Tôi xin được mở đầu bài viết thể hiện cái nhìn của tôi về ngôn ngữ Việt, qua sự trích dẫn quan điểm của ông Phạm Công Thiện trên thư viện mở Wikipedia:
Ngoài ra cũng có thể nhắc đến những quan niệm của ông về tiếng Việt: “Không cần phải đọc Platon, Aristote, Kant, Hegel hay Karl Marx, không cần phải đọc Khổng Tử và Lão Tử, không cần phải đọc Upanishads và Bhagavad Gita, chúng ta chỉ cần đọc lại ngôn ngữ Việt Nam và nói lại tiếng Việt Nam và bỗng nhiên nhìn thấy rằng tất cả đạo lý triết lý cao siêu nhất của nhân loại đã nằm sẵn trong vài ba tiếng Việt đơn sơ như CON và CÁI, như CHAY, CHÁY, CHÀY, CHẢY, CHẠY và còn biết bao nhiêu điều đáng suy nghĩ khác mà chúng ta đã bỏ quên một cách ngu xuẩn.”
Cái nhìn của ông Phạm Công Thiên đúng hay sai, được “khoa học công nhận” chưa thì chưa bàn vội. Tôi giới thiệu đoạn trích dẫn này chỉ như là một hiện tượng xác định sự minh triết của ngôn ngữ Việt từ ông Phạm Công Thiện – một nhân vật được giới thiệu trên thư viện mở – chắc hẳn phải thông minh hơn nhiều so với Thiên Sứ tôi.
Một hiện tượng thứ hai tôi dẫn ra đây là cái tên cổ của đường Thanh Niên bên Hồ Tây và hồ Trúc Bạch ở Hanoi. Cái tên ấy bây giờ người ta gọi là “Cố (cố gắng) – Ngự (phòng ngự)”. Nhưng trước đây từ đời cụ kỵ của tất cả những người dân Hanoi sinh ra ở cõi Tràng An, đều gọi là “Cổ (Cổ xưa) Ngư (Cá)”. Vậy tại sao nó là thành “cố ngự”?
Cái sự tích nó là thế này:
Vào cuối thập niên 60, đầu thập niên 70, có một vị sĩ phu Bắc Hà nào đó (lâu quá tôi quên mất tên vị này) phán rằng: Cổ Ngư thực ra là hiểu nhầm từ văn bản tiếng Pháp vốn ghi âm tiếng Việt không có dấu nên ghi là “Co ngu” và các cụ Nho nhà ta đã phiên âm là “Cổ Ngư”. Chứ thật ra nó là “Cố Ngự” . Căn cứ vào một số nhà ngâm cứu thì cái đường gọi là “Cổ Ngư” đó, thực chất ngày xa xưa là một quãng đê. Vậy chắc chắn nó là “Cố ngự” rồi. Tức là quãng đê này cố gắng chống lại Hà Bá sông Hồng , mỗi khi ngài dâng nước nổi cơn thịnh nộ. Chà! Có lý! Thế là từ đó người ta cứ thế mà phang khi nói đến tên cổ của đường Thanh Niên là “cố ngự” như là một sản phẩm của kiến thức hàn lâm, đã được “khoa học công nhận”.
Ngày ấy, tôi chỉ là một gã thanh niên mới lớn, đọc báo thì biết vậy, chứ cũng chẳng đủ hiểu biết để ý kiến , ý cò gì. “Cổ Ngư” hay “cố ngự” thì cũng chẳng làm phai mờ mối tình đầu dang dở của tôi. Lúc ấy, như nhiều gã thanh niên mới lớn, tôi quan tâm đến mối tình của tôi hơn nhiều thứ trên đời. Nhưng bây giờ, tình đã nhạt phai, ngồi ngẫm lại về ngôn ngữ Việt, tôi mới thấy tính hệ thống và nhất quán của ngôn ngữ cao cấp nhất trong văn minh nhân loại, chính là ngôn ngữ Việt. Và phải bắt đầu từ một địa danh này.
Tôi xin bắt đầu từ “Co Ngu”. “Co ngu” là phiên âm tiếng Tây từ tiếng Việt thì đúng quá rồi. Nhưng nếu thêm dấu để nó thành “Cố Ngự” thì có thế thêm dấu thành rất nhiều chữ khác. Thí dụ:
“Cò (Con cò) ngủ”; “Cỗ Ngự”; “Có Ngu” và tất nhiên là có cả “Cổ Ngư” nữa.
Bây giờ, theo cái nhìn của tôi thì cần đặt lại vấn đề đường Thanh Niên bây giờ có phải ngày xửa, ngày xưa là con đê chắn nước không?
Theo tôi hoàn toàn không! Bởi vì đê chắn sóng sông Hồng thì phải chạy dọc theo sông Hồng. Cho dù ngày xưa, rất xưa Hồ Tây được coi là một nhánh của sông Hồng thì cũng chằng ai mần một con đê chắn ngang Hồ Tây và chia đôi nó thánh Hồ Trúc Bạch cả. Khi mà con đê sông Hồng chạy sờ sờ bên kia Hồ Tây.
Hơn nữa, tôi nhận thấy rằng: Chùa Trấn Quốc có từ trước cả thế kỷ XV. Trước đây nó vốn là hành cung của vua Lê. Sau này, dùng làm nơi để đưa những cung nữ có lỗi ra đấy. Cuối cùng nó mới thành chùa (Theo Doãn Kế Thiện – “Cổ tích và thắng cảnh Hanoi” Nxb Văn Hóa 1959). Vậy thì cái đê “cố ngự” ấy lập nên để làm gì khi con đường vào chùa Trấn Quốc phải có từ rất lâu, ít nhất từ hàng trăm năm trước vào thời Lê Trịnh. Chứ không lẽ bơi thuyền vào cung? Giả sử nó thật sự là con đê gì đó thì nó cũng chỉ là đê phụ sau đê sông Hồng, Nhưng đê phụ thì phải trước mặt đê chính chứ không thể sau đê chính để “cố ngự” cả.
Hơn nữa, cái vô lý nó ở chỗ này: chẳng bao giờ cùng một danh từ mô tả một địa điểm, lại nửa nôm, nửa Nho như cái tên “Cố Ngự” cả.
Vấn đề này tôi xin liên hệ với một hiện tượng là nữ sĩ Hồ Xuân Hương khi lập am ở Hồ Tây thì bà lấy tên là “Cổ Nguyệt” – Trăng xưa. Những địa danh ở quanh vùng đất Thăng Long xưa, có rất nhiều địa danh mang chữ đầu là “Cổ”, như: Cổ Bi, Cổ Lễ, Cổ Nhuế, Cổ Mễ…. Vậy vùng đất Thăng Long xưa có dịa danh “Cổ Ngư” hoàn toàn hợp lý trong sự nhất quán và tính hệ thống với các địa danh gần gũi liên quan.
Và quan trọng hơn cả, khi cụ Doãn Kế Thiện – người sống qua hai thế kỷ XIX và XX – trong tác phẩm của mình vẫn gọi là “Cổ Ngư”. Vậy Tây nó phiên âm tiếng Việt từ chữ “Cổ Ngư” hay “cố ngự”? Khi chính cụ – một học giả cổ xưa vẫn gọi là “Cổ Ngư”. Tức là địa danh Cổ Ngư đã có từ trước cả thời Tây xâm lược nước ta và “co ngu” không thể là “Cò ngủ”, “có ngu”, hoặc “Cố ngự”, mà chính là “Cổ Ngư”
Với địa danh “Cổ Ngư” vừa mang tính nhất quán về tính hệ thống của chữ Nho trong địa danh “Cổ” – xưa cũ, “Ngư” – cá. Chứ không như cái địa danh suy luận không có “cơ sở khoa học” là “cố ngự”, nửa nôm, nửa Việt Nho – Thói quen gọi là từ Hán Việt – này.
Vấn đề được đặt ra mà tôi muốn trình bày với bạn đọc là: tính nhất quán và tính hệ thống của tiếng Việt – ngôn ngữ cao cấp nhất trong lịch sử nhận thức được của văn minh nhân loại mà tôi xin tiếp tục trình bày dưới đây, để chứng tỏ rằng: Ngôn ngữ Việt trong đó bao hàm chữ Việt, không phải thích thì đổi loạn cào cào.
Vì là người Việt, tiếp xúc với ngôn ngữ Việt, nên học bất cứ một ngoại ngữ nào thì cảm nhận đầu tiên là: các bài tập dịch từ tiếng nước ngoài ra tiếng Việt đều rất dễ. Nhưng từ tiếng Việt ra tiếng nước ngoài rất khó. Nhưng vì đang học tiếng nước ngoài chưa thật thông thạo, nên cứ nghĩ là tại mình chưa hiểu hết, nên khó dịch từ tiếng Việt ra tiếng nước ngoài.
Tuy nhiên, tôi cần phải xác định với bạn đọc về một chân lý hiển nhiên là: một ngôn ngữ cao cấp có thể dịch tất cả các ngôn ngữ khác ra ngôn ngữ đó. Ngược lại, một ngôn ngữ kém phát triển hơn thì rất khó dịch từ ngôn ngữ đó ra ngôn ngữ cao cấp hơn. Đó là nguyên nhân chính để dịch từ tiếng nước ngoài ra tiếng Việt rất dễ. Ngược lại thì rất khó là vậy.
Tiếng Việt, ngôn ngữ Việt có khả năng dịch tất cả các văn bản từ các ngôn ngữ trên thế giới ra ngôn ngữ Việt, ngược lại không phải các ngôn ngữ nào cũng có thể dịch một cách hoàn hảo các bản văn tiếng Việt ra ngôn ngữ đó.
Thực tình lúc đầu khi tìm hiểu về cội nguồn Việt sử, tôi cũng chưa nghĩ đến điều này. Nhưng vào đầu năm 2000, hay 2001 gì đó, tôi làm một trang web để trình bày những luận điểm của tôi. Tôi đặt cái tựa là Việt sử 5000 năm văn hiến. và yêu cầu bên làm web có câu tiếng Anh kèm theo. Họ nói với tôi: Trong tiếng Anh không có từ văn hiến. Lúc đầu tôi cũng hơi ngạc nhiên. Bởi vì không lẽ một ngôn ngữ quốc tế bao trùm mọi lĩnh vực mà lại không có từ này? Nhưng cho đến tận ngày hôm nay, quả là tiếng Anh không có từ này thật. Cuối cùng, để dịch thoát ý từ “văn hiến”, tôi đề nghi dùng thuật ngữ là “nền văn hóa hướng thượng”.
Ngay cả tiếng Hán, một nền văn hóa mà rất không ít người ra rả như ve sầu rằng: Nền văn hóa Việt chịu ảnh hướng từ văn hóa Hán, Hay tệ hơn, họ coi là nền văn minh Hán là chủ thể của văn hóa Việt. Cả thế giới tin điều đó. Nhưng thực ra, vấn đề hoàn toàn ngược lại: Chính nền văn hóa Việt là chủ thể của nền văn hóa Hán, sau khi nền văn minh Văn Lạng sụp đổ ở miền nam sông Dương Tử. Tất nhiên, nó thể hiện ngay trong ngôn ngữ Việt.
Trước hết tôi xin nói về thuyết Âm Dương Ngũ hành. Có thê nói cả thế giới tin rằng nó có cội nguồn từ văn minh Hán. Nhưng sự thực hiển nhiên và sờ sờ ra đấy , là các nhà nghiên cứu Hán hiện đại – tức là tri thức của họ tồng hợp cả một qúa trình lịch sử của một nền văn minh – lại không thể chứng minh được thuyết Âm Dương Ngũ hành ra đời vào lúc nào trong lịch sử văn minh Hán. Chưa hết, trong tất cả các bản văn chữ Hán từ hơn 2000 năm nay – tính từ khi nền văn minh Việt sụp đổ ở Nam Dương Tử – chưa hề có một cuốn sách Hán ngữ nào mô tả – dù chỉ là tóm tắt sơ lược nội dung của học thuyết này?! Mặc dù hệ thống phương pháp luận của nó lại thể hiện rộng khắp trên tất cả các phương pháp ứng dụng: Dự báo, gồm Tử Vi, Bốc Dịch, Thái Ất, Độn giáp….vv…hoặc kiến trúc xây dựng (Phong thủy; Y học (Đông Y)….?!
Tất cả đều rất mơ hồ và bí ẩn.
Cho nên cả thế giới hiện đại đã coi nền văn minh Đông phương vốn mặc định từ văn minh Hán, hoàn toàn là huyền bí! Ngay cả khi hai nền văn minh Tây phương và Đông phương giao tiếp thì trí thức của cả hai nền văn minh này – gồm có nền văn minh Đông phương được mặc định từ văn minh Hán với những bản văn chữ Hán từ hơn 2000 năm nay – cũng không thể phục hồi được của cái mà chính nền văn minh Hán tự nhận là của mình.
Về vấn đề này, đã nhiều năm tôi đã chứng minh rằng: Cội nguồn văn minh Đông phương thuộc về nền văn hiến Việt, một thời huy hoàng ở miền Nam sông Dương Tử.
Bởi vì, chỉ có nền văn hiến Việt với những di sản văn hoa truyền thống của người Việt – dù đã tan nát qua hơn 2000 năm lịch sử hiện đại – mới có khả năng phục hồi và làm sáng tỏ được học thuyết này. Chỉ có chủ nhân đích thực của nền văn minh Đông phương, mới có thể làm sáng tỏ được sự bí ẩn huyền vĩ của nó.
Đương nhiên, khi Việt tộc là chủ nhân đích thực của văn minh Đông phương thì có thể xác định rằng: ngôn ngữ Việt không thể là hệ quả của ngôn ngữ Hán.
Đây là điều hiển nhiên. Bởi vì ngôn ngữ Việt khác hẳn ngôn ngữ Hán, ít nhất là cách phát âm hoàn toàn khác nhau, như tiếng Tây với tiếng Tàu vậy. Một ngôn ngữ cao cấp trong tất cả các ngôn ngữ hiện đại, nếu nó không phải là nguồn gốc của tất cả những ngôn ngữ liên quan đến nó thì nó cũng không thể có cái gọi là “nguồn gốc” từ bất cứ ngôn ngữ nào. Cho dù người ta có thể tìm thấy mối liên hệ gần giống giữa vài cách phát âm. Cũng không ít các học giả, nhà nghiên cứu cho rằng ngôn ngữ Việt có nguồn gốc từ Mã Lai, Nam đảo gì đó, vì so sánh một vài hiện tượng cục bộ.
Nếu giả thuyết về nguồn gốc Mã Lai, Nam Đảo là đúng, vậy thì cái ngôn ngữ Hán đóng vai trò gì trong việc ảnh hưởng đến ngôn ngữ Việt trong ngôn từ? Chẳng một học giả nào tìm thấy mối liên hệ giữa ngôn ngữ Việt từ ngôn ngữ Hán. Nhưng họ lại cho rằng 70% tiếng Việt có gốc là từ Hán Việt, như là một bằng chứng cho văn hóa Việt là hệ quả của văn minh Hán. Thật là một sự mâu thuẫn đến ngược đời khi đem đặt lập luận của họ cạnh nhau.
Cụ Lê Gia thống kê có 30. 000 từ tiếng Việt có gốc Hán Việt. Cụ Lê Gia rất giỏi chữ Nho, tôi rất quý và kính trọng cụ, nhưng tôi tin cụ không giỏi tiếng Tàu. Các nhà nghiên cứu cứ bám vào số lượng từ Hán Việt từ chữ Nho để xác định văn hóa Việt là hệ quả của văn minh Hán tộc. Nhưng rất tiếc! Cách phát âm của hơn 30. 000 chữ Nho trong ngôn ngữ Việt khác hoàn toàn ngôn ngữ Hán khi cùng đọc một ký tự, mặc dù có một số những từ gần giống. Ấy là khi dịch ra tiếng Việt thì phát âm lại càng khác hẳn.
Tôi thí dụ như câu sau đây trong Chinh Phụ Ngâm của Đặng Trần Côn, đọc theo Việt Nho là:
Liệp liệp tinh kỳ hề xuất tái sầu
獵 獵 旌 旗 兮 出 塞 愁
Huyên huyên tiêu cổ hề từ gia oán *
喧 喧 簫 鼓 兮 辭 家 怨
Tiếng Việt khi đọc từ Việt Nho như tôi đã trình bày. Nhưng tiếng Hán lại phát âm khi đọc các từ trên như sau:
Lia lia sing khí xi xu giai shấu.
獵 獵 旌 旗 兮 出 塞 愁
Zdén zdén xeo kủ xi shứ chha ooan.
喧 喧 簫 鼓 兮 辭 家 怨
Rõ ràng cách phát âm khác hẳn nhau giữa từ Việt Nho và tiếng Hán cho cùng một ký tự. Còn dịch ra tiếng Việt lại càng khác xa về phát âm:
Lớp lớp sông cờ hề sầu ra ải
Inh ỏi tiêu trống hề oán ly gia *
Vậy với 30. 000 từ chiếm 70 % ngôn ngữ Việt thì người Việt sao không nói luôn tiếng Hán trong suốt 1000 năm đô hộ đó, mà phải mất công Việt hóa trên 30. 000 từ để phổ biến trong tiếng Việt làm gì?! Từ đây vấn đề được đặt ra:
1/ Ngay bản thân người Hán vào đầu thế kỷ XX – tức là một xã hội rất phát triển với mọi quan hệ xã hội phức tạp, bao gồm cả đời sống sinh hoạt xã hội và quan hệ xã hội – so với hàng ngàn năm trước đó; nhưng họ chỉ cần 1000 chữ phổ thông để xóa nạn mù chữ.
Vậy xuất phát từ nhu cầu gì của người Việt để cần phải có cả một hệ thống hơn 30. 000 từ tiếng Việt Nho trong việc mô tả từ Hán?
2/ Chủ thể xuất xứ để tạo ra cả một hệ thống tiếng Việt Nho – quen gọi là từ Hán Việt ấy – là tổ chức nào trong lịch sử?
Bởi vì, để tạo ra cả một hệ thống gần 30. 000 từ đó, cần phải có một tập hợp những tri thức cao cấp, chuyên ngành làm việc một cách qui mô và có tính hệ thống trong một cơ chế tổ chức chặt chẽ.
Chưa hết, hệ thống gồm 30. 000 từ Việt Nho này còn cần những quyết định cấp quốc gia để phổ biến và lưu truyền đến ngày nay.
Nó không phải chỉ vài chữ như “bánh dầy” hay “bánh giày”, “Thúy” hay “Thúi” , “Cố Ngự” hay “Cổ Ngư” do vài nhà ngâm cứu đề xuất, mà còn rất chật vật. Đây là cả một hệ thống ngôn ngữ Việt Nho với cái mà chính những người phủ nhận truyền thống văn hiến Việt cho là : 70% tiếng Việt liên quan đến ngôn ngữ Hán. Híc!
Trong lịch sử hơn 2000 năm nay của cả Trung Quốc và Việt Nam – tức sau khi nhà nước Văn Lang của Việt tộc sụp đổ ở bờ Nam Dương Tử – không hể nói tới một tổ chức quốc gia và một tập hợp qui mô của những nhà tri thức để có hệ thống 30. 000 từ Việt Nho này. Tất nhiên, vì nó không hề xảy ra vào thời Hán tộc xâm lược và cai trị Việt tộc ở Nam Dương tử.
Chính tính qui mô của hệ thống Việt Nho và – xin lỗi – ngay thời hiện đại với tập hợp những nhà tri thức chuyên ngành với sự tài trợ của các tổ chức quốc tế cũng không thể thực hiện được một cách dễ dàng. Chưa nói đến từ hàng ngàn năm trước. Điều hiển nhiên này đã bác bỏ xuất xứ Hán của hệ thống Việt Nho, không thể do người Hán tạo nên trong quá trình Hán hóa nền văn hiến Việt. mặc dù ngay từ đầu có thể không phải có ngay 30. 000 từ như vậy.
Thưa quí vị.
Nếu thời Hùng Vương chỉ là “một liên minh bộ lạc” với những người dân “ở trần đóng khố” và “địa bản sinh hoạt chỉ vỏn vẹn ở đồng bắng sông Hồng” thì không cần thiết phải Hán hóa ký tự Hán ra ngôn ngữ Việt.
HỆ THỐNG CHỮ VIỆT CỔ CỦA NHÀ VĂN KHÁNH HOÀI
Việc công bố hệ thống chữ Việt cổ của nhà văn Khánh Hoài đã gây sự chú ý đặc biệt của dư luận. Hầu hết các nhà nghiên cứu có tên tuổi đều tỏ ý phản bác và không công nhận, khiến đến nay nó bị “chìm xuồng”. Trong các ý kiến phản bác thì đáng chú ý nhất là lập luận của Giáo sư Lê Trọng Khánh. Còn các nhà khoa học khác chỉ là phản bác chung chung, theo kiểu “chưa có cơ sở khoa học”, hoặc là “ghi nhận tinh thần yêu nước”….Đối với các nhà khoa học khác, lập luận của họ không có gì để phải tranh luận. Vì họ không hề có luận điểm phản biện rõ ràng. Trên thực tế – thể hiện qua thông tin báo chí, họ chỉ lấy cái danh vị học thuật để phủ nhận chung chung.
Những luận điểm phản bác loại này, tôi đã biện minh và phản biện trong một chủ đề riêng trên diễn đàn này, quí vị quan tâm có thể tham khảo theo đường link dưới đây:
http://diendan.lyhoc…va-chu-viet-co/
Nhưng với giáo sư Lê Trọng Khánh, ông đưa ra luận điểm học thuật là: Hệ thống chữ Khoa đẩu của nhà nghiên cứu Khánh Hoài có nguồn gốc từ hệ thống chữ Tày – Thái. Đây là vị học giả duy nhất đưa ra luận điểm học thuật dể phản biện nhà nghiên cứu Khánh Hoài.
Thực ra, trong bài viết của mình, tôi đã biện minh cho nhà nghiên cứu Khánh Hoài trước luận điểm của giáo sư Lê Trọng Khánh. Nhưng nó chưa mang tính hệ thống và tập trung. Nên tôi giành riêng bài này để thể hiện tính khoa học thật sự của hệ thống chữ Khoa đẩu của nhà nghiên cứu Khánh Hoài và chứng minh luận điểm của giáo sư Lê Trong Khánh chỉ xuất phát từ cái nhìn cục bộ.
Giáo sư Lê Trọng Khánh là người có nhiều năm nghiên cứu về chữ Khoa Đẩu và ông có nhiều công trình nghiên cứu về loại chữ này. Ông là người tôi rất kính trọng, vì chính ông đã giới thiệu tôi với cơ quan văn hóa Lào Cai, để tạo điều kiện thuận lợi trong dịp khảo sát bãi đá cổ Sapa từ 15 năm trước. Ông cũng tặng tôi nhiều sách của ông nghiên cứu về chữ Việt cổ. Trong sự tranh biện học thuật này, tôi vẫn giữ sự kính trọng với ông, khi làm sáng tỏ chân lý của vấn đề.
Trong phản biện học thuật, nhất là đối với một công trình có tính chất phục hồi những giá trị tìm về cội nguồn văn hóa dân tộc như nhà nghiên cứu Đỗ Văn Xuyền với một tính thần được gọi là “yêu nước” thì tôi nghĩ nó phải là một sự phản biện nghiêm túc của những người có bằng cấp và được gọi là học giả. Một sự phản biện nghiêm túc trong học thuật là:
Người phản biện phải chỉ ra cái sai trong hệ thống luận cứ của công trình học thuật bị phản biện.
Ở đây, qua đường link thể hiện những ý kiến của những học giả tên tuổi trên phương tiện truyền thông chính thống thì chỉ là sự phủ nhận trắng trợn với thái độ vô trách nhiệm, qua sự thể hiện không quan tâm đến văn hóa cội nguồn dân tộc, mà chí ít là chính họ cho rằng: “Thể hiện lòng yêu nước” của nhà nghiên cứu Đỗ Văn Xuyền.
Chẳng phải ngẫu nhiên, cá nhân tôi sử dụng chuẩn mực Việt sử 5000 năm văn hiến để đo tất cả mọi sự kiện, hiện tượng cho đến từng hành vi của con người trên thế gian.
Cá nhân tôi, không phải dễ dàng chấp nhận ngay cả những công trình nghiên cứu có xu hướng chứng minh Việt sử 5000 năm văn hiến – Nếu như những công trình đó có những lập luận không chặt chẽ. Rất nhiều người công bố các công trình nghiên cứu của họ, chứng minh Việt sử trải gần 5000 năm văn hiến, liên quan đến Lý học Đông phương. Nhưng từ nhiều năm nay, tôi vẫn chỉ trung thành với những phương pháp và luận điểm của mình.
Ủng hộ một luận điểm sai về mặt học thuật, dù cùng có một mục đích, sẽ gây ảnh hướng rất lớn đến hệ thống luận điểm của tôi. Chưa nói đến việc nó thể hiện sự hồ đồ, dốt nát khi ủng hộ một luận điểm sai.
Nhưng với vấn đề chữ Việt cổ của nhà nghiên cứu Đỗ Văn Xuyền, tôi chiệm nghiệm rất kỹ. Tôi theo cụ Xuyền nhiều năm, từ 2007, qua những buổi trình bày của cụ, tìm hiểu và so sánh đối chiếu từ phương pháp nghiên cứu, tư liệu, những bằng chứng cụ dẫn và những luận cứ của cụ. Tôi được cụ tặng rất nhiều sách của cụ và những tư liệu liên quan, kể cả cuốn Tự điển Việt Bồ La. Khi tôi nhận thấy hệ thống luận cứ của cụ thật sự phù hợp với tính khách quan khoa học, tôi mới tích cực ủng hộ.
Tôi bỏ sang một bên tất cả sự phản đối chung chung của những học giả vô trách nhiệm, quay lưng lại với cội nguồn văn hóa dân tộc. Ở đây, tôi chỉ trình bày sự biện minh của tôi với hệ thống chữ Việt cổ của ông Đỗ Văn Xuyền trước vấn đề được đặt ra của giáo sư Lê Trọng Khánh.
Còn tiếp
http://www.thiensulacviet.com/cac-de-tai-khac/ngon-ng%E1%BB%AF-vi%E1%BB%87t
============================
* Theo wikipedia.org/wiki/Chinh_phụ_ngâm
============================
* Theo wikipedia.org/wiki/Chinh_phụ_ngâm