớ, mà không làm tổn thương chính những giá trị mà họ cố bảo vệ”.

Sự kết thúc của quyền lực

Nếu Francis Fukuyama nối tiếng với cuốn “Sự Kết thúc của Lịch sử” (the End of History and the Last Man, 1992) thì Moises Naim nổi tiếng với cuốn “Sự Kết thúc của Quyền lực” (the End of Power, March 2013). Theo Moisés Naím, “quyền lực đang thối nát” và đang trải qua một sự “đột biến” (mutation) rất cơ bản nhưng “chưa được hiểu và nhận thức đầy đủ”. Đó là một sự dịch chuyển và đột biến của quyền lực chưa từng có trong lịch sử. Quyền lực đang dịch chuyển từ cơ bắp sang trí tuệ, từ phương Tây sang phương Đông, từ những nhà cai trị độc tài sang người dân, từ những tập đoàn lớn sang những công ty khởi nghiệp nhỏ.

Mark Zuckerberg đã chọn cuốn này của Moises Naim để mở đầu chương trình đọc sách năm 2015 (A Year of Book). Điều đó cũng dễ hiểu vì Facebook là một ví dụ điển hình trong đó, ngoài Angelina Jolie, Warren Buffett, Bill Gates & Melinda Foundation. Đó là những quyền lực siêu nhỏ “micropowers” nhưng siêu hạng so với “megaplayers” (như Oxfam, Red Cross).

Lấy một ví dụ để dễ hình dung các giá trị quyền lực đang dịch chuyển: Trong khi ngân sách quốc phòng Mỹ năm 2012 là 700 tỷ USD, thì Al Qaeda chỉ cần 500.000 USD là đủ để gây ra vụ khủng bố 9/11. Không chỉ trong lĩnh vực an ninh mà cả trong lĩnh vực chính trị hay kinh doanh, quyền lực cũng đang dịch chuyển. Những nhóm ly khai, các chính đảng lề trái, các công ty khởi nghiệp, báo chí công dân, và hackers, đang làm đảo lộn trật tự cũ.

Hiểu quyền lực đang mất đi các giá trị của nó thế nào là chìa khóa để hiểu xu thế quan trọng nhất đang làm thay đổi diện mạo thế giới trong thế kỷ 21. Tác giả dự đoán tương lai còn nhiều bất trắc hơn, qua bầu cử, trưng cầu dân ý, cạnh tranh quyền lực, phân chia lại quyền lực, từ những chủ thể cũ sang những đối thủ cạnh tranh mới. Tác giả lập luận rằng trong kỷ nguyên “hậu bá quyền” (post-hegemonic era) “không một quốc gia nào có đủ khả năng áp đặt ý chí của mình lên các quốc gia khác một cách tuyệt đối và lâu dài”.

Nếu có nguy cơ to lớn nào đe dọa các xã hội dân chủ tự do ở thế kỷ 21, thì ít có khả năng đến từ các mối đe dọa thông thường (như Trung Quốc) hoặc bất thường (như nhà nước Hồi giáo) mà có nhiều khả năng là từ sự phân liệt trong lòng xã hội. Tác giả cho rằng giải pháp khả thi cho sự phân liệt giữa chính phủ và dân chúng là chính phủ phải đổi mới thể chế để phục hồi lòng tin của dân. Theo tác giả, nhân dân phải tự tìm cách chấp nhận sự cai trị, và chính phủ cũng phải tìm cách ứng xử xứng đáng với sự chấp nhận đó của người dân.

Tuy việc phân tán và suy tàn của quyền lực là một thách thức to lớn đối với lãnh đạo các quốc gia và chính sách đối nội của họ, nhưng tác giả cho rằng trong lĩnh vực hợp tác quốc tế có nhiều rủi ro hơn. Thế giới đang đối diện với những thách thức ngày càng phức tạp, đòi hỏi sự tham gia của nhiều thành phần khác nhau, mới có thể hóa giải được những bất ổn mới. Quyền lực trở nên dễ đổ vỡ hơn và khó củng cố hơn, làm cho hệ thống quyền lực toàn cầu có xu hướng khó hồi phục, với những thể chế quốc gia và quốc tế ngày càng yếu.

Các chính đảng truyền thống và lãnh đạo đang bị đe dọa bởi sự thối nát của quyền lực. Điều đó càng rõ khi các chính đảng lớn phải chuyển giao quyền lực cho các nhóm lề trái. Quyền lực không còn nằm yên trong mô hình truyền thống khi các đảng phái lề trái tại phương Tây đang trỗi dậy mạnh mẽ, khi vai trò của các thế lực quân sự phi truyền thống ngày càng lớn. Ngày nay, người ta có thể giành quyền lực một cách khá dễ dàng, nhưng lại khó giữ và khó vận dụng nó. Các “megapowers” đang bị gạt ra ngoài lề bởi các “micropowers”.

