Hải Miên – Vũ Ánh Dương*
Với Vĩnh Cửu, không có niềm hạnh phúc hay đau khổ nào thoát ra ngoài phạm vi mái ấm gia đình, trượt ra ngoài vòng tròn sinh – tử. Cách làm phim của Trần Anh Hùng, thoạt trông thì hào phóng vung vãi, như Thượng Đế trong bảy ngày Sáng thế, nhưng lại rất tiết chế và kìm giữ, thậm chí, khá rắn lòng, giữ cho khán giả một cái nhìn gián cách thay vì rù quến nhập thân, mù mịt khóc cười trong cái cuộc đời “trăm năm thì ngắn, một ngày dài ghê” của giống loài mình. Đó là cái nhìn của một con sóng đã rút ra xa quay nhìn về bến bãi.
Bằng hai chuyển động vuông góc, đùa cợt và thi vị - ngang trên bờ sông như kẻ ghé mắt tò mò và dọc vào gương mặt Valentine thơ ấu như người chụp hình - tôi nhanh chóng bị đẩy tới cái lịch sử không ngày tháng của gia đình Valentine. Không tình huống khởi đầu, không tình tiết dẫn dắt, lịch sử gia đình được nhắc nhớ bằng cưới xin, chửa đẻ, tang tóc. Các sự kiện đời người được vung ra như nắm thóc cho chim, song chúng không cáo chung cho gì cả. Chúng giữ cho bộ phim không đích đến, không hoàn kết, bảo tàng những cử điệu, gương mặt, nhìn ngắm… Hạnh phúc và bất hạnh, con người vừa là nhân chứng vừa thẩm thấu. Sau tiếng thét hiện tại là cái nháy mắt quá khứ. Chúng hồi đáp nhau trong vĩnh cửu. Chúng ca tụng tình yêu truyền chủng.
Một vé lên chuyến tàu vĩnh cửu
Mỗi một con người, cũng như mọi sinh vật khác, sinh ra không phải để hiến sinh - cho cái chết - mà để hiến mình cho sự vĩnh cửu của giống loài, thông qua chức năng truyền chủng. Và vượt lên mọi động vật khác, truyền chủng ở con người là đẹp đẽ, phức tạp nhất, bởi nó được bọc trong lớp vỏ êm ái của tình yêu.
Trong chùm bốn câu hỏi – bốn nỗi thao thức của nhân loại: Ta là ai? Từ đâu đến? Đến đây để làm gì? Rồi sẽ đi về đâu?, Vĩnh Cửu của Trần Anh Hùng đưa ra hồi đáp cho câu hỏi thứ ba: “Ta đến đây để làm gì” theo quan điểm của Thiên chúa giáo1 và cũng là của các nhà sinh vật học.
Chúng ta thường than vãn về sự vô nghĩa của đời người, rùng mình ớn lạnh khi đối diện với hư vô, là bởi cứ muốn đi tìm một ý nghĩa khác (cao quý hơn?) cho sự ra đời và tồn tại của mình, không muốn chấp nhận mình chỉ như một mắt xích trong chuỗi di truyền và tiến hóa, một con ốc trong cỗ máy khổng lồ, vận hành miên viễn có tên gọi “định luật bảo toàn nòi giống” mà quyền lập trình nằm trong tay Thượng Đế. Khi một cô con gái của góa phụ Valentine quyết định hiến mình cho Thiên chúa, trở thành nữ tu sĩ, giọng dẫn chuyện với điểm nhìn toàn tri, lách mũi dao cảm bình lên tiếng: “Với con gái, bà những muốn chỉ ra thứ nó đang từ bỏ, nói với cô rằng tình yêu của một người đàn ông sẽ không lơ đãng như tình yêu của Chúa. Con gái bà sẽ không có con, tình yêu ấy khiến bà đau xé”. Cô thiếu nữ ấy đã tự mình bẻ gẫy một mắt xích, thoát ra ngoài cái định luật “chúng ta sinh ra để sinh ra” bằng cách chối từ triệt để chức năng sinh sản, nhưng không ai chúc mừng cô cả, thay vào đó, chỉ là sự buồn rầu. Thái độ đó của gia đình Valentine, cũng là thái độ của nhà văn và đạo diễn, được bộc lộ qua tác phẩm của mình.
Là một bộ phim về sinh nở, mọi thời điểm trong phim đều diễn ra vào (các) mùa hè, mặt trời chiếu sáng rực rỡ, vạn vật ngùn ngụt sinh sôi, da thịt nồng nàn hơi ấm… Các nhân vật đi lại, nói cười, rơi lệ trong bối cảnh hân hoan, sung túc và đẹp đẽ như những hậu duệ của Adam và Eva an trú ở chốn Địa Đàng. Thế nhưng, bên cạnh thật nhiều lễ cưới và sinh nở, những cái chết thơ dại và trẻ trung cứ từng lúc xảy ra, đau xé trong kêu gào hay nén chịu lặng lẽ. Một con người mất đi, không chỉ là một cuộc đời dừng lại, mà còn là một mất mát đau đớn của cá thể và giống loài, khi bộ gene đó chưa kịp ký thác mình vào tương lai, chưa kịp nhảy lên chuyến tàu vĩnh cửu, và bởi thế mà thành mất hút trong dòng chảy tuyệt mù tăm tích của thời gian.
Với Vĩnh Cửu, không có niềm hạnh phúc hay đau khổ nào thoát ra ngoài phạm vi mái ấm gia đình, trượt ra ngoài vòng tròn sinh – tử. Cách làm phim của Trần Anh Hùng, thoạt trông thì hào phóng vung vãi, như Thượng Đế trong bảy ngày Sáng thế, nhưng lại rất tiết chế và kìm giữ, thậm chí, khá rắn lòng, giữ cho khán giả một cái nhìn gián cách thay vì rù quến nhập thân, mù mịt khóc cười trong cái cuộc đời “trăm năm thì ngắn, một ngày dài ghê” của giống loài mình. Đó là cái nhìn của một con sóng đã rút ra xa quay nhìn về bến bãi.
Dưới bóng rợp của một nhà duy mỹ
Không quan tâm đến dàn xếp kịch tính, không trì hoãn điều xảy ra và luôn có sự thông báo trước biến cố từ lời dẫn chuyện, Trần Anh Hùng cũng không ngần ngại sử dụng dày đặc các lựa chọn thẩm mỹ vốn đã quen thuộc khiến nó ít rung ngân, ít kì bí hơn trong nghệ thuật tạo hình của anh: sự trình diễn của nhiều scene trữ tình ngoại đề, sự lai ghép giữa montage và Jump-cut, hoàng loãng thời gian làm các cảnh phim gấp nếp rồi trượt dài trong tiết điệu ve vuốt, sự thay đổi cỡ hình không phụ thuộc vào chuyển động máy hay dựng phim mà do chủ thể được ghi…
Với sự kiên trì tái khẳng định mình như một nhà duy mỹ, tôn sùng cái đẹp hình thức, đưa cái đẹp hình thức lên vị trí hàng đầu và đôi khi là duy nhất trong mọi tiêu chí thẩm mỹ của đời sống và nghệ thuật, Trần Anh Hùng đã tạo ra không chỉ một bộ phim, rất có thể anh đã tạo ra một điển phạm nghệ thuật cho quan điểm đó. Song nó gợi ý cho người viết hai vấn đề đáng lưu tâm. Thứ nhất, sự trở lại của Trần Anh Hùng với điện ảnh thế giới và sự trở về Việt Nam chưa bao giờ hết nguội ngóng đợi, có tiếp tục nối dài cơn say nghệ thuật của anh như đã từng, với hệ quả là nhiều người tin chỉ có một cách để cảm thấu về cái đẹp trong phim, là thông qua con đường duy mỹ kia. Thứ hai, chúng ta cần gì hơn - một tác phẩm trình diễn vẻ đẹp muôn thưở nhưng không nói cho ta biết sự bức thiết của đương thời, hay một tác phẩm phản tư, có thể xộc xệch nhưng mọi chi tiết của nó đang định nghĩa cho chúng ta về thế giới đang ngày từng ngày không khỏi làm ta kinh ngạc. Khẩu vị nghệ thuật của khán giả luôn rộng hơn một quan điểm nghệ thuật nào đó. Ta yêu mến Trần Anh Hùng, một nghệ sĩ đẹp và hàm súc, miễn nhiễm với mọi thỏa hiệp thị trường. Ta cũng yêu mến những định nghĩa khác về nghệ thuật và cuộc đời, từ những đạo diễn khác. Bằng cách ấy, trở lại với Vĩnh Cửu, ta yêu âm nhạc Bach kì vĩ như toàn bộ đời sống hôn cái hôn vĩnh biệt lên sự chết cuối phim, nhưng ta cũng yêu một cảnh nhỏ xíu, đám trẻ con trùm mền trắng giả đám ma chạy quanh vườn, ở đó, mình thấy một hiển hiện vĩnh cửu, nhà là gì, nhà là nơi người sống và người chết chung sống thuận hòa.
----
1Thiên Chúa phán: “hãy dựng nên con người theo hình ảnh giống như ta […] Hãy sinh sôi nảy nở cho nhiều, đầy mặt đất, và thống trị nó…”- Sách Sáng Thế.
* Biên kịch, giảng dạy cảm thụ phim tự do.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét