Thứ Tư, 22 tháng 4, 2015

Khởi Điểm Nào Cho Chúng Ta?


Những Cảm Nghĩ Cuối Năm Thập Niên đầu của Thế Kỷ 21


Cuộc chiến tranh lạnh giữa khối theo Tây Phương do Mỹ lãnh đạo đối đầu với khối cộng sản  do Sô Viết chủ trì kéo dài đăng đẳng với sự đe dọa một cuộc chiến nguyên tử từ sau đệ nhị thế chiến đã chấm dứt vào cuối thế kỷ thứ 20 với không chỉ là việc thở phào nhẹ nhõm khỏi nỗi lo sợ một cuộc chiến tranh nguyên tử giũa hai khối đại cường, mà còn đưa đến nhiều kỳ vọng, nhất là kỳ vọng “toàn cầu hóa nền dân chủ”. Nhân loại tưởng đã bước vào thế kỷ thứ 21 với nền hòa bình thịnh vượng trong sự hợp tác cởi mở không biên giới giữa các quốc gia, và theo "cách đếm cua dân chủ trong lỗ đại bản" của các "chuyên gia" cánh hũu, những thể chế chính trị phi dân chủ sẽ xụp đổ, và con người sẽ tiến thêm một bước kiện toàn nền dân chủ tự do của nhân loại trong nền kinh tế "tư bản thị trường"! Nhưng tất cả đã quay ngược hướng ngay ở đầu thập niên của thế kỷ 21.

Khi các nền độc tài đủ hình dạng vẫn còn đó, nếu chưa muốn nói là tồi tệ hơn, móng vuốt thực sự của nền tập đoàn đại bản trị (corporate state) núp bóng, hay thật ra là tung chiêu bài “toàn cầu hóa” khởi động tấn công vũ bão và lũng đoạn triệt để toàn bộ hệ thống chính trị kinh tế khắp nơi. Những xã hội phi dân chủ độc tài càng độc tài hơn, và những xã hội dân chủ lại biến dạng thoái hóa trở thành phi dân chủ bạo ngược và chủ chiến. Đúng nghĩa toàn cầu. hóa, nhưng là toàn cầu hóa băng hoại của định chế nhà nước chính phủ và đại bản tập quyền.

Thập niên đầu của thế kỷ 21 đã chứng kiến cuộc khủng hoảng toàn diện của xã hội CON NGƯỜI nói chung: kinh tế, chính trị, văn hóa, chiến tranh, và hiểm họa chiến tranh với vũ khí nguyên tử gần kề hơn cả thời chiến tranh lạnh. Người nghèo đói cùng khổ càng ngày càng gia tăng, ngay cả ở những xã hội giầu có như Mỹ, tiến bộ như Âu Châu, Úc Châu v.v và nhất là sự bất lực của nền DÂN CHỦ ĐẠI BIỂU của các xã hội tiên tiến nói riêng, trong KHẢ NĂNG ngăn ngừa và chặn đứng những tội phạm của nhà nước chính phủ và lực đại bản đã gây ra cuộc khủng hoảng băng hoại toàn diện này.

Sự phá sản toàn diện Chủ nghĩa TƯ BẢN và chủ nghĩa Quốc Gia Nhà nước

Cuối thế kỷ thứ 20, với sức tràn như vũ bão của tư bản, của hàng hóa gia dụng, của nền kinh tế tiêu thụ, điều mà người ta ngộ nhận hay bị lừa phỉnh gọi là “toàn cầu hóa”, khiến nhiều “chuyên gia” và nhiều người đã hồ hởi ngỡ là làn sóng thay đổi cơ chế chính trị sẽ lan tràn và hoàn tất vào cuối thế kỷ 20 sau trận sụp đổ hàng loạt của nền cộng sản  Sô Viết. Sự HỒ HỞI TAI HẠI này, là do nhận dịnh sai lầm, ngây ngô gán ghép rằng chủ nghĩa tư bản đồng nghĩa với dân chủ tự do. Nhưng thực tế xảy ra hoàn toàn ngược lại! Các nền  cộng sản Á Châu  không chỉ đứng vững mà còn phát triển mạnh và đặc biệt còn được yểm trợ vững chắc hơn bởi chính các nhà nước chính phủ đại bản phương Tây do Mỹ lãnh đạo

Nhu cầu điều khiển thị trường toàn cầu trong mục tiêu tối hậu độc quyền “đoạt lợi tối đa” của chủ nghĩa tư bản đã khiến hàng loạt các đại công ty ồ ạt chuyển vốn, kỹ thuật, và cơ xưởng vào các đất nước xã hội chưa phát triển, để khai thác tài nguyên và dư thừa lao động với giá lao động rẻ mạt.Tiến trình này, khiến ngay tại chính quốc của những xã hội cao cấp này hụt hẫng mất cân bằng trong cung cầu. Hệ quả kế tiếp là sự gia tăng mất công ăn việc làm dẫn đến suy trầm kinh tế tiêu thụ và tệ nạn vỡ nợ nổ bùng từ cá nhân nhỏ đến các công ty tài chính, ngân hàng lớn. Nhờ vậy người ta đã chứng kiến tận mắt cấu trúc của guồng máy quyền lực lộ nguyên hình dưới ánh mặt trời trước mặt họ, chính là thế lực tập đoàn đại bản cấu kết chặt chẽ với định chế quyền lực chính trị của chủ nghĩa quốc gia nhà nước- Thế lực này, nhân danh vì an ninh quốc gia, ổn định xã hội, càng ngày càng xiết chặt xã hội, hủy diệt dân chủ, tháo gỡ dân quyền, và xâm phạm nhân quyền- và sự giầu có của thế lực này, do lừa đảo cướp bóc, càng tập trung gấp bội vào trong tay nhóm thiểu số quyền lực- trong khi đó, giới công nhân, thuờng dân càng nghèo đi và càng bấp bênh lệ thuộc và vô định.

Trong cùng lúc đó, ở các xã hội chậm tiến lạc hậu, một hiện tượng như là "phép lạ " cũng đã xảy ra: Lần đầu tiên trong lịch sử của đất nước xã hội họ, trong cuộc đời của quần chúng họ, một hoàn cảnh ồ ạt mặt hàng tiêu thụ, kể cả xa xỉ, những thứ mà chỉ cách đó vài năm, vẫn chỉ là ước mơ thèm khát, nay tràn ngập bất ngờ trong một thời gian cực ngắn đến choáng ngợp. Hiện tượng này được thổi phồng và to vẽ thêm bởi chủ đích tuyên truyền của bọn cầm quyền cai trị trong mục tiêu đánh lạc hướng nhận thức chính trị, tháo gỡ áp suất chống đối, khiến quần chúng ở những nơi này họ tưởng rằng họ đã phát triển và đang “hóa rồng”. Và hậu quả là họ sống quay cuồng, vồ chụp hăng say miệt mài: Tất cả hướng về đạt lợi, bất chấp sự biến dạng của chính xã hội và chính giá trị của họ. Thực chất, người dân của những xã hội này đang sống trên một nền kinh tế nở phình, bấp bênh bởi chân đứng của nền kinh tế “hóa rồng” này, chính là ‘HƠI THỔI” của những tập đoàn đại bản phương Tây mà chính họ đang gặp khủng hoảng nội tại.

Sự khủng hoảng nội tại của nền đại bản tập quyền được thấy rất rõ ràng khi trong cùng lúc họ vừa vội vàng thu hốt lợi nhuận từ các lãnh vực đầu tư chuyển công nghệ sản xuất đến nơi giá lao động rẻ và cưỡng trá tài chính ngay cả thị trường nội địa như chúng ta đang thấy nơi cuộc khủng hoảng tài chính, và họ lại vừa phải phát động chiến tranh thường trực, tạo căng thẳng thường trực hơn cả thời chiến tranh lạnh với nhãn hiệu “chống khủng bố, ngăn chặn tiềm lực khùng bố” v.v thực chất là để giữ vững nền kinh tế chính trị nội tại của họ: giữ vững nền sản xuất và tiêu thụ vũ khí, (lợi nhuận chính và sức đẩy kinh tế chính của tư bản còn tồn tại) và song hành xiển dương chủ nghĩa quốc gia nhà nước để tồn tại. Kết quả là không chỉ chiến tranh lan rộng và gia tăng, mà chính QUYỀN LỰC nhà nước lan rộng và gia tăng theo nhịp độ chiến tranh. Hệ quả tất yếu như những nhà dân chủ trước đây từng cảnh cáo, đó là nhân quyền, dân quyền , và tự do công lý đương nhiên phải là nạn nhân.

Đối với những xã hội từng tiến bộ hơn 200 năm nay, nền dân chủ đại diện phổ quát chưa tròn 250 tuổi của họ đã thoái hóa và đáng chú ý nhất là đã chứng tỏ KHÔNG CÓ KHẢ NĂNG bảo đảm nền tự do dân chủ, công lý nhân quyền cho xã hội con người. Nó không có khả năng bảo đảm tự do, công lý, vì không chỉ đơn giản là không có khả năng ngăn ngừa tội ác của nhà nước chính phủ, mà ngay cả khả năng ngăn chặn khi những tội ác này vi phạm và đã bị phơi bày rõ rệt cũng không có, như chúng ta đang chứng kiến.

Sự băng hoại của định chế nhà nước chính phủ qua sự cấu kết, hay nói rõ và chính xác, là bị điều khiển bởi thế lực tập đoàn đại bản, đã không chỉ lộ rõ nghênh ngang ở các xã hội có nền dân chủ đại diện, mà nó hiển lộ đồng bộ song sinh chặt chẽ với các xã hội độc tài tân phong kiến tập quyền, chưa từng dân chủ như Trung Cộng , Ả Rập v.v khi chúng ta gạt bỏ những cái tên thể chế chính trị qua một bên, chúng ta không còn thấy sự khác biệt nào đáng kể giữa hành xử chính trị của các xã hội này với bọn nhà nước dân chủ phương Tây hiện nay nữa. Bằng chứng càng rõ rệt khẳng định không thể phủ nhận với những tiết lộ phơi bày của Wikileaks trong hai năm vừa qua (2008-2010).
Trong thập niên thứ hai của thế kỷ 21, tiến trình khủng hoảng toàn diện sẽ tăng tốc và nhân loại tiến bộ sẽ phải chứng kiến những thảm nạn chiến tranh tinh vi và tàn bạo hơn giết chết lần mòn nền nhân bản của địa cầu. Chủ nghĩa tư bản đang thật sự phá sản với đầy đủ nanh vuốt của nó nhuốm đầy máu nhân loại như chủ nghĩa cộng sản từng nổi dậy và sụp đổ.

Hiện nay, nơi những xã hội từng có nền dân chủ, đại đa số quần chúng đang co rút vì những nỗi sợ hãi, hình ảnh đe dọa do chính nền đại bản trị và cơ chế nhà nước chính phủ tạo ra. Nhưng họ vẫn còn giới người đủ nhân trí và dân trí, luôn giữ vững được nhận thức giá trị tự thân, biết lo sợ cho nền nhân bản và tự do công lý, và họ vẫn đang nỗ lực vận động quần chúng liên tục về hiểm họa khủng hoảng toàn diện đang xảy ra để kêu gọi tiến hành một cuộc cách mạng thật sự thay đổi toàn diện cơ chế chính trị và tổ chức xã hội loài người tiến lên một mô thức mới.