Thay lời kết

Có thể nói Đồng Tâm là một “micropower” mới, và là một hiện tượng đặc biệt như một tác nhân làm thay đổi tư duy của nhiều người, và (dù muốn hay không) làm thay đổi “đột biến” bàn cờ cải cách thể chế tại Việt Nam. Nói cách khác, người dân Đồng Tâm chấp nhận bị cai trị nhưng “có điều kiện” (tức là có “làn ranh đỏ”), trong khi chính quyền Hà Nội đang tìm cách vãn hồi lòng tin của người dân bằng cách đối thoại và nhân nhượng (từng bước) để tiếp tục cai trị. Dù thế nào, đây là một biến chuyển tích cực như một “hệ quả không định trước”, dù động cơ là để kiểm soát quyền lực hay để tranh giành quyền lực.

Nếu “quả bom Đồng Tâm” là tín hiệu có thể thay đổi thể chế từ dưới lên, thì việc kỷ luật Đinh La Thăng mở màn cho trận huyết chiến tranh giành quyền lực giữa kỳ từ trên xuống. Sự kiện Đồng Tâm vừa phản ánh đặc thù của một địa phương tại Việt Nam, vừa phản ánh xu hướng và quy luật chung trên thế giới. Xu hướng này đang diễn ra tại Anh (Brexitism), tại Pháp (Le Penism), tại Philippines (Duterteism), và tại Mỹ (Trumpism). Nó phản ánh sự thối nát và “đột biến” của quyền lực, có thể dẫn đến sự “kết thúc” của quyền lực (hiểu theo nghĩa hẹp, như quyền lực của Đảng Dân Chủ hay di sản của Obama).

Hệ quả tất yếu của sự “diễn biến” và “suy thoái” trong nội bộ đang làm hệ thống quyền lực của đảng và nhà nước mục ruỗng, làm mất tính chính danh của chế độ và lòng tin của dân. Muốn ngăn chặn “hiệu ứng domino” làm cả hệ thống “đôt biến” một cách nguy hiểm (nên đánh chuột lại “sợ vỡ bình”) thì phải súc rửa bình cho sạch, hoặc thay bình mới. Lúc này, muốn khôi phục lòng tin của người dân và cứu vãn chế độ khỏi suy sụp, thì chỉ có một cách duy nhất là nhanh chóng cải cách thể chế toàn diện, trước khi quá muộn.

Tham khảo
“Kiểm soát quyền lực”, Vũ ngọc Hoàng, Tuần Việt Nam, 22/09/2016

“The End of Power: From Boardrooms to Battlefields and Churches to States, Why Being In Charge Isn’t What It Used to Be”, Moisés Naím. Basic Books. March 2013
“The limits of power: the end of American Exceptionalism”, Andrew Bacevich, Metropolitan Books, 2008
“Powershift: Knowledge, Wealth, and Power at the Edge of the 21st Century”, Alvin Toffler, Bantam Books, 1991
“New Power Center in Trumpland: The Axis of Adults”, Kimberly Dozier, Daily Beast, April 17, 2017
Is Trumps Axis of Adults Beating Down the Cabal of Crazies?”, Max Boot, Foreign Policy, April 18, 2017
“The Brilliant Incoherence of Trump’s Foreign Policy”, Stephen Sestanovich, Atlantic,May 2017 Issue
“Asia’s American Menace”, Brahma Chellaney , Project Syndicate, April 25, 2017

NQD. 27/4/2017

Thứ Tư, 26 tháng 4, 2017

Nhớ Trịnh




Bằng Việt


Chợt rầu lòng vì câu thơ của Trịnh:
"Đêm thấy ta là thác đổ..."
Vậy ngày ơi, ta là gì?


Có khi
Một ngày ruổi rong, một ngày tất bật
Cũng không làm xong một việc ra hồn!
Có khi
Cả tuần lao lung, cả tuần suy ngẫm
Cũng không nhìn thấu bản thể mình!
Ngày sống vội, tuần sống vội, năm sống vội
Tuổi hoa niên, trung niên, kế tiếp tuổi già...
Chong chóng quay, rút cuộc được gì?
Được chuyển động – làm bù nhìn của gió,
Và gió, quẩn quanh đầu sông, cuối bãi,
Cũng một kiểu bù nhìn của nóng lạnh, Âm - Dương,
Còn Âm – Dương có từ đâu,tồn tại tới đâu,
Thì mở hết giác quan, ta vẫn là mù tịt!

Rầu rĩ trở về câu thơ của Trịnh:
"Đêm thấy ta là thác đổ..."
Có lẽ nào, chỉ thế thôi sao?

Thứ Ba, 25 tháng 4, 2017

ĐỒNG TÂM TỎA SÁNG CƠ TRỜI





Đêm nghe lòng tủi hổ
chí tang bồng vụn vỡ dưới trăng
vẩn vơ ươm mộng gối chăn
thêu hoa vẽ bướm quẩn quanh góc vườn


Có đâu âm vọng quê hương
nước non ngàn dặm đau thương rối bời
tai nào nghe tiếng lệ rơi
mắt nào nhìn thấu phận người lầm than

Gửi tình mây gió cao sang
rẩy run theo chiếc lá vàng đưa thu
kết vần ghép chữ phù du
câu thơ mê mụ lời ru ái tình

Dân nào yên hưởng thái bình
tham quan vô lại điêu linh phận người
Đồng Tâm hào khí ngời ngời
vén mây tỏa sáng cơ trời đổi thay