Thứ Bảy, 8 tháng 8, 2015

Khám phá đàn tế trời bí ẩn của nhà Hồ


Đàn tế Nam Giao nhà Hồ có thể sẽ là một chìa khóa quan trọng để giải mã nghi lễ tế trời đất ở Việt Nam và trên thế giới.


Được khai quật từ năm 2004 tại xã Vĩnh Thành, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hoá, cách thành nhà Hồ khoảng 2,5 km về phía Đông Nam, Đàn tế Nam Giao của nhà Hồ (đàn Nam Giao Tây Đô) là một công trình có giá trị lịch vử và kiến trúc đặc biệt của thời nhà Hồ.



Đàn tế Nam Giao có diện tích khoảng hơn 2 ha, lưng tựa Đốn Sơn (núi Đún), tiền án là "cánh đồng Nam Giao". Cấu trúc của đàn gồm nhiều cấp nền bao (nền Thượng, nền Trung, nền Hạ) thu hẹp dần từ thấp đến cao. Vật liệu kiến trúc chính để xây dựng đàn là đá xanh và nhóm vật liệu bằng đất nung (gạch, ngói…).



Dẫn vào trung tâm của đàn tế là con đường linh đạo được lát bằng những phiến đá xanh mài nhẵn, dành cho vua quan đi vào để tiến hành lễ tế trời, cầu cho quốc thái, dân an hoặc lễ tế vào những dịp đại xá thiên hạ.



Trong lòng nền đàn cao nhất có dấu tích đàn tế hình tròn (Viên đàn), đường kính 4,75m.



Một công trình được bảo tồn khá nguyên vẹn ở đây là giếng Vua, còn gọi là Ngự Dục, Ngự Duyên. Giếng có hình vuông, được kè đá theo các cấp bậc nhỏ dần vào lòng, nằm thấp hơn khoảng 10m so với nền đàn trung tâm.



Trong khu vực đàn tế còn tìm thấy dấu tích của hàng chục nền móng của các kiến trúc phụ, 5 cửa, dấu tích đường đi và dấu tích của 10 cống nước được xây dựng và bố trí hết sức khoa học nhằm bảo đảm cho việc tiêu thoát nước cho một công trình kiến trúc có diện tích rộng hàng chục nghìn m2.



Các đợt khai quật tại đây đã phát lộ một lượng gạch ngói khổng lồ cùng hàng ngàn di vật gồm có đồ gốm men, họa tiết trang trí kiến trúc, đồ kim loại.



Giới nghiên cứu nhận định, đàn tế Nam Giao nhà Hồ là một di tích kiến trúc quý hiếm, không chỉ đối với lịch sử triều Hồ mà còn là một mắt xích quan trọng trong việc nghiên cứu lịch sử đàn tế và nghi lễ tế trời đất ở Việt Nam và trên thế giới.

Theo KIẾN THỨC

Đảo đá khổng lồ độc nhất vô nhị trên Biển Đông




Ngoài hệ thống đường hầm dài 170 m, đảo Hòn Hải - cột mốc chủ quyền thiêng liêng của Việt Nam có địa hình phức tạp, vách dựng đứng cao hơn 100 m, nhiều vách hụt.




Hòn Hải còn được gọi là Hòn Khám (điểm A6 đường cơ sở lãnh hải Việt Nam), là một khối đá khổng lồ mang hình chiếc hài trên Biển Đông, đã có tên trên bản đồ quốc tế với tên gọi Poulo Sapate. Đảo Hòn Hải nằm cách đảo chính Phú Quý (Bình Thuận) khoảng 65 km, có chiều dài khoảng 130 m, bề ngang chỗ rộng nhất khoảng 60 m, điểm cao nhất là 113 m tính từ mặt biển.



Ngày trước, ngư dân quanh vùng thường truyền miệng nhau về một khối đá khổng lồ giữa biển, khô cằn, không có nước ngọt, cây cối, là nơi sinh sống của hàng vạn chim nhạn, mòng biển, bồ nông. Vào mùa chim đẻ, cả bề mặt đảo đặc nghẹt trứng chim, lúc này hòn đảo sẽ được phủ một màu trắng kỳ lạ do phân chim tạo thành.



Nhận thấy đây là nơi có vị trí trọng yếu cũng như rất nguy hiểm nếu không có hệ thống đèn cảnh báo an toàn, do đó từ năm 1999, Bộ Quốc phòng phê duyệt phương án xây dựng công trình hải đăng trên đảo. Qua khảo sát, lực lượng công binh đánh giá Hòn Hải là khu vực cực kỳ khó khăn và nguy hiểm, xung quanh có biên độ sóng lớn đến hàng chục mét và nhiều đá ngầm. Ngoài ra, thời tiết nơi đây cũng rất khắc nghiệt mỗi khi biển động kéo dài nhiều tháng. Có lần đoàn khảo sát ra đến đảo nhưng không cập thuyền được phải quay lại đất liền.



Hòn Hải có cấu tạo địa hình, địa chất rất phức tạp, vách đảo dựng đứng cao hơn 100 m thường xuyên có đá rơi, đá lở, nhiều vách hụt và đá ngầm. Chỉ sau 20 ngày đầu tiên thi công đã có người hy sinh, hàng trăm tấn vật tư bị sóng cuốn xuống biển. Sau nhiều nỗ lực đến cuối năm 2004 hạ tầng trên đảo đã được xây dựng xong.



Một hệ thống các công trình vĩ đại được xây dựng hoàn thành gồm tòa nhà kiên cố dưới chân đảo có diện tích gần 300 m2, bến cập tàu rộng 380 m2, có hệ thống phao neo và bãi liền bến 423 m2.



Một trong những công trình đặc biệt tại đây là hệ thống đường hầm dài 170 m với 4 cửa thông lên mặt đảo. Hầm được gia cố bằng bê tông cốt thép chống đá rơi, dư chấn. Cửa hầm nằm ở mặt sau của tòa nhà rồi kéo dài lên bề mặt đảo bằng 370 bậc thang.



Từ miệng hầm đến bề mặt đảo có một hệ thống 240 bậc thang được đổ bê tông kiên cố nối lên tận chân hải đăng Hòn Hải.



Ngọn hải đăng Hòn Hải độc lập giúp tàu thuyền hoạt động ngoài khơi tỉnh Bình Thuận định hướng và xác định vị trí của mình. Tầm nhận diện địa lý ban ngày là 26,5 hải lý, tầm chiếu sáng ban đêm là 24,5 hải lý.



Hải đăng được đặt tại điểm cao nhất của đảo là 113 m. Chiều cao tính từ chân đến đỉnh đèn là 10,4 m.



Hệ thống đèn sử dụng pin năng lượng mặt trời đảm bảo chiếu sáng liên tục. Bên cạnh đó là hệ thống tín hiệu của Viettel rút ngắn khoảng cách liên lạc giữa đảo và đất liền.



Hiện nay, hải đăng Hòn Hải do Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải Nam Trung Bộ, trực thuộc Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam quản lý. Anh Lê Ngọc Nam - phóng viên Tạp chí Biển chia sẻ: "Việc thiết lập và duy trì các ngọn hải đăng là nhiệm vụ nhân đạo, thể hiện nghĩa vụ và quyền chủ quyền của các quốc gia có biển, giúp người đi biển xác định vị trí và phương hướng trên biển nhằm thiết lập một môi trường an toàn về hàng hải, thúc đẩy các ngành kinh tế biển Việt Nam phát triển".



Bên cạnh ý nghĩa quan trọng về vị trí địa lý, lãnh thổ, lãnh hải, Hòn Hải còn là vùng đất lành với hàng chục nghìn con chim gồm 5 loài về sinh sống.



Do bề mặt đảo là đá nên hấp thụ nhiệt và giữ nhiệt tốt. Đây còn là môi trường thuận lợi cho các loại chim đẻ trứng không ấp như nhạn biển. Hàng năm cứ tầm tháng 6 và 7 chim nhạn lại kéo về đông nghẹt kêu vang cả một góc trời.



Theo thời gian bề mặt đảo bị bào mòn do sóng biển và thời tiết đã tạo nên những hình dạng đầy kỳ ảo và ấn tượng.



Tùy theo từng góc độ của tàu khi đi trên biển mà Hòn Hải mang nhiều hình dạng thú vị khác nhau. Có vị trí nhìn như hình khối đá tròn.



Trước đây, ngư dân thường gọi Hòn Hải là Hòn Hài vì nó có hình dạng như chiếc hài nằm trên biển.



Vào những ngày biển lặng trời êm, Hòn Hải hiện lên sừng sững giữa đất trời, biển khơi. Đây là một trong nhiều cột mốc chủ quyền thiêng liêng của Việt Nam.

HẢI AN (TRI THỨC)

MÙ CANH CHẢI RỰC RỠ TRÊN WEBSITE DU LỊCH HÀNG ĐẦU NƯỚC MỸ



Kiều Châu


Những thửa ruộng bậc thang ở huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) vừa được trang When on earth (Mỹ) ca ngợi là có thể khiến bất kỳ du khách nào cũng phải thổn thức bởi vẻ đẹp ngoạn mục, tinh tế nhất thế giới.





Du khách sẽ bị ấn tượng mạnh bởi vẻ đẹp rực rỡ, hoàn hảo của ruộng bậc thang Mù Cang Chải, đặc biệt là vào mùa lúa chín.

Theo miêu tả của When on earth, Mù Cang Chải nằm ở phía Đông Bắc của Việt Nam, trên độ cao 1.000m so với mực nước biển. Mù Cang Chải không chỉ gây ấn tượng với du khách bởi cảnh quan kỳ vĩ mà còn bởi bản sắc văn hóa độc đáo.

Ruộng bậc thang Mù Cang Chải nằm trải rộng trên diện tích hơn 2.300ha, nhưng tập trung nhiều nhất ở 3 xã La Pán Tẩn, Dế Xu Phình và Chế Cu Nha. Đây là nơi canh tác lúa nước của người Mông và cũng là minh chứng cho sự sáng tạo trong việc canh tác lúa nước thích ứng với điều kiện khí hậu, đất đai và thủy lợi của đồng bào dân tộc miền núi.



Nguồn ảnh: amazingplacesonearth.com



Nguồn ảnh: talkvietnam.com


Để có những thửa ruộng bậc thang, người Mông ở Mù Cang Chải đã khai phá những vùng đất trên triền đồi, sườn núi có diện tích khá rộng, độ dốc vừa phải và vị trí thuận lợi để đón nước mưa, nước suối.
Với đôi bàn tay khéo léo của họ các triền đồi, sườn núi dần hình thành những thửa ruộng bậc thang có chiều ngang hẹp chỉ vài đường bừa, thửa ruộng trên nằm chênh với thửa ruộng dưới khoảng 1,5m. Bờ ruộng được xẻ rãnh theo cách không nối liền mạch để đón nước vào ruộng và hạn chế đất mất màu khi có lũ.

Với kỹ thuật này, các thửa ruộng bậc thang tầng tầng, lớp lớp, gối chồng lên nhau vắt ngang triền đồi, sườn núi với độ rộng, độ cao tương đối giống nhau.

Cứ thế qua bao đời, các thửa ruộng bậc thang dần dần được hình thành, trở thành một kiệt tác đẹp đến mê hồn.
Trang Whenonearth nhận định, lối canh tác của đồng bào Mông nơi đây đã tạo nên những thửa ruộng bậc thang tuyệt đẹp, là nguồn cảm hứng cho du khách và các nhiếp ảnh gia.


Nguồn ảnh: allamazingplaces.com



Nguồn ảnh: ritebook.in



Nguồn ảnh: arounddeglobe.com



Nguồn ảnh: ritebook.in


Khi nhìn những cánh đồng lúa trên ruộng bậc thang từ xa, bạn sẽ bị ấn tượng mạnh bởi vẻ đẹp rực rỡ, hoàn hảo của nó, đặc biệt là vào mùa lúa chín. Màu sắc của các ruộng lúa cũng sẽ thay đổi theo mùa và mỗi mùa lại có nét đẹp riêng.



Nguồn ảnh: vietnamtourism.gov.vn



Nguồn ảnh: widewallpapershd.info


Không chỉ là môi trường và cảnh quan khiến bạn choáng váng và ngộp thở mà cách đón tiếp hòa nhã, khiêm tốn, chân chất,... của đồng bào các dân tộc Mông, Thái ở đây cũng sẽ khiến cho bạn thấy vẻ đẹp độc đáo Mù Cang Chải tăng lên gấp bội, When on earth nhận xét.



Nguồn ảnh: vietnamvisa-easy.com



Nguồn ảnh: placehunt.co





Theo When on earth, nếu chọn Mù Cang Chải là điểm đến cho kỳ nghỉ tiếp theo, du khách sẽ không bao giờ phải thất vọng vì nơi đây sẽ cho du khách những trải nghiệm tuyệt vời mà họ chưa từng được trải qua trước đây.

HỊCH KHOA HỌC CÔNG NGHỆ



HỊCH KHOA HỌC CÔNG NGHỆ





HỊCH KHOA HỌC CÔNG NGHỆ


Ta cùng các ngươi
Sinh ra phải thời bao cấp
Lớn lên gặp buổi thị trường.
Trông thấy:
Mỹ phóng Con thoi lên vũ trụ chín tầng
Nga lặn tàu ngầm xuống đại dương nghìn thước
Nhật đưa rô bốt na nô vào thám hiểm lòng người
Scôtlen dùng công nghệ gen chế ra cừu nhân tạo.
Thật khác nào:
Đem cổ tích mà biến thành hiện thực
Dùng đầu óc con người mà thay đổi thiên nhiên!
Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa
Chỉ giận chưa thể đuổi kịp nước Nga, vượt qua nước Mỹ, mà vẫn chỉ hơn Lào, hao hao Băng la đét.
Dẫu cho trăm thân này phơi trên sao Hỏa, nghìn xác này bọc trong tàu ngầm nguyên tử, ta cũng cam lòng.
Các ngươi ở cùng ta,
Học vị đã cao, học hàm không thấp
Ăn thì chọn cá nước, chim trời
Mặc thì lựa May Mười, Việt Tiến
Chức nhỏ thì ta… quy hoạch
Lương ít thì có lộc nhiều.
Đi bộ A tít, Cam ry
Hàng không Elai, Xi pic.
Vào hội thảo thì cùng nhau tranh luận
Lúc tiệc tùng thì cùng nhau “dô dô”.
Lại còn đãi sỹ chiêu hiền
Giáo sư, tiến sỹ, thạc sỹ, cử nhân, ai cũng có phần, không nhiều thì ít.
Lại còn chính sách khuyến khoa
Doanh nghiệp, giáo viên, trí thức, nông dân nhận cúp, nhận bằng còn thêm tiền thưởng.
Thật là so với:
Thời Tam quốc bên Tàu, Lưu Bị đãi Khổng Minh,
Buổi hiện đại bên Nga, Pu tin dùng Mét vê đép,
Ta nào có kém gì?
Thế mà, nay các ngươi:
Nhìn khoa học chậm tiến mà không biết lo
Thấy công nghệ thụt lùi mà không biết thẹn
Giáo sư ư? Biết “Thần đèn” chuyển nhà mà chẳng chạnh lòng
Tiến sỹ a? Nghe “Hai lúa” chế tạo máy bay sao không tự ái?
Có người lấy nhậu nhẹt làm vui
Có kẻ lấy bạc cờ làm thích
Ham mát xa giống nghiện “u ét đê”
Ghét ngoại ngữ như chán phòng thí nghiệm
Chỉ lo kiếm dự án để mánh mánh mung mung
Không thích chọn đề tài mà nghiên nghiên cứu cứu
Ra nước ngoài toàn muốn đi chơi
Vào hội thảo chỉ lo ngủ gật
Bệnh háo danh lây tựa vi rút com pu tơ
Dịch thành tích nhiễm như cúm gà H5N1
Mua bằng giả để tiến sỹ, tiến sy
Đạo văn người mà giáo sư, giáo sãi.
Thử hỏi học hành như rứa, bằng cấp như rứa, thì mần răng hiểu được chuyện na niếc na nô?
Lại còn nhân cách đến vậy, đạo đức đến vậy, thì có ham gì bút bút nghiên nghiên.
Cho nên:
“Tạp chí hay” mà bán chẳng ai mua
“Công nghệ tốt” mà không người áp dụng.
Đề tài đóng gáy cứng, chữ vàng, mọt kêu trong tủ sắt
Mô hình xây tường gạch, biển xanh, chó ị giữa đồng hoang.
Hội nhập chi, mà ngoại ngữ khi điếc, khi câm?
Toàn cầu chi, mà kiến thức khi mờ, khi tỏ?
Hiện đại hóa ư? vẫn bám đít con trâu
Công nghiệp hóa ư? toàn bán thô khoáng sản
Biển bạc ở đâu, để Vi na shin nổi nổi chìm chìm?
Rừng vàng ở đâu, khi bô xít đen đen đỏ đỏ?
Thật là:
“Dân gần trăm triệu ai người lớn
Nước bốn nghìn năm vẫn trẻ con”!
Nay nước ta:
Đổi mới đã lâu, hội nhập đã sâu
Nội lực cũng nhiều, đầu tư cũng mạnh
Khu vực có hòa bình, nước ta càng ổn định
Nhân tâm giàu nhiệt huyết, pháp luật rộng hành lang
Thách thức không ít, nhưng cơ hội là vàng!
Chỉ e:
Bệnh háo danh không mua nổi trí khôn
Dịch thành tích chẳng làm nên thương hiệu.
Giỏi mánh mung không lừa nổi đối tác nước ngoài
Tài cờ bạc không địch nổi hắc cơ quốc tế.
Cặp chân dài mà nghiêng ngả giáo sư
Phong bì mỏng cũng đảo điên tiến sỹ.
Hỡi ôi,
Biển bạc rừng vàng, mà nghìn năm vẫn mang ách đói nghèo
Tài giỏi thông minh, mà vạn kiếp chưa thoát vòng lạc hậu.
Nay ta bảo thật các ngươi:
Nên lấy việc đặt mồi lửa dưới ngòi pháo làm nguy;
Nên lấy điều để nghìn cân treo sợi tóc làm sợ
Phải xem đói nghèo là nỗi nhục quốc gia
Phải lấy lạc hậu là nỗi đau thời đại
Mà lo học tập chuyên môn
Mà lo luyện rèn nhân cách
Xê mi na khách đến như mưa
Vào thư viện người đông như hội
Già mẫu mực phanh thây Gan ruột, Tôn Thất Tùng chắc cả trung đoàn
Trẻ xông pha mổ thịt Bổ đề, Ngô Bảo Châu cũng dăm đại đội
Được thế thì:
Kiếm giải “Phiu” cũng chẳng khó gì
Đoạt Nô ben không là chuyện lạ
Không chỉ các ngươi mở mặt mở mày, lên Lơ xút, xuống Rôn roi
Mà dân ta cũng hưng sản, hưng tâm, vào Vi la, ra Rì sọt.
Chẳng những tông miếu ta được hương khói nghìn thu
Mà tổ tiên các ngươi cũng được bốn mùa thờ cúng,
Chẳng những thân ta kiếp này thỏa chí,
Mà đến các ngươi, trăm đời sau còn để tiếng thơm.
Chẳng những tên tuổi ta không hề mai một,
Mà thương hiệu các ngươi cũng sử sách lưu truyền.
Trí tuệ Việt Nam thành danh, thành tiếng
Đất nước Việt Nam hóa hổ, hóa rồng
Lúc bấy giờ các ngươi không muốn nhận huân chương, phỏng có được không?
Nay ta chọn lọc tinh hoa bốn biển năm châu hợp thành một tuyển, gọi là Chiến lược
Nếu các ngươi biết chuyên tập sách này theo lời ta dạy bảo thì suốt đời là nhà khoa học chính danh.
Nhược bằng không tu thân tích trí, trái lời ta khuyên răn thì muôn kiếp là phường phàm phu tục tử.
Vì:
Lạc hậu, đói nghèo với ta là kẻ thù không đội trời chung
Mà các ngươi cứ điềm nhiên không muốn trừ hung, không lo rửa nhục
Chẳng khác nào quay mũi giáo mà đầu hàng, giơ tay không mà thua giặc.
Nếu vậy rồi đây khi nước Việt hóa hổ, hóa rồng, ta cùng các ngươi há còn mặt mũi nào đứng trong trời đất này nữa?
Cho nên mới thảo hịch này
Xa gần nghiên cứu
Trên dưới đều theo!


T/g: Phạm Xuân Cần - Nguồn: Facebook

Ba loại ớt lạ đang 'oanh tạc' vườn nhà Việt



Ớt đậu đũa, ớt cầu vồng hay ớt của quý là ba trong nhiều loại ớt bắt đầu được trồng thử nghiệm tại nhiều gia đình Việt.


1. Ớt 'đậu đũa'

Ớt 'đậu đũa' có tên tiếng Anh được đặt theo tên thành phố Cayenne (Guiana, thuộc Pháp). Cái tên là lạ của loại ớt này bắt nguồn từ chiều dài khủng (25-30cm) của quả - vượt trội so với những loại khác trong họ ớt.


Quả ớt dài từ 25 - 30cm trông giống như đậu đũa

Giống ớt 'đậu đũa' sau khi được phát hiện đã nhanh chóng xâm nhập vào các trang trại và được ưa chuộng. Chúng thích hợp trồng công nghiệp vì sinh trưởng nhanh, năng suất cao và thời gian thu hoạch dài.

Vị cay của nó thích hợp để làm những món ăn cay nồng, có thể dùng sống hay phơi khô thành bột/ Loài ớt này thường xuyên xất hiện trong các món ăn của Hàn Quốc, Tứ Xuyên và nhiều loại đồ ăn châu Á khác.


Có độ cay vừa phải, ớt 'đậu đũa' hay được ưa dùng trong ẩm thực châu Á



Bên cạnh màu đỏ, ớt Cayenne còn có màu tím và vàng

2. Ớt cầu vồng

Giống ớt cầu vồng đặc biệt sai quả với những màu sắc khác nhau trên cùng một cây từ kem, trắng, vàng, tím, cam và đỏ. Trông thì tưởng khó nhưng cách trồng ớt cầu vồng cũng chẳng khác các loại cây anh em khác trong họ nhà mình. Đặc biệt, trời mùa hè càng nhiều nắng thì cây đổi màu càng đậm, càng đẹp.


Dạo gần đây, ớt cầu vồng được rất nhiều gia đình tìm mua hạt để trồng tại nhà vì tác dụng 2-trong-1 khi vừa làm cảnh, vừa ăn quả. Giống quả lạ mắt này được rao bán trên các trang mạng với giá 50.000 đồng/ gói 25 hạt.


Ớt cầu vồng thuộc loại ớt nhỏ, có vị rất cay.



Một vài gia đình còn trồng ớt cầu vồng bonsai vì cây nhỏ, ưa hạn

3. Ớt của quý

Ớt Peter luôn được liệt kê vào trong danh sách những loại củ quả có hình dáng kì lạ nhất trên Thế giới. Giống ớt có hình dạng giống của quý của nam giới này đã từng giành giải "Giống ớt gợi cảm nhất" bởi Tạp Chí Làm Vườn Hữu Cơ. Ớt Peter phổ biến có hai màu đỏ hoặc vàng khi chín. Chúng không quá phổ biến và đến giờ các nhà sinh học vẫn chưa hết được nguồn gốc của loại quả kì lạ này.




