Thứ Năm, 27 tháng 11, 2014

Trực giác





Người ta không thể chung đụng lâu với phường hội của những nhà lý luận về đạo đức học mà không phải nghe đến những khả năng về sự tán dương hoặc mắng mỏ về “trực giác đạo đức” của chúng ta. Nguyên nhân của cách cư xử thứ hai là có nghĩa rằng phạm trù “trực giác” đã luôn luôn mang theo hương vị của sự thiếu nghiêm chỉnh trong các luận bàn về triết học và khoa học. Luôn luôn bị ghét bỏ bởi sự xuất hiện của nó trong lối diễn đạt thông tục như “trực giác phụ nữ” (nghĩa là “đồng bóng”), hoặc có khi đối nghịch trực tiếp với “lý lẽ”, hiện nay từ trực giác có vẻ như ma quỷ hóa tất cả những gì ngọt ngào giả tạo và phi lý ở bên ngoài hàng rào trường đại học. Chỉ có môt ngoại lệ đáng giật mình cho lề luật này được tìm thấy ở những nhà toán học, các vị đã nói về trực giác của mình không một chút hổ thẹn nhỏ nhoi- tựa như các vị khách du lịch đến những nơi chốn đẹp đẽ ở những nước đang phát triển từng đôi lúc nghe được họ thảo luận về nỗi bất hạnh của bộ ruột già vào những bữa ăn sáng. Nhưng, như chúng ta biết, các nhà toán học thực sự đã du lịch đến những nơi chốn kỳ diệu. Chúng ta cũng nên nhận biết rằng nhiều người trong họ thú nhận đã trở nên các nhà triết gia theo phái Platon, mà không hề cảm thấy nhu cầu rõ rệt gì cần phải tham vấn một nhà triết gia giỏi để đuổi tà ma.

Bất chấp các tì vết, “trực giác” là một phạm trù không thể thiếu bởi vì trực giác bao hàm các cấu thành căn bản nhất khả năng hiểu biết của chúng ta. Điều này dù đúng trong lãnh vực luân lý đạo đức và cũng không kém hơn trong lãnh vực khoa học. Khi chúng ta không thể chẻ nhỏ một sự việc ra hơn nữa, trực giác ngự trị ngay trong khoảng cách nhỏ bé không thể thu hẹp hơn được nữa. Do đó, sự đối nghịch truyền thống giữa lý trí và trực giác là điều giả tạo: lý trí chính là bản thân của trực giác đến tận cốt lõi, như bất cứ một phán đoán nào rằng một tiền đề nào đấy là “hợp lý” hay “logic" đều lệ thuộc vào trực giác để tìm chân đứng của mình. Người ta thường nghe các nhà khoa học và các triết gia thừa nhận rằng một điều gì đó hoặc một việc nào khác là một “thực tại thô thiển” – có nghĩa là thú nhận rằng sự thể ấy không hề giảm thiểu. Câu hỏi vì sao các hiện tượng tự nhiên có những nguyên nhân, có thể nói rằng, không phải là câu hỏi mà các khoa học gia cảm được cái cám dỗ tối thiểu để mà suy tưởng. Chỉ đúng là như thế. Đòi hỏi một lý giải cho một sự kiện quá căn bản cũng như hỏi rằng làm sao chúng ta biết được hai với hai bằng bốn. Các khoa học gia đã phỏng định trước giá trị của những sự thô thiển ấy- thực ra, họ cần phải như thế.

Tôi tin rằng, vấn đề rất rõ ràng: chúng ta không thể nào ra khỏi bóng đêm mà không chịu bắt đầu một bước đầu tiên. Và lý trí, nếu có thể hiểu biết được một điều gì, không biết bằng cách nào, sẽ hiểu được cái lý đương nhiên này. Do đó, sự trông cậy vào hiểu biết trực giác không nên làm bối rối các nhà đạo đức học hơn là nó đã từng gây bối rối cho các nhà vật lý học. Tất cả chúng ta đều bị dồn chung vào những cái bẫy sập giống nhau.

Cũng đúng là hiểu biết trực giác của chúng ta từng cho thấy đã có sai lầm. Thực ra, rất nhiều phán quyết của lý trí dường như không hề đúng ngay tự khởi điểm. Khi hỏi rằng một tờ báo sẽ có bề dầy bao nhiêu nếu như mình có thể xếp gấp lại một trăm lần chồng lên nhau, hầu hết chúng ta sẽ nghĩ đến một cái gì có bề dầy như một viên gạch. Tuy nhiên, một phép toán nhỏ sẽ cho thấy rằng, cục giấy báo xếp lại đó sẽ có bề dầy bằng bằng cả vũ trụ mà chúng ta từng được biết. Nếu chúng ta từng học hỏi được điều gì trong hai ngàn năm qua, đó chính là sự hiểu biết của một con người về những gì hợp lý vốn đôi khi vẫn cần đến sự giúp đỡ để tìm được chân đứng của nó.

Hoặc hãy thử nghĩ về những hình thái không thể tin được của trực giác vốn có thể tóm tắt trong câu “Trông giống như đúc” - vốn đã nhường bỏ các ma thuật của cảm tính và những lăng mạ hiển nhiên khác cho lý trí. Có hợp lý không khi nhiều người Tàu tin rằng cao hổ cốt tăng cường nam tính ? Hoàn toàn là không. Thế nhưng nó có thể trở nên hợp lý được không ? Thực tế là nó đã trở nên sự hợp lý. Chúng ta chỉ cần đối diện với một nghiên cứu tử tế sẽ cho thấy một tương quan đáng kể giữa xương hổ và mãnh lực của con người. Một người hiểu biết có cần đến sự tương quan so sánh ấy không ? Trông có vẻ như anh ta không cần đến. Nhưng nếu có cần đến, thì lý trí sẽ phải nhường bước trước một tình hình thực tế, là người Tàu đã hủy diệt một khối lượng khổng lồ một sinh loài mà không vì một nguyên nhân tử tế nào cả.

Tuy nhiên hãy lưu ý rằng tính cách duy nhất mà từ đó chúng ta có thể chỉ trích cái nội dung thuộc trực giác của lối suy nghĩ mê hoặc là bằng cách trông cậy vào nội dung trực giác ban đầu của suy nghĩ lý trí. “Nghiên cứu tử tế” ? “tương quan so sánh” ? Vì sao những tiêu chuẩn này lại chinh phục được mình ? Chẳng phải “hiển nhiên” rằng nếu một ai không loại bỏ đi các nguyên nhân khác vốn tăng cường các tiềm năng như - hiệu quả trấn an giả tạo, ảo tưởng, các nhân tố môi trường, các khác biệt về sức khỏe giữa các đối tượng v.v…- ắt có người sẽ thất bại khi cô lập các thay đổi của ảnh hưởng xương hổ trên cơ thể con người ? Đúng, thật hiển nhiên như hạt bụi trong mắt mình vậy. Tại sao hiển nhiên ? Lại một lần nữa chúng ta chạm phải bức tường đá. Như Wittgenstein từng phát biểu “Con bài của chúng ta đã bị lật rồi”.

Cái thực tại là mình phải dựa vào một số hiểu biết trực giác để trả lời những câu hỏi về luân lý tối thiểu đã không mang lại một điều gì mong manh, mơ hồ, hay bất định của văn hóa về chân lý đạo đức. Như trong các lãnh vực khác, sẽ có các bất đồng trí thức về các câu hỏi liên quan đến sự đúng sai, nhưng các bất đồng trí thức có giới hạn của nó. Con người tin rằng địa cầu là một mặt phẳng không phải là những nhà địa lý bất đồng chính kiến; những người chối rằng Holocaust chưa hề từng xảy ra không phải là những sử gia bất đồng chính kiến, người tin rằng Thiên chúa tạo nên vũ trụ vào năm 4004 trước thời công nguyên không phải là những nhà vũ trụ họcbất đồng ý kiến và chúng ta sẽ nhìn thấy rằng những người thực hành những giết chóc như “giết người vì danh dự” không phải là những nhà đạo đức bất đồng về luân lý. Thực tế của những tư tưởng tốt lành được tôn trọng tự khởi đầu không khiến cho các tư tưởng tồi được tôn trọng hơn một chút nào.


Trích Tận cùng của Ðức tin
Sam Harris
Lê Quốc Tuấn dịch

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét