Thứ Tư, 13 tháng 12, 2017

THUYẾT NHÂN DUYÊN


Tuệ Thiện Nguyễn Tối Thiện

Để diễn tả sự liên hệ giữa hai sự vật trong vũ trụ, triết học Trung hoa đưa ra nguyên lý Ngũ Hành bao gồm 5 yếu tố tượng trưng cho năm cơ quan tạng phủ hay năm năng lực khí hóa : Mộc, Hỏa, Thổ, Kim, Thủy. Nguyên lý Ngũ Hành có thể được phát biểu như sau : « phàm cái gì hiện hữu đều có cái sinh ra nó, cái khắc nó, cái nó sinh ra và cái nó khắc, tạo thành một toàn thể 5 yếu tố liên hệ chặc chẻ. »
Nguyên lý này áp dụng cho các phần tử (éléments) vật chất hoặc các năng lực khí hóa nhưng nó bị giới hạn trong một đơn vị thời gian nào đó tùy theo sự vận hành của yếu tố vật chất nầy.
thuyet nhan duyen
Phật giáo đưa ra hai nguyên lý để giải thích sự tương quan nầy : Duyên Sinh và Duyên Hệ
1/ DUYÊN SINH : (hay DUYÊN KHỞI) là nguyên lý giải thích sự tương quan nhân quả trong tiến trình sinh tử, tử sinh của chúng sanh trong vòng luân hồi. Nguyên lý Duyên sinh có thể được phát biễu như sau :
« Khi cái nầy có, cái kia có.
Khi cái nầy không có, cái kia không có ».
2/ DUYÊN HỆ : là nguyên lý đề cập một cách tổng quát và rốt ráo sự tương quan giữa hai yếu tố có thể là vật chất hay tinh thần, đồng thời còn cho biết đặc tính của sự liên hệ giữa hai yếu tố.
Nguyên lý Duyên hệ tiến xa hơn một bước :
« Khi cái nầy có, cái kia không có
Khi cái nầy không có, cái kia có
Cái sinh sau trợ duyên cho cái sinh trước (hoặc ngược lại)
Cái yếu trợ duyên cho cái mạnh (hoặc ngược lại) »
Chúng ta thử đi vào chi tiết các nguyên lý nầy.
DUYÊN SINH hay DUYÊN KHỞI
Duyên sinh hay Duyên khởi dịch từ chữ Paticca Samuppada (paticca= tùy thuộc, dựa vào ; samuppada = sanh khởi, phát sinh) nên còn được gọi là thuyết « Tùy thuộc phát sinh » hay thuyết « Thập Nhị Duyên Khởi » hoặc « Thập Nhị Nhân Duyên ». Đây là thuyết nói về 12 yếu tố liên quan Nhân và Quả với nhau. Yếu tố trước là điều kiện trợ duyên cho yếu tố sau sanh khởi để hoàn thành diễn trình sinh tử của vòng luân hồi. Thuyết nầy nêu ra những điều kiện nào duy trì sự vận hành của bánh xe sanh tử và làm cho nó xoay chuyển từ kiếp nầy sang kiếp khác.
1/ VÔ MINH : là sự thể hiện của nhân Si (tâm sở Si), nói lên sự không sáng suốt, không chính xác, mù mờ diễn tiến của tâm trên hoài nghi và phóng tâm. Vô minh là không biết những gì xảy ra trong tâm mình (vô ký).Vô minh là không biết cái đáng biết và biết cái không đáng biết.
Những cái đáng biết là : khổ đau, nguồn gốc của nó, trạng thái giải thoát khỏi khổ đau và con đường dẫn tới sự chấm dứt của khổ đau (Tứ Diệu Đế)
Những cái đáng biết là : danh sắc trong hiện tại (pháp thiền để nhận diện danh sắc) ; danh sắc trong quá khứ và vị lai (sự luân hồi) ; Nhân duyên để làm cho danh sắc sanh khởi, lưu chuyển và tái diễn (nhân quả, nghiệp báo).
Phật giáo dạy ta 3 mức độ của sự hiểu biết :
- hiểu biết qua sách vở, danh từ
- hiểu biết qua sự suy nghĩ, luận giải
- hiểu biết nhờ sự thâm nhập thấu đạt thực trạng của sự vật. Trí tuệ trực giác nầy chỉ có được khi tâm đã được gột rửa mọi bợn nhơ, lậu hoặc .
Mặc dầu Vô Minh được nêu lên đầu tiên trong chuỗi 12 nhân duyên, nhưng không nên coi Vô Minh như một nguyên nhân đầu tiên của chúng sanh, nhất là xem nó như một nguyên lý của vũ trụ. Vô Minh có nhân duyên là lậu hoặc
Như Thanh Tịnh Đạo (chương XVII, mục 36) đã viết : « Khi lậu hoặc sanh khởi, vô minh sanh khởi ».
Nói tóm lại:
* Bản chất của Vô Minh là tâm sở Si.
* Thể hiện của Vô Minh là sự không sáng suốt, mu mờ của tâm diễn tiến trên sự hoài nghi phóng tâm và không thấu hiểu những điều đáng biết.
* Kết quả của Vô Minh : làm vận chuyển sự luân hồi
* Nguyên nhân của nó là lậu hoặc
2/ Vô minh duyên cho HÀNH:Hành là sự chủ tâm, cố ý hành động qua thân khẩu ý để tạo nghiệp thiện, nghiệp bất thiện hoặc không tạo nghiệp : hành đồng nghĩa với nghiệp. Về phương diện đạo đức có 3 loại hành :
a/ Phúc hành : là nghiệp thiện qua thân, khẩu, ý :
- Qua thân : bố thí, trì giới, tham thiền, phục vụ, kính trọng người đáng kính, hồi hướng công đức, tùy hỉ, học đạo, luận đạo, rèn luyện chánh kiến.
- Qua khẩu : nói lời chân thật, lời đoàn kết, hòa nhã, lời lợi ích.
- Qua ý : tu tập không tham, không sân, không ngã mạn, không tà kiến, không nghi ngại.
b/ Phi Phúc hành : là nghiệp bất thiện qua thân, khẩu, ý :
- Qua thân : bỏn xẻn, ôm giữ, phá giới (phạm luật), ăn chơi hưỏng thụ, khinh khi người già, ganh tức, ghen ghét, không học hỏi đạo lý, không trao đổi ý kiến, chấp thủ tà kiến, buôn lậu, bán vũ khí, chất độc hại, buôn bán nô lệ.
- Qua khẩu : nói dối, nói đâm thọc, nói thô lỗ, nói nhảm nhí.
- Qua ý : tư tưởng tham ái và ngã mạn, ý nghĩ sân hận và bạo hành, những tư tưởng diễn dịch sai thực tại, những tư tưởng đi ngược lại với định luật thiên nhiên và con người.
c/ Bất động hành : là những hành động không tạo nghiệp, không tốt không xấu.
Nói tóm lại :
* Bản chất của Hành : là sự phối hợp của tâm với một số tâm sở thích hợp dưới sự chủ động của tâm sở tư (cetana) để tạo nghiệp.
* Thể hiện : hành động qua thân, khẩu, ý.
* Kết quả : nghiệp thiện, nghiệp bất thiện, hoặc không tạo nghiệp.
* Nguyên nhân trực tiếp là Vô Minh.
3/ Hành duyên choTHỨC
Thức là thành phần tinh thần cấu tạo nên con người. Có nhiều loại thức tùy theo nhiệm vụ của mỗi loại trong số 14 nhiệm vụ. (Xin xem thêm bài Ngũ uẩn của cùng tác giả). Ở đây trong Thuyết Duyên Khởi, Thức là Thức tái sinh (Patisandhi vinnana) là tâm nối liền kiếp sống trước với kiếp sống sau làm cho dòng luân hồi tiếp diễn liên tục. Thức tái sanh chỉ xảy ra trong một satna khi noãn và tinh trùng gặp nhau trong lúc thụ thai. Thức tái sanh thu nhận tất cả những chủng tử nghiệp từ kiếp sống trước và bắt đầu một cuộc hành trình mới. Có một sự trao đổi thông tin giữa tâm tử của chúng sanh trước và tâm tái sinh của chúng sanh mới ở kiếp nầy. Nguồn năng lượng tải chở những thông tin nầy không thay đổi, cũng giống như nguồn điện lực thấp sáng ngọn đèn đã chết và ngọn đèn mới được thay vào. Có thuyết cho rằng đây chính là năng lượng quang tử (énergie quantique) khi biến khi hiện trong vũ trụ. Không phải tâm nào cũng làm được nhiệm vụ tái sanh, chỉ có 19 tâm quả tương ứng với nghiệp đã đủ nhân duyên để trở thành thức tái sanh.
Nói tóm lại :
* Bản chất của thức : 19 tâm quả làm việc tái sinh.
* Thể hiện : sự tái sanh
* Kết quả : vòng luân hồi tiếp diễn
* Nguyên nhân : hành (nghiệp)
Còn nghiệp thì còn tái sanh, hết nghiệp thì hết tái sanh.
4/ Thức duyên cho DANH SẮC :
Danh Sắc ở đây chính là bào thai đã được hình thành, noãn đã được thụ thai.
Danh ở đây thể hiện cho các tâm sở đồng sanh với tâm tái sanh tức là Thọ, Tưởng, Hành ( 3 uẩn: thọ, tưởng, hành).
Sắc biểu thị cho các sắc sanh do nghiệp. Có 18 loại sắc sanh ra do nghiệp là : 8 sắc bất ly, 5 sắc thần kinh, 2 sắc phái tính, sắc mạng quyền, sắc ý vật và sắc hư không.( xem them bài ngủ uẩn)
- Nếu tái sanh ở cõi có Ngũ uẩn thì Thức duyên cho cả Danh và Sắc.
- Nếu tái sanh ở cõi vô Sắc thì chỉ có 4 uẩn (thọ, tưởng, hành, thức), nên Thức chỉ duyên cho Danh mà thôi.
- Nếu tái sanh ở cõi vô tưởng chỉ có sắc uẩn, thì Thức chỉ duyên cho Sắc.
Nói tóm lại :
* Bản chất của Danh-Sắc : thức tái sanh + các sắc do nghiệp sanh.
* Thể hiện : một chúng sanh mới ra đời.
* Kết quả : sự hình thành của Ngũ uẩn.
* Nguyên nhân : của danh-sắc là thức tái sanh.
5/ Danh Sắc duyên cho LỤC NHẬP
Lục nhập là sự hình thành và phát triển của Lục Căn (hay 6 nội xứ) tức là hệ thần kinh của 5 giác quan và của não bộ. Ở tuần lễ thứ 6 chúng ta đã thấy tượng hình những bộ phận thần kinh của các giác quan (Ở tuần lễ thứ 28 óc não đã có hình dạng bình thường nhưng phải đợi đến 25 tuổi thì óc não con người mới hoàn thành sự phát triển. Đối với Phật giáo ý căn là giác quan thứ 6. Như vậy trong bụng mẹ thai bào đã có thể : nghe, nếm, đụng (trừ thấy vì không có ánh sang và ngửi vì không c ó mùi hương ). Vừa sanh ra là đứa trẻ có thể nhìn thấy.
Trung bình từ 18 tuần lễ (vị giác) cho đến 28 tuần (thính giác), 25 tuần (thị giác) là các giác quan đã có thể hoạt động được.
Nói tóm lại:
- Bản chất của Lục Nhập : chính là Lục Căn hay 6 nội xứ
- Thể hiện : sự phát triển và hoàn thành của Lục Căn
- Kết quả : Lục Căn đã có thể tiếp xúc với Lục trần khi sanh ra
- Nguyên nhân : trực tiếp của Lục nhập là danh sắc.
6/ Lục nhập duyên cho XÚC
Xúc là sự gặp gở của Căn, Trần, Thức. Khi Xúc sanh khởi ở nhãn căn (thần kinh mắt) thì gọi là nhãn xúc
Như vậy có 6 loại xúc tương ứng với 6 căn : Nhãn xúc, Nhĩ xúc, Tỷ xúc, Thiệt xúc, Thân xúc, Ý xúc. Thân xúc rất quan trọng trong thiền ,nhất là thiền hơi thở và thiền Tứ Oai Nghi.
Xúc chính là tâm sở Xúc kết hợp với các tâm Nhãn thức, Nhĩ thức, Tỷ thức, Thiệt thức, Thân thức và Ý thức.
Nói tóm lại:
- Bản chất của Xúc : là tâm sở Xúc
- Thể hiện : sự gặp gở của căn, trần, thức
- Kết quả : xuất hiện của Thức quả
- Nguyên nhân : của xúc Lục nhập
7/ Xúc duyên choTHỌ :
Thọ là cảm tính của tâm, bao gồm khía cạnh cảm giác và tình cảm của nó. Thọ chính là Thọ uẩn là một tâm sở trong 52 tâm sở. Không có tâm nào mà không mang màu sắc cảm tính.
Có 5 loại thọ kết hợp với 6 loại thức (Nhãn thức, Nhĩ thức, Tỷ thức, Thiệt thức, Thân thức và Ý thức) : Lạc (thân dễ chịu), Hỉ (tâm dễ chịu), Khổ (thân khó chịu), Ưu (tâm khó chịu), Xả (thân, tâm trung tính).
Nói tóm lại :
- Bản chất của Thọ : là tâm sở Thọ
- Thể hiện : Lạc, Hỉ, Khổ, Ưu, Xả
- Kết quả : sự xuất hiện của Thọ qua 6 loại Thức
- Nguyên nhân : Xúc
8/ Thọ duyên ÁI (vedana-paccaya TANHA)
Ái là tham lam, ham muốn, khao khát, tâm cầu
Là sự thể hiện của tâm Tham qua 6 cửa : Sắc ái, Thinh ái, Hương ái, Vị ái, Xúc ái, Pháp ái, Chúng ta muốn nhìn thấy màu sắc, hình ảnh đẹp mắt, muốn nghe những âm thanh êm dịu, muốn ngửi những mùi hương nông nàn, muốn ăn những món ngon béo, muốn sờ đụng những vật mịn màng, muốn hay biết những điều thú vị. tham đắm các dục lạc thế gian
Theo quan điểm triết học Ái có 2 loại :
-Hữu Ái (bhava tanha) : sự ham muốn hiện hữu (désir ardent pour l’existence). Hữu ái được phân chia làm 3 loại nữa :
- Dục ái (kamatanha) tham đắm các dục lạc thế gian: (désir ardent pour les expériences sensuelles)
- Sắc ái (rupatanha) : tham đắm trong cõi sắc giới (désir ardent pour les formes matérielles)
- Vô sắc ái (arupatanha) : tham đắm trong cõi vô sắc giới (désir ardent pour l'existence sans forme)
-Phi hữu ái (vibhavatanha), hay đoạn ái : ham muốn không hiện hữu ( désir pour la non-existence, ou d’auto-annihilation).
Trong định luật duyên khởi, đây là cái khâu (II) quan trọng nhất để thoát khỏi vòng luân hồi. Thật vậy vì nó xảy ra trong kiếp hiện tại, nên ta có thể tác động được. Còn khâu I xãy ra giữa quá khứ và hiện tại, cũng như khâu III xãy ra giữa kiếp hiện tại và kiếp vị lai, nên ta không thể hành động được.
Hành động như thế nào ?
* Khi ta cảm nhận một cảm giác vui thích hoặc khoái lạc tức khắc Ái sẽ sanh lên. Đó là một thói quen tập nhiễm lâu đời, Ái là tâm tham. Chúng ta muốn 6 trần phải êm ái, dễ chịu theo ý thích của mình và càng ngày càng có nhiều hơn nữa.
* Khi ta cảm nhận một cảm giác đau đớn, khổ sở (Thọ khổ, Thọ ưu) tức khắc Vô Ái (không thích) sẽ sanh lên. Vô Ái là sự bực bội, bức rức, bất bình, chối bỏ, tức giận đó là tâm Sân. Hoặc một loại Ái khác sanh lên là muốn đừng đau đớn khổ sở nữa. Như vậy ta thấy rõ ràng là THỌ duyên cho ÁI. Làm sao cắt đứt mối tương duyên nầy ? Chỉ có thiền Tứ Niệm Xứ mới giúp ta làm được việc nầy, bằng cách quan sát các cảm thọ khi nó vừa sanh khởi, quan sát những trạng thái của tâm để nhận diện thế nào là tham, thế nào là sân, quan sát những đối tượng của tâm để thấy sự phát sanh và hoại diệt của chúng, để thấy những đặc tính thay đổi, bất tịnh gây khổ đau của chúng. Chỉ có quan sát như thế chúng ta mới tự tách rời ra khỏi lòng ham muốn, tâm sân hận, xem chúng như là một hiện tượng và không tự đồng hóa với nó, chúng sẽ bị tiêu hoại và không còn làm chủ ta được nữa.
Nói tóm lại :
- Bản chất của Ái : là tâm tham hợp với các sở hữu thuộc tham và những sở hữu khác.
- Thể hiện : sự ham muốn qua 6 cửa
- Kết quả : nghiệp bất thiện nuôi dưỡng sự luân hồi
- Nguyên nhân : do THỌ
9/ ái duyên choTHỦ :
Thủ là sự giữ chặt, không buông bỏ, như người đã ghiền rượu hay ma túy, khó mà xa lìa những thói quen ấy.
Có 4 loại Thủ :
a- Dục thủ : bám víu vào những thú vui dục lạc
b- Kiến thủ : bám víu vào những quan điểm cá nh ân hay sai lầm (những tà kiến)
c- Giới cấm thủ : bám víu vào những tập tục nghi lễ dị đoan, mê tín, không đưa đến giải thoát hay lợi ích tinh thần.
d- Ngã chấp thủ : bám víu vào ảo tưởng về một cái ta.
Thanh Tinh Đạo (XVII, 242) giải thích Ái là ham muốn những điều chưa đạt được, còn THỦ là bám chặt những điều đã đạt được (câu chuyên Nữ Hoàng thành con giòi)
Nói tóm lại :
- Bản chất của Thủ : là tâm tham hợp với với các sở hữu giống như Ái
- Thể hiện : qua 4 sắc thái dục thủ, kiến thủ, giới cấm thủ và ngã chấp thủ.
- Kết quả : có sự bám víu, giữ chặt.
- Nguyên nhân : ái
10/ Thủ duyên cho HỮU
Chữ HỮU (existence, devenir) chỉ định những cõi sinh tồn khác nhau trong 3 cõi dục giới, sắc giới, vô sắc giới và đồng thời cũng nói lên những tiến trình đưa đến sự tái sinh trong những cõi đó. (Dục hữu, Sắc hữu, Vô sắc hữu)
Có hai loại HỮU
a/ Nghiệp Hữu : là sắc thái chủ động và nguyên ủy (nguyên động lực) của đời sống hay tất cả các loại nghiệp thiện và bất thiện dẫn tới kiếp sống mới.
Nói theo Vi Diệu Pháp là 29 tâm thiện và bất thiện hiệp thế hành động dưới sự điều khiển của tâm sở Tư (cetana)
b/ Sanh Hữu : là tiến trình tái sanh và kiến tạo ngũ uẩn, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ…
Hữu là nghiệp ở hiện tại còn Hành là nghiệp trong quá khứ .
Tóm lại :
- Bản chất : 29 tâm bất thiện và thiện hiệp thế.
- Thể hiện : tiến trình tái sanh vào 3 cõi : Dục giới , Sắc giới và Vô sắc giới
- Kết quả : (trở thành) cuộc sống trong 3 cõi.
- Nhân gần : của Hữu là Thủ.
11/ hữu duyên SANH : (JATI)
Đối với con người SANH diễn tả tiến trình từ lúc thụ thai cho đến khi ra khỏi bụng mẹ và tiếp tục cho đến hết tiến trình sinh trưởng (croissance). Ở người con trai có thể kéo dài đến 25 tuổi và con gái đến 18 tuổi.
Sự tái sinh của chúng sinh tùy thuộc 4 yếu tố : nghiệp, cách sinh, chủng loại, sự khẩn cầu của 1 vị trời.
a- Nghiệp : Nghiệp là căn nguyên của sự luân hồi. Chúng ta có nghiệp quá khứ (hành) và nghiệp hiện tại (hữu). Khi nào hết nghiệp thì hết tái sanh. Vì vậy cần phải tu để rũ sạch nghiệp
b- Cách sinh : - noãn sinh : những loài sinh từ quả trứng : chim, gà, vịt, rùa…
- thai sinh : như loài có vú sinh ra từ bào thai và cho con bú.
- thấp sinh : như loài ký sinh trùng sinh ra từ chỗ ẩm thấp.
- hóa sinh : tự sinh ra trực tiếp, không qua trung gian của cha mẹ như các vị trời, chư thiên, ma quỉ.
c- Chủng loại : Theo v ũ tr ụ luận c ủa Phật giáo, chúng sinh có 31 cõi sinh tồn
d- Sự khẩn cầu : trường hợp nầy rất hiếm, do sự khẩn cầu của vị trời Sakka, là vua của cỏi trời 33, một vị trời có thể tái sinh làm người trong một gia đình đã được chọn lựa trước để sau nầy có thể đảm nhiệm một vai trò quan trọng trong xã hội loài người như là sẽ trở thành 1 chuyển luân thánh vương, một vị Phật.
Tóm lại : - Bản chất : là sự khởi đầu của một chúng sanh.
- Thể hiện : qua 4 cách : noãn, thai, thấp, hóa.
- Kết quả : một chúng sinh ra đời và trưởng thành.
- Nhân gần : là hữu (nghiệp).
12/ Sanh duyên cho LÃO TỬ
Lão, Tử là tiến trình ngược lại của sự sinh và trưởng. Tiến trình Lão hóa (sénescence) bắt đầu khi tiến trình sinh trưởng (croissance) chấm dứt vào khoảng 30 tuổi. Tiến trình sinh trưởng của bộ óc con người chấm dứt vào khoảng 25 tuổi.
Sau 30 tuổi chỉ còn là Hoại và Diệt. Đó là lẽ thường. Không nên có ảo tưởng là chúng ta trẻ mãi không già.
Sự Tử cũng giống như sự Sinh, chỉ xảy ra trong 1 satna tâm, khi đó mọi chủng tử nghiệp được trao truyền, giữa hai chúng sinh, vừa chết bên nầy và sẽ sinh ra bên kia thế giới để tiếp tục cuộc luân hồi không dứt.
Đối với khoa học sự chết xãy ra khi điện não đồ trở nên đường thẳng, không còn những sóng não lến xuống theo nhịp độ nữa.
Theo đạo Phật có 4 cách chết :
a/ Chết vì hết tuổi thọ : tuổi thọ của mỗi loài sinh vật đã được định trước theo những định luật di truyền và những điều kiện sinh sống của mỗi loài, mỗi cá thể. Tuổi thọ của con người ở các nước văn minh được kéo dài. Hiện tại Nhật và Pháp là những nước có nhiều người sống trên 100 tuổi nhất.
b/ Chết vì hết nghiệp : nghiệp ở đây có thể được hiểu là sinh nghiệp của kiếp sống đó hoặc nghiệp của toàn bộ kiếp sống của một chúng sinh, như vậy chúng sinh nầy đã đắt đạo quả A la Hán, đã thoát khỏi dòng sinh tử luân hồi.
c/ Chết vì hết tuổi thọ và hết nghiệp : đây là cái chết của người lớn tuổi, đã sống hết tuổi thọ sinh học và đồng thời hết nghiệp của kiếp sống đó
- hoặc là cái chết của một vị A la Hán đã hết tuổi thọ (như của Đức Phật, của ngài Ananda (120 tuổi), ngài Ca Diếp…) Những vị nầy đã chết vì hết tuổi thọ và đồng thời cũng chấm dứt mọi nghiệp báu từ những tiền kiếp.
d/ Chết vì một Đoạn nghiệp : có những Đoạn nghiệp cho quả làm cắt đứt thình lình dòng sinh nghiệp trước kỳ hạn của kiếp sống. Đây là cái chết bất đắc kỳ tử do tai nạn, bịnh tật, hoặc tự tử. Sinh nghiệp là năng lực có thể làm phát sinh và duy trì tâm và sắc trong đời sống hiện tại, đồng thời lúc vừa chết có khả năng tái tạo một đời sống mới, nó là sức mạnh để đưa đi tái sinh.
Tóm lại : - Bản chất : là sự hoại diệt của danh và sắc.
- Thể hiện : là sự đau đớn, khổ sở của thân và tâm do sự già yếu bịnh tật và sự chết hoặc sự suy yếu dần của thân tâm do tuổi già.
- Kết quả : 4 cách chết.
- Nguyên nhân : do có sanh mới có Lão và Tử.
Chúng ta đã học qua 12 yếu tố của thuyết Nhân duyên (hay Luật Duyên Khởi, hay còn gọi vòng luân hồi) trong đó chúng ta cần để ý những khía cạnh sau đây :
1/ Ba thời kỳ :
- kiếp quá khứ : gồm có : Vô Minh và Hành.
- kiếp hiện tại : gồm có từ Thức àHữu.
- kiếp vị lai: gồm có Sanh và Lão Tử.
Sự phân chia ra ba thời kỳ là để cho thấy cấu trúc sanh khởi của nhân quả trong vòng luân chuyển của các kiếp sinh tồn. Điều nầy không có nghĩa là các yếu tố chỉ có mặt cố định trong một thời kỳ mà không thể có mặt và tác động ở thời kỳ khác. Như ngay trong kiếp hiện tại, cả 12 yếu tố đều hiện hữu và tác động lẫn nhau.
2/ Ba Trục (hay 3 Khâu) :
- Trục I : giữa nhân quá khứ và quả hiện tại.
(HànhàThức)
- Trục II : giữa nhân hiện tại và quả hiện tại.
(Thọà Ái)
- Trục III : giữa nhân hiện tại và quả tương lai
(Hữuà Sanh)
3/ Bốn nhóm Tích Cực hoặc Tiêu Cực (hay Nhân và Quả)
- Năm Nhân (tích cực) quá khứ : Vô Minh, Hành (+ Ái, Thủ, Hữu).
- Năm Quả (tiêu cực) hiện tại : Thức, Danh Sắc, Lục Nhập, Xúc, Thọ.
- Năm Nhân (tích cực) hiện tại : Ái, Thủ, Hữu (+ Vô Minh, Hành)
- Năm Quả (tiêu cực) vị lai : Thức, Danh Sắc, Lục Nhập, Xúc, Thọ.
Trong 4 nhóm Nhân Quả (hay Tích Cực, Tiêu Cực) trên, Sanh và Lão Tử không được liệt kê vì chúng chỉ là đặc tính của danh sắc không phải là thực tại chân đế. Chúng tùy thuộc vào pháp chân đế là nhóm « Thức, Danh Sắc, Lục Nhập, Xúc, Thọ »
4/ Ba Vòng Luân :
- Phiền não luân gồm : Vô Minh, Ái và Thủ.
- Nghiệp luân gồm : Hành và một phần của Hữu là Nghiệp hữu.
- Quả luân gồm : Thức, Danh Sắc, Lục Nhập, Xúc, Thọ, Sanh, Lão Tử và,
một phần của Hữu là Sanh hữu .
Ba Vòng Luân cho thấy rõ mô hình luân chuyển của các kiếp sinh tồn trong cõi ta bà (vòng samsara). Quan trọng nhất là Phiền não luân : vì bị Vô minh che mờ và Ái Thủ lôi cuốn, nên ta mới tạo nghiệp bởi các hành động bất thiện cũng như thiện. Như vậy Phiền não luân trợ duyên cho Nghiệp luân sanh khởi. Quả sẽ trổ khi đầy đủ nhân duyên, như vậy Nghiệp luân trợ duyên cho Quả luân. Yếu tố quan trọng nhất trong Quả luân là Thọ. Quả thiện sẽ cho ta thọ Lạc hoặc thọ Hỉ, Quả bất thiện sẽ cho ta thọ Ưu hoặc thọ Khổ ; vì vẫn còn chìm đắm trong Vô minh và Ái Thủ nên ta vẫn bị Ái Dục hành xử, ta muốn những cảm giác Hỉ Lạc kéo dài và tăng thêm mãi mãi. Do đó Quả luân lại trợ duyên cho Phiền não luân.
Bằng cách nầy 3 vòng luân cứ vận chuyển cho tới khi Vô minh bị diệt tận gốc rễ bởi Tuệ Minh Sát là Trí Tuệ phát sinh do hành thiền Minh sát , để dẫn đến Tâm Siêu thế.
5/ Hai nhân gốc :
Thuyết Duyên khởi cho ta thấy rõ hai nhân gốc :
- Trong quá khứ Vô Minh khởi đầu cho giai đoạn tích cực tạo nghiệp (Hành).
- Trong hiện tại Ái dục cũng khởi đầu cho giai đoạn tích cực tạo nghiệp (Hữu)
Vô Minh là nguồn gốc của Ái Dục. Ái Dục là nhân sinh ra khổ đau. Vô Minh là cha, Ái dục là mẹ, khổ đau là con.(sư Giác Tuệ)
6/ Hai sự thật :
Quán xét Thập Nhị Nhân Duyên theo chiều thuận từ Vô Minh đến Lão Tử cho ta thấy hai sự thật
- « Vô Minh, Hành » là Tập Đế quá khứ
« Thức, Danh Sắc, Lục Nhập, Xúc, Thọ » là Khổ Đế hiện tại
- « Ái, Thủ, Hữu » là Tập Đế hiện tại
« Sanh, Lão Tử » là Khổ Đế vị lai
7/ Áp dụng : quán niệm 12 nhân Duyên theo chiều thuận và chiều nghịch.
Đức Phật đã phân tách trong bài kinh « Đại Đoạn-Tận Ái »( MN38) do 1 vị tỳ khưu tên Sati, khi nghe kể về các truyện tiền thân của Thế tôn mới có ý nghĩ sai lầm về một Thức thường hằng luân chuyển từ đời nầy sang đời khác.Phật cho gọi ông để hỏi có thực ông nghĩ như vậy không ? Ông trả lời đúng như vậy. Phật nói đó là xuyên tạc lời ngài dạy và là một loại tà kiến (thường kiến).
-Rồi ngài giảng Duyên Sinh theo chiều nghịch từ Ái -> Vô Minh ;
-Sau đó ngài giảng theo chiều thuận toàn bộ Thập Nhị Nhân Duyên từ Vô Minh -> Lão Tử ;
-Tiếp theo ngài hỏi lại các tỳ khưu từng khoen sanh khởi của 12 Nhân Duyên bắt đầu từ Sanh : « này các tỳ khưu Sanh duyên Lão Tử, có phải vậy không ?...Vô Minh duyên Hành, có phải vậy không ? hay ở đây nghĩa như thế nào ?... » các tỳ khưư trả lời rằng họ cũng thấy như vậy. Ngài xác nhận ngài và các tỳ khưu đều nói cùng một ý là : « Khi cái nầy có, cái kia có. Với sự sanh khởi của cái nầy, cái kia sanh » Thập nhị Nhân Duyên là tập khởi của toàn bộ khổ uẩn nầy.
-Rồi ngài lại hỏi các tỳ khưu từng khoen hoại diệt của 12 Nhân Diệt bắt đầu từ Sanh : « này các tỳ khưu, do Sanh diệt nên Lão Tử diệt, có phải vậy không ?...Do Vô Minh diệt nên Hành diệt, có phải vậy không ? hay ở đây nghĩa như thế nào ?... » các tỳ khưu trả lời rằng họ cũng thấy như vậy. Ngài xác nhận ngài và các tỳ khưu đều nói cùng một ý là : « khi cái nầy không có, cái kia không có.Với sự diệt tận của cái nầy,cái kia diệt ». Thập nhị Nhân diệt là sự đoạn diệt của toàn bộ khổ uẩn nầy.
DUYÊN HỆ
Nguyên lý Duyên Hệ được trình bày trong bộ Vị Trí (Patthana) là bộ thứ 7 của Tạng Luận, bộ sách quan trọng nhất và to lớn nhất của Tạng Diệu Pháp. Hệ thống Duyên Hệ trình bày 24 duyên, mà tên gọi diễn tả đặc tính của sự tương quan giữa Năng Duyên Pháp và Sở Duyên Pháp. Năng Duyên Pháp là cái tạo điều kiện duy trì, hỗ trợ, ảnh hưởng để cho Sở Duyên Pháp có mặt hay xuất hiện.
A- Lược giải 24 duyên hệ :
1-NHÂN DUYÊN(Hetu paccaya) : điều kiện tương quan giữa 2 pháp là 6 nhân : Tham, Sân, Si, Vô Tham, Vô Sân, Vô Si.Thí dụ : Khi tức giận thì sắc mặt chúng ta thay đổi, lời nói và hành động của chúng ta dể sai lầm và ta lại tạo thêm oan trái cũng như nghiệp xấu.
2-CẢNH DUYÊN (Arammara p.) : điều kiện tương quan là 6 cảnh : sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp.Thí dụ : chúng ta luôn luôn tiếp xúc với 5 cảnh bên ngoài và các cảnh bên trong (cảnh pháp) Nếu cảnh vui đẹp thì chúng ta vừa lòng thích thú, nếu cảnh xấu buồn thì chúng ta chán nản.
3-TRƯỞNG DUYÊN (Adhipati p.) : tương quan giữa 2 pháp do tính cách ưu việt, mạnh mẻ như một đối tượng có sức hấp dẫn mảnh liệt làm thống trị tâm và tâm sở đã bắt được cảnh đó (Cảnh Trưởng Duyên) hoặc do tính cách đồng sanh với một trong 4 yếu tố ưu thắng : Dục, cần, tâm, thẩm trong Tứ Như Ý Túc (ở đây ta có Đồng Sanh Trưởng Duyên).TD : trong một nhóm người có 1 người có ước vọng cao cả (Dục) và có trí tuệ nhìn xa hiểu rộng( thẩm), sẽ chinh phục được lòng người và được tôn là lảnh tụ của cả nhóm.( Gandhi, N.Mandela)
4-VÔ GIÁN DUYÊN (Anantara p.) : tương quan giữa hai pháp do tính cách tiếp nối liên tục, không gián đoạn. TD : dòng tâm thức được tiếp nối liên tục từ satna tâm trước qua satna tâm sau từ vô lượng kiếp luân hồi, cho tới khi tâm được giải thoát hoàn toàn khỏi dòng sanh tử .Cho nên cái ý niệm Vô thuỷ Vô chung dành cho những ai còn mờ mịt, còn ai biết tu sẽ có ngày ra khỏi luân hồi. Bởi vì tu là sự dấn thân trên con đường giải thoát.
5-ĐẲNG VÔ GIÁN DUYÊN (Samanantara p.) : gần như đồng nghĩa với Vô-Gián Duyên, sự tương quan có tính cách tiếp nối, nhưng có những khoảng gián đoạn đều đặng. Một người ngủ đều đặn 6-7 giờ một ngày, thì trong lúc ngủ tâm tạm thời không tiếp xúc với ngoại cảnh mà quay vào trong và làm việc riêng của nó, đến khi thức dậy lại tiếp xúc với bên ngoài. Ngày qua ngày, tâm có những khoảng Đẳng vô gián.
6-ĐỒNG SANH DUYÊN (Sahajata p.) : sự tương quan do cùng sanh, cùng hiện hữu hỗ trợ nhau.Như trong buổi giảng pháp này, sự có mặt của quí vị hỗ trợ cho tôi và sự có mặt của tôi hỗ trợ cho quí vị, chúng ta cùng sách tấn nhau tu tập.
7-HỖTƯƠNG DUYÊN (Annamanna p.) : tương quan do hỗ trợ nhau như vợ với chồng hỗ trợ nhau để cùng tát bễ Đông.
8-Y CHỈ DUYÊN (Nissaya paccaya) : tương quan do cái nầy làm chỗ nương tựa cho cái kia sanh khởi : như Lục căn là chỗ nương tựa cho Lục thức cùng các tâm sở sinh khởi. Cha mẹ là Y chỉ Duyên cho con cái, nhưng khi lớn tuổi con cái sẽ là Y chỉ Duyên cho cha mẹ.
9-CẬN Y DUYÊN (Upanissaya p.) : do làm chỗ nương tựa vững chắc hơn Y-Chỉ Duyên, ta có Cảnh Cận-Y duyên giống như gần mực thì đen, gần đèn thì sáng. Cha mẹ già yếu mất hoàn toàn sự tự quản ( autonomie) thì con cái hoặc nhà già là Cận Y duyên
10-TIỀN SANH DUYÊN (Purejata p.) : do sự có mặt trước. Như Lục căn có mặt trước làm duyên cho sự sinh khởi của Lục thức.
11-HẬU SANH DUYÊN (Pacchàjàta p.) : do cái có mặt sau làm duyên cho cái đã hiện hữu trước. Ví dụ : sự chứng quả của vị Tỳ khưu Bakula sẽ xãy ra sau nầy đã hỗ trợ cho ông khỏi chết chìm lúc còn trẻ. Một người yếu đuối bịnh tật, cố gắng tập thiền đều đặn một thời gian cảm thấy sức khỏe cải thiện, hết đau ốm lặt vặt, người trông trẻ ra. Thân tâm an lạc nhờ thiền xãy ra sau đã ảnh hưởng trên thân thể ốm yếu trước đây. Ở đây Tâm sinh sau trợ duyên cho Sắc sinh trước bằng hậu sinh duyên.
12-TẬP HÀNH DUYÊN (Asevana p.) : do sự lập đi lập lại của sự huân tập làm cho một pháp hành trở nên thuần thục.
13-NGHIỆP DUYÊN (Kamma paccaya ) : có hai loại :
- Sự cố ý (tâm sở tư) làm điều kiện cho các tâm và sắc pháp sinh khởi (ở đây ta có Đồng sanh Nghiệp duyên)
- Những nghiệp tạo ở các kiếp quá khứ, khi có đủ điều kiện sẽ trổ quả ở kiếp sau (ở đây ta có Dị thời Nghiệp Duyên)
14-QUẢ DUYÊN(dị thục duyên,Vipaka p.) : sự tương quan do quả TD :trong Thập nhị Nhân Duyên Thức Tái sanh là một tâm quả trợ duyên cho Danh Sắc phát sinh. bằng Quả Duyên.
15-THỰC DUYÊN(Ahara p.) : tương quan do 4 loại thực phẩm làm duyên sinh ra :
- Đoàn thực : thức ăn vật chất nuôi dưỡng cơ thể.
- Xúc thực : 6 trần nuôi dưỡng 6 căn. (hay nuôi dưỡng 6 thọ)
- Tư thực : chính là nghiệp nuôi dưỡng sự luân hồi.
- Thức thực : chính là thức tái sanh nuôi dưỡng danh sắc lúc thụ thai.
16- QUYỀN DUYÊN(Indriya p.) : điều kiện do những khả năng chuyên biệt trong lãnh vực của nó (chẳng hạn mắt có khả năng thấy chứ không
nghe được)
Có 22 quyền : - 6 căn : mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý.
- 2 phái tính : nam, nữ.
- 1 mạng quyền. (danh mạng quyền)
- 5 thọ quyền : hỉ, lạc, ưu, khổ, xã.
- 5 quyền tâm linh : tín, tấn, niệm, định, tuệ.
- 3 quyền siêu thế : Vị tri quyền, Dĩ tri quyền, Cu tri quyền là 3 mức trí tuệ của các bậc thánh từ Tu Đà Hoàn tới A La Hán
17- THIỀN DUYÊN (Jhana p.) : là những điều kiện do 7 yếu tố thiền tạo
ra cho các tâm và sắc pháp : Niệm, Trạch Pháp, Cần, Hỉ, Lạc, Định, Xả
đễ chế ngự các triền cái, lậu hoặc.
18- ĐẠO DUYÊN (Magga p.) : là những điều kiện : do 12 yếu tố :8 chánh đạo dẫn tới Niết Bàn, 4 tà đạo dẫn vào khổ cảnh : tà kiến, tà tư duy, tà tinh tấn và tà định.
19- TƯƠNG ƯNG DUYÊN : (Sampaytta p.) : là những điều kiện do sự
kết hợp, phối hợp với nhau như 4 danh uẩn : Thọ, Tưởng, Hành, Thức
cùng sanh, cùng diệt, cùng tác động hỗ trợ nhau.Hoặc Tâm với Tâm sở.
20- BẤT HỢP DUYÊN (Vippaytta p.) : là những điều kiện do sự không kết hợp, không hòa trộn của năng duyên pháp và sở duyên pháp. Như dầu và nước hay Thiện và Ác.
21- HIỆN HỮU DUYÊN (Atthi paccaya) : là điều kiện liên hệ giữa Năng Duyên và Sở Duyên do sự cùng có mặt. Như Cảnh thấy được do có ánh sáng.
22- VÔ HIỆN HỮU DUYÊN (Natthi paccaya) : là điều kiện liên hệ giữa Năng Duyên và Sở Duyên do sự không có mặt. Một loại tâm phải diệt đi thì một loại tâm khác mới sanh khởi. Như tâm Sân phải diệt đi thì tâm Từ mới sinh khởi. Ánh sáng phải tắt đi thì bóng tối mới xuất hiện.
23- LY KHỨ DUYÊN (Vigata p.) : điều kiện liên hệ do sự tách rời ra giống như Duyên số 22, nhưng Năng Duyên chưa hoàn toàn biến mất thì Sở Duyên đã bắt đầu xuất hiện. Như trong buổi hoàng hôn, ánh sáng mặt trời chưa tắt, nhưng mặt trăng đã có mặt.
24- BẤT LY KHỨ DUYÊN(Avigata p.) : điều kiện liên hệ do sự không thấy tách rời, giống như Duyên số 21 (Hiện hữu duyên). Như vua cha nhường ngôi cho con, nhưng vẫn có mặt để làm cố vấn.
B-Luận giải theo những tính cách liên hệ của 24 duyên:
- liên hệ về không gian : có Cảnh Duyên (2), Cảnh Cận-Y duyên(9)
- liên hệ về thời gian : có Đồng Sinh Duyên (6), Tiền Sinh Duyên (10), Hậu Sinh Duyên (11), Vô Gián Duyên(4), Đẳng Vô Gián Duyên(5)
- liên hệ về tính cách tương sinh : có Thực Duyên (15), Y Chỉ Duyên (8), Cận Y duyên (9).
- liên hệ về tính cách tương khắc : Thiền Duyên (17)
- liên hệ về tính cách quan trọng : Trưởng Duyên (3)
- liên hệ về tính cách chuyên biệt : Quyền Duyên (16)
- liên hệ về tính cách hổ tương : Hổ Tương Duyên (7)
- liên hệ về tính cách tương đồng : Tương Ưng Duyên (19)
- liên hệ về tính cách tương phản : Bất Hợp Duyên (20)
- liên hệ về tính cách có mặt : Hiện Hữu Duyên (21)
- liên hệ về tính cách vắng mặt : Vô Hiện Hữu Duyên (22)
- liên hệ về không xa lìa : Bất Ly Duyên (24)
- liên hệ về sự lập lại : Tập Hành Duyên (12)
- liên hệ về Nhân, Nghiệp, Quả : Nhân Duyên (1), Nghiệp Duyên (13), Quả Duyên (14)
- liên hệ về phương tiện và con đường : Đạo Duyên (18)
Tổng cộng có tất cả 24 Duyên.
Nguyên lý Duyên Hệ đưa ra những điều kiện cần và đủ để đưa tới một kết quả như lâu nay ta vẫn thường nói một cách tổng quát mà không đưa ra chi tiết : phải có thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Cũng như khi ta nấu cơm, chúng ta phải kể hết những yếu tố : gạo, nước, lửa, nồi… Nếu người nông dân không sản xuất gạo thì tất cả yếu tố khác đều vô ích ; Nguyên lý Duyên Sinh cốt cho thấy cái yếu tố căn bản, ở đây là gạo. Còn Nguyên lý Duyên Hệ xem xét tất cả các điều kiện quan hệ hoặc hoàn cảnh cần thiết để làm thành món cơm. Ngoài ra giữa hai yếu tố của Duyên Sinh, chẳng hạn giữa Vô Minh và Hành những yếu tố của Duyên Hệ có thể chen vào để chi phối. Hoặc giả 2 yếu tố của Duyên Hệ có thể phối hợp lại để tác động cùng một lúc tạo thành một Duyên mới : Cảnh Duyên + Trưởng Duyên = Cảnh Trưởng Duyên. Do đó nên mới có câu “trùng trùng duyên khởi”.
Các nhà khoa học, mặc dầu không có nghiên cứu Phật giáo, nhưng trong thực tiễn quan sát và thí nghiệm, cũng đã nhìn thấy phần nào những sự liên hệ như thế giữa những phần tử vật chất nên họ đã đưa ra những ý niệm như yếu tố tiền sinh( facteur prédisposant), yếu tố trợ tạo (facteur favorisant), yếu tố nguy hại (facteur de risque)… Phật giáo đưa ra một cái nhìn tổng thể có tính cách tri thức luận (épistémologie) về những yếu tố thời gian, không gian, vật chất và tinh thần…
C-Áp dụng : theo những tương quan Danh, Sắc, Danh-Sắc, Khái niệm
(6) Danh
-> Danh
(5) Danh
-> Danh Sắc
(1) Danh
-> Sắc
(1) Sắc
-> Danh
(2) Danh Sắc Khái niệm
-> Danh
(9) Danh Sắc
-> Danh Sắc
4. Vô gián
anantara
5.Đẳng vô gián
samanantara
12. Tập hành
āsevana
19. Tương ưng
sampayutta
22.Vô hiện hữu
natthi
23. Ly khứ
vigata
1. Nhân hetu
13.Nghiệp
kamma
14. Quả vipāka
17.Thiền jhāna
18. Đạo magga
11. Hậu sanh
pacchājāta
10. Tiền sanh
purejāta
2. Cảnh
ārammaṇa
9. Cận y
upanissaya
3. Trưởng
adhipati
6. Đồng sanh
sahajāta
7. Hỗ tương
aññamañña
8. Y chỉ
nissaya
15. Thực
āhāra
16. Quyền
indriya
20. Bất hợp
vippayutta
21. Hiện hữu
atthi
24. Bất ly
avigata
Muốn tìm hiểu Nhân, Duyên, Quả trước hết phải xem xét cái quả, rồi từ từ tìm ngược lại cái nhân. Ví dụ muốn có một nhãn thức (quả) một cách tổng quát chúng ta cần có 4 điều kiện sau :
1/-Nhãn thức là một tâm quả, nhân duyên trực tiếp của nó là Tâm Khán Ngủ môn , có mặt trước nó trong lộ trình tâm nhãn môn. Sự tương quan ở đây là Danh => Danh. Ta có những duyên sau đây :Vô-gián duyên(4), Đẳng Vô-gián duyên (5), Vô-gián Cận-Y duyên(9b), Vô Hiện-hữu duyên(22) (vì tâm K5M phải biến mất thì Nhãn thức mới xuất hiện được, Ly-khứ duyên(23)
-Điều kiện đủ để có Nhãn thức là phải có sự phối hợp của 7 tâm sở biến hành : xúc, thọ, tưởng, tư, định, mạng quyền, tác ý.Trong đó Tác ý làm chủ để hướng tâm tới đối tượng. Sự tương quan ở đây là giữa Danh=>Danh, có tính cách đồng sinh, hỗ tương, tương ứng, nghiệp, quả. Ta có ở đây 10 duyên ( nếu kể những duyên không trùng tên) : 15b,13a, 16c, 7, 14, 19, 6, 8a, 21a, 24.
-Vì là một tâm quả, kết quả của nghiệp, ta cũng có Nghiệp duyên.
2/-Kế đến là phải kể Nhãn vật ( mắt và thần kinh nhãn). Nhãn vật phải có mặt trước để làm căn cứ cho Nhãn thức xuất hiện. Sự tương quan ở đây là giữa Sắc=> Danh ; với tính cách tiền sanh là quan trọng nhứt và Vật ( vatthu) là quan trọng thứ nhì. Ta có 6 Duyên : 16a, 8b, 10a, 20b, 21b, 24.( xem bảng đối chiếu)
3/-Điều kiện sau đó là Ánh sáng : bởi vì trong bóng tối sẽ không thấy cảnh. Sự tương quan ở đây là giữa Sắc=> Sắc, ta có Tự-Nhiên Cận-y duyên (9c) và Sắc mạng-quyền duyên (16b).
4/-Sau cùng điều kiện cần để có 1 nhãn thức là phải có Cảnh (đối tượng), bởi vì thấy là phải thấy 1 cái gì. Sự tương quan ở đây là giữa Sắc(cảnh)=> Danh (nhãn thức), với tính cách là Cảnh duyên và Tiền sanh duyên, ta có 4 duyên : Cảnh duyên (2), Cảnh Tiền-sinh duyên(10b), Cảnh Tiền-sinh Hiện-hữu duyên(21b), Cảnh Tiền-sanh Bất-ly (10b+24).
KẾT LUẬN
Từ hai nguyên lý Duyên Sinh và Duyên Hệ chúng ta có thể rút ra được những hệ luận sau đây :
1-Không có gì hiện hữu mà không có Nhân Duyên hợp trợ và sinh thành Nhân khi hội đủ Duyên sẽ sinh ra Quả.
2-Vật chất tuân theo những Định luật của nó. Tâm thức cũng có những Định luật của nó.
3-Vật chất ảnh hưởng đến tâm thức. Tâm thức cũng ảnh hưởng đến vật chất.
4-Không có cái Ngã nào chen vào làm chủ vật chất và tinh thần.
5-Không có Thượng Đế nào làm chủ vật chất và tinh thần.
6-Vô thường, Vô ngã là chân lý phổ quát.
7-Khổ là chân lý dành cho chúng sanh hữu thức.
8-Tái sanh và luân hồi là sự thật hiển nhiên của chúng sanh hữu thức.
9-Mỗi người đều tùy thuộc 3 yếu tố : Nghiệp Quả, Hoàn cảnh và Ý chí.
Nguyên lý Duyên Sinh đã được Đức Phật phát hiện ở canh ba trong đêm ngài đắc đạo quả Chánh Đẳng Giác. Nguyên lý Duyên Hệ được ngài nghiền ngẫm trong tuần lễ đầu tiên sau khi thành đạo. Những Tuệ giác nầy đã giúp Ngài giải thích bản thể của con người nói riêng và chúng sanh nói chung trong cuộc trầm luân vô tận. Ngài đã tuyên bố về định luật nầy như sau : “Nầy Ananda, chuỗi dây Tùy thuộc Phát sanh rất sâu sắc. Do không thấu hiểu, không thấm nhuần định luật nầy nên thế gian giống như một nùi chỉ rối, một tổ chim đan, một bụi tre sậy. Do đó mà con người không thoát khỏi tái sanh vào những cõi sinh tồn thấp kém, những trạng thái phiền muộn tiêu hoại và đau khổ trong vòng sanh tử luân hồi. Người nào hiểu được chuỗi Tùy thuộc Phát sanh sẽ hiểu được giáo pháp.”
Thật là cần thiết cho một phật tử phải hiểu sâu xa giáo huấn nầy.Trước hết phải tìm hiểu qua sách vở, sau đó phải bổ túc bằng sự luyện tập tâm linh để có thể nhìn thấy định luật nầy trong chính thân tâm và đời sống của mình, có như thế mới mong vượt thoát vòng sinh tử luân hồi. Tu phải chăng là sự dấn thân trên con đường chuyển nghiệp, muốn chuyển nghiệp phải thanh lọc tâm, muốn thanh lọc tâm phải thiền ; có như vậy mới tiến bước vững chắc trên con đường giải thoá

THƠ VÀ VẬT LÝ (TRAO ĐỔI VỚI NHÀ THƠ LÊ ĐẠT)

Đông La


(Lê Đạt ngồi bên tay phải Bác Hồ)


Lê Đạt là một tác giả lão thành, nhưng tinh thần ông lại rất trẻ trung. Ông luôn khao khát đổi mới thơ ca dựa trên cơ sở những tri thức cao nhất mà trí tuệ nhân loại đã đạt đến. Những bài viết rất nhỏ của ông luôn nhắc đến những thành tựu rất lớn của khoa học như thuyết Tương đối, cơ học Lượng tử, nguyên lý Bất định, nguyên lý Bổ sung... Chúng chính là những thành quả chủ yếu của vật lý hiện đại, cái xương sống của nhận thức, cái xa lộ tri thức mà từ đó sẽ lan tỏa ra các đại lộ, mọi con đường, mọi ngõ ngách làm nên nền văn minh. Trong khi đó, nhiều tác giả trẻ vẫn quan niệm về cái mới của thơ với những tiêu chí vụn vặt về hình thức như thơ có vần hay không, câu thơ ngắn hay dài, viết cái tôi hay cái ta, viết rõ nghĩa hay mù mờ, sex hay không sex, thô tục hay không thô tục...



Dựa trên cơ sở những khám phá của khoa học, đặc biệt là những phát minh của vật lý lý thuyết, loài người đã phải điều chỉnh lại nhiều nhận thức lầm lẫn về triết học và các ngành Khoa học Xã hội khác, và cả trong tôn giáo; đặc biệt, trong sự sáng tạo nghệ thuật, những nhà siêu thực là những người đã đi tiên phong khi dựa trên những khám phá về vô thức, trực giác, thuyết tương đối, cơ học lượng tử... để đưa ra một quan niệm sáng tác mới, cho có một hiện thực cao siêu, một hiện thực đích thực mà nghệ thuật cần phải thể hiện, đó chính là siêu thực. Ở Việt Nam, Lê Đạt là một trong số rất ít người nhiệt thành truyền bá cái tinh thần sáng tạo nghệ thuật dựa trên cơ sở khoa học ấy, ông viết: “Nhà nghệ thuật thiếu lý tính chỉ là một nghệ sĩ thứ phẩm mắc bệnh vĩ đại cũng cần chữa trị hoặc nên đổi nghề (Tạp chí Tia sáng xuân 2002, tr.25). Thế nhưng, có điều rắc rối ở đây là, để hiểu cho đúng được những tri thức cao siêu của vật lý lý thuyết lại không đơn giản, nó khó khăn ngay cả với những nhà vật lý nếu không theo chuyên ngành này. Ngay đến S. Hawking, nhà bác học tật nguyền người Anh, hiện đang ở trên tuyến đầu của khoa học, cũng phải viết rằng, để hiểu thấu được những lý thuyết vật lý mới, bạn phải là một chuyên gia, mà dầu có là một chuyên gia đi nữa cũng chỉ hy vọng nắm bắt được một phần mà thôi. Riêng người viết bài này tuy học Hóa, nhưng khoa học là một thể thống nhất, hơn nữa lại từng làm việc tại các viện và trung tâm nghiên cứu, nên cũng buộc phải học vật lý và những môn liên quan mật thiết đến vật lý như Hóa lượng tử; vì thế tự thấy cũng có điều kiện hơn một chút một nhà thơ thuần túy mơ tưởng, bước vào cái địa hạt cao siêu huyền bí của vật lý lý thuyết. Hơn nữa, bản thân cũng rất thích vật lý, đơn giản chỉ vì lịch sử phát triển của nó hay như một cuốn tiểu thuyết vĩ đại, đầy kịch tính, các nhân vật lại đều là những người kiệt xuất; và với một ý nghĩa thực dụng hơn, cầm bút viết phê bình mà không hiểu những phát minh nền tảng của khoa học thì không thể viết cao sâu được khi phải đụng chạm đến những vấn đề liên quan đến triết lý, tư tưởng và sự phát triển. Tôi thật e ngại khi thấy có tình trạng một số ít người không có chuyên môn khoa học cơ bản nhưng lại tung tăng đi vào các khu rừng tri thức như vào chỗ không người, nên có quá nhiều sai lạc. Riêng Lê Đạt, thật tiếc, khi ông chưa hiểu được chính xác những vấn đề khoa học hiện đại nhưng ông lại có cao vọng dựa vào chúng để đưa ra những nguyên lý sáng tạo thơ ca.



Vậy dựa trên một cơ sở sai lạc để đưa ra cái mới thì cái mới cũng sẽ sai lạc. Dù rất kính trọng tinh thần trẻ trung, đổi mới của Lê Đạt, hôm nay tôi vẫn buộc phải viết bài thảo luận này.



Bài “Thì... là...” của Lê Đạt là bài tôi chú ý đầu tiên đăng trên Tạp chí Sông Hương số 127, tháng 9-1999, dựa trên Vật lý Lượng tử, ông bàn đến sự phát triển của thế giới hiện đại: “Ánh sáng vừa là hạt vừa là sóng... Sóng và hạt không loại trừ nhau và cùng song song tồn tại./ Đó là nền tảng của nguyên lý bổ sung cũng như hệ quả của nó, phương châm chung sống hoà bình và thế giới đa cực”. Chỉ độc chuyện viết chữ hạt trước haysóng trước trong câu trên đã có nhiều điều cần bàn rồi. Trong Vật lý Lượng tử, người ta chia ra hai loại hạt: loại chất và loại trường(sóng); loại chất là những hạt như những viên gạch xây nên thế giới vật chất; loại trường là những hạt ảo, là lực liên kết, tức là “vữa” gắn kết các hạt vật chất tạo nên thế giới chúng ta đang sống. Ánh sáng là lực của trường điện từ, theo Einstein, tronghiện tượng quang điện, nó cũng thể hiện tính chất hạt. Vì vậy, câu trên của Lê Đạt phải viết: “Ánh sáng là sóng lại vừa có tính chất hạt...” mới đúng. Tùy theo điều kiện, nó là sóng hoặc là hạt, chứ không phải “song song tồn tại”, “vừa là hạt vừa là sóng”.



Cũng trong bài trên, khi bàn về đổi mới thơ ca, Lê Đạt viết: “sống là chống lại ăngtropi, sống là đổi mới.../ Một nền thơ lành mạnh sống động không thể không luôn luôn đổi mới. Đổi mới là lội ngược dòng suy thoái. Đổi mới là tạo ra ăngtropi âm nó chính là sinh tố cải lão hoàn đồng của trí tuệ”.



Có một sự không ổn khi Lê Đạt dùng khái niệm “ăngtropi”ở trên. Vậy ăngtropi là gì? Trong cơ học thống kê, entropy là đơn vị đo lường mức độ hỗn loạn của hệ. Sự tăng độ hỗn loạn, sự đổ vỡ cái cũ là một quy luật khách quan, người ta chỉ có thể can thiệp bằng việc tiếp thêm năng lượng để có thể giảm sự hỗn loạn hoặc cao nhất cũng chỉ giữ được trạng thái trật tự cũ. Trong khi đó ngược lại, đổi mới thơ ca nói riêng và nghệ thuật nói chung là phải xóa bỏ cái trật tự cũ để sinh ra cái mới. Như vậy, Lê Đạt “muốn nói cho có tính khoa học”, muốn đổi mới thì cần phải làmtăng ăngtropi, còn viết như trên, nghĩa là Lê Đạt đã cổ xúy cho việc dẫm chân tại chỗ, ngược với ý ông muốn diễn tả.



Trong tạp chí Tia sáng xuân 2002, chuyên đề bàn về trí tưởng tượng, Lê Đạt viết: “Khoa học Tự nhiên và quyết định luận của nó tuởng như đã có thể vĩnh viễn ngự trị tất cả thế giới./ Những thể nghiệm nghiêm ngặt và công phu tại các phòng thí nghiệm khiến các nhà khoa học tin rằng cuối cùng đã nắm được hiện thực và do đó có thể điều khiển được nó - như tiểu Thượng đế thực sự”.



Câu này Lê Đạt viết ngược với tinh thần làm việc khoa học cũng như lịch sử ngành vật lý. Cuối thế kỷ XIX, đúng là các nhà vật lý tưởng đã “nắm được hiện thực” nhưng “Những thể nghiệm nghiêm ngặt và công phu tại các phòng thí nghiệm khiến các nhà khoa học” không tin rằng chứ không phải “đã tin rằng” “cuối cùng đã nắm được hiện thực” như Lê Đạt viết. Vì chính nhờ những thí nghiệm đó mà các nhà khoa học đã phát hiện ra những điều mà Huân tước Kelvin coi là “hai gợn mây nhỏ” còn làm vẩn đục bầu trời trong xanh bao la của khoa học: đó là kết quả của thí nghiệm đo bức xạ của vật đen khi bị nung nóng và kết quả thí nghiệm đo vận tốc ánh sáng; hai kết quả đó đã chứng tỏ tính ngang bướng của tự nhiên, không tuân theo suy luận logic của tri thức vật lý hiện có. Và chính “hai gợn mây nhỏ” đó đã khiến các nhà khoa học không yên tâm, và trong quá trình tìm hiểu để lý giải chúng, họ đã không ngờ rằng mình đã đưa lịch sử vật lý sang một thời đại mới, với hai cột trụ là Thuyết Tương đốivà Cơ học Lượng tử.



Lê Đạt viết tiếp: “Ngày hội đuơng đông vui rôm rả lại bỗng xuất hiện những khách không mời mà đến. Niels Bohr ông tổ thứ nhất của ngành vật lý lượng tử quẳng ra một lời phát biểu hết sức “chối tai”: / Hiện tượng không phải là hiện thực, nó là hiện thực cộng với dụng cụ quan sát và người quan sát./ Chưa hết ông còn bồi thêm một đòn trí mạng nữa thông qua lý thuyết bổ sung:/ Ánh sáng vừa là hạt vừa là sóng”.



Với các nhà bác học, tôn vinh bằng lời lẽ thế nào cũng chưa xứng với họ, nhưng Lê đạt viết như trên đã không đúng với lịch sử nghiên cứu Cơ học Lượng tử. Thứ nhất Borh không phải là “khách không mời mà đến” mà ông cũng là một chủ nhân bữa tiệc vật lý. Chính dựa vào phát minh của thầy (Rutherford) và thầy của thầy mình (J.J.Thomson), ông đã đưa ra ”Thuyết cấu tạo nguyên tử” theo tinh thần Cơ học Lượng tử.



Thứ hai, Borh không phải là “ông tổ thứ nhất của ngành vật lý lượng tử”. Danh hiệu đó nên dành cho M. Planck thì đúng hơn. Để chiều theo tính ương bướng của tự nhiên trong hiện tượng phát xạ của vật đen như đã nói, ông đã đưa ra một giả định “ngược đời”: năng lượng được vật đen bức xạ không liên tục mà chỉ từng lượng nhỏ, tức lượng tử, và ông đã đúng! Đó chính là viên gạch đầu tiên của lâu đài vật lý lượng tử. Tiếp đến ông tổ thứ hai phải kể là A. Einstein, dựa vào phát minh của Planck, cho: trong hiện tượng quang điện, ánh sáng là sóng nhưng đã thể hiện tính chất của một hạt. Rồi mới đến lượt Borh, đã áp dụng những thành tựu trên để cải tiến thuyết cấu tạo hành tinh nguyên tử của Rutherford theo tinh thần lượng tử, cho khớp với kết quả thí nghiệm về quang phổ.



Còn câu phát biểu của Borh nói về thế giới vi mô không phải là “chối tai” mà thực chất rất êm tai bởi ông có cái nhìn duy vật. Câu: “Hiện tượng không phải là hiện thực, nó là hiện thực cộng với dụng cụ quan sát và người quan sát” mà Lê Đạt đã dẫn cần phải chỉnh lại theo đúng tinh thần của ông: Hiện tượng quan sát được không phải là hiện thực mà là thuộc tính của hiện thực đã chịu tác động của dụng cụ đo, còn Lê Đạt viết thêm “và người quan sát” nữa là sai, vì đó mới là quan điểm duy tâm chủ quan “chối tai” của phái thực chứng theo W. Heisenberg, cho: hiện tượng trong thế giới vi mô là thực tại phụ thuộc vào chủ quan người quan sát, tức cho ý thức quyết định được vật chất.



Lê Đạt tiếp: “Chưa hết ông còn bồi thêm một đòn trí mạng nữa thông qua lý thuyết bổ sung:/ “Ánh sáng vừa là hạt vừa là sóng”.



Thực chất phát minh về lưỡng tính sóng hạt của thế giới vi mô công đầu phải kể là Planck, rồi Einstein như đã nói ở trên. Tiếp theo là A. Compton, bằng những thí nghiệm tinh xảo đã chứng tỏ ánh sáng đã thể hiện tính chất như một hạt khi va chạm đàn hồi với điện tử. Sau một phần tư thế kỷ, thí nghiệm của Compton này mới làm Planck an lòng được, vì nó đã chứng thực giả thuyết lượng tử “ngược đời” của ông. Cuối cùng phải kể đến L. De Broglie đã đưa ra giả thuyết điện tử cũng có tính chất sóng, và đã được kiểm chứng đúng. Vậy thực chất Borh không phải phát minh ra lưỡng tính sóng hạt mà ông chỉ dựa trên những kết quả đã có để đưa ra nguyên lý bổ sung, cho: hạt hoặc sóng là tính chất của thế giới vi mô thể hiện trong những điều kiện quan sát khác nhau, chúng mâu thuẫn nên cần được bổ sung để phản ánh các mặt khác nhau của đối tượng nghiên cứu, chứ không nên gộp lại sẽ phi logic.



Lê Đạt viết tiếp: “Tôi không phủ nhận vai trò những dụng cụ tinh xảo, nhưng tôi có cảm giác về số người quá nhấn mạnh đến vai trò (quyết định) của chúng./ Người ta kể lại rằng khi vợ chồng nhà bác học Einstein được mời đến thăm một đài quan sát thiên văn nổi tiếng tại Hoa Kỳ, vị giám đốc có vẻ hơi tự đắc hỏi vợ nhà bác học:/ “Bà thấy trang thiết bị ở đây thế nào?”/ Vợ nhà bác học điềm nhiên trả lời:/ “Hơi nhiều. Khi nghĩ ra thuyết tương đối ông nhà tôi chỉ có một cuốn sổ tay và một cây bút chì”.



Câu này Lê Đạt muốn đề cao trí tưởng tượng. Trong nghiên cứu khoa học nói chung, việc làm thí nghiệm và sự phân tích các hiện tượng nảy sinh để đưa những suy luận bằng trí tưởng tượng để đạt được kết quả là một thể thống nhất. Còn nếu muốn chia ra thì e rằng Lê Đạt đã đề cao ngược. Theo triết học duy vật biện chứng, trí tưởng tượng chỉ nảy sinh được từ thực tại chứ không thể từ hư vô. Chính hiện tượng nguyệt thực đã chỉ cho loài người thấy là trái đất tròn khi nhìn thấy bóng của nó là hình tròn in trên mặt trăng. Lịch sử khoa học chỉ ra, trí tượng chỉ thực hiện tốt trong một phạm vi khi suy luận lôgic được tuân theo, nhưng tự nhiên luôn ương bướng như đã trình bầy ở trên, nó luôn đưa ra những kết quả ngược với trí tưởng tượng, buộc các nhà khoa học phải nghĩ cách khác, như Planck đã phải mò ra chuỗi tính năng lượng cho khớp với tính phát xạ gián đoạn; và Borh, để khớp với các vạch quang phổ nguyên tử, đã tự ý cho điện tử chỉ chuyển động theo những quỹ đạo được phép, không phát xạ theo những quy luật đã biết của vật lý cũ, chỉ phát xạ khi rơi vào quỹ đạo có mức năng lượng thấp hơn. Vậy đoạn đối thoại: “Bà thấy trang thiết bị ở đây thế nào?”/ Vợ nhà bác học điềm nhiên trả lời:/ “Hơi nhiều. Khi nghĩ ra thuyết Tương đối, ông nhà tôi chỉ có một cuốn sổ tay và một cây bút chì”, chỉ nên coi là câu nói vui của vợ Einstein, còn nếu bà nói thực thì chứng tỏ bà không hiểu gì công việc của chồng mình.



Gần như toàn bộ các nhà vật lý trong lịch sử đã công kênh cho Einstein đứng trên vai mình để hái trái táo “thuyết Tương đối”, đặc biệt từ phép biến đổi Lorentz và kết quả đo vận tốc ánh sáng của Michelson. Chỉ trong năm 1905, Einstein đã đưa ra 5 phát minh, trong đó có thuyết Tương đối hẹp, một phát minh vĩ đại; mà nếu chỉ một mình ông làm từ đầu, chắc có sống đến nhiều đời cũng không làm nổi. Nói vậy thì ông có vĩ đại không? Ông vẫn hoàn toàn vĩ đại, vẫn xứng đáng là công dân ưu tú nhất của thế giới trong thế kỳ XX mà TIME đã chọn, vì để đưa ra những phát minh, ông phải dũng cảm dựa vào những điều kỳ lạ không ai dám tin, tức phải chấp nhận thời gian, không gian không phải là tuyệt đối, tách bạch, mà chúng co giãn theo chuyển động và liên quan mật thiết với nhau; và nhân loại đang sống không phải trong một không gian phẳng mà bị uốn cong bởi trường hấp dẫn. Và thật tuyệt vời là người ta lại có thể kiểm chứng được những điều kỳ lạ đó, nên những phát minh của Einstein là đúng! Những đồng hồ tinh xảo y hệt, được những người đeo trên máy bay, bay xuôi chiều và ngược chiều vòng quay trái đất (để làm tăng sự khác biệt về vận tốc của hai loại đồng hồ), sau thí nghiệm, người ta đã thấy hai đồng hồ chỉ khác nhau. Điều này đã chứng tỏ thời gian đã co giãn theo vận tốc đúng với thuyết Tương đối. Khi nhật thực, người ta cũng đã thấy không gian đúng là cong, bởi nhận thấy tia sáng từ một ngôi sao, đi qua không gian cạnh mặt trời đến trái đất, đã bị uốn cong!



Gần đây nhất, qua trang web chungta.com, tôi đã đọc bàiThơ và vật lý hiện đại của Lê Đạt. Bài viết như một lời tâm sự rất xúc động của một nhà thơ già sau chặng đường đời dài đầy thăng trầm, với một tâm hồn nhạy cảm và vẫn với một trí óc đầy suy tư, ông luôn khát khao nhận diện được thế giới hiện đại và đổi mới thơ ca. Ông kể lại cái duyên kỳ ngộ cho ông gặp vật lý rồi đắm say nó qua một kỳ vận hạn đã đẩy ông vào: “một tình trạng hết sức trầm luân về vật chất cũng như tinh thần”; ông đã được “...một anh bạn... (đó là nhà vật lý lý thuyết Đặng Mộng Lân) giới thiệu với tôi cuốn Einstein: cuộc đời, tư tưởng và lý thuyết của Kouznetsov”; “Lâu lắm tôi mới được đọc một cuốn sách khoa học viết hấp dẫn đến thế. Tôi đọc đi đọc lại nhiều lần. Cuốn sách đã dậy tôi rất nhiều về lý thuyết tương đối nhưng hơn thế nó còn dậy tôi một bài học lớn lao về cách sống và cách nghĩ của một người tìm tòi”. Ông đã ngẫm ra một điều rất đúng: “Khoa học thực nghiệm cổ điển đã đem lại cho nhân loại những bước tiến lớn thoát khỏi những vũng lầy mê tín...” Nhưng ông lại tiếp “...nhưng nó cũng có nhược điểm là dễ khiến người ta quá chú trọng đến những hiện tượng tai nghe mắt thấy mà lơ là những khía cạnh sâu xa và bí ẩn của tự nhiên mà chỉ tư duy mới nhìn thấy” thì không được đúng lắm về vật lý. Vì vật lý cổ điển hay hiện đại cũng đều phải sử dụng cái nhìn của tư duy. Lý thuyết điện từ của Maxwell, các nhà hóa học, sinh học của “khoa học cổ điển” cũng đã buộc phải nhìn thấy những cấu trúc vật chất mà các giác quan không thể nhận thấy rồi. Còn riêng vật lý, cuối thế kỷ XIX, người ta không nhìn thấy những quy luật mới do chưa ai có đủ tài để nhìn thấy chứ không phải tại phương pháp nghiên cứu thiên về giác quan kìm hãm. Và chính Einsten là người mà lịch sử vật lý cần đến đã xuất hiện, bàn tiệc đã dọn sẵn, và ông chỉ cần chỉ cho mọi người cách ăn mà thôi.



