Thứ Năm, 27 tháng 11, 2014

Chiều kích đặc biệt của con người trong nhạc Trịnh Công Sơn






Nguyễn Hoàn


... Trong quan niệm nghệ thuật về con người của Trịnh Công Sơn, con người được đo bằng thước đo riêng, và vì thế, con người được cảm nhận và khám phá ở những chiều kích rất lạ, nhỏ bé và lớn lao, bình thường và khác thường, hiện thực và siêu thực...



Đề cao vai trò của chủ thể tư duy, triết gia Pháp René Descartes có câu nổi tiếng: “Tôi tư duy vậy tôi tồn tại”. Hẳn là trong ý nghĩa đó, Trịnh Công Sơn đã viết: “Tôi yêu và tôi tồn tại”, “Tôi hát là tôi hiện hữu”. Có yêu đời, yêu người đến đắm đuối và tiếc nuối, yêu “bằng nỗi lòng của tên tuyệt vọng”, tuyệt vọng không phải vì chán đời mà vì yêu quá cuộc đời, vì khắc khoải nghĩ đến lúc phải lìa xa cõi thế, “thí dụ bây giờ tôi phải đi, tôi phải đi, tay chia ly cùng đời sống này” (Rơi lệ ru người), Trịnh Công Sơn mới viết nổi dòng nhạc “hát kinh” (“Chiều em ra đứng hát kinh đầu sông”-Đoá hoa vô thường) xuyên thời gian cho tình yêu và phận người: “Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau” (Diễm xưa).



Cái độc đáo mà người nghệ sĩ mang lại cho đời là ở thế giới nghệ thuật do họ sáng tạo ra, đó chính là “thiên nhiên thứ hai”, nói theo cách của mỹ học, mà họ góp vào với đời. Đánh giá tổng quan về thế giới nghệ thuật Trịnh Công Sơn, Văn Cao viết: “Tôi gọi Trịnh Công Sơn là người ca thơ (Chantre) bởi ở Sơn, nhạc và thơ quyện vào nhau đến độ khó phân định cái nào là chính, cái nào là phụ”. Phạm Tuyên gọi Trịnh Công Sơn là “đỉnh cao của âm nhạc giàu chất thơ và triết lý”. Sơn Nam viết:“Nhuần nhuyễn, ý tứ gắn bó hữu cơ, không cường điệu, tính thuyết phục, tính khái quát, nhân bản...bao nhiêu đòi hỏi về lý thuyết văn nghệ quả là hiển hiện trong nhạc Trịnh Công Sơn”, đặc biệt, Sơn Nam còn chỉ rõ tính chất dân tộc-hiện đại của nhạc Trịnh Công Sơn và gọi đó là “điệu hát Nam Ai hiện đại của người ven biển Đông...”. Phạm Duy khẳng định:“Toàn bộ âm nhạc của anh đẹp như một bức hoạ trừu tượng hơn là tả thực”. Trong thế giới nghệ thuật đặc biệt của Trịnh Công Sơn mà các nhạc sĩ, nhà văn đã gọi tên bằng nhiều mỹ từ như vậy, thế giới của nhạc, của thơ, của triết lý hoà quyện, của hội hoạ trừu tượng, của điệu hát dân tộc-hiện đại Nam Ai..., dĩ nhiên, quan niệm nghệ thuật về con người của Trịnh Công Sơn có nhiều độc đáo và mới lạ. Trong quan niệm nghệ thuật về con người của Trịnh Công Sơn, con người được đo bằng thước đo riêng, và vì thế, con người được cảm nhận và khám phá ở những chiều kích rất lạ, nhỏ bé và lớn lao, bình thường và khác thường, hiện thực và siêu thực.



*Trong nhạc Trịnh, con người ban cấp ý nghĩa cho trần gian



Triết học phương Đông nhiệm màu nói đến “ba ngôi” Thiên-Địa-Nhân. Vậy con người có vị thế như thế nào giữa trời và đất, hay chỉ đơn thuần là những sinh linh bé nhỏ rợn ngợp trước vũ trụ bao la không bờ bến? Trời đất tạo ra con người hay chính con người đã “tạo ra” trời đất, chính con người đã ban cấp ý nghĩa cho trần gian? Hãy nghe câu trả lời qua ca khúc “Còn thấy mặt người” của Trịnh Công Sơn: “Một ngày tình cờ biết em là ngày lạ lùng biết trần gian”. Biết em trước, biết trần gian sau, vì có em mới có trần gian. Câu hát xui khiến lòng nhớ tới “tội tổ tông” của nàng Eva thuở hồng hoang. Kinh Thánh kể rằng, Chúa ra lệnh cho con người có thể ăn mọi trái cây trong vườn địa đàng, nhưng không được ăn trái cây của cây “biết lành dữ” mọc giữa vườn, vì ăn vào con người sẽ phải chết. Nhưng nghe theo lời của con rắn xảo quyệt dụ dỗ rằng hãy ăn “trái cấm” đi sẽ biết lành dữ và sẽ được thông minh, nàng Eva đã ăn và đưa cho chồng là Adam cùng ăn. Chúa phát hiện được bèn đuổi Adam và Eva ra khỏi vườn địa đàng, khiến cho từ đó, “Địa đàng còn in dấu chân bước quên” (Dấu chân địa đàng), nhưng tuyệt vời thay, con người nhờ thế mà đã được biết trần gian trong nỗi bừng thức kỳ thú, trong niềm đắm say lạ lùng. Nói cách khác, chính con người đã “sáng thế” ra trần gian với bao sướng, khổ, ngọt bùi, cay đắng, với bao hỷ, nộ, ai, lạc, ái, ố, dục (mừng, giận, buồn, vui, thương, ghét, muốn) dội xuống cung đàn nhân sinh. Có con người, trần gian mới có ý nghĩa, chính thế nên nhạc Trịnh Công Sơn đã gửi đến trời đất một câu hỏi đầy phấn chấn, hào sảng của cõi người: “Trời đất kia có hay ta về” (Có nghe đời nghiêng). Và theo lô gích cuộc sống được nói đến trong nhạc Trịnh Công Sơn, khi con người giữ được thế an nhiên tự tại trong cuộc đời đầy bất trắc: “Người hãy nhớ mang theo hành trang qua khoang trời vắng chân mây địa đàng” thì trời đất mới yên vui: “Mặt trời đã ngủ yên xin mặt trời hãy ngủ yên” (Xin mặt trời ngủ yên). Còn khi đời người gặp bất trắc, lòng người nổi sóng gió, như khi xa người hay mất người, trần gian cũng bàng hoàng, đau thương hoặc mất dần ý nghĩa. Trái đất quay quanh trục của nó nghiêng một góc 23,50 so với mặt phẳng quỹ đạo, nghĩa là loài người đang sống trong một “thế giới nghiêng”. Khi một người đi xa, “thế giới nghiêng” này càng nghiêng hơn nữa, hay nói cách khác, đấy là “thế giới nghiêng” của một “thế giới nghiêng”:“Ngày mai em đi đồi núi nghiêng nghiêng đợi chờ” (Biển nhớ), “Người ra đi bến sông nằm lạnh, này nhân gian có nghe đời nghiêng” (Có nghe đời nghiêng). Khi một cuộc tình đã mất, thì cây cầu, dòng sông nơi chốn hẹn hò, tình tự ngày xưa cũng mất theo: “Mười năm khi phố khi vùng đồi, nhìn nhau ôi cũng như mọi người, có một dòng sông đã qua đời” (Có một dòng sông đã qua đời). Khi trầm tư về cái chết, trần gian bỗng trở nên không còn là chốn mặn mà, hấp dẫn: “Nhiều khi thấy trăm nghìn nấm mộ, tôi nghĩ quanh đây hồ như, đời ta hết mang điều mới lạ, tôi đã sống rất ơ hờ” (Đêm thấy ta là thác đổ).



Hẳn sẽ có người bảo rằng, đồng ý là trong quan niệm nghệ thuật về con người của Trịnh Công Sơn, con người đã ban cấp ý nghĩa cho trần gian, nhưng sao có những lúc Trịnh Công Sơn diễn tả thân phận con người đến là nhỏ nhoi, “tội nghiệp”, khi thì như“cát bụi mệt nhoài”, khi lại “sống chết mong manh như thân cỏ hèn mọc đầy núi non” (Giọt lệ thiên thu)? Quả có vậy, nhưng không chỉ có vậy. Nếu chỉ có vậy, nhạc Trịnh đã không vượt thời gian và vượt cả không gian nước Việt để trở thành những khúc kinh cầu sâu thẳm của tình yêu và phận người, “không chỉ làm xao xuyến lòng người Việt, mà còn làm người Nhật say mê, người Anh thán phục” (Trần Văn Khê). Trong thế giới nghệ thuật Trịnh Công Sơn, con người được đo bằng nhiều chiều kích đa dạng, đa diện, ngoài ba chiều không gian, còn có nhiều chiều đặc biệt của tâm hồn con người đầy nhạy cảm và giàu trực giác, trực nhận, trực ngộ. Đừng tưởng cát bụi là nhỏ nhoi nên chiều kích của nó cũng bé mọn. Vũ trụ sinh ra từ vụ nổ lớn Big Bang, tạo ra những “hạt bụi vũ trụ” là các hành tinh, trong đó có trái đất. Trái đất thành hạt bụi, còn hạt bụi trong ca khúc “Cát bụi” của Trịnh Công Sơn lại mang được “chiều kích vũ trụ” của trái đất, vì thế nó cũng được “mặt trời soi” như trái đất: “Để một mai vươn hình hài lớn dậy, ôi cát bụi tuyệt vời, mặt trời soi một kiếp rong chơi”. Có người bảo Trịnh Công Sơn khi viết“Cát bụi” đã chịu ảnh hưởng của Kinh Thánh, rằng với con người, thân cát bụi lại trở về cát bụi. Nói thế chỉ đúng một phần và cũng chỉ mới thấy “cát bụi” ở cái vỏ ngôn ngữ của từ này. Nếu Trịnh Công Sơn chỉ viết: “Ôi cát bụi mệt nhoài...Ôi cát bụi phận này”, thì ta nói dứt khoát được rằng nhạc sĩ đã chịu ảnh hưởng một trăm phần trăm từ Kinh Thánh. Điều sáng tạo độc đáo ở đây của Trịnh Công Sơn là đã phát hiện ra “cát bụi tuyệt vời”. Sự tuyệt vời của “con người cát bụi” thể hiện ở sức mạnh tinh thần, sức mạnh tình yêu lấp lánh, bất diệt: “Mặt trời nào soi sáng tim tôi, để tình yêu xoay mòn thành đá cuội”. Vì thế, hạt cát phận người trong nhạc Trịnh Công Sơn đã sáng lên thành “cát bụi lộng lẫy” (chữ dùng của Hoàng Phủ Ngọc Tường).

*Chiều kích đặc biệt của không gian và thời gian đời người trong nhạc Trịnh



Con người trong nhạc Trịnh Công Sơn “thân mong manh như lau sậy hiền” (Níu tay nghìn trùng), nhưng đó là cây sậy của Pascal: “Con người là cây sậy bấy yếu nhất của tự nhiên nhưng là cây sậy có suy nghĩ”. Tương tự “cây sậy tư duy” của Pascal, “lá cỏ” của Trịnh Công Sơn là “lá cỏ tự do”: “Đời ta có khi tựa lá cỏ, ngồi hát ca rất tự do” (Đêm thấy ta là thác đổ). Tự do là khát vọng lớn lao và muôn thuở của con người, bởi thế nên dù với thân phận là “con người hạt bụi” hay “con người lá cỏ”, con người vẫn cần một không gian sống tự do thoải mái, đấy là một không gian an nhiên và tự tại, cao sang và hướng thượng của nội tâm. Thế nên, con người trong nhạc Trịnh Công Sơn mang chiều kích hoành tráng của vũ trụ vì đã thu nhận trời đất ở trong mình: “Mỗi đêm, tôi nhìn trời đất để học về lòng bao dung” (Tin vào niềm tuyệt vọng). Trong tình yêu, một người đẹp mang đến được cho tình nhân cả bầu trời để thở, để sống, để khát vọng: “Em đã cho tôi cho tôi bầu trời. Em đã cho tôi yêu thêm loài người” (Em đã cho tôi bầu trời). Không gian sống của con người là trời đất, là vũ trụ nên mỗi cử chỉ, động thái hay nỗi niềm của con người đều có sự tác động, ảnh hưởng mạnh mẽ, sâu sắc, đầy dấu ấn nhân sinh không mờ phai lên không gian sống lớn rộng đó. Chỉ một tà áo đẹp mà đã chiếm lĩnh huy hoàng cả bầu trời ngưỡng vọng: “Ôi áo xưa lồng lộng đã xô dạt trời chiều” (Tình nhớ), “Em đi tà áo phiêu bồng trời cao” (Mưa mùa hạ). Tình yêu, nguồn sống nhiệm mầu và bất tận của con người, với sức mạnh mãnh liệt mà người Pháp gọi là “tiếng sét ái tình” đã được Trịnh Công Sơn sáng tạo nên một cách gọi độc đáo mới trong ngôn ngữ nhân loại, rằng: “Tình yêu như trái phá, con tim mù loà” (Tình sầu). Nhưng hơn thế nữa, với Trịnh Công Sơn, tình yêu còn có sức mạnh “chấn động” như bão nổi: “Tình yêu như cơn bão đi qua địa cầu” (Tình sầu). Một bàn tay của người tình trong kỷ niệm cũng làm dấy lên những trận bão lòng khó tan, khó nguôi: “Tưởng rằng đã quên, tay em vẫn còn dựng đời bão lên, làm từng vết thương hồn nhiên” (Tưởng rằng đã quên).



Con người sống là sống với chiều kích của không gian và thời gian. Tương ứng với không gian sống mang “chiều kích vũ trụ”:“Trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt, rọi suốt trăm năm một cõi đi về” (Một cõi đi về), thời gian sống của con người, của kiếp người trong nhạc Trịnh Công Sơn cũng mang một chiều kích đặc biệt. Người ta thường gọi thời gian sống của đời người là tuổi đời, còn Trịnh Công Sơn lại gọi là “tuổi trời”: “Em xin tuổi nào, còn tuổi trời hư vô” (Còn tuổi nào cho em), “Nghe xót xa hằn lên tuổi trời” (Gọi tên bốn mùa). Tuổi con người là tuổi trời cho và gắn với trời, cái hữu hạn của đời người gắn với cái vô hạn của trời đất. Ý thức sâu sắc về sự đối nghịch giữa cái hữu hạn và vô hạn này, ý thức thấm thía rằng đời người là ngắn ngủi, không thể kéo dài “tuổi trời” được, con người đã chọi lại cái hữu hạn của đời người, bằng cách “cầm nắm” thời gian, “vĩnh cửu hoá” thời gian, bằng cách “ban cấp” sự tái sinh cho thời gian hữu hạn của kiếp người để tạo nên đặc tính vô tận và vô hạn của dòng sinh mệnh. Chịu ảnh hưởng tư tưởng Phật giáo, trong đó có ý niệm về sự luân hồi, Trịnh Công Sơn đã nhiều lần viết về “thời gian luân hồi”: “Ta thấy em trong tiền kiếp với cọng buồn cỏ khô” (Rừng xưa đã khép), “Những ngày ngồi rũ tóc âm u, nghe tiền thân về chào bóng lạ” (Cỏ xót xa đưa). Nhưng ý niệm về thời gian, về chiều kích thời gian đời người trong nhạc Trịnh Công Sơn có cái mượn của đạo Phật, có cái không. Khi Trịnh Công Sơn viết: “Có những nghìn năm xưa hoá thân em bây giờ” (Em đến từ nghìn xưa), ý niệm về thời gian ở đây không phải là “thời gian luân hồi” nữa mà là một thứ thời gian tích luỹ, thời gian dồn nén, tất cả quá khứ, hiện tại cùng nổi lên trong một “lát cắt”, gọi là thời gian đồng hiện. Trên nền thời gian đồng hiện đó, nhạc sĩ nhận ra vẻ đẹp tinh tuý nghìn đời của hồn Việt ẩn chứa trong dáng nét quen thuộc của người con gái Việt Nam da vàng: “Vì em như chim trắng, giữa trống đồng bước ra” (Em đến từ nghìn xưa). Ca tụng vẻ đẹp thiên thần, “bất tử” và bất diệt của người đẹp, nhạc Trịnh Công Sơn có lúc đã phá vỡ quan niệm về tính chất hữu hạn của thời gian đời người để sáng tạo nên một thứ thời gian vô tận, vô biên của trái tim yêu tôn thờ cái Đẹp lộng lẫy: “Ru mãi ngàn năm từng ngón xuân nồng. Bàn tay em năm ngón anh ru ngàn năm, giận hờn sẽ quên, dáng em trôi dài, trôi mãi, trôi trên ngàn năm” (Ru em từng ngón xuân nồng). Như vậy, thời gian đời người trong nhạc Trịnh Công Sơn là một thứ “thời gian chống chọi thời gian”, thời gian phi tuyến tính, phi hữu hạn, thời gian vĩnh cửu: “Tình cho nhau môi ấm, một lần là trăm năm” (Tình sầu), “Hai mươi năm vẫn là thuở nào, nợ lại lần này trong cõi đời nhau” (Xin trả nợ người).

*Con người trở thành thước đo của thiên nhiên, vẻ đẹp con người là chuẩn mực của vẻ đẹp tạo hoá


Như trên đã nêu, trong thế giới nghệ thuật Trịnh Công Sơn, con người ban cấp ý nghĩa cho trần gian, vậy nên, lô gích thú vị và độc đáo ở đây là con người trở thành “hệ quy chiếu”, trở thành thước đo của thiên nhiên, tạo vật. Điều này đã từng xuất hiện trong thơ Xuân Diệu. Nghiên cứu tư tưởng và phong cách thơ Xuân Diệu, Nguyễn Đăng Mạnh phát hiện rằng với thơ Xuân Diệu, có một nguyên tắc mỹ học được xác định, đó là coi “vẻ đẹp của con người là chuẩn mực của vẻ đẹp của thế giới, của vũ trụ”. Đánh giá về tính độc đáo của nguyên tắc mỹ học này, Nguyễn Đăng Mạnh khẳng định: “Nếu như chúng ta nhớ rằng trong văn chương xưa, người ta thường lấy vẻ đẹp của thiên nhiên làm chuẩn cho vẻ đẹp của con người, thì mới thấy nguyên tắc mỹ học nói trên của Xuân Diệu là cả một cuộc đổi mới đáng kể trong thi ca Việt Nam hiện đại”. Và Nguyễn Đăng Mạnh dẫn chứng: “Thơ xưa viết về người đẹp: “Phù dung như diện liễu như mi” (Mặt như hoa phù dung, lông mày như lá liễu), rồi nào là mày ngài, mắt phượng, làn thu thuỷ, nét xuân sơn v.v...Bây giờ Xuân Diệu đem so sánh ngược lại:



...Lá liễu dài như một nét mi...
...Trăng vú mộng của muôn đời thi sĩ
...Hơi gió thổi như ngực người yêu đến
Mây đa tình như thi sĩ đời xưa...



Quan niệm mỹ học ấy đã giúp ông sáng tạo nên một câu thơ vào loại tuyệt vời của nền thi ca Việt Nam hiện đại: Tháng giêng ngon như một cặp môi gần (Vội vàng)” (Nguyễn Đăng Mạnh, Con đường đi vào thế giới nghệ thuật của nhà văn, NXB Giáo dục, 1996, trang 199, 200). Tìm hiểu thế giới nghệ thuật của Trịnh Công Sơn, Bùi Vĩnh Phúc đã phát hiện một điểm tương tự như Nguyễn Đăng Mạnh đã phát hiện qua nghiên cứu thơ Xuân Diệu: “Ngày xưa, để tả Thuý Vân và Thuý Kiều, Nguyễn Du đã nói tới“mai cốt cách, tuyết tinh thần”, “khuôn trăng”, “nét ngài”, “mây”, “làn thu thuỷ, nét xuân sơn”, “hoa ghen”, “liễu hờn”...Nguyễn Du đã lấy thiên nhiên làm thước đo để khen ngợi chị em Thuý Vân, Thuý Kiều. Vân, Kiều, như thế, được mang ra so sánh với thiên nhiên, cho dù sự so sánh, qua ngòi bút của Nguyễn Du, có phần hơi thiên vị hai người con gái duyên dáng và đáng yêu này. So sánh như thế là so sánh theo những ước lệ cổ điển, theo những quy phạm về văn chương mà Nguyễn Du, như một con người của thời đại mình, không thể tránh khỏi. Thiên nhiên là những bản vị, con người là những nét để bên cạnh. Trong thế giới của Trịnh Công Sơn, tình hình lại có vẻ như ngược lại. Con người trở thành thước đo của thiên nhiên:

Nắng có hồng bằng đôi môi em
Mưa có buồn bằng đôi mắt em
Tóc em từng sợi nhỏ
Rớt xuống đời làm sóng lênh đênh

(Như cánh vạc bay)”

(Bùi Vĩnh Phúc, Trịnh Công Sơn những ám ảnh nghệ thuật, in trong sách: Một cõi Trịnh Công Sơn, NXB Thuận Hoá và Trung tâm văn hoá ngôn ngữ Đông Tây, 2002, trang 249). Qua đối chiếu phát hiện của Nguyễn Đăng Mạnh với trường hợp Xuân Diệu và Bùi Vĩnh Phúc với trường hợp Trịnh Công Sơn, không thể dễ dãi cho rằng Trịnh Công Sơn đã chịu ảnh hưởng của Xuân Diệu, dù Xuân Diệu là một nhà thơ lớn, mà cần thấy, điều thú vị là có sự trùng hợp trong sáng tạo nghệ thuật giữa Xuân Diệu và Trịnh Công Sơn, điều này cần được lý giải như cách nói thường tình là “những tư tưởng lớn gặp nhau”, ở đây là tư tưởng nghệ thuật.

Con người trở thành thước đo của thiên nhiên trong nhạc Trịnh Công Sơn cho nên thiên nhiên ở đây đã được “nhân hoá” theo từng trạng thái buồn vui của con người: “Màu hoa lá quen như mặt người” (Tình yêu tìm thấy), “Màu nắng hay là màu mắt em” (Nắng thuỷ tinh), “Cho tay em dài gầy thêm nắng mai” (Hạ trắng). Nhạc sĩ đã nhìn thấy nắng trong niềm vui và mưa trong nỗi buồn của con người: “Hãy về đây, hãy về đây, tôi cần nhìn lại nắng trong nụ cười” (Môi hồng đào), “Có khi mưa ngoài trời là giọt nước mắt em, đã nương theo vào đời, làm từng nỗi ưu phiền” (Ru đời đi nhé). Nhạc sĩ không đơn thuần tả mưa trời chính là giọt nước mắt người đẹp, nhạc sĩ đã tả một nỗi buồn thật lớn rộng, thật “cao sang”, thật lung linh, nghĩa là một nỗi buồn với chiều kích đặc biệt, lan toả và thẩm thấu vào không gian, kiểu như: “Đời sẽ buồn dài lâu, ôi trái sầu rực rỡ” (Như một vết thương). Một phát hiện độc đáo của Trịnh Công Sơn là không chỉ nhìn thấy mưa buồn mà còn nhìn thấy nắng buồn hơn mưa. Nhạc sĩ nhìn nắng và cảm nhận sâu sắc rằng, nắng sống một ngày ba buổi, sáng, trưa, chiều, nắng sáng, nắng trưa rực rỡ, nắng chiều tàn phai, trong khi mưa không như vậy, mưa chỉ tuôn ào xuống rồi hết, vậy nắng buồn hơn mưa. Đo màu nắng dưới lăng kính nhạy cảm này, ta sẽ hiểu và cảm thấm thía hơn những câu hát buồn buốt lòng về nắng của Trịnh Công Sơn: “Nhìn những mùa thu đi, em nghe sầu lên trong nắng” (Nhìn những mùa thu đi), “Lùa nắng cho buồn vào tóc em” (Nắng thuỷ tinh), “Nắng qua mắt buồn lòng hoa bướm say” (Hạ trắng), “Nắng vàng phai như một nỗi đời riêng” (Tôi ơi đừng tuyệt vọng). Nhưng cũng có khi nắng vui tươi do được chiếu rọi trong phận người có đôi: “Đời xin có nhau dài cho mãi sau nắng không gọi sầu” (Hạ trắng). Trong nhạc Trịnh, thiên nhiên luôn đứng đó tượng hình cho bao nỗi buồn vui của con người: “Một lần bóng núi in bên sông dài, một lần thấy bóng tôi, một ngày có đoá hoa lan trong vườn, một ngày thấy dáng em, một chiều bỗng thấy hoa lan úa tàn, vườn chiều vừa mất dáng em” (Một lần thoáng có). Thiên nhiên đánh dấu kỷ niệm cho tình nhân, thay cho việc ép hoa, ép lá để cất giữ nhung nhớ: “Vài cánh xương hoa nằm ép trong thơ”(Nghìn trùng xa cách-Phạm Duy) mà những người yêu nhau muôn thuở vẫn hằng làm: “Đôi khi thấy trên lá cây ngày em đã xa tôi” (Rồi như đá ngây ngô), “Tìm thấy nỗi nhớ từ mỗi chiếc lá” (Tình yêu tìm thấy), “Lá hát từ bàn tay thơm tho, lá khô vì đợi chờ” (Như cánh vạc bay). Và đỉnh cao của mối liên thông, giao cảm giữa thiên nhiên và con người trong nhạc Trịnh Công Sơn xuất hiện, khi mưa nắng thiên nhiên hoà nhập vào trong chính con người: “Mưa nắng ở trọ bên trong mắt người” (Ở trọ).



*Chiều kích siêu việt của trái tim con người trước “vết thương”, niềm tuyệt vọng và cái chết




Như trên đã nêu, con người trong nhạc Trịnh Công Sơn ban cấp ý nghĩa cho trần gian, con người là thước đo của trần gian, do vậy trái tim con người cũng có một chiều kích vừa mênh mông, bao la, rộng lớn, vừa sâu thẳm khác thường và mang một sức mạnh tinh thần đặc biệt. Con người ta biết mình và biết người rõ nhất là khi hoạn nạn, như một câu hát bảo là “rằng qua cơn lận đận mới hiểu tận lòng nhau”. Đại thi hào Nguyễn Du cũng đã viết: “Anh hùng đoán giữa trần ai mới già” (Truyện Kiều). Tương tự như thế, trái tim con người trong nhạc Trịnh Công Sơn đã bộc lộ hình thù, vóc dáng và sức mạnh nội sinh rõ nét nhất qua những trạng huống thử thách ghê gớm của nhân sinh: vết thương, niềm tuyệt vọng và cái chết.



Trong nhạc Trịnh Công Sơn, từ “vết thương” có tần số xuất hiện khá lớn: “Đời sẽ buồn như một vết thương” (Như một vết thương), “Ngủ đời yên đi con, như vết thương đau ngủ buồn” (Vết lăn trầm), “Trong trái tim con chim đau nằm yên, ngủ dài lâu mang theo vết thương sâu” (Để gió cuốn đi), “Người còn đứng như trăm năm vết thương chưa mờ” (Phúc âm buồn), “Một vết thương thôi riêng cho một người” (Hoa vàng mấy độ), “Tay em vẫn còn dựng đời bão lên, làm từng vết thương hồn nhiên” (Tưởng rằng đã quên), “Tên em là vết thương khô” (Khói trời mênh mông), “Đôi khi thấy trăm vết thương rồi như đá ngây ngô” (Rồi như đá ngây ngô). Vết thương lòng hầu như đời người ai chẳng có, có khi nguôi ngoai,“tên em là vết thương khô”, có khi khó lành, “như trăm năm vết thương chưa mờ”, vậy thái độ sống tích cực là không tránh né mà hãy đón nhận “vết thương” một cách bình thản, hồn nhiên “như đá ngây ngô”. Con người ta không chỉ biết ngẩng đầu mà còn phải biết cúi đầu nữa. Dĩ nhiên không phải là cúi đầu nịnh bợ trước cường quyền hay cúi đầu khuất phục trước bạo lực mà là “Cúi xuống thật gần” để trải nghiệm những cõi miền sâu thẳm của nhân thế, để thấu tỏ những nỗi niềm trắc ẩn của người đời: “Cúi xuống nghe đời nhấp nhô, nghe tim rạn vỡ, nghe trong tuổi nhỏ khóc oà, cúi xuống bên bờ xót xa, trên cơn lửa đỏ trên khuôn mặt đã im lìm”. Nhà thơ Lý Bạch từng cúi đầu nhớ quê cũ: “Đê đầu tư cố hương”, nhà thơ Cao Bá Quát từng cúi đầu lạy hoa mai thanh cao: “Nhất sinh đê thủ bái mai hoa”, còn Trịnh Công Sơn nói đến một nghĩa cử nhân văn thống thiết hơn cả cúi là quỳ: “Lòng tôi có đôi lần khép cửa, rồi bên vết thương tôi quỳ” (Đêm thấy ta là thác đổ). Quỳ bên “vết thương”, quỳ trước nỗi đau nhân thế, chiều kích con người thu bé lại tưởng chừng đến tội nghiệp nhưng chiều kích trái tim bao dung, vị tha lại mở lớn đến vô cùng. Thu bé hơn nữa, con người không chỉ cúi mà còn lăn, lăn trầm thống với phận người, lăn rớm máu với tình yêu. Trong thần thoại Hy Lạp, có câu chuyện về nhân vật Sisyphus dám bắt thần chết trói lại để cho con người khỏi phải chết, và Sisyphus đã bị trừng phạt khổ sai chung thân vì tội này: suốt đời phải lăn một tảng đá lên đỉnh núi, lăn lên gần đến đỉnh, tảng đá lại rớt xuống, Sisyphus lại phải lăn lên, cứ “lăn lên, rớt xuống, lăn lên” như vậy trong nỗi hoài công nhọc nhằn. Câu chuyện khổ sai lăn đá này, nói theo cách của triết học hiện sinh là “phi lý” đã được Trịnh Công Sơn mượn để diễn tả phận người: “Người chợt nhớ mình như đá, đá lăn vết lăn buồn...Như trùng dương đêm mắt thâm còn nghe ngóng, đá lăn vết lăn trầm” (Vết lăn trầm), “Ta lăn đời đã quá đôi tay vẫn còn ôm mịt mùng” (Tình xót xa vừa). Nhưng có “lăn đời” cho dẫu là “phi lý”, “hoài công” từ đó mới có “vết thương” của sự trải nghiệm. Có lẽ với nhạc Trịnh, đời người “lăn đá” nhiều nhất là trong tình yêu: “Tôi xin làm đá cuội và lăn theo gót hài” (Biết đâu nguồn cội). Nhưng không phải là lăn bằng mọi giá, cũng có khi đá không lăn nữa vì không còn gặp được một tâm hồn đồng điệu: “Từ trăng thôi là nguyệt, mỏi mê đá thôi lăn” (Nguyệt ca). Còn ra, khi đã yêu nồng nàn, đã nhận lãnh “vết thương” của đời thì không chỉ “đá lăn” mà cả trái tim cũng lăn rớm máu: “Khi tình đã vội quên, tim lăn trên đường mòn, trên giọt máu cuồng điên, con chim đứng lặng câm” (Ru ta ngậm ngùi). “Vết thương” lòng của con người trong nhạc Trịnh Công Sơn cho dẫu có lúc tái tê, buốt nhói và rớm máu nữa nhưng nó mang một chiều kích sâu thẳm của sự thức ngộ. Trong một bài viết của mình, Trịnh Công Sơn gọi đó là “Vết thương tỉnh thức”và lý giải: “Thời gian trôi đi và vết thương vẫn còn đó. Nó nằm chờ được thức dậy một lúc nào đó để sống lại như chính bản thân nó là một vết thương. Nhưng vết thương khi đã được đánh thức thì nó không còn là vết thương cũ vì giờ đây nó là một vết thương tỉnh thức. Một vết thương tỉnh thức là một vết thương biết rõ nó là một vết thương. Nó thức dậy và nó nhận ra rằng nó đã được khai sinh trên tâm hồn một con người và đã có một thời gian dài làm đau đớn con người đó. Vết thương tỉnh thức là một con mắt sáng ngời. Nó nhìn ngược về quá khứ và ngó thẳng tương lai. Nó mách bảo cho chủ nhân của nó là không có một vết thương nào vô tư mà được sinh thành cả. Nó là một nỗi đớn đau như khi trời đất trở dạ làm thành một cơn giông bão”.



Trái tim mang “vết thương tỉnh thức” trong nhạc Trịnh Công Sơn cũng chính là trái tim biết bền bỉ chống chọi với niềm tuyệt vọng, đấy chính là “biện chứng của tâm hồn”. Phật dạy rằng: “Phá sản lớn nhất của đời người là tuyệt vọng”. Trịnh Công Sơn hẳn đã nhiều phen đối mặt với nguy cơ “phá sản tâm hồn” này của tuyệt vọng nên đã đúc kết triết lý hẳn hoi về niềm tuyệt vọng: “Có những ngày tuyệt vọng cùng cực, tôi và cuộc đời đã tha thứ cho nhau...Hãy đi đến tận cùng của tuyệt vọng để thấy tuyệt vọng cũng đẹp như một bông hoa...Và như thế, tôi đang yêu thương cuộc đời bằng nỗi lòng của tên tuyệt vọng” (Tin vào niềm tuyệt vọng). Kinh nghiệm nhân sinh cho thấy, dỗ lòng người đã khó, dỗ lòng mình đôi khi còn khó hơn. Nhưng khi nghe nhạc Trịnh, con người đã tự dỗ lòng mình vươût qua được những cơn “khó sống” và biết cười với gian nan: “Có điều gì gần như niềm tuyệt vọng, rơi rất gần rơi xuống trong tôi, có nhiều khi rơi xuống bên đời, trong gian nan nên cất tiếng cười” (Gần như niềm tuyệt vọng). Trong một ca khúc không viết về tâm trạng “gần như” nữa, không viết mon men niềm tuyệt vọng mà viết thẳng về cuộc đối mặt sinh tử và chống chọi mất còn với tuyệt vọng, ca khúc “Tôi ơi đừng tuyệt vọng”, Trịnh Công Sơn đã dỗ lòng, đã dắt hồn bấu víu vào những nấc thang chống chọi với vực thẳm tuyệt vọng, để từ đó, cho dẫu trong đau thương, tâm hồn con người vẫn thăng hoa đến một chiều kích siêu việt, bởi “kẻ thù lớn nhất của đời người là chính mình” (Kinh Phật), nên chiến thắng lớn nhất là chiến thắng chính mình. Nấc thang thứ nhất là hiểu và nắm bắt được lẽ đời biến dịch, mất còn để từ đó có sự bình tâm: “Đừng tuyệt vọng, tôi ơi đừng tuyệt vọng, lá mùa thu rơi rụng giữa mùa đông”,“Đừng tuyệt vọng, tôi ơi đừng tuyệt vọng, nắng vàng phai như một nỗi đời riêng”. Nấc thang thứ hai là thấu triệt chân lý minh triết phương Đông: thấy được mối liên hệ mật thiết giữa mọi sự vật, thấy được cái Một trong thiên hình vạn trạng sự vật, tức thấy được “vạn vật đồng nhất thể”. Trang Tử nói: “Người cùng tạo hoá hợp làm một rồi, thì đi đâu mà không phải là mình” (Minh nhiên dữ tạo hoá vi nhất, tắc vô vãn như phi ngã dĩ). Người và tạo hoá đã vậy, huống gì người với người, em với tôi lại không là Một: “Đừng tuyệt vọng, em ơi đừng tuyệt vọng, em là tôi và tôi cũng là em”. Nấc thang thứ ba bám chặt vào bản thể, tìm thấy sức mạnh bất diệt của tình yêu trần thế từ trong bản thể: “Tôi là ai, là ai, là ai...mà yêu quá đời này”. Nấc thang thứ tư là giữ được tâm thế hồn nhiên của con người thuở “nhân chi sơ”, chưa từng biết đến âu lo, để cho đời luôn thấy được bình minh: “Đừng tuyệt vọng, em ơi đừng tuyệt vọng, em hồn nhiên rồi em sẽ bình minh”. Con người đánh mất sự hồn nhiên ban sơ có thể sẽ mắc vào những hệ luỵ trầm trọng của đời, nguy cơ dẫn đến vực thẳm tuyệt vọng, cho nên con người trong nhạc Trịnh “thèm tuổi hồn nhiên ngồi nhìn trời xanh” (Vẫn nhớ cuộc đời). Nấc thang thứ năm là nấc thang “đắc đạo” của người đã dày công “tu luyện” qua cơn tuyệt vọng, thấu triệt mọi kinh nghiệm về nỗi khổ đau trong cõi đời này, đủ sức “đánh bạn” với nỗi sầu, thậm chí còn nuôi nỗi sầu để thêm yêu cuộc đời ngắn ngủi như tình nhân biết nuôi giọt nước mắt để thấm thía cái giá của hạnh phúc: “Có đường xa và nắng chiều quạnh quẽ, có hồn ai đang nhè nhẹ sầu lên”.



Con người trải nghiệm “vết thương”, chiến thắng niềm tuyệt vọng là con người không ngại đối mặt với cái chết, một “cửa ải khủng khiếp” của nhân sinh, một vấn nạn đau đầu của những nhà triết học. Nhạc Trịnh trở trăn, suy ngẫm, trầm tư, triết lý miệt mài không chán về cái chết. Không chỉ là cái chết đến theo “hạn kỳ” của đời người: “Có một ngày bạc đầu tôi đi tôi đi” (Có một ngày như thế), mà còn là cái chết được “tiên tri”, cái chết tiềm ẩn trong sự sống: “Dưới vòng nôi mọc từng nấm mộ” (Cỏ xót xa đưa), “Trong xuân thì thấy bóng trăm năm” (Gần như niềm tuyệt vọng). Thường thì, con người càng có bề dày tuổi tác, càng giàu vốn sống, càng có nhiều trải nghiệm sâu sắc về cuộc đời nhưng không ai trải nghiệm được về cái chết cả, ngoại trừ chứng kiến cái chết của đồng loại mà thôi. Thế mà với nhạc Trịnh, con người dường như “trải nghiệm” được cả cái chết của chính mình: “Bỗng một hôm qua phố hoang tàn, tôi quen như tôi đã có lần” (Gần như niềm tuyệt vọng), “Một lần nằm mơ tôi thấy tôi qua đời” (Bên đời hiu quạnh). Bởi vậy, thái độ sống của con người trong nhạc Trịnh được xác định là: “Không xa đời và cũng không xa mộ người” (Đời cho ta thế). “Cái chết” là một trong những phạm trù của triết học hiện sinh. Triết gia Đức Heidegger coi con người là một hữu-thể-đang-chết, là “hữu-thể-cho-cái-chết”, hữu thể để chết, chỉ khi cảm thấy mình luôn luôn đứng trước cái chết, con người mới nhìn thấy giá trị phong phú của từng giây, từng phút trong cuộc đời. Bàn đến cái chết là vấn đề không mới trong triết học và tôn giáo xưa nay, đóng góp của Trịnh Công Sơn là từ sự trầm tư, suy nghiệm về cái chết đã làm bật lên cái giá cao quý của sự sống, sức mạnh của tình yêu cuộc sống, tình yêu con người, sự bừng nở chiều kích vô biên của trái tim từ tâm, từ bi của con người. Ca khúc “Chiếc lá thu phai” cảm nhận cực nhạy về sự tàn phai, sự lão hoá sẽ đến với kiếp người: “Chiều hôm thức dậy, ngồi ôm tóc dài, chập chờn lau trắng trong tay”. Nhưng con người không buông xuôi tuyệt vọng mà tìm cách chọi lại sự tàn phai, sự hữu hạn của kiếp người bằng việc “thu xếp” lại đời: ngày vẫn trôi qua theo nếp ngày, nhưng không trôi qua trong vô vị, hối tiếc vì trái tim yêu đời và khát sống đã đập nhịp bất thường: “Về thu xếp lại, ngày trong nếp ngày, vội vàng thêm những lúc yêu người”. Sống với nhịp đập vội vàng này, con người không phải lúc nào cũng bị động chạy theo thời gian nữa mà “có nhiều khi” đã đón bắt và đi vượt thời gian, bằng năng lực “siêu việt” của trái tim đập mạnh, thậm chí, con người còn bù đắp được cho sự thiếu hụt, sự hữu hạn của thời gian nữa: “Hãy yêu nhau đi bù đắp cho trăm năm” (Hãy yêu nhau đi). Theo nhà vật lý học lừng danh Albert Einstein, khi một vật chuyển động với vận tốc gần với vận tốc ánh sáng, vật đó sẽ có khối lượng tăng lên và trường lực hấp dẫn tăng theo. Cũng giống như vậy, con người “đi nhanh hơn thời gian” trong nhạc Trịnh mang trái tim nặng trĩu với trường lực hấp dẫn mạnh để trở thành nơi trú ngụ cho mọi niềm bất an trong cõi đời bể dâu, sóng gió: “Trái tim cho ta nơi về nương náu, được quên rất nhiều ngày tháng tiêu điều” (Hãy yêu nhau đi), “Tim em người trọ là tôi, mai kia về chốn xa xôi cũng gần” (Ở trọ).



Ý thức sâu sắc về “cái chết” vì quá yêu cuộc sống, vấn đề cốt lõi đặt ra với con người là “về thu xếp lại” cuộc sống và cái chết một cách có ý nghĩa nhất. Trong bài viết “Một cõi đi về” (tựa đề trùng tên với ca khúc nổi tiếng), Trịnh Công Sơn đã triết lý rạch ròi về ý nghĩa của sự sống, chết, mất, còn: “Chết là sự tan biến của thể xác. Nhưng sống không chỉ là sự tồn tại của thân xác. Nhiều người còn sống mà tưởng chừng như đã chết. Nhiều người đã chết mà vẫn còn sống trong trí nhớ mọi người...Cái mất không bao giờ mất hẳn. Cái còn không hẳn mãi là còn”. Con người sống với nhau không tranh giành, đua chen danh lợi nhất thời: “Một đời với những đua chen lâu dài, người người còn tiếp nối người” (Một lần thoáng có), không sân si, thù hận, hãm hại đồng loại: “Biển sóng biển sóng đừng xô tôi, đừng xô tôi ngã giữa tim người, biển sóng biển sóng đừng âm u, đừng nuôi trong ấy trái tim thù” (Sóng về đâu) mà sống với báu vật truyền đời là trái tim bao la, sống với nhân cách cao thượng, con người sẽ có năng lực sống siêu việt, nghĩa là vẫn sống sau khi đã chết: “Chìm dưới cơn mưa, một người chết đêm qua, chìm dưới đất kia, một người sống thiên thu” (Chìm dưới cơn mưa).



*“Bao nhiêu năm bỗng lại nhiệm mầu”

Như thế, nhạc Trịnh đã trở thành báu vật tâm hồn của triệu triệu con người. Từ sự phát hiện ra những chiều kích bay bổng thần tiên của kiếp người: “Ôi tóc em dài đêm thần thoại” (Gọi tên bốn mùa), “Tôi xin năm ngón tay em thiên thần” (Lời buồn thánh), “Ôi quê hương thần thoại thuở hồng hoang đã thấy đã xanh ngời liêu trai” (Xin mặt trời ngủ yên) đến việc nâng đỡ con người bình tâm lại bên bờ vực tuyệt vọng. Nhạc Trịnh là thứ nhạc thuốc thang cho những tâm bệnh của con người, làm dịu đi, làm lành lại những vết thương lòng: “Bao nhiêu năm bỗng lại nhiệm mầu, trả nợ một lần quên hết tình đau” (Xin trả nợ người). Nhạc Trịnh đã khám phá không mệt mỏi tính chất “siêu việt hoá” trong năng lực chống chọi của con người trước niềm đau và cái chết. Bởi thế nên nhạc Trịnh đã vượt thời gian, một điều kỳ diệu mà người ta chỉ tìm thấy trong thế giới của Từ Thức hay trong thế giới theo “thuyết tương đối” của Albert Einstein: một năm Từ Thức sống với Giáng Hương ở cõi tiên bằng hai trăm năm của trần gian, một năm du lịch trên con tàu trong vũ trụ với vận tốc cực nhanh gần bằng vận tốc ánh sáng theo Albert Einstein sẽ dài bằng vài thế kỷ trên địa cầu, cũng như thế, một ngày sống với “những mắt biếc cỏ non xanh cây trái địa đàng” (Những con mắt trần gian), một lần “để người về hát đêm hồng địa đàng còn in dấu chân” (Dấu chân địa đàng) có giá trị bằng trăm ngày, trăm đêm bình thường trên trần thế.

Tiên đoán Dân Chủ cho Việt Nam ?








Ng. Tiên Tri


Theo nghĩa của nó, dân chủ là người dân được tự do làm chủ lấy mình, không bị lệ thuộc vào vua quan, lãnh chúa, hay hoàng đế.

Nhưng muốn tự do làm chủ lấy mình người dân phải có một trình độ hiểu biết và suy luận đứng đắn thế nào là tự do dân chủ, không lạm dụng tự do, tôn trọng tự do của người khác, và không quá ngây thơ để bị kẻ khác lợi dụng dân chủ nhiễu loạn và thống trị.

Dân chủ là khi sống chung trong một cộng đồng, thôn xã hay đô thị, người dân cùng nhau trực tiếp quyết định sự lãnh đạo và điều hành của cộng đồng. Khi cộng đồng quá rộng lớn, thì sự tham dự của người dân thường phải qua một hay nhiều tầng đại diện. Quan niệm 'dân chủ' chỉ được phát hiện gần đây thôi, chỉ nói đến tự do dân chủ mà không nói đến bình đẳng và đoàn kết chung sống thân thiện; - Cách Mạng Pháp 1789 chú trọng vào tự do, bình đẳng và tình huynh đệ thân thiện (liberty, egality, fraternity).

Việt Nam ngày xưa cũng có chế độ xã thôn tự trị, xem ra cũng có vẻ dân chủ, người dân trong làng xã được chọn xã trưởng và ban quản trị, nhưng thực ra dân chủ nầy cũng không vượt khỏi lũy tre xanh của xóm làng, và dân cũng không thoát khỏi cảnh phe đảng cường hào ác bá, cấu kết với quan trên mua quyền bán chức. Nho giáo và Phật giáo nền tảng luân lý đem lại an ninh xã hội trong tinh thần tuân phục, an thân thụ động.

Thời cổ xưa của đô thị La mã (Ý) hay Athens (Hy Lạp), cũng có chế độ Cộng Hòa, nhưng thực sự quyền hạn đều tập trung vào tay trưởng tộc các bộ lạc hay các giòng họ lớn; vì sống chung, họ phải đoàn kết để có sức mạnh chống kẻ thù bên ngoài, họ phải nhân nhượng lẫn nhau, nên đã tạo ra các cuộc hội họp và bầu cử người lãnh đạo để quyết định các vấn đề liên quan đến vận mạng của cộng đồng, đô thị.

Sau khi khám phá được Mỹ Châu, dân chúng Tây Âu, vì lý do như kinh tế, chính trị hay tôn giáo, đã vượt biển Ðại Tây dương tràn vào miền đất mới nầy lập nghiệp. Số người di cư nầy rất đông, họ thuộc nhiều quốc gia, nhiều dân tộc, tôn giáo khác nhau, không có một nhóm người nào có đủ sức mạnh để độc quyền thống trị. Họ đành phải thoả hiệp với nhau bầu cử người điều hành lãnh đạo cộng đồng, nhất là về tôn giáo thì họ phải chấp nhận mọi người trong cộng đồng phải được tự do theo đạo của mình. Nhờ vào tinh thần dân chủ và tự do tín ngưỡng sơ khởi nầy, dân di cư cùng sát cánh chống lại các bộ lạc da đỏ để dành đất. Sau khi tuyên bố độc lập năm 1776, họ phải đánh nhau 8 năm với mẫu quốc Anh, mãi đến năm 1787 mới có một Hiến Chương dân chủ cho nước Mỹ.

Nhưng sau đó lịch sử nước Mỹ đã ghi nhiều trường hợp không dân chủ như tàn sát người dân Mỹ da đỏ nguyên thủy và nô lệ hoá người Mỹ da đen. Sau nhiều năm chiến tranh tương tàn để xóa bỏ chế độ nô lệ, mà mãi đến năm 1965 mới có Luật 'Voting Right' để bảo đảm quyền bỏ phiếu của người da màu. Tính ra đến gần 200 năm dân chủ mới được thực hiện!

Sau trên 200 năm và 27 lần tu chính, Hiến Chương nầy đã trở thành nền tảng cho nền dân chủ hiện đại của Mỹ, mà nhiều người hăng say với nền tự do dân chủ thường cổ võ áp đặt nền dân chủ nầy vào các nước vừa mở mang thiếu thốn về giáo dục, kỷ thuật, kinh tế v. v...

Ngày nay tại Mỹ, dân chủ được thực hiện như thế nào? Trên lý thuyết thì mỗi 2 năm đều có cuộc bầu cử để dân chúng tự do lựa chọn người đại diện cho mình tại các cơ quan lập pháp, hành pháp và các thẩm phán điạ phương. Nhưng thực tế thì muốn ra ứng cử vào chức vụ công thì phải có nhiều tiền để quảng cáo, và người thắng cử thường là người có nhiều tiền và phương tiện thông tin tràn lấp đối thủ, kể cả thông tin gian trá và thủ đoạn bới móc thường làm cử tri lầm lẫn.

Do đó dân chủ chỉ có cho tư bản: những người có nhiều tiền, chủ các công ty, thường chủ động trong các cuộc bầu cử, thuận theo quyền lợi của công ty thì họ giúp, chống thì phá không cho đắc cử.

Với cuộc Cách Mạng 1789, dân Pháp đã lật đổ chế độ quân chủ thần quyền, đẩy giới quý tộc và tu sĩ ra khỏi chốn công quyền, cùng phát huy tư tưởng dân chủ ra khắp các nước láng giềng. Nhưng sau đó vì chiến tranh, bị các nước quân chủ liên kết đánh bại, nền quân chủ thần quyền được tái lập; nên đến mãi gần 100 năm sau nước Pháp mới thực hiện trở lại nền dân chủ.

Dù Pháp và Mỹ là nước dân chủ tự do nhưng các nước nầy ngăn cấm người dân bản xứ, dân thuộc địa, người nô lệ, người không có tài sản, người không đóng thuế và nhất là không cho phụ nữ được bầu cử, không cho người dưới 25 tuổi bỏ phiếu. Tại các thuộc địa như VN họ vẫn giữ chế độ vua quan quân chủ chuyên chế để trị dân bản xứ.

Phụ nữ chỉ được bỏ phiếu tại Pháp vào năm 1918, tại Mỹ năm 1920 và tại Anh vào khoảng năm 1928. Thanh niên Mỹ dưới tuổi 25, dù phải nhập ngũ lúc 18 tuổi, gởi đi đánh nhau tại Âu Châu và Việt Nam, nhưng họ không được quyền bầu cử, cho mãi đến năm 1971 thì mới được quyền này.

Tại sao có chuyện phụ nữ, người trẻ tuổi, dân thuộc địa, dân nô lệ, người nghèo, tại các nước mệnh danh là tự do dân chủ lại không có quyền bầu cử, mà mãi đến gần đây họ mới có được quyền nầy?

Lý do có thể rất dản dị, thành phần nầy vì tình trạng xã hội của họ vào lúc xưa không cho họ cơ hội học hỏi để có khả năng hiểu biết và suy nghĩ đứng đắn mà xử dụng lá phiếu bầu cử. Mãi đến sau nầy nhờ mực sống xã hội cải thiện nên phụ nữ và thanh niên dưới 25 tuổi mới có cơ hội học hỏi, trau dồi khả năng, đóng góp vào chiến tranh v. v. . , vì vậy họ mới được quyền bầu cử.

Trên đây chỉ nhận xét qua hai nền dân chủ có ảnh hưởng vào nền chính trị VN là Pháp và Mỹ. Các nước nầy từ khởi đầu nền dân chủ cũng phải trải qua hằng hai trăm năm mới tạm được như hiện tại.

Nhìn vào lịch sử Việt Nam, sau ngàn năm dưới sự đô hộ của Tàu và ngàn năm ở trong sự cai trị của vua quan, thì chế độ phong kiến đã có ấn tượng sâu xa vào tinh thần và văn hóa người dân. Cai trị không cần luật pháp minh bạch mà bằng đặc quyền quân chủ, nhà vua làm chủ tất cả đất đai, tài sản cùng tính mạng người dân sống trong vùng đô hộ. Người dân chỉ đóng vai thụ động, tuân hành, không được huấn luyện về trí tuệ. Vì muốn bảo trì đời sống của mình và gia đình, người dân phải vâng lệnh và hùa bợ người trên, khi có quyền thì theo lệ lại đàn áp kẻ dưới. Tư cách con người do đó trở thành ích kỷ, ỷ lại và hèn kém tham sống sợ chết. Thiếu tinh thần tự chủ, tự trọng, nên thấy giặc đến chưa đánh đã hàng. Dân nghèo khổ được giặc tuyển dụng làm bọn đánh thuê, khi giặc chiếm được nước thì thành công thần của triều đình lệ thuộc.

Người Pháp đến chiếm nước ta để đô hộ khai thác tài nguyên và nhân lực cùng biến người dân ta ra hàng tôi tớ. Thay vì phổ biến, giáo dục dân bản xứ về dân chủ mà họ thường rêu rao là khai hoá; nhưng tiếc thay Pháp vẫn duy trì bọn vua quan bù nhìn dùng chế độ quân chủ thần quyền để cai trị và khai thác, biến tinh thần và trí óc người dân Việt thành thụ động như đầy tớ chỉ biết tuân phục chủ, hở ra là ăn cắp, hành hạ người dưới, có tí quyền hành thì tham nhũng, hối lộ. Người Pháp chỉ phổ biến Tự do Tứ đổ tường là cờ bạc, rượu chè, đĩ điếm, thuốc phiện.

Sau năm 1945, thì đảng phái tranh dành quyền, người thì theo Tây trở lại đô hộ, kẻ đi theo kháng chiến chống Pháp. Sau Hiệp định Geneve 1954, đất nước chia đôi, miền Nam cũng thoát khỏi sự đô hộ của Pháp, nhưng lại rơi vào tròng bảo trợ của Mỹ để thực hiện tự do dân chủ, nhưng thực ra để thành tiền đồn chống Cộng bảo vệ thế giới tự do, trước hết là để bảo vệ an ninh cho Hoa Kỳ.

Chính quyền Ðệ Nhất CH thiết lập trên một chế độ độc quyền, quan liêu gia truyền, gia đình trị; bầu cử gian lận, đàn áp tôn giáo, bợ người trên áp bức kẻ dưới, giống như thời quân chủ thần quyền. Chế độ chỉ sống được dưới lá bùa bảo vệ của Mỹ quốc.

Sau đảo chánh 1963 khi chế độ được buông lơi, thì hết đảo chánh nầy đến đảo chánh nọ, ai cũng muốn làm Tổng Thống; người Thượng Tây Nguyên cũng muốn có Tổng Thống riêng của họ, các làng tôn giáo thành ra khu tự trị, người lãnh tụ tôn giáo tại khu lại có luôn quyền hành chánh, tài chánh và tư pháp; rồi cũng lại bầu cử gian lận, độc diễn.

Ngày 30 tháng 4, 1975 đã phải đến, rồi đến các phong trào tranh đấu tại hải ngoại, người nào ra tổ chức hội hè cũng muốn làm chủ tịch hay ban lãnh đạo mới được, rồi chửi bới đánh đấm lẫn nhau. Tổ chức nào cũng đòi hỏi dân chủ và tự do ngôn luận cho Việt Nam, nhưng họ lại ngăn không cho người khác được phát biểu ý kiến khác ngoài ý kiến của họ, họ còn dùng cả bạo lực ngăn cản đồng hương không được thưởng thức chương trình ca nhạc không do bọn họ trình diễn.

Nếu có dân chủ thực sự ở Việt Nam, hay Hoa Kỳ đem quân tái chiếm Việt Nam để đem tự do dân chủ đến cho người Việt như đã làm ở Iraq thì kết quả sẽ ra sao?

- Như tự do dân chủ đã đến với nhân dân Nga Sô, hậu quả là Liên Bang Sô Viết biến mất, chia thành mươi nước khác nhau, nhưng không biết tại các nước nhỏ nầy có tự do dân chủ thực sự hay không?

- Nước Yougoslavia cũng thế, tự do dân chủ đã đưa đến chia ba xẻ năm, chiến tranh tương tàn khốc liệt đến nỗi LHQ phải can thiệp mới tạm yên.

- Với Việt Nam thì ra sao? Tiên đoán?

Người nghèo đói, dốt nát không đủ trí tuệ để chọn người đại diện mình bằng cách tự do bầu cử, dễ bị mua chuộc bởi những hứa hẹn hão huyền hay bằng tiền bạc, hoặc có mặc cảm sợ hãi thế lực. Dốt nát nên tinh thần mê tín dị đoan, lười biếng mà lại mơ tưởng đời thiên đường, nên thường bị bọn buôn thần bán thánh lợi dụng cho tư lợi.

Ðem dân chủ đến với các nước có số dân trình độ thấp kém, không hiểu gì về dân chủ, không biết kính trọng tự do dân chủ của người khác, nhất là còn ảnh hưởng của đời làm tôi tớ ngoại bang, thiếu tinh thần tự trọng, tự tồn, tự túc mà lại quen thói vụng trộm thì kết quả sẽ ra sao?

Cùng với tự do dân chủ, công ty tư bản ngoại quốc sẽ nhảy vào, dùng tiền bạc và vật chất để ủng hộ ứng cử viên nào ủng hộ chánh sách khai thác kinh tế tài chánh của công ty, kể cả giúp tuyền truyền xuyên tạc, hối lộ, bạo hành, lập băng đảng, tổ chức biểu tình chống đối.

Cùng với tự do dân chủ giới tư bản sẽ nhảy vào trợ lực để thành lập các nước độc lập tự trị tại các khu người Thượng Tây Nguyên, khu người Thái miền Bắc, khu người Hoa tại Chợ Lớn, Long Xuyên, khu tôn giáo tại Bùi Chu Phát Diệm, Vĩnh Long, Châu Ðốc, Tây Ninh, Hố Nai. Có thể VN sẽ biến ra thành vài chục nước nhỏ tự trị thụt lùi vào cảnh thập nhị xứ quân của hơn ngàn năm về trước.

Sau đó tại các nước nhỏ nầy, tư bản sẽ bỏ tiền ra xây đựng các khu giải trí, tự do rượu chè, cờ bạc, đĩ điếm, ma túy để cho dân các vùng lân cận đến vui chơi giải trí mà không bị ràng buộc cấm đoán của pháp luật. Bao nhiêu tiền dành dụm, tiền tham nhũng, tiền trộm cắp lường gạt sẽ đổ vào các khu giải trí nầy đem nhuận lợi cho nền tư bản, còn nhà nước VN sẽ không được gì tuy công dân của mình đem tiền vào đó.

Ta đã thấy khu thuộc địa giải trí Macao, Hồng Kông trước kia đã làm kiệt quệ nước Tàu, - khu giải trí Las Vegas đã thâu được một số lợi tức khổng lồ, tuy nhiên Las Vegas không là một nước tự trị nên phải đóng thuế cho Liên Bang, tiền thâu được vẫn làm lợi cho nước Mỹ.

Tại sao với tự do dân chủ đất nước lại bị chia xẻ? Rất dàn dị: Tinh thần quân chủ thần quyền, phong kiến, tinh thần tôi tớ của kẻ bị đô hộ mấy ngàn năm qua vẫn còn tồn tại, di truyền trong đầu óc người dân, người nào cũng muốn dành quyền lãnh đạo, người nào cũng muốn làm Tổng thống, Tổng trưởng; không dành được quyền tại các nước lớn thì đòi chia cắt rồi làm Tổng thống tại nước nhỏ vậy. Làm chức vụ cao thì tha hồ thao túng tham nhũng, đó là thông lệ tại các nước nghèo đói thiếu trí thức, hậu quả của những đời nô lệ ngoại bang.

Trên đây chỉ là ý kiến tổng quát của tác giả, không bàn về nhiều ngoại lệ, nhất là các ngoại lệ đã đưa đến một nước VN độc lập và thống nhất cho đến ngày nay. Xin cáo lỗi và tri ân quý vị đã giúp đỡ, hy sinh cho đất nước và dân tộc.

Ng. Tiên Tri.
USA 


Câu chuyện “vô luân” về cái chết “dại”







Mục Đồng


Trong trang nhà điện tử damau.org (Tạp Chí Da Màu- Văn Chương Không Biên Giới), ngày 5.10.2009 có đăng truyện “Đường Ra Khỏi Basra” của tác giả Nguyễn Thị Thảo An.


Đọc xong, Mục Đồng tôi cảm thấy xót thương cho nhân vật chính trong truyện là Trung sĩ Nguyễn Khắc Bình . Tôi vẫn mong nhân vật nầy là nhân vật hư cấu của tác giả. Nhưng xem kỹ ở đầu truyện, tác giả ghi rõ:

“ Kính tặng Sgt. Nguyễn Khắc Bình & gia đình“
một cách trân trọng. Hơn nữa, ở cuối bài, tác giả còn ghi chú:

“Ghi chú của tác giả: Tang lễ Sgt. Nguyễn Khắc Bình được tổ chức trọng thể với sự hiện diện của các đại diện đơn vị, đoàn thể địa phương, các cơ quan truyền thông và thứ trưởng Bộ Quốc Phòng (trên truyền hình ABC, BCS… ) Để tri ân sự hy sinh của Sgt. Nguyễn Khắc Bình, Bộ Quốc Phòng đã hoàn thành tâm nguyện NKB, bảo trợ nguyên cả gia đình anh sang Mỹ. Tôi viết truyện này với sự thành kính và xúc động trước tấm gương và tinh thần hy sinh của người lính Việt Nam chiến đấu dưới lá cờ Mỹ."

thì rõ ràng Nguyễn Khắc Bình là nhân vật có thật. Và tác giả viết ra truyện nầy là vì tác giả “thành kính và xúc động trước tấm gương và tinh thần hy sinh của người lính Việt Nam chiến đấu dưới lá cờ Mỹ”.

Về bố cục, các chi tiết và văn phong của tác giả thì phải nói là tác giả viết hay, có công phu sưu tầm các chi tiết về Hồi giáo, vể bối cảnh chính trị của Iraq,...Ở đây, tôi không có ý kiến gì về các chi tiết ấy, cũng như việc tác giả biện hộ cho việc người Mỹ đem quân đánh Iraq, lật đổ và giết ông Saddam Hussein, và phê phán Hồi giáo. Tôi chỉ nói việc nhân vật Nguyễn Khắc Bình, một người Việt Nam qua Mỹ du học với mục đích là để được ở lại Mỹ để bảo lãnh toàn bộ gia đình qua Mỹ:

“Mẹ tôi nói, đặt chân lên đất Mỹ tức là đặt chân lên tới thiên đàng. Cha nói, hãy bám trụ, đừng trở về cái địa ngục này”.

“Để được ở lại nước Mỹ, vào quốc tịch, và sau này kéo hết gia đình sang, đó là mục tiêu tối thượng, và cũng là niềm mơ ước của cả gia đình” (Đường ra khỏi Bastra)

Nhưng làm sao ở lại Mỹ? "điều đó thật không dễ” (bđd). Kết hôn giả? Không đủ tiền! Kết hôn thật? Tìm không ra người chăng? nên mới nghĩ ra cách “đầu quân làm lính Mỹ”.

“Tôi bất kể tuổi tác, nhan sắc, trong đầu vẽ ra một cuộc tình chớp nhoáng, mà cái nào cũng kết thúc bằng một buổi lễ tuyên thệ tại sở Di Trú ...

Cha mẹ tôi đã phải cầm cố nhà cửa, tài sản duy nhất để lo chuyện du học rồi, đánh chết tôi cũng không dám nghĩ tới tạo một gánh nặng nữa cho gia đình. Một thằng bạn khác bảo, đăng lính đi, phục vụ trong quân ngũ một thời gian vừa được quy chế vào quốc tịch, vừa được học bổng học đại học, nhất cử lưỡng tiện. Chiến tranh Iraq mới bắt đầu, nhu cầu cần lính đang cao. Và tôi, quyết định ngay, mở một con đường máu, vào quân đội để thoát hiểm”

“Từ dân Việt để trở thành công dân Mỹ cũng giống như đi đầu thai kiếp khác, tôi cần phải “vượt vũ môn” như một con cá chép thật “ (bđd)

Khi anh chưa là công dân Mỹ (chưa có quốc tịch Mỹ), chỉ là một du học sinh, người nước ngoài mà đăng ký đi lính Mỹ, thì tôi không biết chính phủ Mỹ, quân đội Mỹ có chấp thuận không ?

Sau khi anh vào lính Mỹ, mẹ anh ở Việt Nam lo sợ, khóc, nhưng cha anh tỏ ra mừng và viết thư chỉ vẽ cho anh kinh nghiệm về vũ khí và chiến trận, dù cha anh chỉ là người binh nhì của Việt Nam Công Hòa bị bắt tại trận ngày 30 thãng năm 1975 và bi đi học tập.

“Còn cha, tuy là lính trơn nhưng lúc xe tăng T.54 tiến vào Dinh Độc Lập, cha cùng đồng đội còn đang lập chốt làm tuyến phòng thủ ở phía Tây Sài Gòn. Cha bị bắt ngay mặt trận vào giờ thứ 25 nên tù lâu là chuyện thường. Trong thư cha viết, “Cha tôn trọng quyết định của con. Phải nhớ rằng, một ngày làm lính, cả đời là lính. Người lính không sử dụng quân đội như một phương tiện… Khi con có mục tiêu thì phải chiếm cho bằng được.” Kể từ đó, cha không viết về những chuyện đã rồi, thư cha toàn là những trang liệt kê về những ưu điểm của đủ thứ vũ khí các loại, và cách đối phó những tình thế nguy hiểm. Không nói ra, nhưng tôi hiểu cha muốn truyền hết nội lực, tâm huyết cho tôi, không giữ lại một chút gì” (bđd)

Tôi cũng không biết một binh nhì bị bắt ngoài mặt trân vào ngày 30/4/1975 có bị đi học tập lâu không như tác giả viết.

Vì anh tình nguyện vào làm lính Mỹ nên sau khi được huấn luyện thành Trung sĩ (Sergeant), anh bị đưa qua Iraq. Ở đó, anh đã chiến đấu “anh dũng” :

“Tôi xoay nòng súng bắn như điên vào những lùm bụi gần cửa hang. Không thể để chúng bắn tỉa máy bay vì họ đang bay rất thấp

Khi trận công phá kết thúc, tôi đi xuống dưới coi. Xác địch ngổn ngang, không biết tên nào do tôi bắn chết “

Và về sau anh bị chết sau khi bắn vào một xe chở bom tự sát của một người Iraq.

Như vậy đúng là anh đã “đầu thai kiếp khác”, “đã vượt vũ môn” đúng như anh mong muốn:

“Từ dân Việt để trở thành công dân Mỹ cũng giống như đi đầu thai kiếp khác, tôi cần phải “vượt vũ môn” như một con cá chép thật “. (bđd)

Ai cũng có thể thấy trước cái chết của anh khi anh tình nguyện vào lính Mỹ và được “vinh dự” là “chiến sĩ Việt Nam chiến đấu dưới lá cờ Mỹ” tại Iraq như tác giả Nguyễn Thị Thảo An vinh danh anh, chỉ có anh, gia đình anh và tác giả Nguyễn Thị Thảo An là không biết. Ai cũng có thể thấy trước cái chung cuộc bi thảm của anh, chỉ đơn giản là vì anh đã giết người ta, thì có lúc người ta sẽ giết anh:

“Tôi xoay nòng súng bắn như điên vào những lùm bụi gần cửa hang. Không thể để chúng bắn tỉa máy bay vì họ đang bay rất thấp

Khi trận công phá kết thúc, tôi đi xuống dưới coi. Xác địch ngổn ngang, không biết tên nào do tôi bắn chết “ (bđd)

Sau đó, chính phủ Mỹ đền ơn anh vì anh đã chết thay cho một người Mỹ chính cống, bằng cách cho toàn bộ gia đình anh đi “qua thiên đường Mỹ” như chính anh và gia đình anh mong muốn.

Cái bi thảm của cha mẹ, anh chị em của anh là ở chỗ được “đến thiên đường Mỹ” nhờ xác chết của anh! Như vậy, họ sống, ăn, uống, thở nơi cái thiên đường này chính là đang sống ăn, uống, thở vào cái xác chết của anh. Ai dám khẳng định là họ sẽ họ sống thanh thản sung sướng nơi thiên đường nầy? Đạo lý nào cho phép cha mẹ dùng xác chết của con để sống sung sướng ? Mà chắc gì đã sống đầy đủ được khi cha anh chỉ là người binh nhì vào năm 1975, tức không có trình độ chuyên môn gì, không có trình độ văn hóa, mà nay đã già rồi, thì làm nghề gì để sống nơi thiên đường nầy !

Có biết bao du học sinh Việt Nam (và cả thế giới) đến học tại Mỹ, mà họ đâu có cần kết hôn giả, kết hôn thật, hay phải đi lính Mỹ mới được ở lại Mỹ ? Chỉ với tài năng, biết` bao nhiêu người nước ngoài đã được Mỹ mời ở lại làm việc sau khi tốt nghiệp Đại học. Một điển hình là Giáo sư Trinh Xuân Thuận du hoc Mỹ năm 1966, vào thời chiến tranh Việt Nam vô cùng ác liêt, có cả nửa triệu lính Mỹ ở chiến trường Việt Nam (so với trên một trăm ngàn tai Iraq hiện nay), mà người sinh viên Trịnh Xuân Thuận đâu có cần đăng làm lính Mỹ, vẫn được Mỹ mời làm Giáo sư Đại hoc mấy chục năm nay, và vừa qua, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã quyết định trao tặng Giải thưởng Kalinga 2009 .

Chính vì vậy mà tôi xót thương cho anh mà cũng rất chê anh là đã chọn cái chết “dại” và đã tạo ra “mặc cảm vô luân” cho cha mẹ và anh chị của anh là dùng cái chết của anh như một phương tiện để đến “thiên đường Mỹ”. Ấy thế mà theo tác giả Nguyễn Thị Thảo An thì cha anh rất ngon lành khi khuyên anh :

”Người lính không sử dụng quân đội như một phương tiện… Khi con có mục tiêu thì phải chiếm cho bằng được“.

Có gì mâu thuẩn trong lời khuyên nầy không ?

Cái chết bi thảm của anh Nguyễn Khắc Bình là do chính anh lựa chọn “con đường đến thiên đàng”. Cách lựa chọn nầy có tương tự như cách lựa chọn của cha vào ngày 30/4/75 không ? Khi mà những cấp chỉ huy cao cấp nhất của quân lục VNCH đã bỏ chạy ra biển hoặc buông súng và cả triệu binh lính khác đã đầu hàng thì cha anh là một binh nhì, một lính trơn, lại vâng theo “lời quyết tử của cấp chỉ huy đã bỏ chạy” mà đóng chốt lập phòng tuyến chống quân Cộng sản:

“Còn cha, tuy là lính trơn nhưng lúc xe tăng T.54 tiến vào Dinh Độc Lập, cha cùng đồng đội còn đang lập chốt làm tuyến phòng thủ ở phía Tây Sài Gòn. Cha bị bắt ngay mặt trận vào giờ thứ 25 nên tù lâu là chuyện thường”

Đây chính là cái tâm lực mà cha anh đã truyền cho anh, cho nên cái chết của anh do sự lựa chọn của anh, nhưng cũng một phần do cha anh vì cha anh hun đúc anh qua tâm lực trên đây của ông để anh trở thành người “anh hùng” trong chiến trường Iraq:

“Không nói ra, nhưng tôi hiểu cha muốn truyền hết nội lực, tâm huyết cho tôi, không giữ lại một chút gì” (bđd)

Cái chết của anh là một nỗi ám ảnh khó nguôi cho cha mẹ, anh chị em của anh, mà có lẽ chính những người nầy không muốn nhiều người biết đến, để họ âm thầm chịu đựng và mong thời gian làm nguôi đi. Nhưng tác giả Nguyễn Thị Thảo An lại viết ra cho mọi người biết dưới hình thức vinh danh cái chết của anh. Vậy sự vinh danh nầy là thật sự vinh danh hay là một sự gì đây ?

Với tác giả Nguyễn Thị Thảo An, tôi chỉ căn cứ vào truyện của tác giả để nói thôi.

Nếu tác giả không ghi lời kính tặng và đặc biệt không ghi chú:

“Tang lễ Sgt. Nguyễn Khắc Bình được tổ chức trọng thể với sự hiện diện của các đại diện đơn vị, đoàn thể địa phương, các cơ quan truyền thông và thứ trưởng Bộ Quốc Phòng (trên truyền hình ABC, BCS… ) Để tri ân sự hy sinh của Sgt. Nguyễn Khắc Bình, Bộ Quốc Phòng đã hoàn thành tâm nguyện NKB, bảo trợ nguyên cả gia đình anh sang Mỹ. Tôi viết truyện này với sự thành kính và xúc động trước tấm gương và tinh thần hy sinh của người lính Việt Nam chiến đấu dưới lá cờ Mỹ”

thì người đọc sẽ cho là tác giả chỉ mô tả một bi kịch có thật đã xảy ra, và tùy người đọc muốn nghĩ thế nào về cách lưạ chọn của nhân vật Nguyễn Khắc Bình thì nghĩ. Nhưng tác giả đã ghi chú như trên thì tác giả đã thật sự “vinh danh” cái chết của anh Nguyễn Khắc Bình!. Tuy nhiên câu vinh danh:

” Tôi viết truyện này với sự thành kính và xúc động trước tấm gương và tinh thần hy sinh của người lính Việt Nam chiến đấu dưới lá cờ Mỹ”

chứa nhiều cái ‘không ổn” .

Tác giả viết “người lính Việt Nam” đã ổn chưa ? Theo tôi hiểu, người lính Việt Nam là người lính của quân đội Việt Nam như của VNCH hay của QĐNDVN của nhà nước Việt Nam hiện nay, chứ anh Nguyễn Khắc Bình tình nguyên làm lính Mỹ, đang ở trong quân đội Mỹ thì anh là lính Mỹ, chứ không phải lính Việt Nam. Tiếp đến, nếu đã là “lính Việt Nam” sao lại “chiến đấu dưới lá cờ Mỹ” ? Câu nầy có khác gì nói “người lính Việt Nam là quân đánh giặc thuê cho Mỹ” Vậy câu nầy có xúc phạm danh dự của “người lính Việt Nam” không ? Có xúc phạm danh dự của tất cả cựu quân nhân của VNCH không ? Có xúc phạm danh dự của người Việt Nam không ?

Nên biết rằng tất cả những quân đội của những nước đồng minh của Mỹ đế chiến đấu tại Việt Nam trong thời chiến tranh Việt Nam cũng như hiện nay tại Iraq, Afghanistan đều chiến đấu dưới lá cờ của nước họ, chứ không ai vỗ ngực tự hào “chiến đấu dưới lá cờ Mỹ” như “tấm gương hy sinh của người lính Việt Nam chiến đấu dưới lá cờ Mỹ” của tác giả Nguyễn Thị Thảo An .

Thế chưa đủ, tác giả lại “anh hùng hóa” cái chết của anh Nguyễn Khắc Bình bằng câu:

“… Trả súng đạn này. Ôi, sạch nợ sông núi rồi”

Ô hay thật, “nợ núi sông” nào nơi đây ? Anh đi lính Mỹ, anh chết như một người lính Mỹ tại đất nước Iraq thì có liên can gì đến “núi sông” Việt Nam đâu ?, như ý của bài hát “Một mai giã từ vũ khí”. Nếu mai nầy anh Nguyễn Khắc Bình có được nhà nước Mỹ phong anh hùng thì đó là anh hùng của dân Mỹ, chứ dân Việt Nam không thể “cầm nhầm” cái danh hiệu anh hùng nầy được!

Làm sao lý giải được động cơ đã khiến cho tác giả Nguyễn Thị Thảo An viết ra câu chuyện bi hài nầy ? Có phải chăng là do đầu óc chống Cộng sản Việt Nam một cách mù quáng, đã thâm nhập thành phản xạ có điều kiện vào tâm tư của tác giả Nguyễn Thị Thảo An, khiến tác giả nầy đã lợi dụng cái chết đáng thương nhưng“dại” của anh Nguyễn Khắc Bình mà “địa ngục hóa cuộc sống ở Việt Nam” và“thiên đường hóa của sống ở Mỹ”:

”Mẹ tôi nói, đặt chân lên đất Mỹ tức là đặt chân lên tới thiên đàng. Cha nói, hãy bám trụ, đừng trở về cái địa ngục này” (bđd)

và “vinh danh”, “cổ xúy” cho câu chuyên “vô luân” và cái chết “dại” của anh Nguyễn Khắc Bình, mà hậu quả có thể nói là chẳng vinh danh gì cả mà là khoét sâu nỗi đau của gia đình anh, và đồng thời xúc phạm đến người Viêt Nam ?.



Mục Đồng

Trực giác





Người ta không thể chung đụng lâu với phường hội của những nhà lý luận về đạo đức học mà không phải nghe đến những khả năng về sự tán dương hoặc mắng mỏ về “trực giác đạo đức” của chúng ta. Nguyên nhân của cách cư xử thứ hai là có nghĩa rằng phạm trù “trực giác” đã luôn luôn mang theo hương vị của sự thiếu nghiêm chỉnh trong các luận bàn về triết học và khoa học. Luôn luôn bị ghét bỏ bởi sự xuất hiện của nó trong lối diễn đạt thông tục như “trực giác phụ nữ” (nghĩa là “đồng bóng”), hoặc có khi đối nghịch trực tiếp với “lý lẽ”, hiện nay từ trực giác có vẻ như ma quỷ hóa tất cả những gì ngọt ngào giả tạo và phi lý ở bên ngoài hàng rào trường đại học. Chỉ có môt ngoại lệ đáng giật mình cho lề luật này được tìm thấy ở những nhà toán học, các vị đã nói về trực giác của mình không một chút hổ thẹn nhỏ nhoi- tựa như các vị khách du lịch đến những nơi chốn đẹp đẽ ở những nước đang phát triển từng đôi lúc nghe được họ thảo luận về nỗi bất hạnh của bộ ruột già vào những bữa ăn sáng. Nhưng, như chúng ta biết, các nhà toán học thực sự đã du lịch đến những nơi chốn kỳ diệu. Chúng ta cũng nên nhận biết rằng nhiều người trong họ thú nhận đã trở nên các nhà triết gia theo phái Platon, mà không hề cảm thấy nhu cầu rõ rệt gì cần phải tham vấn một nhà triết gia giỏi để đuổi tà ma.

Bất chấp các tì vết, “trực giác” là một phạm trù không thể thiếu bởi vì trực giác bao hàm các cấu thành căn bản nhất khả năng hiểu biết của chúng ta. Điều này dù đúng trong lãnh vực luân lý đạo đức và cũng không kém hơn trong lãnh vực khoa học. Khi chúng ta không thể chẻ nhỏ một sự việc ra hơn nữa, trực giác ngự trị ngay trong khoảng cách nhỏ bé không thể thu hẹp hơn được nữa. Do đó, sự đối nghịch truyền thống giữa lý trí và trực giác là điều giả tạo: lý trí chính là bản thân của trực giác đến tận cốt lõi, như bất cứ một phán đoán nào rằng một tiền đề nào đấy là “hợp lý” hay “logic" đều lệ thuộc vào trực giác để tìm chân đứng của mình. Người ta thường nghe các nhà khoa học và các triết gia thừa nhận rằng một điều gì đó hoặc một việc nào khác là một “thực tại thô thiển” – có nghĩa là thú nhận rằng sự thể ấy không hề giảm thiểu. Câu hỏi vì sao các hiện tượng tự nhiên có những nguyên nhân, có thể nói rằng, không phải là câu hỏi mà các khoa học gia cảm được cái cám dỗ tối thiểu để mà suy tưởng. Chỉ đúng là như thế. Đòi hỏi một lý giải cho một sự kiện quá căn bản cũng như hỏi rằng làm sao chúng ta biết được hai với hai bằng bốn. Các khoa học gia đã phỏng định trước giá trị của những sự thô thiển ấy- thực ra, họ cần phải như thế.

Tôi tin rằng, vấn đề rất rõ ràng: chúng ta không thể nào ra khỏi bóng đêm mà không chịu bắt đầu một bước đầu tiên. Và lý trí, nếu có thể hiểu biết được một điều gì, không biết bằng cách nào, sẽ hiểu được cái lý đương nhiên này. Do đó, sự trông cậy vào hiểu biết trực giác không nên làm bối rối các nhà đạo đức học hơn là nó đã từng gây bối rối cho các nhà vật lý học. Tất cả chúng ta đều bị dồn chung vào những cái bẫy sập giống nhau.

Cũng đúng là hiểu biết trực giác của chúng ta từng cho thấy đã có sai lầm. Thực ra, rất nhiều phán quyết của lý trí dường như không hề đúng ngay tự khởi điểm. Khi hỏi rằng một tờ báo sẽ có bề dầy bao nhiêu nếu như mình có thể xếp gấp lại một trăm lần chồng lên nhau, hầu hết chúng ta sẽ nghĩ đến một cái gì có bề dầy như một viên gạch. Tuy nhiên, một phép toán nhỏ sẽ cho thấy rằng, cục giấy báo xếp lại đó sẽ có bề dầy bằng bằng cả vũ trụ mà chúng ta từng được biết. Nếu chúng ta từng học hỏi được điều gì trong hai ngàn năm qua, đó chính là sự hiểu biết của một con người về những gì hợp lý vốn đôi khi vẫn cần đến sự giúp đỡ để tìm được chân đứng của nó.

Hoặc hãy thử nghĩ về những hình thái không thể tin được của trực giác vốn có thể tóm tắt trong câu “Trông giống như đúc” - vốn đã nhường bỏ các ma thuật của cảm tính và những lăng mạ hiển nhiên khác cho lý trí. Có hợp lý không khi nhiều người Tàu tin rằng cao hổ cốt tăng cường nam tính ? Hoàn toàn là không. Thế nhưng nó có thể trở nên hợp lý được không ? Thực tế là nó đã trở nên sự hợp lý. Chúng ta chỉ cần đối diện với một nghiên cứu tử tế sẽ cho thấy một tương quan đáng kể giữa xương hổ và mãnh lực của con người. Một người hiểu biết có cần đến sự tương quan so sánh ấy không ? Trông có vẻ như anh ta không cần đến. Nhưng nếu có cần đến, thì lý trí sẽ phải nhường bước trước một tình hình thực tế, là người Tàu đã hủy diệt một khối lượng khổng lồ một sinh loài mà không vì một nguyên nhân tử tế nào cả.

Tuy nhiên hãy lưu ý rằng tính cách duy nhất mà từ đó chúng ta có thể chỉ trích cái nội dung thuộc trực giác của lối suy nghĩ mê hoặc là bằng cách trông cậy vào nội dung trực giác ban đầu của suy nghĩ lý trí. “Nghiên cứu tử tế” ? “tương quan so sánh” ? Vì sao những tiêu chuẩn này lại chinh phục được mình ? Chẳng phải “hiển nhiên” rằng nếu một ai không loại bỏ đi các nguyên nhân khác vốn tăng cường các tiềm năng như - hiệu quả trấn an giả tạo, ảo tưởng, các nhân tố môi trường, các khác biệt về sức khỏe giữa các đối tượng v.v…- ắt có người sẽ thất bại khi cô lập các thay đổi của ảnh hưởng xương hổ trên cơ thể con người ? Đúng, thật hiển nhiên như hạt bụi trong mắt mình vậy. Tại sao hiển nhiên ? Lại một lần nữa chúng ta chạm phải bức tường đá. Như Wittgenstein từng phát biểu “Con bài của chúng ta đã bị lật rồi”.

Cái thực tại là mình phải dựa vào một số hiểu biết trực giác để trả lời những câu hỏi về luân lý tối thiểu đã không mang lại một điều gì mong manh, mơ hồ, hay bất định của văn hóa về chân lý đạo đức. Như trong các lãnh vực khác, sẽ có các bất đồng trí thức về các câu hỏi liên quan đến sự đúng sai, nhưng các bất đồng trí thức có giới hạn của nó. Con người tin rằng địa cầu là một mặt phẳng không phải là những nhà địa lý bất đồng chính kiến; những người chối rằng Holocaust chưa hề từng xảy ra không phải là những sử gia bất đồng chính kiến, người tin rằng Thiên chúa tạo nên vũ trụ vào năm 4004 trước thời công nguyên không phải là những nhà vũ trụ họcbất đồng ý kiến và chúng ta sẽ nhìn thấy rằng những người thực hành những giết chóc như “giết người vì danh dự” không phải là những nhà đạo đức bất đồng về luân lý. Thực tế của những tư tưởng tốt lành được tôn trọng tự khởi đầu không khiến cho các tư tưởng tồi được tôn trọng hơn một chút nào.


Trích Tận cùng của Ðức tin
Sam Harris
Lê Quốc Tuấn dịch

Thái Hà náo nhiệt giao duyên tân cổ



Thái Hà náo nhiệt tưng bừng
Bởi anh Chí Đậu đang phừng phừng say
Phát động,nhốn nháo phen này
Thánh giá lại được rước ngay về trời
Chỉ thương cho đức thánh lời
Sa tan lợi dụng tơi bời nhiều phen
Mảnh đất là hồn nước thiêng
Mang về La Mã cho riêng chúa mình
Chúa trên thánh gía bực mình
Nếu tau xuống được ,đoạn tình chúng bay
Chẳng qua đinh đóng dính tay
Miệng không mở được lâu ngày hóa câm
Cho nên tau phải khóc thầm
Bởi con chiên chúa ,thờ nhầm Sa tan
Khi xưa gót Pháp ai làm
Dính liền đô hộ Việt nam một thời
Quê hương tang tóc ngút trời
Một trăm năm ấy ai người dễ quên ?
Ngày nay vẫn một nhịp kèn
Kích động quậy phá vì trên chúa trời
Nếu tau ,nói được tiếng người
Phải đi tố cáo những lời Sa tăng
Lợi dụng chúa ,để nhố nhăng
Thần thánh buôn bán ,hoại băng đạo người !
Có ai thương lấy giùm tôi
Tháo đinh ,tôi xuống dậy tôi ,tiếng người ?


Lê Đức Duy

Thiên Đường Dậy Sóng Hoài Nghi







Lê Dọn Bàn
dịch từ "Problems with Heaven (1997)" của Michael Martin





Lời người dịch

Ai ai cũng muốn lên thiên đường, nhưng chẳng ai muốn chết cả [1]

Câu hát đó đập vào tôi ngay lần nghe đầu tiên, cách nay đã rất lâu, nên đến giờ đã quên mất cả tên người hát, và cũng quên cả các phần sau. Một nghịch lý của các tôn giáo phương Tây: Chết và Thiên đường. Phải chết xong đã, mới thấy cánh cửa vào đất Hứa. Thế nên Thiên đường vẫn là một hoài nghi – vì chưa chết nên không thể biết thực hư, nhưng chết rồi, thực hư không thể nói, mà cho cùng, với người chết, biết còn chăng chuyện thực hư. Vậy nên, thiên đường chỉ là để cho người sống bàn bạc, mơ tưởng, và nhất là rao giảng.

Nếu chỉ là giấc mộng đêm của con người như phương Đông nhìn lên trăng, mơ chốn Thiên thai, hay Bồng lai, tiên cảnh, có sáo trúc êm, có dáng hằng tuyệt mỹ, ...nó vô hại, nên thơ, đẹp đẽ, và lại còn đầy hứng cảm nghệ thuật.

Nhưng lớn mạnh hơn mộng đêm, đến những khát khao bản năng của tranh sống ngày, là mộng ngày; ở trong không gian của những hữu hạn nên thèm ước cái không gian khác chứa đầy vô hạn, nghèo khó nên ước giàu sang, xấu xa nên ước đẹp đẽ, khổ đau nên ước hạnh phúc,… mộng ngày là khát khao bản năng nên thường chỉ tìm đến số, đến lượng để thỏa mãn đói khát, bỏ quên hay coi nhẹ giá trị phẩm chất. Thế nên chúng ta nghe kể thiên đường có vô tận những cái này, vô hạn những thứ kia, vô cùng những điều nọ. Mọi thứ đều đong bằng “bao nhiêu là…”. Con người khát quá, thèm quá, muốn quá, tự nhiên đấy thôi. Nhưng những ước ao tự nhiên và thơ ngây đó của con người đã bị những phù thuỷ tôn giáo vẽ vời thành một Thiên đường dẫn dụ. Và bức tranh mới vụng về làm sao, đầu đuôi bất nhất. (Đọc bài này của Michael Martin) Tựa những lời hứa dỗ dành con trẻ, nay thế này, mai thế khác, sau cùng có ai ngắm kỹ lại, với chút suy nghĩ thấy ngay bức tranh Thiên đường rách bươm, vá víu, chắp nối, có rất nhiều lúc vội vàng nên điều hứa sau đã trái nghịch với lời hứa hấp tấp trước. Thiên đường có lẽ chẳng có thể ví được với một bức tranh, tôi có rộng rãi quá chăng? Ở chính phương Tây này, người ta chẳng vẫn gọi nó trần trụi là một cái bánh vẽ trên trời đó sao. Là bánh thì không, nhưng có là tranh đi nữa, nhưng chấp vá, nên có bao giờ thoả được dẫu một chút mộng chân thực con người.

Nhưng vì không thoả, chỉ ôm, thật chặt, nên giấc mộng Thiên đường là một giấc mộng chết người, giáng không biết bao nhiêu tại hoạ cho những kẻ sống ở trần gian.

Chỉ ở Việt Nam, tôi biết – giấc mộng hão ấy khởi mạnh đi từ hội mang tên “hội thừa sai Paris”, trăm phương nghìn kế bền bỉ muốn đem nó sang quê hương chúng ta. Những người truyền thì chân thực quá đỗi nên cuồng tín vô cùng, những người nhận thì khờ dại, khốn khó đáng thương, nên dốc sạch lòng đóng xuống niềm tin, vốn vừa được nâng lên thành một đức hạnh - đức tin, nên bất chấp cả cái chết – vì nếu cái chết biến họ thành thánh [2]- có nghĩa đã ôm chặt một thông hành lên thiên đường, cái chết nào có nghĩa gì với cánh cửa Thiên đường hứa hẹn sắp mở? Bức tranh vá víu ấy đã đủ dán kín, mù mắt để họ chỉ thấy giữa tối đen - chập chờn như thực, những thiên thần nghe kể trong Phúc âm - vẫy cánh chào đón. Hẳn nhiên, còn ai xứng hơn họ nữa? Những người đã “được chọn” và đã có dấu đóng chứng nhận vượt qua thử thách – dấu máu trên thân, dấu cháy của sắt nung đỏ ấn cháy da thịt trên trán.

Và bắt đầu như thế, giấc mộng thiên đường đẩy quê hương chúng ta – vào một thời kỳ không giống thời kỳ nào có trước đó của lịch sử dân tộc: Vũ đài chính trị dậy bão, các triều đại xụp đổ nhanh chóng. Thuở ấy, người phương Tây vào Việt Nam không chỉ thương nhân, giáo sĩ, mà cả gián điệp, quân đội trong ngoài. Khi Gia Long vào Phú xuân, đất nước về một mối, nhưng chưa bao giờ nông dân nổi loạn nhiều như vậy. Hỗn loạn, cùng quẫn và đói khổ, và những kẻ đợi dịp săn mồi đã lâu - với giấc mộng Thiên đường, nên sắt cháy, máu đổ, và lửa đốt, là những bước khởi đầu. Đến khi Văn thân dựng cờ “bình tây sát tả” là gươm vung đã trong vô vọng. Bàng hoàng, sững sờ, trước Nam, sau Bắc, chúng ta mất nước!

Cũng không quên nhắc lại, một giấc mơ thiên đường khác, bản chất là một mô phỏng của thiên đường “linh thiêng” này – thiên đường trần gian [3]– nhưng may mắn là nó đã không thọ, chẳng sống dài lâu, tuy bùng lên rất mạnh, nhưng tàn mau.

Thế nên đã hơn trăm năm qua, hết ngoại xâm, thuộc đia, đến chiến tranh, ly tán,...vẫn chưa nguôi. Lần đó, dân tộc ngã quị, đến nay đứng lên, vẫn như chưa vững chãi.

Và còn giấc mộng Thiên đường trên kia, ở sau cái chết.
Nó chưa chết ở quê hương chúng ta.

Mặc dù ở phương Tây, người ta đã dần từ bỏ, tôi kết thúc với một bài hát khác, quen thuộc hơn:


Tưởng tượng không có thiên đường – Dễ thôi, bạn thử đi,
Dưới chúng ta không hoả ngục – trên chúng ta chỉ trời xanh. [4]

Nhân đọc bài viết này của M. Martin

Lê Dọn Bàn







Thiên đường dậy sóng hoài nghi





Dẫn nhập

Tin có Thiên Đường là phần thiết yếu của các tôn giáo độc thần lớn như đạo Do Thái, đạo Kitô, và đạo Islam. Các nhà thần học nổi tiếng đã viết về nó và các người hữu thần bình thường hy vọng đến chốn ấy sau khi chết. Đáng tiếc, những người có quan điểm vô thần đã không nói gì nhiều về Thiên đường mặc dầu một vài bài viết của họ có nhắc nhở gián tiếp [5]. Thế nhưng, khái niệm về Thiên đường không rõ ràng và không phải là không có vấn đề. Như tôi sẽ trình bày trong những trang sau đây – có những vấn đề nghiêm trọng với khái niệm Thiên đường. Thứ nhất, khái niệm Thiên đường thiếu chặt chẽ, không đồng nhất. Thứ nhì, Không chắc những người theo quan điểm hữu thần có thể xóa được các mâu thuẫn giữa tính chất tuyệt vời của Thiên đường với những phản biện khuôn mẫu bảo vệ Luận chứng về Tà Ác [6] như luận thuyết Bảo vệ Tự do Ý chí [7] Thứ ba, Thiên đường không công bằng và, như thế, nó mâu thuẫn với lòng tốt của Gót [8]

Lý thuyết truyền thống

Lý thuyết truyền thống về Thiên đường có thể khai triển thành những thuật ngữ trong các luận thuyết sau đây [9][9]:

1. Luận thuyết thưởng công (The reward thesis): Mục đích của Thiên đường là để thưởng công cho những người có đời sống và hành vi xứng đáng ở trần gian.

2. Luận thuyết vĩnh cửu (The permanence thesis): Một khi đã ở thiên đường, người ta không rời.

3. Luận thuyết bất phổ quát (The anti-universalism thesis): Có những người sẽ không lên Thiên đường.

4. Luận thuyết ngoại tại cá nhân hiện hữu (The individual external existence thesis: Thiên đường là chốn có ý thức cá nhân.

Tất cả những lý thuyết này, trên nguyên tắc có thể bị chính những người hữu thần đặt vấn nạn và, trong thực tế, đã từng có dăm ba. Lấy thí dụ, một vài người Kitô đã phủ nhận (1) và đã chủ trương Thiên đường là phần thưởng của lòng Gót yêu thương và hoàn toàn không dựa trên công trạng. Có những người Kitô khác đã phủ nhận (3) và đã cãi ngược lại rằng rốt cùng mọi người đều được cứu rỗi và tất cả đều lên thiên đường. Tôi không biết có ai phủ nhận luận đề (2), nhưng chắc chắn có thể giữ luận điểm là một người sau khi lên Thiên đường cũng có thể tạo hành sai trái ở chốn ấy và bị giáng truất, thí dụ xuống Hell (hoả ngục) [10]. Cuối cùng, mặc dù hiếm khi có chuyện phủ nhận (4) trong những tín đồ theo truyền thống hữu thần Tây Âu, nhưng trong những tín đồ các tôn giáo phương Đông [11] và chủ nghĩa phiếm thần, họ cãi rằng Thiên đường gồm có một sự hợp nhất với Gót, qua đó ý thức cá nhân mất đi - là phổ thông.

Lý thuyết về Thiên đường tôi đã lược kê có ít nhất ba biến thái. Trong biến thái phổ thông nhất, linh hồn vô hình, phi vật chất của một người – không phải thân xác – lên Thiên đường chóng vánh sau khi chết. Trong dạng biến thái này, thiên đường được xem như “một chỗ”, nhưng không nằm trong thời gian và không gian.Trong biến thái thứ nhì, xác của người chết lại “sống dậy” chóng vánh sau khi chết, nhưng trong biến dạng ở vài không gian khác – một không gian hoàn toàn cắt đứt với không gian loài người hiện giờ đang sống – và được thưởng công ở đấy [12]. Trong biến thái thứ ba – nhiều học giả tin đây là quan điểm nguyên thuỷ của đạo Kitô – Thiên đường hiện giờ chưa có, nhưng sẽ có trong tương lai với lần Chúa xuống thế thứ nhì (the Second Coming). Lúc ấy, xác chết sẽ “cải tử hoàn sanh” trong dạng sửa đổi và được thưởng công ngay trong không gian chúng ta đang sống đây.

Sự mạch lạc của Thiên đường

Cả ba dạng biến thái của lý thuyết về thiên đường, về mặt nhận thức đều có những vấn đề về khái niệm rất trầm trọng, tác động trên nhận thức về chúng. Lấy dạng nói về linh hồn phi vật chất xét thử. Cứ tưởng tượng dù thô thiển sơ sài đến đâu cũng đã khó - về một thân xác nằm ngoài không gian và thời gian, nó ra làm sao? Rồi linh hồn đó di chuyển từ chỗ này sang chỗ kia ra sao? Linh hồn nhận ra linh hồn khác thế nào? Linh hồn không xác làm gì suốt ngày dài, vì đã giả định là linh hồn không cần ngủ? Khó khăn thành không sao vượt qua được nữa khi gộp nó với ý tưởng thiên đường nằm ngoài không gian và thời gian. Tất cả các khái niệm ý thức chúng ta có – lấy thí dụ - suy nghĩ, sẵn lòng, thèm khát – đều là khái niệm có tính thời gian, chúng cần thì giờ để tạo động và xảy ra ở một thời điểm nào đó. Suy nghĩ và ước muốn phi thời gian là không khái niệm được. Vậy nhưng, trong dạng biến thái này, các linh hồn suy nghĩ và ước muốn phi thời gian tính.

Hai dạng biến thái có xác sống dậy, có lẽ lúc đầu có ít vấn đề hơn dạng hồn không xác, nhưng chúng có những vấn đề của chúng về mặt nhận thức. Có hai vấn đề về nhận thức với ý niệm khi người ta chết, thân thể họ được cải tử hoàn sinh ngay (dù có biến dạng) ở một không gian khác – một không gian hoàn toàn tách biệt với không gian chúng ta, thành ra theo nguyên tắc, không sao có thể từ nơi chúng ta di chuyển đến đó được. Thật khó có nghĩa lý một không gian như thế. Mặt khác, làm sao có thể có hai không gian về vật lý tách biệt nhau? Không gian với nguyên tắc là cắt đứt hết mọi du hành không gian? Mặt khác, nếu không gian có xác dựng dậy, không là không gian vật lý, vậy nó là thứ không gian gì vậy? Thứ nhì, tại sao giả định xác ở không gian khác này là xác của người chết trong không gian chúng ta, hơn là một “bản sao” của người này? Giả định, ông X chết và xác này – chúng ta hãy gọi xác này là B1- đem chôn. Lại cũng giả thử một xác B2 khác dựng dậy ở một không gian khác. Có nền tảng nào để tin rằng B2 là ông X chứ không phải chỉ là một bản sao của ông X? Thế nhưng, chỉ trừ khi nào chúng ta có lý do vững chãi để tin B2 là xác (của ông X) chứ không chỉ là bản sao của ông X, trong biến thái này chúng ta không có được lý do nào để tin thiên đường là phần thưởng cho đời sống trần gian của chúng ta.

Xét dạng biến thái thiên đường hiện giờ chưa có, nhưng sẽ có trong tương lai, khi xác người trong dạng sửa đổi được dựng dậy, nhưng ở cùng không gian như chúng ta biết đây. Ở đây chúng ta không có những vấn đề liên quan đến thuyết thiên đường dạng biến thái thứ hai: thiên đường ở trong không gian vật lý của chúng ta, và chỉ có một xác cho mỗi người chết. Nhưng vẫn còn có những vấn đề. Xác chôn đã thối rữa và các nguyên tử của chúng có thể đã phân tán. Thực vậy, có những nguyên tử trong đám này, tính cho cùng, đã thành ra trong thân xác của những người bây giờ đang sống. Và nếu xác chết hoả táng, cũng đúng như thế. Nhìn những vấn đề như vậy, các nhà triết gia hữu thẫn, chẳng hạn như Peter Van Inwagen [13] đã cãi, dẫu đến một Gót toàn năng cũng không thế dựng dậy một xác thân đã hoàn toàn tan rã. Nhưng xác con người quả thật bị tan rã, và đây là vấn đề.

Van Inwagen đã đề nghị một giải pháp cho vấn đề này thật quái đản đến nỗi, phải như không vì vị thế của ông trong học giới, ý tưởng đó không đáng được nhận xét nghiêm chỉnh [14]. Ông đã đề nghị rằng, dù trái nghịch với những gì chúng ta thấy, thân xác con người không phân rã! Mà đúng ra, Gót bảo quản thân xác (thực) của chúng ta – có lẽ là ngay lúc chết – và đưa thay vào đó là một “bản sao” – bản sao này mới là thân xác chúng ta thấy – hoặc tan rã, hoặc hỏa táng [15] Không may cho ông, đề nghị này lại đưa ra một vài vấn đề liên hệ với dạng biến thái thứ hai. Tại sao phải nên giả định xác tan rữa hay xác hoả thiêu là các bản sao mà không chính các xác được bảo quản mới là bản sao? Thêm nữa, các xác bảo quản ở đâu? Nếu nói rằng chúng được giữ ở một tinh cầu nào xa lắm, hay một không gian khác với của chúng ta, vấn đề khởi lên ngay. Khả năng sau (không gian) đưa ra vấn đề giống dạng biến thái thứ hai. Đề nghị trước (tinh cầu), mở ngỏ khả năng trong tương lai có chứng nghiệm thực nghiệm, cách ấy, thám hiểm không gian có thể, trên nguyên tắc, tìm tinh cầu nơi Gót giữ xác người. [16]

Độc lập với những sự quái đản trong bản chất và những điều ngụ ý đầy vấn đề, còn vài điều hoang mang về những đề nghị của Van Inwagen. Tại sao Gót lại phải đi lòng vòng đến xa xôi như thế với chuyện xem ra là người ta mất đi vào hư không hoàn toàn? Van Inwagen đề nghị rằng nếu thân thể đã không tan rã, hoặc biến mất bí ẩn sau khi chết, điều này chắc sẽ là bằng chứng có một uy quyền siêu nhiên. Tác giả này nói mặc dầu Gót muốn chúng ta tin vào Gót, Ông đã không làm hết tất cả những gì Ông có thể làm được, để đưa ra cho chúng ta những bằng chứng không thể chối cãi. Van Inwagen kết luận bằng câu nói “có lẽ chẳng có gì là khó khăn để nghĩ ra những lý do tốt đẹp cho chính sách như thế (của Gót).” [17]

Có lẽ, quả thực có khó khăn hơn là Van Inwagen đã giả thử. Theodore Drange [18] đã đưa ra một luận chứng rất hùng hồn trình bày rằng – những luận chứng quen thuộc vẫn bào chữa chuyện Gót không đưa các bằng chứng mạnh mẽ ra cho chúng ta tin vào sự hiện hữu của Ông ta – các luận chứng như thế rất yếu. [19] Thí dụ, một người không thể biện hộ – nếu đưa ra bằng chứng hùng hồn sẽ gây trở ngại cho ý chí tự do của người ta, vì tự do chọn lựa thì ngang ngửa với có bằng chứng hùng hồn [20] Trong trường hợp nào đi nữa, nếu đã như có ai thấy xác người không thối rã, hay không mất đi sau khi chết, điều này khó mà có thể nói là bằng chứng không chối cãi được của phe hữu thần chủ trương có Gót, vì trạng thái của những chuyện như vậy tương đồng với nhiều cách giải thích của phái vô thần, thí dụ, một quỉ thần ma quái muốn làm chúng ta bẽ mặt!

Vấn đề về đặc tính siêu phàm kỳ diệu của Thiên đường

Một khía cạnh của thiên đường tôi vẫn chưa xem xét đến, tạo nên những khó khăn cho nỗ lực rất nổi tiếng nhằm giải quyết Vấn nạn về Tà Ác như lý thuyết “Bảo vệ qua Ý chí Tự do” (FWD - Free Will Defense). FWD thông thường được dùng để giải thích số lượng quá lớn những tà ác về diện đạo đức trong thế giới. Tuy vậy, nếu cư dân của thiên đường giả thiết là có ý chí tự do, nhưng sao thiên đường lại cũng giả thiết là sạch trơn, tuyệt không có tà ác về diện đạo đức? Sự hiện hữu của thiên đường ném tấm màn nghi ngờ lên FWD.

Mặc dù giới hữu thần tin các linh hồn phi thể hoặc các con người “sống lại, trong một vài diện nào đó, có khác nhau với những con người trần gian, họ phải tin những đối tượng này có tự do về chọn lựa. Chọn lựa như thế, theo giới hữu thần, là một yếu tính của bản chất con người. Hơn thế nữa, người ta có khuynh hướng nói, bằng vào định nghĩa, hiện hữu ở thiên đường thì tốt đẹp hơn của ở mặt đất. Tốt đẹp hơn như thế nào, trong chiều hướng chính xác nào, thì hoàn toàn mù mờ, nhưng sự tiến bộ chắc chắn phải bao gồm được giải phóng khỏi tất cả, hay ít nhất hầu hết khỏi những khó khăn và tà ác của hiện hữu trần gian. Sau hết, thiên đường giả định là một cực lạc. Nghĩa là nó không còn tử, bệnh, khổ và tàn hại của lão nữa. Giả thiết là sự giải thoát khỏi – hay ít nhất cũng giảm thiểu đến cùng – những xấu ác của hiện hữu trần gian trong đó có các xấu ác về diện đạo đức. Thiên đường khó mà gọi là cực lạc được nếu còn nghĩa là có giết người, tra tấn, hiếp dâm, độc ác, và những thứ tương tự, dẫu có với bất kỳ lượng nào cảm nhận được.

Câu hỏi đặt ra là tại sao thiên đường lại hoàn toàn không còn tà ác đạo đức. Một số trả lời có thể loại ngay. Giả thiết không phải người nào lên thiên đường cũng là thánh cả. Thực thế, ít nhất có trong một vài liệt kê – đến còn không xem tư cách đạo đức của một người có quan hệ với sự cứu rỗi. Thế nên, ít nhất trong một cách diễn giải của đạo Kitô, một người được cứu rỗi bằng lòng tin vào Jesus và không bằng hành động đạo hạnh. Thêm nữa, không rõ ràng là tư cách của mỗi người rồi có chuyển đổi ở thiên đường không. Dẫu người xấu xa không lên thiên đường, người ta có thể giả định là những người đã lên đấy có thể có hành động sai trái lúc ở trên ấy – họ có thể phạm các lỗi lầm đạo đức, sa ngã, bị cám dỗ mua chuộc, và nữa nữa,..Nhưng nếu trên thiên đường họ có ý chí tự do mà lại không làm gì sai trái, người ta phải tự hỏi - tại sao cuộc sống trần gian này lại không theo cũng đồng bộ như thế nhỉ?

Có thể đề nghị một giải thích về sự thiếu vắng tà ác trên thiên đường – là sự thay đổi về khả năng cơ thể, không phải trong cá tính nhân cách. Giả định các hiện hữu phi thể không có khả năng thân xác, thí dụ, để giết người, hiếp dâm và tra tấn. Hơn thế nữa, ngay nếu như những cư dân thiên đường có thân hình, thân thể họ có thể không là đối tượng của cùng những luật vật lý như thân thể trên mặt đất chúng ta. Tuy nhiên, những đề nghị này tạo một vấn đề mới. Vì nếu con người với ý chí tự do có thể hiện hữu trong một thể dạng (không thân hay có thân) như thế, với những kết quả là bớt xấu ác luân lý, nếu thế tại sao con người đã không được tạo với thể dạng này trong đời sống trần gian?

Nhắc lại rằng theo FWD, một thế giới có ý chí tự do là chốn tốt đẹp hơn chốn không có. Lý thuyết FWD đưa ra một giải thích tại sao có quá nhiều xấu ác luân lý: con người xử dụng ý chí tự do và tạo xấu ác. Gót không can thiệp vào những chọn lựa này – vì nếu làm thế sẽ là can thiệp vào ý chí tự do. Tuy nhiên, các triết gia như John Mackie [21] đã thuyết phục rằng có thể có một thế giới, nơi ấy con người tự do, nhưng ấy thế họ lại luôn luôn làm những gì hợp luân lý đạo đức. Bởi vì Gót đã có thể hiện thực được một thế giới như thế nhưng lại không làm, Mackie kết luận FWD thất bại. Phe hữu thần phản bác bằng cách chủ trương, dẫu có thể có một thế giới như thế, nhưng đến ngay Gót cũng không thực hiện được [22]. Thế nhưng, giả định của giới hữu thần về thiên đường đã thừa nhận Mackie có thể gần với cái đúng hơn là các phê phán đối lập. Nếu Gót đã có thể hiện thực một thế giới có ý chí tự do, trong ấy phần thiết yếu là thiên đường, thật khó khăn để thấy tại sao Gót đã không hiện thực một thế giới, với ý chí tự do, có thiên đường trong nó toàn thể.

Một lý do có thể đưa ra về – tại sao có rất ít, hay không có xấu xa về đạo đức trong thiên đường, nhưng có quá nhiều trên mặt đất – có liên hệ với một biện hộ danh tiếng khác đối với biện chứng về tà ác. Bảo vệ bằng Sự tạo lập Linh hồn (SMD - The Soul Making Defense), thuyết này chủ trương cái Xấu Ác là điều kiện cần thiết để tạo cá tính con người! Có lẽ lý do có Xấu Ác trong đời sống trần thế của chúng ta là để tạo ra các chướng ngại cho chúng ta vượt qua – chướng ngại cần thiết cho sự tạo lập linh hồn con người. Một khi linh hồn tạo trong đời này đã xong, không cần có thêm Xấu Ác nữa trên thiên đường, và như thế, Gót xếp đặt những điều để sao con người có ý chí tự do, nhưng không làm điều xấu trên thiên đường. Ít nhất có một vấn đề rất trầm trọng với sự trả miếng này, dù cách nào, Xấu ác không nhất thiết là cần thiết để tạo chướng ngại thử thách, vì còn có Xấu ác trong Tự nhiên. Khổ đau và những kết quả hủy hoại của bệnh tật, rồi sóng thần, bão tố và núi lửa động đất,… quá đủ để tạo chướng ngại. Thế nên, hệ luận là sự không cần thiết đến xấu ác để giải thích là hậu quả của tự do chọn lựa con người.

Tính chất bất công của Thiên đường

Theo quan điểm thông thường về thiên đường, có số người được gửi đến đấy như một sự thưởng công cho điều gì đó họ thực hiện ở đời sống trần gian. Trong một biến thái của quan điểm của phái bất phổ quát đã nhắc trước đây, thiên đường là quà tặng của Gót, hoàn toàn không dựa trên công trạng. Trường hợp nào đi nữa, sự kiện là có người lên thiên đường và có người không, xem không công bằng.

Về biến thái thiên đường là quà tặng, xem ra tuỳ tiện và bất công. Một người cha phát quà – không dựa trên công trạng – cho vài đứa con của ông mà lại không cho vài đứa khác – sẽ phải xem là không công bình và tuỳ tiện. Chắc chắn cũng có thể nói như thế về Gót nếu Ông làm tương tự giống thế. Nhưng cứ giả thử, chúng ta chấp nhận quan điểm lên thiên đường dựa vào công trạng xứng đáng. Nó vẫn xem ra không công bình. Giả thử thiên đường là phần thưởng cho lòng tin, lấy thí dụ, tin Jesus là vị Cứu thế. Hàng triệu người không vì lỗi tự họ, chưa từng nghe danh Jesus, hay ít nhất chưa có cơ hội biết Phúc âm. Không lòng tin của những người này - khó có thể là nền tảng trừng phạt, nghĩa là rút mất phần thường.

Thêm nữa, ngay cả nếu người ta có cơ hội nhưng thất bại không tin, tại sao họ lại phải bị trừng phạt. Nhiều người không tin; phủ nhận thông điệp Phúc âm, vì lý do đúng là có bằng chứng chỉ ra sự khó-có-thể của nhiều chủ thuyết của đạo Kitô: Chúa sống lại, Sinh nở nhưng còn trinh, và hiện thân của Chúa. [23] Ngay nếu như các chủ thuyết này đúng và không phải là khó-có-thể xảy ra theo hướng nhìn các chứng cớ, với người có óc duy lý chắc chắn chứng cớ ấy không lay chuyển được họ. Phải đi vượt quá những gì chứng cớ chỉ ra – nếu là không phản lại các chứng cớ - để chấp nhận Jesus là “con trai” của Gót. Xa hơn nữa, ngay cả khi các người không tin, họ có tính toán sai lầm về các chứng cớ và nó dẫu thực có đưa ra một nền tảng vững chắc để tin tưởng, nhiều người không tin đã thành thực tin là chứng cớ thiếu xót. Tại sao một Gót tốt lành lại giữ quà tặng thiên đường với những người chân thực không tin, họ có thể khiếm khuyết không có được đủ sáng xuốt, kiến thức, hoặc khả năng phân tích để thẩm giá đúng các chứng cớ?

Giả thử, phần thưởng thiên đường không dựa trên đức tin, nhưng trên hành xử đạo đức. Như thế này cũng vẫn bất công. Hàng triệu người đã không có cơ hội biết đến giảng dạy đạo đức của kinh Thánh. Họ không sống theo như tiêu chuẩn của kinh Thánh – không phải lỗi tự họ. Thêm nữa, ngay cả với những người có cơ hội biết kinh Thánh có thể tìm thấy thông điệp đạo đức của nó không thể chấp nhận được trên những nền tảng đạo đức. Gót, như diễn tả trong Cựu ước, thường ác độc và tuỳ tiện, và trong Tân ước, ngay cả Jesus đã chân dung như có một tư cách đạo đức khiếm khuyết [24]. Hơn thế nữa, ngay cả với những người chấp nhận kinh Thánh, câu hỏi là ứng xử nào là xứng đáng được được ban thưởng? Những gì kinh Thánh dạy về đạo đức là đối tượng nhiều cách diễn giải trái ngược nhau. Thế nhưng cho công bằng – làm sao Thiên đàng có thể là một phần thưởng vì tuân theo một tiêu chuẩn đạo đức đúng đắn của Phúc âm – mà nó lại không minh bạch diễn tả?

Mặt khác, phủ nhận thuyết bất phổ quát và bênh vực thuyết phổ quát cũng có những vấn đề của nó. Thiên đường để làm gì nếu cuối cùng rồi ai ai cũng lên hết trên đó? Thế cái gì là ý nghĩa của sự sống trần gian với những đau thương, thử thách và khổ ải của nó? Mặc dù trong trường hợp này (ai cũng lên thiên đường) có lẽ không còn phàn nàn là bất công, người ta có thể phàn nàn về sự vô nghĩa của cuộc sống trần gian [25]. Hiện hữu con người hiển nhiên trở thành phi lý và một bí ẩn sâu xa. Sau rốt, Tại sao chúng ta lại có một đời sống trần gian (như bước trung gian) làm gì nữa nhỉ? Tại sao không bắt đầu đời sống với ngay trạng thái thiên đường cho xong? Nếu phái hữu thần muốn tránh gánh nặng bất công, hay gánh nặng vô bổ phi nghĩa, họ phải nghiêm trọng xét lại lý thuyết của họ về thiên đường.

Kết luận

Sự nương dựa tin cậy của giới hữu thần vào khái niệm Thiên đường nêu lên nhiều vấn đề quan trọng. Trước hết, khái niệm con người hiện hữu trên thiên đường –có thân xác hay không thân xác – là khái niệm hoàn toàn không thể hiểu được. Thứ hai, vẫn còn là một bí mật – làm sao cư dân ở đấy có thể có ý chí tự do và lại giả định họ ít phạm sai trái về đạo đức. Thứ ba, sự hiện hữu của thiên đường như một vương quốc ở đó con người hiện hữu, nhưng lại tương đối không có các tà ác về đạo đức, làm yếu đi sự biện hộ truyền thống dùng ý chí tự do để bào chữa cho luận chứng về Tà ác. Cuối cùng, thuyết bất phổ quát là bất công trong khi thuyết phổ quát xem ra vô bổ.

Michael Martin

Lê Dọn Bàn tạm dịch- bản nháp thứ nhất



Tác giả : Michael Martin (1932 -), Ph.D. (Harvard) - Triết gia, học giả, giáo sư emeritus (hưu trí danh dự), dạy triết học và triết học tôn giáo tại Boston University.

Các chú thích trong bài của tác giả, như trong nguyên văn – bản Anh ngữ - xin đọc nguyên văn ở đây: Michael Martin - Problems with Heaven (1997)

Những chú thích khác của tôi - có phụ ghi là chú thích người dịch - (CTND) – như nhận lỗi, nếu có, về người dịch.


[1] Một bài hát bình dân, rất phổ thông tại Bắc Mỹ - Everybody Wants to Go to Heaven, but Nobody Wants to Die. (CTND)

[2] Cũng nên nhắc lại – Suốt hai nghìn năm lịch sử triết học, tôn giáo nước Tàu, chỉ có một mình Khổng khâu được tôn xưng là thánh. Cao đồ như Nhan Hồi, Tử Cống, hay hậu duệ như Mạnh tử (thình thoảng cũng may mắn được gọi là á thánh) , tất cả chỉ được các nhà nho cung kính gọi là thày, thày Nhan, thày Mạnh. Ngay cả Khổng Khâu cũng thường khi chỉ được gọi là thày – thày Khổng - vì bình sinh, học trò của ông cũng chỉ gọi ông là “thày’ (phu tử).

Từ “thánh” trong văn hoá phương Đông, cao quí và hiếm hoi như thế. Thế nên, trong trường hợp những người có kẻ không biết viết, biết đọc, mà được dạy cho nếu chết vì đạo thì thành “thánh” - thánh tử đạo – martyr - ắt hẳn phải có tác động tinh thần không nhỏ.

Đây là những chiến sĩ trước khi ra trận, biết chắc sẽ không trở lại, nhưng cũng không nghi ngờ gì về sự kiện mình sẽ được gắn huân chương cao quí nhất dưới này –kèm với phần thưởng cao quí nhất - ở trên kia.

Thế nên, không lấy làm lạ, dù đến tận 1988, John Paul II – từ Vatican – phải nhất định thêm 117 tên tuổi nữa vào danh sách “thánh”, họ vốn đã chết từ trăm năm trước trên đất nước VN, để nuôi sống niềm tin vào Thiên đường cho người đang sống mà thôi. (CTND)

[3] Xem Bertrand Rusell - The Practice and Theory of Bolshevism – ông so sánh chủ nghĩa Cộng sản (Marxism-Leninism) như một tôn giáo. Cũng xem thêm bài viết ngắn nhưng quan trọng của ông - Tôn giáo có thể chữa được các khó khăn của chúng ta không? Tôi dịch và giới thiệu – đế thấy ông so sánh Vatican và Kremlin.

Chỉ một cái nhìn vội - chúng ta thấy các cơ quan và tổ chức đi của hai bên đi song song – Vatican/ Kremlin, giáo hoàng/ bí thư thứ nhất, hội đồng các hồng y/ hội đồng trung ương đảng, tống giám mục,/xứ uỷ, giám mục/ tỉnh uỷ, … cuối cùng là các linh mục xã,/xã uỷ, khóm trưởng/trùm đạo,... Các tổ chức quần chúng: Thiếu nhi thánh thể/ thiếu nhi quàng khăn đỏ, đạo binh đức mẹ/đoàn phụ nữ,…tổ chức hành chính: xóm đạo, giáo xứ.Trong quân đội: chính uỷ, linh mục tuyên uý., cho đến cuối cùng mỗi đảng viên có thể coi như một tín đồ, một bên viện dẫn Thánh kinh, bên kia viện dẫn Marx và Engels.

Nên Russell kết luận : “(nếu) nhìn chủ nghĩa Cộng sản như một cái gì rất khác biệt với đạo Kitô. Điều này với tôi là một sai lầm hết sức sâu xa - Chính là những sự tương tự giống nhau giữa đạo Kitô và chủ thuyết Cộng sản làm chúng xung khắc đối kỵ với nhau.” (CTND).

[4] Imagine - John Lennon (the Beatles) : Imagine there's no Heaven - It's easy if you try - No hell below us- Above us only sky,… (CTND)

[5] Thí dụ, Phê bình của Antony Flew về những khái niệm khác nhau của bất tử - có liên hệ với những gì bàn ở đây. Xem Antony Flew, God, Freedom and Immorality, (Buffalo, NY: Prometheus Books, 1984).

[6] Argument from Evil : luận chứng đưa ra – vì sự xấu ác trần gian là thật, như thế nó mâu thuẫn với giả định có một Gót hay làm cho sự hiện hữu của Gót thành khó có thể có thể là đúng thật – Đây là luận chứng của giới vô thần - xưa nhất và mạnh nhất (CTND)

[7] Free Will Defense: Phản biện lại Luận chứng về Tà ác- Tà ác là hậu quả của Tự do về ý chí con người, nên không thể “đổ tội” cho Gót.

[8] Phiên âm từ God – thay vì dịch vì từ Thượng đế - thường dịch - không hoàn toàn đúng nguyên nghĩa của từ God. Xem thêm Russell - Có God hay không? (CTND)

[9] Cf. Jonathan L. Kanvig, "Heaven and Hell," in A Companion to the Philosophy of Religion, ed. Philip L. Quinn and Charles Taliaferro, (Oxford: Blackwell Publishers, 1997), pp. 562-68.

[10] Có thể đề nghị – Satan là một nhân vật trước kia sống ở Thiên đường, sau bị trục xuất vì có những hành vi bất xứng. Tuy nhiên, theo truyện kể truyền thống, Satan không có phần thưởng Thiên đường nhưng chỉ có giáng truất. Thêm nữa, Satan không phải là người, nhưng là thiên thần sa ngã, nên vị này có những khả năng siêu phàm.

[11] Thí dụ Ấn giáo, hữu thần – Tiểu ngã nhập vào Đại ngã (Brahman)

[12] Quan điểm này đã gắn với John Hick. Xem John Hick, "Theology and Verification," The Logic of God, ed. Malcolm L. Diamond and Thomas V. Litzenburg, Jr. (Indianapolis: The Bobbs-Merrill, Company, Inc., 1975), pp. 188 - 208.

[13] Peter van Inwagen (1942-) Giáo sư triết đại học Notre Dame (US). Ông nghiên cứu về Siêu hình, Triết lý luận lý, Triết ly thần học, và lý thuyết bảo vệ Kitô (Christian apologetics) - (CTND)

[14] Giải pháp của ông có thể xem như một biến thái thứ tư của lý thuyết Thiên đường, hoặc khác hơn, như một giải thích không chính thống của biến thái thứ ba.

[15] Peter Van Inwagen, "The Possibility of Resurrection," Philosophy of Religion, ed. Louis Pojman (Wadsworth Pub. 1994), pp. 389-92.

[16] Tuy nhiên, với vũ trụ quá bao la, thất bại đi tìm một tinh cầu như thế không nghiêng về phủ nhận hiện hữu của nó. Lý thuyết mà nói, giả thuyết “ Có một hành tinh nơi ấy Gót bảo trì các xác người đã chết từ địa cầu” là một mệnh đề phi hạn-chế về hiện hữu, và bằng chứng quan sát không chứng minh nó sai.

[17] Ibid., p. 392.

[18] Theodore Michael Drange (1934—) Triết gia về tôn giáo hoc, giáo sư đại học West Virginia University. Là người vô thần, ông có tác phẩm nổi tiếng Nonbelief and Evil: Two Arguments for the Nonexistence of God (1998) - (CTND)

[19] Xem Theodore Drange, "The Argument From Nonbelief," Religious Studies, 29, 1993, pp. 417-432, và "The Arguments From Evil and Nonbelief," 1996,

http://www.infidels.org/library/modern/theodore_drange/aeanb.html

[20] Tác giả muốn nói – nếu Gót đưa ra hai năm rõ mười bằng chứng là có Gót đâu đấy, người ta sẽ không còn dám có ý chí tự do nữa - nói theo triết học, sự hiển nhiên về sự hiện hữu của Gót tỉ lệ nghịch với ý chí tự do con người, vả lại phải “mập mờ ẩn hiện” như vậy để thử thách lòng tin con người, nếu không thì còn gì nữa mà phải dựng nên các tổ chức đông đảo, hùng hậu, đa dạng, khắp nơi,.. để rao giảng, hết chuyện! - (CTND)

[21] John Mackie (CTND)

[22] Xem thêm các bàn luận về những vấn đề này trong - Michael Martin, Atheism: A Philosophical Justification (Temple University Press, 1990), Chapter 15

[23] Xem Michael Martin, The Case Against Christianity (Temple University Press, 1991).

[24] Xem The Case Against Christianity, Chapter 6.

[25] Tôi viết "có lẽ" bởi vì câu hỏi về công bằng cũng còn có thể nêu lên với thuyết phổ quát nữa: Có công bằng không nếu tất cả mọi người đều được cứu rỗi, mặc dù có kẻ đã sống tàn ác không thể tưởng được, trong khi có những người khác lại sống hoàn toàn một đời thánh thiện tuyệt vời?