Cuộc chiến giữa nền nhân bản dân chủ công lý đích thật và thế lực quyền lực chính trị tập đoàn đại bản chưa biết sẽ thắng thua ra sao trong những thập niên sắp đến. Nhưng theo kinh nghiệm lịch sử chính trị của nhân loại, khả năng thắng thế của quyền lực tàn bạo lúc đầu thường là không thể tránh được, ít nhất là trong vài thập niên đang đến. Nền dân chủ tự do công lý pháp trị như chúng ta, những người hiểu biết dân chủ trọng giá trị tự thân từng biết đến, sẽ biến mất trong thời điểm này. Những con người tiến bộ của nhân loại sẽ rơi lệ nhưng tiếp tục kiên cường quyết chiến dưới nhiều hình thức. Và nơi những xã hội chưa từng kinh qua, chưa từng có khái niệm dân chủ như Viêt Nam, tất cả sẽ vẫn quay cuồng trong bái vật gia dụng thặng dư cùng với những trò chơi giải trí du nhập của thị trường tiêu thụ, và sẽ chẳng có ai nhận thức được là nền dân chủ đại diện phổ quát non trẻ của nhân loại chưa đầy 250 tuổi đã chết, như nền dân chủ 80 tuổi của Hy Lạp cổ đại tứng chết. Bởi họ vẫn sống trong nền chuyên chế phong kiến đại bản với não trạng nộ lệ tự nguyện từ mấy ngàn năm nay chưa từng tiến hóa.

Có lẽ, phải nói là kỳ vọng vì chúng ta, những người có nhận thức giá trị tự thân có điều kiện cụ thể để kỳ vọng, rằng sau cuộc khủng hoảng toàn diện này, những xã hội dân tộc từng tiến bộ sẽ làm được cuộc cách mạng tạo dựng được một mô thức mới kiện toàn hơn với những nhân lực và nhận thức tự thân chúng ta đang có, đang kiên cường giữ vững trong cơn bão táp tấn công của tập đoàn đại bản và chủ nghĩa quốc gia nhà nước hiện nay. Bi kịch là những xã hội có não trạng vắng bóng nhận thức giá trị tự thân như Việt Nam Trung Cộng, Hồi Giáo v.v lúc đó, nếu tình trạng vắng bóng thường trực lớp người nhận thức vận động khai triển dân trí về giá trị tự thân trong xã hội không thay đổi, chắc chắn người ta vẫn đang tiếp tục loay hoay chưa định hình nổi ngay cả với ý niệm một nền dân chủ đại diện đã trở thành lạc hậu tiền sử lỗi thời của nhân loại.


Dù hoàn cảnh bi quan ra sao, tất cả chúng ta, những người có nhận thức giá trị tự thân khắp nơi trên thế giới, phải kiên cường dấn thân bảo vệ mầm nhân bản, dân chủ tự do công lý để nuôi dưỡng nối tiếp những giá trị nhân bản này trong nhũng thập niên đang đến dù sức công phá của bọn tập đoàn đại bản trị có tàn bạo tinh vi đến mức nào, chúng ta phải kiên cường như hàng bao thế hệ con người có nhận thức tự thân nhân bản từng đi trước chúng ta; họ đã kiên cường miệt mài nuôi dưỡng hy vọng lạc quan và đổ mồ hôi, máu nước mắt , chịu đựng bao đau khổ trải dài cả hàng ngàn năm cho nền tự do dân chủ và công lý của loài người chúng ta. Bời nếu không có niềm hy vọng và hành động tác động kiên cường không ngưng nghỉ, liên tục, miên tục và miên viễn của tất cả chúng ta, những con người nhận thức tiên phong, nhân loại với nền nhân bản duy nhất của chúng ta sẽ cáo chung. Và địa cầu này, hay bất cứ hành tinh nào, sẽ chỉ còn những sinh vật hai chân với bản năng thú tính man rợ được nhân lên gấp bội với kỹ thuật tân kỳ mà thôi.

NKPTC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét