Thứ Ba, 24 tháng 12, 2013

Tiếng cười trên facebook



Phan Trang Hy



Tôi có dịp vào Sài Gòn. Được gặp lại Tuấn, bạn thân hồi đại học. Được gặp lại bạn thân ở xứ người là quý vô cùng. Vả lại, chân ướt chân ráo từ Đà Nẵng vào Sài Gòn, không thể không nhờ Tuấn khi tôi không biết đường biết sá ở cái thành phố này, cái thành phố chỉ nghe tên cũng thấy sự năng động, náo nhiệt, không ngủ, cái thành phố vang bóng một thời mang tên Hòn Ngọc Viễn Đông.

Tôi định sẽ thăm anh Nguyên Minh, anh Trương Văn Dân, chị Elena Pucillo Truong, Nguyễn Hòa vcv, Phan Hoàng cùng một số bạn văn. Dự tính, không bằng trời tính. Tôi bỏ lỡ dịp may vì Tuấn đang có sự cố về tình duyên. Tôi vì Tuấn nên không gặp anh chị em văn chương được. Thôi thì, hẹn lại dịp khác. Chỉ xin các anh chị em thông cảm.

Điện thoại rung. Có tin nhắn. Tôi vội mở đọc. Tuấn, bạn tôi, mời tôi uống cà phê. Tôi trả lời là sẽ đến.

Gọi tắc xi. Tôi đứng đợi. Sài Gòn dưới mắt tôi có phần giống ở Đà Nẵng, nhưng có chỗ khác là, ở Sài Gòn có vẻ khoáng đạt và lãng mạn, hào phóng và nhân ái bởi những hàng cây lâu năm, bởi những không gian thoáng đãng, bởi những con người dễ tính, thực tế... Không biết những cảm nhận đó có đúng không. Đang nghĩ vẩn vơ về thành phố hoa lệ này, tôi nghe tiếng còi. Quay lại, chiếc tắc xi đã dừng bên lề, tôi vội mở cửa. Người lái xe còn trẻ, cười lịch sự rồi hỏi:

- Chú đi đâu?

Tôi vội đáp:

- Cho tôi đến quán cà phê Hương Xưa, đường Trần Cao Vân.

- Dạ!

Ngồi trên xe, tôi nhìn hai bên đường. Phố xá nhộn nhịp, người xe nườm nượp qua lại. Xe chạy một lúc rồi quẹo đến ngã tư. Bảng hiệu quán Hương Xưa hiện ra trước mắt tôi. Tài xế cho xe dừng lại. Rồi xuống xe mở cửa để tôi xuống.

Trả tiền cho tài xế xong, tôi bỏ xếp vào túi sau, vuốt lại mái tóc, rồi bước vào quán. Hôm nay, chủ nhật, quán đông thật. Nhìn quanh, cuối cùng, tôi cũng tìm được Tuấn.

Ngồi bên nhau, chúng tôi im lặng. Bản nhạc không lời dịu nhẹ. Hợp với không gian hơi se lạnh. Cái lạnh có lẽ hiếm có ở Sài Gòn nhưng có chút dễ chịu. Tôi lại nhớ cái thời sinh viên. Thèm cà phê vào những ngày cuối tháng mười một. Khi ấy, tôi học ở Huế. Thèm ngồi một mình trong quán. Thèm một hơi thuốc cho ấm lòng. Tôi lại nhớ vu vơ, nhớ cô bạn học cùng lớp thời trung học. Cô ấy tên là Kim Chi. Một thời hoa khôi của lòng tôi. Cô ấy khéo tay lắm. Nào là làm bánh, đủ các loại bánh, từ bánh quê, dân dã, đến các thứ bánh theo công thức của nước ngoài. Tôi cũng được biết cô ấy nấu ăn rất ngon. Cô cũng hát hay nữa. Còn đôi mắt của cô ấy đúng là đôi mắt của người thông minh. Đôi mắt ấy, dù tôi nhắm mắt cũng biết chắc chỉ có cô ấy mới có đôi mắt ấy. Tôi bần thần nhớ tất cả. Rồi, tôi lại quay về với thực tại. Tôi nhìn Tuấn. Quan sát hắn. Tôi thấy hôm nay, hắn có vẻ lạ. Tôi rít một hơi thuốc, rồi nhẹ nói với hắn:

- Cớ sao hôm nay tau thấy mi có vẻ sao sao ấy. Có chuyện gì lạ không?

Hắn cười buồn, rồi xoa xoa bàn tay, miệng lí nhí:

- Chẳng có chuyện chi đâu. Mà thôi, tau đề nghị đừng nói chuyện chi cả! Chúng mình yên để nghe nhạc là được rồi. Mi chiều tau đi.

Tôi gật đầu, nhìn thẳng vào mắt hắn dò xét, nói:

- Được thôi.

Rồi, chúng tôi ngồi im như thế. Thời gian trôi qua theo từng giai điệu của những bản nhạc không lời. Chúng tôi quen như thế từ lâu rồi. Có khi cả buổi, ngồi bên nhau không cần một lời trao đổi, không cần tranh cãi, chỉ có sự im lặng là cũng thú vị rồi. Nhiều người thấy chúng tôi thân thiết như cặp bài trùng, họ thường chọc chúng tôi là đồng tính. Biết họ đùa, nên chúng tôi chẳng lấy làm khó chịu. Chỉ có niềm vui được có bạn là quý lắm rồi.

Chợt điệu nhạc phát ra từ điện thoại của Tuấn. Rồi im bặt. Tôi đoán chắc là tin nhắn. Quả không sai. Lấy điện thoại ra khỏi túi quần, Tuấn làu bàu:

- Chắc quảng cáo nữa đây! – Rồi Tuấn nói tiếp có vẻ bực dọc – Cứ quảng cáo đủ thứ, làm như khách hàng rảnh rỗi và lắm tiền!

Tôi cười ba phải:

- Thôi kệ họ! Hơi mất công chút mà, chẳng chết ai đâu mà sợ! – Tôi nói tiếp – Rứa có tin quảng cáo khuyến mãi mobi không?

- Chẳng phải quảng cáo. Chỉ là tin nhắn của cô bạn.

- Mi có bạn gái? – Tôi ngạc nhiên hỏi.

Chỉ có cái gật đầu của Tuấn. Tôi nhìn kỹ hắn, xem kỹ hắn có bạn gái hồi nào vậy? Chả là trước đây, hắn rất nhát gái. Thấy gái như thấy cọp. Cũng may tại cái tính nhát gái ấy mà hắn được vợ. Cách đây 25 năm, nhiều lần bị bạn bè khích là đã 33, 34 rồi mà chẳng có người yêu. Tôi biết điều ấy và đã khuyên hắn cứ mạnh bạo lên, cứ chai mặt một phen thử coi. Hắn ừ ừ, rồi đâu lại vào đấy, chẳng có tiến triển gì trong chuyện tìm gái gú. Tôi tìm mọi cách để cho hắn có bạn gái. Tôi đã bàn với vợ tôi tìm cách giới thiệu cô bạn thân chưa có người yêu cho hắn. Vợ chồng tôi bàn đi bàn lại, rồi quyết định làm một bữa cơm, rủ hắn và cô bạn ăn cơm tại nhà tôi. Thực lòng, vợ chồng chúng tôi mong làm chim xanh cho hắn và cô bạn của vợ tôi. Cũng may cho chúng tôi, không biết cớ sao hắn lại bén duyên cùng cô bạn. Vợ tôi lên giọng kể công với tôi, nào là vợ biết cách làm mai, nào là vợ khéo xếp đặt cho hắn, chớ mười người như hắn, với cái tính ít nói, dễ gì có bồ, nói chi tới vợ. Tôi chỉ cười, rồi cũng kể công của mình, rồi phân tích chi li cho vợ tôi biết là cô bạn cũng qua tuổi thanh xuân nên họ bén duyên là thường tình của những đôi trai gái đã quá tuổi rạo rực. Thói đời, khi quá lứa, người ta thường chọn người bạn đời hơn là chọn người yêu. Bởi vì thời gian như trêu chọc họ. Họ không có thời gian để mà hẹn hò, để mà quan tâm, lo lắng cho nhau khi sự háo hức đã bắt đầu quay đầu đi xuống. Vả lại, nếu có quan tâm, săn sóc cho nhau thì cũng chỉ vì cái đích là thành vợ thành chồng nên họ vội vội vàng vàng, có khi chưa hiểu hết đối tượng. Đùng một cái, họ đính hôn. Họ cũng được mọi người vui mừng, cùng dự buổi lễ ăn hỏi, hoặc họ bỏ giai đoạn lễ hỏi, chỉ làm lễ cưới. Chỉ có niềm vui của mọi người trong các buổi lễ ấy. Gia đình đằng trai mừng vì thằng con trai dù qua tuổi thanh niên mà được thoát cảnh ế vợ. Cũng thế, nhà gái và người thân, bạn bè của cô ta hí hửng như trúng số độc đắc vì cô gái tránh được kiếp không chồng.

Từ ngày có vợ, Tuấn ít có thời giờ rủ tôi uống cà phê. Nhiều lần, tôi gọi điện, mời hắn, nhưng hắn từ chối. Tôi chỉ thầm trách hắn. Nhưng rồi nghĩ đi, nghĩ lại cần thông cảm cho hắn. Hắn phải đánh nhanh, đánh mạnh để có con chứ! Từ đó, tôi chỉ gọi nói chuyện khi thấy nhớ hắn.

Rồi vì công việc, hắn và vợ phải vào Sài Gòn sinh sống. Tôi nhớ lại hôm tiễn đưa, tôi cầm tay hắn lắc lắc:

- Mi nhớ gọi điện cho tau nghe! Nhớ là khi sinh con phải báo cho tau biết đó.

Hắn cười, tiếng cười pha chút buồn của kẻ sắp phải xa quê:

- Tau sẽ gọi điện mà!

Tôi bắt chặt tay hắn như sợ không còn bắt được nữa.

Tàu chuyển bánh, hai vợ chồng tôi vẫy tay tạm biệt vợ chồng Tuấn…

Đột nhiên, giai điệu của “Love Story” vang lên, kéo tôi về thực tại. Nhìn Tuấn, tôi thấy hắn có vẻ buồn buồn.

Ngày hôm sau, tôi tạm biệt vợ chồng hắn, về lại Đà Nẵng. Chúng tôi hẹn ngày gặp lại. Và chúng tôi đã gặp nhau thường xuyên trên mạng khi facebook phát triển. Chúng tôi thường gửi tin cho nhau qua mạng. Cũng nhờ internet, chúng tôi trao đổi với nhau nhiều chuyện. Kể cả những chuyện riêng tư.

Một hôm, tôi nhận tin nhắn của Tuấn. Hắn tin cho tôi biết hắn viết về chuyện có thực của hắn để dự thi trên tuần báo Gia Đình. Biết tôi có khiếu viết truyện, hắn muốn nhờ tôi xem chuyện hắn viết có được không. Tôi nhận lời xem bài viết của hắn. Hắn lấy làm mừng và gửi bài cho tôi xem để góp ý.

Rồi tôi nhận được bài hắn gửi. Tôi xin ghi ra đây để các bạn cùng tôi góp ý cho hắn.



Khi nghe tin tôi có người yêu chắc mọi người bàng hoàng, sửng sốt. Có vợ, có con sống hạnh phúc, thế mà có thêm người yêu thì quả là họa đến nơi chớ chẳng chơi. Nhưng, có ai hiểu cho tôi? Đến giờ, tôi vẫn không hiểu, sao đã có vợ con rồi mà tôi vẫn yêu thêm. Có phải bản năng thằng đàn ông trong tôi trổi dậy lòng tham lam trong tình yêu? Hay ở người tôi yêu có nét gì đó quyến rủ? Nhiều lúc ngồi một mình nghĩ về cô ấy, tôi cảm thấy sao lòng mình không tự chủ được chính mình?

Có phải tôi là kẻ ngoại tình? Có phải tôi phản bội tình yêu của vợ? Tôi tự nhủ lòng mình đâu dám thế! Trăm ngàn lần không thể!

Ban đầu, hình ảnh cô ấy cũng chỉ là hình ảnh của những lượt đàn bà trên đường sinh tử mà tôi đang qua. Rồi bạn bè chọc ghẹo, cặp đôi, rồi tôi với cô ấy như từ trong sâu thẳm ở cõi mơ hồ nào đó cảm thông nhau. Biết cô ấy có chồng con, thế mà tôi vẫn cứ nghĩ về cô ấy. Còn cô ấy, biết tôi có vợ, vẫn nghĩ về tôi. Dù tâm tưởng như là tri âm, tri kỷ, thế nhưng, chúng tôi vẫn không làm điều xúc phạm đến nhân phẩm của nhau. Cứ y như là cổ tích ấy.

“Thanh ơi! Anh nhớ em quá! Anh mong thấy em. Giờ, em có nhớ anh không? Sao Em nói với anh một lời đi!”. Nằm bên vợ mà tôi vẫn nghĩ về ánh mắt của cô ấy. Tôi có cảm giác mơ hồ hối tiếc sao không gặp cô ấy trước khi tôi có vợ, sao tôi chẳng cùng cô ấy chung sống với nhau? Mỗi lần nghĩ vậy, tôi như thấy một bóng người đang cười chế nhạo tôi: “NàyTuấn, ngươi tiếc điều gì? Sao ngươi không nghĩ mình đang hạnh phúc mà nghĩ đến ảo ảnh của tình yêu ở tận đâu đâu? Ngươi không biết con người ở đời này thường tiếc rẻ những thứ đáng lẽ họ không thể có hay sao? Ta biết cả tim đen của ngươi rồi. Ngươi muốn chứng tỏ ngươi là người đào hoa chứ gì? Ngươi muốn chứng tỏ là kẻ ngon hơn những đàn ông khác chứ gì? Ngươi muốn thả bản ngã của ngươi chạy rông như con chó động đực chứ gì? Ngươi hãy coi chừng những thứ ngươi đang tạo dần bi kịch của đời ngươi dó! Tội nghiệp cho ngươi quá! Giờ ngươi tính thế nào? Ngươi yêu vợ ngươi hay yêu cô ấy? Ngươi trả lời đi!”.

Tôi chỉ thở dài. Tôi đa đoan, tôi chuốc khổ. Tôi biết làm sao đây?

“Tôi già rồi! Tôi biết phận tôi mà! Anh đâu còn thương tôi. Giờ anh có nó rồi. Anh có đoái hoài gì đến tôi. Anh không cần tôi thì anh đi cho khuất mắt tôi. Nếu anh không đi thì để tôi đi. Anh đi đi! Đi cho khuất mắt tôi!”.

Vợ tôi đang hờn giận. Vợ tôi đay nghiến trong cơn ghen tức. Tôi bước ra khỏi nhà. Đường phố đã lên đèn. Tôi bị cuốn vào dòng người đêm. May mà không ai nhìn rõ tôi. May mà tôi không bị chỉ trỏ, làm trò cười cho thiên hạ. Đại khái, nào là tôi là cái thằng dại gái, bị vợ đuổi; nào là có vợ con rồi mà còn ham hố… Nhưng tôi không ngờ có một thằng người khác đang tìm tôi. Đích thị hắn, chồng của cô ấy. Hắn nhếch bộ râu cười vào mũi tôi: “Mày muốn cướp vợ tao à? Mày muốn phá vỡ hạnh phúc của gia đình tao à? – Hắn nắm cổ áo tôi, mắt trừng như muốn nuốt chững tôi – Đâu dễ thế hở? Tao cho mày nếm mùi lễ độ!”. Những cú đấm tới tấp trên mặt tôi. Máu từ miệng tôi; hình như răng tôi gãy thì phải. Tôi gắng gượng, lườm lại hắn. Tôi sợ hắn ư? Hắn cấm tôi yêu cô ấy được ư? Tôi muốn nói điều gí đó với hắn để hắn hiểu, nhưng tôi bị đánh tới tấp. Cơn đau làm tôi lóe lên cái ý nghĩ: Như kẻ lượm được tiền của kẻ khác đánh rơi, mình vui, thì có người khác buồn. Mình có chút hạnh phúc này thì người khác mất chút hạnh phúc khác. Và nếu mình mất của quý, có ai đó lượm được thì họ vui, còn mình buồn. Mình buồn khi có người khác vui. Cái lẽ đời là thế ư? Tôi tự hỏi trong cơn đau. Ý nghĩ đó cứ quay cuồng như muốn làm đầu tôi nứt, tôi hét lên. Mồ hôi ra như tắm. Tôi nghe rõ tiếng vợ tôi: “Anh! Anh sao thế? Em đây mà!”. Tôi mở to mắt. Chỉ màn đêm. Chỉ có bàn tay của vợ nắm tay tôi: “Anh mớ ngủ, làm em hết hồn”.

Tôi thường chở vợ đi sắm hàng vào ngày chủ nhật. Mua sắm hàng trở thành thú vui của vợ tôi. Mỗi lần mua được món hàng gì như thể gia đình tôi được một món hời. Có lần đi mua con dao, không biết nghe quảng cáo thế nào, vợ tôi lại mua thêm cái kéo, dù ở nhà có cả hai cái.Tính phụ nữ hay hay là thế! Dù không cần, nhưng cũng sắm, âu đó cũng là đức tính lo xa của phụ nữ.

Tay xách hàng, vợ tôi cười như được của: “Hôm nay, em sẽ làm món đặc biệt cho cha con anh ăn. Anh thích không?”.

Tôi cười, gật đầu…

Trên đường về, tôi gặp cô ấy đi cùng chồng con. Tôi nghe rõ tiếng cười của gia đình họ.



Đọc những lời Tuấn tâm sự, tôi chỉ biết cười trừ. Tôi chợt nhớ tới cô bạn ngày xưa. Tôi vội lên facebook tìm nụ cười của cô bạn tôi hồi ấy.

Trên facebook, tôi gặp lại đôi mắt ngày xưa. Tôi cũng thấy những hoa, những bánh, những thức ăn cô làm. Thấy cả ba, mợ của cô ấy. Tôi cũng nghe cả tiếng cười của cô ấy trên facebook.

Tiếng cười trên facebook. Tiếng cười của ngày xưa hiển hiện trong tôi.

Ngày Nào Cũng Là Ngày Noel



Trần Vấn Lệ





Ít khi thấy ngày mùa Đông có nắng. 
Nhưng hôm nay, thành phố rộn ràng sao!
Mặt trời không mọc ở trên cao. 
Mỗi người đi bộ ôm mặt trời trước ngực. 

Tôi thấy những đóa hoa bật khóc…
và nụ cười đứng cạnh nụ hoa. 
Tôi nghĩ tới một người xa…

Tôi tưởng tượng mặt trời ở đó. 
Tóc của người tôi yêu phất phơ trong gió. 
Mặt của người tôi yêu hồng như mặt trời, bao nhiêu đóa hoa đua nở vì ai, chắc chắn có vì người tôi yêu đang đi bộ!

Sáng mùa Đông, đường đi trong phố là đường hoa thơm ngát bình minh. 
Có nhiều người đi một mình nhưng không ai nói mình là người đôc-hành-cô-lữ! 
Mặt trời mùa Đông không phải là mặt trời rực rỡ mà lòng người rực rỡ như hoa…
Tôi nghĩ tới một ngày không xa, lễ Noel mừng ngày sinh của Chúa…mặt trời mọc cả lúc nửa đêm! 
Tôi nghĩ tới em – ngày nào cũng Noel của người tôi thương nhớ…

Sáng hôm nay tôi cũng đi trong phố, ôm mặt trời, thỉnh thoảng tôi hôn…
Những ngọn gió bay qua, những sợi róc em vờn. 
Tôi nhớ lại những ngày mùa Đông hành quân lạnh buốt, nghĩ về em, tôi có những mùa Xuân!
Nếu có câu thơ nào em thấy thật ngon, em cắn nhé – trái hồng giòn Đà Lạt…

Tôi nhớ lại thời còn đi học, sáng mùa Đông tôi hôn từng trang vở của tôi. 
Ai ở dãy bàn bên kia nhoẻn miệng xinh cười. 
Tôi nhìn sang rồi nhìn lên: thấy mặt trời hiện trên bảng phấn…
Nếu không có những năm tình lận đận, mình làm sao trong buổi sáng hôm nay?
Cho anh nắm lấy đôi bàn tay, cho anh chỉ cho em thấy, đây này những đường gân đứt đoạn!

Thứ Hai, 23 tháng 12, 2013

Mother & Child



Lê Phong




Mother & Child
Mild steel, oil pastel - 2700x2400x670mm - 2002

Chúa xuống dương gian



Âu Thị Phục An




Ghế đá
Tình nhân
Hôn nhau
Đêm

Nhà thờ
Đèn giăng
Xanh tím
Gió

Cầu nguyện
Cầu nguyện
Cầu nguyện
Chúa

Bàn chân
Hoang vu
Ơ thờ
Mỏi

Chuông đổ
Rung rinh
Vang lừng
Nhạc

Chen lấn
Mồ hôi
Sờ chân
Méc chúa.

Địa chấn



Hoàng Long




Trên thân hình em
Tay anh hành khất
Môi làm lãng du



Quần áo em, vốn dĩ là sương mù, che mờ đi đồi núi và suối nguồn phong nhiêu. Mắt anh là mặt trăng sẽ soi sáng từng đường nét. Đầu tiên, anh nhẹ nhàng gỡ từng lớp quần áo cho sương mù tan đi. Gương mặt em ngửa ra phía sau chìm khuất. Hai chúng ta không nói năng gì. Đỉnh đồi đã nhô cao dưới ánh trăng, đã căng lên trong sự kích thích. Lưỡi anh là gì nhỉ? Một con cá quẫy trong đêm trăng vàng, lướt qua khe hẹp phơi mở mênh mang. Tay anh lại thành con sóc nhỏ chạy tung tăng quanh ngọn đồi vắng, rồi thành con chó sói đứng trên đỉnh đồi mà gào rú đêm hoang. Băng qua một thung lũng nhỏ trải dài như hoang mạc, con chó sói đã tìm về hang. Cửa hang mở cần mật mã, là những cử chỉ dịu dàng. A, hang cũng là nguồn nước. Tiếng nước chảy trong đêm trăng thanh, tiếng cựa mình của mẹ vũ trụ. Lưỡi anh chơi trò thám hiểm, tìm xem có gì dưới đáy nước sâu. Tay anh cũng tham gia tìm kiếm, lặn mò đáy động bể dâu. Hình như không thấy gì cả. Nước và chỉ nước mà thôi. Thế là lưỡi anh bỏ cuộc, trở lại vùng đỉnh núi đồi, mơn man lắng nghe tiếng gió. Lần này anh cử con rồng đi vào kiểm tra hang động. Từ từ từng chút chắt chiu, rồng đi cho đến tận đáy. Vũ trụ trong cơn địa chấn, tiếng gào tiếng thét bao la. Cơn thiên tai làm anh cảm hứng, con rồng lao vút sông sâu rồi bay thẳng trên trời tinh tú, rồi lại vẫy vùng dưới nước ngập đầu. Cho đến khi cả vũ trụ rùng rùng chuyển động với phong ba sấm chớp rung trời, đầu rồng hoá thành núi lửa, phun thẳng dung nham tinh khôi. Tất cả chìm vào tĩnh lặng. Anh cũng triệu hồi con rồng. Đồi núi phủ mù sương trở lại, suối nguồn cũng khép cửa phong nhiêu. Anh kính cẩn cúi đầu cảm tạ, nghi lễ tẩy trần đã xong. Khi chìm vào cơn sáng tạo, với sự bùng nổ khát khao, anh để lại một kiệt tác, tái sinh giữa tiếng thét gào, hành trang cho ngày vô tận, ra đi còn chút vẫy chào.



Và những con đường cũng sẽ đổi tên


Đinh Phương




Dòng thác ngất ngưởng từ đỉnh núi
dù vũ bão ồn ào
cũng phải phẳng lặng dưới bình nguyên
rồi biến cuối trời xa

Chúng ta từ thời kỳ đồ đá
chuyển sang đồ đồng...
chúng ta cũng từ bộ áo quần the
sang veston...
răng đen
răng trắng...
tóc dài
rồi tóc ngắn...

Dù văn hoá Khổng-Lão
có lẽ nào chúng ta không hoà được với nhịp điệu văn minh?

Khi nào người sống cùng người?
khi nào chung quanh sạch quang những giáo điều hoang dại?
khi nào tà ma trả lại chỗ cho đấng tối cao?
và khi nào những nụ cười không còn thất lạc hồn vía?
những ánh mắt thôi hết tang thương?

Tất yếu
như đã từng
những huyền thoại sẽ rơi vào bóng tối
những tượng đài sẽ được thanh lọc
và những con đường cũng sẽ đổi tên.

Chủ Nhật, 22 tháng 12, 2013

Lý lẽ của trái tim (LA Raison du Coeur)



Phạm Việt Hưng




Abstract: Three and half centuries ago, Blaise Pascal wrote in his Pensées: “The heart has its reasons that reason does not know”. The more I ponder on this idea, the more I approach to the core subjects of epistemology: INTUITION and the Limits of Reasoning thinking. The more I study the limits of reason, the more I comprehend the profound implications of Gödel’s Incompleteness Theorem – “The #1 Mathematical Discovery in 20th Century”.

