Thứ Hai, 17 tháng 8, 2015

Hội họa Việt Nam có nguy cơ mất gốc?



Tố Lan



-
 Có thể nói quá nửa người dân Việt Nam hiện nay khi được hỏi có hiểu gì về hội họa Việt Nam không đều trả lời rằng: chẳng hiểu họa sĩ vẽ gì và muốn diễn tả cái gì. Những năm gần đây, triển lãm mở nhiều, galery mở nhiều nhưng người yêu thích tranh thì lại ít. Những bức tranh có giá cao hoặc là khách nước ngoài mua hoặc là người lắm tiền thưởng thức tranh kiểu trọc phú. Trong những ngôi nhà hàng chục tỷ đồng, bên một bộ tràng kỷ gỗ uốn éo cổ điển lại treo một bức tranh hiện đại thời thượng chẳng ăn nhập chút nào.


Đâu là con đường phát triển của hội họa Việt Nam


Nhìn vào mặt bằng chung có thể nhận xét hội họa Việt Nam đang thời kỳ phát triển: các triển lãm cá nhân đều đều ra mắt, các galery mọc lên như nấm, các nghệ sĩ xuất ngoại bằng con đường cá nhân hoặc Nhà nước nhiều, thị trường buôn bán tranh khá nhộn nhịp… Có điều là triển lãm tổ chức nhiều nhưng mục đích lại là để họa sĩ xuất hiện và bán tranh chứ hiệu quả đối với công chúng rất ít. Dường như giờ đây, đối tượng phục vụ của nghệ thuật hội họa là khách hàng chứ không phải quần chúng nhân dân. Mà khách hàng ấy là ai? Chủ yếu là người nước ngoài, Việt kiều hoặc những người đi ra nước ngoài. Chính vì thế, hội họa Việt Nam những năm gần đây dường như mất gốc. Để hội nhập, nhưng mục đích chính là thương mại, người ta bắt đầu vẽ theo nhiều trường phái mà nhìn tranh, không ai biết tác giả của nó là người nước nào.


Thiên tài như Picatxo hay Vangoc thì cũng phải có bản sắc riêng hay như xem tranh của Savado Dali người ta vẫn biết ông gốc gác Tây Ban Nha. Nghệ thuật là phải mang bản sắc văn hóa dân tộc, hội họa cũng không ngoại lệ. Người họa sĩ có thể hòa nhập vào dòng chảy hội họa thế giới, nhưng bao giờ cũng phải có ý thức giữ bản sắc riêng của mình. Chúng ta đã chẳng từng có một danh họa Nguyễn Phan Chánh - người đặt nền móng cho tranh lụa Việt Nam hiện đại, mang phong cách hội họa tân thời nhưng vẫn không rời xa nguồn mạch văn hóa dân tộc. Tranh của các họa sĩ Việt bây giờ thì sao? Họ cũng vẽ người một mắt, người có mắt nằm trên trán, rồi cả những bức với các nét vẽ nghều ngào diễn tả điều gì thì công chúng chịu, chả hiểu nổi.


Thế mà lại có những người vỗ tay, nhưng tôi đồ rằng trong số đó có cả những người vỗ tay a dua, kiểu như thấy hoàng đế không mặc gì nhưng ai cũng khen bộ quần áo hoàng đế mặc đẹp vì không khen thì bị bảo là ngu. Căn bệnh a dua đã khiến cho nhiều họa sĩ hoang tưởng. Cũng có một số họa sĩ bán được tranh theo xu hướng đó, thế là họ lao vào vẽ tranh lập thể, tranh trừu tượng, tự huyễn hoặc chính mình và trở thành những “đệ nhất tinh tướng”, cao giọng tuyên ngôn phải vẽ thế mới thời thượng, thậm chí có người còn tự làm giá tranh của mình 10 triệu đô hoặc 10 tỷ đồng… Còn hỏi thì họ lại bảo rằng, vẽ tranh mà phải giải thích là vẽ cái gì thì không còn là hội họa, rằng bảo người khác cảm nhận như mình là điều rất khó, nhưng nếu tranh gây được ấn tượng là tốt rồi.


Vì thế, đa số công chúng chán, không còn muốn đi xem các phòng tranh chứ đừng nói đến việc mua tranh. Nói như thế không phải người Việt không chơi tranh, nhưng nó vẫn thuộc thú chơi cao cấp và xa xỉ nên chỉ những cơ quan lớn, công ty lớn, khách sạn mua tranh với mục đích tăng cường quan hệ thương mại, tức là tự làm sang mình để mưu cầu việc khác chứ không phải để thưởng thức nghệ thuật. Có thể nói, hiện nay, giới họa sĩ là những người giàu nhất trong giới nghệ thuật. Một khi nét vẽ của họ đã đúng “luồng” thì mỗi bức có giá hàng nghìn USD, khá hơn có thể 10.000 USD hoặc hơn thế với những bức vẽ khổ to. Và không ai không giật mình khi nghe tin bức vẽ của hoạ sĩ này, hoạ sĩ nọ đã từng được đặt giá 100.000 USD nhưng không hiểu đã bán được chưa.


Từ đối tượng khách hàng như thế, đa số họa sĩ hiện nay đã rời bỏ chức năng dùng hội họa để phản ánh cuộc sống mà chọn đề tài theo sự yêu thích của khách hàng. Xu hướng khách hàng thích gì vẽ nấy đã thu hẹp phạm vi sáng tạo của nghệ sĩ. Thậm chí có họa sĩ đi maketing trước nhu cầu của khách hàng rồi mới về “sáng tạo”. Lại có cả họa sĩ tên tuổi hẳn hoi, khi thấy loại tranh đó bán chạy đã vẽ hàng loạt như kiểu sản xuất đồ mỹ nghệ. Đôi khi anh ta cũng giật mình, muốn phá phách nhưng lại tự nhủ “khéo mà hỏng” nên đành co lại. Yên ổn và thành công dẫn người họa sĩ đến chỗ trì trệ. Cũng lại có họa sĩ vẽ kiểu commăng, giá cả đã thỏa thuận, khi đó chẳng còn đâu sự sáng tạo mà vẽ theo ý đồ của người bỏ tiền mua.


Đánh giá một cách thật nghiêm túc, chục năm trở lại đây, các họa sĩ Việt Nam đã tạo ra một không khí tưng bừng và dân chủ trong hội họa. Song có điều ý thức vẽ tranh để bán, nghĩa là coi mục đích thương mại hơn mục đích nghệ thuật đang trở thành ý thức chủ đạo dẫn dắt việc sáng tác của rất nhiều họa sĩ để đến mức những họa sĩ tâm huyết phải thốt lên “tranh Việt Nam thương mại quá mức rồi”. Goocki từng nói một câu đại ý là: chúng ta viết để làm gì thì sẽ dẫn đến việc viết như thế nào. Đối tượng và mục đích của hội họa như thế nên chẳng có gì ngạc nhiên khi hội họa Việt Nam chịu ảnh hưởng các trường phái phương Tây, nghiêng về vẽ trừu tượng và siêu thực, vẽ những cái mà người xem chẳng hiểu và chẳng giải thích được. Đó là cái bệnh của hội họa Việt Nam khi chịu ảnh hưởng phương Tây, dẫn tới phương pháp sáng tác xa lạ với hội họa truyền thống Việt Nam.


Hội họa Việt Nam dành cho ai?

Phải nói rằng hội họa Việt Nam chịu ảnh hưởng nhiều của hội họa phương Tây vì thị trường của nó lớn và tác phẩm của nó không bị rào cản, cho nên các họa sĩ đang hướng đến vẽ phục vụ người nước ngoài. Vì thế, sinh hoạt hội họa phát triển không bình thường, tranh vẽ nhiều, bán nhiều nhưng công chúng lại không hào hứng. Thực tế thì thước đo mua tranh của khách nước ngoài với Việt Nam mới vì lạ chứ chưa phải vì tài. Việt Nam chưa có họa sĩ nào được khẳng định tên tuổi như họa sĩ thế giới, có chăng chỉ vài họa sĩ Việt Nam ở nước ngoài như Lê Phổ, Lê Bá Đản, Điềm Phùng Thị được ngợi khen, nhưng thực chất cũng là vì sự độc đáo chứ chưa phải vì tài năng xuất chúng.


Có thể nói, mấy năm gần đây chưa có bức tranh nào gây thành sự kiện như tranh Phố của Bùi Xuân Phái, Thiếu nữ bên hoa huệ của Tô Ngọc Vân, Em Thúy của Trần Văn Cẩn, Chơi ô ăn quan của Nguyễn Phan Chánh. Những bức tranh này đến giờ ai nhìn cũng vẫn thấy đẹp, khi in lại chỉ là ảnh tranh mà người ta vẫn thích. Nhưng vì đối tượng thưởng thức của hội họa đã thay đổi, quần chúng không còn là khách hàng nên trường phái tả thực không còn phát triển. Công chúng Việt Nam với tư cách khách hàng có tiền để mua tranh với giá mấy nghìn USD để treo trong nhà không nhiều (mặc dù rất muốn), điều kiện kinh tế chưa cho phép mà mới chỉ dám bỏ ra vài trăm nghìn đồng để mua ảnh tranh hoặc tranh sao chép, cũng là để thỏa mãn một nhu cầu làm sang cho ngôi nhà của mình. Chỉ có điều, vừa đến thăm nhà này thấy bức tranh Mùa xuân con nước của Levitan, mấy bữa sau tới chơi nhà người bạn khác lại cũng thấy bức đó chễm chệ trên tường. Hay các bức tranh lá đỏ, đồng lúa vàng… thì nhan nhản ở các nhà.


Nhu cầu khách hàng như thế đã làm cùn chức năng sáng tạo của họa sĩ, ngay cả họa sĩ tên tuổi cũng lao vào con đường sản xuất hàng loạt, quanh đi quẩn lại vẫn vẽ giống nhau khiến họ không vượt qua được chính bản thân họ. Chưa kể bây giờ nhiều họa sĩ học đòi, huyễn hoặc về mình, vẫn chẳng tạo ra được phong cách riêng, dùng màu sắc nhộn nhạo vẫn không che lấp được sự yếu kém về hình họa. Cái yếu nhất của phần lớn họa sĩ trẻ bây giờ là không có gốc. Cứ thử đặt các bức tranh của họa sĩ Việt Nam cùng các bức tranh của họa sĩ nước ngoài, đố ai nhận ra tác phẩm của các họa sĩ Việt Nam. Vì không có bản lĩnh và tài năng nên chưa kịp hội nhập, những “nghệ sĩ” sùng ngoại này đã bị hòa tan trong dòng chảy của nó và các “siêu phẩm đầu Ngô, mình Sở” của họ đã trở nên xa lạ ngay trên chính mảnh đất đã nuôi dưỡng họ.

Thái cực quyền-Nét đặc sắc của võ thuật Trung Hoa






Nguyễn Diệu Minh Chân Như




Cũng như Yoga của Ấn Độ, ngày nay, môn Thái cực quyền đã được toàn thế giới biết đến như một thành tựu độc đáo của người Trung Hoa.Thái cực quyền, trước hết là một môn võ thuật. Nhưng nó không chỉ là võ thuật. Nó còn là sự biểu hiện cụ thể, sinh động và độc đáo của hệ thống tư tưởng, triết lý và vẻ đẹp văn hóa Trung Hoa.

“Thái cực “…là một danh từ được dùng đầu tiên ở Dịch kinh. Quyển kinh này quan niệm rằng lúc trời đất (tức địa cầu) chưa hình thành là Thái cực (hoặc còn gọi là Thái sơ, Thái nhất nữa). Sau, đến nhà Tống, có Chu Đôn Di vẽ ra một bức Thái cực đồ, có thuyết minh kỹ càng, nhằm giải thích ý nghĩa hàm ngụ và sự biến hóa phát triển của ý niệm Thái cực”(1). Tiếp theo sau đó, “đời Thanh Càn Long (Cao Tôn Hoằng Lịch, làm vua từ 1736-1796 – ND) có nhà võ thuật dân gian ở tỉnh Sơn Tây là Vương Tông Nhạc dùng Chu tử toàn thư mở rộng Dịch kinh về triết lý thái cực âm dương để giải thích quyền lý rồi viết thành sách Thái cực quyền luận và tên gọi Thái cực quyền từ đó mới được xác định”(2).

Chúng ta đều nhận thấy, ngay như tên gọi của Thái cực quyền cũng đã mang đậm sắc màu của triết học truyền thống Trung Hoa, chứng tỏ được nguồn gốc văn hóa sâu xa của nó. Và quả thực, “…sự hình thành Thái cực quyền có nguồn gốc, bối cảnh văn hóa rất sâu xa”(3).

Mặt khác, Thái Cực quyền còn có một mối quan hệ chặt chẽ đối với sinh hoạt tôn giáo của xã hội Trung Quốc thời xưa. Đó chính là sinh hoạt của Đạo giáo, đặt trọng tâm trong việc tu luyện phép đạo dẫn để được trường sinh. Thái cực quyền “…thu nạp cả phép đạo dẫn, phép thổ nạp, cả đến học thuyết kinh lạc của Trung y”(4).

Có thuyết cho rằng Thái Cực quyền xuất phát từ núi Võ Đang – một thánh địa của Đạo giáo, do đạo sĩ Trương Tam Phong sáng tạo nên. Dù thuyết đó đúng hay sai thì mối quan hệ giữa Thái cực quyền và Đạo giáo được xác định là khá mật thiết. Mối quan hệ đó trước hết ở cách nhìn về sinh mệnh con người. Một quyển sách quan trọng của Đạo giáo là Huỳnh Đình kinh (xuất hiện cách nay hơn 1.600 năm) đề ra một quan niệm hết sức độc đáo là: “Nhân thể hữu thần linh” (thân thể con người có thần linh). Gạn lọc yếu tố thần bí, nhà nghiên cứu Dr. Rolf Homann đã chỉ ra yếu tố thực tiễn, tích cực của quan niệm này: “Qua sự phân tích của ông (Dr. Rolf Homann), ta thấy quan niệm thân thể con người có thần linh của Đạo giáo Trung Quốc dẫn đến hệ quả quan trọng: giá trị con người rất cao quý. Con người không phải là thứ động vật hai chân sống hoàn toàn theo bản năng, mà chính là một trong tam tài, là một tiểu vũ trụ… Sinh mệnh của mỗi cá nhân, do đó đều rất quý, không ai được phép tự hủy mình hay phương hại đến sinh mạng người khác”(5).

Điều này đã gặp gỡ quan niệm của những người luyện Thái cực quyền. Khác với các môn võ thuật khác như Thái quyền đạo, Không thủ đạo…, Thái cực quyền không phải là một môn võ sát thủ, cũng không đặt mục tiêu công phá lên hàng đầu. Tính chiến đấu của Thái cực quyền thể hiện rõ nhất ở hai điểm: bất đỉnh và bất đâu. Đả thủ ca, Sơ hữu Vương Tông Nhạc có viết: “Dẫn tiến lạc không hợp tức xuất, triêm liên niêm tùy bất đâu đỉnh” (dẫn địch tiến vào chỗ trống, thu người chính là để phát lực, thâm nhập, liên tục, dính sát, nương theo, không cách ly, không nghịch thế). Bất đỉnh tức là không được không thuận. Hệ quả của nó là quyền pháp Thái cực quyền yêu cầu hóa giải trước rồi tấn công sau. Bất đâu nghĩa là không được rời ra. Hệ quả của nó là, trong chiến đấu, Thái cực quyền thể hiện nguyên tắc người tiến, ta thoái lui để hóa giải; người thoái, ta thuận thế truy kích. Điều này tạo nên tình thế bất niêm bất xuất (không dính không rời), một tiến một lùi, một thuận một nghịch, một âm một dương. “Tượng hai con cá tròn dựa nhau, khớp như luyện tập đẩy tay Thái cực quyền (tức là luyện tập thôi thủ ) hai người cùng ra lực đẩy tay theo hình. Trong khi luyện tập, tay hai bên tạo thành hình tròn không ngừng biến hóa, bên tiến bên lùi, bên co bên duỗi, áp bên dán theo, chính là phù hợp bên âm bên dương, bên dương bên âm thay đổi, cùng nhau tiêu trưởng, đúng đạo lý thay nhau biến hóa”(6).

Như vậy, hai đối thủ, trong cách nhìn của Thái cực quyền, chính là hai cực đối lập mà thống nhất, mâu thuẫn mà hòa hợp. Cách nhìn đó giúp cho Thái cực quyền thoát khỏi sự hạn chế của bạo lực và tự nâng mình lên tầm cao của nghệ thuật. Và cũng có lẽ nhờ vậy mà “phương pháp thôi thủ cận đại này có thể tránh sự cố phương hại đối phương, hạn chế các phép đánh đấm”(7).

Khi đơn luyện, tức luyện quyền lộ, bản thân người luyện Thái cực quyền được xem như là một thái cực. Vì thế mỗi động tác đều phân hư thực, nhanh chậm, cương nhu, vuông tròn: “…Thái cực quyền biểu hiện ở động tĩnh, cương nhu, hư thực, mở đóng (khai hợp)… là các trạng thái đối lập thống nhất”(8). Đây cũng chính là cách nhìn của truyền thống văn hóa Trung Hoa về con người. Con người chính là một vũ trụ thu nhỏ. Trong con người cũng có âm dương, với đầy đủ tính chất đối lập và thống nhất. Nghĩa là con người có cùng bản thể với toàn bộ vũ trụ to lớn bên ngoài. Rèn luyện Thái cực quyền chính là quá trình hướng đến sự cân bằng âm dương trong con người. Nó chủ trương đạt được sự tĩnh tại của nội tâm thông qua hình thái vận động tròn trịa, viên mãn bên ngoài: “…Thái cực quyền thể hiện động tác tròn trặn, luôn luôn không rời đường cung tròn, khiến động tác toàn bài chuyển vận liền lạc, một khí mà thành”(9).

Vì lý do đó, ta có thể nói, Thái cực quyền không chỉ là bài tập thể lực, mà quan trọng hơn, nó còn là một bài luyện tinh thần, tâm trí, cách nhìn, tính cách. Không phải ngẫu nhiên mà tâm và ý được nhấn mạnh trong Thái cực quyền như là những yếu tố then chốt: “Tâm vi lệnh, khí vi kỳ, yêu vi đạo” (tâm là lệnh, khí là cờ lệnh, eo là cờ nhận lệnh)(10); “tiên tại tâm, hậu tại thân…” (trước ở trong tâm sau mới ở trong thân…) (11); “toàn thân ý tại tinh thần, bất tại khí, tại khí tắc trệ” (toàn thân ý ở tinh thần, không ở khí, ở khí thì trì trệ) (12). Để có thể có được sự vận động tự nhiên liên tục như nước chảy thành dòng, “tịnh như sơn nhạc, động nhược giang hà” (yên tịnh thì như núi lớn, chuyển động thì như sông dài) (13), người luyện Thái cực quyền cần phải đạt đến một tâm tư bình tĩnh, lắng đọng, không hấp tấp nóng nảy, không cố chấp, không phô trương. Đây chính là mối quan hệ mang tính cách biện chứng giữa vận động thể lý và trạng thái tâm lý.

Sự thành công của Thái cực quyền trong việc bảo vệ sức khỏe, phát huy nghệ thuật chiến đấu, nâng cao đời sống tinh thần cho con người, mang ý nghĩa văn hóa xã hội rộng rãi, một mặt, là nhờ nó có cơ sở vững chắc từ học thuyết âm dương ngũ hành, “từ đời Tống trở đi là một trong ba tư trào triết học lại chính là cơ sở triết học của Thái cực quyền”(14); nhưng mặt khác, nó cũng chính là sự kiểm chứng từ trong thực tiễn cho tính đúng đắn của triết lý âm dương ngũ hành.

Ngày nay, Thái cực quyền đã phát triển thành nhiều hệ thống nhưng nó vẫn nhất quán ở cơ sở tư tưởng triết lý của nó. Có thể kể đến 5 hệ thống phổ biến nhất của Thái cực quyền (Thái cực quyền ngũ đại gia) là: Thái cực quyền kiểu họ Trần do Trần Vương Đình đời Minh sáng lập; Thái cực quyền kiểu họ Dương do Dương Lộ Thiền (1799-1872) sáng lập; Thái cực quyền kiểu họ Võ do Võ Vũ Tương (1812-1880) sáng lập; Thái cực quyền kiểu họ Tôn do Tôn Lộc Đường (1861-1932) sáng lập và Thái cực quyền kiểu họ Ngô do Ngô Giám Tuyền (1834-1902) sáng lập. Các cao thủ Thái cực quyền cận đại có thể kể đến, Trần Phát Khoa (1887-1957) – hậu đại của Trần Vương Đình; Dương Trừng Phủ (1838-1936) – cháu của Dương Lộ Thiền…

Sang TK XXI, một thế kỷ hiện đại với sự phát triển ồ ạt của khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin, chẳng những môn võ mang tính truyền thống như Thái cực quyền không bị quên lãng mà trái lại, nó đã được khắp thế giới biết đến; “Thái cực quyền không chỉ lưu hành rộng khắp cả nước (Trung Hoa) mà đang dần mở ra với thế giới”(15). Nó đã trở thành một trong những phương pháp tốt nhất giúp con người thoát khỏi mặt tiêu cực của đời sống cơ giới, và giúp giữ lại sự nhạy cảm, tinh tế vốn có của con người, giữ lại sợi dây liên lạc giữa con người và tự nhiên, đúng như một nhà vật lý phương Tây Fritjof Capra đã nhận định: “…Phép tập Thái cực quyền không phải nghe sao tập vậy mà phải luôn luôn cùng thày bước lại từ đầu… Phép đánh quyền Trung Quốc đòi hỏi bàn tay vận động tự nhiên, không gò bó. Tất cả những phương thức đó được phương Đông áp dụng nhằm phát triển mặt trực giác của ý thức”(16).

Đất nước Trung Hoa rộng lớn và có lịch sử phát triển lâu đời, dĩ nhiên, hệ thống văn hóa, tư tưởng vô cùng phức tạp. Nhưng ngày nào họ còn trân trọng giá trị tư tưởng về sự hòa hợp được đúc kết trong những thành tựu văn hóa đặc sắc như Thái cực quyền thì họ vẫn giữ được sợi dây liên hệ của lịch sử để có thể bước tới tương lai.



Chú thích :

1. Đàm Trung Hòa, Hỏi đáp về Thái cực quyền, Nxb TP.HCM, 1996, tr.10.

2, 3, 4, 6, 8, 9, 14, 15, Trịnh Cần, Điền Vân Thanh, Võ thuật thần kỳ, Nxb Hà Nội, 1996, tr.149, 150, 17, 249.

5. Dr. Rolf Homann, Lược khảo Huỳnh Đình kinh, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2003, tr.3.

7, 10, 11, 12, 13. Nguyễn Anh Vũ biên dịch, Thái cực quyền toàn tập, Nxb Đồng Nai, 2000,tr.255, 547, 549, 545.

16. Fritjof Capra, Đạo của vật lý, Nxb Trẻ, TP.HCM, 2001, tr.50.

Tiếp cận nghệ thuật



hoạ sĩ Đỗ Đức



1 – Muốn hiểu một tác phẩm nghệ thuật , bức tranh, bài thơ, truyện ngắn và to tát hơn là tiểu thuyết thì người xem , người đọc cũng phải học thì mới tiếp cận được
Học để biết đặc trưng ngôn ngữ của từng loại hình nghệ thuật, cách tạo dựng hình tượng, ngay cả tính cách nghệ sĩ cũng cần phải đọc được để hiểu, có người thô ráp, có người dịu dàng , Mỗi tính cách tạo ra một diện mạo tác phẩm khác nhau. Và Nghệ thuật chính là cái đẹp riêng biệt cửa những tính cách khác nhau đó. Nghệ thuật cũng chỉ quý ở những sáng tạo cá thể ấy. Kẻ ăn cắp trong nghệ thuật cóp pi, bắt chước làm cho nghệ thuật nghèo nàn nên bị ghét bỏ là vậy.
Xem tranh, nghe nhạc, đọc sách, thưởng thức tác phẩm múa, ngắm nhìn tác phẩm kiến trúc nói gọn lại chính là bạn đang “đọc” tác phẩm nghệ thuật. Không biết , không hiểu ngôn ngữ cửa từng loại hình nghệ thuật thì sao đọc được, nghĩ sai đúng lẫn lộn, cuối cùng chỉ bằng lòng với cảm nhận nhạt nhòa không đưa lại nhận thức gì đáng kể., Đó là sự thiếu hụt đáng tiếc.
Học như tôi nói ở đây không có nghĩa là phải đến trường. Mặc dù mái trường phổ thông , nếu giáo khoa tốt thì cũng cung cấp được những kiến thức ban đầu có tính nguyên lý tối quan trọng. Học như tôi nói là đọc ở sách , nghe bạn bè trò chuyện mà quan trọng nhất là hỏi. Không biết thì hỏi, hỏi sẽ biết, và những cách học từ quán nước, buổi đi chơi, đọc sách nó bổ sung cho nhau, kiến thức dày lên lúc nào không biết.

2 – Hãy nghe một đoạn viết trên FB của bạn Hoai Duc Nguyen để biết thêm cái bi kịch của sự thiếu hiểu biết về ngôn ngữ âm nhạc nó thành vách ngăn nhận thức, làm cho kẻ giàu có tiền tài, ra vẻ ta đây gì thì cuối cùng cũng thành anh hề trong hưởng thụ nghệ thuật:

-“Ở hàng cafe . Anh cafe nâu đeo dây chuyền to nói với anh đen đá đang thêm đường :
– Hôm trước doanh số đạt, hãng bia mời tao đi Sing. Ngày chơi ngắm cảnh quốc đảo. Tối về họ cho đi xem phiên chợ Ba tư.
– Chợ đêm à?
– Khồng, ca nhạc chứ. Bảy giờ đã cơm nước quần áo chỉnh tề lên đường rồi. Vào xem thấy trên sân khấu cả một ban nhạc hoành tráng lắm. Có 32 người mặc comple và 18 váy. Nhạc nổi lên, con bé cùng đoàn bảo: – Lạc đà đang đến chợ.
Mẹ kiếp, toét cả mắt không thấy lạc đà đâu. Nhạc vẫn cứ rền lên. Chẳng có con lạc đà nào cả. Lại nghe tiếng con bé bên cạnh :
– Những kẻ hành khất đang cầu xin bố thí.
Giời ạ, con này điên rồi. Vẫn chỉ có 18 váy và 32 comple trên sân khấu chứ có đíu ai đâu mà phiên dịch láo thế là cùng. Con này chắc bệnh hoang tưởng.
Mình tựa vào vai ghế lim dim, lim dim rồi đánh một giấc.
– Công chúa xinh đẹp đang đến chợ.
Mình tỉnh cả ngủ, bật dậy. Công chúa đâu. Vẫn là 50 mống đang đánh đàn. Lần này thì không thể chịu nổi. Mình lao ra khỏi rạp. Nhạc vẫn dậm dật trên sân khấu. Hàng trăm người vẫn dán mắt lên xem công chúa mà làm chóa gì có ai. Sao coi thường khán giả du lịch thế nhỉ. Cái bọn Sing này nhá, chúng mày liệu thần hồn. Ông thề sẽ không bao giờ xem môn lừa đảo này nữa.
Anh cafe nâu kể xong, anh đen đá gật gù : Ờ đúng là bọn lừa đảo quá. Thuê 50 đứa chơi nhạc mà không thuê nổi một đứa lên hát. Đúng là pó tay luôn. Sing ơi là Sing.”

Nếu không học, không có hiểu biết chỉ hưởng thụ theo bản năng thì bi kịch sẽ là như vậy.
Bản năng luôn là sự thiếu hụt. Bản năng không thay thế cho kiến thức được.

3 – Tôi là họa sĩ sáng tác, có nhiều tác phẩm được lưu giữ trong Bảo tàng mĩ thuật quốc gia ( 14 tranh), cũng có phần nào từng trải trong sáng tác, có thất bại và có thành công. Tôi cũng rút ra được chút căn cốt của nghề.
Với tôi, bức tranh nào cũng đi từ cái thực từ cuộc đời thực. không có chuyện bịa. Nhưng như vậy không có nghĩa là chép lại cuộc sống, mà những hình ảnh đó tôi chỉ mượn để gửi gắm cảm xúc và suy nghĩ của mình trước cuộc sống xã hôi, Nó là phương tiện chuyển tải cho nhãn quan nghệ thuật của mình thôi.
Tranh bịa nó như hình nhân bán khoán, thiếu hồn cốt nên không bao giờ có truyền cảm gì tới người xem.
Không có bột sao gột lên hồ. nguyên lý là vậy.

Tôi cũng là người viết báo viết văn. Tôi nhận ra viết tản văn, truyện ngắn, giống như vẽ. tản văn hay truyện dù vài trăm chữ hay vài ngàn vài vạn chữ chữ đều có những mẫu thật ở ngoài đời, không bịa được đâu. Nhưng mẫu đó chỉ như cái khung cốt của người làm tượng để họ đắp da thịt vào để hình thành nhân vật của nhà nghệ thuật..

Một ví dụ ngắn:


Viết Vàng lửa, kiếm sắc của Nguyễn Huy Thiệp, ông mượn hình tượng vua Quang Trung, người đã đạt đến tuyệt đỉnh vinh hoa phú quý để dựng hình tượng nhân vật của mình. Nhân vật đã ở vào tuyệt đỉnh vinh hoa mà vẫn thèm khát vinh hoa, thèm khát một bà Ngô Thị Vinh Hoa giả tưởng mà không với tới để khi chết vẫn không nhắm được mắt, nhân vật của ông tới đó đâu phải Nguyễn Huệ ! Nhưng nghe nói Nguyễn Huy Thiệp suýt bị Bình Định kiện vì tội “ Phỉ báng danh nhân” của họ!Cách đọc của mấy vị lãnh đạo Bình Định chỉ nhìn thấy Nguyễn Huệ mà không thấy hình tượng. Các vị đang ở trình độ đọc báo lấy tin, chứ không phải đọc văn học nên nhà văn dễ bị hệ lụy khi người cầm quyền không có năng lực nhận biết và thẩm thấu văn học. Khi họ quy kết thì có trời cãi!
Còn có thể viện dẫn thêm nhiều tác phẩm bị cách đọc văn học méo mó gây sự như tác phẩm “ Sóng ở đáy sông” của Lê Lựu chẳng hạn, cũng bị một người Hải Phòng định kiện vì họ nhận thằng Sóng là hình ảnh người nhà họ bị bêu riếu trong truyện!

Cái chết dở là văn học trong nhà trường đã dạy không thấu đáo, rồi nhiều người học cũng không thấu đáo, không chịu nhớ. Ra đời không đọc sách, không chịu học thêm, sống theo thói quen đơn giản. Cái thiệt của họ là không bao giờ thưởng thức được trọn vẹn tác phẩm nghệ thuật, họ không “đọc được mạch ngầm văn bản ở sau văn” như Chế Lan Viên đã từng nói. Nhưng nguy hại hơn là từ cái nhìn văn học nghệ thuật méo mó mà người đó ở vị trí có quyền lực phán xét thì sẽ là cửa tử cho Văn học- nghệ thuật!

Tác phẩm mĩ thuật cũng vậy. Khi người xem băn khoăn họa sĩ vẽ ai, ở đâu, và suy diễn tiếp : vẽ với dụng ý gì… thì họ đã bước chân ra ngoài sới thưởng thúc nghệ thuật, mà đang sống với sự tìm hiểu cái vỏ của nghệ thuật và đặt vấn các dấu hỏi . Những người vẽ siêu thực, biểu hiện thì càng bị nghi ngờ kinh hơn nữa.. Cái tai nạn của văn học nghệ thuật thường là có gốc gác từ đây.
Đó là cái nhìn méo mó không thấu đáo do không được giáo dục từ phổ thông về cách xem, cách đọc thì sẽ sinh ra thế. Họ sẽ nhìn nghệ thuật theo bản năng, và phán xét từ cảm tính
mình thành ra chỉ có võ đoán chụp mũ .Văn học nghệ thuật được nhờ gì từ môi trường ấy?

TỨ TƯỢNG Chương 7. Chu kỳ hoạt động của Tứ Tượng




Tứ Tượng là bốn yếu tố căn bản tạo thành vũ trụ, mỗi yếu tố ấy hoạt động mạnh mẽ một thời kỳ, sinh ra một sắc thái đặc biệt, một phong vị đặc biệt, một tác dụng đặc biệt. Ví dụ:

Mộc, hoạt động mạnh mẽ vào mùa Xuân của năm, của con người, hay của vũ trụ, làm cho vạn vật sinh sôi, cơ thể con người nảy nở, vũ trụ triển dương. Vì tương ứng với Xuân, nên Mộc có màu xanh, vì Xuân sang thời cỏ non xanh rợn chân trời. Mộc tương ứng với vị chua, cũng y như con người khi còn trẻ thường cong cớn, chua ngoa, coi mọi người bằng nửa con mắt, coi trời bằng vung.

Hỏa, hoạt động vào mùa Hạ của mỗi năm, của con người, hay của vũ trụ. Hỏa tượng trưng cho sự hăng nồng, sự muốn phát triển đến tột độ, phóng phát đến tột độ. Hạ thời cỏ cây đầu hoa lá rực rỡ muôn màu, con người thì huyết khí phương cương, lao mình vào trường đời để tìm cầu danh lợi; vũ trụ thời bành trướng đến kỳ cùng và cuộc phong trần cũng đầy khổ ải...

Kim, hoạt động vào mùa Thu. Đó là lúc cỏ cây kết quả, con người thu lượm thành quả, vũ trụ cũng đã đi vào con đường thu liễm.

Sự suy tàn bác lạc đã được báo tri với những lá vàng bay trước gió, với những làn sương trắng phủ đầu non, với những mái tóc hoa râm, với những làn tâm sự đã bắt đầu đượm hơi thu mệt mỏi.

Lúc này đã:

Mùi tục lụy lưỡi tê tân khổ
Đường thế đồ, gót rỗ kỳ khu...


Lúc này là lúc con người muốn quay trở về với lòng mình, với Trời, với thiên nhiên, sau khi đã dấn thân vào ngoại cảnh, và qui ước....

Thủy hoạt động với mùa Đông. Đó là thời kỳ mà cỏ cây thu nhựa vào phía bên trong để chuẩn bị một mùa Xuân mới; vũ trụ cũng thu tàng, cũng súc tụ (contraction, intériorisation) và con người cũng thấy lòng mình trở nên lạnh lùng đối với ngoại cảnh, và muốn quay trở về sống một cuộc sống nội tâm, siêu thoát hơn...

Vũ trụ thiên nhiên cũng sẽ thu súc lại để chuẩn bị cho một chu kỳ biến thiên, hoạt động mới....

Xoay trục sang Châu Á: Tầm nhìn và Hành động


Tác giả: Nguyễn Quang Dy


Từ “Xoay trục” đến “Tái cân bằng” đến “Xoay trục 2.0”: Tiếng kèn ngập ngừng

Quan điểm của Hillary Clinton về Châu Á có tầm nhìn chiến lược và được các nước Châu Á hoan nghênh (trừ Trung Quốc). Nếu bà Clinton được bầu làm Tổng thống thì sẽ là tin mừng đối với Châu Á (nhưng sẽ là tin buồn đối với Trung Quốc). Tuy nhiên, giữa tầm nhìn và hành động có một khoảng cách. Làm thế nào để thu hẹp khoảng cách này?

Gần đây người ta thường nói đến “Xoay trục sang Châu Á” như một cụm từ thông dụng và là tâm điểm chính sách Châu Á của chính quyền Obama. Vậy nó được hình thành như thế nào, thực chất là gì, và triển vọng ra sao? Thực ra ngay từ đầu, nó không phải là kết quả nghiên cứu sâu sắc của một think tank nào cả, mà là hệ quả do phản ứng linh hoạt và nhạy bén của các nhà ngoại giao Mỹ, đứng đầu là ngoại trưởng Hillary Clinton.

Chính Hillary Clinton là người đầu tiên đã tuyên bố tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN (2009) rằng Mỹ có lợi ích chiến lược tại khu vực này (làm Trung Quốc tức giận). Các nhà quan sát coi đó là khởi đầu chính sách “xoay trục” hay “tái cân bằng”. Nhưng cả Trung Quốc lẫn các nước đồng minh của Mỹ tại khu vực vẫn chưa thực sự tin vào chủ trương này của Mỹ. Washington phải có tầm nhìn rõ ràng và hành động mạnh mẽ hơn.

Tại Diễn đàn Khu vực ASEAN (Hà Nội, 22/7/2011), ngoại trưởng Hillary Clinton đã chuẩn bị kỹ hơn và đọc một bài diễn văn khẳng định lập trường của Mỹ tại Châu Á (làm ngoại trưởng Dương Khiết Trì tức giận bỏ ra ngoài). Hội nghị đó là một bước ngoặt, khi Mỹ khẳng định lợi ích chiến lược và vai trò lãnh đạo của mình, xóa được phần nào nghi ngờ của đồng minh, và làm Trung Quốc lo ngại. Trong một lần đối thoại với bà Clinton, ông Đới Bỉnh Quốc đã hỏi, “Tại sao các vị không xoay trục đi chỗ nào khác ngoài khu vực này?”

Vào tháng 11/2011, trong một bài dài đăng trên tạp chí “Foreign Policy”, ngoại trưởng Hillary Clinton đã lý giải chính sách “xoay trục” bằng một quan điểm mới là Mỹ chủ động chứ không phải bị động: Mỹ quyết định rút quân khỏi Iraq và Afghanistan là nhằm “xoay trục” sang Châu Á, chứ không phải là Mỹ bị động “thoái lui” trong thế yếu. Hillary Clinton đã đề xuất 6 hành động chủ chốt để “xoay trục” (trong đó có 4 điểm được “mượn” trong nội dung một báo cáo của CSIS). Nhưng tầm nhìn phải có hành đông kèm theo.

Trước khi Tổng thống Obama đến dự Hội nghị Thượng đỉnh Châu Á tại Bali (11/2011), ông đã quyết định đến thăm Australia để tuyên bố điều động 2.500 lính thủy đánh bộ đến Darwin, như một hành động cụ thể để “xoay trục” sang Châu Á, nhằm bảo vệ lợi ích của Mỹ và đồng minh. Tuy nhiên, quyết định mang tính tượng trưng đó lại gây ấn tượng là chính sách “xoay trục” của Mỹ chủ yếu là điều động binh lực, nên không lâu bền. Vì vậy, 6 tháng sau, Washington đã điều chỉnh thuật ngữ “xoay trục” thành “tái cân bằng”.

Dù sao, đó là khởi đầu tốt đẹp mà bà Hillary Clinton đã có công đề xướng nhằm khẳng định lợi ích chiến lược và vai trò lãnh đạo của Mỹ tại khu vực, làm các nước đồng minh tạm yên tâm trước đe dọa ngày càng tăng của Trung Quốc. Nhưng đáng tiếc sau đó, Washing ton đã không có hành động tiếp theo để biến nó thành một chiến lược nhất quán. Hơn nữa, Tổng thống Obama còn hoãn chuyến thăm 4 nước Châu Á và không dự Hội nghị Thượng đỉnh Châu Á tại Indonesia và Brunei (10/2013) vì chính phủ Mỹ “đóng cửa” (do hết kinh phí).

Quyết định không đúng lúc này đã làm cho Tổng thống “mất mặt”, gây hoang mang, nghi ngờ về chính sách “xoay trục” của Mỹ, đánh đi một tín hiệu xấu. Điều này làm người ta nhớ lại “Tiếng kèn Ngập ngừng” (Uncertain Trumpet, Maxwell Taylor, 1960). Tất nhiên Trung Quốc mừng ra mặt, tranh thủ phân hóa ASEAN, tuyên truyền là đừng tin vào Mỹ. Một khi đã mất lòng tin thì rất khó lấy lại. Tại sao một số nước ASEAN ngả theo Trung Quốc? Không phải họ chỉ sợ cái gậy của Trung Quốc, mà họ còn cần củ cà rốt của Trung Quốc.

Tháng 5/2014, Trung Quốc đột ngột đưa dàn khoan HD981 vào Biển Đông, và ráo riết xây dựng các căn cư quân sự và đảo nhân tạo tại các đảo ngầm mà họ chiếm tại Trường Sa và Hoàng Sa. Hành động ngang ngược này đã làm lãnh đạo Hà Nội bị sốc và bừng tỉnh khỏi cơn mê ngủ, và làm Washington giật mình. Trung Quốc đã bộc lộ bộ mặt thật là kẻ cướp muốn chiếm cả Biển Đông, không những đe dọa chủ quyền các nước khu vực mà còn đe dọa tự do hàng hải quốc tế, thách thức lợi ích chiến lược và vai trò cầm đầu của Mỹ.

Đây là bước ngoặt quan trọng làm người Mỹ phải điều chỉnh tư duy chiến lược, nhất là trong giới nghiên cứu và Quốc hội, buộc chính quyền Obama phải có thái độ cứng rắn hơn đối với Trung Quốc. Mỹ đã đưa máy bay trinh sát và tàu chiến đến biển Đông để tuần tiễu, bất chấp Trung Quốc phản đối, đồng thời tăng cường quan hệ với Việt Nam, không chỉ về kinh tế chính trị mà còn cả về an ninh quốc phòng. Vừa rồi, Tổng thống Obama đã đón tiếp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Phòng Bầu dục, bất chấp nhiều ý kiến phản đối. Tổng thống Obama cũng quyết tâm đẩy nhanh quá trình đàm phán TPP, và bỏ dần cấm vận bán vũ khí cho Việt Nam. Các nhà quan sát cho đây là bước ngoặt dẫn đến “Xoay trục 2.0”.

Bản chất chính sách “xoay trục” hay “tái cân bằng” là nhằm “ngăn chặn” Trung Quốc trỗi dậy hung hãn như quái vật “Frankenstein” (Richard Nixon, 1994), đe dọa lợi ích chiến lược của Mỹ và thách thức vai trò lãnh đạo của Mỹ. Vì vậy, từ chỗ ban đầu tìm cách lý giải cho việc rút quân Mỹ khỏi Afghanistan và Iraq, nay Washington đã có lý do chính đáng để chuyển hướng ưu tiên chiến lược từ Trung Đông sang Châu Á-Thái Bình Dương. Có lẽ Mỹ nên cảm ơn Trung Quốc vì họ đã bộc lộ bản chất quái vật Frankenstein quá sớm.

Nhưng tầm nhìn mới đòi hỏi Washington cần phải có hành động mới quyết liệt và đồng bộ hơn. Nhiều người tại khu vực vẫn lo ngại “tiếng kèn ngập ngừng” của Mỹ. Họ cho rằng bà Susan Rice (Cố vấn An ninh Quốc gia) không hiểu biết mấy về khu vực này và cũng chẳng thực sự quan tâm, trong khi đó ông John Kerry (ngoại trưởng) tuy có kinh nghiệm, nhưng lại bị lôi cuốn vào bàn cờ Trung Đông và Châu Âu, nên không còn thơi gian cho Châu Á. Có lẽ vì vậy mà Tổng thống Obama đã hủy bỏ chuyến thăm Châu Á (2013). Hy vọng chuyến thăm Châu Á và Việt Nam dự kiến vào cuối năm nay không bị ông hủy bỏ như vậy.

Trước sưc ép kinh tế và quân sự của Trung Quốc hiện nay, các nước Châu Á rất cần Mỹ. Nhưng họ cần nhất một lập trường nhất quán (không phải là “tiếng kèn ngập ngừng”). Người Châu Á cần Mỹ không phải chỉ để đối phó với nguy cơ Trung Quốc trước măt, mà còn nhằm hợp tác lâu dài, giúp các nước khu vực phát triển và dân chủ hóa. Họ cần có những người hiểu biết và đồng cảm với khu vực, để lắng nghe những mối quan tâm lo lắng của họ. Đấy mới là ý nghĩa thực sự của chủ trương “Tham dự Tích cực” và “xoay trục”.

Nội dung “xoay trục” không phải chỉ có điều động binh lực Mỹ (như điều lính thủy đánh bộ đến Darwin) mà còn phải tăng cường sức mạnh quân sự cho các đồng minh tại khu vực (như bỏ cấm vận bán vũ khí cho Việt Nam). “Xoay trục” không phải chỉ tăng cường hợp tác kinh tế khu vực để tránh lệ thuộc vào Trung Quốc (qua TPP) mà còn thúc đẩy hợp tác văn hóa giáo dục (như dự án Đại học Fulbright). Tuy nhiên, muốn biến tầm nhìn thành hiện thực, cần phải hành động kịp thời và quyết liệt hơn, vì nếu hành động quá ít và quá chậm (too little too late) thì sẽ mất cơ hội hoặc phải trả giá đắt. Nên nhớ là dự án Đại học Fulbright đã bị chậm lại gần hai thập kỷ, và chương trình đào tạo Fulbright (FETP) đã suýt nữa bị xóa sổ.

Tầm nhìn và hành động của Mỹ ở khu vực: Duy trì nguyên trạng


Lich sử tham dự của Mỹ tại Châu Á-Thái bình Dương có thể tóm tắt như sau. Trước và trong đại chiến thứ 2, đối thủ chính của Mỹ ở khu vực này là Nhật, đã canh tân giàu mạnh và quân sự hóa trở thành phát xít. Bắt đầu cuộc chiến, vì chủ quan khinh địch nên Mỹ đã bị Nhật bất ngờ nện cho một trận thua nhục nhã tại Trân Châu Cảng. Đừng tưởng Nhật bắt chước Phương Tây để hiện đại hóa thì sẽ giống phương tây, không đánh Mỹ. Lúc kết thúc cuộc chiến, để ra oai Mỹ đã nện cho Nhật 2 quả bom nguyên tử (tuy không cần thiết).

Sau chiến tranh, trong khi Nhật trở thành đồng minh chính của Mỹ thì Trung Quốc lại trở thành đối thủ chính của Mỹ tại khu vực này. Nhất là sau 1949, Trung Quốc đã trở thành cơn ác mộng mới, làm Mỹ phải đau đầu “ngăn chặn”, dẫn đến 2 cuộc chiến tranh đẫm máu tại Triều Tiên và Việt Nam, làm Mỹ hao tổn bao xương máu, tiền của và thời gian. Nhưng chống Trung Quốc mãi không ổn, Mỹ đã “xoay trục” bắt tay với Trung Quốc để rút khỏi Việt Nam, tập trung chống Liên Xô, và chia sẻ quyền lực với Trung Quốc tại khu vực. Đó là “sáng kiến vĩ đại” của tiến sĩ Henry Kissinger, dẫn đến Shanghai Communique (1972). Đừng tưởng Mỹ bắt tay với Trung Quốc thì Trung Quốc sẽ giống Nhật Bản, không chống Mỹ.

Không phải ông Kissinger không giỏi, và mưu kế của ông ấy không cao. Nhưng tầm nhìn của ông ấy khác với tầm nhìn của người Trung Quốc, và tư duy của người Mỹ khác với tư duy của người Trung Quốc. Ông Kissinger có thể chơi cờ vua giỏi, nhưng chắc không giỏi cờ tướng hay cờ vây. Ông ấy có thể thạo binh pháp Clausewitz, nhưng chắc không thạo binh pháp Tôn Tử. Không biết ông ấy có thực sự tin rằng “Constructive Engagement” là diệu kế có thể thuyết phục người Trung Quốc “trỗi dậy trong hòa bình” không, nhưng thực tế là ông ấy đã giúp Trung Quốc trở thành con quái vật Frankenstein. Chính sếp của ông ấy là cố Tổng thống Nixon đã nghĩ như vậy, và chính đệ tử của ông ấy là Robert Blackwill cũng nghĩ như vậy.

Trong khi Mỹ rút quân chiến đấu khỏi Việt Nam (theo Hiệp định Paris, 1973) và Bỏ rơi Nam Việt Nam (30/4/1975) thì Trung Quốc đã lợi dụng thời cơ “đục nước béo cò” chiếm mấy đảo của Việt Nam ở Biển Đông (1974). Mỹ biết nhưng đã lờ đi, không giúp hải quân VNCH chiếm lại. Chính sách Trung Quốc của Mỹ lúc đó đã “xoay trục” từ “ngăn chặn” thành “tham dự tích cực” (Constructive Engagement). Khi các “đại ca” đã bắt tay nhau, thì các “đàn em” sẽ bị hy sinh hoặc bị bỏ rơi, dù Việt Cộng hay Chống Cộng cũng vậy.

Sau chiến tranh Việt Nam, Mỹ rút quân khỏi Thailand (Utapao, Udon, Korat) và Philippines (Clark, Subic), chỉ giữ lại mấy căn cứ quân sự tại Nhật Bản và Hàn Quốc. Sự có mặt của Mỹ tại khu vực này giảm xuống tới mức thấp nhất, tạo ra một khoảng trống quyền lực, nhất là tại Đông Nam Á nơi các nước ASEAN yếu và dễ phân hóa. Biển Đông hầu như bị bỏ ngỏ, là cơ hội vàng đối với Trung Quốc. Nhưng lúc đó Trung Quốc còn yếu nên chưa dám liều, phải nghe theo Đặng Tiểu Bình “lặng lẽ chờ thời” để “ngư ông đắc lợi”.

Nay Tập Cận Bình lên ngôi đã củng cố xong quyền lực, thấy thời cơ tốt (hoặc vì nội bộ bất ổn) nên đã quyết định đẩy nhanh lấn chiếm và kiểm soát Biển Đông (là nơi vừa xung yếu, vừa nhiều tài nguyên). Chính Tập Cận Bình đã buộc người Mỹ phải mở mắt, tạm biệt chủ thuyết “Tham dự Tích cực” (Constructive Engagement) của tiến sĩ Kissinger, để trở về tương lai với chủ thuyết “Ngăn chặn” (Containment). Nhưng “ngăn chặn” thế nào?

Tầm nhìn và hành động của Trung Quốc: Thay đổi nguyên trạng

Các thế hệ lãnh đạo Trung Quốc đều có tham vọng bành trướng bá quyền, muốn nhòm ngó và thôn tính các nước láng giềng. Vấn đề chỉ là chờ thời gian và cơ hội. Không làm gì có chuyện Trung Quốc “trỗi dậy trong hòa bình” như người Mỹ tưởng. Dưới thời Tập Cận Bình, Trung Quốc đã đủ mạnh, không những là cường quốc hạt nhân và quân sự, mà còn vượt qua Nhật Bản trở thành cường Quốc kinh tế thứ hai thế giới. Lãnh đạo Trung Quốc cho rằng thời cơ đã đến, có thể thách thức vai trò cầm đầu của Mỹ, nhân lúc Mỹ đang lúng túng đối phó với khủng hoảng kéo dài tại Trung Đông và khủng hoảng mới tại Châu Âu.

Về phía Tây, Trung Quốc muốn bành trướng ra khu vực Trung Á giàu tài nguyên và khu vực Nam Á-Ấn Độ Dương có vị trí chiến lược quan trọng. Trong một thời gian dài, Trung Quốc đã thao túng được chính quyền quân sự Myanmar làm con bài để phân hóa ASEAN, và bành trướng Xuống Nam Á. Nhưng từ khi tình hình chính trị Myanmar thay đổi bất lợi cho Trung Quốc và có lợi cho Mỹ, thì hướng bành trướng này bị ngăn chặn. Không phải ngẫu nhiên Trung Quốc gần đây đã thỏa thuận tài trợ cho Pakistan 46 tỷ USD.

Về phía Bắc, Trung Quốc từ lâu đã nhòm ngó và thèm muốn nguồn tài nguyên (dầu hỏa) tại khu vực Siberia rộng lớn, nhưng Nga không phải là đối thủ dễ chơi. Gần đây Trung Quốc lợi dụng cơ hội Nga bị Mỹ và Phương Tây cấm vận vì khủng hoảng Ukraine, để xich lại gần Nga như một “lá bài răn đe” Mỹ và để tranh thủ mua rẻ dầu hỏa của Nga. Nhưng Nga khó trở thành đồng minh chiến lược của Trung Quốc, vì Nga biết rõ tham vọng của Trung Quốc, và không quên Trung Quốc đã từng liên kết với Mỹ để chống Liên Xô.

Về phía Đông, sau khi “bình định” xong Hong Kong và Ma Cao, Trung Quốc muốn thôn tính nốt Đài Loan (là “lợi ích cốt lõi”) và các hải đảo tại Biển Hoa Đông. Việc Trung Quốc tuyên bố “khu vực nhận diện phòng không” tại Biển Hoa Đông và tranh chấp đảo “Điếu Ngư” (Senkaku) với Nhật Bản đã làm khu vực này nóng lên, và làm quan hệ Trung-Nhật căng thẳng. Tuy nhiên, lãnh đạo Trung Quốc thừa hiểu Nhật Bản và Hàn Quốc không phải là những đối thủ dễ chơi vì tiềm lực họ mạnh, và là đồng minh chiến lược của Mỹ.

Về phía Nam, khu vực Đông Nam Á, nhất là bán đảo Đông Dương và Biển Đông là khâu yếu nhất, dễ thôn tính nhất. Trong khi Việt Nam bị Trung Quốc thao túng, thì ASEAN cũng yếu và dễ bị phân hóa. Vai trò Việt Nam trong ASEAN quan trọng không phải vì tiềm lực kinh tế, mà vì địa chính trị đối với Trung Quốc. Trong lịch sử, Việt Nam không bao giờ chịu khuất phục Trung Quốc. Nhưng đáng tiếc là sau thỏa thuận dại dột tại Thành Đô (9/1990) vị trí địa chính trị của Việt Nam đã bị vô hiệu hóa vì bị mắc kẹt trong cái bẫy ý thức hệ với Trung Quốc, bị Trung Quốc khống chế mọi mặt, cả kinh tế lẫn chính trị.

Không phải ngẫu nhiên Trung Quốc ngang ngược tuyên bố chủ quyền “đường chin đoạn”, đem dàn khoan HD 981 đến Biển Đông xâm phạm chủ quyền Việt Nam (5/2014), ráo riết xây dựng các căn cứ quân sự và đảo nhân tạo tại các đảo đá ngầm mà họ chiếm tại Hoàng Sa và Trường Sa. Đây là một bước ngoặt mới trong tầm nhìn của lãnh đạo Bắc Kinh, làm lãnh đạo Hà Nội bị sốc và bừng tỉnh khỏi cơn mê ngủ, và làm cho lãnh đạo Washington cũng phải giật mình lo ngại, buộc phải tỏ thái độ cứng rắn với Trung Quốc. Chính nước cờ thế (gambit) này của Trung Quốc đang xô đẩy Việt Nam vào vòng tay người Mỹ.

Ông Tập Cận Bình đã từ bỏ lời khuyên của ông Đăng Tiểu Bình, và làm ngược lại các lãnh đạo trước đó. Bắc Kinh đã triển khai một chính sách đối ngoại đầy tham vọng với “Giấc mộng Trung Hoa” (China Dream), “Giấc mộng Châu Á-Thái Bình Dương” (Asia-Pacific Dream), “Con đường Tơ lụa Trên biển” (Maritime Silk Road), với những quyết sách kinh tế táo bạo như lập “Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng Châu Á” (Asian Infrastructure Investment Bank) làm đối trọng với IMF. Trung Quốc không chỉ võ mồm, mà đầu tư rất lớn. Theo giáo sư David Shambaugh nếu cộng tất cả các khoản đầu tư của Trung Quốc vào các dự án lớn này, con số lên đến 1.41 ngàn tỷ USD. (Trong khi kế hoạch Marshal trước đây chỉ có 103 tỷ USD).

Như một quy luật, Trung Quốc càng giàu mạnh thì lại càng hung hăng, càng muốn thách thức và thay đổi trật tự thế giới cũ do Mỹ cầm đầu. Việc Trung Quốc gấp rút xây dựng các căn cứ quân sự và đảo nhân tạo tại Biển Đông nhằm kiểm soát toàn bộ vùng biển này là hành động tất yếu, chỉ là vấn đề thời gian. Trung Quốc muốn độc chiếm Biển Đông bằng cách lấn dần từng mảng, như chuyện đã rồi, dù thiên hạ có phản đối nhưng chẳng ai làm gì được.

Nhiều người cho rằng Trung Quốc có tiềm lực kinh tế và quốc phòng rất mạnh (chỉ đứng sau Mỹ) nên có thể làm gì cũng được. Nhưng nếu xét kỹ thì “Gót chân Asin” của Trung Quốc không phải chỉ là vùng xa xôi hẻo lánh khó quản lý như Tây Tạng, Tân Cương, mà ở ngay tại các trung tâm lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải, Thẩm Quyến. Thứ nhất, đó là khoảng cách giàu nghèo và sự bất bình ngày càng tăng của dân chúng, ở thành phố cũng như nông thôn. Số lượng các cuộc biểu tình và bạo động ngày càng tăng, cả về số lượng và quy mô. Bóng ma Thiên An Môn vẫn còn lảng vảng đâu đây, để một ngày nào đó có thể nổi lên bóp cổ chế độ.

Thứ hai, Trung Quốc tuy giàu, nhưng thị trường tài chính/chứng khoán rất dễ bị tổn thương vì nó liên thông toàn cầu. Chỉ trong 3 tuần tháng 6/2015, Trung Quốc đã mất 3.400 tỷ USD (bằng 44% GDP quốc gia). Không biết sự kiện bán tháo chứng khoán gây náo loạn gần đây có “bàn tay thù địch” nào không, nhưng đó là một lời cảnh báo, chắc còn tiếp diễn. Chiến tranh mạng là con dao hai lưỡi đối với trung Quốc. Đó là cuộc chiến không có tiếng súng, không cần tuyên bố, xảy ra chớp nhoáng, nhưng hậu quả khôn lường. Thị trường chứng khoán có thể là mục tiêu đầu tiên của một cuộc chiến tranh mạng giữa các cường quốc.

Thứ ba, chưa biết đấu tranh quyền lực tại Trung Quốc do tập Cận Bình phát động dưới danh nghĩa chống tham nhũng (“đả hổ diệt ruồi”) sẽ dẫn tới đâu, nhưng người ta bắt đầu liên tưởng đến hệ quả “cách mạng văn hóa mới” như “quả bom nổ chậm”. Theo các giới nghiên cứu, 64% dân giàu Trung Quốc (vốn trên 1.6 triệu USD) đã và đang di cư ra nước ngoài. Nếu có biến động về chính trị hay tài chính thì cuộc di cư ồ ạt này (như “bỏ phiếu bằng chân”) sẽ làm nền kinh tế Trung Quốc kiệt quệ nhanh chóng. Có lẽ những lý do nội bộ này là động cơ chính thúc đẩy Bắc Kinh triển khai một chính sách đối ngoại hung hăng hơn, mặc dù tự làm cô lập mình, ngược lại với chiến dịch lấy lòng thiên hạ (“Charm Offensive”).

Trung Quốc sẽ tiếp tục chơi nưóc cờ thế (gambit). Những dấu hiệu gần đây cho thấy, nếu Việt Nam xích lại gần Mỹ, họ sẽ dùng cái gậy để tiếp tục dọa. Nếu biết ta yếu bóng vía, họ sẽ đe dọa bằng kế sách “bên miệng hố chiến tranh”, gây sức ép từ phía Bắc, phía Đông, hay phía Tây Nam. Nếu biết ta tham, họ sẽ dùng củ cà rốt để tiếp tục mua. Cái gậy hay củ cà rốt đều là “sức mạnh cứng” mà họ có thừa. Nhưng cái họ thiếu là “sức mạnh mềm”.

Tầm nhìn mới ở khu vực: Vượt ra khỏi ASEAN

ASEAN là một ý tưởng hay. Nhưng ASEAN 10 không phải là ASEAN 5. Đó là một bức tranh Mosaic, lắp ghép bằng các mảng miếng đa dạng có màu sắc khác nhau, rất dễ bị Trung Quốc phân hóa và thao túng. Đoàn kết ASEAN đến nay vẫn là khẩu hiệu suông. Muốn có một ASEAN mạnh, có tiếng nói chung, ép được Trung Quốc phải theo luật chơi (như “COC” và đàm phán đa phương), thì các nước ASEAN phải ra khỏi “cái hộp thể chế”. Nguyên tắc không can thiệp vào nội bộ nước khác là một điểm yếu hiện nay, khi đối phó với Trung Quốc.

“ARF” (Asian Regional Forum), East Asia Summit, APEC, v.v. là những ý tưởng tốt. Nhưng đến nay, nó chỉ là câu lạc bộ để thảo luận, chứ chưa phải để hành đông, trong khi đó cái bóng đen của con rồng Trung Quốc đã phủ khắp Biển Đông. Những gì mà ARF làm được còn quá ít và quá muộn không đủ đối phó với mối đe dọa của Trung Quốc. Phải có một khuân khổ mới hiệu quả hơn, làm nòng cốt cho an ninh tập thể khu vực.

ASEAN + 1 là một ý tưởng đúng, nhưng đến nay chưa hiệu quả, vì còn thiếu một khuôn khổ thích hợp, để gắn kết với TPP. Trong số các đối tác của ASEAN, Nhật Bản có vai trò quan trọng nhất khu vực Đông Á, nhưng trước đây còn rụt rè. Gần đây, trước sự đe dọa của Trung Quốc, chính phủ của thủ tướng Abe cứng rắn hơn, cuối cùng đã vượt ra khỏi được “cái hộp hiến pháp” để có vai trò an ninh khu vực. Tại Đối thoại Shangri-La, Singapore (29-31/5/2015) Bộ trưởng Quốc phòng Gen Nakatani đã đề xuất cùng 10 nước ASEAN tuần tra Biển Đông. Đây là một ý tưởng đúng, nhưng không khả thi (vì khó huy động cả 10 nước ASEAN).

Australia cũng là một đối tác quan trọng, nhưng lâu nay bị coi là “người ngoài” (odd man out), vì lợi ích chưa thực sự gắn bó với khu vực. Gần đây, Australia còn tự nguyện bỏ tiền ra tìm kiếm chuyến bay Malaysia Airlines 370 bị mất tích tại Ấn Độ Dương (nghe nói là để lấy lòng Trung Quốc). Về thương mại và đầu tư, Australia rất cần Trung Quốc. Nhưng sau khi Chính quyền Obama có thái độ cứng rắn hơn đối với Trung Quốc, điều động máy bay trinh sát đến tuần tra Biển Đông, thì Canberra đã thay đổi hẳn thái độ. Ngày 1/6/2015, Bộ trưởng Quốc phòng Kevin Andrews đã tuyên bố Australia sẽ tiếp tục cho máy bay quân sự bay qua Biển Đông ngay cả khi Trung Quốc thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ).

Nhưng để duy trì lập trường và vai trò tích cực của Nhật Bản và Úc, gắn kết hai đối tác có tiềm lực kinh tế và quốc phòng mạnh tại Châu Á-Thái Bình Dương vào an ninh tập thể khu vực này, phải có một cơ chế mới hiệu quả hơn. Sự chuyển hóa tích cực của bức tranh địa chính trị tại khu vực này sẽ phụ thuôc vào ba yếu tố thiết yếu sau đây.

Thứ nhất, “tam giác đều” Mỹ-Trung-Viêt phải chuyển hóa nhanh thành “tam giác lệch”, với chiều Mỹ-Việt xích lại gần nhau hơn như đối tác chiến lược trên thực tế (de facto), đủ để Việt Nam tin tưởng mà bỏ chính sách “ba không” (thrre no’s) đang làm vô hiệu hóa khả năng bảo vệ chủ quyền của Việt Nam và vai trò Việt Nam trong khu vực. Nhưng muốn thực hiện được yếu tố thứ nhất, phải thực hiện nhanh yếu tố thứ hai.

Thứ hai, phải mau chóng lập “tứ giác chiến lược” (strategic rectangle) gồm Nhật-Việt-Úc-Phi, thành nhóm nước “tiên phong” (frontline) làm nòng cốt cho an ninh tập thể khu vực. “Tứ giác chiến lược” này cần dựa trên “tầm nhìn Đông Á” và thể chế hóa như một “liên minh chiến lược” (strategic alliance). “Tư giác chiến lược” này có 3 lợi thế: (1) Dễ thực hiện vì cả bốn nước đã là đối tác chiến lược/toàn diện, (2) Không sợ “quá nhạy cảm” với Trung Quốc (như đối tác chiến lược Mỹ-Việt). (3) Làm đầu tầu kết nối các nước Đông Á, thực hiện “Tầm nhìn Đông Á” bằng hành động cụ thể (hợp tác quân sự, tập trận và tuần tra chung).

Thứ ba, phải mau chóng chuyển sang “fast track” để sớm biến TPP thành hiện thực, làm cơ sở hỗ trợ những nước yếu như Việt Nam khỏi phụ thuộc vào Trung Quốc, và gắn kết các nước khu vực Đông Á lại với nhau thành đồng minh “cùng hội cùng thuyền”.

Tiến tới “Xoay trục 3.0”: Sức mạnh thông minh


Từ “xoay trục” đến “tái cân bằng” và “xoay trục 2.0” là một quãng đường dài, nhưng vẫn còn “quá ít và quá muôn” (too little too late). Nói theo ngôn ngữ điện ảnh, thì “Chiếc cầu Còn xa” (A Bridge Too Far)” (tên một bộ phim chuyện của Joseph Levine, 1977). Có lẽ đã đến lúc phải nghĩ đến “Xoay trục 3.0”, để đối phó với Trung Quốc, không phải chỉ bằng “sức mạnh cứng” mà còn bằng “sức mạnh mềm” (vì đó chính là điểm yếu của Trung Quốc).

Về thực chất, chính sách “xoay trục” sang Châu Á là nhằm “tái cân bằng” lực lượng để “ngăn chặn” Trung Quốc bành trướng. Việc điều động 2.500 lính thủy đánh bộ đến Darwin, cho máy bay trinh sát và tàu chiến tuần tra Biển Đông, mới chỉ là bước dạo đầu. Mỹ cam kết bố trí 60% lực lượng hải quân ở Châu Á-Thái Bình Dương (trong khi ở Đại Tây Dương là 40%). Hiện nay tỉ lệ bố trí tại hai nơi này là 50-50. Ngoài ra Mỹ phải giúp các nước đồng minh/bạn bè tại khu vực tăng cường lực lượng. Ví dụ, Mỹ đang bỏ dần cấm vận bán vũ khí cho Việt Nam và từng bước nâng cấp quan hệ lên “đối tác chiến lược”, để hải quân Mỹ có thể sử dụng căn cứ Cam Ranh, và hải quân Việt Nam có thể tham gia tập trận và tuần tra.

Ngoài “xoay trục” bằng tái cân bằng “sức mạnh cứng” (hard power), Mỹ phải tái cân bằng “sức mạnh mềm” (soft power) để có “sức mạnh thông minh” (smart power). Muốn “xoay trục” nhanh và hiệu quả, thì cả hai phía phải “cùng xoay”. Vừa phải “xoay trục” về kinh tế (như thúc đẩy nhanh triển khai TPP) nhằm cô lập Trung Quốc, vừa phải “xoay trục” về văn hóa giáo dục (như triển khai nhanh dự án Đại học Fulbright) và tăng cường giao lưu văn hóa nghệ thuật giữa các nước, để hỗ trợ quá trình dân chủ hóa (là “sức mạnh mềm”).

Có một bài học lịch sử đáng nhớ. Tuy những người Pháp thực dân đã để lại một di sản thuộc địa đáng buồn tại Việt Nam, nhưng những người Pháp nhân văn cũng đã để lại những di sản văn hóa đáng quý. Đó là “hệ quả không định trước” (unintended consequences) cần trân trọng. Những cái tên như Alexandre De Rhodes, Alexandre Yersin, Louis Pasteur, v.v. đã trở thành những “thánh nhân” trong lòng người Việt. Trường Mỹ thuật Đông Dương đã để lại một thế hệ họa sĩ Việt tài năng mà tác phẩm của họ đã trở thành một hiện tượng bất tử, không thể lặp lại. Dù trải qua bao biến động cách mạng, những biệt thự Pháp tại hà Nội vẫn là dấu son của thành phố, và “văn hóa rượu vang” không thể thiếu trong một bữa tiệc. Người ta hay nói đùa (hay thật) là “ăn cơm tàu, ở nhà tây, lấy vợ nhật” mới sành điệu (high living).

Nhìn lại lịch sử giao lưu văn hóa với các cường quốc, không hiểu tại sao chỉ có người Pháp để lại được một số di sản văn hóa có ý nghĩa sâu đậm như vậy. Có lẽ vì vậy mà người Pháp đáng yêu hơn là đáng ghét. Trong khi người Trung Hoa đáng ghét hơn là đáng yêu (mặc dù ai cũng thích ăn “cơm tàu” và đọc “Tam Quốc”).

Người Nga có nền văn hóa vĩ đại, đã từng là đồng minh chiến lược của Việt Nam, nhưng không hấp dẫn được thế hệ trẻ bằng Vodka và Tolstoy. Người Nhật đến Việt Nam rất sớm, nhưng không ở lâu, chỉ để lại vài hình tượng còn sót lại tại Faifo (Hội An) và “văn hóa Honda” thời hậu chiến. Người Mỹ thời chiến tranh Việt Nam và thời hậu chiến chỉ hấp dẫn người Việt bằng “văn hóa Hollywood và McDonald”. Nhưng sau 20 năm, đã có 16.500 sinh viên Việt Nam đi học Mỹ. Đó là một tài sản quý nối kết hai nước, như là “sức mạnh mềm”. Có lẽ đây là lý do Trung Quốc sợ Việt Nam “diễn biến hòa bình” và xui ta chống Mỹ. Vì vậy, Đại học Fulbright càng có ý nghĩa (nhưng đừng quá muộn).

Gần đây, Tổng thống Obama đã nhìn thấy tầm quan trọng của Châu Á-Thái Bình Dương, và quyết tâm “xoay trục”, để bảo vệ lợi ích chiến lược và vai trò lãnh đạo của Mỹ, đồng thời bảo vệ các nước đồng minh và bạn bè ở khu vực trước mối đe dọa của Trung Quốc. Tầm nhìn mà bà Hillary Clinton đề xướng đang được chính quyền Obama triển khai. Chỉ có điều là hành động như thế nào để tầm nhìn có ý nghĩa và trở thành hiện thực (trước khi quá muộn). Bởi vì, trong khi người Mỹ và người Việt vẫn đang nhảy điệu “slow waltz” theo “tiếng kèn ngập ngừng”, thì người Trung Quốc không ngồi yên, đang nhảy “rock’n roll”.

Có người cho rằng, ông Obama đã có tầm nhìn và hiểu đúng về Trung Quốc, nhưng đáng tiếc điều đó không còn thực sự có ý nghĩa nữa (it doen’t really matter anymore). Bởi vì, những gì Trung Quốc đang làm tại Biển Đông hay Việt Nam có thể làm cho những gì Mỹ đang “xoay trục” trở thành quá ít và quá muộn (too little, too late).

Tham Khảo
“A new era in US-Vietnam Relations”, A Report of the Sumitro Chair, CSIS, June 2014
“The South China Sea – The Struggle for Power in Asia”, Bill Hayton, Yale University Press, 2014. Book review, Ben Richardson, October 16, 2014.

“Pivot 2.0 : How the Administration and Congress Can Work Together to sustain American Engagement in Asia to 2016”, A Report of the Asia Program, CSIS, January 2015
“The time is right for president Obama to visit Vietnam in 2015”, Murray Hiebert & Phuong Nguyen, CSIS, February 19, 2015
“Obama got China right but it’s too late”. Andrew Perk, Observer, Fabruary 6, 2015
“A new US Grand strategy towards China”, Robert Blackwill & Ashley Tellis, The national Interest, April 13, 2015
“From Foe to Frenemy: Why the US is courting Vietnam”, David Brown, Foreign Affairs, June 29, 2015
With an absent US, China marches on”, Fareed Zakaria, Washington Post, July 2, 2015

Không biết đủ thì bao nhiêu cho đủ


Có những quy luật nghe thì tưởng đơn giản nhưng để hiểu và thực hiện được có khi là cả một quá trình, có khi có người cả cuộc đời đến tuổi xế chiều muộn mới nhận ra. Thuyền đời nặng trĩu sao nhẹ lướt, Quẳng gánh lo đi khỏi ưu phiền.
Nhiều người nuôi tham vọng rất lớn, mong muốn điều này lại mong muốn điều kia. Ai sinh ra cũng muốn cuộc sống êm đẹp, dòng đời mang đến cho nhiều may mắn và lựa chọn, nhưng cuộc sống là muôn mầu muôn lối, có người này người kia, nếu so sánh sẽ luôn là khập khiễng và luôn có người trội hơn người khác, và người khác nữa lại thua kém người này người kia. Biết bao nhiêu cho đủ, chỉ khi tâm chúng ta an hòa, hài lòng với những gì mình có và biết ơn những thứ, những điều ta đang có, đó mới là mang lại cho tâm hồn chúng ta sự an tịnh.


Thời gian cứ trôi qua mỗi giây phút rồi mỗi ngày mỗi tuần mỗi năm, thấm thoát một cái đã hết một cuộc đời một thế hệ, dòng đời là sự nối tiếp. Mọi sự mọi việc bình bình là đáng quý, song có người lại cho rằng đó là nhàm chán, là tầm thường. Một số người có tham vọng trong cuộc đời, họ có suy nghĩ rằng phải làm nên gì đó ví như công danh phải thành đạt hay danh vọng tiền tài địa vị, cứ ngỡ thành đạt là mục đích mục tiêu then chốt, nhưng đến khi đạt được mục tiêu đó thì mục tiêu khác lại hiện ra giống như chiếc bóng vô hình cứ treo lơ lửng đằng trước mặt chúng ta.

Khi ta đang lái con đường đời của ta đi, nếu cứ giang tay mà với chiếc bóng đó thì cũng không với được bởi chúng là luôn ở đó và luôn đứng đằng trước chúng ta cách chúng ta một khoảng không gian nhất định như miếng mồi ngon mà ta muốn có nhưng chưa có được. Một số người thành đạt lại cảm thấy tâm hồn trống trải và cô đơn như không có gì có thể bù đắp đủ, họ cố gắng tiêu phí thật nhiều tiền của để chi tiêu và trang trải cho những an ủi tiện nghi cuộc sống nhưng một góc khuất nào đó họ vẫn thấy lạnh lẽo và cô đơn trong tâm hồn, hay vì họ đã hy sinh đánh đổi thật nhiều những trải nghiệm, những thú vui khác để chạy đua theo thời gian, hay vì một lẽ nào đó…v.v.

Khi trái tim chưa biết đủ cứ truy cầu điều này thứ kia chúng ta sẽ vội vàng thiếu đi sự điềm tĩnh, sự an nhiên để hưởng thụ từng ngụm thời gian, từng hơi thở và sự tồn tại của thời không xung quanh ta, của nhân sinh cảm ngộ, của những lẽ rất giản dị đời thường nhưng có ý nghĩa vô giá, của những thảnh thơi biết hài lòng với những gì mình đang có. Sống chậm lại và bằng thiện tâm mỗi ngày bạn sẽ thấy cuộc sống này thật ý nghĩa, thật nhân sinh và rất nhiều điều bao hàm ẩn chứa trong đó mà chúng ta sẽ cần học hỏi được chứ không phải chỉ những so bì tranh đấu hơn thua.

Một người khi bệnh tật mới thấy lúc khỏe mạnh là hạnh phúc ước ao.

Một người khi sinh ra trong cảnh tàn tật hay không may rơi vào cảnh tàn tật mới thấy được bình thường nguyên lành tạo hóa ban cho là ý nghĩa và đáng ước ao biết bao. Nếu người đó có giàu tỉ phú đi chăng nữa cũng không thể mua được hai chữ tự do mà tạo hóa mang lại.

Một người dẫu có sinh ra trong một gia đình mà mỗi bước chân đều đi trên thảm vàng nhưng không may bị thiểu năng, thiểu não thì cũng không thể biết cách xài những đồng tiền vàng và của cải mà anh ta có một cách bình thường như bao người bình thường khác.

Có mất đi tự do mới biết trân quý những gì có lúc tự do, có mất đi những gì tạo hóa ban cho mới biết trân quý chúng, vậy chúng ta hãy biết ơn và trân quý những gì chúng ta đang có đừng để như ai đến lúc mất đi rồi mới nuối tiếc sao khi xưa không cảm nhận là đang may mắn nhường nào.

Một người sống trên một đất nước nhiều thiên tai và động đất mới trân quý sự bình yên của đất trời, còn chúng ta đang sống trên một đất nước yên bình không động đất, ít thiên tai hơn thì cũng cần trân quý những gì ta đang được hưởng và càng cần phải gìn giữ những gì mà tự nhiên và tạo hóa ban tặng, để con cháu chúng ta mãi cũng sẽ được hưởng sự bình yên như vậy.

Tất cả dường như để phục vụ cho chúng ta, một khi con người sống hài hòa thuận với đất trời, người người đều mang những thiện tâm đồng hóa với vũ trụ thì vũ trụ sẽ mang đến những thuận lợi cho con người. Người xưa có câu “Thiên thời địa lợi nhân hòa”, ngẫm kể cũng không sai. Khi con người sống bon chen ganh ghét nhau, so đo và đấu tranh quyền lợi, tham lam chỉ mong muốn có lợi cho cá nhân và ích kỷ vị tư chỉ lo nghĩ cho bản thân, mưu sinh giết hại lẫn nhau thì đất trời cũng như muốn gầm rú thét gào với nhân loại chúng sinh. Cuộc sống sẽ đơn giản hóa hơn nhiều nếu bạn biết ơn, hài hòa và hài lòng với những gì bạn đang có, và bạn sẽ học được cách buông bỏ những phiền muộn không đáng có để điều hướng, lái con thuyền đời bạn rẽ sóng nhẹ lướt trên dòng đời.

Bạn nhìn đời bằng những yêu thương đời dành cho bạn những yêu thương, bạn nhìn đời bằng những hờn ghen giận dỗi đời trả lại bạn những hờn ghen nặng trĩu tâm tư, tất cả là do bạn chọn và nuôi dưỡng, bạn nuôi dưỡng thiện tâm thì trái tim bạn và tâm hồn bạn sẽ đầy ắp thiện tâm, cao hơn của thiện là lòng từ bi, từ bi sẽ lan tỏa dịu ngọt sang những người thân yêu của bạn cũng như những người xung quanh bạn và cuộc sống này càng thêm yêu thương, càng thêm đáng sống. Ngược lại bạn nuôi dưỡng hậm hực hận thù và hờn ghen, trong tâm bạn sẽ chứa chất toàn ghen ghét và thù hận, khi đó cuộc sống của bạn và những người xung quanh bạn càng thêm mệt mỏi, thuyền đời bạn và cả họ cũng nặng trĩu phiền muộn ưu tư.

Vậy thì bạn sẽ chọn nuôi dưỡng thiện tâm hay giận dữ, hãy bất đầu từ hôm nay, nếu bạn chưa cho đi những tình cảm yêu thương trong lòng mình bạn hãy mở tấm lòng nhân ái cho đi những thiện tâm. “Vạn sự khởi đầu nan”, có thể bạn sẽ gặp những dội ngược từ chính trái tim bị tổn thương của bạn, từ chính những thói quen giằng co kéo buộc bạn, nhưng một khi quyết tâm và cố gắng chúng sẽ không cách nào níu kéo giữ chân được bạn, và bạn sẽ học được cách cho đi, bạn sẽ thấu hiểu rằng cho đi chính là nhận lại.

Có những quy luật nghe thì tưởng đơn giản nhưng để hiểu và thực hiện được có khi là cả một quá trình, có khi có người cả cuộc đời đến tuổi xế chiều muộn mới nhận ra.

Thuyền đời nặng trĩu sao nhẹ lướt,
Quẳng gánh lo đi khỏi ưu phiền.

Tâm Nguyễn
(Đại Kỷ Nguyên.VN)

Me Mỹ là gì?




Mới đầu hôm con bé ở Kontum?
Nay nó lại Linda trên quốc tịch.

Làm hì hục ngày đêm, nghe thấm mệt
Lãnh lương về nơi cố lý khoe khoang
Để giống như ta đang ở thiên đàng (1)
Mà quả thực gốc da vàng mũi tẹt.

Trong khi đó, có người:

Con đi nửa kiếp đời lưu lạc
Mẹ ngồi tựa cửa mỏi mòn trông
Bóng xế, chiều nghiêng, đây khóm trúc
Cánh đồng lúa trỗ mấy mùa bông?

Và rồi, nó hồi ức:

Tuổi hồn nhiên mấy mươi năm thuở trước
Chưa biết gì, bên mái ấm thôn quê
Đuổi bướm dưới triền, ban mai, mùa hạ
Hàng Chè Dâu me đứng gọi con về (2).

