Thứ Năm, 30 tháng 7, 2015

Thơ VƯƠNG HOÀI UYÊN





MÙA THIÊN DI


Đời phân chia mấy ngả
Ngả nào cũng gian truân
Ngửa tay chờ số phận
Chọn lối rẽ cho đời.

Cánh buồm nào rồi cũng xa khơi
Nhưng có mấy cánh buồm quay trở lại?
Đại dương thì xa ngái
Chỉ có nỗi buồn neo lại
Bến bờ xưa.



Đêm cuối cùng

Trời bỗng quên mưa
Lắng đọng trong nhau một lời giã biệt
Cánh chim mỏi
Mùa thiên di mải miết
Bay về đâu
Khi gió lạnh sang mùa?





NHỚ KHÓI



Sợi khói bay vòng vèo ký ức
Mùa ấu thơ đốt rạ nghịch trên đồng
Hương rạ cũ vẫn nồng trong vô thức
Nỗi nhớ bay về phía cuối mùa đông.

Cánh cửa ấu thơ bây giờ khép lại
Dẫu muộn màng em mãi gọi: “Vừng ơi!“*
Nếu có thể quay về thời bé dại
Em lại đốt rơm cho nỗi nhớ lên trời.

Cánh đồng cũ bây giờ xa khuất mãi
Mùa giặt xong rồi rơm rạ còn không?
Mãi nhớ khói nên một đời lận đận
Sợi khói nào bay về phía bâng khuâng.



__________

*”Vừng ơi! Mở ra”: Tiếng gọi cửa trong truyện thần thoại.







Nhà thơ Vương Hoài Uyên





SÓNG HÁT



Anh có về?
kẻo muộn mất mùa xuân
Mùa dẫu muộn vẫn chờ hoa kịp nở
Em đếm ngày qua trong từng hơi thở
Mặt trời cháy lòng xuống núi
mỗi hoàng hôn

Anh có về?
kẻo muộn mất chiều hôm
Ngày ngắn quá

Kéo dài thêm chút nắng
Chim mỏi cánh bay qua miền xa vắng
Hốt hoảng quanh mình không một bóng cây

Em vẫn chờ - dù mỗi sớm mai
Sương nhỏ ngược vào đêm dòng nước mắt
Lá rụng về đâu
có sum vầy với đất?
Chỉ còn cành khô quờ quạng níu mây trời

Vẫn biết mình – hạt cát giữa biển khơi
Sao trái tim em vẫn hát lời sóng vỗ!
Con đò muộn chiều qua không còn chỗ
Bỏ lại một người
trên bến đợi chồn chân.





CÒN LẠI



Chẳng còn chi, chẳng còn chi
Vầng trăng đáy nước diệu kỳ đêm qua
Mình ta giữa cõi ta bà
Không không, sắc sắc ngỡ là chiêm bao.

Đường xa mỏi gối mòn hao
Bâng khuâng tìm bóng bên cầu nước trôi
Người về cõi ấy xa xôi
Để ta trôi giữa biển đời mênh mông!




Bạn đọc trẻ với việc tiếp nhận văn học mạng


Hoàng Thuy Anh

Nếu đọc sách in, người đọc tập trung, chuyên tâm tham dự vào tác phẩm, thẩm thấu từng con chữ, còn với cư dân mạng, ngoài việc đọc, còn có thể tranh thủ nghe nhạc, chơi facebook, thậm chí xem phim. Nhanh nhạy, tức thời, dễ dàng, song, tâm thế mạng chi phối nên bạn đọc trẻ khó lòng khai thác được vẻ đẹp ngôn từ của tác phẩm. Mặt khác, nếu bạn đọc cần tra cứu, tìm kiếm thông tin, không ai đứng ra bảo đảm độ tin cậy, chính xác từ mạng xã hội cho bạn. Bởi lẽ, văn học mạng như một bức tranh dang dở, chưa hoàn thành. Bạn đọc phải hết sức cẩn thận trước những “dị bản”. Bạn đọc sách như thế nào thì biểu hiện văn hóa của bạn như thế ấy. Văn hóa đọc thể hiện ở kĩ năng chọn, đọc, tiếp thu, lĩnh hội sách của bạn. Các tác giả trẻ thường viết theo thị hiếu, chiều lòng tính giải trí của bạn đọc trẻ nên sản phẩm viết ra thường hời hợt, non về tư tưởng lẫn nghệ thuật, thậm chí chứa đựng nhiều nội dung lệch lạc. Tính chất tự do của văn học mạng cho phép người sáng tạo không phải chịu trách nhiệm trước những sản phẩm do mình viết ra. Tình huống ấy đặt bạn đọc trước vô vàn thử thách trong việc tiếp nhận.

Sự xuất hiện và phát triển của văn học mạng đã góp phần đa dạng diện mạo văn học đương đại. Không thể xem toàn bộ những tác phẩm đăng online là loại văn chương mạng, còn non kém, mà tác phẩm nào in ra sách báo thì mới gọi là văn chương “thật”. Một tác phẩm nghệ thuật tồn tại như thế nào tùy thuộc ở người tiếp nhận. Nếu tác phẩm ấy đạt được giá trị về mặt nội dung lẫn nghệ thuật, thì dù nó được công bố ở trên mạng hay trên sách báo đều được bạn đọc đón nhận. Vấn đề, ở một siêu không gian, văn học mạng tạo ra sự tương tác giữa người viết và người đọc, xóa bỏ mọi giới hạn, cho phép người sáng tạo được thử nghiệm, bộc bạch quan điểm,... do đó, đây không hẳn là nơi hoàn toàn đáng tin cậy.

Thời buổi công nghệ, chỉ cần mang máy tính, chiếc điện thoại,... có hỗ trợ internet, dù ở đâu, trên tàu hay trên xe,... đều có thể lướt web bất cứ lúc nào mà không cần phải tay xách nách mang. Kể ra cũng tiện. Cần thông tin gì cứ gõ google. Văn học mạng Việt Nam phát triển hơn mười năm nay, người viết lẫn người đọc đều thỏa sức thể hiện sự sáng tạo của mình. Sự xuất hiện các trang web như vanchuongviet.org, vanvn.net, vienvanhoc.org.com, ngonngu.net, vanhocquenha.vn, phebinhvanhoc.com.vn,... góp phần thúc đẩy quá trình giao tiếp văn học, mở ra tâm thế đón nhận mới. Ngay các nhà thơ, nhà văn Việt Nam “gạo cội” cũng bước vào sân chơi này. Họ đưa sản phẩm của mình đến với cộng đồng mạng qua hai con đường, đưa lên những bài viết đã in thành sách báo và những bài viết trước khi in ra sách báo thông qua các trang blog, trang web cá nhân,... như Nguyễn Quang Thiều, Đặng Thân, Hoàng Vũ Thuật, Văn Công Hùng, Ngô Minh, Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Quang Lập, Mai Văn Phấn,... Thế hệ “mười ngón tay” lại thường hành trình theo con đường từ trang mạng ra sách giấy. Nhiều tác giả trẻ như Nguyễn Thế Hoàng Linh, Gào, Kawi Hồng Phương, Born, Nguyễn Ngọc Thạch, Anh Khang, Leng Keng, Trần Thu Trang, Võ Anh Thơ, Quỳnh Thy, Hân Như, Lê Ngọc Mẫn, Lê Minh Phong, Nguyễn Phong Việt,... đã sớm thành công khi sáng tác trên mạng. Ví như tác giả Nguyễn Phong Việt, anh được xem là “hiện tượng của phát hành”. Tập thơ đầu tay Đi qua thương nhớ, bán được 30 ngàn bản; tập thứ hai Từ yêu đến thương, bán được 20 ngàn bản; tập thơ Như một dòng chảy ngược, sinh ra để cô đơn! vừa ra mắt cuối năm 2014 với 4 ngàn bản in. Theo thống kê của của trang tiki.vn (website bán sách online lớn nhất hiện nay), trong 10 quyển sách bán chạy nhất năm 2014, tác giả trẻ Việt Nam bước ra từ văn học mạng chiếm số lượng áp đảo (Ai rồi cũng khác - Hamlet Trường và Iris Cao, Buồn làm sao buông - Anh Khang, Cafe cùng Tony - Tony Buổi Sáng, Hoa Linh Lan – Gào, Người yêu cũ có người yêu mới - Iris Cao). Dẫn chứng trên cho thấy số lượng tác phẩm văn học mạng của người cầm bút trẻ in thành sách giấy tăng nhanh, có sức thu hút lớn đối với lớp trẻ. Tuy nhiên, từ đời sống mạng chuyển sang đời sống thực, nhiều tác phẩm mạng đã giảm nhiệt không ít bởi sự soi xét gắt gao của độc giả “hàn lâm” và giới phê bình.

Vậy, bạn đọc trẻ phải chọn lựa, sàng lọc như thế nào khi đối diện với văn học mạng? Thực tế trên cho thấy, nếu mạng xã hội thai nghén, sản sinh ra những người viết trẻ thì đồng thời tạo ra không gian xôm trò cho cư dân mạng trực tuyến. Bản thân mỗi văn bản văn học mạng là mỗi văn bản mở, chưa hoàn kết. Nếu văn học giấy (được in ra giấy) hoặc văn học điện tử đặt người đọc trong tâm thế “giấy” (cách gọi của Inrasara), nghĩa là ở tâm thế thụ động, thì văn học mạng lại mang đến tâm thế bình đẳng giữa tác giả và người đọc. Tác giả có thể bổ sung, thêm bớt ở bất kì thời gian, không gian nào. Còn người đọc thì tự do góp ý. Tạo ra sự tương tác dân chủ giữa tác giả và người đọc, văn học mạng buộc tác giả không ngừng phấn đấu để sinh ra những đứa con khỏe mạnh, còn người đọc phải thận trọng trước những tác phẩm dễ dãi, èo uột. Căn cứ vào lượt view (xem), số lượng like (thích), comment (bình luận), đối với mỗi tác phẩm, có thể thấy giới trẻ đã ít nhiều quan tâm đến văn học. Những lời đánh giá, nhận xét thuận chiều hay trái chiều, tích cực hay tiêu cực, một mặt, tự họ thể hiện ý thức trong việc đọc và tiếp nhận tác phẩm, mặt khác, còn tạo ra môi trường đối thoại trực tiếp, dân chủ, bình đẳng, giúp người viết có thể chỉnh sửa, hoàn thiện sản phẩm của mình.

Không chỉ quan tâm đến đời sống văn học trẻ đương đại, cộng đồng mạng còn quan tâm đến những tác phẩm kinh điển, những tên tuổi nổi tiếng,... qua các trang đọc sách online miễn phí hoặc sách điện tử chính thống. Sách điện tử so với sách giấy có nhiều lợi thế hơn về độ gọn nhẹ. Bạn đọc có thể tùy ý chỉnh sửa lại font chữ, cỡ chữ, màu sắc,... để thuận lợi cho việc đọc. Chỉ cần gõ tên tác phẩm muốn đọc, ebook sẽ đáp ứng sở thích của bạn. Bạn có thể tải về máy hoặc đọc online. Vì vậy, đa phần các bạn đọc trẻ thường chọn internet làm cầu nối để tiếp cận văn chương. Ở một góc độ, văn học mạng đã định hướng cách đọc tích cực cho giới trẻ. Sự xuất hiện văn học mạng chứng tỏ văn hóa đọc của các bạn trẻ không hoàn toàn bị lãng quên.

Văn học mạng ra đời, đặt bạn đọc trẻ trong tâm thế mới, và, nó cũng hệ lụy khi còn không ít mặt hạn chế. Thế hệ “mười ngón tay” nhanh chóng thích nghi với việc mua bán, trao đổi trực tuyến vừa đỡ tốn thời gian, công sức vừa giảm chi phí cho việc rong ruổi kiếm tìm sách. Chỉ cần ngồi lướt phím, nhấp chuột, mọi thông tin cần tra cứu, khai thác đều có. Tuy nhiên, nếu đọc sách in, người đọc tập trung, chuyên tâm tham dự vào tác phẩm, thẩm thấu từng con chữ, còn với cư dân mạng, ngoài việc đọc, còn có thể tranh thủ nghe nhạc, chơi facebook, thậm chí xem phim. Nhanh nhạy, tức thời, dễ dàng, song, tâm thế mạng chi phối nên bạn đọc trẻ khó lòng khai thác được vẻ đẹp ngôn từ của tác phẩm. Mặt khác, nếu bạn đọc cần tra cứu, tìm kiếm thông tin, không ai đứng ra bảo đảm độ tin cậy, chính xác từ mạng xã hội cho bạn. Bởi lẽ, văn học mạng như một bức tranh dang dở, chưa hoàn thành. Bạn đọc phải hết sức cẩn thận trước những “dị bản”.

Bạn đọc sách như thế nào thì biểu hiện văn hóa của bạn như thế ấy. Văn hóa đọc thể hiện ở kĩ năng chọn, đọc, tiếp thu, lĩnh hội sách của bạn. Các tác giả trẻ thường viết theo thị hiếu, chiều lòng theo tính giải trí của bạn đọc trẻ nên sản phẩm viết ra thường hời hợt, non về tư tưởng lẫn nghệ thuật, thậm chí chứa đựng nhiều nội dung lệch lạc. Tính chất tự do của văn học mạng cho phép người sáng tạo không phải chịu trách nhiệm trước những sản phẩm do mình viết ra. Tình huống ấy đặt bạn đọc trước vô vàn thử thách trong việc tiếp nhận. Tuy vậy, hiện nay, không phải bạn đọc nào cũng tiếp nhận tác phẩm một cách nghiêm túc, mà rất nhiều người, đọc chỉ để giải trí, thỏa mãn tâm lí, sở thích cá nhân. Sức nóng, sự cuốn hút của truyện ngôn tình với giới đọc trẻ là một minh chứng. Trưa ngày 5-4-2015 vừa qua, không khí nóng nực, chật chội vẫn không thể kìm hãm niềm yêu thích, được gặp gỡ, giao lưu với tác giả Diệp Lạc Vô Tâm của hàng ngàn bạn đọc trẻ tại Nhà triển lãm Thành phố, 92 Lê Thánh Tôn, Phường Bến Nghé, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh. Lòng hâm mộ này thật hiếm xảy ra đối với những nhà thơ, nhà văn nổi tiếng Việt Nam. Thực tế đã cho thấy bão ngôn tình chưa thoái trào, mặc dù được đánh giá là thuộc dòng truyện hay ít dở nhiều, tuổi thọ ngắn. Trước trào lưu truyện ngôn tình, hơn bao giời hết, giới trẻ cần có thái độ nghiêm túc và kĩ năng trong việc đọc. Cần tiếp nhận trên tinh thần đồng sáng tạo, có tầm nhìn bao quát, thái độ khách quan để lọc thải, lựa chọn những tác phẩm nghệ thuật đích thực, sẵn sàng loại trừ, tẩy chay những sản phẩm hời hợt, không có giá trị về mặt nội dung lẫn nghệ thuật giữa bạt ngàn rừng sách. Chỉ có tinh thần lao động khoa học, sức mạnh của bản lĩnh, trí tuệ thì chúng ta mới thu về được khối lượng tri thức cần thiết.

Văn hóa tranh luận cũng là một khía cạnh biểu hiện văn hóa đọc. Sự tự do của văn học mạng không chỉ tạo không gian tự do cho người viết mà còn tạo không gian rôm rả, dân chủ cho người đọc. Trên các trang mạng xã hội, rất nhiều comment thể hiện sự tranh luận nghiêm túc, văn minh nhưng cũng không thiếu những cuộc tranh luận như một cuộc hỗn chiến, có khuynh hướng công kích, tư thù cá nhân. Ẩn giấu bằng những cái tên nặc danh, người đọc tung hết chiêu trò, đôi khi hết sức vô văn hóa. Khen thì khen hết cỡ. Chê thì chê đến tận cùng. Va chạm với những cuộc ẩu đả ngôn từ trên mạng, nếu không tỉnh, vội vã, theo cảm tính, hùa theo số đông, bạn đọc trẻ sẽ khó lòng phân biệt đâu là giá trị đích thực của tác phẩm. Với văn học mạng, mỗi bạn đọc hãy phát huy tính chủ động, trách nhiệm cao trước những phát ngôn của mình. Trước tiên, hãy là một biên tập viên khó tính.

Đọc văn học mạng hay đọc văn học giấy, theo chúng tôi, đều rất quan trọng. Văn học mạng chứa đựng một khối lượng thông tin to lớn, khổng lồ. Vấn đề đặt ra, mỗi bạn đọc phải tìm được, định hướng được phương pháp, cách đọc tốt nhất. Bởi, đọc là việc làm suốt cả cuộc đời con người

CHA TÔI KHÔNG VỀ


Nguyễn Phan Hách


Nhà tôi ở một mình trên sườn đồi. Phía trước là con sông trong vắt, đằng sau là rừng già.

Tôi lớn lên trong tiếng gió ngàn rền rĩ, và mùi cỏ dại héo thơm.

Mẹ tôi có mái tóc dài như suối. Ngày ngày bà rải những nắm thóc vàng trước nhà

gọi chim rừng đến nhặt và nghe nó nói chuyện.

Mẹ tôi đẹp lắm. Trong nắng ban mai, bà giơ tay cuộn những sợi tơ trời trắng muốt đang bay lửng lơ và đan thành áo mặc.

Chợ phiên đường xa, Mẹ gánh những vầng mây biếc đi bán. Bao xanh, vạt áo của Người đựng đầy gió trời. Bà mua về những giọt mưa hoa đựng trên nón trắng.

Cha tôi đi đâu mãi chả về. Mẹ kể Cha là một Vì Sao xanh biếc ở trên trời. Một hôm Vì Sao đậu xuống hiên nhà, hiện hình thành một chàng trai đẹp. Mẹ có mang tôi trong một đêm sao băng đầy trời, núi đồi tràn ngập ánh sáng.

VanVN.Net - Cha tôi không thể ở lại ngôi nhà cột buộc bằng dây rừng, mái lợp cỏ của mẹ tôi được. Người còn phải đi chiến đấu. Đoàn quân Sao đang hành quân trên bầu trời, đội ngũ chờ ông. Ông đi mãi, đi mãi vào mênh mông, không bao giờ trở lại.

Tôi lớn lên nhìn lên trời sao, dõi theo bóng ông. Muôn ngàn vì sao hành quân, trong cuộc trường chinh muôn thuở.

Tôi nghe thấy những khẩu lệnh mà Đoàn quân Sao nói với nhau. Thỉnh thoảng có những vì sao rơi, đó là những người lính bị hy sinh trong chiến trận ….

Thế giới rộng mở khi ta buông bỏ cái tôi

.



Cổ nhân dạy “thanh thản mang lại may mắn và hòa bình tạo ra giàu có” là rất đúng. Chúng ta chỉ nhận được một điều gì khi chúng ta cho đi, và chỉ thu hoạch sau khi đã lao động chăm chỉ. Khi một cá nhân bỏ qua cái tôi của mình, anh ta sẽ thật sự cảm nhận được cảnh giới tinh thần của “Liễu ám hoa minh hựu nhất thôn” (sau khi qua rặng liễu tối, sẽ là hoa tươi và một ngôi làng phía trước).

Có một câu chuyện kể rằng thời xưa, một người bị lạc trong một sa mạc. Trên bờ vực của cái chết, ông phải đối mặt với những cơn đói và khát không thể chịu đựng nổi. Tuy nhiên, ông vẫn lê từng bước chân nặng nề tiến về phía trước. Cuối cùng, ông đã tìm thấy một túp lều nhỏ bị bỏ hoang một thời gian dài. Phía trước của túp lều có một máy bơm nước, nhưng nó không chứa một giọt nước nào. Trong cơn tuyệt vọng, ông bất chợt nhận thấy một ấm đun nước để cạnh máy bơm. Miệng của ấm đun nước đã được đóng bằng một mảnh gỗ và một tờ giấy nhỏ đã được đặt trên ấm đun nước cho biết: “Hãy đổ nước trong bình đun nước này vào trong máy bơm trước sau đó mới có thể bơm nước. Nhưng xin hãy nhớ đổ đầy nước vào các bình này trước khi rời khỏi đây”. Sau khi đọc xong, ông cẩn thận mở tấm gỗ ra và nó thật sự có nước.

Vào thời điểm đó, người đàn ông đã phải đối mặt với một lựa chọn khó khăn: Hoặc là ông sẽ đổ nước vào cái bình và có thể nước sẽ không còn chảy ra từ vòi nước nữa và ông sẽ chết khát ở nơi hoang mạc này, nhưng nếu ông uống chỗ nước đó và cứu mạng sống của chính mình thì những người đến sau đó sẽ không có hy vọng.


Sau một lát do dự, ông cảm thấy như có một cảm hứng tuyệt diệu mang đến cho ông sức mạnh và ông quyết định làm theo những chỉ dẫn ghi trên tờ giấy. Nước đã chảy ra và ông uống cho đến khi thỏa mãn cơn khát đã giày vò ông. Sau khi nghỉ ngơi một chút, ông đổ nước vào đầy bình chứa, đậy nắp lại và ghi thêm vào tờ giấy nhỏ là:“Xin hãy tin tôi, những điều ghi trên tờ giấy này là thật và chỉ khi bạn dẹp bỏ được sự lo ngại về sự sống chết, bạn mới có cơ hội để tận hưởng vị ngọt của làn nước suối”.

Buông bỏ cái tôi là đức tính hy sinh cho những người khác và cũng là một tinh thần cao cả. Khi một người thật sự đặt tự ngã của mình xuống, trí tuệ sẽ xuất hiện giúp anh ta phân biệt được đâu là chân đâu là giả, và anh ta sẽ nhận được những phần thưởng bất ngờ. Mặc dù trong thế giới này, không phải lúc nào ta cũng nhận lại được ngay sau khi cho đi, nhưng chỉ khi cho đi, ta mới có thể nhận lại và có cơ hội để tận hưởng làn nước mát lành.

Tác giả: Guan Ming | Dịch giả: Serena D
(Đại Kỷ Nguyên)

Thứ Tư, 29 tháng 7, 2015

NHO GIÁO VÀ KHỔNG HỌC VỚI THỜI ĐẠI CHÚNG TA



PHAN NGỌC(*)



Vấn đề Nho giáo hết sức rắc rối. Theo như tôi biết, cho đến nay, không chỉ ở Việt Nam mà khắp thế giới đều có sự lẫn lộn giữa Tống Nho là học thuyết được Trung Quốc, Việt Nam, Triều Tiên theo với Khổng học là triết học do Khổng Tử sáng lập. Với chúng ta, điều này càng thêm rắc rối khi chính Hồ Chí Minh lại thường nói đến Đức Khổng Tử vĩ đại, và một số nơi tự bảo mình theo Khổng Tử nhưng không phải vì thế mà trở thành lạc hậu, trái lại là những khu vực tiến mạnh nhất và nhanh nhất trên con đường hiện đại hoá. Cho đến nay trong cách đánh giá Nho giáo, tuy vô số sách đã viết và có những hội nghị quốc tế đã bàn, nhưng vẫn chưa có ý kiến thống nhất. Sở dĩ thế là vì công việc nghiên cứu Nho giáo hãy còn thiếu một cách nhìn theo nhận thức luận (epistemology) để phân biệt, trong cái được gọi chung là Nho giáo, nhiều bộ phận khác nhau và đối lập nhau triệt để, đòi hỏi ta phải xét riêng trên cơ sở tư liệu sách vở, đồng thời đối chiếu với hoàn cảnh xã hội của từng nước cụ thể trong từng giai đoạn cụ thể.

I. KHỔNG HỌC

Trước hết phải phân biệt Nho giáo với cái phần được gọi là Khổng học. Tài liệu gốc để hiểu Nho giáo làNgũ kinh (Kinh Thi, Kinh Lễ, Kinh Dịch, Kinh Thư, Kinh Xuân thu), còn tài liệu gốc để hiểu Khổng học là Luận ngữ. Ta lại cần phân biệt ở nhà triết học có mục đích rõ ràng là truyền bá một học thuyết riêng của mình trên cơ sở giảng dạy văn hoá cổ.

Trước hết Khổng Tử là một thầy học phải kiếm sống bằng nghề dạy văn hoá cổ với một mục đích cụ thể là để làm quan, bởi vì ở thời của ông, muốn làm quan phải học văn hoá cổ, đây là điều hết sức đặc biệt của những nước Đông á, lấy học vấn làm nền tảng trị nước. Ngoài Đông á ra, chuyện phải học để làm quan chỉ được quy định ở Châu Âu từ thế kỉ XIX, còn trước đó, người ta dựa vào giai cấp, tôn giáo, không dựa vào học vấn. Một khi phải kiếm sống bằng nghề dạy văn hoá cổ, dĩ nhiên Khổng Tử phải giảng về những công trình xưa. Điều chắc chắn là ông đã rút gọn Kinh Thi và Kinh Thư từ chỗ quá phức tạp xuống thành hai tác phẩm ngắn gọn, dễ học. Còn về những công trình khác thì hết sức đáng ngờ. Điều chắc chắn là Kinh Xuân Thu xuất hiện sau khi Khổng Tử chết do các học trò của ông nhân danh ông viết ra, cho nên không thể thuộc số sách ông dạy. Cũng vậy Kinh Dịch không phải sách ông dạy. Trong toàn bộ Luận ngữ chỉ có một câu nói đến Kinh Dịch, nhưng khảo chứng học đời Thanh đã bác, nói chữ ấy không phải là "dịch" mà là "diệc" nghĩa là "cũng". Vậy Kinh Dịch không thuộc nội dung được dạy. Còn Kinh Lễ tuy có được nhắc đến trong Luận ngữ, nhưng hiện nay chỉ có Lễ kí, trong đó một Khổng Tử hai con người khác nhau, một thầy dạy văn hoá cổ để kiếm sống và một phần lớn là những chuyện các môn đệ kể lại những lời bàn của Khổng Tử, chứ không phải là một kinh như kiểu Kinh Thi, Kinh Thư. Nội dung của Nho giáo với tư cách một học thuyết sau này được truyền bá là một thứ thuyết vạn vật hữu linh (animism) chung cho nhân loại cổ đại trong đó nói đến quan hệ giữa con người với mọi vật. Nhưng vì quan niệm ấy nẩy sinh ở Trung Quốc, cho nên nó cũng đồng thời được cấu trúc hoá lại kiểu Trung Quốc trong cái sơ đồ Âm DƯơng, Ngũ Hành, Bát quái, Bói toán, được tổ chức theo một thứ tôn ti, trong đó các hành động của vua chúa liên quan tới các hiện tượng của trời đất, các điềm báo trước, v.v... Đó là nội dung Khổng Tử dạy. Nội dung này không phải của riêng Khổng học mà là chung cho các trường phái thời Chiến quốc: Đạo học, Ngũ Hành, Âm DƯơng, Bói toán, Xem tướng, Đoán mộng, v.v...

Cái phần làm thành học thuyết của Khổng Tử là một sự lựa chọn độc đáo được ghi lại trong Luận ngữ. Và chỉ công trình Luận ngữ mới là tiêu biểu cho học thuyết của ông. Mọi công trình khác, trừ đoạn mở đầu của Đại học được mọi người cho là của ông vì nó khẳng định một trình độ tư duy nhất quán với Luận ngữcòn mọi công trình khác cần phải được gạt ra, nếu ta muốn tìm hiểu phần đóng góp của Khổng Tử với tư cách nhà triết học.

Một sự khảo sát Luận ngữ theo quan điểm ngữ văn cho thấy hai điều:

Thứ nhất, sự đối lập dứt khoát giữa lập trường triết học của ông là bất khả tri với "linh hồn giáo cổ đại". Trong tác phẩm Luận ngữ không có một câu nào nói đến quan hệ giữa trời đất với con người, không nói đến cái chết, thần linh, các điềm báo trước, bói toán, chuyện quái lạ. Không những ông không nói đến mà còn chống lại. Thái độ bất khả tri này được khẳng định rõ ràng ở Tuân Tử, là người thừa kế mặt duy vật của ông. Không phải vô cớ mà Tuân Tử hết sức đề cao Khổng Tử nhưng lại kịch liệt mạt sát Mạnh Tử, tuy cả hai người đều tự xưng là thừa kế Khổng Tử. Tuy Khổng Tử có nói đến "mệnh trời", nhưng khái niệm này chẳng qua chỉ là khẳng định giới hạn nhỏ bé của ông trong việc thay đổi xã hội trước mắt và sự bất lực của mình, cũng như ta nói "trời mưa, trời gió, số trời" mà thôi chứ không chứa đựng một hàm nghĩa huyền bí nào hết.

Cũng vậy, trong Luận ngữ không hề có một câu nào chứng minh Khổng Tử là người chủ trương chế độ quân chủ chuyên chế, chiến tranh xâm llược, nhân dân phải chấp nhận nghèo khổ, phụ nữ là thua kém nam giới. Đồng thời ông cũng không chủ trương học thuyết mình là một quốc giáo mà chỉ dành cho một số ít người có ý thức trau dồi mình để trở thành người quân tử nhằm đem lại hoà bình hạnh phúc cho dân khi được sử dụng vào việc trị dân.
Khổng Tử muốn xây dựng một học thuyết để đem đến yên ổn, hoà bình cho xã hội, nhưng lại không gây xáo trộn to lớn. Ông quy toàn bộ giáo dục về tu thân. Trong Luận ngữ chẳng hạn, có 11 câu bàn về Kinh Thinhưng cả 11 câu đều được giải thích theo hướng giúp người ta tu thân. Về các kinh khác cũng vậy.

Con đường tu thân của ông không xuất phát từ một tiền đề thần bí nào hết. Trước hết, phải sử dụng giác quan để nhìn và nhận xét. Do đó ông đề cao việc học. Cái gì giác quan không nhận thấy được thì ông gạt ra. Do đó ông không nói đến thần linh, cái chết, những quan niệm của thuyết vạn vật hữu linh. Một khi đã học thì phải suy nghĩ để tìm quan hệ. Do đó học trò của ông phải từ một góc mà suy ra được ba góc còn lại ông không dạy tiếp. Trong các quan hệ này có những quan hệ không thay đổi từ khi con người tồn tại cho đến nay, và ông xây dựng những chữ để hướng dẫn con người trong các hành vi này. Đã là người thì tất yếu có cha mẹ cho nên phải có chữ Hiếu; phải có anh chị em cho nên có chữ Đễ; phải có bạn bè và quan hệ giữa người với người cho nên phải có chữ Tín, phải có người trên kẻ dưới cho nên phải có chữ Trung. Các chữ này không phải tách rời nhau, độc lập đối với nhau, mà đều bị chi phối bởi một llưới những quan hệ qua lại, không có tình trạng một chiều. Trước hết có chữ Lễ là những quy tắc đã được xác lập. Thứ hai có chữ Nghĩa chỉ cách thực hiện đúng đắn. Thứ ba có chữ Trí là sự thông minh, biết đối phó thích hợp trong những hoàn cảnh khó khăn. Thứ tư có chữ Liêm là thái độ không mưu lợi ích riêng. Khi một người thực hiện được các đòi hỏi về tu thân này thì anh ta sẽ đạt đến cái tiêu chuẩn cao nhất của lí tưởng Khổng giáo là chữ Nhân.

Quan điểm tu thân này xuất phát từ chính mình, cái đó Khổng Tử gọi là tính nhất quán của học thuyết ông. Tính nhất quán ấy là gồm trong hai chữ Trung và Thứ. Chữ Trung là làm hết sức mình, và Thứ là xuất phát từ chính yêu cầu của mình: "Điều gì mình muốn người ta làm cho mình, thì làm cho người khác. Điều gì mình không muốn người ta làm cho mình thì mình đừng làm cho người khác".

Đặc biệt, Khổng Tử vì chống lại thứ đạo lí một chiều, chỉ có một bên hưởng và một bên phải phục vụ cho nên chủ trương hai khái niệm là Thời và Trung Dung. Chữ Thời là "thích hợp với hoàn cảnh cụ thể" không có gì là cố định cả. Khái niệm Hiếu, Trung, Lễ chẳng hạn, thay đổi theo từng giai đoạn lịch sử, từng hoàn cảnh xã hội cụ thể, những điều thời Khổng Tử cho là đúng không nhất thiết là đúng cho ngày nay. Khái niệm Trung Dung là có mức độ vừa phải, không cực đoan.