Ớt 'của quý' dài khoảng 7-10cm và to 2.5-3.5cm khi chín. Một quả ớt Peter khi phát triển toàn diện có hình như 'bản sao thu nhỏ của cơ quan sinh dục nam đã lột bao quy dầu'. Ngoài hình dáng đặc biệt, ớt Peter cũng cay nổi bật. Độ cay của ớt Peter đạt 10,000–23,000 (cay bỏng lưỡi). Vì vậy, ít khi ớt Peter được dùng trong thực phẩm hàng ngày, mà chủ yếu để ngâm hoặc trang trí.


Cách trồng và chăm sóc ớt Peter không hề khác so với những cây ớt bình thường. Bạn chỉ cần gieo hạt vào chậu hoặc thùng xốp, tưới đủ ẩm và để ở bậu cửa sổ đầy nắng là cây ớt sẽ tự phát triển vùn vụt.

Cây ớt Peter trồng ở TP.HCM của chị Thanh

4. Cách trồng ớt trong thùng xốp tại nhà

Dù là những loài ớt có hình dáng đặc biệt hay ớt chỉ thiên thông thường thì cách trồng cũng không có quá nhiều sự khác biệt. Giống ớt là một trong những loại quả dễ trồng nhất từ hạt. Bạn chỉ cần gieo hạt vào chậu hoặc thùng xốp, tưới đủ ẩm và để ở bậu cửa sổ đầy nắng là cây ớt sẽ tự phát triển vùn vụt.
Chuẩn bị:
- Chọn thời điểm: Ớt có thể trồng được quanh năm. Từ lúc gieo hạt đến lúc thu hoạch chỉ mất khoảng 3-4 tháng
- Đất: Đất trồng ớt cần nhiều dinh dưỡng và tơi xốp. Trước khi gieo hạt, bạn có thể bót lót một chút phân NPK, hay phân hữu cơ.
Thực hiện:
- Gieo hạt: Trước khi gieo xuống đất, ngâm hạt ớt trong nước ấm trong khoảng 30 phút rồi phơi khô dưới ánh nắng mặt trời. Sau khi gieo hạt sâu xuống mặt đất khoảng 0.5-1cm, tưới đủ ẩm rồi phủ màng bọc thực phẩm lên trên. Bạn nên để chậu đất ở góc có nhiều ánh nắng. Sau khi gieo hạt khoảng 1 tuần thì cây bắt đầu lên mầm. Khi cây có từ 4-5 lá (30-35 ngày sau gieo) thì chuyển cây con ra trồng.

Cây ớt lên 2 lá thật sau 10 ngày gieo hạt

Cây ớt trồng chậu sau 3 tuần
- Vào mùa mưa, bạn cần đảm bảo thoát nước tốt. Mùa khô phải tưới nước đầy đủ.
- Cắt tỉa: Tỉa bỏ bớt các cành, lá để cây ớt phân tán rộng và gốc được thông thoáng. Bạn nên chọn lúc nắng ráo để tỉa cành.
- Thu hoạch: Ngắt cả cuống trái khi ớt chuyển màu (35-40 ngày sau khi ra hoa). Nếu chăm sóc tốt thời gian thu hoạch có thể kéo dài hơn 2 tháng.

Sau ba tháng kể từ ngày gieo hạt, gia đình đã luôn có ớt sạch để dùng
Thạch Thảo
http://eva.vn/nha-dep/hoc-trong-ba-loai-ot-la-dang-oanh-tac-vuon-nha-viet-c169a231557.html

Thu Phai Dấu Tình


.

Vàng phai chiếc lá hôn mê
Mùa thu hoa cúc lối về chân mây
Con đường rộng khép hàng cây
Dấu mùa thu cũ cho đầy nhớ thương

Gọi người trong cõi vô thường
Chỉ nghe quạnh quẽ thiêng đường ngẩn ngơ
Hồn ta khao khát mong chờ
Âm ba thảng thốt nhớ ơi dại khờ

Tình riêng có chút ngây thơ
Tình chung bến cuối là mơ không thành
Lá vàng từng chiếc lìa cành
Cuốn trôi tan tác cũng đành hư không
Chiều nào xây mộng viễn vông
Trèo lên tưởng niệm mà trông đợi chàng
Con đường hun hút lá vàng
Mùa thu vàng vội ngỡ ngàng quên nhau.

Trịnh Tây Ninh

TỨ TƯỢNG Chương 4. Tứ Tượng và học thuật Âu Châu






Chúng ta cũng có thể dùng Tứ Tượng làm bàn đạp để nghiên cứu các huyền thoại, các tượng hình của Âu Châu. Ở Âu Châu, Tứ Tượng được thể hiện bằng:

- 4 cánh của chữ Thập

- 4 phương đất

- 4 phương trời

- 4 mùa

- 4 vì sao đánh dấu 4 mùa: Aldébaran (Mắt Kim Ngưu), Régulus (Tim Sư Tử), Antarès (Tim Thiên Yết), và Fomalhaut (Miệng Cá Nam Đẩu).[1]

Tứ Linh tượng trưng cho 4 cung trời, 4 phương trời chính. Tứ Linh là:

- Bò tức là cung Kim Ngưu (Taureau)

- Sư tử tức là cung Sư Tử (Lion)

- Phượng tức là cung Thiên Yết (Scorpion)

- Người tức là cung Bảo Bình (Verseau).

Sau này Tứ Linh cũng tượng trưng cho 4 Thánh Sử Công giáo:

- Bò tượng trưng cho thánh Luc

- Sư tử tượng trưng cho thánh Marc

- Phượng tượng trưng cho thánh Jean

- Người tượng trưng cho thánh Mathieu.

Thánh kinh Công giáo thường cũng hay chắp Tứ Linh nói trên thành một con thú duy nhất. Chính vì thế mà 4 quái thú mà Ézéchiel trông thấy trên sông Kebar đều có bốn mặt: mặt người, mặt sư tử, mặt bò, và mặt phượng. (Ézec. I, 4-12). Trong Khải Huyền, ta lại thấy Tứ Linh (Sư tử, Bò, Người, Phượng) vây quanh tòa Thiên Chúa. (Apo. 4, 7, 8). [2]

Con quái thú ở Gizeh, hoặc con quái thú trong thần thoại Hi Lạp có mặt người, mình bò, chân sư tử, cánh phượng. [3]Tứ Linh dẫn tới Thái Cực làm ta liên tưởng đến bốn con sông Tigre, Euphrate, Pishôn, và Gihôn từ 4 phương chính dẫn tới vườn Địa Đàng (Gen. 2, 1014).

Dịch có Thái Cực (Tuyệt đối), Lưỡng Nghi (Âm, Dương; Mặt Trăng, Mặt Trời) và Tứ Tượng. Tứ Tượng là:

- Thiếu Dương, Đông Mộc, màu xanh.

- Thái Dương, Nam Hỏa, màu đỏ.

- Thiếu Âm Tây Kim, màu trắng.

- Thái Âm, Bắc Thủy, màu đen.

Lạ lùng thay, khi đọc sách Khải Huyền, nơi chương Bảy Ấn Tín (Apo. 6, 1 -17) ta thấy:

- Khi mở ấn tín thứ 1, thánh Joan thấy một kỵ mã cưỡi ngựa bạch.

- Khi mở ấn tín thứ 2, thánh Joan thấy một kỵ mã cưỡi ngựa đỏ.

- Khi mở ấn tín thứ 3, thánh Joan thấy một kỵ mã cưỡi ngựa đen.

- Khi mở ấn tín thứ 4, thánh Joan thấy một kỵ mã cưỡi ngựa xanh.

- Khi mở ấn tín thứ 5 và thứ 6, thánh Joan thấy mặt trời, mặt trăng biến sắc (Lưỡng Nghi, Âm Dương).

- Khi mở ấn tín thứ 7, thánh Joan thấy Tòa hoặc Bàn Thờ Thiên Chúa.

Như vậy sách Khải Huyền đã cho chúng ta thấy Tứ Tượng, Lưỡng Nghi, Thái Cực như một cuốn phim chiếu ngược lại, còn Dịch cho chúng ta thấy Thái Cực, Lưỡng Nghi, Tứ Tượng như một cuốn phim chiếu theo chiều xuôi. [4]

Đọc Zacharie, ta lại thấy đề cập đến 4 màu sắc của Tứ Tượng. Zacharie đã thấy 4 chiếc xe từ khoảng giữa hai ngọn núi chạy ra. Một cỗ xe có ngựa đỏ kéo; một cỗ xe có ngựa đen kéo; một cỗ xe có ngựa trắng kéo; một cỗ xe có ngựa xám kéo. (Zacharie, 6, 1-6).

Những sự trùng hợp của Thánh Kinh với Tứ Tượng của Dịch này, không thể coi là ngẫu nhiên được.

Âu Châu còn có một khoa bói, tương tự khoa bói Dịch gọi là Tarot. Chữ Tarot gồm có chữ Tau và chữ Rho. Hi Lạp xếp lại thành chữ Taro hay Rota. Mà Rota là bánh xe, là quay. Chữ Tarot cũng chính là chữ Rota viết ngược lại.

Một số lá bài Tarot



Cỗ bài Tarot gồm có 78 lá: 22 lá chính, 56 lá phụ.

56 lá phụ này được chia thành 4 loại tượng trưng cho Tứ Tượng. Đó là:

- 16 lá bài Gậy (Bâton), tượng trưng Hỏa (Feu) hay Sinh (Vie).

- 16 lá bài Tiền (Denier), tượng trưng Thổ (Terre) hay Hữu (Possession).

- 16 lá bài Gươm (Épée), tượng trưng Khí (Air) hay Hành (Activité).

- 16 lá bài Chén (Coupe), tượng trưng Thủy (Eau) hay Thụ (Sensibilité).

Tứ Tượng nói trên: Hỏa, Địa, Khí, Thủy chính là những chất mà người Âu Châu xưa tưởng là 4 nguyên tố tạo thành Vũ Trụ, Vạn Hữu.

Họ cũng định tính chất của Tứ Tượng như sau:

Hỏa thời Nhiệt (Chaud)

Địa thời Hàn (Froid)

Khí thời Táo (Sec)

Thủy thời Thấp (Humide).

Bốn tính chất cơ bản nói trên, giao thoa, pha phách với nhau để sinh ra tính chất muôn loài. Ví dụ tính nết con người cũng được chia thành bốn loại:

* Hăng hái (Sanguin): Nhiệt thấp (Chaud humide)

* Điềm tĩnh (Lymphatique): Hàn thấp (Froid humide)

* Đa sầu (Bilieux): Nhiệt táo (Chaud sec)

* Đa nộ (Nerveux): Hàn táo (Froid sec), v.v…

Khảo về Huyền thoại, Tượng hình, Đạo giáo, Học thuật cổ Âu Châu song song với Dịch Kinh và Lưỡng Nghi, Tứ Tượng đã cho chúng ta thấy rằng xưa kia đã có một Khoa Học Thái Cổ, với những Huyền thoại đặc biệt, những Tượng hình đặc biệt, những quan niệm, những nhận định đặc biệt, đã được truyền thụ và lưu hành từ Đông sang Tây, và Dịch Kinh chính là chiếc chìa khóa giúp ta mở lại những cánh cửa thời gian và học thuyết để đi về cái dĩ vãng xa xăm huyền ảo đó.

CHÚ THÍCH

[1] Robert Ambelain, Traité d’astrologie ésotérique, trang 155.

Khổng Học Tinh Hoa của tác giả, trang 164.

[2] Louis Lallemant, La Vocation de l’Occident, trang 23.

Khổng Học Tinh Hoa của tác giả, chú thích 1 và 2, trang 165.