Trần Quang Diệu

1) "Áo gấm về làng".
2) Đấy là "me" Việt Nam

Nhật Ký Biển Đông: Dân Chủ Hoạt Đầu, Độc Tài và Dân Chủ Nửa Mùa




Đào Văn Bình


Kinh nghiệm thế giới cho thấy: Muốn lãnh đạo quốc gia, một là bắt chước chế độ chính trị như Mỹ mà Ô. Carter gọi là “dân chủ hoạt đầu” hoặc như Nhật Bản, Âu Châu, hai là độc tài. Còn dân chủ “nửa mùa” thì đất nước sẽ tan nát và chia cắt ngay lập tức. Thế giới bây giờ quá nhiều tài phiệt muốn khuynh loát chính quyền, chính trị gia hoạt đầu, vô lương tâm, chỉ mị dân để “cưa ghế” và kiếm phiếu, sẵn sàng làm tay sai cho ngoại bang mà không cần biết đất nước đi về đâu... (ĐVB)

A. Những chuyển biến quan trọng:


Nhật Ký Biển Đông hai tuần đầu Tháng Tám ghi nhận những chuyển biến quan trọng như sau:

- The National Interest ngày 31/7/2015: “Tuần này, tạp chí An Ninh Á Châu (Asian Security Magazine) có trụ sở tại Gia Nã Đại cho biết Hoa Lục đã hoàn tất công trình xây dựng một cầu tầu dài 700 mét lớn nhất thế giới tại căn cứ hải quân tổng hợp đồ sộ Sanya thuộc Đảo Hải Nam phía nam Biển Trung Hoa. Theo bản báo cáo này, cầu tầu có thể phục vụ hai hàng không mẫu hạm hay tàu chiến cỡ lớn cập bến ở cả hai bên.”



- AFP (Tokyo) ngày 31/7/2015: ”WikiLeaks cho biết cơ quan tình báo Mỹ đã nghe lén các chính trị gia Nhật, ngân hàng trung ương hàng đầu và những công ty lớn trong nhiều năm. Đây là sự tiết lộ mới nhất về việc Hoa Thịnh Đốn rình mò các đồng minh.“

Vụ tình báo Mỹ nghe lén thủ tướng Đức, tổng thống Pháp, mướn tình báo Úc nghe lén tổng thống Nam Dương, mướn tình báo Tân Tây Lan nghe lén Việt Nam còn nóng hổi, nay lại đổ bể ra vụ nghe lén Nhật Bản là một trong đồng minh thân thiết nhất của mình. Nếu các quốc gia chậm tiến Á-Phi mà làm thế chắc đã bị lên án là phi đạo đức - vì đã là đồng minh, bạn bè thân thiết tại sao nghe lén nhau? Chuyện này dạy chúng ta một bài học rằng đồng minh thì cứ đồng minh, nhưng tin đồng minh có ngày mất nước!

- AP (United Nations) ngày 1/8/2015: ”Ngoại Trưởng Ukraine kêu gọi Nga tiến tới thương thảo thật sự về ngừng bắn và ổn định cho vùng Miền Đông đổ nát vì chiến tranh với cuộc bầu cử công bằng có quốc tế giám sát.”

Nếu các phần tử cực hữu Kiev nghĩ được điều này sớm hơn thì đã không xảy ra cuộc đảo chính với sự hỗ trợ của Mỹ và NATO lật đổ Tổng Thống Yanukovych sau đó mất Crimea và nguy cơ hai vùng Donetsk và Gugansk ly khai để trở thành hai quốc gia riêng. Không có gì ngu dại cho bằng chuyện trong nhà lại nhờ hàng xóm giải quyết. Chìa khóa giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraina là Nga và dân chúng Miền Đông chứ không phải đem quân NATO hay lính Mỹ vào đây. Tất cả các chính trị gia cực hữu ở Kiev không hiểu được Ukraina là “vùng trái độn” mà Mỹ và NATO muốn dùng nó để thọc một mũi nhọn vào yết hầu Nga. Còn Nga thì muốn vùng này trung lập để làm hàng rào an ninh cho mình. Do đó Nga sẽ phản ứng tới cùng để không cho Ukraina lọt vào tay Mỹ hay NATO cũng giống như Mỹ sẽ phản ứng tới cùng để không cho Mễ Tây Cơ hay Gia Nã Đại lọt vào tay Hoa Lục hay Nga. Cuộc cấm vận Mỹ và Âu Châu áp đặt lên Nga đã hơn một năm rưỡi, dù khốn đốn nhưng Nga chưa chết, nhưng đất nước Ukraine tan nát, ngày càng rối beng khi nhóm vũ trang cực cực-hữu ở Miền Tây đã nổ súng vào quân chính phủ và có nguy cơ biến thành một lực lượng vũ trang riêng. Nay Kiev kêu gọi một cuộc đàm phán để chấm dứt chiến tranh khiến cả triệu người phải rời bỏ cửa nhà là điều tốt lành.

Nhưng làm thế nào để nhóm cực cực-hữu chấp nhận giải pháp hòa bình sau đó “phi liên kết hóa” Ukraina là vấn đề vô cùng nan giải. Ngay khi nổ ra cuộc khủng hoảng Ukraine, cả thế giới đều thấy chỉ có giải pháp trung lập hóa giống như Phần Lan (Finlandization) (*)mới đem lại hòa bình vĩnh viễn cho Ukraina, nhưng nhóm cực hữu ở Kiev lại không thấy. Do đó muốn lãnh đạo đất nước để được gọi là “yêu nước” trước tiên phải biết đất nước mình là ai? Mạnh hay yếu? Chung quanh mình là ai? Mạnh hay yếu? Nếu đất nước mình nhỏ xíu nằm bên cạnh một đại cường khổng lồ mà mình lại liên kết với một đại cường ở xa để chống lại thì chẳng khác nào lao đầu vào cột đá. Chẳng hạn bây giờ Kampuchia liên kết với Trung Quốc để thù nghịch hay tấn công Việt Nam thì bảo đảm 100% sớm muộn đất nước Kamphuchia sẽ nát như tương dù có cả trăm ngàn cố vấn Tàu ở đó. Những cuộc biểu tình của nhóm cực cực-hữu mới đây đòi tiến hành một “đợt cách mạng thứ hai” cho Ukraina báo hiệu một thảm họa cho chính quyền Kiev.

- AFP ngày 4/8/2015: Với tiêu đề “Căng thẳng Biển Đông Bùng Phát Tại Hội Nghị An Ninh Á Châu” (South China Sea tensions flare at Asia security talks) bản tin cho biết việc Trung Quốc xây dựng các đảo nhân tạo trên đó thiết lập các căn cứ quân sự đã là trọng tâm của hội nghị về an ninh hàng năm bao gồm 10 quốc gia. Nhưng Hoa Lục không muốn vấn đề này được đưa ra thảo luận trong hội nghị nhưng lập tức gặp sự phản đối của Phi Luật Tân và Việt Nam. Theo ngoại trưởng Mã Lai, cho dù Trung Quốc phản đối nhưng vấn đề xung đột tại Biển Đông đã được ráo riết thảo luận tại hội nghị.

Ô. John Kerry sau cuộc dừng chân ngắn tại Tân Gia Ba sẽ tới Kuala Lumpur để gặp gỡ bên lề với Ô. Vương Nghị vào ngày Thứ Tư 5/8/2015.” Còn theo VnPlus, “Về tình hình Biển Đông, các Bộ trưởng bày tỏ quan ngại sâu sắc về những diễn biến phức tạp gần đây trên thực địa, cho rằng những hành động này đã làm suy giảm lòng tin, gia tăng căng thẳng, đe dọa hòa bình, ổn định và an ninh ở Biển Đông.” Thế nhưng, theo AFP ngày 5/8/2015, Tướng Tanasak- Bộ Trưởng Ngoại Giao Thái Lan đã xuất hiện bên cạnh Ô. Vương Nghị trong cuộc họp báo chung.



Trả lời câu hỏi của báo chí về liên hệ ngoại giao giữa Thái Lan và Trung Quốc, Tướng Tanasak nói rằng, “Ngài Vương Nghị đây rất đẹp trai và dễ thương. Nếu tôi là đàn bà chắc tôi đã “phải lòng” ông ấy rồi.” Tướng Tanasak còn nói thêm, “Mối liên hệ giữa Thái Lan và Trung Quốc có hơn 1000 năm nay. Chúng tôi rất thân, thân hơn là tình bạn, chúng tôi là anh em bà con theo chiều dài lịch sử. Chúng tôi không nói về ngoại giao, chúng tôi nói chuyện với nhau như cá nhân, như gia đình và như tình bạn.”

Trước lời tuyên bố có vẻ như “nịnh bợ” Trung Quốc như thế, các quốc gia Đông Nam Á phải coi chừng đã đành mà Hoa Kỳ cũng sẽ không vui vì trong suốt cuộc Chiến Tranh Lạnh và Chiến Tranh Việt Nam, Thái Lan là đàn em thân tín của Mỹ, nay quay lưng với Hoa Thịnh Đốn. Sự kiện này có thể xuất phát từ những nguyên do sau đây:

- Mũi giáo nhân quyền của Mỹ chĩa vào Thái Lan sau cuộc đảo chính của Tướng Prayuth Chan-ocha năm 2014 đã làm tập đoàn quân sự tức giận từ đó quay qua Trung Quốc tìm chỗ dựa.

- Ảnh hưởng lớn mạnh của Trung Quốc về các phương diện kinh tế, tài chính và quân sự lan rộng toàn cầu mà Mỹ không có khả năng kiềm chế, trong khi đó Thái Lan lại có chung biên giới với Trung Quốc khiến Thái Lan phải thay đổi chính sách ngoại giao vừa để phát triển vừa sinh tồn.

-Theo các tạp chí kinh tế/tài chính thế giới, hiện nay Việt Nam đã qua mặt Thái Lan, Nam Dương, Mã Lai và Tân Gia Ba về kỹ nghệ và xuất cảng hàng chế tạo. Sức mạnh quân sự Việt Nam cũng vượt trội Thái Lan và nổi bật lên như một quân đội hùng mạnh nhất Đông Nam Á. Thái Lan bề ngoài “hợp tác chiến lược” với Việt Nam nhưng bên trong - quốc gia mà Thái Lan đố kỵ và gờm nhất Đông Nam Á vẫn là Việt Nam. Hơn thế nữa sự quá chú ý của Mỹ vào Việt Nam để biến Việt Nam thành trọng tâm của kế hoạch “Xoay Trục” làm Thái Lan ghen tỵ bởi vì sau Hiệp Ước TTP, tư bản Mỹ sẽ ào ạt đổ vào Việt Nam. Thái Lan đi với Hoa Lục là sách lược đề phòng và kiềm chế Việt Nam lâu dài sau này. Xin nhớ cho, trong lịch sử Thái Lan đã hai lần đem quân vào Việt Nam. Lần thứ nhất Gia Long rước hai vạn quân Xiêm-La đánh Vua Quang Trung. Lần thứ hai Thái Lan cử Sư Đoàn Mãng Sà Vương tham chiến tại Việt Nam theo lệnh của Mỹ. Theo các nhà nghiên cứu chính trị thế giới, Thái Lan nổi tiếng là “gió chiều nào theo chiều ấy” tức kẻ nào mạnh thì theo.

- AP ngày 5/8/2015: Trong cuộc gặp gỡ giữa Ô. John Kerry và Vương Nghị nhân Hội Nghị An Ninh Á Châu tổ chức tại Kuala Lumpur, AP tường trình, “Hoa Kỳ và Trung Quốc đụng độ vào ngày Thứ Tư về vấn đề ai gây ra căng thẳng mỗi lúc mỗi gia tăng trong cuộc tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông khi Hoa Thịnh Đốn yêu cầu phải ngưng các hoạt động tạo nguy hiểm trong khi Trung Quốc lại nói rằng những nước không ở trong cuộc không được can thiệp vào.”



Đúng là “ông nói gà, bà nói vịt” không ai chịu ai. Có lẽ phải dùng vũ lực để giải quyết chăng? Trong khi đó AFP nói rằng,”Các quốc gia Đông Nam Á cãi cọ nhau về Tuyên Bố Biển Đông” (SE Asian nations wrangle over South China Sea statement) không thống nhất được với nhau về ngôn từ cứng rắn lên án việc Trung Quốc xây dựng các đảo nhân tạo. Điều này cho thấy ảnh hưởng mạnh mẽ của Hoa Lục lên một số các quốc gia Đông Nam Á.

- AP ngày 6/8/2015: “John Kerry vào Thứ Năm 6/8/2015 đã tới Việt Nam để kỷ niệm 20 năm thiết lập bang giao sau khi ghé qua Ai Cập, Qatar, Tân Gia Ba và Mã Lai và gặp gỡ các giới chức cao cấp nhất của Việt Nam vào Thứ Sáu và nói chuyện về mối bang giao Việt-Mỹ. Mặc dù đã tái lập bang giao, gia tăng thương mại, giáo dục và trao đổi văn hóa, Hoa Kỳ vẫn quan tâm đến thành tích nhân quyền của Việt Nam. Các giới chức Hoa Kỳ nói rằng Ô. John Kerry có thể sẽ đề cập vấn đề này và thúc giục cải thiện. Ông cũng chú ý đến việc thảo luận về những tiến bộ đã đạt được trong việc mở Đại Học Fulbright- một đại học tư (độc lập) đầu tiên cho ngành giáo dục cao cấp của xứ sở này. Ngoài ra Ô. John Kerry cũng sẽ nhấn mạnh đế việc Hoa Kỳ trợ giúp Việt Nam bảo vệ và tuần tra lãnh hải của mình. Tại Kuala Lumpur Ô. John Kerry nói rằng Hoa Kỳ không chấp nhận bất cứ sự hạn chế lưu thông nào trên Biển Đông.” Theo Miami Herald ngày 7/8/2015, “Trong buổi gặp gỡ với các giới chức dân sự và thương mại tại Hà Nội Ô. John Kerry nói rằng nếu không có tiến bộ về nhân quyền thì việc bán vũ khí sát thương vẫn còn nguyên đó.”

Theo tôi, liên kết việc tháo gỡ toàn bộ lệnh cấm vận vũ khí với tiến bộ nhân quyền chỉ là cách nói cho vui. Cản trở chính ở đây là Hoa Kỳ sợ rằng nếu bán vũ khí sát hại cho Việt Nam sẽ gây căng thẳng thêm ở Biển Đông tức chọc giận Trung Quốc - điều mà Hoa Kỳ chưa dám làm. Chứ nếu thấy cần thiết và tình hình nguy cấp thì Hoa Kỳ sẽ viện trợ ồ ạt, cho không vũ khí tối tân như đã làm trong thời kỳ Chiến Tranh Lạnh hoặc mới đây trong chiến tranh Iraq…chứ nói gì đến chuyện mua bán. Chính vì hiểu rõ tâm lý Mỹ cho nên Việt Nam cũng chẳng mặn mà gì với việc yêu cầu Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí và vẫn tiếp tục dựa vào Nga để xây dựng sức mạnh quân sự của mình.

Vài tàu tuần duyên mà Mỹ viện trợ cho Việt Nam chỉ giúp tăng cường thêm khả năng tuần tra trên biển chứ làm sao đánh bại được cuộc tấn công bằng hải quân của Hoa Lục? Chờ Mỹ tháo bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương - thì Việt Nam chết từ lâu rồi. Hiện nay các nhà bình luận quân sự thế giới và cả Trung Quốc nữa đều cho rằng sức mạnh răn đe của Việt Nam chính là hệ thống hỏa tiễn phòng thủ bờ biển di động, sáu tầu ngầm Hố Đen Kilo, hai khu trục hạm tàng hình Gepard 3.9… chứ không phải mấy tầu tuần tra hay máy bay do thám P-3C Orion của Mỹ.

- VOA tiếng Việt ngày 9/8/2015: Trước mối đe dọa từ Trung Quốc, Việt Nam theo chiến lược hợp tác chiến lược với hầu hết các quốc gia Đông Nam Á. VOA tiếng Việt đã tường trình về chuyến công du Mã Lai của Ô. Nguyễn Tấn Dũng như sau, “Về những diễn biến gần đây ở Biển Đông, ông Dũng tuyên bố tại cuộc họp báo ở Kuala Lumpur: Hai bên cùng chia sẻ quan ngại sâu sắc trước những diễn biến gần đây về bồi đắp, xây dựng, trên quy mô lớn các đảo đá tại biển Đông, trái luật pháp quốc tế, và thỏa thuận khu vực, làm xói mòn lòng tin, ảnh hưởng nghiêm trọng tới hòa bình, an ninh và ổn định tại khu vực; đồng thời tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không ở biển Đông. Hai bên nhấn mạnh sự cần thiết của việc các bên liên quan bảo đảm thực hiện đầy đủ và hiệu quả tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông, DOC”. Trong khi đó, Thủ tướng Malaysia Najib Razak nói rằng Hà Nội và Kuala Lumpur sẽ hợp tác chặt chẽ để duy trì sự thống nhất cũng như trọng tâm của ASEAN cũng như bảo đảm sự tuân thủ toàn diện đối với tuyên bố ứng xử của các bên ở biển Đông. Hai bên đã nâng quan hệ ngoại giao lên thành hợp tác chiến lược.”

- AP (Manila) ngày 12/8/2015: Đại Sứ Trung Quốc tại Phi Luật Tân nói rằng Trung Quốc tôn trọng tự do hàng hải nhưng không cho phép nước ngoài lợi dụng quyền này để đưa tàu chiến và máy bay xâm phạm lãnh thổ của Bắc Kinh. Ông Zhao Jianhua nói rằng các lực lượng của Trung Quốc đã cảnh cáo máy bay do thám P-8A của Hoa Kỳ không được xâm nhập lãnh thổ của Trung Quốc khi chiếc máy bay này tiến vào khu vực mà Trung Quốc chiếm giữ trong vùng biển còn tranh chấp ở Trường Sa.”Theo Reuters cùng ngày, “Bộ Trưởng Ngoại Giao Anh Quốc Philip Hammond tại Bắc Kinh, sau chuyến viếng thăm Nhật Bản đã kêu gọi tự do hàng hải và hàng không trên vùng đang tranh chấp tại Biển Đông, nhưng lại không chỉ trích Hoa Lục là nước đã nằng nặc khẳng định chủ quyền lãnh thổ trên vùng này khiến gây bực tức cho các nước làng giềng và Hoa Kỳ.”



Ông Anh Quốc này cũng khôn lắm. Mặc dù đi theo Mỹ mọi chuyện, nhất là vấn đề Trung Đông, nhưng đụng tới vấn đề Biển Đông thì lại hơi “ne né” vì đang cần tiền của Ô. Tập Cận Bình đầu tư vào nước Anh.

- The National Interest ngày 12/8/2015: “Trong bản tin phổ biến báo chí, Chỉ Huy Không Quân Tấn Công Toàn Cầu (U.S. Air Force Global Strike Command) Hoa Kỳ đã đưa ba máy bay ném bom tối tân nhất tới Guam. Ba máy bay B-2 và 225 binh sĩ đã được triển khai từ Căn Cứ Không Quân Whiteman, Missouri tới căn cứ Không Quân Anderson, Guam vào ngày 7/8/2015 để tiến hành những cuộc tập trận cho quenvới những hoạt động tại vùng Thái Bình Dương.”

Hai chữ “cho quen” (familiarization) tức là chuẩn bị đánh nhau đây. Chữ nghĩa của Tây Phương dùng tế nhị lắm đó.

- AP (Subic, Philippines) ngày 14/8/2015: “Bộ Trưởng Quốc Phòng Phi Luật Tân Voltaire Gazmin tiến hành kế hoạch mở những căn cứ quân sự tại Vịnh Subic, đối diện với vùng tranh chấp ở Biển Đông cho dù thỏa hiệp đề nghị quân đội Hoa Kỳ hiện diện tại Phi không thành tựu. Dự án được tiến hành cách đây hai năm cho phép phi cơ chiến đấu và tuần dương hạm có thể phản ứng nhanh hơn trước những tình huống bất ngờ xảy ra ở vùng biển tranh chấp. Quyết định này được đưa ra giữa lúc căng thẳng leo thang giữa Hoa Lục, Phi Luật Tân và bốn quốc gia khác.”



B. Nhận Định:


Trong nửa tháng qua, tình hình Biển Đông và thế giới rối như canh hẹ và tiến dần tới bờ vực chiến tranh thì nước Mỹ đang bước vào mùa tranh cử và cũng là “mùa chia rẽ”. Nước Mỹ tê liệt, yếu như “con cua lột” với nhiều màn tranh cử rất dân chủ, rất nhiêu khê, hấp dẫn và người ta chờ đợi nhiều đòn bẩn, nhiều thủ đoạn tàn độc sẽ được tung ra để triệt hạ đối thủ và “giành ghế” … thì vào ngày 3/8/2015, The Huffington Post đưa ra bài viết, “Jimmy Cater đúng khi nói rằng Hoa Kỳ không còn là quốc gia dân chủ nữa” (Jimmy Carter Is Correct that the U.S. Is No Longer a Democracy) đã có đoạn như sau,

“Vào 28 Tháng Bảy, Thorn Hartmann đã phỏng vấn cựu Tổng Thống Jimmy Carter, và vào cuối chương trình (như thể câu hỏi to lớn này chỉ là điều xảy ra quá muộn màng) rằng ý kiến của ông thế nào về phán quyết Citizen United năm 2010 và phán quyết McCutcheon năm 2014.

Cả hai phán quyết này đều do năm thẩm phán thuộc Đảng Cộng Hòa trong Tối Cao Pháp Viện. Hai phán quyết lịch sử này cho phép số tiền bí mật vô giới hạn (bao gồm cả tiền của nước ngoài) đổ vào Hoa Kỳ trong những chiến dịch tranh cử và vận động pháp lý.

Carter đã trả lời, “Nó vi phạm yếu tính đã tạo ra Hoa Kỳ như là một quốc gia vĩ đại vì hệ thống chính trị của nó. Ngày nay hệ thống này chỉ là một tập đoàn chính trị do các đầu sỏ chỉ huy với sự đút lót vô giới hạn đang là yếu tính/điểu kiện để được đảng đề cử hay để được bầu làm tổng thống. Điều này áp dụng luôn cho cả các cuộc bầu cử thống đốc, thượng nghị sĩ và dân biểu Hoa Kỳ. Do đó, giờ đây chúng ta đã và đang chứng kiến sự đổ vỡ của hệ thống chính trị của chúng ta, nó như là sự trả ơn/tưởng thưởng cho những người đã đóng góp lớn lao cho chiến dịch tranh cử, là những người mong muốn và kỳ vọng và đôi khi nhận được những ân huệ cho chính họ sau khi bầu cử kết thúc… Giờ đây, những người đang đảm nhiệm chức vụ của Dân Chủ và Cộng Hòa coi sự đóng góp vô giới hạn đó là mối lợi lớn cho chính họ. Một vài người đã ở trong Quốc Hội có nhiều việc/chuyện/mối để bán."



”[On July 28th, Thom Hartmann interviewed former U.S. President Jimmy Carter, and, at the very end of his show (as if this massive question were merely an aftethought), asked him his opinion of the 2010 Citizens United decision and the 2014 McCutcheondecision, both decisions by the five Republican judges on the U.S. Supreme Court. These two historic decisions enable unlimited secret money (including foreign money) now to pour into U.S. political and judicial campaigns. Carter answered: "It violates the essence of what made America a great country in its political system. Now it's just an oligarchy with unlimited political bribery being the essence of getting the nominations for president or being elected president. And the same thing applies to governors, and U.S. Senators and congress members. So, now we've just seen a subversion of our political system as a payoff to major contributors, who want and expect, and sometimes get, favors for themselves after the election is over.... At the present time the incumbents, Democrats and Republicans, look upon this unlimited money as a great benefit to themselves. Somebody that is already in Congress has a great deal more to sell."]

Danh từ “chính trị đầu sỏ hay hoạt đầu” (oligarchy) dùng để chỉ một nền cai trị trong đó người dân được đi bỏ phiếu để thể hiện “dân chủ” nhưng thực tế lại bị nắm đầu bởi những tài phiệt qua số tài chính khổng lồ đổ vào chiến dịch tranh cử khiến người dân bị cuốn hút, nhào nặn, dẫn dụ bởi những gì truyền thông nói, thống kê thăm dò cho biết và kỹ nghệ quảng cáo tinh vi. Hiện nay Ukraine cũng đang bị cai trị bởi một hệ thống chính trị đầu sỏ.

Trong khi đó tại Thái Lan, theo AFP ngày 12/8/2015: “Tướng Prayut Chan-O- Cha đứng đầu tập đoàn lãnh đạo quân phiệt tuyên bố ông có thể bổ nhiệm em trai Preecha Chan-O-Cha vào chức vụ tư lệnh, chức vụ cao cấp nhất quân đội của một nước chuyên đảo chính.” Đây rõ ràng đây là hành vi khởi đầu của chế độ gia đình trị.

Từ chuyện “dân chủ đầu sỏ” ở Mỹ, chuyện độc tài quân phiệt Thái Lan, chúng ta thử nhìn qua ông bạn láng giềng Kampuchia xem quyền lực của Ô. Hun Sen ở đây được xây dựng như thế nào?

Theo SohaNews, “Con trai cả Hun Manet tốt nghiệp West Point năm 1999, được thăng cấp trung tướng, hiện phụ trách lực lượng chống khủng bố thuộc Bộ Quốc Phòng Campuchia kiêm phó chỉ huy đơn vị cận vệ riêng của ông Hun Sen. Con trai thứ Hun Manit, 31 tuổi vừa được thăng từ đại tá lên chuẩn tướng và hiện đang là một lãnh đạo cao cấp của ngành tình báo quân đội. Ông già vợ cậu ấm này là Tư Lệnh Cảnh Sát Quốc Gia từ 1994-2008. Cậu út Hun Many 30 tuổi (từng du học Mỹ, Pháp và Australia) là dân biểu quốc hội, hiện là Phụ Tá Chánh Văn Phòng Nội Các, đồng thời là người lãnh đạo Hội Thanh Niên của đảng cầm quyền. Ông già vợ cậu ấm này là phó thủ tướng của Ô. Hun Sen. Còn các cô con gái cưng cũng lấy chồng thật môn đăng hộ đối. Quyền lực của gia đình Thủ tướng Hun Sen còn được củng cố qua các cuộc hôn nhân. Hun Kimleng - cháu gái gọi ông Hun Sen bằng chú ruột kết hôn với Thống Tướng Neth Savoeun- Tổng Cục Trưởng Tổng Cục Cảnh Sát Campuchia. Trong khi đó cô Hun Mali là con dâu của Sok An- một chính trị gia lão luyện, người được coi là cánh tay phải của ông Hun Sen và hiện là Phó Thủ Tướng. Sau hết, một ông cháu rể khác cũng giữ một chức vụ kha khá là thống tướng cảnh sát. “Ai dám nói Ô. Hun Sen khờ dại?"

Thời đại nào, nơi nào cũng vậy, muốn củng cố uy quyền thì chỉ có ba cách: Dùng người trong đảng, dùng thủ hạ, bạn bè thân tín hoặc giao cho con cháu mình. Bạn bè hoặc thủ hạ thân tín còn có khi phản chứ con cháu làm sao phản? Thời buổi khó khăn bây giờ có quá nhiều đối lập muốn lật đổ hoặc “cưa ghế” mình để ngồi vào đó, thôi thì theo chính sách “gia đình trị” cho chắc ăn. Dân chủ tự do, tơ lơ mơ mất mạng như chơi. Xin ngả nón chào Ô. Hun Sen rồi nay cả ông Tướng Chan-O-Cha nữa.

Còn ở Mỹ có “gia đình trị” không? Xin thưa, “có” nhưng “văn minh” hơn một tí: Bố làm tổng thống, con trai làm tổng thống rồi em trai làm tổng thống. Hoặc chồng làm tổng thống rồi vợ làm tổng thống rồi sau đó con gái làm tổng thống… Rồi thì các cháu làm dân biểu, thượng nghị sĩ, thống đốc tiểu bang, đại sứ… cho vui. Cuối cùng mấy ông bà này tạo thành một dòng họ cai trị “dynasty” giống như dòng họ Nehru ở Ấn Độ; Tôn Dật Tiên, Tưởng Giới Thạch, Tưởng Kinh Quốc ở Đài Loan; Lý Quang Diệu, Lý Hiển Long ở Tân Gia Ba… cho đến khi dân chúng chán thì thôi.

Cái ghế quyền lực dường như có dán keo nguyên tử. Hễ ai đã ngồi vào thì dính chặt, không thể rời được. Ngồi chán hoặc già quá không ngồi được nữa lại truyền cho con cháu, vợ chồng hoặc anh em ngồi cho sướng. Tự cổ chí kim chỉ có Hứa Do được Vua Nghiêu mời làm hoàng đế Trung Hoa mà xuống suối rửa tai. Sào Phủ cho trâu uống nước nghe được chuyện bèn dắt trâu lên mạn trên vì Hứa Do rửa tai đã làm bẩn nước uống của trâu rồi.



Tuy nhiên nói gì thì nói, vào ngày 14/8/2015, theo AFP và VnExpress, Ô. Hun Sen đã làm một hành động vô cùng can đảm bằng cách ra lệnh bắt giữ Thượng Nghị Sĩ Hong Sok Hour, một “chuyên viên” phá rối biên giới Miên-Việt, vì đăng tải các hiệp ước quốc tế giả mạo liên quan đến biên giới Việt Nam - Campuchia lên trang Facebook của mình. Ô. Hun Sen nói rằng, “Bằng bất cứ giá nào, chính phủ phải có hành động. Đây là hành vi phản quốc, tôi có thể nói như thế. Ông cũng ra lệnh cho sân bay quốc tế Phnom Penh ngăn chặn ông Sok Hour bỏ trốn và yêu cầu các đại sứ quán nước ngoài không can thiệp vào vụ việc.”



Theo AP, Ô. Hun Sen đã nói với giọng mạnh mẽ và cảm động, “Đây là tội đưa đến phản quốc. Nếu một cuộc nổi dậy (chống Việt Nam) vì những lời lẽ như vậy và gây chiến với nước láng giềng của chúng ta thì ai chịu trách nhiệm đây?”

Vậy thì, Ô. Hun Sen dù có “gia đình trị” nhưng ông đã giúp cho đất nước Campuchia không bị chia năm xẻ bảy sau khi Khmer Đỏ xụp đổ và hiện nay đang phải đối đầu với tập đoàn chính trị gia hoạt đầu Sam Rainsy kích động hận thù, bài Việt, gây xáo trộn vùng biên giới bằng đủ mọi thủ đoạn đê hèn.

Kinh nghiệm thế giới cho thấy: Muốn lãnh đạo quốc gia, một là bắt chước chế độ chính trị như Mỹ mà Ô. Carter gọi là “dân chủ hoạt đầu” hoặc như Nhật Bản, Âu Châu, hai là độc tài. Còn dân chủ “nửa mùa” thì đất nước sẽ tan nát và chia cắt ngay lập tức. Thế giới bây giờ quá nhiều tài phiệt muốn khuynh loát chính quyền, chính trị gia hoạt đầu, vô lương tâm, chỉ mị dân để “cưa ghế” và kiếm phiếu, sẵn sàng làm tay sai cho ngoại bang mà không cần biết đất nước đi về đâu.



Đào Văn Bình
(California ngày 15/8/2015)

(*) Finlandization: “Là quan niệm của một quốc gia không thách thức/chống lại một cường quốc láng giềng về mặt chính trị ngoại giao trong khi vẫn giữ nguyên chủ quyền của đất nước” (It referred to the decision of a country not to challenge a more powerful neighbor in foreign politics, while maintaining national sovereignty.)

Thứ Bảy, 15 tháng 8, 2015

Giảng thơ có nhiều lối




Đặng Tiến

Giảng thơ có nhiều lối. Chữ trinh kia cũng còn ba bảy đường, huống nữa chữ thơ.

Thơ có thể gợi tả, hoặc tố cáo thực trạng xã hội như tiểu thuyết ; thơ có thể phản ánh hoàn cảnh tâm lý như kịch ; thi nhân cũng có thể suy tưởng như triết nhân ; thơ có thể giảng dạy luân lý như Nhị Thập Tứ Hiếu, hay lịch sử như Đại Nam Quốc Sử diễn ca. Tất cả các thi loại đó, nếu được gọi là thơ, phải có một thừa số chung, là chất thơ, ngày nay gọi là thi pháp.

Ba bảy đường trong địa bàn của thơ, cuối cùng, đều quay về một hướng. Cảm thơ, là nhận ngay ra được mặt trời ; giảng thơ, là dò hỏi từng đóa hướng dương. Những cành hướng dương vô tội.

Giảng thơ có nhiều lối, nghĩa là có nhiều giai đoạn, nhưng không phải là những trường đình hay đoản đình tiễn đưa người biệt xứ, mà là, xa xa, những cụm mây vàng nơi Tần Lĩnh hay ngọn mây bạc trên đỉnh Thái Hàng, và gần gần, là mái tranh, là gốc khế, những cái mốc lắng đợi người về.

Truyện Kiều là một rừng thơ nhiều nẻo, là một vườn hồng nhiều màu ; các cụ dùng cái gương « lấy hiếu làm trinh » để dạy dỗ con em, cũng như người dùng chất hoa hồng làm thuốc trị ho ; bậc tân học Trương Tửu đã từng dùng phân tâm học, giải Kiều bằng bệnh trạng của Nguyễn Du, cũng như vị kỹ sư canh nông giải thích hương hoa hồng bằng mùi phân bón. Gần đây hơn, tại miền Nam, các vị giáo sư uyên bác đem thuyết hiện sinh để giảng Kiều, và trong lúc đó, tại miền Bắc, nền văn nghệ hiện thực xem truyện Kiều như một cáo trạng xã hội, cũng như người xem giọt sương hoa như những giọt mồ hôi của nhân dân. Lối giải thích nào cũng có cái lý của nó, có ích lợi của nó, tùy hoàn cảnh. Tôi nói những cành hướng dương vô tội là vì vậy.

*

Lối kiến giải ý nghĩa của thơ có ích ở chỗ nó cho ta cái cớ đầu tiên để yêu thơ. Yêu, có cái duyên và cái cớ. Chàng trai mười tám tuổi về thưa với mẹ xin cưới một cô gái làm bếp khéo, bà mẹ hiểu ngay là con mình mê nhan sắc ; nếu cậu ta xin cưới một cô gái vì đức hạnh, người mẹ sẽ hiểu con mình phải lòng một người đàn bà có gia cảnh hay nhan sắc chỉ trung bình. Mượn lời ví von của ca dao ta có thể nói : yêu thơ, một là duyên, hai là nợ, ba là tình.

Trong bài này chúng ta sẽ xét lại một số phương pháp vẫn thường dùng để giảng thơ. Cách phân tích hình thức theo hình dung. Đây là lối giải thích đắc dụng ở nhà trường, thường được học sinh hưởng ứng. Ta thường quan niệm thơ phải diễn tả cái gì ; và khi hình thức câu thơ rập khuôn với đối tượng, ta cho là tinh vi, là ý nhị. Ví dụ câu đầu của bản dịch Tỳ bà hành của Phan Huy Thực :

Bến Tầm dương canh khuya đưa khách

Hai chữ đầu và cuối vần trắc cao như hai bờ sông, ở giữa là mặt nước thấp, rộng, bằng phẳng như năm thanh bằng liên tiếp. Có người kể lại rằng Chế Lan Viên nói ra điều đó. Xuân Diệu rất thích âm điệu câu thơ này, và chúng ta biết trong thể thất ngôn, Xuân Diệu sử dụng thanh bằng liên tiếp rất tài, như trong câu :

Mây vẩn từng không, chim bay đi
(Đây mùa thu tới)

Nguyễn Hiến Lê, trong một cuốn sách Luyện văn, giải thích : năm thanh bằng liên tiếp gợi hình ảnh đàn chim xếp hàng ngang bay tới. Ông khen câu thơ Bàng Bá Lân :

Êm đềm sóng lụa trôi trên lúa
(Trưa hè)

Nhạc điệu gợi lên hình ảnh cánh đồng lượn sóng, tôi không nhớ Nguyễn Hiến Lê giải thích ra sao. Theo tôi trên bảy từ đã có sáu điệp âm (êm+đềm, lụa+lúa, trôi+trên) thật ra câu này mượn cả ý lẫn nhạc điệu một câu thơ Pháp :

Une ondulation majestueuse et lente
(Midi, Leconte de Lisle)

Câu thơ cũng gợn sóng nhờ những nguyên âm dài, phải đọc chậm và những nguyên âm đôi (diphtongue). Bản thân tôi có lần, trên báo Văn – cách đây đã lâu – đã dùng lối « tượng hình » để giảng thơ bà Huyện Thanh Quan (ngày nay được xem như của Hồ Xuân Hương) :

Xanh om cổ thụ tròn xoe tán
Trắng xóa tràng giang phẳng lặng tờ.

Câu trên những nguyên âm tròn : o, ô, u gợi hình tròn của tàn cây ; còn âm ang bằng phẳng, là mặt sông bao la. Hai câu thơ, mười bốn chữ dùng toàn hai nguyên âm o và a.

(nguyên âm ở đây phải hiểu là những nguyên âm trong tiếng nói, chứ không phải là trong chữ viết. Thời đó tác giả viết bằng chữ nôm. Bạn đọc giỏi chữ Nôm hay chữ Hán có thể phân tích vẻ đẹp của thơ xưa một cách sâu rộng hơn. Vì chữ Hán, chữ Nôm là những hình ảnh vừa của thị giác vừa của thính giác, còn mẫu tự la tinh chỉ là những ký hiệu ngữ âm, theo quy ước độc đoán. Thơ Hán nôm và thơ quốc ngữ, cái hay có phần khác nhau).

Trong Xuân Diệu, ta thường bắt gặp những âm thanh tượng hình như trong bài Đây Mùa Thu Tới đã dẫn :

Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang
Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng.


Những âm cong, do nguyên âm đôi, i, u, và nhất là ba lần uôn vẽ ra dáng cây thùy liễu (cái chữ !) rũ cành xuống thấp.

Đến như câu :

Những luồng run rẩy rung rinh lá

Thì dụng công của tác giả lộ liễu quá, câu thơ kém thi vị. Độc giả chuộng câu này hơn :

Cành biếc run run chân ý nhi

Cũng niềm mong manh, mà kín đáo hơn.
Âm điệu tượng hình, chúng ta chỉ mới xem xét âm thanh, nhưng còn tiết điệu nữa :

Nửa chừng xuân / thoắt gẫy cành thiên hương (Kiều)

Ai cũng biết câu Kiều này, nhịp ngắt phải thất thường, so le, 3-5, thì mới có nghĩa ; nhịp điệu gãy đổ của câu lục bát gợi được hình ảnh của cành cây bất ngờ bị gãy một cách tàn nhẫn. Như vậy, nhịp cũng có nội dung của nó, đề này cần đào sâu thêm.

Bài Tống biệt của Tản Đà, dùng thể từ khúc tạo được nhịp thơ lạ :

Đá mòn, rêu nhạt
Nước chảy, huê trôi,
Cái hạc bay lên vút tận trời


Nhịp thơ đang ngắt quãng, bỗng dưng câu sau kéo dài, phải đọc nhanh, vẽ lên không trung một đường bay hun hút.

Câu sau đây của Bàng Bá Lân, nhịp bình thường của thất ngôn nhưng đắc dụng, vì cô lập được cánh diều lặng đứng trong không gian :

Đứng lặng trong mây / một cánh diều
Cũng như thơ Xuân Diệu :

Đã vắng người sang / những chuyến đò

Nhịp 4-3 cổ điển, nhưng tạo được khoảng im lặng giữa câu thơ gợi nên bến đò vắng lặng.

Người sành thơ Pháp liên tưởng đến một câu nổi tiếng của Ronsard, thế kỷ 16, nhịp lạ đời : 6-4-2 :

Comme on voit sur la branche / au mois de mai / la rose

Như tríu cành xuân một đóa hồng

Chữ rose (hoa hồng) bị nhịp thất thường cô lập ở cuối câu thơ, lơ lửng như một đóa hoa đầu nhánh. Chỉ nhịp thơ thôi cũng báo hiệu nội dung toàn bài thơ tả kiếp phù du của một đóa hồng.

Nếu vó câu khệp khễnh bánh xe gập ghềnh của Nguyễn Du có những âm thanh tượng hình, tạo được cái lắc lư của chuyến xe, thì trong câu hò Huế dưới đây, nguyên gốc là của Ưng Bình Thúc Giạ Thị, nhịp điệu đong đưa như con đò trên sóng nhẹ :

Chiều chiều…
Trước bến / Vân Lâu /
Ai ngồi / ai câu /
Ai sầu /ai thảm /
Ai thương / ai cảm /
Ai nhớ / ai mong.


Rồi một chiếc đò khác vụt qua, chợt biến trong sương, chỉ để lại chút mơ màng trên sông nước :

Thuyền ai thấp thoáng bên sông
Đưa câu mái đẩy/ chạnh lòng nước non


Đó là cảm giác chủ quan của người đọc ; về phần người sáng tác hò mái nhì, mái đẩy, thì nhịp câu trước ngắn, nhịp đôi, cho ăn khớp với tay chèo, nhịp sau dài là lúc dừng chèo. Đây là nhịp dài ngắn thường thấy trong dân ca Bình trị Thiên. Nhưng về mặt thi pháp, thì nhịp điệu phục vụ ý tưởng. Ta có thể chọn nhiều ví dụ khác, vẫn của Ưng Bình :

Một giải nước trong
Mười dòng / nước đục
Một trăm người tục
Một chục / người thanh
Biết ai tâm sự như mình
Mùa tơ thêu lấy tượng Bình Nguyên Quân


Trong Bài Ca Vỡ Đất, Hoàng Trung Thông tạo được những nhát cuốc đều đặn, hăm hở, khỏe mạnh :

Giữ chiều nắng gió
Chặt cây, cuốc cỏ,
Tỉa đổ, trồng khoai
Ngày còn dài
Còn dai sức trẻ
Cuốc càng khỏe
Càng dễ cày sâu
Hát lên ta cuốc cho mau
Nhanh tay ta cuốc ta đào đất lên.


Thơ Việt Nam, nhịp thường có vần lưng yểm trợ. Hoặc, nhìn xa hơn, vần là một cách nhịp câu nói, câu thơ. Đây là một đề tài cần nghiên cứu thêm.

Trong tiếng Pháp hay tiếng Anh, vần và nhịp cùng một từ nguyên. Giới biên khảo Phương tây đang lưu tâm đến tầm quan trọng của nhịp trong câu nói, câu thơ.

Ngoài nhạc điệu tượng hình, nhẽ ra, phải kể thêm nhạc điệu tượng thanh, thì thùng trống trận, rập rình nhạc quân như trong Kiều, hoặc chát chúa như trong thơ Tú Xương : Mụ nọ chanh chua / vợ chửi chồng.

Nhưng chúng ta không nên dài dòng, vì đây là một sắc thái của ngôn ngữ hàng ngày, chứ không phải là đặc tính của ngôn ngữ thi ca. Nhất là tiếng Việt nhiều nhạc điệu, nên lắm tiếng tượng thanh ; ngược lại tiếng Pháp, mệnh danh là duy lý, nên quý những âm điệu tượng thanh (harmonie imitative) trong thơ, mà họ phân biệt với tiếng tượng thanh trong ngôn ngữ (onomatopée). Apollinaire gợi tiếng gió trên sông Rhin bằng nhiều âm S vàZ lẫn với âm mũi, trong lối ngắt câu bất thường :

Et le vent du Rhin / secoue sur le bord / les osiers
Et les roseaux jaseurs / et les fleurs nues / des vignes.

Gió lay động sậy bên bờ xào xạc
Lau rì rào hoa mướp xác xơ bay


Tinh tế hơn hai lối tượng thanh tượng hình, là lối tượng ý, thơ Tản Đà :

Nước non nặng một lời thề
Nước đi đi mãi không về cùng non.


Khi lời thề gắn bó, thì non nước quấn quít lấy nhau ở đầu câu trước : khi cách biệt nhau đằng đẵng thì nước ở đầu câu, mòn mỏi trông chờ non ở mãi tận cuối câu. Đến giữa bài thơ, nước non vẫn ngàn trùng xa biệt, non vẫn kiên trinh ôm ấp trong tim lời thề róch rách :

Non cao tuổi vẫn chưa già
Non thời nhớ nước, nước mà quên non


Mãi đến cuối bài thơ, nước non mới tái hợp, xoắn xuýt lấy nhau, như đôi vợ chồng son :

Nghìn năm giao ước kết đôi
Non non nước nước không nguôi lời thề.


Những ví dụ như thế, không hiếm, miễn là ta tinh ý và chịu khó tưởng tượng. Trong Kiều, đoạn Thúc Sinh gặp lại Kiều làm hoa nô cho vợ cả :

Bây giờ đất thấp trời cao
Ăn làm sao, nói làm sao bây giờ


Vì không biết phải ăn nói làm sao nên phải ấp a ấp úng, cuối câu lặp lại đầu câu.

Có người lưu ý đến nhịp vừa tượng thanh vừa tượng ý trong câu ca dao đơn giản :

Trông trời, trông đất, trông mây,
Trông mưa, trông gió, trông ngày, trông đêm
Trông cho chân cứng đá mềm
Trời êm biển lặng mới yên tấm lòng.

Hai câu trên nhịp ngắt phập phồng như những lo âu dồn dập hơi thở và trái tim, hai câu sau nhịp dài, thanh thản như tiếng thở dài trút sạch ưu tư ra khỏi buồng phổi, trái tim của người đi cấy. Gần đây, tại Pháp, tôi có « bịa đặt » ra một cách giảng thơ Apollinaire để dạy học trò :

Le mai, le joli mai, en barque sur le Rhin
Les Dames regardaient du haut de la montagne
Vous êtes si jolies, mais la barque s’éloigne
Qui donc a fait pleurer les saules riverains

(Mai, Alcools)

Tạm dịch :

Xuôi sông Ranh tháng Năm ngày ngát lộng
Nương tử nhìn theo từ ngọn đỉnh trời
Nàng tuyệt diễm nhưng thuyền lìa bến mộng
Liễu ven bờ thùy lệ hỏi vì ai

Trong câu đầu hai chữ « joli mai » quyến lấy nhau, đến câu ba, lúc thuyền qua không buộc chặt, phải lìa xa bến, thì ý cách biệt tách rời hai chữ « jolies / mais » như vầng trăng ai xẻ làm đôi vậy.

*

Lối kiến giải theo cách hình dung đó, tuy hấp dẫn nhưng đặt ra một số vấn đề.

Trước tiên, người ta tự hỏi : tác giả có cố tình, hoặc có ý thức, vẽ ra những hình tượng đó không ? Câu hỏi tự nhiên nhưng chỉ là một « giả vấn đề » : thơ là quán tha hồ muôn khách đến, là một cánh hoa gửi hương cho gió, muốn cảm thụ thế nào tùy thích, mà không cần biết đến cái dụng tâm của tác giả. Người mình thường nói : thơ có hồn – nghĩa là có đời sống riêng, chiếu tỏa ra một thứ ánh sáng riêng, chính tác giả cũng khó ngờ được. Thơ hay như ngọc quý, mỗi lúc lung linh một tia sáng khác nhau.

Thứ đến, là câu hỏi thực tế : những câu gợi hình, gợi ý như vậy, chỉ là số ít. Còn bao nhiêu câu thơ khác, tuyệt diệu mà không thể suy diễn ra được thành những sơ đồ, thì sao ? Từ đó nảy ra vấn nạn cuối cùng, là một nguyên tắc. Chúng ta đã từng quan niệm thơ không miêu tả như văn xuôi, thì không nên đòi hỏi thơ phải lược họa một ngoại vật, hay minh họa một ý tưởng. Giảng giải bằng cách họa hình, như ta đã làm trong bài này, chỉ hữu hiệu trong phương diện mô phạm, để gợi sự chú ý của những bạn trẻ không sành thơ. Qua lối kiến giải đó, bạn đọc thấy là người giảng thơ tinh tế, chứ không thấy thơ hay : luật giảng thơ, không nên để lời bình giảng của mình lấn át tiếng thơ. Không nên đặt cây đàn vĩ cầm của mình cao hơn nghệ thuật âm nhạc. Cây vĩ cầm phục vụ âm nhạc chứ không phải ngược lại.

Ngày nay, người sành điệu không ai đòi hỏi một họa phẩm phải vẽ lại trung thực, những đường nét, màu sắc của tạo vật ; thì người yêu thơ lại càng không nên tìm ở thơ những tương quan sẵn có của ngoại giới. Thơ phải có khả năng tạo ra một vũ trụ mới, với những kích thước, những quan hệ, những định luật riêng, bằng cách khai thác đặc tính của ngôn ngữ, mà ta sẽ xét trong một dịp khác.

Nguồn: http://www.vanhoanghean.com.vn