Quan điểm tu thân của Khổng Tử là nhằm đào tạo những con người góp phần xây dựng xã hội dưới đất, đem đến no ấm cho mọi người, không phải nhằm một lí tưởng xa vời, lên Niết Bàn hay lên Thiên Đường, và con người tu thân là để thay đổi xã hội bằng tấm gương của mình và hành động của mình. Quan điểm ấy khác các quan điểm đã có xuất phát từ một tiên đề không có cách gì chứng minh như Chúa, cái Thiện tuyệt đối. Nó không mang tính giai cấp, cũng không bó hẹp vào một chế độ xã hội, dù đó là quân chủ, dân chủ, hay chủ nghĩa xã hội. Trong bất cứ xã hội nào, con người cũng phải tu thân, và tu thân là để đổi mới xã hội đem đến hoà bình hạnh phúc cho mọi người. Muốn tu thân thì phải học không biết mỏi, lo trước vui sau. Hồ Chí Minh đề cao Khổng Tử là vì thế, thậm chí nói phải đọc sách Khổng Tử để tu thân và đọc sách Lênin để làm cách mạng. Đối với người cộng sản Việt Nam, dù có giành được độc lập, đất nước vẫn còn rất nghèo nàn, lạc hậu, đói khổ chưa chấm dứt, con người cách mạng phải đi con đường tu thân để cải tạo xã hội. Mà chỉ có Khổng Tử mới đặt được vấn đề tu thân đầy đủ và nghiêm chỉnh như vậy.

Đó là điểm ưu việt của Khổng Tử bên cạnh nhiều thiếu sót của ông trong một xã hội Trung Hoa cách đây hai nghìn năm trăm năm.

2. NHO GIÁO
Nho giáo không phải là Khổng học. Nho giáo đời Hán là một sự quay trở về linh hồn giáo trước Khổng Tử khi lấy năm kinh làm đối tượng để học tập và thi cử. Và từ đó về sau Nho giáo là một hỗn hợp của Âm DƯơng, Ngũ Hành, Bói toán, lí thuyết quan hệ giữa Trời, quỷ thần với Người, chuyện tai biến, chuyện quái lạ... là những điều Khổng Tử tránh không nói đến. Xuất phát từ quan hệ giữa Trời và Đất trong đó Trời là Dương,

Đất là Âm, Hán Nho xây dựng thuyết Tam lương để bắt bầy tôi lệ thuộc vào vua, làm cơ sở cho chế độ quân chủ chuyên chế và sự thống trị của bộ máy quan liêu, bắt con lệ thuộc vào cha, vợ lệ thuộc vào chồng, biện hộ cho chế độ bất công. Đây chẳng qua là mượn quan hệ giữa Trời và Đất xây dựng một lí thuyết về đẳng cấp kiểu Bà La Môn giáo mà thôi.

Khổng học chỉ có thể là học thuyết cho một thiểu số trí thức. Bởi vì, nó quá trí tuệ. Toàn bộ Luận ngữ không nhắc đến trái tim biểu hiện bằng chữ "tâm" mà chỉ nói đến "chính mình". Mạnh Tử đã tìm cách bổ cứu khi dùng chữ "tâm" 150 lần (cái tâm của đứa trẻ thơ, cái tâm đã mất, giữ lấy cái tâm...). Nhưng từ đời Hán đến đời Tống, Nho giáo chỉ là một học thuyết để đào tạo quan lại mà thôi. Còn nhân dân thì theo cái "tâm" được biểu hiện trong Đạo giáo và nhất là trong Phật giáo. Để cứu vãn một Nho giáo trên đà suy vong, Tống Nho xây dựng lại Nho giáo, đưa siêu hình học Đạo giáo (Âm DƯơng, Ngũ Hành, Lí, Khí) vào, và mượn một lôgic Phật giáo, một tâm lí học Phật giáo để bổ cứu cho những thiếu sót hiển nhiên của Khổng học. Kết quả Tống Nho đã thắng Phật giáo, Đạo giáo, và trở thành học thuyết chính thống của Nho giáo về sau. Nhưng Tống Nho được xây dựng để bảo vệ một đất nước yếu về quân sự trước nạn xâm chiếm của người Kim đã chiếm Hoa Bắc vào năm 1127 và nạn xâm chiếm của người Mông Cổ sẽ làm chủ toàn bộ Trung Hoa vào năm 1276. Vì vậy, Tống Nho chỉ có thể tạo nên một thứ Nho giáo cực kì giáo điều, chết cứng, tự túc tự mãn với ba đặc điểm (kinh tế tự túc, chế độ quân chủ cực quyền, sự phong bế về ngoại giao và ngoại thương), những điều tất yếu dẫn tới sự suy sụp của ba nước theo Tống Nho là Việt Nam, Trung Quốc và Triều Tiên

3. NHO GIÁO VIỆT NAM

Nho giáo Việt Nam vào thời Pháp xâm lược là Tống Nho. Và suốt lịch sử Việt Nam không biết đến một Nho giáo nào khác ngoài Tống Nho. Đặc biệt khi Gia Long lên ngôi, mọi cải cách tiến bộ thời Tây Sơn đều bị bỏ: chữ Nôm mất địa vị, chữ Hán được tuyên bố là chữ viết chính thức, các giáo sĩ Công giáo bị cấm hoạt động, việc buôn bán của ngoại kiều bị cản trở để quay trở lại chế độ tự túc, bế quan tỏa cảng. Đồng thời, việc giáo dục theo hẳn Tống Nho. Nhưng đó là chuyện triều đình. Còn Nho giáo trong lòng người dân Việt Nam là theo bản sắc văn hoá Việt Nam. Cho nên Nho giáo Việt Nam chỉ có hình thức Tống Nho mà thôi, còn nội dung là vẫn theo yêu cầu của bản sắc văn hoá dân tộc.

1. Nho giáo Trung Quốc không nói đến nước, chỉ nói đến vua, triều đình, còn Nho giáo Việt Nam là Nho giáo vì Tổ quốc. Vua và triều đình Việt Nam không phải là người sở hữu nước như ở Trung Quốc. Tên gọi của Trung Quốc trước 1911 như Hán, ĐƯờng, Tống... là tên gọi của triều đại. ở Việt Nam, tên Đại Việt chẳng hạn là chung cho nhiều triều đại từ Lý đến Trần, Lê. Triều đình và ông vua chỉ là người quản lí nước không phải người sở hữu nước. Cho nên chữ Trung của Việt Nam là trung với nước, và Việt Nam có khái niệm Đại hiếu là hiếu với dân với nước mà Nho giáo Trung Quốc không có. Với khái niệm "trung hiếu" này, nước Việt Nam là nước duy nhất trên trái đất mặc dù đất nhỏ, dân nghèo và gần Trung Quốc, đã đánh bại mọi kẻ thù giữ vững độc lập trong những hoàn cảnh không một nước nào làm được. Đối với Việt Nam, lòng hiếu với cha mẹ chỉ là "Tiểu hiếu", mà lòng hiếu với Tổ quốc Việt Nam, nhân dân Việt Nam mới là Đại hiếu. Trường hợp Nguyễn Trãi, Hồ Chí Minh và mọi người cách mạng rời khỏi cha mẹ, gia đình chính là để thực hiện Đại hiếu. Cũng vì ông vua không phải người sở hữu đất nước cho nên khi một ông vua cắt đất cho nước ngoài như Tự Đức hay quỳ gối trước nước ngoài như Chiêu Thống thì nhân dân chống lại, đòi "moi gan, uống máu" ông vua. Do đó, cũng là học Nho giáo cả, nhưng các nhà Nho Việt Nam tham gia mọi phong trào chống Pháp, và số nhà Nho hi sinh cho sự nghiệp cứu nước là không thể kể hết. Ngục tù Côn Đảo có một thời đầy những nhà Nho ưu tú nhất nước. Sau đó lại có hiện tượng những nhà Nho vào Đảng Cộng sản (Đặng Thúc Hứa, Hồ Tùng Mậu, Võ Liêm Sơn...), và thế hệ học Nho giáo trong gia đình lãnh đạo Đảng cộng sản (Hồ Chí Minh, Trần Phú, Trường Trinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp...). Tôi không thấy hiện tượng này ở Trung Quốc.

2. Xã hội, đất nước Việt Nam xây dựng trên sự tồn tại của làng xã. Làng xã đóng một vai trò tự quản về mọi mặt: kinh tế, xã hội, tôn giáo, chính trị. Nó lo cho đời sống dân làng và chỉ có quan hệ gián tiếp với bộ máy quan lại của triều đình. Đặc điểm này tồn tại suốt lịch sử tạo nên một nước Việt Nam trong đó quyền lực của bộ máy quan liêu, của triều đình khá nhỏ bé. Không phải vua chúa không muốn chống lại nhưng nếu quan liêu hoá toàn bộ đất nước theo kiểu Trung Hoa thì vấp phải sự chống đối cực kì to lớn và triều đình nhất định sụp đổ. Đặc điểm thứ hai này khiến nó khắc hẳn cái làng Trung Quốc. Chế độ ruộng công của làng Việt tạo nên sự gắn bó của dân làng, đồng thời biến mỗi làng thành một pháo đài chống ngoại xâm. Nho giáo nhập vào cái cơ chế làng xã, lập tức bị làng xã hoá, và nhà Nho trước hết là người trí thức của làng, lo cho cuộc sống dân làng, rất khác nhà Nho Trung Quốc chỉ nhập vào chế độ quan liêu của triều đình, không biết đến làng. Làng Việt với tư cách cộng đồng của những người lao động gắn bó với nhau bằng máu mủ (thờ cúng tổ tiên), bằng tôn giáo (các thành hoàng phần lớn đều là những người có công với làng với nước), bằng một truyền thuyết chung về cha mẹ (Lạc Long Quân, Âu cơ), bằng hợp tác trong lao động, sướng khổ có nhau. Vì vậy, chính làng Việt là cái lò tạo nên tinh thần dân chủ và có xu hướng xã hội chủ nghĩa cái mà trong Nho giáo không có và cấp cho những người theo Nho giáo Việt Nam ý thức trách nhiệm sống chết cho quê hương. Làng giăng ra cái thiên la địa võng của chiến tranh nhân dân làm mọi kẻ thù trên hai nghìn năm nay khiếp vía.

3. Đặc điểm thứ ba là gia đình Việt Nam với vai trò quan trọng dành cho phụ nữ. Hết sức khác phụ nữ Trung Quốc, phụ nữ Việt Nam chưa hề bị ai bó chân, làm chủ thương nghiệp, nông nghiệp, nắm tài chính và quản lí tài sản gia đình, lo giáo dục con cái, gần như là người chủ yếu lo việc buôn bán của gia đình và giao dịch với họ hàng, lại tự do chăm sóc cho cha mẹ đẻ, trong khi cô dâu Trung Quốc khó khăn lắm mới được về thăm cha mẹ mình. Anh chàng rể Việt Nam có trách nhiệm với gia đình vợ chẳng kém gì với gia đình mình... Chính những quyền ưu tiên mà phụ nữ Việt Nam được thừa hưởng đã tạo nên người phụ nữ Việt Nam anh hùng và một đất nước toàn phụ nữ anh hùng mà lịch sử thế giới chưa hề biết đến.

Như vậy, Nho giáo Việt Nam chỉ giống Nho giáo Trung Quốc về cách học, cách thi cử mà thôi. Còn trong thực tế Nho giáo vào Việt Nam đã bị tiếp biến theo văn hoá Việt Nam để trở thành Nho giáo Việt Nam. Trong sự tiếp biến ấy, nét nổi bật là ý thức cộng đồng có xu hướng dân chủ và xã hội chủ nghĩa xuất phát từ quyền lợi chung của người lao động, và biểu hiện tiêu biểu nhất của nó là văn hoá dân gian mà ở đó, về mặt hệ tư tưởng, ngôn ngữ, hình thức nghệ thuật cảm xúc nghệ thuật đều không phải là Tống Nho, thậm chí chống lại Tống Nho triệt để./.

Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo. Số 5-2001, tr. 50-54.




(*) Nhà nghiên cứu văn hoá học và ngôn ngữ học, Hà Nội.

Thứ Ba, 28 tháng 7, 2015

sự chết – và vài đề tài lân cận (phần 2)



Nguyễn Nhân Trí



Vùng Biên Giới giữa “Sống” và “Chết” ở Môi Trường Vi Mô

Chúng ta cũng có thể nhìn thấy sự mơ hồ giữa “sống” và “chết” kể trên xảy ra ở những cấu trúc cơ bản nhất bắt đầu cho sự sống. Đó là các tế bào và những cấu trúc nền tảng cấu tạo của chúng, đó là phân tử và nguyên tử.

Có thể nói đây là vùng biên giới giữa sự “sống” và “không sống”. Ai cũng công nhận quy định chung sau đây: những vật thể như gạch, đá, sắt, nước, v.v. được xem là vô cơ (tức là không có sự sống), trong khi đó động thực vật được xem là hữu cơ (tức là có, hay liên quan đến, sự sống). Tuy nhiên tất cả vật chất, vô cơ cũng như hữu cơ, sống cũng như không sống, đều được tạo thành bởi những nguyên tử và phân tử. Khi những phân tử nầy kết hợp với nhau tạo thành các vật thể trên, chúng đều tuân theo các quy luật vật lý hóa học giống hệt nhau. Tuy vậy, khi lên đến một giai đoạn nào đó thì tập hợp một số phân tử được xem là có sự sống trong khi một tập hợp khác lại không có sự sống. Thế thì đường ranh giới chính xác thật sự giữa một vật thể có sự sống và một vật thể không có sự sống là gì?

Tương tự như các vấn đề trong định nghĩa theo y khoa về sự chết của một người, kiến thức vật lý và sinh vật học ngày nay cho thấy không có một ranh giới chính xác rõ ràng giữa những vật thể “sống” và những vật thể “không sống” ở môi trường vi mô (nghĩa là nói về phân tử, nguyên tử). Khi khảo nghiệm tính chất và cấu trúc ở kích thước nầy, những vật thể “sống” cũng giống y hệt như những vật thể “không sống”; ngoại trừ một điều là chúng được xếp đặt và vận hành một cách khác biệt nhau.

Sự “sống” ở những kích thước nầy cũng hiện hữu ở nhiều mức độ khác nhau chớ không phải xảy ra ở một biến đổi rõ ràng đột ngột. Có nghĩa là khi quan sát thiên nhiên ở trạng thái cơ bản nầy, chúng ta không thể nào xác định được một lằn ranh rõ rệt để tuyên bố rằng “ở một bên đường ranh giới nầy không có sự sống và ở bên kia là nơi sự sống bắt đầu”. Chúng ta chỉ có thể thấy một “vùng” trung gian mơ hồ lẫn lộn trong đó có cấu trúc của những vật thể được xem là “sống” và những vật thể được xem là “không sống”.

Chất liệu tạo thành cấu trúc cơ bản của sự sống là những hợp chất của carbon. Carbon là nguyên tố duy nhất trong tất cả hàng trăm nguyên tố thiên nhiên hiện hữu trong bảng phân loại tuần hoàn có khả năng tự kết hợp hàng ngàn nguyên tử lại với nhau để tạo thành những tập hợp rất lớn gọi là siêu phân tử. Các loại protein trong mọi sinh vật chính là một dạng của những siêu phân tử nầy.

Protein là thành phần cơ bản trong cấu trúc của mọi sự sống. Cơ thể con người có hơn một trăm ngàn loại protein khác nhau. Nhưng điều nầy không có gì đặc biệt cả vì tất cả mọi sinh vật khác cũng đều có cấu trúc tương tự. Và hầu như tất cả mọi sinh vật đều được tạo thành bởi các loại protein nói chung giống y hệt nhau. Hơn nữa ở tầng mức cơ bản nầy, protein của tất cả mọi sinh vật đều trải qua những quá trình vật lý hóa học hoàn toàn giống nhau để sinh sản và vận hành.

Người ta quan sát thấy rằng những protein cần phải kết hợp với nhau thành các tập hợp lớn đủ đến kích thước nào đó thì chúng mới bắt đầu có thể vận hành như một vật thể được xem là có sự sống. Nói chung, kích thước tối thiểu nầy thường khoảng 5 ngàn đơn vị Angstrom. Một đơn vị Angstrom dài 1 phần 10 tỉ của một mét. Có nghĩa là 20 ngàn vật thể nầy nằm kế sát nhau sẽ chiếm một khoảng cách cỡ 1 cm, bằng bề ngang móng tay của một người lớn. Có thể nói là các vật thể nhỏ hơn kích thước tối thiểu nầy thường không có những sinh hoạt và cách vận hành được xem là của một sinh vật.

Tuy vậy, có những vật thể nhỏ chỉ bằng 1/2 hay có khi 1/50 của kích thước tối thiểu kể trên nhưng vẫn mang một số các sinh hoạt và dấu hiệu của sự sống.

Một thí dụ là vi trùng (virus). Vi trùng là những tập hợp cực kỳ cơ bản. Vi trùng cần phải lấy nguyên liệu và năng lượng từ bên ngoài cơ thể chúng để mới có thể tự sinh sản được; và do đó chúng tấn công và chiếm đóng tế bào của các vật thể sống khác để tước đoạt nguyên liệu và năng lượng nầy. Sau khi xâm nhập vào một tế bào khác, vi trùng sẽ đóng chiếm cơ cấu sản xuất các chất cần thiết của chủ nhà và biến đổi nó thành bộ máy chế tạo thêm ra nhiều vi trùng nữa. Nói cách khác, vi trùng không thể tự sinh sản được nếu không có sự hiện diện của các sinh vật khác. Tuy vậy, với những sinh hoạt và cách vận hành như vừa thấy, dù muốn dù không thì chúng ta cũng phải nhìn nhận rằng vi trùng là một vật thể có sự sống.



Một vật thể khác với kích thước “ngoại lệ” tuy không thể tự sinh sản nhưng vẫn thường được xem là một vật thể có sự sống, đó là hồng huyết cầu trong máu động vật (mặc dù nếu so sánh một cách nghiêm khắc thì có thể nói rằng hồng huyết cầu mang ít “tính chất sống” hơn vi trùng). Một giọt máu nhỏ chứa đựng khoảng 5 triệu hồng huyết cầu. Chúng mang ô-xy từ phổi đến các bộ phận trong cơ thể. Vì chúng là một loại tế bào không có “nhân” nên không thể tự sinh sản được. Tuy vậy chúng vẫn không thể bị xem là không có sự sống. Trong thiên nhiên có vô số những sinh vật không sinh sản được (như giống la, là con của lừa và ngựa, và nhiều cá nhân trong loài người cũng vậy) nhưng không ai xem chúng là không có sự sống.

Năm 1935, Wendell Stanley của học viện Rockefeller Institute ở New York rút nhựa của một số cây thuốc lá bị nhiễm bệnh để phân ly các vi trùng gây bệnh ra và cô đọng chúng lại thành một dạng tinh thể. Những tinh thể của loại vi trùng nầy có hình ốm dài và giống y hệt như dạng tinh thể của nhiều chất vô cơ khác, thí dụ như tinh thể đường ăn. Các tinh thể nầy có thể được nghiền nhỏ nát ra thành bột và chất giữ nhiều năm trong lọ kín. Cả hai loại bột đường và bột vi trùng nầy sau đó đều có thể làm cho “sống” lại và tự kết tinh lại thành dạng tinh thể ban đầu, tuy nhiên bằng hai phương pháp khác hẳn nhau. Chỉ cần pha nước rồi tiêm bột vi trùng vào một cây thuốc lá đang sống thì chúng sẽ lập tức lan tràn khắp toàn cây và sinh sôi nẩy nở ra vô số vi trùng mới nữa. Trong khi đó với bột đường thì người ta cần phải giữ nó ở một nhiệt độ cố định thích hợp trong một thời gian lâu trước khi các tinh thể đường có thể từ từ xuất hiện.

Trong cả hai trường hợp trên đều có một hiện tượng “tái sinh” và tái sản xuất xảy ra, tuy nhiên cách thức tổ chức và vận hành của mỗi trường hợp rất khác biệt nhau. Sau khi được tái sinh và tái tạo lại dạng tinh thể nguyên thủy, số lượng đường không hề thay đổi so với khi nó còn là dạng bột. Trong lúc đó sau khi được chích vào cây thuốc lá sống, vi trùng từ dạng bột lập tức tác động bằng các phản ứng sinh hóa học chẳng những tạo nhiệt mà còn sản xuất ra các vi trùng mới với một số lượng vĩ đại. Lý do là vì trong trường hợp bột đường chúng ta chỉ có một quá trình phản ứng nhiệt động học kín (closed thermodynamic process) tức là hoàn toàn cô lập với môi trường chung quanh. Trong trường hợp vi trùng thuốc lá, chúng ta một quá trình phản ứng nhiệt động học mở (open thermodynatic process) tức là có sự trao đổi vật chất, và do đó năng lượng, với môi trường chung quanh. Đây là điểm khác biệt chính yếu giữa các sinh vật có sự sống và các vật thể hữu cơ không có sự sống. Cả hai nhóm đều bị chi phối bởi những định luật sinh hóa lý học cơ bản giống nhau tuy nhiên cách áp dụng của các định luật nầy lên chúng lại rất khác nhau.

Vì vậy, như đã nói ở trên, những vật thể như vi trùng hay hồng huyết cầu được xem là mang nhiều tính chất sống hơn chết là nhờ các cấu trúc phân tử của chúng được xếp đặt và vận hành một cách khác biệt so với những vật thể không có sự sống. Những cấu trúc và cách vận hành của chúng, nói chung, tuân theo những trình tự, những thiết kế đã có sẵn và có khả năng thu nhận năng lượng từ bên ngoài vào để duy trì một mức độ trật tự cần thiết để chúng có thể tiếp tục hiện hữu và vận hành như một sinh vật. Những vật thể không có sự sống, hay những vật thể đã chết, không có các tính chất trên.

Sự Bất Tử, Tình Dục và Sự Chết trong Quá Trình Tiến Hóa của Chủng Loại

Ở gần trong vùng biên giới giữa chất hữu cơ và vô cơ còn có một dạng vật thể đáng kể nữa đó là vi khuẩn (bacteria).

Không như vi trùng, vi khuẩn có đầy đủ các tính chất rõ ràng của một sinh vật. Do đó có thể nói vi khuẩn là một dạng sinh vật “cao cấp” hơn vi trùng. Vi khuẩn sống thích hợp nhất trong những môi trường ấm áp và ẩm thấp, tuy vậy chúng cũng có thể hiện diện ở hầu hết mọi nơi khác. Nhiều loại vi khuẩn sống không cần ô-xy, có những loại có thể sống trong nước nóng gần sôi và hầu như tất cả vi khuẩn đều có thể tồn tại vô thời hạn ở các nhiệt độ rất thấp dưới 0 độ C. Một số loại vi khuẩn dùng ánh sáng mặt trời để sản xuất thức ăn và năng lượng (giống như thực vật), tất cả loại khác tiêu thụ chất hữu cơ để sống.

Vi khuẩn làm cho các chất hữu cơ phức tạp trong thiên nhiên mục rữa đi và phân hủy thành những chất hữu cơ đơn giản. Vi khuẩn sẽ tiêu thụ một số những gì cần thiết và thải trả ra phần còn lại. Những sản phẩm hữu cơ đơn giản nầy cần thiết cho sự sống còn của nhiều sinh vật khác và thường không thể tự sản xuất được trong thiên nhiên nếu không nhờ có quá trình tiêu hóa của vi khuẩn.

Có thể nói là vi khuẩn hầu như bất tử. Sau khi trưởng thành (thường chỉ cần khoảng 20 phút), một vi khuẩn sẽ tách làm đôi tạo thành hai vi khuẩn mới có thể lập tức bắt đầu tiêu thụ thức ăn để lớn lên để lại tiếp tục tách đôi ra nữa. Trong môi trường lý tưởng, nếu không bị giết chết bởi hóa chất, hay bởi vi trùng, hay bởi bạch huyết cầu, v.v. thì không có vi khuẩn nào chết cả. Chúng cứ tiếp sinh sản bằng cách tách đôi mãi mãi như thế. Đối với những cá thể đơn giản nhất biểu tượng cho sự sống nầy, sự chết không có ý nghĩa gì cả. Trong quá trình tiến hóa ở đây, vật chất vô cơ vô sinh dường như chỉ cần bước một bước ngắn là đã đạt đến một sự sống tự tái tạo và tồn tại vĩnh viễn.



Không chỉ có vi khuẩn, hầu hết các vi sinh thể gồm chỉ một tế bào đơn giản cũng đều sinh sản bằng cách tách đôi tương tự. Mỗi vi sinh thể mẹ tách đôi ra thành hai con gái, mỗi con mang đầy đủ các đặc tính cá biệt di truyền từ vi sinh thể mẹ. Cũng có những loại vi sinh thể thay vì tách đôi thì lại có thể tách ra mỗi lần thành nhiều con nhỏ khác nhau, và mỗi con vi sinh thể mới nầy hầu như có thể lập tức tiếp tục tách thêm ra thành nhiều con mới nữa. Đây là trường hợp ký sinh trùng protozoan sinh ra bệnh sốt rét. Chính khả năng sinh sản nhanh chóng cấp kỳ nầy gây ra sự bùng nỗ dân số cấp nhân với hàng tỉ các ký sinh trùng nầy tràn ngập đột ngột trong máu của bệnh nhân làm cho họ lên cơn sốt kịch liệt.

Khi được sinh sản theo lối tự phân, mỗi vi sinh thể mới được tạo thành ra đều mang tất cả tính chất đặc thù của mẹ nó và các thế hệ trước nó. Vì không có gì và không cần gì để phải thay đổi cấu trúc nội tạng nên sự sinh sản theo lối nầy có lợi điểm lớn là xảy ra rất nhanh chóng. Tuy nhiên, điều nầy cũng có một nhược điểm không nhỏ. Nếu có biến đổi gì thất lợi trong môi trường sống thì tất cả mọi con vật có chung cấu trúc cơ thể giống hệt nhau có thể sẽ cùng bị ảnh hưởng xấu đồng loạt nhau. Và nếu sự thất lợi trên nghiêm trọng đủ thì toàn thể các sinh vật trên có thể bị tiêu diệt chung cùng lúc với nhau.

Quá trình tiến hóa của chủng loại và sự tuyển chọn bởi thiên nhiên đưa đẩy sinh vật đến một lối thoát cho vấn đề trên. Đó là phương pháp sinh sản qua tình dục. Trong khi hầu hết tất cả vi khuẩn đều sinh sản theo lối tách đôi ra kể trên, một số ít vi khuẩn đi theo một con đường khác. Những vi khuẩn nầy đôi khi trao đổi các đơn vị căn bản của chất liệu di truyền trong người chúng với nhau. Thí dụ như khi quan sát vi khuẩnEscherichia coli (một loại vi khuẩn hiện diện rất nhiều trong ruột già con người) chúng ta có thể thấy hai loại: loại đực dài ốm và loại cái tròn ngắn. Chúng ta thỉnh thoảng thấy một vi khuẩn đực mọc ra một cái vòi dài đến gần một vi khuẩn cái và đâm cái vòi nầy để tiêm một ít chất liệu di truyền vào trong thân con vi khuẩn cái. Diễn biến xảy ra khoảng 6 lần lâu hơn quá trình sinh sản bằng cách tự phân đôi thường thấy.



Các vi khuẩn được sinh ra từ con vi khuẩn cái kể trên đều mang một hỗn hợp các đặc tính của cả con vi khuẩn đực lẫn con vi khuẩn cái. Đây cũng là giai đoạn đầu tiên trong quá trình tiến hóa chủng loại mà một sinh vật có cả cha lẫn mẹ (thay vì chỉ có mẹ mà thôi như trong quá trình tự phân của đa số vi khuẩn).

Khi hai con vật đực và cái giao cấu với nhau, chúng đóng góp các tính chất đặc thù của chúng lại chung để tạo nên những con vật mới. Những con vật mới nầy có cấu trúc khác ít nhiều so với cha lẫn mẹ chúng. Phương pháp sinh sản qua tình dục nầy dần dần tạo thành nhiều cá thể khác biệt nhau trong mỗi thế hệ. Chính sự khác biệt nầy là một phương cách bảo vệ hữu hiệu nhất để một chủng loại không bị tiêu diệt đồng loạt nếu môi trường sống của chúng thay đổi xấu. Thí dụ như khi bị tấn công bởi một bệnh dịch truyền nhiễm, mỗi cá thể có khả năng đề kháng khác biệt nhau do đó toàn thể chủng loại sẽ có xác suất cao hơn để sống còn.

Lợi thế trên, tuy vậy, phải trả bằng một giá không nhỏ. Đó là sự chết. Khi mỗi cá thể không còn tái tạo bằng cách tự tách ra vô hạn số lần nữa, chúng sẽ chỉ có thể tiếp tục sống trong cùng một cơ thể cho đến khi cơ thể nầy già yếu đi rồi chết.

Nói chung trong nhiều môi trường sống, lối sinh sản qua tình dục vẫn có lợi điểm về sinh tồn hơn so với lối sinh sản bằng cách tự phân. Do đó, trong giai đoạn đầu của quá trình tiến hóa của chủng loại, càng lúc càng nhiều sinh vật đi theo con đường nầy và dần dần phát triển trở thành những sinh vật đa tế bào phức tạp như các động thực vật ngày nay.



Tế bào trong cơ thể mọi sinh vật, trong đó có con người, cũng là một dạng cá thể cơ bản cao cấp và cũng sinh sản bằng phương pháp tự phân tương tự như vi khuẩn. Tuy trong mỗi sinh vật có nhiều loại tế bào khác nhau nhưng mỗi tế bào đều có chứa đầy đủ mọi chất liệu di truyền cần thiết để tái tạo và xây dựng thành tất cả các bộ phận trong cơ thể. Điểm khác biệt giữa các loại tế bào trên là chúng tự được kiểm soát và điều khiển bởi những chuỗi mã di truyền để có các nhiệm vụ và cách vận hành khác nhau.

Khái Niệm của một Cá Thể và Vạn Vật Chung Quanh Nó

Khi xét về một sinh vật đa tế bào thì khái niệm và định nghĩa của một cá thể nhiều khi rất mơ hồ.

Sinh vật học gia Claiborne Jones cho rằng rất khó định nghĩa một cách thỏa đáng và chính xác một cá thể là gì. Ông lấy thí dụ con ong mật không phải là một cá thể thật sự vì một con ong mật không có khả năng sinh sản và không thể sinh tồn nếu sống độc lập một mình nó. Trong khi đó một tổ ong hiện hữu, sinh hoạt và vận hành như một cá thể có sự sống. Tuy nhiên nếu như vậy thì khi một con ong bị giết thì chúng ta xem rằng con ong đó đã chết hay chỉ một phần nhỏ không đáng kể của cá thể “tổ ong” đã chết? Sự sống còn của cá thể tổ ong nầy lệ thuộc bao nhiêu vào sự sống còn các cá nhân ong? Cần phải lấy bao nhiêu con ong ra khỏi một tổ ong trước khi tổ ong đó được xem là chết?

Sự mơ hồ trong khái niệm “cá thể” dẫn đến sự mơ hồ trong khái niệm “sống chết”. Thí dụ như nếu chúng ta có thể phá vỡ một tổ ong ra mà không làm chết một con ong nào cả mà chỉ đem tất cả chúng đi tản mát khắp mọi nơi trong rừng. Nếu mỗi tổ ong là một cá thể thì khi tổ ong trên không còn tồn tại nữa thì cá thể đó có được xem là đã chết hay không? Nếu tất cả các con ong đã bị tản mát vào rừng được thu nhận vào sống trong những tổ ong khác thì tổ ong nguyên thủy của chúng được xem là đã chết hay vẫn còn sống? Nếu đã chết thì tại sao tất cả các con ong của nó đều vẫn còn sống? Nếu còn sống thì tại sao bản thân nó không còn tồn tại nữa?

Những câu hỏi, những vấn đề về trường hợp tổ ong ở trên cũng tương tự với trường hợp con người. Mỗi người là một sinh vật độc lập riêng biệt, đồng thời cũng là một tập hợp hàng tỉ tế bào có sự sống riêng biệt của chúng. Khi định nghĩa về sự sống hay chết của một người thì làm sao chúng ta có thể phân biệt được sự sống hay chết nào của cơ thể người ấy và sự sống hay chết nào của các tế bào trong cơ thể ấy?

Chúng ta cũng có thể thấy sự mơ hồ về khái niệm và định nghĩa của một cá thể qua các thí nghiệm sau đây.

Bọt biển (marine sponge) là những sinh vật đa tế bào rất nhỏ. Chúng sống chung cận sát bên nhau thành từng tập thể lớn có hình dáng cố định, sinh hoạt và vận hành như một cá thể riêng biệt. Những mảnh bọt biển (có khi nhìn giống như các khối san hô nhỏ) chúng ta thường thấy bày bán ở chợ chính là xác khô của những tập thể nầy. Nếu một mảnh bọt biển còn sống bị bầm nhỏ ra và bóp vắt qua một màng vải mịn thì từng sinh vật bọt biển tí hon sẽ bị tách rời ra riêng biệt khỏi các láng giềng của nó. Tất cả các vi sinh thể nầy lúc bấy giờ chỉ là một khối lỏng sệt không có hình dáng nhất định. Tuy nhiên nếu để yên ít lâu, khối chất lỏng sệt của vô số từng vi sinh vật riêng biệt nầy sẽ tự động xếp đặt và kết hợp với nhau để trở thành lại một mảnh bọt biển như lúc đầu.



Người ta thí nghiệm dùng hai loại bọt biển có màu khác hẳn, một loại màu đỏ đậm Microciona prolifera và một loại màu vàng tươi Clona celata, và trộn lẫn hoàn toàn hai khối lỏng sệt của chúng với nhau. Sau 24 giờ đồng hồ, những vi sinh thể màu đỏ và màu vàng đã tự phối hợp nhau lại tạo thành hai khối bọt biển riêng biệt có hai màu đỏ và vàng giống như nguyên thủy. Vài câu hỏi được đặt ra ở đây. Thứ nhất, hai cá thể bọt biển riêng biệt nguyên thủy đã chết hay vẫn còn sống khi bị trộn chung thành một khối chất lỏng sệt? Thứ hai, nếu khối lỏng sệt lẫn lộn đỏ và vàng nầy được xem là còn sống thì nó là cá thể nào? Đỏ hay vàng hay một cá thể mới? Thứ ba, ở thời điểm nào trong quá trình tái tạo lại thành hai khối bọt biển giống như nguyên thủy thì có phải mỗi khối ban đầu đã thật sự “tái sinh” trở lại? Và chúng ta giải thích thế nào về việc có lúc sau khi “tái sinh” thì có một số tế bào màu nầy lẫn lộn vào và vẫn sinh sống bình thường trong khối bọt biển màu kia?

Có người sẽ giải thích rằng mỗi khối bọt biển không phải là một cá thể thật sự mà chỉ là một cộng đồng tập thể của vô số các sinh vật tí hon. Tuy vậy, bác học sinh vật Mỹ Theodore Hauschka đã thí nghiệm tương tự với loài chuột, và không ai có thể phủ nhận rằng mỗi con chuột là một cá thể riêng biệt. Ông lấy các bào thai từ một con chuột cái lúc 13 ngày sau khi đậu thai và đem chúng đi nghiền nhỏ đến độ trở thành chất lỏng. Ông tiêm chất lỏng nầy vào bụng nhiều con chuột cái khác đồng giống và còn trinh. Số các chuột cái nầy lớn hơn hẳn so với số bào thai được dùng. Sau 5 tuần, trong bụng tất cả các con chuột cái nầy đều có những khối xương và thịt tương tự như những bào thai chuột đã lớn khoảng một tuần. Điều nầy cho thấy rằng các tế bào trong những bào thai ban đầu tuy đã bị phân tách ra riêng rẽ nhưng vẫn còn có khả năng tập hợp với nhau lại và phát triển thành những bộ phận của từng bào thai chuột. Nhưng câu hỏi ở đây là những bào thai chuột “mới” nầy có phải là những bào thai nguyên thủy hay không? Nếu phải thì giải thích làm sao khi con số bào thai mới nầy lớn hơn con số bào thai ban đầu? Và chuyện gì đã xảy ra khi các bào thai nguyên thủy bị nghiền nát ra thành nước? Không phải là chúng đã chết rồi hay sao?

Như đã thấy, khi xét về một sinh vật đa tế bào thì định nghĩa của sự chết trở thành rất phức tạp. Mỗi tế bào trong cơ thể một sinh vật đều là một cá thể có những vận hành và sinh hoạt riêng của nó. Đồng thời, tuy là một cá thể độc lập về lãnh vực sống chết, mỗi tế bào cũng là một thành phần cơ bản của cấu trúc, thân thể và sự hiện hữu của một con vật. Có một quan hệ vừa tuyệt đối cách biệt vừa cực kỳ mật thiết giữa mỗi tế bào trong thân thể một cá nhân và chính cá nhân đó. Sự chết có thể xảy ra riêng rẽ đến một tế bào mà không hề ảnh hưởng đến cá nhân đó và ngược lại. Vì thế khi phát biểu rằng một cá nhân nào đó đã chết thì phát biểu nầy chỉ có giá trị tương đối.

Tất cả những vấn đề mơ hồ, phức tạp, tương đối về sự sống chết giữa con người và tế bào cũng xảy ra ở kích thước của tế bào và các phân tử, nguyên tử cấu tạo nên chúng. Những nguyên tử, phân tử cấu tạo thành một tế bào có thể bị hủy hoại vì lý do gì đó nhưng không hề ảnh hưởng đến tế bào trên, và ngược lại.

Từ đó chúng ta cũng có thể thấy một sự liên hệ rộng lớn và mật thiết giữa tất cả cá thể trong vũ trụ.

Trong thiên nhiên, mọi sinh vật đều cần phải tiêu thụ nhiều sinh vật khác để thu lấy năng lượng cần thiết cho sự sống của mình. Hiện tượng nầy dẫn đến việc các nguyên tử, phân tử cấu tạo thành những chất liệu có sự sống được luân chuyển trong vô số chu kỳ không ngừng nghỉ từ sinh vật nầy sang sinh vật khác. Cây lá hấp thụ chất dinh dưỡng từ các chất hữu cơ cũng như vô cơ trong đất, nước và năng lượng mặt trời. Sâu bọ ăn cây lá và rồi bị chim chóc ăn. Chim nhỏ bị chim lớn ăn thịt. Chim lớn bị các động vật khác như cáo, mèo ăn thịt. Các động vật trên vì bệnh tật, tai nạn, v.v. chết nằm xuống bị các giun bọ tiêu thụ và tan rữa vào trong đất. Cây cỏ lại mọc lên ra từ đất. Những nguyên tử vật chất do đó được lưu truyền bất tận trong vòng sinh tử liên tục từ vật thể nầy đến vật thể khác trong thiên nhiên.

Nói cách khác, khi một sinh vật được cho là chết thì một số các tế bào cấu tạo nên cơ thể sinh vật đó có thể vẫn còn mang sự sống. Ngay khi các tế bào nầy bị hư hủy đi thì các nguyên tử, phân tử cấu tạo nên chúng vẫn còn hiện hữu và luân hành từ sinh vật nầy sang sinh vật khác trong thiên nhiên.

Tất cả các sự kiện được trình bày cho đến đâydẫn đến một số câu hỏi triết lý sau đây.

Khi một người đã được bác sĩ xác định là chết rồi thì thật sự họ đã chết chưa? Đó là vì định nghĩa chết theo y khoa chỉ có nghĩa là một số bộ phận trọng yếu trong cơ thể người nầy đã ngưng hoạt động mặc dù nhiều bộ phận khác có thể vẫn còn vận hành. Trong nhiều trường hợp, một người sau khi đã bị bác sĩ cho là chết rồi vẫn có thể hồi sinh. Các bộ phận trọng yếu bác sĩ cho là đã hoàn toàn ngưng hoạt động vẫn có thể hồi phục lại. Và ngay cả khi các bộ phận trọng yếu trên không hồi phục lại và họ không thể hồi sinh được nữa thì, như đã nói, vì một số bộ phận khác trong cơ thể họ vẫn còn hoạt động thì có thể theo những định nghĩa khác, bởi các tiêu chuẩn y khoa khác, ở những thời điểm trong tương lai khác nào đó khi kỹ thuật y học tiến triển hơn, v.v. thì có thể nào xem rằng người nầy vẫn chưa thật sự chết hay không?

Ngay khi cơ thể một ông A đã bị hoàn toàn tiêu hủy, thí dụ như sau khi hỏa táng, nếu các bộ phận đã từng trong cơ thể ông ấy được lấy ra trước đó và cấy tháp vào cơ thể của những người khác thì có thể nào xem rằng một phần cơ thể của ông A vẫn còn sống? Và tùy theo định nghĩa, có thể nào xem rằng một phần của ông A vẫn còn sống?

Rồi ngay cả khi tất cả bộ phận, tất cả tế bào trong cơ thể của một người đã tan rữa hết thì các phân tử, nguyên tử của chúng, như đã nói, vẫn còn tồn tại và vận hành trong những sinh vật khác trong thiên nhiên. Như thế thì có thể xem như một phần cơ thể hay một phần của người đó vẫn còn tồn tại?

Khi lý luận theo lối nầy thì chỉ có thể định nghĩa sự chết bằng một thước đo có nhiều mức độ khác nhau. Sự chết trở thành bất khả chẩn định. Sự chết và sự sống dường như hiện diện lẫn lộn với nhau một cách không thể phân biệt được. Lãnh thổ của sự sống được càng lúc càng mở rộng thêm ra và khoa học kỹ thuật đã cho phép nhiều, nếu không phải là tất cả, trường hợp chết đều có thể cứu vãn được, ít nhất là trên lý thuyết. Biên giới giữa sự sống và sự chết do đó tùy thuộc vào kiến thức và quan điểm của một người, đó là chưa kể đến phong tục, tập quán và tín ngưỡng của người đó.

Các sự kiện đã được trình bày cho đến đây cũng dẫn đến vài nhận xét sau.

Như đã thấy, việc một người được cho là đã chết rồi nhưng vài ba hôm sau “sống lại” là một việc tương đối bình thường. Ngay cả với kỹ thuật khoa học hiện đại mà việc nầy cũng xảy ra khá thường xuyên, ngay cả những bác sĩ nhiều kinh nghiệm ngày nay vẫn còn đôi khi lầm lẫn trong việc chẩn định. Tuy vậy ở vài ngàn năm trước đây đối với những dân quê không hề có kiến thức y khoa thì hiện tượng một người chết vài hôm rồi sống lại có thể được xem là một phép lạ. Và như chúng ta thấy, dạng “phép lạ” nầy có thể được xem là cực kỳ huyền bí, đủ để góp phần tạo dựng nền móng cho một hệ thống tín ngưỡng còn tồn tại đến ngày nay gọi là Thiên Chúa Giáo.

Mặt khác, cũng như đã thấy, một người tuy đã chết nhưng những phân tử vật chất đã từng là cấu trúc của một phần cơ thể họ có thể sẽ luân chuyển mãi mãi từ sinh vật nầy đến sinh vật khác trong thiên nhiên. Sự kiện nầy có vẻ phù hợp với quan niệm của một số hệ thống tín ngưỡng cho rằng sau khi một người chết thì họ có khi sẽ “tái sinh” trở lại dưới nhiều dạng thể khác nhau. Và có lúc những phân tử trên thay vì trở thành một phần của các sinh vật khác thì chúng cũng có thể tản mác trong không khí, trong đất đá, trong sông suối, v.v. Sự kiện nầy có vẻ phù hợp với quan niệm tín ngưỡng cho rằng sau khi một người chết thì họ sẽ trở về với vũ trụ bao la (thí dụ như cái trong Phật Giáo gọi là “đại thể”).

Sự Chết luôn luôn Hiện Diện Song Song với Sự Sống

Trong cơ thể một người trưởng thành có khoảng 60 tỉ (1 tỉ = 1 triệu triệu) tế bào. Mỗi ngày số tế bào chết đi có thể đong đầy một chén súp nhỏ. Tuy vậy, một số tế bào khác cũng được sinh ra với số lượng tương ứng để thay thế.

Mỗi lần lớp da trên cơ thể chúng ta va chạm một vật gì chẳng hạn thì sẽ có hàng trăm ngàn tế bào da bên ngoài rơi rớt ra. Lớp tế bào da nằm bảo vệ bên ngoài nầy được liên tục thay thế bằng những tế bào da mọc thêm ra từ bên dưới. Mỗi lần chúng ta nhai nuốt thức ăn thì hàng chục ngàn tế bào nằm trên màng da trong miệng chúng ta tróc ra và bị nuốt trôi theo. Mỗi ngày hầu như toàn thể tấm màng da trong miệng mỗi người bị nuốt và tiêu hóa mất đi nhưng chúng ta không hề cảm biết vì nó được bồi đắp liên tục bởi những tế bào mới sinh ra từ bên dưới. Màng bao tử, màng ruột, màng trong của mỗi mạch máu, v.v. cũng vậy. Tế bào của hầu như tất cả mọi bộ phận trong cơ thể đều bị hao mòn và chết đi trong quá trình hoạt động hàng ngày và được thay thế liên tục.

Trong một đứa trẻ thì số tế bào sinh ra mỗi ngày sẽ lớn hơn số tế bào bị chết đi nên cơ thể đứa trẻ mới có thể càng ngày càng to lớn khỏe mạnh hơn. Trong một người già thì số tế bào thay thế sẽ không đủ số lượng và không đủ chất lượng để thay thế hoàn toàn số tế bào chết đi, vì vậy cơ thể người già càng ngày càng tàn lụn xuống.

Sự chết do đó hiện diện ngay trong người chúng ta hàng ngày, hàng giờ, hàng phút. Đây là phương cách vận hành và tiến triển của sự sống: một phần của cơ thể phải chết đi để được đổi mới và tăng trưởng.

Sự chết ở tầm mức tế bào nầy thật ra bắt đầu trước khi chúng ta chào đời.

Trong quá trình phát triển của bào thai, tế bào tuân theo những quy luật đã định sẵn trong các chuỗi DNA của nó để tự tách ra bội phần rồi kết hợp lại thành những nhóm, những bộ phận khác nhau của cơ thể. Tuy vậy, vài bộ phận trong quá trình phát triển của một bào thai chỉ hiện hữu một thời gian ngắn thôi. Thí dụ khi một bào thai trong bụng mẹ được khoảng 4 tháng thì nó bắt đầu mọc nhiều lông tơ khá dầy và dài bao phủ toàn thân kể cả chân tay. Đến vài tuần trước khi sinh ra, bộ lông nầy tự biến mất đi không còn dấu vết gì nữa.



Đây là vì loài người và loài khỉ vượn ngày nay đã cùng tiến hóa từ một tổ tiên chung và chủng loại tổ tiên nầy có nhiều lông lá bao phủ cả thân thể chân tay. Trong khi loài khỉ vượn ngày nay vẫn còn mang đặc tính lông lá nầy, loài người đã tẻ nhánh trên con đường tiến hóa vài trăm ngàn năm trước đây trở thành một chủng loại có rất ít lông trên thân thể. Tuy vậy, ngay cả ngày nay trong quá trình phát triển của bào thai của con người, một số nhóm tế bào vẫn còn chịu ảnh hưởng bởi cấu trúc của nguồn gốc xưa cũ để sản xuất ra một bộ lông dầy như tổ tiên của chúng đã từng làm. Bộ lông nầy, và những tế bào tạo dựng lên nó, rồi sẽ tự tiêu hủy đi một thời gian ngắn trước khi đứa trẻ sinh ra đời.

Tương tự, trong thời kỳ phát triển của bào thai, ngoài bộ lông tơ vừa nói trên, một bộ phận khác có hình dạng giống như bộ mang (như của loài cá) cũng được lập thành sơ khởi trong một thời gian ngắn trước khi tự tiêu hủy đi. Bộ mang nầy không phải để thai nhi thở trong bầu nước của bụng mẹ như một số người lầm tưởng (đó là vì tất cả những gì cần thiết để sống đều đã được cung cấp trực tiếp từ người mẹ qua cuống rún của nó). Đây chỉ là vì loài người, cũng như mọi động vật có xương sống khác, đã tiến hóa từ những sinh vật đã từng sống dưới nước. Một số nhóm tế bào trong thai nhi ngày nay vẫn còn chịu ảnh hưởng của tổ tiên chúng nên vẫn phối hợp lại sơ khởi theo đường hướng tạo thành một bộ mang để rồi tự tiêu hủy đi trước khi bộ phổi được tạo hình. Tương tự, bào thai của con người có một thời gian có một đuôi khá dài (giống như của loài khỉ vượn) trước khi khúc đuôi nầy tự biến mất.



Nói chung, trong quá trình tạo thành của bào thai, sự chết của những nhóm tế bào trên cần phải xảy ra để toàn thể hệ thống đi đúng theo con đường tiến hóa đã đạt được bởi loài người. Trong suốt thời gian sống, tế bào và các cơ bắp trong cơ thể một người chết đi và được thay thế liên tục theonhững quy định đã được ghi chép sẵn trong cấu trúc chuỗi DNA của họ.

Như đã thấy, sự chết và sự sống luôn luôn hiện hữu cùng lúc và liên tục trong mọi cơ thể động vật. Ngoài ra, sự chết cũng rất cần thiết cho sự sống cho sinh vật.

Thí dụ như bộ da đang bao phủ cơ thể chúng ta, nói chung là nó gồm có hai lớp chính: lớp tế bào “sống” nằm bên trong và lớp tế bào bảo vệ nằm bên ngoài. Lớp tế bào “sống” bên trong rất mỏng manh; chúng không thể chịu đựng được sự tiếp xúc trực tiếp với không khí, bụi bặm và các va chạm hàng ngày. Lớp tế bào bảo vệ bên ngoài mang dạng những tấm vẩy tinh thể màu trong đục được gắn dính với nhau bằng một lớp dầu mỏng; chúng làm bằng chất keratin (tương tự như chất sừng) khá cứng và do đó theo định nghĩa được xem là các tế bào “chết”. Tính chất nầy cần thiết để chúng có thể chịu đựng được môi trường bên ngoài và bảo vệ lớp tế bào da mỏng manh hơn bên trong. Mỗi ngày có khoảng 500 ngàn triệu các tế bào “chêt” nầy tróc ra khỏi bộ da của chúng ta. Mỗi khi một số tế bào da chết bên ngoài mất đi thì các tế bào sống bên trong được đẩy ra lên trên để thay thế, và chúng tự chế tạo chất sừng keratin đầy trong thân thể của chúng, có nghĩa là tự biến thể từ trạng thái sống sang trạng thái chết để làm tròn nhiệm vụ bảo vệ cần thiết của chúng.

Tương tự như đã nói ở trên, tế bào của các cơ quan trong nội tạng chúng ta cũng cần phải liên tục chết đi và được thay thế trong khi thi hành vai trò của chúng.

Dĩ nhiên hiện tượng sự chết hiện hữu song song và cần thiết cho sự sống vừa kể trên xảy ra với con người cũng như với vô số động vật khác. Một thí dụ thường thấy nhất là quá trình biến đổi từ trứng qua nòng nọc đến trưởng thành của loài cóc nhái. Nòng nọc sống dưới nước, di chuyển và săn mồi bằng đuôi của chúng. Đến khoảng 14 tuần thì một số tế bào trong đuôi chúng bỗng chuyển qua tấn công, tiêu diệt và tiêu thụ (nghĩa là ăn sống) các tế bào đồng loại chung quanh. Kết quả là cái đuôi nầy dần dần biến đi trong khi bộ chân phát triển ra và con nòng nọc dưới nước trở thành một con cóc/nhái có thể sinh sống, di chuyển dễ dàng trên bờ.

Tóm lại, rất nhiều khi sự sống cần phải tự giết nó đi để mới có thể tiếp tục tồn tại được.

Sự chết cũng cần thiết để bảo tồn sự cân bằng trong môi trường sống.

Nếu không có sự chết thì dân số của mọi sinh vật sẽ gia tăng mãi mãi. Chủng loại nào sinh sản nhanh chóng nhất sẽ chiếm đóng tất cả lãnh thổ trên địa cầu. Trong mỗi phân khối của đất có chứa vài trăm triệu các vi khuẩn đủ loại. Chúng liên tục tranh giành thức ăn, không gian sống, v.v. và giết hại, tiêu thụ lẫn nhau. Nếu không có sự chết thì chỉ một vi khuẩn duy nhất trong vòng vài tiếng đồng hồ có thể từ nó sản xuất ra một số lượng vi khuẩn con cháu tương đương với khối lượng một con người. Chỉ trong vòng vài ngày thì toàn thể bề mặt địa cầu sẽ bị bao phủ bởi một lớp dầy của đủ loại vi khuẩn sặc mùi hôi thúi và đầy màu sắc sặc sỡ.

Tương tự, nếu không có sự chết thì bất cứ loại vi sinh vật cao cấp hơn vi khuẩn nào khác cũng có thể đưa địa cầu đến một tình trạng tương tự bằng dân số của chúng trong khoảng 40 ngày. Loài ruồi nhà cần khoảng cần khoảng 4 năm. Loài chuột cần khoảng 8 năm. Phần đông mỗi loài dây leo cần 11 năm. Loài voi cần khoảng một thế kỷ.

May mắn thay, sự sinh sôi nẩy nở và bành trướng của nhiều chủng loại được tự kềm chế bởi chính sự sinh hoạt và vận hành của chúng. Trong trường hợp thực vật, mọi cây cỏ đều phát triển mạnh mẽ trong đất có ít chất lượng nitrogen. Khi một giống thực vật gặp được một khu đất có ít lượng nitrogen dân số nó sẽ bột phát và bành trướng nhanh chóng. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, mọi cây cỏ đều thải ra nitrogen vào trong đất mà chúng đang sống. Do đó, sau không bao lâu thì môi trường sống của giống thực vật trên chứa quá nhiều nitrogen (mà chúng ta gọi nôm na là khu đất đó đã “chết”) nên chúng sẽ không còn phát triển được thêm nữa và dân số chúng sẽ dần dần cằn cỗi đi và thu nhỏ lại.

Những chủng loại không có các cơ cấu tự kềm chế và kiểm soát nầy thì sẽ có những sinh vật khác sử dụng chúng như nguồn tài nguyên (nghĩa là thức ăn) để sống. Khi dân số một chủng loại A trong một môi trường sống bộc phát đến mức độ nào đó, nguyên tắc tranh đấu để sống còn trong quá trình tuyển chọn bởi thiên nhiên luôn luôn dẫn đến sự kiện có ít nhất một chủng loại B sẽ tiến hóa trở thành có khả năng tiêu thụ năng lượng sống của chủng loại A. Dân số chủng loại B sẽ dần dần gia tăng trong khi dân số chủng loại A sẽ bị kềm chế và dần dần giảm xuống. Đến một mức độ nào đó chính chủng loại B cũng sẽ bị ít nhất một chủng loại C khác sử dụng cùng một nguyên tắc trên để làm cho dân số chúng ngừng phát triển.

Tóm Lược Tiểu Luận 1:

1. Những giới hạn trong y học và sinh vật học xưa nay đã dẫn đến vô số trường hợp chẩn định lầm lẫn về một người đã chết hay chưa. Điều nầy dẫn đến việc nhiều bệnh nhân tuy bị xem là đã chết vẫn có khi hồi sinh lại sau một thời gian ngắn. Điều nầy cũng dẫn đến việc nhiều bệnh nhân bị mai táng khi họ thật ra vẫn còn sống. Hiện tượng trên hiện thỉnh thoảng vẫn xảy ra ngay tại những quốc gia tân tiến nhất.

2. Việc chẩn định sự chết rất phức tạp. Sự tiến bộ của kiến thức và kỹ thuật y học ngày naythật ra không nhất thiết làm vấn đề nầy trở thành dễ dàng hơn mà còn có thể dẫn đến nhiều định nghĩa chết khác nhau. Biên giới giữa sự sống và sự chết trở thành rất mơ hồ và hầu như không thể nào khẳng định rõ rệt được.

3. Sự chết của một người thường không phải là một quá trình xảy ra trong tích tắc mà xảy ra qua nhiều giai đoạn. Có thể nói là có nhiều mức độ chết khác nhau. Cũng có thể nói là sự chết có tính chất từng phần. Đó là tùy bộ phận nào trong cơ thể đã ngưng hoạt động rồi, và đã ngưng hoạt động vĩnh viễn không còn cách gì cứu chữa hay chưa. Nói cách khác, khi một người được bác sĩ xác định là đã chết thì không hẳn tất cả bộ phận trong cơ thể họ đã ngừng hoạt động hoàn toàn và vĩnh viễn. Có khi có những bộ phận nếu được hỗ trợ bởi dụng cụ y khoa vẫn có thể hồi phục hoàn toàn và tiếp tục làm việc lâu dài.

4. Sự chết của một người thường không hẵn là một hiện tượng tuyệt đối mà chỉ là một liên hệ tương đối giữa người nầy và một, hay nhiều, người khác. Tất cả do đó đều tùy vào trình độ kiến thức và kỹ thuật y học cũng như tiêu chuẩn và định nghĩa khác nhau được dùng để xác định sự chết. Nói cách khác, một người nằm hôn mê hoàn toàn trong bệnh viện vẫn có thể được máy móc giữ cho “sống” ở tình trạng đó mãi mãi cho đến khi bác sĩ hay gia đình quyết định rằng họ đã trở thành tương đương với “chết” và tắt máy đi. Nói cách khác, một người có thể được một bác sĩ tại một bệnh viện ở một quốc gia cho là đã chết trong khi một bác sĩ khác tại một bệnh viện khác ở một quốc gia khác cho là vẫn còn sống. Sự chết của một người do đó là một sự kiện tương đối và tùy thuộc vào sự phán xét của người khác.

5. Sự mơ hồ của biên giới giữa sự sống và sự chết cũng có thể nhìn thấy được ở môi trường vi mô. Vi trùng, vi khuẩn, v.v. là những dạng sinh vật cơ bản nhất. Có thể nói là chúng nằm ở đầu cầu nối liền giữa các vật thể có sự sống và các vật thể không có sự sống. Khi nhìn sâu hơn nữa, ở cấp bậc phân tử và nguyên tử, thì hai dạng vật thể “sống” và “không sống”nầy đều có cấu trúc vận hành hoàn toàn giống nhau. Khi quan sát các dạng vật thể ở kích thước nầy, người ta không thể nào phân biệt được sự “không sống” chấm dứt ở đâu và sự “sống” bắt đầu ở đâu.

6. Cấu trúc phân tử của các vật thể có sự sống được xếp đặt và vận hành một cách khác biệt so với những vật thể không có sự sống. Cấu trúc và cách vận hành của các vật thể có sự sống tuân theo những trình tự, những thiết kế đã có sẵn và có khả năng thu nhận năng lượng từ bên ngoài để duy trì một mức độ trật tự cần thiết để chúng có thể tiếp tục tồn tại và vận hành như một sinh vật. Những vật thể không có sự sống, hay những vật thể đã chết, không có các tính chất trên.

7. Vi trùng cũng như hầu hết vi khuẩn và vi sinh vật đơn tế bào đều sinh sản bằng cách tự phân trực tiếp. Mỗi cá thể mẹ có thể tự tách ra thành hai hay nhiều cá thể con gái khác với cấu trúc và chất liệu hoàn toàn giống hệt như mẹ. Trong một môi trường sống lý tưởng, chúng có thể tiếp tục tự tái tạo cách nầy và sống vĩnh viễn. Nói cách khác, với cách sinh sản nầy, mỗi cá thể của chúng trở thành bất tử.

8. Một số vi khuẩn và vi sinh vật cũng có thể trao đổi các chất liệu di truyền giữa những cá thể dạng “đực” và dạng “cái” trong quá trình sinh sản của chúng. Đây là bước đầu tiên trong lịch sử tiến hóa của chủng loại khi sinh vật bắt đầu đi theo con đường sinh sản qua tình dục. Phương pháp sinh sản nầy tạo ra những cá thể có các đặc tính và chất liệu di truyền khác biệt với cha lẫn mẹ chúng. Đây là một lợi điểm lớn trong sự sinh tồn và bành trướng của chủng loại. Tuy nhiên phương pháp sinh sản nầy cũng không cho phép mỗi cá thể tự tái tạo và sống vĩnh viễn, chúng trở thành già cỗi đi và chết. Nói cách khác, sinh vật đã trả giá cho khả năng tình dục bằng sự chết.

9. Tế bào trong cơ thể mọi sinh vật cũng là một dạng cá thể cơ bản sinh sản bằng phương pháp tự phân tương tự như vi khuẩn. Trong mỗi tế bào đều có chứa đầy đủ mọi chất liệu di truyền cần thiết để tái tạo và xây dựng thành tất cả các bộ phận trong cơ thể của sinh vật đó. Tuy vậy mỗi tế bào đều được tự kiểm soát và điều khiển bởi những chuỗi mã di truyền để có các nhiệm vụ và cách vận hành khác nhau.

10. Khi xét về một sinh vật đa tế bào thì quan niệm về cá thể và định nghĩa của sự chết trở thành rất phức tạp. Mỗi tế bào trong cơ thể một sinh vật đều là một cá thể có những vận hành và sinh hoạt riêng của nó. Đồng thời, tuy là một cá thể độc lập về lãnh vực sống chết, mỗi tế bào cũng là một thành phần cơ bản của cấu trúc, thân thể và sự hiện hữu của một con vật. Nói cách khác, có một quan hệ vừa tuyệt đối cách biệt vừa cực kỳ mật thiết giữa mỗi tế bào trong cơ thể một cá nhân và chính cá nhân đó. Sự chết có thể xảy ra riêng rẽ đến một tế bào mà không hề ảnh hưởng đến cá nhân đó, và ngược lại.

11. Tất cả những vấn đề mơ hồ, phức tạp, tương đối về sự sống chết giữa con người và tế bào cũng xảy ra ở kích thước của tế bào và các phân tử, nguyên tử cấu tạo nên chúng. Những nguyên tử, phân tử cấu tạo thành một tế bào có thể bị hủy hoại vì lý do gì đó nhưng không hề ảnh hưởng đến tế bào trên, và ngược lại.

12. Chúng ta có thể thấy một sự liên hệ rộng lớn và mật thiết giữa tất cả cá thể trong vũ trụ. Trong thiên nhiên, vì mọi sinh vật đều tiêu thụ các sinh vật khác để thu lấy năng lượng cần thiết cho sự sống của mình nên các nguyên tử, phân tử cấu tạo thành những chất liệu có sự sống được luân chuyển trong vô số chu kỳ không ngừng nghỉ từ sinh vật nầy sang sinh vật khác. Nói cách khác, khi một sinh vật được cho là chết thì một số các tế bào cấu tạo nên cơ thể sinh vật đó có thể vẫn còn mang sự sống. Ngay khi các tế bào nầy bị hư hủy đi thì các nguyên tử, phân tử cấu tạo nên chúng vẫn còn hiện hữu và luân hành từ sinh vật nầy sang sinh vật khác.

13. Sự chết do đó chỉ có thể định nghĩa bằng một thước đo có nhiều mức độ khác nhau. Sự chết trở thành bất khả chẩn định. Sự chết và sự sống dường như hiện diện lẫn lộn với nhau một cách không thể phân biệt được. Lãnh thổ của sự sống được càng lúc càng mở rộng thêm ra và khoa học kỹ thuật đã cho phép nhiều trường hợp chết (hay hầu như tất cả) đều có thể cứu vãn được, ít nhất là trên lý thuyết. Nói cách khác, biên giới giữa sự sống và sự chết do đó tùy thuộc vào kiến thức và quan điểm của một người, đó là chưa kể đến phong tục, tập quán và tín ngưỡng của người đó.

14. Sự chết và sự sống luôn luôn hiện hữu cùng lúc và liên tục trong mọi cơ thể động vật. Trong người chúng ta hàng ngày, hàng giờ, hàng phút có hàng trăm triệu tế bào chết đi và hàng trăm triệu khác sinh ra. Ngoài ra, sự chết cũng rất cần thiết cho sự sống cho sinh vật. Có nhiều trường hợp một phần của cơ thể phải chết đi để được đổi mới và tăng trưởng. Trong nhiều trường hợp khác sự chết cần thiết để bảo tồn sự cân bằng trong môi trường sống. Đó là phương cách vận hành và tiến triển của sự sống. Do đó, một người khi hiểu được điều nầy sẽ có thể giảm bớt sự sợ hãi và khuynh hướng né tránh việc suy ngẫm bàn luận về vấn đề chết của họ. Có một câu nói cho rằng “nếu một người chưa hiểu biết về sự chết, họ chưa hiểu biết về sự sống”.

(còn tiếp)

Về chữ Lạc 貉 trong Lạc Long Quân 貉龍君



ĐÌNH VĂN TUẤN

Theo truyền thuyết và sử sách, thủy tổ người Việt Nam là Lạc Long Quân, có tên húy là Sùng Lãm, là con trai của Kinh Dương Vương và Long nữ (con gái của Động Đình Quân).

Ảnh: internet


Lạc Long Quân kế nghiệp cha, làm vua nước Xích Quỷ, sau lấy Âu Cơ sinh ra một bọc trăm trứng, được 100 người con trai, là tổ tiên của Bách Việt. Cuối cùng, Lạc Long Quân và Âu Cơ chia ly, Lạc Long Quân đem 50 con về thủy phủ còn Âu Cơ và 50 người con trai đến ở đất Phong Châu, cùng tôn người anh cả lên làm vua, hiệu là Hùng Vương, lấy tên nước là Văn Lang. Lạc Long Quân được viết chữ Hán là 貉龍 君, trong đó, chữ 貉 (bộ trĩ) mà người Việt, theo truyền thống từ ngàn xưa đến nay vẫn đọc là “lạc”. Tiền nhân Việt dường như đã cố tình dùng chữ 貉 dành cho Lạc Long Quân và không đọc theo đúng phiên thiết từ thư Hán là hạc (thú giống như con cầy), mạch (tộc ở phương bắc Trung Quốc) nhưng nhất định là “lạc” chắc hẳn phải có một dụng ý sâu kín nào đó và cho đến nay vẫn còn là bí ẩn văn tự. Bài viết này, cố gắng tìm hiểu lý do nào cổ nhân đã cố ý viết chữ 貉 nhưng lại đọc không theo phiên thiết là “lạc” và LẠC có ý nghĩa, tượng trưng gì? Mục đích của chúng tôi là cố gắng giải mã bí ẩn của chữ LẠC trong Lạc Long Quân với giới hạn của huyền sử, sử liệu và văn tự, ngữ âm chứ không bàn luận hay khẳng định gì về nguồn gốc dân tộc Việt.

1. Chữ 貉 và âm đọc “lạc” qua tài liệu Việt - Hoa

Chữ Lạc 貉 trong Lạc Long Quân 貉 龍君, xuất hiện lần đầu tiên trong Lĩnh Nam chích quái(1) (khuyết danh, khoảng đời Trần), sau đó có thể kể đến Đại Việt sử ký toàn thư(2) (Ngô Sĩ Liên, 1697), Việt sử diễn âm(3) (khuyết danh, khoảng đời Mạc), Thiên Nam minh giám(4), Thiên Nam ngữ lục(5) (khuyết danh, khoảng đời Lê-Trịnh), Đại Nam quốc sử diễn ca(6),

Lê Ngô Cát - Phạm Đình Toái, Việt sử tiệp lục diễn Nghĩa(7) (khuyết danh), Việt sử cương mục tiết yếu(8), Đặng Xuân Bảng, (đời Nguyễn),… đều thống nhất tự dạng 貉 (không tìm thấy tự dạng khác như 雒 hay 駱). Về sách viết bằng chữ Quốc ngữ, ký âm chữ La tinh thì sớm nhất hiện còn là tập chép tay về lịch sử nước An Nam của Bento Thiện(9) viết vào năm 1659, tiếp đến là Notes historiques sur la nation annamite của P. Le Grand de La Liraÿe (1866), Tóm lại về sự tích các đời vua nước Annam, Trương Vĩnh Ký (1877), Lược biên Nam Việt sử ký lịch triều niên kỷ (1894), Georges Maspero (cũng viết chữ Hán là 貉), Quảng tập viêm văn (1898), Edmond Nordemann (cũng viết chữ Hán là 貉, Nam Việt lược sử, Nguyễn Văn Mại (1919)(10), Tối tân Quốc văn tập đọc(11) (Văn thơ Đông Kinh Nghĩa Thục, 1907, cũng viết chữ Hán là 貉)… tất cả đều ký âm chữ La tinh là “Lạc”. Đặc biệt là chữ 貉 còn thấy dùng để viết thay cho 駱, 雒 (Âu Lạc, Lạc hầu, Lạc tướng) trong Lĩnh Nam Chích quái, Việt điện u linh và chắc chắn phảiđọc là LẠC chứ không thể là HẠC hay MẠCH. Điều này chứng tỏ các văn bản khoảng đời Trần còn lưu lại đã xác định 貉 được tiền nhân đọc là LẠC. Chữ Lạc 貉 cũng xuất hiện trong sách học Hán Nôm xưa và các bộ từ, tự điển như Ngũ thiên tự dịch quốc ngữ(12), 1909 của Nguyễn Bỉnh, đã ghi: “貉 Lạc, cầy hương” và Việt Nam tự điển (Hội Khai Trí Tiến Đức)(13), 1931: “Lạc Long Quân 貉龍君”; Hán Việt từ điển giản yếu(14) của Đào Duy Anh, 1932, sách này được hai nhà Nho là Phan Bội Châu và Lâm Mậu duyệt lãm, từ điển ghi: “貉 Lạc: Một loài thú giống con ly và “貉龍君 Lạc Long quân”; Nam Hoa tự điển(15) của Nguyễn Trần Mô, 1940: “貉 (Lạc) con lạc”. Không chỉ người Việt đọc 貉 là “lạc”, chúng tôi thấy tiếng Quảng Đông cũng đọc là [lok3], Khách Gia là [log6], Triều Châu là [log8](16), vậy rất có khả năng cả Việt lẫn Lưỡng Quảng… đã lưu lại vết tích Hán âm thượng cổ. Thật vậy 貉 có âm thượng cổ(17) là [glaag] (Trịnh Trương Thượng Phương 郑张尚芳, Phan Ngộ Vân 潘悟云) ta thấy [glaag] rất giống với “lạc”. Đây chính là những chứng cứ xác thật khẳng định một truyền thống từ ngàn xưa mà không hề có một nhàNho uyên thâm Hán học nào, cho dù đó là một bậc vua chúa hay các sử thần, các văn nhân… mọi thờiđại lên tiếng phản đối hay tự ý sửa lại. Như thế, cách đọc “lạc” 貉 là một cách đọc chữ Hán của người Việt cổ xưa chứ không phải là một sự sai lầm truyền kiếp.

Không một nhà Nho hay một người biết chữ Hán nào dám đọc 貉 ra “lạc” được, trong khi từ thư Hán chỉ có âm “hạc”, “mạch” nếu không có một sự thật là: chữ 貉, thời cổ đại có âm “lạc” vì thế dân gian truyền khẩu biết bao đời nay về tên thủy tổ luôn là “Lạc” Long Quân. Từ trước đến nay, có lẽ chỉ có An Chi là khẳng định chữ 貉 trong 貉龍君 không thể đọc là “lạc” mà là “hạc” qua một bài viết đăng trên một tờ báo không chuyên về lịch sử, ngữ văn, như sau: “Tên của “Lạc Long Quân” 貉龍君 bị đọc sai ở chữ 貉. Chữ này tuyệt nhiên không có âm “lạc”, tác giả dựa vào Hán ngữ đại tự điển đã ghi 3 âm: “1. mạch (mạc bạch thiết 莫白切); 2. hạc (hạ các thiết 下各 切); 3. mạ (mạc giá thiết 莫駕切)” để khẳng định 貉 không hề có âm “lạc”. Từ đó ông đã đi đến giả định: “chữ 貉 phải được đọc theo âm nào? Chúng tôi cho rằng đó là âm “hạc” vì thiển nghĩ cái tên “Hạc Long Quân” hẳn phải có liên quan đến địa danh Bạch Hạc 白鶴 (…) chữ hạc 貉 ở đây có thể “thông” với chữ hạc 鶴 về mặt ngữ âm trong tâm thức của người ghi chép truyền thuyết thì đây chỉ là cái tên của một loài chim thuộc bộ Hạc mà thôi.”(18) Như trên chúng tôi đã xác nhận: cách đọc “lạc” 貉 là một tập truyền xưa nay của tổ tiên người Việt chứ không đơn giản là một sự sai lầm truyền kiếp, cho nên nếu chỉ dựa vào từ thư, phiên thiết mà không tham chiếu những tài liệu liên quan về lịch sử, văn tự, ngữ âm xưa nay sẽ là một phương pháp phiến diện, chủ quan. Cách đọc “hạc” 貉 tuy đúng “phiên thiết” nhưng lại sai về ngữ âm lịch sử. Tên gọi “hạc” 鶴 (loài chim) là rất phổ biến, nghĩa là nếu viết về chim hạc, tự nhiên sẽ viết ngay là chữ 鶴 hay dị thể 鹤 chứ không có chuyện dùng chữ đồng âm, khác nghĩa được. Cho nên không thể suy đoán tùy tiện rằng: “về mặt ngữ âm trong tâm thức của người ghi chép truyền thuyết” để cho hạc 貉 có thể “thông” với hạc 鶴 nên muốn viết sao thì viết. Xưa nay, tài liệu chữ Hán ở Việt Nam không thấy ghi nhận dùng hạc 貉 thay cho hạc 鶴, trái lại chỉ có chuyện dùng 貉 thay cho 駱, 雒 (Âu Lạc, Lạc hầu, Lạc tướng) vì chúng đồng âm “lạc”. An Chi hay bất cứ ai biết chữ Hán đều không thể cả tin vào phiên thiết rồi máy móc đọc một cách phản lịch sử là Âu Hạc,Hạc hầu, Hạc tướng được! Đây là một chứng cứ góp phần phủ nhận chữ 貉 trong 貉龍君 phải đọc là “hạc” theo An Chi. Thực ra, trước đây trong bài viết Hùng Vương hay Lạc Vương?(19), An Chi với bút hiệu Huệ Thiên đã từng tin vào âm đọc “lạc”: “Chúng ta là con cháu đức Lạc Long Quân, thuộc nòi giống Lạc Việt, lại làm “vua” của Lạc dân (= dân Lạc)…” và sau này ông đã tự phủ nhận bằng một định kiến về 貉 phải đọc là “hạc” rồi từ đó ông đã phê phán, kết tội cổ nhân một cách trịch thượng, vô căn cứ(20). An Chi còn suy đoán “Lạc” trong Lạc Long Quân có thể chỉ về chim Hạc dựa vào tên đất Bạch Hạc (Phong Châu). Nhưng, thật ra, theo truyền thuyết, sau khi Kinh Dương Vương truyền ngôi cho con là Sùng Lãm cai trị nước Xích Quỷ, thì tên gọi Lạc Long Quân mới xuất hiện. Đến khi Lạc Long Quân gặp Âu Cơ rồi sinh 100 con trai và sau khi hai người chia tay mới có chuyện 50 con theo mẹ về đất liền là đất Phong Châu nay là Bạch Hạc và đất này trở thành kinh đô nước Văn Lang của vua Hùng.

2. Ý nghĩa của chữ Lạc 貉 trong Lạc Long Quân 貉龍君

Trước đây dựa vào chữ 雒 chỉ loài hậu điểu, ở miền Giang Nam, Đào Duy Anh(21) đã nêu giả thuyết vật tổ chim Lạc của người Lạc Việt thời văn minh Đông Sơn và hầu như tác giả coi mọi chữ Lạc 貉 (viết lầm từ 駱), 駱, 雒 và chữ Hùng 雄 (viết lầm từ 雒) đều là một. Nhưng theo chúng tôi, nguyên ý của Quảng Châu ký, Giao Châu ngoại vực ký, ngay từ đầu đã nhấn mạnh về Lạc điền, ruộng có tên là “Lạc” chứkhông nhấn mạnh về một tộc người mang tên Lạc và Lạc phải là một tên gọi trồng cấy một thực vật nàođó trên ruộng có nước triều lên xuống, nên ở ngữ cảnh này nếu chỉ về loài chim là không thích hợp. Hơn nữa, tự hình 雒 của Giao Châu ngoại vực ký chưa chắc là tự hình ban đầu. Chữ Lạc viết bằng 2 tự dạng 雒 và 駱. Theo Khang Hy tự điển(22) thì 雒: “雒音洛, 本作駱” (âm lạc, vốn viết là 駱), vậy đây là 2 chữ đồng âm khác nghĩa. Liên quan đến chữ “Lạc” ở Giao Chỉ còn thấy chép là Lạc - Việt 駱-越 ở các sáchTiền Hán thư, Hậu Hán thư, Thủy kinh chú(24). Hai văn bản Giao Châu ngoại vực ký và Quảng Châu kýcó lẽ xuất hiện cùng thời vì chính Thủy Kinh chú đã từng trích dẫn Quảng Châu ký (裴淵,廣州記曰…, Bùi Uyên, Quảng Châu ký chép…). Nhưng, chúng tôi cho rằng, đoạn văn cô đọng từ Quảng Châu ký với chữLạc 駱 và dựa vào các sách xưa hơn là Sử ký, Hán thư đều viết là chữ Lạc 駱 rất có thể xuất hiện sớm hơn (hoặc gần nguyên gốc) đoạn văn sáng sủa của Giao Châu ngoại vực ký với chữ Lạc 雒. Như thế, luận cứ của Đào Duy Anh không thuyết phục vì đã ngộ nhận chữ 雒 như một chữ gốc và dựa vào ý nghĩa để lập giả thuyết mà thực ra dù là 駱 hay 雒 chúng chỉ là chữ ký âm mà thôi.

Chữ 貉, nguyên nghĩa chỉ về động vật (như con cầy) và các dân tộc phương Bắc hay Đông Di, Triều Tiên chắc chắn không phù hợp với cổ Việt cho nên cần phải tìm hướng khác về ngữ âm để truy nguyên. TheoKhang Hy tự điển dẫn Tập vận, Vận hội, Chính vận cho biết chữ 貉: “本作貈” (vốn viết 貈). Chữ 貈 này đáng chú ý ở phần bên phải là chữ 舟 (thuyền), khiến ta liên tưởng đến những chiếc thuyền trên trống Đồng Đông Sơn. Phải chăng đây chính là ẩn ý của chữ 貉 ám chỉ tộc người sinh sống ở vùng sông nước, thường gắn bó với việc giao thông bằng thuyền? Truyền thuyết kể rằng Lạc Long Quân là con của Kinh Dương Vương, có tài xuống thủy phủ, lấy con gái Động Đình Quân là Long nữ rồi sinh ra Sùng Lãm - Lạc Long Quân. Sùng Lãm sinh ra dưới thủy phủ và thường sống gắn bó với thủy phủ hơn là trên đất liền. Sau khi lên ngôi, Sùng Lãm lấy danh hiệu là LẠC Long Quân, vua Rồng LẠC. Lạc Long Quân là nòi giống rồng, đứng đầu thủy tộc và sau khi chia tay với Âu Cơ, đã đem 50 con về thủy phủ chia trị các nơi. Chúng tôi suy đoán rằng: LẠC là một tên gọi ám chỉ cội nguồn của vua, con của Rồng, sinh ra từ thủy phủ và âm “lạc” là cách đọc tiếng Hán ở cổ Việt của chữ Hán là 貉 hay 貈. Vậy 貉 hay 貈 là chữ ký âm tiếng cổ Việt, nhưng tiếng ấy là gì? Âm Hán thượng cổ của 貈 được phục nguyên là [gloowg] và của 貉 là [glaag](25), cả 2 âm này đều tựa như “lạc” của người Việt và của các tộc Hoa Nam [lok3], [log6], [log8]. Từ “lạc” (Lạc Long Quân) trong tiếng Việt xưa nay là một từ mất nghĩa nhưng dựa vào suy luận trên về cội nguồn của vua Rồng sinh ra và sống gắn bó với thủy phủ, ta có thể xác định đó là môi trường, quê hương NƯỚC. Vậy, LẠC Long Quân chính là vua Rồng - NƯỚC. Chữ Lạc 貉 là một dạng ký âm tiếng cổ Việt của “nước” hay “nác”(26). Theo Nguyễn Tài Cẩn(27), Nguyễn Ngọc San(28), phụ âm đầu “n” bắt nguồn từ dr, r, d, t, đa số Mường nói nước là “dac”, “tac” nhưng ở tiếng Mường Thải, Tân Phong phát âm “nước” là [drac] và đặc biệt là các Mường Vang, Mặc, Khênh, Thịnh Lang, Cao Dương, Tăm, Nèn, Khơi(29)... lại phát âm theo “r” là “rac”. So sánh âm Hán thượng cổ của 貉 [glaag] và âm Mường-Việt [rac] ta thấy tương đồng: “gl” đọc lướt sẽ như “l”, vì âm Hán xưa không có âm rung “r” nên thường dùng “l” để ký âm, chẳng hạn như An Nam tức sự(30) đời Nguyên đã dùng 掠 [liɑk] để ghi âm tiếng cổ Việt chỉ 水 (nước) là [rac] hay An Nam dịch ngữ đời Minh đã dùng 弄 [luŋ] để ký âm cho tiếng Việt chỉ 闊 là rộng và ở chữ Nôm, ký âm “rồng” bằng long 龍. Kết quả này phù hợp với giả thuyết trước đây của Nguyễn Kim Thản và Vương Lộc(31) về cách đọc “lạc” trong Lạc điền, Lạc dân, Lạc vương, Lạc hầu, Lạc tướng và kể cả Lạc Long quân, Lạc Việt là một từ tố Việt-Mường rac: nước. Tác giả hiểu rằng, tên gọi Lạc điền ám chỉ về ruộng rặc, rộc = ruộng nước vì lẽ, tài liệu Hán cho biết Lạc điền là ruộng có nước triều lên xuống mà yếu tố nước rất quan trọng cho việc trồng cấy. Một nhà nghiên cứu khác cũng đã từng đồng thuận với cách đọc hiểu của chữ Lạc là “nước” như Nguyễn Kim Thản và Vương Lộc đó là Lê Hữu Mục: “chữ Lạc theo chữ nôm là LÁC và hiểu LÁC là nước theo quá- trình phát-triển của nó từ LÁCđến ĐÁC và từ ĐÁC đến NÁC để dừng lại cuối cùng ở âm NƯỚC như ta biết hiện nay” và tác giả cũng nhìn nhận: “Từ nước từ ngàn xưa đã nằm sẵn trong những danh-xưng LẠC ĐIỀN 貉田 và LẠC DÂN 貉民”(32).

Tuy nhiên, luận cứ Lạc = nước của các tác giả trên, theo chúng tôi có mấy điểm không thuyết phục: Tài liệu Hán như Quảng Châu ký, Giao Châu ngoại vực ký, ngay từ đầu đã nhấn mạnh về Lạc điền, ruộng cótên là “Lạc” chứ không phải ám chỉ về sự lên xuống của thủy triều. Nước triều lên xuống chỉ là một thuộc tính của ruộng Lạc. Cả người Hán lẫn Việt thời thượng cổ đều đã biết sử dụng ruộng nước để trồng cấy. Yếu tố “nước” luôn cần thiết với các dân tộc sống bằng nông nghiệp. Nên theo chúng tôi, nước triều lên, xuống không gây chú ý bằng tên một sản vật địa phương mà người Hán chưa biết. Do đó Lạc điền nên hiểu là ruộng trồng cấy một loài thực vật nào đó ở ruộng có nước triều lên xuống. Hơn nữa, giả thuyết này chưa giải quyết thỏa đáng về sự phức tạp của các tự dạng 貉 (Lạc Long quân), 駱, 雒 (Lạc điền, Lạc dân…) và đặc biệt là 雄 (Hùng điền, Hùng dân…) trong Nam Việt chí của Thẩm Hoài Viễn. Theo quan điểm chúng tôi, chữ 貉 không có cơ sở để đánh đồng với các chữ 駱,雒,雄. Chữ Lạc 貉 trong Lạc Long Quân 貉龍君 có phải là Lạc 駱, 雒 trong Lạc điền, Lạc vương… và cổ nhân Việt cố ý gán ghép vào Long quân? Trong thư tịch Hán, chữ 貉 xuất hiện duy nhất trong sách Thông Điển (đời Đường) với Lạc Việt 貉越 nhưng Lạc Việt lại ở huyện Trung Lư, không thuộc Giao Chỉ, tuy nhiên sách Đông quán Hán ký (thời Đông Hán), Hậu Hán thư khi chép về Lạc Việt Trung Lư lại không viết là 貉越 mà dùng 駱越. Vậy có thể 貉 và 駱 có tự dạng giống nhau nên dễ lầm lẫn (chỉ một lần trong thư tịch Hán). Sử liệu Hán viết Lạc Việt 駱越 để phiếm chỉ dân sống ở Giao Chỉ, Cửu Chân và ở Trung Lư và có khi cho Lạc Việt 駱越 là Tây Âu 西甌 nên không chắc rằng chữ “Lạc” dù ở văn cảnh nào, thuần túy chỉ dân Lạc ở cổ Việt (như Giao Châu ngoại vực ký, Quảng Châu ký). Trường hợp này cũng như tên gọi Việt, phiếm chỉ các tộc thuộc Bách Việt vùng Hoa Nam, trong đó kể cả Lạc Việt ở Giao Chỉ. Không thể tùy tiện cho rằng nhà Nho Việt đã đọc Thông Điển rồi bắt chước cách viết 貉 = 駱 để ghi chép về Lạc Long Quân trong Lĩnh Nam chích quái. Học giả Đào Duy Anh cũng đã từng nhận định rằng sử sách Việt đã lộn từ chữ 駱 sang chữ 貉 vì tự hình giống nhau. Trong thư tịch Việt, có nhiều chỗ đã dùng 貉 khi chép về Âu Lạc, Lạc Hầu, Lạc Tướng chứ không dùng 駱, 雒, tuy nhiên Đại Việt sử ký toàn thư khi viết về Trưng Trắc lại viết giống sách Hán với chữ 雒, họ Lạc 雒, con gái của Lạc tướng 雒將 huyện Mê Linh. Hiện tượng này có thể là do thói quen viết chữ của nhà Nho Việt khi thấy chữ Lạc 貉 trong Lạc Long quân là chữ đồng âm với Lạc (駱,雒) nên hễ thấy chỗ nào có “lạc” là cũng viết là 貉. Do đó, theo chúng tôi, chữ Lạc 貉 trong 貉龍君 không phải là chữ Lạc 駱,雒 trong Âu Lạc, Lạc Hầu, Lạc Tướng(32).

Chúng tôi chỉ đồng thuận với Nguyễn Kim Thản, Vương Lộc và Lê Hữu Mục về sự tương đồng ngữ âm Hán - Việt khi đoán định LẠC= NƯỚC. Nhưng bằng một truy nguyên khác, dựa vào gốc tích, huyền sử, chúng tôi xác định NƯỚC (nác, rac) chỉ gắn liền với danh hiệu LẠC Long quân mà thôi.

3. Lời kết

Danh hiệu Lạc Long Quân 貉龍君 của huyền sử Việt Nam từ bao đời nay, đã để lại cho hậu thế một bí ẩn từ chữ Hán là 貉 vì chữ này không đọc theo từ thư, phiên thiết Hán là “hạc”, “mạch” mà lại là LẠC. Kế tiếp các công trình khảo cứu trước đây của các học giả, nhà nghiên cứu sử học, bằng một truy nguyên khác, chúng tôi đã đi đến một kết luận: Chữ 貉, xưa vốn là chữ 貈, có lẽ người cổ Việt đã chọn tự dạng này vừa để ký âm vừa gợi nhớ đến cuộc sống gắn bó với thuyền trên sông nước như vẫn còn lưu dấu tích trên trống đồng Đông Sơn. Do văn tự biến đổi theo thời gian, nên đến khoảng đời Trần, soạn giả Lĩnh Nam chích quái đã lưu lại tự dạng 貉 là chữ đồng âm của 貈. Âm Hán thượng cổ của 貈[gloowg] và 貉[glaag] rất gần với cổ âm người Việt là “lạc” nên có khả năng dùng để ký âm cho tiếng Mường - Việt là [rac], nghĩa là NƯỚC (nác). Cách đọc “lạc” 貉 của tiền nhân Việt là đúng đắn chứ không phải là một cách đọc sai lầm vì có căn cứ ngữ âm lịch sử của tiếng Hán [glaag] và phương ngôn tiếng Hán như Quảng Đông [lok3], Khách Gia [log6], Triều Châu [log8]. Vậy, ban đầu, ở thời kỳ giao tiếp Hán - Việt (Triệu Đà đến Hán thuộc), 貉 được người cổ Việt phát âm là “lạc” và dùng để ký âm cho tiếng Mường-Việt là [rac] và 貉龍君 sẽ là vua Rồng (龍 君) mang tên NƯỚC [rac] (貉). Ý nghĩa của NƯỚC rất phù hợp với danh hiệu LẠC Long Quân vì theo huyền sử, Lạc Long Quân là người sinh ra từ NƯỚC, thủy phủ bởi mẹ là là Long nữ, con gái của vua hồ Động Đình vì thế khi Kinh Dương Vương truyền ngôi lại cho con trai là Sùng Lãm, Sùng Lãm đã xưng danh hiệu là LẠC Long Quân để luôn nhớ về quê mẹ, nguồn cội sinh ra từ NƯỚC của mình. Lạc Long Quân rất thường hay sống ở thủy phủ và sau khi chia tay với Âu Cơ, vua đã đem 50 người con trai trở về quê ngoại ở thủy phủ. Âu Cơ đã đem 50 người con trai khác lên vùng đất liền, cao ráo ở Phong Châu và tôn người con trưởng lên làm vua gọi là vua Hùng (Hùng Vương). Huyền sử lại cho biết, dân Văn Lang khi xuống nước đánh cá, thường hay bị loài giao xà làm hại nên vua Hùng đã truyền dạy lấy mực xăm lên mình giống hình Long Quân để không bị thủy quái hại nữa. Sử sách cho biết tục xăm mình theo hình rồng gọi là “thái long” đến đời Trần vẫn còn thịnh hành. Đây cũng là một dấu tích nhớ đến cội nguồn, thủy tổ người cổ Việt là Lạc Long Quân.

Đ.V.T
(SDB17/06-15)

.....................................................
1. Lĩnh Nam chích quái liệt truyện (chữ Hán), nguồn: Vietnamese Nôm Preservation Foundation (VNPF), http://lib. nomfoundation.org/collection/1/

2. Đại Việt sử ký toàn thư (tập IV, kèm nguyên bản chữ Hán), Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội 1993.

3. Nguyễn Tá Nhí (Sưu tầm, chú thích, biên dịch), Việt sử diễn âm (bản chữ Nôm), Nxb. Văn Hóa Thông Tin, 1997.

4. Thiên Nam minh giám - Gương sáng trời Nam (bản chữ Nôm), Hoàng Thị Ngọ (phiên âm, chú giải), Nxb. Văn Học. 1994.

5. Nguyễn Thị Lâm (khảo cứu, sưu tầm, biên soạn) Thiên Nam ngữ lục (bản chữ Nôm), Nxb. Văn học & TT Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, 2001.

6. Lê Ngô Cát, Phạm Đình Toái, Đại Nam quốc sử diễn ca (bản chữ Nôm), Lã Minh Hằng (khảo cứu, phiên âm, chú thích), Nxb. Văn Học. 2008.

7. Việt Sử Tiệp Lục Diễn Nghĩa, bản chữ Nôm, nguồn: http://www.trangnhahoaihuong.com.

8. Đặng Xuân Bảng, Việt sử cương mục tiết yếu (bản chữ Hán), Hoàng Văn Lâu (dịch), Nxb. Khoa học xã hội, 2000.

9. Đỗ Quang Chính, Lịch sử chữ quốc ngữ 1620 - 1659 (tái bản), Nxb. Tôn giáo, 2008.

10. Nguồn sách của các tác giả P. Le Grand de La Liraÿe, Trương Vĩnh Ký, Edmond Nordemann từ các website: Archive. org, Gallica.bnf.fr, Books.google.com, Persee.fr.

11. Văn thơ Đông Kinh nghĩa thục. Cục Lưu trữ nhà nước Việt Nam & Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp, Nxb. Văn hoá, 1997.

12. Ngũ thiên tự dịch quôc ngữ 五千字譯國語, Nguyễn Bỉnh, nguồn: http://hannom.nlv.gov.vn.

13. Hội Khai Trí Tiến Đức, Việt Nam tự điển, Ha Noi, Imp. Trung Bac Tan Van, 1931.

14. Đào Duy Anh, Hán Việt từ điển giản yếu, Nhà in Tiếng dân, Huế, 1932.

15. Nguyễn Trần Mô, Nam Hoa tự điển, (Imp. Thuy-ky), Hà Nội, 1940.

16. Nguồn tự điển: http://dictionary.sina.com.hk/p/word/%B8%E8#top. www.mogher.com/. Zdic.net

17. 上古音查询, www.eastling.org/OC/oldage.aspx

18. An Chi, Lạc Long Quân nghĩa là gì? Đương Thời Xuân Nhâm Thìn 2012.

19. Huệ Thiên, Hùng Vương hay Lạc Vương? Đăng trong Những tiếng trống qua cửa các nhà sấm, Nxb. Trẻ, 2004.

20. Sau bài Lạc Long Quân nghĩa là gì?, đến bài Cả dân gian lẫn trí thức đều có thể sai, nguồn: http://petrotimes.vn. An Chi đã ngầm chỉ trích cổ nhân đã sai lầm, ông viết: “Chúng tôi không cho rằng, các cụ ta ngày xưa lại dốt đến độ không biết rằng chữ [貉] không thể đọc thành “lạc”, có nghĩa là, thực tế xưa nay mọi người (kể cả dân gian, trí thức) đã lưu truyền âm đọc “lạc” là vì dốt nát! Đáng tiếc hơn, ông đã lấy tên tuổi của học giả Trần Trọng Kim với Việt Nam sử lược để quy tội: “chúng tôi vẫn cho rằng sở dĩ cách đọc đó trở nên phổ biến là do quyển sử của học giả họ Trần”. Nhưng, như chúng tôi đã chứng minh trong bài, luận điểm của An Chi không khoa học vì thiếu thuyết phục, phiến diện và đầy chủ quan, cảm tính.

21. Đào Duy Anh, Lịch sử cổ đại Việt Nam, Nxb. Văn Hóa Thông Tin, 2005.

22. Khang Hy tự điển, Thượng Hải Cổ Tịch Xuất Bản Xã 1997.

23. Các tài liệu chữ Hán như Thủy kinh chú, Thái Bình quảng ký, Hán thư… tham khảo từ trang mạng Chinese Text Project, website: http://ctext.org/pre-qin-and-han

24. Các âm Hán thượng cổ tra cứu theo 上古音查询, www.eastling.org/OC/oldage.aspx

25. Alexandro de Rhodes (1651), Dictionarivm Annnamiticvm Lvsitanvm et Latinvm, bản dịch tiếng Việt của Thanh Lãng, Hoàng Xuân Việt, Đỗ Quang Chính, Nxb. Khoa học Xã hội, 1991.

26. Nguyễn Tài Cẩn, Giáo trình lịch sử ngữ âm tiếng Việt (sơ thảo), Nxb. Giáo Dục (tái bản), 1997.

27. Nguyễn Ngọc San, Tìm hiểu tiếng Việt lịch sử (Tái bản có bổ sung và sửa chữa), Nxb. Đại học Sư phạm, 2003.

28. Người Mường với văn hóa cổ truyền Mường Bi (nhiều tác giả), Nxb. Ủy ban huyện Tân Lạc, Sở VHTT Hà Sơn Bình, 1988.

29. An Nam tức sự 安南即事, nguồn: http://ctext.org/wiki.pl?if=en&chapter=224481&remap=gb

30. Nguyễn Kim Thản và Vương Lộc, Thử tìm hiểu nguồn gốc ngữ nghĩa của từ tố “Lạc” trong Hùng vương dựng nước (tập IV), Nxb. Khoa Học Xã Hội Hà Nội, 1974

31. Lê Hữu Mục, Nước, đặc trưng hình thái của tư tưởng Việt Nam (1), nguồn: http://www.vanhoanghean.com.vn.

32. Chữ Lạc 貉 trong Lạc Long Quân 貉龍君 không phải là chữ Lạc 駱,雒 hoặc Hùng 雄 trong Lạc/Hùng điền, Lạc/Hùng dân, Lạc/Hùng vương, Lạc/Hùng hầu, Lạc/Hùng tướng được sử sách Hán - Việt ghi chép. Về danh xưng Lạc 駱,雒 và Hùng 雄 chúng tôi sẽ viết một khảo cứu khác.

Gió miền Trung




P.N.THƯỜNG ĐOAN
Gió miền Trung
Ảnh: internet


Gió miền Trung


em không tin mình là chiếc xương sườn của Ađam xưa...
truyền thuyết chỉ là truyền thuyết!

em không tin Eva tội lỗi
bởi tình yêu phải đến từ hai đầu...

cuộc rong chơi trên thế gian nào có nghĩa gì đâu
khi vườn xưa không còn mắt rắn
con mãng xà tinh không có tội
khi đưa anh đến cho em

khi anh dắt em về dải đất miền Trung
khô cằn sỏi đá
mặt trời nóng ran da thịt
gió thổi khô mắt ướt đa tình, gió thắt ruột đêm
em lại tin trái tim anh đang nói lời chân thật

trước biển đen trái tim anh rực xanh màu tinh tú
soi đường vào vườn xưa
trước biển đêm em ngập ngừng khi thấy hoa lá cũ
sợ hãi lối quen
con rắn buồn khoanh tròn nghe sóng vỗ
chờ Eva về.

khi theo anh về tắm nắng miền Trung
em nhớ thuở hồng hoang
trần trụi một thiên đàng
trần trụi hai con người đi tìm hơi thở
thương hòn đá ngậm sương bạc rêu
trong lốc nắng
đang cháy hết mình cho một tình yêu

có gì đó rực trong anh
Ađam của em?
có gì đó đang giấu trong trái tim anh
Ađam của em?

gió miền Trung
đêm nay sao dịu dàng thế…