Thứ Tư, 22 tháng 4, 2015

Chương 4. Những hậu quả của quan niệm Vô Cực



Thuyết Vô Cực nay đưa ra những hậu quả hết sức quan trọng:

1. Người Á Châu đề cập tới Vô Cực, tới Hư vô tức là tới Thượng Đế vô hình tượng bất khả tư nghị, tới Tuyệt đối thể vô gián, vô hình, vô tượng.

Người Âu Châu ngoại trừ một số triết gia lỗi lạc một số học giả uyên thâm, phần đông không hiểu biết gì về Vô Cực, về Hư vô, nên không thế nào hiểu được các thánh hiền Đông Á, ngược lại họ cho người Á Châu không hiểu biết gì về Thượng Đế, về siêu hình Đó là một lỗi lầm hết sức lớn lao của các học giả chuyên nghiệp Âu Châu, lỗi lầm mà các nhà tư tưởng lỗi lạc Âu Châu như G.G. Jung, René Guénon đã nhận định thấy.

2. Nói tới Vô Cực, tức là chỉ nguyên nói tới Thượng Đế khi chưa có van vật vạn hữu, tức là mới bàn đến tiên thiên (avant la manifestation), chưa bàn đến hậu thiên (après la manifestation) ([1])

3. Những vấn đề triết học và đạo giáo được nêu ra sẽ là:

a) Nếu Vô Cực là Hư vô, vô gián vô phương vô hình tướng, thì làm sao tạo thành vũ trụ, vạn vật, hữu hình hữu tướng.

b) Sau khi tạo thành vạn hữu thì Vô Cực tăng giảm ra sao?

c) Vạn hữu liên quan thế nào đến Vô Cực.

d) Định mệnh vạn hữu và con người sẽ ra sao?

e) Như vậy là sẽ phải đề cập đến những vấn đề:

Căn nguyên của vũ trụ.

Biến hóa của vũ trụ.

Cùng đích của vũ trụ.

4. Từ Vô Cực ra tới vạn hữu có một trung gian là Thái Cực.

Thái Cực tức là Đạo, là Logos, là «Ngôi Hai» theo danh từ các triết học, các đạo giáo Tây phương.

Thái Cực được gọi là Trung gian.

Vì Thái Cực là sự hiển dương của Vô Cực.

Vì Thái Cực sẽ phát sinh ra vạn hữu, sẽ lồng trong vạn hữu, như vậy vạn hữu lại là sự hiển dương phân hóa của Thái Cực.

Thái Cực, vì lồng trong vạn hữu, nên y như đã tự giới hạn mình vào trong khuôn khổ vũ trụ không gian thời gian; vả lại hiển dương tức là đã chịu một giới hạn nào.

Thay vì đề cập ngay tới những cung cách Vô Cực, Thái Cực sinh hóa ra vạn hữu ta tiếp tục lý luận trên bình diện lý thuyết:

a) Nếu Vô Cực là vô gián (continu), thì dẫu có vũ trụ, hay không có vũ trụ, Vô Cực cũng không thể nào tăng giảm được gì.

Vô cục tất nhiên vô thủy chung.

Mà khi đã có vũ trụ vạn vật rồi, những hình hài, sắc tướng cũng không ngăn chặn qua phân được Vô Cực.

Thành thử Vô hạn, Vô Cực, vừa ở trong, vừa ở ngoài Hữu hạn

Vô hạn y như là một trùng dương, mà hữu hạn như là những làn sóng nhấp nhô, trên mặt. [2]

Các khoa học gia đã bắt đầu nhận thức được thực thể siêu vi, vô hạn ấy. [3]

Các nhà huyền học suy luận thêm rằng: nếu Vô Cực là vô gián, trường tồn bất biến và là căn để muôn loài, thì dĩ nhiên có tôi rồi, hay chưa có tôi, Vô Cực ấy vẫn nguyên vẹn.

Như vậy trong người chúng ta có một nguyên thể bất biến. Dưới lớp lang hình hài, tâm trí của ta có một thực thể siêu vi, vĩnh cửu, vô biên. Các nhà huyền học gọi đó là Bản lai diện mục.

Lại nữa vũ trụ vạn hữu không thể là những hữu thể khác biệt với Vô Cực, với Thượng Đế, với bản thể tuyệt đối được, chẳng vậy Tuyệt đối sẽ trở thành tương đối; vô biên, vô gián sẽ trở thành hữu hạn, gián cách.

Cho nên vạn hữu chỉ có thể là những hiện tượng của Thượng Đế, vũ trụ là hiện thân của Thượng Đế. [4]

Sự vô biên tế của Thượng Đế đã được vua David ca tụng trong thánh vịnh 139 như sau:

«Thần trí Chúa ai mà trốn khỏi
Lánh mặt người biết tới nơi đâu ?
Lên trời gặp Chúa trên cao.
Xuống mồ gặp Chúa dưới sâu đất dày.
Mượn hừng đông cánh bay khoảnh khắc,
Tôi tới miền xa lắc biển khơi,
Nơi đây vẫn Chúa đưa tôi,
Bàn tay hữu Chúa nắm người tôi liên.
Dù tôi gọi bóng đêm hãy đến,
Phủ vây tôi ngày biến thành đêm.
Chúa trong u tối rõ nhìn,
Ban đêm sáng tỏ như in ban ngày...» [5]

Thượng Đế cũng phán: «Ta không tràn ngập đất trời sao?» [6]

Sách Minh triết chép: «Thần linh Thiên chúa chứa đày không gian, và đấng thống nhất muôn vật thấu suốt mọi sự con người nói.» [7]

Jacob Boehme cũng chủ trương vạn hữu chẳng qua chỉ là biểu tượng của Thượng Đế, và Thượng Đế tràn ngập vũ trụ. [8]

Cho nên Vô Cực, Hư vô là Thượng Đế bất khả tư nghị, là nguồn gốc muôn vật. Vạn tượng, vạn hữu luân lưu trên giòng biến thiên chuyển vận không phải là lung tung vô chiều hướng, mà chính là để phục hồi nguyên bản.

Dịch Kinh viết: «Nguyên thủy phản chung» [9] «Nguyên thủy sẽ trở thành cùng đích» là vì vậy.

Nếu nguyên thủy đã là Vô Cực là Trời, thì cùng đích cũng lại là Trời là Vô Cực. Đó là vòng tuần hoàn vô biên, biến dịch của Tạo hóa và của vũ trụ.

Các nhà huyền học từ Đông sang Tây đều đồng thanh ghi nhận con người phải tìm ra căn để tâm hồn mình và cần phải tu luyện để trở về kết hợp với Hư vô với Thượng Đế vô hình tích.

Niềm tin, cũng như lòng nguyện ước của các thánh hiền đạo Lão là:

Phục qui Vô Cực [10]

Luyện thần hoàn Hư [11]

Đạo Đức Kinh viết:

Muôn loài sinh hóa đa đoan,
Rồi ra cũng phải lai hoàn bản nguyên
Hoàn bản nguyên qui nguyên phục mệnh
Phục mệnh rồi trường vĩnh vô cùng
[12]

Sách «Tứ bách tự giải» có câu: «Đả phá Hỗn độn, khiêu nhập Hư vô.» [13]

«Phanh phui Hỗn độn, băng chừng Hư vô» cũng không ngoài ý đó.

Chu Liêm Khê viết: «Từ Vô Cực mà suy luận tới vạn vật tức là suy luận ra đầu đuôi của trời đất. Từ vạn tượng suy ngược Vô Cực, tức là đầu đuôi của thánh nhân.» [14]

Các nhà Huyền học nhờ suy luận về Vô Cực vô trụ, vô biên tế nên đã giác ngộ.

Kinh Kim Cương viết: «Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm.» [15] (Tìm nơi không dựa nương mà sinh tâm).

Thưa đó là Bản thể tuyệt đối, là Thượng Đế. Câu trên có thể giải nôm na là phải biết sống kết hợp với Tuyệt đối thể, mới được trường tồn.

Lục tổ Huệ Năng nhờ nghe câu này mà giác ngộ. (Xem Pháp bảo đàn kinh Tự tư Phẩm đệ nhất, Kinh Kim Cương chương X.)

Các nhà huyền học tìm ra Vô Cực trong thâm tâm bằng lý luận sau: Vô Cực là vô gián, mà tư tưởng ta thì gián đoạn; nhưng gián đoạn phải dựa vào vô gián mới có thể phát sinh, vì vậy Vô Cực phải nằm sẵn trong tâm khảm ta. Ta có thể thấy Vô Cực vô gián vô sai biệt ấy trong những khi ta không có tư tưởng gì trong tâm tư, hay trong những khi tư tưởng này đã ngừng và tư tưởng kia chưa hiện.

Vô Cực vô gián vô sai biệt ấy chính là Bản lai diện mục, Chân như bản tính hay Bản nguyên tự tính của các nhà huyền học Phật giáo. [16]

Thần Hội tìm ra Tuyệt đối trong thâm tâm nhờ nhận định sau đây: Có tư tưởng tức là đã nhập vòng sinh diệt, hình thức sắc tướng, nhưng tư tưởng ta sinh ra là do tuyệt đối thể, mà tuyệt đối thể ấy luôn im lìm bất động, dù cho ta có hoạt động, có suy tư đến bao nhiêu cũng vậy. Thế tức là Vô niệm là căn nguyên cho hữu niệm. [17] Tìm ra được Vô niệm tức là tìm ra được bản tâm, bản tính, tìm ra được Vô Cực, được Tuyệt đối. [18]

Hành Dương đạo nhân viết trong quyển Thượng phẩm đơn pháp đại khái như sau: Các quan năng ta đều do một căn nguyên trong người sinh xuất, căn nguyên ấy chính là ngọc châu vô giá, tìm đức căn nguyên ấy là quay trở được về Hư vô. [19]

Ta có thể vẽ như sau:



Công phu tu luyện của tiền nhân, tuy có những danh từ đa đoan khác biệt như: Nội quan (Lão), Phản chiếu (Lão), Tri chỉ (Nho), Quan tâm (Thích).

Nhưng mục đích vẫn là vượt khỏi cái tâm tri giác để trở về «thiên địa chi tâm», về nơi phát xuất ra tinh thần vật chất, tâm trí, hình hài; trở về bản thể vũ trụ. [20] Các nhà huyền học Hồi Giáo cho rằng thánh nhân phải biết tẩy trừ hết mọi trần cấu, mọi niệm lự, để tâm hồn chỉ cờn hàm tàng nguyên có Thiên chúa bên trong. [21]

Eckhart cho rằng nếu tẩy trừ nhân vi, nhân tạo, thì thiên chân hiện ra sáng quắc, sáng ngời. [22]

Thánh Jean de la Croix mô tả con đường thánh, thiện tuyệt hảo đưa tới Thượng Đế toàn bằng chữ Hư vô, Hư không. Ngài viết: «Từ khi tôi ở trong Không, tôi không còn thiếu gì hết.» [23]

Vì hiểu Vô Cực, Hư vô là bản thể căn nguyên vũ trụ các nhà Huyền học chú trọng đến công trình trở về nguồn gốc.

Các ngài gọi thế là: Phục thần hoàn Hư, Phục qui Vô Cực, Qui nguyên Phản Bản, v.v..

«Hoàn Hư, Phản Bản» suy ra là tìm lại được bản thể chân thực của mình [24], sống đời sống của Hóa công. [25]Tóm lại hiểu Vô Cực tức là hiểu căn nguyên vũ trụ, và con người. Tìm được căn nguyên vũ trụ và con người, sẽ tìm ra được con đường phản hoàn nguyên thể. [26]

Tổng kết lại: Vô Sắc Tướng sinh ra Hình Thức Sắc Tướng; Hình Thức Sắc Tướng đảo ngược lại sẽ thành thế Phản Hoàn Hồi Phục, chung qui vẫn là phải rũ bỏ hết mọi sự giả tạo hình thức bên ngoài mới tìm ra được Chân Thể.[27]

Cuối thiên khảo luận này, tưởng chỉ nên suy nghĩ ý tứ thâm trầm của điển tích «Tượng Võng Đắc Huyền Châu» của Nam hoa kinh. [28]

CHÚ THÍCH

[1] L' Advaitiste dit: Tout n'est il pas Brahman quand le nom et la forme ont été enlevés? Vivekananda Les yogas pratiques, page 219.

[2] Hiện tượng chi ngã dữ bản thể chi Phật, do chi thủy dữ ba. ... Cái ba tắc hữu sinh diệt thủy chung, nhi thủy tắc vô thủy vô chung dã. Vũ trụ chi hiện tượng hữu sinh diệt, hữu thủy chung, nhiên kỳ bản thể tác bất sinh, bất diệt, bất tăng, bất giảm. Thử bản thể vị chi Chân Như, hiện tượng vị chi vạn pháp. 現 相 之 我 與 本 體 之 佛 猶 如 水 與 波 .... 蓋 波 則 有 生 滅 始 終, 而 水 則 無 始 無 終 也. 宇 宙 之 現 相 有 生 滅, 有 始 終, 然 其 本 體 則 不 生 不 滅 不 曾 不 減. 此 本 體 謂 之 真 如, 現 相 謂 之 萬 法. — Leon Wieger HCROPC, pages 546 - 548.

[3] La science la plus sérieuse la physique, arrive à la conclusion que le réel du savant n'est qu'une mince pellicule qui recouvre la vraie réalité. Les vagues ne sont pas l'océan, mais l'océan existe.

Le professeur Wheeler, dans son ouvrage Topics of modern physics, montre que le véritable océan, la réalité essentielle, est composé de tourbillons extrêmement petits et de dimensions différentes. Ces tourbillons sont tous plus petits qu'une longueur d'onde fondamentale. — L: 1, 6 (10 to negative 33 power) cm

... Ce monde des tourbillions qui constitue le véritable réel porte des noms divers suivant les savants qui l'ont étudié. On peut l'appeler à volonté «océan de Dirac», «milieu subquantique» de Louis de Broglie, Bohn et Vigier, «espace topologique spécial « de Wheeler Planète No 19, page 48.

[4] Corpus symbolicum. — Cf. G.G. Scholem, Les grands courants de la mystique juive, page 40.

[5] Cf. Thánh Vịnh toàn tập (Mai Lân) trang 288.

Où vais je loin de ton esprit,

Où fuirai je loin de la face !

Si j'escalade les cieux, tu es là,

Qu'au schéol je me couche, te voici ;

Je prends les ailes de l'aurore,

Je me loge au plue loin de la mer

Même là, ta main me conduit,

Ta droite me saisit.

Je dirai: «Que me couvre la ténèbre

Que la lumière sur moi se fasse nuit»

Mais la ténèbre n'est point ténèbre

Et la nuit comme le jour illumine

(Bible de Jérusalem p. 78)

[6] Est ce que le ciel et la terre, je ne les remplis pas ? Oracle de Yahvé. — Jérémie 23, 24.

[7] Cf. Gerard Gagnon Triết minh thánh kinh Minh triết I, 7

... L'esprit du Seigneur en effet remplit l'Univers, et lui, qui tient unies toutes choses, sait tout ce qui se dit.

Le livre de la Sagese 1, 7

La Bible de Jérusalem page 870.

[8] Jacob Boehme, Mysterium Magnum, pages 49-50

Jacob Boehme, Mysterium Magnum, 142.

[9] Nguyên thủy yếu chung. 原 始 要 終.— Dịch Hệ từ hạ chương IX.

[10] Phục qui ư Vô cực. 復 歸 無 極 .— Lão tử Đạo Đức Kinh chương 28.

[11] Cf. Tính mệnh pháp quyết quyển 4 trang 3.

[12] Lão Tử Đạo Đức Kinh chương 16.

[13] Cf. Tứ bách tự giải trang 86.