[3] Les Mages portaient les Roses + Croix suspendues au cou par une chaîne d’or, mais pour ne pas laisser livrer aux profanes le mot sacré INRI, ils remplacaient ces quatre lettres par les quatre figures qui s’unissent dans le Sphinx: l’Ange, le Taureau, le Lion, et l’Aigle. — Robert Ambelain, Traité d’astrologie ésotérique, trang 56.

[4] Xem Bible de Jerusalem, các chương Khải Huyền hoặc Zacharie dẫn thượng.

Xem Léopold de Saussure, La Série Septenaire Cosmologique et Planétaire, pp. 350-358.

NGƯỜI ĐÀN ÔNG BỐN MƯƠI (YONJUSSAI NO OTOKO, 1964)

Dịch và giới thiệu: Nguyễn Nam Trân

Cứ mỗi 10 năm, Endô Shuusaku lại viết một truyện ngắn có tính tự truyện như thể muốn đánh dấu chặng đường vừa đi qua. Ít nhất là vào thời ông ở các lứa tuổi bốn mươi (1963), năm mươi (1973) và sáu mươi (1983).

Đoản thiên “Người đàn ông bốn mươi” đã được viết ra để nhớ đến thời gian ông đạt tới cái tuổi “bất hoặc”(không còn ngờ vực hay bị dao động) như lời Khổng Tử xưa kia đã trình bày trong Luận Ngữ. Tính tự truyện có thể nhìn thấy qua thể nghiệm bệnh phổi của Suguro, nhân vật chính (Suguro là cái tên xuất hiện trong nhiều tác phẩm của Endô Shuusaku). Ngoài ra, trong đời thường, nhà văn của chúng ta đã mắc chứng ho lao, phải giải phẩu, ngay từ thời du học ở Lyon (Pháp) và cho đến cuối đời, vấn đề sức khoẻ đã thường trực ám ảnh tâm trí cũng như văn nghiệp.

Trầm tư về tôn giáo của Endô Shuusaku ở đây xoay quanh những câu hỏi ông hãy còn phải tự đặt cho mình ở giữa tuổi bốn mươi liên quan đến sự bất lực của con người khi tìm về Thượng Đế, bản chất của tội lỗi cũng như quyền buộc tội và tha tội.



1



Suguro nghĩ rằng đã là con người thì ai đôi khi cũng nghĩ đến lúc mình có thể chết, nhưng chết ở nơi đâu hay chết trong một gian phòng như thế nào là cái hầu như chưa ai hình dung được.

Ở bệnh viện, nếu chết, họ chỉ được người ta xử lý như bưu điện gửi đi một kiện hàng.

Vào một buổi chiều, bên cạnh phòng Suguro nằm, một con bệnh mắc chứng ung thư đường ruột đã chết.Tiếng than khóc của gia đình vọng đến tai anh trong chốc lát.Cuối cùng khán hộ chở ông ta lên băng-ca và đưa xuống nhà xác. Sáng hôm sau, khi các bà nhân viên vệ sinh đến quét dọn gian phòng trống đó, họ vừa làm việc khử trùng vừa hát líu lo.

Đến chiều thì đã có con bệnh khác trám vào chỗ ấy. Không có ai báo cho người bệnh mới đến là nơi ông ta nằm, hôm qua vừa có người chết. Và con bệnh mới cũng không cách chi tìm được một thông tin như thế.

Bầu trời quang đãng. Cuộc sống ở bệnh viện trôi qua như không có gì xảy ra, bữa cơm chiều vẫn được đem đến phân phát bình thường. Bên dưới cửa sổ, ô tô, xe buýt chạy xẹt qua xẹt lại. Tất cả như đang muốn cùng nhau che dấu một việc gì.

Hôm ấy nhằm hai tuần trước cuộc giải phẩu lần thứ ba, Suguro nhờ vợ mua hộ cho anh ta một con nhồng[25].Khác với khi nói đến cưởng hay vàng anh, khi tên của con chim hơi đắt giá này vừa mới buột ra ở đầu cửa miệng, anh bắt gặp chút thảng thốt hiện ra trên khuôn mặt vợ mình.

- Được chớ, có sao đâu!

Nàng vẫn gật đầu đồng ý và cố nở một nụ cười. Đôi má thấy có hóp đi vì mệt mỏi sau những tháng dài trông nom bệnh chồng. Cái cười mỉm miệng này, trong thời gian nàng nuôi bệnh, Suguro đã thấy mấy lần rồi. Bác sĩ đến, trên tay là một tấm phim chụp quang tuyến còn ươn ướt, ông soi nó trước ánh đèn rồi bảo:

- Chỗ bệnh lậm đến thế này chắc phải mổ thôi!

Được báo tin sẽ phải bị cắt đi sáu cái xương sườn, trong một thoáng, Suguro đã câm lặng như muốn nén nỗi lo lắng vào bên trong thì khi đó, cái mỉm cười can đảm của người vợ đã hiện ra như để nâng đỡ tinh thần anh. Giữa đêm khuya, lúc ca giải phẫu đầu tiên vừa xong và mới tỉnh thuốc mê, hãy chưa hoàn hồn, hình ảnh đầu tiên bồng bềnh trước mắt anh vẫn là khuôn mặt của vợ với nụ cười nhẹ nhàng đó. Rồi ngay cả lúc cuộc giải phẩu lần thứ hai bị thất bại và Suguro rơi vào trong một trạng thái tinh thần hầu như kiệt quệ, nụ cười ấy vẫn không hề biến mất từ khuôn mặt nàng.

Ba năm nằm nhà thương, tiền dành dụm đã hao hụt đi nhiều. Trong tình trạng như vậy mà anh còn đòi mua một con nhồng đắt giá thì chắc chắn không phải là người biết nghĩ.Thế nhưng hiện thời thì Suguro, vì một lý do riêng tư, đã nằng nặc muốn mua con chim kia cho được.

Có lẽ người vợ chỉ nghĩ đơn thuần đây là sở thích hơi ngông của con bệnh nên gật đầu nói:

- Để ngày mai em ra gian hàng ở hiệu bách hóa xem sao nhé!

Buổi chiều hôm sau, dắt theo đứa con, hai tay đong đưa hai túi hàng lớn, nàng bước vào phòng bệnh. Đó là một ngày tháng chạp mây u ám. Một túi đầy mấy thứ quần áo, đồ ngủ và đồ lót của chồng vừa được giặt xong. Còn cái túi kia là một khăn vải vẽ hoa văn lạ mắt, nghe từ đó tiếng sột soạt của một thân chim đang lay động.

- Mắc không em?

- Bố đừng lo cho mệt. Họ có xuống giá cho mình mà.

Đứa con trai lên năm có vẻ mừng rỡ, khom lưng trước cái lồng chim và chăm chú nhìn vào bên trong.

Con nhồng khắp người lông đen nhánh nhưng trên đầu có mấy lằn vàng sáng.Nó đậu không động đậy trên một thanh ngang, chòm lông trước ngực hơi bù xù có lẽ vì bị lắc qua lắc lại suốt cuộc hành trình bằng xe điện để đến đây.

- Như vậy, khi mẹ con em ra về rồi, bố cũng có bạn đỡ buồn.

Đêm bệnh viện tối u và dài. Sau 6 giờ chiều, người ta không cho phép gia đình đi thăm được nán lại. Suguro ăn một mình, ngủ cũng một mình, chỉ biết ngửa mặt nhìn đăm đăm trần nhà.

- Cách cho chim ăn hơi rắc rối một chút đấy. Người bán chim bảo phải thấm nước vào mồi bột dành cho nó và vo thành viên to cỡ đầu ngón tay trỏ.

- Cho ăn mồi to cỡ đó có làm nó bị mắc nghẹn ở cuống họng không hở?

- Không đâu. Ngược lại nhờ đó nó lại có thể bắt chước được nhiều giọng.

Thằng con đưa ngón tay chọt chọt thì con nhồng tỏ vẻ hoảng sợ, đứng nép vào một góc lồng.Người vợ đi khuất về phía gian bếp dành cho bệnh nhân để sửa soạn mấy món ăn dặm cho chồng.

- Con chim này biết nói đủ thứ đó! Nhớ dạy cho nó để vào lần sau, nó nói được nhiều nhiều khi con tới nghe ba!

Nghe con nói vậy, Suguro vừa gật đầu vừa nhoẻn miệng cười. Sáu năm về trước, đứa trẻ cũng đã ra đời trong khu sản khoa của nhà thương này.

- Ừ nhỉ, mình dạy nó cái gì bây giờ ? Hay con dạy nó lập lại tên con đi vậy!

Sương chiều bắt đầu bủa vây gian phòng người bệnh. Từ cửa sổ nhìn ra, những dãy nhà trong bệnh viện lần lượt lên đèn. Tiếng động của chiếc xe phân phát phần ăn đang đi qua ngoài hành lang nghe ken két.

- Thôi nghen. Hôm nay không có ai trông nhà, bố cho phép hai mẹ con về bây giờ nhé!

Người vợ đã sửa soạn xong mấy món ăn dặm, bọc mấy cái đĩa vào trong giấy kính nhựa, đặt nó lên trên ghế, miệng nói:

- Không muốn ăn cũng ráng ăn cho hết nghe bố.Trước khi mổ phải ăn đủ chất để lấy sức chứ!

Bảo thằng con nói con chào, bố nhớ giữ gìn sức khoẻ, xong, bà ta kéo nó ra khỏi căn phòng người bệnh nhưng còn quay lại nhắn với:

- Bố cố gắng lên, bố nhé!

Thế rồi, khuôn mặt nàng lần nữa lại điểm cái nụ cười nhẹ ấy.

Bệnh viện chợt trở nên im ắng. Trong lồng, con nhồng động đậy sột soạt. Vẫn ngồi trên giường, Suguro lặng lẽ ngắm đôi mắt buồn bã của con chim trên cái thanh đu ngang. Biết đòi hỏi của mình là ngông cuồng nhưng Suguro vẫn vòi vĩnh vợ phải mua cho mình con chim đắt giá. Thật ra, anh có một số lý do.

Vì hai lần giải phẩu đều thất bại và bây giờ anh đang đợi người ta cắt đi một bên phổi, Suguro rất đau khổ khi phải gặp người khác. Khi nói đến lần giải phẩu thứ ba này, miệng các bác sĩ bao giờ cũng nói chắc như bắp nhưng thái độ và ánh mắt của họ lại làm cho anh lo ngại về sác xuất thành công của nó. Đặc biệt trong trường hợp riêng anh thì sau lần giải phẩu thứ hai thất bại, màng phổi đã bị dính chặt vào thành ngực. Đem tách chúng rời nhau ra, có nguy cơ xuất huyết nhiều và đó là điều nguy hiểm nhất. Nghe nói từng có một số bệnh nhân ở vào trường hợp của anh đã tắt thở giữa ca mổ. Suguro giờ đây không còn sức để tỏ ra mình có tinh thần cao hay bông đùa về bệnh trạng của mình cho khách đến thăm nữa rồi. Vì vậy, lý do thứ nhất để nuôi nhồng của anh là việc anh nghĩ mình chỉ còn có con vật này là người bạn hợp tình hợp cảnh để tâm sự.

Sắp đến tuổi bốn mươi, Suguro bỗng đâm ra thích tìm hiểu có gì trong ánh mắt những con súc vật như chó và chim chóc. Nhìn từ một góc cạnh nào đó sẽ thấy những đôi mắt đó lạnh lẽo, không có hơi ấm tình người nhưng dưới một góc cạnh khác, mới nhận ra được là những đôi mắt ấy chất chứa nỗi buồn. Suguro có lần nuôi cưỡng. Một hôm, con chim lăn ra chết. Trước khi thở hơi cuối cùng trong bàn tay anh, con chim nhỏ, với cái màng bao tròng trắng đục ra, dần dần lạc thần mà vẫn cố chống trả với tử thần, còn ráng mở mắt thêm một, hai lần nữa.

Cũng như cặp mắt con chim ấy, Suguro cảm thấy có những đôi mắt chất chứa nỗi buồn tương tự đang quan sát cuộc đời của chính anh. Đặc biệt những đôi mắt đó nhìn chòng chọc vào anh kể từ khi có cái biến cố vào một ngày trong quá khứ. Những đôi mắt đó như đang mở trừng trừng. Không chỉ nhìn chòng chọc mà thôi, chúng tựa hồ muốn tố cáo việc gì đó.



2



Một thủ tục cần thiết trước khi giải phẩu là soi khí quản để kiểm tra. Sử dụng một cái kính đính vào một ống kim loại, người ta thọc trực tiếp nó vào phổi theo đường miệng để nhìn rõ bên trong. Bệnh nhân thường gọi nó là “barbecue” (xâu thịt nướng). Hình ảnh người bệnh nằm ngửa trên giường, thanh kim loại đi sâu vào trong người khiến họ có cảm tưởng mình chẳng khác nào một xâu thịt xiên. Người bị kiểm tra bằng cách này có khi miệng khạc ra cả máu, thân thể quằn quại đau đớn làm các cô khán hộ phải ra sức giữ chặt cho yên.

Cuộc kiểm tra xong xuôi, Suguro vừa lấy giấy chậm vết thương còn chảy máu chung quanh chân răng vừa trở lại phòng mình thì vừa lúc đó, vợ anh lại đưa con trai tới nơi.

- Mặt bố tái mét kìa!

Sau hai lần chịu giải phẩu, cơ thể của Suguro dường như đã chai lỳ với thống khổ. Đau đớn trở không còn là đối tượng của sợ hãi nữa.

- Bố ơi, con nhồng thế nào?

- Nó chưa học được câu nào cả!

Suguro ngồi trên giường, một lúc mới điều chỉnh được nhịp thở chút đỉnh.

- Trước khi em tới, “con bé Yasu” trên Ômori có gọi điện thoại đến nhà. Nó bảo hôm nay sẽ đi với anh chồng đến thăm bố đấy.

Vợ anh lưng quay đằng sau, vừa đeo tấm tạp dề vào người, vừa thông tin cho anh. Vì người đàn bà quay lưng lại phía mình cho nên nét mặt của nàng lúc đó như thế nào, Suguro không sao đoán biết.

- Đi với chồng à?

- Vâng.

Yasuko ở Ômori là cô em họ vợ anh. Bốn năm về trước, cô ấy đã kết hôn với một viên chức thuộc Vụ Kế Hoạch Bộ Kinh Tế. Người chồng của cô cho Suguro cảm tưởng anh ta là một nhà kinh doanh với tinh thần thực dụng, đầy sức sống, thân thể vạm vỡ, cổ bạnh vai u.

- Chuyện “con bé Yasu” trên Ômori đến thăm ... nếu bố thấy trong người chưa lấy lại sức sau đợt kiểm tra, thì để em gọi điện thoại từ chối nó.

Có thể vợ anh bảo thế vì không chịu nổi sự im lặng quá lâu, không có lấy một câu trả lời của chồng mình.

- Không sao đâu em. Người ta cất công tới thăm mà!

Suguro nằm trên giường, mặt ngước lên. Hai tay khoanh vào nhau, đôi mắt dán vào trần căn phòng bệnh, nơi có mấy chỗ ngả màu vì nước mưa thấm vào. Cái vè của mấy chỗ dột đã vàng xỉn. Trời cũng đã mưa vào buổi chiều hôm đó nhỉ!

Tuy vậy, hôm ấy, quang cảnh là một căn phòng dùng để xưng tội, nhỏ và tối tăm hơn phòng dành cho con bệnh như thế này, Suguro thì đang ở trong tư thế quì, ngăn cách với ông tu sĩ già người ngoại quốc miệng nồng mùi rượu vang, bằng một cái màng lưới tết bằng kim loại.

- Miseraetur tui Omini potens Deus...

Sau khi đưa một cánh tay lên và đọc lời cầu nguyện bằng tiếng La-Tinh, người tu sĩ quay người qua một bên, yên lặng chờ đợi những gì Suguro sẽ phát biểu.

- Con....

Suguro nói được đến đó thì câm miệng. Đã lâu, anh ta không có dịp bước vào một căn phòng xưng tội và có hơi do dự khi phải nói cho người khác biết về câu chuyện đó. Thế nhưng, hôm nay, anh đã can đảm đến đây để có thể bóc mảnh vải băng vốn đã dán chặt vào thịt trên miệng của vết thương mình.

- Con... Con ....Ngày còn nhỏ, con đã chịu phép rửa tôi theo ý chí của cha mẹ chứ không phải thực lòng mình muốn, cho nên trong một quãng thời gian dài, con chỉ đi nhà thờ theo thói quen và hình thức mà thôi.Thế nhưng, cũng kể từ hôm ấy, con hiểu rõ rằng con không thể nào vứt bỏ được bộ quần áo mà cha mẹ đã quyết định mặc cho con dù nó không được cắt đúng ni tấc của mình. Rồi qua bao năm tháng, bộ quần áo cha mẹ mặc cho đã trở thành một phần của đời con. Con biết rằng nếu con vứt bỏ nó đi thì con sẽ không còn gì, tâm hồn và máu thịt, ngay cả những gì đang bảo vệ mình.

- Nói nhanh lên đi!

Với hơi thở nặng mùi rượu đang phả ra chung quanh, người linh mục già hạ giọng thôi thúc.

- Có người đang đợi đến phiên mình đấy.

- Trong một quãng thời gian dài, con không dự lễ Misa. Con đã có những hành động thiếu tình yêu thương...

Suguro để miệng anh tuôn ra liên tu bất tận những tội không đâu.

- Con không phải là một người chồng và người cha gương mẫu trong gia đình.

Những điều mình đang thốt ra đây có đáng buồn cười không nhỉ! Quì xuống mà lẩm ba lẩm bẩm ba câu kỳ cục ngu ngơ. Trong đầu Suguro lúc đó hiện ra những khuôn mặt bạn bè, từng người từng người một, anh tưởng tượng nếu họ thấy cảnh này thì sẽ cười cợt và khinh miệt anh biết bao. Những lời anh thốt ra không chỉ có vẻ hài hước mà còn chứa cả sự ti tiện trong con người ngụy thiện của anh nữa.

- Có chừng đó thôi sao?

Suguro có cảm tưởng lúc này là lúc anh đang sắp làm một hành động giả dối nhất:

- Thưa vâng, chỉ có chừng đó thôi ạ!

- Này nhé! Đọc kinh “Kính mừng Marie Đức Mẹ Chúa Trời” ba lần đi. Nhớ cho là bao tội lỗi của chúng ta thì khi chết, Chúa đã gánh chịu hết cả rồi....

Lời dạy dỗ thật đơn giản và một sự tha tội cũng thật đơn giản đã được ban ra bằng giọng điệu hầu như là công thức. Nói xong, ông tu sĩ già ngoại quốc kia lại đưa cánh tay lên và lẩm nhẩm mấy lời cầu nguyện bằng tiếng La-Tinh.

- Thôi, cứ yên tâm và đi đi!

Suguro đứng dậy, tiến ra phía cánh cửa căn phòng. Tại sao chỉ cần làm một hành vi nhỏ nhặt như thế này mà người ta được tha thứ tội lỗi? Suguro còn nhớ lời của ông tu sĩ bảo là tội lỗi của chúng ta Chúa đã chuộc cho bằng cách gánh hết trên lưng mình khi ngài chết đi. Đầu gối Suguro hãy còn hơi đau, chắc vì đã phải quì quá lâu. Anh có cảm tưởng đằng sau lưng mình, một cặp mắt buồn bã đang chăm chú nhìn theo. Cặp mắt ấy còn buồn bã hơi cả đôi mắt của con cưỡng nằm chết trong bàn tay anh ngày nào.

- Chào, chào, chào...

- Con nói nhanh thế thì con nhồng làm sao học được.

Suguro từ trên giường dích đôi dép trên sàn nhà, xỏ vào chân, cùng cậu con trai đi ra ngoài bao lơn nơi có đặt cái lồng của con nhồng rồi hai người ngồi sụp xuống bên cạnh. Con vật hơi nghiêng đầu như thể ngạc nhiên, nghe ngóng những gì cậu bé nói.

- Này, chào đấy nghe. Chào, nói đi!

Chiếc lồng chim trùm lưới sắt trông sao giống như căn phòng xưng tội buổi tối ngày nào. Giữa mình và người tu sĩ ngoại quốc già nua kia cũng có một tấm lưới sắt được dựng đứng lên. Rốt cuộc, hôm ấy mình đã không nói được điều đó. Mình không thể nói.

- Nói thành tiếng đi mày. Không chịu nói hở, cái con nhồng này!

Nghe tiếng của con, vợ anh ngạc nhiên quay lại nhìn:

- Chắc nó không nói được, đó con!

Suguro ngượng ngập cúi đầu. Vừa lúc ấy, có tiếng gõ cửa rồi một khuôn mặt đàn bà trắng trẻo nhìn vào. Đó là Yasuko, em họ của vợ anh.



3



- Em xin lỗi nhiều lắm nghe. Cứ nói đến thăm anh, đến thăm anh...mà không làm. Chồng em ảnh cũng mắng em vì chuyện đó đấy!

Yasuko mặc một chiếc kimono kiểu Ôshima màu trắng khoác haori có vân nhỏ, đặt xách tay ngang tầm đùi, cùng ngồi xuống ghế với chồng và nói như thế.

- Có đem chút quà mọn, anh chị dùng lấy thảo.

Quà của nàng đem đến là một hộp bánh nướng của hiệu Izumiya. Đó là loại bánh trái nổi tiếng ngang hàng với loại bánh bông lan của tiệm Nagasakiya mà khách đến thăm bệnh hay chịu ơn ai hầu như đều mua để biếu xén.

Suguro nghĩ bâng quơ. Giống như loại bánh nướng đó, khuôn mặt của chồng Yasuko – ông công chức Vụ Kế Hoạch Bộ Kinh Tế kia – đang biểu lộ tình cảm của một người đi viếng thăm bà con đang bệnh vì nghĩa vụ. Lỡ mình có chết, Suguro thầm nghĩ, anh ta sẽ đi dự đám ma, cũng đeo băng tang đen trên cánh tay chớ chẳng phải không. Thế nhưng khi vừa về đến nhà, anh ta sẽ tức tốc nhờ bà vợ Yasuko rải muối lên người để xả xui ngay trước cửa vào cũng không chừng!

- Em thấy sắc mặt của anh coi bộ khá ra đấy. Lần mổ này chắc không sao. Nhất định mà, không có chuyện gì rủi ro xảy đến cho anh đâu. Cứ nghĩ là năm tuổi nó tới sớm, mình thanh toán vận hạn trước cho xong là được.

Nói xong, Yasuko quay qua phía người chồng ngồi bên cạnh, như thúc giục một sự đồng tình:

- Phải không mình!

- Ờ ờ!

- Ông chồng em đây xưa nay vì chưa biết bệnh tật là gì, ngược lại, mới nguy hiểm. Mượn cớ họp hành kia nọ, ảnh cứ tiệc tùng thâu đêm liên tiếp. Bệnh mà đổ ra là hết cách. Riêng anh nhà đây, trái lại, mới là người sống dai. Mình cẩn thận cho em, mình nghe!

- Ờ , ờ!

Chồng của Yasuko miệng ờ ờ chấm câu, tay thò vào túi lấy gói thuốc lá hiệu Peace. Mắt anh ta chợt bắt gặp ánh mắt của Suguro trong một giây, bèn cất nó vào.

- Hút đi chớ. Không sao mà!

- Dạ không.

Anh chồng hơi bối rối, lắc đầu.

Yasuko và vợ Suguro bắt đầu nói những chuyện giữa đàn bà với nhau.Toàn là chuyện về những người bạn thời xa xưa của họ mà Suguro lẫn anh chồng của Yasuko hình như đều không quen biết. Hết chuyện cô này bà nọ lấy ai và đang sống vùng nào, qua chuyện một người thầy dạy môn vũ cổ điển định khai trương và sắp sửa một cuộc trình diễn ở đâu đó để chiêu mộ học trò. Hai người đàn ông bị đặt bên lề cuộc đối thoại không biết làm gì hơn là nhìn nhau một cách bâng quơ trong im lặng.

- Cái obi em mang dễ thương quá đấy nhé, Yasuko.

- Đâu có chị. Thắt lưng này, đồ rẻ tiền mà.

Trên nền áo kimono Ôshima màu trắng, Yasuko quấn một chiếc obi đỏ tươi.

- Màu đỏ như vậy hợp với em lắm. May ở tiệm nào?

- Mitsudaya đằng Yotsuya ... đó chị!

Người vợ của Suguro ít khi ăn nói kiểu châm biếm như thế. Anh biết rằng nàng thường xem việc đeo obi màu này kiểu này kém thanh nhã nhưng cớ sao hôm nay cô ta lại dối lòng đi khen khéo Yasuko. Anh nghĩ một lý do có thể là ngày nay nàng không có trong tay loại obi như thế nữa. Từ hồi lấy nhau đến giờ, nàng đã mất dần, hết kimono và obi này đến kimono và obi khác.Trong thời gian ba năm anh nằm nhà thương, Suguro để ý là nàng đã lặng lẽ bán lần hồi mấy tấm kimono của mình. Nhưng khi phát hiện ra rằng không phải chỉ vì lý do đó mà người vợ mới có giọng điệu châm chọc, Suguro chợt giật bắn.

Cái obi màu đỏ của Yasuko làm Suguro nghĩ đến màu máu. Ngày anh đưa cô nàng đến một bệnh viện sản khoa ở Setagaya, máu đã bắn đầy lên cái áo của ông bác sĩ khám nghiệm cô. Máu đó là máu của Yasuko chứ chẳng của ai khác. Nói đúng hơn, trong giòng máu đó còn có một phần máu của anh nữa. Nó là máu của một vật thể mà anh và Yasuko đã cùng nhau tạo ra.

Hồi đó, vợ Suguro nằm ở khoa sản ở bệnh viện anh đang chữa trị. Không phải để đợi ngày sanh mà để đối đầu với nguy cơ đẻ non rất nguy hiểm nên nàng phải nhập viện gần nửa tháng. Cứ như thế, đứa bé con anh đã sinh ra nhưng chỉ nặng chưa đầy bảy trăm gam và phải được nuôi trong lồng kính. Bác sĩ phải tiếp tục chích kích thích tố cho vợ anh trong một thời gian dài.

Vì thuở đó, Yasuko hãy chưa chồng, cô thường xuyên đến thăm người chị họ. Quà cô đem đến thời đó là bánh kem Bavarois chứ không phải bánh nướng hiệu Izumiya như bây giờ. Cô vứt đi mấy loại hoa màu lộn xộn cắm trong bình nơi phòng người bệnh và thay vào đó bằng những đóa hoa hồng. Chỗ cô đang học vũ là khu Samon-machi vốn ở gần nhà thương nên sau khi tập tành, trên đường về, cô thường ghé bệnh viện, thật là tiện lợi.

Khi tiếng chuông báo hiệu giờ thăm viếng đã chấm dứt, Suguro kéo cao cổ áo khoác, sánh vai Yasuko bước ra ngoài. Quay đầu nhìn lại, khu sản khoa của nhà thương trông giống như một con tàu nằm im trên bến cảng trong bóng đêm. Qua những cánh cửa sổ nhỏ, đã thấy anh đèn của các gian phòng từng cái một.

- Bây giờ, anh một mình về nhà rồi lại một mình nấu cơm ăn chứ gì? Tội nghiệp anh quá! Nhà không có cô giúp việc nào, phải không anh?

Đầu rụt vào trong tấm khăn san, Yasuko đã có thể nói một câu như vậy.

- Biết làm sao! Đi mua mấy thứ đồ hộp trên đường về vậy.

- Nếu thế thì... em đến sửa soạn cho anh bữa cơm chiều nhé! Có chịu không?

Giờ mà nghĩ lại Suguro không thể nào phân biệt rõ ràng là mình đã bước một bước trước để dụ dỗ Yasuko hay ngược lại, chính nàng làm như vậy để dụ dỗ anh. Thế nhưng, chuyện đó mà có thì cũng chẳng đáng bàn. Mối quan hệ giữa hai người, không biết phải chăng là do tình yêu và sự cô đơn đã kết hợp với nhau để sinh ra, đã bắt đầu tự ngày ấy. Khi Suguro kéo giật cánh tay của Yasuko, người con gái dường như đợi sẵn, đôi mắt mở lim dim và người xiêu hẳn về phía anh. Hai người đã ngả chồng và đan lấy nhau trên chiếc giường mà vợ Suguro đem từ nhà cha mẹ về hồi họ mới cưới. Khi mọi việc xong xuôi, Yasuko đã ngồi trước tấm kính bàn trang điểm của vợ anh, vươn hai cánh tay trần và ngẩng đầu lên lên để sửa lại mái tóc rối.

Thế rồi nhằm cái ngày trước hôm vợ anh nhập viện trở lại và lần này để thực sự sinh con, Yasuko đã sợ hãi đến báo tin cho Suguro:

- Anh ơi, hình như em có mang. Làm sao bây giờ?

Anh ta lúc đó có một khuôn mặt thật khó thương và đã nín thinh.

- Thôi, em biết rồi. Anh sợ, có phải không? Đúng là sợ chớ gì! Đâu dám nói em cứ đẻ đi!

- Không phải vậy đâu, nhưng mà...

- Hèn quá. Anh thật khiếp nhược!

Nói đến đó, nàng bắt đầu cất tiếng khóc.

Sau khi vợ anh nhập viện, Suguro cảm thấy hụt hẫng, cứ ngồi chết lặng trong căn phòng 6 chiếu trong nhà. Ánh nắng hướng tây từ cánh cửa sổ bằng kính rọi lên trên hai cái giường. Một trong hai cái giường ấy là giường người vợ, nơi hôm nào anh và Yasuko đã ngả chồng lên nhau quấn quít.Trên một góc của mảnh chiếu nơi ánh nắng chiều rọi xuống, Suguro bất chợt nhận ra có một vật gì màu đen và nhọn tựa một cây kim đang lấp lánh. Một cái kẹp tóc đàn bà. Cái kẹp ấy là của vợ anh hay là vật hôm đó Yasuko đánh rơi, anh không biết nữa. Thế nhưng, Suguro đã đặt cái vật đen đen nhỏ bé ấy vào lòng bàn tay một hồi lâu và đăm đăm nhìn nó.

Nhờ một người bạn cũ thời trung học mách nước, Suguro đã đưa Yasuko tới cái bệnh viện nhỏ chuyên về sản khoa trong khu Setagaya. Anh không biết phải dùng chữ gì khi hỏi thăm người ta, phá thai hay trục thai đây. Một người không rành chuyện đời cho mấy như anh thì chọn được đúng chữ quả là một việc khó khăn.

- Ông bà là vợ chồng?

Khi người nữ khán hộ có nhiệm vụ tiếp khách mở cánh cửa kính tò vò để đặt câu hỏi, Suguro chỉ biết giữ im lặng, khuôn mặt căng thẳng. Bên cạnh anh, có tiếng Yasuko trả lời rõ mồn một:

- Vâng, đúng thế!

Sau khi Yasuko cùng với người nữ khán hộ đi khuất, Suguro vừa ngồi co ro trong căn phòng đợi nhỏ bé và lạnh lẽo, hồi tưởng lại nét mặt của Yasuko khi nàng thốt ra cái câu trả lời rành rọt, không chút chần chừ: “Vâng, đúng thế!”.

Mấy con dán đang bò trên bức tường của gian phòng đợi. Tường lại có những vệt ố to như bàn tay. Suguro lật mấy trang một tờ tạp chí cũ nhàu nát đặt lên đùi trong một khoảng thời gian khá lâu, dĩ nhiên đầu óc dĩ nhiên nghĩ vẩn vơ về mấy chuyện khác. Anh thừa nhận rằng là người từ bé đã chịu phép rửa tội theo đạo Công giáo, anh không thể chấp nhận một hành động gọi là trục thai. Tuy nhiên bây giờ hành vi này cũng như chuyện tình cảm xảy ra với Yasuko đang đùn anh vào thế kẹt. Anh tưởng tượng đến khi tất cả vỡ lỡ ra, vợ anh và gia đình anh đều biết.Vì hạnh phúc gia đình, anh muốn nhắm mắt làm ngơ trước mọi chuyện. Mãi một lúc sau thật lâu, Suguro mới thấy dáng người bác sĩ già mở cửa bước vào nhưng trên chiếc áo choàng làm việc của ông, có những tia máu bắn nghiêng dính lên, chắc là máu Yasuko. Bất chợt, anh đưa mắt nhìn qua chỗ khác.

- Mấy hôm trước, tụi em đi Izu mới về. Không phải để tắm suối nước nóng đâu nhé. Em đi theo để xách đồ đánh “gôn” cho cái anh này đó. Anh chị có để ý dạo sau này em béo ra không? Chồng em cứ khuyên, thôi, em học đánh “gôn” đi. Thời buổi này, vụng về cách mấy ai cũng chơi “gôn” nên em bắt chước người ta!

Người vợ của Suguro lần nữa lại nở nụ cười cố hữu, lắng nghe câu chuyện của cô em họ. Ông anh vợ có lần kể cho Suguro hay rằng từ ngày con gái, Yasuko và Yoshiko, người vợ của anh, luôn luôn có thái độ tỵ nạnh với nhau Hai người cùng đi học vũ cổ điển nhưng đến lúc ra trình diễn, sau khi vợ anh múa điệu Tamaya, Yasuko đã bật khóc vì chỉ được thầy cho múa điệu Sagimusume kém đẳng cấp hơn. Cho nên giờ đây, khi đưa ra đề tài chơi “gôn”, nhất định cô đang muốn so sánh ông chồng bệnh hoạn của bà chị với người chồng khoẻ mạnh của mình. Còn ông chồng ấy thì vẫn ngồi đối mặt với Suguro và thái độ không tỏ ra có gì thay đổi. Anh ta chẳng nói chẳng rằng, nếu không muốn bảo là có vẻ như đang muốn cuộc viếng thăm vô vị này chấm dứt cho nhanh.

- Ông bà là vợ chồng?

- Vâng, đúng thế!

Từ sau câu hỏi và câu trả lời cũng như nét mặt thản nhiên của Yasuko trong cái bệnh viện sản khoa nhỏ bé ấy, Suguro còn được gặp lại cô nàng một lần nữa, vào dịp cô kết hôn.

Tiệc cưới được tổ chức ở khách sạn P.. Trước cửa ra vào, cô dâu chú rể đứng xen giữa ông mai bà mối để lần lượt cúi đầu chào khách đến dự. Theo dòng người, khi đến lượt vợ chồng Suguro đi ngang qua trước mặt họ, ánh mắt của anh và Yasuko, lúc đó trong bộ y phục tuyền trắng của nàng dâu, đã gặp gỡ nhau nhưng đôi mắt của cô chỉ mở lim dim như mắt một pho tượng Phật. Nó chăm chắm nhìn vào anh. Thế rồi, cô khẻ lặng lẽ cúi đầu.

- Chúúc mừừng cô chúú...

Suguro lí nhí nói không thành tiếng. Lúc ấy, một lần nữa, bức tường ngôi bệnh viện sản khoa ở Setagaya và cái choàng trắng của ông bác sĩ dây máu Yasuko lại hiện ra trong trí anh như những cái bóng lung linh. Chàng rể vẫn chắp hai tay phía trước và đứng thẳng không động đậy chẳng khác một người nộm. Dĩ nhiên Suguro đoan chắc rằng gã đàn ông này không hề biết gì về sự việc đã xảy ra.

Khi tiệc tùng đã vãn, Suguro và vợ rời thềm khách sạn, lúc ấy không còn một bóng người. Khi họ đang chờ một chiếc taxi trống chỗ để bắt, vợ anh lẩm bẩm như đang nói một mình:

- “Con bé Yasu” chắc thở phào...

- Ừ, phải rồi, lấy vợ lấy chồng xong xuôi là đánh dấu một giai đoạn quan trọng...

Tuy trả lời bằng một câu nói hầu như thông thường nhưng giọng của Suguro có vẻ ràn rạn. Đột nhiên, anh nghe:

- Mọi sự đều đã được giải quyết êm đẹp. Kể cho cả anh ....cho cả chúng mình nữa...

Chân Suguro khựng lại, anh quay lại nhìn trộm vợ. Không hiểu vì sao, trên khuôn mặt của nàng, nụ cười mỉm đang từ từ tỏa nhẹ. Thế rồi, nàng nhanh nhẹn chui vào chiếc taxi vừa trờ tới đậu lại trước mặt họ.

(Ôi chao, cái con ranh này, sao nó biết tài thế!). Đặt người xuống nệm xe, trong chốc lát, hai người không trao đổi thêm với nhau một câu nào. Nụ cười của người vợ vẫn còn thoang thoảng trên môi. Anh muốn đọc ý nghĩa của nụ cười ấy. Duy anh chỉ chắc chắn có một điều là từ rày về sau, vợ anh sẽ không bao giờ nhắc đến câu chuyện hôm nay thêm một lần thứ hai.

- Giải phẩu xong, trăm sự đâu lại vào đấy thôi, anh ạ! Nhưng em phục “chị Yoshi” quá thể. Suốt ba năm trời, chị phải luôn luôn chăm sóc cho anh.

Yasuko quay đầu về hướng giường Suguro nằm:

- Anh mà được ra khỏi nhà thương, nhớ cưng chị cho thật nhiều không thôi bị phạt đó nghe!

- Ô, phạt thì đã bị phạt rồi còn gì!

Suguro ngẩng đầu nhìn trần nhà, húng hắng ho:

- Cứ thấy đây thì biết.

- Lại ăn nói kiểu đó nữa!

Yasuko cố tình nói to lên và cười.

- Em nói với chồng em hoài. Này, có đúng thế không, mình? Có phải em cứ nói sao mà “chị Yoshi” tội nghiệp quá thể, đúng không?

- Chắc không đến nỗi vậy đâu, em. Em không thấy chị ...khờ khạo hay sao?

Ba người mỗi người một câu nói với những cái gai nhọn họ muốn dấu đằng sau ý nghĩa ngoài mặt của nó. Chỉ có mỗi anh chồng của Yasuko thì chẳng hiểu gì – hai bàn tay đặt trên đùi, ngón cái đưa lên hạ xuống – làm như chán ngán vì bị bắt ngồi lâu.

- Có lẽ mình cũng phải xin kiếu anh chị mà về thôi. Để người bệnh mệt là không nên.

- Vâng, đúng rồi. Em xin lỗi đã không để ý để tứ gì cả!

Mấy chữ “không để ý để tứ” mà Yasuko vừa thốt ra một cách vô tâm lại làm cho lòng Suguro đau điếng. Câu nói đó đã đủ tóm tắt được nội dung cuộc nói chuyện tay tư. Người chồng của Yasuko cũng “không để ý để tứ”. Ba người còn lại thì làm ra vẻ “không để ý để tứ” nhưng đều không mở miệng nói ra điều đó mà thôi. Chỉ với một việc này, họ dường như vì anh và cũng vì họ mà muốn tự đánh lừa.

- Chào, chào...

Ngoài bao lơn, đứa trẻ vẫn còn đang hướng về phía con nhồng và tiếp tục dạy cho nó nói:

-Nói đi, nhồng! Không chịu nói sao, hở mày?



4



Hôm đó, chỉ còn ba hôm nữa sẽ đến ngày giải phẩu. Cuộc sống cho đến bữa ấy vẫn yên tĩnh bỗng bận bịu hẳn ra. Các cô khán hộ theo anh suốt buổi, hết đo sức hô hấp và cơ năng làm việc của hai lá phổi lại lấy máu nhiều lần để xét nghiệm. Không những họ muốn biết loại máu mà còn muốn xem máu tuôn ra từ thân thể của Suguro khi ở trên bàn mổ phải mất bao nhiêu lâu mới đông lại được.

Lúc đó nhằm thượng tuần tháng 12. Vì lễ Giáng Sinh đã gần kề, trong giờ nghỉ trưa, tiếng tập hợp xướng của các cô nữ sinh trường khán hộ phụ thuộc bệnh viện vang đến tận khu vực bệnh nhân nằm. Mỗi năm, trong nhà thương này, có thông lệ là trong đêm Giáng Sinh, các cô khán hộ đến giúp vui cho các em bé đang được chữa trị trong khu nhi khoa.

- Giải phẩu lần này chỉ cần chuẩn bị như mọi lần thôi cũng đủ, phải không bác sĩ?

Suguro hỏi thăm người thầy thuốc trẻ đang ghé qua căn phòng. Người trực tiếp cầm dụng cụ mổ cho anh phải là một vị giáo sư nhưng anh bác sĩ này chắc chắn sẽ phụ giúp ông ấy.

- Như ông thì quá quen với việc mổ xẻ rồi. Lần này không có gì phải sửa soạn đặc biệt đâu!

- Lần trước tôi như con cá rút xương...

Bệnh nhân thường diễn tả như vậy khi nói đến việc họ bị cắt xương trên ngực.

- Còn lần này, mất đi lá phổi trái chắc thành đi tàu bay một cánh quá!

Người bác sĩ trẻ chỉ biết cười gượng gạo rồi đưa mắt nhìn ra ngoài cửa sổ.Tiếng hợp xướng mừng lễ Giáng Sinh từ bên ngoài tràn qua cửa sổ âm vang rộn ràng làn điệu một khúc dân ca:



Một tiếng còi xe hỏa hú,

Đoàn tàu đã đưa mình rời khỏi ga Shinbashi ...



- Xác suất thành công độ bao nhiêu, bác sĩ?

Mắt vẫn không rời người đối thoại, đột ngột Suguro bật ra câu hỏi:

- Tôi muốn hỏi kỳ giải phẩu lần này, liệu tôi có qua nổi không?

- Sao bây giờ ông lại ăn nói bi quan như vậy! Không sao đâu mà.

- Thật không hở bác sĩ?

- Ờ, thật chứ ....

Thế nhưng lúc đó, giọng của người bác sĩ nghe có vẻ chần chừ xen lẫn ngượng ngùng.

- Thật mà.



Hakone, ngọn đèo chớn chở,

Hàm Cốc Quan nào có sánh bằng...



Tôi chưa muốn chết. Không, tôi không muốn chết. Cho dù cuộc giải phẩu lần thứ ba này có cực khổ đau đớn đến đâu, tôi cũng không muốn chết. Tôi hãy còn chưa hiểu gì về cuộc đời và ý nghĩa của nó. Tôi là đứa làm biếng, lười chảy thây, đang tự dối mình. Kỳ thực, người ta một khi đụng đến một con người khác thì không chỉ đụng chạm sơ qua mà thôi. Tôi đã hiểu là nhất định nó sẽ để lại dấu vết. Nếu tôi không đụng chạm tới họ, con người ấy biết đâu sẽ chẳng có một cuộc đời khác. Ví dụ như trường hợp của vợ tôi, của Yasuko.

- Tao muốn sống chứ. Tao...

Sau khi người bác sĩ đi khỏi đó, Suguro hướng về phía con nhồng mới được đem từ ngoài bao lơn vào trong phòng mình và hạ giọng nói với nó như thế. Tấm giấy báo lót trong lồng giờ đã dây bẩn phân chim. Những mẩu nhỏ của mấy viên thực phẩm làm mồi cho nó còn sót lại, vương vãi. Con nhồng hình như đang thu tròn cái thân thể đen nhánh, đôi mắt của nó buồn bã, nhìn đăm đăm về phía Suguro. Cái mỏ màu xanh xám quằm quặp kia trông sao mà giống cái mũi ông tu sĩ ngoại quốc. Khuôn mặt của nó có cùng một dáng điệu với ông ta, lúc đang phả hơi thở nồng mùi rượu vào mặt anh. Và giữa ông thầy tu ấy với Suguro cũng được ngăn cách bởi một cái lưới bằng kim loại.

Chuyện của mình với Yasuko, không thể nào làm khác hơn. Việc đưa cô ấy đi bệnh viện sản khoa cũng vậy, chẳng tìm ra cách giải quyết khác. Có gì gọi là tội lỗi! Hành động này chỉ liên quan tới Yasuko và mình thôi, chấm dứt ở đó. Chỉ có điều là nó đã khơi dậy những vòng sóng, từ một thành hai, hai thành ba. Mọi người đều đã cùng nhau lấp liếm.

Con nhồng gục đầu im lặng như thể đang ngóng tai nghe điều anh nói. Giống y cái cảnh ở trong phòng xưng tội, ông tu sĩ cũng đã ngồi im lặng, đầu quay ngang về phía anh như thế.

Đột nhiên con nhồng bay vụt từ thanh ngang dưới lên thanh ngang trên và lúc đó nó rùng mình một cái, để rơi xuống một cục phân tròn.

Đêm xuống. Trong hành lang, tiếng chân của mấy bác sĩ và nữ khán hộ trực ban ghé thăm tình hình của bệnh nhân nghe xa, xa dần.

- Không có gì lạ chứ?

- Vâng, không ạ!

Ánh sáng những chiếc đèn bấm họ cầm trong tay di động dọc theo bức tường tối của gian phòng con bệnh. Trong chiếc lồng chim che bằng khăn vải, con nhồng lục cà lục cục gây ra vài tiếng động.

Một vòng sóng sinh ra một vòng sóng khác, cứ thế mà thêm một vòng thứ ba. Người đầu tiên ném hòn đá xuống mặt nước để gây ra vòng sóng đầu tiên là mình. Rồi lần này, nếu mình chết trong khi giải phẩu thì những vòng sóng chắc sẽ tỏa rộng ra và lan mãi, hết đợt này đến lượt khác. Hành động của con người không thể nào tự nó kết thúc. Mình đã khiến cho những người chung quanh cùng nhau tạo ra một sự đánh lừa. Nhưng nếu trong bệnh viện người ta tìm cách xóa đi cái chết của một con người thì giữa ba con người này, suốt cuộc đời, dù có muốn đánh lừa cũng không sao xí xóa được tất cả.

(Còn ba hôm nữa là đến ngày giải phẩu rồi. Nếu mà mình qua khỏi, chắc sẽ được ăn thêm một cái Tết trong bệnh viện nữa ấy nhỉ)

Bởi vì Tết năm nay, Suguro tròn 40 tuổi. Lòng sẽ không còn gì để nghi ngờ nữa. “Tứ thập nhi bất hoặc” kia mà!

Sau đó, Suguro nhắm mắt lại và cố dỗ giấc ngủ.



5



Buổi sáng hôm giải phẩu đã tới. Trong khi khu bệnh viện hãy còn tối, Suguro đã được các cô khán hộ đánh thức. Đêm hôm trước, họ cho anh uống mấy liều thuốc ngủ Himinar nên anh cảm thấy hơi nặng đầu.

Sáu giờ rưỡi, họ cạo lông ngực nơi phải mổ, bảy giờ rưỡi, súc cho sạch ruột. Đến tám giờ, họ đánh thuốc mê đợt đầu bằng cách tiêm Pansco và cho anh uống thêm ba viên thuốc khác màu trắng.

Vợ anh và mẹ của cô đẩy nhẹ cánh cửa phòng, cô nhìn vào bên trong và khe khẻ nói:

- Hình như anh ấy hãy còn đang tỉnh ...

- Bộ khùng sao. Có chừng này thuốc làm gì đã ngủ được. Đâu phải lính mới tò te.

- Thôi, anh đừng nói nhiều không tốt.

Bà mẹ vợ của anh khuyên can, dáng lo lắng.

- Con nằm yên một chỗ thôi nhé!

Con bé Yasuko chắc đã quên béng hôm nay là ngày mình phải lên bàn mổ. Có lẽ cô nàng vẫn với mái tóc có chiếc kẹp như làm bằng kim loại đang bận pha cà phê hay làm món gì đó cho đức ông chồng nhân viên Vụ Kế Hoạch của Bộ Kinh Tế.

Hai người nữ khán hộ trẻ xuất hiện với chiếc băng ca:

- Nào, ông Suguro, mình đi thôi!

- Các cô chờ cho một chút.

Thế rồi, anh ta quay lại nói với vợ:

- Mình đem con nhồng ngoài lan can vào đây hộ. Để tôi còn nói mấy câu chia tay với nó nữa chứ!

Người chung quanh ai nấy đều mỉm cười trước câu nói khôi hài của anh.

- Vâng, vâng!

Người vợ đem chiếc lồng chim vào phòng. Từ trong lồng, con nhồng hướng về Suguro và nhìn anh với đôi mắt buồn bã của nó. Cái chuyện tao không thể nói cho ông linh mục trong phòng xưng tội, tao chỉ nói được với mày. Dù không hiểu gì cả, mày đã nghe tao thú thật chuyện đó.

- Thôi được, tôi sẳn sàng rồi!

Suguro được dìu lên băng ca, mặt ngửa lên trời. Xe băng ca chuyển động, cút kít đi về hướng hành lang.Vợ anh bước song song bên cạnh, cho tay kéo giữ lại tấm chăn len đang chực rơi.

- Ông Suguro đấy à. Gắng chiến đấu nhá!

Đằng sau anh, có tiếng ai gọi như thế.

Nhìn phải, nhìn trái, anh thấy những căn phòng bệnh nhân và phòng làm việc của nữ khán hộ dạt ra hai bên. Sau khi đi qua khỏi khu nhà bếp, người ta đẩy anh vào bên trong thang máy.

Chiếc thang máy lên tới lầu năm, xe băng ca vẫn tiếp tục cút kít tiến lên trong hành lang đầy mùi thuốc khử trùng. Ở trước mặt nó là căn phòng mổ, cửa đóng chặt.

- Bà Suguro ạ, bà chỉ được phép đến đây thôi!

Ngưòi nữ khán hộ thông báo cho vợ anh. Bởi vì từ chỗ này, không một người nào trong gia đình được đi tiếp.

Vẫn nằm ngó lên không, Suguro đưa mắt nhìn vợ. Trên gương mặt hom hóp đi của nàng, nụ cười nhẹ cố hữu lại thoáng hiện. Khi có một chuyện gì xảy ra, hầu như lúc nào nàng cũng nở nụ cười ấy.

Vào đến phòng mổ, Suguro phải cởi áo ngủ, đôi mắt liền bị che. Sau khi được đặt nằm trên chiếc bàn mổ, có mấy cánh tay kéo tấm vải vừa mới được phủ lên người anh gắn vào những cái móc. Họ lại đắp chăn nóng ấp chân anh chắc muốn giúp huyết quản nở rộng để tiếp máu vào cho dễ. Anh nghe có tiếng lách cách hình như là của mấy thứ dụng cụ kim loại chạm vào nhau.

- Ông biết cách thức dùng thuốc hơi gây mê rồi chứ?

- Vâng ạ!

- Vậy chúng tôi đặt ống vào miệng ông nhé!

Mùi cao su xông lên mũi Suguro và cả miệng lẫn mũi anh đều bị cao su trùm kín.

- Ông lập lại đúng như chúng tôi đếm đi!

- Vâng!

- Môột.

- Môột

- Haai.

- Haai.

Trong đầu anh, khuôn mặt và đôi mắt người vợ hiện ra. Coi bộ con bé này nó đã biết hết mọi chuyện. Có điều là nó đang chờ đợi mọi sự lắng xuống cho đâu vào đấy thôi. Không biết tự hồi nào mình đã biến nó thành một người hay tự dối lòng như thế.

- Naăm.

- Naăm.

Thế rồi đầu óc Suguro nhòa nhạt đi, không còn ý thức gì nữa.

Anh cảm thấy chỉ có một hay hai phút trôi qua từ lúc bước vào cơn mê cho đến khi mở mắt. Thực ra, phải đến đêm hôm đó, anh mới từ từ thoát khỏi ảnh hưởng của thuốc gây mê.

Trong đầu anh lúc ấy gương mặt của người bác sĩ trẻ trồi lên. Có cả nụ cười nhẹ cố hữu của người vợ.

- Ồ, ... chào mọi người.

Anh định khôi hài một chút nhưng lại rơi nhanh vào giấc ngủ sâu. Khi mở mắt lại lần thứ hai thì đã gần 4 giờ sáng.

- Ồ, ... chào mọi người.

Anh chào lần nữa nhưng không thấy bóng dáng vợ mình đâu cả. Mỗi người nữ khán hộ đang bạo tợn quấn cái băng vải đen của máy đo huyết áp trên cánh tay mặt của anh để xem sức ép của máu thế nào. Mũi của anh được đặt ống cao su dưỡng khí để thở và dưới chân có gắn kim tiêm tiếp máu vào người. Lồng ngực bên trái là hai cái lỗ đen ngòm. Chúng được nối với bên ngoài bằng nhiều ống làm bằng sợi vinyl. Suguro nghe tiếng máy đang đẩy liên tục những giọt máu ứa từ trong người anh qua những ống nhựa ấy vào một cái bình thủy tinh. Anh thèm uống nước không thể tả.

- Nước... cho miếng nước!

- Không được đâu.

Anh nghe tiếng chân của người vợ đi sửa soạn túi nước đá để chườm vừa bước trở vào gian phòng.

- Nước, cho nước!

- Bố ráng nhịn một chút.

- Mổ mất mấy giờ hở em?

- Mất sáu giờ.

- Làm phiền mọi người quá!

Anh muốn nói một câu tạ lỗi như vậy nhưng không đủ sức.

Suguro thấy trong lồng ngực của mình như có nhồi một tảng đá lớn. Thế nhưng cái đau đớn về thể xác như vậy, anh đã quá quen.

Một vệt sáng nhạt lộ qua khung cửa sổ. Khi biết bình minh sắp đến, lần đầu tiên Suguro mới ý thức mình vừa tai qua nạn khỏi và nghĩ đi nghĩ lại là hãy còn may mắn. Tự dưng lòng anh bỗng vui rộn ràng.

Tuy vậy, máu vẫn ứa ra và lẫn vào nước bọt. Thông thường tình trạng này sẽ chấm dứt hai ba hôm sau khi mổ xong và đó là chứng cớ máu từ vết thương trong phổi đã ngừng tuôn ra. Thế mà mãi năm hôm sau, trong nước bọt của Suguro vẫn còn dây dưa chút máu. Ngoài ra, khổ hơn nữa là cơn sốt chưa hạ.

Nhiều bác sĩ lần lượt thay nhau vào phòng theo dõi bệnh tình anh, khi bước ra, họ thầm thì to nhỏ ngoài hành lang. Suguro biết ngay ít nhất họ đang nghi ngờ là phân nhánh khí quản của anh có thể hở ra và ròrỉ. Trong trường hợp đó, vi khuẩn sẽ vào khí quản làm nó bưng mủ, cần mổ đi mổ lại nhiều lần nữa. Các bác sĩ bèn tức tốc tiêm thêm thuốc kháng sinh và bắt đầu cho anh uống Irotycin.

Đến tuần thứ hai, máu không còn vướng vào đờm dãi nữa. Sốt cũng có hạ xuống đôi chút.

- Bây giờ chuyện đã qua tôi mới nói ông nghe...

Vị giáo sư kéo ghế ngồi xuống bên giường Suguro và vui vẻ lên tiếng...

- Ông may mắn lắm đấy. Kỳ rồi, toàn gặp những chuyện ngặt nghèo...

- Ngay giữa lúc giải phẩu, thưa giáo sư?

- Vâng. Giữa khi mổ, tim ông có ngưng đập vài giây. Lúc đó chúng tôi phải phản ứng thật nhanh. Nhưng mạng ông còn to lắm, ông ạ.

Người bác sĩ trẻ đứng bên cạnh cũng cười và góp lời:

- Chắc ngày thường, ông Suguro ăn ở biết tu nhân tích đức!

Một tháng sau, vin vào đoạn giây mắc quanh thành giường, rốt cuộc Suguro đã có thể ngồi dậy. Hai chân bày ra xương xẩu, bảy cái xương sườn và một bên phổi không còn nữa. Suguro bất giác đưa bàn tay gầy guộc vỗ về cái thân thể thảm hại của mình.

- Ừ nhỉ, thế cái con nhồng của tôi đâu?

Trong suốt thời gian chiến đấu chống trả bệnh tật, Suguro quên khuấy con vật mà anh đã gửi ở phòng trực của các cô khán hộ để họ chăm sóc.

Người vợ cúi gầm:

- Nó chết rồi!

- Tại sao lại chết?

- Chẳng qua là các cô khán hộ lẫn em đều không có thời giờ ngó ngàng tới con nhồng. Vẫn đem mồi cho nó ăn đàng hoàng nhưng nhằm hôm trời lạnh gắt, mọi người lại để quên nó ngoài bao lơn mà không đem cất lồng chim vào phòng.

Suguro ngồi thừ người một lúc, không nói gì.

- Em xin lỗi anh vậy. Nhưng em có cảm tưởng là nó đã chết thế cho anh...Em đã đem xác nó về nhà mình và chôn cất ngoài vườn.

Chuyện nói trên có xảy ra cũng chẳng có gì làm lạ. Đương nhiên, làm sao vợ anh có thể thong thả để tâm mà lo lắng cho một con chim!

- Còn cái lồng?

- Vẫn để ngoài bao lơn.

Đầu óc hoa lên nhưng Suguro gượng nén, xỏ chân vào đôi dép dưới sàn.Vừa tỳ tay vào tường, anh bước từng bước một ra đến ngoài bao lơn. Đến nơi anh mới thấy đỡ váng vất.

Bầu trời thật quang đãng. Xe hơi và xe buýt vẫn chạy xẹt qua xẹt lại trên con đường nằm bên dưới cửa sổ. Ánh sáng mùa đông nhàn nhạt chiếu lên trên chiếc lồng chim trống trải. Trong lồng, con chim chỉ còn để lại đôi ba vết tích của nó: những bệt phân trắng bám trên thành cây đu và chỗ đựng nước uống đã khô queo thành một vệt nâu. Trong cái lồng chim trống trải ấy, duy còn đọng lại một thứ mùi. Không chỉ là mùi của con nhồng nhưng còn cả cái mùi cuộc đời mà Suguro để lại. Đó là mùi hơi thở của anh khi tâm sự về đời mình với con vật bị nhốt trong chiếc lồng này.

- Từ bây giờ, mọi việc thông suốt rồi đấy, bố nhé!

Vừa đỡ cho chồng mình khỏi ngả, người vợ nói với anh như vậy.

- Đâu, đâu thế được.

Suguro dợm trả lời nhưng đã giữ lại kịp.



(Dịch xong tại Tôkyô ngày 20 tháng 3 năm 2015. Cập nhật 22/06/2015)