Thứ Ba, 30 tháng 9, 2014

Tháng 9 – Mùa thu – Tình yêu – Hi vọng!





Featured image: Sweaters-tea-and-leaves
Tháng 9

Tháng 9, cái nắng đã dịu hơn, cái gió cũng đã se lạnh, hoa sữa đang thơm nồng góc phố… Đất trời đang chuyển mình vào thu – lòng người rộn rã ngóng đợi thu về.

Lang thang trên những con đường quen thuộc, bước chân thật chậm như để níu giữ thời gian, níu giữ một thoáng bình yên của tháng năm tuổi trẻ dần hư hao… Tự tạo cho mình những phút giây tĩnh lặng để lắng nghe những thanh âm của cuộc sống, để cảm nhận rõ hơn hơi thở của mùa thu.

Vứt bỏ ngoài tai tiếng còi chen lấn, mặc kệ những ồn ào tấp lập. Bỗng giật mình bởi tiếng lá lăn xào xạc trên vỉa hè. Ngắm những chiếc lá phai màu, thấy cả những đổi thay của không gian và thời gian, thấy cách cảm nhận theo mỗi mùa cũng khác.

Tháng 9, thấy lòng rộn ràng hơn. Có chút nhớ thương, hi vọng. Suy nghĩ cũng như trẻ lại với những lãng mạn ngày nào. Như trẻ lại nhưng không hẳn là vui hơn, vì có những nỗi buồn từ năm tháng cũ giờ vẫn vậy. Qua dấu chân thời gian, giờ đây nhìn mọi thứ một cách bình lặng hơn, bản thân cũng trở nên trầm lắng hơn.

Nỗi buồn giờ không còn mang niềm tuyệt vọng, nó đơn giản chỉ là sự cô đơn. Những ưu tư giờ đã thành kỉ niệm, chẳng thể xóa nhòa vì không thể và cũng không muốn, cứ để nó hiện hữu một cách nhạt nhòa, mỏng mảnh làm nền cho một cái “tôi” hiện tại. Vì mình hơn, vì đam mê hơn, vì thời gian vẫn cứ trôi đều đặn cũng khiến ta trưởng thành.
Mùa thu

Thu về, trong ai lại xốn xang cảm xúc. Thu dịu ngọt, trong trẻo gõ cửa trước dao động của cô gái đang tuổi xuân thì…!!

Mỗi mùa thu qua, cô lại xếp vào ngăn kí ức của mình những hình ảnh về mùa yêu dấu. Từ sự đổi thay thất thường của tiết trời đến sự biến đổi sắc màu trên những hàng cây. Từ những vỉa hè xào xạc lá bay đến những con đường ngạt ngào hương sữa. Từ những con người vốn đã thân quen nay bỗng xa lạ, khác thường.

Thu về cùng những làn gió heo may, có người lại thấy thu về trong chiếc lá vàng rơi bên thềm. Còn với cô, mùa thu về khi góc phố ngạt ngào hương hoa sữa, mùa thu về khi tình người trào dâng.

Nhớ ngày đầu biết đến hoa sữa là những chiều tan tầm đi học trên chiếc xe đạp thân quen, cô phải qua hết góc phố này đến ngõ hẻm kia. Người qua đường tránh né cái hương nồng, đậm vị để vội vã về nhà trong bóng chiều ập đến. Còn cô lại lãng đãng trước một mùi hương lạ lẫm. Cô muốn đi chậm lại để mùi hoa sữa len lỏi khắp tâm can, để phả hơi người vào hương hoa qua từng con gió, để níu kéo những phút giây tuyệt vời…

Thì ra thu là vậy, cũng kén người như hoa sữa. Hoa không có vị thơm nhẹ nhàng tinh khiết mà nồng nàn, đặc quánh nên có lẽ cũng chỉ dành cho những con tim đậm sâu, biết yêu và biết thưởng thức.

Mỗi mùa thu đến, nghe Minh Quân hát Mùa Thu Cho Em lòng cô lại đầy trăn trở. Mùa thu qua những ưu tư lại đến với cô nhiều hơn. Cô càng thấy mùa thu đẹp thì lòng cô lại càng buồn. Có lẽ vì vậy mà mùa thu trong cô lúc nào cũng có chút trầm buồn… Là thu đem nỗi buồn đến cho cô, hay cô đã nhuộm màu buồn vào thu?

Thu đến, thu đi, thu lại lại… Chẳng rõ cô yêu thu từ bao giờ nữa! Nhưng đó là một tình yêu đầy trắc trở, có lúc nỗi buồn đã làm cô không dám lang thang cảm nhận vẻ đẹp của mùa thu, làm cô không dám viết về mùa thu. Rồi cũng chẳng rõ vì đâu, vì cô đã quen với nỗi buồn, hay bởi không cầm lòng được trước sự quyến rũ của mùa thu, cô lại lang thang, lại ngắm, lại viết, lại lưu giữ những ẩn ức về thu.
Tình yêu

Cô vẫn thế, vẫn lang thang vô định trên con đường anh đi. Vẫn mải miết tìm anh – mùa thu của riêng mình. Năm tháng qua đi, vẫn chỉ có cái bóng làm bạn cùng cô.

Tình yêu không anh, thu không anh. Anh thật gần mà cũng thật xa. Tưởng như gần ngay trước mắt, chỉ cần cô bước thêm mấy bước là chạm được vào anh. Nhưng khi cô bước về phía anh thì hình bóng anh lại càng xa.

Mọi thứ cứ chênh chao, vô định giống như người bộ hành khát nước trên sa mạc, tưởng phía trước mình là hồ nước nhưng đến nơi rồi mới biết đó chỉ là ảo ảnh. Nhưng cô biết anh không là ảo ảnh, anh tồn tại. Có lẽ anh cũng như mùa thu, cô chỉ có thể đứng nhìn và cảm nhận như bao người khác, chứ chẳng thể có riêng mình một mùa thu.

Phải chăng, cô đang đợi cơn giông chiều ghé qua cho những ngày hè khô hạn, nứt nẻ. Cô đợi làn nước trong veo gọi gió thu về với lòng người dịu ngọt. Những bước chân vội vã trên phố, những dòng xe hối hả lướt qua, nhưng có mấy ai để ý đến xác lá, hoa rụng bên thềm. Cô – một kẻ trầm mặc – như tách mình ra khỏi sự ồn ào, đi tìm những thứ bị bỏ đi.

Những bông hoa rụng luôn đem đến cho cô một cảm xúc đặc biệt. Cô như nhìn thấy trong đó tâm trạng của mình. Bông hoa héo úa, tàn, tả tơi kia cũng như cô đang lẻ loi, buồn chán, có đôi lúc dường như là tuyệt vọng. Cô không thể suy nghĩ tích cực hơn! Mọi thứ cứ hư vô, lặng lẽ ẩn chứa trong nghĩ suy của cô gái trước tuổi xuân đang rượt đuổi.

Hoa rụng rồi sẽ lăn theo gió, rồi sẽ tàn tạ theo mưa. Không phải vì cô sợ gió, cũng chẳng vì sợ mưa. Có điều… đôi lúc… cô sợ… sự cô đơn…!!
Hi vọng

Nhiều khi muốn nói cho người ta biết tình cảm của mình mà chẳng đủ dũng cảm đối diện với tình yêu… Nhiều khi muốn chấp nhận một cuộc tình nhưng lòng chẳng đủ bao dung cho trái tim lạc lối… Nhiều khi muốn giải toả hết những suy nghĩ vẩn vơ mà chẳng biết ai đáng tin để gửi gắm niềm tâm sự…!!

Giữa ngổn ngang, bề bộn của cuộc sống này, có phút giây nào anh ngơi nghỉ và thoáng nghĩ về cô không? Có sáng nào thức dậy và bất chợt thôi anh thấy lòng mình cô đơn vì thiếu một điều gì đó đã quen thuộc nhưng giờ xa xôi quá, thiếu tin nhắn chúc ngày mới bình yên, thiếu câu chúc ngủ ngon mỗi tối.

Thu qua ngõ chầm chậm rồi mau mải như tình qua tay lúc hời hợt, nông sâu. Cô vẫn đợi anh, đợi chùm hoa sữa anh để trước thềm, đợi anh với câu nói: “Thu tới rồi, mình hẹn hò đi em, anh sẽ nắm tay em đi trên con đường đầy mùi hoa sữa, đưa tay cho anh nhé, tay em lạnh rồi kìa.”

Mùa thu, mùa của những đoạn kết, buồn hay vui là do mình. Nghĩ thế thôi mà cũng khó, đời người khó lắm…!! Đêm dài như mái tóc không đợi chờ một cái chạm tay…!!

Đêm, cô gửi niềm thương nhớ mùa thu của riêng mình.



Khoảng Lặng

27/09/2014

Thứ Hai, 29 tháng 9, 2014

Vàng Thu Mấy Độ



Thơ Võ Công Liêm





gió vi vu gió đứng giang đầu
trời thu miên man thu không sang
trong tôi
chùm sao vỡ
mọc cánh bay về nhớ cố hương
ngoài kia quá khứ rụng
vàng bay theo sương rung
trong mắt lá răm buồn
ôi ! thiên thu sao người xanh màu lá
phôi pha đời phôi pha
vàng thu mấy độ tình như đã
trăng mờ trăng tỏ vẫn là trăng
những ngọn khói phất phơ đời vô lự
màu thời gian không phai . không thắm . không nồng . không ưu tư
lá vàng lá không hay . không buồn . không lụy . không vương vấn
lặng
vào thu . chỉ thấy gì ngoài vô tận : chẳng mang sang . chẳng cầu cạnh . chẳng thiết tha
mà ; chìm chìm ngày bạc vẻ đìu hiu* tôi hóa thạch trong băng tần vô ngại . đóa vô thường
ngẫm
giữa trời hư không để nghe thân thế hóa ưu phiền một sắc không . bước vào thu
bỗng một ngày nghe sương khói tỏa . đoái-hoài-hương* chảy lai láng trong tôi
thu vàng vọt . thu buồn . thu không nói . em sầu mây mấy độ thu sang ?
ngoài kia sông nước đợi mơ hồ như cõi lung linh . xin một nén hương thắp người thiên cổ
vẫn một mùa thu không . không chăn không chiếu . không than không tham giữa chốn bụi trần
ghé chùa diệu đế thỉnh một khúc tứ diệu đế lạc đường / thu niệm / nam vô :
nam-mô-a-di-đà . a-lị-gia . bà-lô-kiết-đế . thước-bát-ra-gia-bồ-đề-giạ-bồ-đà-giạ. a-di-đà đá-tha-giạ-ha . ma-ha-tát . a-lô-ha-ma-ni-giạ-a . chi-đá-a . lệ-sa-bà-ha . ta-bà-ha . a-giạ-đế-gia . đa-tâm-kinh*
vọng
chuông lệ đổ . buốt lạnh giữa trời hư vô . hóa ra sắc sắc không không đời như không . lá vàng bay

tôi
một hoài niệm cổ
em
một trời thu không ./.



VÕ CÔNG LIÊM



* Ý thơ trong ‘Cung Vân Xuân Nhật Ức Cưu’ của vua Trần Thánh Tôn: ‘Bạch trúc trầm trầm thiểu vãng lai’ Ngô Tất Tố dịch.

* ‘nostalgia-foreign’ vcl dịch. Rút trong bài :’Nghĩ Về Sự Ngu Xuẩn Trong Tác Phẩm của Dostoevsky’ của võcôngliêm 8/2014. .

* Dẫn câu kinh trên qua một cảm hứng bất ngờ trong trí nhớ.Không kinh, không kệ hoàn toàn vô-nghĩa-thơ. vcl


MIỀN HỖN ĐỘN





AXIS (Từ “The New Yorker”, 31/01/2011)-ALICE MUNRO

Người dịch: Trần Đan Hà





Một ngày cách đây năm mươi năm. Bữa đó trời lạnh căm, Grace và Avie đang đứng chờ xe bus ở cổng trường đại học. Lát nữa thế nào cũng có một chiếc chạy tới, và đưa hai cô lên phía bắc, băng qua miền đồng quê thưa vắng tối tăm, để về nhà. Avie thì phải đi hết bốn mươi dặm, còn Grace chắc phải gấp đôi chỗ đó. Cả hai đang ôm những quyển sách dày cộp với tựa đề nghiêm túc như “Thế Giới Thời Trung cổ”, “Montcalm và Wolfe”, “Những Quan Hệ Dòng Tên”.

Điều này đa phần là để tự xác định mình là những sinh viên nghiêm chỉnh, và họ quả là thế. Chứ một khi đã về tới nhà rồi thì có lẽ chẳng khi nào họ có thì giờ mà ngó tới mấy thứ đó. Cả hai đều là con nhà nông, biết chà sàn nhà và vắt sữa bò. Ngay khi bước chân vào nhà-hay đúng hơn là vào trại-thì sức lao động của họ là thuộc về gia đình.

Họ không phải là loại thiếu nữ để người ta có thể đeo đuổi ở cái trường đại học này. Ở đây có một trường Kinh Doanh rất lớn với gần như toàn bộ sinh viên là con trai, và một vài hội nữ sinh viên mà hội viên của nó thường theo học ngành Khoa học Thư ký và Đại học Đại cương, và các cô đến đó để gặp các cậu trai. Cỡ như Grace với Avie thì chả bao giờ mấy người nữ hội viên đó lại gần-chỉ cần nhìn mấy cái áo khoác mặc đông cũng đủ để nói được tại sao-nhưng hai cô tin rằng những người nào không ngó ngàng gì tới đám hội viên ấy thì thường là người có đầu óc, và dù sao các cô vẫn cứ thích người có đầu óc hơn.

Cả hai cô đều đang theo học ngành sử, đều được học bổng để có thể theo đuổi việc học. Các cô sẽ làm gì sau khi học xong? Người ta hỏi, và họ phải trả lời là, có lẽ họ sẽ đi dạy trung học. Rồi các cô thừa nhận là mình ghét đi dạy.

Họ hiểu -ai cũng hiểu như vậy-là có việc làm sau khi tốt nghiệp là bại trận. Cũng giống như các thiếu nữ trong mấy hội nữ sinh viên, hai cô vào đây học là để kiếm một tấm chồng. Trước hết là bạn trai, rồi sau sẽ thành chồng. Những điều như vậy chả bao giờ được nói ra, nhưng đó là sự thật. Người ta cho rằng những nữ sinh viên có học bổng khó lòng có những cơ hội như thế, bởi vì đầu óc và sắc vóc thường được cho là không thể đi cùng nhau. May mắn là, cả Grace lẫn Avie đều trông rất ưa nhìn. Grace thì đẹp và nghiêm trang, còn Avie tóc đỏ, không mấy khêu gợi, nhưng năng động và đầy thách thức. Cánh đàn ông con trai của cả hai gia đình đã từng nói đùa là ắt hẳn hai cô sẽ có thể túm được một ai đó.

Lúc xe bus tới thì cả hai cô đều đã lạnh cóng. Họ tìm chỗ ngồi ở phía sau để có thể hút được điếu thuốc có lẽ là cuối cùng của tuần này. Bố mẹ các cô sẽ không nghi ngờ gì nếu có nghe được mùi thuốc lá từ các cô. Thời buổi bây giờ người ta nghe mùi thuốc lá khắp nơi.

Avie chờ cho tới khi họ cảm thấy thoải mái rồi mới kể cho Grace nghe về giấc mơ của cô.

“Bồ không được nói cho ai nghe hết nha,” cô nói.

Trong mơ, cô thấy mình kết hôn với Hugo, người cứ lẩn quẩn quanh cô như thể là anh ta muốn cưới cô, và cô có em bé-nó cứ khóc tối ngày sáng đêm. Thực ra là nó rống to, cho tới khi cô nghĩ là mình phát điên tới nơi. Sau cùng cô bồng em bé lên-một bé gái, chắc chắn là gái-và đem nó xuống một căn phòng tối ở dưới tầng hầm rồi nhốt nó trong đó, nơi mà những vách tường dày sẽ bảo đảm không cách gì nghe thấy nó nữa. Rồi cô bỏ đi và quên bẵng luôn đứa bé. Và rồi cô lại có một bé gái khác, bé này thật là dễ chịu và dễ thương, và cứ lớn lên mà chẳng có vấn đề gì.

Rồi một ngày kia đứa bé gái lớn lên sau này đã nói với mẹ về nhỏ chị trong tầng hầm. Hóa ra là bấy lâu nay nó đã biết con chị của nó-cái đứa nhỏ tội nghiệp bị bỏ rơi đã kể hết mọi thứ cho nó biết-và bây giờ vẫn chẳng ai làm gì cả. “Không ai làm gì hết,” đứa bé gái đáng yêu, và tốt bụng, nói. Đứa con bị bỏ rơi không hề biết được cuộc sống nào khác hơn cái cảnh sống mà nó đã có, và, dù sao thì nó cũng không còn khóc nữa; nó đã quen vậy rồi.

“Một giấc mơ kinh khủng,” Grace nói. “Bồ ghét con nít lắm hả?”

“Không đến mức vô lý,” Avie nói.

“Freud sẽ nói sao nhỉ? Nhưng thôi quên ổng đi, Hugo sẽ nói gì đây ta? Bồ có kể anh ta nghe chưa?”

“Lạy Chúa lòng lành, mình không kể đâu.”

“Có thể cũng không tới nỗi tệ như vậy đâu. Có lẽ đó chỉ là do bồ quá lo lắng về việc có bầu thôi.”

Thực ra chính Avie là người đã thuyết phục Hugo là họ nên ngủ với nhau, hay là quan hệ tình dục, như lúc sau này người ta thường nói. Cô nghĩ như vậy sẽ khiến anh trông đàn ông hơn, tự tin hơn. Anh đẹp trai, nhiệt tình, với món tóc sậm màu lòa xòa trước trán, và anh có khuynh hướng chọn lấy những người mà anh có thể tôn thờ. Đó là một giáo sư, một sinh viên lớn tuổi thông minh, một cô gái. Avie. Nếu họ ngủ với nhau, cô nghĩ, có thể cô sẽ yêu anh. Trên hết tất cả là, cả anh và cô đều chẳng có tí ti kinh nghiệm gì trong chuyện đó. Nhưng mà, quan hệ tình dục đa phần chỉ dẫn đến nỗi lo sợ về những tai nạn nhất định, sự lo lắng về những kỳ kinh nguyệt trễ tràng, và về cái khả năng kinh khủng là cô có thể dính bầu.

Sự thật là cô thấy thích bạn trai của Grace hơn-đó là cậu Royce, một cựu binh thời Thế chiến thứ Hai. Không như Avie, Grace đang yêu. Cô tin rằng đức hạnh của cô và sự cự tuyệt của cô không cho anh làm hỏng nó-vốn dĩ là điều anh không quen làm-đã là một cách khiến anh còn thích thú cô. Có những lần anh muốn bỏ cô và cô đã khiến anh thoát khỏi cái tâm trạng xấu ấy và quên nó đi bằng cách kể những chuyện đồn đãi hoặc nói tếu lâm về những người như Hugo, kẻ mà anh ghê tởm. Trên thực tế Grace đã dần quen với việc bịa chuyện về Hugo-những chuyện không có tí ti sự thật nào, tỷ như xỏ hai chân vô cùng một ống quần, sau một chuyến mây mưa vội vã-những chuyện phi lý đại loại như vậy. Cô những mong Avie sẽ đừng bao giờ biết điều này.





Vào đầu hè, Royce nhảy lên xe bus và đi thăm Grace ở trang trại của bố mẹ cô. Chiếc xe đi ngang qua thị trấn nơi Avie đang ở, và tình cờ qua cửa sổ anh trông thấy Avie đang đứng bên vệ đường, nói chuyện với một ai đó. Trông cô rất hoạt, hất tóc ra sau mỗi khi gió tạt vào mặt cô. Anh nhớ là cô đã bỏ học ngay trước kì thi. Hugo đã tốt nghiệp và xin được chân dạy học ở một trường trung học ở phía bắc, cô đã tới gặp anh ở đó và họ cưới nhau.

Grace đã kể với Royce là Avie có một nỗi sợ kinh khủng lắm, và nỗi sợ đó đã khiến cô quyết định như vậy. Nhưng lại hóa ra là mọi thứ đều ổn-cô đã không có thai- nhưng cô cũng đã quyết định là thôi cứ lấy chồng cho xong.

Trông Avie không có vẻ gì là loại người có thể bị mắt kẹt vì một nỗi sợ. Cô có vẻ vô tư, và có đời sống tinh thần mạnh mẽ-cô xinh đẹp hơn, nhanh nhẹn hơn so với những gì anh nhớ về cô trước đây.

Anh như bị thôi thúc bởi ý nghĩ nhảy xuống khỏi xe bus đó và không bao giờ trở lên lại. Nhưng dĩ nhiên là điều đó sẽ dẫn anh đến nhiều rắc rối hơn anh tưởng. Dù sao thì giờ đây Avie cũng đang tung tăng bước ngang đường, ngay trước đầu xe, rồi mất hút vào một cửa tiệm.





Ở nhà Grace, mọi người đã chờ anh đến ăn tối được nửa tiếng đồng hồ rồi, nhưng ngay cả như vậy thì lúc đó cũng mới năm giờ rưỡi. “Tôi e rằng, ở đây thì mấy con bò là sếp,” mẹ của Grace nói. “Chắc hẳn cậu chẳng biết gì về đời sống ở nông trại,”

Nhờ trời, trông bà chẳng giống Grace tí nào, hay là trông Grace chả giống bà tẹo teo. Gầy gò, tóc bạc cắt ngắn. Bà cứ vội vội vàng vàng, chừng như chẳng có được lúc nào để mà duỗi thẳng người ra.

Bà đã từng là một cô giáo, và trông bà quả thực rất là cô giáo. Một cô giáo thấy hết mọi điều bậy bạ mà chẳng qua cô chưa bắt thôi. Ông bố xem chừng đang lo lắng cho mấy con bò. Cậu con trai lớn cười cười mỉa mai. Cô con gái bé cũng vậy, kẻ được cho là thiên tài dương cầm. Grace ngồi lặng câm, và xấu hổ, nhưng đáng yêu, mặt đỏ bừng vì nấu bếp.

Những dự tính của anh là gì, người mẹ muốn biết, anh định làm gì khi giờ đây anh đã tốt nghiệp? (Đáng lẽ Grace phải nói với họ cái điều dối trá đó; đáng lẽ cô phải thú nhận sự thực là anh đã bỏ ra khỏi phòng thi của môn cuối cùng vì mấy câu hỏi quá ngớ ngẩn. Chẳng phải cô đã nghĩ đó là một sự can đảm hiếm hoi sao?)

Giờ đây, anh nói, anh đang chạy taxi. Với mảnh bằng triết học thì chả có nhiều việc để làm. “Trừ khi cháu quyết định làm thầy tu.”

“Anh là Công giáo à?” ông bố nói, gần như giật nảy mình đến độ suýt mắc nghẹn đồ ăn.

“Ủa, phải là người công giáo mới làm thầy tu được sao?”

Grace nói, “Nói đùa thôi mà.” Nhưng giọng cô nghe như chẳng có tí vui đùa nào.

“Triết học,” bà mẹ nói, “Ta không biết là cậu chỉ học có mỗi thứ đó suốt bốn năm trời.”

“Dạ, tại chậm hiểu,” Royce nói.

“Giờ đến lượt cậu nói đùa nhỉ.”



Anh và Grace cùng im lặng rửa chén, xong đi dạo. Khuôn mặt cô vẫn còn ứng hồng do mắc cỡ hay do bếp nóng, và bản tính ưa chòng ghẹo của cô chừng như bị nguội lạnh.

“Có xe bus chạy muộn không?”, anh hỏi.

“Chỉ là do họ bị căng thẳng thôi,” cô nói. “Ngày mai sẽ đỡ hơn.”

Anh nhìn lên những cây có lá như lông gà, hơi giống mấy loài cây Đông phương, và hỏi cô có biết tên chúng không.

“Hoàng điệp. Cây hoàng điệp. Em thích thứ cây này lắm.”

Thích cây này. Rồi đến gì nữa? Thích hoa? Thích sao? Thích cối xay lúa? Liệu cô có thích hàng rào không nhỉ? Đã định hỏi, song anh lại nhận ra nó sẽ làm cô mếch lòng.

Thay vì vậy, anh hỏi ngày mai họ sẽ làm gì. Có thể là một chuyến cắm trại trong rừng, anh hy vọng vậy. Một nơi nào đó mà anh có thể ở riêng với cô.

Cô nói rằng ngày mai họ sẽ làm mứt dâu cả ngày.

“Ở đây anh không được lựa chọn đâu,” cô nói. “Anh cứ chỉ việc làm những gì phải làm. Phải theo mùa.”

Việc anh đỡ đần công việc trong trang trại đã được ghi nhận. Anh làm mọi người ngạc nhiên vì thành thạo máy móc. Và thực sự anh cũng rất quan tâm tới việc người ta sống như thế nào, mặc dù anh lảng chuyện khi được hỏi về một cam kết như thế cho chính anh.

Thực tế là-trên hết tất cả mọi thứ-thì chuyện đã xảy ra cho anh là, người cha có lẽ đang dần luống tuổi, và thằng anh thì tỏ ra là thuộc loại ngớ ngẩn (Grace đã từng nhắc tới anh ta với vẻ khinh thị) và rằng, chính anh-Royce-ngay bây giờ đây đang thoải mái, và không hề ngu ngốc cũng chẳng chây lười, có thể trôi đi theo đời sống nông trại tẻ ngắt giữa bầy gia súc đần độn và đám cây ăn quả nở rộ, với cả ối thời gian trong mùa đông để cày xới đầu óc mình. Nông trang tù hãm.

Nhưng anh có thể nói là người cha và thằng anh không vui vẻ gì mấy với sự có mặt của anh. Chẳng thèm ngó ngàng gì tới anh. Và họ sẽ không nghĩ về việc làm nông, ngay cả khi nó có hiệu quả, như một cách hồi phục tâm hồn. Anh có thể mắc kẹt với mớ dâu tây. Cho tới khi cô em gái-thiên tài dương cầm-nhờ anh lật giùm trang sách.

“Các con tôi đứa nào cũng có tài riêng,” người mẹ nói với anh khi họ đứng lên rời khỏi bàn ăn, và cô bé dương cầm thủ có lý do chính đáng để khỏi rửa chén. “Ruth thì có âm nhạc, Grace có lịch sử, còn Kenny, dĩ nhiên phải là người của nông trại.”



Lúc ở ngoài ngõ, anh thử vòng tay ôm Grace, nhưng vòng ôm đó trở nên lúng túng vì họ bị mất thăng bằng do mấy vết bánh xe nhỏ hẹp hằn sâu trên đường.

“Mình cứ như vầy hoài hả?” anh nói.

“Đừng lo,” cô đáp, “em đã có kế hoạch rồi.”

Anh không thể thấy được cái kế hoạch đó có thể ra sao. Căn phòng nơi anh ngủ thì gần ngay bên nhà bếp. Cửa sổ lúc nào cũng đóng chặt, và chỉ kéo lên được khoảng một phần tư, không đủ rộng để anh có thể lẻn ra.

“Ngày mai chúng ta sẽ làm mứt,” Grace nói. “Gần như suốt ngày. Ruth sẽ tiếp tục tập đàn. Nó sẽ làm anh nổi khùng, nhưng đừng lo. Ngày mốt mẹ sẽ phải đưa nó vô thị trấn để thi. Ở đó đứa nhỏ nào sau khi thi xong cũng phải ngồi ở đó và chờ cho tới đứa cuối cùng thi xong để được biết kết quả. Hiểu chưa?”

“Anh không nghĩ là mẹ em sẽ chịu để cho tụi mình được ở riêng với nhau,” Royce nói. “Hay đó không phải là cái kế hoạch mà anh đang nghĩ là em đang có?”

“Đúng nó đó,” Grace nói. “Em sẽ phải đi thăm nhỏ bạn Robina của em. Robina đóng giày. Em sẽ phải đi bằng xe đạp, nên sẽ mất một ít thời gian. Nó sống ở phía bên kia xa lộ. Tụi em là bạn từ nhỏ, và nó đã bị liệt từ hai năm nay rồi. Bị ngựa đạp lên chân.”

“Ôi Chúa lòng lành,” anh nói. “Thảm họa miền quê.”

“Em biết,” cô nói, có vẻ không bận tâm tới việc nói sao cho hợp với giọng của anh. “Vậy nên em sẽ vờ làm như đi thăm nó, nhưng thực tế là không. Sau khi mẹ và Ruth đã đi rồi thì em sẽ đạp xe vòng trở lại, và chúng ta sẽ có cả ngôi nhà cho riêng mình.”

“Vậy cuộc thi ấy có dài không?”

“Em hứa với anh, nó dài lắm. Và rồi họ sẽ còn phải mang dâu tới nhà bà ngoại nữa, mất ít nhất cả tiếng đồng hồ nữa. Anh có theo kịp ý em hông vậy?”

“Anh hy vọng là vậy.”

“Ngày mai anh sẽ ngoan chứ? Đừng có quá mỉa mai mẹ nha.”

“Anh xin lỗi,” anh nói. “Anh hứa sẽ không vậy nữa.”

Nhưng anh không khỏi phân vân. Tại sao lại là bây giờ, trong khi trước kia anh có thể dễ dàng đưa cô lên phòng và thu xếp để cho bạn anh đi ra ngoài? Hoặc giả như hồi mùa xuân năm ngoái, lúc cô đã khiến anh phát cuồng lên trong những góc tối của công viên? Thế còn cái trinh tiết vẫn được ca tụng của cô?

“Em có nhiều miếng lót lắm,” cô nói. “Thường cần bao nhiêu miếng?”

Anh ngạc nhiên thấy mình phải nói là, anh không biết.

“Anh không rành mấy cô trinh nữ.”

Cô choàng tay ôm vai mình và cười to, kiểu cười anh đã quen thấy ở cô.

“Anh không định nói tếu đâu.” Anh thực sự không.

Mẹ cô đang ngồi ở bậc thềm bên hông nhà, nhưng chắc chắn là bà đã không thể nghe thấy gì. Bà hỏi họ đi chơi có vui không, và nói rằng bản thân bà luôn mong đợi tới chiều tối để trời mát hơn.

“Ở đây chúng tôi may mắn hơn- chứ không bị nung trong lò như mấy người ở thành phố.”



Lúc thức giấc vào sáng hôm sau, anh đã nghĩ rằng mình đang sắp sửa có một ngày dài nhất trong đời, nhưng thực ra ngày cũng trôi qua dễ dàng. Những thùng dâu được hạ xuống bỏ vào nước nóng sủi bọt. Dâu sẽ tróc vỏ và được hun nóng cho tới khi sôi lên và cho ra thứ nước sền sệt màu hồng gần như kẹo. Công việc được tổ chức theo kiểu trợ giúp nhau, với ba người luôn sẵn sàng chạy tới khi có người cần nhấc một cái nồi lên, hay khi có người khiêng tới một cái lọc đầy. Căn bếp nóng kinh khủng, và Royce là người đầu tiên, rồi đến Grace, và mẹ của cô, phải đưa mặt vào dưới vòi nước lạnh rồi ngước lên với khuôn mặt ròng ròng nước.

“Tại sao trước đây mẹ không hề nghĩ tới làm như vầy nhỉ?” mẹ cô nói, đứng ngay đó với những món tóc ướt bết trên trán. “Chỉ có đàn ông mới nghĩ ra được những điều thông minh, phải không hả Grace?”

Tiếng đàn dương cầm thánh thót suốt cả ngày, dưới đôi tay của con bé con sắp lên đường ứng thí vào ngày mai; nó nhắc mỗi người trong bọn họ nghĩ tới những điều riêng tư của mình, về những thử thách và hứa hẹn của một ngày sắp tới.

Vào cuối buổi chiều thì Royce được trao cho chìa khóa xe để đi tới cửa hàng gần nhất cách đó năm dặm, để mua thịt xông khói xắt lát sẵn và cà-rem, cùng salad khoai tây làm sẵn để về ăn tối. Xem ra salad khoai không làm tại nhà là thứ mà gia đình đó chưa từng biết đến.

Mứt dâu ấm được rưới lên trên cà-rem.

Người mẹ với chiếc áo lốm đốm ướt nước có vẻ như khá ngây ngất với công việc và thành quả của một ngày.

“Royce ở đây là làm hư phụ nữ nghe,” bà nói. “Hễ ai có anh kề bên là công chuyện làm xong trong nháy mắt, và rồi còn được thưởng thức cà-rem nữa chứ. Cả nhà ta được chiều hết cỡ.”

Thằng con trai nói Grace đã hư sẵn rồi-nó cứ nghĩ là mình thông minh lắm vì đã vô đại học.

“Thì nó đã vô rồi đấy thôi,” bà mẹ bảo.

Grace dọa sẽ đổ một muỗng đầy salad khoai xuống áo nó. Cu cậu lấy ngón tay quẹt và liếm sạch.

“Tởm,” Grace nói.

Bà mẹ la con, “Coi chừng tư cách nghe!”



Qua ngày hôm sau người bố và thằng con trai đi tuốt lúa mạch mọc sớm ở cánh đồng của họ ở phía bên kia xa lộ. Họ mang theo bữa trưa và nhắc nhau rằng người đàn bà thuê đất sẽ cung cấp nước cho họ. Grace đã nhận biết tất cả những điều này từ trước.

Ruth đang đứng im để mẹ sửa lại những dải lụa và nơ trên tóc cho mặt cô bớt tối. Cô bé nói cô không thể ăn gì nổi cả. Bà mẹ nói, “Tại con căng thẳng,” rồi gói mấy miếng bánh quy lạt đem theo. Chỉ vài phút trước khi xe của hai mẹ con lăn bánh thì Grace đã phóc lên yên xe đạp và vẫy tay chào mọi người. Bà mẹ nói với theo, cho bà gửi lời yêu thương đến cô gái tật nguyền. Có một hũ mứt tươi đã được bọc gói cẩn thận trong giỏ xe đạp để làm quà cho cô gái ấy.

Royce được cho biết là, anh xứng đáng có một ngày nghỉ ngơi sau ngày làm việc hôm qua. Thế nhưng cái căn nhà gạch cao này, vốn dĩ trông bên ngoài rất ấn tượng, lại chẳng có gì là dễ thương hay dễ chịu ở bên trong. Bàn ghế tủ thì cứ như là được nhét đại đây đó, như thể là không ai có thì giờ để có ý sắp xếp chúng. Cửa trước thì bị chắn một phần bởi cái đàn dương cầm của Ruth. Nhưng ít nhất cũng có vài quyển sách ở phòng khách. Anh lấy cuốn “Don Quixote” từ trên cái kệ kiểu cổ với gương ở phía trước, miệng hét to với Ruth “Hạ hết bọn chúng nghe!” nhưng cô bé không trả lời. Tai anh dõi theo tiếng xe chạy xuống đường, rồi nghe thấy nó quẹo về phía xa lộ. Anh đọc vài chữ, lắng đọng cho căn nhà thay đổi hoàn toàn, trở thành cùng phe với mình. Những họa tiết của tấm vải phủ bàn ăn xem chừng cũng đồng lõa, những trang giấy cũng tươi mới như mấy lọn tóc của Ruth, cái máy hát thì đã ngưng, mọi thứ đang chờ đợi. Anh thủng thẳng đi về phía căn phòng ở ngoài gian bếp, ở đó anh thấy mình nên dọn giường lại và treo mớ quần áo ít ỏi lên móc. Anh kéo tấm rèm che xuống sát gờ cửa sổ, cởi bỏ hết mọi thứ trên người và chui vào bên dưới tấm mền phủ giường.

Anh đã không hề đến mà không thủ sẵn đồ nghề, dù anh thậm chí đã nghĩ rằng mình có rất ít cơ hội ở đây. Giờ thì anh không hề thiếu sẵn sàng chút nào. Sự tĩnh mịch cũng cảm thấy quan trọng. Cô ấy nghĩ sẽ đi bao xa là đủ để quay về nhỉ?

Chiếc đồng hồ trong bếp gõ một tiếng, là lúc mà Ruth phải có mặt ở chỗ người thày dạy nhạc. Vậy là chắc cú rồi, chắc cú.

Anh nghe tiếng xe đạp chạy trên sỏi. Nhưng cửa nhà bếp không mở ngay như anh nghĩ. Thế rồi anh hiểu ra là cô đang đẩy chiếc xe đạp ra phía sau nhà, để giấu.

Gái ngoan.

Tiếng chân cô bước vào nhà, rất nhẹ, như thể cô không muốn đánh thức ai đó còn đang ngủ trong nhà. Rồi cánh cửa thẹn thùng mở hé, cái cửa mà anh đã để ý thấy là không hề có bất cứ một ổ khóa hay chốt nào. Anh vẫn nằm yên bất động, mắt mở he hé. Anh muốn cho cô thời gian. Anh đã nghĩ là cô sẽ nhảy vào giường với nguyên quần áo trên người, nhưng không. Cô đang đứng trước mặt anh, cởi bỏ mọi thứ, đầu cúi gằm, môi cắn chặt, rồi đưa lưỡi liếm môi. Rất căng thẳng.

Thật đáng yêu.





Họ đã dấn đi đủ xa rồi nên không nghe thấy tiếng xe. Lúc đầu anh có ý giữ cho thật yên lặng, không phải vì anh sợ có gì nguy hiểm, nhưng chỉ vì anh có ý cho thật dễ dàng, thật nhẹ nhàng với cô. Điều này hóa ra lại không được để ý. Cô có vẻ không cần tới kiểu chăm sóc như vậy. Hai người ồn ĩ đủ khiến họ không nghe thấy bất cứ gì bên ngoài.

Dù sao họ cũng sẽ chẳng nghe tiếng xe-nó đã được đậu ở chỗ khá xa trên lối vào. Tương tự như vậy là tiếng chân, chắc hẳn phải rất là khẽ khàng, và cánh cửa nhà bếp cũng được mở ra, rất từ từ.

Nếu như có nghe thấy tiếng cửa bếp thì có lẽ họ đã có được đôi chút thời gian để chuẩn bị. Đàng này, ngay khi cánh cửa phòng bị mở toang ra họ vẫn chưa kịp hiểu chuyện gì đã xảy ra. Và, thực tế là, họ đã phải mất hết cả phút để ngưng lại, và để nhận ra khuôn mặt bà mẹ với cái miệng đang há hốc, há rất to, ngay ở cuối giường.

Bà mẹ không nói nên lời. Bà run lẩy bẩy. Bà nói lắp bắp. Bà phải giữ chặt thành giường để đứng cho vững.

“Ta không thể,” một lúc sau bà mới nói được, “Không thể, không thể. Tin nổi.”

“Ôi thôi im đi,” Royce nói.

“Cậu có-Cậu có- Cậu có mẹ không vậy?”

“Đó không phải chuyện của bà,” Royce đáp. Anh đẩy Grace sang bên mà không nhìn cô, với lấy cái quần để trên sàn nhà, và mặc quần vào bên dưới tấm khăn phủ giường, xong nhảy ra khỏi giường. Chuyển động của anh đã khiến Grace bị đạp ra. Anh không thể không làm vậy, cũng chẳng mấy bận tâm tại sao mình làm vậy. Cô trùm kín đầu bằng tấm khăn phủ giường, nhưng cặp mông trần không hiểu sao lại bị lộ ra.

“Cậu đã làm gì vậy hả?” bà mẹ nói. “Chúng tôi mời cậu đến với gia đình. Chúng tôi tiếp đón cậu nồng hậu. Con gái của chúng tôi…“

“Con gái bà tự quyết định đó.”

“Mày có nghe nó nói không hả con?” bà mẹ la lớn về phía cái đầu trùm mền của Grace, đôi tay bà bấu chặt vào bộ đầm mà bà đã diện cho buổi thi dương cầm. Không có chỗ nào khác để bà ngồi xuống, ngoài cái giường, mà bà lại không thể ngồi lên đó.

Royce đáp lại bằng cách gom góp đồ đạc của mình, dọn dẹp cho gọn vì còn muốn nể mặt Grace. Xong anh nói, “Xin phép bà” với bà mẹ, nhưng giọng anh khô khốc.

Tới khi Grace nghe tiếng anh khóa sợi dây kéo túi xách thì cô lăn người qua, và đặt chân xuống sàn. Giờ đây cô hoàn toàn lõa lồ.

Cô nói, “Cho em đi nữa. Cho em đi với anh.”

Nhưng anh đã đi ra khỏi phòng, và ra khỏi nhà, như thể anh thậm chí không hề nghe cô nói.





Anh bước ra đường cái, giận dữ tới mức anh không thể nghĩ ra được chỗ nào để quẹo về phía xa lộ. Đến khi tìm thấy nó anh cũng không nhớ ra là phải đi trên bờ sỏi, để tránh những chiếc xe đang chạy trên đường tráng nhựa. Anh biết mình phải quá giang xe, nhưng ngay lúc đó thì anh không thể đi chậm lại để đón xe. Anh cũng không nghĩ là anh có thể nói chuyện được với ai đó. Anh nhớ tới cái lúc anh thì thầm với Grace vào ngày hôm trước lúc họ làm mứt dâu, lúc hôn cô bên vòi nước lạnh đang xả ra khi bà mẹ vừa quay lưng đi. Dưới vòi nước chảy, món tóc nhạt màu của cô trở nên sậm xuống hẳn. Những hành động như thể anh đang tôn thờ cô. Mà vào những lúc nào đó thì đó là sự thật. Sự điên rồ ẩn chứa trong đó, sự điên rồ đã để cho chính anh bị cuốn đi. Cái gia đình ấy. Cái bà mẹ điên khùng đó đã trợn ngược mắt lên tới nóc thiên đường.

Anh cứ bước đi cho tới khi đủ mệt và tỉnh táo thì mới chậm lại và đưa ngón tay cái lên để xin quá giang. Cử chỉ đó không mấy chắc chắn lắm, vậy mà cũng có một chiếc xe dừng lại đón anh.

Vận may tiếp tục mỉm cười với anh nhiều lần nữa trong suốt ngày hôm ấy, dù thực ra thì đa số các chuyến quá giang đó tương đối ngắn. Nông dân thường thích có bạn đồng hành, hoặc trên đường họ ra tỉnh, hoặc khi quay trở về nhà. Chỉ là những trao đổi chung chung. Có một bác nông phu ở cuối chuyến quá giang đã nói với anh là, “Nói ta nghe coi cậu có biết lái xe không?”

Royce đáp, được chứ. “Mới đây tôi còn chạy taxi mà.”

“Vậy thì chẳng phải cậu đã lớn rồi để mà đi quá giang sao? Cậu đã học đại học xong hết cả rồi-phải chăng cậu không nghĩ mình nên đi kiếm một công việc đàng hoàng nào đó sao?”

Royce cân nhắc điều này như thể đó là một ý tưởng thực sự độc đáo, mới mẻ.

Anh đáp, “Không,” rồi nhảy ra khỏi xe. Và rồi anh thấy bên kia đường chỗ tiếp với xa lộ có một tòa tháp bằng loại đá trông như đá cổ và có vẻ hết sức lạc lõng nơi đây, dù cho nó được phủ kín cỏ và có một cây nhỏ mọc ra từ một chỗ nứt.



Anh đang ở tại chỗ rìa của vực Niagara, mặc dù anh chẳng hề biết cái tên đó, hay bất cứ điều gì về nó. Nhưng anh bị choáng ngợp. Tại sao chưa hề có ai nói với anh về điều này nhỉ? Niềm ngạc nhiên này, sự thách thức chẳng màng tới bất cứ điều gì ở ngay tại khung cảnh siêu phàm này. Anh có cảm giác hơi tức cười là đã có một thứ gì đó được tạo ra dành riêng cho anh và chờ ở đó để anh tới khám phá, mà không ai nói cho anh hay.

Dù sao mặc lòng, giờ thì anh đã biết rồi. Trước khi nhảy lên một chiếc xe khác nữa, thì anh biết là anh đang sắp khám phá được điều gì đó, anh sẽ không để cho nó bị lãng quên. Nó được gọi là Địa chất học. Vậy mà suốt trong khoảng thời gian qua anh cứ lo biện luận dớ dẩn, bằng khoa học tâm lý và chính trị.

Điều đó sẽ không dễ. Nó sẽ có nghĩa là phải tiết kiệm tiền, bắt đầu lại từ đầu- học chung với những nhóc tì mặt mụn vừa ra khỏi trường trung học. Nhưng đó chính là những gì anh sẽ làm.

Sau đó, anh thường hay kể với mọi người về cuộc hành trình đó, về khung cảnh bờ vực ngoạn mục đã khiến cuộc đời anh rẽ sang hướng khác. Nếu có ai hỏi anh đã làm gì ở đó, anh sẽ ngẩn người hết một lúc, rồi mới nhớ ra là mình tới đó để gặp một cô gái.



Một ngày đầu thu Avie đang ở gần khu học xá sau khi vừa trở lại để thu nhặt mấy quyển sách mà cô đã bỏ ở nơi cô trọ trước kia. Cô đi lên trường đại học để xem xem có thể bán chúng ở một tiệm sách cũ nào đó hay không, nhưng rồi lại nhận ra là đó không hẳn là điều cô định làm. Lúc đầu cô ngạc nhiên vì không thấy ai quen cả. Sau đó cô chạy tới chỗ một cô gái đã từng ngồi cạnh cô trong lớp “Những Trận Đánh Quyết Định Ở Châu Âu”. Marsha Kidd. Marsha nói với cô là ai cũng sốc vì Avie không quay trở lại.

“Bồ với lại Grace, thật đáng tiếc,” Marsha nói.

Hồi trong hè Avie đã viết thư cho Grace. Rồi cô lại lo rằng lá thư đó có thể hơi quá thành thật khi nói về việc cô e ngại chuyện lập gia đình, và cô đã viết một lá thư khác khá là dí dỏm phủ nhận những nghi ngại của lá thư kia. Không có thư nào được hồi đáp.

“Mình có gửi cho bạn ấy một tấm thiệp,” Marsha nói. “Mình nghĩ mình với bạn ấy có thể ở chung phòng với nhau. Sau cái lúc mà mình nghe nói là bồ sẽ không tới trường nữa. Vậy mà mình cũng có được bạn ấy trả lời gì đâu.”

Avie nhớ là cô và Grace đã có lúc nói tếu lâm về Marsha, người mà cả hai cô đều thấy là thuộc loại ngốc nghếch và chán phèo, loại thiếu nữ thậm chí sẵn sàng trở thành cô giáo trung học và suốt đời chắc cũng chả có anh nào theo.

“Có người nói bạn ấy bị viêm ruột già,” Marsha nói. “Phải đó là khi mình bị sưng hết cả người phải không? Như vậy thật là khổ.”





Avie trở về nhà và viết thư cảm ơn, là điều mà cô đã bỏ mặc không làm. Cô gửi mấy món quà tới Kenora, nơi Hugo đang dạy học-đó là việc làm đầu tiên của anh. Anh đã thuê một căn hộ cho hai người. Có lẽ trong chừng một năm thôi họ sẽ có nhà.

Hồi trong hè, lúc anh đang làm việc ở Labatt, họ đã bị một cú sợ choáng người vì tưởng là cô có mang, nhưng cuối cùng thì cô không sao. Thế rồi họ đi cắm trại vào dịp cuối tuần có lễ Civic[1] để ăn mừng chuyện đó, và đấy có vẻ là lần đầu tiên họ nhận ra mình thực sự đang yêu. Đó cũng là lần đầu tiên họ thực sự đón nhận tin có mang, và họ đã tuyên bố là sẽ sớm làm đám cưới ở Kenora-trước khi bụng cô to ra.

Họ không phải là không vui về điều này.



Hôm đó Avie ngồi trên chuyến tàu mà có lúc đã được gọi là xe câu lạc bộ, để đi từ Toronto tới Montreal. Bà đang trên đường đi thăm một trong mấy đứa con gái. Bà với Hugo có được sáu người con, giờ đây tất cả đều đã lớn. Hugo đã qua đời hồi một năm rưỡi về trước. Ngoài vài năm dạy học đó ở Kenora, còn lại thì ông đã dùng phần lớn đời mình theo đuổi nghiệp dạy học ở Vịnh Thunder. Avie không hề đi làm, và với từng ấy đứa con thì cũng chẳng ai muốn bà đi làm cả. Thế nhưng bà đã có nhiều thời gian rảnh hơn mọi người tưởng, và bà dành phần lớn thời gian để đọc sách. Khi sự đổi đời vĩ đại xảy đến cho cuộc sống của phụ nữ-khi những người vợ và người mẹ tưởng chừng đang mãn nguyện bỗng nhiên muốn tuyên bố rằng đời họ không phải vậy, khi tất cả bọn họ bắt đầu ngồi trên sàn nhà thay vì trên ghế bàn, rồi họ đi học đại học, làm thơ và yêu các giáo sư hay các chuyên viên tâm lý, hay chuyên viên điều trị bệnh xương khớp của họ, và bắt đầu nói “tổ mẹ” và “đ.m.” thay vì “khỉ gió” và “quái quỷ”… Avie chẳng bao giờ muốn hùa theo. Có lẽ bà quá kỹ tính, quá tự hào. Có lẽ Hugo chỉ là con người quá thụ động. Có lẽ bà yêu ông. Dù ở mức độ nào thì bà cũng vẫn là người như thế, và đọc Leonard Cohen[2] chắc cũng chẳng ích gì.

Tuy vậy nhưng từ khi trở thành góa bụa, bà lại đọc ít đi. Bà ngồi ngó trân ra ngoài cửa sổ thường xuyên hơn. Các con nói bà đang tự khép kín, cô lập chính mình. Cũng như giờ đây, trên chuyến tàu lửa này, bà cũng chả chú tâm đọc lắm, dù đó là một quyển sách hay.

Một người đàn ông ngồi xéo bên kia cứ liếc mắt nhìn bà vài ba bận, và giờ đây ông đang quan sát bà hoàn toàn công khai. Ông nói, “Phải Avie đó không?”

Đó là Royce. Sau chừng ấy thời gian trông ông cũng chả khác gì mấy.

Họ trao đổi với nhau thật dễ dàng, bắt đầu với những điều thông thường. Sáu đứa con thật là đáng nể. Ông nói nhìn bà thì không biết đâu. Ông không nhớ Hugo là ai, nhưng cũng thấy tiếc khi nghe ông ta đã mất. Ông tỏ ý ngạc nhiên là người ta có thể sống cả đời ở cảng Arthur. Hay là vịnh Thunder, như tên mới bây giờ.

Họ uống rượu mùi pha nước soda đắng. Bà kể là Hugo không có bị lo lắng hay sợ hãi gì hết. Ông chết khi đang ngồi coi tin tức trên tivi.

Royce thì đi nhiều lắm. Sống ở nhiều nơi. Ông dạy địa chất, nhưng đã về hưu.

Ông có lập gia đình không?

Ồ, không, không hề. Và theo như ông biết thì không có đứa con nào.

Ông nói điều này với ánh mắt hấp háy vốn thường hay đi kèm với những câu tuyên bố như vậy-kinh nghiệm của Avie cho biết.

Bây giờ ông đang có một công việc hưu trí rất ngon lành. Công việc tốt nhất hồi nào tới giờ, không kể Địa chất học. Công việc ở đông Ontario. Giờ ông đang đi đâu hả. Gananoque.



Ông nói về cái thành cổ ở đó, nó được dựng lên ở cửa sông St. Lawrence, để chống lại quân xâm lược Hoa kỳ-vốn là điều chẳng bao giờ xảy ra. Nó là cái thành quan trọng nhất trong dãy thành dọc theo kênh Rideau. Nó đã được duy tu đúng mực, không phải như một bản sao, mà như chính bản thân nó. Ông hướng dẫn mọi người đi quanh khu vực, giảng giải về lịch sử. Thật đáng kinh ngạc là sao có ít người biết quá. Không phải chỉ là người Mỹ-những người mà ta kỳ vọng họ phải biết. Người Canada cũng vậy.

Ông đang viết một quyển sách nhỏ về Rideau. Để bán ở thành Gananoque. Ông ráng đưa một lượng lớn kiến thức về địa chất cũng như lịch sử vào đó. Ông đã tham gia vào lĩnh vực này hơi trễ để có thể làm nên dấu ấn gì. Nhưng tại sao lại không thử nói cho mọi người biết về nó chứ? Giờ ông đang trên đường về nhà sau chuyến đi Toronto để cố làm cho một vài chủ tiệm sách chú ý tới nó. Một vài người trong số họ đã nhận thử một ít.

Avie nói một con gái của bà đang làm việc cho một nhà xuất bản ở Toronto.

Ông thở dài.

“Khó khăn lắm, thiệt đó,” ông nói gọn lỏn. “Người ta thường không thấy trong đó những gì mà chính mình thấy. Nhưng cô thì ổn thôi, tôi đoán chừng vậy. Cô có đàn con.”

“Vâng thì, sau một lúc nào đó,” Avie nói, “sau một lúc nào đó, anh biết đấy, tụi nó cũng chỉ là con người. Ý em là, mấy đứa con là của mình, dĩ nhiên rồi. Nhưng đó là những người… những người mình biết.”

Trời đánh chết mình đi, bà nghĩ.

“Tôi có nhớ tới điều này,” ông nói, giọng trở nên vui vẻ hơn hẳn. “Tôi nhớ có lần ngồi trên xe bus để đi xuống thị trấn chỗ cô ở. Tôi không biết là trước đó tôi có biết là cô đang sống ở đó hay không, nhưng lúc đó tôi đã trông thấy cô bên hè phố. Tôi đã chỉ tình cờ ngồi phía bên tay phải nên mới thấy được cô. Lúc đó tôi đang đi về phía bắc. Đi gặp một cô gái mà tôi quen ở đó.”

“Grace.”

“Đúng rồi. Cô là bạn cô ta. Dù sao thì lúc thấy cô đứng bên đường nói chuyện với một người nào đó thì tôi đã nghĩ sao trông cô đáng yêu lôi cuốn thế. Lúc đó cô đang cười. Tôi chỉ muốn nhảy ra khỏi xe để nói chuyện với cô. Để hẹn hò với cô, chính xác là vậy. Tôi không thể không tới cái chỗ mà người ta đang trông đợi tôi đến, nhưng tôi vẫn có thể gặp cô trên đường về. Tôi đã nghĩ là, đó là những gì tôi có thể làm-là hẹn gặp cô khi trên đường quay trở lại. Lúc đó tôi thực sự có biết đôi điều về cô, đến giờ thì tôi đang nghĩ về điều ấy. Tôi đã biết là cô đang cặp kè với một ai đó, nhưng tôi đã nghĩ là, ờ thì cứ thử một lần xem sao.”

“Em không hề biết,” Avie nói, “Em không hề biết là anh đã ở đó.”

“Và rồi, như chuyện đã xảy ra, là tôi đã không trở lại bằng đúng con đường đó, cho nên nếu có hẹn thì ắt hẳn tôi cũng không đến được cái chỗ mà cô đang chờ, và rồi chuyện cũng sẽ chẳng ra làm sao cả.”

“Em không hề biết vậy.”

“Ờ thì nếu biết liệu cô có sẽ đồng ý không? Nếu như tôi nói với cô, là, ‘hãy tới cái chỗ đó, vào một lúc nào đó’ thì cô có đến đó không?”

Avie nói ngay không do dự, “Ôi, có chứ,”

“Với đủ mọi thứ rắc rối ư?”

“Vâng.”

“Như vậy lại hóa hay nhỉ? Rằng chúng ta đã không liên lạc với nhau?”

Bà thậm chí không buồn trả lời.

Ông nói, “Nước trôi qua cầu.” Rồi ông ngả đầu ra lưng ghế và nhắm mắt.

“Trước khi tới Kingston nhớ đánh thức tôi dậy giùm nếu tôi ngủ quên nhé,” ông nói. “Có vài thứ tôi muốn chỉ cho cô thấy.”

Chẳng khác gì như đang ra lệnh, kiểu như một người chồng.

Ông thức giấc trong khi bà không hề gọi, nếu quả ông đã có ngủ. Ở trạm Kingston họ vẫn ngồi yên trên tàu trong khi thiên hạ đi lên đi xuống, và ông bảo bà là chưa tới lúc. Đến khi đoàn tàu chuyển bánh trở lại thì ông giải thích với bà là toàn bộ khu vực xung quanh họ là một phức hệ đá vôi chồng chất lớp lang, lớp nọ nằm trên lớp kia, như một công trường xây dựng khổng lồ. Nhưng có một chỗ nó lộ ra, ông nói, và cô có thể thấy được những thứ khác. Nơi đó được gọi là Trục Frontenac-vốn là nơi mà Khiên Canada rộng lớn và xưa lắc xưa lơ đã trồi lên, khối nóng lỏng cổ xưa ấy cắt ngang qua tầng đá vôi, chảy tràn đi khắp nơi, làm xáo trộn hết mọi bước chân khổng lồ của thời gian.

“Kìa, kìa!” ông nói, và bà nhìn thấy chỗ đó. Thật là ấn tượng.

“Nếu có dịp đi ngang qua đây nhớ nhìn lần nữa nhé,” ông nói. “Ngồi trong xe hơi thì không thể thấy được gì đâu-vì xe cộ nhiều quá. Bởi vậy tôi mới đi xe lửa như thế này.”

“Cảm ơn anh,” cô nói.

Ông không trả lời mà lại quay đi, hơi khẽ gật đầu vẻ như chấp thuận.

“Cảm ơn anh,” cô lại nói. “Em sẽ nhớ.”

Gật đầu lần nữa, cũng chẳng nhìn bà. Quá đủ.



Vào lúc mà cái thai đầu tiên ấy đang tiến triển tốt đẹp, vào khoảng độ giáng sinh, thì Avie nhận được một lá thư ngắn của Grace.

“Mình nghe nói bồ đã lập gia đình và đang sắp có con. Chắc bồ đâu có biết là mình đã bỏ dở không học hết đại học, do bởi một số vấn đề tồi tệ về sức khỏe và thần kinh. Mình vẫn thường nghĩ về những cuộc nói chuyện của hai đứa mình và nhất là về giấc mơ mà bồ đã kể. Nó vẫn còn khiến mình sợ đến choáng cả người. Mến, Grace.”

Lúc đó Avie đã nghĩ tới cuộc nói chuyện với Marsha. Viêm ruột già. Giọng thư của Grace có vẻ mất quân bình, có vẻ như muốn van xin, khiến Avie lần lữa không trả lời. Bản thân bà lúc đó cảm thấy mình cũng tương đối hạnh phúc, với đủ mọi nỗi lo toan đời thường, rất khác với những gì mà họ đã từng nói về lúc còn ở đại học. Bà thậm chí cũng không biết liệu mình có thể trở lại đó được, hay tìm được cách để nói chuyện với Grace như bây giờ hay không. Và sau đó thì, đương nhiên là bà quá bận bịu.

Bà hỏi Royce có lúc nào nghe thấy tin tức gì của Grace không.

“Không, không hề. Có liên can gì tới tôi chứ?”

“Em chỉ mới chợt nghĩ ra vậy thôi.”

“Không có.”

“Em nghĩ có thể sau này anh đã đi tìm cô ấy.”

“Cái ý đó chả hay ho gì.”

Bà làm ông thấy thất vọng. Tọc mạch quá. Cứ lo đi tìm nỗi niềm tiếc nuối vấn vương bên dưới mấy cái xương sườn. Một người đàn bà.



Người dịch: Trần Đan Hà

Cái Dũng của Thánh Nhân








Thu Giang Nguyễn Duy Cần



Chương 1

Cái Dũng Của Thánh Nhân


Đức hạnh con người, dẫu có nhiều thứ bực nào, cũng không ngoài hai loại: tư đức và công hạnh.
Tư đức là những đức tánh ăn chịu về nhân cách riêng của từng cá nhân như: nhẫn nại, can đảm, quả quyết, điềm đạm,...
Công hạnh là những hạnh tốt của cá nhân đối với người chung quanh, như: cha mẹ, anh em, bà con, vợ chồng, bầu bạn và xa hơn nữa, với chủng tộc và nhân loại.
Ở đây, tôi xin bàn về các tư đức đầu tiên mà cũng là cứu cánh của tất cả những tư đức khác, tư đức là cái tư đức căn bản đưa con người lên tới bực chí nhân: tính Điềm Đạm.
Bất kỳ là tôn giáo hay luân lý nào, nếu bàn đến chỗ cùng cực của nhân cách, đều lấy tính Điềm Đạm làm căn bản.
Phật, bàn về "Tâm vô quái ngại", Lão, nói về "Vô vi điềm tĩnh". Nho luận đến "hạo nhiên chí khí"
Toàn chỉ vào một đức tánh đã nói trên: Điềm Đạm.
Điềm Đạm là gì?
Điềm đạm, tức là cái tính "như như bất động", thản nhiên bình tĩnh, "không thể cho ngoại vật động đến tâm của mình". Người điềm đạm, tức là người đã làm chủ được Tình dục và ý chí của mình. Nói một cách khác, người điềm đạm, tức là người "chủ động", không "bị động" vì những vật không theo mình nữa.
"...Khổng Tử bị vây ở đất Khuông, không còn phương thế nào thoát ra được, bèn lấy đờn, đờn và ca. Tử Lộ hỏi: "Phu Tử làm sao vui được thế?..." Khổng Tử nói: "Ngươi lại đây, ta nói cho mà nghe... Ta đã làm hết sức ta, để tránh cái chuyện này, thế mà không được, đó không phải còn tại ta nữa, mà là tại Trời. Xưa Nghiêu, Thuấn không bị sự cùng như ta ngày nay đây, chẳng phải do nơi cái tài thận trọng của các ông ấy hơn ta mà được, mà là tại cái Mạng của họ không như của ta. Kiệt, Trụ không phải tại họ tài ba ít hơn Nghiêu, Thuấn mà họ bị hại, chỉ vì cái Mạng của họ không giống hai người kia... Lặn xuống đáy biển, mà không biết sợ giao long, đó là Dũng của người chài lưới. Vào rừng mà không biết sợ hổ báo, đó là cái Dũng của người thợ săn. Thấy gươm bén mà không biết sợ, xem tử sanh, ấy là cái Dũng của người liệt sĩ. Biết được chỗ cùng thông là Thời, Mạng và bất cứ là ở vào cảnh nguy hiểm nào cũng không biết sợ, đó là cái Dũng của Thánh nhân..."
Cái Dũng của Thánh nhân, tức là chỗ cùng cực của Điềm đạm.
Tích xưa, theo thần thoại Nhật
Các vị thần ở trên cõi trời, có một khi cùng tranh nhau quyền bá chủ thế gian. Bất kỳ là vị nào, cũng đều cho mình là quyền lực trên hết tất cả Trời Đất. Các vị thần mới nhất định bầu cử một người làm trọng tài trong cuộc thi chọi, coi ai được làm bá chủ. Vị trọng tài này có trí phán đoán và tính ngay thẳng đặc biệt, lại cũng là người cao tuổi hơn hết.
Trong các vị thần, một vị bước ra nói:
Các ngài hãy xem đây, sẽ thấy rõ sức mạnh phi thường của tôi như thế nào.
Tức thời, một ánh sáng chớp lạnh xương, liền theo đó, tiếng sấm nổ vang, làm rung động cả không trung, dường như cả thế gian đều rung rinh sắp đổ. Các vị thần đều tái mặt. Lúc bấy giờ, không còn một ai còn dám nghĩ là mình là người bất khả xâm phạm nữa.
Vị thần Bão tố, bước ra nói:
Sức mạnh của tôi, còn ghê gớm hơn nữa. Hãy xem dưới kia, cánh đồng mênh mông lặng lẽ...
Nói vừa dứt lời, bỗng mặt nước biển dâng lên... Ban đầu từ từ... kế đó sóng nổi gió tung... Nước càng dâng, gió càng lớn, sóng càng to... cuồn cuộn ầm ầm... chỉ thấy còn có một vùng nước mênh mông trắng dã... Những ngọn núi cao, sóng đánh lấn riết, không còn thấy mặt... Sóng càng lúc càng cao, gió càng lúc càng lớn... hăm he chìm ngập đến cõi trời... Các vị thần thất sắc, cầu khẩn xin tha... Thần Bão tố vẫy tay một cái: sóng lặn, gió êm... bấy giờ nước biển lao xao, sóng chạy lăn tăn trên bãi cát.
Các vị thần vừa tỉnh trí hoàn hồn, thì nghe có một giọng lảnh lót cất lên:
"Sức mạnh không phải ở nơi sự phô trương của sức bạo tàn, vì nó chỉ có phá hoại mà không tạo lập. Sức mạnh ở cái thuật khuất phục con người và giữ gìn họ ở trong khuất phục ấy bằng ý muốn của họ. Người ta cảm vì sự dịu dàng mà chịu khuất phục chớ không phải vì bị khủng khiếp mà chịu khuất phục".
Dứt lời, vị thần Âm nhạc lấy ống tiêu... thổi lên một hơi, nhẹ nhàng êm ái như thế nào mà hết thảy các vị thần mê mẩn tâm thần, như ngây, như dại... Tất cả đều như bị sức âm nhạc lôi cuốn vào giấc ngủ thôi miên.
Nhưng có một vị thần... thái độ huyền bí, dường như thản nhiên bất động.
Vị này không thấy sấm sét mà choá mắt.
Sóng bủa, nước dâng cũng không khiến gương mặt trầm tĩnh của ông thay đổi.
Mà tiếng nhạc du dương, thâm trầm, huyền hảo kia cũng không cảm động lòng ông chút nào cả.
Vị trọng tài day qua hỏi:
- Ngài có phải bị mù, điếc gì không?
- Không. Tôi thấy và tôi nghe.
- Tại sao Ngài không động lòng. Sấm nổ, nước dâng không làm cho quả tim Ngài dao động lên sao? Nhạc thần, tiêu thánh không làm cho tâm hồn Ngài xao xuyến sao?
- Ngài lầm! Quả tim tôi cũng đập, tâm hồn tôi cũng xao.
- Nhưng sao gương mặt Ngài, tôi không thấy lộ vẻ lo sợ hay vui sướng gì cả?
- Không. Tôi là "Điềm Đạm". Tôi là kẻ huấn luyện cảm giác tôi, tôi là kẻ đã làm chủ cảm giác tôi rồi. Còn các Ngài, các Ngài chỉ là những người làm tôi mọi nó vì chính các Ngài đã không thể chế trị nó.
- Có ích gì lo đi chế trị sự vật quanh mình, trong lúc mà, một tiếng nhạc tiêu tao cũng đủ làm cho cái tay cầm sấm sét kia phải rụng rời như rũ liệt...
- Còn nói đến uy lực nỗi gì, kẻ có tài ảo hoặc người kia, khi thấy nước dâng, nghe sấm nổ, cũng vẫn lao nhao lo sợ như ai...
Các vị thần, cúi mặt làm thinh.
Vị trọng tài nói tiếp:
Hơn cả sự điều khiển sự vật, người này đã khéo léo biết điều khiển tình dục của mình.
Bất kỳ là một thế lực nào, nếu còn bị một thế lực khác đánh ngã, không còn gọi đặng là sức mạnh nữa. Người này không phô trương những thế lực vô ích như thế, rõ người có sức mạnh trên hết. Bất kỳ là những ám thị những dẫn dụ nào, cũng không làm nao núng tâm hồn người này đặng. Trái lại, người này đã thấy hết, và đã khéo lợi dụng cả thảy để làm tôi mọi cho mình. Nếu các anh em, tin cậy nơi sự phê phán của tôi, thì tôi xin nói thật: "Vị thần Điềm Đạm này là chúa tể của chúng ta cả thảy".
Từ đấy đến nay, câu phê phán ấy vẫn không sai giá.
Phải, sự điềm đạm là chúa tể của chúng ta cả thảy. Đạo hạnh con người đi đến đó, là đã tới chỗ cùng cực của nhân cách con người rồi.
Trót một nền học thuật của Lão Trang, không ngoài cái ý đem con người đến cõi "điềm đạm chi cực". Cái đó sâu xa, cao thượng quá, chưa phải chỗ nói của tôi hôm nay.
Tôi đã dành sẵn cho nó một nơi khác.
Muốn lên chỗ cao, phải khởi từ chỗ thấp. Muốn được một tinh thần bất uý, điềm đạm như các bực Thánh nhân, trước hết phải biết những nguyên nhân khiến lòng ta hay chao động, sợ sệt... Sợ, không phải là một chứng bịnh nan y. Phải có chí, và kiên tâm thì làm gì không đạt được ý nguyện.
Sau đây, tôi sẽ bàn đến những phương pháp, từ thấp lên cao, để cho mỗi một người của chúng ta đều đi đến được cái tinh thần đại dũng ấy.



Sự tồi tệ của tâm lý bầy đàn



Tôi chưa được thấy ở đâu một định nghĩa chính xác về tâm lý bầy đàn. Nhưng tôi đoán, cụm từ này có thể được hiểu theo hai cách. Thứ nhất là giống như “tâm lý đám đông”, tức là tâm lý chung của một đám người, với những “hiệu ứng” của nó, nhưng nghiêng về kiểu không có suy nghĩ, gần với bầy đàn động vật. Thứ hai là tâm lý của những cá thể, luôn muốn sống giữa đám đông, sợ những khoảng thời gian đơn độc, và làm gì cũng đều nhìn đám đông mà làm theo, gần như không suy nghĩ, không có quan điểm và sở thích riêng.



Trong bài này, chúng tôi nói về tâm lý bầy đàn theo cách hiểu thứ hai. Mỗi một con người đều cần đến những người chung quanh: gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, đoàn thể,… Cần vì nhiều lý do.


Thứ nhất là vì có những nhu cầu trong cuộc sống mà có sự phối hợp tập thể thì việc đáp ứng sẽ dễ dàng hơn. Thứ hai, quan trọng hơn, là nhu cầu tình cảm: người thân là chỗ dựa tinh thần cho chúng ta. Và thứ ba là nhu cầu nhận thức: việc trao đổi, bàn bạc, học và dạy lẫn nhau là vô cùng quan trọng đối với việc thu nhận và sàng lọc kiến thức, chắt lọc lấy chân lý.

Tuy nhiên, nhận thức và thế giới nội tâm của một con người chỉ có thể hoàn thiện (theo nghĩa tương đối) nếu người đó có khả năng ở một mình trong những khoảng thời gian khá dài (có thể là nhiều ngày). Việc đó vừa thể hiện năng lực tự giải quyết những vấn đề riêng tư, vừa thực sự cần thiết cho việc suy tư, nghiền ngẫm để đạt tới tri kiến sâu sắc, thứ mà người ta khó có thể nhận được khi ở trong đám đông ồn ào, dù là đám đông tụ tập để thảo luận những vấn đề nhận thức, như hội thảo khoa học chẳng hạn. Nhà khoa học không thể lúc nào cũng ở trong hội thảo; người đó cần có những lúc ngồi một mình để ý nghĩ và trí tưởng tượng phát huy hết tác dụng. Nhà văn khi viết cũng cần ngồi một mình. Đối với một vài tôn giáo, việc “luyện hồn” càng cần đến sự đơn độc, thậm chí là sự cô độc. Có thể nói, nhu cầu và khả năng sống đơn độc là thước đo sự trưởng thành của con người.

Ngược với nhu cầu và khả năng sống đơn độc, khả năng suy ngẫm để chắt lọc chân lý, là tâm lý bầy đàn. Đó là hiện tượng tồi tệ, với nhiều hệ lụy. Ở đây chỉ xin nêu hai hệ lụy của tâm lý bầy đàn, một liên quan đến đời sống xã hội, và một liên quan đến đời sống cá nhân.

Khi trong xã hội có quá ít người không thoát khỏi tâm lý bầy đàn thì xã hội đó sẽ gặp phải rất nhiều vấn đề nhức nhối. Trong xã hội đó, chân lý không tìm được chỗ đứng. Mỗi thành viên trong xã hội đều sẽ trông chờ có người đem “chân lý” đến cho họ. Khi đó, dù là cái gọi là “chân lý” thực ra là “giả lý”, họ cũng sẽ tiếp nhận một cách hào hứng, và tôn sùng cái nhân vật đem “giả lý” đến cho họ như một vĩ nhân, một vị cứu tinh. Rồi một nhóm người ham quyền lực sẽ quàng cái thòng lọng vào cổ họ, kéo họ đi bất cứ đâu mà nhóm người này muốn. Để giữ an toàn, nhóm người này tiếp tục gieo rắc và khuyến khích tâm lý bầy đàn, không cho mọi người tiếp cận chân lý thực sự.

Trong một xã hội như vậy, luân lý, đạo đức sẽ suy đồi. Đạo đức chân chính sẽ bị thế chỗ bởi sự trung thành với những kẻ cầm thòng lọng. Ai dám hé răng nói lên sự thật chẳng những sẽ bị những kẻ cầm thòng lọng thít cổ cho đến chết, mà còn bị đồng loại ghét bỏ. Con người sẽ trở nên dối trá, và coi dối trá là lẽ sống.

Trong cuộc sống cá nhân (và gia đình), tâm lý bầy đàn làm người ta không thể phấn đấu vì những gì thực sự có ích lợi cho bản thân. Những kẻ không giàu, thậm chí rất nghèo, cũng thi nhau vung tiền, kể cả tiền vay mượn, vào những việc lễ lạt, thủ tục vô bổ, để rồi sau đó sống trong nghèo túng và cắn xé lẫn nhau. “Con gà tức nhau tiếng gáy” chính là một biểu hiện của tâm lý bầy đàn. Một biểu hiện khác là “miếng giữa làng bằng sàng xó bếp” – xô xát, tranh cướp nhau chỉ để được một “miếng” không đáng gì, để sau đó sống trong thù hằn, mệt mỏi.

Có những kẻ thấy người khác ở trong tổ chức này nọ có vẻ oai và có “màu”, cũng cố “phấn đấu” để lọt được vào cùng “đội ngũ” với những ông bà oai oách đó, cuối cùng chỉ làm rào chắn để các ông bà đó yên tâm mà “ăn” của thiên hạ. Có kẻ thấy người ta có chức tước, được trọng vọng, cũng cố chạy chọt chỉ để cũng có được tí chức sắc, dù hữu danh vô thực. Có kẻ thấy người ta là giáo sư, tiến sỹ, được xưng tụng rổn rảng tại chốn đông người, cũng cố bỏ tiền để kiếm lấy cái chữ “tiến” hay “thạc” chi đó cho đỡ kém cạnh, mà không biết trước được rằng cái giá phải trả lớn hơn nhiều so với cái thu được, trong khi nhận thức thuần túy cũng chẳng tăng thêm được tí nào.

Về lâu dài, muốn tiến tới một xã hội lành mạnh, còn trước mắt là tìm được sự yên tĩnh trong tâm hồn cho chính mình, con người ta buộc phải thoát khỏi tâm lý bầy đàn. Đã có cái đầu riêng của mình, hãy dùng nó để suy nghĩ!

(Tất nhiên, tôi biết có hàng ngàn người nghĩ giỏi hơn tôi, và vì vậy những lời tôi nói đây là lời tâm sự với những người không ở trong hàng ngàn người đó.)

NGUYỄN TRẦN SÂM

An cư - Lạc nghiệp



Văn hóa vốn là một đề tài nhạy cảm. Đụng đến nó giống như đụng đến một kho vũ khí, bất cứ ý kiến nào, dù hay dù dở tới đâu cũng sẽ luôn nhận được những ý kiến trái chiều “mãnh liệt”. Đôi khi gây ra những trận chiến kinh hoàng và sức sát thương khủng khiếp cho những người tham gia, dù chỉ qua lời viết trên màn hình. Chúng ta đều có những nhận thức riêng và những niềm tin không muốn ai thay đổi, không muốn người khác đụng đến như kiểu đó là một thế giới bất khả xâm phạm. Chính cái niềm tin, đôi khi mù quáng đó khiến chúng ta ghét sự thay đổi, luôn nghi ngờ những lối đi mới mẻ và đóng chặt tim mình trong vấn đề mở rộng nhận thức. Mà một khi nhận thức không thể thay đổi, thì cuộc đời chúng ta, tương lai chúng ta sẽ không bao giờ khác đi hay khá lên được.

Ai cũng biết về “văn hóa” nhưng để hiểu chính xác thế nào là “văn hóa” như một định nghĩa cụ thể, xin đừng đọc trong wikipedia, nhức đầu lắm. Tôi đã tìm giúp bạn một khái niệm tổng quát và dễ hiểu thế này: “Văn hóa là sản phẩm của con người được tạo ra trong qua trình lao động (từ trí óc đến chân tay), được chi phối bởi môi trường (tự nhiên và xã hội) xung quanh và tính cách của từng tộc người. Nhờ có văn hóa mà con người trở nên khác biệt so với các loài động vật khác; và do được chi phối bởi môi trường xung quanh và tính cách tộc người nên văn hóa ở mỗi tộc người sẽ có những đặc trưng riêng. Với cách hiểu này thì văn hóa chính là nấc thang đưa con người vượt lên trên những loài động vật khác; và văn hóa là sản phẩm do con người tạo ra trong quá trình lao động nhằm mục đích sinh tồn.”

Xin bổ sung thêm vài suy nghĩ của tôi, văn hóa là sản phẩm của con người, là tài sản chung cần được bảo vệ và phát triển. Con người tiến hóa thì văn hóa cũng phải tiến hóa. Chúng ta dường như quên mất chính chúng ta là người tạo ra nền văn hóa, chứ không chỉ sống và chấp nhận nó muôn đời. Cũng giống như việc người dân tạo ra chính quyền với mong muốn chính quyền làm đúng bổn phận giữ gìn cuộc sống và xây dựng cuộc sống hạnh phúc cho người dân cũng như làm cho đất nước phồn thịnh, giàu mạnh. Khi chính quyền đó không làm tốt nhiệm vụ, người dân có quyền tìm cách thay đổi nó cho phù hợp thời đại. Chứ không nhất thiết phải chịu đựng những sai trái đó trong im lặng rồi chờ cho nó tự biến mất. Một lần nữa, chúng ta quên mất rằng chính chúng ta tạo dựng nên chính quyền, chính chúng ta tạo dựng lên nền văn hóa. Chúng ta có thể thay đổi nó cho phù hợp với tình hình hiện đại.

Nền văn hóa Việt Nam vốn đầy bản sắc và giàu tính nhân văn. Điều này không ai có thể phủ nhận hay chối cãi, nhưng cùng với thời gian, rất nhiều những quan niệm, cách nghĩ trở nên sai lầm và không còn phù hợp với thời đại nữa. Học hỏi những nét văn hóa hay ho và không quên rời bỏ những nét văn hóa cũ kĩ. Chúng ta cần phải nghĩ về nó, để làm gì, để thay đổi, trước là cách nghĩ, sau là cách hành động và cuối cùng là thay đổi nếp sống hàng ngày ta đang chấp nhận như một cách bỏ phiếu cho một nền văn hóa tiến hóa tốt đẹp hơn.

Sau đây là một vài quan niệm văn hóa mà chúng ta đang hiểu sai, hiểu không đủ hoặc không còn phù hợp với thực tế cuộc sống hiện tại, tất nhiên chỉ là góc nhìn cá nhân, các bạn đừng quá nặng nề chuyện đánh giá hoặc tiếp thu nó.

An cư lạc nghiệp – đừng hiểu sai hiểu thiếu
Ai nghe cũng hiểu câu này nhưng xin hãy đọc lời giải thích khá cụ thể hay ho tôi lấy được từ trang tudienthanhngu.com. Hãy đọc để nhìn lại xem chúng ta đã thường nghĩ về câu này theo hướng phiến diện thế nào.
Có người hiểu rằng: An Cư và Lạc Nghiệp chỉ là hai vế trong một câu, giống như câu “Mẹ tròn, con vuông” hay “Vợ đẹp, con khôn”. Cách sắp xếp thành ngữ của cha ông ta thường vẫn đối nhau như vậy. Nếu hiểu như thế, thì “An cư lạc nghiệp” chỉ mang ý nghĩa diễn tả cuộc sống thanh bình, người người vui với công việc của mình, như ý câu thơ:
“ Thời thịnh trị an cư lạc nghiệp
Khắp muôn nhà đều hát khúc hoan ca.”
Cách hiểu thứ hai hơi khác một chút, cho rằng: Có ‘an cư’ thì mới ‘lạc nghiệp’. Nghĩa là, có ổn định chỗ ăn chỗ ở thì mới an lòng mà lo công việc sinh kế hoặc phát triển thương mại.

Chúng ta thường nghe câu “an cư lạc nghiệp”, ý nói trước khi bắt tay vào một công việc làm ăn thì nên ổn định nơi ăn chốn ở. Đây là một lời nhắc nhở hay một kế hoạch để an tâm vì một khi đời sống gia đình ổn định thì tất cả thời gian và tâm huyết sẽ được dành cho công việc làm ăn. Từ “An cư” lâu nay vẫn thường chỉ nơi cư chú của thế xác là những ngôi nhà, mỗi người đều cần một ngôi nhà mới yên tâm. Khi đó ta mới ổn định và thoát khỏi cảnh nay đây mai đó. Điều này thấy rất rõ trong thời bao cấp, vào thời đó hộ khẩu cư trú là một mối lo quá lớn đối với mỗi người dân, nó là điều đầu tiên quan trọng và cần thiết để có cuộc sống ổn định. Khi đã “An cư” rồi thì cần “Lạc nghiệp”.

“Lạc nghiệp” muốn nói: có nghiệp thì mới lạc, mới sung sướng. Nhiều khi ta đi làm chỉ với mục tiêu duy nhất là kiếm tiền, chứ chưa phải xây dựng sự nghiệp cho mình. Không chỉ có vậy, nhiều người vì đồng tiền trước mắt, mà liên tục thay đổi công việc với những mức lương cao hơn và quên lo xây dựng sự nghiệp, quên những thú vui khi được làm việc. Họ không quan tâm tới năng khiếu bản thân, quên đi mất con người thật của mình và đánh mất bản thân lúc nào không biết, họ chỉ cần công việc đó cho họ thu nhập cao. Nhưng đó có phải thực sự là điều mà tất cả chúng ta đều mong muốn hay không. Ta có tiền để làm gì, có xe để làm gì, có nhà để làm gì….?

Tất cả những điều đó đều nhằm một mục đích cuối cùng là để an tâm và vui sướng. Nhưng ta không biết rằng cái vui sướng nhất là cái vui khi được làm việc đúng năng khiếu, đúng đam mê, đúng sứ mệnh của mình. Chỉ có điều đó mới giúp ta có cảm giác sung sướng lâu dài và bền vững. Tiền bạc mới chỉ là tạo tiền đề để sung sướng và thường đó chỉ là cảm xúc tức thời (nhậu, mua đồ vật….). Cái sướng tức thời không sung mãn, không kéo dài, nhiều khi còn để lại hậu quả xấu. Ta không thể sống với những sung sướng hạnh phúc tức thời như vậy mà cái ta luôn hướng đến là cảm giác sung sướng và hạnh phúc liên tục, lâu dài. Chính vì vậy, “An cư” ngoài ý nghĩa có một nơi cư trú cho thể xác còn cần một nơi cư trú cho tâm hồn mình. Nhiều khi cái xác đã có nơi cư trú nhưng cái tâm vẫn chưa được an vì chưa tìm ra cái mệnh của mình để mà trú ngụ, để mà phấn đấu suốt đời. An cư cần được hiểu theo nghĩa tâm linh, đó là tìm được nơi cư trú cho linh hồn. Và nơi cư trú cho tâm hồn của chúng ta chính là “sứ mệnh” và “giá trị cốt lõi” của ta. Khi chúng ta tìm ra sứ mệnh của mình, tìm ra được ý nghĩa đích thực của bản thân, ta biết mình làm gì để gia tăng giá trị cho cuộc sống, mang lại ý nghĩa cho cuộc sống, cho xã hội, lúc ấy chúng ta mới thực sự tìm được nơi cư trú cho tâm hồn mình, điều đó giúp cho ta bình an. “An cư” cao nhất là an mệnh, tìm được sứ mệnh cho mình. Khi đó chúng ta sẽ an tâm làm việc, lúc ấy sự an vui mới là đích thực nhất ta mới có thể ổn định suốt đời và mãi mãi an vui.

“An cư – Lạc nghiệp” cũng như việc chúng ta khám phá ra sứ mệnh, tài năng của mình và khẳng định sự nghiệp của mình, khi đó ta sẽ đạt được hạnh phúc và thành công đích thực. Khi chúng ta “an cư lạc nghiệp” là ta có ngôi nhà vững chắc, an lành cho chính con người mình, chắc chắn ta sẽ lạc nghiệp làm ăn phát tài, thăng quan tiến chức, hạnh phúc và thành công.”



Ấy vậy mà, từ khi nào, chúng ta lại luôn chỉ dùng câu này để nói về một vấn đề duy nhất “phải sở hữu cho bằng được một ngôi nhà”. “An cư” nghĩa đen là một nơi ở ổn định từ khi nào lại biến thành “buộc phải có một mảnh đất cắm dùi”. Theo tôi, quan niệm này bắt nguồn từ ngày xưa, khi việc mỗi gia đình có một mảnh đất là vô cùng quan trọng, vì đó là miếng cơm manh áo, là nơi để mọi gia đình trồng trọt chăn nuôi. Mọi người muốn đủ ăn phải trồng cấy gì đó, điều này khiến cho đất đai trở nên tối quan trọng. Nhưng hiện nay, bạn biết đấy, ngay cả việc làm nông nghiệp cũng không quá quan trọng phải có đất đai. Bằng chứng là Israel có thể nuôi trồng nông sản ngay trong sa mạc, nhiều tỉ phú Việt Nam giàu có nhờ làm nông nghiệp trên đất đi… thuê. Vậy nếu như ngày nay nông nghiệp không làm cho đất trở nên quý thì do đâu? Không còn nghi ngờ gì chính là do tâm lý người dân khi nghĩ “người thì đẻ được nhưng đất thì không đẻ được, đất chỉ có lên giá chứ không xuống giá” khiến cho người ta ai ai cũng muốn có một mảnh đất để dành. Điều này là một mong muốn chính đáng nhưng vô tình lại làm đảo lộn mọi thứ, nó khiến cho đất đai trở nên đắt đỏ khủng khiếp, giá ngày một đội lên cao và quá ảo so với giá trị thực. Khiến cho người thực có nhu cầu không thể tiếp cận và rất nhiều người trở lên giàu có nhờ đầu cơ vào đất chứ không phải nhờ sản xuất hàng hóa. Một nền kinh tế ảo. Mọi thứ đều trở nên ảo. Câu nói “an cư lạc nghiệp” cũng trở nên ảo nốt. Nó đánh lạc hướng mọi người từ nhu cầu một chỗ ở ổn định sang nhu cầu sở hữu một miếng đất và từ đó làm đảo lộn mọi thứ.

Giờ bạn hãy tưởng tượng thế này. Khi mọi người chỉ cần một chỗ ở ổn định mà không cần phải sở hữu đất đai. Ắt hẳn người ta sẽ phải đi thuê nhà. Từ đó những khu chung cư, những căn nhà cho thuê sẽ mọc lên như nấm và chất lượng chắc chắn sẽ không ngừng nâng cao để thu hút người thuê. Người ta sẽ dễ dàng sở hữu và ở trong những ngôi nhà thuê vừa vặn với nhu cầu, tiền bạc có thể trích ra để trang trí nhà cửa cho xinh xắn hoặc làm những công việc khác theo sở thích. Khi người ta không cần phải mua một miếng đất thì chắc hẳn giá đất sẽ giảm xuống theo đúng giá trị thực. Một khi đất đai giảm đúng giá trị, bất cứ ai có nhu cầu thực và khả năng tài chính phù hợp đều có thể sở hữu một miếng đất như mong muốn. Tài nguyên đất đai lúc này được phân bổ đều và công bằng, điều này không phải quá tuyệt sao?

Nhiều chung cư và căn hộ cho thuê mọc lên thì đương nhiên dịch vụ cũng sẽ phải nâng cao cho phù hợp và thu hút người thuê. Chúng ta sẽ ở trong những căn nhà thuê một cách thoải mái và dễ chịu như chính nhà của mình. Tất cả áp lực về việc mua một căn nhà sẽ được san bằng ra. Thay vì bạn đi làm ngày đêm vất vả cực khổ kiếm tiền mua một căn nhà để dành cho con cháu, bạn có thể dùng thời gian đó để ở bên con mình nhiều hơn mà dạy dỗ chúng. Dạy cho con tính tự lập, dạy cho chúng cách để tự đứng trên đôi chân của chính mình. Chung quy là đừng quá đặt nặng vấn đề tích cóp cho con cái. Thay vì mong muốn mai sau chúng giàu có vật chất. Sao bạn không thử làm cho chúng giàu có về tinh thần và nghị lực phấn đấu. Bạn có thể dành bớt thời gian làm việc để dạy dỗ chúng tốt hơn, dạy chúng về tiền bạc, về kinh doanh, dạy chúng sáng tạo và tự lập. Nếu con bạn đủ tài giỏi và thông minh, chúng sẽ tự mua được mọi thứ chúng muốn, kể cả ngôi nhà, chúng sẽ không cần những gì bạn để lại. Nhưng nếu con bạn ngờ nghệch hoặc hư hỏng, bạn có để lại bao nhiêu chúng sẽ phá đi bấy nhiêu. Vì người ta thường không quý những gì mình không làm ra. Điều đó không phải thật uổng phí công sức cả đời của bạn sao?

Nên, hãy cho con cái bạn cần câu cơm, thay vì con cá. Hãy dạy dỗ chúng kiếm được điều chúng muốn, thay vì để lại cho chúng công sức cả cuộc đời mình mà không biết sẽ tới đâu. Và ngôi nhà, miếng đất, chính là một trong những con cá đó. Đừng quá áp lực việc phải có đất cắm dùi. Thay vì đó, chỉ cần đảm bảo con cái bạn có một chỗ ở ổn định, đẹp đẽ cho tới lúc chúng đủ lông cánh tự bay ra khỏi nhà tìm kiếm một cái tổ mới theo nhu cầu. Căn nhà và đất đai thường là áp lực lớn nhất của mọi người. Kể cả những cặp vợ chồng mới cưới, những chàng độc thân và cả những bậc cha mẹ sống vì con cái quá nhiều. Thay vào đó, hãy dành thời gian và tiền bạc bạn làm ra để sống một cuộc sống tốt hơn. Đi du lịch đây đó, trang hoàng bài trí nhà cửa như đó là nơi chốn thiên đàng sau ngày dài mỏi mệt và dành thời gian dạy dỗ con cái nhiều hơn nữa. Đặc biệt là, bạn có thể dành nguồn lực, thời gian và tiền bạc để sống một cuộc đời ý nghĩa và trọn vẹn. Làm những điều bạn ấp ủ, những thứ bạn đam mê.

Rất nhiều việc bạn có thể làm, nếu như cất được gánh nặng ngôi nhà. Và nếu như mọi người đều có thể cất đi gánh nặng mua nhà, giá đất hẳn sẽ giảm đúng giá trị thực cùng lúc với các dịch vụ cho thuê nhà đất, căn hộ sẽ không ngừng được nâng cao. Nỗi ám ảnh thuê nhà sẽ không còn tồn tại nữa và mọi người sẽ có điều kiện tập trung vào những điều khiến họ hạnh phúc. Quan trọng hơn cả, thế hệ con cái tương lai chúng ta thay vì tự hào “nhà mặt phố, bố làm to” sẽ phải tìm những con đường khác để mà tự hào, mà khoe với chúng bạn. Những con đường như là tự thân lập nghiệp, cố gắng tới cùng để đi tìm kiếm những gì chúng muốn có. Thế hệ đó hẳn sẽ năng động, dồi dào sinh lực và tự tin hơn rất nhiều so với thế hệ chúng ta. Nếu như xã hội có hai lớp người: những người nói “tôi có một căn nhà, tôi đã tự mua nó” và một lớp người “tôi cũng có một căn nhà, cha mẹ để lại cho tôi”. Bạn muốn con cái mình thuộc lớp nào hơn? (được cả 2 thì thật là tốt)

Vậy nên, có thể nói, chính quan niệm cố sống chết để sở hữu một miếng đất nhằm “an cư lạc nghiệp” đang khiến bạn tự áp lực lên cuộc sống của mình rất rất nhiều. Từ đó áp lực lên cả một xã hội, một đất nước với nền kinh tế ảo tưởng. Khiến cho mọi thứ hoặc mất dần đi giá trị hoặc giá trị không hề tương xứng với giá cả. Một mặt, hai bên áp lực qua lại lên nhau. Không thể nào ngừng lại. Mặt khác, khi tự áp lực lên xã hội và bản thân bao nhiêu, bạn lại gỡ bỏ chúng khỏi con cái bấy nhiêu. Điều này khiến cho các thế hệ trẻ ngày càng mất đi đề kháng và sự cố gắng cần thiết, mất đi sự tự lập cũng như cơ hội chứng thực khả năng của bản thân. Đó là điều không nên chút nào.

Đọc tới đây, ắt hẳn chúng ta đều đã có cách nhìn khác về câu “an cư lạc nghiệp”. Không còn đi theo lối mòn suy nghĩ về cái nghĩa “nhất định phải có một căn nhà, một miếng đất” nữa. Hay chính xác hơn, ai muốn có nhà có đất thì nên tự đi mà phấn đấu, cha mẹ không nên phấn đấu dùm cho con cái nữa. Đất đai nhà cửa chỉ nên là một phương tiện, không nên là đích đến. Câu nói “An cư lạc nghiệp” của cha ông thật hay và thật đúng, chỉ tiếc là chúng ta lại hiểu sai về nó và rồi mọi hành động của ta đều cố chứng minh điều sai ấy trở thành điều đúng đắn, điều buộc phải làm.

An cư không có nghĩa là mua được đất, được nhà mà là tìm được một nơi bình an và ổn định, không phải chỉ cho cơ thể mà còn phải cho tâm hồn.

Lạc nghiệp không chỉ là sự giàu có về sự nghiệp, mà còn là việc tìm ra được ý nghĩa và mục đích sống của bản thân. Tìm được niềm vui và lòng yêu thích trong mọi việc ta làm mỗi ngày. Đó mới là cái đích cao nhất của cuộc sống. Sống để tạo niềm vui, chứ không phải để mua nhà đâu nhé.

Dù sao, xin làm rõ đôi điều, ý tôi khi viết bài này, chỉ muốn khuyên mọi người đừng quá đặt áp lực nhà cửa lên vai mình. Nhất là các bậc phụ huynh đừng áp lực chuyện này lên bản thân mình thay cho con cái. Và những người con, chính các bạn mới là người cần tự đặt áp lực nhà cửa với bản thân mình. Tôi không nói việc mua nhà là không quan trọng, nhưng cần hiểu đúng tầm quan trọng của nó trong cuộc đời bạn. Việc tự mua được một căn nhà, một tài sản, là một cảm giác tuyệt vời. Tôi là con gái nhưng rất thích bất động sản và luôn nghĩ tới việc tự mua nhà, mua đất cho chính mình. Tôi thích ở nhà thuê một mình và không thích gọi nhà ba mẹ là nhà mình khi ai đó hỏi nhà bạn ở đâu. Hơi lạ nhưng cũng có đôi chút tự hào. Mua một bất động sản luôn là một trong những mục tiêu yêu thích của tôi cho tương lai. Nếu bạn là con trai, kể cả xin hãy bắt đầu suy nghĩ đến chuyện tự mình mua nhà mua đất, kể cả khi cha mẹ có sẵn nhà đất để lại cho bạn. Nếu bạn là con gái, cũng hãy bắt đầu suy nghĩ như thế, tại sao không chứ. Tự mua một căn nhà trước cả khi lấy chồng, bạn sẽ tự tin hơn, có thêm nguồn thu nhập hoặc đơn giản là một nơi khác để đi khi giận chồng. Nếu như bạn là một người con, hãy nhấc gánh nặng nhà cửa cho mình ra khỏi vai cha mẹ, để cho họ có thêm thời gian tận hưởng cuộc sống khi còn có thể. Và nếu như bạn là cha mẹ, hãy bắt đầu dạy con cái tự mình tìm kiếm những gì mình muốn, không chỉ bớt được gánh nặng cho bản thân, mà còn bớt được gánh nặng cho xã hội và giúp chúng có được một tương lai ổn định và vững chắc hơn rất nhiều.



Phi Tuyết

GS Hồ Ngọc Đại: "Việt Nam tụt hậu



.
Trong thế kỷ 21 này, ngành nào cũng có biến đổi và biến đổi nhanh chóng, nhưng có một ngành mãi vẫn lạc hậu và không thay đổi gì hết, đó là sư phạm. GS.TSKH Hồ Ngọc Đại - người đã từng từ chối làm Thứ trưởng để dạy tiểu học đã bình luận như vậy khi nói về vai trò của người thầy - yếu tố thiên cốt tạo nên sức sống của nền giáo dục.


GS.TSKH Hồ Ngọc Đại. Ảnh: Ngọc Quang."Ai cũng dạy được, thất cơ lỡ vận có chữ là dạy được"

GS Hồ Ngọc Đại nhận định: "Ngay từ những năm 60 của thế kỷ trước, khi chúng ta bắt đầu chuẩn bị cuộc cải cách giáo dục với nhiều ảo tưởng, Thủ tướng Phạm Văn Đồng hỏi về tôi cuộc cải cách giáo dục như thế nào? Tôi trả lời ngay: "Sẽ thất bại, vì chiến lược về nền giáo dục hiện đại dông dài, ly kỳ, khó hiểu. Cho đến bây giờ, Việt Nam chúng ta nếu nhìn về mặt triết học thì ngang bằng lịch sử, nhưng thực chất là đang tụt lùi 1-2 thế kỷ”.

Nếu đặt ra câu hỏi: Trước quá nhiều chuyện xấu xí của nền giáo dục, chúng ta phải chọn vấn đề gì cần phải làm trước để mở đường cho một cuộc cải cách? Hẳn bất cứ ai có hiểu biết về giáo dục đề sẽ trả lời: Cái lõi của sự đổi mới, không gì hơn được, đó chính là người thầy. Nếu người thầy năng lực không tốt, không mẫn cán mà nói vui là không chịu được áp lực "lái tàu cao tốc" thì hệ lụy là sẽ làm hỏng nhiều thế hệ học sinh. Nhưng dường như ngành giáo dục chưa có một kế hoạch đủ mạnh để thay đổi vai trò của người thầy. Do đó, GS Hồ Ngọc Đại đánh giá rằng, trong thế kỷ 21 này, ngành nào cũng có biến đổi và biến đổi nhanh chóng, nhưng có một ngành mãi vẫn lạc hậu và không thay đổi gì hết (kể cả nguyên tắc lý thuyết) đó là sư phạm.

“Đi đến đâu tôi cũng kể lại câu chuyện ông bố Kennedy mở lớp dạy cho trẻ con và nói rằng, dòng họ Kennedy sẽ làm tổng thống nước Mỹ. Nếu không làm Tổng thống nước Mỹ mà làm bất cứ nghề gì, kể cả đó là nghề móc cống thì cũng là người móc cống giỏi nhất nước Mỹ. Điều đó có nghĩa là xã hội đòi hỏi sự chuyên nghiệp hóa, nhưng chúng ta hiện nay không có tính chuyên nghiệp gì cả.

Khi nghiên cứu về tâm lý học, tôi thấy rất tự ái về nghề, vì rằng ai cũng làm giáo viên được cả, kể cả thất cơ lỡ vận có chữ là dạy được. Do đó, tôi muốn biến cái nghiệp vụ sư phạm thành công việc chỉ có thầy giáo mới làm được, ngoài ra không ai làm được”, GS Đại chia sẻ.

Đào tạo giáo viên dư thừa quá lớn
Song song với yêu cầu nâng cao chất lượng đời sống cho người thầy thì công tác tuyển sinh ngành sư phạm cũng phải siết thật chặt, không nên để điểm đầu vào quá thấp như mấy năm qua. Nói cách khác, những ai không xứng đáng thì cũng đừng đứng vào hàng ngũ người thầy.

PGS.TS Nguyễn Thám – Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Huế cho hay: “Tôi thống kê hiện nay có 43 trường sư phạm, hoặc các trường không sư phạm nhưng lại có khoa sư phạm đào tạo giáo viên, thậm chí có những trường không có khoa sư phạm cũng đào tạo giáo viên. Năm trước, chỉ tiêu đào tạo giáo viên của Bộ Giáo dục là 16 nghìn có ngân sách nhưng các trường ở địa phương thì tăng lên 25.500 chỉ tiêu. Dù chủ trương của Bộ Giáo dục là giảm chỉ tiêu đào tạo giáo viên, nhưng năm nay vẫn có tới 25.250 chỉ tiêu đào tạo ở tất cả các trường trên cả nước. Như vậy là quá dư thừa".


PGS.TS Nguyễn Thám - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Huế đề nghị ngăn chặn sự phát triển ồ ạt đào tạo giáo viên. Ảnh: Ngọc Quang.

Trước thực trạng trên, PGS Nguyễn Thám đề nghị Chính phủ và Bộ Giáo dục cần phải ngăn chặn được sự phát triển ồ ạt vượt quá hệ thống các trường đào tạo giáo viên.

"Nếu không kiên quyết điều chỉnh lại hệ thống các trường đào tạo giáo viên, không kiên quyết giảm chỉ tiêu của các trường đào tạo giáo viên thì đừng nói đến chuyện. Tôi biết rằng chuyện này khó, nhưng phải kiên quyết làm cho được, đây là câu chuyện mang tầm quốc gia và nếu chỉ có riêng Bộ Giáo dục thì không thể làm được", PGS Thám nói.

Chia sẻ về những lo lắng này với PV Báo Giáo dục Việt Nam, GS Nguyễn Minh Thuyết - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng nhận định rằng "đào tạo vẫn rất nhiều và tuyển dễ dãi dẫn tới vàng thau lẫn lộn".

GS Thuyết đánh giá, chương trình - SGK hay trang thiết bị dạy học rất quan trọng, nhưng vai trò của nhà giáo luôn luôn là số một. Chính vì vậy, trong lần đổi mới này, chúng ta cần đổi mới công tác đào tạo và bồi dưỡng giáo viên, nếu không đổi mới được trước thì ít nhất cũng phải song song với đổi mới chương trình - SGK.

"Trước hết, cần đổi mới ở khâu tuyển sinh. Lâu nay, biện pháp miễn học phí cho sinh viên, học viên sư phạm đã tỏ ra hết hiệu lực, không hấp dẫn được học sinh giỏi như trước nữa; bởi vì được miễn vài triệu đồng học phí, lúc ra trường phải chạy hàng trăm triệu đồng mới có một chỗ dạy học thì thầy cô lương ba cọc ba đồng lấy tiền đâu để bù vào khoản “tiêu cực phí” ấy? Chi bằng họ chọn nghề khác, tuy lúc ra trường vẫn phải “chạy việc” nhưng khả năng kiếm thêm, bù lại vẫn nhiều hơn. Để hấp dẫn người giỏi vào ngành sư phạm, theo tôi, Nhà nước cần xác định được tương đối chính xác nhu cầu giáo viên để không đào tạo tràn lan và đảm bảo công ăn việc làm cho giáo sinh lúc ra trường. Xác định điều này hoàn toàn không khó khi đã có số liệu về trường, lớp, môn học, số trẻ sinh ra mỗi năm…

Sau khâu tuyển sinh là phương thức đào tạo. Công tác đào tạo ở các trường sư phạm phải gắn với đơn vị sử dụng lao động. Giáo sinh chỉ nên dành tối đa 60% thời gian học ở trường sư phạm, còn 40% thời gian học ở trường phổ thông. Có như vậy thì đào tạo mới gắn liền với thực tế, giáo viên mới giỏi được", GS Thuyết chia sẻ.


http://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/giao-su-ho-ngoc-dai-viet-nam-tut-hau-12-the-ky-post150391.gd

Có ý thức công dân mới được làm công dân



Tác giả: PGS. TS Phạm Duy nghĩa (Khoa Luật trường đại học kinh tế tp. Hồ Chí Minh)- Hồng Thanh Quang (thực hiện)
.


Hồng Thanh Quang: Với tư cách của một người từng đi du học tại một số trường đại học danh tiếng ở nước ngoài, một chuyên gia về luật pháp thì cảm nhận của anh một cách chung nhất ý thức tuân thủ pháp luật của người Việt Nam là như thế nào?
PGS TS Phạm Duy Nghĩa: Theo tôi, nói một cách chung nhất thì người Việt nam có bản năng… “chống lại” pháp luật! Thế là vì sao? Đó là vì hơn nghìn năm Bắc thuộc thì các triều đại phong kiến Trung Quốc đã cố mang luật của họ vào đất Giao Chỉ nhưng thứ luật cai trị đó không ngấm tới làng xã của người Việt Nam. Cám ơn tinh thần phản kháng đó đã giúp cho cha ông bảo vệ được bản sắc Việt và dân tộc Việt Nam mới trường tồn được. Sau này, thực dân Pháp trong 80 năm đô hộ cũng mang luật của họ vào đây, nhưng người Việt Nam cũng vẫn với tinh thần phản kháng chống lại những yếu tố vị lai, ngoại lai ấy.




Trong những năm mà tư tưởng kế hoạch hóa tập trung được áp dụng ở nước ta thì thực ra mà nói, cái gọi là mô hình nhà nước toàn trị, nhà nước làm thay dân khi mang vào đây cũng đã được thay đổi để thích nghi với bản tính người nước ta và kết quả là mô hình xã hội chủ nghĩa ở Việt nam mềm mại hơn so với ở Liên Xô cũ hay một số nước Đông Âu… Đó cũng là nhờ truyền thống cũ của dân tộc mình, nói một cách thẳng thắn thì có thể kết luận là, dân tộc Việt Nam nói chung không có thói quen tuân thủ pháp luật.

- Theo anh, cách sống, cách lựa chọn nào sẽ là tốt cho một xã hội mang đầy tính đặc thù như xã hội Việt Nam: Sống dựa trên những thói quen, những tiền lệ hay là sống theo những cái nghiêm ngắn, mạch lạc, mực thước của luật pháp quy chuẩn mang tính chất nhà nước?
- Còn tùy. Có hai học phái lớn chi phối toàn bộ tư duy của người phương Đông. Đó là học phái nhân trị của những người theo Nho giáo mà Khổng Tử là người đại diện và học phái của Hàn Phi Tử rất nổi tiếng. Hàn Phi Tử từng nói rằng, xã hội phải được cai trị bằng luật và luật pháp nghiêm minh làm cho xã hội có trật tự. Rõ ràng là từ thời thượng cổ, người ta có thể điều hành xã hội theo hai cách, dùng “kỷ luật mềm” như đạo đức, uy tín để tạo ra chuẩn mực hoặc đi theo những kỷ cương hà khắc mà bắt buộc tất cả các thành viên phải tuân theo. Thực tế thì, xã hội Trung Hoa cổ đại không theo một học phái nhất định mà thường là kết hợp, cộng trừ các yếu tố khác nhau của cả hai học pháo đó. Những nhà cai trị bên ngoài thì vẫn khuyến khích có yếu tố rường cột của đạo lý như trung hiếu, tiết nghĩa, tam cương ngũ thường, nhưng vẫn có những hình phạt rất rõ ràng để răn đe, để duy trì khuôn phép. Nói cách khác, xã hội phương Đông như mình dung hòa nhân trị với pháp trị.

- Anh đánh giá thế nào về hiệu quả sự dung hòa giữa dân trị và pháp trị trong nhà nước ta hiện nay? Trong sự cai trị đó, đâu là “gót chân Asin” có thể dẫn đến những hệ lụy không mong muốn?
- Đi xa hơn và tìm hiểu sâu hơn, tôi không nghĩ điều tôi vừa nói chỉ đúng với nước Trung Hoa cổ đại. Nếu mình đọc lịch sử của các nước châu Âu hay Mỹ thì luật pháp cũng chỉ là một phần tạo nên kiến trúc thượng tầng. Xã hội còn được điều tiết bởi hiệp hội, cộng đồng, gia đình…Người ta cứ nói người phương Đông trọng gia đình, nhưng ở nước Mỹ thì cũng thế. Anh hãy đến thăm nước Mỹ vào dịp Giáng sinh, anh sẽ thấy người )Mỹ cũng rất trân trọng từng ly từng tí truyền thống gia đình. Anh hãy sang Đức để dxem con cháu họ chăm chút từng kỷ vật gia đình. Đã làm giống người thì phải nhớ đến tổ tiên của mình, anh em, đồng bào, chiến hữu của mình.

Trong xã hội đương đại phải tìm cách tương tác giữa luật (như là những quy phạm do nhà nước đặt ra và cưỡng chế thi hành) với lệ (là những thói quen, tục lệ mà người ta tôn trọng và cả những quy phạm hoàn toàn không mang tính pháp luật như niềm tin, đức tin, những cái mà người Việt chúng ta tôn trọng hoặc khinh bỉ và cả lo sợ nữa). Bên cạnh pháp lý còn có giáo lý của tôn giáo, niềm tin của tín ngưỡng và cả những giá trị về mỹ học: người ta cho cái này là tốt, cái kia là xấu… Tuy nhiên, nói một cách thẳng thắn thì về khía cạnh này, chúng ta cũng cần phải bàn thêm vì trong cộng đồng người Việt Nam, chủ nghĩa cá nhân hơi bị yếu, thành ra chúng ta quen bị uốn theo dư luận và thường hành xử dưới sức sép của dư luận, chịu tác động mạnh của những cái mà dư luận cho là tốt hay xấu…

- Điều đó có dẫn tới rối loạn nào cho xã hội hay ững xử xã hội hay không? Như anh vừa nói, tính cá nhân của người Việt Nam hơi yếu, hoàn cảnh người Việt Nam ngày xưa sống luôn phải dựa vào thiên nhiên, thành ra chúng ta sống cũng phải dựa theo hoàn cảnh xã hội. Theo anh, điều đó có ảnh hưởng thế nào đến ứng xử của người Việt Nam? Liệu nó có dẫn tới rối loạn gì đó không?
- Anh có thể nhuộm tóc vàng, mặc quần bò thụng, nhảy hip-hop nhưng anh đã là người Việt thì anh vẫn có trong tiềm thức của anh những giá trị mà anh tôn thờ, anh quý, anh yêu, anh ghét… Tóm lại, quan hệ tương tác giữa những luật lệ và các giá trị xã hội, đấy là một quan hệ vĩnh cửu. Đó là một nhẽ. Còn nó có dẫn đến rối loạn gì không thì tôi có thể nghĩ, nếu luật pháp đưa vào mà vênh với truyền thống dân tộc thì có thể dẫn tới luật trên giấy và luật ngoài đời khác nhau. Nếu luật pháp tôn trọng những giá trị hiện hữu, nâng đỡ truyền thống thì nó sẽ trở nên một cái bổ trợ, dung hòa; cái đó là những lực kéo… Nghĩa là nếu làm cho chúng đồng chiều, đồng thuận thì xã hội sẽ yên ổn, sẽ có nền văn hóa ổn định. Còn nếu chúng trái chiều nhau thì chúng sẽ triệt tiêu lẫn nhau, luật phá hoại văn hóa và ngược lại, văn hóa triệt phá luật…

- Có ý kiến cho rằng công tác biên soạn luật của ta vừa qua do một số trí thức “Tây học” trở về thực hiện nên đôi khi bị mang tính sao chép, mô phỏng tư duy logic của phương Tây nhiều quá và vì thế dễ bị vênh với truyền thông của chúng ta. Thực tế hiện nay luôn có độ vênh giữa những gì ghi trong văn bản luật và thực tế. Anh đánh giá thế nào về hiện tượng này?
- Nếu nói về văn hóa mà chúng ta hiện có thì quả thực là nó có một độ gẫy nhất định với truyền thống. Anh chắc cũng thấy người Việt Nam bây giờ vào đình chùa miếu mạo thường là không đọc được các hoành phi câu đối ở trong đó. Anh chắc cũng thấy lớp trẻ bây giờ không đọc được gia phả của tổ tiên. Có vẻ như cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, dân tộc Việt Nam đã phải chứng kiến những khắc khoải, những mong muốn cải cách bức thiết quá và những người chủ trương Tây học có vẻ như chỉ nhìn thấy sự sáng ngời của văn minh phương Tây mà không nhìn thấy cái gọi là sức mạnh tiềm ẩn trong lòng những nhân tố Việt, trong nền văn minh lúa nước. Tôi nghĩ, việc chuyển ngữ sang quốc ngữ có thể là một thành công về mặt phổ cập chữ viết, nhưng cũng có tác hại lâu dài, làm cho văn hóa của tiền nhân và các thế hệ sau bị đứt.

Điều đó cũng có liên hệ với luật pháp. Chúng ta giảng dạy, nghiên cứu luật hiện nay không hề có dẫn chiếu nào với Luật Hồng Đức hay Luật Gia Long. Có 2 bộ luật lớn của nước Việt, đó là bộ luật đời Lê, còn gọi là Quốc triều hình luật và bộ Luật đời Nguyễn 1812, nhưng chúng ta bây giờ hầu như đã bị đoạn tuyệt với những giá trị đó. Ví dụ có những loại tội không thể chỉ dưa ra những hình phạt thông thường mà còn phải đánh công khai để răn dạy, để tôn vinh thuần phong mỹ tục. Những cái đó thì người Mã Lai, người Singapore vẫn còn duy trì. Ví dụ, nếu anh hỗn láo với bố mẹ mà chỉ phạt vài trăm nghìn đồng thì không có giá trị gì cả, nhưng mang anh ra trước đình, đánh cho cả làng xem thì lúc ấy mới có giá trị răn dạy…

Cũng như với tội phụ nữ ngoại tình thì phải gọt đầu bôi vôi và bêu ra trước làng xóm thì sẽ có giá trị răn dạy hơn là “đóng cửa bảo nhau”. Ý tôi muốn nói là có rất nhiều thứ hay ho của tiền nhân mà chúng ta đã không kế thừa, điều đó rất đáng tiếc! Cũng như vậy với hơn 80 năm di sản pháp luật của người Pháp thời thuộc địa. Nói một cách công bằng, người Pháp ra đi khỏi đây mà không để lại dấu ấn đáng kể nào về luật pháp với chúng ta, không để lại giá trị đáng kể nào về thể chế và luật pháp.

- Chính điều đó tạo sự khó khăn cho các nhà làm luật hiện nay.
- Sau thời Pháp thuộc, ngót nghét 30 năm chúng ta đã sống theo tư duy kế hoạch hóa tập trung. Có thể nói là trong thời gian đầu, chúng ta có vẻ như không có đủ điều kiện để tôn vinh luật pháp theo nghĩa vốn có của nó và đã giải tán Bộ Tư pháp. Chúng ta từng có một trường Luật thời Pháp thuộc. Năm 1946, chính quyền cách mạng đã ban hành một sắc lệnh có nội dung là sẽ thành lập một Khoa Pháp lý trong Trường Đại học Việt Nam ở 18 Lê Thánh Tông, Hà Nội, nhưng do nhiều lý do khách quan, việc đó mãi đến năm 1976 mới trở thành hiện thực. Cho đến tận ngày nay, giới luật gia Việt Nam vẫn đang cố gắng để tìm một vị trí xã hội quan trọng như xứng đáng, một giá trị xã hội cần có.

Chỉ trong khoảng vài chục năm trở lại đây, chúng ta mới có điều kiện để tìm kiếm giá trị thượng tôn của pháp luật. Cũng phải hiểu rằng, xã hội cũng cần có một khoảng thời gian nhất định để quay trở lại những giá trị đã mất.

- Theo anh, liệu tình trạng ấy có nằm trong những cái sơ sẩy, thao tác hay những quyết định bất cập nào đó, hay nằm trong chính những hình mẫu sẵn có của xã hội mà chúng ta đã lựa chọn từ nhiều năm về trước, khi bắt đầu xây dựng xã hội mới?
- Có lẽ nó dài hơn điều anh hỏi. Từ cuối thế kỷ XIX. Người Việt Nam đã có những cuộc khủng hoảng những giá trị, khủng hoảng luôn những tầng lớp tinh hoa…

- Nói thực, tôi hơi hoài nghi, ai là tầng lớp tinh hoa ở Việt Nam?
- Tầng lớp tinh hoa thời Lý – Trần là các nhà sư rất có uy tín. Ngay cả nhà vua cũng phải thỉnh giáo các cao tăng. Thậm chí đã có một số vị vua khi tìm thấy sự yên bình rồi thì cũng đi vào chùa. Chùa chiền là nơi tập hợp tinh hoa của thời đó. Đến thời Lê, chúng ta đã phá tan thế tam giáo đồng nguyên khí quá nhấn mạnh vào Nho giáo như công cụ và học thuyết cai trị. Phật giáo từ một tín ngưỡng của dân tộc trở thành nơi ẩn dật ở chốn thôn quê. Thậm chí đến những năm 80 của thế kỷ XX, Phật giáo về cơ bản trở thành tín ngưỡng nương náu nơi hang cùng ngõ hẻm; ảnh hưởng của Phật giáo đã là rất thấp…

Bây giờ đạo Phật mới lại được khởi sắc. Còn về Nho giáo, đến cuối thế kỷ XIX, khi Nho giáo suy tàn, những ông thầy đồ không mang lại tư duy cải cách cho đất nước này và nhìn theo ý nghĩa đó thì Nho giáo trở thành hủ nho, trở thành phản động theo nghĩa cản trở sự phát triển. Dân chúng nhìn vào các ông nho sĩ như những ông gàn, những ông thượng tôn những giá trị lỗi thời… Những thập niên đầu thế kỷ XX, chúng ta đã có những nhà nho như Ngô Tất Tố, Trần Trọng Kim, những ông thầy đồ cuối cùng đã cố gắng làm cho hậu sinh hiểu Nho giáo không chỉ là hủ nho mà nó còn có những sức mạnh riêng của nó.

Sau đó ở miền Nam trong những năm 60 của thế kỷ XX có những cố gắng tìm cách làm cho xã hội phát triển mà vẫn dựa trên những giá trị truyền thống Việt Nam, nhưng hình mẫu chưa tìm ra. Ngoài Bắc, khi đó Nho giáo bị coi là một thứ tàn dư của phong kiến, không được nghiên cứu và như bị lưu vong trong tiềm thức của người Việt chứ không được phổ cập, nghiên cứu đàng hoàng.

Mãi đến gần đây chúng ta mới bắt đầu nghiên cứu các cuốn sách như Nho giáo của Trần Trọng Kim hay cuốn Phê phán Nho giáo của Ngô Tất Tố để tìm hiểu đúng hơn về Nho giáo. Điều này cũng hợp với xu thế chung… Ý tôi muốn nói Việt Nam có một cái gì đó như khủng hoảng về niềm tin lớn hàng thế kỷ, còn mô hình Việt Nam tìm kiếm thì tôi chắc chắn là phải tìm dựa trên những giá trị truyền thống của Việt Nam. Tất cả những gì chống lại truyền thống đều khó.

- Đã có thời pháp luật không được tôn trọng đúng mức của nó, vai trò của người thực thi pháp luật như thẩm phán, quan tòa không có được vị trí xứng đáng với họ. Đó là do hệ lụy của các quyết định, những sơ sẩy trong mô hình xã hội ta đã chọn, do tư duy không dành cho luật pháp giữ vai trò tối thượng, mà mọi việc đều phải phụ thuộc vào sự diễn giải của các lãnh đạo, nói một cách nhẹ nhàng là thế…

- Từ 10 năm lại đây, chúng ta mới có những sự tranh luận về tính thượng tôn của pháp luật. Trước đó chúng ta chưa đặt vấn đề này ra.

- Có thể do ý thức cá nhân của người Việt ta không cao, như một cán bộ của ta đã nói: “Dân ta hay ỷ vào Nhà nước”? Thành ra, khi xã hội trở nên cởi mở hơn và chúng ta bắt đầu đẩy mạnh việc xây dựng một xã hội sống theo luật pháp thì điều đó chưa kịp ngấm vào người dân và có thể nói hiện tại dân ta đang sống rất thụ động trong việc tìm hiểu về dân quyền, trong xác định vai trò, nghĩa vụ của mình trong việc xây dựng xã hội ấy là của Nhà nước, của ai đó từ trên xuống? Theo anh, có phải đó là một thực tế không? Và nếu có thực tế đó thì ta phải làm gì để gỡ bỏ thực tế đó?
- Quan có thể thay được nhưng không thể thay được dân, nhà nước mà chê dân thì không ổn vì những đồng thuế nuôi bộ máy nhà nước là do dân đóng góp. Dân ý, dân tâm là nền tảng quyết định sự yên ổn cho bất kỳ chế độ nào, không một nhà cai trị nào chê dân được. Khởi nguồn của quyền lực là dân chúng, có người bị trị thì anh mới có quyền cai trị, kể cả nhà vua. Có vẻ như văn hóa Việt Nam chứa đựng những yếu tố không khuyến khích sự sáng tạo, sự phát triển mang tính phá cách, chưa hẳn khuyến khích một xã hội tự tôn pháp luật. Ví dụ, trong xã hội Việt Nam vẫn tồn tại tâm lý ghét người giàu, “xấu đều hơn tốt lỏi”… Do xã hội Việt Nam trọng tình nên dị ứng với chủ nghĩa cá nhân…

- Liệu điều anh vừa nói có chứng minh rằng xã hội Việt Nam không cần pháp luật nếu cứ sống đúng như thế? Nếu thực sự như thế thì mọi cố gắng của chúng ta trong việc xây dựng nhà nước pháp trị sẽ khó dẫn đến kết quả tích cực nếu theo cách anh nói như vậy?
- Đến mức ấy thì không. Nhưng kể từ khi dân Việt theo Nguyễn Hoàng vào khai phá phương Nam, những cộng đồng dân cư ấy không cần làm ra luật mới, họ vẫn dựa vào truyền thống để tồn tại và phát triển.

- Theo anh, cách xây dựng luật của mình trước hết và hơn cả phải dựa vào những quy cách ứng xử, truyền thống chứ không chỉ đơn thuần áp dụng các điều lệ, luật lệ hay ho mà phương Tây đúc kết?
- Câu chuyện này có thể tham khảo thời Minh Trị bên Nhật Bản. Khi ấy, người Nhật đã thuê các học giả Đức biên soạn luật cho nước Nhật. Vấn đề lớn đặt ra là liệu có thể vay mượn luật của phương Tây để điều chỉnh luật của phương Đông không? Câu trả lời là có thể. Người Nhật đã thành công, người Hàn về một phương diện nào đó đã thành công. Người Nhật bê nguyên luật của mình sang bên Hàn khi thuộc địa hóa bán đảo này. Từ đó ta rút ra một vài nguyên lý, thấy cái gì cần học và cái gì không cần học?

Cái cần học đó là, tinh thần tôn trọng pháp luật, tôn trọng tự do cá nhân, tôn trọng sở hữu cá nhân, tôn trọng quyền tự định đoạt và sáng kiến của người dân, tôn trọng một xã hội coi pháp luật như một công cụ để chung sống hòa bình. Pháp luật không phải để cai trị, pháp luật là để cho nhà nước với người dân sống với nhau thoải mái, đến mức tôi không hiểu pháp luật, nhưng tôi vẫn sống tốt, vẫn tuân thủ pháp luật. Đó là điều tuyệt vời. Luật của người Nhật được ban hành hoàn toàn theo mẫu của phương Tây, thế mà nó vẫn tồn tại đó thôi. Vậy mình phải vay những gì chưa có mà mình thấy cần thiết. Trong quá trình vay mượn đó, họ đi trước mình thì mình phải nghiên cứu lựa chọn cái gì giống mình, có thể trồng trên đất của mình, tránh mang những thứ trồng sẽ bị héo. Có một thuyết nghiên cứu gọi là “cấy luật từ hải ngoại vào nước mình”.

Khi cấy thì nó sẽ có những tác động tương hỗ và tác động phản nghịch. Phản nghịch là những yếu tố về tâm lý, văn hóa, địa chính trị… Ví dụ có những đạo luật khi cấy vào nước ta sẽ teo đi. Ví dụ như Luật Phá sản của Việt Nam hay Luật Cạnh tranh của Việt Nam, anh thấy độc quyền ở Việt Nam đầy rẫy ra đó, nhưng Luật Cạnh tranh của nước ta gần một thập kỷ nay có dọa được ai đâu? Phá sản, vỡ nợ ở Việt Nam đầy rẫy nhưng Luật Phá sản có dùng được đâu!

- Anh có thể nói cụ thể hơn là tại sao nó không áp dụng được, tại sao nó không có hiệu quả ở Việt Nam?
- Ví dụ ta lấy Luật Cạnh tranh ra đời cách đây chín, mười năm nhưng bây giờ quả không ngoa vẫn chỉ là con hổ giấy ít khi gầm lên được tiếng nào. Nếu ta đi tàu bay, các hãng hàng không thông báo hôm nay thời tiết xấu, không bay, thì chuyện gì xảy ra? Ra đành chịu thôi vì không có cạnh tranh, ta không thể lựa chọn. Có những loại độc quyền mang tính tự nhiên, do doanh nghiệp có được… Hay như giá xăng trên thế giới giảm nhưng người bán xăng ở ta không giảm giá vì “tôi không thể giảm vì tôi mua đắt rồi” (?!).

Nói như vậy thì cũng giống như nhà hàng nói là, hôm nay tôi trót mua thịt thiu rồi, khách hàng ăn tạm, ngày mai tôi mới mua được thịt mới à! Nói như thế không được nhưng người ta vẫn nói được vì người tiêu dùng không có cơ hội lựa chọn. Đáng ra theo Luật Cạnh tranh, phải phá vỡ thế độc quyền đó, làm cho các doanh nghiệp phTải tuân thủ sức ép của cạnh tranh. Đạo luật của cạnh tranh đã được vay mượn triết lý đó, nhưng toàn bộ thể chế của mình chưa chuẩn bị cho tư duy cạnh tranh đa lợi ích đó… Ta có luật nó vênh nhau, trong thực tế các doanh nghiệp nhà nước có vị thế độc quyền, nếu nhà nước vẫn bảo vệ độc quyền thì đạo luật cạnh tranh ít giá trị. Như vậy, ta đưa bộ luật chống độc quyền vào một xứ sở coi độc quyền là đương nhiên thì làm sao nó sống được!

- Tất cả những bất cập ấy phải chăng đang nằm trong chính mô hình xã hội mà chúng ta đang xây dựng? Nếu thực sự muốn có sự thay đổi thì chúng ta phải thay đổi điều gì trong mô hình của chúng ta? Ở mặt gốc rễ, cơ sở, nền móng! Nếu không tất cả đạo luật của ta chỉ để làm cảnh vì nó không động đến cái căn bản nhất của vấn đề là hệ thống hoàn chỉnh cái nọ bổ sung cái kia. Anh không thể xây một cái móng như thế mà lại đem một cái nhà có kiến trúc khác tới được…

- Có cái tôi đồng ý với anh, nhưng có cái không. Luật không cốt nhiều, chỉ cốt nghiêm theo nghĩa cái gì du nhập được mọi người đều tuân thủ thì luật đó mới nên làm (từ quan đến dân). Chứ nhiều luật mà dân chúng nhờn, rồi chi phí xã hội tạo ra để dân chúng tuân thủ luật rất khó và nó mất nghiêm đi…

- Có ý kiến cho rằng ở một xã hội như xã hội Việt Nam, nếu nhà nước bị hạn chế quyền lực thì sẽ dẫn tới hỗn loạn. Điều đó có thực không? Hay bản thân mỗi con người đều có trí tuệ nên không sợ khi quyền lực của nhà nước bị hạn chế thì nhiều xung lực cá nhân xung quanh sẽ được phát huy và xã hội sẽ tự điều chỉnh được?
- Quyền lực tuyệt đối thì tha hóa tuyệt đối, quyền lực nhà nước mà người dân ủy quyền cho anh cũng không đương nhiên mà có. Quyền lực đó xuất phát từ quyền lực của nhân dân. Chúng tôi ủy quyền cho anh, nhưng đồn thời tôi cũng phải giám sát anh. Nghĩa của giám sát quyền lực nhà nước là ở chỗ đó. Dân chúng phải có cơ hội được xem công bộc đã làm đúng việc tôi giao hay chưa? Giám sát hay là giới hạn quyền lực không có nghĩa là thu hẹp mà nhà nước phải biết việc gì anh đáng phải làm và việc gì để cho dân làm. Ở đây tôi không muons nói là nhà nước thu hẹp lại để cho dân làm mà thậm chí phải tăng vai trò lên. Ví dụ, không thể ai cũng mở quán phở được, họ phải đáp ứng được yêu cầu về vệ sinh thực phẩm. Không thể ai cũng bán thuốc Tây được. Hay khi người dân bị chìm trong cảnh lũ lụt, chính quyền không thể nói là do cơn mưa bất ngờ! Chúng tôi đóng thuế, chúng tôi có quyền yêu cầu nhà nước cho chúng tôi điều kiện sinh sống khô ráo. Nhà nước phải nhận thức rõ việc gì đáng anh phải làm và anh phải giám sát. Nói nhà nước phải mạnh là ở chỗ này, còn nói giới hạn quyền lực của nhà nước là đương nhiên. Vì người dân trao cho anh quyền, đồng thời giới hạn, khống chế, giám sát anh.

- Theo anh, xã hội ta đang ở tình trạng như thế nào?
- Tôi nghĩ là trong thời phong kiến, vua là con giời, quan là phụ mẫu của dân, thành ta nhà nước là bố dân, mẹ dân, coi dân như con, cần phải dẫn dắt bảo vệ như đám cừu non. Đến thời nay phải thay đổi, nhà nước phải cung cấp các dịch vụ hỗ trợ dân chúng đảm bảo quyền tự do của mình. ở đây phải tăng quyền tự do, quyền sở hữu cho người dân. Ví dụ đối với đất nông nghiệp, không thể nói nhà nước cho người dân thuê để làm được. Về lâu dài, nếu nhà nước quản lý không tốt thì phải trả lại quyền sử dụng đó cho người dân lâu dài.

Cũng như vậy với các can thiệp khác giảm đi theo một nghĩa phải xã hội hóa sở hữu của nhà nước với các tài nguyên thiên nhiên của đất nước này. Của đau con xót thì người ta mới làm tốt được, tài sản ông cha ta để lại mới được sử dụng và phát triển. Thứ hai, nhà nước phải can thiệp nhưng có cái nhà nước tự làm, có cái phải để người dân làm và nhà nước định chuẩn thì tốt hơn. Ví dụ đại học chẳng hạn, các trường đại học do các trường làm nhưng định chuẩn về giáo dục thì nhà nước phải làm. Không nhất thiết nhà nước bỏ tiền nhưng nhà nước phải đưa ra các quy tắc. Đối với các bệnh viện tư, nhà nước phải can thiệp, không có nghĩa nhà nước phải làm. Cũng giống như trên một con thuyền, nhà nước là người cầm lái không có nghĩa nhà nước phải cầm chèo từng bước một nhưng phải gõ nhịp.

- Theo anh, hiện nay tự do của người dân và tự do của nhà nước đang ở mức độ nào?

- Có một câu nói tôi rất thích: “Tự do không phải là quà tặng của nhà nước cho người dân, tự do chỉ có được nếu người dân biết đấu tranh”. Nhà cầm quyền từ cổ đến kim không thể ban phát tự do như món quà, không thể tự dưng mà nhà cầm quyền trao quyền cho đám thần dân mà từ thần dân, anh phải trở thành công dân, phải trải qua một quá trình khai sáng. Anh phải bảo, không phải tôi xin đăng ký kết hôn mà quyền của tôi được đăng ký kết hôn, anh không làm hộ tôi, tôi không xin sổ đỏ mà tôi đăng ký bằng khoán điền thổ cho mảnh đất của ông cha tôi để lại, tôi xin gì anh? Nhà nước phải cung cấp các dịch vụ công, chứng nhận sở hữu lô đất này của tôi. Cần có một quá trình khai sáng những thần dân trở thành công dân có đủ năng lực.

- Làm sao để nâng cao ý thức dân quyền của từng cấp hội? Trí thức có thể làm gì?
- Tôi thấy người Nhật có một câu rất hay là : “nước Nhật trở nên mạnh mẽ bởi nước Nhật có một giới quan chức có liêm sỉ, một doanh nhân có dũng khí và một giới trí thức có tiết khí”. Trí thức gồm 2 chữ “trí” và “thức”. Trí thức là người hiểu biết và người dùng hiểu biết của mình để thức tỉnh dân chúng. Phần thứ nhất có vẻ người Việt Nam làm được nhưng đôi khi dám nghĩ là một chuyện, dám nói là chuyện khó hơn và nói hết là chuyện khó hơn nữa. Ở Việt Nam phải có một cơ chế làm cho những người trí thức dám mở miệng và điều này phải quy chuẩn thành điều luật. Hình như Cụ Hồ có định nghĩa dân chủ là “làm cho dân chúng dám mở miệng”. Khi nào dân dám mở miệng? Khi đầu phải rõ, không phải lo sợ, không phải chỉ nhìn nghiêng nhìn ngửa thì miệng mới dám mở. Muốn vậy phải từng bước để trí thức có trách nhiệm, thấy được sức mạnh của họ.

- Xin cảm ơn anh!

Nguồn: An ninh thế giới cuối tháng