Ba thế kỷ rưỡi trước đây, Blaise Pascal viết trong tác phẩm Pensées của ông: “Trái tim có những lý lẽ của nó mà lý trí không hiểu”. Càng suy nghĩ về tư tưởng này, tôi càng tiến gần tới những chủ đề cốt lõi của nhận thức luận: TRỰC GIÁC và Giới hạn của Tư duy Lý trí. Càng nghiên cứu về giới hạn của lý trí, tôi càng thấu hiểu những ngụ ý sâu xa của Định lý Bất toàn của Gödel – “khám phá toán học số 1 của thế kỷ 20”[1].

Trước hết hãy nói về TRỰC GIÁC. Như tôi đã trình bày trong bài “Phép Mầu”[2], TRỰC GIÁC là kênh giao tiếp chủ yếu giữa con người với toàn bộ thế giới, kể cả với chính mình, với những tầng vũ trụ cao hơn và với Thượng đế. TRỰC GIÁC là phép mầu kỳ lạ nhất, một đặc ân của Tạo Hóa giúp ta nhận biết được những sự thật ở phía bên kia tầm với của tư duy lý trí.

Tư duy lý trí sắc sảo nhất là tư duy logic. Tư duy logic chính xác nhất là tư duy của computer. Trong thời buổi computer tạo ra nhiều “phép lạ” đáng kinh ngạc như hiện nay, nhiều người bị choáng ngợp đến nỗi coi computer như thần thánh, tin rằng đến một ngày nào đó computer sẽ giải quyết được tất cả mọi việc thay thế con người. Điều này có vẻ đúng, khi Chương trình Deep Blue đã đánh cờ thắng vua cờ Garry Kasparov[3].

Nhưng mặt trái của tiến bộ khoa học và công nghệ là nguy cơ suy giảm tính người!

Dường như thấy rõ nguy cơ đó, nhà tương lai học John Naisbitt ở Mỹ đã phải lên tiếng nhắc nhở giá trị chủ yếu của con người nằm ở đâu: “Trong thời đại thông tin ngày nay trực giác càng trở nên có giá trị hơn chính vì dữ liệu nhiều đến mức ngập ngụa” (Intuition becomes increasingly valuable in the new information society precisely because there is so much data).

Thật chí lý, nếu bạn không có trực giác tinh tường để sàng lọc thông tin, bạn sẽ chết ngập trong đống thông tin đó. Bạn sẽ hoang mang, mất phương hướng, rồi trở thành nô lệ của tư duy logic máy móc. Điều này đã và đang trở thành một thực tế đáng lo ngại trong xã hội hiện đại.

Trẻ em ở nhà trường ngày nay đang có nguy cơ biến thành những chiếc máy. Tư duy trực giác của con người đang dần dần bị chìm lặn, không có chỗ phát huy trong một nền giáo dục càng ngày càng thiên về nhồi nhét và đánh đố. Cặp sách đeo trên lưng các em ngày càng nặng, sách vở ngày càng dày, chữ nghĩa ngày càng trừu tượng, nội dung ngày càng khó hiểu, chương trình ngày càng nâng cao, nhưng… hiểu biết ngày càng nghèo nàn.

Hố sâu ngăn cách giữa người có trí thức cao với mặt bằng dân trí ngày càng lớn. Trong khi có một nhóm rất nhỏ những học sinh được hưởng thụ những điều kiện ưu đãi về kinh tế và giáo dục để trở thành thành phần “elite” của xã hội thì đại đa số học sinh và trí thức có trình độ văn hóa thấp, thậm chí rất thấp. Mục đích học để đi thi và giành giật bằng cấp, giành giật miếng ăn ngày càng lấn át mục đích học để thỏa mãn hiểu biết và hướng tới Chân, Thiện, Mỹ. Học sinh thi khối nào thì hầu như chỉ biết kiến thức những môn thi của khối ấy, ngoài ra không cần biết các môn khác, bởi riêng việc đối phó với những môn phải thi đã không đủ thì giờ. Đó là nguyên nhân dẫn tới tình trạng kém văn hóa. Những gì nền giáo dục mang lại cho con người là quá ít so với tiền của và công sức của cả nhà nước lẫn cá nhân bỏ ra. Lỗi chủ yếu là ở đường lối và phương pháp giáo dục.

Bất chấp mọi lời cảnh báo, các nhà giáo dục tiếp tục mơ ngủ trên đống lý thuyết chữ nghĩa sáo rỗng. Họ bị ảnh hưởng nặng nề bởi một trào lưu tư tưởng trong thế kỷ 20 – trào lưu đề cao tư duy logic hình thức như thần thánh, khẳng định tư duy lập luận khoa học là công cụ vạn năng cho phép khám phá ra mọi sự thật mà con người muốn biết. Nhân vật tiêu biểu cho tư tưởng này là David Hilbert, với tuyên ngôn bất hủ của ông:

“Chúng ta phải biết; Chúng ta sẽ biết!” (Wir müssen wissen; Wir werden wissen!)

Tuyên ngôn ấy đã được khắc trên bia mộ của Hilbert tại nghĩa trang Stadtfriedhof ở Göttingen, đến nay vẫn còn nguyên vẹn, như một dấu tích không chỉ nói lên tham vọng khôn cùng của cá nhân Hilbert, mà còn là dấu tích của một thời tư duy khoa học được tôn vinh như chúa tể trong vương quốc nhận thức, lấn át mọi dạng nhận thức khác như văn chương, nghệ thuật, triết học, tôn giáo,…

Những ai quan tâm tới bản chất của nhận thức, có lẽ không nên bỏ lỡ cơ hội đến thăm mộ của nhà toán học lừng danh này, để chứng kiến tận mắt tuyên ngôn đầy tự tin của ông, và cũng là tuyên ngôn của một bộ phận rất đông đảo các nhà khoa học – tuyên ngôn về sức mạnh của lý trí khoa học! Từ bia mộ ấy lần ngược thời gian về quá khứ khoảng nửa thế kỷ, từng trang sử sôi động nhất và nhiều ý nghĩa nhất của khoa học và triết học cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 sẽ lần lượt được mở ra trước mắt bạn. Trang đầu tiên có một câu châm ngôn bằng tiếng La-tinh đối lập hoàn toàn với câu châm ngôn của Hilbert:

“Ignoramus et Ignorabimus” (Chúng ta không biết và sẽ không biết).



Giống như một mồi lửa, câu châm ngôn ấy châm ngòi cho sự bùng nổ một trào lưu tư tưởng được gọi là Chương trình Hilbert (Hilbert’s Program) – một chương trình vĩ đại kéo dài gần nửa thế kỷ nhằm tìm kiếm Chiếc Chén Thánh[4] của Toán học (The Holy Grail of Mathematics), chiếc chén mầu nhiệm cho phép xây dựng lại Toán học thành một hệ thống logic tuyệt đối hoàn chỉnh: đầy đủ, độc lập và phi mâu thuẫn.

Nhưng… như chúng ta đã biết, chương trình vá trời lấp biển ấy đã kết thúc trong sự lảng tránh và im lặng, trong nỗi thất vọng đắng cay vì phải chứng kiến sự ra đời của một định lý chôn vùi tham vọng của nó: Định lý Bất toàn của Gödel!

Hơn bất kỳ một lý thuyết nào khác, Định lý Gödel dạy cho nhân loại biết rằng tư duy lý trí không bao giờ là đủ để hiểu thế giới. Một cách gián tiếp, nó gợi ý con người hãy học lắng nghe tiếng nói thì thầm từ trong sâu thẳm của trái tim, bởi “Trái tim có những lý lẽ mà lý trí không hiểu”. Tiếng thì thầm ấy chính là trực giác, là ánh chớp lóe lên trong tâm trí, và là “thứ duy nhất thực sự có giá trị”[5] như Albert Einstein đã từng chia sẻ.

Nếu không có cái trực giác mẫn tiệp ấy, dù chúng ta có trí tuệ khổng lồ như David Hilbert, chúng ta vẫn có nguy cơ dẫm lại vết xe đổ của ông, để rồi trở thành tự phụ đến mức coi mình là chúa, coi thường những cảnh báo mà những người đi trước đã gợi ý.

Nếu bớt tự phụ, nếu biết lắng nghe, thì câu châm ngôn “Chúng ta không biết và sẽ không biết” sẽ là một gợi ý đáng để cho chúng ta suy ngẫm.

IGNORAMUS et IGNORABIMUS

Năm 1872, Emil du Bois-Reymond, một nhà sinh lý học thần kinh (neuro-physiologist) người Đức, cho ra mắt một cuốn sách làm chấn động dư luận khoa học đương thời:

“Về những giới hạn của sự hiểu biết của chúng ta về tự nhiên” (Über die Grenzen des Naturerkennens).

Có lẽ đây là lần đầu tiên trong khoa học xuất hiện một tác phẩm chính thức khuyến cáo khoa học cần xem xét lại tính hạn chế của bản thân mình.

Với tác phẩm đó, Bois-Reymond phải được xem như một kẻ táo gan đi ngược lại xu thế đương thời – thời đại thống trị gần như tuyệt đối của vật lý Newton với đỉnh cao của nó là Quyết định luận Laplace (Laplace’s Determinism). Quyết định luận này tuyên bố rằng khoa học có thể xác định được tình trạng của vũ trụ tại một thời điểm bất kỳ trong quá khứ hoặc tương lai, nếu biết tình trạng của nó tại một thời điểm cho trước. Nói một cách đơn giản, Quyết định luận Laplace thể hiện tư tưởng cho rằng khoa học sẽ biết được mọi sự thật, giải thích được mọi hiện tượng.

Cho đến cuối thế kỷ 19, hầu hết các nhà khoa học đều cho rằng những lý thuyết bao quát vũ trụ đã tìm thấy cả rồi. Khoa học gần như biết hết mọi sự thật rồi. Phần còn lại chỉ là chi tiết. Vì thế tác phẩm của Bois-Reymond phải nói là thực sự dũng cảm, vì nó nhắc nhở rằng khoa học đã nhầm, có những sự thật chúng ta không biết và sẽ không bao giờ biết!.

Trong rất nhiều năm qua, hầu hết chúng ta đều không hề biết đến tác phẩm nói trên của Bois-Reymond. Mãi đến bây giờ, khi internet tạo nên cuộc cách mạng về thông tin, những sự thật về Bois-Reymond mới được sáng tỏ.

Không khó khăn lắm để giải thích sự muộn màng đó: tác phảm của Bois-Reymond, giống như Định lý Bất toàn của Gödel nửa thế kỷ sau, nói chung không được giới khoa học hoan nghênh, đơn giản vì nó dập tắt ngọn lửa đang bùng cháy trong lòng các nhà khoa học. Nó nói sự thật, nhưng những người cố chấp coi nó như chống lại khoa học!

Chưa hết, năm 1880, Emil du Bois-Reymond lại một lần nữa buộc giới khoa học đương thời phải chú ý – trong một diễn văn nổi tiếng đọc trước Viện Hàn lâm Khoa học Berlin, ông nêu lên “Bảy Thách đố” (Seven Riddles) đối với khoa học:

1.Bản chất tận cùng của vật chất và lực?

2.Nguồn gốc của chuyển động?

3.Nguồn gốc sự sống?

4.Tại sao tự nhiên sắp xếp dường như có mục đích?

5.Nguồn gốc của những khả năng cảm thụ đơn giản?

6.Nguồn gốc của tư duy thông minh và ngôn ngữ?

7.Bản chất của tự do ý chí (freewill)?

Trong đó, các thách đố 1, 2, 5 được ông mô tả là “ignoramus et ignorabimus” (Chúng ta không biết và sẽ không biết)! Ông tuyên bố cả khoa học lẫn triết học sẽ không bao giờ trả lời được ba thách đố đó.

Xin lưu ý rằng “ignoramus et ignorabimus” không phải là chủ nghĩa bất khả tri (agnosticism). Thật vậy, Emil du Bois-Reymond không phải là người có tinh thần chống đối khoa học. Ngược lại, ông là một nhà khoa học thực thụ: ông là người khám phá ra hiện tượng thay đổi điện thế trên màng tế bào thần kinh, được gọi là hiện tượng “nerve action potential”. Ông cũng được coi là cha đẻ của ngành điện-sinh-lý-học (electro-physiology). Hơn thế nữa, từ khi Bois-Reymond nêu lên Bảy Thách đố đến nay đã là 133 năm mà dường như chưa có thách đố nào được giải đáp. Chúng ta không có cơ sở nào để bảo rằng tư tưởng “ignoramus et ignorabimus” của ông là chống đối khoa học, nhưng chúng ta biết chắc chắn rằng nó đã chọc tức nhiều người, nhất là những người có niềm tin tuyệt đối vào sức mạnh của lý trí, điển hình là David Hilbert.

Tất nhiên, Hilbert và những người đi theo ông chống đối tư tưởng của Bois-Reymond một cách quyết liệt.

Năm 1900, tại Hội nghị Toán học Quốc tế ở Paris, David Hilbert tuyên bố dứt khoát:

“Trong toán học không có ignorabimus!” (In mathematics there is no ignorabimus).

Ba mươi năm sau tại Königsberg[6], trong một diễn văn lừng danh đọc trước Hội các nhà khoa học và bác sĩ Đức ngày 08/09/1930, Hilbert một lần nữa thể hiện thái độ giận dữ đối với tư tưởng “ignorabimus”. Ông kêu gọi giới khoa học phải chống lại tư tưởng đó:

“Chúng ta không nên tin vào những kẻ mà hôm nay, với quan điểm triết học và giọng điệu có tính toán, tiên đoán sự sụp đổ của nền văn hóa và chấp nhận quan điểm ignorabimus. Đối với chúng ta không có ignorabimus, và theo ý kiến của tôi, không có bất kể cái gì là không biết trong khoa học tự nhiên. Để chống lại cái ignorabimus ngu xuẩn đó, khẩu hiểu của chúng ta phải là: Chúng ta phải biết – Chúng ta sẽ biết!”[7]

Nhưng than ôi, chỉ đúng một năm sau những tuyên bố hùng hồn đó, Định lý Bất toàn của Gödel ra đời, chứng minh rằng Hilbert sai!

Hóa ra trong toán học cũng có cái ignorabimus!

Thật vậy, Định lý Gödel đã chứng minh hùng hồn rằng tồn tại những mệnh đề toán học không thể quyết định được (undedidable), có nghĩa là không thể biết mệnh đề đó đúng hay sai.

Định lý Gödel cũng chứng minh hùng hồn rằng toán học không bao giờ đầy đủ. Chữ “incompleteness” nói lên điều đó. Muốn đầy đủ thì không tránh khỏi mâu thuẫn. Muốn tránh mâu thuẫn thì không thể đầy đủ. Đó là cái giá phải trả của bất kỳ hệ thông nhận thức logic nào.

Như lịch sử cho biết, Hilbert thực sự bị shock với Định lý Gödel. Nhưng… giống như Einstein không bao giờ chấp nhận Nguyên lý Bất định trong Cơ học Lượng tử, Hilbert cũng không bao giờ chấp nhận Định lý Gödel. Cho đến phút chót của cuộc đời, ông không bao giờ thừa nhận ông sai. Đây là một tổn thất vô cùng to lớn cho khoa học. Bởi lẽ Hilbert là người có uy tín rất lớn. Nếu ông khảng khái thừa nhận mình sai thì sẽ là một đông thái cảnh tỉnh toàn bộ thế giới khoa học. Nhưng sự bảo thủ của ông đã để lại một ảnh hưởng tai hại lâu dài cho đến tận hôm nay vẫn chưa thực sự chấm dứt.

Bằng chứng là mãi cho tới thập kỷ 1950-1960, nhóm Bourbaki vẫn tiếp tục xây dựng Toán học theo đường lối hình thức của Hilbert, và tệ hại hơn nữa, tư tưởng Hilbert tràn cả vào trường phổ thông dưới ngọn cờ Toán học Mới, gây nên thảm họa giáo dục chưa từng có ở Pháp và nhiều nới trên thế giới trong thập kỷ 1960, mà ngày nay những nước lạc hậu vẫn còn súng sính bắt chước, không hề biết rằng thế giới đã từ bỏ từ lâu.

Toàn bộ đường lối Hilbert ấy có thể tóm tắt trong một câu: đó là đường lối đề cao logic suy diễn hình thức và triệt tiêu trực giác sáng tạo!

Giấc mơ của Hilbert và rất nhiều nhà toán học là tính TUYỆT ĐỐI CHÍNH XÁC của Toán học. Muốn tuyệt đối chính xác thì phải từ bỏ ý nghĩa vật chất trong các mệnh đề toán học. Phải nâng Toán học lên tầm một ngôn ngữ tuyệt đối thoát ly khỏi mọi ràng buộc thực tế. Phải biến Toán học thành một hệ thống thuần túy logic hình thức. Đó là lý do để Hilbert say mê Lý thuyết Tập hợp của George Cantor, bênh vực Cantor chống lại mọi chỉ trích, đến mức coi lý thuyết của Cantor là một thiên đường của Toán học!

Nếu không có Định lý Gödel thì không biết trường phái Hilbert còn đẩy Toán học đi tới đâu nữa. Nhưng cái gì phải xẩy ra sẽ xẩy ra. What will be, will be!

Chính tham vọng tìm thấy một hệ logic tuyệt đối phi mâu thuẫn đã thúc đẩy nhà toán học trẻ Kurt Gödel, khi ấy mới có 25 tuổi, khám phá ra điều ngược lại, rằng không thể tồn tại một hệ logic như thế!

Gödel chỉ ra rằng một hệ thống tự quy chiếu (self-referential system), tức một hệ thống tự nhận định về mình, bao giờ cũng dẫn tới mâu thuẫn nghịch lý.

Nếu lý trí của con người được xem như một hệ thống logic khép kín, thì lý trí của con người cũng sẽ đi tới mâu thuẫn khi nó tự phán xét về nó. Nói cách khác, con người rất khó để tự hiểu mình. Phán xét người khác thì dễ, phán xét bản thân mình thì khó. Đó là chuyện đời thường thấy, không có gì đáng ngạc nhiên.

Với cách nhìn đó, nếu Hilbert không nhận ra sai lầm của bản thân để thức tỉnh nhân loại thì âu cũng là một biểu hiện cụ thể của chính Định lý Gödel.

Nếu đặt câu hỏi tại sao một bộ óc uyên thâm như Hilbert, và rất nhiều nhân vật lỗi lạc khác tham gia Chương trình Hilbert, lại phạm sai lầm tự tin quá đáng như thế, thì quả thật đó là một câu hỏi rất đáng nghiên cứu để trả lời.

Thiết nghĩ câu hỏi đó xứng đáng dành cho một luận án tiến sĩ về lịch sử khoa học nói riêng và lịch sử nhận thức nói chung.

Trong thời đại thông tin toàn cầu ngày nay, chúng ta có thể tìm thấy vô số sự kiện hữu ích để trả lời câu hỏi đó.

Có một thông tin vô cùng hữu ích mà rất tiếc là ít người để ý, nhất là những người nghiên cứu và giảng dạy toán học. Đó là những thảo luận của Blaise Pascal từ thế kỷ 17 (gần ba thế kỷ trước Hilbert) về tính hạn chế của phương pháp tiên đề trong hình học. Cụ thể, đó là tiểu luận của Pascal nhan đề “Về Tinh thần Hình học” (De l’Esprit Géométrique). Nếu Hilbert nghiền ngẫm Pascal, có thể ông đã không phạm sai lầm như thế.

Thật vậy, đó là những thảo luận làm cho tất cả những ai quan tâm tới lịch sử toán học sẽ phải sửng sốt ngạc nhiên, bởi vì nội dung cơ bản của nó có thể coi như những tư tưởng manh nha của Định lý Bất toàn của Gödel, ra đời sau Pascal ba thế kỷ!

Khó có thể tưởng tượng một con người như thế, một Pascal thường xuyên ốm yếu, bệnh tật, chỉ sống được 39 năm, mà lại có thể ôm trong lòng một khối lượng tri thức rộng đến thế và vượt thời gian như thế. Từ toán học đến vật lý, triết học, thần học,… chỗ nào ông cũng đặt dấu ấn sâu đậm đến mức buộc hậu thế phải vắt tay lên trán mà suy ngẫm.

Nhưng thật đáng tiếc, dường như người đời biết về Pascal quá ít! Người ta nói nhiều đến những khám phá khoa học của ông hơn là đề cập đến tư tưởng của ông. Mà phần tư tưởng mới là phần cốt lõi nói lên một Pascal vô cùng sâu sắc. Chính ông từng nói “Tư tưởng làm nên tầm vóc con người” (Penser fait la grandeur de l’homme).

Với một nhân vật quá lớn như thế, tôi cảm thấy sẽ mắc lỗi nặng nếu như viết về ông chỉ trong vài dòng ngắn ngủi để làm một cái kết cho bài viết này, nhất là khi mối liên hệ từ Pascal tới những nhà khoa học trong thế kỷ 20 chưa được trình bày rõ ràng.

Vì thế tôi quyết định tạm dừng bài viết ở đây. Xin hẹn sớm gặp lại độc giả trong một bài viết tiếp theo dành riêng cho Pascal. Nhưng xin độc giả đừng quên câu kết ở trên:

Nếu Hilbert nghiền ngẫm Pascal, có thể ông đã không phạm sai lầm như thế.

Nếu nghiền ngẫm Pascal, chúng ta sẽ hiểu ra rằng tư duy lý trí chỉ đạt tới một hiểu biết nhất định nào đó mà thôi.

Những người chỉ tin vào lý trí thường là những người vô thần. Đối với những người này, Pascal nói: “Chủ nghĩa vô thần thể hiện sức mạnh của tinh thần, nhưng chỉ ở một mức độ nhất định mà thôi” (Athéisme marque de force d’esprit, mais jusqu’à un certain degré seulement).

Để có thể chắp cánh bay tới những chân trời rộng hơn, xa hơn, con người phải khôn ngoan vận dụng TRỰC GIÁC, mà Pascal gọi là lý lẽ của trái tim, còn Einstein thì gọi đó là thứ duy nhất thực sự có giá trị. Trực giác không chỉ giúp con người khám phá những sự thật của Tự nhiên, mà còn khám phá những sự thật Siêu nhiên (supernatural), những Phép Mầu,…



[1]“ Gödel’s Incompleteness Theorem – “The #1 Mathematical Discovery in 20th Century”, một bài báo của Perry Marshall, http://www.perrymarshall.com/articles/religion/godels-incompleteness-theorem/

[2] “Phép Mầu”, PhamVietHung’s Home, 26/11/2013

[3] Để so sánh tư duy của computer với con người, xin đọc loạt bài “Đi tìm bản chất đích thực của con người” của Phạm Việt Hưng trên Khoa học & Tổ quốc từ Tháng 06 đến Tháng 09/2011, và trên các trang mạng: PhamVietHung’s Home http://viethungpham.wordpress.com/ và Vietsciences http://vietsciences.free.fr/timhieu/khoahoc/tinhoc/DiTimBanChat1.htm

[4] Chiếc Chén Thánh (The Holy Grail) là chiếc chén của Chúa Jesus dùng trong bữa tiệc ly với 12 môn đệ trước khi Chúa bị hành hình. Với thời gian, cụm từ “Chiếc Chén Thánh” đã được sử dụng phổ biến trong nền văn hóa Tây phương như một thuật ngữ ám chỉ một cái gì đó rất cao siêu, vô cùng quý giá, nhưng quá khó để đạt tới hoặc không bao giờ đạt tới, một giấc mơ không tưởng.

[5] Albert Einstein: “The only real valuable thing is intuition”

[6] Một thành phố trước đây thuộc Đức, bị Nga chiếm trong Thế Chiến II và nay trở thành Kaliningrad thuộc Nga.

[7] “We must not believe those, who today, with philosophical bearing and deliberative tone, prophesy the fall of culture and accept the ignorabimus. For us there is no ignorabimus, and in my opinion none whatever in natural science. In opposition to the foolish ignorabimus our slogan shall be: Wir müssen wissen — wir werden wissen!”

Và mỗi lần noel đến



Phan Trang Hy







Cứ cuối tháng 11, đầu tháng 12, cái lạnh bắt đầu thấm trên từng cây lá, thấm vào những bàn tay, vào những nụ cười, tôi nghe được cái lạnh qua lời nói của mọi người: “Gần đến Noel rồi!”. Và tôi nghĩ về mùa Giáng Sinh với những cây thông gắn những món quà xinh xắn, nghĩ về truyện “Cô bé bán diêm” của Andersen. Tôi cảm thấy mình còn may mắn được sống trong sự đủ dùng như theo lời nguyện của người Kitô trước những bữa ăn. Dẫu tôi không theo đạo nào, nhưng tôi vẫn tin có cái Đại Ngã Vô thường tồn tại cùng cái Tiểu Ngã của tôi.

Nhớ năm học 1973 – 1974, tôi học lớp 12B3 trường Phan Châu Trinh, Đà Nẵng. Tôi được học triết do thầy Hiền dạy. Dù tôi học ban B, thế nhưng cũng nhờ những khái niệm cơ bản về triết học, tôi nhìn nhận sự vật không chỉ duy tâm hoặc duy vật, duy lý hoặc duy tình. Môn triết là môn có thể là sở trường của tôi. Có lần, trong một giờ học, tôi đã giơ tay trình bày quan điểm non nớt, ngây ngô của mình: “Thưa thầy, theo lý thuyết thì bất cứ vật chất nào cũng bị nóng chảy ở nhiệt độ cao. Thế nhưng, mặt trời cũng là dạng vật chất, nóng đến hàng ngàn độ, nhưng sao nó chỉ có nóng mà không chảy?”. Tôi nhớ thầy không trả lời cụ thể, mà chỉ gợi cho tôi thấy rằng lý luận chỉ là lý luận. Cả thế giới vật chất này không chỉ có vật chất thuần tuý mà còn có sức mạnh vạn năng nào đó đang điều hành cả vũ trụ này. Lời thầy chỉ thoáng khơi gợi một điều gì đó trong tôi…

Và mỗi lần Noel đến, tôi đều tự hỏi: Sao nhạc thánh có sức mạnh lôi cuốn, nhẹ nhàng, thánh khiết như vậy? Sao tiếng chuông nhà thờ làm rung chuyển sự tỉnh thức của mỗi tâm hồn đến vậy? Sao lời của Chúa hơn hai ngàn năm vẫn là sự thật? Tôi có dịp may là đọc những lời trong Kinh thánh, nhất là phần Tân ước. Sao Chúa yêu thương con người đến vậy, trong khi con người nhân danh con người lại mạt sát, bắt bớ, cầm tù, đâm chém, hành hạ lẫn nhau? Sao Chúa bao dung đến vậy, trong khi con người vẫn nuôi thù hận triền miên? Sao Chúa lại chữa lành những vết thương của người bệnh, trong khi con người gieo rắt những mầm diệt chủng, diệt sự sống ở trần gian này? Chúa vì ai mà yêu thương, bao dung, chữa lành con người? Vì ai? Vì ai?…

Nghĩ đến Chúa, tôi lại nghĩ đến Darwin. Theo Darwin thì có thể thuỷ tổ của loài người là loài vượn – người. Nhưng mấy có ai, kể cả ông Darwin thờ vượn – người và gọi nó là ông tổ? Đã là thuyết thì mãi là thuyết! Có ai cho mình là giòng giống thấp hèn? Có ai cho mình là người dại? Có ai vẽ hình tượng vượn – người để thờ phụng đâu? Kiến thức của tôi có hạn, như cái sống có hạn của tôi ở cõi trần này, tôi không biết có tôn giáo nào, tín ngưỡng nào thờ vượn – người và tôn vinh nó không?

Và mỗi lần Noel đến, tôi như thuộc lòng câu “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, Bình an dưới thế cho người thiện tâm” (có nơi cho là người thiện lương). Ngẫm đi ngẫm lại lời ca ấy sao thực tình, thực tế, gần gũi với con người đến vậy. Chỉ cần câu “Bình an dưới thế cho người thiện tâm” là thấy sướng cả bụng rồi! Cầu mong cuộc đời này, người thiện tâm được an bình là quý rồi. Nhưng cuộc đời này, chính con người đã gây ra bao tai hoạ, đã tự trút những cơn thịnh nộ của tham sân si thì làm gì có sự an bình cho chính mình và cho người khác. Thật là buồn! Buồn cho kiếp người không có bình an vì trót gây tội.

Nói đến tội, tôi cũng là kẻ có tội ở trần gian này. Thấy cha mẹ già yếu mà không được chăm nom, phụng dưỡng hằng ngày là có tội. Thấy anh em nghèo khó mà không giúp được, vì mình chưa giúp được mình xong, cũng là tội. Thấy mình vì tiền mà chèn ép học trò đi học thêm để mình tồn tại cũng là có tội. Thấy học trò không chăm học, không học giỏi, cũng thấy mình có tội. Thấy con cái khổ cực mà chẳng giúp được, thấy con cái lớn rồi mà chẳng có công ăn việc làm ổn định, cũng là tội. Thấy việc phải mà không dám làm vì hèn, vì sợ cũng là tội. Cái tội nó đeo đuổi mình suốt kiếp!

Biết bao cái tội của kiếp làm người. Nhiều lần, tôi làm điều gì sai trái, tôi cảm thấy mình cớ sao dại những một giờ như vậy? Cớ sao có lúc giận hờn? Cố chấp? Biết bao điều để tôi trở thành kẻ có tội ở thế gian này. Tôi lấy làm xấu hổ, ân hận vì những gì tôi gây nên tội. Bất chợt, trong tôi hiện lên bao gương mặt của những cô gái bán dâm nuôi miệng, đang lấy hai tay che mặt khi có người chụp ảnh, quay phim. Chắc các cô còn xấu hổ. Tôi cũng bất chợt thấy bao gương mặt của những kẻ có quyền, có thế khi gây nên tội vẫn nhơn nhơn cười đểu, lẻo mép chối tội như thách đố với người thiện tâm. Những việc ấy, những con người ấy, báo chí đăng trên những bản tin hằng ngày bên cạnh những tin tốt lành. Tin ác, tin dữ còn, tội đó do ai?

Và Noel đến, bên tai tôi vẳng lên khúc nhạc mừng Thiên Chúa xuống trần, làm người để chịu kiếp người ở thế gian. Tôi như thấy cái chết của Thiên Chúa trong thân phận người mới làm cho con người đến với ánh sáng, đến với sự bình an. Và khúc nhạc “Bình an dưới thế cho người thiện tâm” cứ vang lên trong lòng tôi, như vỗ về tôi, an ủi tôi những lúc tưởng như tôi bị sa ngã bởi bao ràng buộc ở cõi trần này.

Trong tôi cũng vẳng lên lời bài hát như tránh móc, dỗi hờn của Trịnh Công Sơn: Chúa đã bỏ loài người – Phật đã bỏ loài người… Thế nhưng, mỗi lần Noel đến, tôi nhẩm hát theo những ca khúc Giáng Sinh. Tôi hát mà tin rằng Chúa Phật chẳng bỏ loài người. Chúa Phật vì loài người mà đến với thế gian này, đến để người bình an, để người được làm người thiện tâm, an bình dưới thế.

Tiếng hát đêm Noel.



Tiếng hát đêm Noel.
Trạch An – Trần Hữu Hội.








Đôi nhân tình quàng lưng nhau, đi ngang qua hai kẻ ăn xin. Có lẽ là một đôi vợ chồng, người đàn ông loáng thoáng trong ánh đèn nhiều màu lập lòe chiếu ra từ giáo đường , hai hốc mắt trũng sâu, có vẻ như bị mù. Người đàn bà gầy gò, trên khuôn mặt nhiều nếp nhăn , hơi khó nhìn !

Cả hai dìu nhau đi trong ánh sáng mờ nhòa, trên lưng người đàn ông , khoác ngang cây đàn Guitar gỗ cũ kỷ. Họ hướng về phía cầu.

Người con trai dừng bên họ , đặt vào bàn tay của người đàn bà một tờ giấy bạc thật mới, đây là món tiền cuối cùng được bố thí trong đêm Giáng Sinh. Trời đã gần nửa đêm !

-Nếu ông ấy không mù thì chắc không lấy bà ta, anh nhỉ ?

-Em có thấy bà ta có vẽ như bị cháy hay bỏng không? Nếu không bị biến dạng thì chắc bà ta không quá xấu, và như thế, bà cũng sẽ chẳng lấy ông ta !

-Vậy là họ được Chúa sinh ra cho nhau?

- Định mệnh đẩy đưa họ đến với nhau hoặc được sinh ra cho nhau !



***

34 năm trước .

Phòng trà mini Dã Quỳ đông nghẹt khách. Đêm Noel lùa khách đến Dã Quỳ bởi đây là nơi duy nhất không có giới nghiêm . Phần nhiều là lính, với một vài thiếu nữ, là tình nhân của họ… Thành phố Tây nguyên vốn hoang lạnh, càng lạnh hơn khi gió mùa đông từng cơn lùa qua các dãy phố xác xơ, cố gượng đón một mùa Giáng sinh với mấy dãy đèn nơi những máng cỏ , cũng sơ sài như chốn Belem hơn ngàn năm trước !

Thỉnh thoảng những tiếng nổ ì oành, những trái pháo sáng xa xa trên bầu trời thưa ánh sao, điểm tô cho một đêm Giáng sinh thời chiến !

Bốn người lính trẻ ngà say bước vào vùng không gian mờ ảo. Trên chiếc bục sân khấu nhỏ gọn, ban nhạc hòa theo một giọng ca nữ, nhẹ nhàng, thanh thoát với bản nhạc Đêm đông…

“…đêm đông, ôi ta nhớ mong đường về xa xa… đêm đông…ca nhi đối gương ôm sầu riêng bóng…gió lay ngàn cây ….gió đau niềm riêng…gió than triền miên…”( 1)

Tấn nheo mắt tìm một chổ ngồi cho cả đám, chiếc bàn cuối vẫn còn…Họ ngồi xuống và tiếng hát nhẹ nhàng cuốn tâm tư họ vút cao…Quên đi cái tiền đồn buồn hiu hắt , nơi 3 giờ trước họ trốn ra với nỗi háo hức…đêm yên bình !

Tiếng vổ tay khẽ khàng …

Tấn gọi bia “con cọp”. Nói nhỏ với cô gái chạy bàn :

-Anh hát một bản được không em gái ?

-Dạ được , anh chuẩn bị đi ạ, lát nữa thôi .

Tiếng một giọng nam trầm, ấm…là một người lính, với bộ đồ rằn ri, chiếc nón xanh nằm trong túi áo ! “ Thu đi…cho lá vàng bay, lá rơi…cho đám cưới về… ngày mai…người em nhỏ bé…ngồi trong thuyền hoa…” (2)

Tấn quặn lòng, anh nốc hết ly bia , nhớ đến Thùy và những giọt nước mắt ngày anh nhập ngũ…Rồi lá thư dài báo tin nàng lấy chồng !

-Anh lên hát đi…

Bàng hoàng , Tấn bước lên chiếc bục nhỏ…Anh nói khẻ với ban nhạc :

- “Tiếng hát đêm noel”. Chơi Blue nhé.

Chàng trai trẻ gật đầu …Tấn mơ màng..

-“Vầng sao…chìm vào xanh mắt người yêu…Một đêm …tơ vàng cuốn gió đìu hiu…đường trần …đêm no-el chói lòa ánh đèn, Lờì kinh đẹp vầng sao thánh thót…ngân trong giáo đường…

“Có đôi chim, ngắt bông hoa chiều no-el…bay xuống bên hiên giáo đường…khóc ..nỉ non…

“Rồi đành …trời đày một sớm chia phôi…Người về để héo duyên rồi…riêng còn tủi hờn mà thôi….”(3)

***



Ầm ! Tiếng mìn claymore nổ ngay trên con đường nhựa loang lổ , hất ngược cả bốn chàng lính trẻ ra sau … tiếng hét chuyển thành tiếng rên rỉ rồi im bặt sau một loạt đạn ngắn . Đêm trở lại yên ắng… thỉnh thoảng vài đóm hỏa châu ngoằn nghèo trên vòm trời khuya ! cuộc phục kích thật gọn !

-Báo cáo thẩm quyền, chỉ mình chuẩn úy Tấn còn thở !

Trung Úy Thăng chửi thề:

-Mẹ kiếp, chết lãng nhách ! gọi cứu thương.

Sáu tháng sau , Quân y viện quân khu II, xác nhận: Chuẩn úy Nguyễn phúc Tấn. Mất thị lực 100%.



***



Buổi tiệc reveillon của nhóm học sinh lớp 12 ban C vừa tan. Quá 01 giờ sáng. Luyện đi về cùng với Sương , họ đi bộ để tìm chút lạnh thú vị của đêm Giáng sinh. Có lẻ chút lãng mạn, bởi đôi bạn có chung tâm sự. Họ vừa chia tay người yêu. Hai chàng trai cùng đăng lính tháng trước.

-Khi không mi hát bản nớ mần tau muốn khóc !

-Thì tại từ ngày Thủ đi, tau chỉ thích bản nớ…Bản mi hát còn ác hơn nữa ! “…Không chết người trai khói lửa… mà chết người em gái hậu phương….!!!”(4)

Lời ca của bản “ Lời tình buồn” và không khí đằm thắm của buổi họp mặt vẫn còn vọng lại trong tâm hồn Luyện…

“Anh đi rồi…còn ai vuốt tóc…Lời tình thơm sách vở học trò…đêm xuống rồi em buồn không hở…trời sa mù tầm tay với âu lo…Anh đi rồi…”(5)

Luyện bật khóc !

Trở về căn nhà nghèo nàn…Mạ ngủ từ lâu. Luyện lên giường, kéo cao chiếc chăn trùm kín người , nhớ Thủ ray rứt ! Giấc ngủ tìm đến trong đêm muộn !

-Cháy ! Cháy nhà mụ Hòa …

-Mần răng chừ ?!

-Lấy nước, lấy mền ướt…mau…!

Ngọn lửa bao trùm căn nhà bằng ván ép và tôn ! Mọi cố gắng dập lửa đều vô vọng !

Luyện nghe toàn thân nóng rát, cố dẫy ra khỏi chiếc chăn mà không được ! Luyện thét lên:

-Mạ ơi, mạ ơi…mạ mô rồi …

Tất cả chìm trong tiếng nổ lốp bốp và tiếng la hổn độn …mơ hồ !

Một trái sáng xuyên mái tôn bếp, gây ra tai họa trong đêm lành !

Luyện tỉnh lại trong chiếc giường trắng muốt, đau nhức toàn thân…Vị bác sĩ người ngoại quốc , da trắng hồng hào…

Đây là bệnh viện của Hạm đội số 7 !



***



Đôi tình nhân lang thang ra khỏi giáo đường, họ đi về phía cầu …thỉnh thoảng dừng lại, những nụ hôn ngọt ngào…Họ ôm sát nhau, chia nhau hơi ấm…

Bên mé cầu, nơi khoảng đất trống có một cái chòi nhỏ…Ngọn đèn vàng vọt hắt ra xung quanh ánh sáng buồn buồn.

Đôi tình nhân mỉm cười với nhau, dừng lại nhìn vào trong…Hai người ăn xin ngồi cùng nhau bên chai rượu . Người đàn ông mù đặt chiếc ly xuống chiếu:

-Mình lại hát những bài hát đó nghe em…

Người đàn bà gật đầu:

-Dạ, anh hát trước đi.

Tiếng đàn thùng trầm ấm:

“…Vầng sao…chìm vào xanh mắt người yêu…Một đêm…tơ vàng cuốn gió đìu hiu… Đường trần…đêm no-en chói lòa ánh đèn…

“Rồi đành trời bày một sớm chia phôi… người về đành héo duyên rồi…riêng còn tủi hờn mà thôi…”

Đôi nhân tình lắng nghe tiếng hát ấm áp, nhẹ nhàng của người ăn xin…và rồi:

“…Anh đi rồi …còn ai vuốt tóc…Lời tình thơ sách vở học trò…Đêm xuống rồi …em buồn không hở…Trời sa mù…tầm tay với âu lo…”

Giọng ca mượt mà vút lên trong không gian giá lạnh, trong đêm thanh vắng yên bình ! Nghe như những bài thánh ca …

Họ chìm vào trong kỷ niệm của một thời xa xưa…

-Anh, họ hạnh phúc !

-Ừ, rất hạnh phúc ! Mong cho nhiều tâm hồn đau khổ được hạnh phúc trong đêm nay !





(1) Bản nhạc : Đêm đông - Của: Nguyễn văn Thương.
(2) : Lá đổ muôn chiều – Của : Đoàn Chuẩn-Từ Linh.
(3) : Tiếng hát đêm noel – Của : Ca- Nhạc Sĩ : Duy Trác.
(4) : Áo anh sút chỉ đường tà . Nhạc: Phạm Duy. Phổ thơ : Hữu Loan.
(5) : Lời tình buồn - Nhạc: Vũ Thành An. Phổ thơ :Chu Trầm Nguyên Minh.

Em có hay!



Mặc Phương Tử





Em có hay,
Những chiếc lá thức trên cành
Cây chuyển mạch
Dòng đời thay sắc áo
Hoa đương nụ dưới ngàn sương huyền ảo
Cánh chim vê
Chở trĩu ước mơ xanh.

Em có hay,
Giấc mộng cũ tàn phai
Đã rũng xuống muôn ngả đời bão nổi
Những mảnh vỡ hồn đen như khép vội
Bên sắc màu thế kỷ nối đường bay.

Em có hay,
Từng nhịp đập yêu thương
Lệ đã ráo
Mắt nhìn quanh bốn phía
Những vết đau khi vá bằng nhân nghĩa
Liêm khiết tình người tỏa sáng quê hương.

Em có hay,
Giữa bao lớp bụi thời gian
Vẫn lay động niềm yêu nơi cây cỏ
Khi thắp sáng trong tình người đây đó
Mùa xuân về
Đâu đợi cánh mai vàng !...