Lê Đạt viết: “Những nguyên lý bất định, nguyên lý bổ sung của vật lý lượng tử đã giải phóng nhân loại khỏi lý thuyết nhân quả tất định cứng nhắc...Chúng đã đánh một đòn chí mạng vào lý thuyết chết người "loại trừ vế thứ ba" của logic cổ điển từng gây thảm họa cho loài người (mà không phải chỉ trong phạm vi tư tưởng). Không nên quên hệ quả cao điểm của nó là định thức “Kẻ nào không đi với ta là chống lại ta". Các nhà vật lý lượng tử đã góp phần thiết kế cho nhân loại một phạm trù mở, cái khác. Từ trước đến nay tư duy cổ điển chỉ vận hành trên hai trục đúng sai giờ đây cái vạc hai chân kia đã thêm một trụ mới, trụ thứ ba về cái khác góp phần tạo nên một cách ứng xử mới, mở ra kỷ nguyên đối thoại thay thế cho thói quen độc thoại chuyên chế và bạo lực”. Ở đây, Lê Đạt dựa vào vật lý để suy ngẫm như trên là không khớp, vì thực ra lưỡng tính sóng hạt của cơ học lượng tử ngụ ý: trong cái này có cái kia và ngược lại trong cái kia có cái này chứ không phải “có cái thứ ba” như Lê Đạt viết.



Lê Đạt tiếp: “Từ khi cầm bút tôi đã quan niệm việc cách tân thơ Việt là mục đích quan trọng nhất của đời mình... Vật lý hiện đại (và thơ hiện đại) khuyến khích những giả thuyết thoạt nhìn như rồ dại nhưng có khả năng mở ra những khía cạnh kỳ bí của ngoại giới (cũng như thiết kế những tập họp chữ mới vượt qua biên giới cảm nhận sang những vùng tri nhận phức hợp và quyến rũ, chuyển sự chú tâm của người làm thơ vào những tác hiệu (siguthants) đa nghĩa sống động hơn là vào những thụ hiệu (siguihés) minh bạch nhưng cằn cỗi)”. Tôi rất ủng hộ sự khao khát đổi mới, tán thành cái quan niệm thơ hiện đại cần phải đưa ra được cấu trúc mới (tôi thấy có nét tương đồng với các công thức vật lý chuyển tải những quy luật của tự nhiên). Ý của Lê Đạt: “Thiết kế những tập họp chữ mới vượt qua biên giới cảm nhận sang những vùng tri nhận phức hợp và quyến rũ, chuyển sự chú tâm của người làm thơ vào những tác hiệu (siguthants) đa nghĩa sống động hơn là vào những thụ hiệu (siguihés) minh bạch nhưng cằn cỗi” có thể là một tuyên ngôn rất hay về thơ hiện đại. Chính bản thân tôi cũng đã tâm niệm điều này rất nhiều khi làm thơ, đã muốn dựng lên những bài thơ với kết cấu sao cho chúng như những bức chân dung của tư tưởng và tình cảm, muốn làm sao đó có thể thể hiện được một cách súc tích nhất sự phức hợp của tâm hồn con người cũng như thế giới ngổn ngang ta đang sống. Tiếc là cái tuyên ngôn của Lê Đạt trên lại không liên quan gì đến tri thức vật lý mà ông dựa vào: “Lý thuyết về những phô tông đã khẳng định tầm quan trọng hàng đầu của những cấu trúc gián đoạn thay thế những cấu trúc liên tục tăng chế ngự khoa học cũng như thơ ca trong nhiều thế kỷ”. Tính liên tục và tính lượng tử chỉ khác nhau như một sợi dây liền và một sợi dây đứt đoạn. Tôi thấy cả thơ cũ cũng như mới đều là gián đoạn cả, mỗi con chữ như một lượng tử, rồi mỗi câu thơ, ý thơ, khổ thơ cũ hay mới thì cũng phải gián đoạn. Có lẽ ở đây Lê Đạt muốn nói đến sự diễn tả ý tứ liền mạch và gián đoạn, và theo ông cần phải thể hiện ý đứt đoạn bằng cách “cần phải phá vỡ “những quy luật nghiệt ngã nhiều khi bảo thủ của ngữ pháp”. Tôi thấy ở đây ông lại giống không ít người rơi vào chủ nghĩa hình thức, cho đổi mới thơ chỉ bằng thay đổi hình thức giản đơn. Theo tôi, sự chặt khúc ý tưởng bằng sai ngữ pháp chỉ có thể tạo ra được cái lạ, cái ngô nghê, còn cái thuộc tính chính của thơ mà ông đã tuyên ngôn ở trên là cần phải tăng sức biểu cảm, biểu đạt thì không thể được. Mà nếu dựa vào khoa học mà xét thì lại càng không thể. Tất cả các định luật, công thức của khoa học đều phải thống nhất với nhau, còn những chỗ chưa thống nhất tức còn “sai ngữ pháp” thì chính là những bài toán mà khoa học chưa giải được. Ngữ pháp thực chất chỉ là quy tắc của ngôn ngữ, còn ngôn ngữ cũng chỉ là công cụ giao tiếp của con người, không phải là thực tại khách quan. Khi sử dụng ngôn ngữ sai thì hoặc do khả năng ngôn ngữ, hoặc do trạng thái tâm thần người sử dụng, chứ hoàn toàn không thể có chuyện: diễn tả hiện thực một cách “sai ngữ pháp” thì sẽ sâu sắc toàn diện hơn. Trong tác phẩm, ngôn ngữ nhân vật có thể sai ngữ pháp, còn nhà văn viết tác phẩm mà sai ngữ pháp là do học dốt. Để diễn đạt những điều phức tạp, thực ra người ta càng phải viết cho chuẩn mực hơn.



Hiện tại, thủ pháp “phá vỡ ngữ pháp” thể hiện nhiều kiểu, như câu thiếu thành phần, hoặc ghép các hình ảnh ngẫu nhiên thành câu phi lô-gic ngữ nghĩa... giống như bên hội họa phá vỡ hình thể khi vẽ vậy. Lịch sử ngôn ngữ hội họa đi từ giống thật, đến khác thật, đến trừu tượng, rồi lại quay lại “hiện thật” (như các trường phái trình diễn, xếp đặt). Vậy cái nào là chân lý? Tôi đã tự hỏi, hội họa đã có trình diễn, sắp đặt, không biết đến bao giờ sẽ có thơ tương tự; nếu có, người ta sẽ diễn tả nụ hôn như thế nào, sẽ cắt những cặp môi trai gái tẩm ướp rồi dán lên giấy chăng?



Hình thức thơ là quan trọng nhưng nó không quyết định được phẩm chất của thơ, không có chất, nó sẽ rỗng, giống như thức ăn không có gluxit, protid, lipit... vậy. Con người khi đói ăn cái gì cũng ngon, nhưng lúc no nê, người ta kinh sợ trước những bàn tiệc tú hụ với những món được tẩm ướp đủ kiểu, làm cho không còn nhận ra những mùi vị cơ bản của thức ăn nguyên chất nữa, tất cả đều mặn mặn, ngọt ngọt, beo béo, cay cay, dai dai, ròn ròn. Ở thành phố ba mươi năm rồi, tôi vẫn luôn nhớ về dĩa thịt gà luộc giản đơn rắc lá chanh thơm của mẹ và những món ăn dân giã. Nhiều quán “Cơm Hà Nội” ở Sài Gòn đã cố bắt chước cái nguyên sơ ấy, nhưng không tài nào tạo ra được đúng cái hương vị tuyệt vời của nó, bởi giữa thời đại cái gì cũng công nghiệp này, thực phẩm cũng bị ép thành thực phẩm, chúng không đủ không gian và thời gian để tẩm hút linh khí của trời đất để trở thành thực phẩm thứ thiệt. Từ đây tôi liên tưởng đến thơ ca. Nếu tâm hồn, tư duy nhà thơ cũng tẩm hút không đủ những cay đắng, mặn chát, ngọt bùi của đời sống để có thể cung cấp chất liệu đích thực cho thơ ca, chỉ với một chút vốn ngôn ngữ trống rỗng, liệu có nhào nặn nổi thành thơ mới hay hơn thơ cũ được không?



Với Lê Đạt, tôi chưa đọc thơ ông nhiều nên không dám nhận xét. Tôi luôn trân trọng tinh thần đổi mới của ông, tiếc là bài này tôi lại phải viết những điều phản bác những lý luận của ông. Dựa vào tri thức, người ta buộc phải hiểu biết sâu sắc tri thức, như nhà khoa học muốn làm ra sản phẩm phải hiểu đúng mới đưa ra được quy trình sản xuất. Nếu hiểu lờ mờ không thể làm gì được. Khi ấy, tri thức giống như con dao cùn của người mở đường, không thể phát quang được con đường dẫn đến vùng đất mới mầu mỡ, và như thế đã đẩy anh ta rơi vào cái tình cảnh như dân gian thường nói: bỏ đường quang đâm quàng bụi rậm. Vậy có nên không?

http://www.chungta.com/nd/tu-lieu-tra-cuu/tho_va_vat_ly_hien_dai-4.html