[14] Tự Vô cực thuyết đáo vạn vật thượng, thiên địa chi chung thủy dã. Tự vạn sự phản đáo Vô cực thượng, thánh nhân chi chung thủy dã. 自 無 極 說 到 萬 物 上, 天 地 之 終 始 也. 自 萬 事 反 到 無 極 上 聖 人 之 終 始 也 .— Tống Nguyên học Án quyển 12 Liêm Khê học án (hạ). Thái cực đồ thuyết trang 2a.

[16] Cố tri vạn pháp tận tại tự tâm trung, đốn kiến Chân như bản tính. 故 知 萬 法 盡 在 自 心 中, 頓 見 真 如 本 性. — Pháp Bảo đàn kinh trang 15a.

[17] Jacques Gernet, Entretien du Maître de Dhyana Chen Houei du Ho Tso (668 - 760)

[18] Lorsqu'on voit l'absence de pensée, on est maître de toutes choses, lorsqu'on voit l'absence de pensée, on embrasse toutes choses (Notes 17)

Jacques Gernet, Entretiens du maître de Dhyana Chen Houei du Ho Tso (668 - 760)

...Tiên lập vô niệm vi thể, vô tướng vi thể, vô trụ vi bản.

Pháp bảo đàn kinh Diệu hạnh phẩm 24b.

... Ư chư cảnh thượng tâm bất nhiễm viết vô niệm.

Ibid. 25a.

[19] Cổ nhân vân: Hữu nhất bảo châu bế tại hình sơn. Thù bất tri thử nhất bảo châu tức tại lục căn môn trung; thời thời phóng đại quang minh. Nhân đa bất ngộ, sở dĩ hư sinh lãng tử. Ngô kim chỉ xuất lộ đầu hiển nhiên minh bạch. Nhân thân tuy hữu lục căn tổng tòng nhất căn sở phát. Cơ yếu duy thị tam nguyên hỗn nhất, tứ tượng hợp hòa, qui vu Hư vô. 古 人 云: 有 一 寶 珠 閉 在 形 山. 殊 不 知 此 一 寶 珠 即 在 六 根 門 中; 時 時 放 大 光 明. 人 多 不 悟 所 以 虛 生 浪 死 . 吾 今 指 出 路 頭 顯 然 明 白. 人 身 雖 有 六 根 總 從 一 根 所 發. 機 要 惟 是 三 元 混 一, 四 象 合 和, 歸 于 虛 無 . — Thượng phẩm đơn pháp, trang 2b, 3a.

[20] Thánh thánh tương truyền bất ly phản chiếu. Khổng vân tri chỉ. Thích hiệu quan tâm, Lão vân nội quan. Giai thử pháp dã. ... Phản giả: tự tri giác chi tâm phản hồ hình thần vị triệu chi sơ, tức ngô lục xích chi trung, phản cầu cá thiên địa vị sinh chi thể... 聖 聖 相 傳, 不 離 反照. 孔 云 知 止. 釋 號 觀 心, 老 云 内 觀 . 皆 此 法 也. ... 反者: 自 知 覺 之 心 反 乎 形 神 末 兆 之 初, 則 吾 六 尺 之 中, 返 求 個 天 地 末 生 之 体. — Thái nhất kim hoa tông chỉ, trang 5.

[21] L'indice du sage est d'être vidé (du souci) de ce monde et de l'autre... et de n'être occupé que de Dieu seul». — Cf. Louis Massignon, Essai sur les origines du Lexique technique de la mysstique musulmane p. 310.

[22] Maître Eckhart Traîtés et Sermon p.108.

[23] Ib. page 4.

[24] Reditio completa ad propriam essentiam (retour complet à l'essence propre: trở về tinh hoa bản thể). — Cf.Revue des Sciences philosophiques et théologiques tome XIIV Juillet 1960 page 409.

[25] (Cet état final) c'est le retour à notre origine...

«... Jonayd explique ce mot de retour à notre origine» par l'accès à la vie même du Créateur.

Louis Massignon MM. page 307.

[26] Moi, Yahvé qui suis le premier et serai avec les derniers (Isaie 41 4)

[27] Tout ce qu'il y a de plus élevé, de meilleur dans la création, recouvre et décolore en nous l'image de Dieu. «Enlevez la rouille de l'argent, dit Salomon, et alors luit et brille le vase le plus pur, l'image de Dieu dans l'âme. Maître Eckhart Traités et Sermons page 108.

[28] Hoàng đế du hồ Xích thủy chi bắc... di kỳ huyền châu... Nãi sử Tượng Võng. Tượng Võng đắc chi. 黃 帝 遊 乎 赤 水 之 北 ... 遺 其 玄 珠... 乃 使 象 罔. 象 罔 得 之. Ý nói: con người muốn tìm ra được Thượng Đế, được Tuyệt đối thể, phải biết siêu xuất lên trên mọi ý tình, hình thức, sắc tướng...

Nam Hoa Kinh NDC Chương XII Thiên địa p. 601

Ru ta chuyển hóa cuộc người



Đêm tiễn ngày xuống núi
Vai người ướt lạnh pha sương
Chiếc lá nặng treo oằn nhẹ lay phím gió
Khóe mắt xanh thu vàng nháy nghĩ xa xăm
Một quãng đường dài còn đi chưa dứt
Quê hương bỏ lại mấy lần khuất bóng hoàng hôn

*

Biển sóng lênh đênh trôi xô bèo bọt
Gót chân xuôi giữa ngày tháng ưu phiền
Lòng nặng gánh gồng phận nghiệp người chưa dứt
Phiêu bạt mấy lần oà vỡ mộng Uyên nguyên.

*

Một ngày ngồi lại bên cầu nhìn dòng sông trôi lặng lẽ
Chợt tan mộng tưởng: Cảnh giới Thượng thừa Tịch chiếu Vô vi?
Ồ! Mau xem nước trôi đi . . .

*

Và ta đi
Mang nguồn cội cánh đồng ruộng lúa thơm trong, con đò, bến đình, cây đa, làng chùa, mảnh vườn xanh phổ vào hồn hát ca trên con đường dài dậm giuộc
Khi sầu chất ngất, đưa hai bàn tay chạm vào nhau để thấy bóng hình của Mẹ Hiền Từ âu yếm thương quen
Chở che ta giữa đời lận đận
Giữa trời xanh nắng gió vô cùng

Khi ngày tàn nâng chén
Cảm khái ngâm mấy vần thơ ứa men mật độc hành
Đem càn khôn nhốt trong bình đựng nước
Để xem vũ trụ nở xanh ngời
Ma trận bung xoè bao nhiêu màu nhiệm
Thả hồn nhập hóa Đại định du già hoát nhiên mỉm mười một nụ ban sơ

*

Đem mảnh vườn quê trồng lên thần kinh hệ
Tưới dòng máu trong tim làm mát dịu hành tinh xanh
Ngẩng nhìn hoa nở, chim hót, thông reo, gió thoảng hương đưa trầm ngát.
Thanh tân một bận tâm màu
Thân hành mây bay cánh hạc
Hoa sen giữa hồ lộng nở Padmé hum
Âm thanh cọng hưởng ngào ngân trái tim mặt trời
Suối thiêng ngàn năm tắm gội
Mạch sống chiếu ngời trong khoen xích vô tận màn lưới Kim cương phản soi triệu triệu thiên hà chan bước sóng.

*

Cánh chim chiều sải cánh buông nghiêng trên cành cây mát lộng
Dòng sông vẫn chảy
Chiếc lá rơi xuống
Lòng đất nở hoa
Lặng lòng nghe sỏi đá tình tự cọ xô
Từng mỗi hiện tồn tương giao hoà âm đại thể
Ru bước chân ta về chuyển hóa cuộc người đi.


Thích Tâm Bình

Khởi Điểm Nào Cho Chúng Ta?


Những Cảm Nghĩ Cuối Năm Thập Niên đầu của Thế Kỷ 21


Cuộc chiến tranh lạnh giữa khối theo Tây Phương do Mỹ lãnh đạo đối đầu với khối cộng sản  do Sô Viết chủ trì kéo dài đăng đẳng với sự đe dọa một cuộc chiến nguyên tử từ sau đệ nhị thế chiến đã chấm dứt vào cuối thế kỷ thứ 20 với không chỉ là việc thở phào nhẹ nhõm khỏi nỗi lo sợ một cuộc chiến tranh nguyên tử giũa hai khối đại cường, mà còn đưa đến nhiều kỳ vọng, nhất là kỳ vọng “toàn cầu hóa nền dân chủ”. Nhân loại tưởng đã bước vào thế kỷ thứ 21 với nền hòa bình thịnh vượng trong sự hợp tác cởi mở không biên giới giữa các quốc gia, và theo "cách đếm cua dân chủ trong lỗ đại bản" của các "chuyên gia" cánh hũu, những thể chế chính trị phi dân chủ sẽ xụp đổ, và con người sẽ tiến thêm một bước kiện toàn nền dân chủ tự do của nhân loại trong nền kinh tế "tư bản thị trường"! Nhưng tất cả đã quay ngược hướng ngay ở đầu thập niên của thế kỷ 21.

Khi các nền độc tài đủ hình dạng vẫn còn đó, nếu chưa muốn nói là tồi tệ hơn, móng vuốt thực sự của nền tập đoàn đại bản trị (corporate state) núp bóng, hay thật ra là tung chiêu bài “toàn cầu hóa” khởi động tấn công vũ bão và lũng đoạn triệt để toàn bộ hệ thống chính trị kinh tế khắp nơi. Những xã hội phi dân chủ độc tài càng độc tài hơn, và những xã hội dân chủ lại biến dạng thoái hóa trở thành phi dân chủ bạo ngược và chủ chiến. Đúng nghĩa toàn cầu. hóa, nhưng là toàn cầu hóa băng hoại của định chế nhà nước chính phủ và đại bản tập quyền.

Thập niên đầu của thế kỷ 21 đã chứng kiến cuộc khủng hoảng toàn diện của xã hội CON NGƯỜI nói chung: kinh tế, chính trị, văn hóa, chiến tranh, và hiểm họa chiến tranh với vũ khí nguyên tử gần kề hơn cả thời chiến tranh lạnh. Người nghèo đói cùng khổ càng ngày càng gia tăng, ngay cả ở những xã hội giầu có như Mỹ, tiến bộ như Âu Châu, Úc Châu v.v và nhất là sự bất lực của nền DÂN CHỦ ĐẠI BIỂU của các xã hội tiên tiến nói riêng, trong KHẢ NĂNG ngăn ngừa và chặn đứng những tội phạm của nhà nước chính phủ và lực đại bản đã gây ra cuộc khủng hoảng băng hoại toàn diện này.

Sự phá sản toàn diện Chủ nghĩa TƯ BẢN và chủ nghĩa Quốc Gia Nhà nước

Cuối thế kỷ thứ 20, với sức tràn như vũ bão của tư bản, của hàng hóa gia dụng, của nền kinh tế tiêu thụ, điều mà người ta ngộ nhận hay bị lừa phỉnh gọi là “toàn cầu hóa”, khiến nhiều “chuyên gia” và nhiều người đã hồ hởi ngỡ là làn sóng thay đổi cơ chế chính trị sẽ lan tràn và hoàn tất vào cuối thế kỷ 20 sau trận sụp đổ hàng loạt của nền cộng sản  Sô Viết. Sự HỒ HỞI TAI HẠI này, là do nhận dịnh sai lầm, ngây ngô gán ghép rằng chủ nghĩa tư bản đồng nghĩa với dân chủ tự do. Nhưng thực tế xảy ra hoàn toàn ngược lại! Các nền  cộng sản Á Châu  không chỉ đứng vững mà còn phát triển mạnh và đặc biệt còn được yểm trợ vững chắc hơn bởi chính các nhà nước chính phủ đại bản phương Tây do Mỹ lãnh đạo

Nhu cầu điều khiển thị trường toàn cầu trong mục tiêu tối hậu độc quyền “đoạt lợi tối đa” của chủ nghĩa tư bản đã khiến hàng loạt các đại công ty ồ ạt chuyển vốn, kỹ thuật, và cơ xưởng vào các đất nước xã hội chưa phát triển, để khai thác tài nguyên và dư thừa lao động với giá lao động rẻ mạt.Tiến trình này, khiến ngay tại chính quốc của những xã hội cao cấp này hụt hẫng mất cân bằng trong cung cầu. Hệ quả kế tiếp là sự gia tăng mất công ăn việc làm dẫn đến suy trầm kinh tế tiêu thụ và tệ nạn vỡ nợ nổ bùng từ cá nhân nhỏ đến các công ty tài chính, ngân hàng lớn. Nhờ vậy người ta đã chứng kiến tận mắt cấu trúc của guồng máy quyền lực lộ nguyên hình dưới ánh mặt trời trước mặt họ, chính là thế lực tập đoàn đại bản cấu kết chặt chẽ với định chế quyền lực chính trị của chủ nghĩa quốc gia nhà nước- Thế lực này, nhân danh vì an ninh quốc gia, ổn định xã hội, càng ngày càng xiết chặt xã hội, hủy diệt dân chủ, tháo gỡ dân quyền, và xâm phạm nhân quyền- và sự giầu có của thế lực này, do lừa đảo cướp bóc, càng tập trung gấp bội vào trong tay nhóm thiểu số quyền lực- trong khi đó, giới công nhân, thuờng dân càng nghèo đi và càng bấp bênh lệ thuộc và vô định.

Trong cùng lúc đó, ở các xã hội chậm tiến lạc hậu, một hiện tượng như là "phép lạ " cũng đã xảy ra: Lần đầu tiên trong lịch sử của đất nước xã hội họ, trong cuộc đời của quần chúng họ, một hoàn cảnh ồ ạt mặt hàng tiêu thụ, kể cả xa xỉ, những thứ mà chỉ cách đó vài năm, vẫn chỉ là ước mơ thèm khát, nay tràn ngập bất ngờ trong một thời gian cực ngắn đến choáng ngợp. Hiện tượng này được thổi phồng và to vẽ thêm bởi chủ đích tuyên truyền của bọn cầm quyền cai trị trong mục tiêu đánh lạc hướng nhận thức chính trị, tháo gỡ áp suất chống đối, khiến quần chúng ở những nơi này họ tưởng rằng họ đã phát triển và đang “hóa rồng”. Và hậu quả là họ sống quay cuồng, vồ chụp hăng say miệt mài: Tất cả hướng về đạt lợi, bất chấp sự biến dạng của chính xã hội và chính giá trị của họ. Thực chất, người dân của những xã hội này đang sống trên một nền kinh tế nở phình, bấp bênh bởi chân đứng của nền kinh tế “hóa rồng” này, chính là ‘HƠI THỔI” của những tập đoàn đại bản phương Tây mà chính họ đang gặp khủng hoảng nội tại.

Sự khủng hoảng nội tại của nền đại bản tập quyền được thấy rất rõ ràng khi trong cùng lúc họ vừa vội vàng thu hốt lợi nhuận từ các lãnh vực đầu tư chuyển công nghệ sản xuất đến nơi giá lao động rẻ và cưỡng trá tài chính ngay cả thị trường nội địa như chúng ta đang thấy nơi cuộc khủng hoảng tài chính, và họ lại vừa phải phát động chiến tranh thường trực, tạo căng thẳng thường trực hơn cả thời chiến tranh lạnh với nhãn hiệu “chống khủng bố, ngăn chặn tiềm lực khùng bố” v.v thực chất là để giữ vững nền kinh tế chính trị nội tại của họ: giữ vững nền sản xuất và tiêu thụ vũ khí, (lợi nhuận chính và sức đẩy kinh tế chính của tư bản còn tồn tại) và song hành xiển dương chủ nghĩa quốc gia nhà nước để tồn tại. Kết quả là không chỉ chiến tranh lan rộng và gia tăng, mà chính QUYỀN LỰC nhà nước lan rộng và gia tăng theo nhịp độ chiến tranh. Hệ quả tất yếu như những nhà dân chủ trước đây từng cảnh cáo, đó là nhân quyền, dân quyền , và tự do công lý đương nhiên phải là nạn nhân.

Đối với những xã hội từng tiến bộ hơn 200 năm nay, nền dân chủ đại diện phổ quát chưa tròn 250 tuổi của họ đã thoái hóa và đáng chú ý nhất là đã chứng tỏ KHÔNG CÓ KHẢ NĂNG bảo đảm nền tự do dân chủ, công lý nhân quyền cho xã hội con người. Nó không có khả năng bảo đảm tự do, công lý, vì không chỉ đơn giản là không có khả năng ngăn ngừa tội ác của nhà nước chính phủ, mà ngay cả khả năng ngăn chặn khi những tội ác này vi phạm và đã bị phơi bày rõ rệt cũng không có, như chúng ta đang chứng kiến.

Sự băng hoại của định chế nhà nước chính phủ qua sự cấu kết, hay nói rõ và chính xác, là bị điều khiển bởi thế lực tập đoàn đại bản, đã không chỉ lộ rõ nghênh ngang ở các xã hội có nền dân chủ đại diện, mà nó hiển lộ đồng bộ song sinh chặt chẽ với các xã hội độc tài tân phong kiến tập quyền, chưa từng dân chủ như Trung Cộng , Ả Rập v.v khi chúng ta gạt bỏ những cái tên thể chế chính trị qua một bên, chúng ta không còn thấy sự khác biệt nào đáng kể giữa hành xử chính trị của các xã hội này với bọn nhà nước dân chủ phương Tây hiện nay nữa. Bằng chứng càng rõ rệt khẳng định không thể phủ nhận với những tiết lộ phơi bày của Wikileaks trong hai năm vừa qua (2008-2010).
Trong thập niên thứ hai của thế kỷ 21, tiến trình khủng hoảng toàn diện sẽ tăng tốc và nhân loại tiến bộ sẽ phải chứng kiến những thảm nạn chiến tranh tinh vi và tàn bạo hơn giết chết lần mòn nền nhân bản của địa cầu. Chủ nghĩa tư bản đang thật sự phá sản với đầy đủ nanh vuốt của nó nhuốm đầy máu nhân loại như chủ nghĩa cộng sản từng nổi dậy và sụp đổ.

Hiện nay, nơi những xã hội từng có nền dân chủ, đại đa số quần chúng đang co rút vì những nỗi sợ hãi, hình ảnh đe dọa do chính nền đại bản trị và cơ chế nhà nước chính phủ tạo ra. Nhưng họ vẫn còn giới người đủ nhân trí và dân trí, luôn giữ vững được nhận thức giá trị tự thân, biết lo sợ cho nền nhân bản và tự do công lý, và họ vẫn đang nỗ lực vận động quần chúng liên tục về hiểm họa khủng hoảng toàn diện đang xảy ra để kêu gọi tiến hành một cuộc cách mạng thật sự thay đổi toàn diện cơ chế chính trị và tổ chức xã hội loài người tiến lên một mô thức mới.

Cuộc chiến giữa nền nhân bản dân chủ công lý đích thật và thế lực quyền lực chính trị tập đoàn đại bản chưa biết sẽ thắng thua ra sao trong những thập niên sắp đến. Nhưng theo kinh nghiệm lịch sử chính trị của nhân loại, khả năng thắng thế của quyền lực tàn bạo lúc đầu thường là không thể tránh được, ít nhất là trong vài thập niên đang đến. Nền dân chủ tự do công lý pháp trị như chúng ta, những người hiểu biết dân chủ trọng giá trị tự thân từng biết đến, sẽ biến mất trong thời điểm này. Những con người tiến bộ của nhân loại sẽ rơi lệ nhưng tiếp tục kiên cường quyết chiến dưới nhiều hình thức. Và nơi những xã hội chưa từng kinh qua, chưa từng có khái niệm dân chủ như Viêt Nam, tất cả sẽ vẫn quay cuồng trong bái vật gia dụng thặng dư cùng với những trò chơi giải trí du nhập của thị trường tiêu thụ, và sẽ chẳng có ai nhận thức được là nền dân chủ đại diện phổ quát non trẻ của nhân loại chưa đầy 250 tuổi đã chết, như nền dân chủ 80 tuổi của Hy Lạp cổ đại tứng chết. Bởi họ vẫn sống trong nền chuyên chế phong kiến đại bản với não trạng nộ lệ tự nguyện từ mấy ngàn năm nay chưa từng tiến hóa.

Có lẽ, phải nói là kỳ vọng vì chúng ta, những người có nhận thức giá trị tự thân có điều kiện cụ thể để kỳ vọng, rằng sau cuộc khủng hoảng toàn diện này, những xã hội dân tộc từng tiến bộ sẽ làm được cuộc cách mạng tạo dựng được một mô thức mới kiện toàn hơn với những nhân lực và nhận thức tự thân chúng ta đang có, đang kiên cường giữ vững trong cơn bão táp tấn công của tập đoàn đại bản và chủ nghĩa quốc gia nhà nước hiện nay. Bi kịch là những xã hội có não trạng vắng bóng nhận thức giá trị tự thân như Việt Nam Trung Cộng, Hồi Giáo v.v lúc đó, nếu tình trạng vắng bóng thường trực lớp người nhận thức vận động khai triển dân trí về giá trị tự thân trong xã hội không thay đổi, chắc chắn người ta vẫn đang tiếp tục loay hoay chưa định hình nổi ngay cả với ý niệm một nền dân chủ đại diện đã trở thành lạc hậu tiền sử lỗi thời của nhân loại.


Dù hoàn cảnh bi quan ra sao, tất cả chúng ta, những người có nhận thức giá trị tự thân khắp nơi trên thế giới, phải kiên cường dấn thân bảo vệ mầm nhân bản, dân chủ tự do công lý để nuôi dưỡng nối tiếp những giá trị nhân bản này trong nhũng thập niên đang đến dù sức công phá của bọn tập đoàn đại bản trị có tàn bạo tinh vi đến mức nào, chúng ta phải kiên cường như hàng bao thế hệ con người có nhận thức tự thân nhân bản từng đi trước chúng ta; họ đã kiên cường miệt mài nuôi dưỡng hy vọng lạc quan và đổ mồ hôi, máu nước mắt , chịu đựng bao đau khổ trải dài cả hàng ngàn năm cho nền tự do dân chủ và công lý của loài người chúng ta. Bời nếu không có niềm hy vọng và hành động tác động kiên cường không ngưng nghỉ, liên tục, miên tục và miên viễn của tất cả chúng ta, những con người nhận thức tiên phong, nhân loại với nền nhân bản duy nhất của chúng ta sẽ cáo chung. Và địa cầu này, hay bất cứ hành tinh nào, sẽ chỉ còn những sinh vật hai chân với bản năng thú tính man rợ được nhân lên gấp bội với kỹ thuật tân kỳ mà thôi.

NKPTC

Siêu Cường Tranh Giành Thế Lực Ở Việt Nam, Ba Tư


Đào Văn Bình


...Các quốc gia Đông Nam Á đều nhận thấy trước mối đe dọa từ Trung Quốc, không có Mỹ thì không được, nhưng liên kết chặt chẽ với Mỹ theo kiểu Nhật Bản, Nam Hàn và Phi Luật Tân để đối đầu với Trung Quốc sẽ là thảm họa. Cho nên chính sách của họ là “Half and Half” tức “Lửng Lơ Con Cá Vàng” hay “Đánh Đu”. Chính vì thế mà mới đây, thủ tướng Mã Lai vừa qua Bắc Kinh gặp Ô. Tập Cận Bình, tuần lễ sau đã bay sang Hạ Uy Di (Hawaii) đánh gôn (golf) với Ô. Obama.... (ĐVB)

Những chuyển biến quan trọng:

Nhật Ký Biển Đông hai tuần đầu Tháng Tư ghi nhận những chuyển biến quan trọng như sau:

1) Chiến sự tại Yemen leo thang, Mỹ và Ba Tư đối đầu

- Reuters (Aden) ngày 1/4/2015: “Các nhân chứng cho biết một đơn vị phiến quân Houthis và đồng minh, hỗ trợ bởi thiết giáp đã tiến vào trung tâm Aden - căn cứ chính của các chiến binh trung thành với Tổng Thống Abd-Rabbu Mansour Hadi cho dù Saudi và đồng minh đã tiến hành các cuộc không kích kéo dài bảy ngày.” Theo AP ngày 2/4/2015, phiến quân đã tiến chiếm dinh tổng thống sau cuộc giao tranh lớn tại trung tâm thương mại của thành phố Aden nằm ở ven biển ở phía nam. Theo Reuters cùng ngày, một số binh sĩ đã đổ bộ bằng đường biển vào Aden nhưng không rõ thuộc quân đội nào. Nhưng Saudi Arabia và đồng minh nói rằng họ đang kiểm soát vùng biển này. Nếu vậy, đây là cuộc triển khai bộ binh lần đầu tiên của Saudi và đồng minh.

- AFP ngày 3/4/2015: “Theo giới chức bộ nội vụ Saudi, thêm hai binh sĩ chết trong cuộc chạm súng ở biên giới.” Hiện lực lượng đặc biệt của Saudi đã chính thức tham gia vào cuộc chiến đối đầu với Shiite Houthis.

- AFP (United Nations) ngày 4/4/2014: “Nga kêu gọi Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc thúc đẩy một lệnh ngưng oanh tạc tại Yemen trong khi liên quân do Saudi cầm đầu đã tiến hành cuộc không kích xứ sở này qua ngày thứ mười.” Trong khi đó tin của AP, tổng thống al-Sisi của Ai Cập tuyên bố rằng bảo vệ an ninh cho Eo Biển Bab al-Mandab ngoài khơi Yemen, cửa ngõ tiến vào Hồng Hải là ưu tiên của Ai Cập. Các tổ chức cứu trợ nói rằng hơn 500 người đã thiệt mạng ở Yemen trong hai tuần qua. Hiện chưa rõ trong đó có bao nhiêu phần tử chủ chiến. Theo báo cáo của Saudi Arabia, khoảng 500 phiến quân Houthis đã chết tại khu vực biên giới với Yemen. Có tin cho hay, phe nổi dậy Southis sẵn sàng đàm phán nếu liên quân ngưng các cuộc không kích. Theo VnPlus ngày 5/4/2015 trích bản tin của Tân Hoa Xã, Bộ Ngoại giao Nga ngày 5/4 bác bỏ cáo buộc cho rằng Moskva đã lợi dụng các máy bay chở khách, được bố trí phục vụ công tác sơ tán công dân nước này, để cung cấp các vũ khí cho Yemen.” Tin tức cho biết vào ngày Thứ Năm 9/4/2015, phiến quân Southisvà lực lượng trung thành với nhà độc tài Ali Abdullah Saleh đã tràn ngập Thành Phố Shbwa là thủ phủ dầu lửa của Yemen cho dù những cuộc oanh kích của liên quân do Saudi lãnh đạo.

- AFP ngày 7/4/2015: “Hoa Kỳ đầy mạnh việc chuyển giao vũ khí cho liên quân do Saudi Arabia dẫn đầu để đối phó với đà tiến quân của phe nổi loạn tại Yemen. Ngoài ra, Hoa Kỳ còn chia xẻ tin tức tình báo, thiết lập tổ phối hợp kế hoạch bên trong trung tâm chỉ huy của Saudi.” Theo VOV ngày 8/4/2015: “Phát biểu trong cuộc họp với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị tại thủ đô Moscow của Nga vào ngày 7/4, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nhấn mạnh, cuộc khủng hoảng tại Yemen cần phải được giải quyết thông qua các cuộc đàm phán. “ Hồi Quốc (Pakistan) cũng kêu gọi các bên ngồi lại với nhau để tránh làm trầm trọng thêm sự chia rẽ trong khối Hồi Giáo toàn cầu. Theo Reuters ngày 10/4/2015, Quốc Hội Hồi Quốc đã biểu quyết không đồng ý tham gia chiến dịch quân sự do Saudi Arabia cầm đầu. Trong khi đó theo Reuters ngày 8/4/2015 “Ba Tư đã gửi hai chiến hạm tới Vịnh Aden - xác định sự hiện diện quân sự ngoài khơi Yemen nơi Saudi Arabia đang lãnh đạo chiến dịch không kích để loại trừ phong trào Houthis do Ba Tư hỗ trợ.” Theo tin từ Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ, hằng ngày, máy bay tiếp dầu của Mỹ tiếp tế nguyên liệu cho máy bay Saudi và đồng minh tiến hành các cuộc oanh kích ở Yemen.Vậy không còn nghi ngờ gì nữa, Mỹ và Ba Tư đang đối đầu tại Yemen trong lúc thỏa hiệp hạt nhân giữa hai quốc gia chưa kết thúc. Vào ngày 14/4/2015, Hội Đồng Bảo An LHQ đã biểu quyết chấp thuận đề nghị của Hội Đồng Hợp Tác Vùng Vịnh (Gulf Cooperation Council) ngăn cấm việc bán vũ khí cho lực lương nổi dậy Southis.

Không biết có phải là hành động ủng hộ Ba Tư hay không? Theo Reuters ngày 13/4/2015, Nga tự ý rút bỏ lệnh cấm vận do chính Nga ban hành năm 2010 trước áp lực của Phương Tây để cung cấp hệ thống hỏa tiễn phòng không S-300 cho Ba Tư. Nếu thủ đắc hệ thống phi đạn tối tân nhất thế giới này, khả năng phòng thủ trên không của Ba Tư sẽ gia tăng. Điều này đúng vì Do Thái vừa lên tiếng công kích quyết định của Nga. Còn trang tin TheDailyBeast nhận định, “Hỏa tiễn của Putin khiến Hoa Kỳ khó lòng tấn công Ba Tư.” (Putin’s Missile Could Make U.S. Attacks on Iran Nearly Impossible). Hệ thống hỏa tiễn này có tầm bắn xa 93 dặm và tầm cao 90,000 bộ tức 27km mà một chuyên viên cao cấp nghiêm cứu về không quân của thủy quân lục chiến Mỹ nói, các máy bay F-15, F-16, F/A-18 không nên đến gần “con quái vật” này.

2) Ảnh hưởng mạnh mẽ của Trung Quốc tại Đông Nam Á và Ba Tư

Trong lúc Hoa Lục gia sức bồi đắp các bãi đá ngầm tại Biển Đông và biến cải thành các căn cứ hải quân và không quân, bất chấp lời cảnh cáo của Hoa Kỳ và các nước trong vùng… thì tân bộ trưởng quốc phòng Mỹ Carter thăm Nhật Bản, Nam Hàn công bố sẽ triển khai những vũ khí tối tân nhất của Hoa Kỳ tại Bắc Á. Cùng lúc đó báo chí Mỹ loan tin Nga đồng ý bán hệ thống hỏa tiễn phòng không S-400 cho Trung Quốc mà theo các nhà phân tích nó có thể tiêu diệt tất cả các mục tiêu trên không, kể cả tiêm kích tàng hình F-35 tối tân nhất của Mỹ.

Trong thời gian hai bên chạy đua vũ trang, dàn trận và thủ thế nhau, Hoa Lục lợi dụng sức mạnh tài chính và kinh tế của mình để tạo ảnh hưởng toàn cầu, đặc biệt tại Đông Nam Á mà Hoa Lục bắt chước Mỹ gọi đó là “sân sau” của mình.

- Reuters ngày 2/4/2015: “Viện trợ quân sự cùng với việc bán vũ khí và hàng tỉ đô-la đầu tư, Hoa Lục đã tăng cường mối liên hệ với Cambodia và giới phân tích coi đây như một bộ phận của việc mở rộng ảnh hưởng trong vùng , kể cả việc tranh chấp ở Biển Đông. Bộ Trưởng Quốc Phòng Tea Banh đã đọc diễn văn trong buồi lễ tốt nghiệp tại Học Viện Quân Sự của Cambodia, trực tiếp cám ơn những vị khách, trong những bộ binh phục tươi mát của Giải Phóng Quân Trung Quốc đã giúp xây học viện này vào năm 1990.”



(Hãy xem hình ảnh Tướng Trung Quốc gắn lon/quân hàm cho sinh viên sĩ quan Cambodia tốt nghiệp)

Cambodia/Kampuchia có mối liên hệ tốt với Việt Nam nhưng gắn bó với Trung Quốc- gần như truyền thống - để cân bằng ảnh hưởng của Việt Nam. Mặc dù Bà Clinton, Ô. Obama đã tới thăm Kampuchia và kể cả đệ nhất phu nhân Michelle, nhưng Kampuchia không “đi” với Mỹ là vì Mỹ cứ chĩa “khẩu đại bác nhân quyền” vào dinh thủ tướng của Ô. Hunsen. Nếu cứ tiếp tục dùng “lá bài nhân quyền” Mỹ sẽ mất hết ảnh hưởng ở Á Châu, Phi Châu và Nam Mỹ. Ô. Tập Cận Bình và trước đây là Ô. Ôn Gia Bảo, đem gói bạc khổng lồ viện trợ và đầu tư vào Kampuchia nhưng không hề nói gì đến chuyện nội bộ nhà người ta. Còn Ô. Obama và Bà Clinton đem theo bó bạc nhỏ xíu mà cứ lớn tiếng trách cứ chuyện này, chuyện nọ thì - theo tâm lý người đời- Kampuchia sẽ theo ai? Nhân quyền cũng là con dao hai lưỡi – chưa chắc làm tăng thêm uy tín của Mỹ nhưng làm suy yếu địa vị của Mỹ trên quy mô toàn cầu.



(trái) Thủ tướng Campuchia Hun Sen và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Trung Quốc viện trợ 700 triệu USD/năm, Campuchia sẽ ủng hộ "chủ quyền". Ảnh giaoduc.net.vn 11/11/14 -

(phải) Đệ nhất phu nhân Michelle Obama và phu nhân Thủ tướng Campuchia Bun Rany thăm trường trung học Hun Sen Prasaat Bankong ở ngoại ô Siem Reap, 21/3/2015

Theo VOA tiếng Việt ngày 9/4/2015: “Thái Lan cũng đang mưu tìm tăng cường quan hệ quốc phòng với Trung Quốc. Tuần này, Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan Prawit Wongsuwan đi thăm Trung Quốc cùng với một phái đoàn trong đó có Tư lệnh Hải quân Thái để thảo luận việc mua hai chiếc tàu ngầm chạy bằng diesel (dầu cặn) do Trung Quốc chế tạo và theo nhà khoa học chính trị Panitan Wattanayagorn - một cố vấn quốc phòng Thái, cho rằng những cuộc tiếp xúc lớn hơn nêu bật bầu không khí chiến lược (ngoại giao) đang thay đổi.” tức là gần với Hoa Lục hơn và dần dần xa Mỹ. Điều này không lạ vì Thái Lan nổi tiếng về chính sách ngoại giao “Gió chiều nào theo chiều ấy”. Nay Hoa Kỳ không đủ mạnh để trấn áp Hoa Lục mà Hoa Lục lại là nền kinh tế lớn nhất toàn cầu mà Thái Lan cần phải dựa vào đó để phát triển. Do đó “ngả” theo Trung Quốc là khuynh hướng tự nhiên nhưng Thái Lan không dại gì chống đối lại Hoa Kỳ và vẫn duy trì mối giao hảo ở một mức độ nào đó. Đó là chinh sách ngoại giao đa phương, không giống như Phi Luật Tân theo chinh sách ngoại giao đơn phương, ôm chặt lấy cột trụ Mỹ.

Ngoài ra, để né tránh cấm vận của Mỹ và đồng minh, đống thời tìm hậu thuẫn quốc tế, Ba Tư ngày càng thắt chặt quan hệ ngoại giao với Trung Quốc. VnPlus ngày 5/4/2015 loan tin, “Hãng thông tấn FNA của Iran ngày 5/4 dẫn lời Chủ tịch Phòng Thương mại Iran-Trung Quốc Asadollah Asgaroladi cho biết Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ sớm thăm chính thức Iran trong tương lai gần. Ông Asgaroladi phát biểu: "Mối quan hệ Iran-Trung Quốc đã được cải thiện một cách đáng kể và chuyến thăm sắp tới của Chủ tịch Tập Cận Bình tới Iran sẽ mở đường cho việc tăng cường trao đổi giao thương giữa hai nước." Hiện Iran là nhà cung cấp dầu thô lớn thứ ba của Trung Quốc, chiếm khoảng 12% tổng lượng dầu tiêu thụ hàng năm của Trung Quốc.”

Chuyến viếng thăm của Ô. Tập Cận Bình sẽ ảnh hưởng lớn tới khu vực Vùng Vịnh Ba Tư và Vịnh Aden vốn là nơi bất khả xâm phạm của Mỹ vì nó là giếng dầu của thế giới .

3) Bang giao Việt-Mỹ nâng lên tầm vóc mới

Chưa bao giờ, và chưa thấy một quốc gia nào trên thế giới mà các giới chức cao cấp nhất về quân sự của Hoa Kỳ lại ghé thăm Việt Nam như: Ba đời bộ trưởng quốc phòng (Ô. William Cohen, Leon Paneta và Chuck Hagel), tướng chủ tịch ban tham mưu hỗn hợp, tư lệnh Thái Bình Dương và ngày nay tới bộ trưởng hải quân. Điều đó cho thấy Việt Nam càng ngày củng cố mối liên hệ sâu rộng hơn về mặt quân sự với Hoa Kỳ, cho dù Mỹ không hài lòng về chuyện Việt Nam cho Nga sử dụng Cam Ranh làm căn cứ tiếp dầu cho máy bay ném bom chiến lược tầm xa của Nga. Hiện nay Mỹ đang hứa hẹn sẽ trở thành nhà đầu tư và tài trợ số 1 ở Việt Nam. Đại diện các hãng sản xuất vũ khí lớn nhất thế giới của Mỹ như Lockeed Martin, Boeing cũng đã thăm Việt Nam trong mấy tuần lễ vừa qua.

- Bloomberg News ngày 2/4/2015: “Kỹ nghệ chế tạo ở Việt Nam đang gia tăng vững chắc, đầy mạnh bởi dân số trẻ và lương công nhân thấp. Nếu bạn nghĩ rằng Trung Quốc, Nam Hàn và Thái Lan là những khu vực chế tác khổng lồ ở Á Châu thì hãy vẫy tay chào thêm “say hello to” một quốc gia mới: Đó là Việt Nam. (If you thought Asia's manufacturing giants are just China, South Korea and Thailand, say hello to a new one: Vietnam.)

- BBC tiếng Việt ngày 4/4/2015: “Lãnh đạo Trung Quốc 'vội vã' mời Tổng Bí thư Đảng Cộng Sản Việt Nam sang thăm Trung Quốc ngay trước chuyến đi được dự kiến của ông Nguyễn Phú Trọng sang Mỹ vì 'lo sợ' chuyến đi này gây bất lợi cho quan hệ Trung - Việt và lợi ích của Trung Quốc, theo nhà quan sát từ Hà Nội.”



Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng bí thư đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng.Ảnh http://m.voatiengviet.com/

Thế nhưng chuyến thăm Bắc Kinh của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng chỉ có tình cách “nghi lễ ngoại giao” và cục diện Biển Đông “đâu vẫn hoàn đó”. Bằng cớ là khi Ô. Trọng về rồi, báo chí Trung Quốc bắt đầu mỉa mai, công kích Việt Nam. Theo VOA tiếng Việt ngày 14/4/2015, “Một ấn phẩm của tờ Nhân dân Nhật Báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, mới lên tiếng cho rằng Việt Nam đang lợi dụng cả Bắc Kinh và Washington để phục vụ cho mục đích riêng và điều đó sẽ đẩy Hà Nội vào tình thế nguy hiểm.”

Còn chuyến thăm viếng Hoa Kỳ sắp tới đây của Ô. Nguyễn Phú Trọng sẽ vô cùng quan trọng cho cả hai phía Việt và Mỹ. Chương trình lảm việc của Ô. Obama hiện đang dày đặc với những vấn đề vừa nhức đầu vừa khẩn cấp của thế giới, chẳng lẽ mời Ô. Nguyễn Phú Trọng tới Tòa Bạch Ốc chỉ để nói “How are you?” rồi về sao? Nhân dịp này Ô. Obama muốn khẳng định và trấn an thế giới về quyết tâm “Xoay Trục” của Mỹ và ông chọn Việt Nam chứ không phải Phi Luật Tân là trọng điểm chiến lược trước khi ông đi gặp Ô. Tập Cận Bình vào cuối năm nay. Chuyến đi Bắc Kinh của Ô. Nguyễn Phú Trọng, chuyến viếng thăm Việt Nam của thủ tướng Nga và chuyến đi Mỹ sắp tới đây làm nổi bật sự cạnh tranh giữa các siêu cường và vị thế khó khăn của Việt Nam trong cơn lốc lịch sử này.

Một Việt Nam mạnh lên về kinh tế và quân sự, cùng lúc xích gần lại hơn với Mỹ là chuyện Trung Quốc phải hết sức thận trọng. Đánh thì đánh không được. Lấn dần biển đảo thì Việt Nam bị dồn tới chân tường sẽ không đưa quân Mỹ vào nước nhưng sẽ cùng Phi Luật Tân mời Mỹ tới Biển Đông - lúc đó Hoa Lục tính sao? Việc Bộ Trưởng Hải Quân Hoa Kỳ thăm Việt Nam cho thấy Việt-Mỹ trong tương lai sẽ thao diễn hải quân chung bởi vì trong chuyến viếng thăm Hoa Kỳ ngày 17/6/2013 Tướng Tổng Tham Mưu Trưởng Đỗ Bá Tỵ đã gặp ông này đề bàn về vấn đề tập trận.



Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ chào mừng ông Ray Mabus sang thăm và làm việc tại Việt Nam - 8 tháng 4, 2015

4) Nga hướng sang Viễn Đông để tìm sinh lộ

Trong khi áp lực cấm vận của Mỹ và Âu Châu còn đang đè nặng lên Nga, thỏa hiệp ngưng bắn giữa Kiev và phe ly khai rất mong manh và có thể bị phá vỡ bởi trận thư hùng tại Mariupol sắp tới, Nga triển khai chính sách Viễn Đông - một vùng không bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoàng Ukraine. Theo VOA tiếng Việt ngày 13/4/2015, “Giáo sư Vladimir Kolotov, Giám đốc Ban Lịch sử Viễn Đông thuộc Đại Học St. Petersburg nói : Một cuộc cạnh tranh ráo riết đã bùng nổ mới đây để tranh giành ảnh hưởng tại Việt Nam, trong bối cảnh các cuộc tranh chấp lãnh thổ trong Biển Nam Trung Hoa, tức Biển Đông, trở nên gay gắt hơn giữa Trung Quốc, Việt Nam, Malaysia, Brunei, và Philippines.” Và Nga coi hợp tác chiến lược sâu rộng về mọi mặt với Việt Nam để biến Việt Nam thành đầu cầu hay cửa ngõ để tiến vào Đông Nam Á là một thực tế chính trị không thể phủ nhận.

- VnExpress ngày 6/4/2015: “Trả lời phỏng vấn của hãng Itar-Tass trước chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev từ ngày 5 đến ngày 7/4, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định hợp tác kỹ thuật quân sự cùng với năng lượng là các lĩnh vực trụ cột của quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt – Nga và trong giai đoạn mới. Trong lĩnh vực kỹ thuật quân sự, Nga hiện là đối tác quan trọng của Việt Nam. Thời gian tới, hai nước sẽ chuyển sang hợp tác sâu rộng trong lĩnh vực liên doanh sản xuất, nghiên cứu khoa học, thành lập các trung tâm dịch vụ và bảo hành /bảo trì).” Theo UPI thì hai bên đã ký kết những thỏa hiệp về năng lượng giữa các công ty Gazprom Neft và PetroVietnam và gần kết thúc Thỏa Hiệp Tự Do Mậu Dịch Á-Âu gồm Việt Nam, Belarus và Kazakhstan và Nga do Nga lãnh đạo. Còn trang tin Sputnik News cho biết “Công việc đào tạo cán bộ cho nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận-1 được tiến hành tại Học viện năng lượng hạt nhân ở Obninsk, ngoại ô Moskva và trong tương lai, các nhân viên, kỹ sư điều hành nhà máy này phải giao dịch bằng tiếng Nga. Và một trong những kết quả khác là Hãng GazpromNetf của Nga sẽ là đồng sở hữu nhà máy lọc dầu Dung Quất. ” Theo VOA tiếng Việt, “Đặc biệt đáng chú ý, hai nước đồng ý rằng các vụ tranh chấp Biển Đông cần được giải quyết một cách hoà bình, trên cơ sở “tôn trọng luật pháp quốc tế”, kể cả Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), thực thi đầy đủ Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và hướng tới việc thiệt lập một Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).” Còn theo VnPlus, “Chuyến thăm lần này của người đứng đầu Chính phủ Nga nhằm thực hiện nội dung thực tế nêu trong các tuyên bố của Tổng thống Nga Putin về tầm quan trọng của việc mở rộng sự hiện diện của Nga tại Đông Nam Á, có tính tới triển vọng thị trường các nước nằm trong tiểu khu vực này.”

- Sputnik News ngày 6/4/2015: Nhân dịp thăm viếng Thái Lan, Thủ Tướng Nga Medvedev đã chính thức mời Thủ Tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha thăm Nga. Cũng theo Sputnik News, Ô. Lan Prayuth Chan-ocha coi trọng mối liên lạc với các nhà lãnh đạo Nga và rất cảm phục, kính trọng Tổng thống Vladimir Putin. Ông thổ lộ điều này trong cuộc phỏng vấn với Phó Tổng Giám đốc hãng thông tấn TASS Mikhail Gusman. “Tôi mong ông chuyển lời tới ban lãnh đạo Nga, cá nhân tôi rất kính trọng ngài Vladimir Putin. Ông ấy đã thăm Thái Lan năm 2003. Đó là một con người mạnh mẽ, luyện tập thể thao nghiêm túc,” Theo RFI, “Bên cạnh nông phẩm (thiếu hụt vì cấm vận trả đũa Âu Châu), lãnh đạo hai nước cũng nêu ra vấn đề bảo đảm an ninh đối với khách du lịch Nga, với khoảng 1,6 triệu người tới Thái Lan trong năm ngoái. Thủ tướng Thái Lan cũng nhắc đến khả năng đặt mua máy bay quân sự và trực thăng chống hỏa hoạn của Nga với hãng thông tấn Nga Itar Tass. Tuy nhiên không có thông tin cụ thể nào về thương lượng lọt ra bên ngoài.”

Ngoài việc tạo ảnh hưởng lên Thái Lan, tưởng cũng nên nhắc lại đây, vào Tháng 3, 2013 Bộ Trưởng Quốc Phòng Nga Sergei Shoigu đã thăm Miến Điện và có cuộc hội đàm với bộ trưởng quốc phòng nước này.

5) Cuộc khủng hoảng Ukraine.
Khoảng 290 linh nhảy dù cùng thiết vận xa Mỹ đã vào đây giữa lúc nội tình chính trị, kinh tế lẫn quân sự Ukraine đang lâm vào cuộc khủng hoảng trầm trọng. Theo Reuters ngày 9/4/2015, “Ô. Oleksander Turchynov đứng đầu hội đồng an ninh quốc gia Ukraine trong một phiên họp nói rằng Ukraine coi sự xâm lược của Nga như một yếu tố lâu dài và việc trở thành hội viên của NATO là một bảo đảm đáng tin cậy cho chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ.”

Đứng về mặt tự ái dân tộc và thể diện quốc gia, ông này nói đúng. Nhưng đứng về mặt thực tiễn chính trị thì luận điểm của ông cực kỳ nguy hiểm cho sự tồn vong của đất nước Ukraine. Giả sử Ukraine gia nhập NATO, hệ thống lá chắn hỏa tiễn THAAD của Mỹ triển khai sát biên giới Nga. Thủy quân lục chiến Mỹ và quân NATO đóng sát biên giới Nga. Xe tăng của Mỹ và NATO chĩa mũi súng qua biên giới Nga. Máy bay chiến đấu Mỹ và NATO ngày đêm bay trên bầu trời sát biên giới Nga thì….nước Nga nghĩ sao? Chắc chắn đại chiến sẽ nổ ra và đất nước ông là bãi chiến trường đẫm máu. Do đó muốn lãnh đạo đất nước thì phải biết đất nước mình nằm ở đâu? Nằm ở nơi hẻo lánh sát Nam Cực như Úc Châu? Hay ở sát Bắc Cực như Green Land? Hay ở gần một đại cường như Mễ Tây Cơ, Gia Nã Đại gần Mỹ? Hoặc Thái Lan, Miến Điện, Việt Nam, Triều Tiên nằm sát Trung Quốc? Biết được vị trí của đất nước mình tức hiểu được yếu tố “Địa Lý Chính Trị” tức: địa lý như thế nào thi chính trị như thế đó, để có chính sách ngoại giao khôn khéo giữ yên đất nước và không bị lôi kéo vào các cuộc tranh chấp của các đại cường, không biến đất nước thành tiền đồn, bàn đạp hoặc căn cứ phòng thủ từ xa cho bất cứ siêu cường nào, tức không bao giờ dùng máu xương của dân tộc đề phục vụ “lợi ích cốt lõi/quyền lợi sinh tử” của ngoại bang. Hiểu được như thế, lãnh đạo đất nước như thế mới là yêu nước. Chứ còn ngả nghiêng theo một đại cường nào đó để đối đầu một đại cường khác khiến đất nước tan hoang, chia năm xẻ bảy là phản quốc chứ chẳng yêu nước gì cả. Tháng Hai 2014, phe quốc gia cực đoan (Nationalist) Ukraine, nghe theo lời xúi dại của Mỹ và NATO tiến hành cuộc biểu tình lật đổ Tổng Thống Yanukovich (đang theo đuổi chính sách phi liên kết) với hy vọng gia nhập Liên Hiệp Âu Châu và NATO. Thế nhưng kết quả ra sao? NATO chưa tới, viện trợ kinh tế từ Mỹ và Tây Phương nhỏ giọt cho một nền kinh tế đang trên bờ phá sản…thì đất nước đã bị cấu ra làm ba. Crimea vĩnh viễn thuộc Nga và không bao giờ lấy lại được. Còn vùng Donetsk và Luhansk sớm muộn gì cũng thành quốc gia độc lập hay trở thành một thành phần của Liên Bang Nga. Phần còn lại của Ukraine cũng đang nát bét vì nạn xứ quân rồi cũng sẽ chia năm xẻ bảy. Đây là một thảm họa cho Ukraine do tính toán sai lầm của tập đoàn chính trị đầu sỏ Ukraine mà hầu hết là các tỉ phú nắm giữ các đại công ty chỉ nghĩ đến lợi nhuận của mình nhưng lại “bù lu bù loa” cho rằng mình yêu nước.

Cho rằng Nga là quân xâm lược xấu xa, đáng nguyền rủa đi nữa, nhưng nguyền rủa có lợi ích gì khi đất nước bị chia cắt, tan hoang với một tương lai đen tối? Lãnh đạo một đất nước phải đặt quyền lợi của Tổ Quốc lên trên hết và không thể đối ngoại theo kiểu thương-ghét. Có những quốc gia coi bộ “dễ thương” nhưng vẫn không thể ngoại giao hay liên kết được vì như thế sẽ có hại cho đất nước. Nhưng có những quốc gia “dễ ghét” nhưng vẫn phải ngoại giao vì nó là một siêu cường hoặc nó có khả năng ảnh hưởng tới đất nước mình. Chẳng hạn Nhật Bản đã nuốt nỗi nhục năm 1945 để liên minh với Mỹ không ngoài mục đích bảo đảm an ninh cho xứ sở mình trước nguy cơ xâm lấn của Hoa Lục. Anh Quốc cũng phải quên đi nỗi cay đằng bị Mỹ đánh bật ra khỏi lục địa Bắc Mỹ và ôm sát lấy Mỹ chỉ vì ngày hôm nay Anh Quốc không còn là đế quốc nữa mà rớt xuống thành “cường quốc hạng hai”. Ngày nay, nếu không “dựa hơi” vào Mỹ thì Anh Quốc chẳng là gì cả. Trong lần thăm viếng Trung Quốc mới đây, Ô. Cameron đã bị báo chí Hoa Lục chế riễu, “Anh Quốc không còn là cường quốc nữa”. Còn Việt Nam phải hợp tác toàn diện với Mỹ để dùng sức mạnh quân sự của Mỹ kiềm chế Trung Quốc tại Biển Đông mặc dù trong thâm tâm chưa chắc Việt Nam đã tin cậy Mỹ.

Bối cảnh chính trị thế giới ngày hôm là sự tái diễn của thời Xuân Thu Chiến Quốc với tất cả sự tàn độc của nó. Các nước nhỏ muốn sống yên để phát triển, lãnh đạo phải được trang bị bằng lòng yêu nước nồng nàn và phải có tài kinh bang tế thế như Phạm Lãi, Quản Trọng, Nhạc Nghị. Thật là điều ngu dại, sốc nổi nếu không nhìn thấy những âm mưu, thủ đoạn của các siêu cường nhằm lôi kéo, chia rẽ các nước nhỏ hoặc dùng viện trợ để dụ dỗ, biến các nước nhỏ thành tiền đồn, bàn đạp hay căn cứ phòng thủ từ xa. Nhưng hung hăng, hấp tấp chống lại các đại cường - nếu đại cường đó không có ý định xâm lăng đất nước- cũng là điều ngu dại đưa đất nước đến thảm họa. Do đó chính sách ngoại giao của các nước nhỏ phải vô cùng uyển chuyển và khôn khéo.

Chúng ta đã thấy chính sách ngoại giao đó đang được triển khai nhịp nhàng tại các quốc gia Đông Nam Á, ngoại trừ Phi Luật Tân như: Thái Lan, Miến Điện, Mã Lai, Nam Dương, Tân Gia Ba, Kampuchia và Việt Nam. Xin nhớ cho “Cây cổ thụ có thể bị quật ngã trước phong ba bão tố, nhưng cây tre đong đưa theo ngọn gió thì không bao giờ bị quật ngã cả.”

Hiện nay, Đông Nam Á tương đối đoàn kết, không có xung đột sắc tộc và giáo phái, tình hình chính trị ổn định và mỗi quốc gia đều có chính sách ngoại giao vô cùng khôn khéo cho nên có thể thoát qua cơn đại nạn này. Các quốc gia Đông Nam Á đều nhận thấy trước mối đe dọa từ Trung Quốc, không có Mỹ thì không được, nhưng liên kết chặt chẽ với Mỹ theo kiểu Nhật Bản, Nam Hàn và Phi Luật Tân để đối đầu với Trung Quốc sẽ là thảm họa. Cho nên chính sách của họ là “Half and Half” tức “Lửng Lơ Con Cá Vàng” hay “Đánh Đu”. Chính vì thế mà mới đây, thủ tướng Mã Lai vừa qua Bắc Kinh gặp Ô. Tập Cận Bình, tuần lễ sau đã bay sang Hạ Uy Di (Hawaii) đánh gôn (golf) với Ô. Obama. Thủ tướng Thái Lan vừa qua gặp Ô.Tập Cận Bình nay lại mời thủ tướng Nga tới chơi cho biết. Và nếu nước Mỹ đừng có chĩa mũi dùi nhân quyền vào đất nước Thái Lan thì ông tướng Lan Prayuth Chan-ocha cũng sẽ mời Ô. Obama tới thăm. Nếu có lời mời thì Ô. Obama chắc chắn sẽ đi, dại gì đẩy đất nước cựu đồng minh đầy tiềm năng này vào tay Trung Quốc? Nhưng nếu có đi, xin Ô. Obama nhớ thưởng thức món lẩu Thái rất hấp dẫn, rồi tráng miệng bằng sầu riêng và ổi xá-lị Thái Lan cũng ngon lắm đó. Còn Việt Nam, trong lúc Ô. Nguyễn Phú Trọng sang Bắc Kinh gặp Ô. Tập Cận Bình thì thủ tướng Nga thăm Việt Nam, tiếp đón vô cùng nồng hậu và cùng lúc đó hai khu trục hạm Mỹ ghé Cảng Tiên Sa, Đà Nẵng… rồi ông bộ trưởng hải quân cũng ghé đây …cho vui vẻ cả làng.



Thủ tướng Chính phủ Liên bang Nga Dmitry Medvedev hội đàm với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Thủ đô Hà Nội, sáng ngày 7 tháng 4, 2015

Là nước nhỏ đau khổ và tủi nhục lắm bạn ơi! Lúc nào cũng bị bọn côn đồ ăn hiếp. Nhận viện trợ thì giống như đứa con đỏ hỏn ngậm vú mẹ, rút núm vú ra là chết. Làm đồng minh với nó thì bị nó o ép. Làm nô lệ, tay sai cho nó thì không xong. Đánh nó thì không được cho nên cứ phải “ngậm bồ hòn làm ngọt” để sống yên và vươn lên. Nhưng đó là cái khôn ngoan, cái “biết” của Lão Tử và lời dạy của các cụ Việt Nam,

“Anh hùng như thể khúc lươn. Khi cuộn thì ngắn, khi vươn thì dài.”

Đào Văn Bình

(California ngày 15/4/2015)

Thứ Hai, 20 tháng 4, 2015

MAI TÔI ĐI


(Thơ song ngữ)
Bản tiếng Việt của NQH - Bản dịch tiếng Anh của Roberto Wissai/NKBa



Mai tôi đi...chẳng có gì quan trọng,
Lẽ thường tình, như lá rụng công viên,
Như hoa rơi trước gió ở bên thềm,
Chuyện bé nhỏ giữa giòng đời động loạn...

Trên giường bệnh, Tử Thần về thấp thoáng,
Xin miễn bàn, thăm hỏi hoặc cầu an,
Khi xác thân thoi thóp trút hơi tàn,
Nằm hấp hối đợi chờ giờ vĩnh biệt.

Khoảnh khắc cuối... Đâu còn gì tha thiết...
Những tháng ngày hàn nhiệt ở trần gian.
Dù giàu sang hay danh vọng đầy tràn,
Cũng buông bỏ trở về cùng cát bụi...

Sẽ dứt điểm đời phù du ngắn ngủi,
Để đi vào ranh giới của âm dương,
Không bàng hoàng trước ngưỡng cửa biên cương,
Bên trần tục, bên vô hình cõi lạ...

Chỉ ước nguyện tâm hồn luôn thư thả,
Với hành trang thanh nhẹ bước qua nhanh,
Quên đàng sau những níu kéo giựt dành,
Kết thúc cuộc lữ hành trên dương thế...

Mắt nhắm rồi... Xin đừng thương rơi lệ,
Đừng vòng hoa, phúng điếu hoặc phân ưu,
Đừng quay phim, chụp ảnh để dành lưu.
Gây phiền toái, nợ thêm người còn sống...

Ngoảnh nhìn lại, đời người như giấc mộng,
Đến trần truồng và đi vẫn tay không.
Bao trầm thăng, vui khổ đã chất chồng,
Nay rũ sạch...lên bờ, thuyền đến bến...

Nếu tưởng nhớ..Xin âm thầm cầu nguyện,
Nên xem như giải thoát một kiếp người,
Cứ bình tâm, thoải mái với vui tươi,
Kẻ đi trước, người sau rồi sẽ gặp...




Tomorrow I'm going 
Tomorrow I'm going...It's no big a deal,
It happens all the time, like fallen leaves in the park
Like flowers driven by winds onto the sidewalk, 
These are minor matters in the turbulent waters of life...

Death is hovering over my deathbed, 
Please spare me of comments, visitations, or prayers of peace 
While my breathing is going to cease
And I'm lying, waiting to bid farewell. 

These last dying moments...I wouldn't care less..
The hot and cold months on this planet.
No matter I'm rich or full of glory, 
At the end I still return to dust and ashes ...

My finite existence decisively comes to an end 
And enters the yin and yang borderlands 
I won't be bewildered at the frontier's gate
Earthly realm is on this side, the other an unimaginable and unknown fate 

I only wish my soul always at peace,
Traveling lightly, I quicken my pace
Leaving behind those who push and pull,
While I finish my journey on earth's face...

My eyes are already closed....please don't shed tears of sympathy
Please, no flower wreaths, no offerings, nor condolences,
No videotaping, no picture taking for memories.
That would only bring stresses and strains to the surviving...

A quick look behind and life is just like a dream
I arrived naked and I'm leaving with empty hands
Many ups and downs, happy and sad moments piled high,
Now they're all cleared up...I'm stepping on board, the boat has arrived...

If you miss me...Please silently pray,
And consider a life has been liberated,
Be calm, relaxed, and gay, 
I go first, you follow behind, we'll meet again...

TRỜI THƠ ĐẤT MỘNG PHIÊU BỒNG THI CA



Tâm Nhiên




Sương mù bàng bạc ùn lên lãng đãng trộn lẫn với ngàn mây trắng bao la, hòa quyện cùng hương rừng gió núi, chập chùng trên tuyệt đỉnh Hy Mã Lạp Sơn, chờn vờn ngất tạnh bay quanh pháp hội Linh Sơn vào một thời xa xưa, cách đây mấy nghìn năm rồi mà tưởng chừng như mới hôm nào, vẫn còn nghe văng vẳng những lời thơ bất hủ của Thế Tôn vang vọng trầm hùng :

Hữu vi pháp hiện trùng trùng
Như huyễn như bọt nước tung vỡ rồi
Như ánh chớp như sương rơi
Thường quán như vậy nhẹ vời phiêu nhiên

Tất cả vạn pháp trong vũ trụ như nhật nguyệt, rừng núi, biển sông, con người… đều như huyễn mộng bọt nước, như chớp lóe sương rơi. Hãy quán tưởng thường xuyên như vậy. Một khi thấy rõ tận tường như thế là thể nhập tự tánh Không của vạn hữu để xa lìa mọi cố chấp tham đắm, bám víu dựa nương :

Nương âm thanh sắc tướng
Để cầu thấy Phật Đà
Kẻ ấy hành tà đạo
Chẳng bao giờ thấy ta


Qua sắc tướng, âm thanh để chiêm ngưỡng nhìn ngắm, cầu nguyện tôn thờ Đức Phật thì kẻ đó chẳng bao giờ hiểu Phật, thấy được Phật, vì đã vô tình lạc vào chốn đạo tà ma quỷ sứ mất rồi, rơi xuống nẻo hướng ngoại tầm cầu, vọng tưởng mơ hồ huyễn hoặc đâu đâu. Chính Đức Phật đã nhắc nhở chúng ta một cách khẩn thiết như thế, bằng những lời thơ súc tích tịch lặng mà sấm sét như trời long đất lở, vang dội cực kỳ làm vỡ bùng mê ám cho tâm thức bừng dậy thấy suốt muôn nơi. Rồi trên pháp hội Hoa Nghiêm điệp trùng hùng vĩ núi rừng cao xanh vách đá, vào một sớm tinh sương mùa hạ, Thế Tôn lại mỉm cười đọc mấy lời thơ mở bày sáng tỏ :

Nếu người muốn biết rõ
Chư Phật khắp ba đời
Hãy quán pháp giới tánh
Đều do tâm tạo thôi

Ơi chao ! Hết thảy mọi cảnh giới Phật ma, thánh phàm, thiện ác, khổ vui… chỉ một bài thơ này là bao gồm đầy đủ toàn diện rồi. Pháp giới trùng trùng vô tận, nhưng tựu trung cũng đều luân lưu trong mười pháp giới : Phật, Bồ tát, Duyên giác, Thanh văn, Trời, Người, A tu la, Ngạ quỷ, Súc sanh, Địa ngục, vốn chẳng có tự thể, chẳng có tự tánh. Tất cả đều do một tâm niệm của mình tạo ra mà thôi.

Nói đến cái tâm của chúng ta cũng như hư không chẳng ngằn mé, vốn là thanh tịnh trong sáng, chẳng có hình dạng, chẳng có nơi chốn, vốn là bất sanh bất diệt, bất động bất biến. Tuy bất biến mà cũng tùy duyên, vì tùy duyên mà sinh động, linh hoạt và sáng tạo vô cùng. Thong dong trên cung cách khoan hòa độ lượng, Thế Tôn ôn tồn tiếp tục đọc thơ khai thị vi diệu nghĩa tuyệt trần :

Nếu người muốn biết cảnh giới Phật
Ý căn thanh tịnh như hư không
Xa lìa vọng tưởng và chấp thủ
Thì tâm vô ngại giữa trần hồng

Cảnh giới Phật là gì ? Đó là cảnh giới bất khả tư nghì, không thể lý giải chi được, trừ khi mình chứng ngộ. Tuy nhiên cũng có thể hiểu và thấy ra thật tướng của muôn vạn pháp là tánh Không, vốn không sinh cũng không diệt, chẳng đến cũng chẳng đi, thấy một là tất cả, tất cả là một, thấy vui buồn, sướng khổ, được mất, hơn thua, có không, sống chết… đều vô ngại, tự tại thì đấy chính là cảnh giới Phật vậy. Do đó, cảnh giới Phật luôn luôn hiện hữu ở đây và bây giờ giữa thực tại hiện tiền. Sở dĩ mình chẳng thấy, vì ý căn chưa được thanh tịnh, suốt ngày cứ dấy khởi đủ thứ điên đảo, vọng tưởng mãi thì làm sao thấy được phải không ?

Vậy thì, muốn thấy cảnh giới Phật, chúng ta chỉ cần chuyển hóa các thứ vọng tưởng, điên đảo, vô minh chấp trước ấy, xoay trở về thể tánh tự nhiên, khiến cho mọi ý căn đều thanh tịnh như hư không. Lúc đó tuệ nhãn tự nhiên bừng chiếu, liền thấy vũ trụ là cảnh giới Phật, trời đất là cảnh giới Phật, núi rừng biển cả, sông suối bụi cát, mưa nắng gió mây, cỏ hoa người vật… không nơi nào là chẳng phải cảnh giới Phật. Tất cả sơn hà đại địa, vạn pháp trùng trùng… đều là đạo tràng thanh tịnh, nếu tâm mình thanh tịnh Nhất Như.

Trên tinh thần giải thoát siêu việt đó, kỳ diệu thay, tiếng thơ đại hùng, đại lực, đại từ bi của Thế Tôn đã mở ra những phương trời cao rộng mông mênh hoằng viễn. Kể từ đó, nguôn thơ thiền bắt đầu phát sinh mãnh liệt dữ dội, trôi chảy tuôn trào bất tuyệt, miên man quá cùng bát ngát giữa thiên thu vạn đại rạt rào. Vào đầu thế kỷ thứ I, ở xứ sở u huyền Ấn Độ xuất hiện thiền sư Mã Minh với tập thơ Phật Sở Hành Tán dài hơn 9000 câu thơ ngũ ngôn, tán thán ca ngợi cuộc đời và tư tưởng Đức Phật. Bản trường ca kết thúc bằng mấy vần thơ trong sáng :

Tán thán đức Thế Tôn
Suốt cuộc đời hành đạo
Để chuyển hóa chúng sinh
Được an lành giải thoát

Giải thoát là hương vị tuyệt vời của nguồn thơ thiền, cứ mãi mãi quyện hòa trong không khí, thoảng ngát chan chứa giữa lòng người khắp mọi miền chốn cõi nơi nơi, qua các thiền viện am cốc, đô thành thị tứ, sơn dã làng quê. Hương vị giải thoát ấy thấm sâu vào trái tim nhân loại, làm tan đi xiết bao phiền não khổ đau, xiết bao những đục ngầu, u minh mịt mùng tăm tối.

Nối tiếp mạch nguồn giải thoát đó, đến gần cuối thế kỷ thứ VI ở Trung Hoa, thiền sư Huyền Giác ( 665 - 713 ) từ nơi thảo am hoang vắng tịch liêu, cạnh bên dòng sông xanh quạnh quẽ cô tịch, bỗng cất lên tiếng hát động trời Chứng Đạo Ca hùng tráng, vang ầm, rung chuyển, rền ngân trên cung bậc tối thượng thừa. Thi phẩm Chứng Đạo Ca dài 266 câu thơ thất ngôn, tuy ra đời cách đây hơn 15 thế kỷ nhưng thần lực của thơ vẫn còn tinh khôi mới mẻ, rực ngời ngọn lửa thiêng trong tim hồn rưc rỡ, mở đầu bằng mấy câu thơ nhảy tung vào đốn ngộ bản thể tự thân :

Dứt học vô vi ấy đạo nhân
Không trừ vọng tưởng chẳng cầu chân ?
Tánh thưc vô minh tức Phật tánh
Thân không ảo hóa tức Pháp thân
Pháp thân giác rồi không một vật
Vốn nguồn tự tánh thiên chân Phật
Năm ấm ảo hư mây lại qua
Ba độc huyễn hoặc bọt còn mất*

Tuyệt đối chẳng còn chi phải học nữa, bậc liễu đạt là người hoàn toàn vô sự, nhàn nhã, vượt qua thế giới nhị nguyên, hết còn phân biệt chân vọng, bởi thấu hiểu vọng chân đều huyễn hóa. Chẳng nhọc lòng tiêu diệt vọng tưởng hay truy tìm chân lý, chân tâm gì thêm. Tâm thể vốn hiện hữu sờ sờ, đang tỏa chiếu hào quang sáng rực ngời ra đó từ muôn thuở, muôn nơi rồi. Mê thì không thấy, ngộ thì hoát nhiên thấy ngay trước mắt rõ ràng. Ngộ rồi mới thông suốt lẽ “Tánh thật vô minh tức Phật tánh. Thân không ảo hóa tức Pháp thân.”Thật ra cũng dễ hiểu, bởi vô minh chỉ là một khái niệm không có tánh riêng biệt nào cả mà chỉ do mình bỏ quên, chẳng biết có Phật tánh, nên tạm gọi là vô minh thế thôi.

Khi tuệ giác quán chiếu bùng vỡ, lập tức tánh Phật hiển lộ huy hoàng thì vô minh tan mất. Cũng vậy, thân huyễn hóa và Pháp thân chẳng đối lập gì nhau mà vốn là bất nhị, Pháp thân ở ngay trong thân ảo hóa này, chứ tuyệt nhiên chẳng ở một nơi chốn nào khác tận ngoài xa kia. Thiền sư liễu ngộ Pháp thân Phật tánh, nhìn đâu cũng thấy không có một vật nào chướng ngại, nên thõng tay vào chợ, tùy duyên hóa độ chúng sinh, chỉ rõ cho họ biết năm ấm ( sắc, thọ, tưởng, hành, thức ) ba độc ( tham, sân, si ) như ảo ảnh, huyễn mộng, như bọt nước mong manh chẳng thật.

Đừng lầm chấp thật mà sinh tâm dính mắc, ham muốn rồi tranh giành, chiếm hữu, đưa đến căm thù, nhẫn tâm tàn sát lẫn nhau, gây bao đổ nát tang thương, sầu hận chất chồng, tạo nghiệp mãi trong vòng sinh tử luân hồi. Rỗng rang buông xả, thư thả hòa chung nhịp bước, viên dung đôi bờ sống chết, có không, mộng thực… giữa chốn miền thanh thản, tự do đó, có biết bao đạo sư, hiền nhân, ẩn sĩ, đại trượng phu lẫm liệt đi về hòa tấu khúc Chứng Đạo Ca.

Làm sao kể hết được những tâm hồn thượng đẳng, hoằng đại ấy, những con người siêu việt đã khơi dậy sự sống nhiệm mầu, thưởng thức niềm hân hoan tối thượng của cuộc sống toàn diện như đại sư kỳ vĩ Milarepa ( 1052 – 1135 ) ca hát vang lừng những bài thơ phát khởi từ một trí tuệ nhìn thấu suốt ba nghìn thế giới. Tiếng hát, lời ngâm trầm hùng như sư tử trên các triền núi cao nguyên bạt ngàn Tây Tạng, tiếp giáp với mây trời vần vũ thiên thu. Những bài thơ xuất thần bay bổng, lồng lộng tràn đầy ánh sáng quang minh rạng chiếu ngời ngời :

Nhất quyết xa lìa ngã tướng là vui
Từ bỏ lòng yêu quê hương, xứ sở là vui
Thoát khỏi luật lệ làng xóm là vui
Chẳng làm kẻ cắp của cải tầm thường là vui

Không có lý do để tham đắm là vui
Có nhiều hiểu biết phong phú tinh thần là vui
Không phải khốn khổ vì kiếm ăn là vui
Cứ an nhiên tự tại, chẳng lo bị mất mát gì cả là vui

Chẳng lo bị suy đồi, trụy lạc là vui
Có tín tâm thâm hậu, sâu xa là vui
Vô ngại đối với tư lợi của kẻ bố thí là vui
Giúp đỡ nhiệt tình, không chán nản là vui

Không sống lừa đảo, giả trá là vui
Thể hiện tín tâm bằng mọi hành vi là vui
Thích du hành chẳng mệt mỏi là vui
Không sợ chết thình lình là vui

Chẳng lo lắng bị cướp giật là vui
Thấy tinh tấn trên đường đạo là vui
Tránh hành động độc ác, xấu xa là vui
Cần mẫn hiếu thảo, thuận hòa là vui

Vắng lặng tánh tham lam, sân hận là vui
Chẳng kiêu ngạo, ganh ghét, tỵ hiềm là vui
Thoát khỏi hy vọng và sợ hãi là vui
Làm chủ điều động tâm thức, ý thức là vui

Và giải thoát sinh tử là niềm vui hân hoan, cực lạc Niết bàn**


Bản hoan ca nhập cuộc siêu thoát, đại hòa điệu chơi với cõi ta bà, hòa âm thấm thía nguồn vui lai láng, tràn ngập trong thi phẩm Gởi Lại Trần Gian của Milarepa vẫn còn mãi đồng vọng giữa lòng nhân thế xưa nay.

Không thể nghĩ bàn là tiếng thơ của một con người sống trên mặt đất. Giữa thiên thanh vĩnh thúy, tiếng thơ ấy tự bao giờ đã bay lên đồng vọng mông mênh trên cung bậc hùng tráng như tiếng hát đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả, phát xuất từ một tuệ giác siêu phàm nhập thánh khác, cũng của Phật giáo Mật tông Tây Tạng, đại sư Langri Thangpa Dorje Senge qua Tám Đoạn Thi Kệ Chuyển Hóa Tâm Thức. Một bài thơ linh diệu được truyền tụng khắp vùng lục địa Châu Á, được chính đức Đạt Lai Lạt Ma và tất cả mọi thánh triết, hiền nhân trên thế giới đều học thuộc lòng và thường xuyên miên mật áp dụng thực hiện. Nguyên tác tiếng Tây Tạng, nhan đề Blo-Sbyong Tsig-Brgyad-Ma do Phạm Công Thiện chuyển dịch sang Việt ngữ :



I

Quyết tâm thành tựu
Sự hạnh phúc rộng lớn nhất cho tất cả sinh vật
Điều này còn hơn cả viên ngọc như ý
Tôi nguyện sẽ thường xuyên, liên tục thương yêu, quý mến hết thảy mọi chúng sinh

II

Khi chung đụng với người khác
Tôi tự xem mình như là kẻ thấp hèn nhất trong mọi người
Và trong tận đáy lòng sâu thẳm của tôi
Luôn luôn trân trọng, kính quý những kẻ khác, coi họ như tối thượng


III

Quán chiếu, xem xét sự lưu chuyển liên tục của tâm thức tôi trong tất cả mọi cử chỉ, hành động
Nếu một lúc nào đó, có nỗi ưu sầu, đau đớn nào đột nhiên phát khởi dậy
Gây tai hại cho chính tôi và cho những kẻ khác
Tỉnh thức đối mặt, nhìn thẳng vào nỗi phiền não ấy, tôi liền chuyển hóa, làm tan biến nó đi


IV

Khi chạm mặt với một người có tâm địa ác độc
Với người ngu si bị sai khiến, điều động bởi những điều nham hiểm, gian trá và bởi nhiều sự tàn bạo, điên rồ
Tôi vẫn quý thương, ngưỡng mộ người ấy, người thực khó thấy
Giống như mình bắt gặp một kho tàng trân châu vô cùng quý báu

V

Khi những kẻ khác vì ghen ghét, đố kỵ
Đối đãi tôi tệ bạc, sỉ nhục, lăng mạ, chửi rủa tôi đủ điều tàn nhẫn
Tôi cũng hoan hỷ chấp nhận những tiếng lời nặng nề, ghê gớm của họ
Và nhường cho họ hoàn toàn sự đắc thắng


VI

Khi có một người mà tôi giúp đỡ tận tình
Tôi đặt hết niềm hy vọng lớn lao vào người ấy
Nhưng rồi, chính người ấy lại giáng xuống đầu tôi bao nhiêu tai họa khủng khiếp
Tôi cũng xem người ấy như một người bạn tâm linh cao tột, như một bậc thầy, một thiện tri thức đúng nghĩa của tôi


VII

Nói gọn lại, tôi xin hiến dâng, trao tặng lợi ích tốt lành, hạnh phúc trọn vẹn cho hết thảy những người mẹ, mọi mọi mẫu thân
Trong cuộc đời này và trong cả sự luân lưu, tiếp diễn miên trường, vạn đại mai sau
Và một cách kín đáo, tôi xin chịu nhận lãnh cho bản thân
Tất cả những tai nạn, khốn khổ, lao đao của tất cả những người mẹ tôi


VIII

Hơn nữa, vì không nhiễm dính vào tám cơn gió loạn của thế gian như được và mất, khen và chê, sướng và khổ, danh thơm và tiếng xấu
Bởi nhìn thấy rõ ràng, tường tận tất cả những hiện tượng trong vũ trụ, nhân sinh đều là huyễn hóa, huyễn hoặc
Tôi liền thoát khỏi sự chấp trước, bám viu và được giải phóng, giải thoát khỏi mọi sự nô lệ, buộc ràng của thế gian***



Chuyển Hóa Tâm Thức là một bài thơ kỳ vĩ, bất khả tư nghì, do đạo sư Langri Thangpa Dorje Senge ngâm nga vang lừng trên những dãy núi cao nguyên, tuyệt mù tuyết phủ Hy Mã Lạp Sơn, rờn lạnh. Tiếng thơ ngân rền vang dội ầm ầm sấm sét, vọng xuyên qua đèo cao lũng thấp, chập chùng xuống vùng châu thổ, phố thị, làng mạc, bình nguyên…

Tiếng thơ thần diệu, vô tiền khoáng hậu đã âm thầm chuyển hóa tâm hồn tột độ, rốt cùng, toàn diện, thể hiện một tâm đạo Bồ đề tâm tối thượng thừa bao la hoằng viễn, vô lượng vô biên. Huyền đồng cùng tự tánh thanh tịnh, nhất như bình đẳng, độc đáo vô song. Bồ đề tâm thâm hậu như Phạm Công Thiện diễn đạt tuyệt hảo : “Bồ đề tâm trong nghĩa phi thường tuyệt đối là chứng nhập, liễu tri vô tự tính của tất cả mọi sự, tức là Không Tính. Nghĩa là Đại Trí xuyên thấu đại mộng, xuyên vào tất cả những huyễn hóa giả hiện của tất cả những gì xảy ra trong nội tâm, trong vũ trụ và cả ngoài vũ trụ bao la vô hạn.”***

Trăng ngàn mây nước chảy tuôn nguồn mạch suối thiền qua nhiều sa mạc hoang vu, len lỏi quanh co, gập ghềnh khúc khuỷu, chịu đựng tuyết băng thử thách, lách mình qua nhiều trắc trở gai chông… Dòng thiền vi diệu, trong trẻo thanh lương đã vượt qua bao rừng núi mịt mù sương phủ, rồi đổ xuống vùng bờ biển xanh biếc Việt Nam, tựu thành một nhánh Thiền Trúc Lâm Yên Tử từ cuối thế kỷ XII kéo dài mãi tận đến bây giờ. Sơ Tổ Trúc Lâm Điều Ngự Giác Hoàng ( 1258 - 1308 ) trước kia là vua Trần Nhân Tông, năm 40 tuổi ( 1298 ) nhường ngôi cho con là Trần Anh Tông và phát tâm đại nguyện xuất gia, quyết chí lên đỉnh núi rừng thiêng Yên Tử học đạo với các bậc thầy thâm hậu.

Tuyệt diệu làm sao ! Đấng quân vương thượng đẳng, lặng lẽ trút bỏ ngai vàng, điện ngọc lên đường, thực hiện một bước đi phi thường, chọn am mây nhập thất, dụng công quyết liệt, hành trì miên mật và đã trở thành một vị thiền sư uyên áo với khúc hát Cư Trần Lạc Đạo an nhiên :

Ở đời vui đạo hãy tùy duyên
Hễ đói thì ăn mệt nghỉ liền
Kho báu trong nhà thôi tìm kiếm
Đối cảnh vô tâm chớ hỏi thiền

Chỉ cần 4 câu thơ thôi, đủ nêu bật yếu chỉ của Thiền tông. Sống giữa đời bằng thái độ vô tư, vô chấp, cứ tùy hỷ, tùy duyên thì mọi việc đều rỗng rang trôi chảy. Tự tri, tự biết trong tâm mình vốn sẵn đủ trí tuệ rồi, nên không còn chạy kiếm tìm chi nữa. Bản tâm này là kho tàng châu báu vô lượng, dùng hoài chẳng bao giờ hết. Vậy hãy quay về mở cửa lòng ra mà tha hồ sử dụng. Cứ ung dung với nụ cười tỉnh thức, trong lòng không nhiễm vướng, trước muôn sự việc xảy ra thì cần chi phải khổ nhọc hỏi thiền, vấn đạo làm gì thêm hao hơi tổn sức ?

Phải chăng, đó là cái thấy thấu thị của Sơ Tổ Trúc Lâm cũng như của Tuệ Trung Thượng Sỹ ? ( 1230 - 1291 ) Một bậc kỳ nhân dị thường làm dậy sóng nguồn thiền ầm vang lên tận đỉnh ngàn cao xanh lồng lộng của tâm linh. Chính vua Trần Nhân Tông lúc còn niên thiếu đã được Tuệ Trung Thượng Sỹ dạy dỗ giáo dục. Hôm từ giã thầy trở về hoàng cung, ngài hỏi : “Yếu chỉ Thiền tông là gì ?” Tuệ Trung Thượng Sỹ trả lời: “Hãy nhìn trở lại nơi mình là phần sự gốc, chứ không phải từ bên ngoài mà được.”

Đúng vậy, đấy là tự tri tự giác, tự mình trực nhận, đốn ngộ, kiến tánh ngay nơi đương xứ tức chân, chứ tuyệt nhiên không nên hướng ngoại tầm cầu ở đâu đâu bên ngoài, tận chốn nào xa lơ xa lắc. “Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi.” Đức Phật đã nói như thế. Hãy hùng tâm tráng khí, tự tin, quyết chí thì mới có cơ may nhận diện được cái mặt mũi xưa nay của chính mình, như thiền sư Quảng Nghiêm ( 1122 - 1190 ) từng khích lệ : “Làm trai dốc chí xông trời đất. Chớ dẫm Như Lai bước đã qua.”

Hòa nhịp cung cầm như thế, Tuệ Trung Thượng Sỹ đi về thế giới ta bà, rong chơi nhàn hạ vì đã khám phá ra kho tàng ngọc quý ở ngay trong lòng mình rồi. Cầm cây tuệ kiếm Kim Cang ngoạn du thỏa thích, tung hoành ngang dọc khắp nơi, mọi chốn như chỗ không người. Vung gươm tuệ chém đứt những sự phân biệt của đối đãi như có không, sống chết, đến đi, giàu nghèo, được mất, hơn thua, đúng sai, phải trái, chê khen, ghét thương, sướng khổ, thiện ác, trí ngu… Đưa con người trở về với cái đang là, đưa muôn vật trở về Như. Một khi đã mở được kho báu, đẩy cửa vào thực tại hiện tiền, triệt ngộ tự tánh thanh tịnh vô vi, Tuệ Trung Thượng Sỹ phiêu bồng, thõng tay vào chợ rong chơi, thể hiện cái thần khí đặc thù ấy là bài thơPhóng Cuồng Ca xuất thần bát ngát :

Trời đất liếc trông hề sao thênh thang
Chống gậy chơi rong hề phương ngoài phương
Hoặc cao cao hề mây đỉnh núi
Hoặc sâu sâu hề nước trùng dương

Đói thì ăn hề cơm mười phương góp
Mệt thì ngủ hề nơi chẳng quê hương
Hứng lên hề thổi sáo không lỗ
Lắng xuống hề đốt giải thoát hương

Mỏi nghỉ chút hề đất hoan hỷ
Khát uống no hề tiêu dao thang
Quy Sơn láng giềng hề chăn con trâu đất
Tạ Tam chung thuyền hề trỗi khúc Thương lang

Thăm Tào Khê hề ra mắt Lư Thị
Viếng Thạch Đầu hề sánh vế lão Bàng
Vui ta vui hề Bố Đại vui sướng
Điên ta điên hề Phổ Hóa điên gàn

Chà chà bóng ngày hề qua khe cửa
Ối ối mây nổi hề mộng giàu sang
Chịu sao hề thói đời ấm lạnh
Đi chi hề gai góc đường quan

Sâu thì nhón gót hề cạn thì dấn bước
Dùng thì phô ra hề bỏ thì ẩn tàng
Buông bốn đại hề đừng nắm bắt
Tỉnh một đời hề thôi chạy quàng

Thỏa nguyện ta hề rỗng rang tĩnh lặng
Sống chết bức nhau hề ta vẫn như thường****

Phóng Cuồng Ca đích thực là bản tiêu dao ca quá cùng thâm thúy. Tiếng hát ấy bay lên từ trái tim rực ngời pháp khí, siêu quần bạt tụy, là điệu thở phiêu nhiên thoát tục giữa bình sinh cuộc sống đời thường. Phóng Cuồng Ca là một thái độ tự khiêm hạ mà cũng biểu lộ tính chất tự tại của một tâm hồn thượng đạt, thấu triệt lẽ tử sinh, là khúc hát ngông nghênh xiêu quàng, nghêu ngao chuếnh choáng, thoát khỏi mọi ràng buộc hạn hẹp nhỏ bé của thế gian, bằng điệu cười hào sảng phóng khoáng, đại quang minh.

Tinh thần giải thoát trác việt của Thiền tông là nguồn cảm hứng thâm trầm, bay dậy khắp muôn phương, thấm nhuần toàn thể thế giới hoàn cầu nói chung và đại lục Châu Á nói riêng, thiền như cánh bướm trắng băng qua đại dương đến tận miền viễn đông xứ hoa Anh Đào Nhật Bản, kết tinh thành thơ haiku, thể hiện tài tình một cách hàm súc, độc đáo qua những bài thơ cô đọng của Basho ( 1644 - 1694 ) một thiền sư thi sĩ phiêu bồng suốt trọn một đời phiêu lãng, rong ruổi dưới trời xanh :

Một lữ khách
Tên tôi là như thế
Giữ nhân gian này

Trần gian là quán trọ cho khách lữ ghé qua, là cõi tạm dừng chân cho thi sĩ nghỉ ngơi, thưởng thức những vẻ đẹp phù du như kiệt tác Con Đường Sâu Thẳm của Basho, hướng về uyên nguyên vĩnh cửu, phơi phới trời mây :

Trên con đường này
Giữa chiều thu nọ
Ai về chẳng hay

Phải chăng, đó là trạng thái vô tâm trước những sự kiện hiển bày ? Có một lần vân du qua rặng núi Phú Sĩ đầy tuyết trắng, Basho ghé trọ một lữ quán, bất ngờ gặp các kỹ nữ đang ngủ say giấc nồng, thi nhân chạnh lòng cảm thương :

Quán bên đường
Các kỹ nữ nằm ngủ
Trăng và đinh hương

Ta bà cảnh giới thành Tịnh độ là như thế, mắt biếc thiền sư nhìn thấy mà không nhiễm dính chẳng mắc vướng, vẫn thong dong tự do tự tại. Cõi thơ Basho bàng bạc trăng sương, ngạt ngào hoa cỏ, lãng đãng gió mây và chập chờn chim bướm lượn vờn quanh gót du hành trên cuộc lữ thi ca :

Ôi đóa nazuna
Chú tâm nhìn thật kỹ
Bên giậu rào trổ hoa

Mỏi gót lang thang
Quán trọ nào ghé lại
Gặp hoa tử đằng

Giữa cuộc đăng trình
Chỉ còn mộng tôi phiêu phưỡng
Trên cánh đồng hoang*****

Nhẹ nhàng giản dị, những bài thơ tuy ngắn gọn đơn sơ mà vô cùng chơn mỹ, đẹp như những cụm mây trời trong nắng sớm tinh sương hay chiều thu mưa giữa biển đồi xanh lấp loáng, phản ánh nếp sống thiền Nhật Bản. Đối với họ, cuộc sống thường nhật là đạo, bất cứ phương diện nào của cuộc sống như uống trà, cắm hoa, võ thuật, viết chữ, ngao du… đều là đạo là thiền, là thơ là nhạc hết thảy.

Khởi mạch nguồn thơ thiền bắt đầu từ thời Thế Tôn khơi mở trên tuyệt đỉnh Linh Sơn chập chờn phù vân Ấn Độ. Trào tuôn ngút ngàn qua mấy dải sa mac mênh mông vào lục địa Trung Hoa chập chùng sông núi. Trùng trùng điệp điệp chất ngất chợt bừng sáng, dâng lên bềnh bồng sương khói trời mây Tây Tạng xa vời, rồi mênh mang tràn xuống muôn trùng rừng biển Việt Nam đến tuyệt cùng bao la xanh ngần Nhật Bản…Bát ngát mở ra không bờ bến, trên cuộc về vô tận, vô sở trú của các thiền sư thi sĩ dị thường giữa trời thơ đất mộng phiêu bồng thi ca.



Tâm Nhiên



* Huyền Giác. Chứng Đạo Ca. Trúc Thiên dịch. Lá Bối xuất bản, Sài Gòn 1970

** Milarepa. Gởi Lại Trần Gian. Đỗ Đình Đồng dịch. Hiện Đại xuất bản, Sài Gòn 1970

*** Phạm Công Thiện. Nét Đẹp Tinh Túy Trong Sáng Của Đạo Lý Phật Giáo. Thành Phố HCM xuất bản 2002.

**** Tuệ Trung Thượng Sỹ Ngữ Lục. Lý Việt Dũng dịch giải. Mũi Cà Mau xuất bản 2003

***** Nhật Chiêu. Basho Và Thơ Haiku. Văn Học xuất bản 1994

Giải Pháp Cho Việt Nam ở Đâu?







Từ khi có những cuộc nổi dậy của quần chúng Trung đông và Bắc phi, với phương tiện và lực thông tin ngày nay, khắp nơi từ những xã hội đang sinh hoạt trong mô thức dân sự cho đến những xã hội còn bán khai nô lệ quyền lực nhà nước, chủ nghĩa quốc gia v.v đều ngỡ ngàng … và tìm mọi ngôn từ để lý giải , qui kết và dự đoán những biến chuyển nối tiếp. Những lý giải nhận định qui kết và dự đoán có nhiều khác nhau, tuy nhiên một sự kiện không thể phủ nhận, đó chính là sự THAM DỰ TRỰC TIẾP TỰ NGUYỆN của mọi tầng lấp khuynh hướng trong quần chúng. Đặc điểm cần ghi nhận là qua những nỗ lực và cường độ đàn áp bằng vũ lực của các nhà nước bị chống đối, chúng ta thấy rất rõ sự THAM GIA này của quần chúng RẤT KIÊN CƯỜNG, họ bất chấp hình thức và cường độ đàn áp, từ việc bắn sẻ, bắt bớ đánh đập, và tấn công bằng cả phương tiện quân sự an ninh … Vì vậy chính điều này đã khẳng định việc HÀNH ĐỘNG có NHẬN THỨC của những người tham gia: Họ đã biết họ MUỐN GÌ và chấp nhận cái GIÁ PHẢI TRẢ cho ƯỚC MUỐN đó.


Từ Tunisia , xã hội có lợi tức bình quân 9,500 Mỹ kim , qua Yemen, 2,600 Mỹ kim, rồi Ai Cập, 6,400 Mỹ kim, Jordan, 5,600 Mỹ kim, Syria ,5200 Mỹ kim và Libya 14,900 Mỹ kim với chế độ bao cấp kinh tế vật chất thật đầy đủ cho người dân; và cả đến hai chế độ vương quyền hồi giáo vững chắc nhất có đời sống kinh tế vật chất tương đối rất cao trong khu vực như Arab Seoud, (Per Capita 24,000 Mỹ Kim) Bahrain (38,400 Mỹ Kim), người dân mọi tầng lấp cũng đang thức tỉnh. Bởi vì việc đòi hỏi của quần chúng không đi từ khát khao đòi hỏi vật chất kinh tế như chúng ta thấy rõ qua sự chênh lệch và khác biệt mức phát triển kinh tế của các xã hội này, mà chính là khát vọng được TỰ DO BÌNH ĐẲNG, đòi hỏi giá trị tinh thần, giá trị Con Người, nói ngắn gọn là DÂN CHỦ. Đây mói chính là điểm “thức tỉnh” mẫu số chung của người dân trong các CAO TRÀO ĐẤU TRANH BẮC PHI.
Mẫu số chung của các chế độ chính trị đang bị phản kháng chống đối là ĐỘC TÀI, và mẫu số chung của quần chúng mọi tầng lớp của các xã hội đang vùng dậy là DÀNH LẠI TỰ DO BÌNH ĐẲNG, , đi từ nhận thức rõ về QUYỀN CON NGƯỜI và QUYỀN DÂN CHỦ của chính họ.
Ngoài những xã hội đang biến chuyển này, chúng ta cũng thấy nổi lên những ƯỚC MONG NÔN NÓNG của những xã hội khác ở những cấp độ khác nhau,như Qatar, Lào, Miên, Trung, Quốc, Viêt Nam v.v Nhưng “ước mong” cũng chỉ đi từ sự “nôn nóng” ngó ra ngó vào từ một thiểu số “bắng nhắng” lạc lõng yếu ớt nằm bẹp dí lạc lõng trong nỗ lực tuyên truyền ào ạt từ guồng máy cầm quyền cai trị trong mục tiêu đánh lạc hướng nhận thức của quần chúng.


Riêng ở Viêt Nam, từ trước và sau, từ những biến chuyển Đông Âu, cho đến những biến chuyển đấu tranh dân chủ của người dân Trung đông, tình hình quần chúng cũng vẫn không thay đổi. Trong xã hội, người dân vẫn không quan tâm ngoài cơm áo gạo tiền, và những kẻ lao xao, vẫn chỉ là những “van xin dân chủ” rồi “chờ đợi ban phát dân chủ”, rồi “kiến nghị xin cho dân chủ”? Mà cũng chỉ có từ một hai dúm người được tâng bốc và thổi phồng thành những “nhà dân chủ, nhà đối kháng, nhà tranh đấu” v.v từ các báo đài của Việt Kiều Chống Cộng, chứ không phải nổi lên từ hậu thuẫn ủng hộ của quần chúng bản xứ.
Tại sao lại có thể lạ lùng như vậy? Tại sao sự trỗi dậy của quần chúng lại xẩy ra ở những xã hội mà người dân đã từng lạc hậu thuần phục quyền lực chính trị và giáo quyền đến hàng thế kỷ, và lại xảy ra ở mức độ phát triển kinh tế khác biệt nhau như vậy? Và tại sao ở những xã hội như Viêt Nam lại lặng lẽ, và chỉ đẻ ra được những màn kịch ấm ớ như vậy? Và cũng chỉ có ở Việt nam mới có những “phong trào dân chủ xin cho và nhờ cậy ” (hiện nay còn có thêm phong trào dân chủ CHỜ THỜI, Dân Chủ Thiên Thời Địa Lợi Nhân Hoà" nữa!!!) quái đản như vậy?


Ở đây, Vấn đề không phải là biện pháp và thủ đoạn của bọn nhà nước chính phủ cầm quyền. Bởi có bọn nhà nước nào không thường xuyên tuyên truyền để đánh lạc hướng nhận thức quần chúng và xử dụng bạo lực quân đội và an ninh, nhân danh an ninh tổ quốc khi cần đến giải pháp đàn áp? 
 Vậy chỉ còn một nhân tố CẦN CÓ THAY ĐỔI, cần có KHÁC BIỆT đó là người dân VIỆT NAM. Quần chúng Viêt Nam không có, hay chưa có cái MẨU SỐ CHUNG của quần chúng ở những xã hội đang trỗi dậy.
Cái MẪU SỐ CHUNG đó chính là NHẬN THỨC GIÁ TRỊ TỰ THÂN, tức là nhận thức ra được giá trị quyền làm người, quyền làm công dân của chính mình. Những cái quyền này nó đẻ ra, dựng lên PHƯƠNG TIỆN chính phủ nhà nước. Chứ không phải là nhà nước chính phủ là chủ thể có năng lực tạo ra hạnh phúc ấm no cho xã hội quần chúng như người Việt Nam bị nhồi nhét và tin tưởng hàng bao ngàn năm nay. Và hôm nay, cái MẪU SỐ CHUNG của QUẦN CHÚNG trong các xã hội Tunisia, Ai cập, Syria, Yemen, Bahrian v,v là NGƯỜI DÂN KHÔNG THỪA NHẬN TÍNH CHÍNH ĐÁNG trong vai trò CAI TRỊ của BỌN NHÀ NƯỚC CHÍNH PHỦ NỮA!


Nhưng nhận thức giá trị tự thân này không phải bỗng nhiên “đột biến’ trong quần chúng mà có. Nó lại càng không thể có được chỉ đơn giản từ sự hiều biết rồi ngóng cổ mong đợi và trông chờ từ NGƯỜI KHÁC thực hiện. Nếu ai cũng biết, cũng hiểu, rồi thò thụp vén cửa sổ nhìn ra chung quanh xem có ai “lội nước” đi trước để mình “theo sau” với những lý do, lý cớ rất “chính đáng”, thì một cách hợp lý và thuận lý là CHẲNG BAO GIỜ CÓ CAO TRÀO ĐẤU TRANH nào cả…Bởi cả xã hội, kẻ trong người ngoài, ai cũng thể hiện cái quyền chổng mông ngồi ước mong và NGỒI CHỜ (thời cơ Thiên Địa Nhân) của mình. Nhưng chắc chắn luôn luôn có một cao trào “thường trực” trong xã hội…đó là cao trào “mong chờ người khác” và cao trào “hô hoán người khác đấu tranh.”
Một cao trào đấu tranh dân chủ thật sự nó không bao giờ có thể xảy ra ở một xã hội mà trong đó người dân không có tí hiều biết gì về chính cái quyền , cái giá trị nhân phẩm của chính họ ngoài miếng cơm manh áo; và nó càng không thể xảy ra khi mà ngay cả giới khoa bảng, giới hiểu biết của họ sống trong một nền “triết học dân tộc”- “nhân sinh quan dân tộc”.
Bởi suy luận thật khoa học biện chứng và đối chiếu ngay với thực tại, thì rõ ràng xã hội Việt nam hôm nay người ta đang chạy đua dành giật chen lấn nhau để “ăn cỗ đi trước”; và dĩ nhiên cũng rõ ràng những lãnh vực đòi hỏi phải “lội nước” thì CHẲNG THẤY AI ĐI TRƯỚC CẢ.. tất cả đều chờ “theo sau”.. . Đó là lý do chúng ta chưa thể có, và sẽ KHÔNG THỂ CÓ CAO TRÀO ĐẤU TRANH DÂN CHỦ ĐÚNG ĐẮN và ĐÍCH THẬT. Và thế là mọi người sống trong tâm tưởng của nhà thơ vừa bệ rạc vừa hạ cấp của đất Vị Xuyên trong bài “Chợt Giấc” tức là “chợt tỉnh giấc ngủ”:


Nằm nghe tiếng trống, trống canh ba
Vừa giấc chiêm bao chợt tỉnh ra
Thiên hạ dễ thường đang ngủ cả
Việc gì mà thức một mình ta ?. ...



Đấy! Cái não trạng và tâm trạng vừa mới có cơ hội tỉnh ra, nhận thức ra… nhưng chợt nghĩ đi nghĩ lại.. dáo dác xem có ai “thức” để “chia gánh nặng” với mình hay không? Dù vậy cũng đành, nhưng cũng không chịu khó cất bước xuống giường, sắn gấu quần xỏ dép để đi quanh xem có ai thật sự đang thức như mình hay không, mà chỉ kịp suy bụng ta ra bụng người , hoặc trong trường hợp này là suy bụng NGƯỜI ra bụng TA rằng “thiên hạ dễ thường đang ngủ cả” để cho mình cái lý cớ chính đáng lăn đùng ra ngủ tiếp một cách êm ái…
Não trạng của quần chúng Viêt Nam và tâm trạng của những người có cơ hội BIẾT và HIỂU trước xã hội của chúng ta hiện nay đúng là như thế đấy! Chúng ta thức tỉnh rồi, nhưng không đi đánh thức người khác, mà khi chỉ cho rằng (hoặc thấy rằng) người khác đang ngủ vùi, rồi bỗng nghĩ lại thấy THỨC TỈNH TRƯỚC thế này, chả biết có ai cùng với ta “chia sẻ bớt gian khồ khó khăn” trong đêm đen gần như tuyệt vọng này hay không, thế thì thiệt thòi quá, …Tội gì mà thức tỉnh, gánh vác một mình… và quyết định NẰM VÙI NGỦ NƯỚNG…hoặc không ngủ lại được… thì lẩn quẩn trong nhà lâu lâu vạch cửa sổ ngó qua khe cửa nhìn ra ngoài NÔN NÓNG, MONG MỎI xem có ai đã thức và đã ra ngoài chưa? Nếu có người ra ngoài rồi ,mà còn ít, thì "chưa phải là thời cơ, chưa chín mùi", cứ chờ ngóng thêm xem có thêm ai ra trước nữa không?


Chúng ta, những người có cơ hội “đột biến” biết được hiểu được, nhưng CHƯA HIỂU hay chưa NHẬN THỨC được rằng bản thân CÁ NHÂN mỗi chúng ta nhận thức, nó mới chỉ là bước đầu của một biến chuyển xã hội, chưa đủ để tiến trình thay đổi có chuyển động lực tác động. Chúng ta còn phải có trách nhiệm liên đới ĐI VẬN ĐỘNG, đánh thức người khác cùng thức tỉnh với mình. Nó tương tự như một khu xóm có trộm hoặc cháy nhà, để bắt trộm hoặc chữa cháy, người nhận ra đầu tiên phải khẩn cấp thét dục đánh thức mọi người cùng bắt trộm hoặc chữa cháy mới có kết quả.
Bởi bất cứ giá trị gì của XÃ HỘI CON NGƯỜI đều phải đặt thành một NỀN, nền Nhân Bản, Nền Tự Do, Nền Công Lý, Nền Dân Chủ , Nền Hạnh Phúc v.v tức có nghĩa GIÁ TRỊ đó là sự cộng hưởng hay sự tổng hợp của đại đa số mà hình thành. Cá nhân mỗi chúng ta KHÔNG THỂ CÓ hạnh phúc, công lý, tự do, dân chủ, công bằng v,v khi những người chung quanh chúng ta KHÔNG CÓ hoặc chưa có. Đó chính là TÍNH LIÊN LẬP của xã hội. Nếu không có tính liên lập xã hội, thì tất cả những cái gì thuộc CON NGƯỜI (chứ không phải thuộc động vật hai chân chỉ có bản năng sinh tồn căn bản,) tức thuộc Ý NIỆM, TINH THẦN như tình yêu, tự hào, tự ái, tự do bình đảng công lý, chân thiện mỹ v.v không cần được đặt ra nữa.
Cho nên lịch sử của nhân loại, và chúng ta hôm nay, đã và đang chứng kiến cái MẪU SỐ CHUNG của QUẦN CHÚNG này, nó luôn luôn được xây dựng từ những hành động vận động đơn lẻ từ NHỮNG CÁ NHÂN TIÊN PHONG, những cá nhân nhận thức trước , nhưng không chỉ đơn giản là giá trị tự thân, mà nhận thức được cả nguyên lý liên lập xã hội, trong đó TRÁCH NHIỆM LIÊN ĐỚI của mỗi CÁ NHÂN phải thực hiện với xã hội. Nhờ nhận ra nguyên lý LIÊN LẬP của CÁ NHÂN trong XÃ HỘI mà tất cả các CAO TRÀO đều có được tính CAN ĐẢM KIÊN TRÌ không chỉ của cá nhân một mình người vận động, mà còn là của cả một lớp người như một đam mê chân lý; nghĩa là những cá nhân có nhận thức đặt ra được MỤC ĐÍCH cụ thề, để từ đó tiến đến HÀNH ĐỘNG CỤ THỂ có PHƯƠNG PHÁP và có XẾP ĐẶT TỔ CHỨC .. Những hành động cụ thể với niềm đam mê, tính trách nhiệm liên đới này sẽ lôi kéo hấp thụ thu hút lẫn nhau, tích tụ thành khối quần chúng và trở thành CAO TRÀO như chúng ta đang chứng kiến trước mắt.


Hãy xét thực tế hiện trạng Việt Nam mà xem. . Người dân Viêt nam, nghèo đói, thiếu thốn vật chất hàng thế kỷ, từng thèm thuống từng cái quần cái áo, them thuồng ước mơ những gia dụng tầm thường vớ vẩn như bàn chải cái đồng hồ, điện thoại v.v nay bỗng nhiên trong vài mươi năm, do phong trào kinh tế toàn cầu, sau thời kỷ chiến tranh lạnh, với nhu cầu mở rộng thị trường của các tập đoàn đại bản, những mặt hàng tiêu thụ từng là mơ ước khó đạt, nay ào ạt đẩy vào tràn ngập mặt hàng tiêu thụ, ở mức gần như ngang bằng bất cứ nơi nào trên thế giới, không còn quá cách biệt. Chỉ còn cách biệt là lợi tức khả năng mua sắm mà thôi. Xã hội Viêt Nam là một xã hội tư bản đúng nghĩa nhất của nó với những đặc tính mà Karl Max lên án.

Lại thêm những trò dối trá khoa trương của bọn chống cộng tàn dư của chế độ Ngụy VNCH còn tồn đọng, đặc biệt là tại Mỹ. Bọn này là chuyên gia sản xuất tin đồn vặt vãnh và những bức tranh hoang tưởng không thật về nước Mỹ, một nước Mỹ “vì dân chủ toàn cầu” trong trí tưởng tượng của họ. Cho nên, cả hai thế lực Phỉ -Ngụy này nó đẻ ra hàng loạt những thông tin đã không chuẩn xác lại phi dân chủ, phi dân trí… Nội dung, một bên chỉ đầy đặc những xúi dục và tố Cộng vớ vẩn, và bi quan hóa Viêt Nam, như mỉa mai bóng gió những chuyện vụn vặt trẻ con v.v Bên kia, đối nghịch lại là những tán tụng ngợi ca Đảng, thành quả nhà nước, thi thoảng pha lẫn những nhận định phê phán cực kỳ xu nịnh với những diễn giải vừa lố bịch trơ trẽn, vừa không có tính xác thật của kiến thức căn bản nhất, dù là kinh tế, xã hội hay chính trị. (cứ xét đơn kiện và những đòi hỏi của nhà "đại khoa bảng" Cù Vũ là biết.)
Cả hai chiều thông tin tuyên truyền này, đều xoay vần chung quanh chủ nghĩa Ái quốc, quốc gia dân tộc để tấn công nhau và tâng bốc phe mình. Nó đẻ ra những màn kịch cực kỳ nguy hại như những nhóm “dân chủ xin cho” “dân chủ mong chờ” v.v gồm đủ thành phần đứng đầu bảng xã hội như đám mệnh danh Lão Thành, Giáo Sư Tiến Sĩ, Tăng Lữ, Tu sĩ , Linh Mục, Hòa Thượng v.v với những phát biểu cực kỳ lạc hậu, ấm ớ và ngây ngô phi dân trí, không có một tí kiến thức căn bản về chính trị, về dân chủ, pháp luật v.v.. Tất cả những thứ rác rưởi này, nó tràn ngập từ mặt đất cho đến trên thế giới ảo trang mạng chính qui, những trang tạp bút cá nhân. Thế nhưng những bài viết phản biện, lý giải nhận định vạch ra những bịp bợp phi kiến thức của hai thế lực này lại cực kỳ hiếm hoi. Hiếm hoi không chỉ so với số lượng của cả hai thế lực Phỉ và Ngụy, mà hiếm hoi so ngay với số người đã có nhận thức. Bởi số người nhận thức có được nếu là MƯỜI, thì hành động trách nhiệm dấn thân thực tiễn cũng chỉ mới có MỘT.


Người dân Viêt Nam, những ai có thiện chí muốn đi tìm sự hiều biết đúng đắn cũng không biết xoay vào đâu? Và hệ quả là LÀM SAO MÀ CÓ ĐƯỢC MỘT CAO TRÀO QUẦN CHÚNG khi mà quần chúng không chỉ ngủ vùi mà còn bị xông thuốc mê từ mọi phía, không gian dày đặc độc tố hủy hại dân trí, và KHÔNG AI NỖ LỰC MỞ TOANG CỬA RA và ĐÁNH THỨC HỌ?
Vấn đề hôm nay không còn đơn giản chỉ là dân trí người dân Viêt Nam chưa có, hoặc thấp kém nữa, mà chính là ở chỗ những người biết trước hiểu được chưa NHẬN THỨC ĐÚNG ĐẮN để biến sự nhận thức hiểu biết tiên phong của mình thành hành động cụ thể trong tinh thần và nguyên lý trách nhiệm liên đới của mỗi cá nhân trong một xã hội, nhất là trong vị trí TIÊN PHONG không chọn lựa của mình trong hoàn cảnh xã hội đương thời.
Giải pháp nằm trong ý chí quyết định dấn thân hành động thể hiện nhận thức của mỗi cá nhân con người trong xã hội. Không có hành động cụ thể của một cá nhân, từ một cá nhân thì chẳng bao giờ có cao trào trong xã hội. Bởi vì quốc gia, xã hội, hay cao trào v.v chỉ là cái tên để gọi sự tổng hợp của nhiều cá nhân chung sức lại mà thôi. Con số một, mười, một trăm, một triệu v.v chỉ là cái tên để chỉ NHỮNG CON SỐ MỘT GOM CHUNG LẠI.. Không có MỘT, và nhiều cái MỘT HỢP LẠI để khởi đầu làm sao có được MỘT TRIỆU???


================
NKPTC